MỤc lục mở ĐẦU 1



tải về 1.44 Mb.
trang3/12
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.44 Mb.
#12687
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

Đánh giá tổng hợp

Xác định mức độ thích hợp của các thể tổng hợp tự nhiên

(cảnh quan) đối với các mục đích cụ thể



Đề xuất, kiến nghị sử dụng hợp lý TNTN và BVMT




Hình 2.2. Sơ đồ nội dung đánh giá cảnh quan.

Để thực hiện các nội dung của đánh giá cảnh quan, sau khi xác định mục đích, nhiệm vụ và đối tượng đánh giá thì cần thực hiện một quy trình gồm như sau:



  • Lập bảng thống kê đặc điểm tự nhiên của các đơn vị CQ và xác định nhu cầu sinh thái của các dạng sử dụng. Đây là cơ sở để lựa chọn và phân cấp chỉ tiêu đánh giá. Tuỳ thuộc vào tỷ lệ nghiên cứu mà mức độ chi tiết khác nhau. Thông thường các dữ liệu thực tế không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu vì vậy đây là một trong những bước khó khăn cần khắc phục.

  • Lựa chọn chỉ tiêu và yếu tố đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng quyết định độ chính xác của các kết quả đánh giá, vì vậy cần được nghiên cứu lựa chọn một cách khoa học và phù hợp. Thông thường chỉ tiêu đánh giá bao gồm các đặc điểm của các yếu tố khí hậu, đặc trưng của địa hình, của thổ nhưỡng. Tuy nhiên khi đánh giá cho từng ngành sản xuất hay từng loại cây trồng thì số lượng và thành phần của các chỉ tiêu lựa chọn phải phù hợp với đặc tính sinh thái của các loại cây, đặc điểm kinh tế kỹ thuật của từng ngành sản xuất và phạm vi nghiên cứu của lãnh thổ. Lựa chọn chỉ tiêu cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

+ Các chỉ tiêu lựa chọn phải có sự phân hoá rõ rệt theo lãnh thổ ở tỷ lệ nghiên cứu.

+ Các chỉ tiêu lựa chọn có sự tác động mạnh mẽ đến quá trình sinh trưởng và phát triển của đối tượng đánh giá.

+ Số lượng các chỉ tiêu lựa chọn và phân cấp đánh giá có thể khác nhau đối với các đối tượng đánh giá và còn phụ thuộc vào tỷ lệ nghiên cứu.

Trong lựa chọn chỉ tiêu đánh giá cần xác định các nhân tố giới hạn, tức là các nhân tố hoàn toàn bất lợi cho đối tượng và những đơn vị cảnh quan có chứa đựng các yếu tố này thì có thể không cần đánh giá.



  • Xây dựng thang điểm đánh giá: tức là sau khi lựa chọn chỉ tiêu thì tiến hành phân bậc các chỉ tiêu, mỗi chỉ tiêu phân ra một số bậc.

  • Đánh giá cho từng ngành cụ thể và đánh giá tổng hợp gồm đánh giá thành phần còn gọi là đánh giá riêng, đánh giá chung và đánh giá tổng hợp.

  • Mô tả phân tích các kết quả đánh giá và lựa chọn loại hình phát triển phù hợp nhất với cảnh quan, đưa ra những kiến nghị sử dụng hợp lý cảnh quan và thành lập bản đồ định hướng sử dụng hợp lý lãnh thổ nghiên cứu.

1.3. Vấn đề sử dụng hợp lý TNTN và bảo vệ môi trường

1.3.1. Một số vấn đề về sử dụng hợp lý TNTN và BVMT



1.3.1.1. Các khái niệm

  1. Nguồn tài nguyên thiên nhiên:

Nguồn TNTN là toàn bộ giá trị vật chất sẵn có trong tự nhiên: nguyên liệu, vật liệu do tự nhiên tạo ra mà con người có thể sử dụng trong sản xuất và đời sống; là những điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của xã hội loài người. Tất cả những dạng vật chất chưa được con người biết đến, khai thác, sử dụng thì chưa được gọi là TNTN mà chỉ là điều kiện tự nhiên hay môi trường tự nhiên, vì thế TNTN mang tính chất xã hội (Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam).

Nguồn TNTN luôn được mở rộng đối với sự phát triển của xã hội. TNTN có thể thu được từ môi trường tự nhiên và được sử dụng trực tiếp như: Không khí, các loài động vật, thực vật tự nhiên, …cũng có thể phải qua các quá trình khai thác, chế biến mới có thể sử dụng được như: Khoáng sản, đất đai, động, thực vật, năng lượng mặt trời, nhiệt…TNTN có thể phục hồi được như sinh vật, độ phì đất,...chúng có thể duy trì hoặc bổ sung nếu được sử dụng một cách hợp lý; có thể không phục hồi lại được như khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt…tức là bị mai một và mất đi mà không truyền lại được cho thế hệ mai sau; Một số có thể coi là vô tận như năng lượng mặt trời, sức gió, địa nhiệt…nhưng có nhiều nguồn tài nguyên sẽ bị cạn kiệt.

Con người đã khai thác quá mức và lạm dụng các nguồn TNTN làm mất khả năng phục hồi vốn có của nó như: Tài nguyên đất, tài nguyên sinh vật, nguồn nước ngầm. Diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp do bị thoái hoá, xói mòn, rửa trôi, bạc màu, gley, mặn hoá và nhiều nơi bị hoang mạc hoá. Nhiều loài thực vật, động vật bị tuyệt chủng, suy giảm đa dạng sinh học ngày càng tăng, diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp. Nhiều nơi suy giảm nguồn TNTN đã đến mức báo động.


  1. Môi trường địa lý:

Môi trường địa lý hay còn gọi là môi trường sống của con người bao gồm toàn bộ các hệ thống tự nhiên, hệ thống kinh tế xã hội do con người tạo ra, trong đó con người sống, lao động, khai thác tài nguyên để thoả mãn những nhu cầu của mình. Không chỉ là nơi tồn tại, sinh trưởng và phát triển của mọi sinh vật và con người mà còn là nơi diễn ra mọi hoạt động, vui chơi, giải trí của con người. Môi trường sống của con người có nhiều bộ phận trong đó có môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường nhân tạo. Trong thực tế ba loại môi trường này cùng tồn tại đan xen và phụ thuộc lẫn nhau tạo thành một thể thống nhất, một bộ phận thây đổi sẽ kéo theo sự thây đổi của các bộ phận khác ở những mức độ nhất định.

Bên cạnh vấn đề cạn kiệt nguồn TNTN thì vấn đề ô nhiễm môi trường cũng có những diễn biến phức tạp. Cùng với sự phát triển của công nghiệp và đô thị hoá, khối lượng chất thải vào môi trường ngày càng lớn. Ô nhiễm môi trường nước, không khí, môi trường đất ngày càng gia tăng. Ở những vùng đô thị lớn, nơi tập trung đông dân cư và các nhà máy, xí nghiệp, nơi tiêu thụ một khối lượng nông sản, nguyên vật liệu lớn vì thế tập trung một khối lượng khổng lồ chất thải sinh hoạt, y tế và công nghiệp. Ở nông thôn vấn đề sản xuất nông nghiệp hiện nay đang sử dụng ngày càng nhiều phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, dịch bệnh vì thế gây ô nhiễm môi trường đất và nước…Tình trạng ô nhiễm môi trường đã gây tác hại đến chính bản thân con người. Tuy nhiên đây là vấn đề cần sự phối hợp của các quốc gia trên thế giới và là mối lo chung của toàn nhân loại, con người cần có sự điều tiết và kiểm soát chặt chẽ.



1.3.1.2. Khai thác, sử dụng hợp lý nguồn TNTN và BVMT gắn liền với vấn đề Phát triển bền vững :

  • Phát triển bền vững: Là sự phát triển để thoả mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng thoả mãn nhu cầu của thế hệ tương lai. Nó có thể cải thiện chất lượng cuộc sống trong phạm vi chấp nhận của môi trường sinh thái và là sự phát triển không tàn phá môi trường.

Phát triển bền vững là đảm bảo mối quan hệ dung hoà và phát triển của cả 3 hệ thống: Tự nhiên, Kinh tế và Xã hội, không vì sự phát triển của hệ này mà gây ra sự tàn phá đối với hệ khác. Theo mô hình của WB, phát triển bền vững là đồng thời đạt được 3 mục tiêu: Kinh tế bền vững, Xã hội bền vững và Môi trường bền vững.

- Sử dụng hợp lý nguồn TNTN và bảo vệ môi trường là điều kiện để phát triển. Muốn phát triển bền vững thì yếu tố môi trường cần được xem xét cả ở phương diện quốc gia, vùng lãnh thổ và từng địa phương. Đây vừa là nơi cung cấp đầu vào, đồng thời chứa đựng đầu ra của mọi quá trình sản xuất và sinh hoạt của con người. Là yếu tố có tác động lớn và chịu tác động của kinh tế, xã hội. Chính vì vậy sử dụng hợp lý nguồn TNTN và bảo vệ môi trường luôn phải đặt trong mối quan hệ với con người và sản xuất xã hội.

1.3.2. Mối quan hệ giữa cảnh quan và sản xuất lãnh thổ

Con người đã làm thay đổi rất lớn đến cảnh quan nguyên sinh, hầu như không có nơi nào trên trái đất mà không bị ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên không phải cảnh quan tự nhiên bị con người cải tạo hoàn toàn và phát triển tuân theo các quy luật của xã hội, mà cảnh quan vẫn tồn tại và phát triển tuân theo các quy luật của tự nhiên, vì vậy khi con người ngừng tác động thì cảnh quan có xu hướng trở lại trạng thái ban đầu của nó.

Trong điều kiện trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển ngày càng cao thì phạm vi và mức độ tác động của con người vào tự nhiên ngày càng lớn và sâu sắc. Thực tế hiện nay các hoạt động sản xuất xã hội đã tạo ra những biến đổi của tự nhiên theo hướng tích cực hoặc tiêu cực, đồng thời môi trường tự nhiên cũng đã có những ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực ngược trở lại với con người.

Con người tác động đến tự nhiên dưới nhiều hình thức, trên nhiều phương diện và gây nên những hậu quả rất đa dạng, phức tạp. Theo A.G.Ixatsenko con người đã tác động đến tự nhiên và gây ra các hậu quả chủ yếu sau đây :



  • Tác động làm dịch chuyển cơ học các vật chất rắn và quá trình trọng lực: Có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi bề mặt địa hình, kéo theo sự thay đổi mực nước, bồi lấp sông hồ, chừng mực nào đó thay đổi mạng lưới thuỷ văn.

  • Tác động làm thay đổi tuần hoàn nước và cân bằng ẩm: Các hoạt động như điều chỉnh dòng chảy, xây hồ, đập nước, …làm ảnh hưởng đến khí hậu, mực ngầm, đất đai tăng ẩm trên diện rộng làm thây đổi cần bằng ẩm, nhiệt độ không khí, làm thay đổi vi khí hậu.

  • Tác động làm phá vỡ cần bằng nhiệt: Những tác động đốt nhiên liệu, mật độ dân số tăng, làm tăng nồng độ bụi, khí thải, …đã làm thay đổi cân bằng nhiệt trong khí quyển kéo theo một loạt các hậu quả nghiêm trọng như băng tan, mực biển dâng, nhịp điệu mưa, bão, lũ lụt thay đổi ở nhiều nơi.

  • Tác động phá huỷ cân bằng sinh vật: Con người đã có những tác động như huỷ diệt một khối lượng sinh vật lớn, nuôi trồng và mở rộng các khu phân bố của một số loài, phân bố lại động, thực vật trên thế giới hoặc tạo nên nhiều giống loài mới. Những tác động này có thể tích cực nhưng cũng có những tiêu cực đối với hệ sinh thái, có thể phá vở cấu trúc nhiều hệ sinh thái rừng tự nhiên, xói mòn, rửa trôi đất đai, tăng cường hoang hoá, tuần hoàn nước, tuần hoàn nhiệt bị phá vỡ…gây nên khủng hoảng sinh thái.

Với các tác động như trên, con người dưỡng như đã tham gia và làm biến đổi mọi quá trình tuần hoàn vật chất và năng lượng của môi trường địa lý, làm thay đổi cảnh quan tự nhiên ở những mức độ nhất định. Những địa tổng thể ở cấp thấp dễ biến đổi hơn ở cấp cao. Tuy nhiên để thay đổi CQ hoàn toàn là một quá trình lâu dài, để hình thành một cảnh quan mới thì cấu trúc cảnh quan cũ phải được thay đổi hoàn toàn. A.G.Ixatsenko phân chia các loại cảnh quan bị biến đổi theo 4 cấp sau đây:

  • Các cảnh quan được coi là nguyên thuỷ: Là những cảnh quan không chịu ảnh hưởng trực tiếp hay sử dụng vào mục đích kinh tế. Tuy nhiên các cảnh quan này có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp từ các cảnh quan khác.

  • Các cảnh quan ít bị biến đổi: Là những cảnh quan mà việc sử dụng ở đây mới chỉ tác động ở từng thành phần tự nhiên chưa phá vở mối liên hệ giữa chúng, vẫn có thể phục hồi được nếu con người không tiếp tục tác động.

  • Các cảnh quan bị biến đổi nhiều (bị phá vở cấu trúc): Là những cảnh quan có sự tác động mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế - xã hội, đụng chạm vào nhiều thành phần tự nhiên, phá vở cấu trúc cảnh quan và biến đổi theo hướng không khôi phục lại được, bất lợi cho con người.

  • Các cảnh quan văn hoá: Là những cảnh quan được con người xây dựng một cách hợp lý, có cơ sở khoa học, mang lại tiềm lực kinh tế cao và chất lượng môi trường tốt đẹp hơn.

Như vậy, con người là một thành phần tự nhiên và vẫn bị chi phối của các quy luật tự nhiên, con người không thể thống trị được tự nhiên, bắt tự nhiên phải tuân theo những ý riêng của mình. Hiện nay khoa học kỹ thuật và trình độ công nghệ trên thế giới ngày càng hiện đại, giúp con người khai thác tự nhiên và mang lại nhiều lợi ích to lớn. Thực chất đó là những tác động đúng hướng mà con người nắm bắt được quy luật tự nhiên và điều khiển sự phát triển của tự nhiên theo hướng có lợi cho mình. Nếu con người khai thác, sử dụng tự nhiên không tuân theo những quy luật của nó, không chú ý đến bảo vệ tự nhiên và không tính đến sự biến đổi của môi trường thì sẽ dẫn đến những hậu quả mà không thể lường hết. Chính vì vậy, nghiên cứu cảnh quan một lãnh thổ cần xem xét mối quan hệ giữa cảnh quan với sản xuất lãnh thổ.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1

Thực tiễn cho thấy nghiên cứu cảnh quan là một trong những hướng nghiên cứu có ý nghĩa ứng dụng hết sức quan trọng, thiết thực đối với các vấn đề về thực tiễn khai thác, sử dụng hợp lý điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Dựa vào kết quả nghiên cứu các thành phần tự nhiên, phân tích làm rõ cấu trúc, chức năng và động lực phát triển cảnh quan có xem xét đến yếu tố nhân tác là những cơ sở khoa học đầy đủ và đáng tin cậy để đánh giá cảnh quan nhằm tìm ra biện pháp sử dụng hợp lý nguồn TNTN, BVMT và hoạch định phát triển kinh tế của một vùng lãnh thổ. Để tiến hành nghiên cứu, đánh giá Cảnh quan phục vụ sử dụng hợp lý TNTN và BVMT tỉnh Quảng Bình, tác giả tiến hành nghiên cứu những vấn đề về lý luận và phương pháp luận nghiên cứu, đánh giá cảnh quan. Đây là những cở sở đầu tiên rất cần thiết, quan trọng và không thể thiếu được trong một công trình nghiên cứu cảnh quan, gồm những vấn đề như sau:

1. Nhìn nhận lại một cách tổng quan về sự hình thành và phát triển của khoa học Cảnh quan và Cảnh quan sinh thái thông qua các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới và ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của các công trình này là cơ sở lý luận để tác giả xem xét, lựa chọn và vận dụng phù hợp vào việc nghiên cứu, đánh giá cảnh quan tỉnh Quảng Bình. Bên cạnh đó tác giả cũng nghiên cứu những vấn đề lý luận liên quan như sử dụng hợp lý TNTN, BVMT, phát triển bền vững để phục vụ cho việc nghiên cứu, đánh giá cảnh quan tỉnh Quảng Bình.

2. Xác định rõ phân tích cảnh quan là quá trình phân tích, làm rõ đa dạng trong cấu trúc, chức năng và động lực của cảnh quan. Trên quan điểm tiếp cận địa lý tổng hợp và hệ thống, tiến hành phân tích một cách đầy đủ đặc điểm phức tạp của các yếu tố hợp phần (cấu trúc đứng) và phân hoá của các đơn vị cảnh quan (cấu trúc ngang) làm rõ mối tác động tương hỗ, mật thiết giữa các hợp phần và quan hệ các đơn vị cảnh quan trong hệ thống phân loại của nó, từ đó phân tích chức năng của các đơn vị cảnh quan để thấy được giá trị, vai trò của cảnh quan và đây là cơ sở cho việc đánh giá tiềm năng tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế xã hội (tức là khâu đánh giá cảnh quan).

3. Nghiên cứu lý thuyết về đánh giá cảnh quan, xác định quy trình đánh giá cảnh quan, mục tiêu, nội dung và phương pháp đánh giá. Thực chất của đánh giá cảnh quan là đánh giá tổng hợp các tổng thể tự nhiên cho các mục đích cụ thể. Mỗi loại hình sử dụng có một yêu cầu nhất định đối với cảnh quan, đánh giá cảnh quan được thực hiện trên cơ sở đối chiếu, so sánh mức độ thuận lợi của cảnh quan đối với từng loại hình sử dụng. Đánh giá cảnh quan đặt trong mối quan hệ với sản xuất kinh tế xã hội từ đó đưa ra những định hướng sử dụng hợp lý nguồn TNTN và BVMT nhằm phát triển kinh tế xã hội bền vững, đây mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu, đánh giá cảnh quan tỉnh Quảng Bình.

CHƯƠNG 2: NGHIÊN CỨU CÁC YẾU TỐ THÀNH TẠO CẢNH QUAN TỈNH QUẢNG BÌNH

Trong nghiên cứu các địa tổng thể, các tổng hợp thể tự nhiên lãnh thổ hay các CQ một nhiệm vụ hết sức quan trọng là nghiên cứu làm rõ các đặc điểm đặc trưng của tự nhiên, tài nguyên, đặc điểm các tác động nhân tác là các nhân tố cơ bản thành tạo nên các địa tổng thể, các cảnh quan của lãnh thổ. Thực tế đó là nghiên cứu các yếu tố tự nhiên, tài nguyên, các yếu tố kinh tế-xã hội nhằm xác định được các đặc điểm đặc trưng của chúng, phát hiện các mối quan hệ, các quy luật tác động tương hỗ giữa chúng trong thành tạo nên các tổng hợp thể tự nhiên, các cảnh quan của các lãnh thổ cụ thể. Mỗi thành phần có những vai trò nhất định và khác nhau trong quá trình thành tạo và phân hóa cảnh quan lãnh thổ, chính sự đa dạng của các nhân tố ở các cấp phân chia khác nhau đã tạo nên tính đa dạng của cảnh quan. Bên cạnh đó mối liên hệ tương hỗ giữa các thành phần cấu tạo nên cảnh quan có ý nghĩa quyết định đến cấu trúc, chức năng của các đơn vị cảnh quan một lãnh thổ.

Quảng Bình nằm trong hệ thống cảnh quan nhiệt đới ẩm gió mùa của tự nhiên Việt Nam, nhưng vùng lãnh thổ nhỏ hẹp có vị trí đặc biệt ở cửa ngõ Miền Trung Trung bộ này có những đặc trưng riêng và sự phân hóa phức tạp trong các yếu tố tự nhiên cũng như các điều kiện kinh tế xã hội.

Chính vì vậy, phân tích làm rõ đặc điểm, tính chất các yếu tố tự nhiên, TNTN và các yếu tố kinh tế xã hội tỉnh Quảng Bình trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên mà thực chất là phân tích đặc điểm các nhân tố trong quá trình thành tạo cảnh quan của lãnh thổ nghiên cứu là một bước nghiên cứu cần thiết. Đây là một trong những cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn để xác định chỉ tiêu, xây dựng hệ thống phân loại, thành lập bản đồ cảnh quan và nghiên cứu, đánh giá cảnh quan tỉnh Quảng Bình.

2.1. Đặc điểm các yếu tố tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên tỉnh Quảng Bình

2.1.1. Vị trí địa lý

Lãnh thổ Quảng Bình kéo dài từ 17005’02” đến 18005’12” vĩ độ Bắc và từ 105036’55” đến 106059’37” kinh độ Đông. Phía bắc giáp Hà Tĩnh với ranh giới là đèo Ngang dài 136,5 km, phía nam giáp Quảng Trị ranh giới dài 78,8km, phía tây giáp tỉnh Khăm muộn (nước CHDCND Lào) có biên giới dài 201,87 km và phía đông giáp biển Đông với đường bờ biển dài 116,04 km.

Quảng Bình thuộc Bắc Trung Bộ, nằm ở nơi có bề ngang hẹp nhất nước ta, tại Đồng Hới chiều rộng từ Đông sang Tây chưa đầy 50 km. Quảng Bình có diện tích tự nhiên là 8.065,5 km2, diện tích vùng thềm lục địa hơn 20 nghìn km2 và ngoài khơi có 5 hòn đảo là đảo Hòn La, hòn Nồm, hòn Gió, Hòn Cò và hòn Vũng Chùa.

Về mặt tự nhiên, Quảng Bình nằm trong đới kiến tạo Bắc Trường Sơn. Phía Tây là dãy Trường Sơn án ngữ, phía Đông là dải đồng bằng nhỏ hẹp và những dãy cồn cát chạy dọc bờ biển, chấm dứt kiểu bờ biển thấp, bằng phẳng của Đồng bằng Bắc Bộ. Vượt qua đèo Ngang, tính chất lạnh có phần giảm sút, Quảng Bình chịu ảnh hưởng của gió mùa chí tuyến không có mùa đông lạnh và khô rõ rệt, với lượng nhiệt và ẩm dồi dào. Có đặc điểm hẹp bề ngang, tự nhiên Quảng bình chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển, của gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam khô nóng.

Vị trí này đã quyết định đến đặc điểm và sự phân hóa phức tạp của các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, một trong những yếu tố thành tạo cảnh quan tỉnh Quảng Bình.

2.1.2. Đặc điểm địa chất – kiến tạo

Đặc điểm địa chất - kiến tạo có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát sinh và phát triển của cảnh quan một lãnh thổ, là yếu tố nền móng có ảnh hưởng rất lớn đến các yếu tố khác như: địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, thủy văn và sinh vật trong quá trình thành tạo CQ của lãnh thổ. Lãnh thổ Quảng Bình gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, phức tạp của lãnh thổ đất nước Việt Nam, là một bộ phận của địa máng-uốn nếp Việt-Lào [19,69].



2.1.2.1. Cấu trúc địa chất

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu của Cục địa chất và khoáng sản Việt nam, của Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ thì lãnh thổ Quảng Bình thuộc đới Long Đại và một phần đới Hoành Sơn thuộc miền uốn nếp Việt - Lào.

- Đới Long Đại: Phần lớn diện tích lãnh thổ Quảng Bình nằm trong đới Long Đại. Đới cấu trúc này kéo dài từ phía nam đứt gãy Rào Nậy cho đến Rào Quán-Khe Sanh thuộc tỉnh Quảng Trị, phía tây kéo sang tận Lào. Đới này bao gồm các phức hệ đá có tuổi từ Paleozoi đến Mezozoi. Phần lãnh thổ Quảng Bình thuộc đới này có thể phân chia thành 6 khối cấu trúc.

- Đới Hoành Sơn: Bộ phận thuộc đới Hoành Sơn nằm ở phía bắc đứt gãy Rào Nậy, chỉ chiếm một diện tích hẹp ở phía bắc Quảng Bình. Bộ phận này được cấu tạo bởi các đá trầm tích phun trào và xâm nhập có tuổi Mezozoi sớm, đó là các đá thuộc hệ tầng Đồng Trầu, phụ hệ Hoành Sơn, xâm nhập phức hệ Sông Mã, phức hệ xâm nhập granit Phiabioăc.

Phần phía đông là sụt trũng Kainozoi trên nền móng cấu trúc của 2 đới Hoành Sơn và Long Đại gồm đồng bằng Ba Đồn, Lệ Thủy, tam giác châu cửa sông Nhật Lệ, được lấp đầy bởi các thành tạo trầm tích lục nguyên gắn kết yếu, bở rời, có bề dày thay đổi từ rìa đồng bằng ra biển cảnh quan

2.1.2.1. Các đứt gãy

Phạm vi lãnh thổ Quảng Bình gồm một hệ thống các đứt gãy phát triển theo hướng tây bắc-đông nam, đông bắc-tây nam, hướng á kinh tuyến và á vĩ tuyến, trong đó các đứt gãy quan trọng ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành và phát triển lãnh thổ bao gồm:



- Đứt gãy Rào Nậy: Là loại đứt gãy cấp 1, hướng tây bắc – đông nam, dọc theo thung lũng sông Rào Nậy kéo dài khoảng 150km từ Kim Lũ - Ba Đồn ra biển. Mặt trượt nghiêng về phía tây nam với góc dốc 60-750, độ sâu ảnh hưởng của đứt gãy đến 35km, chiều rộng đới ảnh hưởng từ 3-4 km. Đây là một đứt gãy lớn có lịch sử phát triển mạnh nhất vào Mezozoi sớm, phân chia hai đới cấu trúc Long Đại và Hoành Sơn. Chính hệ thống sông Rào Nậy đặt lòng trên đứt gãy này.

- Đứt gãy Lệ Thủy: Đứt gãy này nằm về phía nam Quảng Bình, là loại đứt gãy cấp 3, kéo dài khoảng 60km từ Quảng Trị đến bản Đá Mọc, Đa Neng qua bản Khe Giữa tới biên giới Việt-Lào, có hướng á vĩ tuyến chuyển dần sang tây bắc-đông nam. Đứt gãy làm biến dạng các đá trầm tích hệ tầng Long Đại và Đại Giang, chiều rộng 2-3km, độ sâu ảnh hưởng khoảng từ 15-20km.

- Đứt gãy ngang đường 12: Đứt gãy này bắt đầu từ Thanh Lạng-đèo Mụ Giạ chạy sang Lào, dài hơn 100km, có đới phá hủy rộng 1-1,5km. Mặt đứt gãy nghiêng về phía đông với góc dốc 60-700. Dự đoán cự ly dịch chuyển hàng chục km.

- Đứt gãy đường 20: Đứt gãy này kéo dài trên 100km từ Cà Roòng-Xuân Sơn ra biển. Mặt nghiêng về phía tây bắc với góc dốc 70-750. Đứt gãy đóng vai trò phân chia khối sụt Phong Nha và khối nâng Đồng Hới. Trên bình đồ cấu trúc có thể thấy khối sụt Phong Nha dịch về phía tây, khối nâng Đồng Hới đi về phía đông. Đứt gãy phát sinh từ Paleozoi, nhưng hoạt động mạnh mẽ vào đầu Cacbon đến Krêta.

Ngoài ra còn một loạt các đứt gãy khác phân bố rải rác trong khu vực. Các đứt gãy này không lớn, thuộc cấp 4 hoặc nhỏ hơn, biểu hiện không rõ ràng. Các đứt gãy là những ranh giới phân chia các địa hình và ảnh hưởng đến sự thành tạo của các yếu tố tự nhiên trong quá trình phát triển.



2.1.2.3. Đặc điểm thạch học

Trên cơ sở nghiên cứu thành phần thạch học, quy luật phân bố, mối quan hệ địa tầng, hoạt động mác ma cho thấy ở đây có 5 phức hệ thạch kiến tạo khác nhau phản ánh 5 giai đoạn phát triển kiến tạo của lãnh thổ Quảng Bình nói riêng và miền uốn nếp Việt Lào nói chung [19,69].

- Phức hệ thạch kiến tạo Paleozoi hạ-trung, gồm các thành hệ lục nguyên dạng flish, lục nguyên-phun trào trung tính-felsic, lục nguyên- cacbonat có tuổi Ocdovic muộn-Silua. Chúng tạo nên nếp lõm Đồng Hới-Ca Xen với các cánh thoải, các đơn nghiêng ở Rào Trổ thuộc đới Hoành Sơn. Các trầm tích Devon phân bố ở vùng Quy Đạt. Đới Long Đại gồm các thành hệ lục nguyên, lục nguyên cacbonat với tổng bề dày khoảng 3000m. Chúng tạo nên nếp lồi Đông Phường, Đại Đủ, nếp lõm Quy Đạt với góc dốc các cánh trung bình 45-550. Cấu trúc còn có khối granit Đồng Hới, Đồng Lê phức hệ Trường Sơn.

- Phức hệ thạch kiến tạo Paleozoi thượng, bao gồm thành tạo lục nguyên cacbonat. Chúng tạo nên các nếp lõm lớn như Quy Đạt, Phong Nha, Kẻ Bàng với tổng bề dày 1400-1500m. Cánh của các nếp uốn có thế nằm thoải, góc dốc trung bình 20-450. Các trầm tích có thành phần đồng nhất, bề dày ổn định.

- Phức hệ thạch kiến tạo Mezôzôi hạ, lộ ra ở đới Hoành Sơn bao gồm thành tạo lục nguyên-phun trào felsic thuộc hệ tầng Đồng Trầu với bề dày 2800m và granit phức hệ Sông Mã. Chúng tạo nên nếp lõm Trung Thuần có góc dốc hai cánh khoảng 650. Các thành tạo kể trên cùng với xâm nhập felsic phản ánh chế độ nội lực vào Mezozoi sớm của vùng này.

- Phức hệ Mezôzôi trung-thượng, lộ ra dọc phía bắc đứt gãy Rào Nậy, với thành tạo chứa than tuổi Nori-Ret và thành hệ lục địa màu đỏ tuổi Kreta, tổng bề dày 1500m. Chúng tạo nên nếp lõm đèo Mụ Giạ, Cà Roòng thuộc đới Long Đại. Góc các cánh thoải 5-100. Thành tạo chứa than và lục địa màu đỏ phản ánh phức hệ được hình thành trong bồn trên vỏ lục địa sau tạo núi.

- Phức hệ Kainôzôi, phân bố rộng rãi ở ven biển gồm các thành tạo lục địa chứa than tuổi Neogen. Nằm trên là các thành tạo bở rời Đệ tứ phân bố ở đồng bằng Quảng Bình, ở các trũng giữa núi như Quy Đạt. Chúng phản ánh các hoạt động tân kiến tạo khá mạnh.

Trải qua các giai đoạn kiến tạo với các phức hệ thạch kiến tạo trên thì những nền nham chính ảnh hưởng đến sự thành tạo cảnh quan của Quảng Bình gồm có:


  • Hệ tầng sông Cả, phân bố ở tây Minh Hóa, hệ tầng Long Đại phân bố ở trung tâm và phía nam Quảng Bình, chiếm phần lớn thượng nguồn sông Long Đại. Hai hệ tầng này có tầng cấu trúc dưới là các đá phiến sét, phiến silic, cát kết và cuội kết có tuổi O­3­­­­-D1. Phần trên các trầm tích này là hệ tầng Đại Giang bao gồm các đá phiến sét, cát kết, bột kết có tuổi S-D, hạt thô chiếm ưu thế.

  • Các trầm tích cát kết, cát bột kết, phiến sét có đôi chỗ xen lẫn đá vôi, sét vôi tuổi Đề von phân bố rộng rãi ở phía tây Minh Hóa và phía tây Lệ Thủy.

  • Đá trầm tích phiến sét, cát bột kết, cát kết có xen lẫn riôlit được phân bố từ trung tâm huyện Minh Hóa về phía Đông cho tới Đèo Ngang.

  • Các đá granit, phun trào riôlit, trầm tích cát kết, cát bột kết màu đỏ tuổi Crêta nằm trong các vùng trũng giữa núi, phân bố ở phía bắc đèo Mụ Giạ và rải rác ở biên giới phía tây, tây Đồng Hới, tây bắc Quảng Trạch.

  • Đá vôi có tuổi C-P, phân bố rộng rãi ở Quảng Bình, bao gồm các huyện Bố trạch, Minh Hóa và Lệ Thủy, ở các khu vực chuyển tiếp giữa vùng đồi núi phía tây và đồng bằng ở phía đông.

  • Trầm tích cát kết, bột kết tuổi Nêogen, phân bố ở phía tây Đồng Hới.

  • Trầm tích sông biển, cát biển phân bố ở phía đông Quảng Bình tại dải đồng bằng duyên hải và cồn cát ven biển.

  • Đá bazan có tuổi QII-III, chiếm một diện tích nhỏ ở phía tây Quảng Bình, thượng nguồn sông Kiến Giang.

2.1.3. Đặc điểm địa hình

Toàn bộ lãnh thổ Quảng Bình nằm ở phía đông dãy Trường Sơn và ở nhiều nơi có các nhánh núi của dãy Trường Sơn ăn sát gần ra biển. Địa hình Quảng Bình có tính tương phản rõ rệt, có xu hướng thấp dần từ tây sang đông và từ bắc vào nam. Phía tây và tây bắc là núi trung bình, núi thấp và gò đồi chiếm tới 85% diện tích toàn tỉnh, phần đồng bằng nhỏ hẹp ở phía đông và dải cồn cát chỉ chiếm khoảng 15% diện tích.



2.1.3.1. Các khu vực địa hình

Về mặt cấu trúc, địa hình Quảng Bình có thể chia thành 4 khu vực:

- Vùng núi ở phía tây: Bao gồm các núi trung bình và núi thấp, có độ cao từ 250m đến 1700m, chiếm khoảng 65% diện tích lãnh thổ, thấp dần từ tây sang đông và từ bắc vào nam. Trong đó, núi cao từ 500m đến 600m chiếm phần lớn, cấu tạo chủ yếu bởi các đá biến chất, đá phiến, có hình thái đường chia nước mềm mại, sườn thoải. Các núi có độ cao trên 1000m như U Bò, Ba Rền, núi Thù Lù, Cô Roong, Cô Pru, …thường cấu tạo bởi đá xâm nhập, có đường chia nước phức tạp, đỉnh nhọn, sườn dốc. Ở đây có một số đỉnh cao trên 1500m như: Phu Cô Pi (2058m) và đỉnh Côta Rum (1623m).

Đặc biệt, trong vùng có các dạng địa hình cacxtơ phân bố rộng, khối núi đá vôi Khe Ngang-Kẻ Bàng độ cao trung bình 700-800m, thấp dần từ nam ra bắc và từ tây sang đông, nằm sát biên giới Việt -Lào. Ở đây hệ thống sông ngầm rất phát triển tạo nên các hang động dài và đẹp, như động Phong Nha có chiều dài gần 8000m, hang Vòm, hang Tối có chiều dài hơn 5000m, hang Thung 3351m, hang Tiên Ông 2500m và nhiều hang khác như Tố Mộ, Tú Làn, Sơn Đòong...

- Vùng đồi trung du: Là khu vực chuyển tiếp của vùng núi phía tây và dải đồng ven biển. Chiếm khoảng 20% diện tích lãnh thổ, có độ cao từ 50m đến 250m. Phân bố rộng khắp các huyện, dọc theo các thung lũng sông kéo dài từ Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới đến Bố Trạch. Cấu tạo chủ yếu bởi các trầm tích lục nguyên, đá biến chất. Chịu tác động mạnh của quá trình bào mòn-rửa trôi nên địa hình có dạng các đồi hoặc dãy đồi mềm mại.

- Vùng đồng bằng duyên hải: Nằm trũng thấp ở giữa, có độ cao từ 15m trở xuống. Chiếm chừng 10,4% diện tích lãnh thổ, phân bố chủ yếu ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch và Quảng Trạch. Có nguồn gốc mài mòn-bồi tụ sông, sông-biển, biển và được bồi đắp bởi phù sa sông Gianh, sông Kiến Giang, sông Lý Hòa, sông Dinh, sông Ròon.



- Dải cồn cát ven biển: Kéo dài từ chân đèo Ngang (Quảng Trạch) đến Mũi Lạy (Lệ Thủy) có chiều dài 116,04 km, chiếm khoảng 4,6% diện tích tự nhiên Quảng Bình, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện phía nam là Quảng Ninh và Lệ Thủy. Dải cồn cát này có độ cao từ 2-3m đến 30-40m, chiều rộng có nơi lên tới 7km (ở Quảng Ninh). Các cồn cát có độ dốc lớn, thường xảy ra các hiện tượng cát bay, cát chảy lấn chiếm đồng ruộng, làng mạc, đường giao thông gây nhiều khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân nơi đây, nhất là về mùa đông khi có gió mùa đông bắc thổi.

2.1.3.2. Các bậc địa hình

Về nguồn gốc, địa hình Quảng Bình được hình thành do vai trò chủ đạo của các quá trình bóc mòn, quá trình cacxtơ, các quá trình sông-biển và hỗn hợp các quá trình sông-biển-đầm phá. Ngoài ra, các dạng địa hình cồn cát ven biển chịu tác động sâu sắc của gió, dòng chảy và rải rác có các dạng địa hình nhân tạo [11].

Theo các tài liệu, qua khảo sát thực tế và phân tích trên bản đồ địa hình, cho thấy địa hình lãnh thổ Quảng Bình có sự phân bậc địa hình khá rõ nét từ tây sang đông (tức là từ vùng núi xuống vùng đồi và đồng bằng ven biển), gồm 7 bậc địa hình theo độ cao: 1500-2000m, 800-1200m, 400-700m, 100-250m, 40-60m, 20-30m và bậc dưới 10m. Mỗi bậc địa hình đều có liên hệ chặt chẽ với nguồn gốc thành tạo, bốn bậc địa hình trước liên quan chủ yếu tới nguồn gốc bóc mòn, còn ba bậc địa hình sau được hình thành với vai trò chủ đạo của biển diễn ra trong kỷ Đệ tứ.

- Bậc địa hình 1500-2000m: Là bậc địa hình cao nhất, phát triển rất hạn chế, chỉ quan sát thấy ở khu vực phía tây Quảng Bình. Thuộc địa phận phía Tây Bắc huyện Minh Hóa, trong phạm vi khối núi Phu Cô Pi dưới dạng các đỉnh núi đơn độc hoặc đường chia nước dạng răng cưa của khối núi này. Đỉnh Phu Cô Pi cao 2058m là đỉnh cao nhất Quảng Bình. Ở phía tây nam huyện Bố Trạch trong phạm vi khối núi Cô Ta Rum có đỉnh Cô Ta Rum cao 1623m.

- Bậc địa hình 800-1200m: Là bậc địa hình ở phía tây kéo dài từ Minh Hóa đến thượng nguồn sông Đại Giang. Ở thượng nguồn sông Gianh (Minh Hóa), bậc địa hình này kéo dài từ đỉnh Phu Phu Re (990m) theo hướng tây bắc-đông nam xuống tới các đỉnh núi nằm giáp với biên giới với CHDCND Lào và là nơi bắt đầu của khối núi đá vôi Kẻ Bàng, chúng tạo thành mực địa hình khá rộng và đẹp với độ cao trung bình 900-1100m. Tiếp đến là khối núi đá vôi Kẻ Bàng có độ cao trung bình 700-800m, cho tới khi kết thúc khối đá vôi này ở phía tây nam. Bậc địa hình này lại bắt gặp ở thượng nguồn sông Long Đại đến thượng nguồn sông Đại Giang, phân bố ở phía tây nam của Quảng Bình tạo thành đường chia nước giữa Quảng Bình với CHDCND Lào và ranh giới giữa Quảng Bình với Quảng Trị. Ở bậc địa hình này có các đỉnh cao như: Núi Thu Lù (1003m), Cô Roong (1130m), Động Vàng Vàng (1250m), Động Tri (1001m), đỉnh Ba Rền (1137m), đỉnh U Bò (1009m)…Bậc địa hình này trong địa hình hiện tại là các đường chia nước chính của các hệ thống sông suối cấp III và IV.

- Bậc địa hình 400-700m: Là bậc địa hình được phân bố rộng rãi nhất ở miền núi Quảng Bình. Ở phía bắc Quảng Bình, bậc địa hình này kéo dài dọc theo hai bên thung lũng sông Rào Nậy thuộc địa phận các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa xuống tới Ba Đồn huyện Quảng Trạch. Ở phía nam chúng phân bố ở thượng nguồn sông Kiến Giang và dọc theo trung lưu thung lũng sông Long Đại tạo thành bậc địa hình khá rộng lớn. Ngoài ra bề mặt đỉnh của khối núi đá vôi Kẻ Bàng phân bố ở phía tây huyện Bố Trạch và bề mặt đỉnh của các khối đá vôi sót phân bố ở phía tây các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy cũng được xếp vào bậc địa hình này.

- Bậc địa hình cao 100-250m: Phân bố rộng rãi tạo thành dải liên tục bao quanh rìa phía tây của các đồng bằng Ba Đồn, Đồng Hới, Lệ Thủy. Đây là những bề mặt san bằng của địa hình đồi cao, bề mặt chia nước của các lưu vực cấp II, được liên hệ với nhau bằng các chỏm đồi, dãy đồi hoặc bề mặt của các đồi, dãy đồi thấp.

- Bậc địa hình cao 40-60m: Phân bố hạn chế ở phía tây của các đồng bằng Quảng Trạch, Đồng Hới, Lệ Thủy dưới dạng các bề mặt thềm biển mài mòn bậc IV, thềm sông bậc III.

- Bậc địa hình cao 20-30m: Phân bố lẻ tẻ nằm tiếp giáp với các bề mặt đồng bằng thấp ở Đồng Hới, Lệ Thủy. Đây là các bề mặt thềm biển mài mòn bậc III, thềm sông bậc II.

- Bậc địa hình cao dưới 10m: Là bậc địa hình bao gồm toàn bộ địa hình đồng bằng thấp có nguồn gốc tích tụ sông, sông-biển, biển, hoặc biển-đầm lầy.



2.1.3.3. Các dạng địa hình theo nguồn gốc

Theo các tài liệu nghiên cứu của các nhà địa chất, địa mạo thì địa hình Quảng Bình được chia làm 7 nhóm nguồn gốc với 38 dạng địa hình khác khau [11]. Cụ thể:




tải về 1.44 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương