BỘ TƯ LỆnh vùng 5 HẢi quân lịch sử VÙng 5 HẢi quâN (1975 – 2015)


Chương hai: THAM GIA CHIẾN DỊCH TÂY NAM; PHỐI HỢP VỚI CÁC LỰC LƯỢNG BẢO VỆ VÙNG BIỂN, ĐẢO PHỤ TRÁCH VÀ HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ QUỐC TẾ VẺ VANG Ở CAM PU CHIA (1979 – 1989)



tải về 1.28 Mb.
trang3/12
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích1.28 Mb.
#24070
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

Chương hai: THAM GIA CHIẾN DỊCH TÂY NAM; PHỐI HỢP VỚI CÁC LỰC LƯỢNG BẢO VỆ VÙNG BIỂN, ĐẢO PHỤ TRÁCH VÀ HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ QUỐC TẾ VẺ VANG Ở CAM PU CHIA (1979 – 1989)

  1. Tham gia chiến dịch Tây Nam năm 1979


Trên biên giới Tây Nam, từ tháng 6 năm 1978, tập đoàn phản động Pôn pốt – Yêng –xa ri đẩy mạnh chiến tranh xâm lấn và chuyển sang thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược với mức độ ngày càng quyết liệt, qui mô nhiều sư đoàn tham gia tấn công trên toàn bộ tuyến biên giới Việt Nam – Cam pu chia.

Kiên quyết trừng trị quân xâm lược, ngày 19 tháng 7 năm 1978, Thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Tiền phương Bộ Tổng Tham mưu làm nhiệm vụ chỉ huy thống nhất mọi hoạt động tác chiến của các quân khu, quân binh chủng ở phía Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc khu vực biên giới Tây Nam.

Đầu tháng 12 năm 1978, ba trung đoàn bộ binh của các sư đoàn 703, 201, 340 Khơ me đỏ mở cuộc tấn công lớn sang đất Việt Nam chiếm một số khu vực biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh. Các lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng cơ động của Bộ tích cực chiến đấu ngăn chặn.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, quyết tâm tiêu diệt địch để hoàn thành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên tuyến biên giới Tây Nam, đồng thời đáp lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam pu chia, sẵn sàng giúp đỡ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Cam pu chia đánh đổ chế độ độc tài, diệt chủng, giành chính quyền về tay nhân dân, cuối tháng 12 năm 1978, ta tổ chức phản công tiêu diệt địch trên toàn tuyến biên giới, giành lại các khu vực bị quân Khơ me đỏ xâm chiếm, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của chúng ở biên giới Tây Nam. Ngay sau đó, một bộ phận lực lượng của quân khu 5, 7, 9, quân đoàn 2, 3, 4, quân chủng không quân, hải quân, các binh chủng… được giao nhiệm vụ tiến hành chiến dịch Tây Nam tiến công lực lượng quân Khơ me đỏ, giúp lực lượng cách mạng Cam pu chia dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân cách mạng Cam pu chia đập tan bộ máy cai trị độc tài phát xít của bè lũ Pôn pốt- Yêng- xa ri, giải phóng nhân dân Cam pu chia thoát khỏi họa diệt chủng.

Ngày 27 tháng 12 năm 1978, tại Sở chỉ huy của Quân chủng ở thành phố Hồ Chí Minh, Vùng 5 Hải quân được Bộ Tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ phối hợp hiệp đồng với các lực lượng của Quân chủng tiến công địch trên hướng biển tây nam, giải phóng đất đai khu vực Kông pông xom, Kô kông, vùng biển và hải đảo Cam pu chia.

Quán triệt nhiệm vụ được giao, ngày 29 tháng 12 năm 1978, Sở chỉ huy Vùng 5 ra mệnh lệnh chiến đấu chiến dịch Tây Nam - T15, nêu rõ nhiệm vụ và ý định của Vùng là:

1, Giữ vững tuyến đảo phụ trách trong mọi tình huống.

2, Chiến đấu bảo vệ đội hình đổ bộ của Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 trên vùng biển đông đảo Phú Dự - Hòn Nước- Kông pông Smếch cho tới Cam pốt, Kếp, An Tây, quần đảo Hải Tặc.

3, Dùng pháo binh yểm trợ cho bộ đội Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 đổ bộ theo yêu cầu của lữ đoàn; Chế áp ngăn chặn quân địch trên các đảo Hòn Nước, Phú Dự, ngã ba Pô kô đến cửa sông Cam pốt và trên các đảo Tre mắn, Kiến vàng, Keo ngựa…

4, Pháo binh hiệp đồng chiến đấu với biên đội Hạm đội 171, đánh ngăn chặn tiêu diệt tàu địch trên vùng biển tây Phú Dự, Hòn Nước, nam Ream.

5, Với sự yểm trợ của biên đội tàu, tạo thời cơ đổ bộ phân đội nhỏ trên đoạn bờ biển đông nam cảng Ream, thạo sâu đánh phá phía sau Ream

6, Đổ bộ lực lượng thay Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 chiến đấu giữ vững bãi độ bộ từ cửa sông Pret kdát đến Co co nút

7, Bảo vệ khu tập kết của bộ đội.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Vùng 5 huy động hầu hết lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu hiện có tham gia chiến dịch gồm: Hải đoàn 127, Lữ đoàn 101, Tiểu đoàn bộ binh 1, Tiểu đoàn Hòn Đốc, Đại đội 2 đảoNam Du; Tiểu đoàn ra đa 551, hải đội tàu vận tải 514, xưởng 58- An Thới, Xưởng 55- Bình Thủy. Ngoài ra, Vùng vận động 15 thuyền vận tải của ngư dân Phú Quốc tham gia chiến dịch. Theo lệnh của Quân chủng, Vùng 5 điều động 10 tàu vận tải đổ bộ LCM8 và 1 tàu LCU phối thuộc Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126, chở lực lượng đổ bộ chiến đấu.

Về tình hình hải quân khơ me đỏ và lực lượng bảo vệ ven biển Cam pu chia, lúc này chúng có Sư đoàn hải quân 164 và Trung đoàn biên phòng 17, được bố trí như sau:

Sư đoàn Hải quân khơ me 164 gồm:

Sư đoàn bộ và một số đơn vị phục vụ đóng ở Kông pông xom. Trung đoàn140 hải quân khơ me, đóng ở Reamm, có 172 tàu thuyền các loại, trong đó có 8 tàu tuần tiễu 100 tấn, 2 tàu săn ngầm, 8 tàu phóng lôi, 8 tàu PCF, hoạt động khắp các vùng biển Cam pu chia. Trung đoàn hải quân khơ me 61 phụ trách khu biển từ đảo Kô rông đến đảo Kô kông. Sở chỉ huy cơ bản và 1 tiểu đoàn ở bắc Sở Dầu, Kông pông xom; sở chỉ huy tiền phương ở bắc đảo Kô kông. Trung đoàn hải quân khơ me 62 phụ trách khu biển từ đảo Kô tang đến đảo Pô lô vai. Sở chỉ huy và 1 tiểu đoàn đóng ở đảo Kô tang. Trung đoàn hải quân khơ me 63 đóng quân ở các đảo Phú Dự, Hòn Nước, An Tây, Tre Mắn, Kiến Vàng, Keo Ngựa phụ trách khu biển từ đảo Kô rông đến đảo Kô kông; Sở chỉ huy đóng ở ngã ba Phun ang.

Trung đoàn biên phòng 17, sở chỉ huy đóng ở thị xã Kô kông, các tiểu đoàn đóng ngay thị xã và ven biển từ đảo Kô kông lên ven biên giới Thái Lan.

Căn cứ Ream, địch bố trí quân số trên bờ có khoảng 1100 tên; hỏa khí, có 8 khẩu 37mili mét; dưới nước có 500 tên với 4 tàu tuần tiễu 100 tấn, 8 tàu phóng lôi, 2 tàu săn ngầm, 4 tàu PCF. Ở Kông pông xom, trên bờ có 2400 tên, với 45 súng cao xạ các loại từ 37 mili mét đến 100 mi li met, 1 đài ra đa đối không ở điểm cao 140; dưới nước có 300 tên với 4 tàu phóng lôi, 4 tàu PCF và 4 tàu tuần tiễu 100 tấn bố trí ở đảo Kô rông Sa lem.

Hệ thống quan sát biển, hải quân khơ me có 4 trạm ra đa đối hải, bố trí ở đỉnh núi Pô kô, đảo Kô tang, Pô lô vai và Kô kông.

Có thể thấy, lực lượng phòng thủ của địch có thực lực khá mạnh, nhất là hai khu vực trọng điểm Ream và Kông pông xom, địch xây dựng nhiều công sự hầm hào kiên cố, tập trung số lượng lớn lực lượng phòng thủ ở đây.

Các lực lượng của Vùng 5 tham gia chiến dịch Tây Nam từ ngày 6 tháng 1 năm 1979, kết thúc vào ngày 20 tháng 4 năm 1979, trải qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tấn công giải phóng đất đai; giai đoạn 2, tấn công truy quét giữ vững địa bàn mới giải phóng.

Giai đoạn 1, từ ngày 6 tháng 1 đến 18 tháng 1 năm 1979, giai đoạn này nhiệm vụ của Vùng 5 là bảo vệ đội hình hành quân đổ bộ của Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 lên bãi Tà Lơn, bảo vệ khu vực đổ bộ và khu biển tác chiến; độc lập và hiệp đồng với các lực lượng của Quân chủng tấn công đánh chiếm các mục tiêu cảng quân sự Ream, cảng Kông pông som, đảo Kô kông và một số đảo phụ cận.

Diễn biến như sau, ngày 5 tháng 1 năm 1979, Sở chỉ huy tiền phương của Quân chủng chính thức giao nhiệm vụ chiến đấu cho các đơn vị tham gia chiến dịch Tây Nam.

10 giờ 30 phút, ngày 6 tháng 1 năm 1979, Sở chỉ huy tiền phương của Quân chủng phát lệnh báo động chiến đấu, mở màn chiến dịch Tây Nam trên hướng biển. Lực lượng đổ bộ của Lữ đoàn 126 được lệnh xuất phát.

16 giờ ngày 6 tháng 1 năm 1979, các lực lượng Vùng 5 tham gia chiến dịch được lệnh xuất phát tiến về bãi đổ bộ Tà lơn.

21 giờ 37 phút ngày 6 tháng 1 năm 1979, pháo binh Vùng 5 bắt đầu khai hỏa, bắn chi viện và bảo vệ cho lực lượng Tiểu đoàn hải quân đánh bộ 863, 864 và Tiểu đoàn xe tăng 867 của Lữ đoàn 126 triển khai thực hành đổ bộ. Cụm pháo tầm xa 130 ly và 105 ly của Tiểu đoàn 21, tiểu đoàn 22, bố trí ở Ghềnh Dầu trên đảo Phú Quốc và Bãi Thơm, Hòn Một, bắn chế áp các mục tiêu xung quanh bãi đổ bộ, đảo Hòn Nước, Phú Dự, ngã 3 Pô kô, ngã ba Kô ki. Pháo binh Hòn Đốc bắn chế áp các đảo Kiến Vàng, Keo Ngựa, Tre Mắn, An Tây.

1 giờ ngày 7 tháng 1 năm 1979, Cụm pháo Gềnh Dầu bắn vào cửa nam cảng Ream chặn tàu địch, chi viện cho Hạm đội 171 bắn cháy 1 tàu địch, loại tuần tiễu 100 tấn; đánh bị thương 1 tàu vận tải cao tốc. Tiếp tục trong ngày 7 tháng 1, Cụm pháo Gềnh Dầu và Bãi Thơm bắn cầm canh chế áp địch chi viện cho các lực lượng của ta tiếp tục đổ bộ vào bãi Tà Lơn và phát triển chiến đấu.

Lực lượng bộ binh Vùng 5, theo lệnh của Sở chỉ huy, 9 giờ ngày 7 tháng 1 năm 1979, Tiểu đoàn 6 của Lữ đoàn 101 đổ bộ vào Tà Lơn thay cho Tiểu đoàn 863 của Lữ đoàn 126 chiến đấu bảo vệ đầu cầu khu vực đổ bộ. 19 giờ 30 phút cùng ngày, Tiểu đoàn 8, Lữ 101 đổ bộ vào Tà Lơn làm nhiệm vụ hiệp đồng với Lữ đoàn 126 chiến đấu chiếm giữ ngã 3 Ream và khi có điều kiện tấn công giải phòng cảng Ream. Trưa ngày 8 tháng 1, Sở chỉ huy Quân chủng lệnh cho Tiểu đoàn 8, Lữ đoàn 101 bỏ lại tất cả đồ đạc nặng, khẩn trương tổ chức hành quân bộ theo đường số 4 tiến vào ngã 3 Ream thay thế cho cho tiểu đoàn 863, Lữ đoàn 126 chốt giữ và bảo vệ khu vực Ngã 3 Ream. 20 giờ ngày 9 tháng 1, Tiểu đoàn 8, Lữ 101 có mặt tại ngã 3 Ream triển khai nhiêm vụ.

Lữ đoàn 126 tổ chức các đợt tấn công đập tan cao điểm 144, tiêu diệt các ổ đề kháng của địch tiến về cảng Kông pông som. Sáng ngày 10 tháng 1, phối hợp với một mũi tiến công của Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, Lữ đoàn 126 tiến vào giải phóng cảng Kông pông som lúc 8 giờ 15 phút.

Trên hướng biển, ngày 7 tháng 1 năm 1979, các tàu chiến đấu của Hải đoàn 127, Vùng 5 hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ sườn phía đông đội hình đổ bộ của Lữ đoàn 126 vào bãi Tà Lơn. Ngày 8 tháng 1, chấp hành lệnh của Sở chỉ huy Quân chủng, Vùng 5 điều động 6 tàu PGM 602, 603, 605, 606, 607, 615 của Hải đoàn 127 tăng cường cho Hạm đội 171 tổ chức thành hai tốp đột kích làm nhiệm vụ trinh sát, đánh phá các mục tiêu trên bờ, dọn bãi đổ bộ đánh chiếm cảng Ream. Tốp 1 gồm, tàu HQ-01, 203,199, 607, 605, 606.Tốp 2 gồm, HQ -03, 197, 205, 603, 615.

Sáng ngày 9 tháng 1, hai tốp đột kích của Hạm đội 171 đến vị trí triển khai đội hình, nhính dần lên về phía mục tiêu. Hai tàu phóng lôi của địch từ đảo Kô rông Sa lem tấn công tàu HQ 03. Phối hợp với biên đội tàu 197 – 205, biên đội tàu 603- 615 đánh bật 2 tàu phóng lôi của địch, buộc chúng phải tháo chạy, bảo vệ an toàn tàu HQ 03.

Trưa ngày 9 tháng 1, Sở chỉ huy Quân chủng thông báo lực lượng địch ở Ream đang tháo chạy và sau đó chỉ thị cho các đơn vị chuẩn bị cuộc tổng công kích lần cuối vào hai cảng Ream và Kông pông som. Quân chủng ra lệnh:

Tốp đột kích 1 có nhiệm vụ đánh chiếm Ream. Tàu HQ 01 sẽ chiếm lĩnh vị trí cách cảng 8 ki lô mét dùng pháo lớn công kích, 2 tàu 199- 203 trực tiếp yểm trợ, 3 tàu PGM 605, 606, 607 đột kích vào Ream.

Tốp đột kích 2, đánh chiếm Kông pông som Tàu HQ 03 sẽ chiếm lĩnh vị trí cách cảng 8 ki lô mét dùng pháo lớn công kích, 2 tàu 197- 205 trực tiếp yểm trợ, 3 tàu PGM 602, 603, 615 đột kích vào Kông pông som.

Chiều ngày 9 tháng 1, cả 2 tốp xuất kích theo kế hoạch, 17 giờ 10 phút, trong khi tốp 2 còn trên đường hành tiến, tốp đột kích 1 bắt đầu pháo kích vào cảng Ream trong 10 phút và tàu 203 được lệnh đi trinh sát. Trên đường đi trinh sát, địch ở Hòn Tây Nam bắn ra tàu ta. Trước tình hình địch còn phản ứng, chống đỡ mạnh, để tập trung dứt điểm từng cảng một, Hạm đội 171 chỉ thị tốp 2 dừng lại, tổ chức phòng ngự.

Biên đội tàu PGM 605, 606,607 tốp 1 được lệnh tiến vào cảng Ream. Biên đội thành đội hình hàng dọc tiến vào, khi cách cảng 2 hải lý thì bị súng 12,7 mi li mét ở bắc Hòn Bãi bắn ra và cối 81 mi li mét từ trên cảng bắn xuống. Biên đội chuyển thành hàng ngang, dùng H12 bắn vào các hỏa điểm địch, sau đó tiếp cận dùng pháo 37 mi li mét bắn nhanh. Bọn địch trên bờ ngoan cố chống trả mãnh liệt.Trong khi trời sắp tối và xét thấy khả năng ta chưa thể vào cảng được, Chỉ huy Hạm đội quyết định cho biên đội tàu PGM dừng lại và lùi ra xa thả trôi.

Tối ngày 9 tháng 1, chấp hành chỉ thị của Quân chủng, Sở chỉ huy Vùng 5 điều 6 tàu PCF của Hải đoàn 127 tăng cường cho 2 tốp đột kích và sử dụng Đại đội 5, Tiểu đoàn 4, Lữ 101 và đại đội 3, Tiểu đoàn bộ binh 1 trực thuộc Vùng 5 đổ bộ đánh chiếm cảng Ream. Chỉ huy của Vùng 5 và Hạm đội thống nhất kế hoạch tấn công vào hai cảng như sau:

Mũi tấn công vào Ream gồm 4 tàu PGM 603, 605, 606, 607; 4 tàu PCF 102, 103, 104, 107 và 2 đại đội bộ binh do đồng chí phó tư lệnh Vùng 5 chỉ huy tiến vào cảng Ream dưới sự chi viện, bảo vệ của tàu 05, 07, Hạm đội 171. Thời gian thực hiện vào 6 giờ ngày 10 tháng 1.

Mũi tấn công vào Kông pông som gồm các tàu : HQ01, HQ03, 197, 199, 203, 205 của Hạm đội 171 và 2 tàu PGM 602, 615; 2 tàu PCF 101, 3826 của Vùng 5.

Ở mũi tiến vào Kông pông som, lúc 2 giờ 30 phút, ngày 10 tháng 1, tàu 101, 3826 và 615 đi trinh sát cảng Kông pông som, tình hình cảng yên ắng, nhận định có thể lực lượng trên bờ của ta đã chiếm được cảng. Các tàu trinh sát tiếp tục cơ động bên ngoài và khi trời sáng sẽ vào cảng. 6 giờ sáng ngày 10 tháng 1, biên đội lớn xuất phát tiến về Kông pông som. 7 giờ sáng, tốp tàu trinh sát phát hiện kho dầu đã bốc cháy, chỉ huy biên đội nhận định khả năng địch đã bỏ chạy, đốt kho dầu, nên lệnh cho 3 tàu trinh sát lập tức cặp cảng. 8 giờ lực lượng tàu vào cảng liên lạc được với lực lượng của Lữ đoàn 126. Tiếp theo 3 tàu trinh đi đầu, toàn biên đội đến nơi và triển khai đội hình theo kế hoạch phòng thủ bảo vệ cảng.

Tại mũi tấn công vào Ream, 9 giờ 30 phút ngày 10 tháng 1, biên đội đến vị trí triển khai đội hình thì bị địch ở Hòn Bãi và bờ bắn ra quyết liệt vào đội hình. Biên đội vừa cơ động vừa đánh trả địch để tạo thế đổ bộ, nhưng đến 12 giờ vẫn chưa vào cảng được.

13 giờ, toàn biên đội triển khai xong đội hình chiến đấu. Theo hiệp đồng 2 tàu 05, 07 bắt đầu bắn mạnh vào các hỏa điểm của địch; các tàu 602, 605, 606, 607 đồng loạt bắn H12 vào các mục tiêu trên cảng Ream. Bọn địch trong bờ ngoan cố chống trả điên cuồng, nhưng chúng bị toàn bộ hỏa lực của biên đội áp đảo. Lợi dụng thời cơ có lợi, 13 giờ 50 phút, 2 tàu PCF 102, 107 chở Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 tăng tốc vượt lên trước đội hình xông vào cảng Ream, dùng súng súng 12,7 bắn quét vào khu vực cảng. Địch vẫn chống cự quyết liệt, tàu 107 bị trúng 1 quả đạn M79, 1 chiến sĩ hy sinh, 6 đồng chí khác bị thương. Dù bị thương vong, tàu 107 vẫn dũng cảm, vừa bắn chế áp địch vừa cơ động tiến vào cảng. 14 giờ 15 phút, 2 tàu 107, 102 cập cảng, bộ binh nhanh chóng đổ bộ lên bờ chiếm lĩnh trận địa, vận động tiêu diệt các ổ đề kháng làm bàn đạp cho lực lượng đổ bộ tiếp theo.

16 giờ, biên đội gồm 2 tàu PCF 108, 3825; 5 tàu PBR bảo vệ các tàu thuyền vận tải gồm 1 LCM6 và 15 thuyền máy của dân chở đại đội 5, Tiểu đoàn 4 tiến vào cặp cảng Ream 6.Bộ binh Vùng 5 đổ bộ lên cảng phối hợp với bộ binh cơ giới Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào từ phía bắc đánh chiếm và làm chủ toàn bộ cảng Ream. Cùng ngày, Tiểu đoàn 8, Lữ đoàn 101 từ ngã 3 Ream cũng kịp thời tiến vào cảng, cùng với các đơn vị triển khai đội hình phòng thủ bảo vệ các mục tiêu. Tại cảng Ream, ta thu được 2 tàu cá Thái Lan trọng tải lớn, 1 tàu LCU, 2 ca nô, 1 đốc nổi; 10 thuyền vũ trang đang trên sửa chữa trên đốc; 1 kho đạn, 21 quả ngư lôi; 6 khẩu pháo.

Ngày 11 tháng 1 năm 1979, đợt 1 của chiến dịch kết thúc. Sau 4 ngày hiệp đồng cũng như độc lập chiến đấu, các lực lượng pháo binh, tàu chiến đấu, tàu vận tải và bộ binh của Vùng 5 đã nêu cao tinh thần tiến công, nhanh chóng khẩn trương vượt qua những lúc khó khăn, ác liệt, dũng cảm chiến đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần cùng Quân chủng hoàn thành thắng lợi mục tiêu giải phóng cảng Kông pông som và quân cảng Ream.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu đợt 1, Quân chủng Hải quân khẩn trương triển khai tổ chức lực lượng giải phóng thị xã Kô kông, đảo Kô kông.

Lúc này địch vẫn còn hai lực lượng chủ yếu là tàn quân của sư đoàn 164 hải quân và sư đoàn 101 biên phòng.Hai lực lượng này phân tán nằm rải rác từ Kông pông som đến Kô kông.Quân chủng chủ trương đánh đảo trước, tạo điều kiện để phát triển đánh thị xã Kô kông. Lực lượng chiến đấu đợt 2 gồm có các đơn vị Lữ đoàn 126, Vùng 5 Hải quân, Hạm đội 171 và Hải đoàn 125. Ngoài ra, Bộ Tổng Tham mưu tăng cường cho Trung đoàn 66 ( thiếu) của Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 làm lực lượng dự bị.

Lực lượng tham gia chiến đấu của Vùng 5 được sử dụng như sau:

Lữ đoàn 101 có 4 tiểu đoàn 5, 6, 7, 8 và đại đội 5 của Tiểu đoàn 4. Quân chủng tăng cường cho Lữ đoàn 101, bốn xe tăng làm nhiệm vụ đột kích đổ bộ tấn công. Hải đoàn 127 có 14 tàu chiến đấu ( 6 tàu PGM, 8 tàu PCF); 18 tàu vận tải đổ bộ và 15 tàu xi măng (tàu của Quân chủng tăng cường).

Sau 4 ngày chuẩn bị các mặt công tác và củng cố các lực lượng chiến đấu, 16 giờ ngày 15 tháng 1 năm 1979, Sở chỉ huy Quân chủng báo động hành quân chiến đấu. 18 giờ cùng ngày toàn bộ lực lượng tham gia chiến đấu đợt 2 của Vùng 5 xuất phát rời cảng Kông pông som nhằm hướng Kô kông. Đội hình hành quân, tuyến phía trước và hai bên là các tàu chiến của hạm đội, tuyến trong và phía sau là lực lượng tàu đổ bộ và tàu bảo vệ của vùng 5 và Lữ đoàn 126.Sau cùng là tàu 501 đặt Sở chỉ huy tiền phương của Quân chủng.Dọc đường hành quân từ Kông pông som đến vị trí tập kết ở Kô kông lúc 7 giờ, ngày 16 tháng 1, ta không hề gặp địch.

Sau các đợt đánh phá, dội bom của các biên đội máy bay F5E của không quân ta và của pháo tàu, hỏa tiễn của Hạm đội 171, Hải đoàn 127 lên phía bắc đảo Kô kông, 11 giờ 35 phút ngày 16 tháng 1 năm 1979, Sở chỉ huy phát lệnh đổ bộ chiến đấu. Tiểu đoàn 6 đánh chiếm, bảo vệ bãi đổ bộ để các tiểu đoàn tiến vào. 13 giờ 30 phút, ba tiểu đoàn 5, 7, 8, Lữ đoàn 101 hoàn thành đổ bộ, phát triển thành 4 mũi cắt ngang đảo, tấn công lên phía bắc. Trước sức tấn công ào ạt của quân ta, địch chống cự yếu ớt, rồi bỏ chạy. Sở chỉ huy Vùng lệnh cho Lữ đoàn 101 chớp thời cơ, động viên bộ đội vận động, phát triển chiến đấu nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ càng sớm càng tốt. Tiểu đoàn 8 cơ động chiếm điểm cao 418; Tiểu đoàn 7 nhanh chóng chiếm điểm cao 100 và 337, đặt hỏa lực khống chế khu vực đất liền phía bắc đảo; Tiểu đoàn 5 kiểm soát tuyến ven biển khu vực từ tây nam đến điểm cao 273.

Sở chỉ huy Quân chủng nhận định, địch ở khu vực từ mũi Lăm dăm đến nam sông Kasaốp đã bỏ chạy, lệnh cho Lữ đoàn 101 sử dụng 2 đại đội bộ binh tấn công chiếm giữ khu vực này để tạo bàn đạp hỗ trợ cho Lữ đoàn 126 tấn công thị xã Kô kông ngày hôm sau. Chấp hành lệnh, Đại đội 9, Tiểu đoàn 6 và Đại đội 5, Tiểu đoàn 4, cùng với sự chi viện của pháo tàu Hải đoàn 127 đã nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ đổ bộ đánh chiếm đảo Móc câu và nam cửa sông Kasaốp lúc 19 giờ cùng ngày.

Sau một ngày chiến đấu, các lực lượng Vùng 5 đã thành nhiệm vụ giải phóng bắc đảo Kô kông và nam cửa sông Kasaốp đến hòn Móc Câu.

Ngày 17 tháng 1 năm 1979, Quân chủng triển khai lực lượng Hạm đội 171 và Lữ đoàn 126 tấn công giải phóng hoàn toàn thị xã Kô kông và vùng xung quanh thị xã.

Sau khi giải phóng phía bắc đảo Kô kông, ngày 17 và 18 tháng 1, Vùng 5 tiếp tục tổ chức cho Lữ đoàn 101 quay xuống truy quét địch ở phía nam đảo. Đến 18 giờ ngày 18 tháng 1, ta hoàn toàn làm chủ đảo Kô kông.

Trong quá trình tham gia chiến đấu hiệp đồng quân binh chủng đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trên đất liền và đảo Kô kông, Vùng 5 bám sát tình hình địch, nắm thời cơ tổ chức lực lượng bộ binh và tàu kịp thời giải phóng các đảo nhỏ lẻ ở gần bờ và xa bờ của Bạn.

Ngày 7, 8 tháng 1 năm 1979, lực lượng hải quân Khơ me ở đảo Phú Dự, Hòn Nước bắt đầu rút chạy, sau đó là lực lượng ở các đảo Kiến Vàng, Keo Ngựa, Tre Mắn, An Tây bỏ chạy cùng với tàu thuyền.

Nắm chăc tình hình địch, ngày 10 tháng 1, Tiểu đoàn Hòn Đốc đổ bộ giải phóng 3 đảo Kiến Vàng, Keo Ngựa, Tre Mắn; ngày 11 tháng 1, giải phóng tiếp đảo An Tây. Ngày 17 tháng 1, biên đội 3 tàu PGM 603, 607, 615 của Hải đoàn 127 chở lực lượng bộ binh của Tiểu đoàn Hòn Đốc thực hành đổ bộ giải phóng đảo Pô lô vai. Cũng ngày 17 tháng 1, biên đội 2 tàu PGM, Hải đoàn 127 hiệp đồng với một số thuyền dân của huyện đội Phú Quốc chở Đại đội 2 đảo Nam Du tiến đánh giải phóng đảo Kô tang. Tiếp đến ngày 18 và 21 tháng 1, Tiểu đoàn 4 đổ bộ giải phóng đảo Hòn nước và Phú Dự. Trong trận đánh giải phóng Hòn nước, do sự khinh suất, chủ quan coi thường địch, nên cán bộ, chiến sĩ ta vấp mìn địch gài bẫy bị thương vong khá lớn.

Giai đoạn 1 kết thúc thắng lợi, Vùng 5 hải quân tham gia chiến đấu cùng với các lực lượng của Quân chủng hoàn thành nhiệm vụ giải phóng thành phố cảng Kông pông xom, thị xã Kô kông, quân cảng Ream và toàn bộ vùng biển đảo của Bạn từ Kông pông xom đến Kô kông.

Bước sang giai đoạn 2, Quân chủng Hải quân được Tiền phương Bộ Tổng Tham mưu giao nhiệm vụ, tiếp tục tấn công truy quét tàn quân địch, thu kho tàng cơ sở vật chất kỹ thuật của địch, giải phóng dân, mở rộng phạm vi hoạt động và vùng kiểm soát của ta. Địa bàn hoạt động trên giao cho Quân chủng dài 200 ki lô mét từ Kông pông xom tới thị xã Kô kông, có chiều rộng từ 30 đến 40 ki lô mét, ngoài ra còn có các đảo, vùng biển, địa hình phức tạp, nhiều sông ngòi, rừng núi, dân cư hầu như không có, phương tiện, vật chất tiếp tế khó khăn.

Về tình hình địch trên địa bàn, lúc này ta nắm được chúng còn khoảng hai trung đoàn tập trung ở các khu vực đông, đông bắc thị xã Kô kông, ở đông sông Kép và dọc sông Vai.Địch vẫn còn khá lớn cơ sở vật chất kỹ thuật và kho tàng.

Sau khi nghiên cứu tình hình địch, đặc điểm địa hình địa bàn hoạt động, Bộ Tư lệnh Hải quân tiền phương xác định chủ trương, truy quét địch giữ vững địa bàn chiến lược đã được giải phóng, giữ vững đường giao thông vận chuyển trên biển, trên bộ; sử dụng lực lượng hợp lý và tìm cách thích hợp; tập trung truy quét có trọng điểm ở hai khu vực Kông pông xom và Kô kông. Về lực lượng chiến đấu, Quân chủng tiếp tục sử dụng Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126; Hạm đội 171 và Vùng 5 Hải quân. Để thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2, Vùng 5 tổ chức Sở chỉ huy phía trước đóng tại thành phố Kông pông xom.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Hải quân tiền phương, trên hướng Kông pông xom, để giữ vững tuyến giao thông đường biển Kông pông xom đi Kô kông, Vùng 5 hiệp đồng với Hạm đội 171 truy quét địch ở các đảo Kôpô, Kôrông, Kômanô và cụm đảo Smít, Smách. Từ ngày18 tháng 1 đến 15 tháng 2 năm 1979, dưới sự chi viện hỏa lực bắn dọn băi của Biên đội 1, Hạm đội 171, các tàu vận tải của Hải đoàn 127 chở bộ đội Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn 101 đổ bộ vào các đảo trên, cơ động lùng sục, truy quét địch, đồng thời tổ chức lực lượng đóng giữ 3 đảo Kô pô, Kôrông và Kômanô.

Cùng thời gian trên, trên đất liền Kông pông xom, Tiểu đoàn 8, Lữ 101 tiến hành nhiều đợt truy quét tại các khu đông bắc Sở Dầu, hai bên bờ sông Thamarông; khu vực rừng cao su đến ngã 3 Ream kéo sang đường sắt và khu cao điểm 144 ( nam đường số 4) tiến sát ra biển. Tại các khu vực trên,tàn quân địch hoạt động nhỏ lẻ, từng nhóm từ ba đến năm tên, khi gặp ta truy quét, chúng nổ súng rồi bỏ chạy. Kết quả truy quét, Tiểu đoàn 8 đã giải phóng được 160 dân bị địch truy bức chạy vào rừng, tổ chức đưa họ về Kông pông xom.

Trên hướng Kôkông, để ngăn chặn địch đi lại phía ngã 3 sông Kép, tạo thế tấn công vào đất liền, ngày 1 tháng 2 năm 1979, dưới sự yểm trợ hỏa lực của đại đội pháo 85 mi li mét và pháo 37 mi li mét của phân đội tàu PGM, Hải đoàn 127, Đại đội 11, Tiểu đoàn 6 đổ bộ tấn công truy quét đánh điểm cao 27. Sau 8 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch phòng ngự ở đây, làm chủ trận địa này và ngay sau đó ta đưa đại đội pháo 85 lên bố trí tại điểm cao 27 khống chế địch trên địa bàn rộng. Đây là trận đánh hiệu quả nhất của Vùng kể từ đầu chiến dịch cho đến lúc này, ta tiêu diệt tại chỗ 23 tên địch, thu một số súng và máy thông tin.

Cũng trong ngày 1 tháng 2, theo lệnh của Vùng, hai tiểu đoàn 7 và 6 bí mật đổ bộ lên lên tây cao điểm 202 và phát triển về phía cao điểm 43 đến bắc cao điểm 109 hình thành thế bao vây địch ở cao điểm 78 và 109. Ngày 12 tháng 2, Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 6 đồng loạt nổ súng tấn công từ hai hướng, tập trung tiêu diệt địch ở cao điểm 78 và 109. Ở cao điểm 78 và 79, địch bố trí công sự vững chắc, nhưng bị ta đánh bất ngờ với hỏa lực mạnh, bọn chúng nhanh chóng tan rã. Ta tiêu diệt một số tên, một số bỏ chạy để lại nhiều vũ khí, trang bị quân sự.

Bị mất các cao điểm quan trọng ở phía tây sông Kép, địch cay cú tổ chức liên tục các đợt phản công hòng chiếm lại các cao điểm đã mất nhưng đều bị lực lượng chốt giữ của hai tiểu đoàn đánh lui. Ta tiêu diệt nhiều địch, giữ vững trận địa, nhiều trận đánh hiệu quả cao. Tiêu biểu trận đánh ngày 3 tháng 3 năm 1979, địch tập trung đông lực lượng sử dụng hỏa lực cối 81, ĐKZ, pháo 12,7 ly vượt qua sông Kép tấn công vào trận địa chốt của Đại đội 9, Tiểu đoàn 6. Bộ đội ta đã kiên trì, bình tĩnh chờ địch ra tới giữa sông mới đồng loạt nổ súng mãnh liệt, tiêu diệt 62 tên.

Kết quả hoạt động truy quét từ 1 tháng 2 đến 9 tháng 3 năm 1979, Vùng 5 tiêu diệt 148 tên, thu 30 súng bộ binh các loại; phá hủy 2 súng cối, hai pháo 12, 7 mi li mét, một kho thóc và nhiều phương tiện chiến tranh. Vùng 5 hoàn thành tốt nhiệm vụ đẩy lùi địch sang phía đông sông Kép; hiệp đồng chiến đấu ngày càng chặt chẽ, hiệu suất chiến đấu ngày càng cao; cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, liên tục cơ động chiến đấu dài ngày trong điều kiện rừng núi phức tạp và kiện cường bám trụ giữ chốt đánh địch đến cùng để giữ vững trận địa, góp phần tạo điều kiện cho Lữ đoàn 126 của Quân chủng phát triển sang phía đông sông Kép đánh địch giành thắng lợi.

Mặc dù bị ta truy quét, bám đuổi, bị tiêu hao nhiều lực lượng và bị phá hủy nhiều cơ sở bảo đảm hậu cần, song với bản chất phản động ngoan cố, kẻ địch luôn tìm mọi sơ hở của ta để phản kích lại bằng lối đánh du kích hoạt động nhỏ lẻ. Nửa đêm về sáng ngày 21 tháng 2 năm 1979, địch bí mật vượt biển đổ bộ vào đảo Kô manô,(một đảo ở gần bờ, khi thủy triều xuống có thể từ bờ lội ra đảo được) tiếp cận bao vây, tập kích vào các chốt giữ đảo của Đại đội 2, Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn 101. Bị tấn công bất ngờ, cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đảo Kômanô vẫn ngoan cường đánh trả, giữ vững trận địa, trong đó nổi lên gương chiến đấu của đồng chí tiểu đội trưởng, thượng sĩ Tống Duy Tụng, trong tình thế bất lợi đã bình tĩnh chỉ huy anh em trong tiểu đội cơ động đánh địch, cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm đến viên đạn cuối cùng và đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chốt, bảo vệ đảo.7

Sau khi tấn công truy quét địch và chiếm giữ hệ thống cao điểm tây sông Kép, thực hiện ý định của Tiền phương Bộ Tổng Tham mưu, để phối hợp tấn công với các lực lượng trên toàn chiến trường Cam pu chia, Bộ Tư lệnh Hải quân tiền phương quyết định sử dụng các lực lượng Vùng 5 và Lữ đoàn 126 tiếp tục truy quét địch mở rộng khu vực giải phóng. Hướng của Lữ đoàn 126, vượt sông Kép xuống Trêbăngrung; hướng của Vùng 5, theo ven biển xuống tới sông Dăm băng.

Ý định chiến đấu của Vùng 5, sử dụng hai tiểu đoàn 7 và 8 của Lữ đoàn 101 phối hợp với biên đội tàu chiến đấu và vận tải đổ bộ của Lữ đoàn 127 8 làm nhiệm vụ tấn công truy quét địch ven biển phía đông đảo Kôkông từ nam sông Vai đến Dămbăng, tiêu diệt lực lượng đề kháng ở khu vực này, tịch thu và phá hủy các cơ sở bảo đảm hậu cần, kỹ thuật của chúng làm mất chỗ dựa để kéo dài chiến tranh.

7 giờ 30 phút ngày 21 tháng 3 năm 1979, Tiểu đoàn 7 và 8 trên các tàu vận tải của Lữ đoàn 127 đổ bộ lên mõn đất liền Phaprek phnoe ở nam sông Vai. Địa hình đổ bộ trong sông lầy lội, bãi đổ bộ dài gần một ki lô mét, bộ đội phải rất vất vả và mất nhiều thời gian mới vượt qua được.11 giờ, cuộc đổ bộ hoàn thành. Tiểu đoàn 8 triển khai đội hình truy quét địch ven theo sông Vai đến cách tây Trê băng rung khoảng 10 ki lô mét thì chuyển hướng xuống phía nam. Ngày 24 tháng 3, Tiểu đoàn 8 bí mật tổ chức xây dựng trận địa phục kích đón lõng ở Prek Tham gô, đông cao điểm 41.

Hiệp đồng chiến đấu với Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 7 phát triển tấn công truy quét địch theo hướng ven biển để xua đuổi, dồn địch vào trận địa phục kích của tiểu đoàn 8. Trên đường truy quét bao vây địch, tiểu đoàn đã tấn công 4 chốt của chúng, tiêu diệt 30 tên, phá hai trận địa cối.

19 giờ ngày 24 tháng 3, tàn quân địch bị truy đuổi lọt vào trận địa phục kích đón lõng. Tiểu đoàn 8 nổ súng. Bị đánh bất ngờ, địch bỏ chạy tán loạn, bỏ lại một số vũ khí và lương thực, ta tiêu diệt gọn 50 tên.

Từ ngày 25 tháng 3 đến ngày 8 tháng 4 năm 1979, hai tiểu đoàn tiếp tục phối hợp tấn công truy quét địch đến nam sông Dăm băng.Trên đường hành quân gặp địch, ta tiêu diệt hơn trăm tên, thu hàng chục vũ khí, phá hủy nhiều trang bị quân sự, kho tàng hậu cần của chúng.

Kết thúc đợt truy quét, Vùng 5 đã giải phóng một khu vực ven biển từ nam sông Vai đến nam sông Dămbăng, tiêu diệt 208 tên địch, bắt sống 2 tên; thu 47 súng các loại, 41 tấn gạo, phá hủy 25 thuyền, ca nô.

Sau những đợt truy quét liên tục và quyết liệt, lúc này ở Kông pông xom về cơ bản địch đã tan rã, chỉ còn lại những tổ nhỏ hoạt động lẻ tẻ ở bán đảo Thamasô, Trê băng rung, đông sông Kép. Tuy lực lượng địch vẫn còn nhưng tinh thần của chúng đã sa sút, thiếu lương thực, súng đạn. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Hải quân tiền phương quyết định mở cuộc tấn công truy quét giải phóng ven biển từ sông Dăm băng đến cửa sông Pi phốt và giải phóng vùng đông sông Kép đến Trê băng rung để ổn định khu vực Kông pông xom, Kô kông, các đảo phía tây và vùng ven biển Cam pu chia.

Chấp hành chỉ thị của Quân chủng, Vùng 5 sử dụng các lực lượng ba tiểu đoàn 5, 6, 8 của Lữ đoàn 101; Tiểu đoàn 1 trực thuộc Vùng và hai hải đội tàu vận tải đổ bộ của Lữ đoàn 127 phối hợp hiệp đồng tấn công truy quét địch ven biển từ nam sông Dăm băng đến cửa sông Pi phốt tiêu diệt tàn quân.

Dưới sự chỉ huy của Sở chỉ huy Vùng 5, ngày 9 tháng 4 năm 1979, tiểu đoàn 5, tiểu đoàn 1, đổ bộ lên nam, bắc sông Dăm băng nhanh chóng triển khai đến vị trí qui định và ngày hôm sau phát triển tấn công theo kế hoạch. Ngày 12 tháng 4, Tiểu đoàn 5 truy quét đến Phprekhyâng gặp địch khoảng gần một đại đội, ta lập tức tổ chức tấn công tiêu diệt 20 tên, bắt sống 1 tên và thu 4 súng.Ngày 13 tháng 4, Tiểu đoàn 6 và tiểu đoàn 8 đổ bộ lên mũi bán đảo Thama sô cùng với Tiểu đoàn 1 phối hợp phát triển truy quét lên phía bắc theo kế hoạch. Lúc này những trận mưa đầu mùa đã đến, để thực hiện đúng kế hoạch thời gian, Sở chỉ huy Vùng lệnh cho các đơn vị cấp tốc hành quân, chỉ huy các cấp phải tích cực động viên bộ đội đoàn kết giúp đỡ tương trợ, khắc phục khó khăn về thời tiết, sức khỏe sút kém để bám đội hình hành quân truy quét địch. Tiểu đoàn 8 nhanh chóng đánh chiếm làm chủ khu vực Thamasô. Tiểu đoàn 6 phối hợp với Tiểu đoàn 1 vận động vượt sông Taak, sông Phrung tiến về Pi phốt, vừa hành quân vừa đánh địch. Ngày 20 tháng 4, Tiểu đoàn 1 và 6 truy quét địch đến tây bến phà Pi phốt gặp bộ đội Quân khu 9 đang qua phà theo đường 18 tiến về Trê băng rung. Đến đây, Vùng 5 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đợt hoạt động truy quét, giải phóng và làm chủ vùng ven biển từ sông Dăm băng đến giáp giới sông Pi phốt, tiêu diệt 36 tên địch, thu 24 súng, 25 tấn lúa, phá hủy hai kho vật tư và nhiều cơ sở vật chất khác; giải phóng 46 dân.

Kết thúc đợt truy quét ngày 20 tháng 4 năm 1979, cũng là mốc kết thúc các hoạt động chiến đấu của bộ đội Vùng 5 Hải quân trong chiến dịch Tây Nam. Qua hơn 4 tháng chiến đấu liên tục, trong đội hình hiệp đồng các lực lượng quân binh chủng, cũng như trong độc lập chiến đấu, Vùng 5 Hải quân đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ bảo vệ đội hình đổ bộ, vận chuyển đổ bộ; đánh chiếm các mục tiêu được phân công, giải phóng đất đai, giải phóng 21 đảo và tấn công truy quét tàn quân địch cùng các lực lượng của quân chủng giữ vững địa bàn chiến lược và vùng biển, đảo của bạn sau khi được giải phóng.

Kết quả tham gia chiến dịch Tây Nam, Vùng 5 đã tiêu diệt 479 tên địch, bắt sống 11 tên, thu 196 súng các loại, (trong đó có 15 pháo 105 mi li mét, 12 pháo 100 mi li mét, 3 sơn pháo 75 mi li mét, 31 pháo 37 mi li mét, 21 súng 14,4 mi li mét), thu 86 tấn đạn, 547 tấn lúa, 10 thuyền đang sửa chữa trên đà, tàu kéo, 1 đốc nổi, 70 máy tàu, 16 tấn phụ tùng, 24 xe các loại; phá hủy 40 thuyền, ca nô, 25 lán trại, bắn cháy 1 chiếc khác; giải phóng 363 dân. Về ta, hy sinh 83 cán bộ, chiến sĩ, bị thương 233 đồng chí; 2 tàu bị thương.

Quá trình tham gia chiến dịch, trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng của cán bộ các cấp và trình độ thực hành chiến đấu của bộ đội trên các địa bàn phức tạp ngày càng tiến bộ, đã khắc phục những khó khăn, vận dụng được nhiều cách đánh sáng tạo, thích hợp với đối tượng, với điều kiện chiến trường, làm cơ sở thực tế cho Vùng tổng kết áp dụng vào chiến đấu sắp tới.


  1. Каталог: sites -> default -> files
    files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
    files -> Mẫu tkn1 CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
    files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc ĐĂng ký thất nghiệP
    files -> BỘ TÀi chính —— Số: 25/2015/tt-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
    files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc TỜ khai của ngưỜi hưỞng trợ CẤP
    files -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO –––– Số: 40
    files -> BỘ y tế CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    files -> Mẫu số 1: Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2003/tt-blđtbxh ngày 22 tháng 9 năm 2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Tên đơn vị Số V/v Đăng ký nội quy lao động CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
    files -> CỦa bộ XÂy dựng số 04/2008/QĐ-bxd ngàY 03 tháng 4 NĂM 2008 VỀ việc ban hành “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựNG”

    tải về 1.28 Mb.

    Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương