ĐỨc tin ngưỜi công giáo the Catholic Vision Mark Link, sj. Lm. Trần Đình Nhi


Thánh Thần khởi sự một kỷ nguyên mới



tải về 1.67 Mb.
trang3/10
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích1.67 Mb.
#37886
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Thánh Thần khởi sự một kỷ nguyên mới
Việc đầu tiên làm cho dân chúng kinh ngạc (nhiều người là ngoại kiều), đó là họ nghe các Tông Đồ nói tiếng của họ (Cv 2:6). Việc này làm họ bối rối và hỏi nhau: “Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? (Cv 2:8).
Để hiểu rõ hơn về biến cố phi thường này, hãy nhớ lại câu truyện tháp Ba-ben được kể trong Cựu Ước. Trước khi tháp được dựng, Kinh Thánh viết là dân chúng trên địa cầu đều nói chung một ngôn ngữ (St 11:6).
Sự kiêu căng của loài người đã thúc đẩy họ xây ngọn tháp này. Khi Thiên Chúa thấy họ tự cao tự đại, Ngài liền làm xáo trộn ngôn ngữ của họ, nên họ không hoàn tất được việc xây tháp nữa. Câu truyện chấm dứt bằng việc Thiên Chúa khiến dân chúng đi rải rác "khắp địa cầu" (St 11:9).
Trong bối cảnh này, chúng ta mới giải thích được câu "Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình" (Cv 2:5-6).
Có nghĩa là những gì đã xảy ra ở tháp Ba-ben thì bây giờ đổi ngược lai. Những gì tội lỗi làm chia rẽ, bây giờ Thánh Thần hiệp nhất lại.
Sự hiện xuống của Thánh Thần đánh dấu khởi điểm của một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại. Đó cũng là khởi đầu cho việc Chúa tái tạo thế giới đã bị tội lỗi phá hủy.
Thánh Thần biến chúng ta thành Nhiệm Thể Chúa Ki-tô

Khi dân chúng im lặng, Phê-rô nói với họ rằng những gì đã xảy ra cho các Tông Đồ trong căn nhà ấy đều được Thiên Chúa báo trước qua ngôn sứ Giô-en:


"Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm...

Ta sẽ cho xuất hiện những điềm thiêng trên trời cao,

và những dấu lạ dưới đất thấp...

trước khi ngày của Đức Chúa đến.

Bấy giờ hết những ai kêu cầu danh Đức Chúa,

sẽ được ơn cứu độ."

(Cv 2:17-21)
Rồi Phê-rô nói tiếp với họ rằng những gì xảy ra trong căn nhà này cũng đã được Đức Giê-su tiên báo:
"Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.
Đó là Thần Khí sự thật...

Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy,

anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em."

(Ga 14:16-17,20)
Lời giảng của Phê-rô làm dân chúng xúc động. Gần ba ngàn người xin được rửa tội hôm đó. Việc họ được rửa tội đem họ vào một thân thể mà sau này thánh Phao-lô gọi là "Nhiệm Thể Chúa Ki-tô." Không phải chỉ là nhóm người cùng một lòng tin mà thôi, nhưng còn là một thân thể mà mọi người cùng chia sẻ đời sống chung trong Thánh Thần (l Cr 12:12-14).
Điều vĩ đại và đặc biệt trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống được tóm lại như sau:
Như Đức Giê-su đến trong ngày Giáng Sinh đã làm cho Thiên Chúa hiện diện một cách độc đáo trên trần gian (trong Ngôi Hai của Đức Giê-su) thế nào, thì cũng vậy, việc Chúa Thánh Thần đến trong ngày Hiện Xuống sẽ tiếp tục làm cho Thiên Chúa hiện diện một cách độc đáo trên trần gian (qua các môn đệ Đức Giê-su). Và cũng như Thiên Chúa đã hành động qua Đức Giê-su, thì Ngài vẫn tiếp tục hành động qua các môn đệ Đức Giê-su, tức là Giáo Hội.
THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG THÁNH HÓA
Hôm đó, Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem để mừng Lễ Lều với các môn đệ. Một nghi thức trong buổi lễ là người ta thỉnh nước lấy từ hồ Si-lo-am đem về Đền Thờ. Khi đang cử hành nghi thức này, Đức Giê-su quay lại nói với các môn đệ:
"Ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!"
Như Kinh Thánh đã nói:

Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống.

Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận."

(Ga 7:38-39)


Có người hỏi: Tại sao Đức Giê-su chọn hình ảnh nước để biểu tượng cho Thánh Thần? Một văn sĩ thời khai sinh Ki-tô giáo, thánh Xy-ri-lô thành Giê-ru-sa-lem, đã trả lời như sau: “Vì muôn vật đều tùy thuộc vào nước." Rồi ngài tiếp:
"Nước là mưa từ trời xuống. Mặc dù mỗi giọt mưa giống nhau, nhưng hiệu năng của chúng trên mỗi sinh vật lại khác nhau: trong cây dừa, trong ngành nho, và cứ như thế trong mọi tạo vật... Nước mưa hòa hợp với các sinh vật."
Với Thánh Thần cũng vậy. Chúng ta tùy thuộc vào Thánh Thần và Ngài đối xử với mỗi người chúng ta một cách đặc biệt. Trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết:
"Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí...

Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy...

Kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban

cho những đặc sủng để chữa bệnh.

Người thì được ơn làm phép lạ...

Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người."



(1 Cr 12:4,8-11)
Thánh Thần thánh hóa chúng ta

Mục đích của những hồng ân Thánh Thần là thánh hóa chúng ta để chúng ta trở nên thánh thiện như Cha trên trời, nhờ đó sẽ biến cả Hội Thánh nên "ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí" (Ep 2:22).


Với tư tưởng này, thánh Au-gút-tin đã soạn một kinh nguyện về Chúa Thánh Thần như sau:
“Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, hãy thở trong con để con biết suy nghĩ những điều thánh thiện.

Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, xin thúc giục con để con biết làm những việc thánh thiện.

Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, xin lôi kéo con để con biết yêu mến những gì thánh thiện.

Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, xin thêm sức cho con để con biết gìn giữ những gì thánh thiện.

Lạy Thần Khí của Chúa, xin hướng dẫn con để con đừng bao giờ đánh mất những gì thánh thiện."
Như vậy, khi chúng ta thấy ai sống theo tinh thần của Đức Ki-tô, chúng ta biết là bàn tay của Thánh Thần đang hành động trên người ấy - dù họ nhận thấy hay không. Mỗi khi chúng ta thấy ai đem vui mừng và bình an đến giữa tuyệt vọng và xáo trộn, chúng ta biết là Ngài đang ở đó. Khi ai giữ được bình tĩnh và bác ái để đối phó với sự giận dữ và bạo lực, thì chúng ta biết Thánh Thần đang hoạt động trong họ.
Và như thế, những hồng ân của Chúa Thánh Thần có hai mục đích:
* thánh hóa chúng ta để được trở nên thánh thiện như Cha trên trời, và

* xây dựng Hội Thánh nên "nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí" (Ep 2:22).


Do đó, chúng ta phấn khởi kết luận về hoạt động của Thánh Thần nơi chúng ta như sau: khi mỗi tín hữu trong Hội Thánh mở lòng cho Chúa Thánh Thần đến, và khi Hội Thánh như một cộng đồng trở nên cho thế giới hôm nay của chúng ta chính những gì Đức Giê-su đã trở nên cho thế giới của Ngài, thì cá nhân chúng ta và Hội Thánh sẽ là:
* một dấu chỉ độc đáo nói lên sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa thế giới, và

* một dụng cụ độc đáo Thiên Chúa dùng để biến đổi và xây dựng lại giới.


ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

1. Giô-en 3:1-5 Những điềm mộng và thị kiến

2. Lu-ca 4:14-22 Đức Giê-su và Thánh Thần

3. Công Vụ Tông Đồ 1:1-8 Mong đợi Thánh Thần

4. Ga-lát 5:16-26 Hồng ân của Thánh Thần

5. Rô-ma 8:1-17 Đời sống trong Thánh Thần.




THẢO LUẬN

1. Chọn và thảo luận về hai biến cố trong sách Tin Mừng cho thấy Thánh Thần hoạt động trong đời Đức Giê-su.


2. Tại sao lửa và gió là những hình ảnh thích hợp biểu tượng về Thiên Chúa, nhất là về Chúa Thánh Thần?
CHIA SẺ

1. Ngôi nào trong Ba Ngôi bạn thấy dễ liên hệ nhất? Bạn thường cầu nguyện với Ngôi nào? Tại sao?


2. Kathryn Koob, một trong số 52 người của tòa đại sứ Hoa-kỳ bị bắt làm con tin tại Iran, bị đánh thức dậy với cảm giác thấy có người bước vào phòng giam của mình. Bà kể lại: “Nhưng thực ra chẳng có ai cả. Lập tức tôi nhớ đến Chúa Thánh Thần... Rồi với cảm giác về sự hiện diện của Ngài, tôi nhận thấy một nguồn sức mạnh." Trước đó, bà luôn luôn sợ hãi. Nhưng sau kinh nghiệm này, bà trở nên trầm tĩnh và bình an. Vậy điều gì nói lên rằng cảm nghiệm của bà đến từ Thiên Chúa, chứ không phải do trí tưởng tượng của bà? Đã bao giờ bạn có cảm nghiệm giống như vậy chưa?
3. Đức Giê-su dạy các môn đệ đừng lo lắng khi bị chính quyền thù nghịch tra hỏi: “Vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói" (Lc 12:12). Có khi nào bạn nhận được sự soi sáng hoặc hướng dẫn khác thường để giải quyết một việc hết sức khó khăn hoặc phức tạp không?
4. Bạn sẽ làm gì để mở lòng đón nhận Thánh Thần Chúa?

Bài 6
NHỮNG MÔ THỨC VỀ HỘI THÁNH

Trước khi đọc tiếp, bạn hãy viết nốt hai câu sau đây:


1. Điều Hội Thánh Công Giáo hấp dẫn tôi là...
2. Một vài kinh nghiệm trong quá khứ đã cho tôi một ấn tượng không tốt về Hội Thánh Công Giáo là...
MÔ THỨC VÀ HÌNH ẢNH
Qua một bài thơ, John Godfrey thuật lại câu truyện năm chàng mù thành Indostan quây quần chung quanh một chú voi và thay phiên nhau mô tả hình dáng nó.
Một người đấm vào hông nó và tưởng con voi chắc như tường thành. Người khác mân mê đôi ngà của nó và bảo nó giống như thanh gươm. Người thứ ba sờ cái vòi voi và bảo hình dáng voi tựa như một con trăn. Người thứ tư rờ đôi tai và tả voi giống cái quạt. Anh mù cuối cùng lần tay vuốt đuôi nó và tưởng voi giống như sợi giây chão. Godfrey kết thúc bài thơ với những lời lẽ như sau:
“Thế là năm chàng Indostan

Lớn tiếng cãi nhau thật là hăng

Mỗi chàng khư khư một ý kiến

Chỉ tôi phải, còn anh nói xằng.

Dù cho đúng một phần thôi

Tựu chung thì vẫn mọi người đều sai."


Hội Thánh Công Giáo cũng tựa như con voi trong bài thơ trên. Nhiều người trong chúng ta chẳng khác gì những anh mù Indostan. Họ mù tịt về Hội Thánh. Tệ hơn nữa, những gì họ biết về Hội Thánh lại đều do những người cũng lơ mơ như họ.

Nhận thấy như vậy, thần học gia Avery Dulles đã viết một cuốn sách tựa đề là Những mô thức về Hội Thánh. Bài học này dựa theo cuốn sách của ngài.


Mô thức giúp chúng ta am hiểu hơn
Mô thức là một hình ảnh giúp chúng ta am hiểu hơn về một thực tại phức tạp. Thí dụ trong bài thơ, một người mù dùng hình ảnh bức tường để mô tả con voi. Người khác dùng hình ảnh thanh gươm.
Đức Giê-su cũng đã dùng nhiều hình ảnh và mô thức để giúp người ta hiểu hơn về Triều Đại Thiên Chúa. Thí dụ Ngài bảo Triều Đại Thiên Chúa tựa như hạt cải bé nhỏ sẽ mọc lên thành cây lớn. Hoặc nước trời giống như men trong bột làm cho bột dậy lên. Hoặc như một hạt ngọc toàn hảo mà một thương gia nọ, sau khi tìm gặp đã sẵn sàng bán hết mọi sự để mua cho bằng được.
Mô thức phải được sử dụng như một phần trong một khối tổng hợp

Một hình ảnh hoặc một mô thức đơn độc tự nó có thể bóp méo sự thật, giống như những hình ảnh về con voi theo cách hình dung của những người mù. Do đó, mô thức phải được dùng theo cách tổng hợp, như Đức Giê-su đã sử dụng để diễn tả Triều Đại Thiên Chúa.


Các khoa học gia cũng sử dụng mô thức rất nhiều. Thí dụ điện tử (electron). Chưa có ai trông thấy được điện tử. Các khoa học gia chỉ lấy danh từ này đặt tên cho một khối cố định gồm những biến cố xảy ra trong những hoàn cảnh cố định. Đôi khi họ coi điện tử như một làn sóng, đôi khi như một hạt nhân. Khi không thể giải thích bằng mô thức này, họ sẽ dùng một mô thức khác.
Đối với người Công Giáo cũng vậy. Họ rất hay dùng mô thức để giúp người ta hiểu hơn về Hội Thánh. Một số mô thức này có thể diễn tả thực tại rõ hơn những mô thức kia. Điều quan trọng để hiểu về Hội Thánh là phải nhìn những mô thức này theo một bối cảnh.
Người Công Giáo dùng sáu mô thức để diễn tả Hội Thánh. Mỗi mô thức cho chúng ta một hình ảnh độc đáo giúp chúng ta nhận ra thực tại phức tạp và huyền nhiệm này. Đây là sáu mô thức:
* Cộng đồng môn đệ

* Sứ giả Tin Mừng

* Cộng đồng ân sủng

* Tổ chức có cơ cấu

* Bí tích nền tảng

* Tôi tớ
CỘNG ĐỒNG MÔN ĐỆ

Cuộc bách hại tôn giáo vào năm 1980 đã đưa tới tình trạng thiếu linh mục tại một vùng lớn ở nước Guatemala. Dù thiếu linh mục hướng dẫn, các tín hữu Công Giáo trong vùng này vẫn tụ họp tại nhà thờ mỗi Chúa Nhật. Fernando Bermudez mô tả những buổi họp mặt này như sau:
"Có những cộng đoàn tụ họp nhau lại để xưng tội ra với người khác, lớn tiếng và quì gối, rồi tất cả cùng nhau hát cầu xin ơn tha thứ của Thiên Chúa."
Death and Resurrection in Guatemala
Sau nghi thức hòa giải, một giáo dân điều khiển sẽ đọc một đoạn Kinh Thánh và cố gắng giải thích theo khả năng hiểu biết của mình. Sau đó họ mời mọi người chia sẻ ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh ấy.
Mỗi tháng một lần, mỗi cộng đoàn cử một đại diện đi tới vùng chính phủ cho phép linh mục thi hành mục vụ. Hành trình có thể hơn 18 tiếng đi bộ, để họ thay mặt cộng đoàn dâng Thánh lễ. Bàn thờ để đầy những giỏ bánh lễ sẽ được truyền phép thành Mình Máu Thánh Chúa. Rồi họ sẽ mang những giỏ Mình Thánh Chúa đem về cho anh chị em tín hữu trong cộng đoàn mình."
Dần dần chính phủ gia tăng bách hại và đóng cửa hết các nhà thờ trong nước. Nhưng các tín hữu vẫn tìm cách họp nhau cầu nguyện. Bermudez thuật lại:
"Các Ki-tô hữu có tinh thần cộng đoàn rất cao. Họ dư biết nơi nào có hai hoặc nhiều người họp nhau nhân danh Đức Ki-tô thì Ngài hiện diện nơi đó... Bởi vậy họ bảo nhau "Nếu người ta cấm chúng mình họp nhau ở nhà thờ, thì chúng mình đến với nhau dưới bóng cây rừng hoặc trong hang núi."
Hội Thánh là một cộng đồng đức tin

Những cộng đoàn Hội Thánh mà Bermudez mô tả ở trên cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về mô thức Hội Thánh là một cộng đoàn môn đệ. Mô thức này là hình ảnh một cộng đồng môn đệ Đức Giê-su họp nhau lại nhân danh Ngài để tuyên xưng "Đức Ki-tô đã chết, Đức Ki-tô đã sống lại, Đức Ki-tô sẽ lại đến."


Mô thức này gợi lại hình ảnh về các cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi được thuật lại trong sách Công Vụ Tông Đồ. Họ cũng bị bách hại và cũng được đầy tràn thần khí của Đức Giê-su, ít khi thấy trong những cộng đoàn Ki-tô hiện nay. Họ đã linh động thích nghi với một cách thức thờ phượng và lãnh đạo mới để thay thế cho những gì đã quen thuộc theo phong tục Do-thái.
Ưu điểm của mô thức này là cởi mở đón nhận Chúa Thánh Thần, sẵn sàng để lớn lên và đầy lòng tin cậy phó thác nơi Chúa. Nhược điểm là các cộng đoàn này dễ hướng theo một cơ cấu tổ chức lỏng lẻo và quá nhát sợ. Họ dễ mất ý thức về sự hướng dẫn và lãnh đạo mà Đức Giê-su muốn Hội Thánh có.
SỨ GIẢ TIN MỪNG
Thần học gia William Barclay người Cốt-len kể lại câu truyện cảm động về một tù trưởng Phi-châu đến dự Phụng vụ sáng Chúa Nhật của Ki-tô hữu. Ông đã ứa nước mắt khi nhìn những người thuộc các bộ lạc Ngoni, Senga và Tumbuka cùng cầu nguyện bên nhau.
Ông nhớ lại thời thơ ấu khi chứng kiến cảnh các dũng sĩ Ngoni, sau một ngày chiến đấu, đã rửa gươm đao và mình vấy đầy máu người Senga và Tumbuka. Sáng hôm ấy trong Thánh Lễ, vị tù trưởng già đã hiểu Ki-tô giáo là gì, điều mà trước đây ông không bao giờ hiểu được. Đó là qua Đức Giê-su và trong Ngài, Thiên Chúa đã mời gọi mọi người hãy chấm dứt tất cả hận thù và hãy sống như một gia đình.
Hội Thánh mang đến một sứ điệp
Câu truyện trên giúp chúng ta hiểu mô thức Hội Thánh là sứ giả Tin Mừng. Tâm điểm của mô thức này là Lời Chúa. Sứ mệnh tiên quyết là loan báo Tin Mừng rằng Thiên Chúa đã mời gọi mọi người sống hòa thuận như gia đình của Thiên Chúa. Qua sự chết và sống lại của Đức Giê-su, tất cả chúng ta đã trở nên anh chị em.
Ưu điểm của mô thức này là nhấn mạnh Lời Chúa là nguồn mạch đức tin và đời sống Ki-tô hữu. Nhược điểm là khuynh hướng cuồng tín khiến người ta quá chú trọng hiểu Kinh Thánh theo từng chữ, gạt bỏ truyền thống và quên đi khía cạnh bí tích của Hội Thánh.
CỘNG ĐỒNG ÂN SỦNG
Mô thức này phát sinh từ một số hình ảnh trong Kinh Thánh. Trước hết là hình ảnh "Dân Thiên Chúa" được kêu gọi nên thánh thiện như Thiên Chúa là Đấng Thánh (Lv 20:26). Qua hình ảnh này, Hội Thánh được coi như dân Ít-ra-en mới trong thời Tân Ước (1Pr 2:9-10). Một hình ảnh Kinh Thánh nữa đó là cây và ngành nho. Đức Giê-su phán: “Thầy là cây nho, chúng con là ngành nho" (Ga 15:5). Hình ảnh thứ ba là do thánh Phao-lô. Ngài gọi Hội Thánh là thân thể của Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô là Đầu Nhiệm Thể, các tín hữu là chi thể (Ep 4:15-16).
Hội Thánh là mối thông hiệp sự sống

Những hình ảnh Kinh Thánh trên nhấn mạnh về sự liên kết, quan tâm đến nhau và sự lệ thuộc của các phần tử Hội Thánh vào Chúa Ki-tô cũng như các tín hữu khác. Những hình ảnh này cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ của Đầu là Chúa Ki-tô trên toàn Nhiệm Thể. Ngài là nguồn ban phát sự sống và hoạt động của Hội Thánh.


Ưu điểm của mô thức này là chú trọng đến sự thông hiệp sự sống của Thiên Chúa (ân sủng), nguyên lý liên kết mọi phần tử với Đức Ki-tô và với nhau. Nhược điểm là quá chú ý đến sự thông hiệp sự sống nên quên bẵng đi trách nhiệm của Hội Thánh là phải đến với những người chưa là phần tử của cộng đồng ân sủng này.
TỔ CHỨC CÓ CƠ CẤU
Mô thức này phát xuất từ một biến cố đáng nhớ xảy ra tại Xê-da-rê Phi-líp-phê khi Đức Giê-su quay lại nói với Phê-rô:
"Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy... Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." (Mt 16:18-19)
Đây là một trong những đoạn Tân Ước tuyệt diệu nhất, vì nó cho thấy Đức Giê-su chia sẻ quyền năng và quyền bính của Thiên Chúa với Phê-rô. Phê-rô được trao ban uy quyền đặc biệt trong Hội Thánh của Đức Giê-su. Với địa vị đặc biệt này, Phê-rô luôn đứng đầu danh sách các tông đồ (Lc 6:14-16) và ông có đặc quyền lãnh đạo trong mọi lãnh vực của Hội Thánh (Cv 1:15).
Hội Thánh có phẩm trật
Mô thức này của Hội Thánh nhấn mạnh sự kiện Hội Thánh không phải là một đoàn thể dân chủ, nhưng Hội Thánh được thiết lập như một cộng đồng có phẩm trật. Trách nhiệm lãnh đạo tối cao được trao cho những người do Đức Giê-su đã tuyển chọn để chăn dắt đoàn chiên của Ngài.
Ưu điểm của mô thức này là tính cách có tổ chức, danh chính ngôn thuận. Nhưng khuyết điểm là có khuynh hướng độc tài, nặng hình thức hành chánh và quan liêu.
BÍ TÍCH NỀN TẢNG
Đức Giê-su nói với Phi-líp-phê: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha" (Ga 14:9). Những lời này của Đức Giê-su giải thích lý do tại sao một số nhà thần học gọi Ngài là "bí tích về sự hiện diện của Thiên Chúa." Đức Giê-su đã làm cho Thiên Chúa hiện diện trong thời đại Tin Mừng để mọi người có thể thấy, nghe và sờ được Thiên Chúa.
Hội Thánh làm cho Đức Giê-su hiện diện

Cũng thế, Hội Thánh là "bí tích về sự hiện diện của Đức Giê-su," để người ta có thể thấy, nghe và sờ được Ngài. Chính Ngài đã phán: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ" (Mt 18:20). Qua Hội Thánh, Đức Giê-su tiếp tục giảng dạy, chữa lành và tha thứ trong một phương thức loài người có thể cảm nhận được.


Ưu điểm của mô thức này là việc tôn trọng bản chất con người chúng ta, nhìn nhận chúng ta có cả xác lẫn hồn. Mô thức này cũng cho thấy là chúng ta cần đến những cách biểu lộ giúp cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa - và những cách có thể cảm nhận khi chúng ta đáp lại sự hiện diện này. Khuyết điểm của mô thức này là việc sử dụng những nghi thức có thể trở thành nặng hình thức hoặc mê tín.


TÔI TỚ

Mô thức này được diễn tả rất hay trong phần mở đầu thư mục vụ của Đức Hồng y Richard Cushing khi ngài làm Giám mục giáo phận Boston:


"Đức Giê-su đã đến không chỉ để loan báo Nước Trời đang tới, mà còn để hiến thân mình cho công việc ấy. Ngài đã đến để phục vụ, chữa lành, giải hòa, băng bó những vết thương. Chúng ta có thể nói Đức Giê-su là người Sa-ma-ri nhân hậu theo cách đặc biệt. Ngài là Đấng đồng hành với chúng ta trong những nhu cầu và những sầu khổ của chúng ta. Ngài tự hủy vì chúng ta. Ngài chết thực sự để chúng ta được sống và Ngài phục vụ chúng ta để chúng ta được chữa lành."
Hội Thánh là một cộng đồng vị tha
Mô thức này nhấn mạnh rằng Hội Thánh loan báo Nước Thiên Chúa đang đến, không chỉ bằng rao giảng nhưng còn bằng việc làm. Hội Thánh đi tìm những kẻ lạc mất. Hội Thánh ôm ấp người nghèo khổ. Hội Thánh bênh đỡ kẻ bị đàn áp. Nói khác đi, như Đức Giê-su là "người sống cho tha nhân" thế nào, thì Hội Thánh Ngài phải là một "cộng đồng sống cho tha nhân" như thế. Nhất là Hội Thánh phải sẵn sàng phục vụ những người bị ruồng bỏ và thiếu thốn trong xã hội.
Ưu điểm của mô thức này là ưu tiên lo phục vụ tha nhân, nhất là những người thấp hèn trong xã hội. Điểm yếu là có thể đi tới chỗ biến việc phục vụ theo tinh thần Chúa Ki-tô thành tinh thần của trần thế và đi theo những giá trị và mục đích của trần gian.
NHỮNG GÓC CẠNH CỦA HẠT KIM CƯƠNG

Tóm lại, chúng ta có sáu mô thức giúp hiểu biết về Hội Thánh. Mỗi mô thức giống như một góc cạnh của một hạt kim cương. Góc cạnh ấy không phải là chính hạt kim cương, nhưng chỉ là góc cạnh.


* Mô thức cộng đồng môn đệ nhấn mạnh Hội Thánh là một cộng đồng đức tin, mở rộng cho Chúa Thánh Thần.
* Mô thức sứ giả Tin Mừng nhấn mạnh Hội Thánh có một sứ điệp đức tin phải đem cho thế giới.
* Mô thức cộng đồng ân sủng nhấn mạnh đến sự kết hiệp của các phần tử Hội Thánh với Chúa Ki-tô và với nhau.
* Mô thức tổ chức có cơ cấu nhấn mạnh việc Chúa Thánh Thần ban cho các phần tử Hội Thánh những đặc sủng khác nhau.
* Mô thức bí tích nền tảng nhấn mạnh việc Hội Thánh giúp cho Đức Giê-su hiện diện một cách có thể cảm nhận được.
* Mô thức tôi tớ nhấn mạnh rằng Hội Thánh được kêu gọi trở nên một "cộng đồng vị tha" như chính Đức Giê-su đã là "người sống cho tha nhân."
Ánh sáng và bóng tối của Hội Thánh
Hội Thánh không giống như bất cứ cộng đồng nào trên thế giới này. Hội Thánh có hai chiều kích: một thuộc về Thiên Chúa và một thuộc về loài người. Chiều kích thuộc Thiên Chúa chúng ta không thấy được. Đó chính là sự sống vô hình của Đức Ki-tô đang liên kết mọi phần tử của Hội Thánh thành một Nhiệm Thể. Chiều kích thuộc loài người là những gì chúng ta có thể thấy. Đó là cộng đồng tín hữu. Vì có chiều kích loài người nên Hội Thánh cũng là một cái gì giống với con người, nghĩa là có những bất toàn.
Vì Hội Thánh bất toàn, do đó Hội Thánh không phải lúc nào cũng có thể bày tỏ cho trần gian thấy được "dung mạo Chúa Ki-tô." Các phần tử của Hội Thánh có thể sa vào những gương xấu tai tiếng hoặc đáng tiếc. Điều này có nghĩa là chúng ta thường thấy Hội Thánh giống như là chúng ta: yếu đuối, tội lỗi và phấn đấu để trở nên toàn hảo như Thiên Chúa muốn. Như thế, Hội Thánh sẽ luôn luôn có ánh sáng lẫn bóng tối. Cộng đồng tín hữu này tin tưởng rằng ánh sáng sẽ không bao giờ bị bóng tối che khuất được.
ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

1. Công Vụ Tông Đồ 2:43-47 Cộng đồng môn đệ

2. Công Vụ Tông Đồ 4:1-20 Sứ giả Tin Mừng

3. 1 Cô-rin-tô 12:12-31 Cộng đồng ân sủng

4. Mát-thêu 16:13-19; 18:15-20 Tổ chức có cơ cấu

5. Gio-an 14:8-14 Bí tích nền tảng

6. Rô-ma 12:1-21 Tôi tớ
THẢO LUẬN
1. Qua sáu mô thức về Hội Thánh, theo nhận xét của bạn, Hội Thánh toàn cầu và cộng đoàn địa phương nơi bạn ở hiện thời cần sống mô thức nào mới đúng?
2. Khi chúng ta nói bóng tối sẽ không bao giờ che khuất được ánh sáng của Hội Thánh, điều ấy có ý nghĩa gì đối với bạn?
CHIA SẺ
1. "Đi vào nơi đậu xe không thể biến bạn trở thành một chiếc xe. Cũng thế, vào nhà thờ không làm cho bạn thành một Ki-tô hữu." (Billy Sunday)
“Điều cần thiết không phải là chúng ta làm điều gì cho Hội Thánh, nhưng là làm điều gì cùng với Hội Thánh." (Matin Luther King)
“Đức Giê-su không bị đóng đinh trong nhà thờ giữa hai ngọn nến, nhưng trên thập giá giữa hai tên cướp, trên một núi rác thành phố... tại một nơi những tên vô lại dối trá, kẻ cắp văng tục chửi thề và lính tráng bài bạc... Đó là nơi chúng ta phải tìm đến và đó là nơi cần có Hội Thánh." (George MacLeod)
Bạn hãy chia sẻ những tư tưởng trên.

2. Trong các mô thức Hội Thánh, mô thức nào bạn thích nhất? Tại sao?


3. Một thống kê cho thấy: có 40% người Công Giáo khoảng 15 đến 29 tuổi đã không sống đạo nữa. 70% trong số này đã trở về với Hội Thánh. 60% trở về là do ảnh hưởng bạn bè, gia đình hoặc láng giềng. Bạn đã khi nào bỏ sống đạo một thời gian chưa? Tại sao? Điều gì giúp bạn trở lại?
4. Bạn có khả năng nào để đóng góp vào công cuộc xây dựng Nước Chúa trên trần gian này?
-------------------------------------

Bài 7
PHỤNG VỤ VÀ NĂM PHỤNG VỤ

Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:


1. Lý do tại sao tôi nhớ lại cuộc sống của Đức Giê-su qua một nghi lễ thờ phượng (thí dụ lễ Giáng Sinh hoặc Phục Sinh) là vì...
2. Tưởng niệm cuộc sống của Đức Giê-su qua một nghi lễ thờ phượng và việc xem một cuốn phim về đời Ngài khác nhau ở những điểm này: ...
PHỤNG VỤ

Muốn hiểu phụng vụ là gì, chúng ta cần hiểu Hội Thánh là gì.


Hội Thánh là thân thể Chúa Ki-tô. Hội Thánh là Đức Giê-su được tiếp nối trong không gian và thời gian qua các tín hữu của Ngài, tức là Nhiệm Thể của Ngài. Hội Thánh là Đức Giê-su đang hiện diện trong thời nay qua Nhiệm Thể của Ngài y như Ngài đã hiện diện trong thời Tin Mừng qua thân xác của Ngài.
Phụng vụ là việc Đức Giê-su hành động qua Hội Thánh của Ngài
Phụng vụ là việc Đức Giê-su hành động trong thời nay qua Nhiệm Thể Ngài, giống như Ngài đã hành động trong thời Tin Mừng qua thân xác Ngài.
Chúng ta có thể nói lên sự so sánh này. Cũng như Đức Giê-su đã hành động hai ngàn năm trước đây qua những hoạt động cơ thể của thân xác bằng xương bằng thịt, thì ngày nay Ngài vẫn tiếp tục hành động qua những hoạt động phụng vụ của Nhiệm Thể Ngài. Vậy phụng vụ là việc cử hành Thánh Lễ, Bí tích Rửa Tội, Bí tích Hòa Giải, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân... Tất cả những việc cử hành này đều là những dấu chỉ cho thấy Đức Ki-tô đang sống và hành động giữa dân Ngài.
Theo lời Công Đồng chung Vatican II, phụng vụ là sự tiếp nối của "công cuộc cứu chuộc" mà Đức Giê-su đã khởi sự khi còn ở trần gian. Chính "phụng vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu qua cuộc sống biết diễn tả và biểu lộ cho những người khác mầu nhiệm Chúa Ki-tô và bản tính đích thực của Hội Thánh chân chính" (Hiến chế về Phụng vụ thánh, số 2).
"Để chu toàn công việc lớn lao ấy, Chúa Ki-tô hằng hiện diện trong Hội Thánh, nhất là trong các hoạt động phụng vụ.
Ngài hiện diện trong lễ Hy tế... nhất là hiện diện thực sự dưới hai hình Thánh Thể... Ngài hiện diện trong các Bí tích nhờ quyền năng của Ngài. Vì thế ai rửa tội thì chính Chúa Ki-tô rửa. Ngài hiện diện trong lời của Ngài, vì chính Ngài nói khi người ta đọc Kinh Thánh trong Hội Thánh. Sau hết Ngài hiện diện khi Hội Thánh cầu khẩn và hát Thánh Vịnh." (PV, số 7)
Như thế, phụng vụ cũng là hoạt động của Hội Thánh, Nhiệm Thể Chúa Ki-tô. Phụng vụ là việc Đức Giê-su tiếp tục "công cuộc cứu chuộc" qua Nhiệm Thể Ngài là Hội Thánh.
NĂM PHỤNG VỤ
"Công cuộc cứu chuộc" Đức Giê-su đã thực hiện trong cuộc đời dương thế của Ngài mang chiều kích vĩ đại đến nỗi trí óc hữu hạn của chúng ta không thể hiểu ngay một lúc được. Vì thế cần phải chia thành từng phần nhỏ.
Đó chính là công việc của năm phụng vụ. Năm phụng vụ chia "công cuộc cứu chuộc" (lịch sử cứu rỗi) của Đức Giê-su thành từng phần nhỏ, để chúng ta có thể sống lại những phần ấy và nhờ sức mạnh từ đó chúng ta dần dần được đổi mới.
Năm phụng vụ diễn lại lịch sử cứu rỗi

Phim ảnh hoặc vở kịch thường diễn lại cuộc đời của một vĩ nhân, thí dụ The Miracle Worker diễn lại cuộc đời bà Helen Keller. Năm phụng vụ cũng giống như vậy, diễn lại cuộc đời Đức Giê-su và lịch sử cứu rỗi.


Nhưng khác biệt vô cùng giữa việc diễn lại trên sân khấu cuộc đời của Helen Keller và việc diễn lại của phụng vụ về cuộc đời Đức Giê-su.
Vở kịch The Miracle Worker không làm cho Helen Keller hiện hữu lần nữa. Còn việc cử hành phụng vụ làm cho Đức Giê-su hiện diện trở lại. Trong Thánh Lễ, Đức Giê-su hiện diện cách mầu nhiệm. Hơn thế nữa, Đức Giê-su hiện diện trong mỗi Chúa Nhật hoặc lễ kính để thông đạt với chúng ta một điều gì đó độc đáo mà chỉ có Chúa Nhật hoặc lễ kính ấy có mà thôi. Cho nên trong Thông điệp Đấng Trung Gian của Thiên Chúa (Mediator Dei), Đức Giáo Hoàng Piô XII viết:
"Năm phụng vụ không phải là việc diễn tả một cách lạnh nhạt và vô hồn những biến cố quá khứ, cũng không phải là một bản ghi chép lại một cách giản dị và trống rỗng về một thời đại đã qua. Nhưng năm phụng vụ là chính Chúa Ki-tô hằng sống động giữa Hội Thánh. Nơi đây Ngài tiếp tục cuộc hành trình của lòng từ bi bao la mà Ngài đã khởi sự cách yêu thương trong cuộc sống trần gian của Ngài, luôn làm điều lành thánh mong chúng ta biết đến những mầu nhiệm của Ngài và sống những mầu nhiệm ấy."
Thử lấy một thí dụ để giúp chúng ta hiểu rõ mầu nhiệm đức tin tuyệt vời này.
Câu truyện Thành phố bên kia bức tường (Town Beyond the Wall) của Elie Wiesel nói về sức mạnh của tình bạn. Trong câu truyện, Michael sống lại cơn hành hạ đau đớn bởi vì Pedro, người bạn đã khuất của anh, đang sống lại trong ký ức anh. Sức mạnh không đến từ chính Pedro, nhưng từ những kỷ niệm về Pedro. Ký ức của Michael về Pedro không chỉ gợi lại người bạn trong dĩ vãng, nhưng đã làm cho bạn anh hiện diện đến độ anh nhận thấy có một sức mạnh đến từ người bạn ấy.
Câu truyện này giúp chúng ta hiểu một chân lý quan trọng trong Kinh Thánh.
Chúng ta sống lại lịch sử cứu rỗi

Đối với người Do-thái, cử hành ("nhớ đến") một biến cố từ lịch sử cứu rỗi không phải chỉ là gợi lại một biến cố, nhưng là sống lại biến cố ấy.


Khi những người Do-thái cử hành ("nhớ đến") lễ Vượt Qua, họ không chỉ nhớ lại biến cố họ đã được giải thoát khỏi Ai-cập, nhưng còn đem biến cố ấy vào hiện tại và sống lại nó. Một cách huyền diệu, họ thực sự biến thành một phần của biến cố và lãnh nhận từ Thiên Chúa cùng một hồng ân Ngài đã ban cho tổ tiên họ.

Cũng tương tự như vậy khi chúng ta cử hành phụng vụ diễn lại cuộc đời Đức Ki-tô, nghĩa là ơn cứu rỗi bởi đó mà ra. Chúng ta còn làm một điều hơn cả việc nhớ lại quá khứ, bởi vì một cách huyền diệu, biến cố nguyên thủy được sống lại qua việc cử hành phụng vụ.


Một đoạn trong cuốn Mùa đông bất mãn (The Winter of Our Discontent) của John Steinbeck làm sáng tỏ những điều chúng ta vừa nói ở trên. Steinbeck viết:
"Bà dì Deborah đã đọc Kinh Thánh cho tôi nghe mỗi ngày giống như đọc nhật báo làm tôi tin đó là lối suy nghĩ của bà về Kinh Thánh. Kinh Thánh là một cái gì đang diễn tiến, cứ xảy ra mãi mãi nhưng luôn luôn hấp dẫn và mới lạ. Mỗi lần lễ Phục Sinh, Đức Giê-su lại thực sự sống lại từ kẻ chết, một biến cố vĩ đại người ta mong đợi, nhưng vẫn luôn luôn mới mẻ. Đối với bà, đó không phải là một cái gì đã xảy ra hai ngàn năm trước, nhưng đang xảy ra bây giờ."
Phụng vụ là như thế đó, "một biến cố vĩ đại người ta mong đợi, nhưng vẫn luôn luôn mới mẻ." Không phải chỉ là điều gì xảy ra hai ngàn năm trước, nhưng đang xảy ra bây giờ.
Năm phụng vụ không chỉ gợi lại những biến cố cuộc đời Đức Giê-su, nhưng một cách mầu nhiệm nó làm cho những biến cố ấy hiện hữu để chúng ta có thể sống lại trong sức mạnh và vinh hiển nguyên thủy của những biến cố ấy.
CẤU TRÚC CỦA NĂM PHỤNG VỤ
Năm phụng vụ được sắp xếp dựa trên hai ngày lễ chính: Giáng Sinh và Phục Sinh. Mỗi ngày lễ lại tạo thành một mùa riêng: mùa Giáng Sinh và mùa Phục Sinh.
Chúng ta có thể hiểu mùa Giáng Sinh và mùa Phục Sinh với ba giai đoạn:
* giai đoạn chuẩn bị

* chính ngày lễ

* thời gian kéo dài sau lễ.
Chúng ta hãy xét riêng từng mùa, bắt đầu mùa Giáng Sinh.
Chúng ta chuẩn bị lễ Giáng Sinh

Chủ đề của lễ Giáng Sinh là Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người qua con người Đức Giê-su. Chính Thiên Chúa đã mặc lấy thân xác (Nhập Thể) và sống giữa chúng ta như một người trong chúng ta.


Giai đoạn chuẩn bị lễ Giáng Sinh gọi là Mùa Vọng, (Advent có nghĩa là 'đang tới'). Từ ngữ này nói lên chủ đích của mùa này là chuẩn bị cho biến cố Đức Giê-su sắp đến.
Nhưng việc Đức Giê-su đến mà chúng ta đang chuẩn bị không phải chỉ là diễn lại việc Ngài đến cách đây hai ngàn năm. Đó là tiêu điểm thứ nhất. Nhưng tiêu điểm thứ nhì là hướng về việc Đức Giê-su đến lại lần thứ hai trong ngày tận thế.
Mùa Vọng khiến chúng ta nhớ đến một vị thần cổ xưa của Rô-ma, tên là Janus (từ January là do tên của vị thần này). Trong nghệ thuật, người ta mô tả thần Janus có hai khuôn mặt, một mặt nhìn về đằng sau và một mặt nhìn về phía trước.
Cũng thế, Mùa Vọng có hai hướng nhìn, nhìn lại việc Đức Giê-su đến lần thứ nhất trong lịch sử và nhìn tới hướng về việc Đức Giê-su sẽ đến lần thứ hai trong ngày thế mạt. Còn chúng ta thì đang đứng ở đâu đó giữa hai thời điểm ấy.
Chúng ta cử hành lễ Giáng Sinh
Ngày lễ Giáng Sinh, chúng ta sống lại mầu nhiệm lạ lùng Thiên Chúa trở thành con người. Chúng ta vui mừng qua việc Ngài giáng sinh và việc chúng ta được tái sinh cùng với Ngài trong cuộc sống mới.
Lễ Giáng Sinh được tiếp nối với những ngày lễ liên hệ:

* Lễ Thánh Gia Thất (Chúa Nhật sau Giáng Sinh)

* Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (ngày 1 tháng 1)

* Lễ Hiển Linh (Chúa Nhật sau ngày 1 tháng 1).


Mỗi ngày lễ liên hệ này đều liên quan tới việc Đức Giê-su đến trong lịch sử và việc Ngài chuẩn bị rao giảng Tin Mừng.
Chúng ta tiếp nối mùa Giáng Sinh

Cử hành lễ Giáng Sinh được nối tiếp với một giai đoạn gọi là Mùa Thường Niên (hoặc Quanh Năm). Mùa này chia làm hai giai đoạn:


* Mùa Thường Niên sau Giáng Sinh

* Mùa Thường Niên sau Phục Sinh.


Giai đoạn thứ nhất (sau Giáng Sinh) ngắn hơn. Giai đoạn này tiếp tục tinh thần về việc Đức Giê-su đã đến và đưa chúng ta sang giai đoạn chính thứ hai của năm phụng vụ, tức là Mùa Phục Sinh.


Chúng ta chuẩn bị lễ Phục Sinh

Lễ Phục Sinh là trái tim và cao điểm của năm phụng vụ. Lễ Phục Sinh cử hành việc Đức Giê-su sống lại từ kẻ chết, một biến cố vĩ đại làm đảo lộn dòng lịch sử nhân loại.


Cũng như lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh được chia làm ba phần:
* giai đoạn chuẩn bị

* chính ngày lễ

* thời gian kéo dài sau lễ.
Giai đoạn chuẩn bị cho lễ Phục Sinh gọi là Mùa Chay (Lent có nghĩa là “mùa xuân”). Thực vậy, đối với những người miền bắc xích đạo, thời gian này là mùa xuân trong năm. Như thế việc phục sinh của Đức Giê-su trùng hợp với việc "phục sinh" của cây cỏ trong mùa xuân.

Mùa Chay kéo dài bốn mươi ngày và bắt đầu với Thứ Tư Lễ Tro. Lễ Tro có cái tên như vậy vì theo truyền thống nhiều người Công Giáo lấy tro bôi lên trán họ vào ngày này. Tro biểu tượng hai dấu chỉ của Mùa Chay.


Trước hết, tro nhắc nhở chúng ta rằng: giống như Đức Giê-su đã chết ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta cũng sẽ chết. Thứ hai, tro nhắc nhở chúng ta là nếu chúng ta muốn chỗi dậy trong cuộc sống mới như Đức Giê-su đã sống lại trong ngày Phục Sinh thì chúng ta phải ăn năn sám hối tội lỗi và thực thi cuộc trở về của tâm hồn.
Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Chay gọi là Chúa Nhật Lễ Lá và đánh dấu việc chúng ta bước vào Tuần Thánh là thời gian linh thiêng nhất trong năm. Trong Tuần Thánh, qua phụng vụ chúng ta diễn lại cuộc Khổ Nạn và sự Chết của Đức Giê-su. Tam Nhật thánh gồm có ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh đưa chúng ta đến biến cố tâm điểm của năm phụng vụ.
Chúng ta cử hành lễ Phục Sinh

Lễ Phục Sinh bắt đầu với phụng vụ Lễ Vọng Phục Sinh vào đêm Thứ Bảy Tuần Thánh. Lễ Phục Sinh cử hành việc Đức Giê-su toàn thắng tội lỗi và quyền lực của ma quỉ trói buộc mọi người trong vòng nô lệ cho chúng kể từ khi ông A-đam phạm tội.


Cũng như lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh được nối tiếp với những ngày lễ liên hệ:
* Lễ Thăng Thiên [Chúa Giê-su Lên Trời], (bốn mươi ngày sau lễ Phục Sinh).

* Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (năm mươi ngày sau Phục Sinh).


Thứ Năm Lễ Thăng Thiên cử hành việc Đức Giê-su lên trời về với Thiên Chúa Cha (Cv 1:9) và nhắc nhở chúng ta phải tiếp tục sứ mạng Đức Giê-su đã khởi sự ở trần gian. Đây cũng là cách chúng ta chuẩn bị cho chính mình và cho thế giới đang khi chờ đợi Ngài trở lại trong ngày tận thế.
Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống cử hành việc Chúa Thánh Thần đến trên các tông đồ, biến họ thành Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Ki-tô và ban sức mạnh cho họ để tiếp tục sứ mạng của Ngài trên trần gian. Chúng ta là tiếng nói, là con tim, là đôi chân, là bàn tay của Đức Ki-tô trong thế giới này. Chúng ta là phương tiện để Đức Giê-su chữa lành và tha thứ trong thời đại này như Ngài đã chữa lành và tha thứ trong thời Tin Mừng.
Những Chúa Nhật giữa Chúa Nhật Phục Sinh và Chúa Nhật Hiện Xuống, chúng ta vui mừng trong sự sống mới của Đức Giê-su và sự sống mới được đem đến cho mỗi người chúng ta.
Chúng ta nối tiếp Mùa Phục Sinh

Cũng như chính lễ Giáng Sinh và những ngày lễ liên hệ được nối tiếp bằng giai đoạn thứ nhất Mùa Thường Niên, lễ Phục Sinh và những ngày lễ liên hệ được nối tiếp bằng giai đoạn thứ hai Mùa Thường Niên.


Trong giai đoạn thứ hai Mùa Thường Niên, chúng ta cố gắng sống đời sống mới Đức Giê-su đã đem lại cho chúng ta nhờ sự sống lại của Ngài từ cõi chết.
Những Chúa Nhật của mùa này (thường vào khoảng hai mươi tuần lễ) chú trọng đến cuộc đời và sứ vụ của Đức Giê-su. Nhờ đó, chúng ta được học hỏi và giúp chúng ta uốn nắn cuộc sống cũng như sứ vụ của mình theo mẫu mực cuộc sống và sứ vụ của Đức Giê-su.
Mùa Thường Niên kết thúc với lễ Chúa Ki-tô Vua, Chúa Tể của vũ trụ. Lễ này nhắc nhở chúng ta phải tiếp tục hoàn thành Nước Thiên Chúa mà Chúa Ki-tô Vua đã khởi sự. Nếu chúng ta trung thành với sứ mạng này, ngày nào đó chúng ta sẽ được ở trên trời với Chúa Ki-tô khi Ngài ngự bên hữu Chúa Cha.
Như thế, chúng ta có thể định nghĩa phụng vụ như hoạt động của Hội Thánh, Nhiệm Thể Chúa Ki-tô. Qua phụng vụ, Đức Giê-su tiếp tục hoạt động trong thời đại này như Ngài đã hoạt động trong thời Tin Mừng. Và chúng ta cũng có thể định nghĩa năm phụng vụ như việc diễn lại cuộc đời và việc làm của Đức Giê-su giữa chúng ta. Với năm phụng vụ, chúng ta sống lại và tiếp tục cuộc sống cũng như công việc của Đức Giê-su trong quyền năng và vinh hiển của Ngài.
ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

1. I-sai-a 63:15-64:11Mùa Vọng thứ nhất

2. Lu-ca 2:1-20 Lễ Giáng Sinh đầu tiên

3. Lu-ca 24:1-49 Lễ Phục Sinh đầu tiên

4. Công Vụ Tông Đồ 1:1-11 Lễ Thăng Thiên đầu tiên

5. Công Vụ Tông Đồ 2:1-42 Lễ Hiện Xuống đầu tiên


THẢO LUẬN

1. Công Đồng chung Vatican II mô tả phụng vụ thế nào?


2. Khác biệt giữa việc diễn vở kịch và việc cử hành phụng vụ thế nào?
3. Phụng vụ và năm phụng vụ được định nghĩa thế nào?
CHIA SẺ

1. Chia sẻ về những tư tưởng sau đây:


"Sự hiện diện hữu hình của Chúa Cứu Thế thể hiện trong Bí tích." (ĐGH Lêô I)
"Hội Thánh là nơi để Đức Ki-tô nhập thể mãi mãi." (Louis Everly)
"Không phải Ít-ra-en tuân giữ ngày Hưu lễ, nhưng chính ngày Hưu lễ gìn giữ Ít-ra-en." (Sách Talmud). Áp dụng thế nào cho ngày Chúa Nhật và cho các Ki-tô hữu?
"Phụng thờ đích thực có nghĩa là sẽ đưa chúng ta đi tới đâu: vượt qua những biên giới ngăn cách chúng ta với nhau để đến với Đức Ki-tô nơi những người nghèo đói." (John Robinson)
2. Ki-tô hữu Trung-hoa kể lại câu truyện một người đi chợ có 7 đồng xu. Thấy một người ăn xin, người ấy cho luôn 6 đồng. Nhưng thay vì cám ơn, người ăn xin kia lại mon men theo và tìm cách ăn cắp nốt đồng xu cuối cùng. Vậy sáu đồng xu tượng trưng cho điều gì? Đồng xu thứ bảy ý nói gì? Ai là người đi chợ? Ai là kẻ ăn xin? Đây có phải là hình ảnh rất đúng về Ki-tô giáo tại Hoa-kỳ không?
3. Lễ Giáng Sinh nào đáng ghi nhớ nhất đối với bạn?
4. Bạn và gia đình cử hành Mùa Vọng và Mùa Chay như thế nào?

-----------------------------------------



Bài 8
SỰ CHẾT VÀ NGÀY TẬN THẾ

Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:


1. Điều làm tôi quả quyết là có sự sống đời sau, đó là…
2. Một số câu hỏi về cuộc sống sau cái chết là…
NGÀY TẬN THẾ
Trong cuốn Sense and Incense, Thomas Blackburn hình dung hiện tượng ngày tận thế xảy ra bất thần và không chuẩn bị. Ông viết:
“Tại San Francisco, một bà nội trợ nói: ‘Tôi vừa chuẩn bị pha cà-phê thì cảm thấy cả tòa nhà rung chuyển. Rồi một làn chớp lóe lên làm sáng rực cả bầu trời. Tôi chợt nghĩ: Trời ơi, mấy đứa con tôi sẽ ướt như chuột!’”
“Một em nữ sinh ở St. Louis kể lại điều này: ‘Tôi đang học lớp sử và ông Fenkle là giáo sư. Tôi nghiêng người qua Sally, đứa bạn gái của tôi, và nói nhỏ “ông Fenkle bô trai quá mày ạ”. Nhưng vừa nói với Sally xong thì mọi sự đều ngưng đọng như chết. Rồi tôi thấy như có cái gì kỳ lạ ở trên trời.’”
“Một thủy thủ tại Nữu Ước lại thấy khác: ‘Tôi đang ở một quán rượu trên đường 25, uống bia với cô bé này… Câu chuyện đang đến lúc hấp dẫn thì đột nhiên các kẽ tường và góc nhà đều nứt ra. Một làn ánh sáng kỳ dị hiện ra trên trời.’”
“Sau hết, một người địa ốc ở Florida nói: ‘Khi bạn có mặt ngay trong lúc ấy, thì mọi sự sẽ xảy ra đúng như người ta tiên đoán về ngày tận thế.’”
“Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu hủy” (2 Pr 3:10).
Đức Giê-su sẽ trở lại

Khi “ngày của Chúa” tới, Đức Giê-su sẽ thực hiện lời Ngài đã hứa với những ai theo Ngài: “Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:3).


Đức Giê-su so sánh việc Ngài trở lại tựa như chàng rể đến nhà cô dâu. Ngày xưa chú rể thường được các phù dâu cầm đèn rước vào nhà cô dâu. Đức Giê-su nói: “Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn của mình ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả” (Mt 25:1-5).
Vào nửa đêm người ta đánh thức các cô dậy và nói rằng chàng rể đang trên đường tới. Các cô dại thấy đèn dầu của mình sắp tắt vội đi mua dầu. Đang khi họ đi ra ngoài thì chàng rể đến. Các cô khôn cùng chàng rể nhập tiệc cưới. Còn các cô dại khi trở về đã quá muộn. Cửa khóa rồi.
Kết thúc dụ ngôn, Đức Giê-su nói rằng ngày Ngài trở lại lần thứ hai khi tận thế cũng vậy. Ngày ấy sẽ đến mà không một lời báo trước và nhiều người không kịp chuẩn bị.
SỰ PHÁN XÉT

Có một vở kịch xưa tên là “Hết mọi người” (Everyman). Theo vở kịch đó, Thiên Chúa sai Thần Chết đến báo cho một vị anh hùng biết cuộc đời ông ta chấm dứt. Khi đã lấy lại bình tĩnh, vị anh hùng xin Thần Chêát cho mình một vài phút để hỏi bạn bè thân thiết là Tiền Tài, Danh Vọng, Quyền Thế và Việc Thiện xem có ai theo mình sang cuộc sống đời sau không. Thần Chết chấp nhận lời yêu cầu. Nhưng vị anh hùng vô cùng bỡ ngỡ vì chỉ có mình Việc Thiện là chịu theo ông ta, còn những người bạn khác đều từ chối.

Vở kịch nói lên một sứ điệp quan trọng: Khi sự chết đến, chỉ còn một điều đáng kể, đó là những việc tốt chúng ta đã làm khi còn sống.
Nghiên cứu của tiến sĩ Elizabeth Kubler-Ross tại đại học Chicago bênh vực cho điều nói trên. Bà đã phỏng vấn hàng trăm người đã bị bác sĩ tuyên bố là chết nhưng rồi hồi sinh. Những người này đều có một kinh nghiệm giống nhau về một thứ hồi tưởng lại cuộc đời của họ, tựa như một thứ phán xét. Tiến sĩ Kubler-Ross thuật lại lời những người này nói: “Khi bạn đến thời điểm này tức là cái chết, bạn sẽ chỉ có hai điều đáng kể: những việc bạn làm để phục vụ người khác và tình yêu. Còn những điều ta cho là quan trọng như danh vọng, tiền bạc, uy tín và quyền thế, tất cả đều không đáng kể.”
Đức Giê-su đã kể một dụ ngôn nói về việc Ngài trở lại lần thứ hai.
Một thương gia sắp phải đi xa. Ông cho gọi ba người đầy tớ thân tín đến, trao cho mỗi người một món tiền lớn và bảo họ kiếm cách sinh lợi trong thời gian ông đi vắng. Dặn dò xong, ông ra đi.
Sau khi trở về, thương gia ấy gọi ba người đầy tớ đến để tính toán sổ sách. Hai người đã làm lợi rất khá. Người thứ ba không sinh lợi gì hết. Thương gia thưởng cho hai người đầy tớ sinh lợi và trách phạt người đầy tớ thứ ba nặng nề (Mt 25:23-30).
Ý nghĩa dụ ngôn của Đức Giê-su rõ ràng. Thương gia chính là Đức Giê-su. Cuộc hành trình đi xa chỉ việc Ngài trở về với Chúa Cha. Những đầy tớ là các người tin theo Đức Giê-su. Món tiền lớn được trao cho họ là những tài năng Chúa ban. Tiền lời là những việc tốt ta đã làm khi tận dụng mọi khả năng của mình. Sự trở về của thương gia là việc Đức Giê-su trở lại trong ngày tận thế.
Dụ ngôn này để lại một sứ điệp đơn giản. Sau khi Đức Giê-su về trời, các môn đệ Ngài phải tận dụng mọi tài năng để hoàn thành Triều Đại Thiên Chúa trên trần gian này. Khi Đức Giê-su trở lại, họ sẽ bị phán xét tùy theo công nghiệp của họ.
Phán xét là một chủ đề lớn trong Kinh Thánh. Thí dụ thánh Phao-lô viết: “Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5:10).
Kinh Thánh nói về phán xét theo hai cách: phán xét riêng vào lúc cuối đời mình và phán xét chung trong ngày tận thế.
Cuộc phán xét riêng đang chờ chúng ta

Một hôm Đức Giê-su kể cho các môn đệ Ngài một câu truyện về hai người đàn ông: một người giàu có và một người nghèo. Người giầu có ở nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp. Ngược lại, người nghèo sống trong túp lều đổ nát, vài mảnh vải rách che thân và thật đói khát. Nhưng người giàu có chẳng bao giờ lưu tâm đến người nghèo kia cả.


Cuối cùng cả hai đều chết. Người giàu có quăèn quại trong nơi cực hình. Còn kẻ nghèo khó tên là La-da-rô thì sung sướng thoải mái trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham.
Khi người giàu có thấy tình cảnh trái ngược như vậy liền xin với Áp-ra-ham rằng: “Xin sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” (Lc 16:24).
Áp-ra-ham giải thích với người giàu có rằng một “vực thẳm lớn” cách biệt khiến bất cứ ai có muốn “từ bên này qua bên các con cũng không được.”
Rồi người giàu có nài xin Áp-ra-ham cho La-da-rô trở lại trần gian mà khuyến cáo một số anh em của ông ta, để ít ra sau này họ không phải chung số phận như ông ta. Nhưng Áp-ra-ham từ chối, nói rằng: “Ông Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu” (Lc 16:31).
Dụ ngôn của Đức Giê-su cho thấy ngay sau khi chết chúng ta sẽ chịu phán xét. Chúng ta sẽ được thưởng hay bị phạt tùy theo những gì chúng ta đã làm tại thế. Lúc đó chúng ta sẽ thấy rõ con người thật của mình và nhận ra chúng ta đã trở nên con người nào trong cuộc sống. Thiên Chúa không xét xử chúng ta, nhưng chính chúng ta sẽ xét xử chúng ta. Có lẽ Đức Giê-su đã nghĩ như vậy khi Ngài nói: “Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan tòa xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết” (Ga 12:47-48).

Ngay lúc chết, chúng ta sẽ xét xử chúng ta. Chúng ta chẳng cần ai phải xét xử chúng ta. Việc xấu chúng ta làm hoặc việc tốt chúng ta đã không làm sẽ rõ ràng trước mọi người, kể cả chúng ta nữa.



tải về 1.67 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương