ĐỨc tin của ngưỜi công giáo imprimatur sài Gòn, ngày 25-9-1992 +Phaolô Nguyễn Văn Bình



tải về 1.13 Mb.
trang3/11
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích1.13 Mb.
#38028
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

CHƯƠNG II
CHÚNG TA BIẾT GÌ

VỀ THIÊN CHÚA?
Chúng ta biết Thiên Chúa và đó là chân lý nền tảng.
Nhưng cần phải biết nhiều hơn và tự nhiên chúng ta đặt câu hỏi: Thiên Chúa là gì?
Phải thú nhận rằng chúng ta lúng túng khi muốn trả lời câu hỏi này. Người ta chỉ muốn trình bày cách rõ ràng những gì người ta biết chính xác. Đàng nầy như thánh Gioan đã tuyên bố: “Chưa một ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ” (1Ga 4,12). Chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa sau nầy thôi, một khi đã về trời và bấy giờ như thánh Gioan đã nói, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa trong bản tính Người” (1Ga 3-2). Thánh Phaolô cũng dạy như thế: “Bây giờ thì chúng ta thấy Thiên Chúa như qua tấm gương, thấy cách lu mờ; nhưng lúc ấy chúng ta sẽ thấy Chúa nhãn tiền” (1 Cr 13-12).
Nhưng hiện giờ chúng ta có ánh sáng của lý trí và của mạc khải để nói về bản tính của Thiên Chúa.
I. LÝ TRÍ NÓI VỀ THIÊN CHÚA?
Nếu chúng ta căn cứ trên ba bằng chứng trên đây chúng ta có thể kết luận như sau:
A) THIÊN CHÚA LÀ NGUYÊN NHÂN ĐỆ NHẤT:
Nguyên nhân đệ nhất hay Đấng tự hữu, nghĩa là Thiên Chúa không do một ai khác, một ai ngoài Người mà có. Người tự mình mà có và tất cả mọi loài khác đều do Người sáng tạo nên. Cho nên:
1) Chỉ có một Thiên Chúa. Giả thuyết có nhiều Thiên Chúa là nhìn nhận của nhiều nguyên nhân đệ nhất, như thế là vô lý. Thế giới thần thoại của thời xưa cũng tưởng có nhiều vị thần và người ta đã hình dung các vị ấy với những tình dục của con người. Hình dung thần thánh như con người thì không còn gì là Thiên Chúa nữa.
2) Thiên Chúa là một Vị toàn thiện toàn hảo. Nếu Thiên Chúa không toàn thiện toàn hảo thì tự nhiên bản tính của Ngài phải có giới hạn, phải tận cùng. Và nếu Người không toàn thiện toàn hảo thì Người có thể nhận sự thiện nơi một Đấng khác thiện hảo hơn và như thế Người không còn là nguyên nhân đệ nhất nữa.
3) Thiên Chúa hằng có đời đời. Người không bao giờ bắt đầu và cũng không bao giờ hết. Giả sử Người đã có khởi điểm, như thế co một lúc Người đã không có và có một lúc Người đã ra đời. Như thế mâu thuẫn với ý niệm nguyên nhân đệ nhất. Giả sử rằng Người có thể cáo chung hay nói là Người có thể hết, tức là nói Người không toàn thiện. Bởi lý do là Đấng toàn thiện không thể bị ai tiêu diệt được.
B) THIÊN CHÚA LÀ NGUỒN ĐỆ NHẤT CỦA SỰ SỐNG
Thiên Chúa là Đấng hằng sống. Và sự sống nơi Người thì không có những khuyết điểm và ranh giới như nơi các loài khác. Sự sống đó, có những đặc điểm sau đây:
1) Thiên Chúa hoàn toàn linh thiêng. Thiên Chúa không có thể xác. Thiên Chúa có thể xác tức là Thiên Chúa có giới hạn, tức là Thiên Chúa không toàn thiện. (Khi diễn tả Thiên Chúa, Kinh thánh và cả chúng ta nữa thường dùng hình ảnh như: Chúa thấy, Chúa nghe, ngón tay của Thiên Chúa, mắt của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa không thấy với hai con mắt, nghe với hai lỗ tai… như chúng ta).
2) Thiên Chúa vô cùng thông minh. Thiên Chúa thông biết mọi sự và biết mọi cách hoàn toàn, không thể lầm lẫn dẫu là trong sự nhỏ nhặt nhất. Những gì có Người biết hết, kể cả những tư tưởng kín mật của chúng ta nữa. Dĩ vãng, hiện tại và tương lai Người thấy tất cả trong hiện tại. Nơi Thiên chúa không có trước, không có sau. Thời gian cần cho thụ tạo. Thiên Chúa sống ngoài thời gian.
VẤN ĐỀ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI VÀ SỰ THÔNG MINH CỦA THIÊN CHÚA
Người ta vấn nạn: Nếu Thiên Chúa biết cả tương lai, phải chăng chúng ta không còn tự do làm những gì chúng ta muốn?
Chúng ta có thể trả lời như thế nầy:
a) Mỗi khi chúng ta không nhìn nhận ra mối liên quan giữa hai sự kiện, chúng ta không có quyền phủ nhận sự kiện nào cả. Chúa biết tương lai là một sự kiện và tự do của con người là một sự kiện khác.

Thiên Chúa có biết tương lai chăng? – Có, Người biết tương lai; vì nếu không, thì tức là nhìn nhận Thiên Chúa khuyết điểm.
Có người có tự do chăng? – Con người có tự do. Và tất cả chúng ta ai cũng bảo vệ tự do của mình như một giá trị quí nhất trên đời ta. Đàng khác những quan niệm: trách nhiệm, thưởng phạt, chỉ có nghĩa khi người ta nhìn nhận có tự do.
Thế nghĩa là phải chấp nhận hai sự thật này: Thiên Chúa biết tương lai và con người có tự do.
b) Lý do tại sao chúng ta không thấy mối liên quan giữa hai thực tại nầy là vì chúng ta không nhận ra Chúa thông biết bằng cách nào. Khi nói Thiên Chúa biết quá khứ, hiện tại và tương lai, chúng ta diễn tả theo lối biết của nhân loại một thực tại mà trí óc con người không nhận thấy. Chúa hiểu biết các sự việc ngoài thời gian và biết cách đầy đủ không mảnh vụn như chúng ta. Thiên Chúa biết mọi sự trong hiện tại vĩnh cửu: đối với Thiên Chúa không có dĩ vãng, hiện tại, tương lai. Do đó mà chúng ta không thể giải quyết vấn đề được.
c) Không thể giải quyết nhưng ít nữa chúng ta có thể nói rằng không có gì mâu thuẫn khi chấp nhận Chúa biết tương lai và con nguời vẫn tự do. Mâu thuẫn là chẳng hạn quả quyết rằng một người trên trần gian này biết trước việc người khác sẽ làm và người sau vẫn tự do. Mâu thuẫn là vì con người biết trước một sự việc chắc chắn sẽ xảy đến là nhờ sự hiểu biết các định luật nhất định. Mà nếu một sự việc xảy đến do một định luật nhất định thì không còn tự do nữa. Còn Thiên Chúa sống ngoài thời gian và ngoài những định luật thiên nhiên. Người có thể biết trước những gì chúng ta sẽ chọn và hành động.
3) Thiên Chúa toàn năng. Khi tìm hiểu thế giới vô cùng lớn lao và thế giới vô cùng nhỏ bé, chúng ta có thể nhận thấy Thiên Chúa toàn năng đến mức nào. Đàng khác nếu Người không toàn năng tất nhiên Người cũng không hoàn hảo và như thế tất phải phủ nhận Thiên Chúa toàn thiện. Mà không toàn thiện thì không còn là Thiên Chúa nữa.

C) THIÊN CHÚA LÀ CHỦ CỦA CHÂN LÝ
Thiên Chúa là sự thiện tuyệt đối. Tất cả nơi Người đều hướng về sự lành, sự thiện. Chính Người là sự thiện. Tất cả những gì tốt lành nơi thụ tạo đều là phản ảnh của con Người. Mặt khác Thiên Chúa không có một trách nhiệm gì đối với chúng ta; Người chỉ có quyền trên chúng ta thôi. Và Người cũng không có quyền nào trên Thiên Chúa nhưng chỉ có nhiệm vụ đối với Người thôi.
Chẳng hạn, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta chỉ thi hành bổn phận của chúng ta, bổn phận thờ phượng, tạ ơn và xin tha thứ. Không khi nào kinh nguyện của chúng ta có thể trình bày một đòi hỏi nào, một yêu sách nào, cả khi chúng ta xin một việc gì.
II. KINH THÁNH DẠY GÌ VỀ THIÊN CHÚA?
“Thuở xưa Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua trung gian các tiên tri. Bây giờ người nói với chúng ta qua trung gian Con Người” (Dt 1,1).
Toàn bộ Kinh thánh là lịch sử của Lời Chúa. Con người đã tuần tự nhận biết Thiên Chúa, nhận biết Người một cách sâu xa nhờ lời Chúa hơn là nhờ lý trí.
a) Cựu ước

Trong Cựu ước Thiên Chúa hiện ra như một nhân vật sống động. Người chăm sóc đến dân Người như một người thân yêu để nối lại với nhân loại những mối dây liên lạc đã bị tội lỗi cắt đứt. Các tác giả của Kinh thánh phải dùng từ ngữ của con người để diễn tả những chân lý siêu nhiên nên có khi hình dung Thiên Chúa với những cử chỉ của con người: nói chuyện thân mật với Adong, tỏ bày khuôn mặt, giơ tay… cả với tâm tình của con người nữa, như hối tiếc… Thiên Chúa không phải là một vị thần lạnh lùng, trìu tượng. Trái lại Người là một nhân vật bang giao với nhân loại như người với người.


Dân Do Thái sống ở giữa dân ngoại luôn luôn bị lôi cuốn thờ phượng Jahvé với những ngẫu tượng như họ. Để ngăn ngừa dân ấy sa vào lầm lẫn thô bỉ kia, các tiên tri hằng nhắc nhở họ biết rằng Thiên Chúa của họ ca cả và trọng đại hơn thần thánh.
- Thiên Chúa chỉ có một. “Thật thế, chỉ có Ta là Chúa và không ai khác. Ta là Thiên Chúa và không một ai ngang hàng với Ta” (Is 46-9).
- Thiên Chúa là đấng tối cao đã hiện ra với Maisen giữa sấm sét; tư tưởng và dự định của Người thì không ai có thể khám phá ra được (Gióp).
- Thiên Chúa thánh thiện tuyệt hảo - Người đời phải tới gần trong kính sợ. Không ai có thể nhìn thẳng vào mặt Người.
- Thiên Chúa vĩnh cửu. “Trước khi có sông núi, trước khi trời đất sinh ra, Lạy Chúa, Chúa hằng có” (Tv. 90-2).
- Thiên Chúa toàn năng “Chúa chúng ta ngự trên trời. Người làm tất cả gì Người muốn” (Tv. 115-3).
- Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi. “Con lên trời thì có Chúa đó, con xuống âm phủ, Chúa cũng có đó, nếu con bay về chân trời và nếu con đến tận cùng nước biển, tại đó cũng chính do bàn tay Chúa dẫn con đến” (Tv. 139-8-10).
Thiên Chúa cao cả, uy nghiêm và toàn năng đòi hỏi chúng ta thờ lạy và kính sợ.

Những đặc tính ấy như đào sâu một cái hố giữa Chúa và thụ tạo, sâu đến nỗi không ai lấp được. Mặc dầu cũng nên biết rằng các tiên tri có lần đã nói Thiên Chúa hiện diện trong chúng ta, Thiên Chúa trung thành với lời hứa, Thiên Chúa tốt lành đến mức âu yếm: “Ta đã tập đi đứng cho Ephraim, Ta đã bồng bế chúng trong tay, Ta đã đối xử với chúng như người mẹ áp đứa con vào má”(Hosê 11-3-4) .



b) Tân ước
“ Chưa bao giờ một ai đã thấy Thiên Chúa: Con Một trong lòng Chúa Cha, chính Ngài đã mặc khải Thiên Chúa” (Ga 1-18). Mầu nhiệm mà các tiên tri chỉ mới gợi lên, thì bây giờ được bày tỏ rõ ràng nhờ uy thế của Con Thiên Chúa. “Thiên Chúa yêu thương chúng ta” và đây là Tin mừng đầy dẫy trong các sách của Tân ước.

Bộ Phúc âm nhất lãm chép lại bài chính của Chúa Giêsu: Thiên Chúa là Cha của chúng ta, một người Cha săn sóc chúng ta tận tình, một người Cha mà chúng ta có hân hạnh kêu cầu, một người Cha yêu ta đến độ tha thứ những hành động xúc phạm đến Người. (Lc 15).
Thánh Phaolô nói Thiên Chúa là Cha chúng ta, chẳng những vì đã sáng tạo nên chúng ta mà nhất là Người đã ban sự sống thần linh ơn thánh cho chúng ta, đã nâng chúng ta lên địa vị thiên tự có quyền hưởng gia tài của Người. (Gl 4-5-7).
Thánh Gioan tông đồ, vị đã được hân hạnh sống trong tình thân mật của Chúa Kitô, đã nhờ Chúa Kitô dạy rằng Thiên Chúa kêu mời chúng ta đi vào trong một mối tình rất là sâu đậm: “Các con sẽ biết Ta ở trong Cha và các con trong Ta và Ta trong các con” (Ga 14-20). Nhờ thánh Gioan mà chúng ta nhận được lời mặc khải vô cùng quí hoá, lời mặc khải nói cho chúng ta biết bản tính của Thiên Chúa: “Thiên Chúa là yêu thương” (1Ga 4,16).
Biết Thiên chúa nhờ Kinh thánh và biết Thiên Chúa nhờ lý trí khác xa nhau vô cùng.
III. TRUYỀN THỐNG NÓI GÌ VỀ THIÊN CHÚA?
Cộng đồng Vatican I (1870) tóm lược đức tin của Giáo hội về Thiên Chúa như sau: “Giáo hội tin rằng chỉ có một Thiên Chúa, chân thật và hằng sống, Tạo hoá và Chúa của trời đất, toàn năng, đời đời, vô giới hạn, lớn hơn tất cả những gì chúng ta có thể quan niệm, có trí thông minh vô cùng, có ý chí và tất cả mọi khả năng toàn thiện, Đấng linh thiêng, bất di bất dich, tách biệt khỏi thế giới, vượt lên trên hết mọi loài có thể tưởng tượng được”.
Mấy hành động đặc biệt này chỉ tổng lược đức tin truyền thống xưa nay luôn luôn trung thành với Mạc khải, Giáo hội dạy tín đồ sống thân mật với Thiên Chúa và cũng không bao giờ quên dạy rằng Thiên Chúa vô cùng lớn lao.
IV. KẾT LUẬN
Để kết thúc chương này, chúng ta hãy đọc câu kinh rất cảm động của thánh Augustin. “Lạy Chúa tôi, Chúa là gì? Chúa là ai? nếu không phải là Thượng Đế, là Thiên Chúa vô cùng uy nghiêm, đồng thời cũng vô cùng tốt lành; quyền năng của Chúa tôi chẳng những rất cao mà là vô cùng. Chúa tôi rất nhân từ và cũng rõ rệt hơn cả: tốt đẹp nhất, hùng mạnh nhất, vững chắc và không sao hiểu thấu được, bất di bất dịch và nguyên nhân của mọi thay đổi, không bao giờ mới và cũng không bao giờ cũ, luôn luôn hoạt động và cũng luôn luôn nghỉ ngơi. Lạy Chúa, lời con nói lên lời thì thấm gì với sự thật nơi Chúa? Khi nói về Chúa người ta nói gì được?.
Như chúng ta vừa thấy, Mạc Khải đem đến cho chúng ta những ánh sáng rất qúi hoá về bản tính Thiên Chúa. Những ánh sáng ấy giúp chúng ta vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, một hành động mà lý trí con người không sao làm được. Chúng ta đi vào trong đời sống của Thiên Chúa và như thế tấm màn phân tách nhân loại và Thiên Chúa đã được hé mở. Thánh Phaolô nói : “Không ai biết được Thiên Chúa là gì, chỉ có Thần Linh của Thiên Chúa mới biết được, vì Thần Linh ấy thấu suốt mọi sự, cả những vực sâu trong Thiên Chúa nữa… Và chúng ta, chúng ta đã nhận lãnh Thần Linh từ Chúa đến…” (1Cr 2,11-12).
Mầu nhiệm lớn nhất Mạc Khải đã công bố là Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

----------------« + »----------------



CHƯƠNG III
ĐỜI SỐNG NỘI TẠI CỦA THIÊN CHÚA

MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI

I. ĐỜI SỐNG CỦA THIÊN CHÚA


Thiên Chúa là nguồn của mọi sự sống và chính Người cũng sống. Nhưng sự sống của Người khác hẳn sự sống của nhân loại, vì nhân loại có xác hợp với linh hồn. Sự sống của Thiên Chúa cao quý hơn nhiều, vì Thiên Chúa không có thể xác và hoàn toàn tốt đẹp, vô cùng thiện hảo.
Vì không có một điểm tương đồng nào giữa con người và Thiên Chúa, nên nếu Chúa Kitô không đến mạc khải thì chúng ta không có cách nào hiểu biết bản tính nội tại của Người. Chúa Kitô là Thiên Chúa và đồng thời cũng là một người. “Chưa bao giờ một ai đã biết Thiên Chúa : nhưng Con Một trong lòng Cha đã cho chúng ta biết Thiên Chúa” (Ga 1,18).
Vậy nếu chúng ta có biết được đời sống nội tại của Thiên Chúa là nhờ lời mạc khải của Chúa Kitô, và chỉ nhờ lời ấy mà thôi, tức là Phúc âm.
II. MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI
Điểm căn bản của Phúc âm về đời sống của Thiên Chúa là chỗ nầy : Tự đời đời Thiên Chúa là Cha; Người có một người Con cũng đời đời như Người, cũng toàn thiện như Người, nghĩa là ngang hàng với Người trên mọi mặt; và trong đời đời Chúa Cha kết hợp với Chúa Con bởi Chúa Thánh Thần, cũng ngang hàng với Chúa Cha và Chúa Con, đời đời và toàn thiện như Chúa Cha và Chúa Con.
Bởi vì chỉ có một Đấng toàn thiện, nên chỉ có một Thiên Chúa. Chúng ta đã chứng minh trong chương II. Nhưng Thiên Chúa độc nhất lại là Cha, Con và Thánh Thần mà vẫn Thiên Chúa duy nhất : một bản tính trong ba ngôi vị; đây là một sự thật huyền nhiệm vượt hẳn khả năng hiểu biết của chúng ta. Đó là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
III.MẦU NHIỆM Ở CHỖ NÀO?
Điểm không hiểu được nơi mầu nhiệm một Chúa trong ba Ngôi vị, không phải ở chỗ vấn đề biết thế nào 3=1, như thể nói ba Thiên Chúa là một Thiên Chúa. Nói như thế là cả một sự vô lý và sai lầm. Ba Chúa không có thể kết thành một Thiên Chúa.
Chúng ta nói rằng ba “Ngôi vị” thần tính chỉ là một “bản thể” thần tính. Đây là một cách nói khác hẳn và không vô lý.
Để hiểu chân lý nầy, chúng ta cần biết đích xác “Ngôi vị” Thiên Chúa là gì và “bản thể” Thiên Chúa là gì? Trên thế gian này, chúng ta chỉ thấy có bản thể nhân tính, và mỗi lần, bản thể ấy thể hiện thời lại thể hiện trong một ngôi vị nhân tính duy nhất. Mỗi người quanh chúng ta đều có một bản thể nhân tính và đồng thời cũng chỉ là một ngôi vị duy nhất được gọi với một tên riêng.
Vì những lý do ấy mà chúng ta không thể hiểu trong Thiên Chúa làm sao ba Ngôi vị lại chia sẻ một bản thể duy nhất. Mầu nhiệm là ở chỗ đó.
IV. MẠC KHẢI MẦU NHIỆM

Nếu chúng ta không thể hiểu được một Thiên Chúa trong ba ngôi vị là như thế nào,, thì ít ra chúng ta chắc chắn là có một Thiên Chúa trong Ba Ngôi và như vậy, thì cũng quý hoá lắm rồi.


a./ Cựu ước khi nói đến Thiên Chúa thì chỉ nhấn mạnh về một bản thể độc nhất. Cũng dễ hiểu : sống giữa bao nhiêu dân tộc đa thần, dân Do Thái có sứ mạng bảo vệ chân lý một Thiên Chúa duy nhất. Nếu bấy giờ mạc khải cả mầu nhiệm Ba Ngôi nữa thì sợ họ lầm tưởng có ba Thiên Chúa (Đức tin của dân Do Thái cũng còn non nớt vì thế mà nhiều lần họ đã bị đa thần chi phối)
b./ Đến để bổ túc Cựu ước, Tân Ước chú trọng đến việc mạc khải mầu nhiệm Ba Ngôi. Thiên Chúa nhận thấy nhân loại đã sẵn sàng đón nhận điểm mới này. Đàng khác, một Giáo Hội sẽ được thành lập để bảo vệ nguyên vẹn chân lý một Thiên Chúa trong ba ngôi vị.
V. CHÚA KITÔ DẠY VỀ THIÊN CHÚA BA NGÔI
a/ Trong Phúc Âm Chúa Kitô thường nói đến Ba Ngôi phân biệt nhau song cả ba chỉ là một Thiên Chúa toàn thiện.
1/ Chúa Cha : sau đây là hai dẫn chứng đặc biệt giữa bao nhiêu lời khác.
“Lạy Cha, Chúa cả trời đất, con ca ngợi Cha, vì Cha đã che giấu Tin Mừng không cho kẻ khôn ngoan và thông thái biết mà tỏ ra cho người khiêm nhường” (Mt 11,25).
Lạy Cha, sống đời đời là biết Cha, Thiên Chúa chân thật và độc nhất và biết người Cha sai đến, là Giêsu kitô” (Ga 17,1 và 3).

2) Chúa Con: Chúa Kitô còn cho biết Chúa Cha có một người Con và người Con ấy cũng chính là Ngài. Trong ba trường hợp Ngài quả quyết Ngài là Con Thiên Chúa.
Một lần Ngài hỏi các Tông đồ người ta nghĩ gì về Ngài. Đoạn Ngài thêm: “Còn chúng con, chúng con nói Thầy là ai?” – Simon phêrô thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chẳng những Ngài chấp nhận là tuyên bố của Phêrô, mà Ngài còn tán thưởng Phêrô đã nhân danh 12 anh em để trả lời : “Simon, con Gioan, con có phúc; bởi vì không phải thịt, máu đã cho con biết điều ấy mà là chính Cha Ta trên trời” ( Mt 16,13-18).
Một lần khác tại Giêrusalem, người Do thái vây quanh Ngài và hỏi Ngài: “ Nếu ông là Đức Kitô, thì hãy nói thật đi”. Chúa Giêsu trả lời: “ Ta đã nói với các ngươi rồi song các ngươi không tin…Cha Ta và Ta, chúng tôi chỉ là một”. Người Do thái lấy đá định ném Ngài. Chúa Giêsu thêm: “ Làm sao các ngươi có thể tố cáo là nói phạm thượng Người mà Chúa Cha đã tấn phong để sai xuống trần gian, vì Ta đã nói: Ta là Con Thiên Chúa… Ít nữa hay tin vào việc Ta làm và nhờ đó các ngươi sẽ nhận biết Cha trong Ta và Ta ở trong Cha” (Ga10,22,39).
Sau nầy, nhân cuộc xứ án Ngài, lúc đứng trước mặt Caipha, vị thượng tế hỏi Ngài: “ Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, Ta khiến Ngươi hãy nói Ngươi có phải là Đức Kitô, Con Thiên Chúa chăng?”. Chúa Giêsu đáp: “ Thật như ngài vừa nói” . Tức thì vị thượng tế xé áo mình ra và nói: “ Nó đã phạm thượng” ( Mt 63.26,26).
3) Chúa Thánh Thần
Chiều thứ năm Tuần Thánh, tại phòng tiệc ly, Chúa Giêsu tâm sự lần cuối cùng với các tông đồ. Ngài báo tin cho họ biết Chúa Thánh Thần gần đến. Sau đây là hai đoạn:
“ Đấng bênh vực, Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy là vị sẽ dạy chúng con về mọi sự và sẽ nhắc lại cho các con những gì Thầy đã nói” ( Ga 14,26).
“ Khi nào Thánh Thần đến, Đấng mà Ta sẽ sai cho chúng con từ Chúa Cha, Đấng ấy là Thánh Thần của chân lý do Chúa Cha mà ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta” ( Ga 15.26).
b) Có những đoạn trong phúc âm nói đến Ba Ngôi chung với nhau, chứ không nói riêng rẽ nữa.
Lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa “Trời mở ra Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình bồ câu và một tiếng như từ trời phán: Người là Con Ta rất yêu mến, hằng làm cho Ta được toại nguyện” ( Lc 3,21).
Ngày Chúa Giêsu lên trời, Ngài dạy các tông đồ: “Hãy đi giảng dạy cho mọi dân tộc và rửa tội họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” ( Mt 28,19)
VI. CHÚA BA NGÔI VÀ CHÚNG TA:
Nếu chỉ nhìn qua thì không thấy mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi có thể ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta. Chúa cao trọng thế kia và nhất là có vẻ xa chúng ta quá!
Thiên Chúa Ba Ngôi làm sao có thể trực tiếp liên quan đến con người trần thế?
Thế mà trong thực tế không có chân lý nào khác quan trọng hơn, có thể biến đổi đời sống của chúng ta hơn. Ba điểm sau đây sẽ thuyết phục chúng ta.
a) Trong mỗi giây phút mỗi người chúng ta đều thụ ân của Chúa Ba Ngôi.
Chúa Cha đã sáng tạo vũ trụ, Người cũng đã dựng lên linh hồn của chúng ta và Người không ngừng tỏ ra tình thương của Người bằng yểm trợ chúng ta trong mọi hoàn cảnh và hằng chấp nhận kinh nguyện của chúng ta theo định hướng của Người.
Chúa Con nhờ mầu nhiệm nhập thể mà đã thành một người giữa chúng ta, đã cho chúng ta nhận biết Chúa Cha, đã chết đau đớn để cứu thoát chúng ta và đã trả lại cho chúng ta cái quyền làm con cái của Thiên Chúa và sau này được hưởng hạnh phúc nhìn ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi nhãn tiền.
Còn Chúa Thánh Thần thì từ ngày chúng ta lọt lòng mẹ, Ngài đã hoạt động trong tâm hồn chúng ta, Ngài không ngừng thánh hoá chúng ta, nghĩa là ban cho chúng ta sự sống của Chúa Ba Ngôi .
Như thế nghĩa là thay vì xa lạ với con người, Chúa Ba Ngôi thiết thực săn sóc mỗi một chúng ta. Ý thức được vai trò thần diệu của Thiên Chúa Ba Ngôi , chúng ta có thể thân mật bang giao với Ngài : Chúa Cha đã dựng nên chúng ta; Chúa Con đã cứu thoát chúng ta và Chúa Thánh Thần thánh hoá chúng ta.
b) Nhờ ơn thánh chúng ta trở nên thành phần của gia đình Chúa Ba Ngôi. Chính Thánh Phaolô đã dạy chúng ta chân lý nầy:

“Anh em không còn là người dưng hay khách lạ nữa; anh em là những đấng thánh đồng địa vị với các thánh; anh em là con cái trong gia đình Thiên Chúa” (Ep 2.19).


Khi ban cho chúng ta ơn thánh hoá, Chúa Cha đã nhận chúng ta như những nghĩa tử. Cũng chính thánh Phaolô tuyên bố điểm này: “Thiên Chúa đã sai Con của Ngài… để làm cho chúng ta trở nên nghĩa tử…Ngươi thấy chưa, ngươi không còn là nô lệ, ngươi là con cái. Mà nếu là con cái thì ngươi cũng là thừa tự của Thiên Chúa nhờ ơn thánh của Người” (Gl 4,48).
Thánh Gioan ngay trong đoạn nhập đề Phúc Âm , cũng đã nói đến sự kiện siêu nhiên này: “Tất cả những ai đón nhận Người, Ngôi Lời đã cho họ quyền làm con Thiên Chúa “.
Thiên Chúa có thể nói về mỗi người chúng ta lời mà Người đã thốt ra về Chúa Giêsu lúc chịu thánh tẩy và lúc biến hình trên núi Tabor: “Người nầy là con Ta yêu mến và hằng thoả lòng Ta” (Lc 3,22;17,5).
c) Nhờ sống trong ơn thánh, mỗi người chúng ta là toà ngự của Ba Ngôi
Đây là một chân lý lạ lùng. Nếu chúng ta ý thức được và căn cứ trên đó mà sống thì đời chúng ta phải được thay đổi toàn diện. Chúa Ba Ngôi ngự trị trong chúng ta là một sự thật được Chúa Kitô tuyên bố rõ ràng và quyết liệt đến mức mà chúng ta không còn cách nào để nghi ngờ. Ngày thứ năm Tuần thánh, Chúa Giêsu nói với các tông đồ : “Người nào yêu mến Thầy, chúng tôi sẽ đến với họ và sẽ ở trong họ” (Ga 14-23).
Và thánh Phaolô vì quá thâm hiểu mà đã nhắc đi nhắc lại trong thơ gởi cho giáo đoàn Corinthô: “anh em không biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần ngự trong anh em sao? Đền thờ của Thiên Chúa thì phải thánh và chính anh em là đền thờ ấy” (1Cr 3,16,17).
“Anh em không biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần , Đấng ngự trị trong anh em sao?” (1Cr 6,19).
Thánh Phaolô còn đi xa hơn: “không phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Nếu chúng ta ý thức đủ sự hiện diện thần kỳ Chúa Ba Ngôi trong chúng ta , và nhờ đó mà sống, thì kinh nguyện của chúng ta phải là một cuộc đối thoại thân mật với Chúa; nhiệm vụ hằng ngày của chúng ta phải là một công việc làm chung với Thiên Chúa ; đồng thời chúng ta phải nhận thấy sự tốt đẹp và trong sạch của một đền thánh đáng cho Chúa ngự trị. Nhờ đó chúng ta sẽ không giám làm hoen ố thể xác chúng ta , vì nó là đền thờ của Thiên Chúa (1 Cr 6,15).
VII. CHÚA BA NGÔI VÀ PHỤNG VỤ CỦA GIÁO HỘI
Trong năm Phụng vụ có một lễ đặc biệt dâng kính Chúa Ba Ngôi , tức là Chúa nhật thứ nhất sau lễ Hiện xuống.
Ngoài ra, tín điều Một Chúa Ba Ngôi còn chiếm một chỗ trọng yếu trong các kinh chính thức của Giáo hội. Một số lớn những kinh ấy nhắc nhở ta tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi.
Chẳng hạn những mẫu kinh sau đây:
- Dấu Thánh giá diễn tả đức tin của chúng ta đối với mầu nhiệm Cứu chuộc và mầu mhiệm Chúa Ba Ngôi .

- Kinh Sáng danh sau mỗi Ca vịnh.

- Trong Thánh lễ có nhiều kinh diễn tả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi .

- Những lời nguyện trong lễ nghi Thánh tẩy.

- Lời xá giải trong phép rửa tội.

- Các lời nguyện khi ban phép lành.
VIII. PHẦN KẾT THÚC THỰC HÀNH:

MỐI BANG GIAO GIỮA TA VÀ CHÚA BA NGÔI


Tất cả trong chương nầy chúng ta thấy phần chính yếu của đạo Kitô. Vậy con người Kitô chính danh là gì?
Thưa là người mà suốt đời mình thật sự muốn sống như:

  • Người con của Chúa Cha

  • Người em của Chúa Giêsu

  • Người chiến sĩ của Chúa Thánh Thần .




  1. Tôn sùng Chúa Cha :

Nếu chúng ta muốn trở thành những đứa con của Chúa Cha , chúng ta phải cố gắng lãnh nhận thánh ý của Người trong mọi hoàn cảnh, nghĩa là vâng lời những vị thay mặt Người (cha mẹ, các đấng bề trên), thi hành nhiệm vụ hằng ngày cho hết sức và thể hiện sứ mạng Chúa giao phó trong địa vị chúng ta. Chúa Giêsu , Con Một Chúa Cha , đầu tiên đã nhấn mạnh trên điểm chính yếu này: “Thức ăn của Ta là thi hành ý muốn của Cha Ta và thực hiện công việc của Người” (Ga 3,34) – “Ta xuống trần gian không phải làm theo ý Ta; nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 6, 38) – “Lạy Cha, không phải theo ý con, mà theo ý Cha” (Lc 22,24).




  1. Tôn sùng Chúa Con:

Nếu chúng ta sống thật sự như những người em của Chúa Kitô, chúng ta phải cố gắng gắn bó với Ngài; cố gắng dựa trên Phúc âm của Ngài mà sống, mà suy nghĩ, mà phê phán; sau hết lấy gương Ngài làm mức thước cho đời chúng ta. Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta về điểm này khi ngài viết: “Những ai Thiên Chúa đã biết trước, Người tiền định họ phải là hình ảnh của Con Người, để Con Một Người làm anh cả của nhiều anh em” (Rm 8,29).


Để được thế, chúng ta phải đưa vào trong đời sống của chúng ta sự vâng lời của Ngài, sự siêu thoát của Ngài , tình yêu của Ngài đối với mọi người; tinh thần kinh nguyện của Ngài.
c/ Tôn sùng Chúa Thánh Thần :
Xưa kia ngày lễ Hiện xuống Thánh Thần đã thực hiện những công việc thần kỳ nơi các tông đồ. Các ông là những người dốt nát, thế mà Người đã làm cho thành những trí óc thông minh. Chính Chúa Giêsu đã hứa với họ: “Thánh Thần của chân lý sẽ dẫn đưa chúng con vào trong chân lý toàn diện” (Ga 16,13), các ông là những người nhát gan, thế mà Người đã làm cho họ thành những anh hùng không biết sợ chết. Trước khi về trời, những anh hùng không biết sợ chết. Trước khi về trời Chúa Giêsu đã dặn họ: “Hãy lưu lại trong thành (Giêrusalem) cho đến khi chúng con nhận lãnh sức mạnh của Đấng tối cao” (Lc 24,49).
Còn chúng ta cũng thế, chúng ta đã nhận lãnh Thánh Thần ngày chịu Thanh Tẩy và Thêm Sức. Để trung thành với Thánh Thần chúng ta phải sẵn sàng đón nhận những ơn soi sáng của Người; hợp tác với Người để thánh hoá bản thân chúng ta; đừng bao giờ gây chướng ngại cho Người và phổ biến đức tin của chúng ta chung quanh chúng ta.

------------------[+]------------------




tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương