ĐỨc tin của ngưỜi công giáo imprimatur sài Gòn, ngày 25-9-1992 +Phaolô Nguyễn Văn Bình


CHƯƠNG IV THIÊN CHÚA TIẾP TỤC SÁNG TẠO



tải về 1.13 Mb.
trang5/11
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích1.13 Mb.
#38028
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

CHƯƠNG IV
THIÊN CHÚA TIẾP TỤC SÁNG TẠO

THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG

I. THIÊN CHÚA TIẾP TỤC SÁNG TẠO


Khi chúng ta nói đến công việc sáng tạo của Chúa, chúng ta nghĩ ngay đến việc làm đầu tiên của Người, là sự từ không mà làm cho có vũ trụ; từ không làm cho có sự sống.
Thật ra thì các thụ tạo chẳng những cần Thiên Chúa để ra đời, mà còn cần Thiên Chúa để được tồn tại nữa. Là một ngộ nhận nếu chúng ta tưởng Thiên Chúa sáng tạo cũng như một người thợ sau khi làm xong công việc là bỏ đó rồi nghỉ ngơi. (Chúng ta đã nói phải hiểu làm sao lời Kinh Thánh: “Chúa nghỉ việc” trong chương I). Thiên Chúa là nguồn của mọi sự, Người vẫn luôn mãi mãi hoạt động để duy trì các thụ tạo, để thông sự sống cho những loài sống. Vô cùng toàn năng, vô cùng giàu sang, Người là Đấng cần thiết cho sự tồn tại của mọi loài; không có Người, tất cả sẽ trở về không. Chúng ta có biết mỗi giây trong đời ta là một món quà hiện thời của Thiên Chúa không?
II. THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG
Còn một chân lý khác phải bắt chúng ta tri ân Thiên Chúa cách chí thiết nữa, là Người trực tiếp săn sóc mỗi thụ tạo của Người, và nhất là Người lo lắng cách riêng đến mỗi người trong chúng ta như một người cha; chúng ta là những nghĩa tử của Người. Người lo lắng đến từng người; song không tiêu huỷ tự do mà Người đã cho chúng ta .

Cố nhiên là rất khó tưởng tượng được công trình lớn lao của Chúa trong vũ trụ vật chất và thiêng liêng. Khó khăn có lẽ là vì chính chúng ta đã không thi hành nhiều việc trong một lúc và trong mọi hành động, chúng ta bị giới hạn trong thời gian và không gian. Còn nơi Chúa thì không có giới hạn: Toàn năng của Người làm cho Người săn sóc từng vật một và trong chi tiết, không trừ một cái gì hết; Người sống đời đời nên không thể bị hạn chế do thời gian; Người vô cùng, nên không thể bị hạn chế do không gian.


III. THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG THEO PHÚC ÂM
Trong Phúc âm Chúa Giêsu nhiều lần nhắc đi nhắc lại việc Chúa Cha săn sóc tất cả mọi tạo vật và nhất là săn sóc đến con người vì con người là nghĩa tử của Ngài .
a) Săn sóc mọi loài
“Hãy nhìn chim trời, chúng không gieo, không hái, không tích trữ trong lẫm, thế mà Cha trên trời vẫn nuôi dưỡng… Hãy nhìn bông huệ ngoài đồng, chúng mọc song không làm lụng, không may dệt…Nếu hoa cỏ ngoài đồng nay còn, mai bỏ vào lò mà còn được Thiên Chúa cho mặc đẹp như thế; huống chi các ngươi, hỡi những người kém tin” (Mt 6,26,28,30).
Hai con sẻ chẳng bán được một đồng xu sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà không do ý Cha các ngươi? (Mt 10,29).
Cha Ta hoạt động cho tới bây giờ, và Ta cũng thế, Ta cũng hoạt động (Ga 5,17).
b) Thiên Chúa đặc biệt săn sóc con người

“Còn các ngươi, tất cả mọi sợi tóc trên đầu đều được đếm cả. Đừng có lo sợ: các ngươi cao trọng hơn bầy sẻ” (Mt 10,30).


“Cha các ngươi trên trời cho mặt trời chiếu sáng trên người lành cũng như trên người dữ, cho mưa rơi trên người công chính cũng như trên người tội lỗi” (Mt 5,45).
IV. KẾT LUẬN THỰC TẾ
Một khi tin chắc chắn vào việc Chúa lo lắng từng người trong chúng ta và nếu chúng ta năng nghĩ đến chân lý ấy, lòng tin tưởng vào tình thương của Chúa sẽ tăng cường và lòng tri ân của chúng ta cũng tăng thêm. Như thế chúng ta sẽ kêu cầu đến Người hơn nữa để xin Người ban ơn thiêng liêng và vật chất hợp với nhu cầu của chúng ta .

----------------------^-^----------------------




PHẦN THỨ BA
CON NGƯỜI MẤT SỰ SỐNG


Chương I:

MẤT SỰ SỐNG: SỰ KIỆN LỊCH SỬ
Chương II:

MẤT SỰ SỐNG: HẬU QUẢ CHO NHÂN LOẠI
Chương III:

SAU KHI MẤT SỰ SỐNG: VẤN ĐỀ ĐAU KHỔ
Chương IV:

SAU KHI MẤT SỰ SỐNG: LỜI HỨA VÀ HY SINH

Tội lỗi đã thâm nhập vào thế gian do một người, và vì tội lỗi nên có sự chết…” (Rm 5-2).


CHƯƠNG I
ADONG VÀ EVA

ĐÃ LÀM MẤT SỰ SỐNG:

SỰ KIỆN LỊCH SỬ

I. NHẬP ĐỀ


Adong là tổ tiên của nhân loại. Thiên Chúa đã ban cho ông những ơn siêu nhiên, tự nhiên và trừ nhiên. Đáng ra ông phải chuyển sang cho con cháu mai sau những ân huệ ấy.
Nhưng thay vì sử dụng tự do để làm lành, ông đã dùng nó để phản lại Thiên Chúa. Và như thế chẳng những ông đã làm mất một phần các ơn riêng ấy cho ông, ông còn làm mất cho nhân loại nữa. Như Thánh Phaolô nói: “Do một người, tội lỗi vào trong thế gian”…
Đây không phải là câu chuyện bịa ra để lừa dối trẻ con hay những đầu óc dễ tin; đây là một biến cố lịch sử đem lại cho mọi người trong chúng ta những hậu quả lớn lao. Biến cố này chẳng những liên quan đến công trình cứu rỗi, mà còn ảnh hưởng quyết liệt đến đời sống luân thường của chúng ta …
II. KINH THÁNH THUẬT
Sách sáng thế trong chương III, thuật lại rằng Thiên Chúa đã đặt Adong và Eva trong tình trạng thử thách để ông bà có cơ hội tỏ ra hằng tuân phục Thiên Chúa và biểu lộ thái độ hiếu thảo của con cái. Nhưng Eva rồi đến Adong cả hai để ma quỉ phỉnh gạt tưởng rằng sẽ hưởng thêm một quyền lợi nữa; nên hai ông bà đã vi phạm lệnh của Thiên Chúa và tức khắc nhận thấy mất một phần lớn các ân huệ Chúa đã cho, đồng thời toàn nhân loại cũng phải chịu thiệt thòi về những ơn ấy nữa.
III. PHẢI HIỂU NHƯ THẾ NÀO LỜI TƯỜNG THUẬT CỦA KINH THÁNH?
Căn cứ trên sắc lênh của Uỷ ban chuyên về Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận định được như sau đây:
a) Nội dung của câu chuyện là một biến cố hoàn toàn lịch sử và có thật: Chúa đã thử thách hai ông bà; hai ông bà đã bị cám dỗ; hai ông bà đã sa ngã và đã bị phạt.
b) Còn về phần các chi tiết và “cách thức” tường thuật Kinh Thánh dùng để đánh động và để ghi vào trí nhớ những sự kiện vừa kể trên, không buộc chúng ta phải chấp nhận các chi tiết ấy đúng nghĩa đen của chúng. Chỉ buộc chúng ta chấp nhận phần cốt yếu của câu chuyện thôi. Giáo hội không buộc chúng ta phải tin rằng Chúa đã thực sự dùng một thứ trái cây để thử thách; ma quỉ đã thực sự hiện ra dưới hình thức con rắn; hay rắn đã thực sự nói chuyện với Eva. Trên những điểm này Giáo hội để chúng ta tự do tìm hiểu.
IV. BẢN CHẤT CỦA TỘI ADONG
Trước tiên chúng ta phải nhận thấy rằng tội của Adong không phải là một tội tham ăn thông thường, hay là tội bất tuân thông thường một lệnh của Chúa. Hình dung Thiên Chúa cấm con cái đá đụng tới một vật, tức là không hiểu nghĩa và tầm quan trong của Kinh Thánh và hạ giá vai trò giáo dục của Thiên Chúa . Bản chất của tội Adong thì khác hẳn.
Mặc dầu không biết rõ việc cấm đoán, lệnh truyền của Chúa theo đuổi một mục đích quan trọng: bắt con người nhìn nhận những quyền tối thượng của Người như là Tạo hoá và là Cha.
Tội Adong thật là một tội kiêu ngạo: “Các ngươi sẽ giống như Thiên Chúa”. Ma quỉ gợi nơi hai ông bà tham vọng ấy, nên hai ông bà đã vi phạm mệnh lệnh của Thiên Chúa. Tội Adong không phải do hành động bên ngoài và hình phạt theo sau; nhưng là do thái độ bên trong: muốn trở nên bằng Thiên Chúa.
V. TÍNH CÁCH NẶNG NỀ CỦA TỘI ADONG
Chúng ta có thể hiểu sâu hơn: tội kiêu ngạo này là tất cả thái độ tâm lý của con người đứng trước Thiên Chúa: thái độ độc lập, một thứ giải phóng nguỷ tạo của thụ tạo khỏi quyền hành của Tạo Hoá, tự do và ý thức từ chối mọi quyền bính của Thiên Chúa quan niệm con người hoàn toàn tự trị, không còn lệ thuộc một ai trên mình và chỉ biết khoái lạc chỉ một chốc lát.
Có nhận thấy tội Adong và Eva như thế mới thật là xác đáng và chúng ta mới thấy tính cách nặng nề của nó. Đây cũng là thái độ của giới người chủ trương vô thần ngày nay.
VI. HẬU QUẢ CỦA TỘI ADONG
a) Adong và Eva liền mất thăng bằng bên trong, nghĩa là lý trí hết lệ thuộc Thiên Chúa, cảm giác hết tuỳ thuộc lý trí, và từ đó họ ước muốn làm sự dữ, và các bản năng không còn nguyên vẹn như trước nữa.
b) Đồng thời họ cũng mất luôn những ơn trừ nhiên. Từ nay họ có thể lầm lạc trong khi tìm hiểu, họ phải đau khổ, họ sẽ phải chết, phải làm việc khó nhọc.
c) Hai ông bà mất cả những ơn siêu nhiên nữa, nghĩa là mất quyền hưởng thụ hạnh phúc đời đời trên trời; mất tình nghĩa với Thiên Chúa ngay dưới đất này. Sống trong tình nghĩa với Chúa dưới đất này là điều kiện tiên quyết chuẩn bị hạnh phúc mai sau.
VII. MỘT ÁNH SÁNG HY VỌNG
Nhưng cũng may là ngày sau khi lên án hai ông bà, Thiên Chúa thốt ra một lời đầy hy vọng: “Một ngày kia nòi giống của người nữ sẽ đạp đầu ma quỉ”. Giáo hội luôn tin rằng đây là lời hứa cuộc cứu rỗi Chúa Kitô sẽ thể hiện mai sau.
--------------*|*-------------

CHƯƠNG II
ADONG VÀ EVA LÀM MẤT SỰ SỐNG:

HẬU QUẢ CỦA TỘI ADONG

CHO TOÀN NHÂN LOẠI

I. TÍN ĐIỀU VỀ TỘI TỔ TÔNG


Một trong những tín điều căn bản của đức tin Công giáo là tội Adong mang theo hậu quả thảm hại, chẳng những chính cho tổ tông chúng ta mà còn cho tất cả toàn nhân loại.
Thánh Phaolô quả quyết có tội tổ tông, nghĩa là cái “chết của linh hồn” vì tội Adong, thâm nhập mỗi một người chúng ta và cái chết ấy có nghĩa là chúng ta mất đời sống Thiên Chúa .
“Bởi một người, tội lỗi đã nhập vào thế gian nầy, bởi tội thì có sự chết, thành ra cái chết tràn lan đến mọi người vì hết thảy đều phạm tội”. Vì một người không vâng phục, muôn người hoá thành tội nhân” (Rm 5,12.19). Vậy hậu quả tội Adong thâm nhập nòi giống nhân loại là một chân lý đức tin.
II. SỰ QUAN TRỌNG CỦA TỘI TỔ TÔNG
Chúng ta đứng trước một tín điều quan trọng, về mặt đạo lý cũng như về mặt thực tế.
a) Về phương diện đạo lý. Vì tội tổ tông giúp chúng ta hiểu tại sao Thiên Chúa nhập thể và chịu chết để cứu chuộc.
Chúa Giêsu, Ngôi Hai đã xuống thế và chết trên thánh giá, chính là để hồi phục chương trình của Thiên Chúa mà tôi Adong đã làm sai lệch, và để trả lại cho nhân loại đời sống Chúa mà tội tổ tiên đã làm mất.
b) Về phương diện thực tế. Tội tổ tông đã làm chúng ta hiểu tại sao mỗi một người chúng ta, trong đời sống luân lý riêng, bị sự dữ lôi cuốn, mặc dầu chúng ta muốn sự lành. “Sự lành tôi muốn, tôi lại không làm, còn điều xấu tôi không muốn, tôi lại làm” (Rm 7,19).
Những người Manichéen ngày xưa cho rằng con người xấu từ bẩm sinh, những đồ đệ ngày nay của J. J. Rousseau lại cho nhân chi sơ tính bản thiện, con người sinh ra tốt, nó xấu là tại xã hội. Người Công giáo quả quyết rằng: con người Thiên Chúa dựng nên trong một tình trạng nguyên vẹn và thánh thiện, nhưng ngày nay là nạn nhân của điều ác quyến rũ. Đó là hậu quả của tội tổ tông.
Vì vậy mỗi người chúng ta cần phải chú ý thận trọng về chế ngự những xu hướng xấu. Vì vậy các nhà giáo dục cần phải luyện tập các trẻ em trong tự do chừng mực, biết cầm hãm những bản năng của chúng và dần dần chinh phục được nghệ thuật ăn ở đứng đắn.
III. TỘI TỔ TÔNG TRUYỀN ĐẠT CHO CON CHÁU
Người ta có thể tự hỏi: tại sao vì tội tổ tông, mỗi người chúng ta lại trở nên nạn nhân một tội mà riêng chúng ta không phạm? Như thế có phải là bất công vì toàn thể mọi người bị phạt chung sau bao từng thế kỷ về sau vì một tội riêng?
Chính thế, tội Adong không phải là tội riêng của một cá nhân, nhưng là một tội của một thủ lãnh chịu trách nhiệm cho toàn thể nhân loại.
Nếu Adong không phạm tội, Adong sẽ lưu truyền lại cho cả con cháu một bản tính nguyên vẹn. Bởi đã phạm tội, Adong truyền lại cho tất cả nòi giống nhân loại, một bản tính không còn được những ơn huệ siêu nhiên và trừ nhiên; trong cả hai trường hợp sự lưu truyền cũng là hợp lý.
Không ai có thể lưu truyền lại cho kẻ khác cái mà mình đã làm mất. Một người cha gia đình thất bại trong công việc làm ăn không thể lưu truyền lại cho con cái những tài sản mà ông không còn nữa, và các con cái sẽ không còn được hưởng gia tài của cha.
Cũng thế, Adong mhư một nhà triệu phú bị phá sản không có thể lưu truyền lại cho chúng ta đời sống Chúa mà ông đã làm mất vì tội mình, và ngày nay chúng ta sinh ra với một bản tính xa Chúa và mất tình nghĩa Chúa.
IV. TỘI TỔ TÔNG TRUYỀN LÀ GÌ?
Trước hết, phải hiểu danh từ “tội” ở đây có nghĩa khác. Thường thì tội là một hành động phi pháp, phạm với sự hiểu biết và ưng thuận.
Trong trường hợp tội tổ tông, chúng ta không làm một hành động phi pháp nào như thế lúc chúng ta sinh ra.
Vậy tội tổ tông không phải là một tội riêng chúng ta phạm. Các nhà thần học gọi tội tổ tông là tội thuộc “bản tính”, nghĩa là một tình trạng tự nhiên do một tội riêng lưư truyền.
Tình trạng trong đó chúng ta sinh ra không làm hư hỏng trực tiếp bản tính nhân loại của chúng ta. Bản tính con người của chúng ta vẫn còn hai khả năng: trí khôn và ý chí tự do. Nhưng:

a) Tội tổ tông làm cho chúng ta mất các ân huệ siêu nhiên Chúa ban cho Adong. Bởi vậy chúng ta sinh ra không còn được nghĩa cùng Chúa, mất ơn thánh sủng, không có quyền được lên trời mà ơn thánh là điều kiện cần thiết.


b) Tội tổ tông còn làm chúng ta mất những ân huệ trừ nhiên Chúa ban cho Adong. Bởi vậy chúng ta cũng như Adong sau phạm tội, phải chịu dốt nát, đau khổ và chết, rồi còn lệ thuộc nhục dục, nghĩa là bị điều xấu lôi cuốn.
Vậy tội tổ tông không tích cực làm hư hỏng bản tính nhân loại của chúng ta, nhưng nó làm mất những đặc ân, những ân huệ phụ thuộc và được ban nhưng không, điều đó làm tổn thương sự quân bình nhiên tự nhiên của chúng ta .
c) Sự sử dụng các năng lực tự nhiên của chúng ta trở nên khó khăn vì tình trạng suy nhược nầy. Mất các ân huệ siêu nhiên và trừ nhiên ảnh hưởng đến trí khôn và ý chí của chúng ta .
V. MỘT VÀI ĐIỂM NÊN BIẾT TRƯỚC
Những ân huệ trừ nhiên chỉ sẽ được trả lại cho chúng ta ngày tận thế. Trên trần gian, mỗi người chúng ta còn có một khuynh hướng về sự xấu của nhục dục và những hậu quả khác vì sự thiếu các ân huệ ấy.
Nhưng Thiên Chúa trong tình yêu thương của Người đã tìm được cách trả lại những ân huệ siêu nhiên cho nhân loại.
Không muốn bỏ rơi con người trong địa vị của “triệu phú bị phá sản” Chúa đã có một kế hoạch vĩ đại về con người. Con người đã được sáng tạo giống hình ảnh Thiên Chúa, sẽ được lại chức vị và quyền lợi của “người con của Thiên Chúa”.
CHƯƠNG III
SAU KHI ADONG VÀ EVA

ĐÃ LÀM MẤT SỰ SỐNG:

VẤN ĐỀ ĐAU KHỔ

I. BA VẤN ĐỀ


Trước khi tiếp tục kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa được thực hiện như thế nào, kế hoạch mà tội tổ tông đã làm gián đoạn, chúng ta hãy ngừng đây một lúc.
Tội tổ tông, với các hậu quả của nó, đặt chúng ta trước một vấn đề kinh khủng cần được nhìn thẳng vào bởi vì sớm hay muộn nó sẽ dày vò và làm khổ tâm những ai suy nghĩ, những ai chiến đấu, những tâm hồn đau khổ. Đó là vấn đề đau khổ.
Thiên Chúa tốt lành vô cùng, khôn ngoan vô cùng, phép tắc vô cùng, sao Người lại để cho có sự dữ, ác hoạ và đau khổ, trong thế giới mà chính Người đã dựng nên?
Chúng ta đặt lại vấn đề ấy cho rõ hơn như sau đây:
1) Tại sao Thiên Chúa lại còn được dựng nên con người tự do, mặc dầu Người biết trước rằng con người sẽ lạm dụng cái quyền tự do ấy mà làm điều dữ.
2) Tại sao Thiên Chúa lại để có sự dữ, ác hoạ và đau khổ, trong thế gian này?
3) Tại sai Thiên Chúa lại để cho người này sung suớng hơn người nọ, kẻ này khổ sở hơn người kia?

II. CẦN CHÚ Ý TRƯỚC


Chúng ta thấy, thật là một vấn đề quan trọng cần phải được giải quyết theo ánh sáng lý trí và đức tin. Nhưng trước khi giải quyết, nhất thiết, chúng ta phải có một thái độ khiêm tốn, nghĩa là chúng ta phải đặt chúng ta ở đúng địa vị chúng ta, địa vị thụ sinh trước Đấng Tạo hoá.
a) Không có lòng khiêm nhượng căn bản ấy, một số đông đã lâm vào tội kiêu ngạo dám tố cáo Chúa, chỉ trích Chúa. Thật là quái gở. Hoặc là nhận thấy quan điểm của Chúa khác quan điểm của mình thế rồi tự cho những quan điểm của mình đúng và phê bình quan điểm của Chúa, thật là phi lý!
b) Chúng ta phải biết rằng chúng ta đâu có quyền đòi Chúa phải biện bạch với chúng ta về những sự Người đã làm hoặc sẽ làm. Ngược lại, mai sau chính chúng ta phải trả lời cho Chúa về tất cả các hành động của chúng ta .
Những lúc mà những quan điểm của chúng ta không đi đôi với những quan điểm của Chúa, trước tiên chúng ta phải cho rằng chính chúng ta sai lầm, vì trí khôn của chúng ta có giới hạn, trí khôn của Chúa thì vô biên.
Đã hẳn, trong Thiên Chúa , có những mầu nhiệm chúng ta không thể hiểu thấu được.
Theo lý, chúng ta không thể nghi ngờ rằng Thiên Chúa có thể sai lầm được.
Chúng ta phải đơn sơ suy rằng những mầu nhiệm ấy vượt tầm hiểu biết của chúng ta hoặc chúng ta giải quyết không đúng sự thật.
Một người con đâu hiểu luôn được vì lý do nào cho mình đã lấy quyết định nọ, quyết định kia. Nếu con có những thắc mắc muốn được cho giải quyết cho, thì phải khiêm nhường kính cẩn hỏi han. Nếu con muốn tranh luận tay đôi với cha, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy người cha sẽ từ chối.
Đối với Thiên Chúa cũng vậy. Chúng ta không có quyền chất vấn Chúa. Chúng ta không có quyền đòi buộc Chúa phải cho chúng ta biết các lý do các hành động của Người .
Vậy chúng ta khiêm tốn và cung kính tìm hiểu những quan điểm của Chúa theo sức của chúng ta không thấu hiểu, chúng ta sẽ tin cậy vào sự khôn ngoan vô tận của Chúa.
Bây giờ chúng ta tìm giải quyết vấn đề nêu trên.
III. TẠI SAO THIÊN CHÚA LẠI DỰNG NÊN CON NGƯỜI TỰ DO MẶC DẦU NGƯỜI BIẾT TRƯỚC CON NGƯỜI SẼ LẠM DỤNG SỰ TỤ DO MÀ LÀM ĐIỀU XẤU?
a) Chúng ta phải cho Chúa lý do, vì Chúa không làm sự gì vô lý. Khi Người sáng tạo, Người có một mục đích.
Chắc chắn Thiên Chúa đã cân nhắc, đã biết bên nào hơn. Nếu Người nhất định cứ dựng nên con người tự do mặc dầu Người biết sẽ có những hậu quả không tốt do sự tự do con Người gây ra, như thế là Người cho tốt hơn. Không, Chúa không muốn dựng nên một “người máy”, Người có đủ lý.
b) Đàng khác khi chúng ta hiểu tự do là gì? chúng ta sẽ nhìn nhận thật là một đặc ân quí hoá lắm Chúa đã ban cho loài người. Tự do một quyền chọn lựa, nhưng trước hết, tự do là một quyền chọn điều lành. Chắc chắn là với một phương diện này mà Chúa đã dựng nên con người tự do. Chúa muốn mỗi người phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình và như thế đáng đuợc phần phúc thiên đàng mai sau.
IV. TẠI SAO THIÊN CHÚA ĐỂ CHO CÓ SỰ DỮ, TAI HỌA VÀ ĐAU KHỔ TRONG THẾ GIAN NÀY?
Hình như sự hiện diện của tai họa và đau khổ đi đôi với sự trọn lành của Thiên Chúa được.
Nhưng tai hoạ và đau khổ nào?
a) Nếu là những tai hoạ thiên nhiên như động đất, bão lụt… gây nên cho loài người những hậu quả tàn khốc thảm thương, các tai hoạ ấy là do sự khuyết điểm của thế giới. Chỉ có một mình Thiên Chúa là trọn lành. Tất cả cái gì ngoài Chúa mặc dầu là đã được Chúa dựng nên đều không trọn lành. Nhưng chúng ta hỏi: Tại sao Thiên Chúa lại không dựng nên một thế giới trọn lành? Lại một lần nữa, chúng ta không có quyền đòi buộc Chúa phải cho chúng ta biết mọi ý của Chúa.
Chúng ta nên suy nghĩ rằng Chúa muốn dùng những đau khổ do những tai hoạ ấy gây ra để luyện sạch linh hồn chúng ta và để nhắc cho chúng ta nhớ thế gian này là nơi tạm gởi; trời, mới là quê thật của chúng ta .
b) Nếu là những tai hoạ do loài người gây nên như chiến tranh giặc giã thì những tai hoạ ấy do loài người đã lạm dụng sự tự do Chúa ban. Nếu loài người ích kỷ tham lam không chịu nghe nhau, nếu loài người lạm dụng khoa học để giết hại nhau - ấy là lỗi về loài người chứ không phải lỗi về Thiên Chúa.
c) Nếu là những đau khổ về thân xác và tinh thần như đau yếu, bệnh tật và sự chết, những đau khổ ấy là hậu quả của tội tổ tông truyền mà ra. Chúa đã bảo trước Adong : Ngày nào người ăn trái cấm, người sẽ chết. Adong đã biết mà không tuân lệnh Chúa thì Adong và cả loài người bị phạt. Lỗi lại cũng không phải về Chúa mà còn về loài người. Thiên Chúa đã ban cho loài người vô vàn ân huệ, nhưng loài người đã từ chối!
Đàng khác sự đau khổ về thân xác và tinh thần vẫn còn có thể là một nguồn lợi thiêng liêng cho linh hồn.
d) Tất cả giải đáp kể trên sẽ yếu lắm khi con người gặp phải đau khổ nặng nề và cuối cùng chỉ có đức tin mới giải quyết được vấn đề đau khổ. Vì tất cả các thử thách – các đau khổ - một phần nào do Thiên Chúa để cho có. Có lúc chính Chúa gởi những thánh giá ấy.
Nhưng các thử thách, những đau khổ ấy đều để mưu ích cho chúng ta. Chính những lúc này chúng ta phải dùng đến những ánh sáng đức tin của chúng ta. Chúa Kitô đã nói: “Nếu ai muốn theo Ta, hãy vác thánh giá mà theo Ta (Mt 26,24). Từ ngày Chúa đã nêu gương, đối với linh hồn anh dũng, sự đau khổ đã trở nên một nguồn sinh lực và một điều kiện để được cứu rỗi. Chúng ta chớ lẫn lộn sự lành với sở thích: có những cuộc đời tốt đẹp mặc dầu gặp nhiều đau khổ, trái lại có những cuộc đời thế gian cho là sung sướng nhưng trước mặt Chúa thì xấu xa đáng ghét.
Chúng ta cũng đừng quên tín điều: “Các thánh thông công”. Công phúc của người này sinh lợi cho người kia. Có những khổ cực các linh hồn anh dũng chịu vui lòng, hơn nữa có những linh hồn tự tìm những khổ cực để chịu mà lập công đức. Các công phúc đức ấy cũng sinh ích cho chúng ta cho cả Giáo hội .
V. TẠI SAO TRÊN TRẦN GIAN NÀY, THIÊN CHÚA CHO NGƯỜI NẦY SUNG SƯỚNG HƠN NGƯỜI KIA, KẺ NÀY KHỔ SỞ HƠN NGƯỜI NỌ, KẺ LÀNH BỊ THIỆT THÒI, CÒN NGƯỜI GIAN ÁC LẠI ĐƯỢC THỊNH VƯỢNG?
Chúng ta phải thú nhận rằng phương diện này của vấn đề thật là nan giải cho người không có đức tin.
Chỉ có đức tin Công giáo mới đem ánh sáng hoàn toàn cho chúng ta về vấn đề này.
Vấn đề sự dữ, ác dữ và đau khổ nhìn theo phương diện này cũng không đủ để kết án Chúa, ngược lại nó đòi hỏi phải có một Thiên Chúa công bằng và nhân từ sẽ thưởng phạt hoàn toàn ở đời sau. Nếu chết là hết, thì những bất công, những chênh lệch trên trần gian này, sự phân phối hạnh phúc và đau khổ không đồng đều sẽ là những lý do mạnh cho chúng ta trách móc Chúa. Nhưng không, chết không phải là hết. Người Công giáo tin có cuộc đời mai sau. Công bình tuyệt đối không có ở trần gian này, chính vì thế mà phải có cuộc đời sau. Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo công nghiệp và tội ác của họ.
Vì vậy chúng ta chưa hiểu được hoàn toàn tại sao Chúa để cho người này sung sướng hơn người nọ, kẻ này khổ sở hơn kẻ kia ở trần gian này. Chúa muốn chúng ta tin có Thiên Chúa và Người là Đấng chí công, là Đấng yêu thương mọi người.
Bệnh tật cũng là một ân huệ.

Ingnace de Loyola là một sĩ quan trẻ tuổi rất háo danh, hay nóng giận, nhưng có tài chỉ huy. Một hôm ông cầm binh đánh giặc chẳng may ông bị thương gãy chân. Trong lúc điều dưỡng trên giường bệnh, ông đọc tiểu thuyết cho giải khuây. Người ta cũng đưa cho ông ta những sách hạnh các thánh và sách cuộc đời Chúa Cứu Thế. Lần đầu ông cầm quyển sách đạo ông lấy làm ngại ngùng, nhưng không có sách nào khác nữa buộc lòng ông ta phải xem. Đọc xong mấy cuốn ông khám phá ra được những ý tưởng mới hẳn, mà ông chưa từng biết: lòng khiêm tốn mạnh hơn lòng thù oán, lòng sốt sắng chinh phục các linh hồn.


Rồi với một tâm hồn cao thượng sẵn có, ông tự bảo: “Sao tôi lại không làm những sự mà thánh Phanxicô và thánh Đôminicô đã làm?”. Ingnace nhất định theo gương hai đấng thánh trên và ông đã trở nên một vị thánh lớn.
VI. THAY LỜI KẾT
Mỗi người đều biết chuyện ông Gióp, một người công chính, đã mất hết của cải, nhưng đã bằng lòng chấp nhận thử thách, ông nói: “Thiên Chúa đã ban cho tôi, Thiên Chúa đã lấy lại, ngợi khen Thiên Chúa”.
Cựu ước chẳng những ghi lại chuyện ông Gióp, mà còn bàn luận về vấn đề đau khổ trình bày dưới hình thức một cuộc đối thoại giữa ông Gióp và các bạn hữu của ông Gióp bị thử thách.
Các bạn ông Gióp cho rằng đau khổ là những hình phạt Chúa giáng trên người tội lỗi. Nhưng Gióp tin rằng mình vô tội, nên Gióp tìm sự giải thích đích thực của đau khổ nhưng không gặp.
Cuối sách, Thiên Chúa hiện ra và đối thoại với Gióp.
Chúng ta không thể kết luận hơn bằng đoạn sách sau đây về vấn đề đau khổ:
“ Giữa cơn bão táp, Thiên Chúa trả lời cùng Gióp và phán:

“Ai là kẻ làm lu mờ kế hoạch của Ta bằng những lời vô ý thức?

“Ta sẽ hỏi ngươi và ngươi hãy dạy Ta. Khi Ta đặt nền móng trái đất, thì ngươi ở đâu? Nếu ngươi thông minh hãy nói đi. Ai đã đặt khuôn khổ kích thước của trái đất? Người biết không?

“Từ khi ngươi ra đời, ngươi có điều khiển buổi sáng không? Ngươi có xuống tận cùng nguồn mạch biển cả không?

“Ngươi có bước đi dưới đáy của vực sâu không? Ngươi hãy nói đi… Có phải ngươi làm cho mặt trời mọc không? Có phải ngươi nuôi các chim trời không?”.
Gióp trả lời cùng Chúa:
“Con biết Chúa toàn năng, Chúa có thể làm mọi sự.

“Vâng, con đã ăn nói dại dột về những sự kỳ diệu vượt quá trí khôn con và con chẳng biết.

“Vì vậy con xin hối hận ăn năn” (Sách Gióp đoạn 38).
-----------------x!x----------------



tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương