BỘ giáo dục và ĐÀo tạo tài liệu giáo dục về TÀi nguyên và MÔi trưỜng biểN, ĐẢo cho học sinh trung học phổ thôNG



tải về 0.93 Mb.
trang10/11
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.93 Mb.
#30674
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

7. Địa hình

Những vùng ven biển, cửa sông có nhiều đảo che chắn ở ngoài, bờ biển thoai thoải, ít chịu ảnh hưởng của bão, đều thuận lợi cho cây ngập mặn sinh trưởng và phân bố rộng.

Khi thiếu một vài trong 7 yếu tốt trên đây thì cây ngập mặn sinh trưởng kém hoặc chết.

(Nguồn: Rừng ngập mặn của chúng ta, 1995)

PHỤ LỤC 3



VAI TRÒ CỦA RỪNG NGẬP MẶN ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG

Rừng ngập mặn đóng một vai trò to lớn trong việc bảo vệ môi trường, mở rộng đất liền và nuôi dưỡng các động vật vùng triều. Nhưng rất tiếc là cho đến nay nhiều người vẫn chưa biết những điều đó, nên vì lợi ích trước mắt đã chặt phá rừng bừa bãi.



1. Bảo vệ bờ biển, bờ sông

Nhiều nhà khoa học đã ví dụ các dải rừng ngập mặn như những bức tường xanh bảo vệ vùng bờ biển, cửa sông.

Từ xa xưa, ông cha ta đã biết giữ các dải rừng tự nhiên và trồng thêm rừng trên các bãi bồi ven biển, cửa sông để hạn chế tác hại của gió bão.

Nhờ những rặng đâng trồng từ 1956 mà con đê ở Phù Lưu (Can Lộc - Hà Tĩnh) tuy yếu nhưng vẫn không bị bão phá vỡ.

Các dải rừng trang ở ven biển Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã góp phần đắc lực chống trả với sóng gió lớn trong nhiều năm, bảo vệ đê biển có hiệu quả.

Nhưng từ giữa năm 1980, sau khi có phong trào phá rừng chắn sóng để trồng cói, trồng lúa và nuôi tôm thì nhiều đoạn đê đã bị mưa bão làm vỡ, gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân.

Ở Nam Bộ tuy ít bão, nhưng gió mùa Đông Bắc cùng với các dòng triều mạnh đã làm xói lở bờ biển, bờ sông nghiêm trọng.

Ngoài ra trong thời gian chiến tranh, đế quốc Mỹ đã rải chất độc hóa học hủy diệt, nhiều dải RNM đã bị phá trụi. Nhờ trồng lại rừng mà hiện tượng xói lở bờ sông ở huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) đã giảm nhiều.



2. Mở rộng đất liền

Ở các bãi mới bồi ven biển, cửa sông có một số loài cây ngập mặn như mắm, bần, có khả năng mọc trên đất bùn lỏng, mặn và chịu ngập sâu. Đó là những loài cây tiên phong xâm chiếm bãi lầy. Nhờ các rễ hô hấp dày đặc trên mặt bùn giúp phù sa lắng đọng nhanh, đất được bồi tụ dần, tạo thuận lợi cho các loài cây khác như đước, vẹt, dà... đến sau và phát triển thành rừng.

Nhiều bãi nổi ở cửa sông, ven biển ngày nay trở thành những khu rừng có giá trị kinh tế cao như Cồn Trong, Cồn Ngoài ở Cà Mau; Cồn Lu, Cồn Ngạn ở Nam Định, Cồn Đen, Cồn Vành ở Thái Bình đều có các cây ngập mặn mọc trên đất mới được bồi.

3. Điều hòa khí hậu

Cũng như các rừng nội địa, RNM có tác dụng to lớn trong việc điều hòa khí hậu. Về mùa hè, các cây rừng thoát hơi nước nhiều, làm tăng độ ẩm không khí. Do đó cũng làm tăng lượng mưa ở địa phương. Các quan trắc của trạm khí tượng Cà Mau cho thấy sau khi các rừng ở vùng ven biển Giá Rai - Cà Mau bị phá, lượng mưa hàng năm ở Ghềnh Hào giảm rõ rệt.

RNM đã thu nhận một khối lượng khí các-bô-níc thải ra trong sinh hoạt, trong công nghiệp và thải một lượng lớn ôxy trong quá trình quang hợp làm cho không khí trong lành, cho nên nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ví RNM ở Gần Giờ như "lá phổi" của thành phố.

Từ những phân tích trên cho thấy việc bảo vệ và phát triển RNM là rất cần thiết và cấp bách.



(Nguồn: Rừng ngập mặn của chúng ta, 1995)

PHỤ LỤC 4



HỆ SINH THÁI RỪNG NGẬP MẶN VEN BIỂN VIỆT NAM

Trong các HST đất ngập nước ở Việt Nam nổi bật là các HST rừng ngập mặn ven biển. Các HST này được xếp vào nhóm hệ địa - sinh thái vùng cửa sông - ven biển, phát triển trên địa hình phù sa bồi tụ bằng phẳng, ngập nước định kỳ hoặc thường xuyên; ở đây, thực vật và động vật thuỷ sinh hoặc ưa nước đã trở thành quan trọng chiếm ưu thế tuyệt đối. Theo đánh giá của các nhà khoa học, HST rừng ngập mặn nội chí tuyến gió mùa cửa sông - ven biển ở Việt Nam chiếm một diện tích rất rộng, tới 450.000 ha, đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau rừng ngập mặn cửa sông Amazôn ở Nam Mỹ và trên cả rừng ngập mặn cửa sông Hằng ở Banglađet.

Nằm trong vùng á xích đạo, Nam Bộ là lãnh thổ có các HST rừng ngập mặn điển hình nhất với diện tích trên 300.000 ha (riêng Cà Mau chiếm gần một nửa). Ở miền Bắc do có mùa đông lạnh, đồng thời các vùng cửa sông cũng hẹp hơn ở Nam Bộ, nên HST rừng ngập mặn ít điển hình hơn với diện tích rừng ngập mặn chỉ khoảng 80.000 ha.

Về quy mô, rừng ngập mặn duyên hải Đông Bắc với diện tích khoảng 40.000 ha (16% tổng diện tích rừng ngập mặn) đứng sau rừng ngập mặn ven biển châu thổ sông Cửu Long. Mức độ phong phú và đa dạng của HST rừng ngập mặn duyên hải Đông Bắc, chủ yếu là ở Quảng Ninh, kém hơn nhiều so với ở ven biển Nam Bộ, song các HST này lại có những đặc trưng riêng của sinh thái cảnh chịu ảnh ảnh hưởng mùa đông lạnh với các loài chim di cư hằng năm với số lượng lớn.

Dọc miền Trung, do đặc điểm về địa hình, các bãi lầy cửa sông - ven biển kém phát triển. Trên suốt chiều dài hơn 1.000 km bờ biển, chủ yếu là các cồn cát. Các HST rừng ngập mặn chỉ là những khu vực nhỏ phân bố không tập trung, với tổng diện tích khoảng 50.000 ha.

HST rừng ngập mặn có sinh khối và năng suất sinh học ngang với của rừng rậm nội chí tuyến gió mùa ẩm thường xanh, đặc biệt là sinh khối động vật nước lợ, mà động lực chính là tương tác sông - biển. Có thể chia ra ba phân hệ có quan hệ với nhau, đồng thời mỗi phân hệ cũng có những đặc điểm riêng, tài nguyên riêng và phương hướng khai thác kinh tế riêng, đó là vùng dưới triều, vùng triều và vùng trên triều.

Đặc trưng cơ bản của hệ địa - sinh thái cửa sông - ven biển là nước lợ mà độ muối dao động rất lớn theo không gian và theo mùa. Vùng lợ - mặn (hay hơi mặn) có độ muối từ 18 - 32‰ là vùng dưới triều bị ngập nước thường xuyên, về mùa lũ nước sông đổ ra làm giảm mặn, tăng tính chất lợ. Đây là môi trường trao đổi qua lại giữa động vật thuỷ sinh nước mặn và nước lợ, là nguồn cung cấp thức ăn và con giống cho vùng biển. Vùng nước lợ đặc trưng có độ muối 5-18‰ là nơi hằng ngày khi triều lên làm ngập mặn và khi triều rút bãi lại phơi ra, có thể đi lại được. Đây là vùng thuận lợi cho phát triển rừng ngập mặn điển hình.

Vùng lợ - ngọt (hay hơi lợ) với độ muối 0,5 - 5‰ là vùng trên triều, không còn bị ngập triều. Đây là nơi cung cấp mùn bã và khoáng chất cho vùng triều và dưới triều, là nguồn nuôi dưỡng sinh khối và năng suất sinh học hệ địa - sinh thái rừng ngập mặn cửa sông - ven biển.

Quá trình lấn biển hàng năm, có nơi tới 80 - 100m/năm, làm cho vùng dưới triều sẽ trở thành vùng triều, các loài cây tiên phong chịu được độ mặn cao và bùn lỏng sẽ chuyển thành rừng cây nước mặn điển hình, đẩy cây tiên phong ra xa, đồng thời cũng tịnh tiến nhường chỗ của mình cho các loài cây vùng trên triều, còn vùng trên triều thì trở thành vùng đất - nước ngọt, có thể khai thác để trở thành ruộng vườn, làng xóm trù phú.

Cho đến nay đã thống kê được 51 loài thực vật bậc cao thuộc 27 họ có mặt trong các HST rừng ngập mặn ở Việt Nam. Trong đó chỉ có 1 họ, 1 loài thuộc quyết thực vật, còn thực vật hạt trần không có đại diện nào, họ nhiều nhất là họ Đước (Verbenaceae) với 4 loài, còn lại mỗi họ chỉ có 1 - 2 loài.

Sự khác biệt về thành phần loài chủ yếu, cũng như kích thước của các loài trong các HST rừng ngập mặn là khác nhau trên các vị trí địa lý khác nhau. Một số loài phổ biến ở miền Bắc như Trang (Kandelia candel (L.) Druce), Sú (Aegiceras corniculatum) lại rất ít gặp ở rừng ngập mặn ở miền Nam. Một số loài chỉ gặp trong các rừng ngập mặn ở miền Bắc như Vẹt dù (Bruguiera gymnorrhiza), Đước vòi (Rhizophora stylosa). Một số loài chỉ gặp trong rừng ngập mặn ở miền Nam như Vẹt trụ (Bruguiera cilindrica), Vẹt tách (B. parviflora), (Ceriops), Đước bộp (Rhizophora mucronata), Đước đôi (Rhizophora apiculata).

Rừng ngập mặn ở miền Bắc phát triển từ Móng Cái đến cửa Đáy.

Vùng Quảng Ninh ít sông hơn, ngoài khơi lại có đảo che chắn gió bão, độ muối của nước biển tương đối cao và ít biến động, có nhiều loài cây chịu mặn nhưng chỉ cao khoảng 3-4m. Cây tiên phong là Mắm đen (Avicennia marina) cùng với Cỏ gà, Muối biển, sau đó đến Sú (Aegiceras majus) cùng với Mắm đen và Cỏ gấu, phía trong nữa là Đâng (Rhizophorar stylosa), Trang (Kandelia candel), Vẹt dù (Bruguiera gymnorrhiza). Ở những nơi đất ít bị ảnh hưởng của triều thì có Sú, Giá, Tra, Cóc. Quần xã động vật ở đây tương đối phong phú, nhất là các loài thân mềm, trong đó nhiều loài giá trị kinh tế cao như Hầu, Sò, Ngao, Phi, Ngán, Don. Đặc biệt ở Quảng Ninh có nhiều bãi Sá Sùng (một loài giun) với diện tích hàng nghìn ha, trữ lượng lên đến hàng nghìn tấn, là mặt hàng thực phẩm xuất khẩu rất được ưa chuộng. Tại vùng dưới triều, động vật thân mềm giảm sút, nhưng lại có một số loài đặc biệt như Bào Ngư, Trai ngọc sống bám trên các bãi đá ngầm. Tôm ở vùng cửa sông chủ yếu là Tôm rảo - một loài thích nghi trong môi trường nước lợ - mặn, sống ở đáy bùn. Các loài giáp xác như Cua bể, Ghẹ cũng khá phát triển trong môi trường sinh thái rừng ngập mặn ở khu vực Quảng Ninh.

Ven biển Hải Phòng, rừng ngập mặn phát triển từ cửa sông Bạch Đằng đến cửa sông Thái Bình, do tính chất nước lợ nên Bần chua trở thành loài ưu thế, sau đến Sú, Trang; các loài ưa nước mặn như Mắm đen, Đâng, Vẹt dù đã giảm sút mạnh, thân cành khẳng khiu. Quần xã động vật cũng nghèo hơn, có số lượng đáng kể là Don ở Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Vẹm xanh ở Đồ Sơn, Giá biển ở Đình Vũ, An Thụy, ngoài ra là Tôm rảo và Cua bể.

Ở khu vực ven biển từ Thái Bình đến Ninh Bình, HST rừng ngập mặn kém phát triển hơn vì môi trường nước chủ yếu là lợ - ngọt với độ muối 0,5 - 5%0 không thích hợp với các loài sinh vật ngập mặn cần độ muối cao hơn. Mặt khác, vùng này là nơi thường xuyên chịu tác động của sóng, gió, bão, bên cạnh đó là hoạt động quai đê lấn biển và phá rừng nên cây kém phát triển. Cây tiên phong trong HST rừng ngập mặn ở đây là Cỏ Ngạn, tiếp theo là Sú, Vẹt, Ô rô, vào sâu theo sông có Bần chua. Trên các bãi triều vẫn có một số loài thân mềm đặc trưng với trữ lượng cao như Vọp, Ngao. Các loài khác như Don, Sò lông kém phát triển hơn với trữ lượng không đáng kể.

Điều lý thú là do Cỏ ngạn là nguồn thức ăn ưa thích của nhiều loài chim nước nên vùng cửa sông Hồng là nơi tập trung rất đông chim di cư đến trú đông hoặc tạm dừng chân. Kết quả điều tra cho thấy có khoảng 150 loài chim di cư với số lượng có khi lên tới 25.000 con, hằng năm về đây vào thời gian từ cuối thu (tháng 10-11) đến đầu xuân (tháng 3-4). Trong số các loài chim di cư thường xuyên đến khu vực này có cả những loài quý hiếm như Bồ nông chân hồng (Pelecanus onocrotalus), Mòng biển đầu đen (Larus ichthyaetus), Cò thìa (Platalea minor), Cò trắng Trung Quốc (Egretta eulophotes), Choắt chân màng lớn (Limnodromus semipalmatus), Choi choi mỏ thìa (Eurynorhynchus) được ghi trong Sách Đỏ của Tổ chức Bảo vệ chim Quốc tế. Năm 1988, vùng đất ngập mặn Xuân Thuỷ là vùng đất đầu tiên của Việt Nam được ghi vào "Công ước bảo vệ đất ngập nước Ramsar".

Rừng ngập mặn ven biển miền Trung từ Thanh Hoá đến Bình Thuận kém phát triển, do ít các bãi lầy và chịu tác động nhiều của sóng, gió, bão. HST rừng ngập mặn ở khu vực này chỉ tập trung thành dải hẹp phía trong các cửa sông. Phía bắc đèo Hải Vân, cây tiên phong của rừng ngập mặn vẫn là Mắm, sau là Đăng, Trang, rồi Sú, Vẹt, cuối cùng là Bần, Ô rô, Cói, những loài cây nước lợ có thể phát triển vào sâu theo sông đến 30km.

Từ đèo Hải Vân trở vào, cây ngập mặn có độ cao trung bình khoảng 4-5m. Đước là loài cây ưu thế với Đước xanh (Rhizophora mucronata) và Đước đôi (Rhizophora apiculata) rồi tiếp đến là Vẹt dù (Bruguiera gymnorrhyza), Vẹt tách (B. parviflora), trên đất cao là Côi (Scyphiphora hydrophyllacea), Cóc đỏ (Lumnitzera littoralis), Dà Vôi (Ceriops tagal), Tra (Hibiscus tiliaceus), Giá (Excoecaria agallocha), Sú (Aegiceras majus Gaertn), Trà là (Phoenix paludosa). Ở vùng lợ vẫn là Bần chua (Sonneratia acida) và Ô rô (ilicifolius).

Động vật ưu thế là các loài thân mềm ở các bãi triều và Tôm, Cua, Ghẹ tại các lạch triều; ở Bắc Trung Bộ chủ yếu là Phim, Hàu, Ngao, Vẹm; còn ở Nam Trung Bộ là Sò, Điệp, Móng tay, Sút, Vẹm xanh, Ngao.

Rừng ngập mặn ở phía Nam phát triển chủ yếu trên đồng bằng sông Cửu Long từ cửa Soi Rạp tới Hà Tiên, với diện tích khoảng 192.000 ha chiếm 76% tổng diện tích rừng ngập mặn ven biển toàn quốc, tập trung tại các khu vực Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), cửa sông Cửu Long (từ Tiền Giang đến Trà Vinh), và bán đảo Cà Mau (Cà Mau).

Nếu HST rừng ngập mặn ở Việt Nam có thành phần loài khá phong phú so với các nước khác ở khu vực Đông Nam Á, thì sự đa dạng này tập trung chủ yếu ở các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Điều này được giải thích bởi sinh thái cảnh ở đây rất thuận lợi, với nền nhiệt cao, ổn định quanh năm, cùng với sự trao đổi nước hai mùa: mùa lũ - nước từ lục địa đổ ra, mùa khô - nước biển tràn vào. Không chỉ vậy, triều cường và triều rút cũng tác động đến lưu thông nước tạo nên nguồn thức ăn phong phú cho động vật và là điều kiện thuận lợi cho thực vật phát triển. Sinh cảnh này là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loài động vật như Khỉ, Lợn rừng, Kỳ đà, Chồn, Trăn... Đặc biệt, đây là nơi cư trú của nhiều loài chim nước, nơi tập trung một số lớn loài chim di cư, trong đó có một số loài đang hoặc sắp bị đe doạ tuyệt chủng trên toàn cầu.

Các điểm tiêu biểu cho HST rừng ngập mặn ven biển đồng bằng sông Cửu Long và có giá trị thu hút khách du lịch sinh thái là Vườn quốc gia Đất Mũi Cà Mau (Cà Mau) và khu rừng ngập mặn Duyên Hải (Trà Vinh).



(Nguồn: Du lịch sinh thái - những vấn đề về lý luận

và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, 2005)

PHỤ LỤC 5



HỆ SINH THÁI ĐẦM PHÁ Ở VIỆT NAM

Đầm phá còn có tên gọi là lagun ven bờ (coastal lagoons). Đây là những vực nước kéo dài song song với đường bờ biển, được tạo ra bởi hệ thống cồn cát chắn (barrier) với các vật liệu bở rời và thông ra biển qua một hay nhiều cửa (inlet) một cách thường xuyên hay định kỳ vào mùa mưa. Khác với các lagun ven bờ, các lagun xa bờ (offshore lagoons) được tạo ra bởi các ám tiêu vòng (atoll). Đầm phá là một cấu thành trong quá trình tương tác biển - lục địa, có đặc trưng về hình thái và cấu trúc hợp phần (cấu hình), có chức năng riêng từ khi hình thành cho tới khi kết thúc (tiến hóa). Trong quá trình phát triển, tính thống nhất tương đối của hệ giảm dần, đồng thời gia tăng tính phân dị, thúc đẩy sự phát triển của các phụ hệ.

Đầm phá là một trong bốn loại hình thủy lực ven bờ, bao gồm: vịnh ven bờ (bay), đầm phá (coastal lagoon), vùng cửa châu thổ (delta) và vùng cửa sông hình phễu (estyary). Đầm phá là một trong những hệ sinh thái ven biển (coastal ecosystems) đặc thù, nơi phát triển các loài thủy sinh có nguồn gốc hỗn hợp nước ngọt, nước lợ và nước mặn, thích nghi và nhạy cảm với biến đổi của các yếu tố môi trường.

Các đầm phá tiêu biểu của Việt Nam tập trung ở dải ven biển miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận, trên chiều dài hơn 600km, bao gồm: đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đầm Lăng Cô, đầm Trường Giang, đầm An Khê, đầm Nước Mặn, đầm Trà Ổ, đầm Nước Ngọt, đầm Thị Nại, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, đầm Thủy Triều và đầm Nại. Như vậy, cứ trung bình trên chiều dài khoảng 50km đường bờ ở khu vực này lại có một đầm phá. Các đầm phá ven bờ miền Trung nằm ở vùng bờ vi triều với biên độ không quá 2m, chịu ảnh hưởng thường xuyên của sóng (thường là cấp III) và theo mùa của sông, với 3 kiểu hình thái thông ra biển:



Kiểu gần kín: Phá Tam Giang - Cầu Hai, đầm Trường Giang, đầm Thị Nại, đầm Cù Mông, đầm Thủy Triều và đầm Nại.

Kiểu đóng kín: đầm An Khê và đầm Trà Ổ.

Kiểu rất kín: đầm Lăng Cô, đầm Nước Mặn, đầm Nước Ngọt và đầm Ô Loan.

Các đầm phá ở miền Trung tồn tại trong môi trường sinh thái khá ổn định với mùa mưa lệch pha (từ tháng 8 đến tháng 1), tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loài sinh vật phát triển, và đây chính là sự hấp dẫn lớn đối với hoạt động du lịch sinh thái.

Tiêu biểu nhất trong hệ thống các đầm phá ở Việt Nam là đầm phá Tam Giang - cầu Hai nằm trong tổng thể cụm du lịch Huế và phụ cận. Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có dạng tuyến với chiều dài 68km, chiếm phần lớn chiều dài đường bờ của tỉnh Thừa Thiên Huế, chiều rộng 0,5 - 0,9km, độ sâu trung bình 1,5 - 2,0m, sâu nhất là 6 - 7m ở cửa thông ra biển.

Với diện tích khoảng 21.600ha, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, nằm ở khu vực chịu ảnh hưởng chế độ gió mùa Đông Bắc, gần trung tâm mưa Bạch Mã, nơi có lượng mưa cao nhất nước ta, có hệ thống cồn cát đồ sộ chạy dọc bờ chắn phía ngoài.

Là nơi giao lưu giữa môi trường nước ngọt và nước mặn, hệ đầm phá nói chung, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nói riêng, có tiềm năng du lịch sinh thái rất lớn nhờ tính đa dạng và đặc sắc của tài nguyên với nguồn gen khá phong phú gồm khoảng 600 loài sinh vật, trong đó nhiều loài thủy sản có giá trị đáp ứng nhu cầu ẩm thực của khách du lịch như Cua, Ghẹ, cá Dày, cá Dìa, Đối mục... Hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên đầm phá là một trong những nét đặc trưng của HST đầm phá, để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn. Đây còn là nơi có cảnh quan hấp dẫn, với nhiều loài chim nước cư trú

Trong đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, với ưu thế mặt thoáng rộng, có thể tổ chức lặn tham quan, khám phá các HST rong biển (có khoảng 44 loài đã được phát hiện), tổ chức các hình thức vui chơi giải trí như đua thuyền, lướt ván, câu cá..., tham quan các làng chài, các bè nuôi sinh vật cảnh bán tự nhiên... để lưu chân du khách. Ven đầm phá có nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng như Thuận An, Vinh Hiền, rất thích hợp với hoạt động nghỉ ngơi, an dưỡng, tắm biển.

Sau đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thì đầm Ô Loan cũng được xem là một lagun điển hình, nằm ở phía Bắc thành phố Tuy Hòa, thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thủy vực đầm Ô Loan được tạo ra từ hai hệ thống cồn cát chắn song song. Hệ cồn thứ nhất phát triển từ doi cát nối đảo, tựa vào núi Hòn Xen và núi Phú Sơn, kéo dài về phía Nam tới Tân Quy. Độ cao trung bình của cồn cát là 3,5 - 4m và giảm dần về phía Nam, rộng trung bình 800m, kéo dài 5km. Đây là nơi tập trung dân cư sinh sống. Hệ thống cồn thứ hai cũng phát triển từ doi cái nối đảo, tựa vào khối Đồng Trang và Phước Đồng, ngược về phía Bắc tới chân núi Phú Lương, có chiều dài khoảng 9km, rộng trung bình 250m, cao 6 - 7m và thấp dần về phía bắc. Giữa hai hệ thống cồn cát là một rãnh hẹp - luồng dẫn của cửa đầm.

Đầm Ô Loan là một thủy vực khá yên tĩnh, độ muối cao, có diện tích mặt nước rộng khoảng 1.570ha, địa hình đáy khá bằng phẳng, nông đến 1,2m, có điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung, đặc biệt là tôm và rong câu - có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là nơi neo đậu tàu thuyền, đặc biệt rất an toàn khi có bão.

Nguồn gen sinh vật trong đầm Ô Loan không phong phú và đa dạng như các đầm phá khác ở miền Trung, với khoảng 370 - 380 loài động vật, bù lại ở đây có tiềm năng nổi bật về các loài có giá trị kinh tế cao như rong câu chỉ vàng, tôm sú, tôm he, tôm rảo, cá đối mục v.v...

Cùng với các giá trị về sinh thái, yếu tố cảnh quan đẹp với thủy vực trong xanh, tiện đường giao thông, đã tạo cho đầm Ô Loan sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch. Hơn nữa ở đây còn có nhiều bãi tắm đẹp, các làng chài mang đậm nét văn hóa bản địa đặc trưng của dải đất miền Trung... cho phép sáng tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái đặc sắc, có chất lượng cao.



(Nguồn: Du lịch sinh thái - những vấn đề về lý luận

và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, 2005)

PHỤ LỤC 6



HỆ SINH THÁI SAN HÔ Ở VIỆT NAM

Hệ sinh thái (HST) san hô là một trong những HST đặc thù của vùng biển nhiệt đới, vì vậy thu hút được sự quan tâm đặc biệt của du khách quốc tế khi đi du lịch đến các nước nhiệt đới. Nhiều nước trong khu vực như: Ôxtrâylia, Malaixia... đã có những thành công trong việc khai thác các giá trị HST san hô phát triển du lịch sinh thái.

HST san hô ở Việt Nam khá giàu về thành phần loài, tương đương với các khu vực giàu san hô khác ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó ở vùng biển ven bờ phía Bắc bước đầu đã định tên được 95 loài thuộc 35 giống, 13 họ và ở vùng biển ven bờ phía Nam định tên được 255 loài thuộc 69 giống.

Tính chất đặc thù của tự nhiên được thể hiện trong tính đa dạng của các loài san hô ở Việt Nam. Trong mỗi HST san hô đều có sự có mặt của hầu hết các loài san hô có ở những vùng biển khác. Trên thế giới, những vùng biển có số lượng khoảng 75 loài đã được xem là vùng giàu san hô. Sự phong phú về thành phần loài san hô của biển Việt Nam cho phép tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái dưới nước ở nhiều vùng biển khác nhau, từ vịnh Hạ Long đến vùng biển ven bờ Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nam Bộ, đặc biệt là ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Các rạn san hô là nơi quần tụ của nhiều loài sinh vật khác nhau, thường gặp là các loài thân mềm, nhiều loài đặc sản như Tu hài, Sò lông, Trai ngọc, Bào ngư, nhiều loài trai ốc đẹp như ốc nón, ốc bảo bối... Nhóm động vật giáp xác cũng phong phú, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế như Tôm hùm, Ghẹ, Cua,.. Các loài da gai có Hải sâm, Cầu gai, Huệ biển, Sao biển... Nhiều loài cá ở rạn san hô có màu sắc sặc sỡ, tạo sự huyền ảo và hấp dẫn. Xen vào đó là các loài rắn, rùa biển. Thực vật sống trên rạn với số lượng phong phú có Tảo vôi, Tảo lục, Tảo nâu, trong đó Rong mỡ là loài có giá trị kinh tế.

Sự hình thành, tồn tại và phát triển của các rạn san hô ở Việt Nam gắn liền với quá trình biến đổi địa chất đáy biển. Việc nghiên cứu mối quan hệ này cho phép phát hiện nhiều điều thú vị và bổ ích về lịch sử phát triển của các vùng biển Việt Nam. Ví dụ, kết quả nghiên cứu của Viện Hải dương học cho thấy rạn san hô bãi cạn lớn ở Nha Trang đã được hình thành từ trước Holoxen trên nền đá macma, đến thời kỳ biển lùi trước Holoxen vùng này nằm trên lục địa và bị bao phủ bởi các vật liệu aluvi. Trong thời kỳ biển tiến Flanđowrrian, các rạn cũ bị phá hủy tạo ra vật liệu Bioclastic và khi mực nước biển đạt tới mức thuận lợi, các rạn san hô phát triển dưới dạng các vết trên nền đáy cũ.

San hô tạo rạn và phát triển trên nhiều loại nền khác nhau như trên nền san hô chết, đá trầm tích biến chất (vịnh Vân Phong - Bến Gỏi), đá macma (vịnh Nha Trang)... Độ cứng và tính ổn định cao của nền đáy là điều kiện cần thiết, trong nhiều trường hợp khống chế diện tích mà rạn san hô có thể phát triển. Ví dụ, ở vịnh Nha Trang chiều dài rạn có thể thay đổi tới 1km (Hòn Tằm) đến nhiều km (Hòn Lớn), chiều rộng có nơi chỉ khoảng 10m (Đông Nam hòn Miêu) đến trên 100m (Đông Bắc hòn Miêu). Trong giai đoạn đầu, nền đáy có thể chủ yếu là đáy cứng dốc hoặc gần nằm ngang, nơi chỉ một vài rạn san hô có thể phát triển. Sau quá trình phát triển thành những tập đoàn đủ lớn, san hô chết đi để lại tạo thành đáy cứng cho các san hô khác bám vào, phát triển và tạo rạn.

Các thủy vực thường xuyên được bổ sung, trao đổi các chất dinh dưỡng và khí với môi trường xung quanh nhờ sóng, gió và dòng chảy, tạo điều kiện cần thiết cho các rạn san hô - tảo cộng sinh phát triển. Các tập đoàn san hô dạng khối lớn thường phát triển trên nền đáy tương đối bằng phẳng ở nơi không có sóng gió lớn. Các tập đoàn san hô dạng cành mảnh và dạng khối nhỏ phát triển thuận lợi trên nền đáy san hô chết ở địa hình có độ dốc nhỏ và trong môi trường không có sóng lớn.

San hô là loài sinh vật rất nhạy cảm với điều kiện hải văn như chế độ sóng, dòng chảy, thủy triều, với điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ mặn, độ đục của nước biển và với mức độ lắng động trầm tích trong nước biển. Đó là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển, phân bố loài và cấu trúc hình thái các rạn san hô. Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy về nhiệt độ, các rạn san hô chỉ có thể phát triển trong các vùng nước có nhiệt độ 18 - 320C, tốt nhất là 25 - 290C; về độ muối, trong khoảng 27 - 35‰. Ngoài hai yếu tố môi trường cơ bản trên, sự phát triển san hô đòi hỏi phải có chế độ lưu thông nước tốt để bảo đảm đủ lượng ôxy và chất dinh dưỡng. Đối với các loài san hô tạo rạn còn đòi hỏi nước có độ trong tốt, bảo đảm ánh sáng để tảo cộng sinh trong san hô quang hợp, xa các vùng cửa sông để tránh bị nhiễm bùn.

Ở vùng biển phía Bắc do tác động của hoàn lưu gió mùa, của không khí lạnh vào mùa đông, của bão, nên chế độ hải văn và môi trường biển thường có nhiều biến động. Ngoài ra hằng năm các hệ thống sông ngòi, đặc biệt là sông Hồng, sông Thái Bình... đổ ra vùng biển ven bờ hàng triệu tấn phù sa,bùn cát làm thay đổi độ trong suốt của nước biển. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển, phân bố của các loài san hô. Vì vậy, nhìn chung các HST san hô ở vùng biển phía Bắc kém phát triển, nghèo về thành phần loài và kém đa dạng về cấu trúc, độ lớn và độ phủ của các rạn bị hạn chế.

Ở vùng biển phía Bắc, trừ quần đảo Cô Tô nằm tách biệt, còn phần lớn các khu vực đáy biển bị chia cắt bởi hàng nghìn đảo nhỏ, tạo ra nhiều thủy vực tùng, áng, vũng, vịnh. Các rạn san hô ở đây thường có kiểu riềm bờ, với cấu trúc hình thái giống các rạn kinh điển như lagun riềm bờ (fringing lagoon), mặt bằng rạn (reef flat) trong và ngoài, mào rạn (crest), sườn dốc (slope) và nền chân rạn (platform reef), song tùy thuộc vào địa hình ven đảo và đáy biển mà rạn riềm bờ ở mỗi nơi lại có những biến đổi về hình thái cấu trúc. San hô tạo rạn thường phát triển hạn chế trên các sườn ngầm quanh đảo hoặc trong các bãi tùng, áng ven đảo ở độ sâu tới 10m, rất thuận tiện cho tổ chức du lịch sinh thái dưới biển (lặn biển, thủy cung...). Tuy nhiên, vùng biển ven bờ phía Bắc có độ sâu nhỏ, đáy biển có nhiều bùn cát, bờ đảo dốc nên các rạn san hô thường ngắn và hẹp.

Căn cứ vào mức độ trải dài xuống sâu, vào cấu trúc thành phần quần xã sống trên rạn và độ phủ của san hô sống, có thể chia ra các kiểu phụ: các rạn trong vụng kín (hay trong tùng, áng), các rạn trong các eo biển hay các lạch triều và các rạn ở mũi nhô hay quanh đảo tách biệt.



Các rạn san hô trong vụng kín (trong tùng, áng) phát triển phổ biến ở các thủy vực thuộc vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Do đặc điểm địa hình kín, ít sóng, gió nhưng có nhiều nước lưu thông nên nhóm san hô dạng cành phát triển với mật độ cao, tạo điều kiện tích tụ nhanh chóng trầm tích từ sinh vật. Mực triều thấp là giới hạn phát triển của san hô nên ở vùng ranh giới này thường có nhiều san hô chết, sau đó sẽ biến thành dạng bãi có đáy là nền san hô chết, cát và một ít san hô tái sinh.

Các rạn san hô này thường có đới mặt bằng (reef flat) rộng. San hô sống trên đới mặt bằng thường nghèo, tập đoàn nhỏ với mật độ thưa - chưa đến một tập đoàn/m2 (độ phủ 3%) và có chiều hướng tăng dần theo khoảng cách từ bờ ra. Quần xã sinh vật khá phong phú với nhiều loài cá rạn san hô, thân mềm, giáp xác, da gai... trong đó một số loài có giá trị kinh tế như Tu hài, Sò lông, Sò huyết...

Xuống độ sâu tới 6m là đới sườn có độ dốc lớn (30 - 400), các rạn san hô phát triển hơn cả về thành phần loài và số lượng (độ phủ) nhưng chỉ rộng chừng 15 - 20m. Ở đây có những tập đoàn san hô lớn hơn, hình thái cũng đa dạng hơn nhiều so với đới mặt bằng. Các tập đoàn dạng khối có đường kính đến 0,5m, phổ biến là các loài Goniopora, Platygyra, sau đó là các giống Favia favites, PoritesGalaxae. Có thể nói đới sườn trong các vụng kín tùng, áng vùng biển phía Bắc là nơi thuận lợi để khai thác giá trị HST san hô, tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, tiêu biểu là ở các khu vực vịnh Lan Hạ, đảo Đầu Bê, đảo Cống Đỏ...

Đới nền chân rạn là vùng đáy cát và cát bùn nên san hô rất ít phát triển, chỉ có tập đoàn của Acropora  và loài san hô tự do đơn độc Fungia fungites.



Các rạn san hô ở các eo biển hay lạch triều ở vùng biển phía Bắc phát triển trong điều kiện có nhiều núi che chắn nên sóng, gió không mạnh, nhưng dòng triều mạnh. Các rạn san hô thường ở nơi có độ dốc lớn, quy mô rất hẹp, chỉ rộng chừng trên dưới 10m. San hô tuy phát triển phong phú, nhưng chủ yếu là các loài có tập đoàn dạng phủ, dạng bán cầu nhỏ và dạng cành ngắn thích nghi với các vùng có dòng chảy mạnh. Độ phủ san hô sống trung bình là 20 - 25%, song lượng sinh khối kém hơn so với các vùng rạn thường mỏng. Vùng đáy mềm thường có một số san hô sừng dạng roi phát triển.

Do đặc điểm rạn mỏng nên đều kiện cư trú và phát triển của các loài sinh vật cộng sinh hạn chế, làm giảm tính hấp dẫn của HST san hô, đứng từ góc độ du lịch.



Các rạn san hô phát triển ở các mũi nhô hay quanh các đảo tách biệt, trong điều kiện sóng gió lớn do hướng bờ trực tiếp đối mặt với biển. Rạn san hô không rộng quá 100m. San hô thưa, chủ yếu là nhóm loài có khả năng chịu nóng. Đới cuối rạn ở độ sâu trên 7m thường có san hô sừng phát triển.

Ở vùng biển ven bờ phía Nam có nhiều khu vực thuận lợi cho san hô phát triển, trừ vùng cửa sông Cửu Long bị ảnh hưởng phù sa của hệ thống sông từ đất liền đổ ra. Tuy vậy trên diện rộng có thể thấy sự khác biệt khá lớn giữa vùng ven biển Nam Trung Bộ và vùng biển Tây Nam Bộ. Vùng biển Tây Nam Bộ thuộc vịnh Thái Lan là vùng biển nông với độ sâu tối đa khoảng 30m, thủy vực trong vịnh lại có dòng chảy tuần hoàn nên khả năng lưu thông nước với biển khơi không lớn, ở vùng ven bờ, đáy biển ít ổn định, độ trong của nước thấp, rạn san hô chỉ phân bố ở ven bờ các đảo xa như Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du...

Kết quả nhiều công trình nghiên cứu về phân loại san hô cho thấy các rạn san hô phát triển ở vùng biển ven bờ phía Nam phần lớn thuộc kiểu "rạn riềm bờ" (fringing reef). các rạn riềm bờ có 3 nhóm hình thái cấu trúc tùy theo mức độ ảnh hưởng của biển khơi: nhóm rạn kín (Closed reef) bao gồm các rạn san hô nằm trong các vũng, vịnh như vịnh Bến Gỏi (Khánh Hòa), vũng Đầm Tre, Bến Đầm (Côn Đảo); nhóm rạn hở (Exposed reef) thường phân bố dọc bờ biển, nơi có nhiều đảo nhỏ, trừ những đảo ở gần cửa sông; nhóm rạn nửa kín (Semi enclosed reef) phân bố chủ yếu ở các vũng nhỏ ven bờ phía Đông Nam Việt Nam hoặc các riềm đảo hướng về phía không bị tác động mạnh của sóng, gió, dòng chảy. Các vũng này được che chắn một phần nhờ các mũi đá, đảo hoặc rạn ngầm nên hình thành các rạn san hô lớn.

Các rạn san hô ở vùng biển Tây Nam Bộ được xếp vào 2 nhóm: Nhóm rạn đáy cứng thường gặp phổ biến ở các vùng biển xung quanh quần đảo Nam Du, những quan sát sơ bộ cho thấy rạn san hô của vùng này khá phong phú, phân bố ở hầu hết dải quanh đảo và có độ phủ san hô khá cao. Hình thái cấu trúc tương đối giống nhau trên các rạn, sự biến thiên của các tính chất đặc trưng không lớn. Trên các rạn thuộc nhóm đáy nền cứng, các sinh vật đáy lớn không được đa dạng, chủ yếu là Ốc đụn (Trocus), Ốc sứ (Cyprea), Bào ngư (Holiotis), Cầu gai (Diadems), Hải sâm (Stichopus), Sao biển (Culcita), vì vậy tính đa dạng khu hệ sinh vật của rạn không cao. Đánh giá một cách tổng quan thì các rạn thuộc nhóm đáy cứng có tính đa dạng không cao, nhưng độ phong phú lớn và tính ưu thế thể hiện rõ nét, điều kiện môi trường nói chung ổn định.

Trong vùng biển ven bờ Tây Nam nhóm rạn đáy xốp không phổ biến, chúng chỉ phân bố ở một số vũng, vịnh nhỏ. Đặc trưng môi trường trên các rạn đáy xốp là tính ổn định, rạn san hô không bị ảnh hưởng lớn của sóng, gió. Những vực nước sâu vẫn trao đổi nước dễ dàng với biển khơi. San hô tạo rạn phát triển đa dạng và đạt độ phong phú cao. Tính ưu thế thuộc về các Acropora dạng nhánh mảnh thẳng đứng. Sinh vật đáy lớn tồn tại trong sinh cảnh này gồm nhiều Trai tai tượng, Cầu gai, Hải miên và đặc biệt có nhiều Hải sâm Bohadochia lớn.

Sự đa dạng về thành phần loài, về cấu trúc các rạn san hô của Việt Nam có ý nghĩa lớn về du lịch sinh thái. Tuy nhiên những giá trị của HST này đang bị suy giảm bởi tác động của con người. Cho đến nay mới chỉ có một vùng biển trong phạm vi của Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Cát Bà, Côn Đảo là được bảo vệ. Trên vùng biển phía Nam, nơi các rạn san hô đặc biệt phong phú, đa dạng vẫn đang chịu những tác động mạnh do bị khai thác cho những mục đích khác nhau. Thực trạng này đòi hỏi cần nhanh chóng thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên hay Vườn quốc gia biển, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học biển nói chung, giá trị của HST san hô nói riêng.



(Nguồn: Du lịch sinh thái - những vấn đề về lý luận

và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, 2005)

PHỤ LỤC 7



Каталог: userfiles -> file
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
file -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
file -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
file -> BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịCH
file -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> Số: 38/2009/QĐ-ttg CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịch cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)
file -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII

tải về 0.93 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương