ĐỨc tin ngưỜi công giáo the Catholic Vision Mark Link, sj. Lm. Trần Đình Nhi


Cuộc phán xét chung cũng đang đợi ta



tải về 1.67 Mb.
trang4/10
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích1.67 Mb.
#37886
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Cuộc phán xét chung cũng đang đợi ta

Ngoài sự phán xét riêng vào cuối cuộc đời, Kinh Thánh cũng nói đến một cuộc phán xét chung trong ngày tận thế. Một lần nữa, Đức Giê-su lại dùng một dụ ngôn sống động để mô tả. Ngài nói: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25:31-32).


Ngài sẽ nói với chiên: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (Mt 25:34-36).
Với dê, Ngài sẽ nói ngược lại: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó, (vì các ngươi đã không làm những điều này)… Mỗi lần các ngươi đã không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:41,45).
Ngày phán xét chung đánh dấu việc hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa về thế giới này.
SỰ SỐNG ĐỜI SAU

Kinh Thánh và Thánh Truyền dạy rằng ngay sau khi chết và chịu phán xét riêng, linh hồn sẽ tới thiên đàng, hoặc hỏa ngục hay luyện ngục. Hãy xét những vấn đề này qua ánh sáng Kinh Thánh và Thánh Truyền.


Hỏa ngục là đời đời xa cách Thiên Chúa
Một nhóm du khách Hoa Kỳ đi xem cảnh núi lửa tại nước Ý. Khi thấy nham thạch đỏ rực phun lên từ lòng núi, một du khách từ Nữu Ước kêu lên: “Ối chao, giống như hỏa ngục vậy!” Một người Ý ở miền ấy đang đứng gần, quay lại phía người bạn ngoại quốc và nói: “Trời ơi, thì ra bất cứ nơi nào cũng có mặt những du khách Hoa Kỳ này!”
Câu truyện trên cho thấy một điểm đáng lưu ý: hỏa ngục là “nơi đầy lửa.” Chính Đức Giê-su cũng dùng hình ảnh này. Thí dụ Ngài đã ví Triều Đại Thiên Chúa giống như ruộng lúa của nông gia bị kẻ thù lén gieo cỏ lùng vào đó. Đến mùa gặt, chủ ruộng nói với các người làm công: “Các anh hãy nhặt cỏ lùng trước đã, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13:30).
Sau đó, khi các môn đệ xin Đúc Giê-su giải thích thêm về dụ ngôn, Ngài nói: “Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần” (Mt 13:38-39).
Đức Giê-su kết thúc dụ ngôn khi Ngài nói lên hình ảnh những bó cỏ lùng bị ném vào lửa cũng giống như những kẻ ác bị ném vào “lò lửa” (Mt 13:50). Giải thích về hình ảnh lửa, Richard McBrien nói: “Khi dùng hình ảnh này, Đức Giê-su không những mô tả một nơi chốn, mà Ngài còn muốn nhấn mạnh đến việc khẩn thiết phải rao giảng Nước Trời và thái độ của chúng ta có chín chắn lựa chọn Nước Trời hay không. Chúng ta phải trả bằng bất cứ giá nào… Quay lưng không tiếp nhận Chúa tức là hoàn toàn và dứt khoát muốn mình xa lạ với Ngài… Đó là lựa chọn sống cô đơn và chia cách. Hỏa ngục là sống cô đơn tuyệt đối. Kẻ tội lỗi thực sự chọn lựa điều ấy. Thiên Chúa không đặt ra hỏa ngục để làm một hình phạt.” (Catholicism).

Có lẽ nếu phân tích đơn giản hơn, chúng ta sẽ thấy là chính kẻ tội lỗi, chứ không phải Thiên Chúa, đã tạo ra hình phạt. Nếu bạn tự ý không muốn thở nữa, thì khí trời không thể trừng phạt bạn bằng cách làm cho bạn ngộp thở. Bạn tự làm điều đó cho chính mình. Hoặc nếu bạn đấm vào tường thì bức tường đâu có trừng phạt bạn bằng cách làm cho bạn đau tay. Nhưng chính bạn tự làm cho mình đau.


Như thế, trước hết hỏa ngục là muôn đời xa cách Thiên Chúa, điều mà kẻ tội lỗi đã tự ý chọn lựa.
Thiên đàng là mãi mãi hiệp nhất với Thiên Chúa

Đức Giê-su thường nói về thiên đàng và những phương thế để vào được thiên đàng. Thí dụ Ngài nói: “Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:2-3).


Hoàn toàn trái ngược với hỏa ngục, thiên đàng là muôn đời được kết hiệp với Thiên Chúa. Trong Bài giảng trên núi, Đức Giê-su nói: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8). Và đoạn thư 1 Ga 3:2 cam kết rằng chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa và việc nhìn thấy này sẽ giúp chúng ta trở nên giống như Thiên Chúa. Việc nhìn thấy Thiên Chúa khởi sự cho một cuộc sống mới của chúng ta, tức là cuộc sống vĩnh cửu. Về điểm này, McBrien viết: “Chiêm ngưỡng hạnh phúc có nghĩa là con người được hoàn toàn kết hiệp với Thiên Chúa. Đó là điều mỗi người chúng ta phải cố gắng đạt tới… Đấy cũng là kết thúc việc chúng ta làm con người.” (Catholicism).
Với một lời nguyện nổi tiếng, thánh Augustinô đã diễn tả sự cố gắng hoặc mong mỏi được kết hiệp với Chúa như sau: “Lạy Chúa, tâm hồn chúng con được tạo dựng cho Chúa và lòng chúng con những khắc khoải khôn nguôi cho tới khi nào được an nghỉ trong Chúa.”

Luyện ngục là chuẩn bị để được kết hiệp với Thiên Chúa

Samuel Johnson là một văn hào danh tiếng của nước Anh. Khi người ta hỏi ông nghĩ gì về giáo lý Công Giáo dạy về luyện ngục, ông trả lời rằng giáo lý ấy rất có lý. Ông nói rằng phần đông khi chết đâu có xấu xa đủ để phải sa hỏa ngục, cũng đâu có tốt lành đủ để lên thiên đàng. Như vậy thật hợp lý nếu kết luận rằng phải có một tình trạng ở giữa để họ cần được tẩy rửa hoặc thanh luyện.


Đoạn Kinh Thánh vẫn được coi là nói về luyện ngục là đoạn 2 Ma-ca-bê 12:38-46. Trong đoạn Kinh Thánh này, tác giả minh nhiên nói đến việc “cầu nguyện” và thi hành “việc đền tội” để cầu cho người chết được giải thoát khỏi tội lỗi.
Đức Giê-su đã dạy chúng ta phải dùng mọi tài năng để mở mang Nước Trời bằng cuộc sống yêu thương và phục vụ. Nhưng hầu hết chúng ta không chu toàn lý tưởng này vì chỉ để ý tới mình. Sự đau khổ mà Thánh Truyền Công Giáo nói về luyện ngục được hiểu là sự đau khổ chúng ta cảm thấy khi phải dẹp đi lòng ích kỷ khó thương, để trở thành con người biết chú tâm đến Chúa và dễ thương với mọi người. Đó chính là sự đau khổ phải chịu do việc hoàn tất tiến trình chết đi con người của chúng ta để sống lại với Đức Ki-tô.
Quan điểm Công Giáo về đời sau có thể tóm lại như sau: sự phán xét riêng đang chờ đợi chúng ta. Sự phán xét này là xét xử xem chúng ta đã sử dụng tài năng thế nào để mở mang Nước Chúa tại trần gian này. Tiếp theo sự phán xét riêng sẽ là (1) những kẻ trung thành được hiệp nhất đời đời với Chúa, và (2) kẻ bất trung sẽ phải xa cách Chúa muôn đời. Luyện ngục là một tiến trình giúp tín hữu chuẩn bị được kết hiệp hoàn toàn với Chúa. Việc phán xét chung vào ngày tận thế sẽ là lúc để kế hoạch của Thiên Chúa về trần gian này được hoàn tất.
ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

1. 2 Cô-rin-tô 5:1-10 Nhớ nhà

2. Rô-ma 8:18-30 Vinh hiển trong tương lai

3. Công Vụ Tông Đồ 1:1-11 Ngài sẽ trở lại

4. Khải Huyền 20:11-21:4 Đừng khóc nữa

5. 1 Gio-an 2:26-3:3 Chúng ta sẽ thấy Ngài


THẢO LUẬN

1. Những dụ ngôn sau đây dạy chúng ta điều gì:


Những trinh nữ khôn và dại

Ba người đầy tớ


2. Trong các cuộc phán xét, ai là người phán xét và ai là người chịu phán xét?
3. Bạn nghĩ thế nào về liên hệ giữa chúng ta, những người còn sống, với những linh hồn trong luyện ngục?
CHIA SẺ

1. Thảo luận những tư tưởng sau đây:


- “Này bạn, tôi phải nói bạn nghe một điều bí mật: đừng chờ đợi ngày phán xét chung, vì ngày đó xảy ra mỗi ngày.” (Albert Camus)
- “Khi vị Trọng tài Tối Cao đến để ghi điểm bạn, Ngài sẽ ghi là bạn đã chơi banh như thế nào, chứ không phải là bạn đã thắng hay thua trong trận banh ấy.” (Grantland Rice)
- Một chiếc tầu ngầm (tiềm thủy đĩnh) chưa thực sự là tầu ngầm nếu nó chưa lặn xuống dưới mặt nước. Một máy bay chưa thực sự là máy bay nếu nó chưa cất cánh khỏi phi đạo. Một con người chưa thực sự là con người nếu họ chưa chết.
2. Wilder Penfield, một bác sĩ giải phẫu não nổi tiếng đã nói trong một báo cáo gửi cho Viện Smithsonian: “Bộ óc con người vĩnh viễn chứa những dữ kiện về quá khứ, giống như cuốn phim chứa hình ảnh và âm thanh… Bạn có thể sống lại những hình ảnh quá khứ, từng hình ảnh một, khi bác sĩ dùng dòng điện thật nhẹ kích thích một vài điểm tại trung khu thần kinh khối óc bên thái dương bạn.” Tường trình của Penfield tiếp tục nói rằng khi bạn sống lại những hình ảnh quá khứ này, bạn cũng sẽ có những cảm giác y hệt như lần đầu tiên vậy. Vậy sự kiện về não bộ này có thể bênh vực cho mạc khải của Kinh Thánh về sự phán xét riêng sau khi chết không?
3. Có người bảo: “Ai cũng muốn lên thiên đàng mà lại không muốn chết!” Bạn trả lời họ làm sao?
4. Ngoài những gì Thiên Chúa mạc khải, điều nào khiến bạn dễ xác tín nhất: Thiên đàng? Hoả ngục? Luyện ngục?
5. Lớn lên trong đức tin là một tiến trình. Thói quen nào mỗi ngày giúp bạn lớn lên trong đức tin?

------------------- o0o -------------------


Phần II
Bài 9

CÂU TRUYỆN TẠO DỰNG

Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:


1. Phản ứng của tôi về câu truyện Kinh Thánh kể lại Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong bảy ngày là…
2. Theo tôi, thuyết tiến hóa hợp (hay không hợp) với những gì Kinh Thánh nói, vì…
GIẢI THÍCH KINH THÁNH

Năm 1925, tiểu bang Tennessee đã thông qua đạo luật cấm chỉ việc dạy thuyết tiến hóa trong các trường trung học công lập. John Scopes, một giáo sư trung học, phạm luật và bị bắt giữ. Luật sư danh tiếng Clarence Darrow biện hộ cho Scopes. William Jennings Bryan, một ứng cử viên tổng thống, lãnh việc truy tố.


Trước sự ngạc nhiên của mọi người, một trong những việc đầu tiên Darrow làm là gọi Bryan ra chất vấn. Mở sách Kinh Thánh, Darrow đọc đoạn Thiên Chúa dựng nên ánh sáng trong ngày thứ nhất và dựng nên mặt trời trong ngày thứ tư. Rồi ông ta hỏi Bryan làm sao có thể có ánh sáng khi chưa có mặt trời. Sau đó ông hỏi Bryan có tin là Thiên Chúa đã lên án và phạt con rắn phải bò bằng bụng không. Bryan trả lời ông tin. Darrow tấn công: “Vậy ông có thể nói cho tôi biết trước đó thì con rắn di chuyển bằng gì?” Bryan nổi giận và tố cáo Darrow đã nhạo báng Thiên Chúa và Kinh Thánh. Darrow la lớn: “Tôi phản đối lời buộc tội ấy. Tôi đang chất vấn ông về những ý nghĩ điên khùng của ông, những ý nghĩ mà quan điểm của Ki-tô giáo không còn tin như thế nữa.”
Câu truyện nổi tiếng trên đã nêu lên một số vấn đề quan trọng về Kinh Thánh phải được giải thích như thế nào.
Hai nhóm người đọc Kinh Thánh

Để vấn đề được đơn giản, chúng ta tạm chia những người đọc Kinh Thánh làm hai nhóm chính: những người hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen và những người hiểu theo văn mạch. Những người hiểu theo nghĩa đen, cũng được gọi là những người phái chính thống, giải thích Kinh Thánh theo từng chữ và nói rằng phải hiểu đúng như là những gì Kinh Thánh nói. Còn những người hiểu theo văn mạch giải thích Kinh Thánh theo mạch văn và nói rằng chúng ta phải xét hoàn cảnh lịch sử, văn hóa và văn ngữ theo đó Kinh Thánh đã được viết. Điều này là xác thực, nhất là đối với mười một chương đầu của sách Sáng Thế gồm những câu truyện có liên hệ tới thời tiền sử là thời gian mù mờ giữa lúc con người xuất hiện và lúc thuật lại câu truyện của họ.


Thí dụ, chương thứ ba sách Sáng Thế đã mô tả con rắn nói chuyện với bà E-và. Vậy có phải tác giả Kinh Thánh muốn bảo rằng đã có một thời rắn biết nói chuyện với người? Hoặc chương thứ nhất thì nói loài người được dựng nên sau cùng, còn chương thứ hai lại nói họ được dựng nên trước hết. Vậy tác giả Kinh Thánh đã không biết như thế là mâu thuẫn hay sao?
GIẢI THÍCH VỀ VIỆC TẠO DỰNG

Bây giờ chúng ta hãy nghe nhóm hiểu theo văn mạch giải thích câu truyện tạo dựng. Trước hết chúng ta đọc lại đoạn Kinh Thánh.


“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.
“Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng!” Liền có ánh sáng. Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Thiên Chúa gọi ánh sáng là “ngày”, bóng tối là “đêm”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.
“Thiên Chúa phán: “Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước.” Thiên Chúa đã làm ra cái vòm đó và phân rẽ nước phía dưới vòm với nước phía trên. Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi vòm đó là “trời”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.
Thiên Chúa phán: “Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra.” Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ cạn là “đất”, khối nước tụ lại là “biển”. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
Thiên Chúa phán: “Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái, ra trái tùy theo loại, trong có hạt giống.” Liền có như vậy. Đất trổ sinh thảo mộc, cỏ mang hạt giống tùy theo loại, và cây ra trái, trong trái có hạt giống tùy theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.

Thiên Chúa phán: “Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất.” Liền có như vậy. Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao. Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một bưởi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư.


Thiên Chúa phán: “Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim phải bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời.” Thiên Chúa sáng tạo các thủy quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tùy theo loại, và mọi giống chim bay tùy theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển; và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất.” Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ năm.
Thiên Chúa phán: “Đất phải sinh ra các sinh vật tùy theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tùy theo loại và loài bò sát dưới đất tùy theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,

Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.
Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các người. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy.” Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.
Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.
Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người. (Sáng Thế 1:1-2:3)
Câu truyện được viết theo một khuôn mẫu

Câu truyện tạo dựng được đọc lên như một bài thơ. Nói chung, mỗi ngày đều theo một khuôn mẫu gồm năm phần: giới thiệu, mệnh lệnh của Thiên Chúa, thi hành mệnh lệnh đó, xác nhận “sự tốt lành,” và xác định ngày. Khuôn mẫu được sắp đặt cụ thể như sau:


Mở đầu: “Và Thiên Chúa phán”

Mệnh lệnh: “Nước hãy…”

Thi hành: “Và đã xảy ra như vậy”

Xác nhận: “Thiên Chúa đã thấy thế là tốt lành”

Ngày: “Ngày thứ năm.”
Những gì đúng cho một ngày thì cũng đúng cho cả tuần lễ tạo dựng. Tuần lễ cũng theo khuôn mẫu như sau:
Ngày 1: Thiên Chúa tạo dựng ánh sáng và phân rẽ khỏi bóng tối.
Ngày 2: Thiên Chúa phân rẽ nước bên trên (mưa) với nước bên dưới (biển).
Ngày 3: Thiên Chúa phân rẽ nước bên dưới (biển) ra khỏi đất khô.

Ngày 4: Thiên Chúa cho cư ngụ trong bầu trời với mặt trời, mặt trăng và tinh tú.


Ngày 5: Thiên Chúa cho cư ngụ trong vòm trời đầy chim chóc và trong đại dương nhung nhúc cá biển.
Ngày 6: Thiên Chúa cho cư ngụ trên mặt đất các thú vật và loài người.
Ngày 7: Thiên Chúa ăn mừng; Ngài chúc lành cho ngày này và nghỉ ngơi.
Như thế, tuần lễ tạo dựng đi theo khuôn mẫu:
- Ba ngày phân rẽ,

- Ba ngày cho cư ngụ, và

-Một ngày để ăn mừng.
Những khuôn khổ văn chương này cho chúng ta thấy chúng ta đang đọc một lối viết văn rất khác biệt. Không phải lối văn viết do những gì mắt thấy tai nghe hoặc như các sách khoa học. Trái lại, đây là loại văn gặp trong các sách cho trẻ em. Tác giả các sách này dùng những câu truyện đơn sơ, thơ mộng để dạy trẻ em về cuộc sống. Những câu truyện ấy dễ đọc và dễ nhớ.
Tác giả sách Sáng Thế đã chọn lối viết như thế để dạy về Thiên Chúa, vì hầu hết những người cổ xưa đâu có biết đọc biết viết. Họ học mọi sự qua lời nói bằng miệng. Do đó một câu truyện thơ mộng thì dễ nhớ, lại vui và dạy người ta biết nhiều.
Câu truyện dạy điều gì?
Để hiểu những gì tác giả Kinh Thánh có ý dạy qua câu truyện tạo dựng, chúng ta cần xét tới hoàn cảnh lịch sử và văn hóa theo đó câu truyện được viết. Vào thời ấy, người ta thờ bất cứ loại thần linh nào họ tưởng tượng ra được. Kinh Thánh nói đến điều này khi cảnh cáo rằng:

“Anh em hãy cẩn thận giữ mình: ... đừng có ra hư hỏng mà làm cho mình một tượng mang hình ảnh bất cứ cái gì: hình người nam hay người nữ, hình bất cứ loài vật nào trên mặt đất, hình bất cứ loài chim chóc nào bay trên trời, hình bất cứ loài nào bò dưới đất, hình bất cứ loài cá nào ở trong nước phía dưới mặt đất. Khi anh em ngước mắt lên trời và thấy mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, toàn thể thiên binh, thì đừng bị lôi cuốn mà sụp xuống lạy và phụng thờ chúng” (Đệ Nhị Luật 4:15-19).


- Chân lý đầu tiên tác giả Kinh Thánh muốn dạy qua câu truyện tạo dựng là chỉ có một Thiên Chúa mà thôi.
Tác giả nói lên điểm này khi viết Thiên Chúa tạo dựng nên các thần khác là những thần mà con người đang lầm lẫn thờ phượng, tức là loài người, súc vật, chim muông, tinh tú. Nếu các thần khác này đã được tạo dựng thì chúng đâu có thể là Thiên Chúa được. Nhưng chỉ có một Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng muôn loài. Chúng ta có thể tóm tắt quan điểm của tác giả Kinh Thánh như sau:
Niềm tin cổ xưa: có nhiều thần

Giáo lý mới: có một Thiên Chúa

Được dạy thế nào: một Thiên Chúa đã dựng nên các thần khác.
- Chân lý thứ hai tác giả Kinh Thánh muốn dạy, đó là Thiên Chúa đã hoạch định công việc tạo dựng.
Nhiều dân tộc thời xưa (và một số người thời nay) đã tin rằng vũ trụ tự nhiên mà có. Emanu Elish, một câu truyện của Babylon cổ xưa dạy như vậy. Ngược lại câu truyện của Babylon, tác giả Kinh Thánh mô tả Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ theo một đường lối có trật tự, giống như người thợ mộc dựng một ngôi nhà. Thiên Chúa đã hoạch định việc tạo dựng, chứ không phải ngẫu nhiên mà nó có. Chúng ta có thể tóm tắt điểm thứ hai của tác giả Kinh Thánh về nguồn gốc việc tạo dựng như sau:
Niềm tin cổ xưa: xảy ra ngẫu nhiên

Giáo lý mới: xảy ra do hoạch định

Được dạy thế nào: Thiên Chúa đã tạo dựng theo phương thức có trật tự.
- Chân lý thứ ba tác giả Kinh Thánh muốn dạy: mọi sự Thiên Chúa đã tạo nên đều tốt lành.
Những dân tộc cổ xưa tin rằng một số trong các tạo vật là xấu xa. Thí dụ nhiều người tin rằng thân xác con người là xấu xa. Họ kết luận như thế vì xem ra thân xác chống lại tinh thần. Do đó, họ tin là Thiên Chúa đã dựng nên tinh thần của con người, còn ma quỷ tạo nên thân xác. Phản lại niềm tin này, tác giả Kinh Thánh mô tả Thiên Chúa hài lòng với tất cả những gì Ngài dựng nên, kể cả thân xác con người. Chúng ta có thể tóm tắt giáo lý của tác giả Kinh Thánh về sự tốt lành của tạo vật như sau:
Niềm tin cổ xưa: một phần là tốt lành

Giáo lý mới: tất cả đều tốt lành

Được dạy thế nào: Thiên Chúa xác nhận sự tốt lành của tạo vật.
- Tác giả Kinh Thánh kết thúc câu truyện bằng việc tuyên bố ngày hưu lễ là thánh.
Thời xưa ngày thứ bảy trong tuần cũng giống như những ngày khác. Tuy nhiên tác giả Kinh Thánh mô tả Thiên Chúa chúc lành cho ngày thứ bảy và đặt riêng ngày đó ra như một ngày đặc biệt. Ngày ấy phải là ngày để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Chúng ta có thể tóm tắt quan điểm của tác giả Kinh Thánh về ngày hưu lễ như sau:
Niềm tin cổ xưa: ngày thứ bảy giống như những ngày khác

Giáo lý mới: ngày đặc biệt

Được dạy thế nào: Thiên Chúa chúc lành cho ngày đó.
CÂU TRUYỆN TẠO DỰNG THỨ HAI

Một số người đọc Kinh Thánh bỡ ngỡ khi thấy sách Sáng Thế có tới hai câu truyện nói về việc tạo dựng. Câu truyện thứ hai bắt đầu ở chương hai:


Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai. Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất.
Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra. Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. (Sáng Thế 2:4-9).
Tại sao lại thêm vào câu truyện thứ hai về tạo dựng? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhớ rằng năm cuốn sách đầu của Kinh Thánh, được gọi là Sách Luật (Torah) hoặc Ngũ Thư (năm cuốn sách), đã được truyền khẩu từ bao thế kỷ, mãi sau này mới được viết ra. Rõ ràng là có hai khẩu truyền về việc tạo dựng. Khi tác giả Kinh Thánh được linh hứng để chép Sách Luật, ngài gom luôn cả hai khẩu truyền ấy vào trong cùng một sách. Hai khẩu truyền ấy bổ túc cho nhau.
Thiên Chúa và con người liên hệ mật thiết với nhau

Câu truyện thứ hai về việc tạo dựng mô tả Thiên Chúa nhẫn nại làm công việc tạo dựng thân xác con người đầu tiên, tựa như người thợ gốm làm công việc nắn một cái bình. Khi thân xác con người đã được tạo thành cách hoàn hảo rồi, Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống trên nó và thở vào nó “sinh khí” của Ngài.


Cảnh tượng cảm động này thật quan trọng. Nó nói lên liên hệ gần gũi giữa Thiên Chúa và con người tiên khởi. Họ liên hệ gần gũi như người mẹ với đứa con nhỏ của mình.
Đàn ông và đàn bà liên hệ mật thiết với nhau

Câu truyện tạo dựng thứ hai kết thúc với việc Thiên Chúa làm nên một “người bạn thích hợp” cho người đàn ông đầu tiên.


Đức Chúa là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế.
Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.
Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.”
Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. (Sáng Thế 2:18-24).
Tác giả Kinh Thánh đã sống trong một xã hội do đàn ông làm chủ. Xã hội này coi phụ nữ thuộc giai cấp thứ hai. Phụ nữ còn được coi trọng là vì họ sinh con cái, nhất là con trai để đi lính chiến đấu và làm công nhân. Nhiều người đọc Kinh Thánh giải thích câu truyện thứ hai về tạo dựng được viết nhằm phản kháng tình trạng xã hội như thế. Khi mô tả người đàn bà xuất xứ từ cùng một thể chất như đàn ông, tác giả Kinh Thánh muốn dạy rằng nàng cũng có một phẩm cách ngang hàng với đàn ông.

Câu truyện tạo dựng thứ hai còn dạy về sự thân mật trong hôn nhân. Thiên Chúa đã phán dạy hai người phải nên “một thân thể.” Họ phải có sự thân thiết với nhau tựa như Thiên Chúa thân mật với loài người. Như thế Thiên Chúa cho thấy rằng mục đích của hôn nhân không phải chỉ để có con cái mà thôi, nhưng còn là một liên hệ mật thiết để vợ chồng yêu thương và nâng đỡ nhau.


Tóm lại, câu truyện thứ hai về tạo dựng bổ túc cho câu truyện thứ nhất với hai điểm đặc biệt:
- Sự thân mật giữa Thiên Chúa và loài người

- Sự thân mật và bình đẳng giữa nam nữ.


ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

1. Thánh Vịnh 19:1-6 Quảng cáo về Thiên Chúa

2. Thánh Vịnh 104 Công việc diệu kỳ

3. Gióp 38:1-24 Từ giữa cơn giông tố

4. Thánh Vịnh 8 Vinh quang của tạo vật

5. Khải Huyền 21:1-8 Tạo dựng mới


SUY NGHĨ
1. Tác giả Kinh Thánh dạy bốn chân lý nào về việc tạo dựng?
2. Tại sao sách Sáng Thế có hai câu truyện về việc tạo dựng?
3. Giải thích câu truyện thứ hai về tạo dựng bổ túc cho câu truyện thứ nhất thế nào?
CHIA SẺ
1. Làm sao câu truyện về tạo dựng trong sách Sáng Thế không khác mấy với những dụ ngôn của Đức Giê-su?
2. Inherit the Wind là vở kịch dựa trên việc tòa án Tennessee xử vụ John Scopes, sau này làm thành phim. Màn thứ nhất, Cates (đóng vai Scopes) đã yêu Rachael là con gái của một mục sư phái truyền thống. Màn thứ hai, Rachael bó buộc phải làm chứng phản lại Cates và công nhận rằng đã có lần anh ta bảo “Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Ngài, nhưng con người lại ra vẻ kiêu căng không muốn ca ngợi Ngài.” Cates muốn nói gì? Và bạn đồng ý với anh ta tới mức nào?
3. Inherit the Wind kết thúc với cảnh Brady (Darrow) xếp cuốn Kinh Thánh và cuốn Origin of the Species của Darwin bên cạnh nhau trong cặp xách tay của ông ta để chuẩn bị trở về Chicago. Bạn nghĩ hành vi biểu tượng ấy có ý nghĩa gì? Bạn đồng ý với ý nghĩa ấy chứ?
4. Bạn có khuynh hướng thuộc nhóm đọc Kinh Thánh theo phái chính thống hay văn mạch? Tại sao?
5. Một số người nghĩ rằng Thiên Chúa đọc cho những tác giả Kinh Thánh viết, giống như một người đọc cho thư ký của mình viết. Người khác lại nghĩ là các tác giả Kinh Thánh được linh hứng, giống như nhà soạn nhạc được gợi hứng âm nhạc. Một số khác lại nghĩ Thiên Chúa đặc biệt soi sáng cho những người viết, đến nỗi họ chỉ viết tất cả những gì Thiên Chúa muốn họ viết. Trong ba ý kiến này, bạn nghĩ ý kiến nào đáng tin cậy nhất? Tại sao?
6. Phần nào trong câu truyện tạo dựng nói cho bạn nhiều nhất về Thiên Chúa?
7. Mọi người đều có khuynh hướng hưởng nhận việc tạo dựng diệu kỳ như là “cho không biếu không.” Làm sao bạn có thể giữ được sống động việc ý thức sự diệu kỳ để giúp bạn luôn biết cảm tạ Chúa?


Bài 10
CÂU TRUYỆN HỦY TẠO

Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và viết nốt hai câu sau đây:


1. Tôi nghĩ nguyên nhân chính của tội lỗi quá nhiều trên thế giới này là do…
2. Tôi nghĩ lý do chính tại sao tôi khó giảm bớt tội lỗi trong cuộc sống của tôi, đó là…
SỰ HỦY DIỆT

Trong cuốn Hành tinh điêu tàn của chúng ta (Our Plundered Planet), tác giả Fairfield Osborne cảnh cáo như sau: “Nếu thêm một thế kỷ nữa như thế kỷ vừa qua, thì nền văn minh của chúng ta sẽ phải đương đầu với nạn hủy diệt.” Điều Osborne cảnh cáo chúng ta là một đề tài cho một bài thơ châm biếm vô danh tựa đề là “Hủy diệt”:


Buổi ban đầu vừa dựng nên trái đất

Trái đất mang bộ mặt vốn xinh tươi

Trên mặt đất người liền nói

“Ta hãy cất nhà chọc trời và xa lộ”

Xi măng mặt đất tráng lên

Rằng “Ôi thật tốt!” một nền vững chân.”


Ngày thứ hai bước lần bên sông biển

Nhìn dòng sông người lên tiếng oang oang

“Bao rác rến cống rãnh nối theo hàng

Ta cứ đổ thả giàn vào sông nước.”

Nước kia nhơ bẩn dâng đầy

Mà người bảo “Tốt! Thế này đâu sao!”


Ngày thứ ba len vào vùng rừng rú

Nhìn cây già người mừng rỡ bảo nhau

“Cắt cây đi, ta lấy gỗ dồi dào

Xây cất, làm đồ, sao cho thỏa thích.”

Rừng xanh một chốc san bằng

Mà người rằng “Tốt! Căét phăng thả giàn.”


Ngày thứ tư nhìn từng đàn thú vật

Người bảo nhau “Hãy giết chúng cho rồi

Để kiếm tiền hay để giải trí thôi

Đừng thương tiếc, đừng nói lời bảo vệ.”

Thú kia gần tuyệt chủng rồi

Mà người bảo “Tốt! Con người là hơn.”


Ngày thứ năm kìa từng cơn gió mát

Nhẹ mơn man trên gương măët của người

Nhưng người bảo “Cứ đốt rác tung trời

Để gió mát không còn nơi lui tới.”

Một trời xú khí bao quanh

Mà người bảo “Tốt! Trong lành! Đừng lo.”


Ngày thứ sáu nhỏ to bao nhiêu nước
Người nhìn và bảo “Được, ta sẽ làm

Cho thật nhiều hỏa tiễn bắn không gian

Đề phòng khi chiến tranh bùng nổ mạnh.”

Đất kia hỏa tiễn dàn hàng

Mà người nói “Tốt! Đâu quan trọng gì.”
Đến ngày thứ bảy rồi đây

Đất thời phẳng lặng phủ đầy thương đau

Không còn một bóng người nào

Thực là tốt nhé, không sao tốt bằng!”


Chúng ta đang “hủy diệt” thế giới chúng ta sống

Bài thơ trên nói lên sự kiện các đồ phế thải kỹ nghệ tràn đầy bầu khí quyển tới độ mây tạo thành mưa a-xít. Mưa a-xít dần dần làm ô nhiễm sông hồ và phá hủy những cánh rừng của chúng ta. Cũng vậy, phế thải kỹ nghệ còn tràn vào thượng tầng khí quyển làm cho lớp ô-dôn bao quanh trái đất mỏng đi. Sự mỏng dần này đe dọa số phận tương lai trái đất chúng ta.


Sự tàn phá khủng khiếp môi sinh gây ra do ô nhiễm đôi khi có thể gọi là sự “hủy diệt”: tàn phá thể chất của những tạo vật Thiên Chúa dựng nên. Thật đáng thương cho sự hủy diệt này, tuy nhiên còn có những sự hủy diêät đáng thương hơn đang xảy ra. Đó là sự hủy diệt tinh thần của tạo vật do tội lỗi gây nên.
Tiến sĩ Norman MacDonald đã ám chỉ sự hủy diệt tinh thần này trong một buổi họp quốc tế của những nhà nhân chủng học. Ông nói: “Con người chính là kẻ tiêu diệt, là kẻ rình mồi ghê gớm nhất thế giới chưa từng thấy… Từ khi biết dùng cây gậy làm vũ khí đầu tiên, con người đã miệt mài làm cho vũ khí của họ mạnh mẽ thêm, đến độ giờ đây thay vì giết hại cá nhân hay tập đoàn, họ còn có thể làm cho một hành tinh trở thành hoang vu.”
Sự hủy diệt thể chất và tinh thần khởi đầu nơi loài người, từ trong trái tim con người. Nó nằm trong việc con người sử dụng sai và lạm dụng ý chí tự do mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Như chúng ta sẽ thấy trong bài này, truyền thống Công Giáo nói đến sự hủy diệt này qua những gì các nhà thần học gọi là sự kiện A-đam sa ngã, tức là tội đầu tiên và hậu quả tai hại của nó trên nhân loại.
BẢN CHẤT CỦA TỘI LỖI

Trong thời đại hôm nay, tội lỗi đã trở thành một vấn đề xa lạ. Có nhiều người ngại không muốn nói tới vấn đề tội lỗi. Họ còn miễn cưỡng hơn khi phải thú nhận mình có tội. Sự miễn cưỡng này còn làm cho nhiều người khác lo lắng.


Có lẽ bạn không mong gì một giáo sư về môn phân tâm học tại Hoa-kỳ nói về tội lỗi. Nhưng đó chính là những gì tiến sĩ Karl Menninger viết trong cuốn Tội lỗi đi về đâu? (Whatever Became of Sin?). Ông bực mình vì thấy quá nhiều người ngày nay không muốn chấp nhận mình phạm tội.
Tội lỗi là gì?

Để hình dung được tội lỗi, chúng ta có thể nghĩ tội lỗi là một trong hai phạm vi:


- tội cá nhân

- tội xã hội.


Tội cá nhân liên quan tới từng người

Phạm vi thứ nhất được gọi là tội cá nhân, vì nó liên quan tới hành vi tự do của một cá nhân. Tội cá nhân có hai hình thức:


- phạm điều gì, và

- bỏ không làm điều gì.


Tội phạm nghĩa là làm điều chúng ta không nên làm, thí dụ nói dối hoặc ăn cắp.
Tội bỏ nghĩa là không làm điều chúng ta nên làm, thí dụ thấy người ta thiếu thốn nhưng quay lưng để tránh khỏi phải bận tâm giúp đỡ họ.
Tội xã hội liên quan tới tập đoàn
Phạm vi thứ hai được gọi là tội xã hội vì nó liên quan tới lối sống của một nhóm người, cộng đồng hay quốc gia. Thí dụ tội xã hội là kỳ thị nhóm thiểu số, phá hoại môi sinh, hợp luật hóa việc phá thai…
Tội xã hội rất nguy hiểm, vì không một cá nhân nào cảm thấy có trách nhiệm về tội ấy cả. Tội xã hội là điều “xã hội” phạm, chứ không phải chúng ta. Có thể chúng ta không tán thành tội ấy, nhưng chúng ta dung túng và chấp nhận nó cách thụ động chứ không chống lại hoặc phản đối.
Martin Luther King đã cảnh cáo chúng ta như sau: “Kẻ nào chấp nhận sự xấu xa cách thụ động là tham dự vào sự xấu xa ấy, cũng giống như kẻ giúp thực hiện sự xấu xa ấy. Ai chấp nhận sự xấu xa mà không phản đối lại là thực sự cộng tác với sự xấu xa ấy.”

Chúng ta làm ngơ trước tội xã hội vì nhiều lý do. Thí dụ, chúng ta nại rằng mình đơn độc chống lại thì cũng chẳng làm thay đổi được gì hơn.

Dù chúng ta có lý do hay biên hộ thì kết cục về tội xã hội vẫn là thế này: trách nhiệm chống lại tội xã hội vẫn quy về từng cá nhân. Trách nhiệm ấy là của chúng ta. Trốn tránh trách nhiệm này chính là phạm tội cá nhân vì bỏ không làm điều phải làm.
Tội lỗi đặt ra một vấn nạn

Sự kiện tội lỗi tràn lan trong thế giới đặt ra một câu hỏi khó khăn: Nếu Thiên Chúa đã dựng nên con người “thật tốt lành” thì đã có điều gì không ổn? Làm sao tội lỗi đã đi vào con tim loài người và làm con người băng hoại?


VẤN ĐỀ SỰ DỮ

Vấn đề sự dữ đòi hỏi một câu trả lời trong thời đại hình thành Kinh Thánh cũng như trong thời nay.


Tác giả viết Kinh Thánh đã đề cập đến vấn đề này ngay sau khi mô tả việc tạo dựng vũ trụ. Ngài bắt đầu kể rằng:
“Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.” Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.”
Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân. (Sáng Thế 3:1-7)
Chúng ta giải thích câu truyện về tội lỗi như thế nào?

Người Công Giáo giải thích câu truyện này cùng một cách như họ đã giải thích câu truyện về tạo dựng. Đây là câu truyện không giống như những dụ ngôn Đức Giê-su đã kể, nhưng là câu truyện biểu tượng được tác giả Kinh Thánh dựng lên để dạy về một giáo lý quan trọng. Đặc biệt câu truyện cho chúng ta biết một vấn đề: nếu Thiên Chúa tạo dựng mọi sự tốt đẹp thì làm sao sự dữ lại len lỏi vào thế gian được?


Bí quyết để hiểu câu truyện nằm trong hai biểu tượng chính:
- con rắn, và

- việc ăn trái cây.


Rõ ràng con rắn biểu tượng cho ma quỷ hoặc là chính sự dữ.
Biểu tượng của việc ăn trái cây thì không rõ ràng lắm. Để hiểu điều này, bạn hãy nhớ lại con rắn đã nói với người đàn bà rằng nếu bà ấy ăn trái cấm thì bà ấy sẽ nên giống như Thiên Chúa, biết được điều gì là tốt và điều gì là xấu. Vậy con rắn móc nối việc ăn với việc biết.
Hầu hết người thượng cổ không biết đọc. Họ đã không học bằng sách vở, nhưng từ kinh nghiệm. Điều này cho chúng ta thấy mối liên hệ giữa việc ăn và kinh nghiệm. Ăn tức là kinh nghiệm. Như vậy đây là cách nói biểu tượng để diễn tả rằng cặp vợ chồng nguyên tổ đã nhận biết sự dữ bằng cách cảm nghiệm nó. Họ đã “nếm mùi” sự dữ. Nói khác đi, họ đã phạm tội.
Nguyên tổ đã phạm tội gì? Có người nghĩ đó là tội không vâng phục (làm điều Thiên Chúa cấm không được làm). Người khác cho là tội kiêu căng (muốn trở nên “giống như Thiên Chúa”).
Người Công Giáo thường cảm thấy như là tác giả Kinh Thánh không có ý diễn tả nguyên tổ đã phạm tội gì, nhưng chỉ có ý trả lời câu hỏi: Tội lỗi đã len lỏi vào thế gian như thế nào? Câu trả lời của tác giả là tội lỗi đã du nhập vào thế gian này qua tội đầu tiên của nguyên tổ loài người.
Tội lỗi đã biến đổi nguyên tổ một cách sâu xa

Kinh Thánh viết rằng sau khi nguyên tổ phạm tội, “họ thấy mình trần truồng” (St 3:7). Để hiểu câu Kinh Thánh khác lạ này, chúng ta phải trở lại câu truyện thứ hai về tạo dựng, trong đó chúng ta đọc thấy: “Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau” (St 2:25).


Hai người ý thức mình trần truồng sau khi họ phạm tội, điều này cho thấy là thay đổi trong ý thức của họ đã xảy ra và đó là một hậu quả của tội lỗi. Họ không còn cảm thấy thoải mái với chính mình nữa. Tội lỗi đã tạo nên một biến đổi sâu xa trong họ.

Tội nguyên tổ đã đưa tới tình trạng tràn ngập tội lỗi

Việc tội du nhập vào thế gian mở đường cho làn sóng tội lỗi tràn ngập. Sự dữ tràn ngập thế giới, kéo theo chết chóc và hủy hoại ngay trong buổi đầu khi nó nổi lên (St 4:6; 11:1-9). Nhân loại đã bó tay trước nó. Nhân loại đã rơi vào nạn hủy diệt chính mình nếu Thiên Chúa không can thiệp.


TỘI NGUYÊN TỔ

Sau thế chiến thứ hai, Dorothy Thompson đã đi thăm trại giam Dachau của Đức Quốc xã. Khi nhìn vào những phòng hơi ngạt và hỏa lò, bà thấy run rảy cả tâm hồn. Điều làm cho bà run sợ không phải chỉ vì biết rằng người ta đã gây bao tội ác ở đây, nhưng là biết rằng cả “những tù nhân tốt” cũng đã dự phần vào những tội ác này. Bà viết:


“Thế giới liệu có nhận thấy rằng những kẻ gây ra một số tội ác lớn nhất trong những trại giam này lại là chính những tù nhân không? Cứ đẩy được một mạng người xuống tầng dưới cùng, thế là bạn có thể làm cho người ấy biến thành một đao phủ để xử tử đồng bạn của mình.”
Những ông bác sĩ đã chích vi trùng sốt rét vào những tù nhân trong trại giam cũng là chính những người tù. Thompson nói: “Khi tiếp tay để kết liễu mạng sống của bạn tù, họ đã kéo dài thêm được hợp đồng cứu vãn sinh mạng chính mình.”
Bài học Dachau là nếu một kẻ xấu xa cứ chèn ép những người tốt thì sẽ làm cho nhiều người bị xô đẩy vào tình trạng tội lỗi do hoàn cảnh.
Thân phận đọa đầy của chúng ta
Cùng một cách, tội đầu tiên đã tạo nên hoàn cảnh tội lỗi. Nó tạo nên một áp lực đè nặng trên nhân loại. Thánh Phao-lô đã nhắc đến điều này khi ngài nói: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bỏi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5:12).
Hậu quả tàn phá của tội đầu tiên trên trần gian được gọi là tội nguyên tổ. Điều đó chỉ có nghĩa là tội đầu tiên của ông bà nguyên tổ đã đặt nhân loại trong một tình trạng không hoàn thiện và một hoàn cảnh đọa đầy. Hy vọng duy nhất của nhân loại là được Thiên Chúa cứu thoát.
Đó cũng chính là điều Thiên Chúa muốn làm.

LỜI HỨA TÁI TẠO

Ngay sau khi nói về tội nguyên tổ, tác giả Kinh Thánh đã mô tả Thiên Chúa như đang đối diện với ba kẻ tội phạm:


- người đàn bà,

- người đàn ông, và

- con rắn.
Với người đàn bà, Thiên Chúa phán: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” (St 3:16).
Với người đàn ông, Thiên Chúa phán: “Đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra” (St 3:17).
Với con rắn, Thiên Chúa phán: “Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3:14-15).

Một tia hy vọng chiếu sáng
Tác giả Kinh Thánh Tân Ước đã thấy một tia hy vọng qua câu nói cuối cùng Thiên Chúa phán với con rắn. Người ta nhận thấy đây là dấu chỉ Thiên Chúa sẽ cứu vớt nhân loại khỏi hoàn cảnh họ đã sa vào.
Câu “mối thù giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy” là để nói lên “cuộc chiến tranh thiêng liêng” giữa ma quỷ và nhân loại từ sau tội nguyên tổ. Rồi câu “dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, còn mi sẽ cắn vào gót nó” để ám chỉ rằng nhân loại (qua Đức Giê-su là người con cao quý nhất của nhân loại) sẽ chiến thắng vinh quang.
Chính trong ý nghĩa này mà lời Thiên Chúa nói với con rắn là một tia hy vọng: gót chân của Đức Giê-su sẽ đạp dập đầu con rắn (1 Ga 3:8).
ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

1. Lu-ca 18:2-8 Người góa phụ phấn đấu

2. Gia-cô-bê 2:1-9 Tội kỳ thị

3. Gia-cô-bê 2:14-26 Đức tin và hành động

4. Thánh Vịnh 51:1-15 Lạy Chúa, xin rửa con

5. Lu-ca 16:19-31 Ngày phán xét


THẢO LUẬN

1. Bạn nghĩ gì về tội xã hội? Nhận diện một số tội xã hội nơi bạn đang sống và thử tìm phương thức diệt trừ.

2. Bạn hiểu thánh Phao-lô muốn nói gì trong chương 5 và 6 Thư gửi tín hữu Rô-ma?
CHIA SẺ

1. Hãy chia sẻ những tư tưởng sau đây:


- “Chúng ta không thể phá bỏ được luật của Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại có thể phá hủy chính mình.” (A. Maude Royden)

- “Tội không làm đau đớn vì nó bị cấm, nhưng tội bị cấm vì nó làm đau đớn.” (Benjamin Franklin)

- “Sự giả trá sẽ giả trá nhất khi nó gần với sự thật nhất.” (Gilbert Chesterton)
2. Trong cuốn Oh, God! của Avery Corman, có người trách Chúa không chịu can thiệp giúp loại trừ hoặc giảm bớt đau khổ của trần gian. Khi Chúa không bào chữa thì người ấy nói: “Vậy Chúa đã quyết định là cứ để chúng tôi sa ngã hoài mà Ngài không chịu làm gì để giúp chúng tôi sao?” Chúa nhìn người ấy và nói: “Này, con thông minh lắm, nhưng mà con quên mất một điều… Ta đã sắp đặt tất cả việc này cho con và làm sao cho việc này có kết quả. Chúng ta đã thỏa thuận là chính con phải làm và đừng mong đợi Ta làm việc ấy cho con.” Vậy Avery Corman diễn tả Thiên Chúa muốn gì trong trường hợp này? Tại sao bạn đồng ý hoặc không đồng ý với ông ta?
3. Bạn hãy nhớ lại câu nói của Martin Luther King về tội xã hội và sự thông đồng của chúng ta với nó. Bạn đồng ý hoặc bất đồng với ông ta về điểm nào?
4. Hãy nhớ lại một kinh nghiệm khi bạn đứng lên chống lại tội xã hội.
------------------------------

Bài 11
CÂU TRUYỆN TÁI TẠO DỰNG

Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:


1. Lý do tại sao tôi đã không đọc Kinh Thánh Do Thái (Cựu Ước) nhiều hơn, đó là…
2. Một điều về Kinh Thánh Do Thái làm tôi thấy khó hiểu, đó là…
GIAO ƯỚC VỚI ÁP-RA-HAM

Cuốn Một người tên là Peter (A Man Called Peter) nói về câu truyện Peter Marshall. Khoảng năm 1920, ông cảm thấy mình “được gọi” hãy rời Tô-cách-lan sang Mỹ châu để truyền giáo. Ông vượt Đại tây dương mà không biết mình sẽ đi đâu. Trong lòng ông chỉ có niềm tin tràn đầy. Sau này, ông làm tuyên úy cho Quốc Hội Hoa Kỳ. Câu truyện của Peter cũng tựa như câu truyện của “một người tên là Áp-ram.” Khoảng năm 1800 trước công nguyên, Áp-ram cảm thấy “được gọi” để đi tới miền đất xa lạ. Cũng như Peter, ông không biết mình sẽ dừng chân ở đâu.


Câu truyện của Áp-ram bắt đầu với những điều mà một số người gọi là “cuộc tái tạo dựng,” một câu truyện trong Kinh Thánh nói về việc Thiên Chúa giải hòa thế giới với chính Ngài trong Đức Ki-tô (2 Cr 5:18). Theo khía cạnh mô phạm, từ ngữ tái tạo dựng rất hữu dụng vì nó giúp chúng ta hiểu ngay là Thiên Chúa can thiệp để đổi ngược lại tình trạng phá hủy hoặc “hủy tạo” thế giới do tội lỗi gây nên. Tuy nhiên theo khía cạnh thần học, từ ngữ ấy nói lên điều người ta mong đợi. Nói đúng hơn thì phải dùng từ ngữ “cuộc tạo dựng mới,” như thánh Phao-lô đã nói: “Ai ở trong Đức Ki-tô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5:17).
Thể văn trong câu truyện về Áp-ram khác hẳn thể văn trong những câu truyện về tạo dựng và hủy diệt. Hai câu truyện này xảy ra vào thời tiền sử và được truyền lại cho chúng ta qua hình thức những câu truyện biểu tượng. Còn câu truyện Áp-ram thì xảy ra vào thuở đầu khi có lịch sử và được truyền lại cho chúng ta như những câu truyện dân gian hoặc lịch sử truyền khẩu. Vì câu truyện đã được lưu truyền bằng miệng qua bao thế kỷ nên nó rất đơn giản và đôi khi được đề cao để nói lên một điểm nào đó.
Câu truyện “tạo dựng mới”

Sau một thời gian Áp-ram rời bỏ quê cha đất tổ, Thiên Chúa lại phán với ông: “Ta là Thiên Chúa Toàn năng… Ta sẽ đặt giao ước của Ta giữa Ta với ngươi… Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Áp-ram nữa, nhưng là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc… Ta còn cho nó sinh ra cho ngươi một con trai… Ngươi sẽ đặt tên cho nó là I-xa-ác” (St 17:1-2,5,16,19).


Năm tháng qua đi, I-xa-ác lớn lên và kết hôn với Rê-bê-ca. Họ sinh được hai con trai: Ê-xau và Gia-cóp. Một ngày kia Gia-cóp đang ngủ dưới bầu trời đầy sao, Thiên Chúa phán với ông: “Nhưng người ta sẽ không gọi ngươi là Gia-cóp nữa, mà tên ngươi sẽ là Ít-ra-en” (St 35:10). Ít-ra-en là cha của mười hai người con trai (tức là mười hai chi tộc Ít-ra-en).
Đứa con được Ít-ra-en thương nhất, đó là cậu Giu-se. Một ngày kia vì ghen tương, các anh của Giu-se đã bán cậu cho những lái buôn Ai-cập. Khi sống tại Ai-cập, Giu-se đã nổi danh vì tiên đoán được nạn đói sắp xảy ra và giúp việc chuẩn bị cho Ai-cập đương đầu với tai họa đó.
Hoàn cảnh đưa đẩy, Giu-se đã mời gia đình Do-thái của ông đến sống với ông. Họ làm ăn trù phú và sinh sản trở thành một dân tộc lớn. Sau khi Giu-se qua đời, người Do-thái đã bị thất sủng và bị người Ai-cập bắt phải làm nô lệ. Sau nhiều thế hệ sống kiếp nô lệ, một người lãnh đạo tên là Mô-sê đứng dậy. Nhờ Thiên Chúa trợ giúp, Mô-sê đã dẫn những người nô lệ Do-thái ra khỏi Ai-cập tiến về miền đất tự do.
GIAO ƯỚC TẠI XI-NAI

Các sử gia lắc đầu phủ nhận. Họ nêu câu hỏi: “Làm sao một đám người hỗn độn, trước đây là nô lệ, không có tổ chức và không được giáo dục, thế mà nay bỗng nhiên có thể thay đổi được dòng lịch sử nhân loại?” Nhưng đó chính là điều những người Ít-ra-en đã làm. Giải thích duy nhất hữu lý chính họ đã đưa ra.


Những người Ít-ra-en nói rằng sau khi rời khỏi Ai-cập, họ cắm lều tại chân núi Xi-nai. Ở đó Thiên Chúa đã kết ước với họ và ban cho họ một căn tính mới và một thân phận mới. Căn tính mới của họ là Dân được tuyển chọn của Thiên Chúa, một dân đặc biệt được Thiên Chúa triệu gọi để thi hành một sứ mạng đặc biệt. Thân phận mới của họ là trở nên dụng cụ được tuyển chọn để Thiên Chúa sử dụng trong kế hoạch tái tạo vũ trụ.

tải về 1.67 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương