BỘ giáo dục và ĐÀo tạo tài liệu giáo dục về TÀi nguyên và MÔi trưỜng biểN, ĐẢo cho học sinh trung học phổ thôNG



tải về 0.93 Mb.
trang6/11
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.93 Mb.
#30674
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

Thành phố Vũng Tàu

Vũng Tàu nằm trên bán đảo cùng tên, nhô hẳn ra khỏi đất liền như một dải đất, có chiều dài khoảng 14km và chiều rộng khoảng 6km, đã từng là tỉnh lỵ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ nơi đây, người ta có thể nhìn ra Biển Đông cả khi Mặt Trời mọc lẫn lúc hoàng hôn.

Là một thành phố ven biển, có bờ biển trải dài 20km, Vũng Tàu trở thành nơi du lịch nổi tiếng từ lâu của du khách trong và ngoài nước. Đây còn là vùng đất có truyền thống văn hoá – lịch sử lâu đời với những di tích mang đậm dấu ấn của những thời kỳ lịch sử. Hiện nay, cả tỉnh có 29 khu di tích được xếp hạng cấp quốc gia.

Hình 2.20. Bãi biển Long Hải (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Vũng Tàu nổi tiếng với những bãi biển dài và đẹp, chạy uốn lượn quanh thành phố. Bãi Trước ở phía Tây - phía Mặt Trời lặn, bãi Sau ở phía Đông - phía Mặt Trời mọc của trung tâm thành phố Vũng Tàu, rồi còn bãi Dứa, bãi Dâu thoả sức cho du khách vẫy vùng với sóng nước. Bãi Trước (còn gọi là bãi Tầm Dương, vịnh Hàng Dừa) được xem là mặt tiền của thành phố Vũng Tàu; con đường Trần Phú, Quang Trung chạy dọc theo bãi Trước cũng tập trung nhiều khách sạn, công viên,... càng tôn thêm vẻ đẹp của bãi biển này. Bãi Sau còn có tên là bãi Thuỳ Vân, là bãi biển dài nhất của Vũng Tàu (8km), luôn sôi động, nhộn nhịp vì hầu hết khách du lịch đều đổ về đây. Bãi Sau có khu vui chơi giải trí Thiên Đường (Paradis), các khu du lịch tắm biển và hệ thống khách sạn hiện đại đáp ứng nhu cầu tắm biển, nghỉ dưỡng của du khách. Bãi Dứa nằm phía tây của núi Nhỏ. Vùng này trước đây cây dứa - một loại thảo mộc lá dài có gai, mọc khá nhiều bên sườn núi nên bãi biển mang tên loài cây ấy. Ở bãi Dứa, một trong những bãi biển đẹp và thu hút nhiều du khách đến vui đùa, biển len sâu vào bờ tạo nên những ghềnh đá vươn dài ra biển, đồng thời tạo thành những vũng tắm kín đáo, thơ mộng. Bãi Dâu nằm phía Tây núi Lớn và phía bắc trung tâm thành phố Vũng Tàu. Từ bãi Trước, theo đường Trần Phú, đi quá di tích Bạch Dinh chừng 3km là tới bãi Dâu. Trước khi có tên gọi bãi Dâu, bãi này được gọi là Vũng Mây do nơi đây có nhiều mây rừng. Cây mây và cây dâu hiện không còn nhưng tên gọi của nó lại gắn liền với một bãi biển kín gió, nhiều ghềnh đá kỳ thú, thơ mộng.

Vũng Tàu không chỉ có biển, mà núi đồi cũng là thắng cảnh không thể thiếu của thành phố biển này, như núi Lớn, núi Nhỏ, núi Hòn Sụp, núi Vũng Mây,... Đến núi Lớn, du khách không thể bỏ qua Thích Ca Phật Đài, một di tích lịch sử văn hoá và là thắng cảnh rất nổi tiếng của thành phố Vũng Tàu. Vào khoảng năm 1957, nơi đây còn hoang sơ với ngôi chùa Thiền Lâm khiêm tốn. Năm 1962, Giáo hội Phật giáo lập đồ án xây dựng Thiền Lâm tự thành Thích Ca Phật Đài. Sau hơn một năm xây dựng, tháng 3/1963, Thích Ca Phật Đài được khánh thành. Điểm đặc biệt của Thích Ca Phật Đài là một quần thể kiến trúc điêu khắc tạo dựng theo sự tích cuộc đời Đức Phật Thích Ca gắn liền hài hoà với cảnh quan núi Lớn. Toàn bộ khuôn viên Thích Ca Phật Đài như một vầng trăng khuyết chia thành ba cấp theo hình tháp: cấp 1 là tam quan và khu vườn hoa; cấp 2 là khu nhà mát và nhà trưng bày truyền thống; cấp 3 là Thiền Lâm tự và khu Phật tích, bao gồm các công trình kiến trúc - điêu khắc tái hiện cuộc đời của Đức Phật Thích Ca. Trong khuôn viên khu Phật tích còn có cây bồ đề xanh tốt được chiết từ cây bồ đề bên Ấn Độ trước đây Đức Phật ngồi thiền. Du lịch Vũng Tàu, du khách còn có thể tham quan miếu Ông Nam Hải, di tích Niết Bàn Tịnh Xá, Bạch Dinh,...



4.2. Các đảo có giá trị du lịch

Vùng biển nước ta còn có khoảng 4.000 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó đại bộ phận là các đảo gần bờ. Hai quần đảo xa bờ nhất của nước ta là Hoàng Sa và Trường Sa ở khu vực giữa và Đông Nam Biển Đông. Các đảo và quần đảo có nhiều giá trị cho hoạt động du lịch. Các đảo ở nước ta phân bố từ Bắc vào Nam, nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng biển Đông Bắc thuộc hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, gồm hơn 2000 hòn đảo, chiếm 60% tổng số đảo của cả nước.

Trên các đảo có nhiều bãi biển và phong cảnh đẹp còn nguyên vẻ hoang sơ và những điều kiện tự nhiên rất tiêu biểu để phát triển các loại hình du lịch biển. Tiêu biểu nhất là các đảo Phú Quốc, Cát Bà, Cù lao Chàm, Côn Đảo,…

Cát Bà

Quần đảo Cát Bà thuộc huyện đảo Cát Hải – Thành phố Hải Phòng, có tới 365 hòn đảo lớn nhỏ đội biển vươn lên như một quần thể kỳ vĩ, thơ mộng giữa trùng khơi bao la. Lớn nhất là đảo Cát Bà có diện tích khoảng 200km2, cấu tạo chủ yếu bằng những dãy núi đá vôi trùng điệp, có nhiều đỉnh cao hàng trăm mét so với mặt nước biển. Xung quanh đảo có nhiều vũng, vịnh và những bãi tắm với cát trắng phau trên làn nước trong xanh phẳng lặng.

Thị trấn Cát Bà cách cảng biển Hải Phòng khoảng 75km. Từ xa xưa, người dân trên đảo sống bằng nghề khai thác hải sản, lâm sản, đốt rừng làm rẫy,... Ngày nay, họ có thêm nghề dịch vụ du lịch, nuôi hải sản và trồng cây ăn quả, rau sạch tại các thung lũng trên đảo.

Vào thời Hùng Vương thứ 6, ở làng Nghĩa Lộ (nay là xã Nghĩa Lộ, huyện đảo Cát Hải) có chàng trai tuấn tú, sức khoẻ phi thường tên là Hùng Sơn, nghe tiếng mõ truyền đã đi theo Thánh Gióng đánh giặc Ân. Hùng Sơn được cử làm tướng tiên phong chỉ huy chặn giặc trên biển. Hùng Sơn dùng thuyền nhỏ đưa đàn ông ra đảo nhỏ ngoài khơi lập trận chờ giặc đến, còn phụ nữ ở lại đảo lớn phía sau, tăng gia sản xuất, chuyên lo hậu cần lương thảo. Sau khi đánh thắng giặc Ân, vua Hùng đã xuống chiếu đặt tên cho hòn đảo – nơi đặt đại bản doanh của Hùng Sơn là đảo Các Ông. Hòn đảo của những phụ nữ yêu nước ở lại tăng gia sản xuất, nuôi con, chờ chồng, động viên các ông đánh giặc được gọi là đảo Các Bà. Sau này người dân ta gọi chệch là đảo Cát Bà. Hiện nay, tại thị trấn Cát Bà còn ngôi miếu cổ bốn mùa hương khói tôn thờ Các Bà có công đánh giặc Ân thuở xưa.



Hình 2.21. Đoạn bờ biển Cát Bà

Tại chân núi Ngọc có những vụng lõm sâu vào chân đảo với những dải cát trắng phau, quanh năm nước trong xanh. Phía trước vụng là những hòn đảo vươn cao hàng chục mét đã ngăn sóng cả, tạo thành các vụng tựa như những hồ nước lớn. Chuyện kể rằng, từ thuở hồng hoang, các tiên nữ vận đồ trắng phau bay xuống đảo cùng nhau tắm biển, đùa giỡn. Nơi các nàng tiên tắm được gọi là bãi Cát Cò. Khi bay về trời có nàng tiên bỏ quên một chiếc guốc nổi lềnh bềnh trên mặt biển. Ít lâu sau, từ đáy biển mọc lên một chiếc guốc khổng lồ bằng đá án ngữ trước cửa bãi tắm Cát Cò, gọi là hòn Guốc (hay hòn Gai). Nhờ vậy, giữa biển khơi mà bãi Cát Cò tĩnh lặng, xung quanh đảo lớn Cát Bà, ngoài hòn Guốc, còn có 333 hòn đảo với các tên gọi Gà Chọi, Hòn Tròn, Mâm Xôi, Hòn Nghiên, Tháp Bút, Vọng Phu, Lỡ Đầu, Ba Áng, Thanh Lăng, La Thu, Cống Bố, Cát Dứa,... Trên đảo Cát Bà có nhiều ngọn núi đá vôi cao hàng trăm mét như Cát Nương, Núi Ngọc, Khánh Vàng, Lô Mia, Lỗ Cánh, Tùng Phú,... Trong lòng núi đá trên đảo Cát Bà còn có nhiều hang sâu, động lớn. Các hang, động ở đây có muôn vàn thạch nhũ buông rủ với nhiều hình hài kỳ dị, lung linh hư ảo. Đó là các động Trung Trang, Hoa Cương, Thiên Long, Cao Vọng ; các hang Quân Y, Tiền Đức,...

Vùng đảo Cát Bà còn có VQG Cát Bà - khu dự trữ sinh quyển thế giới với thảm thực vật nhiệt đới đá vôi rất điển hình, có nhiều loài sinh vật đặc hữu. Sự đa dạng của VQG Cát Bà cũng là một điểm du lịch hấp dẫn du khách khi tới nơi đây.



Đảo xanh Cù lao Chàm

Cách bờ biển Cửa Đại (Hội An - Quảng Nam) 15km, xưa có tên là Chiêm Bất Lao. Sau khoảng 45 phút từ Hội An hoặc gần 2 giờ đồng hồ đi tàu thuỷ từ bờ sông Hàn (Đà Nẵng), Cù lao Chàm hiện ra với 8 hòn đảo màu xanh ngọc được đặt tên hết sức dân dã: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông với khoảng 3.000 người dân đang sinh sống.

Cù Lao Chàm được nhiều thương gia châu Á và phương Tây biết đến từ hơn 10 thế kỷ nay. Có giả thuyết cho rằng Cù lao Chàm là nơi giam giữ tù binh của Vương quốc Chămpa xưa. Song một số nhà nghiên cứu không đồng ý với giả thuyết này, trên cơ sở Cù lao Chàm là đất thiêng của người Chăm nên không thể là nơi giam giữ tù binh.

Cù lao Chàm có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Các rạn san hô ở khu vực biển Cù lao Chàm cũng được các nhà khoa học đánh giá cao và đưa vào danh sách bảo vệ.

Tại Cù lao Chàm có nhiều di tích khảo cổ liên quan đến quá trình cư trú của cư dân cổ cách đây 3.000 năm và còn là nơi giao lưu, buôn bán với các nước thuộc Trung Đông, Đông Nam Á và Ấn Độ cách đây 1.000 năm. Cù lao Chàm còn có rất nhiều di tích lịch sử văn hoá như chùa Hải Tạng, giếng làng, lăng Ông, miếu Bà, miếu tổ nghề yến cũng như một loạt thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú như hang Bà, hang tò vò, hòn bao gạo, suối tình, suối mơ...

Nhờ những điều kiện thuận lợi mà thiên nhiên đã ban tặng nên hệ động thực vật trên đảo khá phong phú, đa dạng. Rừng Cù lao Chàm có nhiều loại lâm sản quý như gõ, kiền kiền, dẻ, chua, mây, song, dâu, sim; các loại dược liệu quý hiếm như mã tiền, sơn máu, ổi tím, ngũ gia bì. Bao quanh các cụm đảo từ độ sâu 1 - 20m, nước xanh biếc, có nhiều loại hải sản như tôm hùm, ốc hương, hải sâm, ngọc trai, đồi mồi, cua đá... Đã từ lâu Cù lao Chàm được biết đến với cái tên “Vương quốc của chim yến”. Chim yến đến làm tổ và sinh sôi nảy nở trong nhiều hang đá cheo leo trên các vách núi. Nghề khai thác yến sào ở Cù lao Chàm cũng có từ lâu đời. Yến sào xưa là một trong 16 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hội An, giá trị của nó chỉ sau sừng tê giác. Đặc biệt, trên Cù lao Chàm có nhiều bãi tắm tự nhiên rất đẹp, chứa đựng nhiều điều kỳ thú, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.



Côn Đảo

Là một huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Côn Đảo cách bờ biển Vũng Tàu 97 hải lý (180km) từ lâu được biết đến qua các chứng nhân lịch sử như là một “địa ngục trần gian”.

Lịch sử đã ghi dấu son 113 năm chiến đấu kiên cường của biết bao thế hệ chiến sĩ cánh mạng tại mảnh đất xa xôi này. Những cầu tàu, nhà tù năm xưa vẫn còn đó, nhưng Côn Đảo hôm nay đã khép lại quá khứ và đang vươn mình để trở thành một trong những địa điểm có tiềm năng hàng đầu về phát triển du lịch với quần thể di tích lịch sử cách mạng và nhiều danh thắng đẹp mà bất kỳ ai đặt chân lên đây cũng hết sức ngưỡng mộ.

Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, có diện tích khoảng 76km2, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Bờ biển dài 200km với nhiều bãi biển đẹp vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ như bãi An Hải, Đầm Trầu, Lò Vôi, Suối Ớt, Hòn Bà,… Vườn quốc gia Côn Đảo là một trong số rất ít những nơi còn lại ở Việt Nam có loài dugoong – bò biển sinh sống. Đặc biệt, quần thể rùa biển ở Côn Đảo rất nhiều, hằng năm vào mùa sinh sản, có hàng ngàn rùa biển lên các bãi cát để đẻ trứng,… Nhắc đến Côn Đảo cũng phải kể đến những truyền thuyết gắn với địa danh nơi đây như núi Chúa, thắng cảnh hòn Trứng, sự tích hòn Cau, di tích An Sơn miếu hay Võ Thị Sáu, Ma Thiên Lãnh, cầu tàu 914,… Với sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng và bề dày lịch sử hơn một thế kỷ còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử có giá trị; Côn Đảo thực sự là một "thiên đường nơi trần gian" dành cho du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng.



Đảo Phú Quốc

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất nước ta ở phía tây nam Tổ quốc với diện tích 593 km2 (tương đương với đảo quốc Singapo) với chiều dài 48km từ bắc tới nam và dân số khoảng 80.000 người, nằm cách vùng phát triển công nghiệp và du lịch Đông Nam Thái Lan 500km, cách Malaixia 700km, cách Singapo 1.000km và gần kề cửa ngõ tây nam của Campuchia. Từ Phú Quốc chỉ cần 2 giờ bay là có thể đến được thủ đô của các nước Đông Nam Á,...

Nằm trong vịnh Thái Lan, cách Hà Tiên 45km về phía tây, Phú Quốc sở hữu cả rừng, biển với những bãi biển đẹp, cát trắng phau mà tiêu biểu là bãi Khem. Xung quanh hòn đảo xinh đẹp này là quần thể 40 đảo lớn nhỏ vây quanh với 99 ngọn núi ẩn chứa nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Các dạng địa hình đa dạng đã tạo nên những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: suối Tranh, suối Đá Bàn, suối Tiên, Dinh Cậu, mũi Tàu Tũ, mũi Ông Cọp,... Bờ biển dài 150km và vùng biển rộng 60.000km2 không chỉ là một ngư trường lắm cá nhiều tôm, mà còn có biết bao thắng cảnh tuyệt vời với những bãi Giếng, bãi Khem, bãi Dài, bãi Ông Lang, bãi Dinh Cậu,...

Hình 2.21. Dinh Cậu, Phú Quốc tỉnh Kiên Giang

Tuy không được hưởng phù sa màu mỡ như ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Phú Quốc lại nhận được nhiều ưu đãi của thiên nhiên. Nơi đây là xứ sở của loại nước mắm ngon nổi tiếng nhất Việt Nam và cũng là nơi có thương hiệu về hồ tiêu, ngọc trai và hải sản.

Một sản phẩm thú vị nữa của hòn đảo này là có loài chó rất nổi tiếng gọi là chó Phú Quốc. Loài này nguyên sơ là loài chó hoang dã và được huấn luyện để trở thành chó săn, chó Phú Quốc rất khôn, có răng sắc nhọn đến lạ thường, chân cao, ức thon và có móng vuốt để chụp bắt con mồi.

Phú Quốc có nhiều bãi biển đẹp trải dài từ Bắc đến Nam. Bãi biển Phú Quốc từng được bình chọn vào nhóm “bãi biển sạch và đẹp nhất thế giới” bởi ABC News vào cuối tháng 2 năm 2008. Đảo này còn có 99 ngọn núi và vườn quốc gia cùng tên với hệ động, thực vật phong phú. Phía Nam có 12 hòn đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo An Thới, còn ở phía Bắc có hòn Móng Tay, hòn Đồi Mồi, hòn Bần và hòn Thầy Bói,... Tất cả đã tạo cho Phú Quốc một thiên đường lý tưởng cho các hoạt động du thuyền, câu cá, lặn biển, khám phá đảo và dã ngoại,...

4.3. Rừng ngập mặn

Việt Nam có diện tích rừng ngập mặn đứng thứ hai thế giới, sau rừng ngập mặn ở cửa sông Amazôn (Nam Mỹ). Ở nước ta, rừng ngập mặn tập trung chủ yếu ở Nam Bộ, với diện tích khoảng 300.000ha (riêng Cà Mau chiếm gần một nửa). Ở miền Bắc do có mùa đông lạnh, đồng thời các vùng cửa sông cũng hẹp hơn, nên diện tích rừng ngập mặn chỉ khoảng 80.000ha, cây cũng nhỏ hơn. Còn dọc miền Trung rất ít bãi lầy ven biển, các cồn cát chiếm diện tích đáng kể, nên suốt chiều dài trên 1000km chỉ có những đốm nhỏ, tổng diện tích khoảng 50.000ha.

Rừng ngập mặn có vai trò rất to lớn trong việc mở rộng diện tích đất ven biển, bảo vệ đê, hạn chế xói lở, chống gió bão, chống nạn cát bay. Trong trận sóng thần ở Nam Á (tháng 12 năm 2004) cho thấy, những nơi nào có rừng ngập mặn hay rừng ven biển tươi tốt thì những nơi đó tổn thất giảm bớt khá nhiều.

Về mặt kinh tế, rừng ngập mặn là nguồn cung cấp gỗ, chất đốt, các sản phẩm cho ngành công nghiệp, dược liệu. Ngoài ra, đây còn là địa bàn cư trú của nhiều loài côn trùng, chim, bò sát, thú có vú, tôm, cua, cá...

Rừng ngập mặn không chỉ hấp dẫn các nhà nghiên cứu thực vật, động vật, sinh thái, môi trường mà còn là nơi hấp dẫn đối với khách du lịch...

Hình 2.23. Rừng ngập mặn Cần Giờ

Một số điểm du lịch gắn với rừng ngập mặn:

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cách thành phố Cà Mau 120km về phía Tây Nam. Vùng đất Mũi Cà Mau ngoài giá trị văn hóa, lịch sử, vẻ đẹp nên thơ, bên trong nó còn chứa đựng sự đa dạng về cảnh quan, môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học hiếm có, ở đây có nhiều vùng sinh quyển độc đáo. Sự độc đáo của Mũi Cà Mau là vùng sinh thái bãi bồi, rừng ngập mặn ven biển, vùng sinh sản và trú ngụ của các loài thủy sinh vịnh Thái Lan, điểm dừng chân và trú ngụ của nhiều loài chim di trú quí hiếm trên thế giới.

Ngày 26/5/2009 tại Hàn Quốc, UNESCO đã công nhận Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ tám ở Việt Nam.

Đây là hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên có giá trị cao về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, môi trường và rất quan trọng trong phòng hộ bờ biển, chắn gió, chắn sóng chống xói lở, cố định đất trong quá trình hình thành đất liền tiến ra Biển Đông. Đây là một trong những địa điểm quan trọng thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học của nước ta, nơi nghiên cứu về các loài chim nước ven biển của Việt Nam và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tạo nên một vùng sinh thái cửa sông, ven biển duy nhất ở Việt Nam với những nét đặc trưng của hệ động thực vật rừng ngập mặn.



Hình 2.24. Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau

Hệ thực vật ở đây có 22 loài ngập mặn đã được phát hiện, trong đó chiếm ưu thế thuộc về loài đước, mắm trắng, mắm, mắm ổi, trang với quần thể thực vật gồm rừng tái sinh tự nhiên hỗn giao giữa cây đước, cây vẹt và rừng mấm. Cây mấm là loài tiên phong lấn biển có hệ thống rễ đặc biệt giữ đất bãi bồi, chống xói lở và hình thành các dãy rừng phòng hộ ven biển. Ngoài cây đước, thảm thực vật ở rừng ngập mặn Vườn quốc gia Mũi Cà Mau còn có vẹt, sú, bần, cóc, chà là, dương xỉ, nhiều loại dây leo…Theo các nhà khoa học, hệ thống rừng ngập mặn ở đây được cho là đa dạng thứ hai thế giới, chỉ kém rừng ngập mặn Amazôn ở Nam Mỹ.

Hệ động vật, với lớp thú có 13 loài thuộc 9 họ. Trong đó có một số loài nằm trong sách đỏ thế giới như: khỉ đuôi dài, voọc bạc (cà khu), nhọ nồi và nhiều loài nằm trong sách đỏ của Việt Nam; lớp chim có 74 loài thuộc 23 họ, trong đó có một số loài quí hiếm như cò trắng Trung Quốc, choắt mỏ cong hông nâu, rẽ mỏ rộng, bồ nông chân xám - còn gọi là chàng bè, cò lạo Ấn Độ (giang sen), diệc mốc và quắm đầu đen, quần xã chim trong sinh cảnh rừng ngập mặn đặc trưng với các loài phổ biến như chích bông nâu, vành khuyên họng vàng và rẻ quạt java; bò sát có 17 loài thuộc 9 họ, nhiều loài bò sát ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Có 5 loài lưỡng cư thuộc 3 họ; 14 loài tôm; 175 loài cá thuộc 116 giống và 77 họ; 133 loài động, thực vật phiêu sinh. Động vật ở đây không những phong phú về thành phần loài mà còn có số lượng cá thể từng loài lớn. Đến Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, quí khách có thể dễ dàng bắt gặp nhiều loại đặc sản của Cà Mau như: rắn, rùa, trăn, cua biển, ba khía, ốc len, dọp, sò huyết, nghêu, cá ngát, cá đuối, cá nâu, cá mú, cá thòi lòi...

Đặc biệt, diện tích đất liền của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau không ngừng được mở rộng một cách tự nhiên, hàng năm Mũi Cà Mau lấn ra biển hàng vài chục mét bằng nguồn phù sa do hệ thống sông, kênh, rạch bồi đắp dưới sự giúp sức của bộ rễ phù sinh của rừng mắm, đước ven biển. Với những đặc tính quí giá về sự đa dạng sinh học và điều kiện lập địa hiếm có nên Vườn quốc gia Mũi Cà Mau xứng đáng được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới

Vườn quốc gia Xuân Thủy

Vườn quốc gia Xuân Thủy cách Hà Nội 150 km về phía Đông Nam, là khu bảo tồn dự trữ sinh quyển đất rừng ngập mặn. Đây là rừng ngập mặn đầu tiên ở Việt Nam được quốc tế công nhận theo công ước Ramsar, rừng ngập mặn thứ 50 của thế giới.

VQG Xuân Thủy được nâng cấp từ Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy theo quyết định số 01/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 2 tháng 1 năm 2003.

VQG Xuân Thủy nằm ở phía Đông Nam huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, ngay tại cửa Ba Lạt của sông Hồng. Khu vực vùng lõi của vườn là diện tích đất ngập mặn trên ba cồn cát cửa sông là cồn Ngạn, cồn Lu và cồn Xanh thuộc xã Giao Thiện. Toàn bộ vùng đệm và vùng lõi của Vườn nằm trên địa phận các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Diện tích toàn bộ vườn khoảng 7.100 ha, gồm: 3.100 ha diện tích đất nổi có rừng và 4.000 ha đất rừng ngập mặn.



 

Hình 2.25. Chim di cư ở VQG Xuân Thủy



Hàng năm có tới khoảng 100 loài chim di cư chọn nơi đây là điểm lưu trú trên đường di cư về phương Nam trú đông, trong đó có tới 1/5 số lượng cò mỏ thìa của toàn thế giới. Tại Vườn ước tính có 215 loài chim nước sinh sống, tiêu biểu như: Cò thìa, Rẽ mỏ thìa, Choắt chân vàng, Mòng bể đầu đen, Giang sen, và Choắt chân màng lớn..

Trên vùng đất ngập mặn này, dưới làn nước thủy triều có khoảng 165 loài động vật nổi và 154 loài động vật đáy, tổng cộng khoảng 500 loài động vật.

Về thực vật, Vườn hiện có 120 loài thực vật bậc cao, trong đó có nhiều loài rong tảo có giá trị kinh tế cao.

Đây là điểm du lịch sinh thái độc đáo hấp dẫn khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt là vào mùa đông- mùa chim di trú từ phương Bắc.



Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ - điểm đến hấp dẫn

Cần Giờ cách thành phố Hồ Chí Minh chừng 50 cây số, khi đặt chân đến đây, ngồi trên ghe lách qua mấy con kênh nhỏ là có thể quên hết phố phường ngột ngạt mờ mịt bụi đường, tận hưởng con gió rì rào trên từng ngọn đước, nghe sóng vỗ ì ầm men bờ biển dài mút tầm mắt.

Sau chiến thắng giải phóng miền Nam (tháng 4 năm 1975) được ít ngày, chúng tôi theo mấy anh lính đặc công rừng Sác về Cần Giờ. Đó là lần đầu tiên tôi đặt chân đến vùng đất hoang vu, nhưng có sức hấp dẫn như một huyền thoại. Khi bước vào căn cứ rừng Sác, thoạt nhìn tôi có cảm giác như đang ở trong căn cứ Khu Năm - nơi tôi đã từng sống nhiều năm trong chiến tranh. Chỉ khác là Khu Năm nhiều núi cao, dốc dựng, còn Cần Giờ chỉ một loại cây đước được trồng thẳng tắp, chằng chịt rễ. Ở đây đi lại bằng những chiếc xuồng con. Càng vào sâu thấy xuất hiện những chiếc cầu gỗ dích dắc nối liền những con kênh nhỏ. Rừng còn nguyên vẹn như thể chiến tranh chưa kết thúc. Một vài túp lều nhỏ ẩn hiện trong lùm cây khuất. Nhiều thân cây còn nguyên dấu dây dù mắc võng. Đây đó mấy chiếc bòng, quai đeo đã sờn. Vài ba tấm khăn dù vắt chéo qua dây phơi, vài bộ quần áo nhàu nhĩ, vết bùn đã khô…

Những ai có mặt ngày đầu chiến tranh ở rừng Sác phải gan lì lắm. Nơi đây, “dưới sông sấu (cá sấu) đợi, trên bờ hùm chờ”. Đêm tối nghe ông Ba Mươi gầm rít đâu đó là tim gan rung lên bần bật. Rừng Sác là nơi một đi khó mong ngày trở lại. Bản anh hùng ca rừng Sác Cần Giờ gắn liền với tên tuổi tướng công Trương Công Định buổi đầu chống Pháp. Đáy sông Lòng Tàu vùi sâu lớp lớp tàu chiến giặc. Suốt hai mươi năm trường kỳ, rừng Sác là nơi tung hoành dọc ngang của lính đặc công.

Năm 2001 Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Và nơi đây cũng nhanh chóng thu hút nhiều du khách trong nước cũng như nước ngoài bằng nhiều hình thái du lịch: Du lịch lịch sử chiến tranh, du lịch sinh thái - tìm hiểu một vùng động thực vật phong phú, đa dạng sinh học, du lịch biển - khám phá những kỳ bí thuỷ sinh vùng nước ngập mặn v.v…

Trở lại rừng Sác lần này, tôi bỗng choáng ngợp với sự đổi thay của Cần Giờ. Chiến khu xưa đã được khôi phục, gia cố, trở thành một bảo tàng sống với nhiều hiện vật thời chiến tranh, nhắc nhở lớp trẻ một thời của rừng Sác.

Qua phà Bình Khánh, một con đường mở rộng bốn năm làn xe chạy. Thấp thoáng những resort nho nhỏ, màu gỗ óng ả hài hoà với không gian xanh của cây lá, khiến Cần Giờ tàn lụi, lam lũ hồi nào bỗng nên thơ. Giờ đây Cần Giờ thực sự là khu du lịch hoàn hảo, đầy tiềm năng thu hút du khách.

Hình 2.26. Rừng ngập mặn Cần Giờ

Để có một Cần Giờ trở nên nổi tiếng và hấp dẫn cả nước như ngày nay, TP.HCM đã có nhiều dự án đầu tư dài hạn, nhanh chóng biến nơi thâm u, hoang sơ xưa thành lá phổi xanh của thành phố, bảo tồn hệ sinh thái đa dạng và từng bước xây dựng Cần Giờ thành khu du lịch nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên rừng và biển. Bằng ô tô, tàu thuyền, bằng những chiếc ghe nhỏ và cả đôi chân hăm hở khám phá, bạn có thể luồn lách qua những khu rừng ngập mặn rộng trên 75 ngàn ha, xuyên qua những dải rừng đước, rừng tràm, rừng dừa nước.

Đêm đến, bạn có thể nghỉ trong những resort đủ tiện nghi, bốn hướng nhìn ra biển và cánh rừng đầy nước trước mặt. Bạn cũng có thể ngủ trong những chiếc lán đơn sơ, hay trong nhà dân, nếu bạn thích. Những ngọn lửa bập bùng đây đó trong khu rừng. Thân cây đước khô cũng như tươi, đều bén lửa, nổ tí tách, bùng lên những đốm sáng. Xung quanh bạn là những người dân bình dị trú ngụ dưới những tán lá dừa, lá đước, kiếm sống dưới sông, lạch. Họ bắt con tôm, con cá; cào những mẻ sò, ngao trên những dòng rạch nhỏ. Một rổ sò cho vào xoong là bạn có thể có được một tối vui vầy quanh bếp lửa. Đương nhiên, nếu thiếu đi vài xị đế, e cá trui, tôm nướng… khó dậy mùi lắm!

Đi sâu vào Vàm Sát, đêm đến bạn khó có thể ngủ yên vì đàn dơi dễ đến cả ngàn con chao chác từ chập tối. Nhưng nếu đêm trăng, hoặc buổi sáng dậy sớm, khi mặt trời chưa kịp nhô lên từ phía biển, ngước mắt lên chòm lá, bạn sẽ nhìn thấy hàng ngàn con dơi đu đưa trên những thân cành trông như những chiếc lá màu sẫm, sắp rụng, che kín cả vòm trời. Muốn đến Vương quốc thực sự của dơi, phải vào sâu tận Đầm Dơi, Sân Chim. Đầm Dơi ở Cần Giờ rộng cả trăm héc ta, nằm trong khu bảo tồn. Khu du lịch Vàm Sát cung cấp cho bạn xuồng, ca nô, và đặc biệt là có hướng dẫn viên đi cùng. Nếu không có người thành thạo, tận tình giúp đỡ, giới thiệu, bạn sẽ bị sức hấp dẫn sinh thái mà quên đường về. Hơn nữa, chẳng may gặp mấy chú cá sấu lạc bầy thì… rụng rơi tim luôn đó.

Trên lối đi vào khu du lịch Lâm Viên Cần Giờ, bạn sẽ thấy những chú khỉ tinh nghịch, nhảy nhót trên lối đi. Tuy có hàng mấy trăm con khỉ lớn bé thuộc nhiều bầy đàn khác nhau nhưng chúng đều có thủ lĩnh riêng và phân chia rõ lãnh địa của riêng mình. Nếu có sự nhầm lẫn hay cố tình xâm lấn, cuộc chiến sẽ lập tức nổ ra. Tuy nhiên, đã là… khỉ, chúng hiểu rất rõ mọi luật lệ, giới hạn. Khi đến đây bạn nhớ mang theo ít mía, một vài bọc ngô bung, ít trái cây. Chỉ cần có thế là bạn trở nên thân thiện với bầy khỉ hiếu động, mặc sức chụp ảnh với vô vàn dáng vẻ ngộ nghĩnh, đáng yêu của bầy khỉ.

Đến Cần Giờ vào bất cứ lúc nào, bạn cũng cảm thấy đó là những ngày lý thú, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là dịp cuối tuần. Bạn có thể theo các tour du lịch của TP.HCM hoặc từng nhóm bạn riêng lẻ, theo xe bus đón sẵn ở chợ Bến Thành để xuôi phà Bình Khánh. Không ít người muốn trở lại khu căn cứ rừng Sác huyền thoại họ từng biết qua vô vàn chuyện kể lý thú. Cũng có người muốn hoà nhập vào thiên nhiên qua những chiếc ghe nhỏ luồn sâu vào rừng. Còn ai ham mê biển cả thì tìm đến những chiếc ca nô trắng tinh như cánh én lướt bay trên biển, qua các cù lao để có thể nhìn thấy Vũng Tàu trong tầm mắt. Những người có tuổi hoặc sau một tuần căng thẳng với công việc thường muốn được nghỉ ngơi, thư giãn cùng gió trời, biển cả, rừng cây, muốn được thưởng ngoạn món sò nướng, tôm nướng, mấy con cá trui thơm ngậy với ít gia vị miệt vườn sông nước.

Vào dịp lễ hội Nghinh Ông, từng đoàn ghe xuồng theo kênh rạch đổ về trung tâm văn hoá Cần Giờ. Lễ phục ngư ông sắc đỏ tía, đai vàng, xanh và cờ phướn rợp trong những luồng kênh rạch. Nhịp chèo như quyện vào trong tiếng trống mõ hối thúc, tưng bừng, tiếng tù và đâu đó. Đây cũng là dịp cho những nhóm đờn ca tài tử gặp nhau. Họ đua tài, trình diễn những ngón đàn điệu nghệ của các nhạc công nổi tiếng các xã, ấp. Nếu bạn muốn hoà mình vào không khí lễ hội của dân biển, hãy đến với Cần Giờ vào đầu tháng mười - lễ hội lớn của ngư dân vùng biển được tổ chức hằng năm.



Каталог: userfiles -> file
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
file -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
file -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
file -> BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịCH
file -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> Số: 38/2009/QĐ-ttg CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịch cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)
file -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII

tải về 0.93 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương