ĐỨc tin của ngưỜi công giáo imprimatur sài Gòn, ngày 25-9-1992 +Phaolô Nguyễn Văn Bình



tải về 1.13 Mb.
trang1/11
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích1.13 Mb.
#38028
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11
JEAN DEVEAUX

Lm. DUY ÂN MAI, ofm




ĐỨC TIN

CỦA

NGƯỜI CÔNG GIÁO

IMPRIMATUR

Sài Gòn, ngày 25-9-1992

+Phaolô Nguyễn Văn Bình

Tổng Giám mục

Lm. DUY ÂN MAI, ofm



Viết theo La vraie Vie-la foi du chrétien catholique của Lm. Jean Deveaux, Nhà Mame Paris xuất bản, với sự đồng ý của tác giả và Nhà xuất bản.

LỜI GIỚI THIỆU

Học tập là một nhu cầu rất lớn do chính cuộc sống tạo ra cho người thời đại chúng ta. Ngay cả người nông dân cũng phải không ngừng mở rộng kiến thức, nâng cao hiểu biết để hoàn thiện nghề nghiệp và đời sống cho kịp với các tiến bộ khoa học, kỹ thuật.
Mỗi ngày người ta được cung cấp một lượng thông tin lớn.
Các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình... đưa đến tầm tay của mọi người những kiến thức chuyên môn và những tác phẩm văn chương, nghệ thuật mà xưa kia chỉ dành cho một thiểu số xã hội.
Trong phạm vi tôn giáo, rất tiếc là các phương tiện học tập còn quá ít và chênh lệch so với phạm vi "người đời". Mà trình độ văn hoá càng tăng, nhu cầu hiểu biết về giáo lý, thần học càng mạnh.
Nếu không đáp ứng kịp thời nhu cầu đó, nếu sự chênh lệch giữa kiến thức đạo và kiến thức đời nơi người Kitô hữu quá lớn, thì đời sống đức tin sẽ bị thiệt thòi và thậm chí có thể gặp khủng hoảng.
Hiện nay các sách giáo lý tạm gọi là "phổ thông", từ lớp vở lòng đến lớp Thêm sức và Bao đồng, có lẽ còn tạm đủ. Nhưng khi một người giáo dân muốn hiểu biết đạo một cách sâu xa hơn và nâng kiến thức tôn giáo của mình lên một mức cao hơn, họ sẽ khó tìm cho ra được tài liệu thích hợp.
Cuốn "ĐỨC TIN NGƯỜI CÔNG GIÁO", do linh mục Duy Ân Mai, dòng Phanxicô, phỏng dịch cuốn "La vraie Vie" của linh mục Jean Deveaux, nhằm đáp ứng nhu cầu đó.
Chúng tôi tin tưởng cuốn sách này sẽ giúp ích cho nhiều người như nó đã góp phần quí báu trong một chương trình giáo lý mở rộng, qua những lần xuất bản và tái bản trước đây.
Linh mục NGUYỄN HỒNG GIÁO

ĐỨC TIN

CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO


LỜI NÓI ĐẦU
Cuốn giáo lý này soạn ra trước hết cho học sinh các lớp phổ thông Trung học, và các người lớn muốn thấm nhuần đức tin Công giáo.
Cuốn này không phải là sách uyên thâm trí thức: chúng ta chỉ muốn hết sức đơn giản, trình bày dễ đọc, dễ hiểu.
Cuốn này cũng không phải là sách biện hộ tôn giáo: vì tin rằng chân lý nó đã có giá trị minh chứng xác thực rồi, cho nên chúng ta chỉ tìm cách trình bày lý thuyết Công giáo một cách thực nghiệm thôi.
Nếu bạn muốn chúng tôi nói rõ mục đích, thì chúng tôi xin thưa, là chúng tôi chỉ cố gắng nói lên sự thực, nói một cách rõ ràng và sống động.
SỰ THỰC: Bạn đọc sẽ thấy ngay, nhất là trong phần thứ nhất, không có một lời, một câu xác định quả quyết nào mà không dựa vào Kinh Thánh và Truyền Thống, là nguồn mạch đức tin của chúng ta.
RÕ RÀNG: Một lần nữa, để tránh đơn giản hoá các vấn đề và phân chia chương mục đi sâu vào nhiều chi tiết quá, chúng tôi chỉ thêm vào mỗi chương trình một ít tiểu đề, một ít đoạn ngắn và cố gắng tổng hợp lại để dễ thấy rõ ràng hơn.

SỐNG ĐỘNG: Biết chắc rằng những người Công giáo có ý thức thời nay đều cảm thấy nhu cầu tìm hiểu sâu rộng hơn về đạo Công giáo, để ăn ở hợp với đạo và giúp người khác sống đạo, cho nên mỗi lúc có thể được, chúng tôi đề cao những giá trị thực tế của tín điều, đề cao hậu quả sống động của chân lý siêu nhiên. Chúng tôi nêu lên nhiều liên quan với Thánh Lễ và với nhiều phương diện khác nhau trong đời sống Công giáo.


Hơn ai hết chúng tôi thấy rõ giữa mục đích và việc thực hiện mục đích con đường vừa xa vừa khó, nên chúng tôi hân hạnh được bạn đọc góp ý kiến để cuốn sách này được hoàn hảo hơn.
Cuối cùng nếu được phép nói lên một nguyện vọng, thì chúng tôi tha thiết ước mong rằng cuốn sách nhỏ bé này, sẽ được phổ biến rộng rãi để giúp những ai muốn sống tìm được nguồn mạch sự sống thật phong phú dồi dào.
J.D

PHẦN DẪN NHẬP

Chương I: Ý NGHĨA ĐỨC TIN
Chương II: CÁC NGUỒN CỦA ĐỨC TIN
Chương III: NHÌN TỔNG QUÁT VỀ KHOA TÍN LÝ

"Phúc cho những kẻ không thấy mà tin" (Ga 20,29)
CHƯƠNG I
Ý NGHĨA ĐỨC TIN

I. THẾ NÀO LÀ TIN?


Đối với mọi người, tin tức là chấp nhận đúng sự thật một quả quyết của kẻ khác.
Còn đối với chúng ta, người Kitô hữu, tin tức là chấp nhận đúng sự thật những gì Thiên Chúa nói, được Chúa Giêsu mạc khải, được Giáo hội dạy.
II. CẦN PHẢI TIN
Tất cả mọi người đều cần phải tin vào kẻ khác vì không ai tự mình mà có thể biết hết mọi sự. Chẳng hạn muốn học lịch sử hay địa lý, trước tiên phải tin vào chứng tá của kẻ khác. Cả trong đời sống hằng ngày nữa, nếu không tin vào những người xung quanh chúng ta thì sống làm sao được?
Còn chúng ta, người Kitô hữu, tin lại cần thiết: nếu trí óc chúng ta có thể nhận thấy Thiên Chúa hay linh hồn bất tử chúng ta không thể nào biết được những chân lý mà chỉ có Thiên Chúa mới tường được và nếu Người không mạc khải cho ta.
III. TIN LÀ MỘT HÀNH ĐỘNG HỢP LÝ
Tin vào lời nói của của người khác là một hành động hợp lý, miễn là người ấy đáng cho chúng ta tin cậy. Họ đáng cho chúng ta tin cậy khi con người của họ là một bảo đảm cho sự thật hay họ đưa ra đủ bằng chứng để quả quyết.
Đối với chúng ta, người Kitô hữu, tin cũng là hành động hợp lý vì lời của Chúa đến với chúng ta qua những đường lối rất đáng tin: những sử liệu bất khả kháng (Kinh thánh) và chuyển đạt bằng miệng qua những nhân vật có uy tín (Truyền thống). Lời Chúa còn được các phép lạ và các tiên tri xác thực hoá và tăng sức mạnh.
IV. TẠI SAO CHÚNG TA TIN?
Chúng ta tin các chân lý siêu nhiên không phải vì chúng ta đã thấu hiểu hay vì chúng đã được chứng minh một cách khoa học; cũng không phải vì chúng ta tốt đẹp hay có lợi, nhưng vì chúng ta đã nhận những chân lý ấy do Thiên Chúa và Lời Chúa có đủ bảo đảm. Đây hoàn toàn là vấn đề tin tưởng.
V. VẤN ĐỀ CÁC "MẦU NHIỆM"
Vì đức tin căn cứ trên Lời Chúa, chúng ta không nên lấy làm lạ, nếu đạo Kitô có những "mầu nhiệm", nghĩa là những sự thật siêu nhiên vượt quá khả năng con người và chúng ta có biết thì chỉ biết vì Thiên Chúa đã mạc khải thôi.
Nhìn nhận có những "mầu nhiệm" cũng không phải là phủ nhận trí khôn của chúng ta; trái lại chúng ta chỉ nhìn nhận cương giới tự nhiên của trí khôn chúng ta và trí thông minh của Chúa vượt hẳn khả năng hiểu biết của chúng ta. Một nhà bác học trứ danh, Charles Nicolle, khi trở lại đạo, có thốt ra câu này: "May mà còn có những mầu nhiệm của tôn giáo! Nếu không thì thật là khả nghi vì tôi sợ rằng đó chỉ là một sản phẩm giả tạo của trí óc loài người. Mầu nhiệm của tôn giáo làm tôi an tâm. Nó là biểu hiệu của Thiên Chúa". Gustave Thibon: "Mầu nhiệm không phải là một thứ vách tường chận đứng trí óc của chúng ta, mà là biển cả trong đó trí óc chìm đắm".
Cũng nên thêm rằng ngoài lãnh vực tôn giáo, còn có những lãnh vực khác mang nhiều mầu nhiệm nếu hiểu theo nghĩa là những điều chưa ai hiểu và còn rất khó hiểu. Mọi nhà học xứng danh đều thú nhận họ không sao hiểu nổi một số sự kiện: chẳng hạn hạt lúa nảy mầm làm sao? bản thể của vật chất là gì? Không ai hiểu thấu được. Nhà toán học Poincarré nói: "khoa học có phát triển đến đâu đi nữa, lãnh vực của nó vẫn có giới hạn, mầu nhiệm vẫn bao phủ biên giới của nó, càng lùi xa thì lại càng bao la".
VI. VẤN ĐỀ "CÁC PHÉP LẠ"
Cũng như Thiên Chúa có những chân lý chúng ta không hiểu được, thì Người còn có thể làm những việc mà tự lực chúng ta không thể làm được (phép lạ).
Một khi phép lạ có những lời chứng đáng tin, chúng ta phải thành thật chấp nhận và nhận đó là một bằng chứng có Thiên Chúa toàn năng. Người đã có thể dựng nên vũ trụ thì Người cũng có thể sửa đổi các định luật do Người đã đặt ra.
Chúng ta có nghe một vài người vô tín ngưỡng lập luận như thế này: "Không thể có phép lạ vì phép lạ biểu hiện siêu nhiên và siêu nhiên thì không thể có được". Lý luận như thế thì không xứng đáng với một nhà bác học chính danh. Không có bằng chứng mà quả quyết rằng một sự vật này nọ không có bởi vì chúng ta không thể hình dung nó ra làm sao cả, thì thật là một lối trốn tránh vấn đề không phù hợp với thái độ chân thành của người tìm chân lý.
VII. TRONG THỰC TẾ ĐỨC TIN ĐẾN VỚI CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?
Người Kitô hữu tin, tức là ẳm nhận chân lý siêu nhiên. Nhưng điểm riêng biệt cho đạo Công giáo và không có nơi các tôn giáo khác, là chân lý siêu nhiên ấy không phải chỉ là một thuyết vô danh, mà là một chân lý nhập thể trong một Người, cụ thể hoá trong một nhân vật lịch sử, trong Chúa Giêsu Kitô.
Do đó mà đạo Kitô không phải là một thứ tổng hợp các chân lý, một hệ thống tư tưởng, mà là một sự chọn lựa các gắn bó với một Đấng, một sự quyến luyến cá nhân với Chúa Giêsu Kitô. Và thời nay gắn bó với Chúa Giêsu tức là gắn bó với Giáo hội Công giáo vì chúng ta nhận thấy Chúa Kitô sống động trong Giáo hội ấy.
Người Kitô hữu chính là người đã gặp Đức Kitô trên đường đời và đã nhận thấy Ngài là "đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6).
Vậy trong thực tế, đức tin là cuộc gặp gỡ người sống với người sống.
Những người đồng thời với Chúa Giêsu đã tin Ngài như thế nào?
Có phải bởi vì trí óc họ đã thấy rõ ràng không? Không, họ tin Chúa Giêsu nhờ một sức mạnh thiêng liêng, nhờ nhân cách và uy thế toả ra tự Chúa Kitô: Họ trầm trồ với nhau: "Chưa bao giờ có ai ăn nói như Ngài" (Ga 7,46). "Chúng ta chưa bao giờ từng thấy như thế" (Mc 2,12).
Sau Chúa Kitô, các tông đồ đã làm cho nhiều người Do Thái và lương dân trở lại cũng chẳng phải vì đã đưa ra một lý thuyết thông minh, nhưng chỉ vì đã rao giảng Chúa Kitô sống, Chúa Kitô chịu đóng đanh, Chúa Kitô sống lại. (Công vụ Tông đồ 2,32; 3,15; 4,10; 5,30). Ngày nay cũng thế: chấp nhận các chân lý siêu nhiênthái độ của con người đặt cả tin tưởng vào Chúa Kitô, Con Thiên Chúa. Người Kitô hữu tin chân lý siêu nhiên bởi vì chân lý ấy đã được Chúa Kitô quả quyết. Chúa Kitô là ánh sáng của thế gian (Ga 8,12) và Ngài có những lời hằng sống (Ga 6,69).
Vì vậy chúng ta phải xác nhận những điểm sau đây:
a) Bởi vì Kitô giáo là một sự gắn bó với Chúa Kitô sống động, nên công việc chính của chúng ta không phải là chứng minh đạo Công giáo như chứng minh một bài toán học, công việc chính là tìm cho được gặp gỡ Chúa Kitô trong Phúc âm và Giáo hội, bởi Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, tất cả những điều Ngài nói là của Thiên Chúa không cần phải được kiểm soát hay chứng minh là chân thật bằng những phương pháp loài người.
b) Bởi vì Kitô giáo là một sự gắn bó với Chúa Giêsu Kitô sống động, nên nếu một sự thắc mắc hay nghi ngờ trên một điểm nào của toàn bộ đạo lý của Người đã được nêu ra, chúng ta không có quyền nghi ngờ tất cả đạo ấy: vì đây không phải một vấn đề hiểu rõ của trí khôn cho bằng là một vấn đề tín nhiệm. Tôi tin không phải vì tôi thấy rõ một chân lý trong Phúc âm và trong Giáo hội cho bằng vì tôi đặt tin tưởng vào Chúa Kitô Con Thiên Chúa (Ga 1,1-14).
c) Bởi vì Kitô giáo là sự gắn bó với Chúa Kitô sống động nên so sánh đạo ấy với các tôn giáo khác là một việc không cần xét theo một khía cạnh cũng không thể được. Các tôn giáo khác có thể so sánh với nhau vì tất cả đều là những cố gắng của con người để giải quyết mối tương quan giữa nhân loại và Thiên Chúa.
Còn đạo Chúa Kitô không phải là sản phẩm của con người mà là một cuộc gặp gỡ giữa Chúa Kitô và chúng ta- sự gặp gỡ ấy cũng do Thiên Chúa mà đến. "Không ai có thể đến với Ta nếu Cha Ta, Đấng đã sai Ta, không kéo họ đến" (Ga 6,44) "không ai có thể đặt nền tảng khác nền tảng đã đặt tức là Chúa Kitô" (1Cr 3,11).
VIII. PHẢI CÓ NHỮNG ĐIỀU KIỆN NÀO ĐỂ TIN?
Muốn tin phải có 3 điều kiện:


  1. Mở trí óc đón nhận Lời Chúa.

  2. Tâm linh thiên về sự thiện.

  3. Được ơn Chúa giúp.

a) Phần trí óc:


Chúng ta không chủ trương thông hiểu hoàn toàn các mầu nhiệm nhưng chúng ta có thể tìm kiếm những bằng chứng để biết rằng chính Thiên Chúa đã nói với con người trong lịch sử nhân loại, học hỏi Lời Chúa để biết rõ ý nghĩa và tìm hiểu những Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn đời chúng ta thế nào.
b) Tâm linh thiên về sự thiện:
Tin không chỉ là hành động của lý trí mà là hành động của toàn con người. Con người còn là ý chí và tình cảm nữa. Để tin thực sự cần phải muốn nữa. Phải chấp nhận những cố gắng, những hy sinh cần thiết. Đức tin là ánh sáng cho đời sống, nếu tôi có đức tin, tôi phải sống khác những người không có đức tin. Phải có can đảm để khước từ lối sống theo xác thịt.
Người đòi hiểu cho được tất cả rồi mới tin thì sẽ không bao giờ tin. Người vô luân, thường sẽ khó mà chấp nhận Chúa Kitô.
c) Phần ơn thánh:
Chính là điều quan trọng nhất, bơỉ vì đức tin là một ơn siêu nhiên lệ thuộc Thiên Chúa trước hết. Gặp Chúa Kitô là một hiện trạng vượt phàm, hoàn toàn do quyền năng Chúa. Chúa Kitô đã tuyên bố rõ ràng như thế. Ngài nói: "Không ai có thể đến với Ta, nếu Cha Ta, Đấng đã sai Ta, không kéo họ đến". "Không ai có thể đến với Ta nếu Cha Ta không ban cho ơn ấy" (Ga 6,44). Khi Phêrô tuyên xưng Ngài là Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Ngài cũng xác định đó là do ơn Chúa Cha: "Simon, con có phúc bởi vì không phải là máu thịt đã tỏ ra điều đó cho con mà là chính Cha Ta trên trời" (Mt 16,17).
Vậy phải có ơn Chúa để ao ước tin, tin và giữ đức tin.

Nhờ kinh nguyện, nhờ các bí tích và nhờ những cố gắng của chúng ta sống theo ý Chúa, chúng ta có thể được Chúa giúp ơn.


IX. CHÚNG TA CÓ THỂ MẤT ĐỨC TIN KHÔNG?
Có, chúng ta có thể mất đức tin, cũng như chúng ta có thể mất một báu vật nếu không lo giữ gìn cho cẩn thận.
Mất đức tin vì thiếu học hỏi các chân lý siêu nhiên hay nhiễm lấy những tư tưởng nghịch lý đức tin.
Tuy nhiên, cần phải nói ngay rằng: Thái độ hoài nghi trong khi thành thật tìm hiểu một hay nhiều điểm giáo lý nào đó, tự nó không thể làm mất đức tin. Chân thành tìm hiểu là bổn phận của trí óc của chúng ta để trưởng thành trong đời sống tôn giáo, tìm hiểu với kinh nguyện, với suy nghĩ, với sự giúp đỡ của kẻ khôn ngoan.
- Đàng khác, sống bê tha, sống ngược lại các tôn chỉ của tôn giáo cũng có thể làm mất đức tin. Kiêu căng và vô luân thường là đường dẫn đến diệt vong đức tin.
- Không sống đạo, bỏ các nhiệm tích, bỏ kinh nguyện cũng làm tiêu hao đức tin.
X. PHẢI NGHĨ THẾ NÀO VỀ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ MẤT ĐỨC TIN:
Ai để mất đức tin thì hoàn toàn mang lấy trách nhiệm, không thể đổ tội cho kẻ khác. Không phải tại Chúa, vì Chúa muốn mọi người được cứu rỗi và Chúa ban đủ ơn cần thiết.
Nhưng chỉ có Chúa mới rõ trách nhiệm ấy.
Chúng ta chỉ có việc là cầu nguyện cho họ.
XI. PHẢI NGHĨ THẾ NÀO VỀ NHỮNG NGƯỜI SỐNG NGOÀI GIÁO HỘI SONG THÀNH THẬT
Người sống ngoài Giáo hội (hữu hình) song thành thật, không thể coi như người vì lỗi mình mà mất đức tin. Họ không biết đạo Kitô và đồng thời theo một tôn giáo khác.
Thật ra họ thuộc về Giáo hội một cách mặc nhệm, nhờ thái độ sẵn sàng chấp nhận Chúa Kitô lúc có cơ hội hiểu biết.

Kẻ nào nghe theo tiếng lương tâm và thành thật phụng sự Chúa chắc chắn sẽ được rỗi linh hồn.


Chúa không thể loại bỏ những ai không đồng tình với sự sai lầm và cũng chưa biết chân lý. Họ thuộc về hạng con cái của Chúa bằng ước muốn.
Cả những ai bắt bớ Giáo hội nữa cũng có thể được cứu rỗi, nếu họ hành động vì lòng ngay lành. Thánh Phaolô chẳng hạn, phân trần: “Thuở trước tôi là một tên phạm thượng, một người bắt đạo, một kẻ chưỡi bới hỗn xược, nhưng Chúa Kitô thương xót tôi vì tôi thành thực trong hành động vô đạo” (1Tm 1,13).
XII. PHẢI NGHĨ GÌ VỀ NHỮNG AI BIẾT ĐẠO KITÔ, SONG SỐNG TRONG TÌNH TRẠNG VÔ ĐẠO, NGHĨA LÀ PHỦ NHẬN THIÊN CHÚA?
Có người không tin có Thiên Chúa vì trong đường lối suy luận và tìm tòi của họ, họ đi đến nhiều kết luận khác nhau hay hoàn toàn nghịch nhau và cũng có nhiều tâm trạng khác nhau trước vấn đề Thiên Chúa. Có những người không tin có Thiên Chúa vì chủ trương hưởng mọi lạc thú vật chất (libertin).
Có người vì cảm thấy và tưởng rằng cách người ta hình dung Thiên Chúa không hợp với phẩm giá con người và nhất là không hợp, không xứng đáng với bản tính Thiên Chúa. Lập trường của hạng người này có thể do lòng ngay lành và như vậy họ có thể được xếp vào hạng người chúng ta vừa nói trên (XI).
Người Kitô hữu có nhiệm vụ tìm hiểu người không tin có Thiên Chúa và đừng vội kết án ai, để Chúa toàn quyền định đoạt số phận của họ.
Công việc của chúng ta, những người Kitô hữu phải làm, là ý thức trách nhiệm của mình và tự hỏi có phải vì cái lối giữ đạo của ta đã làm Chúa khó lòng đến với họ, hay hơn nữa đã làm cho nhiều người không thể chấp nhận Chúa.
XIII. NHIỆM VỤ CHÚNG TA ĐỐI VỚI ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA
a) Tạ ơn Chúa đã ban cho ta của báu ấy.
b) Gìn giữ đức tin bằng cách tránh những nguy hiểm nói trên.
c) Làm cho đức tin thêm sáng suốt bằng công trình học hỏi đạo Chúa cho sâu rộng và nhất quyết hiểu biết Phúc âm cách trực tiếp.
d) Bênh vực đức tin, không mặc cảm khi người ta chế diễu...
e) Sống đức tin: Đây là nhiệm vụ chính.
Đức tin phải làm cho chúng ta phán đoán ngay thẳng, điều khiển đời sống của chúng ta trong gia đình, nơi xã hội và trước tiên, đặt đức ái trong lòng chúng ta, "Có thế người ta mới nhận ra chúng con là tín đồ của Thầy, nghĩa là nếu chúng con yêu thương lẫn nhau" (Ga 13,35).
f) Phổ biến đức tin bằng những sinh hoạt sau đây:

- nêu gương sáng bằng một đời sống đạo đầy đủ và phù hợp với giáo lý,

- cầu nguyện cho người chưa có hoặc đã mất đức tin ,

- tham gia vào Công giáo tiến hành có tổ chức đàng hoàng,

- tham gia vào đời sống của họ đạo, vào công việc truyền giáo.
"Chúng con là ánh sáng của thế gian... người ta không thắp đèn để rồi giấu dưới đáy thùng..." (Mt 5,14-17).

CHƯƠNG II
CÁC NGUỒN CỦA ĐỨC TIN

I. CHÂN LÝ CỦA LÝ TRÍ



VÀ CHÂN LÝ CỦA ĐỨC TIN
a) Chân lý của lý trí (chân lý luận chứng): Một trong những đặc quyền của con người là trí khôn. Nhờ trí khôn mà con người giống Thiên Chúa và khác biệt loài vật. Nếu con người biết dùng trí khôn với những điều kiện tự nhiên, con người có thể khám phá một vài chân lý tôn giáo: Thiên Chúa, linh hồn bất tử, vv... Đó là những chân lý thuộc phạm vi lý trí.
b) Chân lý của đức tin (chân lý mạc khải): Ngoài những chân lý mà trí khôn con người có thể biết, còn có những chân lý khác chỉ có Thiên Chúa mới hiểu biết và Người có mạc khải chúng ta mới biết, chẳng hạn các mầu nhiệm trong đạo. Đàng khác, cả những chân lý tôn giáo mà chân lý tôn giáo mà trí khôn chúng ta có thể biết được, nếu Thiên Chúa không cho thêm ánh sáng thì con người có thể hiểu sai lệch trong bản tính hoặc trong hậu quả của chúng. Hai thứ chân lý này đều do Thiên Chúa mạc khải. Người ta gọi là những chân lý của đức tin. Chúng ta tin vì là Lời Chúa, Giáo hội truyền lại và giải thích cho chúng ta.
II. CÁC CHÂN LÝ CỦA ĐỨC TIN ĐƯỢC CHẤT CHỨA Ở ĐÂU?
Các chân ký của đức tin được chứa đựng trong Lời mạc khải.
Lời mạc khải gồm một số văn kiện hay tài liệu và những lời truyền miệng qua các thế hệ.
Mạc là tấm màn, khải là mở. Chúa mở tấm màn huyền bí che mắt chúng ta, một kiểu diễn tả bằng hình ảnh để nói rằng Chúa có nói chúng ta mới biết, chứ tự lực chúng ta không làm sao biết được.
III. LỜI MẠC KHẢI ĐƯỢC LƯU TRỮ Ở ĐÂU?
Lời mạc khải được lưu trữ trong Kinh thánh và trong Truyền thống.
Thánh kinhTruyền thống là hai nguồn đức tin của chúng ta.
Nói đúng hơn, chỉ có một Nguồn nhưng đến với chúng ta bằng hai thể thức.
a) KINH THÁNH hay THÁNH KINH:
Là tất cả những tài liệu viết đã được Thiên Chúa linh ứng. Những tài liệu này chứa đựng các chân lý đức tin.
b) TRUYỀN THỐNG:
Là những lời chứng không được ghi chép, nhưng được truyền lại theo giòng thế kỷ trong Giáo hội, những lời chứng ấy bổ túc và làm rõ thêm những chân lý của đức tin chứa đựng trong Kinh thánh (những chứng ấy có thể đến chúng ta dưới hình thức tài liệu viết, truyền lại một cách trung thành lời giảng dạy của Giáo hội mặc dầu các tài liệu ấy không được Thiên Chúa trực tiếp linh ứng).
A. KINH THÁNH
IV. KINH THÁNH GỒM CÓ MẤY PHẦN?
Kinh thánh hay Sách thánh gồm có 2 phần:
a) Cựu ước: gồm những sách do các tiên tri và các tác giả Do Thái được Thiên Chúa linh ứng đã viết trước Chúa Giêsu ra đời.
b) Tân ước: gồm những sách viết sau Chúa Giêsu do các thánh sử, các tông đồ và đồ đệ trực tiếp các ngài.
V. CỰU ƯỚC LÀ GÌ?
Là những sách thuật lại nguồn gốc vũ trụ và loài người, lịch sử dân Do Thái đã được Chúa chọn để đón nhận, bảo vệ và truyền lại các chân lý của đức tin và cũng tường thuật những giai đoạn của thời chuẩn bị ngày Chúa Kitô đến.
Tất cả Cựu ước có 46 cuốn được phân chia làm 3 loại:

  1. Loại lịch sử: có những sách: Ngũ thư do Moise viết, Các Vua, sách các anh em Macabê. Một vài cuốn thuộc loại tiểu sử: sách Jousé, Tobie...

  2. Loại thơ phú hay luân thường: 150 ca vịnh, Châm ngôn, Truyền đạo...

  3. Loại sấm ký (sách tiên tri): Sách tiên tri của Isaia. Jeremia, Ezechiel, Daniel và 12 tiên tri nhỏ: Ôsê, Joel, Jonas, Michê...

VI. TÂN ƯỚC LÀ GÌ?


Là những sách thánh thuật lại cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, đời sống của các tông đồ và tín đồ đầu tiên, và chép lại đạo lý của Chúa Kitô và các tông đồ.
Tất cả có 27 cuốn.
Các sách Tân ước cũng được chia ra làm 3 loại:

  1. Loại lịch sử: gồm có 4 cuốn Phúc âm theo thánh Matthêu, Marcô, Luca và Gioan và tập Công vụ Tông đồ của thánh Luca.

  2. Loại thánh thư: đều là những cánh thư các tông đồ viết để giảng cho rõ thêm những điểm thuộc về tín lý và luôn lý. Tác giả là: Thánh Phaolô, thánh Phêrô, thánh Gioan, thánh Giacôbê và thánh Giuđa.

  3. Sách khải huyền: của thánh Gioan biên chép những gì thánh Gioan thấy về cánh chung vũ trụ và Giáo hội.

VII. ĐỐI VỚI NGƯỜI KITÔ HỮU,

UY THẾ CỦA KINH THÁNH BỞI ĐÂU MÀ ĐẾN?
Kinh thánh đối với người Kitô giáo có một uy thế đặc biệt, bởi vì Kinh thánh chẳng những có một giá trị nhân bản (valeur humaine) mà còn có một giá trị thần linh (valeune divine).
a) Giá trị nhân bản: Các sách Cựu ước và Tân ước đều có một giá trị nhân bản không thể chối cãi được, cả những người vô thần cũng nhìn nhận. Một số sách như Ngũ thư, Phúc âm, Tông đồ Công vụ đều là những tài liệu lịch sử cho thế kỷ 20 này. Riêng về các sách Tân ước, Daniel Rops nói: "Chúng đã được lưu truyền lại cho chúng ta bằng những bản viết tay, vừa nhiều vừa gần tác giả và giống nhau, nên chúng ta có thể so sánh ngang hàng với các sử liệu đời cổ. Đối chiếu với các tài liệu đời, người ta càng nhận ra giá trị lịch sử của các sách thánh" (Daniel Rops. Jesus en son temps).
Những loại sách khác như Sách Triết ngôn, Thánh thơ là những sách có giá trị luân lý và thiêng liêng.
Có loại sách thánh lại có giá trị văn chương như Ca vịnh, sách các tiên tri...
b) Giá trị thần linh: Nhưng giá trị nhân bản không đáng gì khi so sánh với giá trị thần linh. Người Kitô hữu tin rằng tác giả chính của Kinh thánh là Thiên Chúa. Các vị đã viết ra chỉ là tác giả phụ, được Thiên Chúa linh ứng.
Nhờ được Chúa linh ứng mà Kinh thánh có một giá trị đặc biệt không thể có nơi một sách vở nào khác. Tất cả những gì đã ghi chép trong Kinh thánh đều không sai lầm vì Thiên Chúa là Tác giả chính và Người không thể sai lầm và cũng không thể lừa dối ai.
VIII. CHÚNG TA DỰA VÀO ĐÂU ĐỂ TIN VÀO GIÁ TRỊ THẦN LINH CỦA KINH THÁNH?
a) Dựa vào lời chứng của Kinh thánh:
Trong Phúc âm nhiều lần chính Chúa Giêsu tuyên bố Kinh thánh có một uy thế lớn hơn lời của nhân loại của Thiên Chúa. Chẳng hạn khi ngài trích ca vịnh của Cựu ước, Ngài nói David đã viết dưới sự linh ứng của Thánh linh (Mt 22,43). Nơi khác Ngài tuyên bố "Kinh thánh là lời của Thiên Chúa không thể huỷ bỏ được" (Ga 10,35). Nhiều lần Ngài dẫn chứng Kinh thánh như một uy quyền tuyệt đối: Kinh thánh nói rằng... Kinh thánh cần được nên trọn... (Mt 26,31; Ga 17,12).

Thánh Phalô viết: "Tất cả bộ Kinh thánh đều được Thiên Chúa linh ứng và có ích cho việc giảng dạy, thuyết phục, cải thiện, và đưa về công chính" (2 Tm 3,16).


Thánh Phêrô tuyên bố thế này: "Tiên vàn phải biết điều này, là tất cả mọi lời sớm sét của Kinh thánh không phản chiếu tư tưởng cá nhân của vị tiên tri. Bởi vì không bao giờ người ta lại nói tiên tri về mình; chính Thánh Linh đã làm cho những vị ấy nói" (2 Pr 1,20).
b) Các Thánh phụ cũng đồng thanh tuyên xưng Thiên Chúa là tác giả của Kinh thánh: "Viết ra nhờ Thánh Linh tác động"... "Nhưng văn thơ Thiên Chúa gởi xuống"... "Viết dưới sự linh ứng của Thiên Chúa...".
c) Các công đồng:

  • Công đồng Florence (1439) tuyên bố: Giáo hội Roma tin và xưng hô rằng tác giả của Cựu ước và Tân ước là Thiên Chúa duy nhất, bởi vì các Thánh của hai giao ước đã nói dưới sự linh ứng của cùng một Thánh Linh".

  • Công đồng Trente (1545-1563) tuyên bố: "Công đồng tôn kính tất cả mọi sách của Cựu ước và Tân ước, vì Thiên Chúa là tác giả của hai thứ sách ấy".

  • Công đồng Vatican I (1870) kết án và tuyệt thông những ai "không chấp nhận Kinh thánh toàn bộ hay một phần nào, hay phủ nhận Thiên Chúa đã linh ứng".

IX. THIÊN CHÚA LÀ TÁC GIẢ CỦA KINH THÁNH, NHƯNG TÁC GIẢ NHƯ THẾ NÀO?


Trước tiên Thiên Chúa thúc đẩy các tác giả phụ để họ khởi công viết. Và trong lúc họ viết Thiên Chúa hỗ trợ các ngài để các ngài "tư tưởng, thuật lại và diễn giải những điều Chúa truyền viết và chỉ viết những điều Chúa truyền mà thôi, đúng sự thật, không thể sai lầm được" (Léon 13 Providentissimus).
Ảnh hưởng siêu nhiên này gọi là tác động linh ứng.
X. PHẦN CỦA TÁC GIẢ PHỤ Ở CHỖ NÀO?
a) Phần nội dung:
- Một ít tác giả phụ còn được Thiên Chúa trực tiếp mạc khải những điểm lạ như thánh Gioan tronh sách Khải huyền.
- Nhiều vị khác thuật lại những điều mắt thấy, tai nghe: "Những gì chính mắt chúng tôi đã thấy, chính tay chúng tôi đã sờ đến, chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho anh em" (1 Ga 1,1-3). Nói đến lưỡi đòng đâm cạnh sườn Chúa, thánh Gioan cũng thêm: "Chính người đã mục kích quả quyết điều đó: lời chứng của người thì đích đáng và người cũng chắc chắn rằng mình làm sự thật để anh em tin" (Ga 19,35). Thánh Phêrô khi thuật lại biến cố trên núi Tabor, thanh minh: "tiếng nói này bởi trời mà xuống, chúng tôi đã nghe chính tai chúng tôi ở trên núi với Ngài" (2 Pr 1,18).
Thánh Tông đồ còn thêm: "Chúng tôi đã ăn uống với Ngài sau khi Ngài Phục sinh bởi kẻ chết" (Cv 10,41).
- Cũng có những tác giả phụ đã phải sưu tầm công phu các tài liệu trước khi viết, như thánh Luca: "Ớ bạn Théophile, tôi đã phải điều tra kỹ lưỡng và lâu dài về tất cả những câu chuyện này rồi mới thảo cho bạn một tiểu sử có đầu có đuôi" (Lc 1,3). Tác động linh ứng của Thiên Chúa không ngăn cản công trình sưu tầm của con người.
b) Phần hình thức (hành văn):
Khi trình bày cũng như trong lối hành văn mỗi tác giả phụ vẫn duy trì cá tính của mình, vẫn tuỳ thuộc trình độ kiến thức của mình, vẫn có những đặc tính văn chương riêng tư của mình. Tuy giống nhau trên điểm căn bản, 4 thánh sử đặc biệt khác nhau trên hình thức. Thánh Matthêu là một người Do Thái viết cho người Do thái; nên ngài dùng nhiều lối nói có tính cách Do Thái hơn ba đấng kia, và thiên về những bằng chứng đánh động dân này hơn, tức là các lời sấm của Cựu ước. Thánh Marcô viết theo những lời tường thuật của thánh Phêrô, nên để ý đến những chi tiết cụ thể hơn, văn hoa hơn. Thánh Gioan viết lối ba mươi năm sau các vị trên; tác giả của người sâu sắc hơn, "thiêng liêng" hơn; bởi vì ngài chẳng những biên chép những gì ngài nhớ mà cả những gì ngài suy niệm ra nữa.
XI. KINH THÁNH CÓ THỂ CHỨA NHỮNG ĐIỂM SAI LẦM VỀ KHOA HỌC KHÔNG?
Chúng ta thấy giữa Kinh thánh và khoa học những sự khác biệt đôi khi khá sâu trên cách thức trình bày một số sự kiện, chẳng hạn: tạo dựng vũ trụ, dựng nên con người, lụt hồng thuỷ, Josué bắt mặt trời dừng lại...
Để hiểu những điểm khác biệt giữa hai phạm vi Kinh thánh và khoa học, chúng ta cần lưu ý đến những nguyên tắc sau đây:
a) Chúa có thể làm những phép lạ ngược lại luật tự nhiên cũng do Người mà có.

b) Nhất thiết là không thể có mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học, mặc dầu chúng ta tưởng là là có; vì Chúa là tác giả của vũ trụ và của các chân lý mạc khải.


c) Kinh thánh không phải là loại sách khoa học, mà là loại sách tôn giáo. Khi linh ứng các tác giả phụ Thiên Chúa nhằm mục đích chính là thông cho con người một giáo huấn ích lợi cho linh hồn của họ. Vì thế mà thay vì tìm cách để các sự kiện tường thuật trong Kinh thánh ăn khớp với khoa học, chúng ta trước tiên nên tìm trong Kinh thánh những bài học thiêng liêng và luân thường; đồng thời để khoa học giải thích những sự việc thuộc về phạm vi khoa học.
d) Mỗi tác giả của Kinh thánh chỉ có thể chấp nhận những quan niệm khoa học của thời mình và những lối nói của thời mình. Do đó mà chúng ta không nên lấy làm lạ nếu những cuốn sách thánh viết từ 10 hay 15 thế kỷ trước Chúa Cứu Thế, căn cứ trên những kiến thức khoa học và thảo theo lối nói khác với thời của chúng ta.
XII. GIÁO HỘI DÙNG KINH THÁNH LÀM SAO?
a) Khi đọc những chương sau này ta sẽ thấy Giáo hội lấy Thánh kinh làm nền tảng cho mọi tín điều.
b) Các tôn chỉ luân lý phần lớn cũng dựa trên Kinh thánh, Giáo hội dùng Kinh Thánh để điều khiển đòi sống chúng ta.
c) Sau hết Giáo hội dùng Kinh thánh rất nhiều trong đời sống phụng vụ, đặc biệt trong Thánh lễ và trong Kinh nhật tụng.

tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương