KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)



tải về 7.28 Mb.
trang85/101
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích7.28 Mb.
#2002
1   ...   81   82   83   84   85   86   87   88   ...   101

Trả lời: Tại công văn số 5408/BYT-VPB1 ngày 13/8/2014

Để triển khai Nghị định số 31/2012/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, hai văn bản sau đã ban hành: (1) Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 18/11/2013 của Liên Bộ Y tế - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ (gọi tắt là Thông tư liên tịch 41) và (2) Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân (gọi tắt là Thông tư 05).

Điều 27 của Thông tư 05 quy định về Hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, trong Hồ sơ phải bao gồm “Bản sao bệnh án điều trị tại cơ sở y tế có thẩm quyền do Bộ Y tế quy định”, trừ các trường hợp sau đây:

+ Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học dẫn đến vô sinh theo kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền do Bộ Y tế quy định.

+ Người hoạt động kháng chiến không có vợ (chồng) hoặc có vợ (chồng) nhưng không có con hoặc đã có con trước khi tham gia kháng chiến, sau khi trở về không sinh thêm con, nay đã hết tuổi lao động (nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi) được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận”.

Khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch 41 quy định về cấp Giấy chứng nhận mắc bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học, trong đó nêu rõ Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận mắc bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học căn cứ vào một trong các giấy tờ, trong đó có “b) Kết luận đối tượng vô sinh của bệnh viện đa khoa”; đối tượng được cấp giấy chứng nhận là những người liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học hiện đang trong tuổi sinh đẻ.

Như vậy, những người hoạt động kháng chiến không có vợ (chồng) hoặc có vợ (chồng) nhưng không có con hoặc đã có con trước khi tham gia kháng chiến, sau khi trở về không sinh thêm con, nay đã hết tuổi lao động (nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi) không cần có giấy ra viện hay giấy kết luận vô sinh, nhưng phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã. Do đó không cần thay đổi Mục b Khoản 1 của Điều 9 Thông tư 41.

Thắc mắc của cử tri không nằm trong sự điều chỉnh của Thông tư số 41, vì Điểm b, Khoản 1 Điều 9 của Thông tư 41 chỉ điều chỉnh các đối tượng đang còn trong độ tuổi sinh đẻ.



86. Cử tri các tỉnh Bắc Kạn, Tây Ninh kiến nghị: Cử tri cho rằng việc xác định 17 loại bệnh liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học diôxin theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế là chưa thuyết phục nên dẫn đến việc xác định tỷ lệ mức độ suy giảm khả năng lao động theo 4 mức được quy đinh tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ là chưa hợp lý; hoặc quy định ung thư phần mềm chưa quy định rõ ràng còn ung thư vú thì giải quyết được, ung thư dạ dày thì không giải quyết được dẫn đến thắc mắc của những đối tượng được hưởng. Đề nghị Bộ Y tế sớm nghiên cứu, sửa đổi danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật theo Quyết định số 09 trên cơ sở căn cứ khoa học.

Cử tri các tỉnh Tây Ninh, Long An kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế xem xét lại quy định việc thực hiện chế độ chất độc màu da cam phải có bệnh tiểu đường mới được hưởng vì có rất nhiều nguyên nhân hình thành bệnh tiểu đường típ 2, do đó cần phải yêu cầu xác định nguyên nhân bệnh tiểu đường có phải do nhiễm chất độc hóa học/dioxin hay không?.

Trả lời: Tại công văn số 5408/BYT-VPB1 ngày 13/8/2014

1. Về việc xây dựng Danh mục bệnh, tật do dioxin hoặc Danh mục bệnh, tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin:

- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 196/TB-VPCP ngày 09/10/2007 của Văn phòng Chính phủ giao Bộ Y tế ban hành tiêu chí (sửa đổi) xác định nạn nhân chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam, Bộ Y tế đã khẩn trương xây dựng Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin, để trên cơ sở đó, xây dựng Tiêu chí.

- Bộ Y tế nhận thấy: Việc xây dựng và ban hành Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật này là vần đề khoa học, nhân đạo, có liên quan đến trong nước và quốc tế, nhằm đảm bảo quyền lợi của những người bị phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, nên quá trình biên soạn danh mục được thực hiện công phu và cẩn thận. Ngày 25/01/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký, ban hành Quyết định số 301/QĐ-BYT thành lập Hội đồng khoa học để thẩm định Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin để làm cơ sở xác nhận nạn nhân chất độc hóa học/dioxin. Hội đồng gồm có 16 người, là các Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ chuyên gia đầu ngành của các chuyên ngành trong y học, Hội đồng đã thận trọng rà soát, thẩm định từng bệnh, từng tên bệnh trong Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin.

- Trong quá trình xây dựng danh mục bệnh tật này, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội thảo, xin ý kiến đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài ngành y tế, tham khảo nhiều tài liệu khoa học trong và ngoài nước về tác hại của dioxin lên sức khỏe con người. Nguyên tắc để xây dựng Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin hoàn toàn dựa trên những kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin lên sức khỏe con người đã được công bố ở trên thế giới và trong nước, đặc biết là kết quả nghiên cứu của Ủy ban 10-80 của ViệtNam .

- Căn cứ vào Biên bản cuộc họp ngày 31/01/2008 của Hội đồng khoa học thẩm định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan với chất độc hóa học/dioxin được thành lập theo Quyết định số 301/QĐ-BYT ngày 25/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế, ngày 20/02/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ban hành Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin. Theo Quyết định này, Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin bao gồm 17 nhóm bệnh tật.

2. Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật do nhiễm dioxin hoặc Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin.

- Để xác định đối tượng là nạn nhân chất độc hóa học/dioxin một cách khoa học và chính xác nhất, chỉ có một phương pháp duy nhất là lấy mẫu máu hoặc mẫu mỡ, trong mô tổ chức của đối tượng đã bị phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin (da cam) làm phân tích, định lượng hàm lượng dioxin tồn tại trong đó. Nếu kết quả định lượng có một vài ppt dioxin trong mẫu xét nghiệm, thì chúng ta có thể khẳng định đối tượng đó là nạn nhân chất độc hóa học/dioxin. (Vì chỉ cần 1 vài ppt chất dioxin cũng có thể gây bệnh cho đối tượng).

- Nhưng với điều kiện hiện nay ở nước ta là rất khó thực hiện vì: Phương tiện kỹ thuật còn rất hạn chế, hơn nữa, mỗi một mẫu làm xét nghiệm định lượng như vậy phải chi phí rất tốn kém (khoảng 500 - 1000 đô la Mỹ), chúng ta không thể có kinh phí để làm xét nghiệm này cho tất cả đối tượng bị phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin, và tỷ lệ người có dioxin trong máu, trong mỡ, trong mô cơ thể thực tế rất thấp. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã không đặt vấn đề bắt buộc phải làm xét nghiệm tìm dioxin trong mỡ, trong máu hay trong mô cơ thể đối với tất cả các đối tượng tham gia kháng chiến làm hồ sơ khám giám định để giải quyết chế độ ưu đãi người có công do phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin.

- Hơn nữa, trong thực tế, một bệnh có thể do rất nhiều nguyên nhân gây nên chứ không phải chỉ là do dioxin, nên theo các nhà khoa học y học của Việt Nam, hiện nay chưa có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định được dioxin gây ra những bệnh, tật cụ thể nào. Đây là một vấn đề thực tiễn không chỉ của Y học Việt Nam mà Y học của các nước trên thế giới hiện nay cũng chưa có đủ bằng chứng khoa học chắc chắn để khẳng định dioxin gây ra bệnh nào hay nói cách khác, bệnh nào do dioxin gây ra.

Như vậy theo khoa học y học hiện nay, chỉ căn cứ các dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm thông thường là chưa đủ cơ sở khoa học để xác định bệnh, tật do dioxin gây nên.

Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã họp, rà soát lại nhiều lần và nhất trí vẫn đưa ra dang mục bệnh, tật, dị dang, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin được quy định tại Điều 2 của Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT- BYT-BLĐTBXH về Hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ (trên cơ sở danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin được ban hành kèm theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin.

Ngày 04 tháng 5 năm 2012, Bộ Trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 1488/QĐ-BYT phê duyệt Tài liệu chuyên môn Hướng dẫn chẩn đoán bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin. Tài liệu này hướng dẫn các giám định viên y khoa, các thành viên của Hội đồng giám định y khoa các cấp thực hiện việc khám giám định cho các đối tượng theo giới thiệu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có yêu cầu xác định mắc bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin. Bộ Y tế yêu cầu các giám định viên y khoa, các thành viên của Hội đồng giám định y khoa các cấp khi thực hiện khám giám định, phải nghiêm túc thực hiện đúng các quy trình, thủ tục giám định và các hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ để khám giám định đúng đối tượng, xác định đúng bệnh, tật và đúng mức độ bệnh, tật của đối tượng được khám giám định theo đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, chính xác và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận khám giám định của mình.

Việc xây dựng và ban hành tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán một số bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin là vần đề khoa học, được thực hiện công phu và cẩn thận do các Giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành của mỗi chuyên ngành đảm nhận biên soạn, chỉnh sửa và hoàn thiện. Tuy nhiên việc ban hành Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và tài liệu hướng dẫn này là một vấn đề rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Vì vậy, mặc dù Ban Biên soạn, Biên tập đã rất công phu, cố gắng hoàn chỉnh nhưng không tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi mong nhận được ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các giám định y khoa và bạn đọc cho cuốn tài liệu này, để lần tái bản sau, tài liệu được hoàn chỉnh hơn.



87. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Cử tri bức xúc đề nghị Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm, vai trò của Bộ Y tế trong việc chỉ đạo, điều hành, xử lý bệnh sởi bùng phát trong thời gian qua làm chết hơn 100 trẻ em.

Trả lời: Tại công văn số 5408/BYT-VPB1 ngày 13/8/2014

Trong những năm qua, công tác tiêm chủng mở rộng đã góp phần rất lớn trong việc kiểm soát và khống chế dịch bệnh, nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhờ tiêm vắc-xin phòng bệnh, tỷ lệ mắc nhiều bệnh đã giảm mạnh hàng chục đến hàng trăm lần so với trước năm 1984 khi chưa triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, ví dụ như tỷ lệ mắc ho gà giảm 543 lần, bạch hầu giảm 433 lần, sởi giảm 423 lần, uốn ván sơ sinh giảm 69 lần…Việt Nam đã đạt được các mục tiêu cam kết quốc tế là thanh toán bệnh đậu mùa, bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, đây là những thành tựu đãđược Tổ chức Y tế thế giới công nhận và đánh giá cao.

Đối với bệnh sởi, tuy có vắc-xin phòng bệnh, nhưng đây là bệnh truyền nhiễm lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, hầu như tất cả những người chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với bệnh nhân sởi. Nước ta đã triển khai tiêm vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1984 và từ đó đến nay tỷ lệ mắc bệnh sởi liên tục giảm từ 1566/100.000 dân năm 1984 xuống còn 3,8/100.000 dân năm 2013. Mặc dù tỷ lệ mắc đã giảm mạnh song nước ta vẫn chưa phải là nước đã loại trừ được bệnh sởi, thêm vào đó mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi luôn đạt trên 90% song vẫn còn tỷ lệ khoảng 10% chưa được tiêm vắc xin và khoảng 5% số trẻ đã được tiêm vắc xin nhưng không đáp ứng sinh miễn dịch, như vậy trong cộng đồng mỗi năm có khoảng 15% số trẻ không có miễn dịch với sởi, tích lũy sau một số năm có thể bùng phát tạo thành các ổ dịch và hàng năm vẫn ghi nhận các ổ dịch sởi tại cộng đồng.

1. Về đợt dịch sởi vừa qua, cuối năm 2013, đầu năm 2014, ở nước ta xuất hiện nhiều bệnh nhân sởi, với:

+ Số mắc sởi:từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.602 trường hợp được xác định là mắc sởi trong số 21.639 trường hợp sốt phát ban nghi sởi,tại 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó 30% số mắc tập trung ở Hà Nội- địa phương có số mắc cao nhất, sau đó là thành phố Hồ Chí Minh. Có 87,4% trường hợp trẻ mắc sởi chưa tiêm vắc-xin sởi. Số ca mắc xảy ra rải rác tại các xã/phường ở 62 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, không có các ổ dịch tập trung; ngay ở Hà Nội, số ca mắc sởi cũng chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở một số xã/phường.

+ Số tử vong liên quan đến sởi: đến nay đã ghi nhận 142 trường hợp tử vong liên quan đến sởi tại khu vực miền Bắc; trong đó Hà Nội là địa phương có số tử vong cao nhất, chiếm trên 57%, tiếp đến là Hưng Yên, Hải Dương; 87,3% trường hợp tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Khu vực miền Nam, miền Trung và Tây nguyên không ghi nhận trường hợp tử vong do sởi.

Theo báo cáo phân tích chi tiết về 116 trường hợp tử vong liên quan đến sởi ở Bệnh viện Nhi Trung ương, có 98,2% trong số đó không được tiêm vắc-xin sởi; 76,7% là các bệnh nhân có nền bệnh cấp tính (viêm phổi, tiêu chảy, viêm màng não,…), bệnh mạn tính (bạch cầu cấp-ung thư máu, xuất huyết giảm tiểu cầu…), bệnh bẩm sinh (tim bẩm sinh, bại não, suy giáp).

Một số nguyên nhân gây tử vong cao:

* Nguyên nhân khách quan:

+ Thời điểm có nhiều bệnh nhân tử vong (từ giữa tháng 3 tới giữa tháng 4 năm 2014) là thời điểm miền Bắc ở giai đoạn cuối mùa xuân, còn lạnh, mưa phùn, độ ẩm rất cao (nếu không có dịch sởi thì thông thường vào thời gian này bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi ở trẻ em cũng tăng cao, và theo số liệu thống kê, trung bình một ngày có khoảng 3-5 trẻ tử vong).

+ Bệnh viện Nhi Trung ương được xây dựng cách đây hơn 30 năm, với số giường ban đầu là 450 giường, đến nay số giường thực tế là 1200 giường; thời điểm bệnh nhân đông lên đến 1700 bệnh nhân nằm viện, tạo nên sự quá tải trầm trọng. Thêm vào đó, Bệnh viện đang trong thời gian xây dựng thêm tòa nhà phục vụ khám và điều trị, nên không khí môi trường bệnh viện không thuận lợi cho bệnh nhi, nhất là bệnh về đường hô hấp.

+ Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư quy định về phân tuyến, chuyển tuyến, và đã chỉ đạo các bệnh viện vệ tinh (5 bệnh viện ở thành phố Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân sởi, nhưng nhiều người vẫn vượt cấp đưa trẻ đến khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Vì là bệnh viện tuyến cuối cùng của Ngành Nhi ở phía Bắc, nên hầu hết các bệnh nhân nặng, ở giai đoạn cuối đều tập trung về Bệnh viện Nhi Trung ương. Đối với các bệnh nhân nặng này, khi bị mắc bệnh sởi do lây tại cộng đồng hoặc lây chéo ở bệnh viện, nguy cơ tử vong rất cao.

* Nguyên nhân chủ quan:

+ Công tác phòng chống nhiễm khuẩn, phòng lây chéo trong bệnh viện chưa được làm tốt.

+ Do quá tải, 2-3 trẻ/giường bệnh, không đủ nhân lực y tế, các bác sỹ, điều dưỡng phải làm việc quá sức,... nên ảnh hưởng tới chất lượng điều trị. Bệnh viện Nhi Trung ương đã báo cáo và nhận khuyết điểm sâu sắc về việc xử lý trong điều trị và phòng chống lây chéo trong bệnh viện.

+ Hầu hết các trẻ tử vong liên quan đến sởi chưa được tiêm phòng vắc-xin sởi đầy đủ (98,3%); trẻ mắc sởi khi đang bị các bệnh nguy hiểm khác như bệnh chuyển hóa, bệnh tim bẩm sinh, dị dạng, đặc biệt là các bệnh liên quan đến viêm phổi; nhiều trẻ mắc sởi ở độ tuổi dưới 9 tháng – độ tuổi không nằm trong diện được tiêm phòng sởi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

2. Các giải pháp đã và đang triển khai:

(1) Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành:

- Ngay từ giữa năm 2013, khi bệnh sởi xuất hiện ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ Y tế đã ban hành Công điện số 644/CĐ-DP ngày 25/7/2013, Công điện số 4631/CĐ-BYT ngày 30/7/2013, tiếp đó là Công điện số 642/CĐ-BYT-DP ngày 18/02/2014, Công điện số 1696/CĐ-BYT-DP ngày 05/4/2014 gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống bệnh sởi, triển khai Kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi, đẩy mạnh giám sát các trường hợp mắc sốt phát ban dạng sởi; Quyết định số 1327/QĐ-BYT ngày 18/4/2014 của Bộ Y tế về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sởi, cập nhật hướng dẫn điều trị bệnh sởivà nhiều văn bản chỉ đạo công tác chuyên môn.

- Ngày 23/02/2014, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi.

- Đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch, tổ chức các đoàn kiểm tra các địa phương có số mắc cao. Khi dịch bệnh sởi xảy ra tại Yên Bái vào tháng 2 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống dịch sởi tại địa bàn; các đoàn kiểm tra do Bộ trưởngvà các Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn kiểm tra đã làm việc với Lãnh đạo các địa phương có số mắc sởi cao; Lãnh đạo Bộ Y tế đã kiểm tra và chỉ đạo Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc triển khai các biện pháp giải quyết tình trạng quá tải bệnh nhân, chống lây chéo trong bệnh viện.

(2) Triển khai các biện pháp phòng chống dịch và tiêm phòng sởi:

- Ngay khi phát hiện những trường hợp mắc sởi đầu tiên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ đã triển khai các biện pháp tích cực để dập dịch, đặc biệt là tổ chức ngay chiến dịch tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ em ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Giang. Từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014, Bộ Y tế tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ em từ 9 tháng đến dưới 2 tuổi cho toàn bộ 63/63 tỉnh. Tính đến ngày 30/5/2014, tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt 96,1%; đồng thờichỉ đạo tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 2 tuổi đến dưới 10 tuổi tại 11 tỉnh, thành phố trọng điểm.

- Bộ Y tế đã cung ứng 1,8 triệu liều vắc xin sởi đảm bảo đủ nhu cầucủa các tỉnh, thành phố để thực hiện kế hoạch tiêm vét vắc xin sởi.Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế tập trung vào việc giám sát phát hiện dịch, có biện pháp khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch (nếu có), không để dịch lan rộng trong cộng đồng; chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur giám sát chặt chẽ dịch bệnh.

(3) Triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm giảm tử vong:

- Về chuyên môn: đã chỉ đạo các bệnh viện rà soát quy trình khám bệnh, phân luồng bệnh nhân đến khám bệnh, chú trọng phân khu cách ly, tăng cường công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện, điều động những bác sỹ có kinh nghiệm làm nhiệm vụ phân loại bệnh nhân nghi sởi ngay tại Khoa Khám bệnh của các bệnh viện. Mời hai chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới vào làm việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương một tuần về tăng cường phòng chống lây lây chéo trong bệnh viện.

- Thực hiện nghiêm phác đồ chẩn đoán và điều trị sởi và Kế hoạch tăng cường các giải pháp giảm tử vong do sởi.

- Chỉ đạo các bệnh viện Trung ương cử bác sỹ đến hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện vệ tinh ở Hà Nội và các bệnh viện của Hà Nội.

- Thực hiện phân tuyến điều trị; chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ cho bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa, Đức Giang, Sơn Tây thực hiện vai trò bệnh viện vệ tinh cho các bệnh viện tuyến Trung ương trong việc điều trị bệnh sởi, hạn chế tới mức thấp nhất việc chuyển lên tuyến trên không cần thiết.

- Tổ chức tập huấn cho toàn bộbệnh viện của 63 tỉnh, thành phố về chẩn đoán, điều trị bệnh sởi.

(4) Bảo đảm hậu cần cho công tác phòng chống dịch:

- Cung cấp đủ thuốc, máy thở, monitor, máy truyền dịch, bơm tiêm điện cho các bệnh viện; đồng thời có kế hoạch cung cấp máy chụp X-Quang, máy phục vụ tiệt trùng cho bệnh viện vào cuối tháng 5/2014.

- Chính phủ cấp bổ sung 80 tỷ đồng, 42 máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia, Bộ Y tế cung cấp 11,5 tỷ đồng và 1,8 triệu liều vắc xin sởi, đảm bảo đầy đủ vắc xin cho các chiến dịch tiêm vét và tiêm bổ sung vắc xin sởi. Một số tỉnh dùng nguồn ngân sách địa phương cấp bổ sung kinh phí cho công tác phòng chống dịch sởi tại địa phương.

3. Kết quả:

Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp trên, số mắc và số tử vong liên quan đến sởi đều giảm mạnh.Trong ngày 18/5/2014 có 35 tỉnh, thành phố báo cáo không ghi nhận trường hợp nghi sởi mới. Dịch sởi đã được khống chế trong tháng 5/2014. Một số tỉnh, như Yên Bái, đã triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch nên đã khống chế được dịch sởi từ rất sớm.

Tổ chức Y tế thế giới đánh giá Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng đối với dịch sởi, và đã huy động đầy đủ hệ thống y tế của mình để đối phó với sự bùng nổ của dịch bệnh.

4. Bài học kinh nghiệm:

Qua triển khai công tác phòng chống dịch sởi trong thời gian qua, có thể rút ra một số điểm làm được, hạn chế và bài học sau:

- Về điểm làm được: Đã có sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Chính phủ, của Bộ Y tế đối với các địa phương ngay từ khi dịch sởi bắt đầu xuất hiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc từ tháng 8 năm 2013; đã phối hợp chặt chẽ, tích cực với Tổ chức Y tế thế giới, mời chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tư vấn cho Việt Nam trong việc triển khai các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh sởi; Bộ Y tế đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt triển khai giải pháp tiêm chủng, đặc biệt là tiêm vét những đối tượng chưa tiêm vắc-xin sởi, nhằm giảm số ca mắc sởi.

- Về hạn chế: Truyền thông đã được đẩy mạnh, nhưng chưa quyết liệt, chưa hiệu quả, chưa vận động, thuyết phục được tất cả các bà mẹ đưa con đi tiêm phòng, do đó tỷ lệ tiêm chủng tăng chậm, nên dịch đã xảy ra; do chưa truyền thông mạnh mẽ về nguy cơ lây chéo trong bệnh viện và thông báo việc phân tuyến điều trị cho các cơ sở y tế tuyến dưới nên rất nhiều người đã đưa trẻ khám chữa bệnh, tập trung quá tải ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Sự quá tải cục bộ trong Bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhân tập trung cao đã vượt quá giới hạn năng lực giải quyết của bệnh viện; do xử lý nhiễm khuẩn bệnh viện chưa hiệu quả, chưa kiên quyết ngay từ đầu nên đã để xảy ra tình trạng nhiễm trùng, lây chéo giữa các bệnh nhân và dẫn đến tử vong; nhiều người dân đã tự vượt cấp lên Bệnh viện Nhi (ngay trên địa bàn Hà Nội, dù có 3 bệnh viện có Khoa Nhi lây và 4 bệnh viện quận huyện có khả năng điều trị bệnh sởi, nhưng người dân vẫn đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi trung ương) tập trung trong thời gian ngắn, gây nên quá tải trầm trọng, quá mức mà Bệnh viện có thể giải quyết được, dẫn đến tử vong do bội nhiễm và lây chéo trong bệnh viện. Một số địa phương chưa tích cực, kiên quyết đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin sởi trên địa bàn.



- Bài học kinh nghiệm: (1) Công tác truyền thông cần đi trước một bước, cần vận động, thuyết phục người dân thay đổi hành vi trong phòng bệnh, cũng như trong xử lý khi bị bệnh; (2) Cần quyết liệt và hiệu quả hơn trong việc giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, hạn chế tình trạng tập trung bệnh nhân trong thời gian ngắn, nhất là đối với bệnh truyền nhiễm; triển khai các biện pháp chống lây chéo và chống nhiễm khuẩn bệnh viện ngay từ khi xuất hiện ca bệnh sởi đầu tiên; (3) Cần huy động sự tham gia của toàn xã hội trong vận động, tuyên truyền về phòng chống dịch sởi, cũng như công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.

5.Về trách nhiệm quản lý của các bên liên quan:

Theo Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (Điều 99, 112, 113, 114), Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2003 (Điều 12 và Điều 90), Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 (Điều 6):

- Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước lĩnh vực y tế, trong đó có phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, trên phạm vi toàn quốc, bao gồm việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm triển khai công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm, tại địa phương.

Trong đợt phòng chống bệnh sởi vừa qua, Bộ Y tế nhận thấy đã chưa tuyên truyền, vận động quyết liệt và hiệu quả để thuyết phục người dân đưa trẻ đi tiêm vắc-xin sởi, do đó tỷ lệ tiêm chủng tăng chậm, nên dịch đã xảy ra; chưa thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ về nguy cơ lây chéo trong bệnh viện và thông báo việc phân tuyến điều trị cho các cơ sở y tế tuyến dưới nên rất nhiều người đã đưa trẻ khám chữa bệnh ở Bệnh viện Nhi Trung ương, gây nên tình trạng quá tải trầm trọng, vượt quá khả năng xử lý của bệnh viện; sự quá tải cục bộ trong Bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhân tập trung cao đã vượt quá giới hạn năng lực giải quyết của bệnh viện; do xử lý nhiễm khuẩn bệnh viện chưa hiệu quả, chưa kiên quyết ngay từ đầu nên đã để xảy ra tình trạng nhiễm trùng, lây chéo giữa các bệnh nhân và dẫn đến tử vong; nhiều người dân đã tự vượt cấp lên Bệnh viện Nhi (ngay trên địa bàn Hà Nội, dù có 3 bệnh viện có Khoa Nhi lây và 4 bệnh viện quận huyện có khả năng điều trị bệnh sởi, nhưng người dân vẫn đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi trung ương) tập trung trong thời gian ngắn, gây nên quá tải trầm trọng, quá mức mà Bệnh viện có thể giải quyết được, dẫn đến tử vong do bội nhiễm và lây chéo trong bệnh viện.

Đồng thời cũng cần nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch.Một số địa phương, như Yên Bái đã tích cực, triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch nên đã sớm khống chế được dịch sởi. Trong khi đó, một số địa phương đã chưa tích cực, kiên quyết đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin sởi trên địa bàn, công tác phòng chống dịch chưa hiệu quả, ví dụ như Hà Nội - nơi có số ca mắc sởi chiếm 30% và số ca tử vong liên quan đến sởi chiếm 57% trong tổng số ca mắc và tử vong trên toàn quốc.

Trong Công điện ngày 16/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch sởi, bên cạnh việc giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quyết liệt công tác cấp cứu, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh cũng như ngăn chặn lây lan dịch bệnh trên địa bàn.



88. Cử tri các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên kiến nghị: Đề nghị xem xét, tạo điều kiện để những người tham gia kháng chiến tại vùng bị nhiễm chất độc hoá học màu da cam, nhưng không thuộc danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hoá học được quy định trong Thông số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH, ngày 18/11/2013 của Bộ Y tế - Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, chưa được giám định y khoa thì vẫn được hưởng chế độ nạn nhân chất độc màu da cam.


tải về 7.28 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   81   82   83   84   85   86   87   88   ...   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương