KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)



tải về 7.28 Mb.
trang81/101
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích7.28 Mb.
#2002
1   ...   77   78   79   80   81   82   83   84   ...   101

Trả lời: Tại công văn số 5408/BYT-VPB1 ngày 13/8/2014

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, người tham gia BHYT có quyền lựa chọn một cơ sở y tế để đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và khi đi khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký ban đầu sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế. Trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, người bệnh vẫn được chuyển lên tuyến trên theo quy định về chuyên môn của Bộ Y tế và theo quy định về đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh tại Thông tư số 10/2009/TT-BYT ngày 14/8/2009.

Việc phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế quy định theo 4 cấp, dựa trên địa giới hành chính, phạm vi quản lý, khả năng chuyên môn và thực trạng về cơ sở vật chất. Việc đăng ký cơ sở khám chữa bệnh ban đầu và phải đến khám chữa bệnh tại cơ sở đăng ký (trừ trường hợp cấp cứu) là cần thiết và phù hợp vì:

- Giúp cho việc quản lý các đối tượng người bệnh tại mỗi cơ sở.

- Sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực của cơ sở y tế tuyến dưới, thuận lợi cho người bệnh

- Duy trì tuyến điều trị, giảm chi phí không cần thiết và giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên.

Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh trong trường hợp cấp cứu, tai nạn ngoài địa phương, Điều 28 Luật BHYT đã quy định: Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ quy định trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi về BHYT.

Ý kiến của cử tri đề nghị người tham gia BHYT được chuyển tuyến trực tiếp từ tuyến xã lên tuyến tỉnh và cho phép người có thẻ BHYT được khám, chữa bệnh tại bất cứ cơ sở khám, chữa bệnh nào vẫn được thanh toán BHYT... là chưa phù hợp với quy định hiện hành của Luật BHYT, vừa gây khó khăn cho cơ quan quản lý vừa làm quá tải các bệnh viện tuyến trên, dẫn tới tình trạng lãng phí đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cho tuyến dưới. Điều 22 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế đã sửa đổi quy định về đăng ký khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT như sau:

- Từ ngày 01/01/2016, người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng theo quy định của Luật.

- Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và có mức hưởng theo quy định của Luật.



Hiện nay, Bộ Y tế đang tập trung triển khai các Đề án: Bác sỹ gia đình, bệnh viện vệ tinh, đồng thời chỉ đạo nâng cấp và bổ sung các trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chuyển giao các dịch vụ kỹ thuật cho đội ngũ y bác sỹ tuyến dưới, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, đảm bảo công bằng đối với người tham gia BHYT. Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2009/TT-BYT hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh BHYT và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT. Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư phân tuyến kỹ thuật, trong đó có bổ sung việc chuyển vượt tuyến bệnh nhân nặng mà các dịch vụ của tuyến trên liền kề không đáp ứng được hoặc chuyển vượt tuyến đối với bệnh nhân mắc bệnh chuyên khoa mà bệnh viện tuyến trên liền kề không có khoa điều trị để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT.

59. Cử tri các tỉnh Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên và thành phố Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri phản ánh và kiến nghị về quy định khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến như sau:

+ Cử tri cho rằng, quy định trái tuyến trong khám, chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế hiện nay là bất hợp lý, cần sớm được xóa bỏ. Vấn đề khám chữa bệnh phải tuân thủ quy tắc kinh tế thị trường, theo đó nơi nào tốt thì nơi đó được người dân tìm đến; không được phân biệt bệnh viện công, bệnh viện tư. Giải quyết được vấn đề trên thì việc thực hiện chủ trương bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm y tế toàn dân trong thời gian tới mới đạt được hiệu quả và hợp lòng dân.

+ Theo quy định hiện hành khi người dân đến khám chữa bệnh vượt tuyến, không phải là trường hợp cấp cứu nếu trình thẻ bảo hiểm y tế thì được quỹ BHYT chi trả 30% chi phí trong phạm vi quyền lợi BHYT nếu khám chữa bệnh tại Bệnh viện hạng I, 50% nếu khám chữa bệnh tại bệnh viện hạng II và 70% nếu khám chữa bệnh tại bệnh viện hạng III. Cử tri đề nghị nên giảm bớt dòng tỷ lệ vượt tuyến ở mỗi tuyến là 10%, tức nếu trình thẻ BHYT khám trái tuyến ở Bệnh viện hạng III thì quỹ BHTY chi trả là 80%, hạng II là 60% và hạng I là 40%. Đồng thời, kiến nghị những người tham gia đóng BHYT liên tục trong thời gian từ 05 năm trở lên thì từ 55 tuổi trở lên được khám tổng quát một lần.

+ Cử tri cho rằng, hiện naỵ khi bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu trái tuyến thì thủ tục thanh toán bảo hiểm rất phức tạp, quy định mức chi trả bảo hiểm y tế cho người bệnh khi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không đúng cơ sở KCB ban đầu hoặc không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật thấp, chưa phù hợp, chưa đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia Bảo hiểm Y tế, đề nghị xem xét, sửa đổi quy định thanh toán đối với người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không đúng cơ sở KCB ban đầu hoặc không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật được quy định tại Khoản 3, Điều 7, Nghị định số 62/2009/NĐ-CP cho phù hợp.

Trả lời: Tại công văn số 5408/BYT-VPB1 ngày 13/8/2014

Theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh, người bệnh có quyền lựa chọn bất kỳ cơ sở y tế nào để khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, năng lực chuyên môn của hệ thống khám chữa bệnh còn có sự khác biệt, chênh lệch giữa các vùng, miền, vì vậy, việc quy định quỹ BHYT thanh toán một phần chi phí KCB của người bệnh BHYT trong trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến là hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, vừa tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở y tế trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thực tế trong thời gian qua, quy định về thanh toán BHYT đối với trường hợp khám chữa bệnh vượt tuyến trái tuyến được người dân ủng hộ, nhất là trong bối cảnh chất lượng của các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới còn hạn chế, đây cũng là quyền của người bệnh được lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, quy định này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải ở tuyến trên và khó kiểm soát chi phí đối với các cơ sở tuyến dưới như Báo cáo giám sát của Quốc hội trình bày tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội XIII.

Tiếp thu ý kiến phản ảnh của cử tri, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, Ngành chức năng đề nghị Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để quy định hợp lý hơn, khắc phục tình trạng chi đa tuyến quá mức và vượt tuyến không cần thiết, hạn chế tình trạng quá tải, cụ thể là:

(1) Đối với trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định của Luật và theo tỷ lệ như sau:

a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;

b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trong phạm vi cả nước;

c) Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trong cùng địa bàn tỉnh.

(2) Từ ngày 01/01/2016, người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng theo quy định của Luật.

(3) Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và có mức hưởng theo quy định của Luật.

(4) Từ ngày 01/ 01/2021, quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định của Luật cho người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang triển khai nhiều giải pháp để tuyên truyền, khuyến khích người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh đúng cơ sở khám chữa bệnh ban đầu hoặc theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, đồng thời Bộ Y tế cũng tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, điều chỉnh giá dịch vụ y tế hợp lý giữa các tuyến, các hạng bệnh viện; giảm tải cho tuyến trên; tăng cường công tác kiểm tra giám sát để hạn chế tình trạng lạm dụng, chuyển tuyến không cần thiết để đảm bảo sự an toàn của Quỹ mà vẫn đáp ứng được nhu cầu tiếp cận dịch vụ của người tham gia BHYT.



60. Cử tri các tỉnh Cao Bằng, Nam Định, Lạng Sơn kiến nghị: Cử tri cho rằng, chính sách khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã với người có thẻ BHYT là chưa khuyến khích việc mua thẻ BHYT tự nguyện, việc quy định trần cho một lần khám tại trạm y tế xã với mức 20.000 đồng là quá thấp; đề nghị sửa đổi định mức kê đơn thuốc cho trạm y tế xã vì như hiện nay còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh.

Trả lời: Tại công văn số 5408/BYT-VPB1 ngày 13/8/2014

Để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT được khám chữa bệnh gần nơi cư trú, Luật BHYT đã quy định tất cả các đối tượng tham gia BHYT đều có quyền đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại trạm y tế xã, tuyến huyện hoặc tương đương. Người bệnh có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại trạm y tế xã sẽ không phải cùng chi trả và được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khi khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã.

Điều 12 Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 đã quy định rõ: Việc hợp đồng, tổ chức khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại trạm y tế xã; đồng thời quy định việc cấp kinh phí “Tổng quỹ để bảo đảm hoạt động khám chữa bệnh tại trạm y tế xã không thấp hơn 10% quỹ khám chữa bệnh BHYT theo số thẻ đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tể xã”.

Như vậy, tùy theo phạm vi chuyên môn, năng lực và nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia BHYT, Trạm y tế xã xây dựng kế hoạch cụ thể để yêu cầu bệnh viện huyện hoặc Trung tâm y tế cung cấp để đảm bảo yêu cầu khám chữa bệnh BHYT. Vì thế, tùy theo thực tế, chi phí khám chữa bệnh có thể cao hơn mức tối thiểu 10% quỹ khám chữa bệnh BHYT, thực tế có nơi đã lên tới 35%. Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn Luật không quy định mức trần thanh toán chi phí/lượt khám chữa bệnh BHYT ở tuyến xã, tuy nhiên, từ quy định của Thông tư 09 nói trên, một số cơ sở y tế tại một số địa phương đã tính ra số tiền cụ thể trung bình cho mỗi người có thẻ BHYT và khoán cho Trạm Y tế. Điều này không phù hợp với quy định và yêu cầu về đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và chất lượng dịch vụ y tế.

Đề nghị Đại biểu Quốc hội, cử tri tỉnh Cao Bằng, Nam Định, Lạng Sơn tăng cường công tác giám sát việc tổ chức thực hiện khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.

61. Cử tri các tỉnh Bình Định, Long An, Tuyên Quang kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế cần rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc tại Thông tư số 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010 theo hướng mở rộng một số loại thuốc sử dụng tới các bệnh viện tuyến dưới; đặc biệt là tuyến huyện và tuyến xã, góp phần giảm tải cho các bệnh viện trên; bổ sung các loại thuốc cần thiết cho nhu cầu điều trị, xây dựng danh mục cần thiết phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu điều trị và khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế.

Trả lời: Tại công văn số 5408/BYT-VPB1 ngày 13/8/2014

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu điều trị và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh có thẻ BHYT, từ năm 2001 đến nay, Danh mục thuốc BHYT bao gồm thuốc tân dược và thuốc y học cổ truyền (YHCT) liên tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung (05 lần).

Sau khi Luật BHYT có hiệu lực, ngày 29/4/2010, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 12/2010/TT-BYT hướng dẫn và ban hành Danh mục thuốc YHCT chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh thay thế Danh mục thuốc YHCT ban hành kèm theo Quyết định số 05/2008/QĐ-BYT ngày 01/02/2008. Danh mục thuốc YHCT hiện có 127 chế phẩm (tăng 32 chế phẩm), 300 vị thuốc (tăng 63 vị thuốc). Danh mục thuốc YHCT được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm bệnh viện Y học cổ truyền, bệnh viện có khoa Y học cổ truyền, kể cả trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT theo quy định và không phân hạng bệnh viện (các bệnh viện hạng khác nhau đều được sử dụng toàn bộ thuốc quy định trong Danh mục).



Trên cơ sở đề xuất của các cơ sở khám bệnh chữa bệnh và kế thừa Danh mục thuốc YHCT hiện hành, hiện nay, Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng Thông tư hướng dẫn và ban hành Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc YHCT thuộc phạm vi thanh toán với mục tiêu mở rộng Danh mục, bổ sung thêm các thuốc cần thiết đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT và phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT, đồng thời khuyến khích sự phát triển nền y dược học cổ truyền.

62. Cử tri các tỉnh Hà Nam, Long An, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, kiến nghị: Nhiều cử tri đề nghị, nếu thực hiện mua Bảo hiểm y tế bắt buộc, thì không nên hạn chế thuốc chữa bệnh theo danh mục (Vĩnh Long);

+ Kiến nghị có chính sách bổ sung các loại thuốc chữa bệnh viêm gan B, C vào danh mục thuốc cấp phát bảo hiểm y tế, để người dân tham gia bảo hiểm y tế được chữa trị bệnh này không phải trả tiền (Cần Thơ);

+ Đề nghị tăng cường quản lý chất lượng thuốc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, cần phân cấp thuốc chữa bệnh theo bệnh chứ không phân cấp thuốc theo tuyến vì không phù hợp cho việc khám, chữa bệnh nói chung để khắc phục tình trạng quá tải đối với bệnh viện tuyến trên.

Trả lời: Tại công văn số 5408/BYT-VPB1 ngày 13/8/2014

1. Về đề nghị không hạn chế thuốc chữa bệnh BHYT theo danh mục:

Việc thực hiện tham gia BHYT bắt buộc không chỉ nhằm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân mà còn nhằm gắn trách nhiệm của mọi người dân trong việc tham gia BHYT, thể hiện sự chia sẻ giữa người khỏe với người ốm, tránh tình trạng “lựa chọn ngược” chỉ có người ốm mới tham gia BHYT còn các đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao thì không tham gia. Mặt khác, quy định này cũng có ý nghĩa nhân văn với chính người dân, tương tự như quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em dưới 6 tuổi trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Về nguyên tắc, mức hưởng hay khả năng thanh toán của quỹ BHYT phải dựa trên khả năng đóng góp của người dân để bảo đảm giải quyết những vấn đề cơ bản nhất theo cơ cấu bệnh tật của mỗi quốc gia. Đóng góp của người dân không thể là vô tận, vì vậy, phạm vi quyền lợi hay mức hưởng BHYT cũng cần được xác định. Đây là lý do và cơ sở dẫn đến phải lựa chọn, xây dựng danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán. Tại các nước thực hiện BHYT, kể cả các nước giàu như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Thụy Điển, Bỉ, Hà Lan, Úc, Hàn Quốc… cũng quy định Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Trong đó, chỉ các thuốc có chi phí hợp lý và hiệu quả điều trị rõ ràng mới được xem xét đưa vào danh mục.

Hiện nay, Danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán gồm danh mục thuốc tân dược (ban hành kèm theo Thông tư số 31/2011/TT-BYT ngày 11/7/2011) và danh mục thuốc y học cổ truyền (ban hành kèm theo theo Thông tư số 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010), bao gồm: 900 hoạt chất tân dược, 57 thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu; 127 chế phẩm YHCT và 300 vị thuốc YHCT. Danh mục thuốc này rất phong phú, đa dạng về chủng loại và số lượng thuốc ung thư, kháng sinh, tim mạch, mắt, tai mũi họng, da liễu, chống virus, lao, tâm thần, vitamin, dịch truyền, cảm cúm... và đáp ứng được nhu cầu điều trị của tất cả các tuyến điều trị. Các thuốc đặc trị, đắt tiền (ví dụ thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép), các loại kháng sinh, các thuốc chuyên khoa như hồi sức cấp cứu, tim mạch, huyết áp, tiểu đường… cần cho nhu cầu điều trị đều có trong Danh mục.

2. Về đề nghị bổ sung các loại thuốc chữa bệnh viêm gan B, C vào danh mục thuốc cấp phát bảo hiểm y tế:

2.1. Đối với thuốc điều trị viêm gan C:

Theo Quyết định số 4817/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 28/11/2013 thì phác đồ Interferon/Peginterferon + Ribavirin là phác đồ điều trị chuẩn trong điều trị viêm gan C. Theo đó, các thuốc này hiện đã có trong Danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán ban hành kèm theo Thông tư số 31/2011/TT-BYT ngày 11/7/2011 của Bộ Y tế và được thanh toán theo mức hưởng đối với từng nhóm đối tượng, cụ thể:

- Thuốc Interferon và Peginterferon được quỹ BHYT thanh toán khi điều trị viêm gan C theo phác đồ tại Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và hạng II (quy định khoản 6 Điều 5 Thông tư số 31/2011/TT-BYT và tại số thứ tự 278, 283 của Danh mục);

- Thuốc Ribavirin cũng được sử dụng tại Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và hạng II (số thứ tự 284 của Danh mục).

2.2. Đối với thuốc điều trị viêm gan B:

Danh mục thuốc điều trị viêm gan B ban hành kèm theo Thông tư số 31/2011/TT-BYT ngày 11/7/2011), bao gồm:

- Các thuốc dẫn chất nucleotid Lamivudin, Adefovir Dipivoxil, Entecavir, Tenofovir

- Các Interferon và Peginterferon

Trong đó, Interferon và Peginterferon do ít có hiệu quả điều trị trên bệnh nhân người châu Á, chi phí điều trị lại khá lớn (Interferon có chi phí từ 32-45 triệu đồng/đợt điều trị 6 tháng; Peginterferon, tiêm có chi phí khoảng 100 triệu đồng đối với thuốc sản xuất trong nước, khoảng 200 triệu đồng đối với thuốc nước ngoài/đợt điều trị 06 tháng) nên quỹ BHYT không thanh toán cho chỉ định điều trị viêm gan B.

Tuy nhiên, các thuốc khác như Lamivudin, Adefovir dipivoxil, Entecavir, Tenofovir đều có trong Danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán ban hành kèm theo Thông tư số 31/2011/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 11/7/2011 và được sử dụng tại các Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II (Lamivudin và Tenofovir còn được sử dụng tại Bệnh viện hạng III, hạng IV) và được thanh toán 100% theo mức hưởng đối với từng nhóm đối tượng.

Như vậy, Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT đã đáp ứng được nhu cầu điều trị cũng như bảo đảm quyền lợi của người bệnh viêm gan B, viêm gan C. Nếu tại địa phương, người bệnh viêm gan B, viêm gan C có thẻ BHYT vẫn phải tự mua thuốc, đề nghị Đoàn đại biểu quốc hội Cần Thơ có ý kiến với UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở KCB trên địa bàn thực hiện xây dựng danh mục thuốc tại địa phương, đấu thầu và cung ứng đầy đủ thuốc cho người bệnh.

3. Về đề nghị tăng cường quản lý chất lượng thuốc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, phân cấp thuốc chữa bệnh theo bệnh chứ không phân cấp thuốc theo tuyến:

3.1. Về các biện pháp nhằm tăng cường quản lý chất lượng thuốc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế:

Thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản, đưa ra nhiều biện pháp khác nhau trong việc xây dựng danh mục thuốc, đấu thầu, cung ứng và sử dụng thuốc BHYT trong các cơ sở khám chữa bệnh để tăng cường chất lượng thuốc trong khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh BHYT nói riêng, như sau:

(1) Rà soát, sửa đổi, bổ sung Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT:

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn nhu cầu điều trị, nhằm nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người bệnh có thẻ BHYT, từ năm 2001 đến nay, Danh mục thuốc BHYT bao gồm thuốc tân dược và thuốc y học cổ truyền liên tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung (05 lần).

Sau khi Luật Bảo hiểm y tế năm 2009 có hiệu lực, Bộ Y tế đã ban hành Danh mục thuốc theo Thông tư số 31/2011/TT-BYT ngày 11/7/2011và Thông tư số 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010 thay thế danh mục thuốc ban hành kèm theo Quyết định số 05/2008/QĐ-BYT ngày 01/02/2008. Danh mục thuốc này rất phong phú, đa dạng về chủng loại và số lượng thuốc ung thư, kháng sinh, tim mạch, mắt, tai mũi họng, da liễu, chống virus, lao, tâm thần, vitamin, dịch truyền, cảm cúm... để các bác sỹ có sự lựa chọn thuốc điều trị cho người bệnh phù hợp với tính chất chuyên môn, phù hợp với tuyến điều trị, gồm 900 hoạt chất thuốc tân dược (tăng 150 hoạt chất), 57 thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu, trong đó có 57 hoạt chất thuốc điều trị ung thư; Về thuốc y học cổ truyền hiện có 127 chế phẩm YHCT (tăng 32 chế phẩm), 300 vị thuốc YHCT (tăng 63 vị thuốc).

(2) Xây dựng các hướng dẫn điều trị chuẩn làm cơ sở để chỉ định sử dụng thuốc: hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm gan C, các bệnh về cơ xương khớp…

(3) Ban hành chính sách thuốc quốc gia trong đó đề ra mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả;

(4) Ban hành Thông tư số 21/2013/TT-BYT ngày 08/8/2013 quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thuốc và điều trị trong bệnh viện nhằm tăng cường vai trò của Hội đồng thuốc và điều trị lựa chọn thuốc sử dụng phù hợp với nhu cầu điều trị của bệnh viện và tác động đến hành vi kê đơn và chỉ định sử dụng thuốc của tất cả các bác sỹ trong bệnh viện

(5) Ban hành Thông tư số 23/2011/TT-BYT ngày 10/6/2011 về hướng dẫn sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế có giường bệnh



(6) Ban hành và thực hiện đấu thầu mua thuốc theo Thông tư số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/01/2012, Thông tư số 36/2013/TTLT-BYT-BTC ngày 11/11/2013 và Hồ sơ mời thầu mua thuốc theo Thông tư số 37/2013/TT-BYT ngày 11/11/2013. Các quy định mới trong đấu thầu đã giúp cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch trong công tác đấu thầu và thúc đẩy sự tham gia của BHXH Việt Nam trong đấu thầu mua sắm thuốc ở tất cả các tuyến.

(7) Minh bạch thông tin về giá thuốc bằng cách đưa toàn bộ giá trúng thầu lên mạng internet của Bộ Y tế và công bố giá phổ biến để các địa phương có cơ sở để so sánh, xây dựng giá khi tổ chức đấu thầu.

(8) Ban hành Thông tư 06/2013/TT-BYT về Hướng dẫn thực hiện thí điểm quản lý giá thuốc bằng phương pháp thặng số bán buôn tối đa toàn chặng đối với các thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả và thực hiện thí điểm quản lý giá bằng phương pháp này đối với các loại thuốc do Ngân sách Nhà nước và BHYT chi trả tại 9 đơn vị trong cả nước. Theo đó, mức chênh lệch giữa giá đề nghị trúng thầu của mặt hàng thuốc chứa hoạt chất được áp dụng thí điểm so với giá trị gốc tính thặng số của mặt hàng thuốc đó không được vượt mức thặng số bán buôn tối đa toàn chặng theo quy định. Trong trường hợp mặt hàng thuốc xét đề nghị trúng thầu (mặt hàng có giá đánh giá thấp nhất) theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BYT-BTC có mức chênh lệch giữa giá đề nghị trúng thầu so với giá trị gốc tính thặng số của mặt hàng thuốc đó vượt mức thặng số bán buôn tối đa toàn chặng thì Thủ trưởng đơn vị được tiến hành thí điểm phải đàm phán với nhà thầu có mức giá thấp nhất để mức chênh lệch này không vượt mức thặng số bán buôn tối đa toàn chặng theo quy định.

3.2. Về đề nghị phân cấp thuốc chữa bệnh theo bệnh chứ không phân cấp thuốc theo tuyến:

Việc quy định Danh mục thuốc hiện nay dựa trên nguyên tắc: Phù hợp với phân tuyến kỹ thuật và phạm vi chuyên môn để thúc đẩy chính sách sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; Đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và khả năng chi trả của quỹ BHYT.

Hiện nay, Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT ban hành kèm theo theo Thông tư số 31/2011/TT-BYT ngày 11/7/2011 gồm 900 hoạt chất thuốc tân dược, 57 thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu; Danh mục thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT ban hành kèm theo Thông tư số 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010 gồm 127 chế phẩm YHCT, 300 vị thuốc YHCT. Trong đó:

(1) Danh mục thuốc tân dược:

Được chia thành 27 nhóm theo tác dụng dược lý như: nhóm thuốc điều trị ung thư; thuốc tim mạch; thuốc điều trị bệnh đường tiết niệu; thuốc chống co giật, chống động kinh; thuốc điều trị bệnh mắt, tai mũi họng; thuốc tác dụng đường tiêu hóa; thuốc tác dụng trên đường hô hấp; thuốc điều trị ký sinh trung, chống nhiễm khuẩn… Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn, phác đồ điều trị. Đối với các thuốc hay hoạt chất có nhiều tác dụng dược lý, nhiều chỉ định khác nhau, thuốc sẽ được xếp vào nhóm có chỉ định phù hợp nhất để hạn chế sự trùng lặp. Tuy nhiên, thuốc được xếp nhóm này vẫn được dùng để điều trị bệnh thuộc nhóm khác nếu có chỉ định như đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt.

Vì vậy, Danh mục thuốc BHYT có thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu điều trị của người bệnh. Bên cạnh đó,việc sử dụng các thuốc, hoạt chất trong danh mục thuốc tân dược được quy định theo phân hạng của các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm phù hợp với khả năng và trình độ chuyên môn của từng cơ sở KCB. Ví dụ: do hầu hết các Bệnh viện hạng III, hạng IV cũng như trạm y tế xã không có khoa có chức năng điều trị ung thư và bác sỹ được đào tạo về chuyên ngành ung bướu, cũng như chưa có đủ trang thiết bị, máy móc để thực hiện các xét nghiệm cần thiết nên các thuốc thuộc nhóm thuốc điều trị ung thư không được sử dụng tại Bệnh viện hạng III, hạng IV và trạm y tế xã mà chỉ được sử dụng tại các Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và hạng II.

(2) Danh mục thuốc y học cổ truyền:

Được chia thành 11 nhóm theo tác dụng dược lý như: nhóm thuốc giải biểu; thuốc thanh nhiệt, giải độc, tiêu ban, lợi thủy; thuốc khu phong trừ thấp… các thuốc này được sử dụng ở tất cả các tuyến nhưng phải tuân thủ theo quy chế kê đơn, phù hợp với khả năng chuyên môn và phân tuyến kỹ thuật.

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu điều trị, hiện nay Bộ Y tế đang rà soát, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 31/2011/TT-BYT và Thông tư số 12/2010/TT-BYT. Trong đó, mở rộng tuyến sử dụng cho nhiều thuốc trong Danh mục thuốc tân dược tới các bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là bệnh viện tuyến huyện và tuyến xã, phù hợp với điều kiện cụ thể về trình độ của y, bác sỹ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám, chữa bệnh nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.



63. Cử tri các tỉnh Khánh Hòa, Nghệ An kiến nghị: Do thiếu giường bệnh, bệnh nhân phải nằm 02 người một giường tại bệnh viện, song khi tính phí BHYT lại tính thành 02 giường, gây thất thoát quỹ BHYT và tốn kém cho người bệnh. Đề nghị Bộ Y tế và BHXH cần xem xét, chỉ đạo cách tính cho phù hợp.


tải về 7.28 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   77   78   79   80   81   82   83   84   ...   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương