ĐỨc tin của ngưỜi công giáo imprimatur sài Gòn, ngày 25-9-1992 +Phaolô Nguyễn Văn Bình



tải về 1.13 Mb.
trang2/11
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích1.13 Mb.
#38028
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

B. TRUYỀN THỐNG (La Tradition)

XIII. TRUYỀN THỐNG LÀ GÌ?


Người ta định nghĩa: Truyền thống là "ký ức của Giáo hội giữ kín kho tàng đức tin".
Chúa Kitô đã uỷ thác cho Giáo hội sứ mệnh thông lại cho nhân loại lời hằng sống của Ngài. Ngài cũng hứa là Thánh Thần sẽ yểm trợ Giáo hội nhận thức chân lý mạc khải, và tuần tự thấm nhuần chân lý ấy để sinh hao trái.
Như thế Truyền thống là Kinh thánh được nối tiếp được suy cứu.
Cũng cần hiểu điểm này là Chúa Kitô không viết gì hết và các tông đồ đã tuân lệnh Ngài khởi công bằng giảng thuyết. Các ngài chỉ ghi chép sau nay thôi và cũng ghi lại phần chính của các bài giảng. Các ngài tuyên bố rõ ràng các tài liệu các ngài để lại không biên chép hết những gì Chúa đã nói và đã làm. Thánh Gioan kết thúc tập Phúc âm của ngài như thế nầy:" Chúa Giêsu còn làm nhiều việc khác nữa. Nếu phải ghi lại từng điều một, tôi tưởng thế gian này sẽ không đủ chỗ để chứa hết các sách viết ra" (2Tm2-2)
Thánh Phaolô cũng lưu ý chúng ta đến đức tin truyền miệng khi ngài nói: Con hãy truyền lại cho những người đáng tin những giáo thuyết con đã nhận nơi Cha để họ cũng có thể dạy lại cho kẻ khác" (2 Tm 2-2).
Bây giờ chúng ta có thể kết luận rằng đức tin truyền thống bao hàm nhiều chân lý hơn Kinh thánh: nghĩa là nơi đức tin truyền thống có những chân lý không có trong Kinh thánh. Chẳng hạn sự thành lập nhiệm tích Hôn phối.
XIV. TRUYỀN THỐNG ĐƯỢC DIỄN TẢ Ở ĐÂU?

- Diễn tả trong các tác phẩm của các Thánh phụ. Các Thánh phụ là những vị đại diện có uy tín của giáo đoàn sơ khai. Các ngài đã nhận lãnh đức tin do miệng các tông đồ và dạy lại cho giáo hữu.


Các vị có uy tín nhất: thánh Ignace, thánh Irénée, Cyprien, Athanse, Basile, Jean Chrysostome, hai Grégeire de Nysse và de Nazianse, Augustin, Ambroise, Jerome...
Origène và Tertulien, tuy không làm thánh, song cũng được kể như là những nhà văn thông lại cho hậu lai đức tin truyền thống.
- Diễn tả trong những kinh rất xưa của Giáo hội.
- Diễn tả trên những đài, lăng tẩm nơi các hang hầm toại đạo của ba thế kỷ đầu.
- Diễn tả trong văn kiện của các Công đồng, của các Giáo hoàng.
- Diễn tả trong những hình thức đạo đức, trong những tôn chỉ thiêng liêng đã được toàn Giáo hội chấp nhận từ sơ khai.
XV. GIÁ TRỊ THẦN LINH CỦA TRUYỀN THỐNG CĂN CỨ VÀO ĐÂU?
Chính lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ làm căn bản cho giá trị của Truyền thống. Ngài phán: "Ta sẻ ở với các ngươi cho đến ngày tận thế" (Mt 28,20) hay khi Ngài hứa sẽ sai Thánh Thần để bảo vệ các Tông đồ cho khỏi mọi lỗi lầm: "Ta sẽ nguyện xin Chúa Cha và Người sẽ sai Thánh Thần của chân lý; Thánh Thần sẽ ở lại với các ngươi luôn mãi (Ga 14,16-17) "Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Ta, Ngài sẽ dạy các ngươi hết mọi sự và sẽ nhắc lại cho các ngươi những điều Ta đã dạy"? (Ga 14,26). "Ta còn nhiều điều phải nói với các ngươi... nhưng khi nào Thánh Thần của chân lý đến. Ngài sẽ dẫn các ngươi vào tất cả sự thật" (Ga 16, 12-13).
XVI. GIÁO HỘI CÓ THỂ ĐƯA RA NHỮNG TÍN ĐIỀU MỚI KHÔNG?
Tín điều mới nghĩa là do Giáo hội tự mình mà tìm ra, thì thật không thể được; bởi vì từ ngày vị tông đồ cuối cùng đã tạ thế, kho tàng mạc khải đóng cửa và mọi tín điều phải bắt nguồn trong thế kỷ thứ nhất sau Chúa Cứu Thế.
Nhưng với thời gian, một điểm tín lý có trong Kinh Thánh hay trong Truyền thống, trước kia còn lu mờ, bây giờ được Giáo hội nhận thức rõ ràng và đem ra cho giáo dân tin với một lời tuyên bố long trọng của một vị Giáo hoàng hay một Công đồng. Chẳng hạn tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (1854); tín điều Đức Giáo hoàng vô ngộ nhận (1870) và Mẹ Hồn Xác Lên Trời (1950).
XVII. KẾT LUẬN
Những hàng trên đây cho chúng ta thấy tầm quan trọng của Kinh Thánh và của Truyền thống. Nên trong những bài học sau đây chúng ta sẽ luôn luôn dựa vào đó để dẫn chứng. Nguồn mạc khải với hai hình thức này là bảo đảm cho mọi chân lý siêu nhiên.
Người Kitô hữu muốn có một đức tin sáng suốt, tất nhiên là phải học hỏi, suy niệm nhiều về Kinh Thánh, nhất là bộ Phúc âm... và theo sát đức tin sống động trong Giáo hội qua các văn kiện chính thức của các vị Lãnh tụ Giáo hội, của các Công đồng và riêng các thông điệp của các vị Giáo hoàng.

CHƯƠNG III
NHÌN TỔNG QUÁT VỀ KHOA TÍN LÝ

I. NHỮNG TÔN CHỈ HƯỚNG DẪN KHOA TÍN LÝ


Trước khi học những chân lý phải tin, chúng ta cần biết tránh ba nguy hiểm sau đây:
a) Chúng ta không được tách rời chân lý này khỏi chân lý khác. Khi học, chúng ta sẽ phải nhìn ngắm từng điểm một. Nhưng trong thực tế tất cả cùng nhau làm thành một hệ thống rất hợp lý cấu kết với nhau rất là chặt chẽ và chúng ta phải chấp nhận toàn bộ.
b) Chúng ta cũng không được tách rời các chân lý ra khỏi đời sống của chúng ta. Các mầu nhiệm siêu nhiên không phải là thứ lý thuyết suông mặc dù là tốt đẹp để thoả mãn trí óc tìm hiểu. Các chân lý ấy có chủ đích soi sáng tư tưởng của chúng ta, dạy chúng ta cách sống đạo. Tin tưởng vào các chân lý siêu nhiên, tức là suy nghĩ, phán đoán và ăn nói theo từng chân lý và đem chúng vào đời sống hằng ngày.
c) Sau hết không được tách rời các chân lý siêu nhiên ra khỏi con người sống động của Chúa Kitô. Chúng ta cần nhắc lại điểm này, là tin Đạo Chúa Kitô không phải là chấp nhận một lý thuyết của trí khôn tìm ra, nhưng là thái độ gắn bó với Chúa Giêsu Kitô hằng sống giữa chúng ta. Các tín đồ của các tôn giáo khác chỉ chấp nhận một số quyết đoán do con người. Còn chúng ta, người Kitô hữu, chúng ta tin vào một chân lý nhập thể trong con người của Chúa Kitô. Chính Ngài đã tuyên bố: "Ta là ánh sáng của thế gian; ai theo Ta sẽ không đi trong bóng tối; người ấy sẽ có ánh sáng của sự sống" (Ga 8,12).
II. TRUNG TÂM CỦA TOÀN BỘ TÍN LÝ.
Chân lý làm nền tảng cho cả toà nhà tín lý là:
Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta để chỉ sống cuộc đời của con người tự nhiên: mà để sống cuộc đời của Người, cuộc đời siêu nhiên.
- Đời sống tự nhiên của nhân loại là: Sinh ra, lớn lên, ăn ngủ, nói, suy nghĩ, học hành, yêu thương, hoạt động...
- Đời sống của Thiên Chúa thì vô cùng cao quí hơn, làm chúng ta không còn chỉ là những tạo vật của Thiên Chúa như các sinh vật khác, nhưng nâng chúng ta lên làm những đứa con của Thiên Chúa mang trong mình đời sống của Thiên Chúa.
Đời sống siêu nhiên là một món quà Chúa ban cho nhưng không gồm hai giai đoạn:
1) Giai đoạn trần gian: sống nhờ Ơn Thánh.

2) Giai đoạn đời đời: sống trên Thiên Đàng.


Giai đoạn thứ nhất chuẩn bị cho giai đoạn thứ hai và là điều kiện cần thiết. Để mai sau sống đời đời như Con của Thiên Chúa thì bây giờ ở đời tạm này chúng ta không phải sống trong ơn nghĩa của Người.
Người Kitô hữu thật là người kitô hữu khi nào họ sống thật sự trong ơn nghĩa của Chúa, là khi nào họ hằng cố gắng làm cho ơn nghĩa ấy sinh hoa trái trong họ và ngoài họ.

III. LỊCH SỬ CỦA ĐỜI SỐNG SIÊU NHIÊN TRONG THẾ GIAN.


Thiên Chúa là nguồn của sự sống vĩnh cửu. Người đã ban sự sống ấy cho con người ngay sau khi dựng nên họ. Nhưng con người đã mất sự sống ấy do tội của Adong. Chúa Giêsu Kitô đã đến trong thế gian và đã trả lại sự sống ấy. Ngài còn sáng lập nên Giáo hội để Giáo hội chuyển sự sáng ấy sang cho mỗi người. Một ngày kia tất cả những ai đã sống ơn thánh tại trần gian sẽ hưởng sự sống ấy liên mãi trên trời.
IV. LỊCH SỬ CỦA SỐNG SIÊU NHIÊN TRONG MỖI NGƯỜI KITÔ HỮU
Đời sống của Ơn Thánh được ban xuống cho ta khi chịu phép Thánh Tẩy. Chúng ta có thể mất khi cả lòng phạm tội trọng. Nhưng nhờ phép Giải tội chúng ta có thể khôi phục lại. Đời sống của Ơn thánh như mọi đời sống khác, cần phải lớn lên. Các Bí tích tăng thêm đời sống Chúa trong linh hồn người Kitô hữu.. Bí tích Thêm Sức và Thánh Thể đặc biệt đã được thành lập để thực hiện mục tiêu ấy. Ngoài ra còn kinh nguyện và sinh hoạt của đức Ái trong khi chu toàn nhiệm vụ hằng ngày, đều là những phương tiện siêu nhiên đưa đời sống của Ơn Thánh đến mức trưởng thành.
V. CHƯƠNG TRÌNH CỦA KHOA TÍN LÝ
PHẦN THỨ NHẤT: Nguồn của sự sống.

1) Có Thiên Chúa

2) Có đời sống của Chúa Ba Ngôi
PHẦN THỨ HAI: Chúa ban sự sống.

1) Sáng tạo thế giới

2) Sáng tạo con người

PHẦN THỨ BA: Con người mất sự sống

1) Adong sa ngã

2) Tội Tổ Tông


PHẦN THỨ TƯ: Chuộc lại sự sống.

1) Thiên Chúa nhập thể.

2) Công trình cứu độ
PHẦN THỨ NĂM: Chuyển thông sự sống.

- Giáo hội .


PHẦN THỨ SÁU: Sự sống trọn vẹn, sung mãn.

1) Cánh chung.

2) Sự sống đời đời.

PHẦN THỨ NHẤT
NGUỒN CỦA SỰ SỐNG

Chương I: CÓ THIÊN CHÚA
Chương II: CHÚNG TA BIẾT GÌ VỀ THIÊN CHÚA
Chương III: MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI

Môsê hỏi Chúa tên gì? Chúa trả lời: "Ta là Đấng Tự Hữu". (Xh 3,14).
CHƯƠNG I
CÓ THIÊN CHÚA

I. NHỮNG NGƯỜI KHÔNG TIN CÓ THIÊN CHÚA


Tin có Thiên Chúachân lý làm nền tảng cho mọi chân lý khác.
Nhưng thời nay chân lý căn bản này, nhiều người không chấp nhận nữa: Người Tin lành của thế kỷ 16 đã tuyên bố: "không còn Giáo hội nữa". Các nhà triết gia của thế kỷ 18 hô to: "không có Chúa Kitô nữa!". Và thế hệ của người không tin có Thiên Chúa hô hào: "không còn Thiên Chúa nữa!"
Chúng ta phải công nhận rằng con người càng tiến bộ về mặt vật chất, họ càng phụ nhận các chân lý thiêng liêng và luân thường. Đứng trước tình trạng này, người kitô hữu không thể hài lòng với câu trả lời đơn giản: "Tôi tin có Thiên Chúa !". Họ phải biết nói lên những lý do của đức tin mình. Muốn được thế họ phải hiểu biết đạo lý cách sâu sắc do sự học hỏi của chính họ.
Sau đây là những người không tin có Thiên Chúa .
a) Có những người tưởng rằng tin có Thiên Chúa là một sự nghịch với khoa học. Thái độ này rất thịnh hành hồi thế kỷ 19, thế kỷ đã khám phá ra nhiều phát minh khoa học, nên nhiều nhà bác học tin vào những bước tiến vô hạn định của khoa học. Thế kỷ 20 này, thái độ ấy đã giảm đi nhiều; vì người ta đã biết phân biệt lãnh vực của tôn giáo.
b) Có những người tưởng rằng tin có Thiên Chúa là một trở ngại cho tự do của con người. Họ phụ nhận Thiên Chúa bởi vì nhìn nhận có Thiên Chúa tất nhiên phải chấp nhận những tôn chỉ luân thường của tôn giáo. Thường là của những người mất đức tin khi đến cái tuổi người ta muốn sống một cuộc đời riêng biệt, không muốn đầu phục một quyền bính nào ngoài họ. Những người này chỉ muốn lấy lạc thú của thể xác làm mẹo mực cho đời họ; Thiên Chúa chỉ gây phiền toái.
Thái độ này thực ra sợ Thiên Chúa hơn là phụ nhận có Thiên Chúa.
c) Có những người tưởng rằng nhìn nhận có Thiên Chúa là phủ nhận phẩm giá của con người. Nhưng phát minh thần kỳ của con người tân tiến làm cho một số tin rằng con người mới là Chúa thật của vũ trụ, con người được thần hoá đến thay thế một Thiên Chúa trên con người. Sau đây là một tỷ dụ điển hình của những người ấy. Jaures tuyên bố như thế này tai Quốc hội Pháp: "Không có chân lý siêu nhiên, nghĩa là chân lý mà con người không có quyền khám phá. Tất cả những chân lý không do chúng ta tìm ra, đều là nói láo, là ảo tưởng... Nếu lý tưởng siêu nhiên trở nên hữu hình, nếu Thiên Chúa chống lại con người dưới mọi hình thức sống động, con người có bổn phận từ chối sự vâng lời, và có quyền đặt mình ngang hàng để nói chuyện chứ không phải coi Thiên Chúa như một người chủ phải chấp nhận".
d) Còn có những người cho rằng tin có Thiên Chúa đã trở nên lỗi thời, là một điều vô ích, có hại nữa, mâu thuẫn với các định luật của cuộc tiến hoá của nhân loại.
Chủ thuyết trên có thể tóm lại như sau đây: Chỉ có vật chất và mọi sự đều do vật chất. Nhưng vật chất không phải là một cái gì bất động. Nó có một động lực bắt nó luôn luôn bành trướng; nhưng nói đụng bộ với một lực lượng này lại đi về ổn định. Giữa hai lực lượng này tiếp diễn một cuộc tranh đấu. Tranh đấu là định luật của sự sống và của sự tiến bộ. Cuộc tranh đấu này hiện diện trong mỗi vật và giữa vật này với vật khác: Lịch sử của nhân loại chỉ là lịch sử của các cuộc tranh đấu giữa các giai cấp xã hội, giữa người bị bóc lột và người bóc lột. Giai cấp bị bóc lột là lực lượng của sự tiến bộ; còn giai cấp bóc là lực lượng phản lại tiến bộ. Nhân loại ngày nay đang tiến gần đến cuộc tranh đấu cuối cùng: cách mạng sẽ tiêu huỷ hoàn toàn dưới tư bản. Sau đó thế giới sẽ đựợc tổ chức lại trên những nền tảng mới và mỗi người sẽ hưởng hạnh phúc cho toàn thể.
Lý thuyết này có chủ đích tiêu diệt các bất công xã hội. Những bất công này của xã hội, người công giáo chúng ta cũng kết án. Đàng khác cũng phải công nhận rằng lý thuyết trên cũng có một phần hợp lý và cao thượng. Nhưng cũng là một cố gắng hủy bỏ Thiên Chúa; chẳng những huỷ bỏ Thiên Chúa khỏi đời tư của cá nhân mà huỷ bỏ Thiên Chúa khỏi cộng đồng nhân loại.
e) Thế giới hiện sinh cho rằng tin có Thiên Chúa là một quan niệm mâu thuẫn. Theo J.P.Sartre không thể tin được Thiên Chúa tự hữu. Vì nếu tin như thế thì Thiên Chúa lại là nguyên nhân của mình, nguyên nhân phải có trước hậu quả.
Người Kitô có thể trả lời: Ý niệm "nguyên nhân" và "hậu quả" chỉ có nghĩa khi nói đến loài thụ tạo: Loài thụ tạo sống trong thời gian. Còn Thiên Chúa không lệ thuộc thời gian; Người ra ngoài thơì gian. Nơi Người không có trước không có sau. Người đời đời sống trong hiện tại.
Thuyết hiện sinh đi đến kết luận này: không thể giải thích tại sao có con người; con người có là một sự thật vô lý. "Những gì có đều sinh mà ra không có lý do; tiếp tục sống vì hèn nhát và chết vì đụng độ với một lực khác" (J.P Sartre: la nausee).

"Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tới kết hợp với Thiên Chúa . Nhưng có nhiều người không nhận ra hoặc công khai gạt bỏ sự liên kết mật thiết và sống động giữa con người với Thiên Chúa ...


"Có người phủ nhận Thiên Chúa cách tỏ tường, có người lại nghĩ rằng con người hoàn toàn không thể quả quyết gì và về Thiên Chúa cả. Có người cứu xét vấn đề Thiên Chúa theo một phương pháp làm cho vấn đề đó xem ra thiếu hẳn ý nghĩa. Vượt quá phạm vi khoa học thực nghiệm, nhiều người hoặc chủ trương giải thích mọi sự chỉ bằng khoa học này, hoặc trái lại, hoàn toàn không chấp nhận một chân lý nào là tuyệt đối. Có người lại quá đề cao con người đến nỗi sự tin tưởng vào Thiên Chúa trở nên như vô nghĩa. Những người này xem ra muốn đề cao con người hơn là muốn chối bỏ Thiên Chúa . Có người hình dung một Thiên Chúa theo kiểu họ tưởng đến nỗi Thiên Chúa mà họ phủ nhận không phải là Thiên Chúa của Phúc âm...".

(Công đồng Vaticanô II)
II. TẠI SAO CHÚNG TÔI QUẢ QUYẾT CÓ THIÊN CHÚA
Tin có Thiên Chúa vì chỉ có thế mới giải thích được đầy đủ tai sao có:
1) Những vật không tự hữu;

2) Sự sống và sức vẫn chuyển;

3) Trật tự vật lý;

4) Trật tự tinh thần.
Đấy là bốn 4 bằng chứng để nói có Thiên Chúa. Chúng ta sẽ phải tìm hiểu từng bằng chứng một. Song tất cả 4 đều do một nguyên tắc duy nhất: Cái hơn không thể do cái thua kém mà sinh ra".
Nói cách khác, nếu không có một nguyên nhân bên ngoài, người ta không thể hiểu làm sao từ không sang có; từ không có sự sống sang có sự sống; từ hỗn tạp sang trật tựu, từ vật vô ý thức sang vật có ý thức.
Phải có một nguyên nhân bên ngoài các sự vật này và nguyên nhân này phải tự hữu, phải sống động, thông minh và tốt lành.
1) Những vật không tự hữu.
Chúng ta có thể lập luận như thế này: Thế giới này được kết thành do những vật không thể tự mình mà có; những vật này cần đến một nguyên nhân có trước. Từ vật này lên vật trước, phải đến lúc có một nguyên nhân cuối cùng, tức là Thiên Chúa .
2) Sự sống và sức vận chuyển.
Thế gian này có những vật có sự sống và tự mình vận chuyển thì phải có một cái gì sống và vận chuyển trước chúng nó. Nếu cứ từ vật sống này lên vật sống khác, chúng ta cũng phải ngừng ở nguyên nhân có sự sống sau hết và tự mình mà có sự sống và sức vận chuyển, không còn nhờ đến ai khác nữa. Người sống tự mình có là Thiên Chúa .
3) Trật tự vật lý của vũ trụ.
Chúng ta đang sống trong một thế giới hữu cơ nghĩa là có những định luật rõ ràng điều khiển các vật, điều hoà sinh hoạt của chúng và bảo đảm thăng bằng và trật tự của toàn bộ. Nếu khi ngắm một bộ máy tính hoàn hảo, chúng ta nhìn nhận người kỹ sư thông minh và tài ba; phải ngắm vụ trũ tuyệt hảo như vậy, chúng ta cũng phải nhìn nhận phải có một trí óc thông minh và một quyền năng vượt mọi trí óc và quyền năng đã sáng tạo ra. Đấng thông minh và toàn năng ấy, chính là Thiên Chúa.
Để nhận thấy trật tự thần kỳ của vụ trũ chúng ta hãy nhìn qua:

a/ Thế giới vô cùng lớn lao;

b/ Thế giới vô cùng nhỏ bé;

c/ Những kỳ công trong thể xác loài người.
a/ Thế giới vô cùng lớn lao.
Quả địa cầu của chúng ta cách mặt trời 150 triệu cây số; nó quay quanh mặt trời với tốc độ là 108.000 cây số giờ.
Ngoài trái đất còn có nhiều hành tinh khác thuộc thái dương hệ, như Mercure cách mặt trời 65 triệu cây số;Pluton cách 6 tỷ cây số.
Mặt trời lớn hơn trái đất 1.300.000 lần, và cũng là thành phần của một thế giới tinh tú. Với loại kính thường người ta đếm được 2.270.000 tinh tú. Nhưng bây giờ người ta mới tạo ra bên Mỹ một thứ kính có một khả năng thấy xa hơn con mắt đến 1.500.000 lần. Với những dụng cụ này các nhà thiên văn đếm số sao của sông Ngân hà; đếm cả cách khoảng giữa các ngôi sao .
Sông Ngân hà có chừng 50 đến 80 tỷ ngôi sao. Ngôi sao gần chúng ta hơn hết là 36.000 tỷ cây số ngàn. Sao bắc đẩu cách 440.000 tỷ cây số ngàn .
Nhưng ngôi sao khác xa nhau quá, không thể lấy đơn vị cây số mà tính được . Phải lấy đơn vị ánh sáng ,giây ánh sáng , năm ánh sáng. Một giây ánh sáng đi được 300.000 cây số; một năm, ánh sáng đi được 9.460.800.000 cây số.
Tính như thế từ đầu này sông Ngân Hà đến đầu kia có 100.000 năm ánh sáng.
Và chưa hết: còn nhiều hệ thống khác giống như sông Ngân Hà. Đến bây giờ, người ta mới đếm được 2 triệu hệ thống. Chẳng hạn hệ thống Hercule là một khối có hàng triệu mặt trời; hệ thống Sagittaire có trên 800 triệu mặt trời xa trái đất đến 30.000 năm ánh sáng… Và cũng chưa hết: Còn nhiều vũ trụ khác giống như vũ trụ của chúng ta. Vũ trụ có tên là tinh vân Andromede, gần trái đất hơn cả cũng phải mất 750.000 năm ánh sáng. Người ta còn khám phá ra hằng ngàn vũ trụ tương tự và luân chuyển xa hơn chúng ta… đến 1 tỷ năm ánh sáng.
Trước những con số khổng lồ đó, Kinh thánh trong Ca vịnh hô lên rằng: “Các tầng trời cao rao vinh quang của Thiên Chúa và không gian loan tin kỳ công của tay Người” (Cv.18). Newton cũng nói: “Tôi thấy Chúa đi qua trước ống kiến viễn vọng của tôi”.
Đứng trước một hệ thống bao la và nguy nga luân chuyển theo những định luật rất khôn khéo, người ta cảm thấy mình thấp hèn và đầy thán phục, và người ta phải đồng ý với Cuenot khi ông nói: “Đối với tôi phép lạ của các phép lạ là vũ trụ nầy bao giờ cũng đi về trật tự, chứ không rơi vào hỗn loạn”.
b) Thế giới vô cùng nhỏ bé
Vật nhất của vũ trụ cũng đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận Thiên Chúa.
Một gam nước chẳng hạn chứa đến 33.500 tỷ của hàng tỷ phân tử. Một phân tử nước hợp thành bởi nguyên tử Hydro và Oxy. Nguyên tử Hydro cũng do hai đơn vị khác: dương điện tử và âm điện tử (proton và électron). Còn nguyên tử Oxy thì lại có 8 dương điện tửvà 8 trung hoà tử. Hai thứ này cấu thành nòng cốt; ngoài ra còn có 8 âm điện tử nữa. Tất cả ba thứ này cùng nhau kết thành một nguyên tử lớn bằng một phần trên 10 triệu phân của 1 li.
Một kính hiển vi thường có thể cho thấy những sự lạ: trên cánh bướm mỗi phân vuông có đến 16.500 cái vi; trong một li khối nước có đến 40 triệu con vật tí hon.
c) Cơ thể của con người
Chúng ta còn có thể kinh ngạc nhiều trước những kỳ công trong cơ thể của con người. Hai cuống phổi thật là một xưởng máy làm dưỡng khí; dạ dày và ruột lọc và làm cho tinh vi các thức ăn; gan là nhà máy phát sức nóng và sức chuyển động; lá lách là nơi làm ra hồng huyết cầu; thận là nhà máy lọc các chất dơ ; trái tim là thứ ống bơm hai chiều; óc và thần kinh là một thứ nhà máy phát điện và thông sự sống cho toàn bộ phận; tay là cơ quan để động; chân cơ quan để di chuyển; hai con mắt là một thứ tiếng tinh xảo; tai là cơ quan để nghe; họng là thứ máy nói sống động.
Chúng ta chỉ cần trích ra đây hai đoạn sách rất danh tiếng của bác sỹ Alexis Carrel: “Máu của con người ta có chừng 30 nghìn tỷ hồng huyết cầu và 50 tỷ bạch huyết cầu. Những trung tâm thần kinh chất chứa lối 12 tỷ tế bào và nối liền nhau nhờ những sợi dây phân chia ra nhiều thứ. Nhờ những thớ thịt này các tế bào chằng chịt lại với nhau hàng triệu lần và thành một khối rất thống nhất sinh hoạt như một. Chúng ta quen với những máy móc đơn giản, với những dụng cụ đo lường rất đúng; khi nhìn vào cơ thể con người thì phải công nhận là một thần kỳ và khó hiểu”. (Con người. tr 38 và 45).
Một khi đã ngắm nhìn những kỳ công lớn nhất cũng như nhỏ nhất trong vũ trụ, nhất là chúng luân chuyển không bao giờ bị trắc trở và rất khéo léo; một khi nhìn ngắm cơ thể con người rồi, chúng ta chỉ có một lết luận hợp lý: “Tất cả những thứ ấy không thể tự tạo nên. Ngẫu nhiên không thể giải thích tại sao có tình trạng điều hoà như thế, tại sao bao nhiêu phương tiện lại thích hợp đến thế với chủ đích nhất định. Chỉ có một quyền năng bên ngoài mới có thể làm chủ một công việc bao la như thế: Tôi tin có Thiên Chúa, Đấng đã sáng tạo Trời và Đất.”
Bây giờ chúng ta mới hiểu lời nói của Kinh Thánh: “Tất cả họ đều khờ dại, những ai không biết Thiên Chúa qua những vật hữu hình, những ai không nhìn ra người thợ qua những kỳ công của Người.” (Sagesse 13,1-9). Và: “Người lương dân có thể nhận biết những gì về Thiên Chúa và họ đã nhận biết Thiên Chúa đã tỏ ra cho họ. Bởi từ khi sáng tạo vũ trụ, những đức tính vô hình đã tự bày tỏ ra trong các tạo vật, đặc biệt quyền năng đời đời và thần tính của Người. Do đó mà họ không thể vô tội”. (Rm 1,19-20).
4) Trật tự luân lý
Có thể lập luận như thế này: Mỗi người đều nghe tiếng nói của lương tâm phân biệt Lành và dữ. Ai cũng biết rằng mình phải làm Lành lánh Dữ, mặc dầu họ có thể hiểu sai đâu là Lành đâu là dữ, hay có thể phản lại mệnh của lương tâm. Ai đã đặt trật tự này trong con người?
Không thể là con người, vì con người lệ thuộc luật ấy và có khi còn muốn được thoát ly nữa. Cũng không phải do xã hội; xã hội lắm lúc cũng đi ngược luật lương tâm. Vậy phải nhìn nhận đó là luật của Thiên Chúa đã ghi vào lương tâm của con người . Thiên Chúa là sự thiện tuyệt đối.
III. CÁC NHÀ BÁC HỌC NGHĨ GÌ?
Những ai biết suy nghĩ đều có thể hiểu các lý lẽ chúng tôi mới trình bày trên đây. Mặc dầu cũng nên nhắc lại rằng trong quá khứ cũng như hiện tại, các nhà bác học lỗi lạc nhất đều xưng hô đức tin của họ: Họ tin có Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghe lời tuyên xưng cảm động của một trong những nhân vật của thời nay, lời tuyên xưng của nhà địa chất học Pierre Termier: “Hai chương cuối cùng của tôi là những trang dẫn chứng của đạo Chúa Kitô. Và người biện chứng là con người từ tuổi trẻ cho đến trưởng thành chỉ chuyên về những khoa của thiên nhiên và không bao giờ vì đó mà giảm bớt Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái. Xưa nay tôi đã tin và bây giờ vẫn còn tin đạo Kitô là chân lý và ngoài đạo ấy ra không thể cứu độ thế giới bằng cách nào khác. Tôi tưởng thời nay rất hệ trọng, vì thời nay tất cả mọi tín đồ Kitô phải chứng tỏ họ đã thâm hiểu các lý lẽ của đức tin mình và chứng rằng họ đã quyết tâm chọn con đường hẹp và gồ ghề này giữa 20 con đường trước mắt; bởi vì con đường này dẫn đến nguồn sống… (La Joie de Conaitre, tr 8).
Một số đông bác học có thể ký bản tuyên xưng này. Một số khác nếu không rõ ràng như thế, song vẫn không giấu diếm họ tin có Thiên Chúa. Chẳng hạn Pascal, Newton, Cuvier, Claude Bernard, Ampere, Lavoisier, Branly, De Broglie…
Trường hợp các nhà bác học danh tiếng nhất không bao giờ gặp khó khăn cho đức tin của họ vì khoa học, tuy không phải là bằng chứng đích xác, vẫn có giá trị lớn cho việc minh chứng Thiên Chúa. Một nhà biện giải mới làm một bản thống kê cho giới khoa học. Thế kỷ 19 có tất cả 432 bác học trứ danh và trong đó đã có 357 tín đồ Kitô. Còn là 75 vị, song có 44 vị không ai rõ về thái độ tôn giáo. (R.P.Eymieux: La part des croyants dans les progres de la science).
Năm 1928 Robert de Flers có làm một cuộc điều tra nơi 72 hội viên của Hàn Lâm Viện khoa học trên vấn đề này: “Khoa học có phản lại tín ngưỡng không?”.
Hầu hết các vị ấy trả lời là không; bởi vì mỗi sinh hoạt có một phạm vi riêng biệt. Một số còn đi xa hơn và tuyên bố rằng tin có Thiên Chúa là câu trả lời hợp lý hơn cả cho mọi cố gắng tìm tòi và lo âu của nhà bác học.
“… Không có gì cản trở tinh thần khoa học hoà hợp với những tín ngưỡng đã được suy nghĩ và sáng suốt. Trái lại với khoa học càng được đào sâu thì tôn giáo lại thêm sức mạnh, lại làm sáng tỏ bàn tay của Tạo Hoá”. (Tướng Bourgeois, giáo sư tại trường Polytechnique).
“… Tại sao lại không nhấn mạnh điểm này là chính khoa học cho chúng ta thấy một vũ trụ tuyệt đẹp và rất thứ tự, và chứng tỏ có hoà hợp giữa các cuộc được thí nghiệm và lý thuyết? Nhìn khoa học như thế, khoa học dẫn đến lập trường duy linh”. (Léon Guillet, Giám đốc trường Centranle).

“… Ngày nào Hàn Lâm Viện của khoa học cho biết rằng có một người đã thay đổi con đường luân chuyển của các tinh tú trên trời, con đường mà vũ trụ đã theo hàng ngàn thế kỷ nay; ngày nào mà một người khác hay cũng chính người đó, chỉ trỏ ngón tay mà làm cho những hạt giống trở thành đống lúa mì hay giỏ bông hường, có tài tạo nên con chí hay con voi hay con rắn lục hay con hươu, hay là ban cho mỗi người chúng ta trí khôn và lòng tốt, ngày đó thật là một biến cố lớn lao trong lịch sử của khoa học. Một số người sẽ dựa vào đó mà phủ nhận Thiên Chúa, phủ nhận Đấng Tạo Hoá: riêng tôi, tôi biết có người sẽ nói thế này thôi: “Con người đã đi vào trong bí mật của Thiên Chúa!” (Lindet, Giáo sư tại trường National Agronomique).


“… Vũ trụ vô tận! Thật là một cảnh tượng vĩ đại, tuyệt đẹp! Nếu có thể được, bạn hãy hình dung một thế giới khác hùng tráng hơn, thanh bình hơn, cao cả hơn; bạn hãy tưởng tượng ra một nguồn vui thú trong trắng hơn, tế nhị hơn và cao thượng hơn! Bạn hãy ngắm nhìn, hay khâm phục, hãy tìm hiểu, hãy quan sát, hãy dò xét, hãy tính toán, hãy đo lường, hãy đối chiếu, hãy quan niệm, hãy mơ mộng, bạn hãy thử làm tất cả những gì kỳ lạ, là liều lĩnh. Nếu bây giờ lý trí bạn bất cập, vô phương, chịu thua, bị đè bẹp, đầy cảm động, bạn hãy thử có thái độ kiêu hạnh trước bí mật lạ lùng và hùng vĩ đang hoa mắt bạn và đang gây rối loạn tinh thần nơi bạn. Bây giờ nếu bạn thú nhận không thể được, bạn hãy vâng theo những khát vọng thâm sâu của linh hồn bạn mà nhận một Đấng toàn năng, toàn thiện, một vị trên hết mọi sự đã sáng tạo ra vũ trụ vật chất và thế giới tinh thần”. (Ch. Moureu, giáo sư tại Collège de France).
IV. KẾT LUẬN
Nếu chúng ta đem những lập trường phủ nhận Thiên Chúa so sánh với những bằng chứng bênh vực lập trường tin có Thiên Chúa, tất cả những ai khách quan, không bị kiêu căng hay thiên kiến chi phối, phải nhìn nhận rằng con người và vũ trụ không thể hiểu được nếu không có một Thiên Chúa tự hữu và siêu việt. Con người và thế giới cũng không thể sống trong trật tự nếu không có một quyền bính tối cao điều khiển và thưởng phạt cuộc đời luân thường.
Phủ nhận Thiên Chúa, tức là thần hoá con người, và như thế con người trở thành người chủ của mình, một người chủ không biết hạn chế ham muốn và tham vọng.
Phủ nhận Thiên Chúa, tức là thần hoá chính quyền và như thế chính quyền (quốc gia) trở thành cứu cánh của con người, quan toà tối thượng để phân xử lành và dữ, bạo chúa chẳng tôn trọng các quyền lợi của con người.
Phủ nhận Thiên Chúa, tức là phá huỷ nguồn gốc chung, định mệnh chung của toàn thể nhân loại.
Phủ nhận Thiên Chúa, tức là phá huỷ căn bản của mọi quyền bính và như thế quyền bính sẽ không còn dây cương, quyền bính sẽ là dụng cụ đầy nguy hiểm của sức mạnh và tham vọng.
Ngày nay chúng ta sống trong một thế giới vô thần. “Vô thần không phải là một sự kiện địa phương, nghĩa là có một vài nơi vắng Thiên Chúa. Thiên Chúa vắng mặt khắp nơi và đây là một sự kiện gây nên do một thâm ý của con người. Thiên Chúa vắng mặt vì bị trục xuất ra khỏi lòng người, khỏi xã hội và xã hội tự đóng cửa. Xã hội do đó mà thành trống không. Vì trống không mà xã hội đi về cõi chết” (Hồng y Suhard).
Loại trừ Thiên Chúa thì sinh ra nạn bất an ninh, nạn tranh đấu, nạn đói khổ và hỗn loạn. Chúng ta có thể quả quyết với Đức Piô 12: “Những lối lo sợ của thời hiện nay biện hộ cho đạo Kitô một cách rất là hào hùng. Bao nhiêu thuyết sai lầm, bao nhiêu phong trào chống đạo Kitô đã đem lại hoa trái đắng cai đến nỗi chúng chính là quan toà lên án thế giới vô thần khá hùng biện rồi, không cần phải nhờ đến một thuyết nào nữa” (Thông điệp Summi Pontificatus).
Lời nói của tiên tri Isaia trở nên rất thích thời cho ngày nay: “Hãy trở về với Ta thì các ngươi sẽ được cứu vãn, hới các dân tộc trên hoàn cầu, bởi vì Ta là Thiên Chúa và không có ai khác” (Is 45,22).
Để kết thúc chương này chúng tôi xin trích lên đây lời kêu gọi thống thiết của Đức Piô 12 trong đài vô tuyến truyền thanh đọc cho mọi dân tộc và chính quyền trên thế giới: “Thiên Chúa! Thiên Chúa! Thiên Chúa! Chớ gì cái tên khôn tả nầy, nguồn của mọi thứ quyền, của mọi thứ công lý, của mọi thứ tự do, chớ gì cái tên này rền vang trong các quốc hội, và tại những nơi công cộng, trong các gia đình và trong các xưởng máy, trên môi miệng của giới trí thức và anh em thợ thuyền, trong báo chí và truyền thanh.
“Chớ gì danh của Thiên Chúa, cái danh đồng nghĩa với hoà bình, với tự do, trở nên lá cờ của mọi người thiện chí mối dây thắt chặt các dân tộc và các quốc gia, dấu hiệu để người ta nhìn nhận nhau là anh em một nhà, là những người thợ cùng thực hiện một công việc chung: công việc cứu rỗi.
“Chớ gì Danh Thánh của Ngài vang dội trong các đền thờ, trong các tấm lòng như là một tiếng kêu van Thiên Chúa để Người dùng quyền năng của Người mà yểm trợ sức hèn của nhân loại hầu hoàn thành những công việc tự lực mình con người rất khó làm được…

------------------o0o-------------------




tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương