CỤc bảo tồN Đa dạng sinh học giới thiệu một số loài sinh vật ngoại lai xâm hạI Ở việt nam hà Nội 2011 danh sách nhóm soạn thảO



tải về 410.5 Kb.
trang12/12
Chuyển đổi dữ liệu24.09.2017
Kích410.5 Kb.
#33317
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12

28. CÂY CÚC LEO (Mikania micrantha)


Tên tiếng Việt khác: không có

A. Nguồn gốc và đặc điểm hình thái

Nguồn gốc: Vùng Trung và Nam Mỹ.

Đặc điểm hình thái

Cây Cúc leo là loài thân leo lâu năm, có thân mảnh và phân cành. Lá mọc đối dọc theo thân leo có hình tim hoặc tam giác, đầu lá nhọn và phần gần cuống rộng, lá dài 4 - 13 cm. Hoa có kích thước nhỏ 3 - 5 mm, màu trắng tới xanh trắng, mọc thành các ngù dày đặc. Hạt cây Cúc leo có màu đen, thuôn dài khoảng 2 mm, có 5 góc cạnh. Mỗi hạt có lớp màng hoặc lông nhỏ màu trắng giúp cho việc phát tán nhờ gió hoặc bám vào lông động vật.





Hình 43. Cây Cúc leo ra hoa Hình 44. Hạt Cúc leo

B. Đặc điểm sinh thái và tác hại

Cây Cúc leo có thể lan rộng với tốc độ nhanh, leo và bện chặt vào thân cây, tường và hàng rào. Khả năng sinh sản vô tính của loài cũng rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, Cúc leo không phải là loài ưa sáng và chỉ nhanh chóng vươn lên chiếm lĩnh những nơi mở tán. Loài này phát triển tốt nhất ở những nơi đất giàu dinh dưỡng, nhiều chất mùn hữu cơ, độ ẩm cao.

Cây Cúc leo có thể gây hại hoặc làm chết các loài thực vật khác bằng cách che phủ và chiếm nguồn ánh sáng mặt trời. Bên cạnh đó, loài này cũng cạnh tranh với các loài khác nguồn dinh dưỡng, nước và tiết chất ức chế sự phát triển của các loài cây khác ở kề cận.

Cây Cúc leo là một trong những loài cỏ dại nguy hiểm nhất đối với cây trồng cạn như các trang trại chè tại Ấn Độ và Inđônêxia, rừng cao su tại Sri Lanka và Malaixia, vườn ươm dừa ở Samoa, gây hại nghiêm trọng đối với các cây cọ dầu, chuối, ca cao, các loại cây trồng lâm nghiệp và đồng cỏ ở Philíppin, Inđônêxia, Malaixia.



C. Biện pháp phòng ngừa, kiểm soát

Cây Cúc leo là loài cỏ dại khó diệt trừ do loài này có khả năng sinh sản rất mạnh mẽ: sản sinh rất nhiều hạt và khả năng tái sinh cao. Biện pháp thích hợp được sử dụng nhiều là phun thuốc diệt cỏ như glyphosate. Ngoài ra cũng đã có những thử nghiệm diệt Cúc leo bằng các loài côn trùng gây hại như Liothrips mikaniae, Teleonemia sp., Acalitus sp. và nấm gây bệnh.



D. Phân bố ở Việt Nam

Cây Cúc leo gặp nhiều tại các tỉnh vùng Đông Bắc, Đắk Lắk, Bình Thuận, Kiên Giang và Đồng Nai.



E. Thông tin ghi nhận xâm hại trên thế giới

Cây Cúc leo được ghi nhận là loài ngoại lai xâm hại tại các nước châu Á như Malaixia, Sri Lanka, Ấn Độ.



29. TRINH NỮ MÓC (Mimosa diplotricha)


Tên tiếng Việt khác: Trinh nữ thân vuông, Cây xấu hổ thân vuông

A. Nguồn gốc và đặc điểm hình thái

Nguồn gốc: Braxin

Đặc điểm hình thái

Trinh nữ móc là loài cây leo, thân bụi 1 năm hoặc có thể sống lâu năm. Thân của loài này tụm lại thành bó, bò trườn lên trên các loài cây khác. Cây Trinh nữ móc có thân 4 góc, mỗi góc có gai móc nhọn. Lá kép lông chim, màu xanh, mỗi lá có khoảng 20 cặp lá chét và có khả năng khép lại khi bị tác động giống như cây xấu hổ hoặc khép lại vào ban đêm.



B. Đặc điểm sinh thái và tác hại

Trinh nữ móc phát triển tốt nhất ở vùng nhiệt đới, nơi có độ ẩm cao và đất giàu dinh dưỡng; ở nơi nhiều ánh sáng mặt trời. Hạt Trinh nữ móc được phát tán theo dòng nước, thiết bị máy móc hoặc do vận chuyển đất.





Hình 45. Thân Trinh nữ móc

Hình 46. Cành Trinh nữ móc mang hoa

Trinh nữ móc là loài cỏ dại nguy hiểm đối với cây trồng nông nghiệp, bao phủ chắn ánh sáng đối với các loài cây lâm nghiệp. Tại Công viên Quốc gia Kaziranga ở Đông Bắc Ấn Độ, Trinh nữ móc đã mọc thành một tấm màn gai góc che phủ lên thảm thực vật, ngăn cản các loài động vật tới kiếm ăn, hạn chế sự sinh trưởng và phát triển của các loài thực vật khác.

C. Biện pháp phòng ngừa, kiểm soát

Áp dụng biện pháp cắt, phát cây Trinh nữ móc thường xuyên khi cây còn non để ngăn chặn sự phát triển của cây và biện pháp này được đánh giá là đạt hiệu quả tốt nhất.

Sử dụng các loại thuốc diệt cỏ trước khi cây con mọc. Loài này không bị tác động bởi các loại thuốc xông hơi và thuốc diệt cỏ có thời gian tác động ngắn nhưng mẫn cảm với loại thuốc diệt cỏ có tính thẩm thấu như là sodium arsenite, fluroxypyr và glyphosate ở liều lượng bình thường.

Tại Bắc Queensland thuộc Úc, đã sử dụng tác nhân sinh học như bọ nhảy Heteropsylla spinulosa để diệt trừ cây Trinh nữ móc. Với số lượng đủ lớn, loài bọ này sẽ làm quăn đầu lá và ngọn Trinh nữ móc, dẫn tới giảm thiểu tối đa sự ra hoa. Những cây bị bọ nhảy tấn công cũng trở nên ít gai hơn và động vật ăn thực vật sẽ dễ ăn chúng hơn. Một loại nấm Corynespora cassiicola gây bệnh mọc nốt ở thân cũng có tính đặc hiệu diệt chết cây Trinh nữ móc.



D. Phân bố ở Việt Nam

Trinh nữ móc phân bố rộng tại 63 tỉnh/thành phố của Việt Nam.



E. Thông tin ghi nhận xâm hại trên thế giới

Cây Trinh nữ móc được ghi nhận là sinh vật ngoại lai xâm hại tại các nước như Ấn Độ, Úc.

30. CÂY MAI DƯƠNG (Mimosa pigra)


Tên tiếng Việt khác: Trinh nữ thân gỗ, cây Trinh nữ đầm lầy, Trinh nữ móng rồng

A. Nguồn gốc và đặc điểm hình thái

Nguồn gốc: Vùng nhiệt đới châu Mỹ từ Mêxicô đến Áchentina.

Đặc điểm hình thái

Cây Mai dương là loài cây thân bụi mọc thẳng, có nhiều cành, chiều cao đạt tới 3 m, có các gai hơi cong dài tới 0,5 cm. Lá cây có màu xanh sáng, dài 20 - 25 cm, kép lông chim, mang khoảng 15 cặp lá chét mọc đối và khi bị tác động vào hoặc buổi tối lá có thể cuộn lại. Hoa có màu hồng hoặc tím nhạt, kích thước nhỏ, mọc thành cụm, hoa hình cầu có đường kính tới 1 - 2 cm. Cụm hoa mọc trên các cuống hoa dài 2 - 3 cm, có 2 cụm hoa mọc tại mỗi nách lá. Quả có vỏ dày nhiều lông, mang 20 - 25 hạt, dẹt và mọc thành cụm ở nách lá, mỗi quả dài 6,5 - 7,5 cm và rộng 0,7 - 1 cm. Quả chuyển thành màu nâu khi chín và vỡ thành các đoạn nhỏ, mỗi đoạn mang 1 hạt. Hạt có màu nâu hoặc xanh ôliu, dẹt, dài 4 - 6 mm, rộng 2 mm.



Hình 47. Cây Mai dương Hình 48. Quả Mai dương

B. Đặc điểm sinh thái và tác hại

Cây Mai dương thích nghi, phát triển tại vùng khí hậu nhiệt đới, đặc biệt trên các khu đất ngập nước, các cánh đồng ngập nước, đồng bằng ven biển, các khu đất ven bờ sông. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, khi lượng mưa hàng năm lớn hơn 2.200 mm, tạo điều kiện thuận lợi cho cây Mai dương phát triển và xâm hại nghiêm trọng. Những nơi có lượng mưa hàng năm dưới 75 mm hoặc trên 2.250 mm thì loài này kém phát triển. Tại Úc và Việt Nam, cây Mai dương xâm lấn mạnh các khu đất ngập nước theo mùa.

Cây Mai dương dễ mọc và trở thành loài gây hại nguy hiểm vì hạt có khả năng nẩy mầm nhanh chóng tại những nơi đất trống, nhiều ánh sáng như ven rừng, dọc hai bên đường, trên bờ ruộng, thân đê, đập hồ chứa nước, theo bờ kênh, rạch, bờ sông và rãnh nước.

Cây Mai dương mọc dày đặc thành các bụi rậm với nhiều gai nhọn xung quanh các thủy vực, đã cản trở hoạt động của các loài động vật xuống uống nước, tiêu diệt hầu hết các loài thực vật, làm mất nơi sinh sống của nhiều loài chim và bò sát, làm giảm diện tích đồng cỏ. Cây Mai dương phát triển dày đặc hai bên bờ sông, khe suối, trên các bãi cạn của dòng sông, cản trở làm giảm tốc độ chảy của dòng nước và làm cản trở giao thông đường thủy. Ngoài ra, cây Mai dương còn xâm chiếm đất canh tác gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.



C. Biện pháp phòng ngừa, kiểm soát

Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp cây Mai dương với các hoạt động chủ yếu như: nhổ bỏ cây non, chặt đốn cây lớn và đốt, làm ngập nước khu vực cần diệt trừ cây Mai dương trong một thời gian nhất định tùy theo loại hình khu vực bị xâm hại (Vườn quốc gia, lòng hồ chứa, khu bảo tồn hay đất canh tác nông nghiệp) kết hợp với việc sử dụng thuốc trừ cỏ thích hợp như Roundup 480 EC, Ally 20DF.



D. Phân bố ở Việt Nam

Cây Mai dương xâm nhập vào Việt Nam từ những năm 1965, hiện nay đã tràn ngập rộng khắp tại 63 tỉnh/thành phố của Việt Nam.



E. Thông tin ghi nhận xâm hại trên thế giới

Cây Mai dương được ghi nhận là loài ngoại lai xâm hại tại Trung Quốc, Thái Lan, Úc, Lào.



31. KEO GIẬU (Leucaena leucocephala)


Tên tiếng Việt Khác: Cây Keo giậu, Keo đậu

A. Nguồn gốc và đặc điểm hình thái

Nguồn gốc: Mêxicô và Trung Mỹ.

Đặc điểm hình thái

Chi Keo giậu Leucaena được phân biệt với các loài họ Đậu ở chỗ bao phấn có các sợi lông nhỏ, có thể nhìn thấy bằng kính lúp. Keo giậu có đặc điểm khác biệt so với các loài khác cùng chi về đặc điểm có các lá chét và quả lớn mọc thành các cụm 5 - 20 quả. Keo giậu không có gai và có kích thước từ nhỏ tới trung bình, cao khoảng 3 - 15 m, đường kính thân 5 - 50 cm. Lá kép lông chim hai lần và có các tuyến hình tròn ở gốc lá. Lá chét có kích thước 9 - 16 mm x 2 - 4,5 mm, gần như không có cuống và mọc đối xứng. Hoa mọc thành cụm đường kính 12 - 21 mm, màu trắng kem, mỗi hoa mang 10 nhị đực. Quả mọc thành cụm dày đặc, kích thước dài 11 - 19 cm và rộng 1,5 - 2,1cm, dẹt, tự mở khi chín, mỗi quả mang 8 - 18 hạt. Keo giậu có 3 phân loài (dòng), trong đó dòng subsp. leucocephala và subsp. glabrata được trồng nhiều tại khắp các vùng nhiệt đới trên thế giới.





Hình 49. Cành Keo giậu mang hoa Hình 50. Quả và hạt Keo giậu

B. Đặc điểm sinh thái và tác hại

Keo giậu được xem là loài cỏ dại sống ở những nơi tán mở, nhiều ánh sáng, đất bạc màu. Keo giậu chưa được ghi nhận có khả năng xâm hại vào các khu rừng có tán kín. Keo giậu thích ứng tốt khi lượng mưa dao động từ 500 - 3.500 mm và mùa khô dài 6 - 8 tháng; Keo giậu thích nghi tốt với điều kiện vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt những nơi có mùa khô.

Tại một số nơi, Keo giậu có thể mọc thành rừng cây bụi thuần loài lấn át thay thế rừng cây bản địa và đe dọa các loài đặc hữu. Mặc dù không gây tác động rõ rệt tới đa dạng sinh học nhưng các bụi cây này mọc dày đặc có thể làm cản trở giao lưu và kiếm ăn của các loài động vật,...

C. Biện pháp phòng ngừa, kiểm soát

Khi Keo giậu đã thiết lập được quần thể thì rất khó có thể tiêu diệt vì chúng có khả năng tái sinh mạnh mẽ sau khi chặt, do vậy biện pháp tỏ ra có hữu hiệu là sau khi chặt bỏ thân cây rồi xử lý gốc cây bằng cách phun dầu diesel hoặc hóa chất. Hạt Keo giậu có khả năng sống trong đất đến 20 năm nên cần có biện pháp xử lý thích hợp.



D. Phân bố ở Việt Nam

Cây Keo giậu phân bố rộng khắp trên cả nước nhưng nhiều nhất tại các tỉnh vùng Nam Trung Bộ như Khánh Hòa.



E. Thông tin ghi nhận xâm hại trên thế giới

Cây Keo giậu được ghi nhận là loài ngoại lai xâm hại ở hơn 20 quốc gia thuộc vùng nhiệt đới, trong đó có Úc.



32. CÂY NGŨ SẮC (Lantana camara)


Tên tiếng Việt khác: Cây Bông ổi, Cây hoa ngũ sắc

A. Nguồn gốc và đặc điểm hình thái

Nguồn gốc: Vùng nhiệt đới châu Mỹ.

Đặc điểm hình thái

Cây Ngũ sắc là loài cây bụi nhỏ, cao từ 1,2 - 2,4 m và có mùi đặc trưng. Bộ rễ của loài này phát triển mạnh và mọc ra nhiều rễ sau khi cây bị chặt. Lá mọc đối, hình trứng, viền lá răng cưa. Hoa nhỏ mọc thành cụm, thường có màu da cam, có thể có màu trắng tới đỏ trong điều kiện chiếu sáng khác nhau, ở giữa có màu vàng và cây ra hoa gần như quanh năm. Quả nhỏ, có màu xanh đen, quả hạch, mang 2 hạt, dễ nảy mầm và được phán tán nhờ chim.





Hình 51. Cành cây Ngũ sắc mang lá, quả Hình 52. Chùm hoa cây Ngũ sắc

B. Đặc điểm sinh thái và tác hại

Cây Ngũ sắc phân bố rộng nhờ khả năng thích ứng với nhiều điều kiện sinh thái khác nhau, mọc, phát triển trên nhiều loại đất khác nhau. Cây Ngũ sắc mọc tốt nhất trong điều kiện dưới các tán mở, nơi có nhiều ánh sáng mặt trời như ở nơi đất bỏ hoang, vùng bìa rừng, dải đất ven bờ biển, rừng mới tái sinh sau khi cháy hoặc bị chặt. Mặc dù, cây Ngũ sắc không có khả năng xâm hại vào rừng nguyên sinh, rừng khép tán và chỉ phát triển ở vùng bìa rừng. Những nơi rừng bị khai thác chọn, bị chặt phá đã tạo ra các vùng tán mở là điều kiện cho cây Ngũ sắc mọc và tiếp tục phát tán. Cây Ngũ sắc có thể mọc ở độ cao tới 2.000 m so với mực nước biển. Trong các khu rừng trồng chưa khép tán cây Ngũ sắc vẫn có thể phát triển song ra ít hoa. Cây Ngũ sắc mọc nhiều ở những vùng khí hậu nhiệt đới có lượng mưa khoảng 3.000 mm/năm và ít khi xuất hiện ở những nơi có nhiệt độ xuống dưới 5oC.

Hiện nay, cây Ngũ sắc là một trong những loài cỏ dại nguy hại đối với các hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp tại một số vùng nhiệt đới châu Á, chúng mọc thành thảm dày đặc và lấn át các loài khác. Trong rừng tái sinh cây Ngũ sắc có thể trở thành loài ưu thế tầng cây bụi, làm biến đổi diễn thế sinh thái và suy giảm đa dạng sinh học. Ngoài ra, cây Ngũ sắc còn tiết chất phytocyt ức chế các loài xung quanh, đe dọa tuyệt chủng một số loài thực vật bản địa.

C. Biện pháp phòng ngừa, kiểm soát

Áp dụng biện pháp cắt và nhổ là thích hợp với diện tích nhỏ, ngoài ra khi cần có thể tiến hành đốt trên những diện tích xâm hại lớn.

Hiện đã phát hiện có khoảng 40 tác nhân sinh học và đã khảo nghiệm sử dụng để diệt trừ cây Ngũ sắc tại hơn 33 quốc gia nhưng mới chỉ xác nhận được hiệu quả sơ bộ của một số loài côn trùng như Teleonemia scrupulosa (Hemiptera), Octotoma scabripennis (Coleoptera), Uroplata girardi (Coleoptera) và Ophiomyia lantanae (Diptera).

D. Phân bố ở Việt Nam

Cây Ngũ sắc xâm nhập vào Việt Nam từ những năm 1970 và hiện nay đã lan rộng tại khắp mọi miền đất nước.



E. Thông tin ghi nhận xâm hại trên thế giới

Cây Ngũ sắc được ghi nhận là sinh vật ngoại lai xâm hại tại các nước như Ấn Độ, Kenya.



33. CÂY TRÀM QUINQUENERVIA (Melaleuca quinquenervia)


Tên tiếng Việt khác: Tràm Melaleuca

A. Nguồn gốc và đăc điển hình thái

Nguồn gốc: Úc

Đặc điểm hình thái

Cây Tràm Quinquenervia (tràm Melaleuca) có thể đạt chiều cao tới 25 m và đường kính thân 90 cm, có lớp vỏ thân bong ra có màu kem, màu trắng hoặc nâu xám. Lá đơn, viền nguyên không có răng cưa, có 5 đường gân, hạt được bảo vệ trong các nang, quả gỗ mọc thành cụm. Hoa có nhiều nhị đực. Trong mỗi cụm hoa lớn, hoa mọc thành cụm nhỏ gồm 3 bông và có tuyến mật hoa, các cánh hoa màu kem trắng. Nang quả hóa gỗ, dài 2,7 - 4 mm, có thể tồn tại tới vài năm.





Hình 53. Cành Tràm Quinquenervia mang hoa và quả . Hình 54. Thân cây Tràm

B. Đặc điểm sinh thái và tác hại

Cây Tràm Quinquenervia phát triển ở những vùng đất ngập nước thường xuyên hoặc ngập theo mùa dọc theo bờ biển của Úc, theo các khu vực mũi đất, cửa sông, rừng ngập mặn, ở độ cao 100 m so với mực nước biển, đôi lúc có thể bắt gặp ở độ cao 1.000 m. Cây Tràm Quinquenervia chịu được lửa cháy, khô hạn theo mùa và ngập úng theo mùa, sống được ở những khu đất bạc màu và cả ở những nơi có lượng mưa lớn lên đến 5.000 mm.

Cây Tràm Quinquenervia đe dọa sự nguyên vẹn của diễn thế sinh thái nước ngọt, làm thay đổi thành phần hóa học trong đất, giảm tốc độ phân hủy và làm thay đổi chế độ thủy văn và cháy chu kỳ, làm giảm đa dạng sinh học bản địa, thay đổi cấu trúc, thành phần loài của hệ sinh thái.

C. Biện pháp phòng ngừa, kiểm soát

Sử dụng các biện pháp cơ học để chặt, loại bỏ cây Tràm. Ngoài ra có thể áp dụng biện pháp dùng lửa, hoặc nước làm ngập úng để kiểm soát hạn chế sự bùng phát của cây Tràm Quinquenervia.

Sử dụng hiệu quả nhất là các chất diệt cây như hexazinone và tebuthiuron, ngoài ra có thể dùng lượng nhỏ glyphosate đối với cây con và dùng imazapyr hoặc kết hợp với glysophate.

Sử dụng tác nhân sinh học có nguồn gốc từ Úc là bọ Oxyops vitiosa và bọ nhảy Boreioglycaspis melaleucae để diệt trừ cây Tràm Quinquenervia.



D. Phân bố ở Việt Nam

Cây Tràm Quinquenervia được nhập vào trồng tại Việt Nam trong những năm 2000 và hiện nay gặp tại các tỉnh Long An và Kiên Giang.



E. Thông tin ghi nhận xâm hại trên thế giới

Tràm Quinquenervia được ghi nhận là loài ngoại lai xâm hại tại Florida, Hoa Kỳ.



DANH LỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Bộ TNMT, Cục Bảo vệ môi trường, (2003), Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia về quản lý và phòng ngừa các loài sinh vật lạ xâm lấn. Hà Nội.

2. Bộ TNMT (2011), Thông tư số 22/2011/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại. Hà Nội.

3. Cơ sở dữ liệu của Chương trình sinh vật ngoại lai xâm hại toàn cầu http://www.issg.org/database

4. Cơ sở dữ liệu của Trung tâm Sinh học Nông nghiệp quốc tế http://www.cabi.org/database

5. Cục Bảo vệ môi trường (2002). Đánh giá tình trạng du nhập các loài sinh vật ngoại lai thủy sinh ở Việt Nam. Báo cáo tổng hợp đề tài.

6. Cục Bảo vệ môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (2008). Kỷ yếu Hội thảo bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn. Hà Nội.

7. Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo cáo tình hình dịch hại trên một số cây trồng chính trong năm 2010 và biện pháp phòng trừ, Hà Nội ngày 18 tháng 03 năm 2011.

8. Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2009), Át lát các loài động vật thuỷ sinh ngoại lai tại Việt Nam.

9. Đặng Ngọc Thanh, Hồ Thanh Hải, Dương Ngọc Cường, 2003. Thành phần loài ốc nhồi (Ampullariidae Gray,1824) ở Việt Nam.Tạp chí Sinh học 25(4):1-5.

10. Đỗ Huy Bích và cs. (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam, Nxb. KHKT.Hà Nội.

11. Phạm Hoàng Hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Nxb. Trẻ.

12. Quyết định số 3061/QĐ-BNN-KHCN ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về "Quy trình phòng trừ tổng hợp cây Trinh nữ thân gỗ ở Việt Nam" là tiến bộ kỹ thuật.

13. Viện Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kết quả điều tra bệnh hại cây trồng ở Việt Nam năm 1997-1998.

14. Trang thông tin điện tử Cục Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn



http://www.cucthuy.gov.vn.

15. Trang thông tin điện tử của Tổ chức Y tế thế giới Communicable Disease Surveillance & Response (CSR), World Health Organization (WHO).

16. Anomynous (2001). The 100 of the world worst invasive ailien species. IUCN Document.

17. McNeely and others (2001). Global strategy of on imvasive ailien species GISP. IUCN Document.






Каталог: tintuc -> tintuchangngay -> Documents
tintuc -> Nghiên cứu một số đặc điểm
tintuc -> NHỮng đÓng góp mới của luậN Án tiến sĩ CẤP ĐẠi học huế Họ và tên ncs : Nguyễn Văn Tuấn
tintuc -> Tin tức & Sự kiện
tintuc -> QUẢn lý nuôi trồng thủy sản dựa vào cộng đỒNG
tintuc -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
tintuc -> Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tập huấn Chăm sóc skss tuổi mãn kinh và sàng lọc ung thư cổ tử cung
tintuc -> ĐẢng bộ khối các cơ quan tw
tintuc -> VIỆn kiểm sát nhân dân
Documents -> Danh bạ CÁc cá nhâN Đang tham gia công tác truyền thông môi trưỜng tại việt nam a đặng Nguyễn Thục Anh
Documents -> A. CƠ Quan, TỔ chức I. BỘ/ ban/ ngàNH/ ĐOÀn thể, TỔ chức chính trị XÃ HỘi cấp trung ưƠNG

tải về 410.5 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương