ĐỨc tin ngưỜi công giáo the Catholic Vision Mark Link, sj. Lm. Trần Đình Nhi



tải về 1.67 Mb.
trang8/10
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích1.67 Mb.
#37886
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Chúng ta lãnh nhận Thánh Thần

Chính trong bối cảnh ấy, chúng ta sẽ suy nghĩ về Bí tích Thêm sức. Qua bí tích này chúng ta lãnh nhận việc đổ xuống ơn Thánh Thần, y như các Tông đồ và những người khác đã được trong ngày Hiện Xuống. Mục đích của việc lãnh nhận này là để ban cho chúng ta những gì đã được ban cho các Ki-tô hữu tiên khởi, đó là sai chúng ta đi và cho chúng ta được dũng mạnh để đóng một vai trò tích cực hoạt động trong công cuộc của Giáo Hội, nhất là:


* để làm chứng cho đức tin, và

* để làm cho Nước Chúa được mở mang.


PHỤNG VỤ BÍ TÍCH THÊM SỨC

Trong đêm Vọng Phục Sinh, Bí tích Thêm sức được cử hành ngay sau Bí tích Rửa tội. Phụng vụ Bí tích Thêm sức có ba phần:


* gọi tên các ứng viên

* đặt tay trên các ứng viên

* xức dầu các ứng viên.
Chúng ta hãy xét kỹ hơn về ba phần này.
Các ứng viên được gọi hãy tiến lên

Bí tích khởi đầu với việc gọi các ứng viên cùng cha mẹ đỡ đầu hay người bảo trợ tiến lên. Khi họ đã đứng trước mặt cộng đoàn Ki-tô hữu, chủ tế nói với họ:


“Được tái sinh nhờ Đức Ki-tô trong Bí tích Rửa tội, anh chị em trở nên chi thể của Đức Ki-tô và của dân tư tế Người. Giờ đây anh chị em sắp được thông phần lãnh nhận ơn thánh tuôn tràn của Chúa Thánh Thần...
“Sức mạnh được hứa ban của Chúa Thánh Thần mà anh chị em sắp lãnh nhận sẽ tăng sức cho anh chị em để anh chị em trở thành một phần tử sống động của Hội Thánh và để anh chị em xây đắp Nhiệm Thể Chúa Ki-tô trong đức tin và tình thương mến.”
Tiếp đến, chủ tế mời cộng đoàn cùng với ngài yên lặng cầu nguyện cho các ứng viên.
Sau khi yên lặng cầu nguyện, chủ tế chuẩn bị cho phần thứ hai của phụng vụ.
Đặt tay trên các ứng viên
Cử chỉ đặt tay đã có tử thời Kinh Thánh. Đó là cách một người được trao phó thi hành một sứ vụ đặc biệt đối với cộng đồng. Thiên Chúa phán với Mô-sê:
“Ngươi hãy đem theo Giô-suê, con của Nun, là người có thần khí nơi mình, và ngươi sẽ đặt tay trên nó... Ngươi sẽ chia cho nó một phần uy quyền của ngươi, để toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en nghe lời nó...
“Ông Mô-sê đã làm như Đức Chúa truyền cho ông: Ông đã đem theo Giô-suê và cho ông này đứng trước mặt tư tế E-la-da và trước mặt toàn thể cộng đồng. Ông đặt tay trên ông Giô-suê và ra lệnh cho ông ấy như Đức Chúa đã dùng ông Mô-sê mà phán” (Ds 27:18.20.22-23).
Cũng vậy, cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi đã ủy nhiệm cho các phó tế một sứ vụ đặc biệt. Sách Công Vụ Tông Đồ viết: “Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông” (Cv 6:6).

Cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi cũng thường dùng cử chỉ đặt tay để thông ban Thánh Thần. Sách Công Vụ Tông Đồ viết:


“Các Tông Đồ ở Giê-ru-sa-lem nghe biết dân miền Sa-ma-ri đã đón nhận lời Thiên Chúa, thì cử ông Phê-rô và ông Gio-an đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ,để họ nhận được Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su. Bấy giớ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần” (Cv 8:14-17).
Dựa trên căn bản Kinh Thánh nên chúng ta có việc đặt tay trên các ứng viên.
Xin hãy sai Thánh Thần xuống trên họ”

Giang tay trên các ứng viên, chủ tế cầu nguyện:


“Lạy Thiên Chúa toàn năng là Cha Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con, bởi nước và Chúa Thánh Thần, Chúa đã giải thoát những người con của Chúa khỏi tội lỗi và ban cho họ được sự sống mới. Xin Chúa sai Thánh Thần của Chúa ngự xuống trên họ, để Người sẽ giúp đỡ và hướng dẫn họ. Xin ban cho họ được trần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và can đảm, thần trí hiểu biết và kính sợ. Xin đổ tràn trong tâm hồn họ ơn biết kính sợ Chúa. Chúng con nguyện xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.”
Cử chỉ đặt tay chuẩn bị cho phần thứ ba của phụng vụ Thêm sức.
Ứng viên được xức dầu
Nghi thức xức dầu cho một người đã có từ thời bắt đầu có Kinh Thánh. Thiên Chúa phán với Mô-sê:
“Đây là những việc ngươi sẽ thực hiện để thánh hiến họ làm tư tế phục vụ Ta... Ngươi sẽ lấy các phẩm phục mặc cho A-ha-ron... Ngươi sẽ lấy mũ tế đội lên đầu ông... Ngươi sẽ lấy dầu tấn phong mà đổ trên đầu A-ha-ron và xức dầu cho ông... Chức tư tế sẽ thuộc về họ, đó là điều luật vĩnh viễn. Và ngươi sẽ làm lễ tấn phong A-ha-ron và các con ông” (Xh 29:1.5-7.9).
Khi Đa-vít, con của Gie-sê, xuất hiện thì Chúa nói với Sa-mu-en:
“’Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi! Chính nó đó!’’ Ông Sa-mu-en cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí Đức Chúa nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi. Ông Sa-mu-en đứng dậy và đi Ra-ma” (1 Sm 16:12-13).
Sau hết, Kinh Thánh Cựu Ước nói về các ngôn sứ như là những người “được xức dầu.” Thiên Chúa phán cùng Ê-li-a: “Ê-li-sa con Sa-phát, người A-vên Mơ-khô-la, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm ngôn sứ thay cho ngươi” (1 V 19:16).
Tóm lại, nghi thức xức dầu đã được thực hành trong thời Kinh Thánh để phong một người làm ngôn sứ, làm tư tế và làm vua.
Dựa trên căn bản Kinh Thánh ấy, chúng ta có việc xức dầu cho những ứng viên Bí tích Thêm sức.
Hãy nhận lấy ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”

Nghi thức xức dầu bắt đầu với việc các cha mẹ đỡ đầu hoặc người bảo trợ đặt tay phải trên vai ứng viên. Khi chủ tế đến gần ứng viên, họ xướng tên của ứng viên.


Chủ tế tấm dầu thánh (dầu ô-liu pha thuốc thơm) vào ngón cái bàn tay phải, đọc tên ứng viên rồi xức dầu trên trán ứng viên đang khi ngài nói:
“Hãy nhận lấy ấn tin ơn Chúa Thánh Thần.”
Truyền thống Ki-tô giáo coi việc xức dầu như là cách chia sẻ với tân tòng những sứ vụ của Chúa Ki-tô là ngôn sứ, tư tế và vua.
Chia sẻ sứ vụ ngôn sứ của Chúa Ki-tô nghĩa là lãnh nhận trách nhiệm chia sẻ Tin Mừng với người khác.
Chia sẻ sứ vụ tư tế của Chúa Ki-tô nghĩa là lãnh nhận quyền tự hiến với Chúa Ki-tô để dâng lên Chúa Cha mỗi lần cử hành Thánh Thể.
Chia sẻ sứ vụ vua của Chúa Ki-tô nghĩa là tham gia vào cộng đồng đức tin để xây dựng vương quốc của Thiên Chúa trên mặt đất này.
Từ nay trở đi tân tòng sẽ được gọi là Ki-tô hữu (“những người được xức dầu”). Suy niệm về địa vị của “những người được xức dầu,” Phê-rô nói với họ:
“Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2:9).
Phụng vụ Bí tích Thêm sức kết thúc với việc các giáo dân mới này được cộng đoàn đón nhận và họ được gia nhập cộng đoàn.
Mọi người lập lại lời hứa Rửa tội

Giờ đây tới giây phút cảm động khi mọi người trong cộng đoàn đứng dậy, tay cầm nến sáng, lập lạilời hứa Rửa tội. Chủ tế hỏi cộng đoàn ba câu hỏi:


“Anh chị em có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất không?
“Anh chị em có tin kính Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Chúa Cha không?
“Anh chị em có tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công giáo, tin các thánh cùng thông công, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống vĩnh cửu không?”
Giai đoạn thứ ba của Nghi thức Dẫn nhập giờ đây bắt đầu. Những đại diện tân tòng mang lễ vật là bánh và rượu dâng lên. Đây là giây phút đáng ghi nhớ.
BÀN TIỆC THÁNH THỂ

Một nghệ sĩ họa kiểu cửa ra vào rất đặc biệt cho một nhà thờ tại Cologne bên Đức. Ông chia cửa thành bốn cánh, mỗi cánh có một biểu tượng nói về một biến cố trong Tin Mừng.


Cánh thứ nhất có vẽ sáu chum nước, biểu tượng phép lạ Ca-na, nơi Đức Giê-su biến nước thành rượu. Cánh thứ hai là năm chiếc bánh và hai con cá, biểu tượng phép lạ tại Ca-phác-na-um, nơi Đức Giê-su khiến bánh và cá hóa nhiều để nuôi dân chúng. Cánh thứ ba vẽ mười ba người chung quanh một cái bàn, biểu tượng Bữa Tiệc ly. Cánh thứ bốn vẽ ba người chung quanh một cái bàn, biểu tượng bữa ăn tại Em-mau vào tối Phục Sinh.
Cửa do nghệ sĩ họa kiểu thực là một tổng hợp tuyệt hảo Kinh Thánh nói về Thánh Thể, hoặc Bữa Tiệc của Chúa. Nó nói lên Thánh Thể khởi sự từ Ca-na, hình ảnh báo trước về Thánh Thể (Ga 2:6-9), tới Ca-phác-na-um, nơi Thánh Thể được hứa ban (Ga 6:8-11.24-27), đến Giê-ru-sa-lem, nơi Thánh Thể được cử hành (Mc 14:22), cuối cùng tới Em-mau, nơi Thánh Thể được cử hành lần đầu tiên sau Phục Sinh (Lc 24:30).
Trong hai bài tới, chúng tôi sẽ nói nhiều hơn về Thánh Thể, bí tích vĩ đại nhất trong các bí tích.
ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH
1. Thung lũng đầy xương khô. Ê-dê-ki-en 37

2. Thánh Thần ngự đến. Công vụ Tông đồ 8:4-25

3. Một Thánh Thần, nhiều ân sủng. 1 Cô-rin-tô 12:1-11

4. Một thân thể, nhiều chi thể. 1 Cô-rin-tô 12:12-27

5. Được Thánh Thần dạy dỗ. 1 Cô-rin-tô 2:7-16
THẢO LUẬN

1. Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể liên hệ với nhau như thế nào?


2. Trong thời Kinh Thánh, việc đặt tay trên một người biểu tượng điều gì?
CHIA SẺ
1. Hãy thảo luận những tư tưởng sau đây:
* “Có người chết vì bom đạn, có kẻ chết do lửa hỏa hào. Nhưng hầu hết là chết dần chết mòn khi đắm mình vào cuộc chơi.” (vô danh)
* “Những ai xây dựng chỉ bên dưới những vì sao, thì đúng là còn xây thấp quá.” (Edward Young)
* “Bạn nhìn thấy những gì đang có và hỏi ‘Tại sao?’ Còn tôi thì mơ những gì không bao giờ có và hỏi ‘Tại sao lại không?’” (George Bernard Shaw)
2. Khoảng đầu thập niên 1900, Ernest Shackleton, nhà thám hiểm Nam cực, đã cho đăng quảng cáo sau đây trên tờ Luân-đôn Thời Luận, không có hình ảnh, tuyên truyền hay phiếu thẻ gì cả. Thế mà có không biết bao nhiêu người khắp nước Anh đã nộp đơn. “Cần đàn ông cho một chuyến đi mạo hiểm. Lương ít, rất lạnh lẽo, nhiều tháng trời trong tối đen, luôn gặp nguy hiểm, không bảo đảm trở về bình yên vô sự. Nếu thành công sẽ vinh dự và được tri ân.” Tại sao những người này nay lại sẵn sàng hoặc không sẵn sàng để thách đố như những người ngày xưa?
3. Nếu bạn có tài chánh vững chắc và có thể dành tất cả thời giờ còn lại để làm bất cứ gì bạn muốn làm cho Chúa Ki-tô, thì bạn sẽ làm gì và tại sao bạn làm như vậy?
-----------------------------

Bài 21

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu hỏi sau đây:
1. Lần đầu tiên tham dự một Thánh lễ Công giáo, phản ứng của tôi là...
2. Một câu hỏi tôi có về Thánh lễ là...
THÁNH LỄ
Ông Henry David Thoreau là một nhà khảo cứu thiên nhiên người Hoa-kỳ sống hồi thế kỷ 19. Khi mô tả đồ đạc trong căn nhà gỗ của mình, ông nói: “Tôi có ba cái ghế... một cái để cho những phút yên tịnh, một cái để cho bạn bè và một cái cho xã hội.”

Mô tả của Thoreau cho thấy sự kiện tâm lý quan trọng đối với bộ mặt con người chúng ta. Chúng ta có ba phương diện: phương diện cá nhân riêng tư, phương diện bạn hữu và phương diện xã hội. Đôi khi chúng ta cần yên tịnh. Đôi khi chúng ta cần sự nâng đỡ của bạn bè hoặc gia đình. Đôi khi chúng ta cần sự hỗ trợ của cộng đồng rộng lớn hơn.


Những gì là thực đối với bộ mặt tâm lý của chúng ta thì cũng là thực đối với bộ mặt thiêng liêng. Đdôi khi chúng ta cần cầu nguyện một mình. Đôi khi chúng ta cần cầu nguyện chung với bạn bè hoặc gia đình. Đôi khi chúng ta cũng cần cầu nguyện cùng với cộng đồng rộng lớn hơn.

Sách Tin Mừng diễn tả Đức Giê-su cầu nguyện trong cả ba khung cảnh ấy. Ngài cầu nguyện một mình ở nơi vắng vẻ (Lc 5:16). Ngài cầu nguyện với bạn bè, đi lên núi với Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an (Lc 9:28). Ngài cũng cầu nguyện với cộng đoàn rộng lớn hơn khi Ngài thường xuyên tới hội đường (Lc 4:16).


Thánh lễ thuộc khung cảnh cầu nguyện thứ ba. Đó là phương thức người Công giáo cầu nguyện cùng với cộng đoàn rộng lớn hơn.
Thánh lễ có hai phần chính

Để biết cấu trúc của Thánh lễ như thế nào, chúng ta cần trở lại thời Đức Giê-su. Khi Đức Giê-su còn sinh thời, có hai nơi thờ phượng tại nước Ít-ra-en: hội đường và Đền Thờ. Việc phụng tự tại hội đường chỉ gồm có cầu nguyện và giảng dạy; còn việc phụng tự tại Đền Thờ gồm có cầu nguyện và dâng hy lễ. Thánh lễ phối hợp cả hai việc phụng tự này.


Phần đầu của Thánh lễ tương ứng với phụng tự tại hội đường và được gọi là Phụng vụ Lời Chúa. Còn phần thứ hai của Thánh lễ tương ứng với phụng tự tại Đền Thờ và được gọi là Phụng vụ Thánh Thể.
Trong bài này, chúng ta chỉ xét đến phần thứ nhất của Thánh lễ, tức Phụng vụ Lời Chúa, gồm có hai phần chính:
* Nghi thức tụ họp giáo dân, và

* Nghi thức tuyên đọc Lời Chúa.


TỤ HỌP GIÁO DÂN

Charles Schulz, người đã dựng nên loạt tranh hoạt họa Peanuts đã nói: “Có lẽ tôi là một người đùa cợt qua những cảm nghĩ của mình về cuộc đời, nhưng tôi tin là người ta không thể ‘đi’ nhà thờ, tiếng mà chúng ta vẫn thường nói. Làm sao bạn có thể đi đến một cái gì mà chính bạn đã là một thành phần của nó? Nếu bạn là một Ki-tô hữu thì bạn là chính Giáo Hội.”

Giáo Hội không phải là một ngôi nhà người ta tới đó để thờ phượng; nhưng Giáo Hội là những người tới đó. Giáo Hội không phải là một nơi người ta tụ họp để cử hành Bữa Tiệc ly của Chúa; nhưng Giáo Hội là những người tụ họp nhau để cử hành.
Từ giáo hội dịch theo chữ Do-thái là qahal. Kinh Thánh dùng từ này để nói về dân Chúa tụ họp tại chân núi Xi-nai hầu chuẩn bị cử hành giao ước của họ với Thiên Chúa. Đó chính là điều chúng ta làm trong Thánh lễ. Chúng ta tụ họp để cử hành giao ước của chúng ta với Thiên Chúa.

Chúng ta trao đổi lời chào mừng

Phụng vụ Lời Chúa khởi đầu với việc cộng đoàn đứng và hát trong khi chủ tế (linh mục) và những người phụ lễ đi vào giữa cộng đoàn.


Trung tâm điểm của đám rước là sách Tin Mừng. Độc viên cầm sách đưa cao lên cho mọi người thấy được.
Sau khi đoàn rước tới cung thánh, chủ tế bái chào Bàn thờ Chúa và đi về ghế ngồi của mình. Tại đó ngài trao đổi lời chào với giáo dân.
Chúng ta xin ơn tha thứ

Tiếp theo lời chào là nghi thức thống hối, thực thi những lời Đức Giê-su nói trong Bài giảng trên núi. Ngài nói nếu chúng ta tụ họp để thờ phượng mà chúng ta chưa tha thứ cho anh chị em thì chúng ta cần phải hòa giải với họ trước đã. Chỉ lúc đó chúng ta mới nên bắt đầu việc thờ phượng của chúng ta (Mt 5:23-24).


Mục đích của nghi thức thống hối là trao đổi với nhau sự tha thứ và xin Chúa thứ tha tội lỗi chúng ta.
Chúng ta đặt mình trước sự hiện diện của Chúa
Kinh Vinh danh tiếp theo nghi thức thống hối. Thánh ca đã có từ 1500 năm nay nhắc nhớ những lời thiên thần báo tin Đức Giê-su giáng sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” (Lc 2:14).
Khi các mục đồng nghe lời loan báo này, họ đã bỏ đoàn vật, ngay đêm ấy vội vã tới trước mặt Hài nhi Giê-su. Kinh Vinh danh mời gọi chúng ta cũng làm như vậy. Chúng ta hãy xếp bỏ mọi lo lắng thế trần lại, để đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa.
Chúng ta thân thưa với Chúa
Tiếp đến chủ tế mời gọi chúng ta cùng với ngài cầu nguyện. Ngài dừng lại một chút sau lời mời để chúng ta có thể cầu nguyện ngắn gọn theo cách của mình. Sau đó ngài cầu nguyện nhân danh mọi người, với những lời thí dụ như sau:
“Lạy Chúa là Cha chúng con, chúng con tụ họp nhau trước bàn thờ Chúa để chia sẻ Lời Chúa và Bàn tiệc Thánh Thể. Xin cho việc chia sẻ những hồng ân trên trời này giúp đỡ chúng con và ban sức mạnh cho chúng con hoạt động cho nước Chúa trị đến...”
Chúng ta thưa “A-men.” Từ Do-thái Amen có nghĩa là “Đúng như vậy.” Đó là cách chúng ta đồng lòng với lời nguyện của chủ tế và lấy lời nguyện ấy làm lời nguyện của chính chúng ta.
Lời “A-men” của cộng đoàn kết thúc nghi thức quy tụ giáo dân và dẫn vào nghi thức tuyên đọc Lời Chúa là tâm điểm của phần Phụng vụ Lời Chúa.
NGHI THỨC TUYÊN ĐỌC LỜI CHÚA

Sách Tin Mừng Lu-ca kể lại một nghi thức tuyên đọc Lời Chúa rất cảm động, xảy ra nơi hội đường. Lu-ca viết:


“(Đức Giê-su) đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: ‘Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.’
“Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.’ Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (Lc 4:16-22).
Đoạn Tin Mừng rất đẹp này đã mô tả Đức Giê-su làm hai điều:
* tuyên đọc Sách Thánh, và

* đáp lại Lời Chúa.


Đây cũng là điều chúng ta làm trong nghi thức tuyên đọc Lời Chúa.
Chúng ta đọc Kinh Thánh

Kinh Thánh gồm có Kinh Thánh Do-thái (Cựu Ước) và Kinh Thánh Ki-tô (Tân Ước). Kinh Thánh Do-thái dọn đường cho Kinh Thánh Ki-tô. Thánh Augustinô đã so sánh hai phần Kinh Thánh ấy như sau:


“Trong Cựu Ước ẩn tàng Tân Ước. Trong Tân Ước biểu lộ Cựu Ước.”
Cựu Ước giống như củ hoa uất kim cương. Bên trong cái củ hoa ấy giấu ẩn một bông hoa đẹp. Tân Ước tựa như bông hoa, sau khi đã chồi lên từ củ hoa đó. Nó biểu tỏ những gì đã giấu ẩn bên trong củ hoa.
Kinh Thánh Ki-tô không tiêu hủy Kinh Thánh Do-thái, tựa như sự trưởng thành không tiêu hủy tuổi thơ. Hơn thế nữa, Kinh Thánh Ki-tô còn đưa Kinh Thánh Do-thái tới viên mãn (Mt 5:17). Vì vậy chúng ta mới đọc cả hai phần Kinh Thánh trong Phụng vụ Lời Chúa.
Trước hết chúng ta đọc Kinh Thánh Do-thái

Trừ bảy tuần lễ trong mùa Phục Sinh ra (vì bài đọc thứ nhất của Phụng vụ Lời Chúa đều trích sách Công Vụ Tông Đồ), chúng ta bắt đầu Phụng vụ Lời Chúa với một đoạn trích Kinh Thánh Do-thái nói về lịch sử Dân Thiên Chúa tuyển chọn.


Kinh Thánh Do-thái cũng chính là Kinh Thánh Đức Giê-su đã đọc và suy niệm khi Ngài còn sống tại thế. Lúc chúng ta nghe là chúng ta lắng nghe chính những lời đã làm cho tâm hồn Đức Giê-su cảm động.
Sau khi tuyên đọc bài Kinh Thánh Do-thái xong, chúng ta dừng lại một chút để bài đọc chìm lắng vào tâm hồn. Sau phút yên lặng là hát (hoặc đọc) một Thánh Vịnh. Thánh Vịnh này thường là Thánh Vịnh xướng đáp, bởi vì chúng ta ngắt lại để cùng đọc những câu “đáp”, thí dụ: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.”
Những Thánh Vịnh diễn tả những chủ đề cốt yếu của Kinh Thánh Do-thái. Thánh Vịnh xướng đáp là hình thức cầu nguyện để kết thúc bài đọc thứ nhất.
Tiếp đến chúng ta đọc Kinh Thánh Ki-tô

Sau hai đoạn Kinh Thánh Do-thái (Bài đọc I và Thánh Vịnh) là hai bài trích Kinh Thánh Ki-tô. Bài trước lấy từ các Thư hoặc từ sách Khải Huyền.


Các Thư ghi lại một số vấn đề của Ki-tô hữu sơ khai gặp khi họ sống Tin Mừng. Còn sách Khải Huyền nói về những bách hại Ki-tô hữu phải chịu vì lòng tin vào Đức Giê-su.
Khi lắng nghe bài đọc đầu trích Kinh Thánh Ki-tô, chúng ta thường bỡ ngỡ không hiểu sao những vấn đề của Ki-tô hữu sơ khai lại cũng là những vấn đề của chúng ta ngày nay.
Chúng ta công bố Tin Mừng

Cao điểm của Phụng vụ Lời Chúa là bài đọc thứ nhì trích Kinh Thánh Ki-tô. Bài đọc lấy từ sách Tin Mừng: công bố Tin Mừng Đức Giê-su. Tầm quan trọng của bài đọc này được đề cao qua hai cách:


* chúng ta đứng dậy để lắng nghe, và

* chúng ta giới thiệu bài đọc bằng một bài ca được gọi là Tung hô Tin Mừng.


Tiếp theo bài ca, chủ tế loan báo đoạn trích sách Tin Mừng. Sau đó dừng lại một chút để chúng ta làm dấu Thánh giá trên trán, môi và ngực. Việc làm dấu Thánh giá này đã có từ thời buổi đầu. Khi làm dấu Thánh giá, người Công giáo thầm nguyện: “Xin Lời Chúa ngự trong trí con, trên môi con và trong tâm hồn con, để con luôn biết công bố Lời Chúa bằng lời nói và gương lành.”
Bài đọc Tin Mừng (cũng như các bài đọc khác trong Thánh lễ) thay đổi mỗi Chúa Nhật. Các bài đọc theo một chu kỳ là ba năm. Như thế tất cả các bài đọc quan trọng trong Kinh Thánh sẽ được lập lại ba năm một lần.
Kinh Thánh Do-thái (bài đọc thứ nhất) được sắp đặt cho phù hợp với bài đọc Tin Mừng. Thí dụ bài đọc Kinh Thánh Do-thái nói về việc Thiên Chúa hứa ban một “mục tử” để chăm sóc dân Ngài. Bài Tin Mừng lấy cùng chủ đề ấy và chọn một đoạn nói về Đức Giê-su xưng mình là “mục tử” được Thiên Chúa hứa ban.
Sự phù hợp giữa các bài đọc nhiều khi khóa nhận thấy và cần giải thích. Ngoài ra cũng không luôn rõ ràng thấy được bài đọc áp dụng thế nào vào đời sống hằng ngày.
Do đó, điểm này đưa chúng ta sang bước tiếp theo của Phụng vụ Lời Chúa, đó là việc chủ tế dẫn giải các bài đọc Sách Thánh.
Chúng ta lắng nghe bài giảng
Mục đích của bài giảng là giải thích các bài đọc và áp dụng chúng vào đời sống. Đây là một công việc khó khăn của người giảng, vì cộng đoàn gồm đủ lớp người khác nhau về tuổi tác lẫn lối sống.
Hơn nữa không phải người giảng nào cũng có biệt tài ăn nói hoạt bát. Bởi thế bài giảng không phải lúc nào cũng thu hút như chúng ta mong muốn.
Nơi đây chúng ta nên nhớ là người giảng cũng là con người và phản ảnh chiều kích nhân loại của Giáo Hội, nhưng đồng thời ngài cũng nói nhân danh Chúa Ki-tô và phản ảnh chiều kích thần linh của Giáo Hội.
Thánh Augustinô đã nghĩ như vậy khi ngài nói: Khi Kinh Thánh được tuyên đọc và giải thích thì đó là Chúa Ki-tô nói với chúng ta.” Những lời của thánh Augustinô gợi lại những gì Đức Giê-su đã nói với các môn đệ Ngài: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10:16). Như thế nếu chúng ta lắng nghe bài giảng với tâm hồn rộng mở thì Chúa Ki-tô sẽ nói với chúng ta qua bài giảng ấy theo đường lối ơn sủng của Ngài.
Phụng vụ Lời Chúa kết thúc với việc chúng ta đáp lại Lời Chúa.
Chúng ta tuyên xưng đức tin

Nếu có ai bảo chúng ta hãy tổng hợp tất cả những điều cốt yếu phải tin thuộc đức tin Công giáo trong vòng 60 giây đồng hồ, liệu chúng ta có làm nổi không? Thực ra chúng ta đã làm được điều ấy khi đọc kinh Tin kính. Kinh Tin kính là một định đề cô đọng những gì người Công giáo tin và tuyên xưng. Bởi đó chúng ta đứng khi cùng đọc kinh Tin kính. Kinh Tin kính là những gì mà chúng ta, những người Công giáo, phải “thay mặt” cho.

Về điểm này, có một vấn đề người ta hay đặt ra. Tại sao người Công giáo trong Thánh lễ khi thì đứng, khi thì quỳ hoặc ngồi? Nói chung, chúng ta đứng là để công bố (bài Tin Mừng và kinh Tin kính), ngồi để lắng nghe (các bài đọc khác ngoài bài đọc Tin Mừng) và quỳ để tỏ sự tôn kính (Kinh nguyện Thánh Thể).
Chúng ta xin Chúa giúp đỡ

Việc đáp lại cuối cùng của chúng ta đối với Lời Chúa là một loạt những lời cầu xin gọi là Lời nguyện giáo dân.


Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11:9). Đó là những gì chúng ta làm trong Lời nguyện giáo dân. Chúng ta xin Chúa giúp chúng ta:
* sống Lời Ngài, và

* biết đối phó với những khó khăn cũng như những nhu cầu mọi lúc.


Chủ tế kết thúc Lời nguyện giáo dân bằng một lời nguyện, thí dụ:
“Lạy Chúa là Cha chúng con, chúng con vừa lắng nghe Lời Chúa. Xin cho chúng con biết thật tâm yêu mến Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa với anh chị em và đem thực hành trong đời sống chúng con. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.”
ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

1. Việc phụng tự trong Đền Thờ. 1 Vua 8:1-21

2. Việc phụng tự trong hội đường. Lu-ca 4:14-21

3. Bài giảng trên núi. Mát-thêu 5:1-14

4. Bài giảng của Phê-rô tại nhà Công Vụ Tông Đồ 10:34-43

5. Bài giảng của Phao-lô tại hội đường. Công Vụ Tông Đồ 13:13-43


THẢO LUẬN

1. So sánh các bài đọc của Thánh lễ Chúa Nhật tới với nhau, bạn thấy chúng phù hợp với nhau như thế nào và nói lên chủ đề gì?


2. Các bài đọc đều quan trọng. Nhưng riêng đối với bạn, bài nào thường dễ lôi cuốn sự chú ý của bạn? Tại sao?
CHIA SẺ

1. Hồi Thế chiến II, một ít giáo dân Pháp xin một linh mục dâng Thánh lễ cho họ tại nhà tù buổi sáng trước giờ hành quyết. Một người lính Đức hỏi những tử tội người Công giáo là nếu anh ta muốn tham dự và rước lễ cùng với họ thì có làm cho họ khó chịu không. Bạn sẽ trả lời lời yêu cầu của anh ta thế nào? Tại sao trả lời vậy?


2. Một văn sĩ Ki-tô giáo thời sơ khai viết: “Bạn lãnh nhận Mình Thánh Chúa một cách hết sức thận trọng... không để một vụn bánh nhỏ rơi xuống đất... Nếu bạn đã cẩn thận như vậy đối với Mình Thánh Chúa, thì tại sao bạn lại nghĩ là không quan trọng gì nếu có bê trễ đối với Lời Chúa?” Quan điểm của ngài thế nào?
3. Đâu la trở ngại bạn gặp khi lắng nghe Lời Chúa và bài giảng trong Thánh lễ? Nếu nói chuyện với một người bạn cũng có cùng một khó khăn như bạn, bạn sẽ khuyên họ thế nào?
4. Phần nào trong Phụng vụ Lời Chúa bạn thấy ý nghĩa nhất? Tại sao? Phần nào ít ý nghĩa nhất? Tại sao?
5. Nếu bạn có thể giảng, bạn sẽ chọn chủ đề nào cho Chúa Nhật tới? Tại sao chọn chủ đề ấy?
Bài 22

PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

Trước khi đọc thêm, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu hỏi sau:


1. Một trong những buổi phụng tự đáng nhớ nhất mà tôi đã tham dự là…
2. Điều làm cho đáng nhớ, đó là…
THÁNH THỂ
Cha Walter Ciszek bị băét tại Nga-sô hồi đệ nhị thế chiến. Ngài bị giam trong tù hai mươi ba năm. Sau khi được thả, ngài viết cuốn sách nhan đề là Người đã dẫn dắt tôi (He Leadeth Me). Ngài mô tả một cộng đoàn tù nhân Công Giáo bé nhỏ thường bí mật tụ họp nhau mỗi khi có thể để cử hành Thánh Thể.
Vào thời đó, người Công Giáo nhịn ăn uống từ sau nửa đêm để được rước lễ ngày hôm sau. Trong những Thánh lễ bí mật này, cộng đoàn thường để dành Mình Thánh lại để đem cho những tù nhân Công Giáo khác không thể tham dự. Cha Ciszek viết: “Đôi khi chúng tôi chỉ gặp được họ khi chúng tôi trở về nhà giam vào buổi tối trước bữa ăn. Thế mà những người này vẫn nhịn đói cả ngày và lao động quần quật không một miếng bỏ bụng từ tối hôm trước, chỉ vì họ muốn được rước Thánh Thể. Vậy mới biết Bí tích Thánh Thể đối với họ quý trọng dường nào.”
Đối với người Công Giáo, không có Bí tích nào quý trọng hơn là Bí tích Thánh Thể.
BỮA TIỆC THÁNH THỂ
Có lẽ cách đơn giản nhất để hiểu Phụng vụ Thánh Thể là hãy nhớ lại thánh sử Lu-ca mô tả Phụng vụ ấy vào bữa Tiệc Ly:

“Khi giờ đã đến, Đức Giê-su vào bàn, và các Tông Đồ cùng vào với Người… Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Đây là mình Thầy, hy sinh vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.’ Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: ‘Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.’” (Lc 22:14,19-20).


Mô tả của thánh Lu-ca cho thấy ba sự kiện quan trọng về Thánh Thể, đó là:
- một bữa ăn tưởng niệm,

- một bữa ăn hiến tế, và

- một bữa ăn giao ước.
Thánh Thể là một bữa ăn tưởng niệm

Khi nói: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy,” thì Chúa Giê-su đã có một ý nghĩ độc đáo và đặc biệt.


Ý niệm tưởng nhớ trong Kinh Thánh mang một ý nghĩa súc tích hơn là ý niệm tưởng nhớ hiện thời. Đối với người Do-thái, tưởng nhớ không chỉ có nghĩa là nhớ lại một biến cố quá khứ. Nhưng tưởng nhớ là đem một biến cố quá khứ đưa vào hiện tại và sống lại biến cố ấy. Thí dụ, khi người Do-thái cử hành (tưởng nhớ) biến cố Vượt qua thì họ tin rằng nhờ đức tin, họ đã đem biến cố ấy về hiện tại và sống lại biến cố đó. Họ tham dự vào biến cố tựa như là đích thân hiện diện trong chính biến cố xảy ra lúc ban đầu.
Chính phương cách tưởng nhớ đặc biệt này Đức Giê-su đã muốn khi Ngài nói với cộng đoàn môn đệ của Ngài: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”
Trong Thánh lễ, chúng ta tưởng nhớ cuộc sống, sự chết và sống lại của Đức Giê-su. Chúng ta tin rằng nhờ đức tin chúng ta đưa những biến cố này vào hiện tại, để chúng ta có thể tham dự vào những biến cố ấy thực sự như các tông đồ đã tham dự trong bữa Tiệc Ly.

Thánh Thể là một bữa ăn hiến tế

Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su nói: “Đây là mình Thầy, hy sinh vì anh em” và “Đây là… máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” Cả hai cách nói, “hy sinh vì anh em” và “đổ ra vì anh em” đều ám chỉ về một hy tế. Toàn thể khung cảnh bữa Tiệc Ly mang đặc tính hiến tế và trực tiếp liên hệ với cái chết hy sinh của Đức Giê-su trên thập giá vào ngày hôm sau.


Khi cử hành Thánh Thể, cộng đồng Công Giáo tham dự vào hy tế của Chúa Giê-su dâng lên Thiên Chúa Cha. Thánh Phao-lô làm sáng tỏ điều này khi ngài nói: “Khi ta nâng chén tạ ơn mà cảm tạ Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1 Cr 10:16).
Hy tế Thánh lễ không phải là một hy tế mới. Đó là cùng một hy tế Đức Giê-su đã mở đầu tại bữa Tiệc Ly và hoàn tất ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Chúng ta tham dự vào hy tế ấy như các tông đồ đã tham dự trong bữa Tiệc Ly và như các môn đệ Đức Giê-su đã tham dự khi đứng dưới chân thập giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
Thánh Thể là một bữa ăn giao ước

Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy.” Chúng ta nhận thấy hai điểm ở đây:


Trước hết, những lời của Đức Giê-su nhắc lại giao ước Thiên Chúa đã ký kết với dân Ít-ra-en tại chân núi Si-nai. Giao ước ấy được đóng ấn bằng máu những con vật được dâng hiến. Nói đến việc “đóng ấn” này, sách Xuất Hành viết: “Ông Mô-sê lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: ‘Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.’ Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói: ‘Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này” (Xh 24:7-8). Còn giao ước mới thì được “đóng ấn” bằng chính máu của Đức Giê-su.
Thứ đến, những lời của Đức Giê-su “Chén này là giao ước mới” cũng nhắc lại lời Thiên Chúa hứa qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới… Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta… Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31:31-34). Đây là giao ước mới Đức Giê-su đã khai mạc trong bữa Tiệc Ly. Đó cũng là giao ước mới mà chúng ta cử hành trong Thánh lễ. Chúng ta cử hành một thực tại không thể tin được, đó là qua Đức Giê-su, Thiên Chúa đã trở thành Cha chúng ta và chúng ta được trở nên con cái Người.
Chúng ta làm những gì Đức Giê-su đã làm

Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông (tông đồ) và nói: ‘Đây là mình Thầy…’ Tới tuần rượu cuối bữa ăn, Ngài cũng làm như vậy.” Đây cũng chính là những gì chúng ta làm trong Phụng vụ Thánh Thể.


Linh mục, hành động như người đại diện cho toàn thể cộng đoàn, nhận lấy bánh và rượu rồi chuẩn bị dâng lên. Chúng ta gọi đó là phần Tiến lễ.
Tiếp đến, linh mục làm phép bánh và rượu. Chúng ta gọi phần này là Kinh Tạ ơn.
Sau hết, linh mục trao bánh và rượu (giờ đây đã trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô) cho cộng đoàn. Chúng ta gọi phần này là Hiệp lễ.
Những gì Đức Giê-su đã làm trong bữa Tiệc Ly đều phù hợp với ba phần chính của Phụng vụ Thánh Thể:
Trong bữa Tiệc Ly Trong Phụng vụ Thánh Thể

Đức Giê-su cầm lấy Tiến lễ

Đức Giê-su làm phép Kinh Tạ ơn

Đức Giê-su trao cho Hiệp lễ


PHẦN TIẾN LỄ
Phụng vụ Lời Chúa bắt đầu với việc rước Sách Thánh lên cung thánh. Phụng vụ Thánh Thể cũng bắt đầu với việc rước đem của lễ (bánh và rượu) lên Bàn Tiệc của Chúa (bàn thờ).
Sau khi đặt của lễ trên bàn thờ, linh mục chuẩn bị của lễ khi đọc lời nguyện trên bánh. Lời nguyện dựa theo một lời nguyện ở bàn ăn của người Do-thái:
“Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, xin dâng lên Chúa để bánh này trở nên bánh trường sinh nuôi dưỡng chúng con.”Cũng cùng một cách như thế, linh mục cầu nguyện trên rượu.
Thánh Lu-ca nói rằng sau khi Đức Giê-su đã chuẩn bị của lễ, Ngài đọc lời chúc lành trên của lễ. Ngày nay việc chúc lành này được gọi là Kinh Tạ ơn.
KINH TẠ ƠN

Để giản dị hơn, chúng ta có thể chia Kinh Tạ ơn ra làm ba phần:


Lời Tiền tụng,

Trình thuật bữa Tiệc Ly, và

Kết thúc.

Lời Tiền tụng giới thiệu Kinh Tạ ơn

Linh mục bắt đầu lời Tiền tụng bằng cách mời gọi mọi người hãy “nâng cao” tâm hồn để “tạ ơn Chúa.” Rồi tùy theo từng mùa, linh mục đọc những lời như sau:


“Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, khi Đức Ki-tô tự hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con. Chính Người là Chiên thật đã xóa tội trần gian. Người đã chết để diệt trừ sự chết nơi chúng con, và đã sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con.”
Lời Tiền tụng kết thúc với việc giáo dân cầu nguyện rằng:
“Thánh! Thánh! Chí Thánh! Thiên Chúa, Chúa Tể càn khôn là Đấng Thánh. Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa. Hoan hô Chúa trên các tầng trời. Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa. Hoan hô Chúa trên các tầng trời.”
Những lời “Thánh! Thánh! Chí Thánh!” trích từ sách ngôn sứ I-sai-a khi ngài kể lại thị kiến về các tạo vật trên trời đứng trước nhan thánh Chúa và hô lên “Thánh! Thánh! Chí Thánh!”
Lời “Hoan hô” (Hosanna) gặêp thấy đôi chỗ trong Kinh Thánh. Đầu tiên, Hosanna là lời kêu xin Thiên Chúa tới cứu giúp. Sau này, nó biến thành lời chúc tụng Thiên Chúa và được sử dụng trong lời Tiền tụng theo ý nghĩa đó.
Trình thuật bữa Tiệc Ly tiếp tục kinh Tạ ơn
Tiếp đến, linh mục sang phần chính của Kinh Tạ ơn là phần thuật lại bữa Tiệc Ly, nói về Đức Giê-su:
“Trong đêm bị trao nộp, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn Cha, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: ‘Tất cả các con cầm lấy mà ăn: Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con.’
“Cùng một thể thức ấy, vào cuối bữa ăn, Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: ‘Tất cả các con cầm lấy mà uống: Này là chén Máu Thầy, máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.’”
Kết thúc Kinh Tạ ơn

Linh mục kết thúc Kinh Tạ ơn bằng cách gợi lại sự chết và sống lại của Đức Giê-su. Rồi linh mục dâng lên Chúa Cha mình và máu Đức Giê-su với những lời sau đây:


“Chính nhờ Đức Ki-tô, cùng với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô, hiệp nhâát với Chúa Thánh Thần, mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha là Thiên Chúa toàn năng đến muôn thuở muôn đời.”
Cộng đoàn đồng thanh đáp lại với lời “A-men”. Từ thời xưa, lời đáp này đã được gọi là “Amen trọng thể.” Ở nhiều nhà thờ người ta đệm nhạc rộn ràng khi hát lời đáp này.
PHẦN HIỆP LỄ

Linh mục mở đầu phần hiệp lễ bằng cách mời cộng đoàn cùng đọc kinh Lạy Cha. Những lời “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” mang ý nghĩa đặc biệt trong lúc này. Bởi vì một lát nữa các phần tử trong cộng đoàn sẽ lãnh nhận Mình Thánh Chúa Ki-tô là “bánh ban sự sống” (Ga 6:35).


Tiếp theo kinh Lạy Cha là nghi thức chúc bình an. Lúc này linh mục mời cộng đoàn chúc bình an cho nhau. Thường thường chúc bình an bằng cách bắt tay hoặc ôm hôn kèm theo lời “Bình an Chúa Ki-tô ở cùng…”
Từ bình an trong tiếng Do-thái là Shalom. Khó mà dịch ra cho đúng nghĩa, nhưng nói chung là chúng ta chúc cho nhau được đầy tràn mọi điều tốt lành do Đức Giê-su đem tới, tức là sự tha thứ, tình yêu thương và sự vui mừng.
Linh mục bẻ bánh

Tiếp theo nghi thức chúc bình an là “bẻ bánh.” Thời xưa, việc bẻ bánh mất nhiều thì giờ hơn vì người ta dùng các ổ bánh mì trong Thánh lễ. Điều này cũng giúp chúng ta hiểu tại sao người ta hát kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa.” Trong khi chờ đợi đang bẻ bánh thì người ta hát kinh này. Ngày nay, chúng ta vẫn còn hát kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, nhưng bánh lễ là những tấm bánh nhỏ, thay vì dùng cả ổ bánh lớn.


Bữa Tiệc Thánh Thể

Thánh Phao-lô viết: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10:17). Bữa ăn Thánh Thể là cao điểm trong Thánh lễ. Đó là nguồn cội và biểu lộ sự hiệp nhất của cộng đoàn trong Chúa Ki-tô.


Bữa Tiệc Thánh Thể ngược lại với bữa ăn hằng ngày. Trong bữa ăn hằng ngày, nhũng gì chúng ta ăn sẽ biến thành một phần của con người chúng ta. Còn trong Bữa Tiệc Thánh Thể, chúng ta trở thành một phần của những gì chúng ta ăn, đó là thân mình Chúa Ki-tô.
Cách thức chúng ta thường làm khi rước lễ là để cho thừa tác viên Thánh Thể đặt Mình Thánh vào miệng chúng ta hoặc vào lòng bàn tay chúng ta. Khi làm như thế, thừa tác viên sẽ nói: “Mình Thánh Chúa Ki-tô.” Chúng ta sẽ đáp lại: “A-men.” Nếu đôi khi có cho rước Máu Thánh Chúa, thì thừa tác viên sẽ đưa chén cho chúng ta và nói: “Máu Thánh Chúa Ki-tô.” Chúng ta cũng đáp lại: “A-men,” rồi cầm lấy chén và uống.
Phần Hiệp lễ kết thúc với một phút thinh lặng và lời nguyện do linh mục đọc.
KẾT LỄ

Thánh lễ kết thúc với việc linh mục giải tán cộng đoàn. Có người đã nói về lúc này như sau: “Lúc thánh thiện nhất của phụng vụ là khi dân Chúa, sau khi đã được Lời Chúa và Thánh Thể ban cho sức mạnh, thì bước ra khỏi cửa nhà thờ mà đi vào thế giới để đích thực làm Giáo Hội.” Sứ mệnh của cộng đoàn là đáp lại Lời Chúa. Việc giải tán gồm hai động tác ngắn.


Trước hết, linh mục chúc lành cho dân chúng, ngài nói: “Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.”
Tiếp đến, để sai dân chúng đi làm Giáo Hội, linh mục nói: “Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về trong bình an và yêu thương để phụng sự Chúa.” Cộng đoàn đáp: “Tạ ơn Chúa.”
ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

1. Hình bóng về Bí tích Thánh Thể. Gio-an 2:1-12

2. Lời hứa về Bí tích Thánh Thể. Gio-an 6:35-59

3. Thiết lập Bí tích Thánh Thể. Lu-ca 22:14-20

4. Cử hành Bí tích Thánh Thể. Lu-ca 24:13-35

5. Thánh Phao-lô với Bí tích Thánh Thể. 1Cô-rin-tô 11:17-29


THẢO LUẬN

1. Ôn lại những ý nghĩa Thánh Thể là một bữa ăn: tưởng niệm, hiến tế và giao ước.


2. Ba phần chính của Kinh Tạ Ơn.
3. Giải tán sau khi Thánh lễ kết thúc là giây phút “thánh thiện” được hiểu thế nào?
CHIA SẺ

1. Một phụ nữ Tin Lành viết trong một tạp chí quốc gia: “Những người bạn Công Giáo của tôi làm cho tôi thắc mắc. Họ nói rằng Thánh lễ thực sự cùng là Bữa Tiệc Ly, thực sự cùng là Hy tế Thập giá… Vậy, nếu tôi tin Chúa Ki-tô hiện diện trên bàn thờ, thì tại sao tôi lại không có mặt ở đó mỗi ngày?” Bạn trả lời người ấy thế nào?


2. Cha Ciszek viết trong cuốn Người đã dẫn dắt tôi : “Chúng tôi đã dâng Thánh lễ trong những kho chứa đồ, hoặc tụm lại giữa chỗ bùn lầy hoặc tuyết tan của một góc nền nhà sắp xây… Vậy mà trong những hoàn cảnh thô sơ ấy, Thánh lễ đã đưa chúng tôi đến gần Chúa hơn là người ta tưởng.” Tại sao? Điều gì đã làm cho Thánh lễ thành một kinh nghiệm đầy ý nghĩa và một biểu lộ đức tin của cộng đoàn như Đức Giê-su đã muốn?
3. Trong cuốn Chuyển hướng (Turning), Emilie Griffin viết: “Việc sùng kính Bí tích Thánh Thể - tức là tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Ki-tô - đã đưa tôi đến với những nhà thờ Công giáo… Riêng tôi, càng sùng kính Bí tích Thánh Thể, tôi càng bị lôi cuốn tới đạo Công giáo hơn.” Bà muốn nói gì khi nhắc đến việc “tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Ki-tô”? Bí tích Thánh Thể có tầm quan trọng nào trong việc lôi cuốn bạn tới Giáo Hội Công Giáo?
---------------------------------

Bài 23

BÍ TÍCH HÒA GIẢI

Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu hỏi sau đây:


1. Một câu hỏi của tôi về việc người Công Giáo xưng tội với một linh mục là…
2. Một lợi ích tôi có thể nhận thấy qua việc xưng thú tội lỗi tôi với linh mục là…
TỘI LỖI
Trước đây ít năm sở thú thành phố Detroit bắt buộc phải tăng cường lực lượng an ninh. Lý do không phải để bảo vệ người ta khỏi bị thú vật tấn công, mà là bảo vệ thú vật khỏi bị người tấn công.
Có một lúc số thú vật bị người coi làm hại cách dã man đã tăng thêm nhiều. Thí dụ hai trường hợp sau. Một con đại thử Úc-châu bị một đám thiếu niên ném đá chết. Một con lộc tuần bị xẩy thai vì lũ trẻ hung bạo ném pháo cho con vật kinh hãi.
Đọc những báo cáo ấy, chúng ta thấy giống như người nào đó nói: “Nếu tôi là Chúa thì tôi sẽ rất đau lòng chứng kiến sự bạo hành và tội lỗi trên thế giới này.”
Nhưng điều khiến người ta lo lắng khó chịu hơn cả chính sự bạo hành và tội lỗi trên thế giới này, đó là khuynh hướng mỗi ngày một gia tăng nơi không biết bao người muốn coi thường hoặc chối bỏ tội lỗi. Thí dụ, có những người không muốn nhận là mình nói dối, họ bảo họ chỉ trình bày sự kiện không đúng thôi. Người ta không muốn nhận là mình ăn cắp, họ bảo họ chỉ “lợi dụng” thôi. Người ta không muốn nhận là mình ngoại tình, họ bảo chỉ đi lăng nhăng một chút thôi. Người ta không muốn nhận là mình giết người, họ bảo họ chỉ kết liễu một thai nhi họ không muốn có thôi. Tất cả những hành động như thế chỉ là một cách coi nhẹ hoặc chối bỏ tội lỗi.
Khi coi nhẹ hoặc chối bỏ tội lỗi, chúng ta coi nhẹ và chối bỏ là mình cần Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến để kêu gọi người tội lỗi thống hối. Tệ hơn nữa, chúng ta mù quáng không chấp nhận sự thật và đi ngược lại với Thiên Chúa. Gio-an viết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình” (1 Ga 1:8).
Điều dữ xấu xa hơn không phải là phạm tội, nhưng là phạm rồi lại chối tội mình. Louis Evely nói: “Thà rằng phạm tội mà thành thực còn hơn dối lòng cho mình là đạo đức.” Nếu chúng ta vì yếu đuối mà phạm tội thì chúng ta cũng hải khiêm nhượng để nhận tội.
Tất cả chúng ta cần sự tha thứ
Tất cả chúng ta là những con người yếu đuối. Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của tội lỗi. Tất cả chúng ta đều cần sự tha thứ. Thay vì chối bỏ điều này, chúng ta nên chấp nhận và hãy tìm đến với Đức Giê-su là “Con Chiên Thiên Chúa đã xóa tội trần gian.” Hãy cân nhắc những lời của tiểu thuyết gia Somerset Maugham:
“Tôi đã phạm những điều dại dột. Tôi có một lương tâm nhạy cảm. Trong đời tôi, tôi đã làm một số việc tôi không thể hoàn toàn quên đi được: giá tôi may mắn được làm người Công Giáo thì tôi đã có thể giải thoát mình khỏi những tội ấy qua việc xưng tội, rồi sau khi làm việc đền tội được chỉ định tôi được lãnh ơn tha tội và có thể vĩnh viễn loại bỏ chúng khỏi tâm trí tôi.”
Giờ đây chúng ta hãy trở lại với căn bản Kinh Thánh nói về bí tích mà Maugham đã đề cập đến.
BÍ TÍCH CỦA SỰ THA THỨ

Để hiểu Bí tích Hòa giải, chúng ta cần hiểu hai điều tín lý căn bản của đức tin Công Giáo, đó là:


- Đức Giê-su có quyền tha tội

- Đức Giê-su chia sẻ quyền ấy cho Giáo Hội.


Đức Giê-su có quyền trên tội lỗi

Một trong những minh chứng rõ ràng nhất về quyền năng của Đức Giê-su trên tội lỗi được gặp thấy trong Tin Mừng Lu-ca. Một ngày kia có mấy nhà lãnh đạo tôn giáo nghe Đức Giê-su giảng dạy. Một nhóm người đem một kẻ bị tê liệt đến gặp Đức Giê-su. Trông thấy người bệnh, Đức Giê-su đã động lòng thương xót và nói với anh ta: “Này anh, anh đã được tha tội rồi.” Nghe những lời ấy, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã nổi giận, nói với nhau: “Ai có quyền tha tội ngoài một mình Thiên Chúa ra?”


“Nhưng Đức Giê-su thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: “Trong bụng các ông đang nghĩ gì vậy? Trong hai điều: một là bảo: “Anh đã được tha tội rồi,” hai là bảo: “Đứng dậy mà đi,” điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội – Đức Giê-su bảo người bại liệt: Tôi truyền cho anh: hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!” Ngay lúc ấy, người bại liệt chỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa. Mọi người đều ssửng sốt” (Lc 5:22-26).
Đoạn Kinh Thánh rõ ràng. Đức Giê-su đòi cho mình và chứng minh Ngài có quyền tha tội. Điều này đưa chúng ta sang điểm tín lý thứ nhì.
Đức Giê-su chia sẻ quyền ấy cho Giáo Hội

Đức Giê-su đã chia sẻ quyền tha tội qua hai giai đoạn. Trước hết, Ngài chia sẻ quyền ấy một cách tổng quát. Tiếp đến, Ngài chia sẻ quyền ấy một cách đặc biệt. Chúng ta hãy xét hai giai đoạn này.


Ngày kia đang giảng dạy cho các môn đệ, Đức Giê-su hỏi họ: “Anh em bảo Thầy là ai?”

“Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giê-su nói với ông: “… Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy… Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16:16-19).


Rõ ràng Đức Giê-su đã chia sẻ quyền năng Thiên Chúa với Giáo Hội một cách tổng quát.
Đức Giê-su cũng chia sẻ cách đặc biệt quyền tha tội với Giáo Hội nữa. Vào đêm Chúa sống lại, các tông đồ đang họp nhau lại. Bỗng chốc Đức Giê-su hiện ra với họ. Họ đầy vui mừng. Sau khi chào hỏi, Đức Giê-su nói: “Chúc anh em được bình an! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ!” (Ga 20:21-23).
Một lần nữa, đoạn Kinh Thánh rõ ràng. Đức Giê-su đã chia sẻ với Giáo Hội quyền năng Thiên Chúa của Ngài để tha thứ tội lỗi.
PHỤNG VỤ CỬ HÀNH BÍ TÍCH HÒA GIẢI

Phương thức chính để Giáo Hội thi hành quyền tha tội đó là qua Bí tích Hòa giải. Có lẽ cách tốt nhất để hiểu phụng vụ Bí tích Hòa giải là nhìn bí tích ấy qua bối cảnh câu truyện dụ ngôn Người con hoang đàng.


Hãy nhớ lại câu truyện dụ ngôn. Một người có hai cậu con trai. Ngày kia đứa con thứ quyết định bỏ nhà ra đi. Nó đòi phần gia tài của nó, một việc làm thật nhẫn tâm. Nó đã cướp đi của cha mẹ sự an sinh mà ông bà cần đến lúc tuổi già. Tuy nhiên người cha vẫn cho đứa con phần gia tài ấy. Rồi thằng con rời bỏ nhà.
Không bao lâu đứa con đã tiêu xài hết tiền bạc. Hồi tâm lại, nó mới tự nhủ:
“Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.” Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha” (Lc 15:17-20).
Bốn điều được nhấn mạnh ở đây
Xét dụ ngôn trên cho thấy khi thức tỉnh, đứa con đã làm bốn việc sau:
- Nó xét hoàn cảnh của mình.

(“Mà ta ở đây lại chết đói!”)


- Nó hối hận về tội lỗi mình.

(“Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha.”)


- Nó xưng thú tội lỗi mình.

(“Thưa cha, con thật đắc tội.”)


- Nó đã dốc lòng tu sửa lại đời sống.

(“Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.”)


Chúng ta làm những việc người con hoang đàng đã làm

“Hồi tâm” sau khi đã phạm tội là chúng ta đã làm đúng như những việc người con hoang đàng đã làm.


Trước hết, chúng ta xét hoàn cảnh của mình. Chúng ta xác định chúng ta đã phạm tội thế nào. (Trong bài 31, “Tiếp tục cuộc hành trình,” có một bản hướng dẫn giúp chúng ta nhận xét hoàn cảnh của mình).
Tiếp đến, chúng ta hối hận về hoàn cảnh ấy. Chúng ta biểu lộ với Chúa sự hối hận, dùng lời nguyện riêng của chúng ta giống như người con hoang đàng đã làm, hoặc dùng mẫu kinh Ăn năn tội sau đây hay một mẫu nào khác:
“Lạy Chúa Cha từ nhân, cũng như người con hoang đàng, con trở về cùng Cha và thưa: Con đã phạm tội nghịch với Cha và con không còn đáng được gọi là con Cha nữa.
“Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Chuộc trần gian, cùng với người trộm lành đã được Chúa hứa ban phúc thiên đàng, con cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhớ đến con trong Nước Chúa.
“Lạy Chúa Thánh Thần, nguồn suối yêu thương, con tin tưởng kêu xin Chúa: Xin tẩy rửa tâm hồn con và giúp con bước đi như con cái sự sáng.”
Thứ ba, chúng ta xưng thú tất cả các tội trọng (nặng). Tội trọng là tội làm đứt mối tương quan giũa chúng ta với Chúa và gia đình của Ngài – tựa như đứa con hoang đàng đã dứt tình với cha nó và gia đình nó. Chúng ta xưng thú các tội trọng theo loại (những gì đã làm) và theo số (chúng ta thường phạm như thế nào). Thí dụ, chúng ta xưng rằng hai lần mình đã ý thức và cố ý ăn cắp một số hàng đắt tiền của một hãng buôn để có tiền mua bạch phiến. (Bài 28, “Luân lý Ki-tô giáo,” sẽ nói rõ hơn về những gì giúp chúng ta nhận ra thế nào là một tội trọng).
Đối với nhiều người, việc “xưng thú tội lỗi” là bước khó nhất. Hội giúp bỏ tật nghiện rượu (Alcoholics Anonymous) có một cách tương tự trong chương trình Mười hai bước của họ. Bước thứ năm trong chương trình là: “Chúng tôi xác nhận với Thiên Chúa, với chính chúng tôi và với anh chị em về banû chất đích thực của những sai lầm chúng tôi đã làm.” Nói về bước này, sách thủ bản của AA giải thích:
“Chắc chắn bước nào cũng cần thiết. Nhuưn nỗi lo sợ và ngại ngùng của chúng ta thường quá lớn đến nỗi nhiều khóa viên AA thoạt đầu chỉ muốn tránh né Bước thứ nam này… Tuy nhiên, ở một mình với Thiên Chúa xem ra không làm chúng ta ngại ngunøn cho bằng phải đối diện với người khác… Khi chúng ta thành thực với người khác là chắc chắn chúng ta đã thành thực với chính mình và với Thiên Chúa.”
Sau cùng, chúng ta quyết tâm sửa đổi đời sống. Thực tế hơn, điều này có nghĩa là:
- Chúng ta làm việc đền tội được chỉ định, thí dụ chúng ta phải làm một việc tỏ ra hết sức dễ thương đối với người khác;
- Chúng ta dốc lòng tránh những cơ hội có thể đưa chúng ta đến phạm tội như đã xảy ra trong quá khứ; và
- Nếu có thể, chúng ta sửa lại những thiệt hại gây ra do tội lỗi mình.

Giờ đây, chúng ta xét đến vai trò của linh mục trong Bí tích Hòa giải.




tải về 1.67 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương