BỘ TƯ LỆnh vùng 5 HẢi quân lịch sử VÙng 5 HẢi quâN (1975 – 2015)


Vùng 5 Hải quân ra đời, làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biển, đảo Tây Nam; phối hợp với các lực lượng của Quân chủng trừng trị Hải quân Khơ me đỏ xâm phạm gây tội ác, giữ gìn an ninh trật tự khu vực b



tải về 1.28 Mb.
trang2/12
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích1.28 Mb.
#24070
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

2. Vùng 5 Hải quân ra đời, làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biển, đảo Tây Nam; phối hợp với các lực lượng của Quân chủng trừng trị Hải quân Khơ me đỏ xâm phạm gây tội ác, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biển


Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Sài Gòn được giải phóng, chiến dịch lịch sử mang tên Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ban Cán sự và Bộ Tư lệnh tiền phương Hải quân tiếp tục triển khai một bộ phận lực lượng của Quân chủng xuống miềm Tây tiếp quản các căn cứ, cơ sở hậu cần, kỹ thuật của hải quân ngụy.

Ngày 11 tháng 5 năm 1975, một bộ phận tiếp quản Căn cứ Đồng Tâm, Tiền Giang. Ngày 15 tháng 5 năm 1975, một bộ phận lực lượng hải quân ta tiếp quản Căn cứ hải quân Phú Quốc và tổ chức thành một đơn vị lâm thời Đoàn hải quân Phú Quốc, là lực lượng tiền thân của Vùng 5 Hải quân, làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ và khu vực biển, đảo phụ cận.

Cũng trong thời gian này, trên khu vực biển đảo Tây Nam, lợi dụng lúc hải quân ngụy bỏ chạy và tan rã, bọn phản động Cam pu chia- Khơ me đỏ cho quân lên đảo Phú Quốc của ta vào ngày 3 tháng 5 năm 1975. Nhưng trước khí thế và áp lực của các lực lượng cách mạng ở đây, buộc quân khơ me đỏ phải rút khỏi đảo Phú Quốc. Sau đó, ngày 10 tháng 5 năm 1975 chúng lại tiếp tục lén lút đổ bộ chiếm đảo Thổ Chu, bắt đi và giết hại hàng trăm ngư dân ta đang sinh sống ở đảo và làm ăn khu vực này.

Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Hải quân tiền phương tổ chức hiệp đồng với các lực lượng của Quân khu 9, Quân chủng Phòng không không quân đánh chiếm lại đảo Thổ Chu và tấn công quân khơ me ở đảo Pô lô vai, nhằm kiên quyết trừng trị và đập tan ý đồ, âm mưu xâm lấn biển, đảo Việt Nam của chúng.

Chấp hành chỉ thị của trên, ngày 18 tháng 5 năm 1975, tại Phú Quốc, Bộ Tư lệnh Hải quân tiền phương cùng với Quân khu 9 tổ chức hội nghị quân sự, thảo luận thống nhất kế hoạch hiệp đồng tác chiến giải phóng đảo Thổ Chu. Hội nghị quyết định sử dụng lực lượng hiệp đồng chiến đấu gồm: Tiểu đoàn bộ binh 401, thuộc Trung đoàn 1, Quân khu 9; 2 tàu tuần tiểu loại 100 tấn cao tốc 217, 219, Trung đoàn 172 hải quân; 2 tàu vận tải 50 tấn 643, 657, Trung đoàn 125 hải quân; một đại đội đặc công nước, Trung đoàn 126 đặc công hải quân; 4 tàu vận tải đổ bộ LCM8, 4 tàu PCF đây là các tàu thu hồi của hải quân ngụy, có sử dụng lại một số sĩ quan, nhân viên cũ, thuộc Đòan hải quân Phú quốc và 1 đại đội du kích huyện đội Phú Quốc.

Từ ngày 23 đến 27 tháng 5 năm 1975, các lực lượng tàu chiến đấu, vận tải Hải quân, bộ binh Quân khu 9 đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, chi viện chiến đấu kịp thời, hiệu quả, thực hành đổ bộ vận động tấn công địch mãnh liệt, kết hợp binh vận, loại khỏi vòng chiến đấu 1 tiểu đoàn tăng cường, có hỏa lực mạnh của địch, trong đó bắt 300 tên, diệt 100 tên thu nhiều vũ khí, giải phóng các đảo Thổ Chu, Hòn Cao, Hòn Từ, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, thu hồi trọn vẹn các đảo phía Tây Nam của Tổ quốc.

Tiếp sau đó, từ ngày 1 đến 13 tháng 6 năm 1975, bằng chiến thuật hiệp đồng quân binh chủng, có sự chi viện đắc lực của không quân, ta tiếp tục tấn công địch ở Hòn Ông, Hòn Bà thuộc khu vực đảo Pô lô vai. Liên tục 10 ngày đêm chiến đấu, ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân khơ me đỏ ở 2 đảo này, gồm 2 tiểu đoàn bộ binh, bắt sống 350 tên, diệt 400 tên, thu toàn bộ vũ khí. 1Các lực lượng hải quân tham gia chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.Đây là lần đầu tiên trong chiến tranh giải phóng, quân đội ta tổ chức hiệp đồng chiến đấu hải quân, không quân, lục quân đổ bộ đánh chiếm đảo với qui mô cấp chiến dịch.

Ngày 25 tháng 8 năm 1975, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng hai và hạng 3 cho tập thể tàu 101 và 102 thuộc Đoàn hải quân Phú Quốc, do có thành tích xuất sắc trong tham gia chiến đấu giải phóng đảo Thổ Chu và tấn công tiêu diệt địch ở đảo Pô lô vai.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, bờ biển, vùng biển Việt Nam từ Móng Cái đến Hà Tiên dài hơn 3260 ki lô mét, với hàng nghìn đảo gần bờ và xa bờ đặt ra những yêu cầu mới về xây dựng và phát triển quân chủng Hải quân đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo, thềm lục địa của nước Việt Nam thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày 12 tháng 7 năm 1975, Ban Cán sự Bộ Tư lệnh hải quân tiền phương họp thống nhất đề nghị Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về tổ chức lực Hải quân trong tình hình mới gồm có khối cơ quan Bộ Tư lệnh và khối đơn vị. Khối đơn vị chiến đấu, gồm có: 5 vùng; lữ đoàn tàu chiến đấu; lữ đoàn hải quân đánh bộ và một hạm đội cơ động. Mỗi vùng quản lý, bảo vệ một vùng biển tương ứng với địa bàn trên đất liền của mỗi quân khu có bờ biển. Trong điều chỉnh tổ chức, xây dựng các lực lượng mới của Quân chủng, Ban Cán sự nhấn mạnh, phải đạt được yêu cầu sử dụng và phát huy tốt đội ngũ cán bộ và chiến sĩ có kinh nghiệm, có kiến thức hiện có của quân chủng; phải tiếp tục củng cố và phát huy tốt truyền thống sẵn có của các đơn vị.

Trên cơ sở đề nghị của Quân chủng Hải quân, đầu tháng 9 năm 1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập các đơn vị, Hạm đội 171, Lữ đoàn tàu chiến đấu 172, Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân

Trước yêu cầu khẩn trương điều chỉnh, tổ chức xây dựng lực lượng để triển khai các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các vùng biển, đảo sau ngày giải phóng, trong khi chờ đợi quyết định của Bộ Quốc phòng, ngày 20 tháng 9 năm 1975, Quân chủng ra quyết định lâm thời về tổ chức biên chế 5 vùng duyên hải, đồng thời tập trung chỉ đạo việc điều chỉnh, điều động lực lượng thành lập các đơn vị trực thuộc của các vùng; ra các quyết định thành lập, kiện toàn tổ chức lãnh đạo, điều động, bổ nhiệm cán bộ chủ trì đơn vị các cấp để từ 30 tháng 10 năm 1975 trở đi Quân chủng trực tiếp chỉ huy các vùng về mọi mặt công tác.

Thực hiện các chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Hải quân, cơ quan Bộ Tư lệnh Vùng 5 duyên hải nhanh chóng hình thành, nòng cốt là Đoàn hải quân Phú Quốc và cán bộ trong, ngoài quân chủng được trên điều về xây dựng vùng. Theo quyết định Thường vụ Đảng ủy Quân chủng, Đảng ủy vùng 5 được thành lập gồm 9 đồng chí; đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Lắm nguyên là Chính ủy Trung đoàn 125, cán bộ chỉ huy chính trị Đoàn hải quân Phú Quốc được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy; đồng chí Trung tá Nguyễn Thế Trinh nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Hải quân; chỉ huy trưởng Đoàn hải quân Phú Quốc được chỉ định Phó bí thư Đảng ủy. Đảng ủy Vùng tập trung lãnh đạo việc kiện toàn ổn định các tổ chức lãnh đạo mới; chấn chỉnh xây dựng các đơn vị, lực lượng trực thuộc, từng bước củng cố Vùng đi vào thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển phụ trách và khu vực đóng quân…

Ngày 26 tháng 10 năm 1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định số141/QĐ- QP thành lập Vùng 5 Duyên hải trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân.

Theo quyết định của Bộ, Vùng 5 Duyên hải tương đương cấp sư đoàn, phụ trách vùng biển từ sông Soài Rạp đến biên giới Cam pu chia dài hơn 800 ki lô mét trải ra đến hết hải phận; cơ cấu tổ chức biên chế của vùng 5 Duyên hải gồm: Khu duyên hải 51 ( K51)- Bình Thủy, Cần Thơ; Khu duyên hải 52 (K52)- Năm Căn, Cà Mau; Khu duyên hải 53 (K53)- Phú Quốc, Kiên Giang; Trung đoàn phòng thủ Côn đảo 150; Trung đoàn Đồng Tâm đóng ở căn cứ Đồng Tâm, Tiền Giang.

Đồng chí Trung tá Nguyễn Thế Trinh được trên bổ nhiệm chức Tư lệnh Vùng 5 Duyên hải; đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Lắm được bộ nhiệm giữ chức Chính ủy Vùng 5 Duyên hải.

Triển khai quyết định của Bộ, công tác xây dựng lực lượng đến đầu tháng 12 năm 1975, Vùng 5 Duyên hải đã cơ bản hình thành 3 khu duyên hải và 2 trung đoàn. Trong đó Khu 51, đã có 1 hải đoàn tàu, gồm 25 chiếc; K52, đã có có cơ quan, 1 phân đội tàu, 8 chiếc và 1 trạm sửa chữa; K53, có 1 hải đoàn, 15 tàu các loại. Trung đoàn phòng thủ Côn đảo, đã có cơ quan trung đoàn, 2 tiểu đoàn pháo binh và cao xạ, 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, 1 phân đội tàu 4 chiếc; Trung đoàn Đồng Tâm, có cơ quan, 1 giang đoàn (tàu sông), 20 chiếc, 1 tiểu đoàn huấn luyện và 1 xưởng sửa chữa. Cơ quan Bộ Tư lệnh Vùng, có Xưởng sửa chữa tàu Bình Thủy và các đơn vị phục vụ, bảo đảm trực thuộc. Cơ quan Bộ Tư lệnh Vùng 5 lúc này đóng ở Bình Thủy, Cần Thơ.Quân số toàn Vùng lúc này có 2325 người, 253 sĩ quan và 2072 hạ sĩ quan, chiến sĩ.

Cùng với xây dựng lực lượng, Vùng khẩn trương tổ chức việc tiếp nhận và khôi phục hệ thống quan sát biển gồm các trạm ra đa đối hải Côn đảo, Hòn Khoai Nam Du, An Thới, Hòn Đốc. Trong tháng 11 năm 1975, Vùng tổ chức một bộ phận kỹ thuật tiến hành kiểm tra, sửa chữa các trạm ra đa này để bảo đảm hoạt động tin cậy cùng với bố trí các trạm quan sát mắt. Đầu tháng 12, ta triển khai xong trạm quan sát mắt ở Đảo Thổ Chu. Riêng trạm ra đa Hòn Đốc, Quân chủng không có chủ trương khôi phục sử dụng lại.

Các xưởng sửa tàu thuyền ở Bình Thủy và ở Phú Quốc nhanh chóng được khôi phục và hoạt động trở lại, có 70 phần trăm cán bộ, công nhân làm việc từ cuối tháng 10 năm năm 1975.

Để bảo đảm cho Quân chủng Hải quân hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ các tuyến đảo Tây Nam, ngày 30 tháng 12 năm 1975, Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định điều động Trung đoàn 101 và một số đơn đơn vị pháo mặt đất thuộc Quân khu 9, lúc này đang đứng chân ở đảo Phú Quốc và Nam Du làm nhiệm vụ bảo vệ các đảo phía Tây Nam về trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Đầu tháng 1 năm 1976, Bộ Tư lệnh Hải quân điều các đơn vị này về trực thuộc thuộc Vùng 5 Duyên hải.

Chấp hành mệnh lệnh của Tư lệnh Quân chủng, ngày 20 tháng 1 năm 1976, Vùng 5 Duyên hải tiếp nhận bàn giao Trung đoàn bộ binh 101 từ Quân khu 9 gồm, Ban chỉ huy, 4 cơ quan, 17 đại đội, bộ phận trực thuộc chỉ huy và cơ quan trung đoàn2 và 1 tiểu đoàn đặc công; 4 tiểu đoàn bộ binh trực thuộc Trung đoàn; 2 tiểu đoàn pháo binh và pháo cao xạ trực thuộc Quân khu 9 +(3)

Trên cơ sở quán triệt nhiệm vụ chung của Quân chủng, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Vùng 5 xác định nhiệm vụ năm 1976, phải tăng cường công tác phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển, đảo phụ trách; tích cực tăng gia sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế cải thiện đời sống của bộ đội và xây dựng Vùng; tiếp tục củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng nâng cao chất phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Vùng; đẩy mạnh việc sửa chữa, phục hồi tàu thuyền, vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật thu được của địch. Trong đó, phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển và các đảo phụ trách là nhiệm vụ trung tâm thường xuyên của Vùng.

Sáu tháng đầu năm 1976, Vùng 5 cơ bản triển khai xong lực lượng trên địa bàn hoạt động, bước đầu tạo thế phòng thủ vững chắc bảo vệ các khu vực biển, đảo quan trọng. Cụ thể là:

+ Trung đoàn 101 bảo vệ đảo Phú Quốc, Nam Du đứng chân tại Phú Quốc, Nam Du

+ Căn cứ K52 đóng tại khu vực Năm Căn gồm các phân đội tàu tuần tiễu, vận tải, đánh cá, đơn vị phòng thủ và ra đa Hòn Khoai.

+ K53, chỉ huy và cơ quan đóng tại An Thới gồm có các đơn vị trực thuộc: Cụm phòng thủ quần đảo Thổ Chu đứng chân tại đảo Thổ Chu; Cụm phòng thủ khu vực Hòn Đốc đứng chân tại Hòn Đốc; các trạm ra đa Nam Du, Phú Quốc và Hải đội tàu hỗn hợp.

+ Căn cứ Đồng Tâm làm nhiệm vụ huấn luyện hạ sĩ quan sơ cấp hải quân và sản xuất làm kinh tế.

+ K51, đang xây dựng 1 hải đoàn đóng ở Bình Thủy.

Để phù hợp với yêu cầu tổ chức lực lượng phòng thủ đảo Phú Quốc và đảo Nam Du,Vùng5 tiếp tục điều chỉnh tổ chức biên chế Trung đoàn 101 và các đơn vị pháo mới nhận bàn giao từ Quân khu 9, rút gọn các tiểu đoàn pháo mặt đất, pháo cao xạ, giải thể một số đại đội trực thuộc trung đoàn. Tháng 6 năm 1976, chấp hành lệnh của Quân chủng, Vùng tiến hành bàn giao nguyên canh Trung đoàn phòng thủ Côn đảo cho Vùng 4 Duyên hải.

Để bảo đảm khả năng quan sát, kiểm soát, quản lý vùng biển, đặc biệt là quản lý khu vực vịnh Thái Lan- biển Tây Nam, Vùng khẩn trương triển khai việc khảo sát nghiên cứu đặt trạm ra đa đối hải ở đảo Thổ Chu.

Trong điều kiện các đơn vị mới thành lập, đang thời kỳ củng cố, ổn định, Vùng vẫn chủ động tích cực khắc phục khó khăn, bắt tay vào tổ chức các hoạt động tuần tiễu quản lý vùng biển, duy trì thường xuyên từ 5 đến 7 chiếc tàu của các khu duyên hải hoạt động trên vùng biển Cửu Long và vịnh Thái Lan.

Năm 1976, công tác bảo đảm kỹ thuật tiếp tục thực hiện việc thu hồi quản lý, trang bị kỹ thuật, vật tư, vũ khí, phương tiện của hải quân địch bỏ lại. Hai xưởng Bình thủy và An Thới sau khi được khôi phục đưa vào sản xuấtđã ổn định và phát huy tốt hiệu quả, sửa chữa 17 tàu các loại, đảm bảo kịp thời cho các nhiệm vụ của Vùng.

Công tác tăng gia sản xuất và làm kinh tế, Vùng xác định tập trung vào một số hoạt động sản xuất chủ yếu trước mắt là đánh bắt cá và chế biến nước mắm; tham gia thăm dò, khai thác dầu khí; hợp đồng khai thác và thu gỗ của Ty Lâm nghiệp Kiên Giang; chăn nuôi, trồng trọt. Đầu năm 1976, Vùng điều động, đầu tư một số cán bộ làm nhiêm vụ kinh tế cho các khu duyên hải; đồng thời chuẩn bị lực lượng, tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ; tiến hành tổ chức đánh bắt cá thí điểm và chế biến nước mắm, vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Vùng ký hợp đồng thăm dò địa chấn trong sông đồng bằng Cửu Long với Tổng công ty dầu khí miền Nam, trong năm 1976 thực hiện được 2 đợt phục vụ hoạt động thăm dò với 14 tàu của vùng tham gia, thu về trị giá gần 700 000 đồng.

Thực hiện “Đề án nhiệm vụ Hải quân tham gia làm kinh tế”, tháng 10 năm 1976, Quân chủng Hải quân triển khai thành lập Cục Xây dựng kinh tế Hải quân. Quân chủng chủ trương, ngoài lực lượng của Cục Xây dựng kinh tế, sẽ tổ chức xây dựng một số hải đoàn đánh cá chuyên nghiệp trực thuộc một số vùng, các khu duyên hải của các vùng tổ chức các hải đội tàu thuyền đánh cá chuyên nghiệp…Trên cơ sở chỉ đạo của Quân chủng, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Vùng 5 tích cực nghiên cứu đề xuất các hướng làm kinh tế, các phương án xây dựng các hải đội, tiểu đoàn, trung đoàn đánh bắt, chế biến hải sản, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản làm kinh tế phù hợp điều kiện tự nhiên và thế mạnh của vùng trong những năm sắp tới.

Cuối tháng 10 năm 1976, Đảng bộ Vùng 5 tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ Vùng 5 lần thứ nhất. Đại hội đã hoàn thành tốt các nội dung thảo luận Dự thảo sửa đổi Điều lệ Đảng của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa III trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và bầu đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng lần thứ 4.

Ngày 31tháng 12 năm 1976, Tư lệnh Hải quân ra quyết định triển khai thành lập Trung đoàn 150 - khung huấn luyện tân bình trực thuộc Vùng 5 Duyên hải, đóng tại Căn cứ Đồng Tâm, làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới cho Vùng 5 và cho Quân chủng theo chỉ tiêu kế hoạch hàng năm.

Những tháng đầu năm 1977, trên biên giới và vùng biển Tây Nam liên tiếp có diễn biến phức tạp, căng thẳng. Ngày 4 tháng 1 năm 1977, bọn phản động khơ me đỏ tấn công đồn số 7 và số 8 ở Búp Răng, Đắc Lắc. Đặc biệt, từ cuối tháng 4 đến 1 tháng 5 năm 1977, bọn phản động khơ me đỏ sử dụng 1 sư đoàn bộ binh tấn công vào 13 trên 15 xã biển giới tỉnh An Giang, gây nhiều tội ác man rợ đối với đồng bào ta, giết hại và làm bị thương gần 700 người. Trên biển, tàu hải quân Khơ me đỏ nhiều lần xâm phạm trắng trợn vùng biển của ta ở bắc đảo Phú Quốc, uy hiếp và vây bắt tàu cá của ngư dân ta đang làm ăn trên biển; pháo binh của chúng từ Hòn Keo Ngựa, Kiến Vàng, Tre Mắn hàng ngày khiêu khích bắn vào các đơn vị của ta ở Hòn Đốc.

Trước tình hình trên, ngày 16 tháng 6 năm 1977, Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ thị cho Vùng 5, có kế hoạch phòng thủ, bảo vệ vùng biển, đảo phía Tây Nam, nhấn mạnh việc phối hợp hiệp đồng với các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, kiên quyết trừng trị mọi hành động xâm phạm hải phận của tàu hải quân khơ me, bảo vệ ngư dân ta làm ăn trên biển, phòng thủ vững chắc các đảo, sẵn sàng đánh trả kịp thời, quyết không để bị đánh bất ngờ.

Ngày 21 tháng 6 năm 1977, Bộ Tư lệnh Quân chủng thông qua kế hoạch phòng thủ vùng biển và hải đảo Tây Nam, trong đó xác định lực lượng ta, chủ yếu là lực lượng tại chỗ của Vùng 5 gồm, Khu duyên hải 53 (K53), có 1 hải đội tàu tuần tiễu, vận tải (19 tàu và 13 thuyền đánh cá); Trung đoàn 101, có 3 tiểu đoàn hỗn hợp. Lực lượng tăng cường của Quân chủng, có phân đội tàu tuần tiễu 100 tấn, 1 biên đội tàu khu trục, hộ vệ của Hạm đội 171; Tiểu đoàn 863 thủy quân lục chiến và 1 đại đội thiết giáp của Lữ đoàn 126;lực lượng Phòng không- Không quân, khi chiến đấu sẽ được tăng cường cho Hải quân 6 đến 8 chiếc HU1; 1 đến 2 chiếc CH 47 của Sư đoàn 372. Tư tưởng chỉ đạo và ý định tác là, không để bị đánh bất ngờ, diệt địch từ xa, kiên quyết phản kích tiêu diệt gọn.

Ngay sau đó, Tư lệnh Hải quân ra mệnh lệnh cho Vùng 5 khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo, bảo vệ vùng biển Tây Nam; đồng thời điều động Tiểu đoàn thủy quân lục chiến 863 và Đại đội 14 thiết giáp (loại xe bọc thép bơi nước chở bộ binh), Lữ đoàn 126, từ Cam Ranh vào phối thuộc với Vùng 5 bảo vệ Phú Quốc.

Để thực hiện tốt mệnh lệnh chuẩn bị chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, ngày 26 tháng 6 năm 1977, Bộ Tư lệnh Quân chủng ra chỉ thị về một số nhiệm vụ công tác chính trị trong chiến đấu trước mắt đối với các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ đảo, vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, nêu rõ, Khơ me đỏ xâm phạm vùng biển, hải đảo và biển giới của Việt Nam “là một hành động cực kỳ nghiêm trọng, xâm phạm trắng trợn lãnh thổ của ta; có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương và sự xúi giục ở bên ngoài…Mục đích của địch là xâm chiếm đất đai, xâm chiếm các đảo và biển của ta, gây hận thù dân tộc, phá hoại tình đoàn kết hữu nghị giữ các nước Đông Dương, phục vụ âm mưu chiến lược lâu dài của nước ngoài…Nhanh chóng quán triệt tình hình, âm mưu của địch, yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của các lực lượng bảo vệ đảo, từ đó bồi dưỡng xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, bảo đảm chiến đấu thắng lợi”4

Quán triệt chỉ thị, mệnh lệnh của trên, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Vùng 5 Duyên hải xác định nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ đảo, bảo vệ vùng biển trở thành nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm hàng đầu của toàn Vùng lúc này và khẩn trương tổ chức quán triệt âm mưu, thủ đoạn của địch, tình hình nhiệm vụ của Vùng, của từng đơn vị trong tình hình mới; xây dựng phương án phòng thủ mới vàkế hoạch hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng; tăng cường công tác huấn luyện kỹ, chiến thuật; huấn luyện theo các phương án hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng; chấn chỉnh việc chấp hành chế độ sẵn sàng chiến đấu; đồng thời đẩy mạnh xây dựng các công sự, trận địa dã chiến, củng cố hầm hào chiến đấu, nhất là trọng điểm phòng ngự tiền duyên các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Hòn Đốc.

Vùng tiếp tục củng cố hệ thống quan sát biển, các trạm ra đa; xây dựng lắp đặt hoàn chỉnh trạm ra đa mới ở đảo Thổ Chu đưa vào hoạt động cuối năm 1977.

Về công tác sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, từ tháng 4 năm 1977, Vùng chỉ huy tổ chức các biên đội tàu PCF của Hải đội tàu tuần tiễu 511, Khu duyên hải 53 hiệp đồng với biên đội tàu tuần tiễu cao tốc 100 của Hải đội 7, Hạm đội 171 phối thuộc, làm nhiệm vụ trực đợi cơ và tiến hành các hoạt động tiễu nhiều trên những khu vực trọng điểm. Trong quí 3 năm 1977, các tàu của Hải đội 7 và Hải đội 511 đã thực hiện 117 lần chiếc tàu hoạt động, đi được 9.915 hải lý, kiểm tra 6 tàu lạ, bắt 1 tàu cá Thái Lan vi phạm và bắn chìm 1 tàu khác cố tình xâm nhập trái phép. Các trạm ra đa của vùng phát hiện 481 lần chiếc tàu qua lại khu biển Nam Du - Thổ Chu - Phú Quốc.

Cùng với tập trung cho nhiệm vụ cấp bách chuẩn bị chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, tổ chức lực lượng Vùng 5 tiếp tục được xây dựng và điều chỉnh. Ngày 8 tháng 4 năm 1977, Bộ Tư lệnh Hải quân ra quyết định triển khai tổ chức chấn chỉnh lực lượng Vùng 5 gồm: Tổ chức phòng Kinh tế, thành lập Tiểu đoàn thông tin, ra đa 551; tách Hải đội 511 tuần tiễu và vận tải thuộc Khu duyên hải 53 thành 2 hải đội tuần tiễu 512 và vận tải 511, chuyển phân đội làm kinh tế 532 chuyển thành hải đội đánh cá chuyên nghiệp; thành lập 1 đại đội xây dựng cơ bản, 2 đại đội nuôi tôm, 1 đại đội công binh 15.

Để nâng cao khả năng đánh địch từ xa, cũng như cơ động chiến đấu phòng thủ bảo vùng biển, đảo Tây Nam, Quân chủng quyết định tăng cường lực lượng pháo binh tầm xa cho Vùng 5. Tháng 10 năm 1977, Vùng tổ chức tiếp nhậnTiểu đoàn 21 pháo 130 lyvà thành lập Tiểu đoàn 22 pháo 105 ly và pháo 85 ly, biên chế 2 tiểu đoàn này về trực thuộc Trung đoàn 101.

Cuối quí 4 năm 1977, lực lượng của Vùng 5 tiếp tục được chấn chỉnh, giải thể Khu duyên hải 51. Khu duyên hải 52 đổi tên Khu duyên hải 51, thành lập tiểu đoàn sản xuất nông ngư nghiệp thuộc K51; giải thể Khu duyên hải 53, thành lập Hải đoàn đánh cá 158 trực thuộc Vùng 5, chuyển 2 hải đội tàu tuần tiễu, vận tải 512, 511 và xưởng 58 An Thới và các đơn vị Tiểu đoàn 561 Thổ Chu, Đại đội 2 Nam Du, đơn vị Hòn Đốc về trực thuộc Vùng 5.

Sang năm 1978, chiến sự trên biên giới Tây Nam tiếp tục diễn ra nóng bỏng, 5 sư đoàn bộ binh Khơ me đỏ tấn công tuyến biên giới hai tỉnh Tây Ninh, An Giang gây cho ta nhiều thiệt hại. Trên vùng biển, tàu thuyền của Khơ me đỏ vẫn tiến hành các hoạt động khiêu khích, liều lĩnh xâm nhập vào vùng biển của ta, tập trung ở khu vực biển bắc Phú Quốc.Pháo binh trên đảo của chúng vẫn ngang nhiên bắn phá Hòn Đốc của ta.Chấp hành lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Hải quânđiều động một bộ phận lực lượng hải quân đánh bộ của Lữ đoàn 126 chi viện bảo vệ biên giới Tây Nam.

Đầu tháng 1 năm 1978, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ hải đảo và vùng biển Tây Nam, nêu rõ, tích cực phòng thủ giữ vững các đảo Hòn Đốc, Thổ Chu, Phú Quốc, không để bị địch tấn công bất ngờ, bảo vệ bằng được tính mạng, tài sản của nhân dân trên đảo, làm ăn trên biển, bảo vệ bằng được từng tấc đảo, sải biển của Tổ Quốc. Chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để phản công, tấn công trừng trị đích đáng bọn đi xâm lược, tiêu diệt các tàu thuyền của địch xâm phạm và gây tội ác với nhân dân ta ở trên vùng biển của ta.

Chấp hành chỉ thị của trên, Vùng 5 đẩy mạnh các hoạt động quan sát, tuần tiễu, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ vùng biển, sẵn sàng chiến đấu giáng trả các hành động xâm lược của địch; tăng cường các lực lượng trực sẵn sàng chiến đấu, đẩy mạnh việc xây dựng củng cố các công trình công sự, trận địa pháo, hầm hào, đường cơ động chiến đấu trên các đảo, trọng tâm là Phú Quốc và Hòn Đốc.

Đêm ngày 21 tháng 2 năm 1978, đài quan sát hồng ngoại trên đảo Hòn Đốc phát hiện một biên đội thuyền vũ trang 3 chiếc của hải quân Khơ me đỏ xâm nhập vùng biển của ta. Lập tức Ban chỉ huy đảo Hòn Đốc phát lệnh cho biên đội 2 tàu PCF 3875 và 101, Hải 512 đang trực chiến tại khu vực này tổ chức đánh địch. Song, do chủ quan coi thường địch, tổ chức chỉ huy không chặt chẽ, vận dụng chiến thuật dùng tàu đánh thuyền vũ trang của địch ban đêm không đúng, cách đánh không phù hợp, không hiệp đồng chặt chẽ với pháo binh trên đảo, nên ta bị tổn thất lớn, tàu 3875 bị địch bắn chìm, 2 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 7 bị thương; địch bị thương 1 thuyền.

Ngay sau trận này, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Vùng 5 chỉ đạo tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm và khẩn trương chấn chỉnh, củng cố tinh thần cảnh giác, ý thức chấp hành kỷ luật, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu của các đơn vị, xác định quyết tâm lãnh đạo chỉ huy hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ của các lực lượng trên đảo, tàu, lực lượng tàu phối thuộc với Vùng 5 tiêu diệt bằng được tàu thuyền địch xâm phạm.

Tối ngày 1 tháng 4 năm 1978, phát hiện một tốp thuyền chiến đấu gồm 3 chiếc của địch vượt qua đường hải biên, tiến vào vùng biển Hòn Long – Hòn Đốc, dưới sự chỉ huy của Sở chỉ huy Hòn Đốc, biên đội gồm 2 tàu PGM, số hiệu 601 và 614, Hải đội 811, Hạm đội 171, phối thuộc với Vùng 5, trực chiến đấu tại đảo Hòn Đốc,5 đã thực hiện tốt các chiến thuật và nhanh chóng vận động tiếp cận mục tiêu, bình tĩnh, quyết đoán phối hợp chiến đấu tốt, bắn chìm tại chỗ 2 thuyền chiến đấu của địch, bắn trọng thương chiếc còn lại. Về phía ta, tuyệt đối an toàn về người và phương tiện.Đây là trận hiệp đồng chiến đấu đạt hiệu quả cao giữa Vùng 5 và lực lượng tàu phối thuộc, nó có ý nghĩa rất lớn, kịp thời cổ vũ tinh thần chiến đấu và quyết thắng của bội đội Vùng 5.

Một tuần sau đó, đêm ngày 8 tháng 4 năm 1978, dưới sự dẫn dắt, chỉ thị mục tiêu của các đài quan sát và ra đa Vùng 5, sự chỉ huy của Sở chỉ huy Hòn Đốc, biên đội 2 tàu 601 và 614 tổ chức phục kích, linh hạt cơ động, chớp thời cơ đúng lúc và kiên quyết tấn công địch. Sau 2 giờ 27 phút chiến đấu, 2 tàu 601, 614 bắn chìm 2 tàu, bắn bị thương 2 chiếc thuyền vũ trang của địch, tiếp tục giành thắng lợi giòn giã.

Cùng với các đơn vị tàu, trong tháng 4 đầu tháng 5 năm 1978, các trung đội pháo binh 105 mi li mét, 85 mi li mét trên đảo Hòn Đốc nêu cao tinh thần đánh trả, trừng trị hành động pháo địch khiêu khích đánh phá đảo của ta, đã thực hiện 9 lần phản pháo mãnh liệt và chính xác, đánh sập 2 lần chiếc cầu ở cảng hòn Keo Ngựa; bắn trúng 1 trận địa ĐKZ ở hòn Kiến Vàng; 1 trận địa pháo ở hòn Tre Mắn và phá hủy một số công sự trên các đảo gây thiệt hại nặng cho địch, khiến chúng sau đó không còn liều lĩnh pháo kích vào đảo Hòn Đốc của ta.

Để bảo đảm sức mạnh phòng thủ vững chắc vùng biển, đảo Tây Nam, từ đầu năm 1978, Quân chủng điều động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị của các vùng bổ sung biên chế cho Vùng 5 để xây dựng các đơn vị mới. Ngày 29 tháng 3 năm 1978, Quân chủng điều toàn bộ khung Tiểu đoàn huấn luyện 473 từ trực thuộc Vùng 4 về trực thuộc Vùng 5 để chấn chỉnh thành tiểu đoàn cơ động của Vùng 5; Tiểu đoàn huấn luyện 372 thuộc Vùng 3 về trực thuộc Trung đoàn 101 để chấn chỉnh thành thành 1 tiểu đoàn chiến đấu bộ binh…

Ngày 22 tháng 4 năm 1978, Bộ Tổng Tham ra quyết định số 87/QĐ-TM nâng Trung đoàn 101 thành Lữ đoàn 101 phòng thủ đảo Phú Quốc trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 5 Duyên hải. Lực lượng bộ binh của Lữ đoàn 101 từ 5 tiểu đoàn bộ binh đến cuối năm 1978 phát triển lên 8 tiểu đoàn bộ binh và 2 tiểu đoàn pháo binh, pháo cao xạ. Đó là các tiểu đoàn bộ binh 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 và tiểu đoàn pháo 21, 22.

Ngày 27 tháng 5 năm 1978, Bộ Quốc phòng tiếp tục ra quyết định số 414/ QĐ- QP thành lập Hải đoàn 127 trực thuộc Vùng 5 Duyên hải. Hải đoàn 127 gồm khối cơ quan hải đoàn bộ và các hải đội tàu tuần tiễu trực thuộc. Lúc đầu mới thành lập, hải đoàn có Hải đội 513 tàu PGM,WPB; Hải đội 512 tàu PCF. Cuối năm 1978, Hải đoàn 127 tiếp tục được bổ sung Hải đội tàu 514 vận tải đổ bộ LCU, LCM8. Hải đội tàu 511 vận tải đổ bộ LCM6, tàu vận tải 50 tấn, lúc này trực thuộc phòng Hậu cần làm nhiệm vụ vận tải bảo đảm hậu cần.

Thực hiện phương án bỏ các khung trung đoàn huấn luyện chiến sĩ mới trực thuộc các vùng để thành lập 2 trung tâm huấn luyện 402 và 403, cấp sư đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, ngày 8 tháng 7 năm 1978, Bộ Tư lệnh Hải quân ra quyết định triển khai điều động Trung đoàn huấn luyện 150, thuộc Vùng 5 Duyên hải về Sư đoàn huấn luyện 403 hải quân (trừ phân đội tàu).

Ngày 15 tháng 8 năm 1978, Bộ Tư lệnh Hải quân tiếp tục ra quyết định điều động Hải đoàn đánh cá 158 thuộc Vùng 5 Duyên hải về trực thuộc Cục xây dựng Kinh tế Hải quân để chấn chỉnh xây dựng thành Hải đoàn đánh cá chuyên nghiệp 133 của Cục xây dựng Kinh tế.

Như vậy, nhiệm vụ trọng tâm số 1 của Vùng 5 Duyên hải lúc này là tập trung cho chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các đảo và vùng biển Tây Nam. Toàn bộ lực lượng của Vùng 5 chuyển sang nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Trong thời gian này, Vùng 5 tiếp tục kiện toàn tổ chức lãnh đạo, tổ chức chỉ huy đơn vị các cấp, các lực lượng cho phù hợp với yêu cầu chiến đấu; đẩy mạnh công tác huấn luyện chiến đấu, phát động phong trào thi đua quyết thắng tập trung vào các chủ đề về học tập rèn luyện nâng cao chất lượng huấn luyện quân sự, xây dựng ý thức chấp hành kỷ luật nghiêm minh, nếp sống chiến đấu chính qui…

Để lãnh đạo, chỉ huy công tác chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng, đơn vị bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả, bám sát được chiến trường sát, tháng 8 năm 1978, Sở chỉ huy Vùng 5 cùng cơ quan Bộ Tư lệnh Vùng được di chuyển từ Bình Thủy, Cần Thơ ra đóng tại Phú Quốc, Kiên Giang.

Tháng 10 năm 1978, dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Tư lệnh Hải quân, các lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu của vùng tiến hành cuộc diễn tập T10 thực binh hiệp đồng binh chủng đổ bộ đường biển đánh chiếm mục tiêu, tại Hòn Rái. Cuộc diễn tập đã thành công, đạt được mục đích yêu cầu đề ra.Qua diễn tập T10, khả năng và trình độ thuần thục hiệp động chiến đấu của các lực lượng chiến đấu của vùng tiếp tục được hoàn thiện và nâng lên một bước.

Xuất phát từ tình hình, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo Tổ quốc; phương hướng tổ chức, xây dựng lực lượng và phát triển quân chủng Hải quân, ngày 27 tháng 10 năm 1978, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định số 781/QĐ –QP chấn chỉnh 5 vùng duyên hải và Căn cứ Cam ranh thành 4 vùng hải quân trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân; giải thể Vùng 2 Duyên hải. Quyết định qui định phạm vi đảm nhiệm vùng biển của Vùng 1 Hải quân từ biên giới Việt – Trung đến đèo Ngang, phụ trách cả căn cứ Hải Phòng – Hạ Long; Vùng 3 Hải quân, từ đèo Ngang đến vịnh Xuân Đài, phụ trách cả Căn cứ Đà Nẵng; Vùng 4 Hải quân từ vịnh Xuân Đài đến cửa sông Thạch Phú ( Bến Tre), phụ trách cả Căn cứ Cam Ranh; Vùng 5 Hải quân, từ cửa sông Thạch Phú đến biên giới Việt Nam – Cam pu chia, phụ trách cả Căn cứ An Thới ( Phú Quốc).

Quyết định của Bộ Quốc phòng nêu rõ 5 nhiệm vụ cơ bản của các vùng hải quân là: Phòng thủ vững chắc các đảo được giao; Chống địch phong tỏa vùng biển, bảo vệ giao thông trên biển; Tham gia đánh địch đổ bộ đường biển, chi viện cho các lực lượng quân khu giữ đảo và bờ biển; Hiệp đồng với các lực lượng vũ trang khác bảo vệ chủ quyền và trật tự an ninh trên biển, bảo vệ sản xuất trên biển; Bảo đảm vật chất kỹ thuật cho các lực lượng trong Quân chủng Hải quân đến hoạt động trong vùng.

Việc chấn chỉnh 5 vùng duyên hải và căn cứ Cam Ranh thành 4 vùng hải quân đánh dấu một bước phát triển mới cả về trình độ tổ chức, xây dựng lực lượng và khả năng quản lý, bảo vệ vùng biển chủ quyền biển, đảo Tổ quốc của quân chủng Hải quân nói chung và của Vùng 5 Duyên hải nói riêng.

Vùng 5 Hải quân lúc này về tổ chức biên chế không có gì thay đổi. Lực lượng chiến đấu trực thuộc Vùng gồm có Lữ đoàn 101; Hải đoàn 127; 4 tiểu đoàn ( Tiểu đoàn Thổ Chu 561; Tiểu đoàn Hòn Đốc; Tiểu đoàn bộ binh 1 cơ động; Tiểu đoàn pháo binh, cao xạ ; K51, có 1 phân đội tàu tuần tiễu và vận tải; Đại đội 2 Nam Du.

Những tháng cuối năm 1978, chấp hành chỉ thị về nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu ở mặt trận Tây Nam của Quân chủng, toàn Vùng tập trung cao độ vào tiến hành công tác chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu về mọi mặt, xây dựng quyết tâm kiên quyết đánh bại các cuộc tấn công của địch.

Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Vùng chỉ đạo, tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, giáo dục cho bộ đội quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ của cách mạng, của quân đội, quân chủng, của Vùng, nhận rõ tính chất phản động, âm mưu thủ đoạn thâm độc, nham hiểm của thế lực thù địch và tội ác dã man tàn bạo của tập đoàn phản động Pôn pốt –Iêng-xa ri, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đầu tháng 12 năm 1978, toàn Vùng 5 Hải quân đã trong tư thế sẵn sàng bước vào những thử thách mới.

*

* *



Có thể nói ba năm (1975- 1978), làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển đảo phía Tây Nam của Tổ quốc, Vùng 5 Hải quân luôn luôn phải trực diện với một kiểu chiến tranh xâm lấn biển, đảo. Bộ đội tiền thân Vùng 5 Hải quân đã tham gia cùng với các lực lượng của Quân chủng, Quân khu 9 chiến đấu giành lại đảo Thổ Chu, tấn công trừng trị đích đáng quân xâm lược, xứng đáng được Nhà nước tặng thưởng tấm huân chương đầu tiên về chiến công bảo vệ Tổ quốc sau ngày Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 và hoàn thành tốt nhiệm vụ ngăn chặn, giáng trả các hành động xâm nhập, khiêu khích phá hoại của hải quân Khơ me đỏ.

Ba năm, vừa nỗ lực xây dựng lực lượng, vừa khẩn trương chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu bảo vệ vùng biển, đảo Tây Nam,Vùng 5 Hải quân trở thành một bộ phận lực lượng phòng thủ, tấn công mạnh của Quân chủng Hải quân trên một hướng biển, đảo có tầm quan trọng chiến lược và đủ sức sẵn sàng đảm nhiệm các nhiệm vụ mới của quân đội, Quân chủng giao cho.



Каталог: sites -> default -> files
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> Mẫu tkn1 CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc ĐĂng ký thất nghiệP
files -> BỘ TÀi chính —— Số: 25/2015/tt-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc TỜ khai của ngưỜi hưỞng trợ CẤP
files -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO –––– Số: 40
files -> BỘ y tế CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
files -> Mẫu số 1: Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2003/tt-blđtbxh ngày 22 tháng 9 năm 2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Tên đơn vị Số V/v Đăng ký nội quy lao động CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỦa bộ XÂy dựng số 04/2008/QĐ-bxd ngàY 03 tháng 4 NĂM 2008 VỀ việc ban hành “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựNG”

tải về 1.28 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương