ĐỨc tin ngưỜi công giáo the Catholic Vision Mark Link, sj. Lm. Trần Đình Nhi



tải về 1.67 Mb.
trang7/10
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích1.67 Mb.
#37886
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

CÁC THƯ CỦA PHAO-LÔ
Trong số hai mươi mốt Thư thuộc Tân Ước, có mười ba Thư được gán cho Phao-lô là tác giả. Theo truyền thống, các Thư này chia làm bốn nhóm:
Các Thư viết trước nhất: Thê-xa-lô-ni-ca (hai thư)

Các Thư lớn: Ga-lát, Cô-rin-tô (hai thư), Rô-ma

Các Thư viết từ trong tù: Phi-líp-phê, Cô-lô-xê, Ê-phê-xô, Phi-lê-môn

Các Thư mục vụ: Ti-mô-thê (hai thư), Ti-tô.


Phao-lô viết hai Thư sớm nhất

Khoảng mùa hè năm 50, Phao-lô giảng tại thành phố Thê-xa-lô-ni-ca. Hai năm sau, ngài được tin tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca có vấn đề lộn xộn. Họ có cảm tưởng là Đức Giê-su sắp trở lại. Họ cũng có cảm tưởng là hết thảy tín hữu vẫn còn sống khi Đức Giê-su trở lại. Cho nên khi một số qua đời thì họ đâm ra bối rối. Điều này khiến Phao-lô phải viết cho họ.


Lá thư thứ nhất của Phao-lô đã làm sáng tỏ những hiểu lầm về việc người ta chết trước khi Đức Giê-su trở lại. Nhưng thư ấy vẫn chưa đánh tan được thắc mắc việc Đức Giê-su đến lần thứ hai có sắp xảy tới hay không. Hơn nữa xem ra chính thư ấy lại làm cho họ hoang mang thêm. Do đó Phao-lô viết thư thứ hai để sửa sai những lầm tưởng của họ.
Phao-lô viết bốn “Thư lớn”

Sở dĩ gọi là “Thư lớn” vì chúng chứa đựng những giáo lý quan trọng. Thư đầu tiên gửi cho Ki-tô hữu tại Ga-lát. Được viết khoảng năm 54, thư nhắm tới những Ki-tô hữu gốc Do-thái thủ cựu. Họ làm cho những tân tòng Dân ngoại (không phải gốc Do-thái) bối rối khi họ bảo những tân tòng này phải tuân chỉ luật Do-thái và phải chịu cắt bì. Phao-lô đã sửa sai điều này, giải thích rằng luật Do-thái không còn bó buộc nữa. Ki-tô giáo đã vượt trên lề luật ấy.


Thư lớn thứ hai và thứ ba gửi cho Ki-tô hữu tại Cô-rin-tô, Hy-lạp. Văn chương cổ Hy-lạp cho thấy những người Cô-rin-tô là những kẻ say sưa, đồi trụy và phá rối. Theo hai Thư của Phao-lô cho thấy, một số tân tòng Cô-rin-tô mà Phao-lô đã giúp trở lại vẫn quen thói cũ và lại chứng nào tật nấy. Phao-lô viết: “Đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em… Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cr 5:1; 6:19-20).
Một vấn đề khác nơi cộng đoàn Cô-rin-tô là việc chia rẽ nội bộ (1 Cr 1:10-13). Phao-lô thúc giục họ hãy chấm dứt ngay những chia rẽ này. Ngài dùng hình ảnh sau đây để nói lên sự hiệp nhất họ phải có: “Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu một phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất… Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12:12-13,27).
Thư sau hết trong bốn Thư lớn được gửi cho tín hữu Rô-ma. Khảo luận sâu sắc này về Ki-tô giáo là bức thư dài nhất của Phao-lô. Thư viết theo dàn bài sau đây:
Thế giới trước Đức Ki-tô 1:18 – 3:20

Thế giới sau Đức Ki-tô 3:21 – 5:21

Sự sống mới trong Đức Ki-tô 6:1 – 8:39

Kế hoạch của Thiên Chúa cho Ít-ra-en 9:1 – 11:36

Chứng nhân cho Đức Ki-tô 12:1 – 15:13

Kết luận 15:14 – 16:27


Phao-lô viết bốn Thư từ trong tù

Mối ưu tư của Phao-lô về những người cùng khổ trong xã hội thường đưa ngài tới cảnh đau khổ (Cv 16:16-24). Hậu quả thường là ngài bị cầm tù (2 Cr 11:23). Một cách để Phao-lô giết thì giờ trong tù là viết thư.


Lá thư đầu tiên Phao-lô viết trong tù được gửi cho tín hữu Phi-líp-phê. Thư chứa đựng một tổng luận thật thơ mộng về Tin Mừng: Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, đã mặc lấy thân xác chúng ta, chịu đau khổ, chịu chết, sống lại và lên trời về với Chúa Cha. Bức thư kết thúc tổng luận ấy như sau: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ‘Đức Giê-su Ki-tô là Chúa’” (Pl 2:9-11).
Tổng luận này tuyệt diệu đến nỗi hầu hết các học giả Kinh Thánh đều nghĩ rằng đó chính là một ca vịnh của Ki-tô hữu sơ khai mà Phao-lô đã trích dẫn. Dù sao đi nữa, Phao-lô cũng đã dùng nó như ngôi sao dẫn đường cho cả đời ngài, như ngài nói tới trong phần sau: “Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3:10-11).
Thư thứ hai Phao-lô viết trong tù gửi cho tín hữu Cô-lô-xê. Thư cũng có một đoạn thật hay về Đức Giê-su. Đây là một phần nhỏ: “Thánh Tử (Giê-su) là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo… Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh” (Cl 1:15-18).
Do đó, Phao-lô “tiếp tục sống kết hợp với Người, bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Ki-tô Giê-su” (Cl 2:6-7).

Thư thứ ba trong tù Phao-lô gửi cho cộng đoàn Ki-tô hữu tại Ê-phê-xô. Thư này cũng nói đến Đức Ki-tô là Đầu Nhiệm thể Hội Thánh: “Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4:16).


Phao-lô viết thư cuối cùng trong tù gửi cho một người tên là Phi-lê-môn. Đây là thư ngắn nhất của Phao-lô, tỏ ra mối quan tâm tới một người nô lệ bỏ trốn tên là Ô-nê-xi-mô mà Phao-lô đã rửa tội cho tại Rô-ma. Ô-nê-xi-mô trước kia thuộc chủ quyền của Phi-lê-môn, một tín hữu tân tòng tại Cô-lô-xê. Phao-lô xin Phi-lê-môn hãy đón nhận Ô-nê-xi-mô trở lại, không phải như tên nô lệ mà là một người anh em trong Đức Ki-tô.
Phao-lô viết ba thư mục vụ

Tựa như các bức tranh thường nói lên những giai đoạn trưởng thành của một họa sĩ, cũng thế, các thư của Phao-lô phản ảnh một sự trưởng thành về tư tưởng nơi ngài. Sự trưởng thành rõ rệt tới độ có người nghĩ rằng những thư ấy là do một môn đệ của Phao-lô viết sau khi Phao-lô qua đời đã nhiều năm. Nhiều người khác lại cho rằng những thư này chỉ phản ảnh đà phát triển của Phao-lô cũng như của Giáo Hội sơ khai. Hai thư gửi cho Ti-mô-thê và một thư gửi cho Ti-tô.


Đối với Phao-lô, Ti-mô-thê giống như con ruột của ngài. Ti-mô-thê còn trẻ và sức khỏe mong manh (1 Tm 5:23). Phao-lô khuyến khích Ti-mô-thê đừng để những điều ấy ảnh hưởng trên việc làm người chủ chăn tốt cho cộng đoàn mình (1 Tm 4:12).
Còn Ti-tô cũng làm việc sát cánh với Phao-lô ((2 Cr 7:6). Giống như hai thư gửi cho Ti-mô-thê, thư gửi cho Ti-tô nói về những vấn đề mục vụ và làm sao đối phó với những vấn đề ấy.
NHỮNG THƯ KHÁC

Ngoài mười ba thư do Phao-lô viết, còn tám thư khác trong Kinh Thánh Tân Ước. Những thư này chia làm hai loại: một thư đặc biệt gửi cho người Do-thái và bảy thư còn lại được gọi là các Thư chung – gọi như vậy vì chúng không được viết cho một người hoặc một cộng đoàn riêng biệt nào, nhưng cho mọi người.


Thư gửi tín hữu Do-thái rất là độc đáo

Chúng ta không biết rõ “những người Do-thái” là ai, nhưng một số học giả cho rằng đó là một nhóm tư tế Do-thái đã trở lại Ki-tô giáo và giờ đây đang chịu bách hại vì việc trở lại ấy. Hoàn cảnh họ đúng như lời Đức Giê-su đã nói: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15:20).


Thư này cổ võ người Do-thái hãy chống lại cơn cám dỗ lìa bỏ đức tin: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4:15-16).
Bảy Thư chung

Bảy Thư chung gồm có ba thư của Gio-an, hai thư của Phê-rô, một thư của Gia-cô-bê và một thư của Giu-đa.

Ít có thư nào trong Tân Ước có thể sánh với phần mở đầu thật đẹp của Thư 1 Gio-an: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống… Chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa” (1 Ga 1:1,3).
Thư còn tiếp tục nói rằng những thầy dạy giả mạo đã xâm nhập nhiều cộng đoàn Ki-tô hữu. Gio-an gọi họ là những “phản Ki-tô” (1 Ga 2:18), vì họ “chống lại Đức Ki-tô.” Họ không nhận Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế (1 Ga 2:22), là Con Thiên Chúa (1 Ga 2:23), là người (1 Ga 4:2). Họ cũng cho là họ được Chúa ban cho sự hiểu biết đặc biệt (1 Ga 4:1-6).
Hai thư sau của Gio-an gần giống như những điều ghi chú. Một được gửi cho “Bà đã được Thiên Chúa tuyển chọn,” có lẽ là một giáo đoàn tại Tiểu Á; còn thư kia gửi cho Gai-ô. Thư trước kêu gọi các phần tử trong cộng đoàn hãy tiếp tục yêu thương nhau và coi chừng thầy dạy giả dối. Thư sau ca tụng anh Gai-ô và nhắc nhở anh hãy đề phòng một người lãnh đạo bướng bỉnh trong cộng đoàn.
Tiếp đến là hai thư của Phê-rô. Thư thứ nhất gửi cho những Ki-tô hữu đang chịu bách hại vì đức tin. Thư nhắm nâng đỡ tinh thần sa sút của họ: “Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người” (1 Pr 2:21).
Thư thứ hai của Phê-rô bàn về một số vấn đề, kể cả việc giải thích Kinh Thánh. Khi nhắc đến những thư của Phao-lô, thư thứ hai của Phê-rô nói rằng có một số đoạn khó mà hiểu. Rồi thư tiếp tục nói phải coi chừng những kẻ rao giảng bừa bãi, chuyên môn bẻ quặt ý nghĩa những đoạn Kinh Thánh này cho hợp với mục đích riêng của họ (2 Pr 3:16).
Thư của Gia-cô-bê là một trong những thư thực dụng và cụ thể nhất Tân Ước. Một đoạn hết sức quan trọng đề cập đến mối tương quan giữa đức tin và hành động: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2:17).
Sau hết là thư của Giu-đa. Thư này rất ngắn và khuyên người đọc hãy chống lại với “những kẻ vô luân đã biến ân sủng của Thiên Chúa chúng ta thành lý do biện minh cho lối sống dâm ô” (Gđ 4).
Các Thư là những bức gương

Nhìn lại các Thư trong Tân Ước, chúng ta thấy phản ảnh qua đó không hẳn chỉ có những vấn đề của Giáo Hội sơ khai, nhưng còn chứa đựng tâm huyết của những vị lãnh đạo Giáo Hội. Những thư này vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta qua mọi thế hệ với những lời lẽ như sau: “Đừng đọc những Thư này chỉ cốt để biết về những vấn đề của Giáo Hội sơ khai. Hãy đọc để biết về chính chúng ta nữa. Hãy đọc để biết rằng chúng tôi đã có chính những vấn đề mà các bạn đang có. Hãy đọc để biết rằng chúng tôi đã phấn đấu để theo Chúa cũng như các bạn đang phấn đấu.”


SÁCH KHẢI HUYỀN

Không có cuốn sách nào trong bộ Kinh Thánh đã bị hiểu sai hơn là sách Khải Huyền. Lý do khiến người ta lẫn lộn là vì sách đầy những hình ảnh bí nhiệm.


Thí dụ, có hai mãnh thú, một con mang số 666 (Kh 13:18). Con số này thường được hiểu là Nê-rô, hoàng đế Rô-ma đầu tiên đã bách hại Ki-tô hữu. (Người Rô-ma xác định giá trị theo thứ tự chữ trong vần abc).
Những ai trong chúng ta hy vọng tìm ra ý nghĩa rõ ràng về mọi hình ảnh trong sách thì chỉ thêm thất vọng thôi. Ngay đến những học giả cũng không thể hiểu hết.
Hầu hết, sách Khải Huyền là một loạt những thị kiến được diễn tả bằng những hình ảnh khiến cho Ki-tô hữu ngày nay bị lẫn lộn, nhưng Ki-tô hữu ngày xưa thì có thể hiểu được.
Chúng ta giải thích sách Khải Huyền thế nào?

Bí quyết để hiểu sách Khải Huyền là hãy luôn nhớ tới giai đoạn lịch sử mà sách đã được viết. Gio-an đã viết vào một thời điểm khi các Ki-tô hữu đang bị bách hại khốc liệt vì đức tin.


Từ nhiều thế kỷ đã có ba cách giải thích khác nhau về cuốn sách. Có thể tóm tắt ba phương thức ấy như sau:
Phương thức lịch sử sơ khởi chủ trương rằng độc giả chính của cuốn sách là những Ki-tô hữu bị bách hại thuộc thế kỷ thứ nhất tại Rô-ma. Với những Ki-tô hữu này, sách Khải Huyền nói: Cứ yên tâm trong thời đau khổ. Đức Ki-tô đã chiến thắng; anh chị em cũng vậy.
Phương thức lịch sử bao quát chủ trương rằng độc giả chính của sách là Ki-tô hữu sống trong mọi thời. Với họ, sách Khải Huyền dạy: Luôn luôn có những buổi thử thách và đau khổ, nhưng cuối cùng việc tái tạo thế giới sẽ xảy đến theo kế hoạch của Thiên Chúa.
Phương thức lịch sử kết thúc chủ trương rằng độc giả chính của sách là Ki-tô hữu sống trong những ngày cuối cùng. Để mô tả ngày tận thế, sách dạy: Khi các ngươi thấy những điều ấy xảy ra thì hãy ngửng đầu lên; giờ vinh quang sau hết của các ngươi đã gần kề.
Mỗi phương thức đều có giá trị riêng của nó. Với phương thức thứ nhất, sách sẽ là kim chỉ nam cho Ki-tô hữu trong thời sơ khai, phương thức thứ hai cho Ki-tô hữu trong mọi thời và phương thức thứ ba cho Ki-tô hữu trong thời sau hết.
Có lẽ cách tốt nhất để hiểu sách Khải Huyền đó là nhận thức sách muốn nói riêng với mỗi người trong số các độc giả trên với một cách thức độc đáo.
ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

1. 1 Cô-rin-tô 12:12-31 Thân thể Chúa Ki-tô

2. 2 Cô-rin-tô 4:1-15 Kho tàng giấu ẩn

3. Gia-cô-bê 2:14-26 Chị em song sinh của đức tin

4. 1 Gio-an 4:7-21 Mọi sự vì tình yêu

5. Khải Huyền 1:1-20 Thị kiến của Gio-an


THẢO LUẬN

1. Động lực nào khiến Phao-lô viết thư cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca? Cho tín hữu Ga-lát?


2. Tại sao một số học giả đặt vấn đề không biết các Thư mục vụ có phải là của Phao-lô viết không?

CHIA SẺ

1. Phao-lô viết trong 2 Cr 9:7: “Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.” Bạn hãy chia sẻ về ý nghĩa của mỗi nhận xét dưới đây về việc dâng hiến, và nói tại sao bạn đồng ý hay không đồng ý.


- “Những gì bạn cho lúc mạnh khỏe là vàng; những gì bạn cho lúc ốm đau là bạc; những gì bạn cho lúc chết là chì.” (Châm ngôn Do-thái)
- “Bác ái đích thực đâu cần để ý tới được miễn thuế hay không.” (Dan Bennett)
- “Ngay kẻ ăn xin sống nhờ của bố thí cũng cần phải biết bố thí.” (Talmud)
- “Người đời hỏi: Ông ta cho bao nhiêu? Còn Chúa Ki-tô hỏi: Tại sao ông ta cho?” (John Raleigh Mott).
2. Nhân vật Charlie Brown trong hoạt họa Peanuts khoái dùng từ “Good grief!” (Buồn nhưng lại tốt!) Làm sao từ ngữ này phản ảnh ý nghĩa của những lời Phao-lô viết trong 2 Cr 7:10: “Nỗi ưu phiền do ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ: đó là điều không bao giờ phải hối tiếc; còn nỗi ưu phiền của thế gian thì gây ra sự chết”?
3. Trong thị kiến thứ nhất, Gio-an được bảo hãy viết bảy lá thư cho bảy giáo hội. Viết cho giáo hội Ê-phê-xô, thư nói rằng: “Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy ngươi hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu” (Kh 2:3-5). Nếu Đức Giê-su viết một thư cho cộng đoàn của bạn, Ngài sẽ ca tụng điều gì? Hoặc trách cứ điều gì?
4. Phao-lô viết trong Rm 8:28: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người.” Bạn hãy nhớ lại một biến cố trong đời mình, bắt đầu là thánh giá, nhưng kết thúc là một ơn lành.
--------------------------

PHẦN III
Bài 18

BÍ TÍCH
Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:
1. Tôi hiểu từ ngữ bí tích nghĩa là…
2. “Khi Giáo Hội rửa tội, đó là chính Đức Ki-tô rửa tội.” Tôi đồng ý hoặc không đồng ý, vì…
SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA
Thánh Phan-xi-cô thường đi dạo bộ rồi gọi mặt trời là anh, mặt trăng là chị. Có phải Phan-xi-cô “mát dây” rồi chăng? Hay chúng ta kỳ dị vì không làm như vậy?
Học hỏi qua khoa học Tây phương, chúng ta được dạy cần biết phân biệt muôn vật khác nhau thế nào. Còn Phan-xi-cô, được đào tạo trong một môi trường khác, lại thấy mọi vật giống nhau. Thí dụ Phan-xi-cô được huấn luyện để thấy mặt trời và mặt trăng cùng do bàn tay Thiên Chúa tạo dựng, giống như chúng ta là công trình do bàn tay Chúa. Nơi chúng, có một phần của Thiên Chúa, chúng ta cũng thế. Chúng là một phần tử trong gia đình Thiên Chúa, thì chúng ta cũng vậy. Do đó chúng ta gọi chúng là anh và chị. Chúng làm cho Thiên Chúa hiện diện trong vũ trụ, chúng ta cũng làm như thế.
Mặt khác, Phan-xi-cô nhận thấy loài người có một điều đặc biệt mà các tạo vật khác không có. Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1:26). Và Thiên Chúa đã làm như vậy.
Kết quả là loài người có một chút đặc biệt của Thiên Chúa nơi họ mà mặt trời lẫn mặt trăng đều không có. Vậy con người giúp cho sự hiện diện của Thiên Chúa thể hiện một cách đặc biệt, khác với cách của mặt trời mặt trăng.
Phan-xi-cô còn nhận thấy một điều khác nữa. Cho dù loài người giúp cho sự hiện diện của Thiên Chúa thể hiện một cách đặc biệt, thì vẫn còn một cách đáng kể hơn, hết sức độc đáo và hoàn hảo để nói lên sự hiện diện của Ngài.
Đức Giê-su làm cho Thiên Chúa hiện diện một cách độc đáo

Đức Giê-su là sự hiện diện đầy đủ của Thiên Chúa trong thế giới. Đức Giê-su nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9). Do đó, cách Đức Giê-su làm cho Thiên Chúa hiện diện vượt trên mọi cách khác, thực siêu việt không tưởng tượng nổi.


Chúng ta hãy suy nghĩ như thế này: Tựa như tổng thống đại diện cho quốc gia, hoặc như Đức Giáo Hoàng đại diện cho Giáo Hội, thì cũng vậy, Đức Giê-su đại diện cho Thiên Chúa.
Chúng ta nói “cũng vậy” là vì cả tổng thống lẫn Đức Giáo Hoàng chỉ là những vị đại diện có giới hạn. Các ngài không thể hoàn toàn giống như những thực tại mà các ngài thay mặt cho. Còn Đức Giê-su thì Ngài hoàn toàn ngang hàng với Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đã nói về Đức Giê-su: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1:15). Do đó, Ngài làm cho Thiên Chúa hiện diện một cách độc đáo và hoàn hảo nhất.
SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC GIÊ-SU

Khi sắp rời trần gian để về cùng Chúa Cha, Đức Giê-su đã nói với môn đệ Ngài: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14:18). Rồi ngay trong ngày lên trời về cùng Chúa Cha, Ngài đã an ủi họ: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).


Những lời này của Đức Giê-su là những điều quan trọng nhất Ngài đã nói ra, bởi vì chúng cho thấy một chân lý tuyệt diệu.

Giáo Hội làm cho Đức Giê-su hiện diện

Những lời Đức Giê-su cho chúng ta thấy ngay cả khi Ngài không còn hiện diện bằng thân xác tại trần gian này thì Ngài sẽ hiện diện bằng một cách khác. Bản chất đích thực của sự hiện diện này vẫn còn là một điều mầu nhiệm đối với các môn đệ Ngài cho đến ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Sau đó Chúa Thánh Thần xuống trên họ và dẫn dắt họ hiểu hết sự thật (Ga 16:13).


Bỗng chốc tất cả những gì Đức Giê-su đã nói với họ đều trở nên rõ ràng. Họ bắt đầu hiểu bản chất sự hiện diện mới của Ngài nơi trần gian. Họ bắt đầu thấy rõ Đức Giê-su hiện diện trong và qua các môn đệ Ngài – tức là Giáo Hội (Mt 16:18). Cùng với Đức Giê-su, họ làm thành một thân thể (1 Cr 12:12-27). Hãy nhớ lại sứ điệp gửi cho Phao-lô khi ông trở lại: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Phao-lô hỏi: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Chúa trả lời: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9:4-5).
Điều mặc khải ấy đã giúp Phao-lô ý thức sâu xa rằng Đức Giê-su và các môn đệ Ngài làm thành một thân thể, với Đức Giê-su là đầu (Cl 1:18). Bách hại môn đệ Ngài là bách hại chính Ngài.
Nhưng Đức Giê-su không chỉ hiện diện trong Giáo Hội một cách thụ động đâu.
Đức Giê-su hành động qua Giáo Hội
Vào ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Giê-su còn đi xa hơn việc hiện diện trong thế giới qua các môn đệ Ngài. Ngài bắt đầu hành động qua họ. Họ trở nên cánh tay, đôi chân, miệng lưỡi và trái tim mới của Ngài. Họ trở thành phương thế để Đức Giê-su đến với mọi người.
Giờ đây các môn đệ của Đức Giê-su bắt đầu hiểu ý nghĩa trọn vẹn những lời Ngài nói: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10:16). Đức Giê-su muốn họ hiểu như vậy khi họ đi thi hành lệnh truyền của Ngài để giảng dạy, bởi vì không phải là họ giảng dạy mà chính Đức Giê-su giảng dạy. Không phải là họ chữa lành mà chính Đức Giê-su chữa lành qua họ. Như vậy, thấy người ta bỡ ngỡ sau khi Phê-rô chữa lành một người què, ông liền nói: “Thưa đồng bào Ít-ra-en, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi?” (Cv 3:12). Rồi Phê-rô nói rằng chính do quyền năng của Đức Giê-su hoạt động qua các ngài mà người què kia bước đi được ( xem Cv 3:16).

Như thế chúng ta đi tới kết luận thứ hai. Bắt đầu từ khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Giê-su không chỉ hiện diện trong thế giới qua Giáo Hội, mà Người còn hành động qua Giáo Hội. Bởi vậy sau này thánh Augustinô có thể nói: “Khi Giáo Hội rửa tội là chính Đức Ki-tô rửa tội.”


Một số hành động được gọi là bí tích

Trải qua thời gian, các môn đệ Đức Giê-su nhận ra rằng một số hành động – như việc xức dầu cho bệnh nhân (Mc 6:13), rửa tội bằng nước (Ga 3:5), và ăn bánh Thánh Thể (1 Cr 11:26) – là những hành động hết sức đặc biệt. Rồi khi họ thực thi những hành động đó thì Đức Giê-su đã hành động trong và qua Giáo Hội một cách hết sức đặc biệt.


Do đó các môn đệ của Đức Giê-su bắt đầu gọi những hành đôäng đầy ý nghĩa ấy bằng một từ đặc biệt: bí tích.
Việc sử dụng từ này đầu tiên gặp thấy trong những tác phẩm của văn hào Tertulianô, một Ki-tô hữu vào thế kỷ thứ ba. Ông so sánh việc rửa tội với bí tích mà người Rô-ma dùng để nhận những người được tuyển mộ vào quân đội Rô-ma. Cũng thế, bí tích rửa tội đem Ki-tô hữu nhập vào thân thể mầu nhiệm Đức Ki-tô.
Từ này thật là tuyệt diệu. Tuy nhiên lại bất hạnh vì một số Ki-tô hữu bắt đầu áp dụng từ này một cách bừa bãi vào những hành động ít quan trọng của Giáo Hội. Đã có thời người ta soạn ra một danh sách gồm khoảng ba mươi hành động của Giáo Hội mà người ta gọi là những bí tích.

Nhưng rồi Giáo Hội đã giới hạn lại, chỉ dùng từ ấy cho “bảy bí tích” mà thôi.


Vậy từ bí tích không phải là tiếng chính Đức Giê-su đã sử dụng. Ngay trong Kinh Thánh cũng không gặp từ ấy. Từ Ba Ngôi cũng không có trong Kinh Thánh. Những từ này chỉ dần dần xuất hiện nơi những môn đệ của Đức Giê-su để diễn tả một số thực tại và chân lý quan trọng về đức tin của họ.
GẶP GỠ ĐỨC KI-TÔ

Một người nào đó đã nói: “Bí tích xóa đi thời gian và cho chúng ta được gặp Đức Ki-tô ngay trong thời đại chúng ta, hệt như những người trong thời Tin Mừng đã gặp Ngài.”


Qua bí tích, Đức Giê-su tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta, tha thứ cho chúng ta, chữa lành chúng ta, tựa như Ngài đã làm cho những người trong thời Tin Mừng. Đức Giê-su tiếp tục đến với dân chúng hôm nay cũng như Ngài đã đến với những người ngày xưa trên các nẻo đường cát bụi xứ Ga-li-lê.
Như Đức Giê-su đã hành động trong thời Tin Mừng qua những hành vi trần thế của thân xác Ngài, thì Ngài cũng hành động trong thời chúng ta qua những hành vi bí tích của thân thể mầu nhiệm Ngài là Giáo Hội.
Bí tích còn hơn cả dấu hiệu

Cần minh định tại sao Ki-tô hữu thời xưa lại sử dụng từ bí tích để nói về những hành động đặc biệt này, chứ không dùng từ dấu hiệu hoặc biểu tượng.


Một dấu hiệu chỉ nói lên được một chiều kích. Nó mới nói về chính nó thôi. Thí dụ, một dấu hiệu ngừng chỉ là một hình vẽ ra lệnh mà người ta đồng ý dùng làm phương tiện thông đạt. Chúng ta dùng mầu đỏ để thông đạt mệnh lệnh hãy dừng lại. Việc chọn mầu đỏ nói lên tính cách nghiêm ngặt của mệnh lệnh. Tự bản chất chẳng có liên hệ gì giữa mầu đỏ với từ hãy dừng lại. Không có gì là tinh tế đối với một dấu hiệu. Nó chỉ về chính nó và nó nói lên ý nghĩa chúng ta muốn nó nói lên thôi.
Bí tích còn hơn cả biểu tượng

Một biểu tượng có hai chiều kích. Biểu tượng chỉ về một điều gì khác ngoài nó ra. Nó còn hơn cả một hình vẽ ra lệnh để dùng thông đạt. Biểu tượng tạo nên một móc nối tự nhiên giữa một vật và ý nghĩa nó nói lên. Một họa sĩ vẽ giọt nước mắt trên khuôn mặt của Đức Giê-su để tượng trưng cho sự buồn đau. Có mối liên hệ tự nhiên giữa giọt nước mắt và sự buồn đau.


Giọt nước mắt chỉ về con người yêu thương đằng sau khuôn mặt ấy. Theo nghĩa này, một biểu tượng có hai chiều kích.
Bí tích làm cho Đức Giê-su hiện diện

Một bí tích có ba chiều kích. Bí tích vượt ra ngoài chính nó, đến vô cùng tận và không thể bị giới hạn trong tư tưởng. Một bí tích nói lên sự hiện diện của thực tại nó chỉ về.


Thí dụ, một biểu tượng vẽ trên khuôn mặt Đức Giê-su chỉ diễn tả một con người đầy yêu thương và ưu ái. Nhưng bí tích thì đi xa hơn nhiều. Nó diễn tả sự hiện diện thực sự của con người Đức Giê-su đầy yêu thương và ưu ái. Do đó, nó có ba chiều kích.
Giáo Hội cử hành bảy bí tích

Như đã nói trước đây, từ bí tích đã từng bị sử dụng bừa bãi để nói về nhiều hành động của Giáo Hội. Tuy nhiên dần dần từ ấy đã được dành riêng cho “bảy bí tích.” Các bí tích được sắp thành nhóm như sau:


Bí tích khai tâm (dẫn nhập): Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể

Bí tích chữa lành: Giải tội (Hòa giải), Xức dầu bệnh nhân

Bí tích ơn gọi: Hôn phối, Truyền chức.
Mỗi bí tích đều đem chúng ta đến gặp gỡ Đức Giê-su trong một cách thế đặc biệt và để cho Ngài đi vào cuộc đời chúng ta một cách độc đáo.
Bí tích Rửa tội và Thêm sức đưa chúng ta nhập vào cộng đồng môn đệ Đức Giê-su. Bí tích Thánh Thể đưa tiến trình dẫn nhập tới tột đỉnh và là cuộc gặp gỡ thân mật nhất với Đức Giê-su.
Bí tích Giải tội cử hành việc Đức Giê-su tha thứ cho chúng ta sau khi chúng ta vấp phạm nhưng biết đáp lại lời gọi đến với Chúa và anh chị em. Bí tích Xức dầu bệnh nhân đem lại cho chúng ta quyền năng chữa lành đặc biệt của Đức Giê-su những khi chúng ta đau yếu nặng.
Bí tích Hôn phối nối kết hai người lại trong sự kết hợp phản ảnh sự kết hợp giữa Đức Giê-su và các môn đệ Ngài (Ep 5:28-29). Đó cũng là sự kết hợp giúp xây dựng Giáo Hội. Sau cùng, bí tích Truyền chức tuyển chọn những giám mục, linh mục và phó tế để đặc biệt phục vụ trong cộng đồng môn đệ Đức Giê-su.
Điều này đưa chúng ta tới hai điểm minh định sau đây:
Giáo Hội là bí tích nền tảng

Trước hết Giáo Hội thường được gọi là một bí tích. Giáo Hội có cái tên như vậy vì đó chính là đường lối Đức Giê-su dùng để tiếp tục hiện diện và hoạt động trong thế giới. “Bảy bí tích” chỉ là “bảy phương thức đặc biệt” Đức Giê-su hoạt động qua Giáo Hội hôm nay.


Có lẽ để tránh lẫn lộn nên Giáo Hội được gọi là bí tích “nền tảng” hoặc “căn bản” để phân biệt với bảy bí tích kia.
Điều này đưa chúng ta tới minh định thứ nhì.
Bí tích được định nghĩa nhiều cách

Đôi khi bạn nghe hoặc thấy định nghĩa bí tích là “dấu hiệu bề ngoài được Đức Ki-tô thiết lập để ban ơn sủng.” Định nghĩa này sẽ làm bạn hài lòng nếu được hiểu đúng cách.


Bí tích là những dấu hiệu bề ngoài. Nói khác đi, chúng là những hành động có thể cảm nhận được như việc đổ nước, xức dầu, hoặc ăn uống.
Bí tích cũng được Đức Ki-tô thiết lập. Tuy nhiên chúng được thiết lập không theo cách một số người lầm tưởng. Đức Giê-su đã không dừng lại sau khi xức dầu một bệnh nhân để nói: “Những gì Ta vừa mới làm là để thiết lập bí tích Xức dầu bệnh nhân.”
Nhưng thực ra Đức Giê-su đã dẫn các môn đệ Ngài đến việc dùng những cử chỉ thực tiễn như xức dầu, đổ nước… để làm cho một thực tại vô hình, thiêng liêng trở nên thấy được, sờ được, cảm nhận được bằng giác quan. Việc Đức Giê-su đã thiết lập bí tích được hiểu theo nghĩa sự hiện diện và năng lực của bí tích thể hiện tại đây và lúc này chính là do Đức Giê-su mà tới.
Có người so sánh việc Đức Giê-su thiết lập bí tích với việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ. Chúng ta không biết những chi tiết của việc sắp đặt và tạo vật trong vũ trụ làm sao mà có. Nhưng chúng ta biết chắc mỗi tạo vật đều do Thiên Chúa mà có. Hơn nữa chính Thiên Chúa, tại đây và lúc này, đang tiếp tục cho mỗi tạo vật được hiện hữu. Cũng vậy, bí tích xuất phát và tồn tại từ cuộc đời và hoạt động của Đức Giê-su.
Sau cùng, bí tích ban ân sủng cho những ai trung thành lãnh nhận. Qua bí tích và qua đức tin cũng như sự cộng tác của người nhận lãnh bí tích, các Ki-tô hữu trung thành được kết hợp chặt chẽ với Đức Ki-tô trong một cách thức độc đáo và trao đổi sức sống.
ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

1. Chúng ta là những tạo vật đặc biệt. Thánh Vịnh 8

2. Nên một với Đức Giê-su. Công Vụ Tông Đồ 9:1-9

3. Nguồn sống của chúng ta. Gio-an 15:1-8

4. Chúng ta cần đến nhau. 1 Cô-rin-tô 12:12-21

5. “Ngài xức lên mắt tôi.” Gio-an 9:1-12


THẢO LUẬN

1. Bạn hiểu thế nào về định nghĩa bí tích là dấu hiệu bề ngoài do Đức Ki-tô thiết lập để ban ân sủng?


2. Giáo Hội là một bí tích. Bạn hiểu thế nào? Còn bạn, bạn có phải là một bí tích không? Nếu có thì bạn nói lên được những gì?

CHIA SẺ

1. Hãy thảo luận những tư tưởng sau đây:


- “Sự hiện diện hữu hình của Đấng Cứu Thế đã chuyển thành bí tích.” (Thánh Giáo Hoàng Lê-ô I)
- “Chúa Ki-tô hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong hành động phụng vụ.” (CĐ Vatican II)
- “Như hạt dẻ tuy che khuất nhưng lại nói lên sự hiện diện của một cây dẻ, thì cũng vậy, bí tích che khuất nhưng tỏ lộ sự hiện diện của Đức Ki-tô.” (Vô danh)
2. Bạn hãy để ý mặt sau của tờ giấy bạc một Mỹ-kim. Con mắt ở bên trên kim tự tháp là biểu tượng cho Thiên Chúa theo nghĩa nào? Kim tự tháp biểu tượng cho Chúa Ba Ngôi theo nghĩa nào? Con phượng hoàng có ý nghĩa gì? Những mũi tên? Ngành ô-liu? Tại sao bạn nghĩ rằng con phượng hoàng quay mặt về ngành ô-liu hơn là về những mũi tên?
3. Tại sao những cử chỉ như bắt tay, ôm hôn hoặc cho quà tặng thường biểu lộ nhiều hơn là lời nói? Hiểu điều này thế nào về những bí tích mà Đức Giê-su ban cho Giáo Hội?
4. Bạn muốn lãnh nhận bí tích nào nhất? Tại sao? Hoặc không? Tại sao?
-----------------------------------

PHẦN III
Bài 19

BÍ TÍCH RỬA TỘI

Trước khi đọc tiếp, bạn hãy hoàn tất hai câu hỏi sau đây:


1. Bí tích Rửa tội đặc biệt đối với tôi, vì…
2. Bí tích Rửa tội phải là một việc cử hành của cộng đoàn, vì…
BÍ TÍCH DẪN NHẬP (KHAI TÂM)
Trong những năm đầu của chương trình không gian, một phi thuyền được phóng vào quỹ đạo theo ba giai đoạn. Mỗi giai đoạn hoàn tất một công việc đặc biệt thuộc tiến trình bay trong quỹ đạo.
Chúng ta có thể sử dụng hình ảnh về thời đại không gian ấy để diễn tả một người trở thành Ki-tô hữu như thế nào. Ba giai đoạn là Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể.
Ba giai đoạn này được gọi là Bí tích Dẫn nhập (hoặc Khai tâm). Chúng ta đừng nghĩ đó là ba nghi thức tách biệt, nhưng là một nghi thức với ba giai đoạn.
Cả ba giai đoạn này đều cần thiết để đưa một người vào “quỹ đạo của Chúa Ki-tô,” nếu có thể nói tương tự như vậy.
Giai đoạn thứ nhất là Bí tích Rửa tội
Hãy tưởng tượng bạn được đưa trở lại khoảng năm 300 sau công nguyên. Tình cờ bạn đang ở trong một ngôi nhà lớn tại Rô-ma. Hôm ấy là ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. Khoảng một trăm Ki-tô hữu hiện diện.
Đang lúc chờ xem điều gì xảy ra thì bạn thấy có dăm bảy người sẽ được gia nhập cộng đoàn Ki-tô đêm nay. Các ứng viên tụ tập chung quanh hồ nước tại vườn hoa bên cạnh một phòng lớn. Một kỳ lão (linh mục) và hai phó tế đang giúp họ chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Dẫn nhập. Một vị giám mục chủ tọa buổi lễ.
Giai đoạn thứ nhất trong nghi thức là Rửa tội. Để khởi sự việc rửa tội, các ứng viên phải hứa từ bỏ Sa-tan và tội lỗi. Tiếp đến, một phó tế dẫn họ qua các bậc đá bước xuống nước. Linh mục hỏi các ứng viên có tin Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần không. Trả lời mỗi câu hỏi, ứng viên sẽ thưa: “Tôi tin.” Sau mỗi lần trả lời, ứng viên được rửa tội trong nước. Rồi người ấy được mặc một tấm áo trắng.
Sau khi mọi người đã được rửa tội, họ được dẫn vào một phòng lớn nơi cộng đoàn đang tụ họp chờ đợi giai đoạn thứ hai.
Giai đoạn thứ hai là Bí tích Thêm sức

Giai đoạn Thêm sức bắt đầu với việc giám mục gọi tên từng người mới được rửa tội hãy tiến lên.


Tiếp theo, ngài đặt tay trên họ, cầu nguyện cho họ xứng đáng lãnh nhận Thánh Thần. Rồi ngài xức dầu thánh cho họ, ôm hôn họ và nhận họ vào cộng đoàn Ki-tô hữu.
Giai đoạn thứ ba là Bí tích Thánh Thể
Giai đoạn thứ ba của tiến trình dẫn nhập là Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể bắt đầu với bài hát và đám rước gồm những người bưng bánh và rượu, đem lên đặt trên một bàn lớn đặt ngay giữa phòng. Tại đó những lễ vật được chuẩn bị cho Phụng vụ Thánh Thể.
Khi mọi sự đã sẵn sàng, giám mục cầu nguyện trên bánh và rượu, giống như Đức Giê-su đã làm trong bữa Tiệc Ly.
Sau hết, linh mục và các phó tế phân chia bánh và rượu (đã trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô) cho toàn thể cộng đoàn, kể cả những người mới nữa.
Khung cảnh này cho thấy Giáo Hội sơ khai đã cử hành Bí tích Dẫn nhập như thế nào. Họ cử hành trong một lễ nghi gồm ba giai đoạn.
Nghi lễ nguyên thủy bị thay đổi

Khi Giáo Hội đã phát triển, giám mục không thể chủ tọa mỗi nghi thức tại từng giáo xứ vào đêm vọng Phục Sinh nữa. Nhưng vì giám mục vẫn muốn đích thân tham dự vào việc dẫn nhập cho từng Ki-tô hữu, nên ngài dành riêng cho mình lễ Thêm sức gồm nghi thức xức dầu cho những người mới được rửa tội. Ngài làm lễ này tùy tiện vào một ngày nào đó sau lễ Phục Sinh. Do đó, giai đoạn Thêm sức đã bị tách rời khỏi nghi thức Dẫn nhập.


Khi Giáo Hội phát triển hơn nữa thì lại thêm một thay đổi mới. Nhiều thành phần mới để được gia nhập cộng đoàn lại là những trẻ sơ sinh, con cái của những người thuộc cộng đoàn. Do đó đưa tới việc cho các em vào cộng đoàn qua giai đoạn thứ nhất của tiến trình dẫn nhập, nhưng hoãn lại hai giai đoạn sau chờ đến khi em nhỏ tới tuổi khôn.
Nghi lễ nguyên thủy được phục hồi

Tình trạng nói trên kéo dài cho tới thời kỳ mới đây khi Giáo Hội lập lại nghi thức dẫn nhập dành cho các ứng viên trưởng thành, giống như ban đầu. Hiện nay người lớn thường được đưa vào cộng đoàn trong một nghi thức vào đêm vọng Phục Sinh.


Ngày nay, nghi thức này là phương cách để đưa những thành phần mới vào Giáo Hội. Lãnh nhận các Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể qua ba lễ nghi riêng rẽ không phải là việc lý tưởng.
Giờ đây chúng ta hãy xem kỹ hơn nghi thức được cử hành như thế nào trong đêm vọng Phục Sinh. (Chú ý: Khi những bí tích này được cử hành riêng biệt thì phụng vụ có hơi khác đi một chút).
GIAI ĐOẠN RỬA TỘI
Nhiều năm trước đây, một nhà nhân chủng học đã đưa ra lý thuyết là những người Nam Mỹ ngày xưa có thể từ quần đảo Nam Dương dùng bè mà tới. Họ chỉ cần để mặc cho dòng nước chảy đem họ đi. Để chứng minh lý thuyết này, ông ta đã đóng một cái bè nhỏ và thả trôi từ Nam Mỹ tới quần đảo Nam-dương. Có điều ngạc nhiên trong câu truyện này là nhà nhân chủng học ấy lại rất sợ nước.
Ai mà chẳng sợ khi phải vượt 4,300 dặm đường biển trên một cái bè nhỏ xíu?
Một biến cố đã xảy tới cho nhà nhân chủng học hồi thế chiến đệ nhị khiến ông ta không còn sợ nước nữa. Một ngày kia đang khi hành quân, chiếc xuồng của ông ta bị mắc cạn giữa sông, gần một thác nước. Khi dòng nước cuốn nhanh ông ta về phía thác thì một ý nghĩ lạ chợt đến trong đầu. Ông nhớ ngay tới cha hoặc mẹ ông đã nghĩ thế nào về cuộc sống mai sau. Cha ông tin có đời sau, còn mẹ ông thì không tin.
Rồi một điều lạ lùng hơn nữa đã tới. Đó là những lời trong kinh Lạy Cha vang lên trong trí ông và ông bắt đầu cầu nguyện. Bỗng ông cảm thấy trong người bừng dậy nguồn sức mạnh và bắt đầu phấn đấu với dòng nước cuốn. Mấy phút sau, ông vào tới bờ.
Kinh nghiệm ấy đã thay đổi con người ông. Tại một nơi nào đó giữa dòng sông trắng xóa, con người sợ hãi kia đã chết, để rồi một con người mới và đầy can đảm sinh ra. Đối với ông, nước là căn nguyên của sự chết thì cũng là căn nguyên của sự sống.

Kinh nghiệm quý giá trên đây là một thí dụ hùng hồn về những gì xảy ra cho một người trong nước rửa tội. Con người ấy đã tái sinh.


Bí tích Rửa tội liên hệ đến sự chết và sống lại
Khởi đầu Cựu Ước, Kinh Thánh diễn tả nước như một tác viên gây nên sự chết và sự sinh sản.
Thí dụ, trong sách Sáng Thế, một cơn lụt đã tiêu hủy loài người trên mặt đất ngoại trừ gia đình Nô-ê. Nước lụt là tác viên làm chết đi một thế giới cũ thuộc tội lỗi và tác viên làm sinh ra một thế giới mới thuộc ân sủng.
Trong sách Xuất Hành, dân Ít-ra-en đi qua Biển Đỏ được bình an. Nước Biển Đỏ là tác viên giết đi đời sống cũ nô lệ cho Ai-cập và tác viên sinh ra đời sống mới của Dân được Thiên Chúa tuyển chọn.
Kinh Thánh Tân Ước tiếp nối chủ đề này. Thí dụ, phép rửa của Gio-an tại sông Giô-đan là tác viên làm chết đi đời sống cũ của tội lỗi và tác viên nảy sinh sự sống mới của thống hối.
Những điều này cho thấy tại sao Ki-tô hữu sơ khai đã coi giếng rửa tội như ngôi mồ tại đó người ta chôn táng đi đời sống cũ tội lỗi và như ngôi mồ từ đó người ta được sinh lại trong sự sống mới của Chúa Ki-tô. Thánh Phao-lô đã diễn tả hình ảnh ngôi mồ như sau:
“Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, thì cũng được chỗi dậy với Người” (Cl 2:12).
Bí tích Rửa tội liên hệ với cộng đồng

Đức Ki-tô, trong Ngài chúng ta sống, là nhiệm thể của Đức Ki-tô Phục Sinh, tức là Giáo Hội. Vì Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta thành chi thể của nhiệm thể Chúa Ki-tô, nên nó liên hệ với toàn thể cộng đồng. Thi sĩ John Donne diễn tả chiều kích cộng đồng của Bí tích Rửa tội như sau:

“Khi Giáo Hội rửa tội một em nhỏ thì hành động đó cũng quan hệ tới tôi nữa, vì từ nay em được tháp nhập vào cùng một thân thể mà tôi đang là một chi thể.”
Nhưng Bí tích Rửa tội có một chiều kích cộng đồng khác nữa. Chúng ta dùng một thí dụ để làm sáng tỏ. Thí dụ gia đình bạn đã cam kết sẽ lên mặt trăng theo một đoàn người tiền phong thám hiểm trên đó. Cam kết ấy sẽ thay đổi cuộc sống của bạn không thể tả được.
Cũng vậy, sự cam kết khi được rửa tội sẽ thay đổi đời bạn rất nhiều. Giống như chúng ta không thể nào sống lẻ loi trên mặt trăng, chúng ta cũng sẽ không bao giờ có thể sống đời Ki-tô hữu một mình. Chúng ta cần sự nâng đỡ và hỗ trợ của một cộng đoàn.
Khi đón nhận một Ki-tô hữu mới, Giáo Hội ý thức sự thay đổi sâu xa đã được đem vào đời sống của Ki-tô hữu này. Do đó Giáo Hội hứa sẽ nâng đỡ và hỗ trợ những phần tử mới trong một môi trường đức tin cần phải có để lớn lên và trưởng thành trong cuộc hành trình trước mặt.
PHỤNG VỤ CỬ HÀNH BÍ TÍCH RỬA TỘI
Việc cử hành Bí tích Rửa tội được làm trong Thánh lễ Vọng Phục Sinh, ngay sau phần Phụng vụ Lời Chúa. Để trình bày đơn giản, chúng ta có thể chia việc cử hành ra làm bốn giai đoạn như sau:
Giới thiệu ứng viên

Việc cử hành khởi sự với việc gọi các ứng viên tiến lên và giới thiệu họ với cộng đoàn. Giây phút thiêng liêng này khiến chúng ta nhớ đến việc Chúa gọi Giê-rê-mi-a làm ngôn sứ cho Ngài. Chúa phán:


“Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1:5).

Thiên Chúa đã kêu gọi Giê-rê-mi-a thế nào, Ngài cũng gọi mỗi người chúng ta như vậy. Chúng ta cử hành chính lời mời gọi mầu nhiệm này trong lúc mở đầu phụng vụ Bí tích Rửa tội.

Sau lời kêu gọi và giới thiệu là mời gọi cộng đoàn hãy cầu nguyện cho các ứng viên. Cộng đoàn đáp lại qua việc đọc Kinh cầu Các Thánh. Đây là một kinh nguyện rất hay, đưa chúng ta trở lại những ngày đầu tiên của Ki-tô giáo. Kinh cầu kết thúc bằng việc xin Chúa “ban sự sống mới cho những người được chọn” để lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
Làm phép Nước rửa tội
Sau Kinh cầu Các Thánh, chủ tế làm phép nước để dùng rửa tội cho các ứng viên. Khi làm phép nước, ngài nhắc lại vai trò của nước là làm tác viên sự chết và sự sống qua những cách Thiên Chúa đối xử với dân Ngài.
Chủ tế kết thúc làm phép nước khi xin Thiên Chúa Cha “sai Thánh Thần xuống trên giếng nước này, để khi mọi người nhờ Bí tích Rửa tội đã được an táng cùng Chúa Ki-tô hầu chết cho tội, thì cũng được phục sinh cùng với Ngài trong sự sống.”
Ứng viên tuyên xưng đức tin
Sau khi làm phép nước, chủ tế mời gọi các ứng viên hãy tuyên xưng đức tin Công giáo. Việc long trọng tuyên xưng này có hai phần: từ bỏ tội lỗi và tuyên xưng đức tin.
Từ bỏ tội lỗi đòi buộc ứng viên phải “từ bỏ sự quyến rũ của tội lỗi, kẻo tội lỗi chế ngự” và phải “từ bỏ ma quỷ là đầu mối tội lỗi.”
Tuyên xưng đức tin đòi ứng viên phải nói lên lòng tin của họ vào Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần.
Giờ đây đến giây phút linh thiêng nhất của nghi thức.
Các ứng viên được rửa tội

Mỗi ứng viên tiến đến bên giếng rửa tội. Chủ tế đổ nước trên từng người ba lần trong khi đọc: “Tôi rửa (ông/bà/anh/chị/con) nhân danh Cha (đổ nước lần thứ nhất), và Con (đổ nước lần thứ hai), và Thánh Thần” (đổ nước lần thứ ba).


Rồi cha mẹ đỡ đầu mặc cho người mới được rửa tội một chiếc áo rửa tội mầu trắng đang khi chủ tế nói: “Con hãy nhận lấy chiếc áo này và giữ nó tinh tuyền cho tới ngày Đức Giê-su Ki-tô lại đến phán xét, để con được sống đời đời.”
Chiếc áo rửa tội tượng trưng cho việc người mới được rửa tội giờ đây mặc lấy Chúa Ki-tô. Thánh Phao-lô viết: “Bất cứ ai trong anh em được thánh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô” (Gl 3:27).
Bí tích Rửa tội kết thúc với việc các cha mẹ đỡ đầu thắp lên cây nến rửa tội từ lửa nến Phục Sinh (tượng trưng cho Chúa Ki-tô) và trao cho người mới được rửa tội. Đang khi đó, chủ tế đọc:
“Con đã được Chúa Ki-tô chiếu sáng. Giờ đây con hãy bước đi như con cái sự sáng và giữ cho ngọn lửa đức tin của con cháy sáng trong tâm hồn. Khi Chúa đến, con được ra nghênh đón Ngài cùng với các thánh trên trời.”
NHỮNG HÌNH ẢNH VỀ ĐỨC KI-TÔ

Một đoạn huấn dụ viết vào thế kỷ thứ ba cho các Ki-tô hữu mới được rửa tội cho chúng ta một kết luận thích đáng cho bài học về Bí tích Rửa tội:


“Anh chị em đã được dẫn xuống giếng rửa tội tựa như Chúa Ki-tô đã được đem xuống khỏi thập giá và đặt trong mồ... Anh chị em được dìm xuống nước và ba lần chỗi dậy khỏi nước. Điều này tượng trưng ba ngày ba đêm Chúa Ki-tô đã ở trong mồ.
“Như Chúa Cứu Thế đã ở trong lòng đất ba ngày ba đêm thể nào, cũng vậy, anh chị em chỗi dậy khỏi nước lần thứ nhất biểu tượng cho đêm thứ nhất...
“Ban đêm người ta không nhìn thấy được, nhưng ban ngày họ bước đi trong sự sáng. Vậy khi anh chị em được dìm xuống nước cũng giống như ban đêm anh chị em không thể nhìn thấy.
“Nhưng khi anh chị em chỗi dậy, cũng giống như bước ra ngoài ánh sáng ban ngày. Chính trong lúc chết đi là lúc anh chị em tái sinh. Nước cứu rỗi vừa là ngôi mồ vừa là mẹ sinh ra anh chị em” (Giáo lý Giê-ru-sa-lem).
ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

1. Na-a-man được lành sạch. 2 Vua 5

2. Hãy chịu phép rửa. Gio-an 3:1-8

3. Được rửa tội trong Đức Ki-tô. Rô-ma 6:3-11

4. Hãy mặc lấy Đức Ki-tô . Ê-phê-xô 2:1-17

5. Phi-líp-phê rửa tội. Công vụ Tông Đồ 8:26-40


THẢO LUẬN
1. Những diễn tả Kinh Thánh về nước nói với bạn về vai trò của nước như thế nào?
2. Bí tích Rửa tội cần được cử hành trong khung cảnh cộng đoàn. Vậy bạn mong muốn cộng đoàn làm gì cho bạn và ngược lại?
CHIA SẺ

1. Hãy thảo luận những tư tưởng sau đây:


* “Trong Bí tích Rửa tội, hướng đi được đặt ra chứ không phải đích tới được đặt ra.” (Frederich Rest)
* “Một cử chỉ khi cử hành Bí tích Rửa tội tại Ấn-độ là ứng viên đặt bàn tay lên đầu của mình và nói: ‘Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!’” (E. Paul Hovey)
2. Truyện ngắn “The River” của Flannery O’Connor viết có một đoạn thật hay kể lại việc rửa tội cho chàng thanh niên Bevel tại một dòng sông. Rửa tội xong, vị mục sư nói với anh ta: “Bây giờ anh mới là đáng kể. Trước kia thì không.” Bí tích Rửa tội làm cho bạn “đáng kể” theo nghĩa nào?
3. Một người kia hỏi một em nhỏ: “Ai làm ra em?” Đức nhỏ suy nghĩ một chút rồi trả lời: “Thiên Chúa làm ra em một phần.” Người kia hỏi lại: “Chỉ một phần thôi à? Em muốn nói thế nào?” Đứa nhỏ trả lời: “Chúa làm ra em nhỏ thôi. Còn bao nhiêu chính em phải làm.” Bí tích Rửa tội làm sao giống như vậy?
4. Mọât người kia nói: “Khi bạn được rửa tội xong, đừng có lảng vảng bên dòng sống ấy quá lâu.” Người ấy muốn nói gì?
5. Đối với một người lớn vừa được rửa tội, bạn sẽ cho họ lời khuyên gì? Tại sao bạn khuyên như vậy?
---------------------------------
PHẦN III
Bài 20

BÍ TÍCH THÊM SỨC

Trước khi đọc tiếp, bạn hãy hoàn tất hai câu hỏi sau đây:


1. Một cách để tôi làm chứng cho đức tin trong đời sống hằng ngày là...
2. Một cách để tôi cố gắng mở rộng Nước Chúa là...
MỜI GỌI LÀM CHỨNG NHÂN
“Độc-Nha” là tên một ông già ở New Guinea, nhưng ông ta là một Ki-tô hữu tân tòng. Có cái tên độc đáo ấy bởi vì ông già chỉ còn một cái răng duy nhất ở hàm trên. Mỗi ngày ông già Độc-Nha bỏ ra một ít thời giờ để đọc sách Tin Mừng cho những người đến xin chữa bệnh tại phòng đợi của bệnh viện truyền giáo ở địa phương.
Một ngày kia, Độc-Nha không đọc nổi nữa. Ông đến gặp bác sĩ của bệnh viện. Bác sĩ khám mắt ông và báo cho ông một tin buồn: ông sắp bị mù.
Ngày hôm sau Độc-Nha không có mặt tại bệnh viện. Ngày sau đó cũng chẳng thấy ông đâu. Khi bác sĩ biết Độc-Nha đã đi đến một chỗ hẻo lánh tại hòn đảo, liền tới đó gặp ông già. Độc-Nha giải thích tại sao ông làm như vậy:
“Từ khi bác sĩ bảo tôi sắp mù, tôi đã đọc và học thuộc lòng những phần quan trọng nhất của sách Tin Mừng. Tôi đã thuộc lòng đoạn thuật Chúa Giê-su giáng sinh, những phép lạ và dụ ngôn quan trọng, sự chết và sống lại của Ngài. Tôi đã lập đi lập lại nhiều lần để chắc chắn là mình đã thuộc nằm lòng. Bác sĩ ạ, chẳng bao lâu nữa tôi sẽ trở lại nhà thương mà ông, để kể cho bệnh nhân nghe về Chúa Giê-su!”
Câu truyện trên rất thích hợp để dẫn vào bài học về Bí tích Thêm sức. Thêm sức theo sau Rửa tội và là giai đoạn thứ hai trong Nghi thức Dẫn nhập để giúp một người trở thành Ki-tô hữu.
Trước khi Đức Giê-su về cùng Chúa Cha, Ngài đã dạy các Tông đồ hãy ở lại Giê-ru-sa-lem:
“Anh em hãy ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, ‘điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần’... Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy... cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:4-5.8).
Những lời này lập lại những gì Đức Giê-su đã hứa với các môn đệ trước kia:
“Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi... Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:16.26).
Lời hứa này đã được thực hiện trong ngày trong ngày Hiện Xuống. Vào lúc ấy các môn đệ đang tụ họp trong một căn nhà tại Giê-ru-sa-lem.
“Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đạng tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2:2-4).
Sau khi Thánh Thần đến, các Tông đồ đã ra khỏi nhà để nói với đám dân chúng đang tụ họp ở đấy. Dân chúng đã nghe tiếng động, nhưng không biết đó là gì. Phê-rô giải thích mọi sự. Ông nói rằng đó là điều Thiên Chúa đã hứa qua ngôn sứ Giô-en. Ông nói: “Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm” (Cv 2:17).
Rồi Phê-rô nói thêm: “Thưa đồng bào Ít-ra-en, xin nghe những lời sau đây: ...Anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người (Đức Giê-su) vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết... Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô” (Cv 2:22-24.36).
Nghe những lời ấy, họ đã cảm động sâu xa và hỏi: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Phê-rô trả lời:

“Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2:38).


Dân chúng hăng say đáp lại lời giảng của Phê-rô. “Hôm ấy có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo” (Cv 2:41).

tải về 1.67 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương