ĐỨc tin của ngưỜi công giáo imprimatur sài Gòn, ngày 25-9-1992 +Phaolô Nguyễn Văn Bình



tải về 1.13 Mb.
trang10/11
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích1.13 Mb.
#38028
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

CHƯƠNG VI
NGOÀI GIÁO HỘI

CÓ ĐƯỢC CỨU RỖI KHÔNG?
Tất cả mọi người, bởi cùng bản tính chung và định mệnh chung, là phần tử của cùng một thân thể, và nhân loại cấu thành một toàn thể liên đới và sống động mà mạch sống được Giáo hội công giáo Roma bảo đảm.
Đúng theo ý Chúa Kitô , Giáo hội lãnh trách nhiệm về cả nhân loại làm cho phần rỗi của tất cả mọi người được thể hiện.
Giáo hội trực tiếp ban cho các tín hữu những phương tiện để họ được rỗi linh hồn. Còn các người lương dân, Giáo hội làm cho phong phú, biến đổi và kết thúc tất cả những chân lý từng phần của họ, tất cả những nhân đức còn khiếm khuyết của họ, mà chỉ có Giáo hội mới ban cho một hiểu lực Thiên Chúa .
Trong viễn cảnh ấy, câu “Ngoài Giáo hội, không có ơn cứu rỗi” có nghĩa như vậy: “Chính là nhờ Giáo hội, nhờ Giáo hội mà thôi, chúng ta mới được cứu rỗi.
Nói cách khác: trong nhân loại kể chung, sự rỗi linh hồn chỉ nhờ Giáo hội mới có thể thực hiện được. Giáo hội là cơ thể mà chính Thiên Chúa đã lập ra để bảo đảm sự hiện diện của Chúa Kitô giữa nhân loại, để lưu tồn chân lý toàn diện và để truyền đạt sự sống Thiên Chúa.
Bởi thế chúng ta phải ghi nhớ hai kết luận này:
1) Giáo hội Công giáo đóng một vai trò chính yếu cho phần rỗi nhân loại, Giáo hội cần phải lớn luôn mãi, để biến hoá thế giới và đêm tất cả những người ngoại giáo vào Giáo hội. Vậy những kẻ nào biết Giáo hội thì buộc gia nhập vào Giáo hội thực sự.
2) Những kẻ ở ngoài Giáo hội hữu hình vì không biết và không phải vì lỗi họ, thật sự cũng liên kết với thân thể Giáo hội mặc dầu cách gián tiếp và không trông thấy được.
Vậy những kẻ không thuộc về Giáo hội Công giáo Roma có thể được rỗi linh hồn. Họ cũng phải được cứu rỗi bởi Giáo hội.

Giải quyết như trên thoả mãn được 2 đòi hỏi:


- Cần có Giáo hội hữu hình.

- Những kẻ ở ngoài Giáo hội hữu hình vì không biết và vì lý ý ngay lành cũng có thể được rỗi linh hồn.


Hiến chế về Giáo hội của Công đồng Vatican II dạy:
“Những ai không do lỗi mình mà không biết Phúc âm Chúa Kitô và Giáo hội Ngài , nhưng thực tâm tìm Chúa và nỗ lực, dưới ảnh hưởng của ơn sủng, hành động thế nào để làm trọn thánh ý Chúa, theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ đựoc cứu rỗi” (số 16).
KẾT LUẬN
Kết thúc đoạn này, chúng ta không thể không mời gọi những ai ở trong Giáo hội hữu hình mà Chúa Kitô đã muốn và đã sáng lập, ý thức hơn hạnh phúc, trách nhiệm và bổn phận của họ.
a. Hạnh phúc: Họ đã nhận được một ơn lớn của Chúa là đã làm cho họ trở nên phần tử của Giáo hội Công giáo, và cho họ đựoc cả chân lý toàn diện với những phương tiện công hiệu nhất để sống đời sống Chúa.
b. Trách nhiệm: Những gì họ đã nhận được, họ phải làm cho có giá trị vì Chúa đã phán “đã ban cho ai nhiều sẽ đòi lại nhiều” (Lc 12,48).
c. Bổn phận: Họ phải lấy tình huynh đệ mà cầu nguyện cho tất cả những người còn ngoài đường cứu rỗi, họ phải làm cho những kẻ ấy cũng được thụ hưởng những việc phúc đức và những cố gắng của họ, họ phải trở nên tông đồ chân lý và sự sống, nâng đỡ các công cuộc công giáo tiến hành và truyền giáo.
CHÚ Ý: VỀ MỘT VÀI VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN GIÁO HỘI
Những ai suy nghĩ không khỏi thắc mắc về một số vấn đề sau đây:
1) Nếu điều Giáo hội dạy là chân lý Thiên Chúa , tai sao Thiên Chúa không buộc tất cả mọi người phải tin? (vấn đề nguyên tắc).
2) Nếu điều Giáo hội dạy là chân lý Thiên Chúa , làm sao giải thích rằng những người sống trong sai lầm mà không biết họ sai lầm? (vấn đề sự kiện).
3) Nếu Giáo hội dạy là chân lý Thiên Chúa , tại sao người Công giáo lại không tốt hơn những người vô tín ngưỡng. (vấn đề phẩm).
TRẢ LỜI:
1) Thiên Chúa đã dựng nên con người tự do, Người kính trọng sự tự do đó. Sự tự do có thể làm cho chúng ta vô phúc, nhưng đừng quên nó có thể làm cho chúng ta nên cao trọng.
Con người lại được Chúa ban cho một trí khôn để biết, một ý chí để hành động, một lương tâm để phán đoán mình.

Thiên Chúa giữ quyền xét xử mai sau.


2) Phải phân biệt trường hợp các lãnh tụ và trường hợp dân chúng.
a. Các lãnh tụ: nghĩa là những kẻ làm căn nguyên sai lầm. Những kẻ ấy có thể biết rõ họ sai lầm, nhưng thường thì họ kiêu ngạo, vì ảo tưởng, vì thiên kiến, mà trí khôn họ sai lạc.
b. Dân chúng: ngược lại có thể sống trong lầm lạc mà không biết. Thường họ nhận chân lý qua các người làm trung gian nên có thể hiểu lầm…
3) Chân lý không thuộc số người tin.
a. Lúc Chúa Kitô bắt đầu giảng dạy, thì chỉ có một nhóm nhỏ người biết chân lý Kitô. Tất cả mọi người khác không biết. Nhưng chân lý vẫn là chân lý Kitô.
b. Đàng khác, chân lý Thiên Chúa không thể so sách các học thuyết người đời được.
Thiên Chúa là tác giả chân lý, tin vào chân lý không phải là trí khôn chỉ nhận chân lý mà thôi đâu, nhưng còn là một sự dấn thân của cả cuộc đời. Vậy chúng ta đừng ngạc nhiên lúc thấy ít người chịu dấn thân như thế.
c. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta không cần phải tìm thêm nhiều người tin vì Chúa Kitô đã bảo: “Hãy đi, hãy giảng dạy tất cả mọi dân tộc” (Mt 28,19).
4).

a. Đặt vấn nạn dưới hình thức như thế là không đúng: người ta không chú ý đủ khi so sánh những người vô tín ngưỡng tốt nhất với những người tín hữu xấu nhất.


b. Đừng quên rằng những cái tốt nơi những người vô tín ngưỡng chính là những cái tốt Kitô giáo mà họ có. Người tin lành chẳng hạn: họ còn giữ lại Phúc âm . Như vậy là một mạch sống Thiên Chúa chảy qua họ: nhưng mạch sống ấy từ bên Công giáo mà chảy qua.
Còn những người ngoại giáo nếu họ thành thực, họ có lòng bác ái, họ can đảm làm việc, họ sống đàng hoàng, thì họ thực sự là những “ người Kitô hữu mà họ không biết”.
Trái lại, cái xấu mà người Kitô hữu xấu có , cái xấu ấy không phải bởi đạo Công giáo mà xấu. Nếu chúng ta cứ muốn so sánh những người Công giáo tốt với những người ngoại tốt, chúng ta đừng quên người Công giáo có những nguồn mạch vô song của sự sống trong Phúc âm, trong kinh nguyện, trong sự dẫn dắt thiêng liêng, trong sự vâng phục Giáo hội mà những người ngoại không có.
KẾT LUẬN:
GIÁO HỘI VÀ NHỮNG NGƯỜI VÔ TÍN NGƯỠNG
Thái độ của Giáo hội đối với sự vô tín ngưỡng sẽ là :

  • Khăng khăng một mực về giáo lý.

  • Nhân từ và thông cảm với con người.


a. Giáo hội biết mình giữ chân lý Thiên Chúa và chân lý ấy thì độc nhất.
Vậy, đúng lẽ, tất cả những ai không nhận chân lý độc nhất ấy là sai lầm. Vì vậy Giáo hội luôn luôn lo lắng giữ gìn các tín hữu khỏi sai lầm.
b. Giáo hội cũng biết những người sống trong lầm lạc không phải là nhất định hị có lỗi.
Chúa Kitô đã phán: “Đừng xét đoán để chúng con khỏi bị xét đoán” (Mt 7,1). Giáo hội để Thiên Chúa phán xét những linh hồn vô tín ngưỡng.
Còn chúng ta ?
Chúng ta cũng phải áp dụng cho chúng ta 2 thái độ Kitô ấy của Giáo hội.
* Tuyệt đối khăng khăng một mực về giáo lý.
Bởi thế, chúng ta đề phòng khỏi sai lầm và nhất là tìm hiểu chân lý cho thâm sâu (như học Phúc âm và các thông điệp).
* Bác ái đối với con người:
Bởi vậy cầu nguyện cho các việc truyền giáo và cho Giáo hội: kết thân với những kẻ đang tìm đường; nhất là sống đạo một cách hãnh diện, trong sạch, vui vẻ và nhiệt thành, làm cho ta nên một bằng chứng dễ thương, thông cảm và lôi cuốn, có lợi cho chân lý Chúa Kitô.

---------------((+))--------------



PHẦN THỨ SÁU

ĐỜI SỐNG SUNG MÃN

Chương I : TỪ ĐỜI SỐNG ÂN SỦNG ĐẾN ĐỜI SỐNG VING QUANG
Chương II: MẤT HẲN SỰ SỐNG: HOẢ NGỤC
Chương III. CHẬM TRỄ TRONG SỰ HƯỞNG ĐƯỢC SỰ SỐNG: LUYỆN NGỤC
Chương IV: ĐƯỢC SỐNG ĐỜI ĐỜI: THIÊN ĐÀNG

Hiện giờ chúng ta thấy mờ mờ như trông vào gương, nhưng mai sau, trên trời chúng ta sẽ thấy tận mắt diện đối diện (1Cr 13,4).
CHƯƠNG I
TỪ ĐỜI SỐNG ƠN SỦNG

ĐẾN ĐỜI SỐNG VINH QUANG

MỞ ĐẦU
Đời sống Thiên Chúa của ơn sủng, mà Thiên Chúa ban cho loài người, con người đã mất vì tội Adong, được Chúa Kitô đã trả lại và Giáo hội lưu truyền, sự sống của ơn sủng đó chỉ là sự phác hoạ và sự chuẩn bị cho một đời sống khác hoàn toàn tất đời sống Thiên Chúa của ơn sủng: đó là đời sống vinh quang.
Đời sống vĩnh cửu, bắt đầu trên trần gian với ơn thánh, sẽ được trọn vẹn và sung mãn nhờ sự trông thấy Chúa, Đấng sẽ ban cho hạnh phúc hoàn toàn. Như vậy tất cả mọi người chẳng những được dựng nên để biết và yêu Chúa trên trần gian mà còn được thấy Người và hưởng mặt Người trên thiêng đàng.
Như vậy, tước vị làm con nuôi của Thiên Chúa ban cho chúng ta ngay trên trần gian này một sự thông phần vào đời sống Thiên Chúa , thì cũng phải ban cho chúng ta quyền được hưởng đời đời và trọn vẹn đời sống Thiên Chúa, sau cuộc đời tạm này.
Cho được đạt tới đích này, là đích thật của đời người, chúng ta phải qua sự chết; chết rồi, chúng ta phải chịu Chúa phán xét riêng; linh hồn chúng ta lúc ấy, nếu xứng đáng, sẽ được chiêm ngưỡng Chúa.
Đến ngày tận thế, xác chúng ta sẽ sống lại, để kết hợp với linh hồn chúng ta (và lần này vĩnh viện).
Sau sự phán xét chung, chúng ta sẽ được cả linh hồn và xác hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.
Trong kế hoạch của Thiên Chúa, đó là ơn kêu gọi của co cái Chúa.
Những kẻ vô phúc chết trong tình trạng cố chấp cách biệt Chúa, sẽ đời đời ở trong tình trạng ấy. Đối với họ, đó là hoả ngục.
Còn những kẻ tuy chết trong ơn nghĩa Chúa, nhưng chưa thánh thiện đủ để được hưởng ngay nhan Chúa, thì trước khi xác thịt sống lại phải qua một tình trạng lâm thời luyện lọc: đó là luyện tội.
Đó là tứ chung của con người, mà chúng ta sẽ học sau đây.
I. SỰ CHẾT
Chết là linh hồn lìa khỏi xác.
Xác được chôn trong mộ để thành tro bụi, chờ đợi ngày sống lại cuối cùng.
Linh hồn bất tử sẽ chịu Chúa phán xét ngay về việc lành dữ đã làm.


  1. Sự chết là một hậu qủa dĩ nhiên của bản tính con người.

Xác chúng ta gồm những yếu tố hay hư nát, dĩ nhiên là nó sẽ hư đi.




  1. Sự chết cũng là một hậu qủa của tội Adong .

Thiên Chúa ba cho tổ tiên chúng ta đặc ân không chết, nhưng Người đặt đặc ân ấy dưới điều kiện là Adong và Evà phải vâng phục Người: “Ngày nào ngươi ăn trái cây biết lành biết dữ ngươi sẽ phải chết” (Sáng tạo 2,7).


Sự bất tuân của Adong và Evà đã làm cho lời Chúa nên thật: “Bởi ngươi đã ăn trái cấm… người sẽ trở về tro bụi” (St 3,17-19).
Vậy sự chết là hình phạt tội lỗi. Tội lỗi đã nhập vào thế gian bởi một người và bởi tội lỗi thì có sự chết. Vậy là tại loài người mà có sự chết, chứ không phải tại Thiên Chúa. Thiên Chúa không làm ra sự chết và Người cũng không vui gì khi thấy loài người chết. Vì Thiên Chúa đã dựng nên con người để nó sống đời đời. Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa (Khôn ngoan 1, 13,2,24).


  1. Sự chết chỉ sự chung kết của đời sống trần gian và sự khởi đầu đời sống vĩnh cửu.

Vậy chết không phải là hết, nhưng là bước qua một đời sống khác: đời sống được thay đổi chứ không bị huỷ diệt. Bởi người Kitô hữu tin vào đời sống mai sau, nên chỉ mặc dầu cũng như mọi người khác phải buồn khổ vì phải xa cách những người thân yêu, vẫn nhìn nhận trong sự chết chẳng những cái nó cất đi, nhưng còn những cái nó đem lại và, với ơn Chúa, người Kitô hữu gặp được sức mạnh để chấp nhận nó cho chính mình và chịu đựng nó nơi kẻ khác nữa.


II. NHỮNG LỜI DẶN BẢO CỦA CHÚA KITÔ VỀ SỰ CHẾT
Mỗi người chúng ta đều phải chết, sự ấy chắc chắn rồi, nhưng ngày giờ chết thì không biết.
Vì vậy Chúa Kitô trong Phúc Âm dặn bảo chúng ta ăn ở làm sao để giờ chết đến, chúng ta sẵn sàng.
Ngài phán: “Hãy coi chừng, phải tỉnh thức và cầu nguyện, vì chúng con chẳng biết rõ thời ấy đến khi nào”… (Mc 13,33).
“Phải biết điều này, nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông phải canh phòng không để đào ngạch nhà mình đâu, vậy, các con phải sẵn sàng vì lúc bất ngờ. Con Người sẽ đến” (Mt 24,42; Mt 25,1-13; Lc 12,16-22). Chúa Kitô đã lập một bí tích riêng để giúp đỡ chúng ta , ấy là bí tích Xức dầu thánh, bí tích này ban thêm ơn thánh và nếu bệnh nhân không thể xưng tội được, có thể tất cả mọi tội.
III. GIÁO HỘI DẶN BẢO VỀ SỰ CHẾT
Giáo hội yêu cầu các linh mục và giáo dân cố gắng lo liệu cho những bệnh nhân hấp hối được chịu các bí tích cuối cùng (Giải tội, Thánh thể và Xức dầu thánh).
IV. PHÁN XÉT RIÊNG
Giáo hội chưa xác định chính thức rằng chết rồi linh hồn phải chịu phán xét riêng liền. Nhưng truyền thống dạy như vậy. Liền sau khi linh hồn lìa khỏi xác, linh hồn thấy rõ giá trị thật của mình và số phận đời đời mình phải chịu.


  1. Giáo huấn của Chúa Kitô :

Trong dụ ngôn “ông Lazarô và nhà triệu phú”, Chúa Giêsu trình bày số phận hai người được ấn định một cách vĩnh viễn liền sau khi chết: Lazarô được các Thiên Thần mang về trời, còn nhà triệu phú xấu xuống hoả ngục” (Lc 16,22).
Người trộm lành cũng được lên thiên đàng ngay khi chết rồi (Lc 23,43).


  1. Giáo huấn của thánh Phaolô:

“Như đã định cho con người chết có một lần, sau đó tiến đến phán xét!...” (Dt 9,27). “Toàn thể chúng ta đều phải ra toà Chúa, mỗi người khai báo những điều lành dữ mình đã làm” (II Cr 5,8-10).




  1. Giáo huấn của Giáo hội :

“Linh hồn những kẻ chết đang mắc tội trọng phải xuống ngay hoả ngục” (Benoit 12 và Công đồng Lyon).


V. XÁC THỊT SỐNG LẠI
Chân lý này được ghi trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác thịt ngày sau sống lại”.
Công đồng IV Latran đã xác định rằng: “Ngày tận thế, tất cả mọi người đều sẽ sống lại với cả xác mình, để được thưởng phạt tuỳ theo công việc mình đã làm”.
Tín điều này dựa trên Kinh Thánh:
a. Chúa Kitô trong Phúc Âm quả quyết nhiều lần rằng ngày tận thế Ngài sẽ cho kẻ chết sống lại “Thì giờ đến, mọi kẻ ở trong mồ mả sẽ được nghe tiếng Con Thiên Chúa : ai đã làm lành sẽ sống lại để được sống đời đời, còn ai làm ác sẽ sống lại mà chịu đoán phạt” (Ga 5,20-29).
Đây là ý muốn của Cha: hệ ai xem thấy Con và tin Ngài sẽ được hằng sống và Ta sẽ cho kẻ ấy được sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,40).
Thánh Phaolô cũng nói nhiều về xác thịt sẽ sống lại. Tất cả mọi người sẽ sống lại trong Chúa Kitô” (1 Cr 15,12-23). Đấng đã cho Chúa Giêsu sống lại, thì cũng sẽ cho chúng ta sống lại với Chúa Giêsu” (II Cr 4,13-14).
VI. QUAN NIỆM THỂ NÀO VỀ XÁC SỐNG LẠI
Công đồng IV Latran quả quyết rằng: “Mọi người sẽ sống lại với xác mình”. Thiên Chúa sẽ trả lại cho linh hồn chúng ta quyền làm cho xác chúng ta sống lại.
Chúng ta thật khó mà nói rõ hơn. Xác chúng ta đã ra tro, bụi, chắc là có những yếu tố mới thuộc về xác, nhưng giống các yếu tố đã cấu tạo xác mà linh hồn chúng ta đã làm cho sống lúc chúng ta sống trên thế gian.
Thánh Phaolô giải thích phần nào mầu nhiệm ấy cho chúng ta. Ngài so sánh với cây cối “Kẻ chết sống lại thế nào? Phi lý chưa? Vật gì ngươi gieo, thoạt đầu nếu không mục đi thì sống sao được? Vật gì ngươi gieo đâu phải là thân hình tương lai, chẳng qua chỉ nguyên là cái hạt, như hạt lúa mì hay thứ khác chẳng hạn, mà Thiên Chúa cho nó hình nào tuỳ ý: “mỗi hạt đều được hình thù riêng” (1 Cr 15,35-39).
VII. TÌNH TRẠNG XÁC SỐNG LẠI:
Thánh Phaolô thêm ít chi tiết về đặc điểm mới mà sự sống lại mang đến cho xác chúng ta: “việc kẻ chết sống lại cũng thế, gieo trong mục nát sống lại rồi thì bất hủ. Gieo trong ô nhục, sống lại trong vinh quang; gieo trong đau yếu, sống lại trong mạnh khoẻ, người ta gieo một thể xác vật chất, người ta sống lại với một thân xác thiêng liêng” (1 Cr 15,42; 43,44). Chúng ta chỉ biết trích ra đây bản văn quan trọng trên, hiện giờ chúng ta chẳng biết hơn những kế hoạch của Thiên Chúa.
VIII. PHÁN XÉT CHUNG
Sẽ có phán xét chung. Kinh Tin Kính quả quyết: “Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô… Ngồi bên hữu Đức Chúa Cha … và Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết…”.
Kinh Thánh làm chứng điều đó.
a. Sau khi tả những dấu báo hiệu ngày tận thế, Chúa Kitô thêm: “Khi ấy, điềm Con Người sẽ hiện ra trên trời. Rồi mọi dân tộc dưới đất sẽ than khóc, và sẽ thấy Con Người ngự xuống đám mây trên không rất uy nghiêm hiển sáng. Ngài sẽ sai Thiên Thần dịch loa lớn tiếng, mà chiêu tập các kẻ Ngài đã chọn ở khắp bốn phương (Mt 24,29).
b. Ít ngày trước chịu nạn, Chúa Kitô tả “phán xét chung” rằng: “Khi ấy Con Người ngự xuống một cách oai nghiêm… muôn dân sẽ hội họp trước mặt Ngài, và Ngài chia ra làm hai. Ngài nói với những người bên hữu: Hỡi những kẻ Cha Ta đã chúc phúc, hãy đến nhận lấy phần thưởng đã sắm sẵn cho các ngươi từ thuở sáng lập vũ trụ… Kế đó Ngài bảo với những kẻ bên trái: Hỡi kẻ bị nguyền rủa, các ngươi hãy đi khuất mắt Ta, và xuống chịu lửa đời đời (Mt 25,31-46).
CHƯƠNG II
MẤT HẲN SỰ SỐNG: HỎA NGỤC

I. CÓ HỎA NGỤC LÀ MỘT ĐIỀU CHẮC CHẮN


Giáo hội không bày ra hỏa ngục để đe dọa những tâm hồn ngây thơ làm cho họ sợ mà ăn ở tự tế.
Hỏa ngục là một thực tại mà Chúa Kitô và các tông đồ nhiều lần nhắc nhở đến để chứng tỏ rằng sau khi chết người lành sẽ được thưởng và kẻ dữ sẽ bị phạt.
a. Chúa Kitô thường quả quyết rằng những kẻ cố tình xa Chúa sẽ chịu một hình phạt vĩnh viễn. Ngài tuyên bố: “Nếu tay ngươi nên dịp tội, hãy chặt nó đi, thà rằng cụt tay mà vào chốn trường sinh, còn hơn có hai tay mà sa hỏa ngục chịu lửa chẳng hề tắt”.(Mc 9,43-49).
“Hãy đi cho khỏi mặt Ta, hỡi những kẻ bị nguyền rủa, và xuống chịu lửa đời đời đã dọn sẵn cho ma quỉ” (Mt 25,41).
b. Thánh Phaolô cũng nói về hỏa ngục: “Chúa Kitô sẽ từ trời đến để xử những kẻ không biết Chúa và không vâng phục Phúc Âm, những kẻ ấy sẽ chịu hình phạt đời đời xa Chúa”( II Thesse 1,1-9).
II. NHỮNG KẺ BỊ ĐÀY HỎA NGỤC, ĐỜI ĐỜI SẼ PHẢI CHỊU HAI HÌNH PHẠT
Hình phạt những kẻ bị đày hỏa ngục thì đời đời. Các văn bản trích trên dây nói rõ, Chúa Kitô nói đến “lửa đời đời”, “lửa không tắt”.
Những người bị đày hỏa ngục đau khổ thế nào?
Theo các văn bản trên, những người bị đày hỏa ngục phải chịu hai thứ thống khổ:
a. Xa Thiên Chúa : Thật là một sự đau khổ kinh khủng đối với những kẻ bị lưu đày hỏa ngục khi họ biết đời đời xa Chúa, (trên trần gian chúng ta không thể hiểu được) và lương tâm họ bị tội lỗi cắt rứt.
b. Chịu hình phạt lửa: Chúng ta hiện giờ không thể nói rõ bản chất của lửa như thế nào. Chúng ta chỉ dựa vào bằng chứng nêu trên đây mà quả quyết rằng: Linh hồn và xác,trong hỏa ngục, chịu một sự đau khổ khác sự đau khổ vì xa Chúa mà hiệu quả giống như lửa.
III. HỎA NGỤC KHÔNG TRÁI NGHỊCH VỚI SỰ CÔNG BẰNG VÀ SỰ NHÂN TỪ CỦA THIÊN CHÚA
Hình phạt hỏa ngục có tính cách vĩnh viễn, sự đó làm nhiều người vấp phạm vì cho là trái sự công bằng và lòng nhân từ của Chúa. Chúa ra hình phạt đời đời cho những tội ngắn ngủi.
Chúng ta xin trả lời:
1) Điều đó sẽ là bất công nếu người ta bị đầy hỏa ngục vì những tội không quan trọng, phạm vì nhẹ dạ và không biết.
Nhưng không phải vậy, chỉ những kẻ phạm tội trọng, nghĩa là họ biết rõ ràng, và họ tự do lỗi luật Chúa trong điều nặng, họ cố tình từ chối Chúa cho đến cùng, mới bị đày hỏa ngục.
2) Điều đó sẽ bất công nếu người bị đày hỏa ngục không được cảnh cáo trước. Nhưng không phải vậy, Thiên Chúa đã phái Con Một Người, là Chúa Kitô để chỉ cho con người biết đường sự sống. Chúa Kitô đã lập Giáo hội để phổ biến lời Ngài kêu gọi khắp nơi và ban cho những phương tiện để đạt tới (Lc 16,27).
Còn những kẻ lúc sống trên trần gian không biết đến Chúa, cũng không biết đến Giáo hội, họ sẽ được phán xét theo lòng ngay của họ…
3) Điều đó sẽ bất công, nếu Thiên Chúa không ban cho như mọi người những phương tiện đủ để được rỗi linh hồn. Nhưng không phải vậy, “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi” (1Tm 2,4). Người ban cho mọi người những ơn cần thiết cho họ được cứu rỗi.
Nhất là chúng ta phải hiểu rằng sự chết đem chúng ta vào sự sống đời đời, đặt chúng ta đời đời vào tình trạng lúc chúng ta chết. Ngay sau khi chúng ta chết, chúng ta được đặt vào một hiện tại vĩnh viễn: Chúng ta đời đời hạnh phúc, nếu khi chết chúng ta còn ở trong ơn nghĩa Chúa; đời đời khốn nạn, nếu chúng ta chết lúc mắc tội trọng.
Thực ra, không phải chính Thiên Chúa đày xuống hỏa ngục: chính tội nhân cứng lòng, tự đày mình, chúng ta thật là chủ định mệnh chúng ta; chúng ta tự do. “Ta vui thích trông thấy kẻ dữ chết sao? Chúa phán: Chẳng phải là Ta muốn nó bỏ đường tội lỗi và nó được sống sao?” (23. 18, 23).
“Chúa nhẫn nại chờ đợi, Người không muốn một ai chết nhưng Người muốn mọi người ăn năn trở lại” (2 Pr 3,9).

---------_- ((+)) -_-----------




CHƯƠNG III
LUYỆN NGỤC

I. CÓ LUYỆN NGỤC LÀ ĐIỀU CHẮC CHẮN


Có một nơi trong đó những linh hồn chết trong ơn nghĩa Chúa nhưng chưa thánh thiện đủ để hưởng mặt Chúa đời đời nên còn phải luyện lọc. Đó chẳng những là một chân lý hợp lý và đúng với những điều chúng ta biết về sự khôn ngoan và sự công bình của Thiên Chúa, mà đó còn là chân lý đức tin, dựa trên Thánh Kinh và đã được Giáo hội xác định long trọng.


  1. Chân lý này dựa trên Thánh Kinh.

Cựu ước kể: “Juđa Macabê, sau một trận giặc, quyên tiền và gửi vào đền Jêrusalem để xin lễ cho các linh hồn những binh sĩ đã tử trận. Tác giả Kinh Thánh thêm: “Cầu nguyện cho những người đã chết cho họ được sạch mọi tội lỗi là một việc lành và có giá trị cứu thoát” (II Mac 2,12-46).


Những linh hồn ở đây chưa lên trời (vì còn tội phải đền) cũng không xuống hỏa ngục (vì còn có thể cứu thoát khỏi tội lỗi họ). Như thế là còn có một đời sống trong đó linh hồn còn phải đền tội: đó là luyện ngục.


  1. Chân lý này đã được Giáo hội xác định.

Tại Công đồng II Lyon 1274, tại công đồng Florence 1439 và công đồng Trentinô 1563. Các tín hữu còn sống có thể cầu nguyện cho các linh hồn dưới luyện ngục được giảm bớt hình phạt.


II. ĐAU KHỔ VÀ VUI MỪNG CỦA CÁC LINH HỒN TRONG LUYỆN NGỤC
a. Các linh hồn dưới luyện ngục chịu những hình phạt, những đau khổ, mà chúng ta không thể hiểu bản tính được. Sự đau khổ chính là phải xa cách Chúa.
b. Các linh hồn dưới luyện ngục chết trong ơn nghĩa Chúa, biết chắc mình sẽ được hưởng mặt Chúa, nên chắc họ cũng vui mừng và sự vui mừng ấy giúp họ can đảm chịu đau khổ.
III. CÁC LINH HỒN DƯỚI LUYỆN NGỤC CÓ THỂ HƯỞNG NHỜ NHỮNG VIỆC LÀNH PHÚC ĐỨC CỦA CHÚNG TA.
Chân lý này an ủi những ai phải xa lìa những kẻ thân yêu. Các tín hữu có thể cho các linh hồn dưới luyện ngục hưởng nhờ các phúc đức và kinh nguyện của mình. Nhất là có thể xin lễ cho các linh hồn.
Bù lại, các linh hồn ở trong ơn nghĩa Chúa có thể cầu nguyện cho chúng ta .
Luyện ngục chỉ có tính cách tạm thời. Sau khi xác thịt sống lại, sẽ chỉ còn hỏa ngục và Thiên Đàng.

CHƯƠNG IV
ĐỜI ĐỜI ĐƯỢC SỐNG: THIÊN ĐÀNG

I. THIÊN ĐÀNG LÀ ĐÍCH THẬT CỦA ĐỜI SỐNG CHÚNG TA TRÊN TRẦN GIAN


Không có chân lý nào được Chúa Giêsu quả quyết nhiều lần như chân lý này: Có một nơi hạnh phúc hoàn toàn để thưởng những người lành.
Phải chăng đó cũng là mục đích mầu nhiệm cứu chuộc: Trả lại cho chúng ta sự sống Adong đã làm mất, cho chúng ta lại được trở nên “Con nuôi Chúa”, chẳng những trên trần gian nhờ ơn thánh, mà còn trên Thiên Đàng nhờ sự được hưởng mặt Chúa đời đời .
Về Thiên Đàng, thì lẽ ra phải kể hết cả Phúc Âm. Nhưng chúng ta chỉ nêu một vài đoạn sau đây:
1) Trong bài giảng trên núi, Chúa Kitô đặt Thiên Đàng như đích thật của đời sống con người. “Ai có lòng khó khăn ấy là phúc thật vì sẽ được nước Đức Chúa Trời làm của mình vậy”.
“Ai có lòng trong sạch ấy là phúc thật vì sẽ được thấy Chúa. Chúng con hãy vui đi, vì phần thưởng chúng con sẽ lớn trên trời” (Mt 5,3-12).
2) Cũng trên bài giảng trên núi: Ngài phán: “Hãy tích chứa của cải trên trời: nơi mối mọt dỉ sét không làm hư hại” (Mt 2,19-20).

3) Trong dụ ngôn các nén bạc: Chúa Giêsu nói với người đầy tớ đã làm sinh lợi các nén bạc đã giao phó: “Tốt lắm, hãy vào hưởng sung sướng của chủ ngươi” (Mt 26-21).


4) Cùng các tông đồ, Chúa nói: “Thầy đi dọn chỗ cho các con. Thầy sẽ trở lại và đem các con sống gần Thầy để Thầy ở đâu, các Con cũng ở đấy” (Ga 14,2-3).
5) Ngày phán xét chung, “Hãy vào nhận nước Thiên Đàng đã dọn sẵn cho các ngươi từ ngày sáng tạo vũ trụ” (Mt 25,34).
Các tông đồ cũng đều nhấn mạnh rằng Thiên Đàng là đích thật của cuộc đời trần gian của chúng ta (II Cr 5,1; Rm 8,17-19; 1 Pr 1,3-4; 1 Ga 3,2).
II. QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ THIÊN ĐÀNG


  1. Quan niệm trẻ con về Thiên Đàng.

Đối với nhiều người Thiên Đàng trước hết là phần thưởng giống như phần thưởng cha mẹ hứa cho con cái để thúc đẩy chúng làm việc.


Giáo hội dạy rằng nếu Thiên Đàng là phần thưởng (Mt 5,12) nhưng không với ý nghĩa thực dụng như người ta thường hiểu: Thiên Đàng trước hết là cứu cánh của con cái Chúa, mục đích Thiên Chúa đã chỉ định cho đời sống trần gian của chúng ta, đời sống ơn thánh nẩy nở thành đời sống vinh quang.
Khi người ta trách chúng ta làm việc lành vì vụ lợi, chúng ta hãy trả lời: đấy là mục đích độc nhất của đời sống trên trần gian của chúng ta, nếu chúng ta không vụ lợi, không tha thiết, chúng ta quên cái chính yếu của kế hoạch của Thiên Chúa, và làm cho đời chúng ta chẳng có nghĩa gì nữa.


  1. Quan niệm vật chất về Thiên Đàng.

Có nhiều người khác lại cho rằng Thiên Đàng trước hết chấm dứt và giải phóng khỏi tất cả những lo âu, những thử thách của đời trần gian. Xin nhớ hạnh phúc vĩnh cửu là một hạnh phúc siêu nhiên để thoả mãn những nhu cầu của linh hồn chúng ta, nhờ trông thấy Chúa và hưởng mặt Chúa.




  1. Quan niệm tình cảm về Thiên Đàng.

Vì đức tin Kitô quả quyết cho chúng ta rằng mai sau trong đời sống kia, chúng ta sẽ gặp lại những người thân yêu của chúng ta. Coi chừng! Đừng quan niệm Thiên Đàng như nơi gặp gỡ các tình nghĩa trần gian. Phải, Thiên Đàng là nhà “gia đình” nhưng trước hết là “nhà của Chúa”.


III. HẠNH PHÚC THIÊN ĐÀNG CHÍNH LÀ ĐƯỢC HƯỞNG MẶT CHÚA
Hiện nay, chúng ta không thể diễn tả hạnh phúc như thế nào được.
Muốn khỏi sai lầm,chúng ta nên dựa vào Kinh thánh. Các văn bản Kinh Thánh tỏ cho chúng ta hay rằng hạnh phúc Thiên Đàng chính yếu là chỗ chúng ta trông thấy và hưởng nhan thánh Chúa: chúng ta sẽ vào “nhà Thiên Chúa”, ở đó “chúng ta sẽ trông thấy Chúa”, “chúng ta sẽ thấy Người mặt đối mặt”. Chúa Kitô sẽ đưa chúng ta đến “gần Ngài”, chúng ta sẽ được vinh quang với Ngài. Trông thấy Chúa sẽ làm cho tất cả nguyện vọng của chúng ta sẽ được thoả mãn, Thánh Phaolô thêm : “mắt người chưa bao giờ thấy, tay chưa hề nghe, lòng chưa bao giờ nếm những sự Thiên Chúa dọn cho những kẻ Người yêu” (1 Cr 2.9).
IV. SỰ HƯỞNG THỤ THIÊN CHÚA SẼ CÂN XỨNG VỚI CÔNG TRẠNG MỖI NGƯỜI
Chúa Kitô đã phán: “Trong nhà Cha Ta, có nhiều chỗ lắm” (Ga 14,2). “Ai huỷ bỏ một điều răn nhỏ mọn trong những giới lệnh này, lại dạy người ta làm như vậy, sẽ kể là hèn mọn nhất trên Thiên Đàng ; còn ai làm và dạy người ta làm như thế thì kể là kẻ lớn nhất trên trời” (Mt 5,19) và Thánh Phaolô cũng ám chỉ mọi người không hạnh phúc như nhau; ngài so sánh: “mặt trời sáng khác; mặt trăng sáng khác, tinh tú sáng khác nhau. Việc kẻ chết sống lại cũng thế” (1 Cr 15,41).
Công đồng Florence dựa trên văn bản này đã tuyên bố: “Các đấng thánh tuỳ theo công trạng khác nhau, sẽ thấy Chúa người này hoàn toàn hơn người khác”.
Đó là hợp lý và công bằng. Sẽ không có sự phân bì ghen ghét, vì mỗi người trên trời biết rõ Chúa công bằng và yêu thương.
V. THIÊN ĐÀNG LÀ NƯỚC TÌNH YÊU
Trên trần gian, 3 nhân đức cho chúng ta liên lạc với Chúa:


  • Đức tin làm cho chúng ta thấy Chúa

  • Đức cậy làm chúng ta cậy trông Chúa.

  • Đức mến làm cho chúng ta yêu mến Chúa trên hết mọi sự.

Trên trời, đức tin không còn cần thiết nữa, vì chúng ta sẽ trông thấy Chúa nhãn tiền.

Đức cậy cũng không còn đối tượng nữa, vì chúng ta được có Chúa đời đời .
Chỉ còn đức mến, sẽ tồn tại mãi: Thiên Đàng là nước tình yêu, các thánh chỉ còn yêu mến Chúa đời đời .
Vì vậy thánh Phaolô nói: “Hiện nay chúng ta có 3 điều: đức tin, đức cậy , đức mến, mà đức mến là điều hệ trọng hơn cả” (1 Cr 13,13).

__________-*-_________




tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương