Da mihi animas, cetera tolle” Văn kiện Tổng Tu nghị cg26 – ttn 26 Roma, 23. 02 – 12. 04. 2008 CÔng báo ban tổng cố VẤN


Hai hình thức của ơn gọi thánh hiến Salêdiêng



tải về 1.17 Mb.
trang5/14
Chuyển đổi dữ liệu23.04.2018
Kích1.17 Mb.
#37072
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

59 Hai hình thức của ơn gọi thánh hiến Salêdiêng

Nhiều Hội viên Salêdiêng linh mục sống tác vụ của mình để phục vụ thanh thiếu niên, với phong cách giáo dục trung thành với những trực giác của Don Bosco. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng ta bắt gặp một thứ mục vụ chung chung và đảm nhận một phần của chân tính đoàn sủng. Điều này mời gọi chúng ta phải luôn xác định rõ ràng hơn nữa những tiến trình của việc đào luyện chuyên biệt.

Ơn gọi của Hội viên Salêdiêng sư huynh thường không được hiểu rõ, vì ít được nhìn thấy và hiếm khi được trình bày. Ngòai ra, điều này còn hệ tại ở việc ủy thác vai trò cho Hội viên Salêdiêng sư huynh thường ưu tiên hướng đến việc điều hành và không trực tiếp hướng tới việc mục vụ giới trẻ. Trong các đệ tử viện, tiền nhà tập và nhà tập, hình ảnh Hội viên Salêdiêng sư huynh không luôn được trình bày với sự nhấn mạnh thích đáng. Trong một số bối cảnh, còn có định kiến cho rằng ơn gọi Salêdiêng linh mục quan trọng hơn ơn gọi Salêdiêng sư huynh. Việc suy giảm sự hiện diện của chúng ta nơi công nhân trẻ cũng tác động cách tiêu cực trên việc giới thiệu ơn gọi Salêdiêng sư huynh.

Trái lại, ở đâu có con số đáng kể các Hội viên Salêdiêng sư huynh có năng lực về văn hóa và chuyên môn, được đặt vào những vai trò trách nhiệm, ở đó ơn gọi Salêdiêng sư huynh được tỏ lộ và nhờ đó khơi dậy nơi người trẻ ước muốn theo đuổi ơn gọi Salêdiêng sư huynh. Một nhân tố tích cực khác là trong tất cả các Vùng, giai đoạn đào luyện chuyên biệt Salêdiêng sư huynh đã nảy sinh.



ĐƯỜNG HƯỚNG HÀNH ĐỘNG

60 Tiến trình phải thực hiện nhằm thay đổi

Để đối diện với những đòi hỏi của Tiếng Chúa gọi và những thách đố đến từ hiện trạng, và để thực hiện những đường hướng hành động sau đây, chúng ta cần hoán cải não trạng và thay đổi các cơ cấu, bằng cách chuyển đổi :

- từ việc suy nghĩ mình là người khởi xướng việc sinh động ơn gọi sang lối suy nghĩ khiêm tốn nhìn nhận mình là trung gian cho hành động của Thiên Chúa;

- từ việc đề xuất tùy dịp và chung chung sang một kế hoạch thấu đáo và có chủ đích nhằm tạo nên nền văn hóa ơn gọi;

- từ việc sinh động ơn gọi do mình thực hiện sang những kế hoạch được chia sẻ với các nhóm trong Gia Đình Salêdiêng và Giáo Hội địa phương;

- từ việc lập kế họach sinh động ơn gọi để đáp lại vấn đề thiếu ơn gọi sang việc ham thích giúp người trẻ khám phá kế họach của Thiên Chúa;

- từ một não trạng trao phó việc sinh ơn gọi cho một vài người sang não trạng mời gọi mỗi hội viên, cộng thể và người đời tham gia;

- từ việc sinh động ơn gọi tách khỏi mục vụ giới trẻ sang việc sinh động được hiểu và sống như là đỉnh điểm của chính mục vụ giới trẻ.

ĐƯỜNG HƯỚNG HÀNH ĐỘNG 8

Chứng tá, lời mời gọi đầu tiên

61 Can đảm và hân hoan làm chứng cho vẻ đẹp của đời sống thánh hiến hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa trong sứ mệnh giới trẻ.

62 Người Salêdiêng

- gìn giữ ý thức sống động về hồng ân của ơn gọi mình, đảm nhận thái độ tri ân khi gặp gỡ Thiên Chúa;

- nỗ lực làm chứng về đời sống hân hoan và khi có cơ hội, chia sẻ về lịch sử ơn gọi của mình;

- chăm sóc việc trung thành với ơn gọi của mình bằng cách liên tục nhờ đến việc đồng hành thiêng liêng; trong những thời điểm khó khăn, cũng vận dụng những hỗ trợ được các khoa học nhân văn cống hiến;

- hàng ngày cầu nguyện cho ơn gọi;

- trong tuổi già và trong thời gian ốm đau, biến sự nhẫn nại do những bất tiện và đau khổ đòi hỏi, thành sự hiến dâng phó thác cho các ơn gọi.



63 Cộng thể

- mở cửa tiếp đón người trẻ, cách riêng những em muốn phân định ơn gọi, mời gọi các em chia sẻ những thời điểm chính của đời sống cộng thể;

- nâng đỡ sự trưởng thành tình cảm của các hội viên; cách riêng giúp họ trong những thời điểm khó khăn;

- hàng năm thực hiện việc duyệt xét chứng tá đời sống của mình;

- đề xuất những dịp cầu nguyện cho ơn gọi, cũng mời gọi người trẻ tham gia.

64 Tỉnh dòng

- cỗ võ nơi các hội viên một cảm thức thuộc về mãnh liệt để làm chứng về giá trị của đời sống và làm việc chung.



ĐƯỜNG HƯỚNG HÀNH ĐỘNG 9

Ơn gọi dấn thân tông đồ

65 Khơi dậy nơi người trẻ quyết tâm dấn thân tông đồ vì Nước Thiên Chúa, với lòng đam mê da mihi animas cetera tolle, và cổ võ việc đào luyện của họ.

66 Người Salêdiêng

- xác tín rằng mỗi người trẻ đều có sứ mệnh được Thiên Chúa ủy thác, và đồng hành với họ để khám phá sứ mệnh đó.



67 Cộng thể

- khai triển đề xuất về việc sinh động ơn gọi thích hợp với hoàn cảnh, mời gọi Cộng đoàn giáo dục mục vụ và Gia Đình Salêdiêng tham gia, đồng thời quan tâm tới những chọn lựa của Giáo hội địa phương và bảo đảm nguồn tài chánh thích hợp;

- chăm sóc việc mục vụ gia đình, qua những kinh nghiệm gặp gỡ, suy tư, cầu nguyện, ngõ hầu các phụ huynh rộng mở trước ơn gọi của con cái;

- đề cao những nguồn lực tông đồ và ơn gọi nơi các đoàn thể, tổ chức tình nguyện và sinh động truyền giáo.

- sử dụng những cơ hội được năm phụng vụ cống hiến cho việc sinh động ơn gọi;

- thâm tín trình bày diện mạo của người Cộng tác viên Salêdiêng, như là đề xuất về ơn gọi tông đồ giáo dân.



68 Tỉnh dòng

- khai triển đề xuất về việc sinh động ơn gọi trong kế hoạch giáo dục mục vụ của tỉnh dòng;

- đảm bảo những điều kiện để giám đốc có thể thực thi vai trò thứ nhất của mình là sinh động ơn gọi và củng cố diện mạo của người điều phối mục vụ trong từng công cuộc;

- cống hiến cho người trẻ những kinh nghiệm về việc phục tông đồ, đoàn thể và tổ chức tình nguyện;

- cộng tác với các nhóm trong Gia Đình Salêdiêng, Giáo Hội địa phương và các hội dòng sống đời thánh hiến trong việc cổ võ ơn gọi;

- cổ vũ việc cập nhật của các hội viên Salêdiêng và người đời đồng trách nhiệm về việc phân định ơn gọi và đồng hành;

- đầu tư nguồn lực tài chánh và nhân lực tương xứng cho những sáng kiến trong việc sinh động ơn gọi.

ĐƯỜNG HƯỚNG HÀNH ĐỘNG 10

Đồng hành với các ứng sinh của đời sống thánh hiến Salêdiêng

69 Minh nhiên đề xuất đời thánh hiến Salêdiêng và cổ võ những hình thức mới của việc đồng hành ơn gọi và đệ tử viện.

70 Người Salêdiêng

- học hỏi để nhận ra các dấu chỉ ơn gọi người trẻ tỏ lộ và tha thiết đề xuất đời sống thánh hiến Salêdiêng cho họ;

- sẵn sàng cho việc đồng hành thiêng liêng và quan tâm đến việc chuẩn bị mình.

71 Cộng thể

- tổ chức các gặp gỡ và các nhóm ơn gọi với tiến trình phân định và đồng hành;

- mời gọi những người trẻ sẵn sàng tham gia những đề xuất của tỉnh dòng trong việc phân định về đời sống thánh hiến Salêdiêng;

- đề cao những ngày lễ và kỷ niệm các thánh của chúng ta, cũng như những kỷ niệm khấn dòng và truyền chức linh mục, là dịp sinh động ơn gọi;

- khuyến khích việc chia sẻ những kinh nghiệm nhằm đồng hành với người trẻ trên hành trình ơn gọi.

72 Tỉnh dòng

- nghiên cứu khả năng mở những hình thức mới của đệ tử viện nhằm có một hay nhiều cộng thể thực hiện việc đồng hành ơn gọi với các ứng sinh trẻ;

- cổ võ việc suy tư và cộng tác giữa mục vụ giới trẻ và đào luyện;

- đề xuất những sáng kiến sinh động ơn gọi cho mọi lứa tuổi đang tăng triển, đặc biệt lưu tâm đến sự trưởng thành tình cảm;

- cộng tác với các nhóm thánh hiến trong Gia Đình Salêdiêng nhằm cùng đề xuất ơn gọi với thanh thiếu nữ;

- tiên liệu những đề xuất ơn gọi đặc biệt với thanh thiếu niên di dân thuộc gia đình Công giáo hoặc thuộc dân tộc thiểu số và thanh thiếu niên bản xứ;

- trong việc phân định ơn gọi, đặc biệt quan tâm tới những tiêu chuẩn được nêu lên trong Ratio;

- mời gọi hội viên trẻ tham gia vào việc sinh động ơn gọi ở cấp địa phương và cấp tỉnh.



73 Cha Bề Trên Cả và Ban Cố Vấn ngài

- qua Ban Mục Vụ Giới Trẻ và Đào Luyện, cổ võ việc suy tư về những hình thức mới của đệ tử viện và việc đồng hành thiêng liêng, và cống hiến những hướng dẫn thích hợp cho các tỉnh dòng;

- qua Ban Đào Luyện, Mục Vụ Giới Trẻ và Truyền Giáo, nghiên cứu những vấn đề liên quan tới tuổi của các ứng sinh, các tiến trình đặc biệt dành cho những ơn gọi bản xứ, những tiêu chuẩn cho việc tiếp nhận các ứng sinh đến từ những kinh nghiệm ơn gọi khác.
ĐƯỜNG HƯỚNG HÀNH ĐỘNG 11

Hai hình thức của ơn gọi thánh hiến Salêdiêng

74 Cổ võ tính bổ sung và chuyên biệt của hai hình thức thuộc cùng một ơn gọi Salêdiêng duy nhất, đảm nhận và canh tân nỗ lực cổ võ ơn gọi Salêdiêng sư huynh.

75 Người Salêdiêng

- đề cao và cổ võ tính duy nhất của ơn gọi thánh hiến Salêdiêng trong những hình thức bổ sung của mình;



76 Cộng thể

- đồng hành với các hội viên có chức thánh (linh mục và phó tế) để tác vụ của họ thấm nhuần đoàn sủng giáo dục, ưu tiên thực hiện những hoạt động mục vụ trực tiếp hướng đến thanh thiếu niên;

- tạo điều kiện cho các hội viên sư huynh hiện diện giữa thanh thiếu niên qua vai trò sinh động giáo dục mục vụ, chứ không chỉ trong lãnh vực tổ chức và quản trị;

- quảng bá diện mạo Salêdiêng Sư huynh, bằng cách giới thiệu những mẫu gương nổi bật của ơn gọi này.



77 Tỉnh dòng

- cử hành lễ Tuyên khấn Trọn đời như là dịp để đào sâu và đề xuất tính bổ sung của hai hình thức trong ơn ọi Salêdiêng;

- khi có thể, cổ võ sự hiện diện của Salêdiêng Sư huynh trong các việc phục vụ khác nhau nhau của việc sinh động tỉnh dòng, cách riêng trong việc sinh động ơn gọi và trong ban đào luyện tỉnh;

- yểm trợ việc đào luyện chuyên biệt Salêdiêng Sư Huynh, được thực hiện trên cấp Vùng hay Liên Vùng.



78 Cha Bề Trên Cả và Ban Cố vấn ngài

- cổ võ việc suy tư nghiêm chỉnh và cập nhật về tính bổ sung và chuyên biệt của hai hình thức trong ơn gọi thánh hiến Salêdiêng của Tu Hội.



IV. NGHÈO KHÓ PHÚC ÂM

"Nếu anh muốn nên hoàn thiện,



thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo,

anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19, 21)

TIẾNG CHÚA MỜI GỌI

Don Bosco đã sống đức nghèo khó với lòng siêu thoát và quảng đại phục vụ anh em. Lối sống của ngài ghi đậm dấu khắc khổ, cần mẫn và giàu sáng kiến.

Theo gương ngài, chúng ta cũng sống siêu thoát khỏi mọi của cải trần gian, và tích cực tham dự vào sứ mệnh của Hội Thánh, vào nỗ lực của Hội Thánh cho công lý và hòa bình, đặc biệt qua việc giáo dục những kẻ nghèo khổ.

Chứng tá nghèo khó của chúng ta, được thể hiện trong sự hiệp thông của cải, giúp thanh thiếu niên vượt thắng bản năng chiếm hữu ích kỷ và mở lòng chúng tới tinh thần chia sẻ kitô hữu. (HL 73)

79 Chứng tá cá nhân và cộng thể

Đảm nhận thân phận con người, Chúa Giêsu đã chọn sinh ra và sống nghèo khó, hoàn toàn phó thác vào Chúa Cha và chia sẻ tình trạng sống của người nghèo. Ngài công bố họ là người hạnh phúc vì được đón nhận Tin Mừng và thừa hưởng Nước Trời. Ngài kêu gọi một số người bỏ tất cả mọi sự để đi theo sát Ngài hơn, bằng đời sống mình, loan báo Thiên Chúa là sự giàu có đích thực của họ. Nghèo khó của người Salêdiêng xuất phát từ lời mời gọi này, biểu lộ sự tín thác vào Chúa Cha, sự gần gũi và phục vụ người nghèo, sự hạnh phúc của đời sống đầy ấp tình yêu Thiên Chúa và anh em.

Xuất thân từ thân phận thấp hèn, ngay từ khi còn nhỏ, Don Bosco đã kinh nghiệm những bất tiện và giá trị của đời sống nghèo khó. Dưới mái trường của Mẹ Magarita, ngài đã học được sự ham thích lao động và thanh đạm, thanh thản trong những thử thách và liên đới với những người thiếu thốn. Hoàn toàn tín thác vào Chúa Quan Phòng, ngài đã quyết định sống nghèo khó và tiêu hao mọi năng lực của mình cho thanh thiếu niên được Thiên Chúa gửi đến cho ngài : "Vì các con cha học hỏi, vì các con cha làm việc, vì các con cha sống, vì các con cha sẵn sàng hiến dâng cả đến mạng sống." (HL 14). Thái độ tách mình khỏi những gì làm ta vô cảm đối với Thiên Chúa và ngăn cản sứ mệnh là ý nghĩa sâu xa của cetera tolle và tạo nên tiêu chuẩn để lượng giá cách chúng ta sống khó nghèo.

Biểu hiện đầu tiên của khó nghèo là hoàn toàn dâng hiến mình cho Thiên Chúa, sẵn sàng cho những nhu cầu của thanh thiếu niên; điều này bao hàm việc từ bỏ chính mình và những dự tính cá nhân để chia sẻ kế hoạch của cộng thể. Nhận thức về lời cảnh báo của Don Bosco về tiện nghi và an nhàn, chúng ta được mời gọi sống đời khắc khổ, làm việc không mỏi mệt, nhưng không rơi vào duy họat động, giữ cõi lòng tự do đối với sự dính bén với của cải và phương tiện. Cách riêng, cộng thể cảm thấy mình được mời gọi tìm kiếm những hình thức chứng tá để diễn tả đức khó nghèo cách khả tín và có tính ngôn sứ.



80 Liên đới với người nghèo

Do ơn gọi của mình, chúng ta được mời gọi vun trồng thái độ chăm chú lắng nghe và tham dự vào tiếng kêu của người nghèo và đề xuất cho họ việc công bố Nước Trời là nền tảng của niềm hy vọng chân thực và men cho một thế giới mới. Điều này đòi hỏi chúng ta phải ưu tiên chọn lấy thanh thiếu niên nghèo khổ hơn, quan tâm đến những nhu cầu của các em, chia sẻ hoàn cảnh của các em, vượt thắng não trạng ban phát và cha chú, và quyết tâm giúp các em trở thành những người tiên phong và chủ động trong việc thăng tiến bản thân.

Trung thành với đoàn sủng chúng ta, chúng ta không hài lòng với việc cống hiến những trợ giúp trực tiếp, nhưng còn muốn kết án và chống lại những nguyên nhân của sự bất công, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa liên đới, giáo dục ý thức đạo đức, quyền công dân tích cực, tham gia chính trị, tôn trọng môi trường, đề xuất những sáng kiến và kế hoạch can thiệp, cộng tác với những cơ quan và tổ chức nhằm thăng tiến đời sống. Quyết tâm này đòi hỏi chúng ta phải canh tân nơi các cộng thể và môi trường giáo dục thái độ nhạy cảm về những đề tài đó và vượt thắng chủ nghĩa hưởng thụ đang gây nên sự dửng dưng trước thảm cảnh nghèo khổ trên thế giới.

81 Quản trị các tài sản với tinh thần trách nhiệm và liên đới

Don Bosco nhắc nhở chúng ta rằng "những gì chúng ta có không phải là của chúng ta, nhưng thuộc về người nghèo" (HL 79). Việc thực hành đức nghèo khó đòi hỏi chúng ta phải quản tài sản được trao phó cho chúng ta phù hợp với mục tiêu của sứ mệnh, với tinh thần trách nhiệm, trong sáng và liên đới. Ngoài ra, điều này cũng có nghĩa là phải giữ sổ sách phân minh đầy đủ, sử dụng cách hợp lý và tối ưu những bất động sản, việc tìm kiếm những nguồn tài chánh cần thiết nhằm đảm bảo sự tự túc của các công cuộc, tôn trọng những quy luật trong hợp đồng lao động, chú ý tới tình trạng của bối cảnh xã hội chúng ta đang sống, tái khám phá giá trị của lòng quảng đại trong việc tiếp khách, một số dịch vụ vay mượn và sự liên đới với các cộng thể, tỉnh dòng và Tu Hội.

Những thách đố đến từ tình trạng phi pháp tràn lan, sự bất công trên toàn cầu và việc chiếm hữu của cải của một số người, kêu gọi chúng ta phản đối những gương mù đó và phát triển nền văn hóa về điều thiết yếu, việc phân phối công bằng các tài nguyên và giúp đỡ sự phát triển. Như vậy, nghèo khó trở thành một giá trị giáo dục mãnh liệt : nó khẳng định sự trổi vượt của "cái là" trên "cái có", thực hiện được tình liên đới Ki tô hữu đích thực với người nghèo khổ và chống lại những lối sống hưởng thụ.



HIỆN TRẠNG

82 Chứng tá cá nhân và cộng thể

Nói chung, các hội viên cống hiến chứng tá làm việc quảng đại, tự hiến vô vi lợi cho đến tuổi già, đặt tất cả những gì mình là và mình có để phục vụ người nghèo; cho dù số hội viên giảm sút, các cộng thể vẫn thực hiện nhiều công cuộc ở các trận tuyến khác nhau.

Tuy nhiên, đôi khi chúng ta có nguy cơ giản lược việc thực hành nghèo khó vào việc lệ thuộc bề trên; chúng ta cũng ghi nhận việc sử dụng tiền bạc và tài khoản cá nhân không hợp luật. Sự thanh đạm không có trong ăn uống, nhà cửa, đi lại, phương tiện truyền thông, tổ chức thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe. Trong một số nơi, còn có sự dính bén quá đáng và trợ giúp gia đình riêng, không nhất quán với lời khấn khó nghèo.

Trong nhiều cộng thể có chia sẻ của cải và trợ giúp các gia đình nghèo khổ. Có hội viên góp tay vào việc chăm sóc và bảo trì nhà cửa, nhưng việc sử dụng nhân viên được trả lương có nguy cơ làm suy giảm sự đồng trách nhiệm trong việc phục vụ chung. Thiếu tham gia vào việc quản trị tài chánh cộng thể và việc thiếu thông tin làm cho một số hội viên không ý thức đến khó khăn của cộng thể, giá cả sinh hoạt, những vấn đề người nghèo phải đối diện hàng ngày. Việc duyệt xét khó nghèo [scrutinium pauptertatis] không luôn thành công trong việc điều chỉnh những thực hành sai lạc.

Trong việc đào luyện ban đầu, đôi khi thiếu quan tâm đến khó nghèo phúc âm được sống cách cụ thể trong đời sống hàng ngày: các hội viên biết những đòi buộc của lời khấn khó nghèo, nhưng không học biết cách suy nghĩ và sống thực sự như người nghèo.

83 Liên đới với người nghèo

Chúng ta thực nhiều can thiệp nhằm đáp lại những hình thức nghèo khó trầm trọng, như việc tiếp đón di dân, các dự án giúp thăng tiến, trợ giúp nạn nhân chiến tranh và thiên tai, thăng tiến nhân bản nơi các lãnh địa truyền giáo. Việc làm quan trọng là chúng ta thực hiện nơi cách trường học để giáo dục về những đòi hỏi của sự công bằng và hoà bình; nơi các trường học chúng ta cống hiến nền văn hóa của tình liên đới với những sáng kiến nhằm phục vụ người nghèo khổ và bị khai trừ. Chúng ta làm việc cho người nghèo, nhưng đôi khi ở bên cạnh họ và cùng với họ : không luôn thực sự quan tâm tới việc ủng hộ vai trò chủ động của họ trong các kế hoạch phát triển. Chúng ta ghi nhận có vài hội viên chống lại việc đi đến với thanh thiếu niên nghèo khổ và tận hiến mình cho những hiện diện mới trên trận tuyến nghèo khó của thanh thiếu niên.

Các cơ cấu đồ sộ, đôi khi không còn có ý nghĩa đối với bối cảnh xã hội, các phương tiện thường đắt giá và hào nhoáng, việc sử dụng tiền bạc không đúng, có nguy cơ không cống hiến chứng tá nghèo khó trong cộng thể và công cuộc. Một số công cuộc, khi bắt đầu, hướng tới người nghèo, nhưng dần dần hướng tới tầng lớp trung lưu.

84 Quản trị các tài sản với tinh thần trách nhiệm và liên đới

Có nhiều nỗ lực theo đuổi sự trong sáng trong việc quản trị, nhất là trong việc thận trọng soạn thảo bảng cân đối thu chi, sử dụng tốt hơn các cơ sở vật chất, tôn trọng ngày càng hơn luật hiện hành, sự liên đới thực sự trên cấp tỉnh. Chúng ta khuyến khích các ân nhân riêng tư, các tổ chức Giáo hội và dân sự tiếp tục tín nhiệm việc làm của chúng ta và rộng lượng hỗ trợ các công cuộc của chúng ta.

Đối với việc quản trị các nguồn tài chánh, chúng ta không luôn có đủ năng lực cần thiết; cho dù có nỗ lực chuẩn bị các quản lý, không phải tất cả đều có được sự chuẩn bị thích đáng. Việc lập bảng dự trù thu chi ít được phổ biến. Trong tương quan với những người thuộc quyền, đôi khi chúng ta ghi nhận có lối hành sử theo kiểu chủ nhân ông, ít tôn trọng phẩm giá của họ; chúng ta luôn cần được nhắc nhở về việc thực hành sự công bằng xã hội thích đáng đối với họ. Cũng có khó khăn khi mời gọi người đời đồng trách nhiệm trong các quyết định quản trị.

Những nhu cầu và sự phức tạp ngày càng tăng của một số hoạt động có nguy cơ biến công cuộc Salêdiêng thành doanh nghiệp, có nguy cơ chỉ hoàn toàn nhắm đến việc điều hành và hiệu năng, nhất là khi mục tiêu mục vụ bị suy yếu. Khi thực hiện những dự án lớn, liên quan tới các cơ cấu mới và tái bố trí, có nguy cơ phí phạm năng lực, thời giờ và tiền bạc.



ĐƯỜNG HƯỚNG HÀNH ĐỘNG

85 Tiến trình phải thực hiện nhằm thay đổi

Để đối diện với những đòi hỏi của Tiếng Chúa gọi và những thách đố đến từ hiện trạng, và để thực hiện những đường hướng hành động sau đây, chúng ta cần hoán cải não trạng và thay đổi các cơ cấu, bằng cách chuyển đổi :

- từ lối dấn thân tông đồ ít xác tín sang việc trao hiến vô điều kiện cho những nhu cầu của sứ mệnh;

- từ thái độ quý trọng lý thuyết và tuân giữ hình thức đối với nghèo khó sang việc thực hành hữu hiệu và tự do nội tâm chân thực trong tinh thần các Mối Phúc.

- từ sự hiểu biết khái quát và tách khỏi những hoàn cảnh nghèo khổ sang sự liên đới cụ thể liên đới với người nghèo và dấn thân nhiều hơn cho công bằng xã hội;

- từ não trạng cục bộ địa phương và khép kín sang sự liên đới trên cấp tỉnh và thế giới;

- từ khả năng không thích đáng sang việc tiếp cận chuyên môn hơn trong quản trị;

- từ não trạng ông chủ trong việc quản trị tài sản sang ý thức mình chỉ là người quản lý các tài sản trao phó cho mình.

ĐƯỜNG HƯỚNG HÀNH ĐỘNG 12

Chứng tá cá nhân và cộng thể

86 Cống hiến chứng tá khả tín và can đảm về đức khó nghèo Phúc âm, được cá nhân và cộng thể sống theo tinh thần Da mihi animas cetera tolle.

87 Người Salêdiêng

- vun trồng sự siêu thoát nội tâm bằng cách nhớ lại lời dạy dỗ của Don Bosco “phải có đức nghèo khó trong lòng mới có thể thi hành”;

- biểu lộ đức khó nghèo của mình qua làm việc tận tụy và hy sinh, liên tục, tránh sự biếng nhác hay hoạt động điên cuồng; cũng sẵn sàng làm việc và phục vụ nhà;

- chăm sóc sức khỏe và chương trình, phù hợp với cộng thể, những thời gian nghỉ ngơi thích hợp.

- sống tiết độ như Don Bosco mong muốn, qua lối sống giản dị về ăn uống, quần áo, đi lại, đồ dùng, sử dụng các dụng cụ làm việc, phương tiện truyền thông và thời giờ, với thái độ trưởng thành, chấp nhận những bất tiện khi thiếu những gì hữu dụng hoặc cần thiết;

- tái khám phá những đòi hỏi của sự lệ thuộc bề trên và cộng thể (xem HL 75) và chia sẻ của cải như Hiến Luật đỏi hỏi (xem HL 76); báo cáo những điều nhận được với bất cứ danh nghĩa nào.



88 Cộng thể

- đảm bảo cho các hội viên biết và thi hành những điều Nội Quy Tỉnh ấn định - phần nghèo khó và quản trị, cách riêng những quy định liên quan tới việc cá nhân sử dụng tài sản và dụng cụ kỹ thuật;

- hằng năm thực hiện việc duyệt xét khó nghèo [scrutinium papertatis] nhắm đến chứng tá khả tín hơn;

- chuẩn bị ngân sách dự trù hàng năm, trình bày bảng cân đối thu chi, đều đặn thông báo cho các hội viên về tình trạng tài chánh và giúp họ nhạy bén về giá cả sinh hoạt; theo thời gian quy định, trao số tiền quản trị còn dư cho tỉnh dòng (xem QC 197).



89 Tỉnh dòng

- soạn thảo kế hoạch liên đới tài chánh nhằm đảm bảo việc phân phối quân bình các nguồn và ấn định những tiêu chuẩn nhằm đảm bảo mức sống chung cho các cộng thể;

- bảo đảm có sự tương hợp giữa những ấn định về khó nghèo được đề xuất cho các hội viên trong thời kỳ đào luyện ban đầu và việc thực hành cụ thể của từng hội viên và cộng thể.

ĐƯỜNG HƯỚNG HÀNH ĐỘNG 13

Liên đới với người nghèo

90 Phát triển nền văn hóa liên đới với người nghèo trong bối cảnh địa phương.

91 Cộng thể

- biểu lộ sự liên đới với người nghèo không chỉ qua việc từ thiện, nhưng còn qua những chọn lựa có tác động trên lối sống của cộng thể;

- cộng tác với cộng đoàn giáo dục mục vụ, giáo dục về nền văn hóa của sự liên đới, giúp thanh thiếu niên có được tinh thần phê phán để giải thích những hiện tượng kinh thế và xã hội của thời đại chúng ta, mời gọi họ tham gia vào những sáng kiến và chương trình thăng tiến và phát triển, khích lệ họ gắn bó với những hoạt động công bằng và liên đới;

- giáo dục về việc tôn trọng sự khác biệt chủng tộc và tôn giáo, và cổ vũ tinh thần liên đới huynh đệ.




tải về 1.17 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương