Da mihi animas, cetera tolle” Văn kiện Tổng Tu nghị cg26 – ttn 26 Roma, 23. 02 – 12. 04. 2008 CÔng báo ban tổng cố VẤN



tải về 1.17 Mb.
trang7/14
Chuyển đổi dữ liệu23.04.2018
Kích1.17 Mb.
#37072
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   14

2. CÁC VÙNG ÂU CHÂU

115 Tổng Tu nghị 26

– sau khi lưu ý tới những tiến trình sát nhập và cấu trúc lại các Tỉnh dòng thuộc Ba Vùng ở Âu Châu đang diễn ra;

- đánh giá tích cực những sáng kiến được thực hiện trong sáu năm qua, những tiến trình cộng tác và trao đổi đang diễn tiến, và việc làm của các tổ chức được thành lập;

– nhận thức rằng đã đến thời Tu Hội cần thành lập "Kế Hoạch Âu Châu";



quyết định duy trì cấu trúc hiện hành của Ba Vùng Âu Châu, và xin Bề Trên Cả cùng Ban Cố Vấn ngài củng cố sự phối hợp giữa các Tổng Cố Vấn Vùng với nhau và các Tổng Cố Vấn đặc trách các Ban Ngành Trung Ương có liên hệ, và thành lập văn phòng như TTN 25, 129 đã tiên liệu, nhằm cổ vũ các kế hoạch và đạt được những mục tiêu chung.

3. TRAO NHIỆM VỤ SINH ĐỘNG GIA ĐÌNH SALÊDIÊNG CHO PHÓ BỀ TRÊN CẢ

116 Tổng Tu nghị 26

- sau khi ghi nhận sự đánh giá tích cực của các thành viên thuộc Gia đình Salêdiêng về việc trao nhiệm vụ sinh động Gia đình Salêdiêng cho Phó Bề Trên Cả;

- nhu cầu cần bảo đảm cho Phó Bề Trên Cả dành ưu tiên cho những nhiệm vụ thuộc cơ cấu tổ chức có liên quan đến vai trò của ngài;

xác nhận việc trao nhiệm vụ sinh động Gia đình Salêdiêng cho Phó Bề Trên Cả, và yêu cầu củng cố nhóm sinh động Gia đình Salêdiêng (TTN 25, 133), và phải có một Điều phối viên. Sau thời kỳ sáu năm sẽ thực hiện việc lượng giá.

4. CÁC BAN NGÀNH TRUNG ƯƠNG : MỤC VỤ GIỚI TRẺ, TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI, TRUYỀN GIÁO

117 Tổng Tu nghị 26

- sau khi xem xét tính chất phức tạp của sứ mệnh Salêdiêng,

- nhận thấy nhu cầu cần phải có sự phối hợp nhiều hơn giữa Ban Mục Vụ Giới Trẻ, Ban Truyền Thông Xã Hội và Ban Truyền Giáo, đặc biệt trong việc sinh động các lãnh vực hoạt được chia sẻ với nhau;

yêu cầu Cha Bề Trên Cả và Ban Cố Vấn ngài cổ võ những nhóm sinh động liên ngành cho các lãnh vực này và trao việc điều phối việc sinh động đó cho một trong những Tổng Cố vấn đó, tuy nhiên, trong mọi trường hợp, phải bảo vệ tính duy nhất và toàn diện của Mục vụ Salêdiêng.

5. LƯỢNG GIÁ CÁC CƠ CẤU SINH ĐỘNG VÀ ĐIỀU HÀNH TRUNG ƯƠNG CỦA TU HỘI

118 Tổng Tu nghị 26

– sau khi cứu xét rằng Tổng Tu Nghị tới sẽ được yêu cầu lượng giá việc trao nhiệm vụ sinh động Gia Đình Salêdiêng cho Phó Bề Trên Cả, việc phối hợp giữa ba ban ngành, Ban Mục Vụ Giới Trẻ, Ban Truyền Thông Xã Hội và Ban Truyền Giáo, và cấu trúc các Vùng Âu Châu,

– cũng cứu xét rằng việc duyệt xét ấy lưu ý tới toàn bộ cơ cấu của Ban Tổng Cố Vấn;

yêu cầu Cha Bề Trên Cả và Ban Cố Vấn ngài cổ võ các tỉnh dòng tham gia việc duyệt xét các cơ cấu sinh động và điều hành trung ương của Tu Hội cho Tổng Tu Nghị tới.

6. BẦU CỬ CÁC CỐ VẤN VÙNG

119 Tổng Tu nghị 26

– sau khi nhìn nhận rằng để bầu chọn các Cố Vấn Vùng, việc đề nghị một danh tánh duy nhất trong phiếu kín, giúp hiểu rõ hơn định hướng nổi bật của các hội viên Vùng,



quyết định khoản Quy chế 128 được thay đổi thành "chỉ viết một tên trên phiếu bầu".

7. TƯƠNG QUAN GIỮA CỘNG THỂ VÀ CÔNG CUỘC

120 Tổng Tu Nghị 26 nhìn nhận rằng hiện nay trong Tu Hội có nhiều mô hình điều hành các công cuộc :

- những công cuộc được điều hành bởi một cộng thể Salêdiêng là hạt nhân sinh động một cộng đoàn giáo dục mục vụ rộng lớn;

- các hoạt động và công cuộc được người Salêdiêng hoàn toàn trao phó cho người đời, hoặc do người đời lập nên, và được nhìn nhận trong Kế Hoạch Tỉnh Dòng, theo những tiêu chuẩn do TTN 24, số 180-182 đề ra;

- những mô hình điều hành khác nhau, không thể giản lược thành một mô hình duy nhất, trong đó có tương quan giữa cộng thể địa phương và một (hay nhiều) công cuộc, nhưng công cuộc này (hay những lãnh vực của công cuộc này) được người đời điều hành.

Vì thế,

– sau khi cứu xét tính chất khác biệt của các bối cảnh và những đòi hỏi khác nhau, và nhu cầu thử nghiệm những hình thức mới trong việc điều hành các công cuộc;



- sau khi nhìn nhận rằng nhu cầu phải bảo đảm sự chặt chẽ về số lượng và phẩm chất của các cộng thể không thể chối cãi được, để bảo đảm “đối với người Salêdiêng chúng ta, cung nhau sống và làm việc chung là một đòi hỏi nền tảng và một đường lối vững chắc để thực hiện ơn gọi chúng ta” (HL 49);

- cho được sự kiên định về số lượng và phẩm chất của các cộng thể, nhằm bảo đảm cuộc sống và làm việc chung với nhau mà đối với chúng ta là đòi hỏi căn bản và là con đường vững chắc hoàn thành ơn gọi chúng ta" (HL 49);



quyết định rằng với sự ưng thuận của Ban cố vấn mình và phù hợp với Kế Hoạch Toàn diện Tỉnh, Giám tỉnh có thẩm quyền

- xác định những công cuộc hay những lãnh vực của công cuộc, có thể được trao phó của người đời điều hành, tuy nhiên vẫn duy trì sự quy chiếu vào một cộng thể địa phương,

- xác định trách nhiệm của họ, các tiêu chuẩn của việc bổ nhiệm, thời gian của nhiệm kỳ, tiến trình quyết định và cơ quan điều hành; thẩm quyền của Giám đốc và Ban Cố vấn địa phương, thẩm quyền của Giám tỉnh và Ban Cố Vấn Tỉnh.

8. QUẢN LÝ ĐỊA PHƯƠNG

121 Tổng Tu Nghị 26

– xét rằng trong các bối cảnh khác nhau, không thể trao phó cho một hội viên vai trò của quản lý cộng thể địa phương, hoặc do tính chất phức tạp và việc tổ chức các hoạt động trực tiếp thuộc về cộng thể tu sĩ ngày càng gia tăng,



quyết định rằng các Tỉnh Dòng được nhìn nhận có năng quyền đưa vào trong Nội Quy Tỉnh một điều khoản, trong những hoàn cảnh nhất định, tiên liệu khả năng trao các chức năng của quản lý cộng thể địa phương cho một người đời, do Giám tỉnh bổ nhiệm, sau khi lắng nghe Giám đốc. Được giám đốc mời, người đó có thể tham dự Ban Cố vấn cộng thể, mỗi khi sự hiện diện của họ được yêu cầu, nhưng không có quyền bỏ phiếu.

Năng quyền này được chấp nhận cho các Tỉnh dòng đòi hỏi phải tôn trọng những điều kiện sau đây :



  • Phải luôn tôn trọng sự tách biệt theo Hiến Luật vai trò của Giám đốc khỏi vai trò quản lý, loại bỏ việc thực hành cho phép Giám đốc đảm nhận những vai trò và nhiệm vụ quản trị.

  • Thời hạn của chức năng và các lãnh vực trách nhiệm kinh tế trao cho người đời phải được xác định rõ ràng, cách riêng khi những nhiệm vụ hoạt động của họ có liên quan đến cơ sở. Điều này có giá trị cho quyền ký tên, ủy nhiệm, quyên góp, mua bán, thủ quỹ, v.v.

  • Người đời được mời gọi đảm nhận những chức năng của quản lý phải luôn hành động trong sự lệ thuộc chặt chẽ với Giám Đốc và Ban Cố Vấn.

  • Trong những trường hợp đó, Quản lý tỉnh sẽ đồng hành và hỗ trợ cộng thể và người đời được trao cho những chức năng của quản lý.

  • Giám tỉnh nên xác định và chuẩn bị các hội viên có khả năng đảm nhận những vai trò điều hành và quản trị, để phục vụ cộng thể và Tỉnh Dòng.

9. TU CHÍNH KHOẢN 13 QUY CHẾ TỔNG QUÁT

122 Tổng Tu Nghị 26

– cứu xét số lượng đáng kể các đại học Salêdiêng, cùng với con số tương ứng các hội viên Salêdiêng dấn thân trong các đại học đó, và con số sinh viên đáng kể theo học;

- cho rằng điều thích hợp là khoản 13 của Quy Chế Tổng Quát rõ ràng nêu lên các cơ sở giáo dục cao cấp đó, cùng với các trường học ở các cấp khác nhau và các trung tâm huấn nghiệp;

- để các hoạt động và công cuộc này cũng được áp dụng những tiêu chuẩn được nêu lên trong khoản 13 và 14 của Quy Chế Tổng Quát, cách riêng những tiêu chuẩn có liên quan tới "những người thụ hưởng ưu tiên” và những mục tiêu giáo dục mục vụ.



quyết định rằng khoản 13 của Quy Chế Tổng Quát được tu chính như cách hành văn như sau :

Trường học, các trung tâm huấn nghệ và các học viện giáo dục cao cấp

13. Trường học ở các cấp khác nhau, các trung tâm huấn nghiệp và các học viện giáo dục cao cấp cổ vũ việc phát triển toàn diện thanh thiếu niện, qua việc hấp thụ và thăng hoa nền văn hoá với óc phê phán và qua việc giáo dục các em sống đực tin nhằm biến đổi xã hội bằng những giá trị kitô giáo.

Tiến trình giáo dục được thực hiện theo phương cách Salêdiêng, với trình độ chuyên môn về kỹ thuật và sư phạm được công nhận. Tiến trình này phải được xây dựng trên những giá trị văn hoá vững chắc và đáp ứng những nhu cầu của thanh thiếu niên. Chương trình phải kết hợp hài hoà các hoạt động đào luyện tri thức và nghề nghiệp với các sinh hoạt trong thời giờ rảnh rỗi.

Phải định kỳ kiểm chứng hiệu năng, các nội dung và phương pháp sư phạm cũng như giảng dạy, cả trong tương quan với bối cảnh xã hội, với thế giới lao động và với việc mục vụ của Giáo Hội.

PHỤ CHƯƠNG

PHỤ CHƯƠNG I

Sứ điệp Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

Gửi Cha Bề trên Cả Pascual Chávez Villanueva, SDB

nhân dịp Khai Mạc Tổng Tu nghị XXVI

Kính gửi Cha PASCUAL CHAVEZ VILLANUEVA, SDB

Bề Trên Cả Dòng Salêdiêng Don Bosco
1. Tôi đặc biệt vui mừng gửi lời chào thân thương đến cha và những anh em tham dự Tổng Tu nghị XXVI, là thời điểm ân sủng trong đời sống của Hội Dòng đang có sự hiện diện trong khắp các lục địa. Trong Tổng Tu nghị này, anh em được mời gọi quy tụ những kinh nghiệm, văn hoá và những mong đợi thật phong phong phú và khác biệt của những anh em Salêdiêng đang dấn thân trong vô số các hoạt động tông đồ, và sẵn sàng muốn phục vụ Giáo Hội ngày càng hữu hiệu hơn. Đoàn sủng Don Bosco là một hồng ân Chúa Thánh Thần ban cho toàn thể Dân Chúa, nhưng chỉ khi nào chăm chú lắng nghe và mở rộng lòng cho tác động của Chúa, thì ta mới có thể giải thích và làm cho hồng ân này trở nên có ý nghĩa và hữu hiệu cho thời đại của chúng ta. Vào ngày Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đã xuống trên Giáo Hội mới được khai sinh, và giờ đây vẫn tiếp tục như là ngọn gió thổi đến nơi nào mà Ngài muốn, như là ngọn lửa làm tan chảy tảng băng ích kỷ, như là dòng suối tưới gội những nơi khô cằn. Khi đổ tràn trên các thành viên Tổng Tu Nghị muôn ơn lành, Ngài sẽ đi vào lòng của các Hội viên. Ngài sẽ làm cho lòng họ bừng cháy ngọn lửa tình yêu. Ngài sẽ đốt lên nơi họ ước muốn sống thánh thiện, thôi thúc họ mở lòng hoán cải và kiện cường lòng quả cảm tông đồ của họ.

2. Các Con Cái Don Bosco thuộc về đoàn lũ đông đảo các môn đệ mà Chúa Kitô thánh hiến cho chính mình bởi Thần Khí của ngài. Qua một hành vi yêu thương đặc biệt, Ngài dành riêng họ cho mình. Vì lẽ đó, ưu tiên cho Thiên Chúa và công việc Ngài phải chiếu toả trong chứng tá họ cống hiến. Khi có ai từ bỏ hết mọi sự để bước theo Chúa, khi trao cho Ngài điều thân thiết nhất, đối diện với mọi hy sinh vất vả, thì như đã từng xẩy ra cho vị Thầy chí thánh, không có gì ngạc nhiên khi họ trở thành "dấu chỉ mâu thuẫn" bởi lẽ cách suy nghĩ và lối sống của con người thánh hiến thường khiến họ thấy mình ngược lại với lối suy nghĩ thế trần. Quả thực, điều này càng bảo đảm là đang xảy ra sự mẫu thuẩn ấy bởi lẽ nó cho thấy rằng cách sống của họ là một cách sống khác với nền văn hoá đương thời và theo cách này, họ có thể đóng một vài trò cách nào đó là ngôn sứ. Tuy nhiên, để đạt tới được điều này, cần phải luôn cảnh giác trước những ảnh hưởng có thể đến từ chủ nghĩa tục hóa, cần phải tự bảo vệ mình và có thể kiên định tiếp tục theo con đường đã khởi sự, vượt thắng lối sống đời thánh hiến theo mô hình "tự do", và sống cuộc đời hoàn toàn tập trung vào ưu tiên yêu mến Thiên Chúa và cận nhân của mình.

3. Chủ đề Tổng Tu nghị này chọn lựa cũng chính là kế hoạch đời sống thiêng liêng và tông đồ mà Don Bosco đã chọn cho mình: "Da mihi animas, cetera tolle." Trong câu châm ngôn đây, ta tìm thấy toàn bộ nhân cách của vị thánh vĩ đại này: một linh đạo sâu xa, đầy chủ động sáng tạo, nhiệt tình tông đồ, làm việc không mỏi mệt, can đảm trong việc tông đồ, và trên hết, dâng hiến mình cho Thiên Chúa và thanh thiếu niên mà không hề giữ lại điều gì cho mình. Ngài là một vị thánh sống một đam mê thật vĩ đại: "Vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn." Điều quan trọng sinh tử cho người Salêdiêng là họ phải tiếp tục cảm hứng từ Don Bosco: nhận biết ngài, học hỏi ngài, yêu mến ngài, noi gương ngài, cầu cùng ngài, biến thành của mình lòng đam mê tông đồ bắt nguồn từ trái tim Đức Kitô của ngài. Đam mê này là khả năng tự hiến, đầy nhiệt tình vì các linh hồn, chịu đau khổ vì yêu mến, thanh thản và hân hoan chấp nhận những đòi hỏi và từ bỏ hàng ngày của đời sống tông đồ. Châm ngôn "Da mihi animas, cetera tolle" diễn tả một cách tổng hợp chiều kích thần nghiệm và tu đức của người Salêdiêng. Không thể có chiều kích thần nghiệm đầy đam mê nếu không có một nền tu đức vững chắc nâng đỡ nó; và ngược lại, trừ phi đã khám phá ra được một kho tàng hấp dẫn vô giá, không ai lại sẵn sàng trả một giá quá cao và đòi hỏi như thế. Trong thời đại phân mảnh và mỏng giòn như chúng ta đây, cần phải vượt thắng được sự tản mạn các năng lực vào việc hoạt động thái quá và vun trồng sự hiệp nhất đời sống thiêng liêng qua việc thủ đắc cho đuợc cái cảm thức sâu xa về chiều kích thần nghiệm và một nền tu đức lành mạnh. Điều này nuôi dưỡng quyết tâm tông đồ và bảo đảm việc tông đồ được hữu hiệu. Tiến bộ trên con đường thánh của mỗi Salêdiêng phải hệ tại ở điểm này và việc đào luyện những ơn gọi mới sống đời thánh hiến Salêdiêng cũng phải tập trung vào điểm này. Lectio Divina và Thánh Thể sống hàng ngày là ánh sáng và sức mạnh cho đời sống thiêng liêng của người Salêdiêng được thánh hoá. Họ phải nuôi dưỡng đời sống hàng ngày của mình bằng việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, trong khi vẫn giúp đỡ các người trẻ và giáo dân quý trọng giá trị Lời Chúa trong đời sống hàng ngày của họ và nỗ lực hết sức diễn đạt điều Lời Chúa nói thành chứng tá. "Thánh Thể lôi kéo chúng ta vào hành vi tự hiến của Đức Giêsu. Hơn là chỉ đón nhận Lời nhập thể một cách tĩnh lặng, chúng ta bước vào chính năng động tự hiến của Đức Giêsu." (Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu 13). Sống cuộc đời đơn sơ, nghèo khó, giản dị, tối thiểu và khắc khổ: điều này giúp các Salêdiêng củng cố lời họ đáp trả lại ơn gọi, đối diện với các nguy cơ lối sống tầm thường và trưởng giả; và điều đó cũng sẽ làm họ gần gũi những ai thiếu thốn và bị gạt sang bên lề.

4. Theo gương Đấng sáng lập yêu quý của mình, các Salêdiêng cần phải đầy ắp lòng đam mê tông đồ. Giáo hội phổ quát và các Giáo Hội địa phương mà họ thuộc về mong mỏi hiện diện của họ nổi bật sức bật tông đồ, và một lòng nhiệt thành rao giảng tin mừng thật quả cảm. Tông dụ hậu thượng hội đồng về rao giảng tin mừng trong các đại lục khác nhau có thể thôi thúc họ và hướng dẫn họ thực thi việc rao giảng tin mừng được hội nhập vào trong những bối cảnh khác nhau. Ghi chú Giáo Lý mới đây về một số khía cạnh rao giảng tin mừng có thể giúp họ xem xét hơn nữa cách thức thông truyền cho mọi người, đặc biệt thanh thiếu niên nghèo khổ nhất những ân tặng giầu có của Tin Mừng. Chớ gì rao giảng tin mừng là biên cương chính và ưu tiên hơn cả trong sứ mệnh của họ ngày hôm nay. Sứ mệnh ấy cho thấy có nhiều trách vụ, có những thách đố khẩn cấp, những cánh đồng hoạt động thật bao la, nhưng mục tiêu căn bản của sứ mệnh đó là đề nghị mọi người nên sống cuộc đời mình như Chúa Giêsu đã sống. Trong những hoàn cảnh đa tôn giáo và trần tục hoá, cần phải tìm ra những cách thức mới làm cho Đức Giêsu được nhận biết, nhất là nơi thanh thiếu niên, để họ có thể khám phá ra sức hấp dẫn trường cửu của ngài. Vì thế, trung tâm của hoạt động tông đồ của họ phải là việc công bố Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài, cùng với lời kêu gọi hoán cải, chấp nhận đức tin, bước vào Giáo hội; rồi từ đó là những hành trình đức tin và các hình thức huấn giáo, đời sống phụng vụ và chứng tá bằng việc bác ái. Đoàn sủng của họ đặt họ vào trong vị trí ưu thế để có thể coi trọng vai trò giáo dục trong cánh đồng rao giảng tin mừng cho người trẻ. Quả vậy, không có giáo dục thì không có được rao giảng tin mừng sâu xa bền vững; không có sự tiến trình trưởng thành nhân bản; không thay đổi được não trạng hay nền văn hoá. Người trẻ mang nơi mình khát vọng được sống sung mãn, có được tình yêu đích thực, và sự tự do đầy xây dựng; nhưng đáng buồn thay, thường họ bị phản bội khi những mong đợi của họ không được thoả mãn. Nhất định phải giúp người trẻ biết sử dụng tốt những phẩm chất họ có được nơi mình, chẳng hạn như nghị lực và các mong ước tích cực; đem lại cho họ những kết hoạch đầy tính nhân bản và các giá trị tin mừng; khuyến khích họ đảm nhận một cách thật tích cực vai trò trong xã hội, xuyên qua công việc của mình, quyết tâm dấn thân phục vụ công ích. Điều này đòi hỏi những ai hướng dẫn họ phải mở rộng chân trời giáo dục, trong khi lưu tâm đến những hình thức mới của nghèo khó nơi giới trẻ, đến việc giáo dục tốt hơn, đến di dân; ngoài ra, nó còn có nghĩa là phải quan tâm đến gia đình và mời gọi gia đình tham gia. Về vấn đề thật quan trọng này, tôi đã lưu tâm đặc biệt trong Lá Thư về sự cấp bách của giáo dục mà tôi mới ngỏ lời cho giáo dân thành Rôma, và giờ đây tôi thực sự muốn cống hiến cho mọi anh em Salêdiêng.

5. Ngay từ đầu, Dòng Salêdiêng đã dấn thân rao giảng tin mừng khắp mọi đất nước: từ Patagonia và Châu Mỹ Latinh cho đến Á châu, Châu Đại Dương và Phi Châu Madagascar. Vào lúc mà tại Âu châu, số ơn gọi đang giảm xuống và các thách đố của rao giảng tin mừng lại gia tăng, Dòng Salêdiêng cần phải dồn tâm củng cố việc công bố sứ điệp của Chúa Kitô, sự hiện diện của Giáo hội và đoàn sủng Don Bosco trên đại lục này. Như trước đây Châu Âu đã quảng đại gởi rất nhiều vị truyền giáo đi khắp thế giới thế nào, ngày nay cũng thế, mong rằng toàn thể Hội Dòng hết sức kêu mời những Miền nào còn phong phú về ơn gọi hãy quảng đại đáp trả như thế. Để tiếp tục sứ mệnh cho giới trẻ qua dòng thời gian, Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn Don Bosco tạo nên nhiều đoàn thể tông đồ cùng chia sẻ tâm huyết ấy. Quả thế, nhiệm vụ rao giảng tin mừng và giáo dục đòi hỏi rất nhiều người đóng góp và biết cách hợp lực làm việc. Vì lẽ đó, anh em Salêdiêng đã mời gọi nhiều giáo dân cùng tham gia vào công việc của mình, cả các gia đình và chính những người trẻ nữa, từ đó khơi dậy nhiều ơn gọi tông đồ để làm cho đoàn sủng Don Bosco được sống động và hữu hiệu. Vẻ đẹp đẽ đầy hấp dẫn của đời sống thánh hiến, cuộc đời triệt để chọn lựa theo Chúa Kitô vâng phục, khó nghèo và thanh khiết, ưu tiên dành cho Thiên Chúa và Thần Khí ngài, đời sống huynh đệ trong cộng thể, hiến mình hoàn toàn cho sứ mệnh cần phải được đề xuất cho những thanh thiếu niên. Người trẻ đều mở rộng lòng cho nhữn thách đố thật đòi hỏi nhưng họ cần những chứng nhân và những người hướng dẫn biết cách đồng hành với họ để tìm ra và chấp nhận ân tặng cao quý ấy. Trong bối cảnh này, tôi biết được rằng Hội Dòng đang chú tâm đặc biệt đến ơn gọi Salêdiêng Sư Huynh. Nếu không có ơn gọi này, Hội dòng sẽ đánh mất đi tính chất đặc trưng mà Don Bosco muốn phải có. Chắc chắn rằng đây không phải là một ơn gọi dễ dàng nhận ra và được chấp nhận; ơn gọi ấy chỉ xuất hiện một cách dễ dàng hơn khi các ơn gọi tông đồ giáo dân được trình bày cho người trẻ và qua đó họ thấy được chứng tá vui tươi và đầy hứng khởi của đời thánh hiến tu trì. Chớ gì gương sáng và lời chuyển cầu của Chân phước Artemide Zatti và các Sư Huynh được phong là đấng đáng kính, những vị đã sống cuộc đời vì Nước Trời cũng sẽ cầu bầu cho có được các ơn gọi như thế trong những ngày này.

6. Tôi rất vui mừng có được cơ hội để nói lời cám ơn với Dòng Salêdiêng vì công việc nghiên cứu và đào luyện đang làm ở Đại Học Giáo Hoàng Salêdiêng, nơi mà nhiều cộng sự viên thân thiết và quý trọng nhất của tôi đã được đào tạo, và cũng đã từng là giáo sư. Đại học ấy có một căn tính xuất phát từ đoàn sủng Don Bosco và cống hiến một sự phục vụ chuyên biệt cho toàn thể Giáo Hội. Độc đáo nhất trong các Đại Học Giáo Hoàng là Đại Học này có một Phân Khoa Giáo Dục và Phân Khoa Mục Vụ Giới Trẻ và Huấn Giáo, được sự hỗ trợ thêm của các Phân Khoa khác. Nhằm đến một chương trình học tận dụng được sự khác biệt của các nền văn hoá và chú tâm đến các bối cảnh đa dạng, hy vọng rằng sẽ có nhiều giáo sư đến từ khắp Hội Dòng. Trong tình trạng thiếu giáo dục ở nhiều nơi trên thế giới, Giáo Hội cần có sự đóng góp của các học giả học hỏi chuyên sâu phương pháp sư phạm và đào luyện, việc rao giảng tin mừng cho người trẻ và giáo dục đạo đức cho họ, tập họp được những đáp trả cho các thách đố đến từ trào lưu hậu hiện đại, qua tiến trình hội nhập văn hoá và qua truyền thông xã hội, và cùng lúc đó, tìm cách trợ giúp các gia đình. Hệ thống giáo dục dự phòng của Don Bosco và truyền thống giáo dục Salêdiêng chắc chắn sẽ khiến Hội Dòng đề ra đưọc một nền sư phạm Kitô giáo cho ngày hôm nay, khởi hứng từ chính đoàn sủng chuyên biệt của mình. Giáo dục chính là một trong những vấn đề then chốt trong vấn nạn về con người trong ngày hôm nay, và tôi tin chắc rằng Đại Học Giáo Hoàng Salêdiêng không thể nào lại không đem tới giải pháp cho nó.

7. Cha Bề Trên Cả thân mến, nhiệm vụ Dòng Salêdiêng đang đối diện là một trong những trách vụ khó khăn nhưng đầy hứng khởi. Thực vậy, mỗi thành viên trong Gia Đình tu sĩ rộng lớn của anh em được mời gọi làm cho Don Bosco hiện diện giữa người trẻ ngày hôm nay. Năm 2015, anh em sẽ mừng lễ Đệ nhị bách chu niên ngày sinh của ngài, và qua những quyết định anh em chọn lấy trong Tổng Tu nghị này, anh em đã bắt đầu việc chuẩn bị lễ mừng biến cố trọng đại này. Chớ gì lễ mừng ấy sẽ thôi thúc anh em ngày càng trở nên "dấu chỉ khả tín của tình yêu Chúa dành cho người trẻ" ngõ hầu giới trẻ thực sự trở thành niềm hy vọng cho Giáo Hội và xã hội. Xin Đức Trinh Nữ Maria, đấng mà Don Bosco đã dậy anh em kêu cầu là Mẹ Giáo Hội và Đấng Phù Hộ Các Giáo Hữu nâng đỡ quyết tâm của anh em. Cuối đời ngài, Don Bosco đã nói về Mẹ: "Chính Mẹ là Đấng làm hết mọi sự." Một lần nữa, chính Mẹ sẽ là Đấng hướng dẫn và dậy dỗ anh em. Mẹ giúp anh em thông truyền "đoàn sủng Don Bosco." Mẹ sẽ là Mẹ, là Ngôi Sao Hy vọng cho Hội Dòng anh em và cho toàn thể Gia Đình Salêdiêng, cho các nhà giáo dục và cách riêng là cho các thanh thiếu niên. Khi anh em chú tâm đến những suy nghĩ này của tôi, tôi một lần nữa cám ơn sự phục vụ của anh em đối với Giáo Hội, và trong khi tôi đoan chắc là cầu nguyện liên lỉ cho anh em, tôi hết lòng ban Phép Lành Tông Toà Đặc Biệt cho anh em, Cha Bề Trên Cả và các thành viên tham dự Tổng Tu nghị và cho toàn thể Gia Đình Salêdiêng.

Vatican, ngày 1 tháng 3 năm 2008.

ĐGH Bênêđictô XVI

PHỤ CHƯƠNG 2


Diễn văn của Đức Hồng Y Franc Rodé, C.M.

Chủ tịch Thánh Bộ Các Hội Dòng Sống Đời Thánh Hiến

và Các Hội Sống Đời Tông Đồ

Da mihi animas, cetera tolle

1. Đây là châm ngôn Don Bosco chọn cho mình khi là một linh mục trẻ và châm ngôn ấy đã đồng hành với ngài trong suốt cuộc đời. Đó là kế hoạch đời sống của Don Bosco và mọi anh em Salêdiêng1, là chủ đề anh em đã chọn để cử hành Tổng Tu Nghị lần thứ 26 của Tu Hội Salêdiêng Don Bosco.

Trong cuộc hội quy tụ tất cả anh em đến từ các quốc gia và văn hoá khác nhau này, ta có thể nhận thấy được sự phong phú và đẹp đẽ của hồng ân Thiên Chúa. Vì mỗi một anh em và vì mọi hội viên Salêdiêng trên toàn thế giới, tôi tạ ơn Đấng đã ban phát tất cả những gì là thiện hảo, Đấng qua lòng từ ái vô hạn của mình đã ban cho Giáo Hội một Gia đình lớn lao của thánh Gioan Bosco.

Lời chào mừng và cám ơn nỗ lực dấn thân đầy sinh lực của mọi anh em Salêdiêng trong Giáo hội và trong thế giới không thể nào lại không đến với cha Bề Trên Cả, người kế vị Don Bosco, Pascual Chavez Villanueva, ngài không những dấn thân cho Gia Đình Salêdiêng mà còn cho cả Thánh Bộ Dòng Tu nữa.

2. Tổng tu nghị là dấu chỉ hiệp nhất giữa các khác biệt, là cuộc họp mặt huynh đệ, là thời điểm tập thể cùng suy tư để sống trung thành với Tin Mừng, với đoàn sủng của Đấng Sáng Lập và với thời đại.2 Đó là thời gian lý tưởng mở rộng mắt nhìn và tai nghe để bắt đầu nhìn, nhận ra và trân trọng; đó là thời gian phân định trên con đuờng mà chính Chúa đã sai anh em đi; để đi từ nản lòng sang hy vọng, để khám phá lại sự hiện diện của Chúa giữa anh em, trong Lời và trong Bánh Hằng Sống của Ngài.

Cử hành Tổng Tu nghị là việc kỷ niệm sống động con đường đã chọn lựa, thực hiện trong thế giới hôm nay giấc mơ của cậu bé Gioan Bosco, để có thể hoạch định cho tương lai với đầy niềm hy vọng và hoàn toàn tín thác vào công cuộc của Thiên Chúa.

3. Trước một thế giới đầy những phức tạp và những khủng hoảng, đức tin Kitô hữu bị đặt trước mọi vấn nạn và tranh cãi về Thiên Chúa, về việc ngài đi vào trong lịch sử nơi con người Đức Giêsu, về nhân tính và ý nghĩa của cuộc sống và cái chết. Giáo Hội cũng bị tra xét y như thế: tại một số nơi, vai trò và ảnh hưởng của Giáo Hội đã bị tầm thường hoá và bị tra vấn. Đời sống thánh hiến ghi đậm những dấu hiệu khủng hoảng, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và ở Âu châu: con số tu sĩ giảm sút, không chắc chắn về chân tính, cám dỗ buông xuôi và nản lòng.

Trở lại cội nguồn, trở lại Đức Kitô là trung tâm, trở lại tinh thần Đấng Sáng Lập có thể giúp chúng ta đáp trả vô vàn thách đố này với lòng tin tưởng, sáng tạo và can đảm.

4. Trong những ngày này từng anh em được mời gọi canh tân lại chọn lựa căn bản của anh em là Đức Kitô, và như một cộng đoàn, suy tư lại với một ý thức rõ rệt và chính xác, theo kế hoạch tin mừng trong Hiến Luật: giao ước đặc biệt của anh em với Chúa Kitô; cuộc gặp gỡ tình yêu đem lại hương sắc và hướng dẫn toàn bộ cuộc đời anh em; việc dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và thanh thiếu niên; ý nghĩa đời sống được quyền năng Chúa Thánh Thần thánh hiến.

Trong thời gian qua, sau khi đã xem xét chân tính Salêdiêng,3 sứ mệnh,4 thông hiệp với người đời,5 và cộng thể,6 trong Tổng Tu Nghị này, anh em sẽ chú tâm đến chân tính đoàn sủng và đam mê tông đồ. Đó là trở về cốt lõi ơn gọi anh em trong Giáo Hội, trở về tinh thần tinh tuyền nhất của Đấng Sáng Lập.

Anh em sẽ lập lại Don Bosco ritorna, trong những ngày này. Nhắc lại lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô viết cho anh em trong lá thư Iuvenum Patris: "Don Bosco ritorna là bài ca truyền thống của Gia Đình Salêdiêng: nó diễn tả niềm hy vọng và mong ước Don Bosco trở về và trở về với Don Bosco để thành những nhà giáo dục có khả năng gìn giữ lòng trung thành của chúng ta với quá khứ nhưng cùng lúc đó, cũng như ngài, chú tâm đến muôn vàn nhu cầu của người trẻ hôm nay, để tìm thấy nơi sứ điệp của ngài khởi điểm cho lời đáp trả các khó khăn và mong đợi của chúng." 7

Trở về với Don Bosco và khởi phát lại từ Don Bosco nhằm khơi dậy lòng nhiệt tình.

Vì thế, anh em quyết định trở về nguồn mạch linh đạo Salêdiêng, đoàn sủng Salêdiêng, trở về cốt lõi ơn gọi anh em, vốn tìm thấy nơi chính trái tim Đức Kitô, mối lo toan của "vị Mục tử hằng chiếm được cõi lòng qua lòng dịu hiền và tự hiến."8

5. Có những cách diễn tả linh đạo khác nhau. Chắc chắn rằng cần phải tránh cái gọi là chủ trương duy linh, hầu như rút lui vào trong thế giới tinh thần trong đó mọi sự được coi là hoàn hảo và chỉ dành riêng cho một người được tuyển chọn; thay vào đó, cần phải duy trì đặc tính nguyên thủy của cuộc đời sống theo Thần Khí và được cắm rễ thật vững chắc trong đời sống hàng ngày, với những cuộc đấu tranh và căng thẳng, những nỗ lực và khó khăn, như thế phản ánh được bản chất của mọi hành trình thiêng liêng-của cá nhân và Giáo Hội-phong phú trong đời sống và trong mầu nhiệm.

Chỉ như thế ta mới có thể tránh được những kiểu nói về đời sống Kitô hữu mà ngày nay hầu như đã lỗi thời vì quá chung chung và chỉ trên ngôn từ hoa mỹ mà thôi. Việc sử dụng ngôn ngữ quá hoa mỹ cho thấy ngày nay khó có thể nói về những vấn đề thiêng liêng một cách đúng đắn theo những cách thức không sợ nhắc đến những bất trắc trong đời sống hay mầu nhiệm cuộc sống. Khiêm tốn và chừng mực trong lời nói có lẽ sẽ trả lại cho ngôn ngữ chúng ta khả năng thông truyền được vẻ đẹp vĩ đại của cuộc đời sống theo nhãn giới của tin mừng.

6. Từ những ngày đầu, Don Bosco đã để một mong muốn duy nhất hướng dẫn mình: thánh hiến toàn bộ cuộc đời mình vì phần ích của thanh thiếu niên. Việc ngài làm không phải là lối lao động thái quá, tính cách vui vẻ và cởi mở của nhà làm xiếc tại xóm Becki là một sự hiến thánh rất thực, đầy ý thức và quyết tâm, một sứ mệnh nhằm đến ơn cứu rỗi toàn diện thanh thiếu niên.



Da mihi animas, cetera tolle. Mục tiêu khoa giáo dục đề phòng của Don Bosco--được diễn tả trọn vẹn trong đời sống cá nhân, xã hội và tôn giáo--được lộ rõ trong lời "cứu rỗi các linh hồn": khao khát sống thánh thiện. Đó là sự thánh thiện hàng ngày mà Don Bosco đề xuất cho thanh thiếu niên và các cộng sự đầu tiên của ngài.

Một "sự thánh thiện" không phải là mục tiêu đề xuất chỉ cho những "học sinh tốt lành", cho một nhóm người ưu tuyển, nhưng là cho mọi thanh thiếu niên ở Valdocco: "Thiên Chúa muốn tất cả chúng ta nên thánh; nên thánh thật dễ dàng; phần thưởng trên thiên đàng thật lớn lao cho những ai nên thánh".9

Trong bầu khí thánh thiện tại Valdoccô, các đề xuất mạnh mẽ và quảng đại của ngài rất đáng tin. "Ngài biết cách đề nghị sống thánh thiện như là mục tiêu thực tiễn khoa sư phạm của ngài." Đầy Tớ Chúa Gioan Phaolô II đã nhắc lại, khi công bố ngài là "Cha và Thầy của Giới Trẻ":10 "Tôi muốn đặc biệt nhìn thấy nơi Don Bosco sự kiện là ngài đã thực hiện sự thánh thiện cá nhân của ngài qua nỗ lực giáo dục được sống với lòng nhiệt thành và cõi lòng tông đồ, và cùng lúc đó, ngài biết cách đề xuất sống thánh thiện như là mục tiêu thực tiễn khoa sư phạm của ngài."11 Chính ở điểm này mà ta cần phải tìm kiếm "sứ điệp ngôn sứ ngài đã để lại cho các môn sinh và cho Giáo Hội."12

7. "Cuộc hoán chuyển giữa "giáo dục" và "thánh thiện" quả thực là khía cạnh đặc trưng của nhân cách ngài: ngài là "một nhà giáo dục thánh thiện" , ngài cảm hứng từ "một khuôn mẫu thánh thiện"--thánh Phanxicô Salê-, ngài là môn sinh của một "vị linh hướng thánh thiện"-thánh Giuse Cafasso-, và ngài đã có thể đào tạo từ các thanh thiếu niên của ngài một "học sinh thánh thiện" Đaminh Saviô".13 Và ta có thể tiếp tục danh sách này với Chân phước Laura Vicunha, và chân phước Zephêrinô Namuncura, mà ngày 11 tháng 11 năm 2007 vừa qua đã được nêu lên trước gia đình Salêdiêng như một gương mẫu thánh thiện.

Sứ điệp mang tính ngôn sứ này được đấng Sáng Lập để lại cho anh em cung cấp đặc tính độc đáo của chân tính đoàn sủng anh em, sự thánh hiến tông đồ, phương pháp giáo dục dựa trên lý trí, đạo giáo và tình thương mến.14

Cần phải khẩn cấp khám phá lại những đặc tính chân chính của sự thánh thiện cho từng Salêdiêng, từng người trẻ đến với anh em. Như Don Bosco, anh em hãy tiếp tục là những thầy giáo thánh thiện của thanh thiếu niên thánh thiện, những bậc thầy về linh đạo giới trẻ;15 hãy thực thi kế hoạch đời sống Đấng Sáng Lập để lại cho anh em:"trong Giáo Hội, là dấu chỉ và người đem tình thương của Chúa đối với thanh thiếu niên, đặc biệt là những em nghèo khổ."16

8. Hiến luật khoản 3 của anh em nói rằng anh em "sống như môn đệ của Chúa" và "theo Chúa Kitô anh em hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa và cùng với ngài làm việc xây dựng Nước Trời."17

Nhìn đến của lễ này, Chúa Cha thánh hiến anh em với hồng ân Chúa Thánh Thần và sai anh em đi làm tông đồ thanh thiếu niên.18 Hồng ân Chúa Thánh Thần phải đổ tràn ngập lòng anh em năng lực dịu hiền của ngài để anh em có thể hoàn toàn trung thành với cuộc sống người môn đệ. Bí quyết thành công hệ tại ở việc biết cách liên tục tái củng cố mối dây giao ước của anh em với Thiên Chúa.

Là những người được thánh hiến cho Chúa Cha, anh em được mời gọi tái hiện lại trong Giáo Hội và trong thế giới, qua các lời khuyên phúc âm, "những đặc điểm nổi bật của Đức Giêsu--Đấng thanh khiết, nghèo khó và vâng phục,"19 nuôi dưỡng đức tin, việc theo Chúa Kitô, lòng yêu mến muốn nên giống Chúa Giêsu để có thể thông truyền kinh nghiệm sống động này trong mối tương quan giáo dục. Tất cả những gì khác đem lại sự nâng đỡ, phương pháp và phương thế trong trách vụ luôn khó khăn là thông truyền đức tin cho giới trẻ cách riêng. Nhưng những điều này đều là vấn đề nhỏ khi so sánh với đòi hỏi tuyệt đối thiết yếu cho ai đã bước vào hành trình này: có được một đức tin và tình yêu sống động, một tình yêu nhập thể và được nâng đỡ qua một nền đào luyện lành mạnh.

Đây là bản chất sâu xa, ơn gọi và sự sung mãn trọn vẹn của anh em. Các lời khuyên phúc âm là nền tảng cho tương quan này, một thái độ liên tục hướng đến Đấng Khác. "Không có cách sống nào xứng đáng với con người hơn là cuộc đời tự hiến."20

9. Don Bosco được sinh ra khoảng 30 năm sau Cuộc Cách mạng Pháp. Thế kỷ trước đó ("thời đại Ánh sáng"), đức tin bị công kích nhân danh một thứ lý trí được tôn làm thần thánh, quyết đấu tranh chống lại mọi thứ gọi là "mê tín". Trong thế kỷ 19, những công kích này thường gắn liền, và đôi khi gắn chặt với những vấn đề xã hội và quốc gia.

Vì thế, thời đại của Don Bosco là thời kỳ bắt đầu cuộc cách mạng kỹ nghệ, Phục hưng, thời kỳ hồi phục và cách mạng. Thành phố Tôrinô của cuộc cách mạng nhanh chóng trở thành kết quả của muôn vàn dân nhập cư đến từ vùng quê Piedmont và thế giới của thanh thiếu niên gặp phải những vấn đề thật trầm trọng: thất học, thất nghiệp, đạo đức suy đồi, và thiếu hẳn những trợ giúp về đạo giáo.



"Con muời sáu tuổi ... con không biết gì cả ... : Bartôlômêô Garelli, thiếu niên đầu tiên của Don Bosco giới thiệu mình như thế. " Chính Don Bosco thuật lại: "Từ em đầu tiên này tới những em khác. Mùa Đông năm ấy cha nỗ lực giúp những em lớn học giáo lý đặc biệt."21

Và rồi Nguyện Xá được bắt đầu với những thanh thiếu niên tìm kiếm việc làm. Don Bosco cho các em mái nhà để ở, trở thành một người bạn trung thành, dậy dỗ và bảo vệ, bảo đảm hợp đồng lao động công bằng và chính đáng; ngài lập nên trường dậy nghề, xuởng thợ. Ngài cũng giúp các em học chữ y như thế. Ngài đặt các thanh thiếu niên trên con đường tìm kiếm một chỗ đứng trong thế giới, giúp chúng học được những kỹ năng và khả năng nghề nghiệp; ngài hướng dẫn chúng sống đời sống Kitô hữu, dậy giáo lý cho chúng, giúp chúng lãnh nhận các bí tích và yêu mến Mẹ Maria.

10. Nhiệm vụ này ngày nay vẫn còn quan trọng. Nếu trong thời kỳ đó, đấy chỉ là sân chơi, nhà thờ, xưởng thợ hay trường học, ngày nay chúng ta có thể thấy nhiều loại định chế giáo dục, trường học, trung tâm xóa mù chữ, mái nhà tập thể cho trẻ em và thiếu niên gặp khó khăn, những trung tâm dự phòng khỏi nghiện ngập, những trung tâm tư vấn, những dự án nhân đạo cho trẻ hè phố, trại tị nạn đang chứa vô số trẻ em và thanh thiếu niên, trại định cư. . . Luôn luôn cần có những con mắt và cõi lòng nhạy bén với những nơi chốn và hoàn cảnh nào mà cảnh nghèo khổ bất hạnh cần đến tình thương, tình bạn, tình yêu và che chở hơn.

Trong những ngày này, truyền thông xã hội và kinh tế toàn cầu hoá lại đi kèm theo sự gia tăng cảnh nghèo khổ và bị gạt sang bên lề tác hại tới các thế hệ trẻ, Giáo Hội rất quan tâm nhìn nhận nhu cầu cấp bách phải vượt thắng, cách riêng là trong lãnh vực giáo dục, thảm cảnh tách rời Tin Mừng và văn hoá, dẫn đến việc hạ giá và coi thường sứ điệp cứu độ của Chúa Kitô. Hơn hẳn quá khứ, ngày nay chúng ta cần đến một tầm nhìn mang tính ngôn sứ trong thời đại mới này, một thời đại rất phức tạp và khó khăn, và trên hết, chúng ta cần đến lòng quả cảm của các thánh nhân với cõi lòng thật rộng mở và quảng đại.



"Con mười sáu tuổi . . và con không biết gì cả." Đây là tiếng kêu gào chúng ta thường nghe thấy từ rất nhiều thanh thiếu niên chúng ta bắt gặp trên đường, những em dường như trong những năm tháng này, sống dửng dưng bất cần, không những là đức tin, nhưng trên hết bất cần cả tình yêu vì họ không tìm được hay đã đánh mất, chỉ còn lại là hoài mong, trong khi đó, ngược lại, tình yêu lại bị giản lược thành cảm xúc hay tình cảm chóng vánh nào đó.

Chúng ta đang đối diện với thời đại của sự trống rỗng22 do chủ nghĩa cá nhân đương thời đem lại. Đức Thánh Cha trả lời cho những câu hỏi của giới trẻ giáo phận Rôma như sau: "Đối với cha, dường như thách đố lớn nhất của thời đại chúng ta là thế tục hoá: nghĩa là, một lối sống và trình bày thế giới như là "dường như thể là không có Thiên Chúa". Dường như đối với cha đó là yếu tố then chốt: một lần nữa, chúng ta hãy để Thiên Chúa hiện diện lại trong cuộc đời chúng ta, chúng ta đừng có sống như thể chúng ta là tự lập, tự cho mình quyền sáng tạo tự do và cuộc sống. Chúng ta phải nhìn nhận rằng mình là tạo vật, ý thức rằng có một Thiên Chúa tạo dựng nên ta và sống theo Thánh Ý ngài không phải là lệ thuộc nhưng là một hồng ân tình yêu làm cho chúng ta được sống."23

11. Cần phải có khả năng nói lên sự thật, không sợ hãi, ngay cả khi bất tiện như Đức Thánh Cha luôn làm điều đó.

Về vấn đề này, Romano Guardini viết: "Khi nói, ta phải nói điều đó là gì, ta thấy thế nào và hiểu ra sao. Vì thế, ta cũng phải diễn tả bằng ngôn từ những gì ta cảm nhận nơi mình. Trong một số hoàn cảnh có thể là khó khăn, có thể đưa tới sự khó chịu, thiệt hại hay nguy hiểm; nhưng lương tâm nhắc ta rằng chân lý có những điều ràng buộc; như thế chân lý mới có tính tuyệt đối, mới là cao quý. Bạn không thể nói: tôi có thể nói lên sự thật khi nào tôi thích hay để tôi đạt tới một mục đích nào; nhưng, khi bạn nói, bạn phải nói sự thật; bạn không đựợc phép làm giảm nhẹ đi hay thay đổi sự thật. Bạn phải luôn luôn nói sự thật, ngay cả khi hoàn cảnh có khuynh hướng muốn bạn giữ im lặng, hay khi bạn có thể né tránh dễ dàng câu hỏi."24 Vì thế mà có mệnh lệnh là ta không thể hay không được né tránh: nó cho thấy rằng sự thật phải có vị thế đúng đắn của nó không những trong lời rao giảng và trong việc dậy giáo lý, nhưng trên hết trong cuộc đời con người để họ có thể bắt gặp được một cuộc đời thực sự có ý nghĩa.

Sứ vụ anh em thi hành đặt anh em trước tiên vào vị thế truyền giao đức tin. Tất cả chúng ta đều biết rằng đây trước tiên không phải là một vấn đề trừu tượng, nhưng là một lối sống phát xuất từ quyết định đặt mình đi theo Chúa Kitô và chấp nhận lời ngài như là một lời hứa và là sự sung mãn của bản thân.

"Linh mục ... không thể nào là thừa tác viên của Chúa Kitô nếu như họ không là chứng nhân và là người phân phát một sự sống khác với sự sống trần thế này. Nhưng họ không thể nào phục vụ con người được nếu như họ là kẻ xa lạ với cuộc sống và hoàn cảnh của con người. Nhưng cùng lúc đó, sứ vụ này đòi hỏi họ phải sống trong thế giới giữa con người và như những mục tử tốt lành họ phải biết con chiên của mình ... (vì) đó là nhiệm vụ của họ. Và trong ánh sáng của Chúa Kitô, họ nỗ lực đương đầu với những vấn đề của thời đại."25

12. Một lần nữa, thanh thiếu niên đang sống trong tình trạng cô đơn thật sâu xa. Nỗi cô đơn ấy thường phát xuất từ việc họ không được lắng nghe, không được chấp nhận như họ là hoặc phát xuất từ việc họ bị gạt bỏ; những loại phản bội khác nhau qua đời sống, tình bạn, tình yêu, gia đình, bạn bè, có thể cho thấy rất rõ ràng ý thức cô đơn sâu xa mà họ đang chìm ngập vào.

Tôi xác tín rằng người trẻ của chúng ta muốn nơi chúng ta một chứng tá hoàn toàn vị tha, và chân thành tha thứ. Họ muốn được yêu mến như họ là. Nhưng về điểm này, chúng ta không được quên rằng đối với chúng ta, yêu mến tức là không mỏi mệt và hết sức nhẫn nại tìm kiếm thiện ích của họ.

Công đồng viết trong Gaudium et Spes" "một người có giá trị hơn về những gì mình "là" hơn là những gì mình "có". Bối cảnh văn hoá trong đó chúng ta đang sống chắc hẳn đã sai lầm khi đặt ưu tiên cho những gì mình làm hay có hơn là cho những gì mình là. Đáp trả những vấn đề của người trẻ không phải là tìm ra những kỹ thuật hãy những sáng kiến thực hành: chúng ta có thể đi tới thất bại. Nếu chúng ta muốn làm điều gì đó cho người trẻ, trên hết, cần phải ở giữa con người với cõi lòng thật lớn, bởi lẽ, như Don Bosco có lần đã nói, giáo dục là vấn đề của cõi lòng.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi chúng ta nỗ lực học biết cách thức có thể thực sự vun trồng được mối tương giao liên vị và hướng dẫn người trẻ, đó là phương thế tốt nhất để thông truyền thật sinh động. Trừ phi có mối tương quan cá nhân với cá nhân, đức tin không thể nào thông truyền được. Chúng ta có thể gọi đó là linh hướng hay là gì khác, nhưng truyền thống Giáo Hội đoan chắc chúng ta là chỉ qua tương quan liên vị, đối xử con người như cá nhân, thì việc thông truyền đức tin mới diễn ra.

Chính vì lẽ đó, anh em nhất thiết phải suy tư lại việc anh em "ở trong Giáo Hội, là dấu chỉ và người đem tình yêu của Chúa cho thanh thiếu niên, đặc biệt những em nghèo khổ."26

"Yêu mến thôi thì không đủ." Lý tưởng của sự thánh thiện Salêdiêng là "làm cho mình được yêu mến."27

"Cố gắng làm cho mình được yêu mến" là lời Don Bosco khuyên Don Rua khi sai ngài tới Mirabello năm 1863. "Vì cha không luôn ở bên cạnh con . . .Cha nói như một người cha yêu thương mở lòng cho người con yêu quý nhất của mình"; ngài đã cho Don Rua những lời khuyên trong đó lời khuyên hãy làm cho mình được yêu thương là nổi bật nhất.28 Don Bosco nhấn mạnh: "yêu mến mà thôi thì chưa đủ", cần phải làm cho mình được yêu mến.

William Thierry dậy: "Nghệ thuật vĩ đại nhất là nghệ thuật yêu thương. Chính thiên nhiên và Thiên Chúa đấng tạo dựng thiên nhiên đã giữ lời dậy này. Bởi vì, được Đấng tạo dựng thiên nhiên ban cho sự sống, nếu sự tinh tuyền tự nhiên không được ô nhiễm bởi những tình cảm xa lạ, tình yêu tự dậy dỗ chính mình: nhưng chỉ cho những ai để mình được tình yêu dậy dỗ hay được Thiên Chúa dậy dỗ. Quả thế, tình yêu là sức mạnh của linh hồn, hướng dẫn linh hồn như thể là một khuynh hướng tự nhiên hướng đến nơi và cùng đích thích đáng của nó."29

Nghệ thuật yêu thương, yêu mến chân lý, được học từ con đường sống của đức Kitô thanh khiết, nghèo khó và vâng phục, khiêm nhường và tiết độ, hướng tới đức ái. Đời sống thánh hiến như thế trở thành confessio Trinitatis, signum fraternitatis, servitium caritatis [tuyên xưng Chúa Ba Ngôi, Dấu Chỉ tình huynh đệ, sự phục vụ bác ái], một chứng tá mang tính ngôn sứ sáng ngời, hiển hiện con đường sống của Đức Giêsu, một sự hiện diện sâu sắc trong Giáo hội và là một lời ngôn sứ nghịch lý và hấp dẫn cho một thế giới hỗn độn và lẫn lộn.

13. Cha Bề Trên Cả của Hội Dòng, cha Egidio Vigano đã viết: " Theo quan điểm sư phạm, ý thức về Giáo Hội của Đấng Sáng lập chúng ta được diễn tả cụ thể thành những quy luật hành sử thực tiễn mạnh mẽ khi nói đến đức tin. Ngài diễn tả những quy luật ấy rất giản dị qua ba thái độ lớn lao dần dần được gọi là "lòng sùng kính": Đức Giêsu Cứu Thế và Cứu Chuộc, hiện diện trong hành vi trung tâm của Giáo Hội, tức là Phép Thánh Thể; Đức Maria, Mẫu mực và Mẹ của Giáo Hội, được nhận biết trong lịch sử là Đấng Phù Hộ các Giáo Hữu; và Đức Thánh Cha, đấng kế vị thánh Phêrô, được đặt làm thủ lãnh Giám mục đoàn để phục vụ mục vụ toàn thể Giáo Hội."30

Don Bosco viết: "Khi vì Giáo Hội và Đức Thánh Cha, không vất vả nào là thừa cả." Tình yêu Chúa Kitô, Đức Maria và Giáo Hội, Đức Thánh Cha. Ước gì cảm thức Giáo Hội của anh em không chỉ là trách vụ cụ thể trong cuộ sống của mỗi Salêdiêng và của các Bề Trên trong Hội Dòng, nhưng còn là chiều kích Giáo Hội của đức tin và nỗ lực giáo dục thanh thiếu niên theo con đường này.

14. Khi cầu xin Chúa ban phép lành cho anh em và cho Tổng Tu Nghị của anh em và cho các công việc của anh em trong những ngày tới, tôi lấy lại lời của Đức Bênêđictô XVI viết trong thông điệp Spe Salvi: "Cuộc sống như là một hành trình trên đại dương lịch sử, thường là tăm tối và đầy bão táp; một hành trình trong đó chúng ta nhìn lên những ngôi sao chỉ đường cho ta. Ngôi sao chân thực của chúng ta chính là những con người sống đời thiện hảo. Họ là ánh sáng của hy vọng. Chắc chắn rằng, Đức Giêsu Kitô là ánh sáng đích thực, là mặt trời chiếu toả trên mọi bóng tối của lịch sử. Nhưng để đạt tới ngài, chúng ta cũng cần những ngọn đèn gần bên--những con người chiếu toả ánh sáng ngài và hướng dẫn chúng ta trên con đường ta đi." Xin Đức Maria, Mẹ Giáo Hội và Đấng Phù hộ các Giáo Hữu, Don Bosco, tất cả các thánh và chân phước Salêdiêng là ngôi sao dẫn đường cho anh em và làm cho anh em trở thành những luồng sáng hy vọng cho toàn thể nhân loại và đặc biệt là cho các thanh thiếu niên.

Rôma ngày 3 tháng 3 năm 2008



tải về 1.17 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương