ĐỨc tin ngưỜi công giáo the Catholic Vision Mark Link, sj. Lm. Trần Đình Nhi


Linh mục làm những gì người cha trong dụ ngôn đã làm



tải về 1.67 Mb.
trang9/10
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích1.67 Mb.
#37886
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Linh mục làm những gì người cha trong dụ ngôn đã làm
Để hiểu vai trò của linh mục, chúng ta hãy nhớ lại những gì người cha trong dụ ngôn đã làm.
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” Và họ bắt đầu ăn mừng.” (Lc 15:20-24)
Người cha làm bốn điều
Nếu xét kỹ hơn câu truyện, chúng ta sẽ thấy người cha làm bốn cử chỉ biểu tượng.
Trước hết ông ôm hôn đứa con. Việc ôm hôn đứa con chứng tỏ người cha đã hoàn toàn tiếp nhận nó trở về. Ông đã biểu lộ dấu chỉ lòng âu yếm của ông.
Thứ nhì, ông sai lấy dép xỏ vào chân đứa con. Điều này chứng tỏ ông đã hoàn toàn tha thứ cho đứa con. Trong thời Kinh Thánh, giày là biểu tượng của người tự do, còn nô lệ đi chân không. Xỏ dép vào chân đứa con đã nói lên rằng đứa con không còn làm nô lệ cho ai khác nữa nhưng nó đã được phục hồi làm con của ông.
Thứ ba, người cha xỏ nhẫn vào ngón tay đứa con. Điều này chứng tỏ người cha đã hoàn toàn phục hồi cho đứa con thân phận mà nó đã có trước khi đi hoang đàng. Mặc dù dụ ngôn không nói rõ, nhưng chiếc nhẫn có lẽ đã được in dấu hiệu của gia đình. Mang chiếc nhẫn ấy nghĩa là có quyền hành động nhân danh gia đình.

Sau cùng, người cha ra lệnh dọn bữa tiệc ăn mừng. Điều này chứng tỏ ông hoàn toàn vui mừng. Đức Giê-su nói: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15:7).


Như thế người cha đã làm bốn điều: ông tiếp nhận đứa con, tha thứ cho nó, phục hồi địa vị trong gia đình cho nó và mở tiệc ăn mừng nó trở về.
Linh mục cũng làm bốn điều ấy trong Bí tích Hòa giải. Thay mặt Thiên Chúa và cộng đoàn Ki-tô, linh mục
- Đón tiếp người tội lỗi trở về,

- Tha thứ cho người tội lỗi,

- Phục hồi cho hối nhân quyền sống trong gia đình Chúa, và

- Mời gọi hối nhân hãy vui mừng tiến đến Bàn tiệc của Chúa nếu người ấy trước đây đã không được lãnh nhận Thánh Thể vì mắc tội trọng.


Bí tích Hòa giải theo cùng một khuôn mẫu của dụ ngôn Người con hoang đàng. Người tội lỗi làm những gì đứa con đã làm khi trở về và linh mục làm những gì người cha đã làm khi đón đứa con thống hối.
NĂNG LÃNH NHẬN BÍ TÍCH HÒA GIẢI
Người ta thường hỏi: “Khi nào chúng tôi phải đi xưng tội?” Câu trả lời là: “Hãy đi xưng tội khi nào Thánh Thần Chúa thúc giục bạn hãy đi.”
Đúng vậy, chúng ta sẽ cử hành Bí tích Hòa giải lúc “chúng ta hồi tâm” sau khi đã xa lìa Chúa và gia đình của Ngài. Như thế, việc cử hành sẽ đánh dấu cao điểm của tiến trình ăn năn thống hối, tựa như đứa con hoang đàng đã làm.
Ngoài trường hợp đặc biệt này ra, việc năng lãnh nhận Bí tích Hòa giải sẽ tùy nghi. Có những khoảng thời gian nào đó trong cuộc sống, chúng ta sẽ cảm nhận nhu cầu hoặc ước muốn lãnh nhận bí tích hơn những lúc khác. Tóm lại chúng ta phải cố gắng trở nên nhạy cảm trước sức mạnh của Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta trong lãnh vực này.
Trong thông điệp Nhiệm Thể Chúa Ki-tô, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII đã duyệt lại một số những ơn ích của việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Ngay cả khi chúng ta không phạm tội trọng, xa lìa Chúa và gia đình Ngài, thì cũng nên đi xưng tội khoảng hai tháng một lần. Việc năng xưng tội này sẽ giúp:
- chữa lành những yếu đuối thiêng liêng, vì chúng có thể đưa tới tình trạng nguy hiểm nếu không để ý đến.

- làm bén nhạy cảm quan của chúng ta đối với Thánh Thần là việc chúng ta cần phải luôn tiếp tục.

- chống trả lại sự lười biếng thiêng liêng là điều chúng ta phải chiến đấu luôn luôn.

- củng cố mối giây liên kết chúng ta với Chúa và gia đình của Ngài.


ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

1. Đa-vít phạm tội và thống hối. 2 Sa-mu-en 12:1-15

2. Kinh nguyện thống hối. Thánh Vịnh 51

3. Đức Giê-su nói về tội lỗi. Mát-thêu 18:1-35

4. Đức Giê-su tha thứ một kẻ tội lỗi. Lu-ca 5:17-26

5. Ba dụ ngôn về sự tha thứ. Lu-ca 15:1-32


THẢO LUẬN

1. Phải xưng những tội nào và xưng như thế nào?

2. Tội trọng là gì?

3. Bạn hãy nói về những chiều kích của tội lỗi.


CHIA SẺ

1. Hãy giải thích những tư tưởng sau:


- “Không có tật xấu là điều tốt, nhưng nếu không có cám dỗ thì lại không tốt.” (Walter Bagehot)

- “Lỗi lầm to lớn nhất chính là cho rằng mình không có lỗi lầm nào.” (Thomas Carlyle)

- “Kẻ hối hận được kể như là vô tội rồi.” (Seneca)

- “Có hai loại hối hận: hối hận của Giu-đa và hối hận của Phê-rô; một đàng là cục nước đá bị vỡ tung, một đàng là cục nước đá chảy tan ra.” (William Nevins)


2. Các Ki-tô hữu Chính Thống Hy-lạp lãnh nhận Bí tích Hòa giải trong khi quay mặt hướng về tượng ảnh Chúa Ki-tô Phục Sinh. Bạn nghĩ tại sao họ lại đứng thay vì quỳ hay ngồi? Tại sao lại quay mặt vào ảnh tượng thay vì quay mặt vào nhau?
3. Bước thứ năm trong chương trình của hội chừa nghiện rượu đòi khóa viên phải xác nhận với Thiên Chúa, với chính họ và với người khác về bản chất thực sự việc làm sai trái của họ. Sách thủ bản của hội nói rằng nhiều khóa viên dù trước đây là vô thần hay theo thuyết bất khả tri, cũng đều công nhận là trong bước này họ đã cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa. Còn với những người đã tin cũng thường ý thức về Thiên Chúa nhiều hơn khi trước. Bạn có thể giải thích sự kiện ấy thế nào?
4. Bạn hãy nhớ lại một kinh nghiệm về “hòa giải” đã khiến bạn xúc động mạnh.
**

* * *


*
Bài 24

BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu hỏi sau đây:


1. Lần tôi gần cái chết nhất trong một tai nạn hoặc một cơn bệnh, đó là khi…
2. Đối với tôi, việc cầu nguyện trên những người bệnh có nghĩa là…
ĐAU YẾU

Mưa rơi ngoài cửa sổ phòng bệnh của Jane Lindstrom. Mưa khiến cho bà cảm thấy cô đơn và chán nản. Rồi có người đem tới một lá thư của ai gửi cho bà. Jane mở ra đọc:

“Từ hôm bà bị đau tới nay, mỗi sáng tôi đều nhớ nụ cười và cái vẫy tay chào của bà. Tôi cầu nguyện cho bà được mau lành. Có lẽ bà ngạc nhiên khi nhận được lá thư này. Nhưng đối với tôi, cuộc đời kém hạnh phúc đi nếu thiếu vắng bà.”
Cảm nghĩ cô đơn và buồn nản của bà Jane bỗng chốc tiêu tan. Lá thư tốn không đầy một phút để viết, nhưng gói ghém tất cả tình yêu và sức mạnh. Nó cho bà biết là người ta nhớ đến bà. Bà nói: “Lá thư ấy còn hiệu nghiệm hơn cả toa thuốc bác sĩ cho.”
Sau đây là một câu truyện khác. Ông Doan đã 88 tuổi, nhưng vẫn sống một mình. Mỗi sáng Chúa Nhật, ông đong đưa chiếc ghế ngựa nhanh hơn khi sắp sửa nhìn thấy một người rất đặc biệt. Người đặc biệt này chính là cô Maria, một sinh viên 22 tuổi và là thừa tác viên Thánh Thể của giáo xứ Thánh Tâm.
Khi cô Maria đến vào khoảng 11 giờ, cô bắt đầu đọc bài Tin Mừng Thánh lễ Chúa Nhật cho ông Doan nghe. Rồi cô kể tóm tắt bài giảng cô vừa nghe ở nhà thờ. Sau đó cô và ông Doan nắm tay nhau đọc kinh Lạy Cha để chuẩn bị rước Mình Thánh Chúa Ki-tô.
Sau khi ông Doan rước lễ, cô Maria chậm rãi đọc một đoạn trong cuốn sách kinh. Ông Doan thích nhất kinh cầu cho bệnh nhân:
“Lạy Chúa là Cha chí thánh, xin hãy giải thoát tôi tớ Chúa khỏi yếu đau, được phục hồi sức khỏe. Xin Chúa đưa tay nâng tôi tớ Chúa dậy, xin lấy quyền lực mà ban cho tôi tớ Chúa được mạnh mẽ, xin dùng quyền năng mà che chở tôi tớ Chúa và ban mọi sự cần thiết cho tôi tớ Chúa được an lành. Nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.”

Sau khi đọc kinh, ông Doan và cô Maria chia sẻ với nhau về những gì họ làm trong tuần vừa qua.


Khi cô Maria chào ông Doan để ra về, cô nhận ra là mình đến thăm không phải chỉ để mang Mình Thánh Chúa, nhưng còn cho ông thấy cả giáo xứ Thánh Tâm không bỏ quên ông đâu. Họ lo lắng cho ông và ông biết đó là cách cụ thể họ có thể làm cho ông.
Bệnh nhân cần được yêu thương đặc biệt

Những câu truyện thực về bà Jane và ông Doan đều phản ảnh sự đau khổ và cô đơn khi đau yếu hoặc tuổi già.


Hai tình cảnh này có thể làm phát sinh nơi chúng ta cảm nghĩ bị cô lập với thế giới này. Chúng có thể khiến ta lâm vào tình trạng bấn loạn tâm thần. Đôi khi chúng cũng có thể làm cho lòng tin chúng ta nơi Chúa bị suy yếu trầm trọng.
Đức Giê-su chữa lành bệnh nhân

Sách Tin Mừng đầy những câu truyện nói về nỗi lo lắng Đức Giê-su dành cho những bệnh nhân. Chúng ta thử đọc vài truyện.


“Bà mẹ vợ ông Si-mon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Đức Giê-su biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay…
“Người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người… Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ…
“Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.” (Mc 1:30-34,40-42)
Đức Giê-su đã lấy việc lo lắng chăm sóc cho bệnh nhân làm tiêu chuẩn để xét xử nhân loại trong ngày tận thế. Trong dụ ngôn về cuộc Phán xét chung, Đức Giê-su nói:
“Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi… Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn…; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (Mt 25:33-36).
Đức Giê-su đã chia sẻ quyền năng chữa lành của Ngài

Đức Giê-su không chỉ chữa lành bệnh nhân, nhưng Ngài còn chia sẻ quyền năng chữa lành của Ngài cho các môn đệ. Sách Tin Mừng nói về các môn đệ: “Các ông xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6:13).


Cũng vậy, thư thánh Gia-cô-bê Tông đồ cho biết là sau khi Đức Giê-su lên trời, Giáo Hội tiếp tục sử dụng quyền năng chữa lành Ngài đã chia sẻ với họ. Thánh Gia-cô-bê viết: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” (Gc 5:14-15).
XỨC DẦU BỆNH NHÂN

Một cựu chiến binh tham chiến tại Việt Nam hồi phục tại bệnh viện Walter Reed, Hoa-thịnh-đốn. Trong một bức thư gửi cho bạn, anh mô tả kinh nghiệm rất đặc biệt ngay sau khi anh bị trúng hỏa pháo tại chiến trường:


“Không đầy một giây sau khi bị trúng đạn, tôi hoàn toàn cảm thấy đơn độc. Tôi đã nghe người ta nói mà vẫn không tin là thật rằng khi bạn hấp hối thì không còn ai ngoài mình cả. Bạn hoàn toàn cô đơn. Tôi bị thương nặng, rất nặng. Một trái hỏa pháo 4.2 đã nổ sau lưng tôi khoảng ba mét và cắt cụt luôn một chân của tôi, xé nát từ sườn lên tới nách trái, lưng, đầu, hông, gót và mắt cá chân phải đều bị thương. Tôi cảm thấy choáng váng lập tức, nhưng tôi cố chống trả vì biết hễ ngất đi là sẽ không khi nào tỉnh lại được nữa.
“Ba hay bốn người cứu thương cúi xuôáng trên tôi, lay tôi và cố giúp tôi… Tôi ráng cầu nguyện, nhưng không thể làm được. Tôi xin các bạn tôi hãy nói với tôi để giúp tôi tỉnh, nhất là nếu có ai giúp tôi cầu nguyện thì càng tốt. Tôi cảm thấy không còn ai ngoài tôi. Những người chung quanh chỉ có thể nói với tôi. Rồi với tất cả bản tính lì lợm và may mắn (phải nói là quan phòng mới đúng), tôi đã sống để chống đỡ được hai giờ đồng hồ sau khi bị thương.
“Sau khi người ta mang tôi tới trạm cấp cứu, tôi thấy bốn năm người nắn bóp người tôi, khiến tôi mở mắt và có thể nhìn thấy lờ mờ nhữõng gì trước mắt tôi khoảng một nửa mét. Nhưng có một người cúi xuống trên tôi. Tôi không rõ là ai, tuy nhiên tôi nghĩ hình như là vị tuyên úy của tiểu đoàn. Mũi ngài dí sát mũi tôi. Sau khi gặp ngài, tôi bắt đầu lả dần – tôi tưởng đây là phút cuối đời. Khi nói, tôi chỉ có thể thì thào và làm được như vậy là cùng.

“Khi đang lả đi, mắt tôi nhắm lại và tôi nghe linh mục tuyên úy nói: “Anh có ăn năn hối hận về những tội lỗi của mình không?” Với tất cả tàn hơi, tôi thều thào: “Thưa có!” Một giây trước khi ngất đi, tôi cảm thấy dầu trên trán mình. Và một điều gì đó đã xảy ra mà tôi không bao giờ quên, một điều gì trước đây tôi chưa bao giờ thấy trong đời!


“Rất đột ngột, tôi không còn thở hổn hển nữa. Tôi chỉ thấy thật là vui… Tôi cảm thấy dường như vừa nhận một mũi moọc-phin triệu phân khối. Tôi đang ở trên chín tầng mây, nhẹ bẫng khỏi thân xác và tâm trí. Rồi trong vòng mười ngày sau đó tôi đã tỉnh lại ba bốn lần. Tôi đã chẳng sợ chết nữa. Thực ra tôi đã chờ đợi cái chết.”
Lá thư của người lính kia mô tả thật hay về kinh nghiệm của anh khi anh lãnh nhận Bí tích Xức dầu Bệnh nhân.
Giáo Hội tiếp tục sứ vụ chữa lành của Đức Giê-su

Sứ vụ chữa lành của Giáo Hội tiếp tục sứ vụ chữa lành của Đức Giê-su. Bạn hãy nghĩ như sau: như Đức Giê-su đã chữa lành dân chúng trong thời Tin Mừng bằng những hành vi nhân loại của thể xác Ngài thế nào, thì Ngài cũng tiếp tục chữa lành dân chúng hôm nay qua những hành vi bí tích của Giáo Hội là Nhiệm Thể Ngài như vậy.


Đức Giê-su từ bi đã chữa lành dân chúng trong thời Tin Mừng cũng là chính Đức Giê-su đang chữa lành người ta hôm nay. Sự khác biệt duy nhất, đó là phương thức Ngài chữa lành cho họ mà thôi.
Trong thời Tin Mừng, Đức Giê-su đã chữa lành người ta bằng thân xác trần gian của Ngài. Ngài chạm đến họ với bàn tay bằng xương bằng thịt của Ngài. Ngày nay, Đức Giê-su chữa lành người ta bằng Nhiệm Thể là Giáo Hội. Ngài chạm đến họ qua bàn tay của linh mục. Và khi linh mục làm như vậy, người ta cảm thấy cùng một việc chữa lành mà những người thời Tin Mừng đã cảm nghiệm.
Thí dụ, một số người cảm thấy được chữa lành toàn diện hoặc một phần thể xác như kinh nghiệm của người cựu chiến binh Hoa-kỳ đã tham chiến tại Việt-Nam.
Những người khác cảm nghiệm được chữa lành tinh thần khiến họ được bình an, giống như sự bình an người lính đã được.
Có người lại cảm nghiệm sự chữa lành thiêng liêng trong linh hồn giúp họ nhận biết tình yêu và tha thứ của Chúa, tựa như sự tha thứ mà người lính đã lãnh nhận.
Sự chữa lành do Bí tích kỳ diệu này không hẳn luôn luôn phải là chữa lành thể xác. Thực ra hiệu quả rõ rệt nhất có lẽ không phải là chữa lành thể xác mà là tinh thần và thiêng liêng.
PHỤNG VỤ BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

Cha Giu-se được mời đến một bệnh viện tại Los Angeles để xức dầu cho một bà cụ tên là Gladys. Bà bị bất tỉnh và xem chừng không còn sống được. Cha đến gặp bà tại phòng bệnh bà chung với một bệnh nhân khác. Cha cũng gặp tám người thân thuộc trong gia đình bà. Ngài mời gia đình quây quần chung quanh giường bệnh và đặt tay trên bà đang khi ngài cử hành Phụng vụ Bí tích Xức dầu Bệnh nhân.


Sau khi xức dầu cho bà Gladys, bà bệnh nhân bên cạnh quá cảm động nên cũng xin được xức dầu. Thì ra bà ấy cũng là người Công giáo, nhưng đã không sống đạo từ nhiều năm rồi.
Bà Gladys tiếp tục hồi phục sau cơn hôn mê và được bình phục hoàn toàn.
Câu truyện trên cho thấy hai điểm quan trọng về Bí tích Xức dầu Bệnh nhân.
Chữa lành là một hành động của Giáo Hội
Trước hết, Bí tích Xức dầu Bệnh nhân không phải là một hành vi riêng tư giữa linh mục với bệnh nhân. Nhưng đó là một hành vi công cộng, liên hệ tới toàn thể cộng đồng Giáo Hội Nhiệm Thể Chúa Ki-tô. Vì như thánh Phao-lô nói: “Không có chia rẽ trong thân thể… Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau” (1 Cr 12:25-26).
Nói khác đi, Nhiệm Thể Chúa Ki-tô cũng giống như thân thể con người. Nếu một phần tử bị thương tích, hoạt động của toàn thân cũng chịu ảnh hưởng chứ không riêng phần tử ấy.
Điều này đưa chúng ta sang điểm thứ hai.
Ai có thể được lãnh nhận Bí tích?

Bà Gladys đã lãnh nhận Bí tích Xức dầu Bệnh nhân trong lúc bất tỉnh. Điều này cho chúng ta ý niệm sau: nếu chúng ta thường lãnh nhận những bí tích khác đang khi sống thì chúng ta không thể bị từ chối lãnh nhận Bí tích Xức dầu Bệnh nhân, ngay cả lúc chúng ta bất tỉnh hoặc lẫn lộn do thuốc thang, đau yếu hoặc tuổi già.


Có thể một ít người sẽ ngạc nhiên khi thấy một người không Công Giáo nhưng đã được rửa tội cũng xin lãnh nhận Bí tích Xức dầu Bệnh nhân, miễn là họ xin lãnh nhận và tin Chúa Ki-tô hành động qua bí tích ấy.
Thường thường những người lãnh nhận Bí tích Xức dầu Bệnh nhân là những người sau đây:
- những ai đau đớn vì một cơn bệnh nặng,

- những ai đau đớn vì quá yếu mệt do tuổi già,

- những ai đã được xức dầu, nhưng đau lại do một cơn bệnh khác hoặc chính cơn bệnh ấy trở nên nặng hơn,

- những ai sắp bị giải phẫu vì một cơn bệnh trầm trọng,

- các em nhỏ đau nặng và đã đủ tuổi khôn để hiểu và đáp lại bí tích với lòng tin.
Một tài liệu hướng dẫn của các Giám mục Hoa-kỳ định nghĩa sự đau yếu theo nghĩa rất rộng, tức là bất cứ sự đau yếu nào thuộc thể xác, cảm xúc hoặc tinh thần có ảnh hưởng trên đức tin của một người. Nếu không rõ có nên xin xức dầu cho một người hay không thì hãy hỏi ý kiến linh mục. Nhưng tốt hơn cả là chính đương sự nên quyết định lấy. Câu hỏi thật giản dị: Tình trạng của người đau yếu đã tới lúc họ cần sự chữa lành của Đức Ki-tô và lời cầu nguyện chữa lành của Giáo Hội chưa?
Điều này đưa chúng ta tới việc ban hành bí tích.
Ban hành Bí tích gồm có ba bước

Bí tích Xức dầu Bệnh nhân được ban tại tư gia hay tại bệnh viện. Tuy nhiên, nếu tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cho phép, thì nơi lý tưởng nhất vẫn là nhà thờ giáo xứ và trong một “Thánh lễ chữa lành” quy tụ mọi người đau yếu trong cộng đoàn để lãnh nhận bí tích. Nghi thức gồm có ba bước.


Trước hết, linh mục bắt đầu, chào đón bệnh nhân và những người có mặt. Sau đó là một ít lời nguyện và một đoạn Kinh Thánh.
Tiếp theo, linh mục đặt tay trên người đau yếu và thinh lặng cầu nguyện. Nếu thấy thích hợp, chủ sự có thể mời tất cả những người hiện diện cũng làm như ngài. Cử chỉ đặt tay trên một người cũng là cử chỉ Đức Giê-su đã làm khi Ngài chữa kẻ đau yếu (Mc 6:5).
Thứ ba, linh mục lấy dầu thánh, đọc lời tạ ơn và xức dầu trên trán bệnh nhân đang khi ngài nói: “Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ con.” Đáp lại, bệnh nhân thưa: “A-men.”
Rồi linh mục xức dầu trên hai bàn tay bệnh nhân, ngài nói: “Xin Chúa giải thoát con khỏi mọi tội lỗi, và thương làm cho con thuyên giảm.” Bệnh nhân lại thưa: “A-men.”
Như đã nói ở trên, Đức Giê-su và các môn đệ thường xức dầu cho những người đau yếu (Ga 9:11; Mc 6:13).
Nghi thức kết thúc với việc mọi người hiện diện cùng đọc kinh Lạy Cha và chủ sự ban phép lành cho những người hiện diện.
Nếu bệnh nhân muốn lãnh nhận Bí tích Hòa giải thì linh mục thường giải tội cho họ trước khi cử hành Bí tích Xức dầu Bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân được xức dầu ngoài Thánh lễ và muốn rước lễ thì linh mục cho họ rước Mình Thánh Chúa sau khi cùng đọc kinh Lạy Cha.
ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

1. Đức Giê-su chữa lành người ta. Mác-cô 1:29-2:12

2. Đức Giê-su chia sẻ quyền năng chữa lành. Lu-ca 10:1-9

3. Các môn đệ Chúa chữa lành người ta. Lu-ca 10:17-24

4. Giáo Hội sơ khai chữa lành kẻ yếu đau. Công Vụ Tông Đồ 5:12-16

5. Hãy đến với Giáo Hội để được chữa lành. Gia-cô-bê 5:13-20



THẢO LUẬN

1. Đức Giê-su đã lo lắng cho những người đau yếu như thế nào?


2. Sau khi Đức Giê-su lên trời, Giáo Hội Ngài tiếp tục sứ vụ chữa lành thế nào?
3. Tại sao nên có những người khác hiện diện khi cử hành Bí tích Xức dầu Bệnh nhân?
4. Bí tích Xức dầu Bệnh nhân được cử hành như thế nào?
CHIA SẺ
1. Giải thích những tư tưởng sau đây:
- “Con cảm tạ Chúa đã cho con đôi mắt để nhìn. Con cũng cảm tạ Chúa về sự mù lòa của con, nhờ đó con thấy con rõ hơn.” (Old Lodgeskins trong phim Little Big Man)

- “Ai chưa từng nếm ưu phiền

Ai chưa từng sống trong miền tối tăm

Chưa từng khóc lóc vãn than

Thì chưa biết Đấng trên ngàn mây xanh.” (Johann Wolfang von Goethe)
2. Thánh Phao-lô viết: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì ích lợi cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1:24). Thánh Phao-lô muốn nói gì? Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người đau yếu đóng góp vào Giáo Hội bằng những đau khổ của họ như thế nào?
3. Sự đau yếu còn gây thêm nhiều điều khác ngoài đau đớn thể xác. Nó khiến bệnh nhân phải lệ thuộc vào người khác ngay trong những nhu cầu căn bản nhất. Hậu quả là gì? Chán nản. Sự thông đạt không còn nữa. Cảm thấy mọi người, kể cả Chúa, bỏ rơi mình. Bí tích Xức dầu Bệnh nhân nhắm đến toàn diện tình trạng này. Bí tích giúp tất cả con người thắng vượt những trở ngại ngăn chặn ân sủng và ơn cứu chuộc do sự đau yếu gây nên. Bạn hãy nhớ lại một cơn bệnh nặng bạn hoặc người thân của bạn đã chịu và hãy chia sẻ những hậu quả nó gây nên cho bạn.
4. Nhớ lại lần nào đó bạn đã được xức dầu hoặc bạn đã hiện diện trong một buổi xức dầu cho bệnh nhân. Lần ấy có ảnh hưởng gì đối với bạn?


Bài 25

BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:


1. Một điều tôi ngưỡng mộ đối với đời sống hôn nhân của cha mẹ tôi là…
2. Một kỷ niệm đáng nhớ của gia đình tôi là…
NHU CẦU TÌNH YÊU
Trong cuốn phim Bóng chim diều hâu (Shadow of the Hawk), một cặp vợ chồng trẻ và một hướng dẫn viên người Da đỏ đang trèo lên một sườn núi. Có một lúc người đàn bà trẻ quỵ xuống đất và nói: “Tôi hết đi nổi rồi.” Chàng thanh niên đỡ cô đứng dậy và nói: “Nhưng em à, mình phải tiếp tục đi. Mình không có lựa chọn nào khác nữa.” Nàng lắc đầu: “Không, em không đi được nữa.” Lúc ấy người Da đỏ hướng dẫn bảo anh: “Cậu hãy ôm sát cô ấy. Hãy để cho sức mạnh và tình yêu từ người của cậu tỏa sang người của cô ấy.” Chàng làm theo như vậy và chỉ trong ít phút cô mỉm cười và nói: “Bây giờ thì được rồi. Em có thể đi tiếp.”
Chúng ta tất cả đều thấy câu truyện đó có thể áp dụng cho mình. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng nghĩ rằng mình không thể tiếp tục tiến tới được nữa. Rồi một người nào đó đã ôm chúng ta sát lòng họ và để cho tình yêu cùng sức mạnh của họ thấm sang thân thể chúng ta.
Tình yêu là sức mạnh lớn lao nhất trên đời

Quyền lực mạnh mẽ nhất trên đời này là tình yêu. Thần học gia Teilhard de Chardin đã nghĩ như vậy khi cha viết: “Một ngày nào đó, sau khi làm chủ được gió, sóng biển, thủy triều và trọng lực, thì chúng ta sẽ khai thác cho Thiên Chúa những năng lực của tình yêu, và lúc ấy cũng là lần thứ hai trong lịch sử nhân loại chúng ta khám phá ra lửa.”


Việc khám phá ra lửa 80,000 năm trước đây đã cứu nhân loại khỏi nạn tuyệt chủng. Khám phá này đã gợi ý cho Jean-Jacques Arnaud thực hiện cuốn phim Tìm lửa (Quest for Fire). Cuốn phim này diễn lại việc tìm ra lửa và nuôi ngọn lửa đã cứu nhân loại khỏi bị hủy diệt như thế nào.
Cũng như nhiều người hôm nay, cha Teilhard de Chardin đã lo lắng nhân loại có thể lại rơi vào nguy cơ diệt vong. Lần này thì không phải vì không có lửa, mà là thiếu vắng một điều cơ bản hơn cả lửa, đó là tình yêu. Sức mạnh của hạch nhân và việc con người mất khả năng yêu thương nhau chính là nguyên nhân đe dọa sự sinh tồn trên mặt đất này.
Nếu chúng ta không tái khám phá tình yêu và nuôi dưỡng năng lực của nó, thì chúng ta khó mà qua khỏi một thế kỷ nữa. Nhiều người băn khoăn tự hỏi: Liệu có ai trong tương lai sẽ làm một cuốn phim gọi là Tìm tình yêu (Quest for Love) để mừng việc khám phá ra tình yêu mà cứu vớt nhân loại không?
Đức Giê-su đã lấy tình yêu làm tâm điểm của giáo huấn
Nếu chúng ta phải chọn một lời để tóm tắt tất cả giáo huâán của Đức Giê-su, thì đó phải là tình yêu. Đức Giê-su nói: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12).
Tình yêu là sức mạnh duy nhất có thể cứu rôãi nhân loại và biến đổi thế giới. Đó là sức mạnh duy nhất có thể đổi ngược “sóng triều của sự dữ” mà tội của A-đam đã làm dâng lên. Chúng ta thử lấy một thí dụ đơn sơ để giải thích sức mạnh của tình yêu thắng điều dữ. Một phụ nữ sắp sửa bước lên một xe buýt đông người. Bất chợt một người đàn ông chen lên xe trước bà và suýt làm cho bà té xuống vỉa hè. Người đàn bà nói với giọng thực mỉa mai: “Xin ông thứ lỗi vì tôi đã chắn lối ông!” Người đàn ông khựng lại sau câu nói của bà ta và ông nói với giọng thành thực thực sự: “Tôi xin lỗi bà! Tôi thật hết sức vô ý tứ! Không hiểu đầu óc tôi đang nghĩ gì đâu đâu. Tôi thật đáng trách.”
Bây giờ đến lượt người đàn bà khựng lại. Ông ta đã đáp lại, không nghĩ câu nói của bà là mỉa mai nhưng là thật lòng. Trong khoảnh khắc ông ta đã thay đổi hẳn. Thế rồi những gì đã xảy ra khiến cho bà cũng thay đổi. Tình yêu có sức mạnh khủng khiếp. Nó có thể thắng vượt sự dữ. Nó có thể chặn đứng ngọn sóng sự dữ trong thế giới này và biến đổi thành ngọn triều sự thiện (Rm 12:21).
Mọi người đều được mời gọi sống tình yêu. Cuộc sống chúng ta trên trần gian này sẽ không bị xét xử theo danh vọng hoặc tiền tài chúng ta đạt được, nhưng được đánh giá trị theo tình yêu chúng ta đã sống. Mẹ Tê-rê-xa Calcuta đã nói: “Vào giờ chết khi đến trước mặt Chúa, chúng ta sẽ chịu xét xử về tình yêu; không phải chúng ta đã làm được bao nhiêu, nhưng là chúng ta đã làm với bao nhiêu tình yêu.”
Đức Giê-su đã chúc phúc cho một thứ tình yêu đặc biệt
Có nhiều quan hệ tình yêu: cha mẹ và con cái, vợ chồng, ông bà và các cháu, anh em chị em, bạn bè cùng phái hoặc khác phái. Đây chỉ là một số trong những quan hệ yêu thương giữa con người. Tuy nhiên, có một mối quan hệ yêu thương đứng trên tất cả những quan hệ khác. Quan hệ này là quan hệ duy nhất đã được Đức Giê-su chúc phúc và nâng lên hàng Bí tích. Đó là quan hệ yêu thương giữa người nam và người nữ trong hôn nhân.
BÍ TÍCH CỦA TÌNH YÊU
Hôn nhân là một “biến cố ân sủng” nhờ đó Thiên Chúa kết hợp đời sống của một người nam và một người nữ một cách chặt chẽ đến nỗi họ trở nên “một xương một thịt” (Mc 10:8).
Đó là một “biến cố ân sủng” Thiên Chúa sử dụng mà hòa nhập thân phận của hai người với nhau, đến nỗi muốn được cứu rỗi đời đời thì họ phải giúp nhau làm sao trở nên con người Chúa muốn tạo của dựng.
Hôn nhân là một giao ước

Hôn nhân còn hơn cả khế ước. Một khế ước chỉ gồm những từ ngữ nói về thỏa thuận trước với nhau. Nó kê khai những gì hai bên muốn. Còn giao ước là một thề hứa cả hai người quyết tâm trung thành với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian gian, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe. Giao ước không kê khai những gì phải làm. Nó hoàn toàn mở rộng.


Hôn nhân Ki-tô giáo là một biểu lộ tình yêu vô điều kiện đểø hai người đồng ý chia sẻ cùng một mái nhà, một bàn ăn, một giường ngủ, cùng khổ đau, cùng niềm vui, cùng ước mơ, cho đến hết đời.
Vì hôn nhân Ki-tô giáo phải đạt tới mức độ yêu thương cao cả ấy cho nên thánh Phao-lô mới so sánh nó với tình yêu Chúa Ki-tô yêu Hội Thánh Ngài (Ep 5:25).
Hôn nhân có hai mục đích

Mục đích của hôn nhân gồm hai điều: lớn lên trong tình yêu thương nhau và yêu mến Chúa, và cộng tác với Chúa trong việc tạo nên sự sống mới.


Cả hai mục đích này đều nói lên rằng hai vợ chồng cam kết vĩnh viễn sẽ hiến thân cho nhau vô điều kiện.
Rõ ràng Giáo Hội Công giáo rất coi trọng lời hứa hôn nhân. Tình yêu vợ chồng và lòng chung thủy tạo nên môi trường sôáng để con cái họ sẽ sinh ra và được lớn lên thành Ki-tô hữu có trách nhiệm.
Nói gì về ly dị?
Giáo Hội Công giáo từ nhiều thế kỷ đã dạy rằng đối với Ki-tô hữu không thể có ly dị và tái hôn. Giáo Hội trân trọng lời của Đức Giê-su: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10:9).
Giáo Hội cho phép cặp vợ chồng ly thân hoặc ly dị mà không tái hôn, nhưng chỉ khi nào có lý do chính đáng. Chỉ được tái hôn khi một trong hai người đã chết, hoặc khi đơn xin Giáo Hội phán quyết hôn nhân bất thành đã được chấp thuận.
Thế nào là phán quyết hôn nhân bất thành?

Phán quyết hôn nhân bất thành không có nghĩa là giải tiêu hôn phối. Nhưng là phán quyết của Giáo Hội khẳng định rằng những gì người ta cho là hôn nhân giữa hai người thì thực ra đã không phải là hôn nhân ngay từ lúc ban đầu.


Một phán quyết hôn nhân bất thành được ban hành khi người ta có thể chứng minh rằng có một khuyết điểm làm cho hôn nhân ấy không thành sự ngay từ ban đầu, mặc dù có những hình thức bề ngoài cũng như lòng ngay của hai người. Một số lý do để phán quyết hôn nhân bất thành là:
- Thiếu sự trưởng thành để kết hôn,

- Kết hôn vì sợ hãi hoặc vì áp lực,

- Giả vờ ưng thuận trong nghi thức hôn phối,

- Giấu diếm một khuyết tật quan hệ của mình để cho người kia ưng thuận kết hôn với mình.


Những người Công giáo ly dị mà tái hôn thì phạm tội nặng nề, đó cũng là điều Giáo Hội vẫn quan tâm. Đối với Giáo Hội, họ vẫn còn bị ràng buộc với người phối ngẫu trước. Họ được thúc giục tham gia việc thờ phượng cùng với cộng đồng Công giáo, nhưng không được rước lễ.
Những người Công giáo ly dị hãy hội ý với một linh mục để xem có đủ lý do để xin phán quyết hôn nhân trước của mình bất thành hay không.
Một cặp vợ chồng Công giáo kết hôn ngoài Giáo Hội mà muốn trở về thông hiệp hoàn toàn với Giáo Hội thì phải xin một linh mục giúp hợp thức hóa hôn phối của họ bằng một nghi thức đơn giản.
HÔN NHÂN GIỮA HAI NGƯỜI KHÁC ĐẠO

Mọi tôn giáo đều nhận thấy hôn nhân giữa hai người khác đạo là một điều trầm trọng. Hôn nhân khác đạo chỉ nên có sau khi đã suy nghĩ chín chắn, thảo luận đàng hoàng, và cầu nguyện xin ơn soi sáng. Có nhiều vấn đề cần phải giải quyết trước khi kết hôn.


Người Công giáo có những điều buộc phải giữ

Trong hôn nhân khác đạo, phía Công giáo phải xác nhận mình cam kết sống đức tin Công giáo và cam kết cho con cái được chia sẻ đức tin ấy. Phía bên kia cũng phải tôn trọng những cam kết ấy, nhưng không cần phải ký giấy tờ gì cả.


Nếu mỗi bên đều khăng khăng với truyền thống tôn giáo của mình và dạy dỗ con cái theo truyêàn thống đó, thì sẽ gây ra những trục trặc không thể giải quyết nổi. Hai người có thể bàn hỏi với người cố vấn để xét xem việc tiến tới hôn nhân có thích hợp hay không.
Hôn phối khác đạo được cử hành tại đâu?

Một cuộc hôn phối khác đạo có thể cử hành tại nhà thờ Công giáo hoặc nơi thờ phượng của phía bên kia.


Vì hai người kết hôn sẽ bàn hỏi với nhau về hôn lễ (trao lời hứa hôn nhân là căn bản của bí tích), nên linh mục hay một phó tế, hoặc một ráp-bi hay mục sư (với phép chuâån của Giáo Hội Công giáo ban cho phía Công giáo) đều có thể chứng hôn. Khi một linh mục chứng hôn trong Thánh lễ, thì việc trao đổi lời hứa hôn nhân sẽ được làm sau bài giảng.
CHUẨN BỊ HÔN NHÂN

Một khi hai người đã quyết định kết hôn thì họ phải liên lạc với linh mục giáo xứ mình sớm hết sức có thể, bởi vì một số giáo phận đòi hỏi thời gian chuẩn bị tối thiểu là sáu tháng. Việc chuẩn bị gồm có:


- Cuộc phỏng vấn do linh mục hay phó tế,

- Nộp giấy chứng thư Rửa tội, Rước lễ lần đầu và Thêm sức,

- Chuẩn bị cá nhân và chuẩn bị phụng vụ lễ hôn phối.
Hai người được phỏng vấn

Cộng đồng Công giáo rất lo lắng cho chúng ta và muốn giúp chúng ta hết sức có thể. Vậy cuộc phỏng vấn là nhắm mục đích ấy.


Hai người phải có chứng thư Rửa tội
Chứng thư Rửa tội nói lên căn tính Công giáo. Có thể xin chứng thư ấy bằng cách gọi điện thoại hoặc liên lạc với giáo xứ nơi mình đã được rửa tội.
Hai người làm công việc chuẩn bị

Hôn nhân là một trong những bước quan trọng nhất trong đời chúng ta. Do đó, chunùn ta phải chuẩn bị hôn nhân về mặt thiêng liêng, phụng vụ và tâm lý. Hầu hết các giáo phận đều có những chương trình chuẩn bị khác nhau như Pre-Cana, Đính Hôn Hội Ngộ…


NĂNG ĐỘNG CỦA HÔN NHÂN
Người ta thường coi là hôn nhân trải qua một tiến trình bốn giai đoạn. Đôi bạn cần phải ý thức điều ấy.
Đôi bạn bắt đầu yêu nhau

Trước hết có một giai đoạn “quyến rũ.” Hai người cảm thấy bị lôi cuốn đến với nhau. Sự lôi cuốn này tăng triển về thể lý, xúc cảm, lý trí và thiêng liêng. Cuối cùng sự lôi cuốn ấy nở thành hoa hôn nhân.


Đôi bạn phối hợp tình yêu với cuộc sống

Tiếp đến là giai đoạn “hợp nhất hóa.” Sau khi kết hôn, đôi bạn bắt đầu một tiến trình đem tính cách mới mẻ và khích động của tình yêu để hợp nhất với cái tầm thường của cuộc sống hằng ngày.


Thách đố của giai đoạn này là làm sao giữ những gì thường ngày khỏi trở thành thói quen và giữ những thói quen ấy khỏi trở nên nhàm chán. Nguy hiểm của giai đoạn này là một hoặc cả hai bắt đầu sử dụng mối quan hệ giữa hai người mà không cần biết ơn, hoặc dùng làm bình phong để làm những chuyện khác.
Đôi bạn đối phó với khủng hoảng

Thứ ba, thường có một giai đoạn “khủng hoảng.” Khủng hoảng bắt đầu khi một hoặc cả hai không đối phó nổi giai đoạn hai hoặc bị nguy cơ của giai đoạn ấy khống chế. Kết cuộc là quan hệ trôi theo dòng nước lũ. “Cục cưng” bỗng trở thành “gánh nặng.” Những gì xưa kia không nhận thấy hoặc không cần biêát thì bây giờ trở thành những thùng dầu đổ vào lửa xung khắc.


Thách đố trong giai đoạn này là làm sao biến những xung khắc kia thành những điều xây dựng. Nguy hiểm thực sự trong giai đoạn này là cố tìm đủ cách để né tránh hoặc đè nén mọi xung khắc. Khi đôi bạn né tránh xung khắc thì việc cảm thông sẽ đổ vỡ và càng nuôi thêm những giận hờn.
Chỉ khi nào thẳng thắn đối diện với những khác biệt và xét chúng với tinh thần xây dựng (đôi khi cần sự giúp đỡ của cố vấn hôn nhân), thì quan hệ vợ chồng mới có thể tiến sang giai đoạn chót là giai đoạn “trưởng thành.”
Đôi bạn trưởng thành trong tình yêu

Giai đoạn thứ tư đẹp nhất và an ủi nhất. Nói về giai đoạn này, Andrew Greeley viết: “Một học giả tôi quen biết đã gọi mối quan hệ sôi nổi của con người vào lúc này là ‘chiều kích cao su.’ Hai ngươiø tình tách xa nhau, dĩ nhiên thường là mỗi người một ngả. Nhưng sức mạnh tồn đọng của sự âu yếm nơi hai người thường cũng đủ mạnh để đem họ trở lại với nhau. Lọng cọng, vụng về và ngớ ngẩn, họ lao vào vòng tay của nhau, tha thứ cho nhau và lại bắt đầu nở rộ một tình yêu mới.”


TÌNH YÊU TRƯỞNG THÀNH

Để có một kết luận thích hợp cho bài này, chúng ta lập lại lời thánh Phao-lô mô tả tình yêu trưởng thành như sau:


“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
“Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.
“Đức mến không bao giờ mất được.” (1 Cr 13:4-8)
ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH
1. Câu truyện tình yêu. Rút 1:1-4:22

2. Bài ca tình yêu. Diễm Ca 1-8

3. Người vợ đảm đang. Châm Ngôn 31:10-31

4. Quà cưới. Gio-an 2:1-12

5. Tình tuyệt vời. 1 Gio-an 4:7-12
THẢO LUẬN

1. Đâu là quan điểm của Giáo Hội về vấn đề ly thân? Về ly dị có tái hôn?


2. Cộng đồng Giáo Hội đối xử thế nào với những người kết hôn ngoài Giáo Hội nhưng vẫn muốn được chia sẻ việc thờ phượng?
3. Thảo luận một số lý do thực tế tại sao không nên kết hôn với người khác đạo.
CHIA SẺ

1. Trong cuốn Tái sinh (Born Again), Charles Colson, một phụ tá cao cấp của tổng thống Nixon bị kết án trong vụ Watergate, đã nói với vợ ông là bà Patty: “Trong mười năm kết hôn với nhau, anh nhận thấy là chúng mình đã chẳng bao giờ thảo luận với nhau về… Thiên Chúa và đức tin trong lòng mỗi người.” Còn bạn, bạn có thảo luận với nhau về những điều ấy không và tới mức độ nào? Với con cái bạn?


2. Hà và Tuấn lấy nhau đã hai mươi sáu năm. Họ có sáu người con và một đứa cháu nội. Trong một cuộc phỏng vấn, Tuấn trả lời: “Chúng tôi đã cùng cầu nguyện với nhau suốt đời. Chúng tôi bắt đầu cầu nguyện như vậy từ đêm tân hôn. Tôi nghĩ là chúng tôi đã theo gương gia đình của Hà. Mỗi buổi tối gia đình nàng cùng nhau cầu nguyện.” Tại sao bạn đã/đã không bắt đầu làm như thế?
3. Hôn nhân của bạn có đi theo tiến trình bốn giai đoạn được trình bày trong bài không? Nếu có thì điều gì đã giúp bạn thắng vượt được giai đoạn “khủng hoảng”?
4. Một cặp vợ chồng trẻ tới xin bạn một lời khuyên, bạn sẽ nói gì?
----------------------------------------------------------

Bài 26

BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:

1. Một công tác phục vụ cộng đồng hoặc một sinh hoạt của Giáo Hội rất thoải mái mà tôi đã tham gia, đó là...
2. Một lý do tại sao ngày nay thiếu linh mục, tôi nghĩ đó là...
LỜI KÊU MỜI THAM GIA THỪA TÁC VỤ KI-TÔ

Bác sĩ Tom Dooley đã có trong đầu hình ảnh về thế giới thập niên 1950. Vừa tốt nghiệp trường y khoa, ông xin gia nhập hải quân với tính cách là một bác sĩ.


Giờ phút quan trọng nhất trong cuộc đời của Dooley là một buổi chiều tháng bảy ở ngoài khơi bờ biển Việt-Nam. Đó là lúc con tàu của ông tiếp cứu một ngàn đồng bào di cư đang trôi dạt trên một chiếc thuyền. Nhiều người bị bệnh tật và ốm đau. Vì Dooley là bác sĩ duy nhất trên tàu, nên ông phải lãnh trách nhiệm điều trị cho họ.
Thực là một công việc quá nặng nhọc, nhưng nó dạy cho ông biết chỉ một chút thuốc men cũng có thể cứu giúp người ta. Nó cũng dạy cho ông biết rằng cứu giúp người đang bị thiếu thốn đã làm cho ông hạnh phúc như chưa từng thấy trên đời.
Kinh nghiệm ấy đã thay đổi cuộc đời của Dooley vĩnh viễn. Sau khi mãn hạn hải quân, ông đã trở lại vùng rừng núi Á-châu và thiết lập một bệnh viện nhỏ để phục vụ người nghèo.
Một trong những đoạn Kinh Thánh mà Dooley thích nhất, đó là “Phúc thay ai sầu khổ” (Mt 5:4). Giải thích tại sao, ông nói: “Sầu khổ là biết ý thức nỗi đau buồn của thế giới hơn là sự vui thú. Nếu bạn thật nhạy cảm trước đau buồn thì bạn hãy làm một điều gì đó, nhỏ bé cũng được, miễn là giúp cho tình huống sáng sủa hơn. Bạn sẽ thấy hạnh phúc vô cùng. Sống là như vậy đó.”
Tom Dooley đã khám phá ra sự mãn nguyện sâu xa có được là do phục vụ những người thiếu thốn. Ông đã tìm thấy niềm vui của thừa tác vụ.
Thừa tác vụ là gì?

Từ thừa tác vụ có nghĩa là “phục vụ.” Thừa tác vụ Ki-tô có nghĩa là bắt chước Đức Ki-tô, Đấng đã phán: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10:45).

Thừa tác vụ Ki-tô nghĩa là đi theo bước chân của Đức Giê-su, bắt chước Ngài phục vụ tha nhân và tiếp tục công việc Ngài đã khởi sự. Đó là thi hành sứ mệnh rao giảng và xây dựng vương quốc Ngài trên trần gian (Mt 28:16-20).
Chúng ta được kêu gọi lãnh nhận thừa tác vụ
Thừa tác vụ Ki-tô không phải là một chọn lựa. Nhưng đó là một trách nhiệm (Mt 28:16-20; 25:31-46). Qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, tất cả chúng ta được kêu gọi lãnh nhận thừa tác vụ.
Để chuẩn bị cho chúng ta thi hành trách vụ này, Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người chúng ta những ân sủng đặc biệt. Bàn về những ân sủng này, thánh Phao-lô nói:
“Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy... Kẻ thì được Thần Khí ban cho những đặc sủng để chữa bệnh... Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách” (1 Cr 12:7-9.11).
Do đó, mọi người Công giáo đều được kêu gọi và được ban ân sủng để thi hành thừa tác vụ Ki-tô. Mọi người Công giáo có trách nhiệm phải rao giảng và xây dựng Nhiệm Thể Chúa Ki-tô một cách thực tiễn – như làm cha mẹ Công giáo tại gia đình, đọc Sách Thánh trong Thánh lễ, hoặc sống những giáo huấn của Chúa Giê-su trong nơi mình làm việc.
ĐƯỢC KÊU GỌI LÃNH NHẬN THỪA TÁC VỤ DO CHỨC THÁNH

Cùng với lời gọi chung lãnh nhận thừa tác vụ dành cho mọi người, cũng có lời gọi đặc biệt chỉ dành cho một ít người thôi. Đó là lời gọi lãnh nhận thừa tác vụ do chức thánh, tức là lời gọi hãy lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh.


Từ “Chức thánh” (Holy Orders) lấy từ Thư gửi tín hữu Do-thái, trong đó chúng ta đọc thấy câu “Muôn thuở, con là Thượng Tế theo phẩm trật (order) Men-ki-xê-đê” (Dt 5:6).
Tân Ước sử dụng ba từ Hy-lạp để nói đến những thừa tác vụ do chức thánh:
* episcopoi (Cv 20:28),

* presbyteroi (Cv 14:23),

* diakonoi (Cv 6:1-6).
Do những từ Hy-lạp này, chúng ta có những từ Anh ngữ như episcopate (chức giám mục), presbyterate (linh mục), diaconate (phó tế).
Việc truyền chức trao cho giám mục, linh mục và phó tế quyền và trách nhiệm thi hành việc mục vụ trong Giáo Hội.
THỪA TÁC VỤ CỦA GIÁM MỤC

Giám mục là những vị trực tiếp kế vị các Tông đồ. Việc truyền chức trao cho các ngài vai trò lãnh đạo trong tác vụ giảng dạy, hành động và thờ phượng mà Đức Giê-su đã để lại cho Giáo Hội. Bí tích Truyền chức thánh ban cho các ngài quyền bính và trách nhiệm để:


* chăn dắt đoàn chiên của Đức Giê-su,

* hướng dẫn họ trong việc phụng tự và phục vụ, và

* dạy dỗ họ theo đường lối ơn cứu rỗi.

Các giám mục chia sẻ trách nhiệm này theo tính cách cá nhân cũng như tập đoàn.


Giám mục Rô-ma là vị thủ lãnh

Vai trò lãnh đạo giữa các Tông đồ đã được Phê-rô nắm giữ và thi hành. Sau đây là một số ví dụ cho thấy Phê-rô:


* đứng đầu danh sách Tông đồ (Lc 6:14, vv.),

* hành động như phát ngôn viên (Cv 2-5),

* giữ chìa khóa (nước Trời) (Mt 16:19),

* chữa lành nhiều người (Cv 3:7; 5:15),

* chỉ dạy những người lãnh đạo (Gl 1:18).
Phê-rô nắm giữ vai trò lãnh đạo đặc biệt giữa các Tông đồ thế nào, thì người kế vị ngài là giám mục Rô-ma cũng nắm giữ vai trò lãnh đạo đặc biệt giữa các giám mục như vậy. Vai trò đặc biệt này đã khiến cho Ki-tô hữu thế kỷ mười một gọi giám mục Rô-ma bằng một danh xưng độc đáo: giáo hoàng, papa, pope, nghĩa là “cha của những người cha.” Kể từ đó, Ki-tô hữu tiếp tục gọi ngài với danh xưng ấy.
Một trong những trách nhiệm nòng cốt là giáo huấn

Đang khi còn tại thế, Đức Giê-su hứa với các môn đệ Ngài là Chúa Thánh Thần, Đấng Ngài sẽ sai đến (Ga 15:26), sẽ dẫn họ “tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13). Truyền thống Công giáo trân trọng lời hứa này như ân sủng vĩ đại nhất Đức Giê-su ban cho Giáo Hội.


Lời hứa này bảo đảm với chúng ta rằng trong một thế giới đầy nghi ngờ và hỗn độn, Giáo Hội được Chúa ban một hồng ân đặc biệt (đặc sủng) để làm “thầy dạy và mục tử của mọi Ki-tô hữu.” Lời hứa ấy giúp chúng ta vững tâm vì giữa những tiếng nói đối nghịch và sai lầm của thời đại, Giáo Hội của Đức Giê-su vẫn được Chúa trợ giúp để nói lên tiếng nói với tất cả quyền bính của Thiên Chúa. Lời hứa ấy cũng bảo đảm là Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt Giáo Hội khi các tín hữu, cá nhân cũng như tập thể, cố gắng “mặc lấy” tâm tình của Đức Giê-su và bước theo sát với Ngài giữa thế giới hôm nay.
Một khía cạnh của giáo huấn, đó là ơn bất khả ngộ (không thể sai lầm)
Một khía cạnh của đặc sủng mục vụ trong Giáo Hội, đó là điều truyền thống Công giáo gọi là ơn bất khả ngộ. Nói cách cụ thể, ơn đó có nghĩa là khi Giáo Hội dạy dỗ với tất cả quyền bính Đức Giê-su ban cho (Mt 16:18-19), thì Chúa Thánh Thần sẽ gìn giữ Giáo Hội để khỏi xa rời những giáo huấn của Đức Giê-su, trong những vấn đề liên quan tới sự cứu rỗi (đức tin và luân lý). (Chúng ta sẽ bàn thêm về vấn đề này trong chương (bài) 29, “Quyết định luân lý”).
THỪA TÁC VỤ CỦA LINH MỤC

Khi Giáo Hội sơ khai đã phát triển thêm đông đảo thì giám mục không thể nào một mình phục vụ tất cả mọi người được nữa. Do đó, ngài truyền chức cho những người phụ tá để họ giúp ngài. Được gọi là các kỳ lão (linh mục), họ được trao trách nhiệm coi sóc những đơn vị nhỏ hơn (các giáo xứ) thuộc lãnh địa do giám mục đảm trách. Từ đó, linh mục coi giáo xứ đã trở thành thừa tác viên được truyền chức mà chúng ta thấy quen thuộc nhất.


Nhờ Bí tích Truyền chức thánh, linh mục lãnh nhận việc chia sẻ đặc biệt vào tác vụ linh mục của chính Đức Ki-tô (Sắc lệnh về Chức vụ và đời sống các Linh mục, số 1). “Vì mỗi linh mục đều là hiện thân của Đức Ki-tô theo cách thức riêng của mình, nên ngài nhận được những ơn riêng”, và bởi vậy, được vững mạnh để hành động nhân danh Đức Ki-tô theo đường lối đặc biệt (số 12). Là “cộng sự viên” của giám mục, nên cũng như giám mục, linh mục coi sóc đoàn chiên được trao phó, hướng dẫn họ trong việc thờ phượng và dạy bảo họ theo đường lối ơn cứu độ.
“Vậy qua tay giám mục, các linh mục được Thiên Chúa hiến thánh, để đặc biệt tham dự vào chức Linh mục của Chúa Ki-tô... Nhờ Bí tích Rửa tội, các ngài dẫn đưa người ta vào Dân Chúa; nhờ Bí tích Hòa giải, các ngài giao hòa tội nhân với Thiên Chúa và Giáo Hội; nhờ xức dầu bệnh nhân, các ngài xoa dịu người đau ốm; nhất là nhờ việc cử hành Thánh lễ, các ngài hiến dâng Hy tế của Chúa Ki-tô cách bí tích” (Số 5).
Linh mục là một dấu chỉ

Cũng như giám mục, linh mục sống độc thân. Truyền thống sống độc thân đã có từ thời Ki-tô giáo sơ khai, nhưng chưa trở nên phổ quát trong Giáo Hội Tây phương mãi cho tới thế kỷ mười hai.


Bậc sống độc thân là muốn theo gương Đức Giê-su, Đấng đã sống độc thân suốt đời. Trong Giáo Hội Công giáo ngày nay, linh mục là dấu chỉ độc đáo nói lên thực tại Đức Ki-tô ở giữa chúng ta. Sống độc thân nhắm mục đích thực tiễn là để được tự do hơn mà phục vụ (1 Cr 7:32-34).
Sống đời độc thân không nhất thiết làm cho linh mục thành một người thánh thiện hơn. Nó chỉ khẳng định sự dấn thân độc đáo của một linh mục cho Đức Ki-tô và Giáo Hội. Đoạn trích “Con là linh mục đời đời” của cha Lacordaire cố gắng diễn tả sự dấn thân ấy như thế nào:
“Sống giữa thế giới mà không màng thú vui.

Trở nên một phần tử của từng gia đình mà vẫn không thuộc về gia đình nào.

Chia sẻ mọi khổ đau, xâm nhập mọi bí mật,

chữa lành mọi vết thương...

Có một trái tim bừng cháy lửa bác ái,

và một trái tim sắt đá để sống khiết tịnh.

Giảng dạy, tha thứ, an ủi,

và luôn chúc lành.

Chúa ơi! Thật là cuộc sống tuyệt vời!

Cuộc sống ấy chính là của ngài, hỡi linh mục của Đức Giê-su Ki-tô!”


Chẳng có linh mục nào đạt được lý tưởng đó cả. Nhưng đó không phải là mục đích của lý tưởng. Carl Schurz nói: “Lý tưởng giống như những vì sao. Bạn sẽ không chạm tới chúng với đôi tay của bạn đâu. Nhưng như những thủy thủ trên măït nước mênh mông, bạn lấy những vì sao đó mà dẫn đường cho mình.”
Có những loại linh mục khác nhau

Có hai loại linh mục: thuộc giáo phận (linh mục triều) và thuộc dòng tu (linh mục dòng).


Các linh mục thuộc giáo phận làm việc dưới sự điều khiển của giám mục trong một giáo phận. Còn linh mục thuộc dòng tu thuộc về một cộng đồng tu sĩ và thường chung sống với nhau trong cộng đoàn.

tải về 1.67 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương