MỤc lục mở ĐẦU 1


Đặc điểm các yếu tố kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Bình



tải về 1.44 Mb.
trang5/12
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.44 Mb.
#12687
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

2.2. Đặc điểm các yếu tố kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Bình

2.2. 1. Dân cư và lực lượng lao động



2.2.1.1. Dân cư

Theo số liệu thống kê, năm 2010 dân số Quảng Bình có 857.818 người, trong đó nữ có 435.235 người chiếm 50,7%; dân số thành thị 124.404 người, chiếm 14,5% dân số. Tỷ lệ gia tăng dân số trung bình thời kỳ 1996 - 2000 là 1,5% và thời kỳ 2001-2006 là 1,2%. Trong những năm gần đây, mức gia tăng dân số giảm, mức gia tăng tự nhiên dân số khoảng dưới 1,0% .



Bảng 2.5. Diện tích, dân số và mật độ dân dân cư năm 2010




Diện tích (Km²)

Dân số trung bình (người)

Mật độ dân số (người/km²)

Tổng số

8.065

857.818

106

Đồng Hới

156

108.526

696

Minh Hóa

1.413

46.250

33

Tuyên Hóa

1.151

81.739

71

Quảng Trạch

614

206.538

336

Bố Trạch

2.124

176.741

83

Quảng Ninh

1.191

91.438

77

Lệ Thuỷ

1.416

146.586

104

(Nguồn số liệu: Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình)

Đại bộ phận dân cư Quảng Bình là người Kinh chiếm hơn 98,5%, có 15 tộc người thiểu số chỉ chiếm 1,5% dân số toàn tỉnh, sống tập trung ở miền núi Tuyên Hoá, Minh Hoá và phía Tây các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ. Dân cư bố không đều giữa các huyện, tập trung đông đúc ở Thành phố Đồng Hới với mật độ 696 người/km2, huyện Quảng Trạch 336 người/km2, trong khi đó miền núi dân cư thưa thớt như: Minh Hoá 33 người/km2, Tuyên Hoá 71 người/km2 (bảng 2.5).



2.2.1.2. Lực lượng lao động

Quảng Bình có nguồn lao động khá dồi dào. Tính đến năm 2010, số dân trong độ tuổi lao động khoảng 480 ngàn người (chiếm 55,7% dân số), trong đó có 432 ngàn người tham gia lao động trong các ngành kinh tế (chiếm 50% dân số). Hàng năm Quảng Bình được bổ sung khoảng 6,7 ngàn người lao động, nhưng lực lượng lao động đã được qua trình độ đào tạo ở Quảng Bình chỉ chiếm 36%, trong đó qua đào tạo nghề chiếm 20%.

Sự phân bố lao động trong các cơ quan, ngành nghề còn bất hợp lý và không đồng đều giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn. Dân số thành thị ở Quảng Bình chỉ khoảng 14%, còn 86% tập trung ở nông thôn. Vùng núi đồi chiếm trên 85% diện tích với tài nguyên phong phú nhưng chỉ có khoảng 30% lao động trong toàn tỉnh. Vùng đồng bằng chật hẹp chỉ có gần 15% diện tích tự nhiên nhưng nguồn lao động tập trung trên 70% tổng số.

Hiện nay lực lượng lao động vẫn tập trung chủ yếu trong các ngành Nông-Lâm-Ngư nghiệp chiếm 66,2% dân số, Công nghiệp và Xây dựng chiếm 14,6%, còn lại 19,2% dân số hoạt động trong lĩnh vực Dịch vụ. Trong những năm gần đây, lực lượng lao động ở Quảng Bình có hướng dịch chuyển từ ngành Nông-Lâm-Ngư nghiệp sang các ngành Công nghiệp, Xây dựng và Du lịch, Dịch vụ.

2.2.2. Các ngành kinh tế

Từ 2006-2010 kinh tế-xã hội Quảng Bình có những bước phát triển nhanh, xác định rõ hướng thoát nghèo và từng bước tạo lập các yếu tố đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2006 - 2010 đạt 10,7%, là giai đoạn có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất từ trước đến nay, cao hơn 2,14% so thời kỳ 2001-2005. Trong đó, tốc độ tăng trưởng theo GDP của nông, lâm, ngư nghiệp 4,3%, công nghiệp – xây dựng tăng 17%, dịch vụ tăng 11,6%.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu nội bộ từng ngành kinh tế tiếp tục có bước chuyển biến tích cực: tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 29,5% năm 2005 còn 21,7% năm 2010, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng từ 32,1% năm 2005 lên 37,7% năm 2010 và tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ từ 38,2% năm 2005 lên 40,6% năm 2010; tăng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp từng bước gắn với thị trường và chế biến. GDP bình quân đầu người có bước tăng trưởng đáng kể từ 5,4 triệu đồng năm 2005 lên 14 triệu đồng năm 2010 và thu hẹp dần khoảng cách với GDP bình quân đầu người của cả nước [96, 108].

Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm. Tỷ trọng các sản phẩm, cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, sản phẩm qua chế biến còn ít; hiệu quả của nền kinh tế nhìn chung còn thấp và chưa thật sự vững chắc. Tốc độ tăng trưởng GDP tuy đạt khá, nhưng quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, GDP bình quân đầu người năm 2010 chỉ bằng 64,8% so với mức trung bình cả nước.



  1. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản:

Giá trị sản xuất nông nghiệp thời kỳ 2006-2010 tăng bình quân 4,55%/năm. Tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng; SXNN chuyển dần theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng trên một đơn vị sản phẩm [96].

  • Trồng trọt: Có trên 10.287 ha diện tích lúa chất lượng cao, chiếm 21% tổng diện tích gieo trồng cả năm. Đã hình thành và phát triển một số vùng chuyên canh cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cao su nguyên liệu trên 7.500 ha, lạc 5.000 ha, sắn cao sản 3.000 ha... để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2010 đạt 84.530 ha, tăng 1,3% so với 2009. Sản lượng lương thực cả năm 2010 đạt 254.080 tấn, đạt 96,6% so với kế hoạch đề ra. Các loại cây lâu năm phát triển khá, đặc biệt là cây cao su, hồ tiêu, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Tổng diện tích cây lâu năm 18.705 ha, tăng 8% so với năm 2009. Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là trang trại cao su, trang trại tổng hợp. An ninh lương thực tiếp tục được đảm bảo mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng xấu của thiên tai [108].

- Chăn nuôi: Chương trình chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đàn và đa dạng loại hình chăn nuôi, trong đó chú trọng phát triển chăn nuôi công nghiệp, trang trại; quan tâm cải tạo đàn gia súc, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh. Trọng lượng thịt gia súc xuất chuồng tăng 7,3%, nhưng do ảnh hưởng của lũ lụt nên đến cuối năm 2010, tổng đàn gia súc, gia cầm giảm; tỷ trọng giá trị chăn nuôi chiếm 41,9% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.  

- Nuôi trồng thủy sản: Chương trình phát triển thuỷ sản tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, sản xuất thuỷ sản phát triển tương đối toàn diện. Năng lực đánh bắt được tăng cường, đã chú trọng tập trung phát triển mạnh khai thác xa bờ, đánh bắt các đối tượng thuỷ sản có giá trị xuất khẩu cao. Diện tích nuôi trồng thủy sản được mở rộng, từng bước chuyển đổi từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng năng suất cao, nhiều mô hình nuôi tôm trên cát, nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, nuôi thuỷ đặc sản mang lại hiệu quả cao. Giá trị sản xuất thủy sản bình quân giai đoạn 2006-2010 tăng 9,18%/năm, sản lượng thuỷ sản năm 2010 đạt 48.567 tấn, tăng bình quân 8,23%/năm và tăng 7,2% so với năm 2009. Sản lượng nuôi trồng 8.990 tấn; diện tích nuôi trồng năm 2010 đạt 4.722 ha [96, 108].

- Ngành lâm nghiệp: Vốn rừng tiếp tục được quan tâm bảo vệ, gìn giữ nên độ che phủ rừng được ổn định và phát triển, trung bình mỗi năm trồng mới 4-5 nghìn ha rừng. Năm 2010 trồng mới 5.100ha tăng 14,2% so với năm 2009 nâng độ che phủ rừng của tỉnh đạt 67,2%, đứng thứ 2 cả nước. Đã hoàn thành Quy hoạch 3 loại rừng làm cơ sở cho việc giao đất, giao rừng, đảm bảo khai thác rừng hợp lý, có hiệu quả. Công tác xã hội hoá nghề rừng có những chuyển biến tích cực với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm, công tác phòng chống lâm tặc được tăng cường kiểm tra, xử lý.



  1. Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN):  

Giá trị sản xuất công nghiệp thời kỳ 2006-2010 tăng bình quân hàng năm 19,0%/năm, mức cao nhất từ trước đến nay. Năm 2010 đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2009 và đạt 95,1% kế hoạch. Ngành công nghiệp bước đầu đã được khẳng định là ngành trọng tâm có bước tiến khá rõ nét trong việc cơ cấu lại sản xuất, đổi mới công nghệ hiện đại. Đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực như: sản xuất vật liệu xây dựng, mà trọng tâm là xi măng, gạch ngói, sản xuất bia, chế biến gỗ,... Cơ sở hạ tầng các khu, cụm CN - TTCN được đầu tư khá đồng bộ. Nhiều nhà máy quy mô lớn đi vào hoạt động như: nhà máy may xuất khẩu Hà Quảng, nhà máy bia Hà Nội - Quảng Bình công suất 30 triệu lít/năm, nhà máy xi măng sông Gianh 1,4 triệu tấn/năm, nhà máy xi măng Áng Sơn I, nhà máy sản xuất giấy Kraft, nhà máy đóng tàu... đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo tăng trưởng, phát triển bền vững. Đặc biệt Khu Kinh tế Hòn La đã được thành lập, đây sẽ là động lực mới cho phát triển KT-XH của tỉnh thời gian tới.

Cơ cấu sản xuất công nghiệp có sự chuyển đổi phù hợp, tỷ trọng công nghiệp nhà nước giảm, tỷ trọng công nghiệp ngoài nhà nước tăng, các cơ sở công nghiệp ngoài nhà nước được khuyến khích phát triển. Chương trình phát triển TTCN và ngành nghề nông thôn được chú trọng; một số ngành nghề truyền thống được khôi phục theo hướng gắn với phát triển du lịch và xuất khẩu, như: mộc dân dụng, mây tre đan, mỹ nghệ, sợi tơ tằm, các loại rượu truyền thống, các dịch vụ cơ khí...Tuy giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN đã có bước phát triển, nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ, trang thiết bị, công nghệ. Chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu quả Chương trình phát triển TTCN và ngành nghề nông thôn còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp chưa thật sự đồng bộ. Một số làng nghề đã được đầu tư nhưng chưa phát huy hiệu quả.



  1. Các ngành dịch vụ:

Các ngành dịch vụ phát triển mạnh đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh. Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng bình quân hàng năm thời kỳ 2006 - 2010 là 11,6%.

Chương trình phát triển du lịch tiếp tục được ­ưu tiên phát triển và từng bước khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng, mang tính đột phá của tỉnh. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu t­ư nâng cấp, hệ thống khách sạn, nhà hàng được mở rộng, chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ được nâng lên. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng ổn định, hàng năm tăng bình quân 12-14%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 17-18%/năm, đến năm 2010 đạt 846 nghìn lượt khách, trong đó: khách quốc tế là 22 nghìn lượt. Ở các vùng du lịch trọng điểm Phong Nha-Kẻ Bàng, Vũng Chùa-Đảo Yến, Nhật Lệ-Bảo Ninh, Bang... đã và đang có nhiều dự án du lịch sẽ tạo điều kiện phát triển mạnh dịch vụ du lịch của tỉnh trong thời gian tới.



2.2.3. Hiện trạng sử dụng tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Bình

2.2.3.1. Khoáng sản

Theo kết quả điều tra địa chất, tìm kiếm và thăm dò khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cho thấy Quảng Bình là một tỉnh có tiềm năng khoáng sản đa dạng và phong phú gồm: Nguyên liệu cháy, kim loại, vật liệu xây dựng, nước khoáng, ... Cho đến nay trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và đăng ký trên bản đồ 176 mỏ và điểm quặng thuộc gần 40 loại khác nhau. Khoáng sản kim loại có trữ lượng nhỏ, phân tán chỉ có ý nghĩa địa phương, còn khoáng sản phi kim loại phong phú, trong đó đá vôi và cao lanh có trữ lượng lớn [19, 69].

Vấn đề khai thác và sử dụng khoáng sản có ảnh hưởng rất lớn đến nguồn tài nguyên và môi trường Quảng Bình. Gây biến dạng, thay đổi bề mặt địa hình, gây ô nhiễm do bụi, tiếng ồn, chất thải rắn...đối với môi trường không khí, nước và đất. Việc khai thác cát sạn trên các lòng sông gây xói lở nghiêm trọng hai bên bờ, ảnh hưởng đến dòng chảy và an toàn giao thông. Khai thác cát ven biển gây xói lở bờ biển. Đặc biệt khai thác khoáng sản đã gây ảnh hưởng lớn đến bề mặt thảm thực vật, giảm diện tích rừng và rừng phòng hộ ven biển, cây sinh trưởng phát triển kém do môi trường ô nhiễm...làm thay đổi bộ mặt cảnh quan tỉnh Quảng Bình.

2.2.3.2. Tài nguyên và môi trường đất

Việc khai thác sử dụng đất vào các mục đích khác nhau của con người đã làm đảo lộn thế cân bằng tự nhiên của nó, làm cho thảm thực vật bị biến dạng, cơ cấu đất và hệ sinh vật đất bị thay đổi. Trong điều kiện khí hậu ở Quảng Bình là khí hậu ẩm, nhiệt đới, địa hình đồi núi, chịu ảnh hưởng của gió mùa thường gây mưa lớn và hạn hán kéo dài, vì vậy một số quá trình gây thoái hoá đất xảy ra khá phổ biến [109, 80, 81].

- Đất bị xói mòn: Tỉnh Quảng Bình hiện có 24.274 ha đất tầng mỏng, đây là nhóm đất có tầng canh tác dưới <30 cm do đất bị rửa trôi, xói mòn mạnh nên đất chặt cứng và nghèo dinh dưỡng. Nguyên nhân trực tiếp của vấn đề xói mòn đất là do quá trình canh tác trên đất dốc không áp dụng các biện pháp chống xói mòn.

- Đất bị giảm độ phì: Trong sản xuất trồng trọt, bón phân hữu cơ là nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho cây trồng và cung cấp lượng mùn để cải thiện tính chất đất. Tuy nhiên, cân đối giữa diện tích gieo trồng các loại cây và lượng phân hữu cơ có được từ ngành chăn nuôi thì chỉ đảm bảo được khoảng 50% nhu cầu.

- Đất nhiễm mặn: Nguy cơ nhiễm mặn xảy ra chủ yếu đối với các vùng đất ven sông có địa hình thấp, chịu ảnh hưởng của thuỷ triều do xâm nhập mặn vào mùa khô hoặc trong các cơn bão lớn.

- Đất bị Cát bay, cát lấp: Với 37.243 ha thuộc nhóm đất cát phân bố ven biển Quảng Bình thì đất cát biển có địa hình bằng phẳng chỉ chiếm 25% diện tích, còn lại 75% diện tích đất cát có địa hình gò đồi lượn sóng, nhiều nơi chưa có thảm thực vật. Do ảnh hưởng của gió và dòng chảy nên cát rất dễ di động. Vùng bờ biển và cửa sông do ảnh hưởng của sóng triều nhiều nơi cát bị xói lở nghiêm trọng như Cảnh Dương, Hải Trạch. Hiện tượng cát di động lấn đất sản xuất, đất thổ cư của nhân dân các xã Gia Ninh, Hồng Thuỷ... các xã ven Quốc lộ 1A ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

- Đất bị ô nhiễm do chất thải: Đất ở Quảng Bình chưa xảy ra hiện tượng ô nhiễm do chất thải. Tuy nhiên, một số vùng quanh nhà máy hoặc cơ sở sản xuất công nghiệp, khu dân cư thì ô nhiễm đất xảy ra cục bộ do chất thải và nước thải.

Theo số liệu tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp cho thấy đa số các chuồng trại chăn nuôi của các nhà dân đều không hợp vệ sinh, chất thải được thải trực tiếp ra môi trường đất tiếp nhận. Việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân bón hoá học khác nhau chưa được tốt. Tình trạng nông dân còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học nhằm tăng năng suất cây trồng cũng làm cho đất bị suy thoái nghiêm trọng. Bên cạnh đó việc thiếu ý thức của người dân như: vứt bỏ bao bì trên đồng sau khi sử dụng thuốc, súc rửa phương tiện phun rải thuốc bảo vệ thực vật không đúng nơi quy định vẫn còn xảy ra, điều đó cũng đã làm cho đất ngày càng bị suy thoái [109, 82].

Hiện nay hơn 80% dân số sản xuất nông nghiệp việc sử dụng các chế phẩm hoá học để tăng năng suất cây trồng, phát triển kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực cho toàn tỉnh đã một phần nhỏ tác động đến môi trường nói chung cũng như môi trường đất nông nghiệp nói riêng. Nhìn chung chất lượng đất chưa chịu sự biến đổi nhiều bởi dự lượng hoá chất bảo vệ thực vật trong đất, tuy nhiên các chỉ tiêu phát hiện được chứng tỏ rằng chế độ canh tác đã có một phần tác động đến dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật trong đất.

2.2.3.3.Tài nguyên và môi trường nước

Nhìn chung nước mặt tại các con sông và hồ trên địa bàn tỉnh phần lớn cho phép sử dụng vào các mục đích nông nghiệp. Về mùa mưa, lượng nước sông dâng cao, dòng chảy mạnh gây xói lở bờ sông, hàm lượng chất thải rắn lơ lửng khá cao, gây ảnh hưởng đến việc cấp nước cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Về mùa khô mực nước sông hồ hạ thấp, lưu lượng dòng chảy nhỏ gây nên tình trạng bị ô nhiễm hoặc bị xâm nhập mặn [82].

    1. Chất lượng nước mặt

Trên địa bàn Quảng Bình trong những năm gần đây chưa có dấu hiệu ô nhiễm đáng kể, tuy nhiên một số lúc, một số nơi đã có những dấu hiệu gia tăng một số tác nhân ô nhiễm như dầu mỡ, hoá chất nông nghiệp nước thải sản xuất, đặc biệt là nước mặt trên các đoạn sông đi qua khu dân cư tập trung, khu vực đô thị và khu vực có mật độ sản xuất công nghiệp lớn. Khả năng biến đổi chất lượng nước mặt chủ yếu là nước sông, các nguyên nhân chính là do canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp... Tuy nhiên mức độ gia tăng không rõ rệt và nhanh chóng được hồi phục do sông ngòi Quảng Bình ngắn, dốc, lưu lượng chảy tương đối lớn (đặc biệt là vào mùa mưa) và chịu ảnh hưởng mạnh của thuỷ triều. Các dấu hiệu ô nhiễm nhẹ được biểu hiện vào mùa hè khi lượng nước đầu nguồn bị giảm và đây cũng là giai đoạn chịu ảnh hưởng mạnh của sản xuất công, nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ, hải sản quảng canh tại khu vực đất ngập nước vùng hạ lưu ven sông. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra với một số khu vực sông như: sông Kiến Giang đoạn đi qua khu vực thị trấn Kiến Giang, xã Phong Thuỷ, Lộc Thuỷ, An thuỷ và ở vùng hạ lưu các sông khác.

    1. Chất lượng nước dưới đất:

Kết quả điều tra, thu thập tài liệu cho thấy tỉnh Quảng Bình có các tầng chứa nước chất lượng nước đảm bảo dùng tốt cho ăn uống, sinh hoạt; mực nước dưới đất nằm nông thuận lợi cho việc khai thác cấp nước sinh hoạt vùng nông thôn. Nước dưới đất tại chủ yếu được khai thác phục vụ sản xuất và sinh hoạt bằng giếng đào hoặc giếng khoan. Dấu hiệu ô nhiễm tầng nước ngầm mạch nông do hậu quả của sự rò rỉ nước thải bề mặt và hệ thống thu gom chưa tốt. Sự khai thác không có quy hoạch của các giếng nước ngầm trong dân đã tạo ra các "cửa sổ" thuỷ văn làm suy giảm về chất lượng và trữ lượng tầng nước ngầm.

Nhìn chung qua các kết quả khảo sát cho thấy nước dưới đất chưa có dấu hiệu gia tăng các thành phần chất lượng. Tuy nhiên, một số nơi chủ yếu là vùng cát ven biển đã có hiện tượng xâm nhập mặn ở mức độ nhẹ do hoạt động nuôi tôm trên cát. Chất lượng nước dưới đất có sự biến động theo mùa rõ rệt, vào mùa khô mức nước dưới đất hạ thấp, nước dưới đất chủ yếu được cung cấp bởi các mạch ngầm nên hàm lượng các ion trong nước tăng. Nhưng ngược lại vào mùa mưa hàm lượng chất rắn tổng số và coliform lại tăng cao hơn.

    1. Chất lượng nước biển ven bờ

Các khu dân cư Quảng Bình chủ yếu tập trung ở đồng bằng tại các vùng cửa sông và ven biển. Vì thế môi trường biển ven bờ ít nhiều bị ảnh hưởng do các hoạt động xả thải của hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ và hoạt động nuôi trồng thuỷ sản gây ra. Đặc biệt là tại các cơ sở nuôi tôm trên cát và chế biến thuỷ sản, nước thải không được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải. Tại các khu vực du lịch, ý thức bảo vệ môi trường của khách du lịch cũng như người dân còn kém, một số địa bàn ven biển do chưa có công trình vệ sinh đảm bảo, cộng với thói quen xả thải bừa bãi của cư dân một số vùng ven biển, các loại chất thải đều thải ra đất, ra biển gây ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan ven biển. Nguồn ô nhiễm từ sông đổ ra: gồm các sông lớn ở Quảng Bình như sông Gianh, Nhật Lệ trước khi đổ ra biển đều chảy qua các khu dân cư tập trung, các cụm công nghiệp và vùng nông nghiệp phát triển. Vì vậy, nguồn thải từ nước sông cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nước biển ven bờ. Mặt khác các nguồn thải từ các tàu vận tải, tàu khai thác thuỷ sản cũng cũng tác động đáng kể đến nước chất lượng nước biển ven bờ.

2.2.3.4. Môi trường không khí

Chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có sự gia tăng về nồng độ các chất ô nhiễm trong môi trường không khí xung quanh, đặc biệt NO2 đã bị ô nhiễm tại một số vị trí là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh như: Ngã ba Bưu điện tỉnh, ngã ba Bắc Lý, Ngã 4 Tây Cầu Vượt (Thành phố Đồng Hới), ngã ba thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch). Khí NO2 đo được chủ yếu do khí thải của các phương tiện cơ giới. Tuy nhiên sự ô nhiễm này chỉ mang tính tức thời, cục bộ, xảy ra trong phạm vi hẹp cho nên chưa thể đánh giá được chất lượng môi trường không khí xung quanh đã bị suy giảm. Tiếng ồn cũng tăng cao tại các vị trí là đầu mối giao thông trên. Tuy nhiên theo tiêu chuẩn của Thái Lan và một số nước khác trong khu vực thì mức ồn cho phép ở cạnh đường giao thông là 85 dBA thì chưa quá tiêu chuẩn cho phép [82, 109].

2.2.3.5. Chất thải rắn

Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, dân số tăng cao thì lượng rác thải trên địa bàn Quảng Bình đã gia tăng về khối lượng và ngày càng đa dạng về chủng loại. Theo điều tra sơ bộ của Công ty Công trình đô thị Quảng Bình, tổng lượng chất thải rắn phát sinh trong những năm gần đây tăng cao so với những năm về trước. Trong đó nguồn rác thải sinh hoạt khó kiểm soát, phụ thuộc vào ý thức người dân.

Nguồn rác thải Công nghiệp: Chưa phân loại và chưa có bãi rác chuyên dùng nên phải đổ chung tại các bãi xử lý rác thải sinh hoạt.

Nguồn rác thải y tế: Hiện nay, trên địa bàn Quảng Bình chỉ có Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (Đồng Hới) có lò thiêu rác nhưng chưa đạt chuẩn vệ sinh theo quy định. Việc phân loại rác thải y tế và rác thải sinh hoạt tại đây đã được thực hiện thường xuyên. Đối với các bệnh viện huyện, đang là thời kỳ xây dựng lại (Quảng Trạch, Minh Hoá, Đồng Hới) hoặc là đang xuống cấp nên việc phân loại rác thải y tế và rác thải sinh hoạt chưa đúng quy chuẩn và cách thức xử lý đang mang tính thủ công (đốt bằng dầu, chôn vào hố bê tông... ). Đây là vấn đề nổi cộm và cần có giải pháp mạnh buộc các cơ sở khám, chữa bệnh nói trên phải xây dựng các khu xử lý chất thải y tế hợp quy chuẩn vệ sinh.

Qua điều tra cho thấy tình trạng xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn nhiều bất cập, thiếu đầu tư đồng bộ, chôn lấp chưa hợp vệ sinh, chưa đúng kỹ thuật. Hiện tại chưa có cơ sở nào chế biến rác thành phân compost, có một số cơ sở nhỏ tái chế bao bì nilon hỏng nhưng quy mô chưa lớn, lượng tái chế chỉ đạt 25% tổng lượng chất thải khó phân huỷ nói trên. Trong các năm gần đây UBND tỉnh, các ngành, các địa phương tuy đã có sự quan tâm đầu tư về thu gom rác thải nhưng tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở vùng nông thôn đông dân cư, thị tứ, thị trấn chưa đạt 50% lượng rác thải thải ra. Tại thành phố Đồng Hới, tỷ lệ này cũng mới đạt khoảng 61 - 63% [82, 109].

Một khối lượng rác thải, đặc biệt là rác thải xây dựng do một số doanh nghiệp xây dựng đổ xuống ao, hồ nuôi tôm, sông... đã gây ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi. Do lượng rác thải thu gom, xử lý chưa nhiều, chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, vì vậy vấn nạn rác thải đang gây ô nhiễm như: bốc mùi, làm xấu cảnh quan, phản cảm... chắc chắn ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.

2.3. Vai trò các nhân tố tự nhiên và kinh tế-xã hội trong thành tạo cảnh quan tỉnh Quảng Bình

2.3. 1. Các nhân tố tự nhiên trong thành tạo Cảnh quan tỉnh Quảng Bình

Các nhân tố, thành phần trên là những thành phần vật chất thành tạo nên cảnh quan của một lãnh thổ. Chúng chỉ tồn tại độc lập một cách tương đối, giữa chúng luôn luôn có những mối quan hệ tác động qua lại và phụ thuộc lẫn nhau, xâm nhập vào nhau tạo thành một thể thống nhất. Các hợp phần này có tầm quan trọng như nhau trong quá trình hình thành cảnh quan lãnh thổ (không thể thiếu đi một thành phần nào), mỗi thành phần có một vai trò nhất định hình thành nên cấu trúc thẳng đứng của cảnh quan.

Việc nghiên cứu, phân tích đặc điểm các thành phần tự nhiên là cơ sở quan trọng để nghiên cứu, xây dựng hệ thống phân loại và thành lập bản đồ cảnh quan một lãnh thổ. Do sự phân hóa đa dạng và phức tạp của nền nham, điều kiện địa hình, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, sinh vật...của lãnh thổ trên cơ sở các quy luật địa đới, phi địa đới và sự tác động qua lại của các nhân tố này mà đã tạo nên sự khác biệt về tự nhiên giữa các khu vực và trong các đơn vị của hệ thống phân loại cảnh quan.

Sự phân hóa của từng thành phần về mặt không gian là khác nhau, nói cách khác sự phân dị về mặt lãnh thổ của từng hợp phần cảnh quan là không giống nhau. Chính vì thế sự phân hóa không gian của cảnh quan một lãnh thổ là sự tổng hợp về mức độ phân dị của các hợp phần. Song vai trò, chức năng của mỗi hợp phần trong thành tạo cảnh quan là khác nhau.

Theo N.A.Xolxev vai trò của các nhân tố được sắp xếp theo tính trội-kém thứ tự là: Cấu trúc địa chất - Nham thạch - Địa hình - Khí hậu - Nước - Đất - Thực vật và Động vật. Ông cho rằng: Nền nham là nhân tố trội của cảnh quan, còn Sinh vật thì phải phụ thuộc vào tất cả các yếu tố khác.

Trên quan điểm căn cứ vào mức độ tác động của các hợp phần thì V.B.Xochava lại cho rằng: Nhiệt-ẩm và Sinh vật là các thành phần đột biến và có tính biến động cao nhất trong cảnh quan.

A.A.Krauklis lại chia các hợp phần thành 3 nhóm:

1. Các thành phần cứng gồm: nền nham, địa hình là cơ sở nền tảng.

2. Các thành phần động gồm các yếu tố khí hậu, thủy văn thực hiện các chức năng trao đổi và vận chuyển vật chất trong cảnh quan.

3. Thành phần tích cực là sinh vật có vai trò quan trọng trong điều chỉnh, phục hồi và chuyển hóa năng lượng.

Theo A.G.Ixatsenko thì mỗi thành phần cấu tạo cảnh quan đều có vai trò đặc thù của nó và không thể so sánh, đánh giá thành phần nào là quan trọng hơn. Luận án phân tích vai trò các nhân tố trên cơ sở quan điểm này.

2.3.1.1. Địa chất, kiến tạo có vai trò quan trọng trong quá trình phát sinh, phát triển của cảnh quan lãnh thổ.

Nằm trong kiến tạo chung của lãnh thổ Việt Nam, Quảng Bình thuộc Bắc Trường Sơn, một bộ phận của địa máng-uốn nếp Việt-Lào. Trải qua các chu kỳ kiến tạo, các pha nâng lên, hạ xuống không đồng đều; sụt lún, đứt gãy kèm theo các hoạt động xâm nhập, phun trào; đặc biệt là hoạt động nâng lên cùng với sự xâm thực, bào mòn, san bằng, bồi tụ của Tân kiến tạo đã hình thành nên bộ mặt địa hình của lãnh thổ ngày nay và chính các hoạt động kiến tạo là nguyên nhân dẫn đến sự phân hóa đa dạng, phức tạp của hệ thống cảnh quan của lãnh thổ.

Quảng Bình nằm trong sự nâng lên của địa máng Trường Sơn, ở phía tây là nền móng cho các cảnh quan đồi núi; cảnh quan đồng bằng ở phía đông là sự bồi đắp trầm tích Đệ tứ của biển và sông trên các trũng sụt; dải cồn cát ven biển là cảnh quan đặc trưng được hình thành từ trước Đệ tứ và phát triển mạnh trong Đệ tứ, gắn liền với các chu kỳ biển tiến, biển thoái từ Pleistocen đến Holocen. Chính những lần biển tiến, biển thoái tạo nên sự đa dạng của nền nham. Trải qua các giai đoạn kiến tạo, Quảng Bình có mặt các nền nham chính như: Các trầm tích phiến sét, cát kết, cát bột kết, đá vôi, sét vôi, trầm tích sông, biển, cát biển; phun trào ba zan, mác ma axit, mác ma trung tính, đá granit, riôlit, đá biến chất có tuổi khác nhau, đây là nền tảng của sự hình thành nên các loại thổ nhưỡng đa dạng và phức tạp ở Quảng Bình. Trong đó có mặt của đá vôi tuổi Đêvon, Cacbon-Pecmi đã hình thành nên cảnh quan núi Cacxtơ điển hình ở vùng núi Khe Ngang-Kẻ Bàng.

Như vậy, quá trình địa chất, kiến tạo là nguồn gốc hình thành và phát triển của địa hình lãnh thổ. Các nền nham kết hợp với điều kiện địa hình, khí hậu, sinh vật đã quy định sự hình thành và đặc điểm các loại thổ nhưỡng khác nhau trong vùng. Vì vậy, đây chính là một trong các nhân tố có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nền móng cảnh quan.



2.3.1.2. Địa hình là nền tảng rắn của cảnh quan, là kết quả tổng hòa của các tác động nội lực và ngoại lực trải qua một quá trình lịch sử lâu dài, phức tạp

Địa hình gắn liền với nền địa chất và các quá trình địa mạo ngoại lực của lãnh thổ. Địa hình Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng phản ánh rõ đặc điểm của hoạt động Tân kiến tạo. Tính chất đồi núi thấp của địa hình Quảng Bình đã đảm bảo cho Quảng Bình bảo toàn được Hệ thống cảnh quan nhiệt đới ẩm gió mùa của Việt nam. Trong khi đó các dãy núi ăn ra sát biển tăng cường phân hóa phi địa đới, ngăn cách hoạt động của các khối khí và trở thành ranh giới phân chia cảnh quan, kết quả hình thành nên các Phụ hệ cảnh quan. Phía bắc Quảng Bình là dãy Hoành sơn đâm ngang ra biển, vì vậy Quảng Bình tuy vẫn thuộc Phụ hệ cảnh quan nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh, nhưng vượt qua Đèo Ngang tính chất lạnh có phần giảm sút.

Mặt khác sự phân hóa tự nhiên theo độ cao địa hình là nguyên nhân hình thành nên các lớp và phụ lớp cảnh quan trong hệ thống phân loại cảnh quan. Địa hình Quảng Bình gồm núi, gò đồi, vùng đồng bằng ở giữa và dải cồn cát ven biển. Trong đó 85% diện tích là đồi núi, nhưng chủ yếu là đồi núi thấp. Do sự ảnh hưởng của địa hình đến đặc điểm của quá trình di chuyển vật chất, vì thế Quảng Bình có các lớp cảnh quan núi, lớp cảnh quan gò đồi và lớp cảnh quan đồng bằng; Trong mỗi lớp cảnh quan, sự phân hóa trong quá trình vận chuyển vật chất tạo nên các phụ lớp cảnh quan, các phụ lớp cảnh quan Quảng bình có thể có là phụ lớp cảnh quan núi trung bình, phụ lớp cảnh quan núi thấp, phụ lớp cảnh quan gò đồi, phụ lớp cảnh quan đồng bằng cao, phụ lớp cảnh quan đồng bằng thấp và có phụ lớp cảnh quan dải cồn cát ven biển.

Bên cạnh đó địa hình cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sự phân hóa của các yếu tố khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, sinh vật trong quá trình thành tạo các kiểu cảnh quan, phụ kiểu cảnh quan và loại cảnh quan tỉnh Quảng Bình. Tóm lại, cùng với nền nham, yếu tố địa hình là nhân tố chủ đạo trong quá trình phân hóa thành lớp và phụ lớp cảnh quan Quảng Bình. Đây cũng là các yếu tố đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc cảnh quan Quảng Bình.



2.3.1.3. Khí hậu là một nhân tố quan trọng được các nhà Cảnh quan học đánh giá là nhân tố quyết định bộ mặt cảnh quan một lãnh thổ

Các yếu tố địa đới và phi địa đới tác động đến các thành phần khác của cảnh quan qua nền rắn và khí hậu. Khí hậu quyết định đến các quá trình phong hóa hình thành thổ nhưỡng, đến sự phân bố và chế độ thủy văn, đến sự phân bố và phát triển của sinh vật tạo nên sự đa dạng cảnh quan lãnh thổ.

Đối với tỉnh Quảng Bình, các yếu tố bức xạ, nhiệt, ẩm đảm bảo chỉ tiêu chung của khí hậu nhiệt đới và nằm trong Hệ thống Cảnh quan nhiệt đới gió mùa của toàn bộ lãnh thổ Việt nam. Bên cạnh đó sự phân hóa các Phụ hệ Cảnh quan Việt nam là do hoàn lưu gió mùa và phân hóa địa hình, sự luân phiên của các khối không khí tác động đã tạo nên sự phân hóa nhiệt, ẩm. Quảng Bình vẫn chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông bắc có một mùa đông lạnh do đó lãnh thổ Quảng Bình thuộc Phụ hệ thống cảnh quan nhiệt đới gió mùa ẩm, có một mùa đông lạnh và là một phần trong Kiểu cảnh quan rừng nhiệt đới thường xanh mưa mùa, có một mùa đông lạnh. Tuy nhiên vượt qua Đèo Ngang nên tính chất lạnh có phần giảm sút so với các tỉnh phía Bắc. Chính điều kiện khí hậu là nguồn gốc phát sinh của thảm thực vật, hình thành nên Phụ kiểu cảnh quan rừng nhiệt đới thường xanh mưa mùa, có một mùa đông hơi lạnh ở Quảng Bình. Mặt khác, do địa hình khí hậu Quảng Bình có sự phân hóa đa dạng, phức tạp và những yếu tố bất thường. Sự phân hóa của điều kiện nhiệt, ẩm theo độ cao địa hình, phân hóa từ Bắc vào Nam hay từ Đông sang Tây đã hình thành nên các kiểu sinh khí hậu có mùa mưa, mùa khô dài ngắn khác nhau; mức độ ẩm, mức độ lạnh; mưa, khô nhiều, ít khác nhau,... đây là một trong những cơ sở để phân hóa đa dạng cảnh quan trong Phụ kiểu cảnh quan của lãnh thổ.

Bên cạnh đó, khí hậu cũng là yếu tố có tác động lớn đến các thành phần tự nhiên khác như thổ nhưỡng, thủy văn, đặc biệt là sinh vật. Những đặc trưng định lượng khí hậu cực đoan quyết định thành phần loài của các kiểu thảm thực vật, vì thế thảm thực vật Quảng Bình cũng có sự phân hóa trong từng kiểu cảnh quan của lãnh thổ. Cũng chính sự phân hóa của khí hậu trên cơ sở nền tảng rắn của lãnh thổ là nền nham và địa hình đã tạo nên sự đa dạng, phong phú của thành phần thổ nhưỡng. Sự kết hợp của các quần xã thực vật với các loại đất qua các điều kiện khí hậu và các tác động của con người là căn cứ để phân chia cấp Loại cảnh quan tỉnh Quảng Bình.

Như vậy, đặc trưng của điều kiện khí hậu Quảng Bình có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành nên bản chất cảnh quan tỉnh Quảng Bình. Cùng với các yếu tố khác như địa hình, thủy văn, thổ nhưỡng, sinh vật, khí hậu đã tạo nên bộ mặt phong phú, đa dạng của các đơn vị cảnh quan lãnh thổ Quảng Bình.

2.3.1.4. Thủy văn có vai trò quan trọng trong vận chuyển, phân bố lại vật chất trong cảnh quan

Dòng chảy đã tham gia vào quá trình xói mòn, rửa trôi hay bồi tụ...là những quá trình ngoại lực tham gia hình thành các dạng địa hình. Chính các dòng chảy đã vận chuyển và bồi đắp phù sa hình thành nên các đồng bằng ở Quảng Bình như sông Gianh bồi đắp cho đồng bằng Quảng Trạch, sông Kiến Giang bồi đắp phù sa cho đồng bằng Lệ Thủy, sông Long Đại bồi đắp cho đồng bằng Quảng Ninh, sông Dinh bồi đắp cho đồng bằng Bố Trạch, sông Ròon ở Quảng Trạch, tạo thành Lớp cảnh quan đồng bằng ở Quảng Bình và góp phần vào sự phân hóa thành các Phụ lớp cảnh quan. Dòng chảy ngầm cũng là một trong những điều kiện cần thiết để hình thành nên các dạng địa hình Cacxtơ độc đáo ở vùng đá vôi Phong Nha-Kẻ Bàng, các hồ nước ngọt như Bàu Tró.

Bên cạnh đó do sự ngập nước thường xuyên hoặc không thường xuyên mà hình thành nên các cảnh quan ao, hồ, đầm, bàu hoặc cảnh quan ngập mặn ven biển với hệ sinh thái thủy sinh tạo nên sự đa dạng của cảnh quan lãnh thổ Quảng Bình. Chúng ta cũng nhận thấy rằng trong sự hình thành và phát triển của cảnh quan, đặc biệt là sự phong phú của thảm thực thực vật có liên quan trực tiếp đến tiềm năng nước. Chính tiềm năng nước ngầm ở Quảng Bình là điều kiện đảm bảo cho sự phát triển của Cảnh quan rừng rậm nhiệt đới thường xanh ở đây trong mùa khô.

Nước trong cảnh quan còn là môi trường của các phản ứng hóa học, hầu như nó thâm nhập vào trong tất cả các thành phần khác của cảnh quan thực hiện quá trình trao đổi vật chất giữa các thành phần và phân phối lại vật chất khoáng trong cảnh quan. Sự hình thành nên các loại thổ nhưỡng ở những nơi khô khác với vùng ngập nước, nơi ngập thường xuyên khác với vùng ngập nước không thường xuyên,... Chính vì vậy Quảng Bình có các loại đất như: Đất phù sa chua, mặn, phèn hay đất glây, các loại đất khác nhau ở thung lũng núi... tạo nên sự đa dạng của thổ nhưỡng, hình thành nên các Loại cảnh quan khác nhau.

Như vậy, các thành phần nham thạch, địa hình, khí hậu, thủy văn có thể coi là những thành phần cấu tạo vô cơ trong cảnh quan, là những thành phần làm cơ sở, nền tảng cho việc xây dựng các thành phần hữu cơ là thổ nhưỡng và sinh vật.

2.3.1.5. Thổ nhưỡng cũng là một thành phần có vai trò lớn trong quá trình hình thành và phát triển cảnh quan Quảng Bình

Là thành phần có cấu tạo đặc biệt, biểu hiện rõ mối tác động tương hỗ giữa các thành phần vô cơ và hữu cơ trong cảnh quan, đây cũng là thành phần hoàn toàn có tính chất "tái sinh" và đồng thời có tác động trở lại với các thành phần khác trong cảnh quan. Là thành phần được coi là "sản phẩm của cảnh quan" nhưng cũng chính là "tấm gương phản chiếu cảnh quan".

Quảng Bình có cấu trúc địa chất với nền nham đa dạng, địa hình phức tạp cùng với các đặc trưng điều kiện nhiệt, ẩm đã tạo nên một hệ thống các loại đất phong phú về chủng loại gồm: Các loại đất cát biển, cồn cát trắng vàng, đất phù sa mặn, chua, phèn, đất glây, các loại đất xám, đất đỏ, đất mùn... Trong quá trình hình thành và phát triển cảnh quan lãnh thổ, sự phân hóa đa dạng, phức tạp của thổ nhưỡng và lớp phủ thực vật là yếu tố tạo nên tính đa dạng của cảnh quan. Sự phân hóa của các loại đất trên những đá mẹ khác nhau là chỉ tiêu phân chia các Loại cảnh quan tỉnh Quảng Bình.

2.3.1.6. Sinh vật là thành phần tự nhiên phức tạp, có vai trò quan trọng "trong điều chỉnh, phục hồi và chuyển hóa năng lượng" của cảnh quan

Trong tất cả các yếu tố thành tạo cảnh quan, thảm thực vật là thành phần có nhiều biến động nhất, là yếu tố phản ánh sự phong phú đa dạng của cảnh quan. Các thành phần tự nhiên khác như địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng có những thay đổi và phân hóa kéo theo sự phân hóa và biến đổi của thảm thực vật, ngoài ra sự biến đổi này còn do những tác động của con người. Thảm thực vật Quảng Bình cũng có sự phân hóa đa dạng, phức tạp tương ứng với các điều kiện địa hình, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng của lãnh thổ và có những biến đổi do tác động của con người, đồng thời những biến động của thảm thực vật có tác động trở lại với các thành phần tự nhiên như khí hậu, địa hình, địa mạo, thủy văn, thổ nhưỡng và nhất là có những ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến con người.

Thảm thực vật Quảng Bình mang đặc điểm của cảnh quan nhiệt đới ẩm gió mùa, với thành phần loài phong phú, đa dạng thuộc Kiểu cảnh quan rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa, có một mùa đông lạnh. Tuy nhiên do địa hình, thổ nhưỡng và sự phân hóa điều kiện nhiệt, ẩm, đặc biệt là yếu tố nhân tác nên thảm thực vật Quảng Bình có các quần xã thực vật chủ yếu như: Rừng nguyên sinh chỉ có ở những đỉnh núi cao của vùng núi trung bình, núi thấp chủ yếu là rừng thứ sinh và rừng trồng, trảng cây bụi thứ sinh; vùng gò đồi được trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây ăn quả, cây hoa màu, đồng cỏ và diện tích cây bụi, trảng cỏ chiếm không nhiều; vùng đồng bằng được khai thác đưa vào sản xuất nông nghiệp trồng cây thực phẩm, hoa màu, lúa; ở các ao, hồ, đầm có các quần xã thủy sinh, trảng cỏ, cây bụi ngập nước, rừng ngập mặn thứ sinh; dải cồn cát ven biển có Quần xã thực vật trên bãi biển cát với các loài thực vật đặc trưng như: Dứa dại, Rau muống biển, cỏ Chông, phần lớn trồng rừng phòng hộ, vài nơi có trảng cỏ ngập nước không thường xuyên. Chính sự kết hợp của các quần xã thực vật tự nhiên và nhân tác nói trên với các loại đất là dấu hiệu để xác định các Loại cảnh quan trong hệ thống phân loại cảnh quan tỉnh Quảng Bình. Đồng thời thổ nhưỡng và thực vật là hai trong các yếu tố thành tạo cảnh quan mà chúng ta phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất, xem xét vai trò của chúng để xác định chức năng của từng đơn vị cảnh quan trong lãnh thổ.

Bên cạnh đó chúng ta thấy rõ ràng rằng Sinh vật đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các mối liên hệ giữa các hợp phần. Nhờ sự chuyển hóa của sinh vật mà có thể điều hòa, ổn định cảnh quan như: kìm hãm xói mòn, rửa trôi; điều hòa khí hậu, giữ nước, giữ ẩm, tác động đến dòng chảy...

Tóm lại, các thành phần tự nhiên - yếu tố cấu thành cảnh quan có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, vì thế nếu có sự thay đổi ở một thành phần cấu tạo nào đó thì đều có ảnh hưởng đến các thành phần còn lại. Sự thay đổi của cảnh quan được phản ánh qua sự thay đổi của từng thành phần đó, chính tác động tương hỗ này là động lực phát triển của cảnh quan. Mặc dù trong các thành phần cấu tạo cảnh quan thì nền rắn của cảnh quan như địa chất, địa hình có tính bền vững và bảo thủ, biến đổi chậm hơn so với các thành phần khác và ít thay đổi trong thời gian dài; trái lại thổ nhưỡng, sinh vật lại là những thành phần "nhạy cảm", năng động, dễ thay đổi nhưng mỗi thành phần có một vai trò nhất định trong quá trình thành tạo và phát triển của cảnh quan lãnh thổ, không thể xác định thành phần nào có vai trò chủ đạo hay phụ thuộc, chủ yếu hay thứ yếu mà tùy theo từng thời điểm, trong từng giai đoạn phát triển nhất định của cảnh quan thì có yếu tố trội hơn được xem xét. Đây là một trong những căn cứ quan trọng trong quá trình nghiên cứu chức năng, động lực, sự phân loại cảnh quan tỉnh Quảng Bình.

2.3.2. Các nhân tố kinh tế - xã hội trong thành tạo Cảnh quan Quảng Bình

Chủ nhân của các hoạt động kinh tế- xã hội là con người, đồng thời là một bộ phận của môi trường tự nhiên, một thành phần của hệ thống tự nhiên, tồn tại và phát triển trong mối quan hệ với tự nhiên. Con người tác động vào tự nhiên ngày càng toàn diện và sâu sắc, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trực tiếp hoặc gián tiếp đã làm biến đổi môi trường và các thành phần tự nhiên, đồng thời hình thành nên một số cảnh quan nhân sinh mới.

Qua việc phân tích các điều kiện tự nhiên và tài nguyên, môi trường và các yếu tố kinh tế xã hội tỉnh Quảng bình chúng ta thấy rằng: Có những tác động của con người làm thúc đẩy sự phát triển theo chiều hướng tích cực của các thành phần tự nhiên như: Tăng độ phì của đất, phủ xanh đất trống đồi trọc, hạn chế xói mòn, ngăn chặn sự rửa trôi bề mặt, làm cân bằng bề mặt địa hình...có tác dụng ổn định sự phát triển của cảnh quan; bên cạnh đó có những tác động tiêu cực làm suy thoái chúng như: khai thác rừng quá mức làm cạn kiệt nguồn nước, làm suy giảm sinh vật, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và đến mức có thể gây ra các hiện tượng làm phá hủy địa hình, thay đổi một số thành phần tự nhiên như dòng chảy, gây biến đổi khí hậu theo chiều hướng xấu..., làm giảm chất lượng và mất cân bằng cảnh quan lãnh thổ.



2.3.2.1. Những tác động làm thay đổi bề mặt địa hình:

Quảng Bình là một tỉnh đang phát triển, vấn đề tổ chức sản xuất và quy hoạch lãnh thổ còn thiếu hợp lý, thường xuyên thay đổi và hiện nay đang xây dựng nhiều công trình đô thị, công nghiệp và du lịch. Chính vì thế các tác động lên bề mặt địa hình do hoạt động kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng đang làm biến đổi mạnh mẽ bề mặt địa hình. Những khu vực hồ, đầm, đồng ruộng trở thành các khu làng mạc, đô thị, công trình xây dựng...; nhiều khu vực đồi, núi được san bằng do khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng hoặc xây dựng nhà ở, nhà máy, khu công nghiệp như: Các nhà máy Xi măng Quảng Trường, Sông Gianh, Khu Công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới...; các cồn cát ven biển xây dựng các khu du lịch như Đá Nhảy, Nhật Lệ, Sunspa, Khu kinh tế Cảng biển Hòn La, xây dựng hệ thống kè Nhật Lệ... Sản xuất và xây dựng đã có những ảnh hưởng lớn đến bề mặt địa hình dẫn đến sự thay đổi ở các thành phần khác như: thủy văn, thổ nhưỡng, sinh vật, đồng thời hình thành nên các CQ đô thị, CQ công nghiệp, CQ du lịch...có những chức năng riêng. Các dạng địa hình nhân tạo như ao hồ, đập nước,...có thể làm thay đổi hệ sinh thái và đến mức độ nhất định sẽ hình thành nên các CQ mới.



2.3.2.2. Tác động lên tài nguyên đất đai, môi trường và tài nguyên nước:

Việc sử dụng đất đai vào những mục đích khác nhau của con người có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi tính chất, thành phần, cấu trúc của thổ nhưỡng. Đất đai vừa là môi trường vừa là tài nguyên sản xuất của các ngành kinh tế. Đặc biệt là sản xuất nông nghiệp có khi làm cho đất màu mỡ, phì nhiêu, tái tạo lại; nhưng cũng có nơi đất bị xói mòn, rửa trôi, bạc màu.

Sản xuất nông nghiệp nói chung ngày càng sử dụng nhiều các loại phân bón, chất hóa học gây ô nhiễm và suy giảm chất lượng môi trường đất, nước dẫn đến sự thay đổi của thực vật trên đất và cảnh quan bị biến đổi. Cũng có những tác động làm tăng độ phì cho đất, trồng rừng bảo vệ môi trường đất, nước; bón phân bón và rác thải thực hiện đúng quy cách tạo điều kiện cho CQ phát triển tốt.

Cảnh quan tỉnh Quảng Bình cũng đã có những biến đổi do tác động của con người lên môi trường, tài nguyên đất và nước. Có thể thấy hoạt động nuôi trồng thủy sản trên dải cồn cát trong những năm qua đã làm thay bộ mặt cảnh quan ở đây; hoặc các hoạt động khai thác du lịch đã biến cảnh quan rừng trồng ven biển Đá Nhảy, suối nước khoáng Bang…trở thành cảnh quan hiện tại.



2.3.2.4. Con người cũng đã tác động vào sinh vật.

Ở Quảng Bình thảm thực vật tự nhiên hầu như ít nhiều đều đã có tác động của con người, tuy nhiên ở những mức độ khác nhau. Phần ít bị tác động nhất chỉ còn một diện tích rừng ở phía Tây Quảng Bình và những đỉnh núi đá vôi. Thảm thực vật hiện tại ở đây chủ yếu là rừng thứ sinh, rừng trồng và các hệ sinh thái nông nghiệp, lâm nghiệp khác; một số lượng lớn các loài động vật bị khai thác kiệt quệ, chỉ còn lại một phần được bảo tồn ở khu Vườn Quốc gia Phong nha-Kẻ bàng, khu BTTN Khe Nét, Khe Nước trong ở phía tây gần biên giới.

Việc khai thác sinh vật dẫn đến sự thay đổi của sông ngòi, mực nước ngầm, thổ nhưỡng, địa hình và biến đổi khí hậu địa phương tạo nên phản ứng dây chuyền. Rõ ràng trong những năm gần đây, CQ tự nhiên đã có biến đổi làm cho khí hậu ít nhiều có những ảnh hưởng nhất định làm thay đổi các quy luật vốn có của nó. Trong những năm gần đây thời tiết và khí hậu Quảng Bình ngày càng có những thất thường như: Rét đậm, rét hại kéo dài; Bão, mưa lớn gây lũ quét ở các vùng miền núi, sạt lở núi dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, ở vùng núi Minh Hóa, Tuyên Hóa; sạt lở xói lở bờ biển, ngập úng ở đồng bằng; khô hạn kéo dài ở các sông gây sụt lún lòng, bờ sông như sông Kiến Giang; một vài năm gần đây lũ lụt triền miên ở các tỉnh miền Trung và nắng nóng không theo mùa trong đó có Quảng Bình.

Như vậy, con người đã tác động vào tự nhiên có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho CQ biến đổi ở những mức độ khác nhau, có thể vẫn giữ được tính chất đặc trưng của CQ cũ hoặc hình thành nên CQ mới. Chính vì vậy khi nghiên cứu một CQ chúng ta phải xem xét quá trình hình thành và phát triển, sự bền vững của nó trong mối liên hệ với các hoạt động kinh tế xã hội. Con người hay nói cách khác là các hoạt động kinh tế-xã hội là yếu tố bên ngoài tác động đến CQ, nhưng kết quả các tác động đó là yếu tố bên trong thành tạo nên CQ lãnh thổ. Chính con người cũng là yếu tố góp phần tạo nên sự phong phú và đa dạng của CQ tỉnh Quảng Bình.




tải về 1.44 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương