MỤc lục mở ĐẦU 1



tải về 1.44 Mb.
trang6/12
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.44 Mb.
#12687
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Cảnh quan của một lãnh thổ được cấu trúc bởi các hợp phần địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, sinh vật và chịu tác động của các hoạt động kinh tế-xã hội. Về mặt không gian, mỗi hợp phần đó có một vai trò và chức năng đặc trưng trong quá trình hình thành và phát triển CQ, đồng thời mỗi yếu tố đều chịu những ảnh hưởng nhất định của các tác động kỹ thuật do con người tạo nên, đây cũng chính là một yếu tố động lực làm CQ có những biến đổi nhất định theo thời gian.

1. Quảng Bình là một tỉnh có lãnh thổ hẹp ở miền Trung Trung Bộ, nằm trong vùng tự nhiên mang tính chuyển tiếp của đất nước, tự nhiên Quảng Bình có những đặc điểm pha trộn giữa miền Bắc và miền Nam. Do đó các thành phần tự nhiên Quảng Bình mang tính phức tạp, điều đó thể hiện rõ qua ĐKTN, TNTN - các yếu tố thành tạo cảnh quan Quảng Bình.

2. Nằm trong lãnh thổ Việt Nam trãi qua quá trình địa chất, kiến tạo lâu dài và phức tạp, trong phạm vi Quảng Bình có sự đa dạng về nền nham; có sự phân hóa phức tạp của địa hình từ vùng núi đến gò đồi, đồng bằng và đặc biệt là dải địa hình cồn cát ven biển. Đây là các yếu tố cơ sở nền tảng trong quá trình thành tạo cảnh quan Quảng Bình, thể hiện sự phân chia cảnh quan theo tính phi địa đới hình thành nên các lớp, phụ lớp cảnh quan. Đồng thời địa hình cũng là yếu tố tạo nên sự phân hóa khí hậu và thủy văn làm thay đổi cân bằng nhiệt ẩm của hệ thống nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh hình thành nên Phụ kiểu cảnh quan rừng rậm nhiệt đới thường xanh, mưa mùa có một mùa đông hơi lạnh ở Quảng Bình.

3. Các yếu tố nền nham, địa hình, khí hậu, thủy văn cùng với sinh vật và tác động của con người đã hình thành nên hệ thống các loại đất tỉnh Quảng Bình từ đất cồn cát trắng vàng ven biển, đất cát biển, đất phù sa đến các loại đất feralit nâu đỏ, nâu vàng và đất xám, xám mùn trên núi; các loại đất bị biến đổi, đất tầng mỏng, đất bạc màu, xói mòn trơ sỏi đá do các tác động của con người. Bên cạnh đó thảm thực vật tự nhiên có sự phân hóa và biến đổi sâu sắc với hiện trạng chủ yếu gồm các thảm thực vật nhân tác: Rừng thứ sinh; trảng cỏ, cây bụi; rừng trồng với các loại cây keo, bạch đàn, cao su, phi lao, thông; vườn cây ăn quả, cây công nghiệp hàng năm; đồng cỏ; cây hoa màu, lúa; rừng ngập mặn thứ sinh; hệ sinh thái thủy sinh và quần xã thực vật trên bãi biển cát phân bố từ vùng núi trung bình đến dải cồn cát ven biển Quảng Bình. Rừng nguyên sinh chiếm diện tích nhỏ ở vùng núi đá vôi phía tây. Yếu tố đất và thảm thực vật phản ánh sự phong phú, đa dạng của CQ một lãnh thổ, sự kết hợp giữa các quần xã thực vật tự nhiên và nhân tác với các loại đất trên mỗi phụ lớp CQ khác nhau đã hình thành nên các loại CQ tỉnh Quảng Bình.

Tóm lại, chính sự phức tạp của các nhân tố thành tạo CQ, mối quan hệ giữa chúng và mối quan hệ giữa hệ thống tự nhiên với con người đã tạo nên sự phân chia đa dạng, phức tạp trong CQ nói chung và CQ tỉnh Quảng Bình nói riêng. Nghiên cứu đặc điểm tự nhiên, các điều kiện kinh tế - xã hội và vai trò của chúng trong thành tạo CQ tỉnh Quảng Bình là cơ sở thực tiễn để xây dựng hệ thống phân loại CQ tỉnh, thành lập bản đồ CQ và tiếp tục nghiên cứu cấu trúc và chức năng làm rõ tính đa dạng CQ lãnh thổ. Cùng với cơ sở nghiên cứu lý luận và vận dụng phương pháp luận NCCQ ở chương một, đây là những cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá CQ phục vụ cho các mục đích thực tiễn nhằm SDHL nguồn tài nguyên và phát triển bền vững kinh tế xã hội, BVMT tỉnh Quảng Bình.

CHƯƠNG 3: PHÂN TÍCH ĐA DẠNG CẢNH QUAN TỈNH QUẢNG BÌNH

Đối với nghiên cứu Cảnh quan ứng dụng vấn đề phân tích tính đa dạng trong cấu trúc, chức năng và xem xét đến động lực phát triển của cảnh quan là một trong những nội dung quan trọng và cơ bản. Dựa vào kết quả nghiên cứu đặc điểm các thành phần tự nhiên của lãnh thổ, trên cơ sở lý luận và phương pháp luận về nghiên cứu cảnh quan, cần xác định được những chỉ tiêu phân chia để đưa ra hệ thống phân loại cảnh quan một lãnh thổ áp dụng cho việc xây dựng Bản đồ cảnh quan, từ đó mới tiếp tục nghiên cứu, phân tích tính đa dạng trong cấu trúc, chức năng và động lực cảnh quan của lãnh thổ. Đây là những cơ sở khoa học cần thiết, không thể thiếu để tiến hành công tác đánh giá cảnh quan, đưa ra những định hướng phát triển kinh tế bền vững, lâu dài, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường cho một vùng lãnh thổ.

Quảng Bình là một tỉnh nằm trong hệ thống cảnh quan nhiệt đới, ẩm, gió mùa của tự nhiên Việt Nam, nhưng vùng lãnh thổ nhỏ hẹp có vị trí đặc biệt ở cửa ngõ miền Trung Trung bộ này lại có những đặc trưng riêng và sự phân hóa phức tạp trong các yếu tố tự nhiên cũng như các điều kiện kinh tế xã hội-các yếu tố thành tạo cảnh quan, vì thế Quảng Bình có sự phân hóa đa dạng trong cảnh quan. Nghiên cứu tính đa dạng cảnh quan trên sở xây dựng hệ thống phân loại và thành lập bản đồ cảnh quan tỉnh Quảng Bình, từ đó đánh giá cảnh quan cho các mục đích thực tiễn là những luận cứ khoa học quan trọng để đưa ra những định hướng nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Bình.

3.1. Hệ thống phân loại cảnh quan Tỉnh Quảng Bình

Mỗi hệ thống phân loại cảnh quan phù hợp với một vùng lãnh thổ nhất định, phù hợp với các đặc điểm tự nhiên của lãnh thổ đó và phù hợp mục đích, yêu cầu nghiên cứu. Đưa ra được hệ thống phân loại cảnh quan hợp lý, thì sẽ tiến hành phân tích, đánh giá cảnh quan đúng đắn, đưa ra phương phướng sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường phù hợp. Hệ thống phân loại cảnh quan một lãnh thổ là cơ sở để xây dựng bản đồ cảnh quan, phục vụ cho các mục đích nghiên cứu khác nhau.

3.1.1. Cơ sở, nguyên tắc và phương pháp xây dựng hệ thống phân loại cảnh quan tỉnh Quảng Bình

Sau khi nghiên cứu, phân tích các đặc điểm tự nhiên, TNTN, đặc điểm kinh tế xã hội -các yếu tố thành tạo cảnh quan tỉnh Quảng Bình, cơ sở khoa học và thực tiễn cho xây dựng hệ thống phân loại và bản đồ cảnh quan tỉnh Quảng Bình ; để có cơ sở đầy đủ, cần thiết khi xây dựng hệ thống phân loại cảnh quan, tác giả tiến hành nghiên cứu, tham khảo các hệ thống phân loại đã có trước đó, đặc biệt là các hệ thống phân loại trong nước gần với đối tượng và lãnh thổ nghiên cứu.



3.1.1. 1. Một số hệ thống phân loại cảnh quan trong và ngoài nước

Đối với hệ thống phân loại của các tác giả nước ngoài, chủ yếu tác giả tham khảo 3 hệ thống phân loại của các nhà Cảnh quan học Xô Viết được các nhà Địa lý Việt nam nghiên cứu một cách có hệ thống và ứng dụng phổ biến trong quá trình xây dựng các hệ thống phân loại cảnh quan ở Việt Nam, đó là hệ thống phân loại của A.G.Ixasenko (1965), M.A.Grvozetxki (1961) và V.A.Nicolaev (1970). Các hệ thống phân loại cảnh quan này được các tác giả xây dựng cho những lãnh thổ rộng lớn ở Liên Xô trước đây nên khó có thể áp dụng toàn bộ vào thực tế nghiên cứu cảnh quan ở Việt Nam. Đối với lãnh thổ Việt Nam hẹp và nhỏ, có những đặc trưng về tự nhiên và phân hoá đa dạng thì cần có hệ thống phân chia chi tiết hơn. Hệ thống phân loại phải có sự lựa chọn các đơn vị phân loại một cách phù hợp với từng vùng lãnh thổ, phù hợp với mục đích nghiên cứu và tỷ lệ bản đồ [61, 126].

Trong các hệ thống nêu trên có hàng loạt những đơn vị phân loại chung như lớp, kiểu, nhóm, loại. Và cũng có thể nhận thấy rằng có nhiều dấu hiệu được dùng chung cho các đơn vị như lớp, kiểu, nhóm bên cạnh các dấu hiệu riêng theo quan niệm của từng tác giả, cho từng lãnh thổ nhất định. Đây là những cơ sở quan trọng để khi thành lập các hệ thống phân loại CQ các vùng lãnh thổ các tác giả có sự so sánh, đối chiếu và phân tích để đưa những chỉ tiêu thích hợp cho từng cấp phân loại và lựa chọn các cấp phân loại phù hợp với lãnh thổ nghiên cứu cũng như mục đích nghiên cứu và tỷ lệ bản đồ.

Hệ thống phân loại của các tác giả Việt Nam được tác giả nghiên cứu một cách khá kỹ càng từ những hệ thống đơn vị theo hướng phân vùng phân chia CQ Việt Nam thành các vùng địa lý tự nhiên những năm 60, 70 như: Hệ thống phân vị Thiên nhiên Miền Bắc Việt Nam gồm 5 cấp: Lãnh thổ, tỉnh, quận, á quận, vùng dựa trên quan điểm phân hoá phi địa đới của V.M.Frdlan (1961); các tác giả Nguyễn Đức Chính và Vũ Tự Lập (1962) đã phân chia Địa lý tự nhiên Việt Nam theo hệ thống phân vị có 6 cấp gồm: Đới, xứ, miền, khu, vùng, cảnh trên quan điểm phân hoá địa đới và phi địa đới nên phản ánh sự phân hoá tự nhiên một cách khách quan hơn và lần đầu tiên thuật ngữ Cảnh quan được sử dụng; Hệ thống phân vị từ á đại lục đến cấp vùng cho miền Bắc Việt Nam trong Phân vùng địa lý tự nhiên Việt Nam của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước (1970), đây là công trình có ý nghĩa lớn trong điều tra và sử dụng lãnh thổ [64, 83, 102].

Đáng chú ý trong giai đoạn này là hệ thống phân loại CQ của tác giả Vũ Tự Lập trong “Cảnh quan địa lý miền Bắc Việt Nam” năm 1976, tác giả đã đưa ra một hệ thống các cấp phân vị sử dụng để phân loại CQ miền Bắc Việt Nam gồm 8 cấp: Hệ, lớp, phụ lớp, nhóm, kiểu, chủng, loại và thứ [58]. Đây là hệ thống phân loại CQ đầu tiên ở Việt Nam mà trong đó tác giả đã căn cứ trên cơ sở phân hoá địa đới và phi địa đới để xây dựng các cấp phân vị, mỗi cấp tương ứng với một chỉ tiêu hoặc một tập hợp các chỉ tiêu nhất định, có sự kết hợp giữa các cặp trong thành phần của CQ từ nền nham, địa hình, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng và cuối cùng là thảm thực vật. Trong đó cấp cơ sở của hệ thống- cấp cảnh địa lý có sự đồng nhất về cả tính địa đới và phi địa đới. Công trình đã có những đóng góp quan trọng trong công tác NCCQ phục vụ thực tiễn sản xuất, quan điểm tổng hợp trong NCCQ được các nhà địa lý quan tâm và tiếp tục phát triển. Đây cũng là công trình có giá trị về mặt lý luận cho việc đào tạo sinh viên nghiên cứu cảnh quan. Cũng trong giai đoạn này công trình phân vùng có giá trị thực tiễn lớn là Phân vùng địa lý tự nhiên Tây Nguyên của tập thể tác giả Nguyễn Văn Chiển, Trần Quang Ngãi, Hoàng Đức Triêm nghiên cứu từ 1976-1980 và công bố năm 1984 với hệ thống phân vị chỉ gồm 3 cấp: xứ, khu, vùng nhưng đã nói lên được giá trị thực tiễn của việc vận dụng nghiên cứu địa lý tự nhiên trong thực tiễn sản xuất.

Từ sau 1980 cho đến nay, có rất nhiều tác giả đi sâu nghiên cứu CQ các vùng lãnh thổ Việt Nam và đã đưa ra các hệ thống phân loại khác nhau tuỳ theo từng lãnh thổ, mục đích nghiên cứu như: Phạm Quang Anh, Nguyễn Thành Long; Nguyễn Văn Vinh; Phạm Hoàng Hải, Nguyễn Ngọc Khánh, Nguyễn Trọng Tiến, Phạm Thế Vĩnh và nhiều người khác. Các công trình này chủ yếu tiến hành theo hướng phân loại CQ không dựa vào cá thể địa tổng thể. Trong đó tác giả đi sâu tìm hiểu các cấp phân loại và chỉ tiêu cho từng cấp của 2 hệ thống phân loại sau:



  1. Tác giả Nguyễn Thành Long và tập thể phòng Địa lý tự nhiên thuộc Trung tâm Địa lý và tài nguyên thiên nhiên khi xây dựng bản đồ CQ các tỷ lệ trên lãnh thổ Việt Nam năm 1992 đã dựa vào hệ thống phân loại của Nicolaev và đưa ra hệ thống phân loại gồm 10 cấp: Hệ CQ, phụ hệ CQ, lớp CQ, phụ lớp CQ, kiểu CQ, phụ kiểu CQ, hạng CQ, loại CQ; ngoài ra còn có 2 cấp bổ trợ khác là dạng, nhóm dạng địa lý và diện, nhóm diện địa lý [63].

2. Năm 1997 khi nghiên cứu CQ nhiệt đới gió mùa Việt Nam tác giả Phạm Hoàng Hải, Nguyễn Thượng Hùng, Nguyễn Ngọc Khánh đã xây dựng hệ thống phân loại áp dụng cho Bản đồ CQ Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000. Hệ thống gồm 7 cấp, cụ thể như sau [27]:

Bảng 3.1. Hệ thống phân loại cảnh quan của Phạm Hoàng Hải và nnk (1997)

TT

Cấp phân vị

Các chỉ tiêu phân chia

1

Hệ thống

cảnh quan



Đặc trưng quy mô đới tự nhiên được quy định bởi vị trí của Mặt trời và các hoạt động tự quay của Trái đất xung quanh mình nó.

2

Phụ hệ thống

cảnh quan



Đặc trưng định lượng của các điều kiện khí hậu được quy định bởi sự hoạt động của chế độ hoàn lưu khí quyển trong mối tương tác giữa các điều kiện nhiệt và ẩm ở quy mô á đới, nó quyết định sự tồn tại và phát triển của các quần thể thực vật liên quan đến vùng sinh thái hệ thực vật.

3

Lớp cảnh quan

Đặc trưng hình thái phát sinh của đại địa hình lãnh thổ, quyết định các quá trình thành tạo và thành phần vật chất mang tính chất phi địa đới biểu hiện bằng các đặc trưng định lượng của cân bằng vật chất, quá trình di chuyển vật chất, lượng sinh khối, cường độ tuần hoàn sinh vật của các quần thể phù hợp với điều kiện sinh thái được quy định bởi sự kết hợp giữa yếu tố địa hình và khí hậu.

4

Phụ lớp cảnh quan

Đặc trưng trắc lượng hình thái trong khuôn khổ lớp, thể hiện cân bằng vật chất giữa các đặc trưng trắc lượng hình thái địa hình, các đặc điểm khí hậu và đặc trưng quần thể thực vật: sinh khối, mức tăng trưởng, tuần hoàn sinh vật theo các ngưỡng độ cao.

5

Kiểu cảnh quan

Những đặc điểm sinh khí hậu chung quyết định sự thành tạo các kiểu thảm thực vật, tính chất thích ứng của đặc điểm phát sinh quần thể thực vật theo đặc trưng biến động của cân bằng nhiệt ẩm

6

Phụ kiểu

cảnh quan



Những đặc trưng định lượng sinh khí hậu cực đoan quyết định thành phần loài của các kiểu thảm thực vật, quy định các ngưỡng tới hạn phát triển của các loài thực vật cấu thành các kiểu thảm theo nguồn gốc phát sinh.

7

Loại (nhóm, loại) cảnh quan

Đặc trưng bởi mối quan hệ tương hỗ giữa các nhóm quần xã thực vật và các loại đất trong chu trình sinh học nhỏ, quyết định mối cân bằng vật chất của cảnh quan qua các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cộng với các tác động của các hoạt động nhân tác.

Đây là hai hệ thống phân loại mà sau này trong nhiều nghiên cứu về cảnh quan lãnh thổ Việt Nam đã được nhiều tác giả công nhận và thừa kế, vận dụng kết quả làm cơ sở cho các vấn đề nghiên cứu tiếp theo như phân vùng cảnh quan, đánh giá tổng hợp,...một phần hay toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Qua nghiên cứu các hệ thống phân vị của hầu hết các công trình này cho thấy, các tác giả đều sử dụng các cấp từ Hệ, Phụ hệ, Lớp, Phụ lớp, Kiểu, Phụ kiểu, Hạng, Loại cảnh quan và một số cấp bổ trợ khác ở cấp thấp. Mỗi cấp có những chỉ tiêu cụ thể quy định sự phân hóa có tính hệ thống, lô gic và có sự thống nhất trong từng cấp.

Bên cạnh đó các tác giả ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã có nhiều hệ thống phân loại cảnh quan ứng dụng trong nghiên cứu cho các vùng lãnh thổ riêng biệt như: Tác giả Nguyễn Cao Huần, Nguyễn An Thịnh nghiên cứu cảnh quan Sapa, Lào Cai; tác giả Trương Quang Hải “phân kiểu Cảnh quan miền Nam Việt Nam”; tác giả Trương Quang Hải, Nguyễn Thị Thuý Hằng nghiên cứu vùng núi đá vôi tỉnh Ninh Bình, Phạm Quang Anh, Hà Văn Hành..v.v, mỗi vùng lãnh thổ đều có một hệ thống phân loại cụ thể phù hợp với mục tiêu, nội dung và tỷ lệ nghiên cứu [3, 33, 35,47].

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận, phương pháp nghiên cứu, tìm hiểu sự phân hóa lãnh thổ, các công trình nghiên cứu cảnh quan ứng dụng trong những năm gần đây đã có nhiều vận dụng các hệ thống phân loại của các tác giả trên đây để phân loại cảnh quan cho các lãnh thổ cụ thể như: Nghiên cứu cảnh quan dải ven biển đồng bằng Sông Hồng, nghiên cứu cảnh quan các tỉnh: Ninh Bình, Quảng Trị, Đắc Lắc, Thanh Hóa, Đồng Tháp,... nghiên cứu cảnh quan ở một số khu vực khác.

Trong quá trình nghiên cứu xây dựng hệ thống phân loại cảnh quan tỉnh Quảng Bình, tác giả cũng đã kế thừa những kết quả nghiên cứu trước đây về nguyên tắc, cách xây dựng chỉ tiêu cho từng cấp phân loại của các tác giả nói trên. Đặc biệt luận án đã tham khảo, vận dụng, kế thừa một số cấp phân loại ở bậc cao như Hệ, Phụ Hệ, Kiểu, Phụ kiểu theo sự phân hoá địa đới và phi địa đới trong hệ thống phân loại cảnh quan toàn lãnh thổ Việt Nam của tác giả Phạm Hoàng Hải và nnk (1997) trong quá trình xây dựng hệ thống phân loại cảnh quan của lãnh thổ nghiên cứu. Các cấp phân loại ở cấp thấp tác giả đã nghiên cứu, lựa chọn các chỉ tiêu phân loại trên cơ sở tham khảo các hệ thống phân loại trên, đồng thời xem xét đến các yếu tố thành tạo cụ thể của lãnh thổ nghiên cứu và căn cứ trên những nguyên tắc trong phân loại và xây dựng Bản đồ Cảnh quan.

3.1.1.2. Nguyên tắc và phương pháp xây dựng hệ thống phân loại cảnh quan tỉnh Quảng Bình.

Xây dựng được một hệ thống phân loại cảnh quan và đưa ra các chỉ tiêu đảm bảo các nguyên tắc khách quan, phù hợp với quá trình phát sinh, phát triển là cơ sở vững chắc cho việc tiến hành phân tích, đánh giá cảnh quan đúng đắn, đưa ra phương hướng sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường phù hợp, phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế bền vững của một lãnh thổ.

Mặc dù có nhiều hệ thống phân loại CQ, mỗi hệ thống phân loại phù hợp với một vùng lãnh thổ nhất định, phù hợp với các đặc điểm tự nhiên của lãnh thổ đó và phù hợp mục đích, yêu cầu nghiên cứu, nhưng các nguyên tắc cơ bản không thể thiếu trong NCCQ nói chung và sự phân loại của cảnh quan nói riêng là: Nguyên tắc đồng nhất trong phát sinh, đồng nhất về lịch sử phát triển, đồng nhất trong cấu trúc và chức năng của các đơn vị CQ. Trên cơ sở nguyên tắc này để giải thích về nguồn gốc các thành phần-yếu tố thành tạo CQ của lãnh thổ, nguồn gốc của các thể tổng hợp tự nhiên và mối quan hệ giữa chúng qua đó xác định những đặc trưng cơ bản về cấu trúc, chức năng nguyên sinh của CQ. Trong phân tích CQ thì nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng và được sử dụng để phân tích, làm rõ các đặc tính cấu trúc CQ tức là xét xem CQ được cấu tạo như thế nào, giữa các thành phần cấu trúc đó có mối quan hệ ra sao, tại sao lại có cấu trúc đó và cấu trúc như vậy để làm gì, có chức năng như thế nào [27].

Tuy nhiên chúng ta cũng biết rằng trong quá trình phát sinh, phát triển của cảnh quan lãnh thổ thì các yếu tố tự nhiên- nhân tố thành tạo nên CQ luôn có sự biến đổi không ngừng dưới tác động của các quy luật tự nhiên và các tác động của con người, nó vừa có sự phân hóa theo những quy luật mang tính chất chung nhưng đồng thời lại có sự phân dị theo những đặc thù địa phương của nó và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình nhân tác. Chính vì vậy trong NCCQ cần quan tâm đến tính thời gian, đó chính là nguyên tắc lịch sử phục hồi hay còn gọi là phát sinh lịch sử. Đây là nguyên tắc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong NCCQ, nghiên cứu những phát sinh trong quá trình phát triển của CQ và đặc biệt cần thiết trong quá trình nghiên cứu, đánh giá để đề xuất các phương án sử dụng cho các mục đích thực tiễn [27, 29]. Chỉ khi sử dụng các nguyên tắc cơ bản này mới có thể làm rõ được các đặc tính trong phân hoá của CQ, đó là sự khác biệt và đồng nhất trong cấu trúc, chức năng của các đơn vị CQ được phân chia. Các nguyên tắc này có thể áp dụng riêng để giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu mang tính độc lập, nhưng trong rất nhiều trường hợp chúng thường được sử dụng một cách tổng hợp hay nói cách khác các nguyên tắc này luôn có mối liên quan chặt chẽ, bổ sung cho nhau và gắn bó với nhau trong quá trình áp dụng để tiến hành nghiên cứu xây dựng hệ thống phân loại.

3.1.2. Hệ thống phân loại cảnh quan tỉnh Quảng Bình cho bản đồ cảnh quan tỉnh Quảng Bình tỷ lệ 1:100.000

Hệ thống phân loại CQ một lãnh thổ là cơ sở khoa học của việc xây dựng bản đồ CQ, trong đó mỗi cấp phân loại gắn với một số các chỉ tiêu cụ thể. Các chỉ tiêu phân loại vừa có tính khách quan, phù hợp với lãnh thổ nghiên cứu, vừa đảm bảo lôgic khoa học và có ý nghĩa ứng dụng thực tiễn. Các chỉ tiêu trong mỗi cấp phân vị là các đặc điểm đặc trưng định tính và định lượng của các yếu tố tự nhiên thành tạo nên CQ lãnh thổ, đó chính là chỉ tiêu về các hợp phần địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, sinh vật...trong hệ thống tự nhiên thành tạo nên CQ.



Căn cứ vào các cơ sở khoa học đã nghiên cứu và phân tích, luận án đưa ra hệ thống phân loại CQ tỉnh Quảng Bình gồm 7 cấp, làm cơ sở cho việc thành lập bản đồ Cảnh quan tỷ lệ 1:100.000 như sau:

Bảng 3.2. Hệ thống phân loại cảnh quan tỉnh Quảng Bình

T.T

Cấp phân loại

Dấu hiệu đặc trưng

1

Hệ thống cảnh quan

Nền bức xạ chủ đạo quyết định tính đới. Chế độ nhiệt ẩm quyết định cường độ lớn của chu trình vật chất và năng lượng.

2

Phụ hệ thống cảnh quan

Tương quan giữa địa hình và gió mùa Đông Bắc, gió mùa Tây Nam quyết định sự phân bố lại nhiệt ẩm.

3

Lớp cảnh quan

Đặc trưng hình thái phát sinh của đại địa hình, quy định tính đồng nhất của hai quá trình lớn trong chu trình vật chất bóc mòn và tích tụ.

4

Phụ lớp cảnh quan

Đặc trưng về trắc lượng hình thái địa hình phân tầng bên trong của lớp cảnh quan.

5

Kiểu cảnh quan

Đặc điểm sinh khí hậu chung quy định kiểu thảm thực vật phát sinh và tính thích ứng của các quần thể thực vật do biến động của cân bằng nhiệt ẩm.

6

Phụ kiểu cảnh quan

Sự phân hóa bên trong của Kiểu cảnh quan

7

Loại cảnh quan

Sự kết hợp của các quần xã thực vật với các loại đất qua các tác động của con người.

Với hệ thống chỉ tiêu phân loại như trên, CQ tỉnh Quảng Bình nằm trong Hệ thống cảnh quan nhiệt đới ẩm, gió mùa trên toàn lãnh thổ Việt nam. Các giá trị đặc trưng về bức xạ mặt trời, chế độ nhiệt, ẩm Quảng Bình đều đảm bảo tính chất nhiệt đới, ẩm, gió mùa của khí hậu Việt nam. Mặt khác Phụ hệ thống cảnh quan nhiệt đới gió mùa, ẩm, có một mùa đông lạnh của Việt Nam kéo dài từ 160B (đèo Bạch Mã) trở ra, là Phụ hệ thống CQ chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa Đông Bắc và Quảng Bình cũng nằm trong Phụ hệ thống CQ này. Đây là các cấp phân vị được xác định trên cơ sở năng lượng của ánh sáng mặt trời và hoạt động của hoàn lưu khí quyển. Các cấp thấp hơn được xác định thông qua đặc tính của các yếu tố nền rắn là cấu trúc địa chất, đặc điểm địa hình và các yếu tố sinh khí hậu, mối tương quan giữa thổ nhưỡng, sinh vật có sự tác động của con người. Cụ thể từ cấp Lớp CQ xuống đến cấp thấp nhất là cấp Loại CQ thì sự phân chia dựa trên các đặc trưng riêng của lãnh thổ nghiên cứu.

Lớp cảnh quan được phân chia trên cơ sở đặc điểm phát sinh hình thái của địa hình lãnh thổ. Quảng Bình có núi, đồi và đồng bằng cùng với dải cồn cát ven biển là những bộ phận lãnh thổ có sự đồng nhất trong các quá trình địa mạo lớn là bóc mòn và tích tụ vì thế có thể phân chia thành 3 lớp cảnh quan: Lớp CQ núi; Lớp CQ đồi; Lớp CQ đồng bằng.

Bên cạnh đó trong từng lớp CQ lại có sự phân tầng địa hình, thể hiện qua sự phân hoá theo đai cao tự nhiên có những khác biệt về cấu trúc, chức năng vì vậy cảnh quan Quảng Bình phân chia thành 6 phụ lớp khác nhau, gồm có: Phụ lớp CQ núi trung bình; Phụ lớp CQ núi thấp; Phụ lớp CQ đồi cao; Phụ lớp CQ đồi thấp; Phụ lớp CQ đồng bằng cao; Phụ lớp CQ đồng bằng thấp và dải cồn cát ven biển.

Tuy nhiên đặc điểm chung của sinh khí hậu quyết định sự hình thành kiểu thảm thực vật nguyên sinh theo nguồn gốc phát sinh ở Quảng Bình là khá đồng nhất, sự phân hoá các kiểu rừng nguyên sinh không rõ ràng vì thế ở đây chỉ tồn tại một kiểu CQ đặc trưng là Kiểu cảnh quan rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa có một mùa đông lạnh nằm trong sự phân hoá các Kiểu cảnh quan chung của lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên vượt qua Đèo Ngang, tính chất lạnh của mùa đông có phần giảm sút so với phía Bắc, vì thế hình thành Phụ kiểu cảnh quan rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa, có mùa đông hơi lạnh trong sự phân hoá của cảnh quan dải ven biển Việt Nam từ Đèo Ngang đến Hải Vân (Bạch Mã).

Đơn vị cuối cùng, đơn vị cơ sở được phân chia trên bản đồ CQ tỉnh Quảng Bình là Loại CQ, được thành tạo trong mối tác động tương hỗ giữa thảm thực vật tự nhiên và nhân tác với các loại đất, Quảng Bình được phân chia thành 10 nhóm loại thực vật phân bố trên 19 nhóm loại đất khác nhau, hình thành nên 130 loại cảnh quan (cả CQ sông, hồ, mặt nước) được phân bố trên gần một ngàn khoanh vi, mỗi loại cảnh quan được lặp lại ở nhiều khoanh vi. Cấp loại cảnh quan là đơn vị cơ sở trong hệ thống phân loại cảnh quan tỉnh Quảng Bình, phản ánh mức độ đa dạng của cảnh quan lãnh thổ. Đây cũng chính là đơn vị được thể hiện trên Bản dồ cảnh quan tỉnh Quảng Bình tỷ lệ 1:100.000.

3.1.3. Bản đồ cảnh quan tỉnh Quảng Bình tỷ lệ 1:100.000

Để thành lập được Bản đồ Cảnh quan tỉnh Quảng Bình tỷ lệ 1:100.000, tác giả đã phải sử dụng phối hợp nhiều phương pháp nghiên cứu. Trên cơ sở nghiên cứu hệ thống các bản đồ chuyên đề đã có ở cùng tỷ lệ là Bản đồ địa chất, bản đồ địa mạo, bản đồ địa hình, bản đồ khí hậu, bản đồ thổ nhưỡng, bản đồ hiện trạng rừng, thảm thực vật Quảng Bình ở tỷ lệ 1:100.000; Nghiên cứu các sơ đồ, bảng biểu kèm theo để thấy được sự phân hóa của từng thành phần tự nhiên, thống nhất quan điểm phân chia của các thành phần phân loại và tổng quát hoá từng lớp thông tin từ các bản đồ chuyên đề, biên tập lại bản đồ đất tỉnh Quảng Bình (bản đồ số 6) theo mục đích sử dụng. Chuẩn hoá dữ liệu về các yếu tố thành tạo CQ lãnh thổ. Trên cơ sở bản đồ địa chất, địa mạo kết hợp với bản đồ địa hình tác giả xây dựng bản đồ phân tầng độ cao địa hình (bản đồ số 4) xác định các lớp, phụ lớp cảnh quan tỉnh Quảng Bình.

Tác giả cũng đã tham khảo các bản đồ thổ nhưỡng, hiện trạng rừng và hiện trạng sử dụng đất để xây dựng bản đồ hiện trạng thảm thực vật (bản đồ số 7). Trên cơ sở bản đồ đất và bản đồ hiện trạng thảm thực vật đã được xây dựng ở tỷ lệ 1:100.000, tác giả đã chồng xếp để tìm ra sự phân loại CQ, xây dựng ma trận chú giải và thành lập bản đồ cảnh quan tỉnh Quảng Bình tỷ lệ 1 :100.000 (bản đồ số 8).

Bản đồ Cảnh quan là bản đồ tổng hợp chứa đựng thông tin của các bản đồ chuyên đề, đồng thời thể hiện mối liên hệ của các hợp phần cảnh quan. Trong quá trình chồng xếp bản đồ bộ phận, sử dụng công nghệ GIS không phải các đơn vị cảnh quan được hình thành mà các đơn vị tổng hợp này trở nên manh mún, các ranh giới của từng thành phần không phải chồng khít lên nhau. Chính vì vậy trong quá trình thành lập bản đồ Cảnh quan phải có sự lựa chọn các yếu tố trội, thực hiện khái quát hóa bản đồ một cách thích hợp, chỉnh lý các khoanh vi.

Bên cạnh đó trong quá trình NCCQ tác giả đã tổ chức khảo sát thực địa ở một số tuyến đường theo chiều Đông-Tây cắt qua một số đơn vị CQ điển hình của Quảng Bình như: tuyến đường 16 từ ngã ba Cam Liên đến suối nước khoáng Bang huyện Lệ Thủy ở Phía Nam Quảng Bình, tuyến từ Quán Hàu theo đường 10 đi Khe Giữa, đường 20 ở phía Tây Bố Trạch và đường 12 từ Ba Đồn đi Cha Lo. Tác giả cũng đã có các chuyến thực địa dọc theo đường Hồ Chí Minh qua các Huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch; đi dọc theo dải cồn cát ven biển Quảng Bình từ Lệ Thuỷ đến Quảng Trạch, đến một số điểm của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng như: trạm U Bò, Chà Nòi, một số hang động, thắng cảnh của Vườn. Qua sự quan sát, mô tả các yếu tố chỉ thị và kết hợp với quan trắc, đo đạc lấy một số mẫu thỗ nhưỡng, địa chất tác giả tìm hiểu mối liên hệ giữa các thành phần, nhận xét đặc điểm CQ. Đây cũng là một trong những cơ sở thành lập lát cắt cảnh quan. Phương pháp phân tích, tổng hợp, đánh giá số liệu thống kê được tác giả sử dụng trong quá trình nghiên cứu các yếu tố thành tạo phục vụ cho thành lập bản đồ. Trên đây là những phương pháp cơ bản nhất đã được tác giả sử dụng trong quá trình nghiên cứu, thành lập Bản đồ Cảnh quan tỉnh Quảng Bình.




tải về 1.44 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương