HÀ NỘI, 2015 BỘ giáo dục và ĐÀo tạo ngân hàng nhà NƯỚc việt nam


Điều kiện để áp dụng Chính sách lạm phát mục tiêu và chỉ tiêu đo lường



tải về 1.63 Mb.
trang3/17
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.63 Mb.
#15427
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

1.2. Điều kiện để áp dụng Chính sách lạm phát mục tiêu và chỉ tiêu đo lường

Mặc dù CSLPMT có nhiều phiên bản khác nhau, tuy nhiên tất cả các phiên bản đều bao hàm 3 trụ cột chính nêu trên, chỉ khác nhau về tính linh hoạt trong điều hành, phiên bản cuối được cộng thêm mục tiêu ổn định tài chính. Vì vậy,dù lựa chọn phiên bản nào cũng đều phải thỏa mãn những điều kiện nhất định để thực hiện được 3 trụ cột chính của CSLPMT. Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học, đặc biệt là nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra các điều kiện khác nhau để mỗi quốc gia có thể áp dụng được CSLPMT. Trong số đó, nghiên cứu của Batini, Kuttner, Laxton (2005) là khá khái quát khi khảo sát tình hình của 31 quốc gia (trong đó có 21 quốc gia áp dụng CSLPMT), theo đó, 4 nhóm điều kiện cơ bản để một quốc gia có thể theo đuổi được khuôn khổ CSLPMT, bao gồm:

1.2.1. Mức độ độc lập về thể chế của Ngân hàng Trung ương


NHTW của bất kỳ quốc gia nào cũng đều mang trọng trách là chủ thể chính trong việc hoạch định và thực thi CSTT quốc gia. Dù áp dụng cơ chế CSTT nào thì vai trò, vị thế của NHTW cũng rất quan trọng và đòi hỏi phải có tính độc lập tương đối với Chính phủ. Theo Grilli et al. (1991) và King Banaian (2008) độc lập về thể chế của NHTW được thể hiện trên 3 nội dung: độc lập về chính sách, độc lập về kinh tế và độc lập và chính trị.

Độc lập về chính sách hay độc lập về công cụ là việc cho phép NHTW được quyền linh hoạt trong việc hoạch định và thực thi CSTT. Theo đó, NHTW phải chỉ đạo điều hành CSTT với một mức độ độc lập tương đối, có nghĩa là không đòi hỏi sự độc lập hoàn toàn với chính phủ, nhưng phải có quyền tự do điều hành các công cụ CSTT để đạt được mục tiêu lạm phát mà Chính phủ cho là thích hợp. Độc lập về mặt kinh tế là việc NHTW được giải phóng khỏi các áp chế tài khóa/áp lực chính trị, nghĩa là Chính phủ không dựa vào NHTW để bù đắp thâm hụt ngân sách; kỷ luật thu, chi ngân sách phải được đảm bảo. Độc lập về chính trị của NHTW được hiểu là những ảnh hưởng của Chính phủ trong thủ tục bổ nhiệm, nhiệm kỳ và miễn nhiệm hội đồng Thống đốc của NHTW.

Để vận hành hiệu quả CSLPMT thì tính độc lập của NHTW càng hết sức có ý nghĩa. Lập luận để lý giải cho việc đòi hỏi phải có điều kiện này mới thực hiện được CSLPMT xuất phát từ những lý do sau:

(i) Thứ nhất, CSLPMT đòi hỏi tính hiệu quả cao trong điều hành CSTT của NHTW, nếu NHTW không được độc lập điều hành, phải chịu chi phối đối với các quyết định về cung ứng tiền, lãi suất, tín dụng thì các công cụ điều tiết sẽ không phát huy được tính tích cực, nhạy bén của nó, việc điều chỉnh mục tiêu trung gian để đạt được mục tiêu lạm phát như cam kết của NHTW sẽ vô cùng khó khăn;

(ii) Thứ hai, việc chính phủ vay trực tiếp hoặc vay không trả lãi từ Ngân hàng Trung ương là một ảnh hưởng rất rõ ràng đối với lạm phát, hơn nữa chính sách tài khóa chi phối hoạt động điều hành kinh tế vĩ mô (trong đó có chính sách tiền tệ) cũng tác động đáng kể đến việc điều hành CSLPMT ngay cả khi thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, vẫn khó có thể giảm áp lực lạm phát nếu chính sách tài khóa liên tục được mở rộng;

(iii) Thứ ba, thực hiện CSLPMT là việc NHTW cam kết mức lạm phát mục tiêu đạt được trong dài hạn, điều này đòi hỏi không chỉ nhận thức và nỗ lực của Ngân hàng Trung ương, mà còn có vai trò của cả hệ thống các cơ quan chính phủ trong việc tham vấn và xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tương ứng. Rõ ràng, trong một số trường hợp, việc thực hiện ổn định lạm phát có thể đi kèm với một mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn hoặc số lượng việc làm ít hơn. Đây có thể là một kết quả nhạy cảm về chính trị, khiến các chính phủ luôn có xu hướng muốn can thiệp vào việc thực hiện mục tiêu lạm phát, trong trường hợp này sẽ rất khó cho NHTW để có thể duy trì chính sách đảm bảo thực hiện mục tiêu lạm phát.

Xem xét cụ thể các chỉ tiêu để đánh giá mức độ độc lập của ba khía cạnh như sau:

1.2.1.1. Độc lập về mặt kinh tế


Người ta xem xét mức độ độc lập về mặt kinh tế dựa trên 7 tiêu chí sau:

(1) Chính phủ không thể đương nhiên vay trực tiếp từ NHTW;

(2) Nếu được vay trực tiếp từ NHTW Chính phủ phải trả mức lãi suất thị trường;

(3) Nguồn tín dụng này là tạm thời;

(4) Khối lượng tín dụng vay có giới hạn;

(5) NHTW không tham gia vào thị trường sơ cấp của trái phiếu Chính phủ;

(6) NHTW có trách nhiệm ấn định lãi suất chính sách;

(7) NHTW không có quyền hoặc phải chia sẻ quyền giám sát khu vực ngân hàng với cơ quan khác, điều kiện này nhằm tách bạch chức năng ổn định tiền tệ và ổn định hệ thống ngân hàng.

NHTW độc lập về mặt kinh tế cũng có nghĩa là quốc gia đó phải thực hiện một chính sách tài chính không thống trị, tức khi thâm hụt ngân sách, nguồn bù đắp cho thâm hụt này không phải chủ yếu là từ nguồn NHTW và hệ thống ngân hàng, mà phải sử dụng chủ yếu từ nguồn thu phát hành công cụ nợ của chính phủ với dân chúng và từ các nguồn thu khác của Chính phủ. Nếu tồn tại một chính sách tài khoá thống trị “Fiscal dominance”, thì áp lực lạm phát có nguồn nguốc từ chính sách tài khoá sẽ làm giảm hiệu quả điều hành của CSTT. Không chịu sự chi phối của chính sách tài khóa. Tức là không có sự đi vay (hoặc phải rất ít) của khu vực nhà nước (chính phủ) với NHTW hay khu vực ngân hàng, hay nói cách khác thị trường tài chính phải có khả năng hấp thụ tốt đối với việc phát hành nợ của khu vực công. Nợ công phải được giữ ổn định, bền vững và không làm cản trở chính sách tiền tệ, đặc biệt là không có hình thức phát hành (in) tiền. Và nói chung, khuôn khổ LPMT đòi hỏi tỷ lệ nợ quốc gia so với GDP duy trì ổn định ở mức trung bình.

Trong số 7 chỉ tiêu trên thì chỉ tiêu (1); (2); (4); (6) là các chỉ tiêu quan trọng có tính chất quyết định mức độ độc lập về kinh tế, bốn chỉ tiêu này phải được tuân thủ để khẳng định: (i) NHTW có quyền tự chủ trong việc quyết định phạm vi và mức độ tài trợ cho chi tiêu của Chính phủ một cách trực tiếp hay gián tiếp bằng tín dụng của NHTW. (ii) NHTW có nguồn tài chính đủ lớn để không phải phụ thuộc vào sự cấp phát tài chính của Chính phủ. (iii) người đứng đầu của NHTW có quyền quyết định hầu hết các khoản chi tiêu của tổ chức này trong khuôn khổ dự toán ngân sách đã được phê duyệt.

Sự độc lập này sẽ giúp cho NHTW có được sự tập trung cần thiết vào mục tiêu lạm phát. Tuy nhiên, theo Walsh ( 2003), một chính sách tiền tệ hoàn toàn độc lập rất khó đạt được. Cho dù chính sách tiền tệ không chịu ảnh hưởng của chính sách tài khóa thì mức giá sẽ không chỉ duy nhất chịu tác động của chính sách tiền tệ nếu chính sách tài khóa ảnh hưởng đến lãi suất thực. Chính vì vậy, mức độ độc lập tương đối của Ngân hàng Trung ương - theo nghĩa ít bị can thiệp về chính trị hoặc bị chi phối tài khóa – là điều kiện quan trọng nhất để áp dụng được khung khổ chính sách tiền tệ theo CSLPMT.

1.2.1.2. Độc lập về mặt chính trị


Mức độ độc lập ở đây còn được thể hiện qua quyền hạn của Thống đốc NHTW trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến nhân sự bên trong tổ chức của mình như bổ nhiệm và miễn nhiệm nhân sự, phân công nhiệm vụ và quyền hạn, chế độ lương bổng và trợ cấp…Có thể xem xét điều kiện này dựa trên 8 tiêu chí sau:

(1) Thống đốc được bổ nhiệm mà không có sự can thiệp của Chính phủ;

(2) Thống đốc được bổ nhiệm với nhiệm kì hơn 5 năm;

(3) Ban giám đốc (board of directors) được bổ nhiệm mà không chịu sự can thiệp của Chính phủ;

(4) Ban giám đốc được bổ nhiệm với nhiệm kì trên 5 năm;

(5) Không bắt buộc có sự tham gia của đại diện Chính phủ trong ban giám đốc;

(6) Điều hành chính sách tiền tệ không phải thông qua Chính phủ;

(7) Một trong những mục tiêu chính của NHTW là đảm bảo ổn định tiền tệ được quy định trong Luật;

(8) Có các điều luật bảo vệ NHTW khi có đối lập với Chính phủ.

CSLPMT có một khung chính sách linh hoạt nhưng cũng đòi hỏi tính nhất quán, LPMT cần có sự ủng hộ về chính trị và các quốc gia chỉ nên thực hiện khi các nhà hoạch định chính sách của NHTW đã chuẩn bị kỹ cho quyết định và hành động. Và do vậy, trên thực tế, không có Ngân hàng Trung ương nào có được sự độc lập hoàn toàn đối với ảnh hưởng của chính phủ.


1.2.1.3. Độc lập về chính sách


Độc lập về chính sách theo Debelle và Fisher (1994) bao gồm hai khía cạnh: độc lập đối với việc thiết lập các mục tiêu và độc lập trong việc sử dụng các công cụ của CSTT; cho dù có tuyên bố về mặt pháp lý hay không thì NHTW vẫn phải tập trung vào lạm phát. Một NHTW được cho là có độc lập mục tiêu nếu NHTW có toàn quyền trong việc thiết lập các mục tiêu cuối cùng của CSTT như lạm phát, thất nghiệp hoặc tăng trưởng kinh tế. NHTW có sự độc lập về công cụ nếu NHTW được phép tự do lựa chọn các công cụ của CSTT để đạt được mục tiêu cuối cùng, NHTW sẽ không được coi là độc lập về việc lựa chọn các công cụ nếu Chính phủ phải phê duyệt để sử dụng công cụ chính sách. Sự độc lập về chính sách của NHTW giúp cho NHTW có được sự tập trung cần thiết vào mục tiêu lạm phát,vừa được quyền tự do linh hoạt vừa được quyền tự quyết trong điều hành CSTT.

1.2.2. Năng lực của Ngân hàng Trung ương


CSLPMT đòi hỏi NHTW phải có năng lực đủ mạnh, bao gồm: (i) NHTW cần đảm bảo đủ khả năng và năng lực trong dự báo lạm phát; (ii) NHTW tuân thủ cơ chế minh bạch và đảm bảo trách nhiệm giải trình; (iii) NHTW cần duy trì tín nhiệm CSTT đối với công chúng.

CSLPMT cũng đòi hỏi mạnh mẽ việc sử dụng các kết quả dự báo bởi bản chất của cơ chế này là sự dự đoán trước tương lai. Có thể hiểu trong CSLPMT thì mục tiêu trung gian chính là dự báo lạm phát. Do đó để thực hiện CSLPMT các NHTW phải nhìn trước và xây dựng được các dự báo lạm phát từ đó mới đưa ra được các quyết định sử dụng hệ thống công cụ nào để điều chỉnh mức dự báo lạm phát cho sát với mục tiêu đặt ra. Đồng thời NHTW cũng cần có bộ phận theo dõi, đánh giá kịp thời tình hình hoạt động trên thị trường tiền tệ, thị trường liên ngân hàng và các nhân tố tác động để kịp thời có các giải pháp thích hợp cho CSTT. Theo Trần Thế Sao (2010) năng lực của NHTW trong dự báo lạm phát bao gồm:

- Hệ thống cơ sở dữ liệu: bao gồm số liệu về lạm phát, các chỉ số kinh tế vi mô, vĩ mô trong quá khứ làm cơ sở dự báo những diễn biến kinh tế trong tương lai;

- Mô hình dự báo là công cụ dùng để xử lý kỹ thuật về mặt kinh tế lượng của các dữ liệu đầu vào;

- Yếu tố con người để đảm nhiệm công tác thống kê, phân tích và truyền đạt thông tin.

Bên cạnh đó năng lực của NHTW còn thể hiện ở cơ chế minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự duy trì được tính tín nhiệm của CSTT đối với công chúng. Dưới đây sẽ là những phân tích cụ thể đối với từng nhân tố.


1.2.2.1. Hệ thống cơ sở dữ liệu


Chính sách LPMT là chính sách xác định mục tiêu lạm phát, xác định cơ chế dự báo, cơ chế điều tiết kinh tế để đạt mục tiêu đó với nhiều vấn đề mang tính toán kỹ thuật . Do đó NHTW cần thiết phải xây dựng được bộ dữ liệu tin cậy, chất lượng. Bộ dữ liệu bao gồm các biến số kinh tế vĩ mô và các biến số tiền tệ, số liệu về sự lành mạnh của hệ thống tài chính với chuỗi số liệu đủ lớn và thống nhất để nghiên cứu, phân tích đầy đủ mối quan hệ và tác động giữa các biến số. Bộ dữ liệu này sẽ cung cấp thông tin chính thống về sự lành mạnh của hệ thống tài chính, là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách đưa ra dự đoán về tình hình kinh tế vĩ mô và đưa ra các quyết định chính sách nhằm đạt đến mục tiêu chính sách. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương cũng phải có đủ khả năng tiếp cận nhanh và liên tục các bộ số liệu mới, đủ mức chi tiết để đáp ứng yêu cầu vận dụng các mô hình cho dự báo lạm phát. Ngoài các nhân tố chính sách, NHTW cần phải phân tích định tính và định lượng về tác động của các nhân tố phi chính sách đến việc thực hiện mục tiêu CSTT là cơ sở cho việc xác định chính xác mức lãi suất mục tiêu. Việc dự báo phải thực hiện định kỳ, hệ thống, và có thể thực hiện ngay. Hệ thống cơ sở dữ liệu kém cập nhật hoặc không được công bố đều đặn hàng tháng hoặc hàng quý sẽ khiến Ngân hàng Trung ương thiếu đánh giá sát thực nhất về diễn biến thị trường, qua đó ảnh hưởng đến định hướng và liều lượng của các công cụ chính sách tiền tệ.

1.2.2.2. Mô hình dự báo lạm phát


Chính sách tiền tệ tác động đến lạm phát với độ trễ nhất định hàm ý rằng, một chính sách tối ưu nên hướng vào dự báo lạm phát mục tiêu. Do đó, NHTW phải có khả năng mô hình hóa động thái lạm phát của nền kinh tế và dự báo lạm phát trong cơ chế LPMT và hiểu rõ cách thức tác động của CSTT đến các biến kinh tế, hiệu quả tương đối của các công cụ chính sách. Việc xây dựng được các mô hình dự báo lạm phát cũng như mô hình tác động là một nhiệm vụ thiết yếu của Ngân hàng Trung ương. Theo đó, NHTW phải thiết lập, xây dựng được mô hình dự báo, có khả năng dự báo với các giả định khác nhau, có khả năng dự báo lạm phát một cách tương đối chính xác với nhiều kịch bản khác nhau, dựa trên năng lực mô hình hóa. Có được mô hình dự báo lạm phát với các kịch bản khác nhau và chi tiết sẽ giúp tăng các lựa chọn chính sách cho Ngân hàng Trung ương nhằm đạt được mục tiêu lạm phát đề ra. Nếu không, quy trình điều hành chính sách có thể kém bài bản, thậm chí giật cục do không dựa trên những bằng chứng mô phỏng khoa học.

Đa số các NHTW áp dụng CSLPMT sử dụng một hệ thống mô hình bao gồm các dự báo thống kê và bảng tính toán gồm các mô hình cơ cấu kinh tế, kinh tế vĩ mô và cân bằng tổng thể động ngẫu nhiên (DGSE). Với việc sử dụng nhiều mô hình khác nhau với các mục tiêu khác nhau NHTW có thể đưa ra cơ sở lý thuyết và dữ liệu cùng với những đánh giá mang tính định tính để đưa ra quyết định cuối cùng.

Để dự báo được tỷ lệ lạm phát cũng như các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng, NHTW các nước nói chung thường tập trung xây dựng và phát triển các mô hình, công cụ phục vụ công tác phân tích, dự báo lạm phát như sau:

- Mô hình dự báo hồi quy dạng véctơ (VAR, SVAR, BVAR, VECM…). Mô hình hồi quy dạng véctơ là mô hình sử dụng dữ liệu theo chuỗi thời gian của nhiều phương trình, trong đó các biến số trong mô hình phản ánh quan hệ nhân quả giữa các biến số kinh tế (biến độc lập) làm cơ sở cho việc dự báo các biến số kinh tế (biến phụ thuộc) trong ngắn và trung hạn của nền kinh tế. Các mô hình dự báo hồi quy dạng véctơ có thể lượng hoá ảnh hưởng của các biến số kinh tế (nhất là các biến chính sách) tới các hoạt động của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ nhờ các kịch bản mô phỏng khác nhau.

- Mô hình kinh tế lượng vĩ mô làm cơ sở cho việc phân tích tác động chính sách kinh tế tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như: sản lượng thực, lãi suất thực, mức giá và tỷ giá hối đoái thực. Trên cơ sở các lý thuyết kinh tế, xây dựng mô hình kinh tế vĩ mô cho phép đánh giá các thay đổi của chính sách tài khóa, CSTT và chính sách kinh tế vĩ mô khác tác động đến điều kiện kinh tế vĩ mô, tỷ lệ lạm phát, lãi suất danh nghĩa, tỷ giá hối đoái của VND so với ngoại tệ và điều kiện tiền tệ, đồng thời hỗ trợ dự báo kinh tế vĩ mô và tiền tệ.

- Mô hình cơ chế truyền dẫn CSTT làm cơ sở phục vụ công tác phân tích, hoạch định và điều hành CSTT.

- Xây dựng và triển khai khuôn khổ lập trình tài chính để hỗ trợ phân tích đánh giá và dự báo tiền tệ, ngân hàng trong ngắn và trung hạn, các biến động chính sách ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và giữa các khu vực của nền kinh tế.

- Xây dựng quy trình dự báo kinh tế vĩ mô (đặc biệt là quy trình dự báo lạm phát), tiền tệ và hoạt động ngân hàng.


1.2.2.3. Năng lực dự báo lạm phát


Việc đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức về kinh tế lượng, am hiểu kinh tế vĩ mô, xây dựng được các mô hình dự báo phù hợp là yếu tố quan trọng trong công tác dự báo lạm phát. Các cán bộ làm chính sách phải có những hiểu biết nhất định về kênh truyền dẫn giữa công cụ CSTT và lạm phát qua đó mới xác định được độ trễ thời gian trong việc điều chỉnh các công cụ CSTT và ảnh hưởng của nó tới tỷ lệ lạm phát. Với mỗi mô hình dự báo (mô hình nhân tố, mô hình toán kinh tế, mô hình tự hồi quy trung bình trượt đồng liên kết AKIMA, mô hình dự báo lạm phát bằng đường cong Philips...) cần phải lựa chọn các tham số phù hợp, sử dụng mô hình nào để dự báo trong dài hạn, trong ngắn hạn cần phải được nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ để có được năng lực dự báo lạm phát tốt góp phần thực hiện thành công mục tiêu lạm phát đã đặt ra.

1.2.2.4. Cơ chế minh bạch và trách nhiệm giải trình của NHTW


Tính minh bạch trong việc quản lý CSTT giúp đảm bảo những đối tượng tham gia giao dịch tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, từ đó làm giảm tính chất không ổn định của lãi suất chính thức, đảm bảo khả năng cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng, do đó làm tăng mức độ dẫn truyền dài hạn của kênh lãi suất và gia tăng hiệu lực điều hành của NHTW. Hơn nữa, cơ chế giải trình và minh bạch hóa thông tin sẽ giúp tăng niềm tin của công chúng vào hiệu lực của CSTT. Vì vậy, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là điều kiện không thể thiếu của NHNN trong việc xây dựng và điều hành CSTT.

Mức độ minh bạch và sự nhất quán trong việc điều hành CSTT đóng vai trò quan trọng để tạo lập niềm tin của công chúng. Nếu như NHTW có thể phát tín hiệu về việc duy trì được một tỉ lệ lạm phát thấp và được công chúng tin tưởng thì kỳ vọng lạm phát sẽ thấp và kéo theo lạm phát thực tế sẽ ở mức thấp. Để trách nhiệm giải trình được hiệu quả, cơ quan giám sát phải có đủ thông tin để đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương. Các Ngân hàng Trung ương sẽ phải cung cấp thông tin đó trong các thông cáo của họ ra bên ngoài.



1.2.2.5. Tính tín nhiệm của chính sách tiền tệ


Niềm tin của công chúng đối với những cam kết và khả năng điều hành của NHTW, hiệu quả thực thi CSTT đóng vai trò quan trọng trong một khuôn khổ LMPT. Muốn có sự tin tưởng như vậy thì minh bạch chính sách được xem là một giải pháp tối quan trọng, các chương trình truyền thông cần được thực hiện đầy đủ để đảm bảo rằng người dân và thị trường hiểu được mục tiêu của chính sách là gì, cách thức truyền dẫn của các chính sách ra sao và hiệu quả của nó như thế nào. Chính sách cần có sự ổn định nhất định để thị trường có thể suy đoán. Kỳ vọng lạm phát đóng vai trò quan trọng trong khuôn khổ CSLPMT. Các kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ thường được biết đến trước đây bao gồm kênh tỷ giá, kênh tín dụng, kênh lãi suất và kênh giá tài sản khác. Việc hiểu biết về các kênh truyền dẫn CSTT như vậy sẽ giúp cho NHTW có thể lựa chọn các công cụ CSTT phù hợp cũng như ước lượng được mức độ tác động của giải pháp chính sách thực thi đối với thị trường. Với mỗi khuôn khổ CSTT khác nhau với mục tiêu trung gian được lựa chọn cũng như khả năng tác động của NHTW đến các biến tiền tệ là khác nhau thì các kênh truyền dẫn CSTT được sử dụng chủ yếu cũng có thể khác nhau. Kỳ vọng lạm phát cũng đã được đề cập trong các phân tích trước đây dưới các khuôn khổ CSTT trước, tuy nhiên chủ yếu ở lớp tác động thứ hai tức là sau các yếu tố đầu vào – “xuất phát điểm” - là lãi suất, tỷ giá, tín dụng, và giá tài sản. Và do vậy, khả năng tác động của nhân tố kỳ vọng lạm phát không được tách rời, và NHTW cũng tập trung điều hành các yếu tố đầu vào hơn là tập trung cho yếu tố kỳ vọng lạm phát. Tuy nhiên, những phân tích về kỳ vọng lạm phát đã cho thấy lãi suất dài hạn lại chịu tác động trực tiếp của kỳ vọng về tăng trưởng và giá cả dài hạn của nền kinh tế nhiều hơn là lãi suất thị trường tiền tệ. Cơ chế tác động của kỳ vọng lạm phát đối với mức lạm phát thực trong dài hạn có thể được mô tả như sau: Nếu lạm phát được kỳ vọng ở mức cao, người lao động có thể yêu cầu một mức lương danh nghia cao hơn. Đến lượt nó, mức lương cao lại khiến cho giá thành đầu ra của doanh nghiệp tăng lên. Nếu các doanh nghiệp kỳ vọng lạm phát lên cao, khi đó doanh nghiệp sẽ có xu hướng nâng mức giá hàng hóa của mình trên thị trường. Nhánh tác động thứ hai của kỳ vọng lạm phát lên mức lạm phát thực tế là thông qua các quyết định đầu tư và tiêu dùng. Khi hộ gia đình và doanh nghiệp kỳ vọng lạm phát cao trong tương lai, họ sẽ thấy tiêu dùng hấp dẫn là tiết kiệm. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ không xảy ra nếu họ tin rằng NHTW sẽ có giải pháp để bù đắt sự sụt giảm về lãi suất thực (Blachflower và Kelly, 2008). Do khả năng tác động trực tiếp từ kỳ vọng lạm phát đối với lạm phát dài hạn như vậy, kỳ vọng lạm phát đóng vai trò quan trọng trong khuôn khổ CSLPMT. Các biện pháp nhằm đo lường và kiểm soát kỳ vọng lạm phát, truyền thông để có sự thấu hiểu giữa NHTW và thị trường đóng vai trò quan trọng để thực thi được LPMT.

Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải quan điểm của Ngân hàng Trung ương đến thị trường và công chúng. Khi thực hiện CSLPMT, Ngân hàng Trung ương (NHTW) phải có khả năng truyền thông tốt để truyền tải cho công chúng và thị trường hiểu rõ cách thức mà khuôn khổ này được điều hành. Trong quá trình thực hiện điều hành chính sách tiền tệ theo khuôn khổ CSLPMT, NHTW phải thực hiện công bố thông tin trên thị trường nhằm minh bạch hóa điều hành chính sách tiền tệ thông qua các hình thức như thông cáo báo chí về các quyết định chính sách tiền tệ, báo cáo định kỳ về lạm phát; tích cực đối thoại, cởi mở với công chúng; hay tổ chức các cuộc họp chính thức hay bất thường; phát biểu, tuyên bố của lãnh đạo NHTW và các chuyên gia NHTW. Nguyên tắc là các thông điệp phát đi từ NHTW phải đảm bảo tính nhất quán, và cách thức truyền tải thông điệp phải có sức thuyết phục, tạo và giữ được lòng tin trong công chúng.[7]


1.2.3. Hệ thống thị trường tài chính lành mạnh


Khung khổ CSLPMT đòi hỏi phải có một thị trường tài chính vững mạnh. có kỷ cương, kỷ luật thị trường, cạnh tranh lành mạnh . Đây cũng là một điều kiện khá quan trọng bởi các lý do sau:

Thứ nhất, điều này cho phép các kênh truyền dẫn CSTT xảy ra theo như đúng dự đoán của NHTW, và do vậy, các công cụ CSTT sẽ phát huy hiệu quả như mong đợi.

Thứ hai, thị trường tài chính phát triển, tạo điều kiện cho các việc huy động vốn cho nền kinh tế cũng như là tài trợ cho các khoản vay mượn của Chính phủ mà không phải phát hành tiền, do đó, các yếu tố này sẽ không còn cản trở việc thực hiện mục tiêu lạm phát.

Thứ ba, thị trường tiền tệ phát triển cho phép các công cụ của CSTT có thể ảnh hưởng nhanh chóng và mạnh mẽ đến các điều kiện tiền tệ và lạm phát cũng như năng lực của NHTW trong việc xây dựng mô hình và dự báo lạm phát[7].

Thứ tư, ngoài ra, một thị trường tài chính phát triển còn cho phép các kỳ vọng của thị trường đạt được ở điểm kỳ vọng hợp lý, do vậy, việc kiểm soát kỳ vọng lạm phát cũng có thể diễn ra hiệu quả hơn.

Thứ năm, các định chế tài chính, nhất là các NHTM hoạt động an toàn, hiệu quả, có thể chống đỡ được các cú sốc trên thị trường. Điều này để đảm bảo rằng, cơ chế truyền tải CSTT được thông suốt từ mục tiêu hoạt động đến mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lạm phát trong trung hạn. Đặc biệt là sự phát triển của thị trường ngoại hối, các NHTM có thể tự lo liệu được ngoại tệ và tự chống đỡ được những biến động về tỷ giá bằng các công cụ phòng ngừa rủi ro.

Những nước đang phát triển thường gặp khó khăn khi áp dụng CSLPMT là do sự yếu kém của thị trường tài chính. (Batini, 2005)[8] bởi vì hệ thống tài chính cần phát triển ở mức nhất định để đảm bảo chính sách tiền tệ được thực hiện bằng các công cụ của thị trường tài chính và đảm bảo cho chính sách tiền tệ theo đuổi mục tiêu lạm phát và không chi phối bởi biến động của thị trường tài chính (Laurens và các cộng sự, 2005)[9]. Có nhiều chỉ tiêu để đo lường sự lành mạnh của thị trường tài chính nhưng trong khuôn khổ của luận án chỉ đi sâu phân tích các chỉ số để đánh giá sự vững mạnh của hệ thống ngân hàng và mức độ lành mạnh của chính sách tài khóa

1.2.3.1. Hệ thống tài chính – ngân hàng vững mạnh


Một hệ thống ngân hàng vững mạnh đi kèm một thị trường vốn phát triển hiệu quả và an toàn là điều kiện cần thiết cho sự thành công của CSLPMT. Ngay khi hệ thống ngân hàng yếu kém NHTW không thể nâng lãi suất để kiểm chế lạm phát ở mức mục tiêu bởi vì nếulàm như vậy thì dường như sẽ dẫn đến sụp đổ của hệ thống tài chính. Điều này không những có thể trực tiếp gây ra sự sụp đổ của cơ chế LPMT mà còn có thể dẫn đến sự sụp đổ của các đồng bản tệ và cuộc khủng hoảng tài chính và như vậy sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kiểm soát lạm phát. Khi thị trường nhận ra sự yếu kém của hệ thống ngân hàng, hiện tượng luồng vốn chảy ra nước ngoài, đồng bản tệ bị mất giá, tỷ giá giảm mạnh, áp lực đẩy lạm phát lên cao, niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm, các hoạt động kinh tế sụt giảm, hệ thống ngân hàng khủng hoảng. Việc xử lý hệ thống ngân hàng sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ cho Chính phủ, nghĩa vụ này lại phải được xử lý bằng cách phát hành tiền trong tương lai, gây ảnh hưởng xấu đến LPMT. Đây cũng là những bằng chứng cho các cuộc khủng hoảng kép ở Chile (1992); Mexico (1994-1995); Thổ Nhĩ Kỳ (2000-2001)…

Đối với việc đánh giá hệ thống ngân hàng ,trong báo cáo nghiên cứu hệ thống ngân hàng tại Indonesia, Judijanto và Khmaladze (2003) đã chọn lọc 32 chỉ tiêu từ 12 nhóm các chỉ tiêu tài chính như: hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời, an toàn vốn, chênh lệch lãi suất tín dụng, tính thanh khoản… để tiến hành nghiên cứu đối với 213 ngân hàng. Nghiên cứu của Sonsoles Gallego, Alicia García Herrero và Jesús Saurina (2002) tiến hành so sánh hệ thống ngân hàng của một số nước châu Á (Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc…) với các nước EU sử dụng hai nhóm chỉ tiêu chính bao gồm độ sâu tài chính (tỷ lệ M2/GDP, tỷ lệ Tín dụng/GDP) và hiệu quả hoạt động (lợi suất cận biện, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay) để so sánh sự phát triển của hệ thống ngân hàng ở hai khu vực này. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu của báo cáo này cũng chủ yếu tập trung vào việc xác định các nhân tố tác động đến sự phát triển của hệ thống ngân hàng hơn là so sánh để phân loại trình độ phát triển của hệ thống ngân hàng tại các quốc gia.

Báo cáo phát triển tài chính toàn cầu của Ngân hàng thế giới (WB) xuất bản lần đầu năm 2012 đã đưa ra hệ thống các chỉ tiêu về phát triển tài chính toàn cầu cùng một khuôn khổ phân tích chấm điểm về phát triển tài chính của các nước trên khắp thế giới. Khuôn khổ này được mô tả tóm tắt trong một ma trận 4x2 với 4 nhóm tiêu chuẩn đánh giá bao gồm độ sâu tài chính, khả năng tiếp cận tài chính, hiệu quả và tính ổn định đối với 2 đối tượng là hệ thống các tổ chức tài chính và các thị trường tài chính. Mỗi nhóm tiêu chuẩn đánh giá lại được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu cụ thể (xem thêm bảng 1.1). Đồng thời, WB cũng khuyến nghị một khuôn khổ phân tích cần thiết bao hàm 3 nội dung: sự phát triển kinh tế xã hội, sự phát triển tài chính và môi trường kinh doanh.

Bảng 1.1: Mô hình 4x2 phân tích về đặc điểm hệ thống tài chính





Tổ chức tài chính

Thị trường tài chính

Độ sâu

Tín dụng tư nhân/GDP

Tài sản của các tổ chức tài chính/GDP

M2/GDP

Tiền gửi/GDP



Giá trị gia tăng được tạo ra từ khu vực tài chính/GDP

(Vốn hóa thị trường chứng khoán – tổng nợ tư nhân trong nước)/GDP

Chứng khoán nợ tư nhân/GDP

Trái phiếu chính phủ/GDP

Chứng khoán nợ nước ngoài/GDP

Vốn hóa thị trường chứng khoán/GDP

Quy mô giao dịch trên thị trường chứng khoán/GDP



Khả năng tiếp cận

Số tài khoản (tại NHTM)/1000 dân

Số chi nhánh (NHTM)/100.000 dân

Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng

Tỷ lệ doanh nghiệp tiến cận được tín dụng

Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ tiếp cận được tín dụng


Tỷ trọng vốn hóa thị trường của 10 công ty lớn nhất trên thị trường chứng khoán

Tỷ trọng giá trị giao dịch của 10 công ty kinh doanh chứng khoán lớn nhất

Lãi suất trái phiếu chính phủ (3 tháng và 10 năm)

Tỷ lệ chứng khoán nợ trong nước / tổng chứng khoán nợ

Tỷ lệ chứng khoán nợ tư nhân / tổng chứng khoán nợ (trong nước)

Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp mới phát hành/GDP



Hiệu quả

Tỷ lệ lãi cận biên (NIM)

Chênh lệch lãi suất huy động và cho vay

Thu nhập phi lãi/tổng thu nhập

Chi phí chung/ tài sản

Khả năng sinh lời (ROA, ROE)

Chỉ số Boone (Herfindahl hoặc H-statistic)



Tỷ suất lợi nhuận đối với thị trường chứng khoán

Biến động giá

Sự biến động của lượng đặt mua/bán so với sự biến động giá

Thanh khoản/chi phí giao dịch

Chênh lệch giá mua và bán đối với trái phiếu chính phủ

Doanh số giao dịch trái phiếu (tư nhân và chính phủ)/tổng giao dịch chứng khoán

Tỷ lệ giao dịch thành công


Ổn định

Z-score

Tỷ lệ an toàn vốn

Tỷ lệ chất lượng tài sản

Tỷ lệ thanh khoản

Khác


Sự biến động các chỉ số chứng khoán, trái phiếu

Độ lệch của các chỉ số

P/E

Kỳ hạn


Tỷ lệ trái phiếu ngắn hạn/tổng trái phiếu

Mối tương quan với lợi nhuận của các trái phiếu chính (Đức, Mỹ)



Nguồn: Worldbank (2012), Rethingking the role of the state in finance, Gobal financial development report 2013.

1.2.3.2. Mức độ lành mạnh chính sách tài khóa


Ổn định tài khoá là điều kiện cần thiết mang tính nền tảng để kiểm soát lạm phát, cũng như đảm bảo cho sự vận hành của cơ chế LPMT. Một số nghiên cứu đã đưa ra nhận định: Chính sách tài khoá tắc trách sẽ làm tăng áp lực đối với các cơ quan tiền tệ trong việc tài trợ để trả nợ, bởi vậy sẽ làm cung tiền và lạm phát tăng nhanh. Nếu mất cân bằng tài khoá ở mức cao thì rốt cục sẽ làm cho CSTT trở nên phụ thuộc vào các quyết định tài khoá (cái được gọi là: sự thống lĩnh của chính sách tài khoá) và mục tiêu lạm phát hẳn là sẽ phải bị xoá bỏ hoặc thay đổi rất nghiêm trọng.

Tình trạng mất cân bằng về tài khoá cũng có thể dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính và ngân hàng, từ đó có thể xoá sổ bất kỳ cơ chế tiền tệ nào được sử dụng để kiểm soát lạm phát.

Tất nhiên, những khó khăn đối với việc kiểm soát lạm phát nảy sinh từ sự mất cân đối tài khoá và khu vực tài chính, không phải chỉ xảy ra đối với các quốc gia thị trường mới nổi, mà cũng là mối quan ngại của các nền kinh tế tiên tiến. Tuy nhiên, đối với các quốc gia thị trường mới nổi, những vấn đề tỏ ra nghiêm trọng hơn và bởi vậy cần được xem xét ngay từ đầu nếu chúng ta muốn có một cơ chế LPMT có đủ khả năng kiểm soát lạm phát. Cải cách về thể chế tài khoá - nhằm tăng cường tính minh bạch của ngân sách chính phủ, tăng cường các nguyên tắc về ngân sách để giữ cho thâm hụt ngân sách ở mức có thể kiểm soát được – là cần thiết để ngăn chặn sự mất cân đối về tài khoá mà có thể dẫn đến sự sụp đổ của cơ chế LPMT.

Để tránh sự mất ổn định về tài chính, cần thực hiện một số cải cách về thể chế sau: (i) Tăng cường các quy định về bảo đảm an toàn trong hệ thống tài chính, ngân hàng . (ii) Hạn chế sự bảo trợ từ chính phủ, của các tổ chức tài chính quốc tế được thành lập từ hội nghị Bretton Woods, nhằm giảm bớt những động cơ phát sinh rủi ro đạo đức (moral hazards) và biểu hiện ở đây là các ngân hàng quá mạo hiểm và đứng trước quá nhiều rủi ro trong hoạt động của mình . (iii) Sự mất cân đối về đồng tiền cần được hạn chế để khi đồng nội tệ bị phá giá thì hiện tượng này không làm cho giá trị ròng của tài sản doanh nghiệp suy giảm nghiêm trọng. (iv) Chính sách nhằm tăng cường mức độ mở cửa của một nền kinh tế có thể cũng giúp hạn chế mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng tài chính ở các quốc gia thị trường mới nổi do khi đồng bản tệ bị phá giá tức là giá trị các khoản nợ tính bằng bản tệ sẽ tăng lên, nhưng việc phá giá cũng làm cho giá trị các tài sản tăng theo, do đó giá trị tài sản ròng của các doanh nghiệp này không bị ảnh hưởng nhiều

Có quan điểm cho rằng các cuộc cải cách về tài khoá và tài chính như đã thảo luận ở trên cần phải được thực hiện trước khi cơ chế LPMT hình thành. Tuy nhiên, mặc dù sự ổn định tài chính và tài khoá là những điều kiện cần thiết để kiểm soát lạm phát, nhưng theo Mishkin, quan điểm cho rằng các cuộc cải cách đó phải là điều kiện tiên quyết cho việc hình thành cơ chế LPMT ở các quốc gia thị trường mới nổi, sẽ là quá mạnh. Do cơ chế LPMT sẽ gắn chính phủ với mục tiêu duy trì lạm phát ở mức thấp, nên có một số lý luận cho rằng cơ chế LPMT có thể giúp tăng cường quá trình cải cách tài khoá và tài chính; bởi vì rõ ràng là với thể chế này, chính phủ phải hỗ trợ cho quá trình cải cách đó nếu họ muốn có được một cơ chế LPMT thành công. Hơn nữa, với cam kết của mình trong việc kiểm soát lạm phát, sẽ khó khăn hơn cho chính phủ nếu họ muốn thực hiện chính sách tài khoá nới lỏng, bởi vì nếu chính phủ làm điều họ muốn thì rõ ràng là sẽ trái ngược với mục tiêu về lạm phát. Tuy nhiên, một cơ chế LPMT không phải là phương tiện đảm bảo cho sự thành công của các cuộc cải cách tài khoá và tài chính. Nếu một quốc gia quyết tâm theo đuổi LPMT thì cần thiết phải có cam kết và bắt tay vào các cuộc cải cách tài khoá và tài chính ngay khi cơ chế LPMT được thiết lập.

Đối với đánh giá mức độ lành mạnh của chính sách tài khóa, IMF đã đưa ra 12 chỉ số để phân tích, cụ thể như sau:

Bảng 1.2: Các chỉ số để phân tích độ lành mạnh tài khóa

STT

Chỉ tiêu

1

Chênh lệch giữa lãi suất trung bình của các khoản vay nợ của chính phủ với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế (The interest rate –growth differential (IRGD)

2

Các cân bằng cơ bản được điều chỉnh theo chu kỳ (Cyclically adjusted primary balance)

3

Tổng nợ (Gross debt)

4

Nhu cầu vốn của chính phủ : được tính bằng thâm hụt ngân sách + các khoản chi phí cần thiết để trả cho các khoản nợ đáo hạn trong năm (Gross financing needs)

5

Nợ ngắn hạn (Short-term debt)

6

Nợ phải trả bằng ngoại tệ (Foreign- currency- denominated debt)

7

Nợ do người không cư trú nắm giữ (Debt held by nonresidents)

8

Kỳ hạn nợ trung bình (Average debt maturity)

9

Nợ nước ngoài ngắn hạn (Short- term external debt)

10

Tỷ lệ sinh (Fertility rate )

11

Tỷ lệ phụ thuộc (Dependency ratio)

12

Các khoản hưu trí dài hạn và chi tiêu cho y tế (Long term public pension (liability) and health spending)

Nguồn: IMF


1.2.4. Cấu trúc kinh tế phù hợp


Một quốc gia có cơ cấu kinh tế hợp lý phải đảm bảo các yếu tố cơ cấu phù hợp, giá cả phải được tự do hóa hoàn toàn, nền kinh tế không được quá nhạy cảm với các diễn biến giá cả hàng hóa và tỷ giá nhằm tránh những tác động bất lợi có thể có khi vận dụng chính sách tiền tệ và tỷ giá để ổn định lạm phát, mức độ đô la hóa phải được hạn chế tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận dụng các công cụ CSTT. Thực hiện CSLPMT đòi hỏi cấu trúc kinh tế phù hợp là do:

Thứ nhất, một quốc gia có tình trạng đô la hóa cao dễ làm ảnh hưởng đến cơ chế dẫn truyền chính sách tiền tệ. Đô la hóa thường khuyếch đại ảnh hưởng của biến động tỷ giá hối đoái, dẫn đến thay đổi tổng cầu .

Thứ hai, CSLPMT đòi hỏi tỷ giá phải linh hoạt. Sự phá giá mạnh và bất ngờ đồng nội tệ trong cơ chế tỷ giá cố định sẽ làm tăng gánh nặng nợ đô la, làm giảm giá trị trên băng cân đối tài sản và tăng độ rủi ro của khủng hoảng tài chính.

Thứ ba, nghiên cứu của Mishkin và Savastano (2000) cho rằng NHTW trong cơ chế lạm phát mục tiêu phải rất minh bạch trong xác định vai trò của tỷ giá hối đoái cũng như các can thiệp ổn định tỷ giá hối đoái để giảm đến mức tối thiểu những nhầm lẫn về mục tiêu ưu tiên. Ngoài ra theo Bernanke (2005) một cơ chế cố định tỷ giá hối đoái không đưa ra một giải pháp để ổn định tiền tệ và lạm phát trong nền kinh tế có mức độ di chuyển vốn cao.



Nhóm điều kiện này bao gồm các chỉ số đo lường sau:

1.2.4.1.Mức độ đô la hóa nền kinh tế


Đô la hóa thường được đo lường dựa trên giá trị tài sản Có và tài sản Nợ bằng ngoại tệ mà các ngân hàng nắm giữ. Cách tính này liên quan đến đô la hóa tài chính. Đô la hóa tài sản Có thường được đánh giá bằng tổng giá trị các khoản vay mà tổ chức tín dụng cho người cư trú là cá nhân, tổ chức kinh tế không phải tổ chức tín dụng vay. Đô la hóa tài sản Nợ thường được tính bằng tổng tài sản Nợ bằng ngoại tệ là tiền gửi hay khoản nợ khác của tổ chức tín dụng. Đô la hóa làm giảm hiệu quả kiểm soát và điều hành CSTT của NHTW, là nguyên nhân khiến NHTW không kiểm soát được toàn bộ khối lượng tiền tệ và phương tiện thanh toán trong nền kinh tế đồng thời làm cho công tác xác định, phân tích, dự báo những thay đổi tổng phương tiện thanh toán gặp khó khăn. Bên cạnh đó đô la hóa còn gây khó khăn trong việc quyết định điều tiết lượng tiền cung ứng của NHTW một cách chính xác và kịp thời. Tất cả các vấn đề trên sẽ dẫn đến việc điều hành CSTT nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát thông qua mục tiêu trung gian bị méo mó bởi đô la hóa. Nền kinh tế bị đô la hóa các công cụ của CSTT sẽ bị hạn chế phát huy hiệu quả gây khó khăn cho việc truyền tải CSTT. Để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, NHTW thường điều chỉnh giảm các mức lãi suất chính sách nhằm tác động giảm lãi suất của thị trường, từ đó kích thích đầu tư tăng tổng cầu nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế bị đô la hóa, lãi suất thị thị trường có xu hướng giảm thì các tổ chức cá nhân có tâm lý găm giữ ngoại tệ tích trữ do lo ngại đồng nội tệ mất giá, điều này sẽ dẫn đến việc tình trạng thị trường ngoại tệ ở trong trạng thái căng thẳng, khó khăn cho việc điều hành chính sách. Đô la hóa thường phát triển khi đồng nội tệ không thực hiện tốt chức năng cơ bản của nó so với đồng tiền chuyển đổi khác. Chức năng cơ bản của một đồng tiền là phương tiện cất trữ, phương tiện thanh toán và thước đo giá trị. Việc đồng nội tệ thể hiện yếu kém trong ba chức năng trên sẽ khuyến khích phát triển nhiều hình thức đô la hóa hay đồng tiền thay thế sẽ phát triển. Tỷ giá biến động do lạm phát cao có thể khuyến khích tổ chức, cá nhân giao dịch bằng ngoại tệ để đảm bảo ổn định giá trị hàng hóa nội địa. Do đó, mức độ đô la hóa nền kinh tế phải thấp. Để đối phó, NHTW thường chú trọng vào bình ổn tỷ giá hối đoái hơn là quan tâm đến các mục tiêu khác (Miskin, 2003) dẫn đến giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ.

1.2.4.2. Độ nhạy cảm của kênh tỷ giá hối đoái


Độ nhạy cảm của kênh tỷ giá hối đoái cũng phải thấp. Trên thực tế, một vài quốc gia cố gắng kết hợp cả hai cơ chế vừa lạm phát mục tiêu vừa một khung tỷ giá hối đoái nhưng sự kết hợp này phát sinh nhiều mâu thuẫn nên cuối cùng các quốc gia này phải để tỷ giá hối đoái linh hoạt trong biên độ rộng hơn hoặc là bỏ hoàn toàn mục tiêu tỷ giá hối đoái (Morandé và cộng sự, 2000). Khuyến nghị này cũng thống nhất với nghiên cứu của Debelle và các tác giả (1998) và Takatoshi Ito và Tomoko Hayashi (2004) khi nghiên cứu về lạm phát mục tiêu ở các nước châu Á.

1.2.4.3. Độ mở ngoại thương của nền kinh tế


Độ mở nền kinh tế là chỉ số được sử dụng để đo lường chính sách mở cửa thương mại của một quốc gia, chính sách thương mại càng theo hướng tự do hóa, thì độ mở của nền kinh tế càng lớn. Độ mở nền kinh tế thường được đo lường bằng tỷ số giữa xuất khẩu so với GDP, nhập khẩu so với GDP hoặc thương mại 2 chiều so với GDP.

Theo Edwards (1989) và Elbadawi (1994), thông thường chính sách mở cửa thương mại (được thực hiện dưới hình thức giảm thuế quan hoặc tăng hạn ngạch) sẽ dẫn đến kết quả làm giảm giá hàng ngoại thương, tạo ra hiệu ứng thu nhập và hiệu ứng thay thế. Tác động của hiệu ứng thay thế làm tăng cầu nhập khẩu, giá hàng ngoại thương tăng, cán cân thương mại xấu đi và REER tăng. Mặt khác, hiệu ứng thu nhập không chắc chắn xảy ra hoặc rất nhỏ. Vì vậy, độ mở nền kinh tế càng tăng, giá hàng ngoại thương càng tăng lên tương ứng, cán cân thương mại càng xấu đi và tỷ giá thực sẽ tăng. Hau (2000), Betts và Kehoe (2006) nghiên cứu cho các nền kinh tế OECD cũng lý giải và đưa ra kết luận tương tự về tác động trái chiều của độ mở nền kinh tế đến REER.

Connolly và Devereux (1995) lý giải trong trường hợp độ mở nền kinh tế tăng do giảm thuế xuất khẩu thì REER sẽ giảm. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu  lại cho rằng độ mở nền kinh tế tăng sẽ dẫn đến giảm REER. Maeso (2006) và Miyajima (2007) nhận thấy trong trường hợp tăng độ mở nền kinh tế được giải thích bởi tăng trưởng kinh tế do tăng hoạt động ngoại thương và ít phụ thuộc vào cơ chế bảo hộ cũng như tài khoản đối ngoại bị méo mó, thì REER sẽ tăng.

Như vậy, tác động của độ mở nền kinh tế đến tỷ giá thực có thể là cùng chiều hoặc trái chiều.

Tham chiếu nghiên cứu Batini và Laxton (2006) và tổng kết lại các phân tích ở trên, có thể khái quát được hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức độ đáp ứng của CSTT theo khuôn khổ LPMT như sau:
Bảng 1. 13: Các chỉ tiêu đánh giá mức độ đáp ứng của CSLPMT

STT

Chỉ tiêu/Nhóm chỉ tiêu

Ghi chú

I

Yêu cầu về năng lực của NHTW




1

Hệ thống cơ sở dữ liệu

Mức độ sẵn có của số liệu cần thiết cho dự báo lạm phát (phạm vi; tần suất; độ tin cậy);

2

Năng lực dự báo lạm phát

Có thể thực hiện quy trình dự báo dựa trên mô hình, có thể thực hiện một cách có hệ thống với tần suất cần thiết;

3

Mô hình có khả năng dự báo có điều kiện

Mô hình có khả năng dự báo có điều kiện hay không (theo kịch bản)

4

Cơ chế minh bạch và trách nhiệm giải trình

Có quy định trong luật định hay không và mức độ, tần suất công khai minh bạch

5

Tính tín nhiệm của CSTT

Mức độ hiểu biết của dân chúng về CSTT, về tài chính- ngân hàng;

Hoạt động truyền thông của NHNN về CSTT




II

Mức độ lành mạnh của hệ thống tài chính




1

Hệ thống ngân hàng

Chỉ tiêu phản ánh quy mô, cấu trúc, khả năng tiếp cận dịch vụ, hiệu quả hoạt động, chỉ tiêu an toàn

2

Độ sâu của thị trường tài chính

Chỉ tiêu phản ánh: tiền gửi/GDP; tín dụng/GDP; tỷ lệ vốn hóa/GDP; số công ty niêm yết; giá trị phát hành cổ phiểu; % tăng vốn hóa thị trường

3

Năng lực cạnh tranh




4

Phát triển thị trường tài chính

Chỉ tiêu phản ánh: chỉ số cạnh tranh, mức độ sẵn có của dịch vụ tài chính, giá cả dịch vụ tài chính, mức độ dễ dàng tiếp cận các khoản vay, mức độ lành mạnh của hệ thống ngân hàng

5

Chính sách tài khóa

Chỉ tiêu phản ánh: nợ công/GDP; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài/tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; nợ chính phủ/thu NS; ngưỡng an toàn chỉ tiêu nợ công

III

Mức độ độc lập về thể chế




1

Ít chịu nghĩa vụ tài khóa

Có nghĩa vụ tài trợ thâm hụt NSNN (chính thức hay phi chính thức) hay không?

2

Độc lập trong quá trình hoạt động

Có hoàn toàn độc lập trong việc sử dụng các công cụ CSTT hay không?

3

Tập trung vào mục tiêu lạm phát

Mục tiêu lạm phát là duy nhất, hay ưu tiên cao nhất (so với các mục tiêu khác), hay ưu tiên bằng với các mục tiêu khác?

4

Cán cân NSNN phù hợp

Liệu có gây áp lực tài trợ thâm hụt NSNN trong hoạt động của CSTT hay không?

5

Mức độ độc lập của NHTW nói chung

Mức độ độc lập cả chính sách, kinh tế và chính trị

IV

Cơ cấu kinh tế




1

Mức chuyển tỷ giá vào lạm phát

Rất nhạy; Nhạy; Không nhạy;

2

Ít nhạy cảm với giá hàng hóa cơ bản

Rất nhạy; Nhạy; Không nhạy;

3

Mức độ đô la hóa

Cao; Thấp; Không đáng kể

4

Độ mở thương mại

Tính theo 3 mức: Cao; Trung bình; Thấp

Nguồn: Batini và Laxton (2006)

Đây cũng là bảng chỉ tiêu mà tác giả sẽ sử dụng làm cơ sở tham chiếu, đánh giá xuyên suốt các nội dung tiếp theo của Luận án.




Каталог: upload -> 4989
upload -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
upload -> TrầnTrang EnglishTheory Phonetics
upload -> BỘ khoa học và CÔng nghệ TÀi liệu hưỚng dẫN
upload -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
upload -> BỘ thông tin truyềN thông thuyết minh đỀ TÀi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giải mã truyền hình số MẶT ĐẤt set – top box (stb)
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
upload -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
4989 -> Số: 1648/QĐ-hvnh-sđH

tải về 1.63 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương