Da mihi animas, cetera tolle” Văn kiện Tổng Tu nghị cg26 – ttn 26 Roma, 23. 02 – 12. 04. 2008 CÔng báo ban tổng cố VẤN


Chân tính đoàn sủng và đam mê tông đồ



tải về 1.17 Mb.
trang9/14
Chuyển đổi dữ liệu23.04.2018
Kích1.17 Mb.
#37072
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14

6. Chân tính đoàn sủng và đam mê tông đồ

Chủ đề TTN 26 "Da mihi animas, cetera tolle" được diễn thành một phụ đề "chân tính đoàn sủng và đam mê tông đồ." Cuối cùng ra, sự canh tân Tu Hội cần đến trong thời điểm lịch sử này và là mục tiêu mà Tổng Tu nghị này hướng tới, lệ thuộc vào sự kết hiệp bất khả phân ly hai yếu tố đây. Như tôi thấy, lưỡng nan luận kinh điển giữa "chân tính đoàn sủng và ý nghĩa xã hội" cần phải được vượt thắng ngay từ ban đầu. Quả vậy, đây không hề là một vấn đề: thực ra đây không phải là vấn đề có hai cấu tố độc lập nhau, chống đối nhau khiến đưa tới những lập trường ý thức hệ làm méo mó đời sống thánh hiên, trở thành nguyên do cho mối căng thẳng vô ích và những cố gắng vô hiệu quả, tạo thành một cảm thức thất bại. Vì thế, tôi tự hỏi: anh em có thể tìm thấy chân tính Salêdiêng ở đâu, chân tính có thể bảo đảm được ý nghĩa xã hội của Tu Hội, được tỏ ra qua "hiện tượng Salêdiêng" như Đức Phaolô VI gọi, kết quả của sự phát triển ơn gọi và trải rộng ra khắp thế giới một cách không thể tin được?

Ngày nay chúng ta nghiệm thấy điều đang xẩy ra cho Giáo hội. Giáo Hội "luôn đối diện với hai mệnh lệnh khiến cho Giáo Hội luôn căng thẳng khó mà giải quyết được. Một mặt, Giáo Hội gắn kết với ký ức sống động, thâu nhận giáo thuyết và lịch sử đáp trả mạc khải của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, vốn là nguồn gốc và nền tảng hiện hữu của Giáo Hội. Mặt khác, Giáo Hội gắn kết và được sai đi để quảng đại thông truyền ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho mọi con người, và Giáo Hội thể hiện qua việc rao giảng tin mừng, cử hành các bí tích, sống chứng tá và quảng đại cộng tác với từng thành viên. Lo cho chân tính và thi hành sứ mệnh đều thánh thiện như nhau. Khi nào lòng trung thành với cội nguồn và mối quan tâm về chân tính hoặc bất cập hoặc thái quá, Giáo Hội biến thành một bè phái và rơi vào nhóm bảo thủ cực đoan. Khi lo lắng cho ý nghĩa đối với xã hội và những vấn đề chung của nhân loại đến mức thái quá, mà quên đi cội nguồn của mình, Giáo Hội ở trên bờ vực sụp đổ, và cuối cùng đánh mất đi ý nghĩa của mình."36

Ở đây có hai yếu tố cấu tạo nên Giáo hội, và từ đó, cũng là Tu Hội: chân tính, hệ tại ở việc là môn đệ Đức Giêsu Kitô, và sứ mệnh, lo toan cho phần rỗi của nhân loại, và trong trường hợp chúng ta, đó là phần rỗi của các thanh thiếu niên. Việc lo lắng thái quá đến chân tính dẫn tới lối sống bảo thủ cực đoan, và ý nghĩa bị mất đi. Đàng khác, lo lắng quá về ý nghĩa [trong] xã hội khi muốn thực thi sứ mệnh dù phải trả bất cứ giá nào mà lại đánh mất đi chân tính của mình, sẽ dẫn đến việc đánh mất đi cảm thức mình "là Giáo Hội".

Điều này có nghĩa là lòng trung thành của Giáo Hội, và từ đó, của Tu Hội, lệ thuộc vào việc hiệp nhất bất khả phân ly hai cấu tố này: chân tính đoàn sủng và ý nghĩa xã hội. Thuờng khi xét hai yếu tố này như là kình chống nhau hoặc đơn giản là chia cách chúng, "hoặc là chân tính hoặc là ý nghĩa", chúng ta có thể rơi vào cách hiểu sai lạc về đời sống thánh hiến, nghĩ rằng nếu như quá nhấn mạnh đến chân tính đức tin và đoàn sủng, sự dấn thân trong xã hội có thể bị thiệt hại và hệ quả là đời ta không còn mấy ý nghĩa. Chúng ta quên rằng "đức tin không có việc làm là đức tin chết" (Gc 2,20). Đây không phải là vấn đề phải chọn một trong hai mà là hội nhập cả hai!

Khi nói về việc canh tân đời sống tu trì, số 2 trong Sắc Lệnh Perfectae Caritatis Công đồng Vatican II đề ra hướng dẫn căn bản như sau: "Việc canh tân đời sống tu trì đúng đắn bao gồm cả hai tiến trình đồng thời, là liên tục trở về cội nguồn của mọi đời sống Kitô hữu, trở về cảm hứng nguyên thủy trước kia của một cộng đoàn và thích ứng cộng đoàn ấy theo những hoàn cảnh đổi thay của thời đại."

Có ba khía cạnh trong cuộc canh tân này: 1/ liên tục trở về cội nguồn của mọi đời sống Kitô hữu; 2) liên tục trở về cảm hứng nguyên thủy trước kia của cộng đoàn; 3) thích ứng cộng đoàn theo những hoàn cảnh đổi thay của thời đại. Tuy nhiên, tiêu chuẩn đầu tiên trở thành quy tắc, đó là cả ba đòi hỏi để canh tân này đều phải đi cùng một lúc: simul. Nếu chỉ để ý tới một yếu tố thì không thể có cuộc canh tân thích đáng. Có lẽ đây là sai lầm của một số nỗ lực canh tân đời sống tu trì đã thất bại. Ngay sau thời Công đồng, trong khi một số nhấn mạnh đến cảm hứng nguyên thủy trước kia của cộng đoàn, nhấn mạnh đến chân tính, số khác lại chọn thích ứng theo hoàn cảnh mới của thế giới ngày nay, quyết dấn thân vào trong xã hội. Như thế, cả hai thái quá này không đem lại hiệu quả và không đủ sức thuyết phục.

Trong nhiều dịp, tôi đã chia sẻ với một số người về ấn tượng sâu sắc tôi có được khi thăm viếng Nhà Mẹ của các chị Nữ Tu Bác Ái ở Calcutta, chính là do xác tín đặc biệt mà Mẹ Têrêsa đã có thể truyền thụ lại cho chị em của ngài: bạn càng dâng hiến phục vụ những người không ai thèm quan tâm, những người nghèo nhất và khổ nhất, bạn lại càng cần phải diễn tả một lối đường khác nữa, một tình yêu rộng mở hơn nữa để sống quảng đại tự hiến, và càng quảng đại tự hiến thì lại càng có được sự bình an bền vững."

Hoà mình vào xã hội hiện nay, mà không đồng hoá sâu xa với Đức Giêsu Kitô thì sẽ đánh mất đi khả năng biểu thị và sức mạnh gây cảm hứng. Chỉ có cảm hứng này mới có thể làm ta có được một cách tiếp cận khác mà xã hội cần đến. Xác định mình chỉ như là một đoàn thể xã hội hoặc với một chương trình chính trị nào đó, ngay cả khi chương trình ấy có tác động mạnh trên xã hội, thì không còn mạnh mẽ hay đáng tin cậy nữa. Vẫn có những tổ chức và đoàn thể khác trong thế giới ngày nay cũng đang nhằm đến những mục tiêu này.

Hãy xem Don Bosco đã tạo được sự hoà hợp ấy một cách thật phi thường như thế nào. Hiến Luật khoản 21 trình bày điểm này rất hay, khi nói về Don Bosco như người cha và thầy và trình bày ngài như là mẫu mực cho chúng ta. Có ba lý do như sau:

a) Trong đời ngài, ngài đã đạt tới được sự hoà trộn giữa tự nhiên và ân sủng:

- sâu xa là con người

- sâu xa là người của Thiên Chúa

- giầu những đức tính dân tộc ngài

đầy những ân tặng của Chúa Thánh Thần.

- Mở rộng ra cho các thực tại trần thế

- sống như thể thấy đấng vô hình

Vậy, đây chính là chân tính của ngài.

b) Hai khía cạnh này được kết hợp lại thành một kế hoạch đời sống rất chặt chẽ: phục vụ thanh thiếu niên.

- với sự kiên định vững vàng

- giữa những khó khăn và mệt nhọc

- một con tim bén nhậy

- ngài không tiến một bước, nói một lời, không đảm nhận một nhiệm vụ nào nếu việc đó không hướng tới việc cứu vớt giới trẻ.



Đó chính là sự nổi bật của ngài.

c) Thực thế, tâm hồn ngài chỉ có các linh hồn.

- hoàn toàn thánh hiến cho Thiên Chúa và hoàn toàn hiến thân cho giới trẻ.

- ngài giáo dục bằng rao giảng tin mừng và rao giảng tin mừng bằng giáo dục.



Đây chính là hồng ân hiệp nhất.

Ngày nay Tu Hội cần cuộc hoán cải này, và cùng lúc đó giúp chúng ta khám phá lại chân tính đoàn sủng và lòng đam mê tông đồ. Nỗ lực chúng ta cứu vớt giới trẻ, đặc biệt những em nghèo khổ nhất, nhất thiết phải tuôn trào từ việc đồng hoá mình với đoàn sủng.

Quả thế, sự thánh thiện của Don Bosco đã tỏa sáng trong các công việc của ngài. Nhưng các công cuộc chỉ là cách diễn tả sự kết hợp của ngài với Thiên Chúa, sống đời mình trong Chúa; đó là sống trong sự hiện diện của Chúa; đó là tham dự vào đời sống thần linh ở trong chúng ta. Don Bosco đã coi mạc khải và tình yêu Thiên Chúa là lẽ sống cho mình, được sống theo cách của các nhân đức đối thần: với một đức tin trở thành dấu hiệu đầy hấp dẫn, có một đức trông cậy là lời soi dẫn cho họ, và một đức ái trở thành những hành động yêu thương họ.

7. Kết luận

Các hội viên tham dự tổng tu nghị thân mến, ngày 3 tháng 4 năm 2004 tôi được TTN 25 bầu làm Bề Trên Cả và những ngày tiếp sau cha Phó Bề Trên Cả và các vị Cố Vấn các Ban và Miền được bầu cho nhiệm vụ sinh động hoá và cai quản Tu Hội trong sáu năm 2002-2008. Trong sáu năm này, chúng tôi đã cố gắng thực thi vai trò ấy với toàn bộ nỗ lực của mình.

Cha Luc van Lôy, sau một năm, được Đức Thánh Cha gọi lên tác vụ giám mục, làm Giám mục giáo phận Ghen tại Belgium. Chúng ta buộc phải bổ nhiệm Phó Bề Trên Cả mới, cha Adriano Bregolin, và tiếp sau đó là vị Cố Vấn Miền Italia và Trung Đông, cha Pier Fausto Frisoli. Một trong số đó, cha Valentino De Pablo qua đời trong cuộc Kinh Lý Ngoại thường Á tỉnh AFO. Hai vị cố vấn, cha Antonio Domenech và cha Helvicio Baruffi bệnh nặng. Và cuối cùng là ngày 23 tháng Giêng, cha Tarcisio Scaramussa, Cố vấn truyền thông xã hội, được Đức Thánh Cha tín nhiệm trao cho ngài vai trò nặng nề là Giám mục phụ tá tổng giáo phận Sao Paulô.

Tôi chân thành cám ơn từng thành viên Tổng Cố Vấn vì đã gần gũi tôi, vì sự trung thành, quảng đại cộng tác thật chuyên nghiệp trong các vai trò khác nhau được ủy thác cho các ngài, hôm nay, một lần nữa, Đại hội đồng Tu Nghị này, tức là thẩm quyền cao nhất trong đời sống Tu Hội sẽ lên tiếng. Các hội viên trong hội trường thân mến, tôi mời gọi tất cả anh em mở rộng cõi lòng cho Chúa Thánh Thần, vị Thầy vĩ đại đời sống nội tâm, xin Ngài hướng dẫn anh em đi tới chân lý và sự sống sung mãn.

Tôi xin kết luận, xin phó thác biến cố Lễ Hiện Xuống này của Tu Hội chúng ta cho Đức Maria, Mẹ Phù Hộ các Giáo Hữu. Ngài đã luôn hiện diện trong lịch sử chúng ta và ngài sẽ không vắng mặt và ngài sẽ ban ơn trợ giúp của ngài trong dịp này. Như ở phòng Tiệc Ly, Đức Maria thông thạo những vấn đề của Thần Khí, Ngài sẽ dậy chúng ta biết đặt mình để Thần Khí hướng dẫn ta "phân định đâu là thánh ý Chúa, đâu là điều tốt lành, đáng được chấp nhận và trọn hảo" (Rm 12, 2b)

Roma, ngày 3 tháng 3 năm 2008

Pascual Chavez Villanueva

Bề Trên Cả



PHỤ CHƯƠNG 4

Diễn văn chào mừng của Bề Trên Cả Pascual Chavez Villanueva

trong dịp các thành viên Tổng tu Nghị yết kiến Đức Thánh Cha

Trọng kính Đức Thánh Cha,

Chúng con cảm thấy rất vui mừng và coi đây là một hồng ân tuyệt vời Chúa đã ban để chúng con có thể gặp được Đức Thánh Cha trong dịp Tổng Tu Nghị 26. Con thật vui sướng được trình cho Đức Thánh Cha các thành viên mới của Ban Tổng Cố Vấn mới được bầu tuần vừa qua, và tất cả các giám tỉnh, Đại biểu các tỉnh dòng từ 96 địa hạt mà Dòng chúng con phân bổ. Ở đây cũng có các anh em được mời đến tham dự như những quan sát viên. Tổng cộng tất cả là 233 anh em, đại diện gần 16.000 anh em Salêdiêng đang hiện diện ở 123 quốc gia trên thế giới.

Niềm vui chúng con được gặp Đức Thánh Cha chính là kết quả và là lời diễn tả Đoàn sủng của chúng con. Quả thế, Cha Don Bosco của chúng con thường nói: "Khi vì Giáo Hội và Đức Thánh Cha thì không kể gì là lao nhọc" (BM V, 383). Ngài đã có một tầm nhìn cắm rễ sâu trong xác tín là Chúa Thánh Thần hiện diện trong Giáo Hội, trong xác tín là Đức Giáo Hoàng là Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian, trong ý thức là Đức Mẹ là Đấng Phù Hộ Các Giáo hữu. Phù hợp với các nguyên tắc này, ngài đã cổ võ và đã có sáng kiến, quyết định và chấp nhận những trách vụ khó khăn, luôn luôn muốn làm cho ước muốn của Đức Thánh Cha là điểm quy chiếu căn bản cho hoạt động và linh đạo của ngài.

Trọng kính Đức Thánh Cha, lối suy nghĩ này vẫn sống động nơi chúng con, và như thế, ngoài việc chúng con diễn tả sự gần gũi và gắn bó với chính Đức Thánh Cha, chúng con còn muốn diễn tả lòng chúng con yêu mến và hoàn toàn hiến thân phục vụ Giáo Hội.

Tổng Tu Nghị chúng con đang cử hành tập trung vào một đặc tính đoàn sủng rất then chốt và quan trọng trong Tu Hội Salêdiêng chúng con: "Da mihi animas, cetera tolle". Lời nguyện vắn tắt này chính là châm ngôn Don Bosco đã chọn ngay từ ban đầu cho sứ vụ tông đồ của ngài giữa thanh thiếu niên. Cùng với châm ngôn này, ngài muốn diễn tả cùng một lúc sự hiến dâng trọn vẹn chính mình cho Thiên Chúa, một lòng đam mê tông đồ, hoàn toàn sẵn sàng từ bỏ hết mọi sự, để hoàn thành sứ mệnh của mình.

Qua Tổng Tu Nghị này, chúng con muốn duyệt xét mình trong tương quan với sự hiến thân hoàn toàn này của Đấng Sáng Lập thánh thiện cho Thiên Chúa nơi giới trẻ. Chúng con đã đề ra là chúng con phải trở về với Don Bosco và khởi phát lại từ ngài, mong muốn học hỏi ngài, yêu mến ngài, noi gương ngài và cầu cùng ngài, áp dụng nơi mình những hiểu biết rõ hơn về lịch sử của ngài và của nguồn gốc Tu Hội; và tất cả điều này để "trở về với giới trẻ", để lắng nghe tiếng chúng kêu gọi,trong ánh sáng của nền văn hoá ngày nay, tiếp nhận nơi mình những lo lắng và mong đợi của chúng.

Trọng kính Đức Thánh Cha, chúng con cảm thấy mạnh mẽ ý nghĩa của Đoàn sủng chúng chúng con được mời gọi gánh vác, và chúng con muốn sống đoàn sủng ấy một cách thật mãnh liệt vì phần ích giới trẻ như là phần đóng góp độc đáo của chúng con vào trong sứ mệnh rao giảng tin mừng của Giáo Hội.

Việc cử hành Tổng Tu Nghị luôn luôn là một thời gian tính sổ và chúng con vui mừng vì có thể thấy rằng anh em hội viên của chúng con đang trung thành và làm việc thật hữu hiệu tại rất nhiều nơi trên thế giới. Ba mươi năm trước, Cha Bề trên Cả Egiđiô Viganô đã khởi sự "Kế Hoạch Phi Châu." Kết quả của một chương trình truyền giáo rộng lớn do từng tỉnh dòng bảo trợ đã có thể nhân bội sự hiện diện của chúng con và giờ đây đã đạt tới 42 quốc gia trên đại lục này. Ngày nay các hội viên ở Phi Châu là hơn 1.200 và phần đa là ơn gọi địa phương. Tại Châu Mỹ Latinh, chúng con tiếp tục hết sức nỗ lực làm việc trong lãnh vực giáo dục. Chúng con luôn chú tâm đến giới trẻ nghèo khổ nhất ở vùng biên các thành phố, trên hè phố và ngay cả tại những khu vực ít được phát triển nhất của lục địa này. Tại Á Châu và Châu Đại Dương, nơi mà đạo Công giáo xét về phần trăm dân số là ít ỏi, chúng con đã nhận thấy ơn gọi đang gia tăng và việc rao giảng tin mừng được thể hiện với lòng hứng khởi và có nhiều kết quả, đặc biệt nơi các dân bộ lạc. Cũng thế, tại Inđônêsia, Việt Nam, Timo, và cả những hòn đảo xa xôi ở Figi và Samoa. Chúng con còn ôm ấp giấc mơ có thể hiến thân cho cả giới trẻ ở Trung Hoa lục địa nữa, ngõ hầu làm trọn giấc mơ truyền giáo của Don Bosco. Khi Chúa muốn mở những cánh cửa này, sẽ là một thời gian vui mừng rất lớn cho Giáo Hội và cho cả Tu Hội chúng con.

Thưa Đức Thánh Cha, chúng con biết rằng "truyền giáo nước ngoài" là một ơn gọi mời gọi chúng con canh tân sự dấn thân cho lục địa Châu Âu, cũng như những khu vực đã được phát triển tại Bắc Mỹ và Úc châu. Don Bosco thôi thúc chúng con tìm những cách thức mới để đi tới giới trẻ, là những ngườ thường không phải chịu nghèo khổ về vật chất, nhưng lại đang sống rất nghèo khổ về tinh thần; họ đang tìm kiếm những câu trả lời nhưng họ lại không có được những người bạn chân tình; họ khao khát sống nhưng lại đánh mất đi lẽ sống. Bởi thế, Tổng Tu Nghị đang tìm cách hình thành nên "một Kế Hoạch Âu châu", nhằm tái định hướng sự hiện diện Salêdiêng sao cho có tác động và hữu hiệu hơn trong lục địa này. Nghĩa là, tìm kiếm một hình thức rao giảng tin mừng mới để có thể đáp trả được những nhu cầu thiêng liêng và luân lý của những người trẻ này, mà đối với chúng con, họ như thể đang lang thang không ai hướng dẫn và sống không mục đích.

Trọng kính Đức Thánh Cha, trong khi chúng con một lần nữa nói lên lòng tri ân con thảo, chúng con đoan chắc là luôn cầu nguyện cho ý của Đức Thánh Cha đối với Giáo Hội và thế giới, và chúng con vui mừng đón chờ từ Đức Thánh Cha những đề nghị có thể chỉ cho chúng con thấy rõ nhất con đường trước mắt của Tu Hội trong sáu năm tới, để chúng con có thể trực tiếp chuẩn bị cho dịp lễ cử hành đệ nhị bách chu niên ngày sinh của Don Bosco (1815-2015).

Chúng con nguyện luôn là con thảo của Đức Thánh Cha, và xin Đức Thánh Cha chúc lành cho chúng con.


Roma, 31-03-2008

PHỤ CHƯƠNG 5
Huấn dụ của Đức Thánh Cha BÊNÊĐICTÔ XVI

Khi tiếp kiến các Thành Viên Tổng Tu Nghị, ngày 31 tháng 3 năm 2008

Các thành viên Tổng Tu Nghị Dòng Salêdiêng thân mến,

Cha vui mừng được gặp gỡ anh em hôm nay khi Tổng Tu Nghị của anh em sắp kết thúc. Trước hết, cha cám ơn Cha Bề Trên Cả Pascual Chavez Villanueva, vì những tâm tình ngài đã diễn tả nhân danh tất cả anh em, xác nhận Hội Dòng anh em luôn muốn làm việc với Giáo Hội và vì Giáo Hội, luôn hoà mình với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô. Cha cũng cám ơn ngài vì ngài đã phục vụ quảng đại suốt sáu năm vừa qua và cha chúc mừng ngài lại mới được tái nhiệm. Cha cũng thân chào các thành viên của Ban Tổng Cố Vấn mới, sẽ giúp đỡ cha Bề Trên Cả trong nhiệm vụ sinh động hoá và điều hành toàn thể Hội Dòng anh em.

Trong Sứ điệp Cha gửi cho cha Bề Trên Cả dịp khai mạc Tổng Tu nghị, và qua ngài, gửi đến anh em, các thành viên Tổng Tu nghị, cha đã nói lên một vài điều Giáo Hội mong đợi nơi anh em Salêdiêng, và cha cũng đã đưa ra nhiều gợi ý cho sự phát triển của Hội Dòng anh em. Tổng Tu Nghị 26 của anh em được cử hành trong một thời điểm có nhiều thay đổi lớn về mặt xã hội, kinh tế và chính trị, và đầy những vấn đề luân lý, văn hoá và môi trường cùng những xung đột không giải quyết được về sắc tộc và quốc gia. Hơn nữa, vào thời đại chúng ta, truyền thông giữa các dân tộc được tăng cường hơn, có nhiều cơ hội hơn để hiểu biết và đối thoại và trao đổi sống động về các giá trị văn hoá và tinh thần đem lại ý nghĩa cho cuộc sống. Cách riêng, những gì thanh thiếu niên kêu mời chúng ta và đặc biệt, những vấn nạn của chúng về các vấn đề căn bản liên quan tới khát vọng mạnh mẽ muốn sống cuộc sống sung mãn, tình yêu chân thực và tự do đầy tính cách xây dựng. Đó là những hoàn cảnh thử thách Giáo Hội và khả năng Giáo Hội công bố Tin Mừng Đức Kitô ngày hôm nay với lời hứa đầy hy vọng. Vì thế, cha hết sức hy vọng rằng toàn thể Hội Dòng Salêdiêng, nhờ vào kết quả của Tổng Tu Nghị của anh em, với sức năng động và nhiệt tình được canh tân, sẽ sống sứ mệnh mà Chúa Thánh Thần đã khai sinh trong Giáo Hội. Hôm nay, cha muốn khích lệ anh em và tất cả anh em Salêdiêng hãy tiếp tục con đường sứ mệnh này trong lòng trung thành hoàn toàn với đoàn sủng nguyên thủy của anh em, trong bối cảnh mừng dịp hai trăm năm ngày sinh của Don Bosco.

Với chủ đề "Da mihi animas, cetera tolle" Tổng Tu Nghị của anh em nhằm làm sống lại lòng nhiệt thành tông đồ nơi từng anh em Salêdiêng và trong toàn Hội Dòng. Điều này sẽ giúp cho các Salêdiêng có được một diện mạo được xác định rõ rệt hơn để họ có thể ngày càng ý thức hơn về chân tính của mình như là những con người "được thánh hiến cho Thiên Chúa" và thêm đầy ngọn lửa nhiệt tình tông đồ "để cứu rỗi các linh hồn." Don Bosco muốn chọn đời sống thánh hiến để đoàn sủng ngài được bảo đảm sẽ tiếp tục trong Giáo Hội. Ngày nay cũng thế, phong trào Salêdiêng chỉ có thể lớn lên trong lòng trung thành với đoàn sủng của mình nếu như vẫn có được hạt nhân sống động mạnh mẽ làm thành cốt lõi phong trào này. Như thế, để củng cố chân tính của Hội dòng nói chung, quyết tâm đầu tiên của anh em hệ tại ở việc kiện cường lại ơn gọi của mỗi Salêdiêng để họ có thể sống hoàn toàn trung thành với ơn gọi thánh hiến. Toàn thể Hội dòng phải nỗ lực không ngừng trở thành "ký ức sống động về con đường đức Kitô đã sống và hành động trong tư cách là Ngôi Lời Nhập Thể trong tương quan với Chúa Cha và với anh em mình (Vita Consecrata, 22).Ước gì Chúa Kitô là trung tâm cuộc đời của anh em! Mỗi người cần phải để cho ngài nắm bắt và khởi sự lại từ ngài luôn mãi. Chớ gì mọi cái đều bị coi là "đồ bỏ bởi lẽ giá trị tuyệt hảo chính là nhận biết Đức Kitô" và "đều bị khước từ để ta có thể chiếm được Đức Kitô" (Phil 3,8). Chính ở đây đã phát sinh ra tình yêu hăng nồng đối với Chúa Giêsu, nôi khao khát được đồng hoá mình với ngài, mặc lấy tâm tình và lối sống của ngài, hoàn toàn tín thác vào Chúa Cha và hiến thân cho sứ mệnh rao giảng tin mừng vốn là đặc điểm của mọi anh em Salêdiêng: họ phải cảm thấy là mình được tuyển chọn để theo Đức Kitô vâng phục, khó nghèo và thanh khiết, ăn khớp với lời dậy và gương sáng của Don Bosco.

Bất hạnh thay, tiến trình tục hoá đang dần dần chiếm lĩnh nền văn hoá đương thời và không buông tha cho cộng thể tu trì nào cả.Vì lẽ đó, cần phải cảnh giác trước những lối sống nào có nguy cơ làm suy yếu chứng tá tin mừng cũng như làm cho hành động mục vụ thiếu hiệu quả và đáp trả ơn gọi ra mỏng giòn. Vì thế, cha xin anh em hãy giúp các hội viên anh em duy trì và làm sống lại sự trung thành với ơn gọi. Đức Giêsu đã khẩn cầu cùng Chúa Cha trước khi ngài chịu khổ nạn, ngài đã nhân danh mình xin Chúa Cha hãy gìn giữ các môn đệ mà Chúa Cha đã trao cho ngài, để đừng mất đi một ai (x. Ga 17, 11-12). Lời nguyện ấy quả là thích hợp cách riêng cho các ơn gọi sống đời thánh hiến. "Vì thế đời sống thiêng liêng trước tiên phải nằm ưu tiên trong chương trình của Hội Dòng anh em" (Vita Consecrata, 93). Ước gì Lời Chúa và Phụng Vụ là nguồn mạch linh đạo Salêdiêng! Cách riêng, ước gì Lectio Divina, được các Salêdiêng thực hành mỗi ngày và Thánh Thể cử hành mỗi ngày trong cộng đoàn nuôi dưỡng và nâng đỡ linh đạo Salêdiêng. Từ đó mới khai sinh ra được linh đạo dấn thân tông đồ và hiệp thông Giáo Hội một cách đích thực. Hội Dòng anh em bảo đảm sẽ được triển nở khi trung thành với Tin Mừng được sống trọn vẹn và trung thành với Tu Luật sống của anh em, cách riêng khi sống kiên định một lối sống khắc khổ và nghèo khó theo tin mừng, trung thành yêu mến Giáo Hội và quảng đại dâng mình cho giới trẻ, đặc biệt những em nghèo khổ và bất hạnh nhất.

Don Bosco là mẫu gương sáng về đời sống đậm nét nhiệt tình tông đồ, sống phục vụ Giáo Hội qua Hội Dòng và qua Gia Đình Salêdiêng. Tại trường của thánh Giuse Cafasso, Đấng Sáng Lập của anh em đã học biến thành của mình câu châm ngôn "Xin Chúa cho con các linh hồn, còn mọi sự khác xin cất đi." Câu châm ngôn này là câu tổng hợp mẫu mực hành động mục vụ được cảm hứng từ diện mạo và linh đạo của thánh Phanxicô Salê. Mẫu mực này phù hợp với chân trời dành ưu tiên tuyệt đối cho tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu thành công trong việc hình thành nên được những con người đam mê muốn đóng góp vào sứ mệnh của Chúa Kitô là làm cho toàn thể thế giới bừng cháy lên ngọn lửa yêu thương của ngài (x. Lc 12:49). Bên cạnh tình yêu nồng nàn đối với Chúa, một đặc điểm nữa của mẫu mực Salêdiêng là ý thức đến giá trị vô song của "các linh hồn." Đối lại, ý thức này sản sinh ra cảm giác sâu sắc về tội lỗi và hệ quả tàn hại của tội lỗi trong thế giới này và nơi vĩnh cửu. Vị tông đồ được mời gọi cộng tác với hành động cứu chuộc của Đấng Cứu Thế để không ai bị mất đi. Như chính thánh Phêrô đã nói, "cứu vớt các linh hồn" là lẽ sống của Don Bosco. Chân Phước Micae Rua, người kế vị ngài, đã tóm tắt đời sống của người Cha và Đấng Sáng Lập yêu quý của anh em trong những lời sau: "Ngài đã không bước một bước, nói một lời, tra tay vào một công việc này mà không nhắm đến việc cứu rỗi các người trẻ . . . Ngài thực sự luôn ôm ấp linh hồn chúng trong lòng."

Đó là điều chân phước Micae Rua nói về Don Bosco. Ngày nay, cần phải cấp thiết vun trồng đam mê này nơi cõi lòng của mọi anh em Salêdiêng. Như thế, họ sẽ không ngần ngại can đảm dấn thân vào những môi trường khó khăn nhất để rao giảng tin mừng cho giới trẻ, đặc biệt những em nghèo khổ nhất về vật chất hay tinh thần. Họ sẽ có được sự nhẫn nại và can đảm đến độ có thể đề xuất cho những người trẻ hãy hiến mình hoàn toàn cho đời sống thánh hiến. Họ sẽ có một tâm trí rộng mở để xác định được những nhu cầu mới của người trẻ và lắng nghe lời kêu cầu giúp đỡ của chúng, và dành cho người khác những lãnh vực đã được vững chắc qua những can thiệp tông đồ. Vì lẽ đó, người Salêdiêng sẽ đối diện với những đòi hỏi mãnh liệt của sứ mệnh qua một lối sống giản dị, nghèo khó và khắc khổ, chia sẻ những hoàn cảnh sống của những người nghèo nhất trong các người nghèo, và sẽ có được niềm vui trao ban nhiều hơn cho những ai nhận được ít hơn trong cuộc đời. Ước gì lòng nhiệt tình tông đồ của họ lây nhiễm sang cả những người khác. Người Salêdiêng phải trở thành nhà quán quân về ý nghĩa của tông đồ, trước tiên là giúp đỡ mọi thanh thiếu niên nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu, say mê ngài, vun trồng lòng dấn thân rao giảng tin mừng, yêu thương bạn bè, trở thành tông đồ giữa các bạn trẻ như thánh Đaminh Saviô, Chân phước Laura Vicunha, và Zepherinô Namuncaura và năm thánh tử đạo trẻ của Nguyện Xá Poznan. Anh em Salêdiêng thân mến, mong anh em quyết tâm đào tạo giáo dân có lòng tông đồ, mời gọi tất cả họ cùng tiến vào cuộc sống thánh thiện để thành những môn đệ can đảm và tông đồ chân chính.

Trong Sứ điệp gởi Cha Bề Trên Cả nhân dịp khai mạc Tổng Tu Nghị của anh em, cha đã muốn trình bày trong tinh thần cho tất cả anh em Salêdiêng Thư cha mới gửi cho những người trung thành của Rôma về mối lo âu đến điều mà cha gọi là nhu cầu khẩn cấp về giáo dục. "Giáo dục chưa bao giờ là một công việc dễ dàng và ngày nay dường như ngày càng khó khăn hơn; như thế, nhiều phụ huynh và giáo viên có cám dỗ buông xuôi trách vụ của mình và ngay cả không còn hiểu được sứ mệnh trao phó cho họ thực sự là gì. Quả thế, trong xã hội chúng ta, trong nền văn hoá chúng ta, có quá nhiều bất trắc, có quá nhiều hoài nghi, quá nhiều hình ảnh méo mó mà truyền thông xã hội loan truyền. Như thế, lại càng khó hơn khi muốn đề xuất cho các thế hệ mới điều gì là vững chắc, đáng tin cậy, những quy tắc ứng xử và những mục tiêu có giá trị để đời mình dấn thân" (Diễn Từ dịp Trình Bày Thư "Nhiệm Vụ Khẩn Cấp về Giáo Dục" ngày 23 tháng 2 năm 2008). Thực ra, khía cạnh nghiêm trọng nhất trong cuộc khủng hoảng về giáo dục là sự nản lòng nơi các nhà giáo dục, phụ huynh, thầy cô, đặc biệt khi họ phải đối diện với những khó khăn trong trách vụ của họ ngày hôm nay. Vì thế, trong Lá Thư đó, cha viết: "linh hồn của giáo dục, cũng như của toàn thể đời sống, chỉ có thể là một niềm hy vọng đáng cậy dựa vào. Ngày nay, niềm hy vọng của chúng ta bị công kích tư bề, và ngay cả chúng ta cũng có nguy cơ sống như dân ngoại, như thánh Phaolô đã nói cho các Kitô hữu thành Êphêsô:"không có hy vọng và không có Thiên Chúa trong thế giới này" (Eph 2, 12)."Có lẽ khó khăn sâu xa nhất cho nỗ lực giáo dục chân thực chính là ở điểm này: thực sự, cội rẽ của cuộc khủng hoảng hệ tại ở cuộc khủng hoảng về lòng tín thác vào sự sống", mà cơ bản không gì khác hơn là không tín thác vào Thiên Chúa đấng mời gọi chúng ta hưởng sự sống. Trong việc giáo dục giới trẻ, gia đình đóng một vai trò hết sức là cần thiết. Gia đình thường gặp khó khăn trong việc đối diện với những thách đố của giáo dục; họ thường không có khả năng đóng góp hoặc không có mặt. Sự ân cần và nỗ lực của anh em cho giới trẻ vốn là đặc điểm đoàn sủng của Don Bosco cũng phải được dấn thân y như thế để mời gọi và đào luyện các gia đình. Vì thế, sứ vụ của anh em phải dứt khoát mở ra cho mục vụ gia đình. Chăm sóc gia đình không có nghĩa là khiến anh em không làm việc với giới trẻ nữa; trái lạ, điều đó có nghĩa là làm cho mục vụ giới trẻ nên bền vững và hữu hiệu hơn. Như thế, cha khuyến khích anh em đào sâu các hình thức dấn thân này mà anh em đã đề ra; điều đó sẽ thật ích lợi cho việc giáo dục và rao giảng tin mừng cho giới trẻ.

Trước rất nhiều trách vụ như thế, Hội Dòng anh em phải bảo đảm các hội viên của mình có được một nền đào luyện thật vững mạnh. Giáo Hội rất cần đến những con người có được một đức tin vững chắc và sâu xa, một sự huấn luyện biết cập nhật về văn hoá, một cảm thức bén nhậy và một ý thức mục vụ thật mạnh mẽ. Chỉ như thế ta mới có thể rao giảng tin mừng một cách thật hữu hiệu, loan báo Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô và niềm vui của sự sống. Vì thế, Hội Dòng của anh em phải dấn thân cho nỗ lực đào luyện như là một trong những ưu tiên của mình. Hội Dòng phải tiếp tục hết sức để đào tạo các hội viên của mình và không bằng lòng ở mức độ tầm thường, vượt thắng những khó khăn của sự mỏng giòn trong ơn gọi, cổ võ việc linh hướng thật vững chắc và bảo đảm phẩm chất giáo dục và mục vụ trong đào luyện liên tục.

Cha kết thúc bằng cách tạ ơn Thiên Chúa vì có được đoàn sủng của anh em trong việc phục vụ Giáo Hội. Cha khuyến khích anh em cố gắng đạt tới những mục tiêu Tổng Tu Nghị anh em đề ra cho toàn thể Hội Dòng. Cha bảo đảm cầu nguyện cho anh em để áp dụng được những gì Chúa Thánh Thần gợi lên cho anh em vì phần ích của giới trẻ, của gia đình và của mọi người đời tham gia vào tinh thần và sứ mệnh của Don Bosco. Với tâm tình này và để có được muôn phúc lành từ trời cao, giờ đây cha ban Phép Lành Tông Toà đặc biệt cho anh em.


Vatican, Điện Clementin, ngày 31 tháng 3 năm 208


tải về 1.17 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương