KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)



tải về 7.28 Mb.
trang87/101
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích7.28 Mb.
#2002
1   ...   83   84   85   86   87   88   89   90   ...   101

Trả lời: Tại công văn số 4036/BGDĐT-VP ngày 31/7/2014

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra nhiệm vụ thực hiện đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.

* Về đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục: Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và triển khai thực hiện các bộ Chuẩn năng lực cán bộ lãnh đạo quản lí, trong đó, ngoài tiêu chuẩn quy định về phẩm chất chính trị đều có tiêu chuẩn quy định về năng lực quản lý và các tiêu chí quy định về việc lãnh đạo, quản lý nhà trường cập nhật với các xu thế mới về quản lí giáo dục của thế giới, nhằm giúp các cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phải có khả năng quản lí sự phát triển thường xuyên, chứ không chỉ quản lí một nhà trường trong môi trường “tĩnh”…. Ngoài ra hàng năm, Bộ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm bổ sung, cập nhật những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhà trường đối với cán bộ quản lý giáo dục.

Trong thời gian tới, thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp sẽ được thay đổi tư duy trong quản lý giáo dục theo hướng tập trung quản lý hệ thống đảm bảo chất lượng. Theo đó, cán bộ quản lý giáo dục các cấp được nâng cao năng lực quản lý theo chuẩn và theo qui trình, kế hoạch các hoạt động.

* Về đội ngũ nhà giáo: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều đợt tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên về các vấn đề mới trong giáo dục: Các hình thức tổ chức dạy học và giáo dục học sinh theo hướng tích cực; các phương pháp và kĩ thuật dạy học tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng lộ trình thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Theo đó, ngoài việc đội ngũ giáo viên đảm bảo chuẩn trình độ đào tạo, đáp ứng các yêu cầu của Chuẩn nghề nghiệp, cần phải có kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm đảm bảo đáp ứng được những yêu cầu đổi mới trong giảng dạy và giáo dục.

Trong thời gian tới, thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, giáo viên sẽ chủ động, sáng tạo hơn, dân chủ và tự chịu trách nhiệm cao hơn khi thực hiện phương châm lấy trường học làm đơn vị cơ sở trực tiếp quyết định hiện thực hóa chương trình giáo dục quốc gia.



6. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Số lượng trường Đại học ở Việt Nam khá lớn, nhưng chất lượng đào tạo không cao, trình độ sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, sinh viên ra trường không có việc làm, nếu có cũng làm những việc phổ thông. Trong khi đó những trường Đại học Quốc tế ở Việt Nam chất lượng mọi mặt nói chung là cao hơn. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khắc phục những yếu kém và có giải pháp nâng cao chất lượng tương xứng với trình độ quốc tế.

Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Đề nghị các trường chiêu sinh đào tạo có chỉ tiêu cụ thể qua khảo sát tình hình và đảm bảo chất lượng đào tạo để khi tốt nghiệp thì phải có việc làm và thời gian qua, nhận thấy việc đào tạo và sử dụng con người trong hệ thống giáo dục chưa hợp lý, cần xem xét lại cho phù hợp.

Cử tri các tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình kiến nghị: phản ánh hiện nay chất lượng giáo dục đào tạo chưa cao, còn có tình trạng học sinh, sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp nhưng trong thực tế khả năng tiếp cận công việc và làm việc còn nhiều hạn chế, cần nghiên cứu tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp.

Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu phân bổ chỉ tiêu đào tạo đại học và sau đại học cho các trường đại học, cao đẳng trong cả nước phải gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng nguồn nhân lực nhằm tránh tình trạng mất cân đối cung cầu nguồn nhân lực, sinh viên ra trường không có việc làm nhiều như hiện nay, gây lãng phí thời gian và nguồn lực của xã hội rất lớn.

Cử tri các tỉnh Long An, Bắc Ninh, Hậu Giang, Bến Tre, Sóc Trăng kiến nghị: Theo thống kê của Bộ LĐ-TBXH và Tổng cục Thống kê, trong quý IV-2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ. Con số này quá lớn. Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương cần sớm có giải pháp khắc phục tình trạng đào tạo tràn lan, không gắn với sử dụng nhân lực, gây lãng phí, tốn kém nguồn lực xã hội.

Cử tri các tỉnh Long An, Trà Vinh, Nam Định, Quảng Ngãi, Hưng Yên, Gia Lai, Bình Dương, Bắc Ninh, Hậu Giang, Bến Tre, Sóc Trăng kiến nghị: Tình trạng sinh viên ra trường chưa có việc làm rất phổ biến. Đây không chỉ gây ra gánh nặng cho gia đình và xã hội mà còn làm lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. Do đó, đề nghị Nhà nước cần sớm rà soát, điều chỉnh quy mô ngành nghề đào tạo ở các trường ĐH, CĐ; nâng cao chất lượng đào tạo đảm bảo “cung” đáp ứng đủ “cầu”, tăng cường rèn luyện các kỹ năng thực hành, kỹ năng xã hội cho sinh viên; chú trọng hơn nữa công tác hướng nghiệp cho học sinh ở các trường phổ thông.

Cử tri tỉnh Hòa Bình kiến nghị: Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng đào tạo sinh viên ồ ạt, nhiều trường chỉ tổ chức xét tuyển, dẫn đến chất lượng đầu vào của sinh viên hạn chế, tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, gây áp lực trong nhân dân. Đề nghị nghiên cứu và có giải pháp.

Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Đề nghị có chính sách kiểm soát việc mở các trường đại học, cao đẳng tràn lan, mang tính chất thương mại đồng thời nghiên cứu phân bổ chỉ tiêu đào tạo hợp lý đáp ứng yêu cầu xã hội.

Cử tri tỉnh Lai Châu kiến nghị: Thực hiện rà soát lại việc thành lập các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các chuyên ngành đào tạo nhằm hạn chế sự mất cân đối về cung cầu và cơ cấu ngành nghề đào tạo khiến nhiều sinh viên, học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp không tìm được việc làm.

Trả lời: Tại công văn số 3894/BGDĐT-VP ngày 25/7/2014

Về chất lượng đào tạo đại học và tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm:

1. Nói đến việc làm nói chung và việc làm cho sinh viên tốt nghiệp nói riêng là nói về thị trường lao động với các vấn đề cung - cầu nhân lực và các thể chế, tổ chức trung gian.

Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục đại học với tư cách là chủ thể tham gia cung ứng nhân lực cho thị trường lao động, có thể nêu một số nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng chất lượng đào tạo đại học chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động và sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo như sau:

- Trong thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục ở nước ta, trong đó có giáo dục đại học, chỉ chú trọng về tăng số lượng, chưa chú ý đúng mức đến vấn đề chất lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội;

- Quy trình mở trường, cấp phép hoạt động còn thiếu các quy định chặt chẽ, dẫn đến tình trạng có cơ sở đào tạo chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên vẫn được phép hoạt động, làm cho chất lượng đào tạo thấp;

- Các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo theo khả năng của mình, chưa chú ý đến nhu cầu nhân lực của xã hội, địa phương. Chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, khoa học – công nghệ; văn hoá – xã hội trong khu vực và trên thế giới. Nội dung đào tạo nặng về truyền thụ lý thuyết một chiều, nhẹ về thực hành, chưa chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm (làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao trình độ ngoại ngữ và hoạt động xã hội) cho người học;

- Thiếu cơ chế và chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục đại học trong khi nguồn lực từ ngân sách nhà nước vừa thiếu vừa dàn trải, mang tính bình quân, không gắn kết với chất lượng đào tạo của nhà trường, không tạo động lực để nhà trường nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm chính trong các hạn chế yếu kém trên đây.

Ý thức được trách nhiệm của mình, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai một số việc như sau:

- Thay đổi mô hình phát triển giáo dục đại học từ chú trọng phát triển số lượng sang mô hình chú trọng chất lượng và hiệu quả, cụ thể:

+ Chủ động rà soát và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học cho phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam, định hướng quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân lực của các địa phương32.

+ Đề nghị các bộ, ngành và địa phương rà soát lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học.

+ Dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp, thành lập mới các trường đại học, cao đẳng từ nay đến năm 201533; Dừng mở ngành đào tạo trong lĩnh vực kinh tế, kế toán, tài chính ngân hàng ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực đã có nhiều cơ sở đào tạo các ngành này.

+ Phối hợp với các bộ, ngành để mở ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội34.

+ Tách bạch thủ tục và quy trình thành lập trường thành 2 giai đoạn: Quyết định thành lập và cho phép hoạt động đào tạo; Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thẩm định thực tế các điều kiện thành lập trường một cách chặt chẽ, không để tình trạng trường mới thành lập không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đất đai, đội ngũ giảng viên được hoạt động đào tạo35.

- Thực hiện đổi mới công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học (chính quy, vừa học vừa làm), thạc sĩ, tiến sĩ trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo (đội ngũ giảng viên cơ hữu, diện tích sàn xây dựng)36; điều chỉnh quy mô đào tạo của từng nhóm ngành cho phù hợp với nhu cầu nhân lực của từng lĩnh vực kinh tế và các địa phương37.

- Tạm dừng việc bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp cử nhân muốn trở thành giáo viên trung học phổ thông từ năm 2014.

- Chỉ đạo các trường đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo trong đó có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra theo từng ngành đào tạo. Triển khai xây dựng một số trường đại học xuất sắc, chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, chương trình đào tạo kỹ sư theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE)...

- Chỉ đạo triển khai rộng rãi đào tạo theo tín chỉ ở các cơ sở giáo dục đại học, tạo điều kiện cho sinh viên chủ động thực hiện chương trình học tập của mình, qua đó các nhà trường đổi mới công tác quản lý, các giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường; Yêu cầu các trường xây dựng website riêng và thường xuyên cập nhật, phát triển các nội dung mang tính chuyên môn, học thuật để tuyên truyền, trao đổi thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu, học liệu.

- Xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trong các trường đại học, cao đẳng: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tăng cường đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ38; Tham mưu ban hành một số chính sách có tính chất đột phá cho đội ngũ giảng viên39. Đồng thời, Bộ đã xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ giảng viên cơ hữu của từng trường theo ngành đào tạo làm cơ sở quản lý và sắp tới sẽ công bố công khai cơ sở dữ liệu này để xã hội giám sát.

- Thành lập hai trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, công khai kết quả kiểm định chất lượng đào tạo; Tham gia mạng lưới kiểm định khu vực và quốc tế 40.

- Tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo, các ngành đào tạo; kiên quyết dừng tuyển sinh những cơ sở không đảm bảo chất lượng41; phối hợp với các địa phương để giải quyết khó khăn cho các nhà đầu tư (đất đai, giảng viên cơ hữu…).

- Đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án Thí điểm tự chủ tài chính cho 4 trường đại học và đang xây dựng đề án Đổi mới cơ chế tính giá dịch vụ cho các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, làm cơ sở đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong thời gian tới theo hướng tự chủ về tài chính; tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo, điều chỉnh mức học phí, thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo để đảm bảo chất lượng và đào tạo theo nhu cầu xã hội.

- Thành lập Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực để điều tra, phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực, tăng cường sự phối hợp gắn kết giữa các cơ sở đào đạo với các đơn vị sử dụng lao động.

- Tăng cường công tác dự báo và cung cấp thông tin về thị trường lao động kết hợp với việc quy hoạch nguồn nhân lực sát thực tế theo từng giai đoạn, theo ngành nghề và từng trình độ đào tạo. Tăng cường cảnh báo về dấu hiệu “bão hòa” nhân lực ở một số ngành/lĩnh vực42.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu, tổ chức điều tra về việc làm, hỗ trợ công tác tư vấn tuyển sinh của các trường đại học cao đẳng, giúp cho người học có cơ sở lựa chọn những ngành nghề có khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.

- Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở đào tạo triển khai mạnh mẽ đào tạo theo nhu cầu xã hội, tạo sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động43; Xây dựng tiêu chí và chỉ số đánh giá công tác đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, cơ chế phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng nhân lực.

Với những giải pháp đã áp dụng nêu trên, từ năm 2011 quy mô tuyển sinh đại học đã giảm dần và đi vào thế ổn định (không tăng trưởng nóng như trước đây), chất lượng đào tạo đại học có sự chuyển động tiến bộ.

2. Về việc giải quyết việc làm nói chung và việc làm cho sinh viên tốt nghiệp nói riêng, xin phép trao đổi thêm một số vấn đề liên quan khác:

- Thị trường lao động của Việt Nam đã được hình thành nhưng còn sơ khai, chưa có đủ thể chế để hoạt động hiệu quả. Các trung tâm hỗ trợ tìm kiếm việc làm, sàn giao dịch việc làm… tuy đã được thành lập ở các địa phương, có nhiều cố gắng trong hoạt động nhưng chưa trở thành kênh kết nối chặt chẽ, thường xuyên giữa các nhà sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và người lao động. Các nhà sử dụng lao động chưa tích cực, chủ động phối hợp với các nhà trường để đặt hàng đào tạo. Người lao động, trong đó có sinh viên tốt nghiệp chưa có thói quen tìm việc trên các sàn giao dịch việc làm.

- Việc quy hoạch phát triển nhân lực của các địa phương, bộ/ngành còn mang tính hình thức, chưa sát thực tế, dẫn đến công tác thông tin và dự báo (tăng, giảm) nhu cầu sử dụng lao động (theo ngành nghề và trình độ đào tạo) gặp nhiều khó khăn, chưa được thực hiện thường xuyên và kịp thời.

- Cùng với việc nền kinh tế chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhu cầu về nhân lực trên thị trường lao động rất đa dạng, thuộc các thành phần kinh tế khác nhau và thường xuyên thay đổi theo tình hình phát triển kinh tế của đất nước. Thực tế những năm vừa qua, kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, nên nhu cầu nhân lực giảm mạnh.

- Bên cạnh đó, vẫn tồn tại tâm lý “chuộng bằng cấp”; còn phổ biến thói quen “đi xin việc”, “tìm việc” sau khi tốt nghiệp ra trường vào các cơ quan nhà nước, ở tại các thành phố lớn mà chưa có ý chí, hoài bão “tự thân lập nghiệp”, tự mình tạo ra việc làm cho bản thân và xã hội.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành và các địa phương sẽ triển khai mạnh mẽ một số giải pháp sau:

- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục theo hướng: Xây dựng cơ chế đầu tư, ưu đãi về đất đai, vốn để hỗ trợ các cơ sở ngoài công lập; Xây dựng cơ chế cho thuê cơ sở vật chất ở các cơ sở công lập sau khi quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường học; Xây dựng chính sách đảm bảo sự công bằng về hỗ trợ cho nhà giáo và sinh viên trong các cơ sở đào tạo, không phân biệt trường công lập và trường ngoài công lập.

- Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển kinh tế để tăng việc làm; hoàn thiện các thể chế, các yếu tố của thị trường lao động; tăng cường công tác dự báo và cung cấp thông tin về thị trường lao động;

- Thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực sát thực tế, theo từng giai đoạn, theo ngành nghề và theo trình độ đào tạo… để làm cơ sở cho việc quy hoạch hệ thống trường, quy hoạch ngành đào tạo, định hướng cho các cơ sở đào tạo xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo và người học có cơ sở lựa chọn ngành học.

- Thực hiện các giải pháp hữu hiệu để thu hút lao động qua đào tạo từ nơi thừa (các thành phố lớn, vùng đã phát triển) đến làm việc ở nơi có nhu cầu.

- Triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cho vay vốn từ Quỹ quốc gia và việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo lại cho người lao động mất việc, chuyển nghề.

- Triển khai các đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW để góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên.



7. Cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri cho rằng, thời gian qua việc quản lý, điều hành của ngành giáo dục có nhiều bất cập, lúng túng, chưa chủ động, đã tạo nên dư luận không tốt. Mới đây nhất là đề án cải cách sách giáo khoa; việc công bố hình thức, thời gian thi tốt nghiệp lớp 12 có những vấn đề quy định mới nhưng thời gian công bố quá chậm gây lo lắng, hoang mang cho con em trong kỳ thi sắp đến; việc quyết định đổi mới phương án thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn, đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn đã vấp phải nhiều nghịch lý, khi hầu hết học sinh các trường không lựa chọn môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT… Đề nghị có chỉ đạo kịp thời, mang tính chủ động và hợp lý hơn để không ảnh hưởng đến quá trình học tập, nhận thức của thế hệ trẻ.

Trả lời: Tại công văn số 4502/BGDĐT-VP ngày 21/8/2014

1. Về việc chủ động xây dựng Đề án Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015

Thực hiện quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định nguyên tắc làm việc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, quan hệ công tác và trình tự giải quyết công việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có việc chuẩn bị các đề án, dự án.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Hội nghị lần 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Triển khai Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động tổ chức nghiên cứu, xây dựng Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đang trong quá trình dự thảo và từng bước được hoàn thiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tiếp tục tổ chức xin ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân thông qua các hình thức: Gửi văn bản trực tiếp xin ý kiến, tổ chức hội thảo, hội nghị tham vấn… Ngày 14/4/2014 vừa qua, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Tờ trình về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để xem xét, cho ý kiến hoàn thiện trước khi trình Quốc hội ban hành nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thực hiện Kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 75/2014/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương hoàn thiện Đề án Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sắp tới.



2. Về việc chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014

2.1. Về thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thời gian thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngay từ đầu năm học. Cụ thể, đối với năm học 2014-2015, theo Quyết định số 1955/QĐ-BGDĐT ngày 30/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được tổ chức vào các ngày 02, 03 và 04/6/2015.

Về việc công bố các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong các năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định công bố môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông chậm nhất vào ngày 31/3 hằng năm.

Năm 2014, thực hiện đổi mới công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngày 25/3/2014, Bộ đã ban hành Thông tư số 09/2014/TT-BGDĐT sửa đổi nội dung công bố môn thi tại Điều 6 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo đó, học sinh thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn do học sinh tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ; phối hợp sử dụng kết quả học tập lớp 12 với kết quả thi 4 môn để xét công nhận tốt nghiệp với trọng số 50% + 50%; đề thi tăng cường sử dụng các câu hỏi mở, yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp để trả lời, môn Ngữ văn có phần đọc hiểu và làm văn, môn Ngoại ngữ có phần thi viết và trắc nghiệm.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự thảo Phương án tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (thay Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng). Dự thảo đang được công khai rộng rãi, lấy ý kiến toàn xã hội để hoàn thiện và nếu nhận được sự đồng thuận cao sẽ công bố Phương án tổ chức thi chính thức trong tháng 9/2014 để triển khai áp dụng từ năm 2015.

2.2. Việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (trong đó có việc ít học sinh lựa chọn thi tốt nghiệp môn Lịch sử) của học sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố liên quan đến định hướng nghề nghiệp tương lai của các em (gắn với các khối thi trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng) có ý nghĩa quyết định. Học sinh thường có xu hướng lựa chọn môn thi tốt nghiệp trùng với các môn của khối thi vào đại học, cao đẳng.

Thực tế hiện nay, việc dạy và học môn Lịch sử ở phổ thông còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân cơ bản là: nội dung môn học còn nặng nề, hàn lâm và thiếu tính thực tế; phương pháp dạy học chậm đổi mới, chưa có sức lôi cuốn, khơi nguồn cảm hứng cho học sinh; việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập còn thiên về học thuộc lòng con số và sự kiện, ít tạo cho học sinh thói quen độc lập suy nghĩ.

Để khuyến khích học sinh học và yêu thích môn Lịch sử, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện những giải pháp, trong đó chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá:

- Phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử nhằm tạo hứng thú, cảm hứng học lịch sử cho học sinh; chú trọng giáo dục truyền thống dân tộc, lòng yêu nước, niềm tự tin dân tộc, giúp nuôi dưỡng tâm hồn, tính nhân văn, rèn luyện ý chí, bồi dưỡng ý thức đối với đất nước, dân tộc;

- Đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập: Không yêu cầu học thuộc lòng sự kiện và ghi nhớ máy móc các con số; thực hiện thi, kiểm tra thông qua đánh giá năng lực và phẩm chất được hình thành của học sinh theo hướng tăng dần các yêu cầu vận dụng kiến thức, ra đề “mở” gắn với các vấn đề thời sự của đất nước để học sinh được vận dụng kiến thức tổng hợp, trình bày ý kiến cá nhân…;

- Tổ chức các hoạt động trải nghiệm liên quan đến lịch sử của đất nước, quê hương nơi học sinh học tập;

- Vinh danh học sinh giỏi đoạt giải quốc gia môn Lịch sử; trao học bổng cho sinh viên ngành Sử có thành tích học tập xuất sắc nhằm động viên khích lệ các em;

- Tổ chức cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam” đối với học sinh phổ thông nhằm tạo điều kiện để các em tìm hiểu truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, góp phần nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, xác định ý thức trách nhiệm của chủ nhân tương lai trong việc tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

8. Cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị: Cử tri kiến nghị những năm qua, hoạt động cải cách giáo dục chưa có chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng dạy thêm học thêm, việc dạy học lịch sử trong các trường phổ thông chưa được quan tâm, tình trạng nhiều học sinh, sinh viên đã được đào tạo và tốt nghiệp theo qui định nhưng vẫn không đáp ứng được những kiến thức văn hóa, xã hội, đời sống. Do đó, cử tri đề nghị Nhà nước phải có chính sách cải cách toàn diện, khoa học, đồng bộ, hạn chế yếu kém còn tồn tại để nền giáo dục đất nước phát triển kịp với yêu cầu thực tế của đất nước hiện nay và trong thời gian tới.



tải về 7.28 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   83   84   85   86   87   88   89   90   ...   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương