BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn trưỜng đẠi học thủy lợI



tải về 1.32 Mb.
trang3/12
Chuyển đổi dữ liệu18.07.2016
Kích1.32 Mb.
#1918
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

1.2.2.4. Các chương trình khác


Ngoài Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia Xoá đói giảm nghèo, Chương trình 30a của Chính phủ, Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, các địa phương có điểm TĐC còn được tiếp nhận một số Chương trình khác như:

- Quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

- Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

Các Chương trình nói trên đều đã được các cấp chính quyền địa phương tích cực triển khai và cũng mang lại hiệu quả tốt góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, cũng như các Chương trình khác, hai Chương trình này hầu như ít được đầu tư cho các điểm TĐC thủy điện Sơn La.



1.2.3. Đánh giá kết quả thực hiện

1.2.3.1.Chương trình 135 giai đoạn II, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xoá đói giảm nghèo, Chương trình 30a và các Chương trình khác

1) Các Chương trình đều đã thành công trong việc khuyến khích các hộ gia đình tham gia vào dự án. Hầu hết các địa phương đều tổ chức được các cuộc họp lựa chọn công trình cần đầu tư để đáp ứng được mục tiêu của Chương trình nhưng hiệu quả của các cuộc họp chưa cao, người dân vẫn còn bị động khi tham gia thảo luận ở các cuộc họp lựa chọn công trình. Các văn bản hướng dẫn và tài liệu liên quan đều viết bằng Tiếng Việt trong khi đại đa số các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số đều sử dụng tiếng mẹ đẻ. Ngôn ngữ chính là rào cản lớn đối với đồng bào dân tộc ít người trong việc bày tỏ rõ ràng quan điểm của mình.

2) Chương trình đã thu hút được khoảng 30% số hộ gia đình có thành viên tham gia đóng góp vào việc xây dựng các công trình thuộc về cơ sở hạ tầng (CSHT). Sự đóng góp của cộng đồng cho đầu tư công không chỉ bao gồm những hỗ trợ về mặt nhân lực và vật lực trong quá trình thực hiện các công trình CSHT mà còn thúc đẩy trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý dự án và bảo trì công trình. Phát triển CSHT có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm và các nguồn thu nhập ngắn hạn cho người dân địa phương. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy khả năng tạo việc làm từ các công trình CSHT ở các địa phương còn thấp. Mặt khác, do hầu hết các lao động địa phương làm việc không chính thức cho các dự án đều không có nghĩa vụ pháp lý ràng buộc đã góp phần làm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ xây dựng công trình.

3) Sau khi công trình được hoàn thành, nhà thầu phải bàn giao cho chủ đầu tư sau đó Chủ đầu tư có nghĩa vụ giao lại cho các bên hưởng thụ sử dụng. Tuy nhiên quá trình này thường chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Cộng đồng địa phương thường không được thông báo một cách chính thức về trách nhiệm và quyền sở hữu của họ đối với từng công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Kết quả là họ thường có ít trách nhiệm và quyền sở hữu đối với công trình. Tình trạng này khiến cho cộng đồng người sử dụng thường có rất ít nhận thức về quản lý vận hành và duy tu bảo dưỡng công trình.

4) Chất lượng của nhiều công trình thuộc về CSHT đặc biệt là công trình giao thông, cấp thoát nước... thường thấp. Nhiều công trình mới chỉ đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn đã bị xuống cấp, thậm chí bị hư hỏng không sử dụng được.

5) Trong thời gian triển khai Chương trình 135-II, các địa phương còn tiếp nhận được nhiều nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xoá đói giảm nghèo, Chương trình 30a và các Chương trình khác như đã nêu ở trên). Nguồn vốn ngoài Chương trình 135-II chủ yếu dành để đầu tư cho các xã không thuộc Chương trình 135-II. Theo kết quả điều tra khảo sát năm 2014 của cơ quan tư vấn, hầu hết tại các điểm TĐC trên vùng dự án di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La, chương trình 135 rất ít lồng ghép đầu tư, hỗ trợ vào các điểm tái định cư mà chỉ tập trung đầu tư, hỗ trợ vào các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa và biên giới. Các điểm tái định cư đã được hưởng theo chính sách đầu tư hỗ trợ của dự án di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La. Kết quả điều tra và phân tích của Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Đông dương cho thấy: do nhận được ít nguồn vốn từ các nguồn khác ngoài Chương trình 135-II nên tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã thuộc Chương trình 135-II không nhiều hơn các xã khác, khiến cho mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa các hộ nghèo và không nghèo, giữa hộ người Kinh và hộ các dân tộc khác càng khó đạt được.

6) Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã được đầu tư bằng các Chương trình nêu trên đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, chủ yếu giảm ở nhóm dân tộc thiểu số. Tuy nhiên mức sống của các hộ chưa thoát nghèo không được cải thiện là bao, đặc biệt là các hộ nghèo thuộc dân tộc Thái và Mường. Giảm nghèo chủ yếu do tăng thu nhập, tuy nhiên mức tăng này có xu hướng giảm theo thời gian. Hơn nữa, giảm nghèo ở các xã này, nhất là các xã được đầu tư bằng Chương trình 135-II là chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo tạm thời là khá lớn. Các hộ nghèo thuộc nhóm dân tộc Kinh có xu hướng là hộ nghèo tạm thời còn các hộ nghèo thuộc nhóm các dân tộc thiểu số có xu hướng là hộ nghèo kinh niên. Như đã nêu ở phần trên, tính chung cho cả 3 giai đoạn của Chương trình 135, trong tổng số 42 xã được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình 135, đến nay toàn vùng mới chỉ có 17 xã hoàn thành được mục tiêu của Chương trình 135 (chiếm tỷ lệ 40,5%), 25 xã còn lại phải tiếp tục đầu tư theo Chương trình 135 giai đoạn III. Trong số 25 xã nói trên có tới 9 xã được đầu tư liên tục từ giai đoạn I, giai đoạn II và cho đến nay vẫn còn phải tiếp tục đầu tư vào giai đoạn III (chiếm tỷ lệ 21,2% số xã thuộc Chương trình 135).

7) Sau 5 năm triển khai, thu nhập thực tế của các hộ gia đình ở các xã nằm trong Chương trình 135-II đã tăng trung bình khoảng 20%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước (tăng khoảng 50%). Các hộ ở nhóm có thu nhập thấp (hộ nghèo) có tỷ lệ tăng thu nhập thấp hơn so với các hộ ở nhóm thu nhập cao. Kết quả là khoảng chênh lệch về thu nhập giữa các hộ gia đình ở các xã thuộc Chương trình 135 ngày một tăng lên. Bất bình đẳng giữa các hộ thuộc dân tộc Kinh cũng như giữa các hộ thuộc dân tộc thiểu số cũng gia tăng trong khoảng thời gian gần đây.

8) Hộ gia đình ở các xã nằm trong các Chương trình nêu trên chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (Khoảng 60% tổng thu nhập của các hộ là từ sản xuất nông nghiệp). Đã có sự chuyển đổi từ hoạt động nông nghiệp sang phi nông nghiệp nhưng chưa nhiều.

9) Điều kiện về nhà ở của tất cả các hộ gia đình đã được cải thiện đáng kể. Trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2012, diện tích nhà ở trung bình tính theo đầu người đã tăng từ 13 m2 lên 18 m2. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà kiên cố cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, tình hình sử dụng nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn vẫn còn hạn chế. Nước sạch vẫn là một vấn đề rất nghiêm trọng. Đến 2012 mới chỉ có khoảng 13% các hộ dân tộc thiểu số có nước máy và khoảng 30% số hộ gia đình có nhà vệ sinh đạt chuẩn.

10) Tình hình tiếp cận nguồn điện của các xã nằm trong các Chương trình đầu tư trên nhất là Chương trình 135-II đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ các hộ được sử dụng điện đã tăng từ 68,6% năm 2007 lên 83,6% năm 2012. Mức độ sử dụng điện của các hộ gia đình cũng không đồng đều giữa các nhóm dân tộc thiểu số.

11) Chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình thuộc tất cả các nhóm dân tộc ở các xã nằm trong các Chương trình nêu trên đều được cải thiện, được thể hiện bằng tỷ lệ số hộ có đồ dùng lâu bền đều tăng. Đến cuối năm 2012, khoảng trên 70% số hộ có ít nhất 01 máy điện thoại, gần 70% số hộ có tivi. Tỷ lệ số hộ có xe máy đã tăng từ 43,8% năm 2007 lên 66,2% vào năm 2012. Tỷ lệ số hộ sở hữu xe máy đều tăng ở tất cả các nhóm dân tộc thiểu số và cả hai nhóm hộ nghèo và không nghèo.



1.2.3.2. Chương trình MTQG về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

- Kết quả thực hiện Chương trình MTQG về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn ba tỉnh có các điểm tái định cư thủy điện Sơn La (Sơn La, Điện Biên và Lai Châu) nêu tóm tắt trong bảng 3 cho thấy không đạt được mục tiêu như kỳ vọng, bởi hầu hết các chỉ tiêu quan trọng nhất của Chương trình và có định lượng cụ thể như tỷ lệ số hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh nông thôn, tỷ lệ số dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, tỷ lệ các trường học và trạm xá có nước nhà tiêu hợp vệ sinh đều đạt rất thấp. Theo kết quả điều tra của cơ quan tư vấn, tỷ lệ số hộ dân và tỷ lệ dân số được cấp nước sinh hoạt đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt rất thấp, chỉ khoảng trên dưới 10%.

- Đầu tư của các địa phương vẫn tập trung nhiều vào mục tiêu cấp nước, chưa thực sự quan tâm đến mục tiêu vệ sinh môi trường, xử lý chất thải nhất là chất thải rắn cũng như cho các đối tượng trường học, trạm y tế, chợ...

- Tính bền vững của công trình chưa cao và mô hình quản lý công trình còn lúng túng. Theo số liệu điều tra và báo cáo của các địa phương, tỷ lệ số công trình cấp nước sạch đã xây dựng hoạt động tốt chỉ chiếm chưa đến 40%, còn lại ở mức trung bình, kém hiệu quả, thậm chí không hoạt động được. Theo số liệu của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tỷ lệ số công trình đã xây dựng nhưng không hoạt động trong toàn quốc chiếm khoảng trên dưới 5%

- Năng lực chuyên môn của cán bộ chuyên trách, lực lượng cán bộ bố trí cho việc thực hiện Chương trình cũng như sự phối hợp giữa ba ngành là Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương còn hạn chế và chưa thực sự có hiệu quả.

1.2.4. Tồn tại và nguyên nhân

Như đã nêu và phân tích ở các phần trên, trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2013 đời sống và thu nhập của người dân ở các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xoá đói giảm nghèo và Chương trình 30a, đều đã được cải thiện, nhưng mức độ cải thiện vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, thể hiện ở những điểm chính sau đây:

- Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã thuộc Chương trình, nhất là Chương trình 135-II có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao (trung bình giảm từ 57,5% xuống 49,2%, chủ yếu do tỷ lệ nghèo đói ở nhóm các hộ gia đình là người dân tộc thiểu số giảm còn nhóm hộ gia đình người dân tộc Kinh gần như không giảm.

- Mặc dù tỷ lệ nghèo đói giảm xuống nhưng khoảng cách nghèo và các chỉ số về mức độ nghiêm trọng của người nghèo vẫn không giảm, thậm chí còn tăng lên đối với các hộ dân tộc Thái và Mường.

- Thu nhập bình quân đầu người của các hộ tăng khoảng 20%. Các hộ có thu nhập thấp có mức tăng thấp hơn hộ có thu nhập cao. Do đó bất bình đẳng về thu nhập giữa các hộ trong các xã thuộc các Chương trình ngày một tăng.

Mặc dù đã có sự chuyển dịch cơ cấu thu nhập từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, nhưng nhìn chung đời sống của các hộ nằm trong các xã thuộc các Chương trình đầu tư nêu trên vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, trong khi đó trình độ sản xuất nông nghiệp ở các địa phương này vẫn còn ở mức thấp. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chất lượng cuộc sống của người dân ở các xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo hay Chương trình 135 tuy có được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của vùng Tây bắc.

Đến năm 2012 mới chỉ có 45,9% số dự án đầu tư CSHT thuộc Chương trình 135-II do xã làm chủ đầu tư trong khi mục tiêu đề ra là 100% các xã có thể làm chủ đầu tư công trình. Nguyên nhân không đạt được mục tiêu như mong đợi là do năng lực yếu kém của chủ đầu tư và cán bộ quản lý dự án. Năng lực quản lý của cấp xã luôn là mối quan ngại lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp - nông thôn nói chung và Chương trình 135 nói riêng.

Nhiều công trình thuộc về cơ sở hạ tầng bị xuống cấp, hư hỏng, thậm chí không sử dụng được, ngoài năng lực yếu kém của nhà thầu xây dựng và các nhà thầu tư vấn thì sự yếu kém về năng lực quản lý của Chủ đầu tư, của cán bộ quản lý dự án là nguyên nhân chính làm giảm chất lượng công trình xây dựng.

Các mục tiêu về đào tạo nghề cho người dân, thu hút lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao về phục vụ ở khu vực các huyện nghèo còn gặp nhiều khó khăn. Việc thu hút các nguồn vốn xã hội hóa cho các chương trình, dự án tuy đã có kết quả ở một số địa phương nhưng nhìn chung vẫn chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư do đặc thù của Chương trình còn mang tính phúc lợi xã hội cao, lợi nhuận thu được thấp.

Có rất nhiều Chương trình, dự án cùng triển khai thực hiện đồng thời và độc lập nhau trên cùng một khu vực. Nếu các Chương trình, dự án này được lồng ghép đồng bộ với nhau sẽ hạn chế được tình trạng đầu tư chồng chéo, chắp vá, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án và nâng cao hiệu quả phục vụ.

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là các cơ chế chính sách mặc dù đã được ban hành nhưng còn chưa đồng bộ, thống nhất, một số địa phương chưa cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn để phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, dẫn đến việc phân bổ, hiệu quả sử dụng các nguồn lực chưa cao. Nhiều địa phương còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa tự lực vươn lên thoát nghèo. Mặt khác vẫn còn một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với thực tiễn nhưng việc sửa đổi, bổ sung còn chậm. Công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về giảm nghèo chưa được tổ chức thường xuyên;…


Chương 2

KHẢO SÁT, ĐÁNH GIÁ CÁC MÔ HÌNH ĐẦU TƯ TẠI ĐỊA BÀN VÙNG TÁI ĐỊNH CƯ THỦY ĐIỆN SƠN LA

2.1. MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN CÂY CAO SU

2.1.1. Tổng quan về cây cao su trồng ở vùng Tây bắc

Cây cao su hiện đang được trồng rộng rãi ở Việt Nam có tên gọi là cây cao su ba lá (tên khoa học là Hevea brasiliensis). Cây cao su được trồng thử ở vùng Tây bắc từ khá lâu nhưng mãi đến 2007 tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) mới chính thức triển khai dự án trồng cao su ở khu vực này. Theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cao su là cây có giá trị nhiều mặt như cho mủ, lấy hạt và lấy gỗ,.. . Cao su được sử dụng nhiều trong công nghiệp phục vụ sản xuất và đời sống. Cao su là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc; chu kỳ khai thác và kinh doanh dài.

Ngày 17/9/2008 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 2855/QĐ-BNN-KHCN chính thức công bố cây cao su là cây đa mục đích có thể sử dụng cả cho các mục đích nông nghiệp và lâm nghiệp. Theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngày 03/6/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 750/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 (gọi tắt là Quyết định số 750/QĐ-TTg). Theo Quyết định nói trên, việc trồng cây cao su ở các tỉnh vùng Tây bắc không được phát triển theo phong trào mà phải có bước đi phù hợp. Quyết định số 750/QĐ-TTg cũng chỉ rõ: Trên cơ sở quỹ đất và kết quả đánh giá hiệu quả diện tích cao su đã trồng, các địa phương ở vùng Tây bắc quyết định mở rộng diện tích ở những địa bàn có đủ điều kiện, để đến năm 2020 toàn vùng đạt khoảng 50.000 ha.

Căn cứ Quyết định số 750/QĐ-TTg, ngày 09/9/2009 Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành thông tư số 58/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp. Theo thông tư nói trên, ngoài các yêu cầu về điều kiện khí hậu, thời tiết, vùng đất thích hợp để trồng cao su phải nằm ở độ cao dưới 600 mét so với mực nước biển, độ dốc dưới 30o....

Để thúc đẩy phát triển diện tích trồng cao su ở miền núi phía bắc, ngày 18/6/2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 990/QĐ-TTg về việc thí điểm cho hộ nông dân góp vốn cổ phần bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam để thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La.

2.1.2. Kết quả thực hiện

1) Căn cứ Quyết định số 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp lý nêu trên, ba tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Sơn La đã ban hành các quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn của tỉnh. Cụ thể như sau:

a) Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 22/9/2011 của UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng cao su đại điền tỉnh Lai Châu đến năm 2020 (gọi tắt là Quyết định số 1109/QĐ-UBND). Theo Quyết định này, đến 2020 toàn tỉnh Lai Châu có từ 25.000 - 30.000 ha cao su, trong đó giai đoạn 2008 - 2010 đã trồng được 5.797 ha, giai đoạn 2011 - 2015 trồng mới khoảng 14.000 ha và giai đoạn 2016 - 2020 trồng mới khoảng 10.000 ha.

Cũng theo Quyết định số 1109/QĐ-UBNĐ nói trên, vùng quy hoạch phát triển cao su đại điền của tỉnh Lai Châu nằm trên địa bàn 36 xã và thị trấn thuộc 5 huyện là Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè, Tân Uyên và Than Uyên, trong đó có 9 xã có điểm TĐC thủy điện Sơn La (cả 9 xã này đều thuộc huyện Sìn Hồ).

b) Quyết định số 1305/QĐ-UBND ngày 30/7/2009 của UBND tỉnh Điện Biên về việc phê duyệt Dự án quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2008-2020 (gọi tắt là Quyết định số 1305/QĐ-UBND). Theo Quyết định này, đến năm 2020 tỉnh Điện Biên có 20.000 ha cây cao su, trong đó trồng mới từ năm 2008 đến 2010 là 5.000 ha, từ năm 2011 đến 2015 trồng mới 12.500 ha (trung bình mỗi năm trồng mới 2.500 ha), từ năm 2016 đến 2020 trồng mới thêm 2.500 ha (trung bình mỗi năm trồng mới thêm 500 ha).

Cũng theo Quyết định số 1305/QĐ-UBND, vùng quy hoạch phát triển cao su của tỉnh Điện Biên nằm trên địa bàn 35 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện và thành phố là Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Mường Nhé và TP. Điện Biên Phủ.

c) Quyết định số 1217/QĐ-UBND ngày 20/5/2014 của UBND tỉnh Sơn La phê duyệt dự án rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020 (gọi tắt là Quyết định số 1217/QĐ-UBND). Theo Quyết định này, diện tích trồng cây cao su đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh Sơn La khoảng 10.000 ha, năm 2020 khoảng 30.000 ha.

Cũng theo Quyết định số 1217/QĐ-UBND, vùng quy hoạch phát triển cao su của tỉnh Sơn La nằm trên địa bàn 8 huyện và thành phố là Mường la, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Mộc Châu, Vân Hồ, Sông Mã.



d) Nội dung các Quyết định phê duyệt quy hoạch của 3 tỉnh nói trên cũng đã chỉ rõ được những định hướng lớn nhằm xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng vùng cao su, phương án quy hoạch xây dựng các vườn ươm, quy hoạch sử dụng một số giống cao su được trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, quy hoạch xây dựng các nhà máy chế biến và phương án tiêu thụ sản phẩm cao su; các giải pháp lớn để thực hiện phương án quy hoạch như công tác tổ chức quản lý quy hoạch, giải pháp về cơ chế chính sách đầu tư và tín dụng, giải pháp huy động vốn, đào tạo nguồn nhân lực, giải pháp về khoa học và công nghệ và bảo vệ môi trường cùng các giải pháp cơ bản khác để tổ chức triển khai thực hiện.

Bảng 4 – Danh sách các huyện và thành phố nằm trong quy hoạch phát triển cây cao su có điểm tái định cư thủy điện Sơn La

TT

Có điểm TĐC thủy điện Sơn La

Có nằm trong quy hoạch trồng cao su

Ghi chú

I

TỈNH SƠN LA




Theo Quyết định số 1217/QĐ-UBND ngày 20/5/2014 của UBND tỉnh Sơn La

1

Huyện Mường La

X

2

Huyện Quỳnh Nhai

X

3

Huyện Thuận Châu

X

4

Huyện Yên Châu

X

5

Huyện Mộc Châu

X

6

Huyện Mai Sơn

X

7

Huyện Sông Mã

X

8

TP. Sơn La

-

II

TỈNH ĐIỆN BIÊN




Theo Quyết định 1305/QĐ-UBND ngày 30/7/2009 của UBND tỉnh Điện Biên

1

Huyện Mường Chà

X

2

Huyện Mường Nhé

X

3

TP. Điện Biên Phủ

X

4

TX. Mường Lay

-

5

Huyện Tủa Chùa

-

III

TỈNH LAI CHÂU




Theo Quyết định 1109/QĐ-UBND ngày 22/9/2011 của UBND tỉnh Lai Châu.




Huyện Sìn Hồ

X




Huyện Phong Thổ

X




Huyện Nậm Nhùn

-




Huyện Tam Đường

-




TP. Lai Châu

-

2) Cây cao su được chính quyền ba tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu xác định là cây xóa đói, giảm nghèo chính cho đồng bào các dân tộc của tỉnh, đồng thời góp phần phân bố lại lao động hợp lý, tạo ra một lượng lao động để chuyển sang phát triển ngành nghề khác phù hợp với chương trình phát triển nông thôn mới, nâng mức thu nhập cho người lao động. Có nhiều chuyên gia cho rằng cây cao su còn có vai trò giữ nước cho vùng lòng hồ thủy điện Sơn La để nhà máy thủy điện Sơn La phát huy hết công suất. Bởi vậy cây cao su đang được chính quyền và nhân dân ba tỉnh này khẩn trương triển khai trồng trên diện rộng. Dưới đây là một số ví dụ điển hình:

- Năm 2007 tỉnh Sơn La mới trồng 70 ha cây cao su đầu tiên ở Phiêng Tìn huyện Mường La, đến nay đã phát triển trên địa bàn của 8 huyện (đã nêu trong Quyết định số 1217/QĐ-UBND). Trung bình mỗi năm tỉnh Sơn La trồng mới từ 1.000 ha đếm 1.400 ha. Toàn bộ số diện tích đất trước khi trồng cây cao su chủ yếu là đất nương dốc bạc màu, đất trống, đồi trọc người dân trồng ngô, sắn và các cây trồng năng suất thấp.

- Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, cây cao su đã được 96 hộ dân ở huyện biên giới Phong Thổ trồng từ năm 2006-2007 với diện tích khai thác gần 45 ha. Do trên địa bàn chưa có nhà máy chế biến mủ nên người dân địa phương nơi đây đành phải bán mủ sơ chế sang Trung Quốc. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã trồng được hơn 11.000 ha cây cao su, chủ yếu được trồng ở các xã vùng sâu vùng xa. Ở những khu vực này, hệ thống đường giao thông phục vụ cho nuôi trồng và sản xuất chưa phát triển đang là rào cản lớn cho việc canh tác cơ giới cây cao su.

- Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tháng 9/2007 lãnh đạo tỉnh Điện Biên và lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển cao su và thành lập Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên (gọi tắt là Công ty). Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, đến 31/3/2010 diện tích trồng mới cây cao su của Công ty đạt 2.219 ha, đến 31/12/2013 diện tích trồng cao su lên tới 4.257 ha.

3) Theo số liệu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, đến hết năm 2013 các tỉnh vùng Tây bắc đã trồng được 25.102 ha cao su. Riêng trên địa bàn vùng tái định cư thủy điện Sơn La đã trồng được 21.002 ha cao su, trong đó nhiều nhất là tỉnh Lai Châu với 10.168 ha, tiếp đến là tỉnh Sơn La 6.577 ha và tỉnh Điện Biên 4.257 ha.

4) Theo kết quả điều tra khảo sát năm 2014, trên vùng dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La, trên địa bàn tỉnh Lai Châu mô hình này đã triển khai tại 12 điểm:

i) Điểm TĐC Nà Cuổi thuộc xã Căn Co, điểm TĐC Chiêng Lồng, Lùng Khoái, Riềng Thàng xã Nậm Cha, điểm TĐC Số 2, Số 3 xã Pa Khóa, điểm TĐC Chăn Nưa xã Chăn Nưa huyện Sìn Hồ.

ii) Điểm TĐC Bản Chợ, Chiềng Nề, Ten Co Mủn thuộc xã Lê Lợi, điểm TĐC Phiêng Pa Kéo thuộc thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn với tổng diện tích là 1.069,0 ha



2.1.3. Đánh giá hiệu quả và khả năng nhân rộng mô hình

Theo kết quả khảo sát và đánh giá của nhiều chuyên gia, sau 7 năm triển khai trồng cho thấy cây cao su rất thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn các tỉnh vùng Tây bắc, sinh trưởng tốt, có nhiều mủ, triển vọng sẽ mang lại hiệu quả cao. Cũng theo đánh giá của lãnh đạo các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và của Tập đoàn Cao su Việt Nam, tính đến 31/3/2010, Sau 7 năm hoạt động, đến nay tỉnh Điện Biên đã trồng được khoảng 4.500 ha. Kết quả khảo sát kết quả trồng cao su tại các tỉnh vùng tây bắc trong thời gian qua cho thấy, hầu hết diện tích cao su được trồng theo hình thức đại điền, do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đầu tư theo mô hình liên kết. Các hộ dân góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất và được tuyển dụng làm công nhân. Các công ty cổ phần cao su do Tập đoàn VRG thành lập các Công ty cổ phần Cao su ở các tỉnh: tỉnh Sơn La có Công ty Cổ phần Cao su Sơn La, tỉnh Lai Châu có 03 Công ty là Công ty Cổ phần cao su Lai Châu, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu 2 và Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng – Lai Châu. Tỉnh Điện Biên có 02 Công ty là Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên và Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé - Điện Biên. Các Công ty Cổ phần Cao su nói trên phụ trách toàn bộ các khâu cung ứng giống, kỹ thuật, quản lý chăm sóc và thu mua sản phẩm. Theo mô hình này, người dân vừa không bị mất đất, vừa có vốn góp vào công ty, được chia cổ tức khi công ty có lãi. Đặc biệt, mô hình hộ nông dân góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất, tham gia trồng cao su và trở thành cổ đông của các Công ty Cao su đã tạo ra những chuyển biến tích tực trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Nhờ thực hiện mô hình nông dân góp đất, người dân địa phương được vào làm công nhân, bà con nhân dân đã kết hợp mô hình trồng cây cao su xen các loại cây lương thực để tạo thêm lương thực cũng như thức ăn chăn nuôi. Để định hướng cho nông dân, Công ty cổ phần cao su Sơn La đã phối hợp với Viện nghiên cứu miền núi phía bắc và Công ty Bông miền nam trồng thí điểm các loại cây ngắn ngày như lúa nương, đậu các loại , bông vải, cỏ chăn nuôi… trong vườn cao su để tìm ra loại cây trồng phù hợp giúp tăng thu nhập cho người dân.

Theo kết quả điều tra khảo sát của cơ quan tư vấn và của nhiều chuyên gia, cây cao su được trồng ở vùng Tây bắc nói chung và tại ba tỉnh thuộc vùng TĐC thủy điện Sơn La nói riêng, phát triển tương đối tốt, thu nhập của người dân địa phương tham gia cổ phần trồng cao su.

Năm 2009 khi đi thăm quan thực tế một số vườn trồng cao su tại Ma Quai (huyện Sìn Hồ), Khổng Lào (huyện Phong Thổ), Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng đã khẳng định: Phát triển cây cao su ở Lai Châu dứt khoát thành công bởi những cơ sở khoa học sau đây (nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu):

1) Đất trồng cao su tại những vùng này rất tốt (vì những cây cao su 1 năm tuổi ở Lai Châu phát triển tốt hơn, cao hơn so với ở Đắc Lắc).

2) Cao su một năm tuổi có khoảng cách giữa hai tầng là lớn hơn 40 cm (đây là khoảng cách theo tiêu chuẩn quốc tế) thể hiện phát triển chiều cao của cây.

3) Cao su một năm tuổi có chu vi 15cm trở lên (tính từ mặt đất) đạt tiêu chuẩn, thậm chí nhiều cây còn vượt tiêu chuẩn.

4) Tầng lá cũ vẫn tốt, đồng thời cây mọc chồi mới (rất thuận lợi cho việc quang hợp của cây).

5) Chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm tương đối rõ, điều này cho thấy cao su sẽ tích mủ lớn, cho năng suất mủ cao.

6) Sự phát triển của khoa học về giống cây cao su, với hơn 30 loại giống sẽ chọn ra những giống thích hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu... ở Lai Châu.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cao su là loại cây công nghiệp nhiệt đới điển hình, không chịu được tác động của bão và rét. Chỉ cần gió cấp 10 trở lên là cây ngã đổ, trời rét dưới 160C cây có thể sẽ chết vì rét. Tây Bắc là vùng có nhiệt độ mùa đông thường rất thấp, nhiều năm nhiệt độ trung bình tháng xuống dưới 16oC, hoàn toàn không thích hợp để trồng cao su. Việc phát triển quá mạnh về cây cao su ở vùng Tây bắc nói chung và ở ba tỉnh vùng TĐC thủy điện Sơn La đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà nguy cơ lớn nhất là điều kiện tự nhiên không thuận lợi, cây cao su dễ bị hư hại do thiên tai, sức cạnh tranh của sản phẩm cao su thường kém do điều kiện sản xuất khó khăn như địa hình đồi núi dốc, thường xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Bên cạnh đó, lực lượng lao động chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, trình độ nhận thức, kỹ năng lao động còn hạn chế. Tập quán canh tác truyền thống của người dân quen với trồng cây ngắn ngày, nay chuyển sang trồng cây công nghiệp dài ngày, lại chưa hiểu rõ về cao su và giá trị kinh tế của nó cho nên khi triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. Việc chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su còn gặp vướng mắc, trong khi đất cộng đồng không có nhiều để bổ sung. Việc trồng, quản lý, chăm sóc cao su mang tính thời vụ cao, tập trung theo từng giai đoạn nhất định, do vậy nhu cầu lao động thường bị thiếu, nhất là trong thời gian trồng mới, bón phân chăm sóc…

Để đảm bảo phát triển cây cao su ở khu vực miền núi phía bắc bền vững, hiệu quả và ít rủi ro, ngày 22/6/2011 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ra Chỉ thị số 1766/CT-BNN-TT về việc phát triển cây cao su các tỉnh miền núi phía bắc trong thời gian tới. Ngoài các yêu cầu về nguồn giống cao su, về biện pháp canh tác và tổ chức sản xuất, Chỉ thị đề nghị UBND các tỉnh miền núi phía bắc có trồng cao su, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất cao su và các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 03/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó tổng diện tích trông cao su ở khu vực miền núi phía bắc không quá 50.000 ha và Thông tư số 58/2009/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn trồng cao su trên đất lâm nghiệp, không quy hoạch trông cao su ở độ cao trên 600 m so với mực nước biển.

Hầu hết các điểm TĐC thủy điện Sơn La đều ở cao độ thấp, có các điều kiện tự nhiên phù hợp với điều kiện sản xuất, sinh trưởng và phát triển cây cao su. Do vậy những điểm TĐC có đất lâm nghiệp nhưng không còn rừng có thể áp dụng tốt mô hình trồng cao su trên đất lâm nghiệp.



2.2. MÔ HÌNH TRỒNG VÀ CHẾ BIẾN CHÈ

2.2.1. Tổng quan về cây chè trồng ở vùng Tây bắc

Cây chè có tên khoa học là Camellia sinensis. Ngoài các loại chè bản địa có chất lượng cao đã tồn tại và phát triển ở vùng đất Tây bắc từ rất lâu đời như chè Suối Giàng ở Văn Chấn - Yên Bái, chè Tà Xùa ở Bắc Yên – Sơn La, chè Shan Tuyết ở vùng núi Tây Côn Lĩnh (huyện Hoàng Su phì và Vị Xuyên – Hà Giang), các giống chè cao cấp khác đang trồng ở vùng Tây bắc nói chung và ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng, phần lớn là loài nhập nội hoặc di thực từ nơi khác đến từ cách đây hàng trăm năm. Riêng giống chè Shan Tuyết, gọi tắt là chè Shan, là một loài cây có sức sống khoẻ, năng suất và chất lượng cao, được xem là nguồn gen quý hiếm và loại cây có giá trị kinh tế cao của Việt Nam. Chè Shan rất được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa thích bởi nước chè xanh, vị đậm, có mùi thơm hậu, không gắt; có tỷ lệ đường, caffeine cao hơn nhiều so với các loại chè khác.

Cây chè nói chung và chè Shan nói riêng còn được coi là loại cây có chức năng bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập của người dân miền núi Tây bắc. Chè Shan đã được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo như là một trong những loài cây rừng được trồng. Cây chè Shan đã và đang được trồng ở hầu hết các tỉnh vùng Tây bắc trong đó có Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Cây chè Shan có mặt tại hầu hết các địa phương (huyện, thị xã và thành phố) của ba tỉnh nói trên, nhưng tập trung nhiều nhất ở huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La, huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu và huyện Tủa Chùa tỉnh Điện Biên. Theo Tổng Công ty chè Việt Nam, hiện nay giống chè Shan chiếm khoảng 27% diện tích chè cả nước.

Cây chè đã được Đảng và Nhà nước ta coi là loại cây không chỉ để xoá đói giảm nghèo ở mà còn là cây làm giàu, góp phần lớn vào việc phát triển kinh tế nông thôn miền núi. Trong cơ cấu cây công nghiệp dài ngày của hầu hết các địa phương vùng Tây bắc, chỉ có cây chè là cây duy nhất ổn định và trụ vững lâu dài trên đất miền núi cả vùng thấp lẫn vùng cao. Trồng chè còn thu hút được một lượng lao động đáng kể, góp phần giải quyết việc làm và là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao ở Trung du miền núi nước ta nói chung và vùng Tây bắc nói riêng, góp phần thúc đẩy khu vực này có điều kiện hoà hợp với miền xuôi về kinh tế, văn hoá, xã hội.



2.2.2. Kết quả thực hiện

Thấy được tầm quan trọng của cây chè đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân vùng Tây bắc, ngày 21/9/2007 UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 1055/QĐ-UBND phê duyệt dự án Quy hoạch phát triển vùng kinh tế chè ở 4 xã gồm Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Pình và Sính Phình thuộc huyện Tủa Chùa giai đoạn 2006 – 2015, tầm nhìn 2020. Theo Quyết định này đến năm 2020 diện tích chè của vùng này khoảng 800 ha trong đó có 610 ha trồng mới, cải tạo 133 ha chè trồng từ năm 2001. Đến thời điểm này, vùng quy hoạch chè thuộc 4 xã phía bắc của huyện Tủa Chùa đã có 6 xưởng chế biến lớn, nhỏ đang hoạt động, đặt tại 4 xã trong vùng quy hoạch với tổng công suất chế biến đạt gần 6 tấn búp tươi/ngày, có khả năng chế biến hết 100% sản lượng chè búp tươi các xã nhập về trong từng chu kỳ hái. Ngoài vùng kinh tế chè Tủa Chùa nêu trên, tỉnh Điện Biên tiếp tục có chính sách thích hợp để phát triển vùng nguyên liệu chè công nghiệp, đưa diện tích chè Shan của tỉnh Điện Biên năm 2020 đạt khoảng 2.000 ha.

Ngày 30/7/2014 tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đã tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án phát triển vùng chè chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2014. Thông tin tại Hội nghị cho biết sau bốn năm thực hiện Đề án, tỉnh Lai Châu đã hình thành được vùng sản xuất chè tập trung chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và phân vùng nguyên liệu; tổ chức lại sản xuất ngành chè theo hướng gắn nông dân với doanh nghiệp theo hợp đồng, hợp tác kinh doanh; tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại các xã trong vùng chè... Hội nghị đã khẳng định cây chè là cây công nghiệp có lợi thế ở Lai Châu cần được nhân rộng và phát triển, đồng thời đây cũng là tiền đề vững chắc cho việc mở rộng quy mô, nâng cao sản lượng và chất lượng chè Lai Châu. Đến thời điểm tổ chức hội nghị, tỉnh Lai Châu đã trồng được 3.358 ha chè, trong đó trên 2.410 ha là chè kinh doanh, tăng 306 ha so với năm 2010, chủ yếu là giống chè Kim Tuyên và chè Shan. Theo báo cáo, hơn 500 hộ gia đình trong vùng dự án được hưởng lợi và giải quyết việc làm có thu nhập ổn định cho trên 2.570 lao động/năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 2015-2020, tỉnh Lai Châu tiếp tục mở rộng vùng chè tập trung chất lượng cao ra nhiều xã trên địa bàn các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ và thành phố Lai Châu. Dự kiến đến năm 2020 sẽ trồng mới khoảng 1.000 ha, nâng tổng diện tích chè của tỉnh lên trên 4.300 ha.

Tuy nhiên theo kết quả điều tra khảo sát năm 2014 trên vùng dự án di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La thuộc tỉnh Lai Châu không có mô hình trồng chè nào.



2.2.3. Đánh giá hiệu quả và khả năng nhân rộng mô hình

Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, gắn kết vùng nguyên liệu chuyên canh với các nhà máy chế biến, gắn lợi ích người lao động với lợi ích của công ty, doanh nghiệp trong việc trồng, chăm sóc và phát triển cây chè tại các khu, điểm tái định cư thủy điện Sơn La nói riêng và ba tỉnh vùng Tây bắc nói chung đã đạt được hiệu quả kinh tế nhất định, đã tạo việc làm tương đối ổn định và có thu nhập cho người dân trồng chè. Cũng như mô hình trồng cao su, mô hình trồng và chế biến chè góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, chuyển dần người lao động nông nghiệp thuần tuý thành công nhân nông nghiệp. Do có lợi thế về điều kiện tự nhiên như yếu tố khí hậu và đất đai phù hợp với yêu cầu sinh trưởng và phát triển của chè nên cây chè trồng ở vùng Tây bắc nói chung và ở ba tỉnh vùng TĐC thủy điện Sơn La nói riêng phát triển tốt, chất lượng sản phẩm cao, có thể chế biến thành nhiều loại loại sản phẩm chè khác nhau, đặc biệt là các chè cao cấp, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng ở trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, gắn kết vùng nguyên liệu chuyên canh với các nhà máy chế biến chè trên địa bàn ba tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu nói chung, vùng di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La nói riêng có thể phát triển và nhân rộng. Đất lâm nghiệp hoặc đất nông nghiệp ở điểm TĐC nào có điều kiện địa hình và thổ nhưỡng thuận lợi cho việc trồng cây chè, có thể chủ động liên kết với các cơ sở chế biến, kinh doanh và tiêu thụ chè có uy tín và thương hiệu trong vùng để chuyển đổi sang trồng chè cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở này. Đây là một hướng tốt giúp đồng bào ở các điểm TĐC này có việc làm, thu nhập tương đối cao và ổn định.

Để phát triển ngành trồng trọt nói chung và ngành chè nói riêng theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng sản phẩm trong nước và xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nước, lao động và nguồn vốn, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, ngày 16/4/2012 Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 824/QĐ-BNN-TT về việc phê duyệt đề án phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. trong đó cây chè được xếp vào vị trí số 1 trong nhóm các loại cây công nghiệp lâu năm cần ưu tiên phát triển. Đây là cơ hội để phát triển và nhân rộng mô hình trồng và chế biến chè tại các điểm TĐC thủy điện Sơn La.



2.3. MÔ HÌNH TRỒNG VÀ CHẾ BIẾN LÂM SẢN

2.3.1. Tổng quan về hiện trạng và quy hoạch phát triển lâm nghiệp ở vùng Tây bắc

Theo số liệu thống kê và điều tra, đến năm 2012 tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng của ba tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu là 1.605.333 ha, tỷ lệ che phủ rừng trung bình toàn vùng đạt 49%. Chi tiết của từng tỉnh như sau

 Tỉnh Sơn La có 539.057 ha đất có rừng, trong đó đất rừng tự nhiên 439.592 ha, đất rừng trồng 41.047 ha, đất rừng đặc dụng bảo tồn thiên nhiên cấp tỉnh 59.000 ha, tỷ lệ che phủ bình quân đạt 38%. Đất có khả năng phát triển nông, lâm nghiệp khoảng 500.000 ha (phần lớn dùng cho phát triển lâm nghiệp). Hệ thống rừng đặc dụng bảo tồn thiên nhiên cấp tỉnh của tỉnh Sơn La có 04 khu gồm:

+ Khu bảo tồn rừng tự nhiên Copia, thuộc địa bàn các xã Nậm Lầu, Co Mạ, Long Hẹ, Chiềng Bôm (huyện Thuận Châu), quy mô 6.311 ha.

+ Khu bảo tồn rừng tự nhiên Sốp Cộp, thuộc địa bàn các xã Nậm Mằn, Huổi Một, Mường Cai (huyện Sông Mã), Púng Bánh, Sốp Cộp, Dồm Cang (huyện Sốp Cộp), quy mô 18.020 ha.

+ Khu bảo tồn rừng tự nhiên Tà Xùa, thuộc địa bàn các xã Háng Đồng, Tà Xùa (huyện Bắc Yên), Suối Tọ, Mường Thái (huyện Phù Yên), quy mô 16.553 ha

+ Khu bảo tồn rừng tự nhiên Xuân Nha, thuộc địa bàn các xã Chiềng Xuân, Tân Xuân, Xuân Nha (huyện Vân Hồ), Lóng Sập, Chiềng Sơn (huyện Mộc Châu), quy mô 18.116 ha.

 Tỉnh Điện Biên hiện có 656.373 ha đất có rừng, trong đó đất rừng phòng hộ 384.065 ha, đất rừng đặc dụng 46.259 ha, đất rừng sản xuất 180.468 ha và đất khu bảo tồn thiên nhiên 45.581 ha, tỷ lệ rừng che phủ đạt 69%.

 Tỉnh Lai Châu có 409.903 ha đất có rừng, trong đó có 244.720 ha đất rừng phòng hộ, 29.038 ha đất rừng đặc dụng và 136145 ha đất rừng sản xuất, tỷ lệ rừng che phủ đạt 49%.

Để đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo đến mức cao nhất an ninh sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng, các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên đã thông qua quy hoạch bảo tồn, khai thác và phát triển rừng. Cụ thể như sau:

 Ngày 13/8/2014 UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 2125/QĐ-UBND về việc công bố quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Sơn La đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó đến năm 2020 diện tích đất có rừng của tỉnh 779.594 ha, trong đó rừng tự nhiên 698.716 ha, rừng trồng 80.878 ha (rừng thuộc khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh 79.000 ha, rừng phòng hộ 356.658 ha và rừng sản xuất 343.936 ha). Ngoài việc tiếp tục duy trì và bảo vệ 04 khu vực dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh là Copia, Sốp Cộp, Tả Xùa và Xuân Nha, tỉnh Sơn La sẽ xây dựng thêm khu bảo tồn thiên nhiên Mường La trên địa bàn 3 xã gồm Hua Trai 1, Ngọc Chiến, Nậm Păm thuộc huyện Mường La, quy mô khoảng 20.000 ha và 01 khu rừng bảo vệ cảnh quan văn hoá - lịch sử - môi trường mang tên “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp” có diện tích 247 ha thuộc Bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên. Tỉnh Sơn La cũng quy hoạch hệ thống vườn thực vật, các vườn thú, nhà bảo tàng thiên nhiên, vườn sưu tập cây thuốc, ngân hàng gen, quy hoạch bảo tồn các giống cây trồng vật nuôi bản địa có giá trị khoa học và kinh tế đặc biệt…

 Theo đề nghị của UBND tỉnh Điện Biên và của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 07/6/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Điện Biên. Theo đó đến năm 2020 tổng diện tích đất lâm nghiệp của Điện biên là 773.688 ha, trong đó đất rừng phòng hộ có 423.113 ha, đất rừng đặc dụng có 47.581 ha, đất rừng sản xuất có 257.413 ha và đất khu bảo tồn thiên nhiên có 45.581 ha.

 Ngày 13/7/2012 Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch bản vệ và phát triển rừng tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2020. Theo đó đến năm 2020 tổng diện tích đất có rừng của Lai Châu là 680.300 ha, trong đó rừng đặc dụng 41.275 ha (gồm diện tích vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia Hoàng Liên 7.500 ha, rừng đặc dụng huyện Mường Tè 33.775 ha), rừng phòng hộ 360.893 ha (gồm rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đà, sông Nậm Na, sông Nậm Mu… 304.593 ha, rừng phòng hộ đầu nguồn kết hợp phòng hộ khu vực biên giới 54.600 ha, rừng phòng hộ đầu nguồn kết hợp bảo vệ môi trường 1.700 ha)) và rừng sản xuất 278.132 ha (gồm đất rừng nguyên liệu, khoanh nuôi rừng tái sinh tự nhiên, vườn rừng 81.452 ha, đất rừng tự nhiên và rừng trồng cần bảo vệ 117.950 ha, đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp chưa sử dụng 78.730 ha).

Nghị quyết của HĐND tỉnh Lai Châu cũng định hướng tổ chức sản xuất kinh doanh, khai thác, chế biến lâm sản và phát triển rừng theo hướng phát triển mô hình liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp với hộ gia đình theo hình thức người dân góp đất, doanh nghiệp đầu tư vốn, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển hình thức sản xuất lâm nghiệp hộ gia đình, trang trại, cộng đồng bản và hợp tác xã. Kết hợp giữa xây dựng vùng nguyên liệu với xây dựng cơ sở chế biến. Hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông, lâm kết hợp nhằm hạn chế thấp nhất canh tác nương rẫy trên đất lâm nghiệp.



2.3.2. Kết quả thực hiện

Hầu hết diện tích rừng và đất quy hoạch thành đất lâm nghiệp ở nước ta nói chung và các tỉnh vùng TĐC thủy điện Sơn La nói riêng đều được giao cho các tổ chức kinh tế - xã hội, các hộ gia đình và cá nhân trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác. Tuy nhiên cái khó của mô hình này nhất là mô hình trồng rừng là khả năng sinh lời thấp. Rừng thường được trồng ở những nơi không có điều kiện thuận lợi canh tác nông nghiệp. Trồng và chăm sóc rừng kéo dài trong một thời gian tương đối dài mới được thu hoạch trong khi đời sống của người trồng rừng, những người sống dựa vào rừng thường rất khó khăn, họ cần có nguồn thu nhập ổn định đủ đảm bảo cuộc sống hàng ngày cho gia đình và cho cộng đồng.

Để khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng và chế biến lâm sản theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, ngày 10/9/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015.

Đối với vùng tái đinh cư thủy điện Sơn La, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Thông tư số 80/2007/TT-BNN ngày 24/9/2007 hướng dẫn quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ nông lâm sản và thủ tục hỗ trợ sản xuất đối với các vùng tái định cư thủy điện Sơn La và Thông tư 34/2008/TT-BNN ngày 14/02/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 80/2007/TT-BNN.

Để phù hợp với điều kiện thực tế của vùng TĐC thủy điện Sơn La, ngày 12/8/2014 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 30/VBHN-BNNPTNT hướng dẫn quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ nông lâm sản và thủ tục hỗ trợ sản xuất đối với các vùng tái định cư thủy điện Sơn La. Đây là văn bản hợp nhất các văn bản có liên quan đã ban hành trước đó.

Theo kết quả điều tra khảo sát năm 2014, trên vùng dự án di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La cho thấy ngoài diện tích cây cao su, cây chè đang được trồng ở nhiều điểm TĐC vừa để khai thác, chế biến sản phẩm vừa để gia tăng độ che phủ của rừng thông qua mô hình người nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất hợp tác với công ty trồng, kinh doanh cao su (hoặc chè), trở thành cổ đông hưởng cổ tức. Tổng diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho các chủ rừng ở các điểm TĐC thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Sơn La là 12.436 ha (trồng và chăm sóc 4.331 ha, khoanh nuôi bảo vệ 8.105 ha).

Sản phẩm ngành lâm nghiệp trên địa bàn vùng Tây bắc nói chung và ba tỉnh vùng TĐC thủy điện Sơn La chủ yếu là gỗ rừng trồng, đa phần là các loại cây gỗ có thời gian sinh trưởng không quá lâu, phát triển nhanh như: keo tai tượng, keo lai, bạch đàn, bồ đề, tếch, mỡ, giổi,… và các sản vật khác của rừng như tre, nứa, song, mây… :

- Các loại gỗ khai thác từ rừng sản xuất chủ yếu dùng làm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy giấy, để sản xuất đồ gỗ cho gia đình, công sở, trường học ở trong vùng hoặc dùng trong xây dựng dân dụng, với công nghệ đơn giản, trang thiết bị thủ công.

- Các sản vật khác của rừng như tre, nứa, song, mây… được người dân địa phương trồng và khai thác để làm vật liệu xây dựng, sản xuất thành các sản phẩm dùng trong gia đình và cung cấp cho thị trường, hoặc làm nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để xuất khẩu….

Do nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ rừng là rất lớn nên hầu hết các sản phẩm từ rừng, từ nguyên liệu thô đến nguyên liệu đã được người dân địa phương khai thác, chế biến thành sản phẩm phục vụ nhu cầu xây dựng hoặc tiêu dùng đều được tiêu thụ hết.



2.3.3. Hiệu quả và khả năng nhân rộng mô hình

Vùng Tây bắc nói chung và ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu thuộc địa bàn TĐC thủy điện Sơn La nói riêng có nhiều lợi thế để phát triển lâm nghiệp, có diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn quan trọng bậc nhất Việt Nam, là mái nhà che và đảm bảo an toàn sinh thái cho không chỉ nội vùng Tây bắc mà cho cả vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Rừng tự nhiên và rừng trồng ở vùng Tây bắc không chỉ có giá trị về mặt kinh tế - môi trường sinh thái, là nguồn thu nhập, nguồn sống của một bộ phận không nhỏ đồng bào các dân tộc, mà còn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc nơi đây từ hàng nghìn đời nay. Nếu mất rừng, văn hóa vùng Tây bắc cũng bị mất theo.

Nhiều điểm TĐC thủy điện Sơn La có giao đất lâm nghiệp cho các hộ dân quản lý và khai thác. Mặc dù trước mắt đời sống của các hộ dân được giao đất rừng còn nhiều khó khăn do sản phẩm từ rừng thu về chưa nhiều, nhưng nhìn chung các loại cây rừng trồng trên đó đều phát triển khá tốt, trong tương lai khi đến kỳ thu hoạch sản phẩm thì đây sẽ là một nguồn thu đáng kể của các hộ trồng rừng và được giao quản lý chăm sóc rừng. Nhờ có thị trường tiêu thụ ở trong nước và ngoài nước tương đối tốt nên tại những điểm TĐC có áp dụng mô hình trồng và chế biến lâm sản, bước đầu đã tạo thêm được nhiều việc làm có thu nhập, dù chưa cao, nhưng đã góp phần đảm bảo cuộc sống của người dân các điểm TĐC được giao đất trồng rừng và bảo vệ rừng.

2.4. MÔ HÌNH CHĂN NUÔI BÒ SỮA, BÒ THỊT

2.4.1. Tổng quan về chăn nuôi bò sữa, bò thịt ở vùng Tây bắc

Nuôi trâu, bò, dê, ngựa và các loại gia súc lớn để lấy thịt ở nước ta và vùng Tây bắc là nghề truyền thống, có từ rất lâu đời, nhưng nuôi bò lấy sữa ở nước ta chỉ mới bắt đầu từ đầu những năm 1920 tại các đồn điền của người Pháp ở miền Nam. Phát triển nuôi bò lấy sữa ở miền Bắc chỉ mới bắt đầu từ những năm 1960. Ba Vì (Hà Nội) và Mộc Châu (Sơn La) là các địa phương nuôi bò sữa sớm nhất và cũng là các trung tâm nuôi bò sữa lớn nhất miền Bắc.



2.4.2. Kết quả thực hiện

a) Chăn nuôi bò sữa:

Chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam nói chung và tại ba tỉnh vùng TĐC thủy điện Sơn La nói riêng không phải là nghề truyền thống và cũng không có nhiều lợi thế cạnh tranh như nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, nhờ được tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến về dinh dưỡng, con giống, chuồng trại…, ngành chăn nuôi bò sữa ở nước ta đang trên đà phát triển tương đối mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang xuất hiện nhiều mô hình có hiệu quả, trang trại bền vững có sự gắn kết với vùng nguyên liệu, người chăn nuôi, doanh nhiệp thu mua, chế biến sữa. Phần lớn các doanh nghiệp chế biến sữa có thị phần lớn đã có chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu như cho vay tín dụng, phát triển mạng lưới thu gom sữa…

Chăn nuôi bò sữa tại các tỉnh vùng TĐC thủy điện Sơn La tập trung chủ yếu ở khu vực cao nguyên Mộc Châu. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi và quỹ đất để phát triển đồng cỏ trên 3.000 ha, cao nguyên Mộc Châu được đánh giá là có khả năng tốt nhất để phát triển chăn nuôi bò sữa lớn nhất nước. Tại khu vực thị trấn Nông trường Mộc Châu, thị trấn Mộc Châu và các xã dọc quốc lộ 6, đã hình thành các trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung với 5.899 con bò sữa của 484 hộ chăn nuôi (số liệu năm 2013).

Ngoài cao nguyên Mộc Châu, một số khu vực khác trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu cũng bắt đầu xuất hiện một số mô hình nuôi bò sữa quy mô hộ gia đình. Phần lớn các hộ chăn nuôi bò sữa theo phương thức bán thâm canh, sử dụng chủ yếu các nguồn thức ăn thô xanh sẵn có, phụ phẩm trong nông nghiệp, chuồng trại tận dụng, cơi nới, chưa bảo đảm vệ sinh thú y… nên hiệu quả sản xuất không cao, sức cạnh tranh và khả năng tiêu thụ sản phẩm kém.

Theo kết quả điều tra khảo sát năm 2014 của cơ quan tư vấn, trên vùng dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La, trước đây đã có một vài doanh nghiệp có uy tín triển khai mô hình hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho đồng bào tái định cư nuôi bò sữa để cung cấp nguyên liệu sữa cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, do đa phần đồng bào tái định cư là dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức, kỹ năng lao động còn hạn chế, quen với chăn nuôi tự phát, khi chuyển sang chăn nuôi bò sữa đòi hỏi phương thức và công nghệ chăn nuôi cao, hệ thống chuồng trại, vắt sữa, thu gom phải đồng bộ, phải có trình độ hiểu biết nhất định về kiến thức dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi… nên khi triển khai mô hình này gặp nhiều khó khăn và hiệu quả đạt được không mong muốn.

b) Chăn nuôi bò thịt:

Do có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, thị trường tiêu thụ rộng nên nuôi bò lấy thịt ở các xã, huyện thuộc ba tỉnh vùng TĐC thủy điện Sơn La tương đối phát triển. Hiện nay tổng đàn bò của ba tỉnh này ước tính đạt khoảng 300.000 con, tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm khoảng 10,5%. Theo nhận định của các cấp chính quyền địa phương, chăn nuôi đại gia súc nói chung và nuôi bò lấy thịt nói riêng là một giải pháp hiệu quả giúp các gia đình vùng núi Tây bắc nói chung và vùng TĐC thủy điện Sơn La xoá đói giảm nghèo. Do nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, nguồn vốn của các hộ gia đình còn eo hẹp không thể đầu tư lớn để hình thành các trang trại hay các vùng chăn nuôi tập trung, nên phần lớn chăn nuôi gia súc nói chung và nuôi bò lấy thịt nói riêng ở các tỉnh này và ở các điểm TĐC chủ yếu theo quy mô nhỏ lẻ, cá thể, hộ gia đình, với hình thức chăn thả là chính.

Theo số liệu điều tra năm 2014, tổng số đàn bò thịt đang nuôi tại các điểm TĐC thủy điện Sơn La, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 10.161 con.

2.4.3. Hiệu quả và khả năng nhân rộng mô hình

a) Chăn nuôi bò sữa:

Như đã nêu ở phần trên, chăn nuôi bò sữa theo mô hình khoán hộ hầu như trên địa bàn tất cả các điểm TĐC chưa được triển khai do khả năng tiếp nhận công nghệ và kỹ năng lao động của người dân về lĩnh vực mới này còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp, trong tương lai mô hình này rất khó có khả năng nhân rộng.



b) Chăn nuôi bò thịt:

Chăn nuôi bò thịt theo mô hình nông hộ là nghề truyền thống có từ lâu đời ở tất cả các địa phương vùng Tây bắc. Mô hình này đang được triển khai tại hầu hết trên các điểm TĐC thủy điện Sơn La. Người nông dân ở vùng này đã quen với phương thức chăn thả gia súc theo bầy đàn và có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho các loại gia súc nói chung và cho bò lấy thịt nói riêng. Mặt khác, mô hình này không đòi hỏi kinh phí đầu tư quá lớn, Nhà nước có thể hỗ trợ người chăn nuôi một khoản vốn vay ban đầu phù hợp để xây dựng hệ thống chuồng trại và con giống.... Đây là yếu tố rất thuận lợi giúp họ dễ dàng tiếp thu được các kiến thức và công nghệ mới trong việc chăn nuôi bò thịt thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, tham quan.... Việc tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi bò thịt quy mô hộ gia đình, kết hợp phát triển quy mô trang trại, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người chăn nuôi sẽ là một trong những giải pháp tốt góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại và sản xuất hàng hoá, tạo được nhiều việc làm có thu nhập cao và ổn định cho các hộ dân tham gia vào mô hình này.



2.5. MÔ HÌNH NUÔI THỦY SẢN TRÊN LÒNG HỒ THỦY ĐIỆN SƠN LA

2.5.1. Tổng quan về nghề nuôi thủy sản trong lòng hồ thủy điện

Ngày 15/5/2010 hồ thủy điện Sơn La bắt đầu tích nước để hình thành hồ chứa nước và nhà máy thủy điện lớn nhất Đông nam Á, đến ngày 5/11/2010, hồ đã tích nước đến cao trình 189,3 m đáp ứng cho phát điện tổ máy số 1. Bắt đầu từ đây, một mô hình sản xuất mới, một nghề mới lần đầu tiên xuất hiện trong vùng TĐC thủy điện Sơn La, đó là nghề nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ thủy điện.



2.5.2. Kết quả thực hiện

Khi thực hiện dự án di dân dân tái định cư thuỷ điện Sơn La, phần lớn đất sản xuất của đồng bào các dân tộc vùng dự án đã trở thành diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản và người dân đã chuyển dần sang phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Cùng với sự phát triển mạnh của mô hình nuôi cá tầm trong khu vực đối với các hộ dân tái định cư thì mô hình nuôi cá tầm đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất cao nên rất khó khăn do thói quen nuôi cá quảng canh, chưa chú trọng sản xuất hàng hoá, thiếu các biện pháp kỹ thuật. Mặt khác người nông dân chưa có điều kiện tiếp cận với quy trình kỹ thuật, kiến thức cần thiết về kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản nên sản xuất chưa đạt được kết quả mong muốn. Còn đối với mô hình nuôi cá lồng với các loại cá chép, cá trắm cỏ thì mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích hợp với những xã vùng thấp như Chăn Nưa, Nậm Mạ, Nậm Hăn.

Theo kết quả điều tra khảo sát năm 2014 trên vùng dự án di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La trên địa bàn tỉnh, mô hình nuôi cá lồng chưa được triển khai đầu tư thực hiện.

2.5.3. Hiệu quả và khả năng nhân rộng mô hình

Như đã nêu ở phần trên, kể từ ngày hồ thủy điện Sơn La tích nước đến nay đã hơn 4 năm và cũng là 4 năm triển khai xây dựng mô hình nuôi cá lồng trong lòng hồ, tất cả các mô hình nuôi cá từ của doanh nghiệp đến hộ dân đều rất thành công. Nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sơn La đã và đang mang lại hiệu quả lớn về mặt kinh tế và xã hội.

Với diện tích mặt nước 224 km2, điều kiện khí hậu ôn hoà, nhiệt độ nước hồ tương đối thấp và ổn định quanh năm, hồ thủy điện Sơn La có tiềm năng rất lớn để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là thủy sản nước lạnh. Thấy được lợi thế và tiềm năng rất lớn này, các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đang khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và cá nhân đầu tư phát triển thủy sản, đặc biệt là thủy sản nước lạnh theo hướng hiện đại trong lòng hồ thủy điện Sơn La để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Đây là một chủ trương lớn mang tính đột phá, tạo nguồn sinh kế mới và bền vững, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, hạn chế phá rừng làm nương rẫy, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội.

2.6. MỘT SỐ MÔ HÌNH KHÁC

2.6.1. Mô hình trồng cà phê

Điều kiện thổ nhưỡng của nhiều khu vực thuộc vùng Tây bắc nói chung và ba tỉnh vùng TĐC thủy điện Sơn La nói riêng tương đối thích hợp với việc trồng và phát triển cây cà phê, đặc biệt là cây cà phê chè (tên khoa học là coffea arabica). Từ đầu những năm 1990, Công ty chè – cà phê – cây ăn quả Sơn La (nay là Công ty Cà phê và cây ăn quả Sơn La) đã mạnh dạn đầu tư, cho nông dân vay vốn mua giống, mua phân bón cung ứng cho nông dân mở rộng diện tích cà phê chè quy mô lớn tại huyện Mai Sơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng nghìn hecta cà phê chè đã được mở rộng ồ ạt tại các địa phương của huyện Mai Sơn.

Cây cà phê nói chung và cà phê chè nói riêng chỉ có thể sinh trưởng và phát triển bình thường ở những vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp. Vùng Tây bắc có rất nhiều loại đất khác nhau, không phải chỗ nào của vùng Tây bắc cũng có thể trồng được cây cà phê. Để có được năng suất và chất lượng cà phê đáp ứng yêu cầu của thị trường, yêu cầu về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê rất cao nhưng tại thời điểm của những năm 1990, yêu cầu này không phù hợp với tập quán canh tác của người dân vùng núi. Mặt khác, do phát triển trồng cây cà phê ồ ạt không có quy hoạch, không xét đến các điều kiện đã nêu ở trên (điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phong tục và trình độ canh tác của người dân địa phương), công tác tổ chức quản lý khai thác chưa phù hợp (doanh nghiệp khi đó chỉ có nhiệm vụ cung cấp giống, phân bón, vật tư để nông dân sản xuất, sau đó thu mua lại sản phẩm, còn người nông dân trồng cà phê hầu như không được tập huấn hướng dẫn canh tác đúng kỹ thuật và họ gần như chẳng có trách nhiệm gì với cây cà phê) nên kết quả đạt được không như mong muốn. Cuối năm 1999, một đợt sương muối nặng lịch sử càn quét vùng Tây bắc, khiến cho hàng nghìn hecta cà phê chè tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu gần như bị xóa sổ hoàn toàn khiến cho hàng trăm hộ dân và doanh nghiệp khốn đốn vì cây cà phê.

Do sự sôi động của thị trường cà phê trên thế giới nên việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cà phê ở vùng Tây bắc vẫn tiếp tục phát triển. Rút kinh nghiệm từ các bài học nêu trên của quá khứ, những năm gần đây các tỉnh vùng Tây bắc đã căn cứ vào điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của từng vùng để lựa chọn vùng đất có điều kiện thích hợp để quy hoạch xây dựng các vùng chuyên canh trồng cà phê theo từng giai đoạn phát triển phù hợp. Theo Báo cáo của Cục Trồng trọt, năm 2012 tổng diện tích cà phê của hai tỉnh Sơn la và Điện Biên đã đạt 9.756 ha trong đó:

- Tỉnh Sơn La có 6.371 ha (3.736 ha trong giai đoạn kinh doanh, 2.635 ha còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản), tập trung chủ yếu ở khu vực thành phố Sơn La và các huyện Mai Sơn, Thuận Châu.

- Tỉnh Điện Biên có 3.385 ha (1.468 ha trong giai đoạn kinh doanh, 1.917 ha còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản), chủ yếu tập trung tại huyện Mường Ẳng.

Kết quả điều tra khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp và người nông dân ở hai tỉnh này vẫn trồng và kinh doanh cà phê theo kiểu tự phát, chưa theo quy hoạch nào.

Để giữ ổn định vùng nguyên liệu, ổn định sản xuất, ổn định giá, nâng cao chất lượng và giữ vững thương hiệu cà phê Việt trên thị trường thế giới, ngày 21/8/2012 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 1987/QĐ-BNN-TT phê duyệt "Quy hoạch ngành cà phê Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030". Theo đó đến năm 2020, diện tích cà phê chè ở vùng Tây bắc (tập trung chủ yếu ở các tỉnh Sơn La và Điện Biên) được quy hoạch khoảng 9.500 ha. Như vậy đến thời điểm 2012 tổng diện tích cà phê của hai tỉnh này đã vượt diện tích quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định cho năm 2020.

Năm 2011 UBND tỉnh Sơn La phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển cây cà phê trên địa bàn tỉnh. Theo đó đến năm 2020 tổng diện tích cà phê của tỉnh khoảng 10.000 ha, tập trung chủ yếu ở TP Sơn La và các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp. Tỉnh Sơn La cũng đã có hàng loạt các chính sách và dự án cụ thể về giao thông, giống, tiêu thụ, vốn vay… nhằm thúc đẩy cây cà phê theo định hướng quy hoạch. Tỉnh Điện Biên cũng cho biết, quy hoạch diện tích cà phê của tỉnh này đến năm 2020 sẽ đạt khoảng trên 6.000 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Mường Ẳng (trên 4.200 ha), số còn lại phân bố ở các huyện Tuần Giáo, Mường Nhé và một số khu vực xung quanh TP Điện Biên Phủ. Như vậy theo quy hoạch riêng của hai tỉnh Sơn La và Điện Biên thì đến năm 2020, tổng diện tích cà phê chè ở 2 tỉnh này sẽ lên tới trên 16.000 ha, vượt 6.500 ha so với quy hoạch mà Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.

Kết quả điều tra khảo sát cho thấy hệ thống sản xuất, thu mua, tiêu thụ và chế biến cà phê ở vùng Tây bắc chưa hoàn chỉnh. Tình trạng tranh mua tranh bán, ép giá của tư thương vẫn diễn ra rất phức tạp. Tại tỉnh Sơn La, Công ty Cà phê và cây ăn quả Sơn La đã không còn hoạt động. Việc tiêu thụ sản phẩm phần lớn vẫn đang được giao phó cho lực lượng tư thương. Với vùng nguyên liệu đang trong giai đoạn kinh doanh gần 4.000 ha cà phê, nhưng hiện Sơn La chỉ có 3 cơ sở chế biến cà phê đặt tại xã Chiềng Xôm và Hua La (TP. Sơn La) và xã Chiềng Pấc (huyện Thuận Châu) theo công nghệ chế biến ướt hết sức lạc hậu. Diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh Điện Biên chủ yếu của Công ty cổ phần chế biến nông sản Điện Biên và Công ty cổ phần càp hê Thái Hòa quản lý, thu mua và tiêu thụ sản phẩm của người nông dân.

Kết quả điều tra cũng cho thấy rất nhiều điểm TĐC thủy điện Sơn La đã áp dụng mô hình trồng cà phê trên đất lâm nghiệp và đất nông nghiệp. Do điều kiện thổ nhưỡng của phần lớn các điểm TĐC là không phù hợp và kỹ thuật trồng cây cà phê của người dân tại các điểm TĐC này không đáp ứng được yêu cầu như đã nêu ở trên nên phần lớn các mô hình sản xuất cà phê đều thất bại, cây cà phê hoặc bị chết không cho thu hoạch hoặc không thể phát triển bình thường, cho năng suất, chất lượng và sản lượng thấp. Người dân và các cấp chính quyền địa phương nơi có điểm TĐC cho rằng không nên áp dụng mô hình trồng cây cà phê cho các điểm TĐC thủy điện Sơn La.

2.6.2. Mô hình trồng cây mắc ca

Cây mắc ca (tên khoa học là macadamia) có nguồn gốc nhập từ nước Úc. Từ năm 1994 cây mắc ca đã được đưa vào trồng thử nghiệm ở Ba Vì (Hà Nội), Đắc Lắk, Sơn La, Phú Thọ. Cây mắc ca được nhiều người gọi là “Cây tỷ đô” hoặc “Hoàng hậu của các loại hạt khô” do giá trị kinh tế của nó rất cao, có thể trồng độc lập hoặc trồng xen canh cùng với cây cà phê. Kết quả trồng thử nghiệm cho thấy cây trồng này đã hoàn toàn thích nghi và phát triển tốt ở Việt Nam. Sau 20 năm về Việt Nam, đến nay cả nước đã có khoảng 3.000 ha mắc ca, chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Sơn La và Điện Biên mới chỉ trồng được khoảng trên trăm 100 ha.

Là loại cây lâu năm, cây mắc ca có thể cho thu hoạch tới 100 năm, thân gỗ măc ca có thể dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ. Không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, cây mắc ca còn có tác dụng tăng độ che phủ rừng, góp phần cân bằng môi trường sinh thái ở những nơi rừng bị cạn kiệt. Do có nhiều ưu điểm như trên, năm 2011, cây macca được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến khích phát triển đại trà, quy mô công nghiệp, chọn làm loại cây đa mục đích.

Để khuyến khích nông dân đầu tư phát triển cây mắc ca, ngày 19/12/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó quy định: Nhà đầu tư có dự án trồng cây dược liêu, cây mắc ca có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống; hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở …”.

Do mắc ca là một loại cây trồng mới nên cả doanh nghiệp và người nông dân còn đang rất e dè. Số doanh nghiệp tham gia đầu tư trực tiếp vào loại sản phẩm này cũng khá rải rác, thưa thớt. Hiện nay vùng Tây bắc mới chỉ có Công ty Cổ phần Macamadia Điện Biên thuộc Công ty Cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế IDT trồng thử nghiệm loại cây này ở Điện Biên. Năm 2013 công ty đã trồng thí điểm và mở rộng diện tích được trên 57 ha tại tại nhiều địa phương trong tỉnh Điện Biên. Nhiều nông dân trực tiếp hợp tác với công ty trồng loại cây này đã đánh giá, đây là loại cây rất phù hợp với khí hậu miền núi, đặc biệt khác với các loại cây trồng khác, mắc ca ít xuất hiện sâu bệnh, điều mà người nông dân lo lắng nhất mỗi khi xác định trồng cây gì, nuôi con gì. Theo nhiều chuyên gia, sau cây cao su và cây cà phê, cây mắc ca sẽ là cây chủ lực cho phát triển kinh tế ở Tây bắc.

Cũng theo nhiều chuyên gia, nhu cầu thị trường thế giới về hạt mắc ca và sản phẩm từ hạt mắc ca là rất lớn nhưng cái khó ở đây là làm thế nào để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mắc ca của Việt Nam tiếp cận được những thị trường có nhu cầu sản phẩm cây mắc ca. Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc phát triển cây mắc ca ở nước ta cần hết sức thận trọng, phải có sự chuẩn bị chu đáo và song hành về công nghệ và thị trường tiêu thụ.

Kết quả điều tra năm 2014 cho thấy một số hộ dân tại một số điểm TĐC có trồng cây mắc ca nhưng không nhiều, chủ yếu mang tính thử nghiệm như một loại cây trồng trong vườn nhà.

2.7. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Như đã giới thiệu và phân tích, trong số các mô hình sản xuất nêu trên thì 05 mô hình sản xuất sau đây là có hiệu quả kinh tế tương đối cao. Các mô hình này có thể giúp người dân các điểm TĐC thủy điện Sơn La có cơ hội chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thay đổi tập quán canh tác từ lạc hậu sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng đất đai hiệu quả, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế hợp lý, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc:

1) Mô hình trồng và phát triển cây cao su.

2) Mô hình trồng và chế biến chè.

3) Mô hình trồng và chế biến lâm sản.

4) Mô hình chăn nuôi bò thịt.

5) Mô hình nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ.

Để phát triển và nâng cao hiệu quả của các mô hình này, Nhà nước cần có cơ chế chính sách cụ thể hơn nữa để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, thu mua và bao tiêu hết sản phẩm lao động của người nông dân với giá cả hợp lý; tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ người nông dân sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm,...



Chương 3

KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG ĐỜI SỐNG CỦA NHÂN DÂN

VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG TÁI ĐỊNH CƯ

DỰ ÁN THỦY ĐIỆN SƠN LA

3.1. TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN TỈNH LAI CHÂU

3.1.1. Vị trí địa lý

Lai Châu là tỉnh miền núi cao nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam có toạ độ địa lý từ 21o51 phút đến 22o49 phút vĩ độ Bắc và 102o19 phút đến 103o59 phút kinh độ Đông, cách Hà Nội 450 km về phía Tây Bắc:


- Phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc;

- Phía Đông giáp với tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La;

- Phía Tây và phía Nam giáp với tỉnh Điện Biên.

Lai Châu có diện tích tự nhiên: 9.112 km2, có 261,2km đường biên giới Việt - Trung với cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng và nhiều lối mở trên tuyến biên giới Việt - Trung trực tiếp giao lưu với vùng lục địa rộng lớn phía Tây Nam của Trung Quốc. Lai Châu được gắn với khu vực tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh bằng các tuyến Quốc lộ 4D, Quốc lộ 70, Quốc lộ 32 và đường thuỷ sông Đà nên có tiềm năng để phát triển dịch vụ – thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch.



3.1.2. Đặc điểm địa hình

Lai Châu có địa hình núi cao, trên 60% diện tích có độ cao trên 1.000 m, trên 90% diện tích có độ dốc trên 25o, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, xen kẽ là các thung lũng có địa hình tương đối bằng phẳng như Mường So, Tam Đường, Bình Lư, Than Uyên.



3.1.3. Đặc điểm khí hậu

Khí hậu Lai Châu chia thành 2 mùa rõ rệt, mùa đông từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9. Nhiệt độ trung bình năm 21,4oC (nhiệt độ trung bình tháng cao nhất là 27oC, thấp nhất là 16oC). Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.200 - 1.600 mm. Độ ẩm không khí trung bình là 81%




3.1.4. Đất đai - thổ nhưỡng

Đất đai của tỉnh Lai Châu được chia thành 2 nhóm chính :


- Nhóm đất đồi núi feralit vàng đỏ -Ferralic Acrisols , phong hóa từ nhiều lọai đá khác nhau, chiếm diện tích lớn nhất tòan tỉnh. Phần lớn nằm ở độ cao 700 – 1000m , độ dốc trên 250, bị rửa trôi mạnh, độ chua cao. Trên cao hơn nữa là đất mùn alit – Humic Alisols, đá phong hóa yếu, tầng đất mỏng, trên cùng là một thảm lá mục lẫn lộn lá- rêu. Còn có thể gặp đất đen carbonat – Calcic Luvisols , hình thành trên phong hóa đá vôi ở các địa hình sườn dốc.

- Nhóm đất ruộng ( ruộng bậc thang ) chủ yếu là đất feralit và đất bồi tụ có nguồn gốc phù sa cỗ, tầng đất mỏng, thành phần từ đất thịt trung bình đến đất thịt nặng.

Thổ nhưỡng chủ yếu là các loại đất đỏ và vàng nhạt phát triển trên đá, cát, đá sét và đá vôi, có kết cấu khá chặt chẽ.

3.1.5. Tài nguyên nước mặt

Là vùng thượng lưu sông Đà, lượng mưa lớn nên mật độ sông suối cao từ 5,5- 6 km/km2, ngoài ra còn có nhiều sông, suối khác có lưu lượng nước lớn như:

+ Sông Nậm Na (diện tích lưu vực khoảng 2.190 km2) chảy qua các địa bàn gồm toàn bộ huyện Phong Thổ, khu vực Tam Đường, phần tây Bắc của Sìn Hồ với mô đun dòng chảy trung bình 40-80 m3/s.

+ Sông Nậm Mạ chảy qua toàn bộ các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ, tổng diện tích lưu vực khoảng 930 km2, độ dốc khá nhỏ, chế độ dòng chảy thuận, mô đun trung bình đạt 50 m3/s.

+ Sông Nậm Mu chảy dọc theo thung lũng Bình Lư, Than Uyên có diện tích lưu vực khoảng 170 km2, mô đun dòng chảy mùa kiệt đạt 8 m3/s, mùa lũ đạt 12-14 m3/s.


Каталог: UserFiles -> File
File -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
File -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
File -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
File -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
File -> BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịCH
File -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
File -> Số: 38/2009/QĐ-ttg CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
File -> BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịch cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
File -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)
File -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII

tải về 1.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương