ĐỨc tin ngưỜi công giáo the Catholic Vision Mark Link, sj. Lm. Trần Đình Nhi


Những người Ít-ra-en tiến vào Đất Hứa



tải về 1.67 Mb.
trang5/10
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích1.67 Mb.
#37886
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Những người Ít-ra-en tiến vào Đất Hứa

Khoảng năm 1200 trước công nguyên, những người Ít-ra-en đã tìm ra đường dẫn về đất đã hứa cho Áp-ra-ham và con cháu ông. Sách Giô-suê mô tả việc Ít-ra-en chinh phục chiếm đất đai. Mặc dù một số bản dịch Kinh Thánh xếp sách Giô-suê vào loại sách “lịch sử,” nhưng thực ra nó không phải là sách lịch sử theo nghĩa hiện thời.


Trước hết, hầu hết những điều trong sách đều do truyền khẩu qua nhiều thế hệ trước khi được ghi lại. Thứ hai, những chiến thắng của Ít-ra-en trên các dân bản xứ đều được giản dị hóa và được trình bày cốt để làm sáng tỏ rằng chính Thiên Chúa chứ không phải quân đội của Giô-suê đã tạo nên chiến thăéng ấy.
Như thế, qua một loạt những biến cố trải dài nhiều thế kỷ, Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân tộc, đã tỏ mình cho họ và đã quy tụ họ lại nơi miền đất Ngài ban cho họ làm sản nghiệp. Trên phương diện thiêng liêng về điểm này, những người Ít-ra-en đã không khác gì những đứa con nhỏ bé. Số phận của họ là phải lớn lên làm thành một dân tộc, để cứu vớt nhân loại khỏi tình trạng thờ nhiều thần tượng và khỏi những lối sống man di cũng như để dẫn đưa nhân loại đến nhận biết Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài.
Những người Ít-ra-en phát triển thành một dân tộc

Sau khi người kế vị Mô-sê là Giô-suê chết đi, việc lãnh đạo dân Ít-ra-en được trao cho một số người được gọi là các Thủ lãnh. Họ không phải là những vị mặc áo dài đen, ngồi ở tòa án và xét xử các vụ kiện. Nhưng họ là những vị lãnh đạo được ban đặc sủng, được Thiên Chúa đưa lên để dẫn dắt Ít-ra-en trong lúc quốc gia nguy biến. Trong số các Thủ lãnh có bà Đê-bô-ra (Tl 4-5), ông Ghi-đê-on (Tl 6-7) và ông Sam-son (Tl 13-16).


Sau khi “thời Thủ lãnh” chấm dứt vào khoảng năm 1000 trước công nguyên, dân chúng đã được chuẩn bị để chuyển từ tình trạng thơ ấu sang trưởng thành về mặt thiêng liêng. Người được Thiên Chúa tuyển chọn để giúp họ thực hiện cuộc chuyển tiếp này là ngôn sứ Sa-mu-en. Có lẽ cách tốt nhất mô tả vai trò của Sa-mu-en, đó là Sa-mu-en chính là nhịp cầu nối tiếp giữa “thời Thủ lãnh” với “thời quân chủ.” Vì Sa-mu-en là người đã đề ra một đường lối lãnh đạo vững chắc cho Ít-ra-en sau khi ngôn sứ xức dầu cho Sau-lê lên làm vua đầu tiên của họ.
Cũng như nhiều nhà lãnh đạo sau này, Sau-lê bắt đầu làm vua thì hứa hẹn, nhưng rồi kết cuộc lại là những xáo trộn hoàn toàn. Tuy nhiên ông đã đưa Ít-ra-en vào mức độ trưởng thành thiêng liêng. Vai trò của ông quan trọng cũng nhờ ở điểm này mà thôi.
Khi ngôi sao Sau-lê lu mờ và vụt tắt thì một ngôi sao khác rực sáng, đó là một chàng thanh niên tên là Đa-vít.
GIAO ƯỚC VỚI ĐA-VÍT
Thanh niên Đa-vít là một anh chăn cừu. Cậu học được cách sử dụng ná bắn đá, một khí giới hữu hiệu để chống lại thú rừng. Nhưng cậu chẳng khi nào ngờ tài bắn ná ấy lại giúp cậu lừng danh trong lịch sử Ít-ra-en. Đó là ngày mà quân Phi-li-tin xâm lăng Ít-ra-en và đóng trại quân khiêu chiến.
Một tên khổng lồ Phi-li-tin tên là Gô-li-át thách thức bất cứ người Ít-ra-en nào có thể đánh nhau với hắn. Khi không có ai dám ra đánh, thì Đa-vít, một thanh niên còn chưa đủ tuổi nhập ngũ, đã nghe lời thách thức kia và chấp nhận đấu với hắn. Tên khổng lồ Gô-li-át di chuyển nặng nề không sao thoát khỏi đôi tay lanh lẹ và cái ná bắn đá của chàng tuổi trẻ kia. Sau khi giết tên khổng lồ trước con mắt ngỡ ngàng của đoàn quân Ít-ra-en, Đa-vít trở thành anh hùng. Những ngày chăn cừu đã qua, chàng bắt đầu trở thành người lãnh đạo.
Khi Sau-lê chết, Đa-vít được xức dầu phong vương. Dưới sự lãnh đạo của ông, Ít-ra-en bắt đầu “những năm vinh quang.” Đa-vít biến Giê-ru-sa-lem thành thủ đô chính trị và cũng là trung tâm cho việc thờ phượng.
Rồi thời điểm đáng ghi nhớ trong đời Đa-vít đã tới. Qua ngôn sứ Na-than, Thiên Chúa hứa với Đa-vít: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta” (2 Sm 7:16).

Lời hứa này là một trong những lời hứa quan trọng nhất trong Kinh Thánh. Nó khởi đầu cho một loạt những lời tiên tri nói về một đấng sẽ đến và được gọi là Mê-si-a (Đấng Cứu Thế). Những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế sau này sẽ được thể hiện đầy đủ nơi Đức Giê-su.


NỔI LOẠN VÀ LƯU ĐẦY

Ít có ai lớn lên mà cứ thẳng một mạch được. Thường thường sự phát triển đều phải trải qua những khúc quanh, thăng trầm. Điều này càng đúng vào tuổi thanh xuân. Những gì đúng cho con người thì cũng đúng cho những quốc gia như Ít-ra-en chẳng hạn.


Sau khi Đa-vít băng hà, vương quyền được trao lại cho con trai là Sa-lô-mon. Cũng như Sau-lê, Sa-lô-mon bắt đầu nghiệp vua một cách vinh quang nhờ xây Đền Thờ. Nhưng sự thịnh vượng đã phải trả một giá đắt và khiến cho vương quốc Sa-lô-mon tan vỡ (1 V 11:10-13). Sau khi ông chết, mười chi tộc thuộc miền Bắc Ít-ra-en đã nổi loạn chống lại hai chi tộc miền Nam. Dân Chúa chia làm hai vương quốc: Ít-ra-en (Bắc) và Giu-đa (Nam). Sự chia rẽ này khởi sự cho một khúc quanh và thăng trầm trong cuộc phát triển thiêng liêng của họ.
Tuy nhiên, dù họ bất trung, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi dân Ngài. Ngài sai đến những ngôn sứ như Ê-li-a, A-mốt, Hô-sê để cảnh tỉnh vương quốc miền Bắc (Ít-ra-en) lầm đường lạc lối hãy quay về. Nhưng những lời tiên tri tựa như nói bên tai kẻ điếc.
Khoảng năm 722 trước công nguyên, nước Át-xi-ri xâm lấn và phá hủy vương quốc Ít-ra-en. Tuy nhiên vương quốc Giu-đa vẫn không nao núng. Dân chúng tin rằng tai họa ấy sẽ chẳng bao giờ giáng xuống trên họ.
Những gì phải tới đã tới

Dân chúng nước Giu-đa dần dần cũng rơi vào tình trạng xấu xa đồi trụy giống như vương quốc miền Bắc: thờ ngẫu tượng, sống đạo hình thức bề ngoài và đối xử tàn tệ với người nghèo và người bị áp bức.


Các ngôn sứ như I-sai-a và Giê-rê-mi-a đã cảnh cáo Giu-đa phải sửa đổi lại lối sống. Nhưng cũng như vương quốc miền Bắc, những lời cảnh cáo ấy chẳng ai thèm nghe. Kết cuộc đến ngày quân đội Ba-by-lon xâm lăng Giu-đa, họ phá hủy Đền Thờ và thành Giê-ru-sa-lem, bắt dân chúng phải phát lưu tại Ba-by-lon.
Trong vòng năm mươi năm, dân chúng phải sống lưu đày tại một quốc gia xa lạ. Đức tin của họ mong manh và nhiều khi không còn nữa. Trong số các ngôn sứ Thiên Chúa sai đến thời này có Ê-dê-ki-en và một khuôn mặt lừng danh khác được gọi là I-sai-a Thứ Hai. Các học giả gọi vị sau này bằng tên ấy, vì những gì ngài viết rất gần với I-sai-a.
Những năm lưu đày của Giu-đa đã giúp loại bỏ được tính cách nổi loạn thời thanh xuân của Giu-đa. Dân Chúa giờ đây sẵn sàng để tiến thêm một bước nữa trên đường trưởng thành thiêng liêng.
Giu-đa hồi hương

Cuối cùng đến ngày Ba-by-lon rơi vào tay quân đội của Ky-rô nước Ba-tư. Ky-rô đã giải phóng Giu-đa và cho phép những người Do-thái trở về. Sau đó họ tái thiết Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ dưới sự lãnh đạo của Nơ-khe-mi-a và Ét-ra.


Vào năm 313 trước công nguyên, A-lịch-sơn Đại đế đã chinh phục nước Giu-đa. Trong những năm sau đó, người Ít-ra-en đã tự cô lập với thế giới. Làm như vậy, họ đã đánh mất căn tính và thân phận của chính mình. Họ biến Đấng tạo dựng vũ trụ thành một Thiên Chúa của quốc gia, Đấng chăm sóc cho riêng họ mà thôi.
Giữa hoàn cảnh khó khăn này, xuất hiện ngôn sứ Ma-la-khi và một vị khác là tác giả sách Giô-na. Hai vị này đã đặc biệt giúp cho dân chúng ý thức lại thân phận của họ. Nhưng một cuộc suy chuyển lớn lao hơn đang tới.

Sự sống còn của Giu-đa bị đe dọa
Khoảng năm 200 trước công nguyên, một ông vua quá khích nước Xi-ri đã chinh phục Giu-đa và quyết tâm nhổ tận rễ Do-thái giáo. Những năm đẫm máu do bách hại đã làm lung lay tận gốc đức tin của dân chúng.
Trong cơn khủng hoảng này có mặt một vị ngôn sứ không rõ tên và là tác giả sách Đa-ni-en. Cũng như các ngôn sứ đi trước, ngài phải đối diện với vấn đề chuyển đạt một sứ điệp đạo lý sâu xa cho một dân tộc bình dị. Để làm như vậy, ngài sử dụng hai lối viết văn: truyện dân gian và thị kiến. Thị kiến tiêu biểu, đó là việc Đa-ni-en nhìn thấy một Đấng có mây trắng bao quanh.
Sau này Đức Giê-su nhắc tới thị kiến ấy khi Ngài đứng trước tòa án xét xử Ngài. Bị chất vấn có phải là “Đức Ki-tô, Con Đấng đáng chúc tụng” không, Ngài đã trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14:61-62).
MỘT DÂN TỘC ĐANG ĐỢI CHỜ
Sự lãnh đạo tôn giáo theo ngôn sứ Đa-ni-en và lãnh đạo chính trị theo Ma-ca-bê đã thu hút dân chúng qua thời gian khủng hoảng ấy. Nhưng niềm vui của Giu-đa thật ngắn ngủi. Năm 63 trước công nguyên, người Rô-ma đã chiếm cứ vương quốc nhỏ bé này.
Tuy nhiên qua những gian nan thử thách của Giu-đa lại có một ơn lành sâu xa, đó là hồng ân cho những ai kiên nhẫn và can đảm chịu đựng gian khổ. Ơn lành ấy chính là sự hiểu biết thiêng liêng và sự khôn ngoan. Dân chúng bắt đầu ý thức được rằng họ không thể tự mình làm được mọi sự. Ý thức này đã giúp họ trưởng thành thiêng liêng.
Dân Giu-đa giờ đây nhận ra một cách thực tế rằng nếu không có Chúa và những lời hứa của Ngài, họ chỉ là con số không.
Ý thức này cũng đưa tới một cuộc kiểm thảo tâm hồn sâu đậm. Dân chúng thấy mình đang đặt ra những vấn đề căn bản về đức tin. Nếu căn tính và thân phận của họ hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa, thì tại sao Ngài lại cứ yên lặng trong những thời điểm kia? Tại sao Thiên Chúa xem ra xa vời đối với họ trong lúc này? Thế còn giao ước của Thiên Chúa với Áp-ra-ham, với Đa-vít thì sao? Đấng Mê-si-a đã được hứa ban bây giờ ở đâu? Sao Ngài không xuất hiện?
Những câu hỏi này được phản ảnh trong sách Giảng Viên và Gióp. Đọc những sách này, độc giả cảm thấy như Dân Chúa đang vật lộn để ráp lại một bức hình ghép nhiều mảnh, nhưng nửa số mảnh đã bị thất lạc.
Tuy nhiên đây chính là giá trị của những cuốn sách ấy. Chúng tựa như những cửa sổ thiêng liêng để qua đó chúng ta có thể hé thấy tâm hồn khắc khoải của những người Do-thái trung tín đang chờ đợi những mặc khải khác của Thiên Chúa.
Câu truyện Giu-đa chưa hết

Kinh Thánh Do-thái thừa nhận đã để lại cho chúng ta một câu truyện dở dang. Kinh Thánh ấy kết thúc với sự kiện những người Do-thái đang chờ đợi và cầu xin Thiên Chúa sai đến một đấng chưa xuất hiện, tức là Đấng Cứu Thế đã được hứa ban.


Một đoạn trong cuốn Nguồn cội (The Source) của James Michener diễn tả thật đẹp về quốc gia Do-thái vào thời điểm quan trọng này trong lịch sử nhân loại:
“Rabbi Asher lang thang giữa hàng cây ô-liu già cỗi. Bỗng ông chú ý tới một cây cổ thụ đến độ bên trong của cây đã mục rã, chỉ còn lớp vỏ mỏng có thể trông qua phía bên kia. Tuy nhiên những mảnh cây còn lại vẫn dính liền với rễ và cây cổ thụ vẫn còn sức sống, đâm ra những cành mới mang hoa trái. Và khi chăm chú nhận xét cây cổ thụ trong vườn ô-liu này, Asher đã cho răèng có thể diễn tả tóm tắt tình trạng của dân Do-thái như sau: một xã hội già cỗi với bao nhiêu mục nát bên trong, nhưng những mảnh nhỏ của nó vẫn ôm lấy sức sống từ cội rễ của Thiên Chúa, và chính nhờ những rễ lề luật này mà Đức Giê-su có thể xác quyết được đâu là ý muốn của Thiên Chúa và Ngài có thể đem lại hoa trái tốt lành.”
ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

1. Sáng Thế 15 Thiên Chúa kết ước với Áp-ra-ham

2. Xuất Hành 19-20 Thiên Chúa kết ước với Ít-ra-en

3. 2 Sa-mu-en 7-8 Thiên Chúa kết ước với Đa-vít

4. I-sai-a 43-44 Thiên Chúa hứa cứu thoát Giu-đa

5. Đa-ni-en 6 Thiên Chúa cứu Đa-ni-en khỏi nanh vuốt sư tử.


THẢO LUẬN

1. Áp-ra-ham, Sa-ra, I-xa-ác, Rê-bê-ca, Gia-cóp, Giu-se, Gio-suê, Đê-bô-ra, Sa-mu-en, Sau-lê là những nhân vật nào?


2. Sau khi đọc sách Gióp và Giảng Viên, bạn cảm nghiệm điều gì? Đâu là giá trị của hai cuốn Kinh Thánh ấy?
3. Kinh Thánh Cựu Ước là một câu truyện dang dở. Vậy hiểu theo nghĩa nào?

CHIA SẺ

1. Một trong những công việc của các ngôn sứ Ít-ra-en là đối diện với các vua Ít-ra-en (2 Sm 11-12). Bạn hãy tưởng tượng bạn được chỉ định làm ngôn sứ cho viên thị trưởng hoặc cho tổng thống Hoa-kỳ. Vậy bạn thử kể ra ba điểm bạn có thể chạm trán với họ. Tại sao chọn những điểm này?


2. Bức hí họa vẽ một “nhà tiên tri vỉa hè” tân thời, quần áo tả tơi, tay cầm tấm biển “Hãy hối cải! Sắp tận thế rồi!” Phía dưới bức hí họa, tác giả viết: “Bạn thấy không? Không còn ai cười giễu ông ta nữa.” Nhà tiên tri tân thời này giống những ngôn sứ trong Kinh Thánh như thế nào? Khác nhau thế nào? Điều gì khiến bạn nghĩ hoặc nghi ngờ rằng “ngày tận thế sắp đến rồi”?
3. Đau khổ người Do-thái chịu trong suốt cuộc bách hại do bạo chúa nước Syri đã kết thúc như là một hồng ân cho họ. Bạn hãy nhớ lại một thảm kịch hoặc gian khổ trong đời bạn đã kết thúc như một ơn lành cho bạn. Nếu bạn chia sẻ được thì càng hay.
4. Dân Tuyển Chọn của Thiên Chúa đã có một thân phận. Bạn có tin rằng bạn được Thiên Chúa tuyển chọn và được mời gọi đến với đức tin Công Giáo vì một lý do gì không? Bạn có thể giải thích lý do ấy hay không?
---------------------------

Bài 12
ĐỨC GIÊ-SU GIÁNG SINH
Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:
1. Điều làm tôi phấn khởi nhất về việc Đức Giê-su giáng sinh, là…
2. Một câu hỏi tôi muốn được trả lời về việc Đức Giê-su giáng sinh, là…
BỐN SÁCH TIN MỪNG

Nhà văn Nathaniel Hawthorne người Hoa-kỳ đã chết. Trên bàn giấy của ông có dàn bài của một vở kịch chưa viết xong. Vở kịch nói về một người sẽ không bao giờ xuất hiện trên sân khấu. Ai cũng nói về người ấy. Ai cũng mơ về người ấy và ai cũng đợi người ấy xuất hiện. Nhưng vở kịch kết thúc mà người ấy vẫn không xuất hiện.


Một cách nào đó, Kinh Thánh Do-thái cũng giống như vở kịch dở dang của Hawthorne. Kinh Thánh ấy chú ý tới một người mà ai cũng nói đến, mơ ước và chờ đợi. Người ấy là Đức Mê-si-a đã được hứa ban. Nhưng Kinh Thánh Do-thái kết thúc mà vẫn không có Ngài xuất hiện.
Chính trong bối cảnh này chúng ta sẽ nói về Kinh Thánh Ki-tô, nhất là những sách Tin Mừng.
Sách Tin Mừng được khai triển dần dần
Bốn sách Tin Mừng không được viết liền ngay, nhưng đã được khai triển trong một thời gian gồm ba giai đoạn:
* giai đoạn sống

* giai đoạn rao giảng

* giai đoạn thành văn.
Giai đoạn sống là chính cuộc sống của Đức Giê-su, tức là những điều Ngài làm và những lời Ngài nói trong suốt cuộc đời. Nói về giai đoạn này, Phê-rô viết: “Chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Ngài” (2 Pr 1:16).
Giai đoạn rao giảng bắt đầu vào ngày Hiện Xuống. Được tràn đầy sức mạnh Chúa Thánh Thần, các tông đồ bắt đầu rao giảng Tin Mừng. Hễ gặp một đám đông ở đâu là họ nói về Tin Mừng. Do lòng sốt sắng hối thúc, họ đã đem Tin Mừng qua khắp xứ Pha-lét-tin đến tận Hy-lạp và đến cả Rô-ma nữa.
Các tông đồ đã cảm nhận một sự hối thúc, vì họ nghĩ rằng Đức Giê-su sẽ trở lại trong vinh quang (Cv 1:11) ngay khi Tin Mừng được rao giảng cho mọi dân nước (Mt 24:14). Các tông đồ cứ tưởng là họ có thể hoàn tất công việc này đang khi họ còn sống. Vì thế họ mới không nghĩ đến việc viết lại Tin Mừng. Tại sao phải viết lại Tin Mừng nếu ngày Đức Giê-su trở lại đã gần kề?
Nhưng khi các tông đồ thấy họ không thể hoàn tất việc rao giảng Tin Mừng cho muôn dân trong quãng đời của họ được, nên họ quyết định phải viết xuống để Tin Mừng khỏi bị sai lạc hay bị bóp méo đi sau khi họ chết.
Vào khoảng năm 50, giai đoạn thành văn bắt đầu. Lu-ca nhắc đến điểm này trong phần giới thiệu sách Tin Mừng của ngài: “Có nhiều người đã ra công biên soạn bản tường thuật những điều đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra” (Lc 1:1-3).
TRÌNH BÀY TỔNG QUÁT BỐN SÁCH TIN MỪNG
Chúng ta giả dụ một viên giám đốc đài truyền hình hoạch định một chương trình gọi là “Hướng dẫn du ngoạn thành phố Nữu Ước.” Ông ta quyết định trình chiếu thành phố qua cái nhìn của bốn du khách tới thăm thành phố bằng bốn phương tiện: tàu thủy, xe lửa, xe hơi và máy bay. Kết quả khán thính giả có được cái nhìn về thành phố, không phải một mà là bốn cái nhìn khác nhau. Do đó du khách thấy được thành phố hấp dẫn hơn.
Cũng vậy, bốn sách Tin Mừng không phải chỉ cống hiến một, nhưng là bốn khuôn mặt hoặc bốn cái nhìn về Đức Giê-su. Kết quả là chúng ta càng hiểu rõ được về Đức Giê-su nhiều hơn nữa.
Mỗi sách Tin Mừng được viết trong thời gian, nơi chốn, cho độc giả và với mục đích riêng biệt.
Các học giả vẫn chưa đồng ý về những chi tiết Tin Mừng được viết khi nào, ở đâu và cho ai. Có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ đồng ý kiến. Rồi họ cũng không đồng ý về lý do tại sao mỗi sách Tin Mừng lại nhắm một mục đích. Nhưng nói chung, họ đồng ý về những điểm sau đây:
Mác-cô nhấn mạnh về Đấng Cứu Thế chịu đau khổ

Mác-cô viết tại Rô-ma trước năm 70 cho các Ki-tô hữu thuộc Dân ngoại (không phải Do-thái). Mục đích của Tin Mừng Mác-cô bị ảnh hưởng do sự kiện Ki-tô hữu tại Rô-ma đang chịu bách hại vì đức tin. Do đó, Mác-cô đã nhấn mạnh đến Đức Giê-su chịu đau khổ. Nếu Đấng Cứu Thế đã phải chịu đau khổ thì các môn đệ Ngài cũng sẽ phải chịu đau khổ (Mc 8:34-35).


Mát-thêu nhấn mạnh về Đấng Cứu Thế giảng dạy

Mát-thêu đã viết tại An-ti-ô-khi-a (Xy-ri) vào khoảng giữa năm 70 và 90. Mục đích Mát-thêu nhắm, đó là viết cho Ki-tô hữu gốc Do-thái. Họ rất ưu tư về việc làm sao những giáo huấn của Đức Giê-su phù hợp với giáo huấn của Mô-sê và các ngôn sứ. Vì thế, Mát-thêu đã nhấn mạnh đến sự kiện giáo huấn của Đức Giê-su đã kiện toàn giáo huấn của Mô-sê và các ngôn sứ như thế nào (Mt 5:17-48).


Lu-ca nhấn mạnh về Đấng Cứu Thế đầy lòng nhân hậu

Lu-ca viết tại Hy-lạp khoảng giữa năm 70 và 90. Ngài viết cho những người nghèo khổ và bị ức hiếp. Cho nên Lu-ca đã nhấn mạnh đến ưu tư của Đức Giê-su về một xã hội bị áp bức. Thí dụ, ngài kể bốn câu truyện về Đức Giê-su hết sức lo lắng cho giới phụ nữ (họ là những người bị áp bức trong thời sách Tin Mừng được viết) mà các sách Tin Mừng khác không nói đến (Lc 7:11-17; 8:1-3; 15:8-10; 18:1-8).


Gio-an nhấn mạnh về Đấng Cứu Thế ban sự sống

Gio-an viết tại Ê-phê-xô (Tiểu Á) sau năm 90 và viết cho Ki-tô hữu thuộc nhiều văn hóa khác biệt. Do đó ngài đã chú ý đến việc làm sao Đức Giê-su đã đến để làm cho mọi người được sống dồi dào hơn. Đức Giê-su nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10).


HAI TRÌNH THUẬT VỀ GIÁNG SINH

Không như Mác-cô và Gio-an là những sách bắt đầu với việc Đức Giê-su chịu phép rửa, sách Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca bắt đầu với việc Đức Giê-su giáng sinh. Điều này thực là nan giải vì không môn đệ nào biết về quãng đời ấy của Đức Giê-su. Do đó Mát-thêu và Lu-ca phải tìm đến nguồn liệu khác để biết về việc Đức Giê-su giáng sinh:


* nguồn liệu lịch sử: những gì bà Ma-ri-a, gia đình bà và gia đình Giu-se đã nhớ được.

* những lời tiên tri: những gì các vị ngôn sứ Do-thái đã tiên báo có thể giúp soi sáng vấn đề.

* thần học: những gì Chúa Thánh Thần linh hứng cho họ để ghi chép lại về biến cố ấy.
Những trình thuật về việc giáng sinh có thể ví như những “bức thảm dệt,” được kết bằng ba loại sợi khác nhau: lịch sử, tiên tri và thần học. Những sợi chỉ này đã được dệt lại khéo léo đến nỗi người ta khó mà biết được sợi nào là đầu, sợi nào là cuối.
TRÌNH THUẬT GIÁNG SINH THEO LU-CA

Trình thuật Giáng Sinh theo Lu-ca phản ảnh lớp độc giả ngài muốn viết cho họ, đó là những người Dân ngoại và người nghèo. Ngài đặt việc giáng sinh của Đức Giê-su trong hoàn cảnh một cuộc kiểm tra dân số của Dân ngoại. Ngài nhấn mạnh sự kiện cha mẹ Đức Giê-su bị đối xử như những kẻ sống bên lề xã hội, phải trú ngụ tại một hang đá. Những hoàn cảnh này cho thấy trước mối ưu tư của Đức Giê-su đối với người Dân ngoại và người nghèo. Nói về việc Giáng Sinh, Lu-ca viết:


“Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ… Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê, lên thành Bê-lem, miền Giu-đê, là thành vua Đa-vít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
“Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa… Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ… Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.” (Lc 2:1,3-11,16,20)
Ba điểm nổi bật

Ba điểm đáng ghi nhớ trong trình thuật Giáng Sinh do Lu-ca:


Trước hết, Lu-ca tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng đã được hứa ban, Đấng Cứu Thế mà Ít-ra-en chờ đợi từ lâu.
Thứ hai, ngài kêu gọi người ta hãy chú ý tới những hoàn cảnh khiêm nhượng trong việc Đức Giê-su giáng sinh. Đấng Cứu Thế sinh ra trong nghèo khó như một người bị ruồng bỏ và trong một nơi dành cho những con vật hôi hám ở.
Thứ ba, Lu-ca muốn nói lên căn tính và sứ mệnh của Đức Giê-su: Đức Giê-su là Con Chiên Thiên Chúa và là hy tế. Lu-ca diễn tả điều này bằng cách nói Đức Giê-su đã sinh ra trong mùa cừu sinh sản: “Có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.” Bình thường các mục đồng lùa cừu vào trong hang hoặc chuồng khi đêm xuống. Chỉ có thời gian cừu sinh sản là người ta không lùa chúng vào vì sợ cừu non bị những con lớn đạp chết. Mùa cừu sinh sản sẽ là thời điểm tốt đối với việc Đức Giê-su giáng sinh, vì tựa như những con chiên sinh ra quanh vùng Bê-lem (nương dưới bóng Đền Thờ Giê-ru-sa-lem) được dùng để làm sinh lễ, thì Đức Giê-su cũng sẽ trở nên hy tế như vậy.
Trình thuật Giáng Sinh theo Lu-ca để lại cho chúng ta bài ca mà ông Da-ca-ri-a đã hát lên ngày Gio-an Tẩy giả chào đời:
“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en…

Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,

Người đã cho xuất hiện

Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,

Như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ

Mà phán hứa tự ngàn xưa…”



(Lc 1:68-70)
TRÌNH THUẬT GIÁNG SINH THEO MÁT-THÊU

Trình thuật Giáng Sinh do Mát-thêu trình bày Đức Giê-su như là sự thể hiện hoàn tất những lời tiên tri trong Cựu Ước. Mát-thêu bắt đầu trình thuật bằng cách cho thấy Giu-se và Ma-ri-a đã đính hôn với nhau. Trước khi cưới, “Ma-ri-a đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1:18). Điều này khiến Giu-se buồn phiền cho tới khi ông biết Ma-ri-a đã chịu thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Mát-thêu viết:


“Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’.” (Mt 1:22-23)
Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su

Sau khi Đức Giê-su giáng sinh, Mát-thêu tả lại việc “các nhà chiêm tinh từ phương Đông” theo dấu một ngôi sao để đến Giê-ru-sa-lem. Các nhà chiêm tinh là những người học hỏi về tinh tú và quan sát sự vận hành của chúng. Khi họ hỏi vua Hê-rô-đê về nơi vị tân vương của Do-thái sinh ra, thì các cố vấn của nhà vua trả lời họ là tân vương sinh ra tại Bê-lem.

Sau khi các nhà chiêm tinh đi Bê-lem, vua Hê-rô-đê bắt đầu lo sợ cho ngai vàng của mình và âm mưu giết Đức Giê-su. Trong lúc ấy các nhà chiêm tinh đã gặp được Đức Giê-su và tiến dâng Ngài những tặng vật là vàng, hương và mộc dược. Thiên sứ dạy họ đừng quay lại Giê-ru-sa-lem, nhưng hãy tìm đường khác mà trở về nhà. Thiên sứ cũng bảo Giu-se hãy đem Ma-ri-a và Đức Giê-su sang Ai-cập, vì vua Hê-rô-đê đang tìm cách giết Hài Nhi.
Cũng giống như các biến cố khác trong thời thơ ấu của Đức Giê-su, trình thuật này được dựng trên ba nguồn liệu: lịch sử, tiên tri và thần học. Trong câu truyện các nhà chiêm tinh, ba “sợi chỉ” này không thể tách rời từng sợi. Thí dụ lịch sử cho thấy các nhà chiêm tinh đã sống ở phương Đông. Nhưng đồng thời lịch sử ấy cũng nói rằng họ nghiên cứu về tinh tú và ngẫm nghĩ về cuộc đời theo những vì sao ấy.
Cũng vậy, “những sợi chỉ” lời tiên tri trong Cựu Ước không thể nhận ra được trong câu truyện các nhà chiêm tinh. Thí dụ ngôn sứ Mi-kha đã nói tiên tri về Bê-lem: “Từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mệnh thống lãnh Ít-ra-en” (Mk 5:1). Và tác giả Thánh Vịnh viết: “Hàng vương giả sẽ về triều cống… muôn dân nước thảy đều phụng sự” (Tv 72:10-11). Sau cùng, sách Dân Số nói: “Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc; tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên: một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp” (Ds 24:17).
Sợi chỉ thần học quan trọng nhất, đó là sợi đã đan kết hai sợi kia để cho thấy ý nghĩa mà Mát-thêu muốn hiểu khi kể lại câu truyện. Ngài muốn chúng ta hiểu rằng Đức Giê-su là:
* Đấng Mê-si-a đã được hứa ban,

* đã được tiên báo do các ngôn sứ,

* bị người Do-thái (Hê-rô-đê) chối bỏ, và

* lại được Dân ngoại (các nhà chiêm tinh) nhìn nhận.


Những lễ vật của các nhà chiêm tinh mang ý nghĩa biểu tượng

Theo truyền thống, Ki-tô hữu đã thấu hiểu ý nghĩa của ba lễ vật các nhà chiêm tinh tiến dâng: vàng, hương và mộc dược.


Vàng là “vua các kim loại.” Do đó vàng là một biểu tượng lý tưởng nói lên vương quyền của Đức Giê-su. Hương được dùng trong việc thờ phượng. Hương thơm và khói hương cuồn cuộn dâng lên trời đã nói lên tính cách thần thiêng, tức biểu tượng cho thiên tính của Đức Giê-su. Mộc dược được dùng để ướp xác trước khi mai táng. Vậy mộc dược nói về sự mỏng dòn của con người và biểu tượng cho nhân tính của Đức Giê-su.
Một ngàn năm trăm năm trước đây, một văn sĩ Ki-tô giáo đã tóm lược câu truyện các nhà Chiêm tinh như sau:
“Các nhà chiêm tinh hết sức bỡ ngỡ chăm chú vào những gì mắt họ thấy: trời đang hiện diện trên trái đất, trái đất đang hiện diện trên trời, con người trong Thiên Chúa, Thiên Chúa trong con người… Nhìn thấy như vậy thì họ tin và không còn thắc mắc gì nữa, vì các lễ vật của họ đã làm chứng: vàng cho một vị vua, hương cho Thiên Chúa và mộc dược cho một người sẽ phải chết.” (Phê-rô Kim Ngôn)
THỜI NIÊN THIẾU CỦA ĐỨC GIÊ-SU

Đức Giê-su chắc chắn đã làm tất cả những gì hầu hết các trẻ em cùng lớp tuổi đã làm. Trong những điều này, quan trọng nhất vẫn là học Kinh Thánh và học nghề của cha mình (Mc 6:3).


Ngày hưu lễ và những ngày lễ lạc là những dịp đặc biệt đối với Đức Giê-su. Ngài đã đều đặn đến hội đường, tại đó khi đến phiên, Ngài đã tuyên đọc Kinh Thánh Cựu Ước (Lc 4:16-17). Cũng vạây, Ngài đã đi lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem để mừng những lễ lớn (Lc 2:41).
Trong khi ấy giữa những bận rộn hằng ngày đã có một điều gì thật là diệu kỳ và mầu nhiệm đang diễn tiến trong tâm trí Đức Giê-su. Con người của Ngài đang ý thức về căn tính, sứ mệnh và về Cha trên trời; ý thức ấy đang phát triển một cách vô cùng tốt đẹp (Lc 2:49).

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH
1. Gio-an 1:1-18 Ngôi Lời tự đời đời

2. Châm Ngôn 8:22-31 Người Con vĩnh cửu

3. I-sai-a 9:1-6 Vương quốc vĩnh cửu

4. Mát-thêu 2:1-12 Những vị khách viếng thăm Vua

5. Thánh Vịnh 72:1-19 Vạn tuế Vua!
THẢO LUẬN
Các tác giả sách Tin Mừng đã viết khi nào, ở đâu và cho ai?

Bạn hiểu thế nào khi những sách ấy viết cho chính bạn?


CHIA SẺ

1. Khi thăm Thánh địa, có người mang theo một bộ tượng Giáng Sinh. Tượng làm bằng gỗ ô-liu, khắc hình Đức Giê-su, Mẹ Ma-ri-a, thánh Giu-se và các người chăn chiên. Nhân viên an ninh phi trường Tel Aviv rọi tia X từng tượng một và nói: “Chúng tôi không thể bất cẩn được. Nhưng chúng tôi phải chắc chắn là không có chất nổ đặt bên trong các tượng này.” Chủ nhân của bộ tượng cười thầm và nghĩ rằng: “Đúng, bộ tượng Giáng Sinh có một sức nổ mạnh nhất thế giới!” Vậy người ấy đang nghĩ tới sức mạnh nào? Chúng ta có thể diễn tả sức mạnh ấy thế nào?


2. Henry Van Dyke đã viết một câu truyện rất hay về Giáng Sinh, tựa là “Nhà chiêm tinh thứ tư” nói về Artaban là người đáng lẽ đã cùng đi với ba nhà chiêm tinh kia đến Bê-lem. Câu truyện kể tại sao ông ta đã trễ hẹn không đi với họ được. Bạn hãy tưởng tượng Van Dyke xin bạn giúp ông ta ý kiến muốn Artaban đem theo lễ vật gì để dâng cho Đức Giê-su. Vậy lễ vật gì thích hợp và tại sao?
3. Một thi sĩ vô danh viết: “Khi tiếng hát thiên thần vừa dứt, khi ánh sao trên trời mới tắt, khi các vua chúa đã về nhà, khi các mục đồng đã trở lại đàn chiên, thì công việc của Giáng Sinh bắt đầu: tìm những gì lạc mất, chữa lành kẻ bị dập nát, cho người đói ăn, thả tù nhân, tái thiết các quốc gia, đem hòa bình đến cho anh em, ca hát trong tâm hồn.” Hãy diễn tả một “công việc Giáng Sinh” mà bạn đã hoặc đang dấn thân.
------------------------------
Bài 13
ĐỨC GIÊ-SU CHUẨN BỊ SỨ VỤ

Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:


1. Nếu tôi có mặt lúc Đức Giê-su chịu phép rửa hoặc lúc Ngài bị cám dỗ trong sa mạc, tôi sẽ…, bởi vì…
2. Khi nghĩ về những cám dỗ của Chúa trong sa mạc, tôi cho rằng tên quỷ giống như…, bởi vì…
ĐỨC GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA
Linda Marshall sửa soạn tắm. Bà đưa tay ra thử độ ấm của nước, một chân trong bồn tắm, còn chân kia ở ngoài. Đang đứng trong tư thế tức cười như vậy, bà chợt nghĩ về mình: “Đây chính là một hình ảnh về cuộc đời tôi.”
Linda vẫn ước ao có một đời sống đạo đức hơn, nhưng bà không làm sao tiến bước được. Bà luôn luôn chân trong chân ngoài. Hình như bây giờ là lúc cho bà quyết định.
Cuối cùng bà nín thở, rồi la lớn lên: “Lạy Chúa, con xin chọn Chúa.” Sau lời ấy, bà bước vào bồn tắm, tựa như một cuộc rửa tội vậy.
Nếu chúng ta có thể hiểu được lựa chọn khó khăn của Linda thì chúng ta cũng có thể hiểu được sự lựa chọn mà Gio-an Tẩy giả đã đề ra cho dân chúng khi ông nói với họ: “Anh chị em hãy từ bỏ tội lỗi và lãnh nhận phép rửa” (x. Lc 3:3).
Từ ngữ Gio-an sử dụng “Hãy từ bỏ tội lỗi” được dịch ra từ tiếng Do-thái, có nghĩa là “quay về để khỏi đi theo con đường lầm lỗi nữa.” Nói khác đi, ông xin dân chúng hãy nhận thực những đường lối tội lỗi của họ và hãy thay đổi đời sống. Để tỏ ra họ thành thực muốn làm như vậy, Gio-an mời gọi họ hãy lãnh nhận phép rửa.
Đức Giê-su xin chịu phép rửa
Khi nhìn thấy Đức Giê-su lội xuống nước để chịu phép rửa, Gio-an hết sức ngạc nhiên. Ông phải làm gì đây? Gio-an cố xoay ngược lại tình thế, ông nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Đức Giê-su trả lời ông: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3:14-15).
Đức Giê-su hòa mình hoàn toàn với chúng ta

Đức Giê-su đã xin chịu phép rửa, không phải vì Ngài là kẻ tội lỗi cần hối cải, nhưng vì Ngài là một người trong chúng ta, nghĩa là một phần tử bằng máu và thịt thuộc gia đình nhân loại. Ngài hòa mình với chúng ta một cách hoàn toàn đến nỗi đã chấp nhận thân phận con người của chúng ta, ngay cả đến tình trạng tội lỗi.


Ở đây cho ta một bài học quan trọng. Chúng ta cũng là những phần tử của một nhân loại tội lỗi. Chúng ta không thể đứng ngoài vòng nhân loại ấy, nhưng giữa những tội lỗi của nhân loại. Thí dụ, chúng ta không thể nói: “Tôi không chấp nhận việc chối bỏ nhân quyền. Tôi cũng không chấp nhận những sách báo, phim ảnh hoặc những chương trình truyền hình như thế này. Nhưng tôi không thể làm gì hơn đối với những điều tội lỗi này.” Là môn đệ Chúa Ki-tô, chúng ta có bổn phận phải tìm ra những phương thức để làm một điều gì chứ!

BA HÌNH ẢNH

Ngay sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, thì “trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3:21-22).


Ba hình ảnh qua mô tả của Lu-ca về việc Đức Giê-su chịu phép rửa là:
* trời mở ra

* chim bồ câu đáp xuống, và

* tiếng nói phát ra từ trời.
Một “thời đại mới” hé mở

Để hiểu việc trời mở ra trên Đức Giê-su, chúng ta cần biết người Do-thái thời xưa đã nhìn vũ trụ như thế nào. Họ coi vũ trụ như là ba thế giới xếp chồng lên nhau.

Bên trên là thế giới của Thiên Chúa. Ở giữa là thế giới của người sống và dưới cùng là thế giới của người đã chết.
Ranh giới ngăn cách thế giới của Thiên Chúa và thế giới người sống là bầu trời. Nếu Thiên Chúa muốn đi vào thế giới người sống, thì Ngài phải đi qua ngăn cách này.
Sau khi A-đam phạm tội, thế giới của người sống đã trở nên mỗi ngày một xấu xa thêm. Những người thánh thiện cầu xin Thiên Chúa “xóa bỏ” ranh giới ngăn cách với thế giới của Ngài và làm một điều gì đó cho thế giới xấu xa của họ. Thí dụ ngôn sứ I-sai-a đã cầu nguyện: “Ước gì Ngài xé trời mà xuống” (Is 63:19). Tác giả Thánh Vịnh kêu cầu: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy xé trời ra mà ngự xuống” (Tv 144:5).
Hình ảnh trời mở ra có nghĩa là Thiên Chúa đã quyết định đi vào thế giới của chúng ta và làm một điều gì đó đối với tình trạng tội lỗi trong thế giới ấy. Một “thời đại mới” trong lịch sử nhân loại đang khởi đầu.
Một “cuộc tạo dựng mới” bắt đầu

Hình ảnh thứ hai là hình chim bồ câu (Thánh Thần) đáp xuống trên Đức Giê-su. Hình ảnh này gợi lại việc thần linh Chúa xuống trên nước trong ngày tạo dựng (St 1:1-2).


Những giáo sĩ Do-thái so sánh thần linh Chúa tựa như một chim bồ câu. Lu-ca dùng hình ảnh này để dạy rằng một thời đại mới đang ló rạng. Lời tiên tri của ngôn sứ I-sai-a đang được thể hiện: “Thiên Chúa phán: Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới… Hãy vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo” (Is 65:17-18).
Hình ảnh chim bồ câu đáp xuống có nghĩa là một cuộc tạo dựng mới sắp sửa xảy ra.
Một “A-đam mới” xuất hiện

Hình ảnh thứ ba là tiếng phát ra tự trời nói về Đức Giê-su: “Con là Con yêu dấu của Cha.” Tiếng nói mô tả Đức Giê-su là con đầu lòng của một cuộc tạo dựng mới. Ngài chính là “A-đam mới” trong cuộc tạo dựng mới. Phao-lô nói lên sự so sánh giữa “A-đam cũ” và Đức Giê-su là “A-đam mới”:


“Con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng (Đức Ki-tô) là thần khí ban sự sống… Người thứ nhất (A-đam) bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai (Đức Ki-tô) thì từ trời mà đến. Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.” (1 Cr 15:45,47-49)
Hình ảnh thứ ba chứa đựng một bài học quan trọng. Vì chúng ta mang cả hình ảnh của “con người thuộc về đất” lẫn “con người thuộc về trời”, nên chúng ta cảm nghiệm một sự căng thẳng nội tại giữa xác thịt (con người thuộc về đất) và tinh thần (con người thuộc về trời). Chính thánh Phao-lô đã cảm nhận sự căng thẳng này trong cuộc sống, nên ngài nói: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7:15).
Thời gian chờ đợi từ lâu nay đã tới

Ba hình ảnh trong biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa có ý nghĩa như sau:

* một thời đại mới hé mở (trời mở ra),

* một cuộc tạo dựng mới bắt đầu (chim bồ câu đáp xuống), và

* một A-đam mới xuất hiện (tiếng nói từ trời).
Thời gian chờ đợi từ lâu, giờ đây đã tới: Thiên Chúa khởi sự “tái tạo” thế giới đã bị tội lỗi “hủy tạo.”
NHỮNG CÁM DỖ CỦA ĐỨC GIÊ-SU

Doug Alderson đã mô tả một kinh nghiệm thích thú trong cuốn Campus Life. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông làm một chuyến đi bộ hai ngàn dậm trong mùa hè dọc theo đường mòn rặng Appalachian. Ông viết:


“Tôi vừa tốt nghiệp trung học xong. Tôi có nhiều câu hỏi. Mục đích của tôi trong đời là gì? Tương lai của tôi? Có Thiên Chúa không? Tôi nghĩ những câu trả lời có thể tìm thấy ngay tại những vùng hoang dã trước mặt kia.
“Đáng lẽ phải dành thời giờ cho sự sống hơn là cho tiền bạc, TV, chơi bời và chích choác. Theo một ý nghĩa nào đó, cuộc đi bộ của tôi là một cuộc tìm kiếm bình an nội tâm, một hành trình để đi tìm chính mình.”
Doug đã nói rằng những thời khắc lâu dài trên đường mòn đã cho ông cơ hội để biết chính mình hơn và hoạch định cho tương lai.
Năm tháng sau, ông trở về nhà với một con người đã thay đổi. Ngay cả con chó trong nhà cũng nhìn ông nghi ngờ như muốn hỏi: “Anh đã ở đâu? Đã làm gì? Anh là người khác mất rồi.”
Doug đã khác xưa. Ông đã gặp thấy những gì ông tìm kiếm, đó là “bình an từ nội tâm, bình an từ Thiên Chúa.” Ông tóm tắt kinh nghiệm của ông khi nói rằng: “Tôi thành con người của chính tôi nhiều hơn. Tôi thích những gì tôi khám phá nơi chính tôi.”
Doug Alderson là một thí dụ về con người đã đi ra ngoài một mình trong một thời gian để tìm lại chính mình. Ông Mô-sê đã làm điều đó; các ngôn sứ đã làm điều đó; Gio-an Tẩy giả đã làm điều đó. Đức Giê-su cũng làm điều đó.
Đức Giê-su chịu cám dỗ trong sa mạc

Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su đã được “Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!” Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”


Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
Quỷ đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, để luôn luôn gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.”

(Lc 4:1-18)


BA ĐIỀU XÉT LẠI
Những cám dỗ Đức Giê-su chịu có ý nghĩa sâu xa hơn là chúng ta thấy bề ngoài. Để hiểu được ý nghĩa sâu xa này, hãy nghĩ những cám dỗ đây như là duyệt trước một cuốn phim. Việc điểm phim chỉ nói cho chúng ta vừa đủ để thích cuốn phim, chứ không phải đủ để dẹp bỏ cuốn phim. Những cám dỗ đối với Đức Giê-su cũng tương tự. Chúng xét lại những câu trả lời cho ba câu hỏi quan trọng về Đức Giê-su:
* Ngài là ai? (căn tính của Ngài),

* Ngài đến để làm gì? (sứ mệnh của Ngài), và

* Ngài sẽ thi hành sứ mệnh ấy thế nào? (lối sống của Ngài).
Đức Giê-su xét lại căn tính của Ngài

Những cám dỗ của Đức Giê-su cho thấy Ngài đã cảm nghiệm một cuộc chiến nội tâm giữa chính tà mà ngay chúng ta cũng cảm nghiệm. Nói khác đi, những cám dỗ của Ngài chứng tỏ Ngài là con người thực sự như chúng ta.


Nhưng những cám dỗ còn cho thấy một điều gì hơn thế nữa. Chúng cho thấy Đức Giê-su đã phản ứng lại ma quỷ như thế nào. Ngài phản ứng khác hẳn với cách của chúng ta. Chưa có ai tỏ ra cứng rắn trước cám dỗ như Đức Giê-su đã làm.

Phản ứng của Đức Giê-su trước cám dỗ cho thấy Ngài không giống như những người khác. Có một điều gì đặc biệt nơi Ngài. Ma quỷ đã để lộ điểm đặc biệt ấy khi nó nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa.” Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người.


Đức Giê-su xét lại sứ mệnh của Ngài

Những cám dỗ Đức Giê-su chịu cũng xét lại câu trả lời cho câu hỏi “Đức Giê-su đến để làm gì?” Chúng ta hãy nhớ lại hai điểm đã nói trước đây.


Trước hết, việc Đức Giê-su chịu phép rửa cho thấy một cuộc tạo dựng mới, hoặc tái tạo thế giới đã bắt đầu. Thứ hai, ngay sau cuộc tạo dựng thứ nhất, ma quỷ đã cám dỗ A-đam, con người thứ nhất, và làm cho ông phạm tội. Tội lỗi ấy đã đem lại sự chết thiêng liêng cho thế giới. Thánh Phao-lô viết: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5:12).
Vậy giờ đây ma quỷ lập lại trò cũ. Nó cám dỗ Đức Giê-su, con người đầu tiên của cuộc tạo dựng mới và cố đưa Ngài vào đường tội. Nhưng Đức Giê-su đứng vững. Chiến thắng của Ngài trên ma quỷ phục hồi sự sống cho nhân loại. Phao-lô nói: “Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5:18-19).
Sứ mệnh của Đức Giê-su là làm A-đam mới của cuộc tạo dựng mới. Ngài đã đến để dẫn đưa nhân loại ra khỏi vòng tội lỗi mà tiến vào vương quốc của Cha Ngài. Ngài đã đến để cứu họ khỏi cái chết và phục hồi sự sống cho họ. Đây chính là điều chúng ta hiểu từ ngữ cuộc tạo dựng mới nghĩa là gì.
Đức Giê-su xét lại lối sống của Ngài

Sau cùng, những cám dỗ Chúa Giê-su chịu xét lại đường lối Ngài sẽ thi hành sứ mệnh của mình.


Trước hết, việc Đức Giê-su từ chối không biến những viên đá trở nên bánh cho thấy Ngài sẽ không sử dụng quyền năng của mình để mưu lợi riêng hoặc để sống thoải mái. Trái lại, Ngài sẽ phải đổ mồ hôi, đói khát, chịu khổ cực để chu toàn công việc của Ngài trên trần gian, chẳng khác gì chúng ta vậy.
Thứ hai, việc Đức Giê-su từ chối gieo mình xuống từ đỉnh Đền Thờ và để cho thiên thần bảo vệ Ngài chứng tỏ Ngài đến để phục vụ chứ không để được phục vụ (Mc 10:44-45).
Thứ ba, Đức Giê-su từ chối bái quỳ trước ma quỷ, dù là để đổi lấy cả thế giới này, cho thấy Ngài sẽ không đồng tình hoặc mặc cả với ma quỷ. Cám dỗ này thực ra chứng tỏ rằng vào lúc ấy thế giới này đang nằm dưới quyền lực ma quỷ. Ma quỷ có thể ban thế giới này cho bất cứ ai mong muốn. Việc Đức Giê-su từ chối không muốn thần phục ma quỷ đã bẻ gẫy quyền lực của nó. Đức Giê-su chứng tỏ rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa, đúng là đúng, sai là sai. Đức Giê-su sẽ chịu đau khổ – cả đến chịu chết nữa – trong tay ma quỷ, nhưng Ngài sẽ không thương lượng với ma quỷ.
Như vậy, khi từ chối những cám dỗ của ma quỷ, Đức Giê-su đã xét lại Ngài sẽ thi hành sứ mệnh của Ngài thế nào:

* Ngài muốn chịu đau khổ chứ không lẩn tránh đau khổ.

* Ngài muốn phục vụ chứ không muốn được phục vụ.

* Ngài muốn chịu chết chứ không muốn thương lượng với ma quỷ.


Sau khi chịu cám dỗ, Đức Giê-su rời sa mạc và trở về đời để thi hành thánh ý Cha trên trời.
ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

1. Lu-ca 3:1-22 Tiếng nói trong hoang địa

2. Đệ nhị luật 8:1-10 Bánh thôi không đủ

3. Đệ nhị luật 6:10-25 Đừng thử thách Thiên Chúa

4. Thánh Vịnh 91 Thiên thần sẽ bênh đỡ bạn

5. I-sai-a 65:17-25 Cuộc tạo dựng mới


THẢO LUẬN

1. Những hình ảnh và ý nghĩa của việc Đức Giê-su chịu phép rửa và việc bạn lãnh nhận Bí tích Rửa tội có những điểm nào giống nhau?


3. Những cám dỗ Đức Giê-su chịu có ý nghĩa gì đối với riêng bạn?
CHIA SẺ

1. Thảo luận những tư tưởng sau đây:


- “Bạn bị cám dỗ không phải vì bạn xấu xa, nhưng bạn bị cám dỗ vì bạn là con người.” (ĐGM Fulton Sheen)
- “Hầu hết những người lướt khỏi cơn cám dỗ thường để lại địa chỉ kế tiếp.” (vô danh)
- “Cơn cám dỗ cuối cùng chính là cơn cám dỗ mãnh liệt nhất: đó là làm điều trái với lý do phải.” (T. S. Eliot)
2. Hãy cho một thí dụ để nói lên điều Daniel Wilson ngụ ý khi ông nói: “Khi một người chống lại tội lỗi chỉ dựa trên những động lực loài người thôi, thì họ sẽ không chống được lâu đâu.”
3. Quintin Hogg là một cố vấn nổi tiếng cho giới trẻ tại Luân-đôn. Khi người ta hỏi một em nhỏ đã rời Luân-đôn làm sao em có thể nghĩ ngay đến ông Hogg ở xa, thì em trả lời: “Khi nào tôi bị cám dỗ, tôi liền ngồi xuống, lấy trong ví ra tấm ảnh của Hogg và tưởng tượng ông đang nói gì về cơn cám dỗ này.” Bạn sống xa cha mẹ, ai sẽ là người có thể gợi ý cho bạn, hoặc ai đã ảnh hưởng lớn đối với bạn? Hãy giải thích.
4. Bạn hãy nhớ lại lần nào đó, cũng giống như Linda Marshall, bạn cảm thấy Thiên Chúa đang ban cho bạn ơn sủng để làm một quyết định quan trọng trong khi bạn cứ chần chờ.
5. Hãy nhớ lại lần nào đó, cũng như Doug Alderson, bạn đã dành một thời gian (một ngày hoặc một buổi chiều) để đối diện với chính mình và để trả lời những câu hỏi về tương lai của bạn.
-----------------------------
Bài 14
ĐỨC GIÊ-SU THI HÀNH SỨ VỤ
Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:
1. Theo tôi nghĩ, lý do chính để Đức Giê-su làm phép lạ, đó là…
2. Theo tôi nghĩ, lý do chính để Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà dạy người ta, đó là…
NHỮNG PHÉP LẠ CỦA ĐỨC GIÊ-SU
Nhạc sĩ dương cầm Marta-Korwin Rhodes có mặt tại Warsaw khi quân đội Đức quốc xã chiếm thành phố. Thay vì chạy trốn, bà đã ở lại để giúp đỡ những người bị thương. Tối kia bà trông thấy một người lính bị thương rúc đầu xuống một cái gối. Anh ta rên rỉ và kêu khóc. Bà muốn giúp anh ta nhưng không biết làm thế nào. Rồi một ý tưởng ngộ nghĩnh chợt đến. “Nếu tôi có thể chuyển hòa âm qua những phím đàn thì tại sao tôi không thể chuyển qua những ngón tay của tôi?” Với những ý tưởng ấy, bà lấy tay nâng đầu anh lính lên. Bà cầu xin sự hòa hài của vũ trụ hãy chuyển qua những ngón tay của bà để đi vào đầu anh lính và giúp anh ta dịu cơn đau đớn. Lập tức anh ta ngừng khóc và ngủ thiếp đi.
Ngày nay sử dụng việc cầu nguyện để chữa bệnh đang được người ta chú ý tới.
Đức Giê-su thường dùng lời cầu nguyện để chữa lành người ta. Thí dụ, một ngày kia có người đem tới cho Ngài một người bị câm điếc. Đức Giê-su “đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh; rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ep-pha-tha,” nghĩa là: hãy mở ra!” (Mc 7:33-34). Lập tức người ấy được chữa lành.
Chúng ta thường cho những việc chữa lành như thế là những phép lạ.
Phép lạ là gì?
Kinh Thánh Tân Ước dùng ba từ ngữ để chỉ về những phép lạ của Đức Giê-su: teras, dynamis, và semeion. Mỗi từ Hy-lạp này (Tân Ước được viết bằng Hy-ngữ) đều cho chúng ta một ý nghĩa khác nhau về phép lạ.
Teras nghĩa là “một sự kinh ngạc.” Một phép lạ làm cho chúng ta kinh ngạc. Nó khiến chúng ta sững sờ. Chúng ta không biết làm sao lại xảy ra như vậy.
Dynamis nghĩa là “một quyền lực.” Danh từ chất nổ (dynamite) từ đó mà có. Phép lạ là một cái gì nổ tung và đầy sức mạnh. Nó có thể phục hồi thính giác cho một người điếc.
Semeion nghĩa là “một dấu chỉ.” Phép lạ giống như một cái đèn hiệu. Điều quan trọng không phải là nó phát ra ánh sáng, nhưng là ý nghĩa của nó. Cũng thế, điều quan trọng về phép lạ của Đức Giê-su là những ý nghĩa nào Ngài muốn những phép lạ ấy nói lên.
Semeion là từ ngữ Tin Mừng Gio-an sử dụng. Đối với Gio-an, những phép lạ của Chúa Giê-su có hai cấp độ:
* cấp độ giác quan (những gì được chứng kiến)

* cấp độ dấu chỉ (những gì phép lạ ấy nói lên ý nghĩa).



tải về 1.67 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương