BỘ giáo dục và ĐÀo tạo tài liệu giáo dục về TÀi nguyên và MÔi trưỜng biểN, ĐẢo cho học sinh trung học phổ thôNG


Biển, đảo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ



tải về 0.93 Mb.
trang8/11
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.93 Mb.
#30674
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

2. Biển, đảo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ

2.1. Giới thiệu chung về biển, hải đảo của vùng

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ có đường bờ biển dài 1931km từ huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đến huyện Hàm Tân (Bình Thuận) thuộc địa bàn của 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Đây là vùng có đường bờ biển dài nhất nước ta nằm ở phía Tây Nam của Vịnh Bắc Bộ và phía Tây của Biển Đông. Vùng biển này có ít đảo ven bờ nhưng lại có 2 quần đảo lớn nhất nước ta nằm ở ngoài khơi xa trên Biển Đông là quần đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) và quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Về điều kiện tự nhiên, vùng biển đảo này có cấu trúc địa chất khá đa dạng và phức tạp với các loại đá macma, trầm tích và biến chất có tuổi rất cổ từ đại Nguyên sinh cách đây hàng nghìn triệu năm cho đến các đại Cổ sinh, Trung sinh và Tân sinh ngày nay. Đáng chú ý là ở ven biển miền Trung đã từng xảy ra các hoạt động núi lửa phun trào badan trên các đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, các núi lửa ngầm ở thềm lục địa hoặc xuất hiện đảo tro do núi lửa ngầm tạo nên ở ngoài khơi thành phố Nha Trang vào đầu thế kỷ 20. Ở vùng này cũng đã từng xảy ra các trận động đất nên đã được cảnh báo về khả năng có thể xảy ra sóng thần.

Địa hình ven biển miền Trung có nhiều nét đặc sắc khác hẳn với các vùng biển khác ở nước ta:

- Có các dãy núi cắt ngang theo hướng Đông - Tây chạy sát ra biển như Hoàng Sơn, Bạch Mã, Vọng Phu với những con đèo hiểm trở vắt qua trên đường thiên lý Bắc - Nam tạo nên các cảnh quan tự nhiên rất hùng vĩ và đẹp mắt tại Đèo Ngang, Đèo Hải Vân, Đèo Cả.

- Có các cồn cát và đầm phá ven biển với các hệ sinh thái ven biển rất độc đáo, hiếm có trên thế giới.

- Có các vịnh nước sâu rất thích hợp để xây dựng các cảng biển.

- Có các bãi cát, mũi đất ven biển thuận lợi cho phát triển du lịch biển.

Khí hậu vùng biển này mang tính chất chuyển tiếp giữa khí hậu miền Bắc và khí hậu miền Nam. Từ Đà Nẵng trở vào hoạt động du lịch biển có thể tiến hành quanh năm, khắc phục được tính mùa vụ của du lịch miền Bắc do có mùa đông lạnh. Bão với sức tàn phá mạnh và mưa lớn gây nên sạt lở bờ biển, lũ và ngập lụt xảy ra trên một diện rộng là những thiên tai ác liệt gây nên những thiệt hại nghiêm trọng nhất ở nước ta thường hay xảy ra ở vùng này.

Hình 3.3. Rặng san hô ở biển Sơn Trà, Đà Nẵng

Về đa dạng sinh học, vùng biển này có các Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Núi Chúa (Ninh Thuận) và nhiều khu bảo tồn thiên thiên rất có giá trị. Các hệ sinh thái cửa sông, đầm phá và rạn san hô ngầm là các hệ sinh thái điển hình có giá trị cao về kinh tế, bảo tồn tự nhiên và phát triển du lịch. Riêng hệ sinh thái san hô, vùng biển Nam Trung Bộ có đa dạng loài cao nhất với trên 300 loài trong số trên 350 loài san hô của cả nước cùng với các loài cá biển san hô (cá cảnh), hết sức đặc sắc.

Về kinh tế - xã hội, đây là vùng có truyền thống khai thác kinh tế biển lâu đời và kèm theo đó là nền văn hóa đậm đà bản sắc của cư dân biển. Hướng ra biển, làm giàu từ biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển là ý chí và khát vọng mãnh liệt của người dân ven biển miền Trung.

Một tương lai phát triển kinh tế - xã hội rất tươi sáng đang mở rộng của vùng biển này. 10 khu kinh tế trong số 15 khu kinh tế trong Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 23/9/2008 sẽ được xây dựng ở khu vực miền Trung là các khu kinh tế: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông Nam Nghệ An (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Châu Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Nam Phú Yên (Phú Bình), Vân Phong (Khánh Hòa).

2.2. Tiềm năng và hiện trạng khai thác, nuôi trồng, chế biển thuỷ hải sản; phát triển du lịch; và giao thông vận tải biển

2.2.1. Ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản.

Vùng biển Trung Bộ là nơi có tiềm năng phát triển ngành thuỷ hải sản lớn nhất ở nước ta. Ở đây có những ngư trường lớn ở Nam Vịnh Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và những ngư trường lớn xa bờ ở Biển Đông; có nhiều bãi triều, cửa sông, đầm phá rộng lớn rất thuận lợi cho việc nuôi trồng nhiều loại sinh vật hiếm quý như cá, tôm, cua, rong biển. Khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) có hệ sinh thái nước lợ lớn nhất cả nước và lớn nhất khu vực Đông Nam Á rất thuận lợi cho việc khai thác và nuôi trồng thuỷ hải sản.

Người dân ở vùng biển này cũng có truyền thống lâu đời làm ra nhiều mặt hàng đặc sản biển nổi tiếng ở trong nước cũng như ở nước ngoài như nước mắm Phan Thiết; tôm hùm, yến sào Khánh Hòa, cá ngừ đại dương. Hiện nay và trong tương lai ngành khai thác hải sản xa bờ ở vùng biển này chiếm tỷ trọng cao nhất về năng suất, sản lượng cũng như lực lượng khai thác so với cả nước.

Bên cạnh những ưu đãi của thiên nhiên, người dân của vùng biển này, đặc biệt là những người trực tiếp khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản phải thường xuyên ứng phó với các thiên tai như bão, lũ lụt, sạt lở bờ biển; những suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường; những hậu quả của biến đổi khí hậu gây rất nhiều khó khăn và thiệt hại, có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống.



2.2.2. Ngành du lịch

Du lịch biển cũng là thế mạnh ở vùng biển này. Vùng biển Nam Trung Bộ, từ thành phố Đà Nẵng đến Bình Thuận có rất nhiều bãi biển trong xanh, cát trắng; có nền nhiệt độ cao và chan hoà ánh nắng; có nhiều rạn san hô và nhiều hệ sinh thái biển rất đặc sắc. Bãi biển Lăng Cô, bãi biển Đà Nẵng, Nha Trang đã được nhiều tạp chí và hãng du lịch quốc tế bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất trên thế giới.



Hình 3.4. Bãi biển Lăng Cô-Thừa Thiên Huế

Tài nguyên du lịch nhân văn của cư dân vùng biển với nhiều màu sắc dân tộc và nền văn hoá khác nhau; những di tích lịch sử nghệ thuật; những lễ hội truyền thống và đương đại; những sự kiện có tầm vóc quốc gia, quốc tế cũng có sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch trong nước và quốc tế đến với vùng biển này. Nhiều hoạt động du lịch như bơi biển, lặn biển, đua thuyền buồm, thi lướt sóng, thi thả diều, thi đấu bóng chuyền trên bãi biển, thi hoa hậu, thi bắn pháo hoa quốc tế... đã được tổ chức rất thành công ở đây.

Tuyến du lịch liên kết "Con đường di sản miền Trung" nối liền 4 di sản thiên nhiên và di sản văn hoá Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Cố đô Huế, (Thừa Thiên Huế), Đô thị cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) có sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tuyến du lịch bằng đường biển quốc tế với những tàu du lịch cao cấp vận chuyển hàng trăm nghìn khách du lịch quốc tế thường hay cập bến cảng Đà Nẵng, Nha Trang cũng như các tuyến du lịch xuyên Á; du lịch hành lang Đông - Tây nối nước ta với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan đã mở ra cơ hội mới cho du lịch miền Trung hội nhập với thế giới.

Tuyến du lịch xuyên Việt bằng đường chiến lược Bắc Nam bao gồm đường bộ và đường sắt, đường Hồ Chí Minh với sự kết hợp với các sân bay Vinh, Huế, sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay Quy Nhơn, Nha Trang cùng với các cảng biển nhộn nhịp quanh năm qua lại càng khẳng định vị thế của du lịch miền Trung.

Các khu du lịch biển quốc gia và quốc tế đang được hình thành cùng với các khu nghỉ dưỡng cao cấp dọc theo biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hoà, Bình Thuận đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo và khẳng định tầm vóc của du lịch miền Trung.

2.2.3. Ngành giao thông vận tải biển

Giao thông vận tải đường biển là thế mạnh của vùng biển miền Trung. Có thể nói đây là nơi tập trung nhiều cảng biển nhất ở nước ta. Theo Quyết định công bố danh mục phân loại cảng biển Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ thì ở vùng này có 8 cảng biển loại I là Nghi Sơn (Thanh Hoá), Cửa Lò (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng), Dung Quất (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định) và Vân Phong (Khánh Hoà); 11 cảng biển loại II là các cảng Lệ Môn (Thanh Hoá), Bến Thuỷ (Nghệ An), Xuân Hải (Hà Tĩnh), Đồng Hới (Quảng Bình), Cửa Việt (Quảng Trị), Thuận An (Thừa Thiên Huế), Quảng Nam, Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Vũng Rô (Phú Yên), Cà Ná (Ninh Thuận) và Phú Quý (Bình Thuận). Ngoài ra, cảng Vân Phong (Khánh Hoà) còn được xác định là cảng tổng hợp quốc gia cửa ngõ quốc tế.

Hiện nay các cảng biển ở miền Trung chưa thực sự phát huy hết tác dụng như các cảng biển ở miền Bắc và miền Nam, nhưng trong tương lai với sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, các cảng ở miền Trung với ưu thế có nhiều cảng nước sâu, lại nằm rất gần các đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông nhất định sẽ có những đóng góp to lớn hơn cho ngành giao thông vận tải biển và cho sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của đất nước.

Đương nhiên gắn liền với sự phát triển của ngành giao thông vận tải biển tình trạng ô nhiễm môi trường biển, những sự cố môi trường do hoạt động của nó gây ra là không thể tránh khỏi. Vấn đề là cần có các giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu, hạn chế và khắc phục kịp thời, có hiệu quả những hậu quả của sự ô nhiễm và những sự cố môi trường do giao thông vận tải biển gây ra.



2.3. Các nguy cơ làm suy giảm nguồn tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường biển, đảo

2.3.1. Những biểu hiện của sự suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường

Sự suy giảm tài nguyên sinh vật và ô nhiễm môi trường biển ở vùng biển này đã được thể hiện rất rõ nét, cụ thể là:

- Sự mất đi của nhiều loài sinh vật, nhiều nhất là các loài động vật như cá, tôm, thân mềm, san hô.

- Đôi khi xuất hiện tình trạng sinh vật biển chết hàng loạt.

- Năng suất, sản lượng nghề cá giảm rõ rệt, đặc biệt với việc khai thác gần bờ. Khai thác xa bờ là chủ lực đóng góp phần lớn cho ngành thủy sản miền Trung nhưng sản lượng rất bấp bênh và phụ thuộc vào tình hình biển động, giá cả xăng dầu và an ninh trên biển.

- Bờ biển bị sạt lở diễn ra trên diện rộng với quy mô và mức độ tàn phá rất lớn, uy hiếp đời sống và hoạt động sản xuất của nhân dân. Theo số liệu thống kê hơn 30 năm gần đây, dọc bờ biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có 233 khu vực bị sạt lở, trong đó có 284 đoạn bị sạt lở và 10 khu vực sạt lở toàn bộ, tính chung trung bình khoảng hơn 6km bờ biển lại có một đoạn bị sạt lở.

- Nước biển dâng cao, xâm nhập mặn tăng và tiến sâu vào đất liền, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.

- Tình trạng ngập lụt khiến mùa màng bị thất thu, dịch bệnh phát triển, tính mạng của nhân dân bị uy hiếp, đời sống gặp nhiều khó khăn.



2.3.2. Những nguyên nhân chính của sự suy giảm tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường biển, đảo.

Nguyên nhân chính gây ra sự suy giảm tài nguyên và ô nhiễm, thậm chí suy thoái môi trường ở vùng biển này là sự kết hợp của các nguyên nhân do thiên nhiên và do con người gây ra. Nhưng có thể nói, khu vực bờ biển miền Trung là khu vực phải hứng chịu thiên tai do bão, lũ gây ra ác liệt nhất và gây nên những hậu quả nặng nề nhất ở nước ta. Mùa bão kéo dài, cường độ bão mạnh nhất so với các khu vực bờ biển khác ở nước ta. Bão gây mưa to và kéo dài, gió lớn và sóng biển dâng cao có sức công phá lớn đã gây nên cảnh lụt lội, sạt lở bờ biển, phá huỷ nhà cửa và các công trình xây dựng, đường sá; làm mất mùa, sản xuất và giao thông bị ngừng trệ.

Những nguyên nhân do con người gây ra làm suy giảm tài nguyên là sự khai thác quá mức các nguồn lợi hải sản, đặc biệt ở các đầm phá và khu vực gần bờ. Mặt khác tình trạng gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước biển, rất có hại cho các loài sinh vật, làm giảm sút đa dạng sinh học, làm giảm năng suất, chất lượng vật nuôi cây trồng; đôi khi còn xảy ra tình trạng tôm cá chết hàng loạt do nước thiếu oxy, bị nhiễm khuẩn, nhiễm bệnh hoặc ngộ độc do chất thải độc hại, thuốc bảo vệ thực vật.

Sự ô nhiễm môi trường biển ở vùng này còn do con người xả các chất thải trực tiếp ra biển chưa qua xử lý. Đó là rác thải, nước thải từ các khu dân cư, khu sản xuất công nghiệp, khu nuôi trồng, chế biến thủy sản, khu có các hoạt động du lịch,... Trong sản xuất nông nghiệp đó là sự lạm dụng phân bón hóa học, sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật.



Hình 3.5. Nước thải công nghiệp chưa qua xử lí

thải trực tiếp ra môi trường

Mặt khác các hoạt động giao thông vận tải với sự gia tăng của số lượng tàu thuyền cũng có tình trạng xả các chất thải trực tiếp xuống sông, xuống biển không được thu gom hoặc xử lý. Những sự cố tai nạn giao thông trên biển như tràn dầu, đắm tàu thuyền có chứa các chất độc hại cũng gây nên những tổn thất đáng kể cho môi trường biển và nhiều hoạt động của con người.



2.4. Biện pháp sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển

Bên cạnh các biện pháp chung về cơ chế chính sách quản lý tổng hợp đới bờ; tăng cường và thường xuyên tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và tích cực tham gia mọi hoạt động bảo vệ môi trường biển; tăng cường công tác quản lý tài nguyên môi trường như đối với các vùng biển khác ở nước ta, ở vùng biển, đảo Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung cần đặc biệt lưu ý đến các biện pháp sau:

- Đây là vùng có đường bờ biển dài nhất và dài gấp nhiều lần các vùng biển khác ở nước ta (gần gấp 5 lần vùng bờ biển Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng, gấp hơn 2 lần vùng bờ biển Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long) nên cần có sự quan tâm và đầu tư tương xứng của Nhà nước.

- Đây là vùng thường xuyên có thiên tai lớn và ác liệt nhất ở vùng biển nước ta nên cần có các giải pháp công trình thích hợp đủ sức đối phó và làm giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt trong bối cảnh có sự biến đổi khí hậu.

- Đây là vùng có các hệ sinh thái đặc thù, đặc sắc ở vùng biển nước ta (hệ sinh thái đầm phá, hệ sinh thái cồn cát ven biển); là nơi có nhiều bãi biển và cảnh quan đẹp được xếp hạng trên thế giới; là nơi có nhiều cảng nước sâu; là nơi có mùa mưa lệch pha (sang mùa thu - đông) so với các khu vực khác trên đất nước. Tất cả đều có liên quan mật thiết và rất nhạy cảm với mọi sự biến đổi của môi trường biển. Vì thế trong khi áp dụng các biện pháp chung cho việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo cần đặc biệt lưu ý đến những nét đặc thù trên.

2.5. Hành động của chúng ta

Sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi người dân trong cộng đồng. Thầy và trò trường trung học phổ thông ở mỗi địa phương cần tích cực tham gia vào công việc đó bằng những hành động thiết thực.



2.5.1. Tích cực tham gia vào việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, luật pháp nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ tài nguyên môi trường biển

- Nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như tôn vinh những giá trị của đại dương đối với sự sống của nhân loại và tính cấp thiết của việc bảo vệ đại dương.

- Tổ chức và tham gia các cuộc thi sáng tạo các tác phẩm báo chí, các loại hình văn học, nghệ thuật của Trung ương và địa phương về chủ đề bảo vệ tài nguyên môi trường biển.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền thích hợp như mít tinh, hội thảo, hội nghị, các cuộc thi, triển lãm,…về chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới (ngày 8/6 hàng năm); treo biểu tượng, áp phích, tranh cổ động, in tờ gấp…và các hoạt động tuyên truyền khác về chủ đề này tại đơn vị, cơ quan, trường học;



2.5.2. Tổ chức các hành động thiết thực tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường biển

- Tổ chức chiến dịch ra quân làm sạch bờ biển, các hoạt động thể thao dưới nước hoặc trên bờ biển; thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đang sinh sống tại các bãi ngang và hải đảo có nhiều khó khăn v.v…;

- Tổ chức trồng cây, bảo vệ chăm sóc cây để cải thiện môi trường sống, làm đẹp cảnh quan; đặc biệt là rừng ngập mặn ven biển.

- Tích cực tham gia vào các hoạt động khắc phục và làm giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây ra tại trường và địa phương.

- Tổ chức học tập và thực hành các kỹ năng sống thích ứng với những biến động của tự nhiên và môi trường sống của địa phương như biết bơi, biết sách sơ cứu nạn nhân, biết cách khôi phục nguồn nước sạch, phòng chống dịch bệnh sau thiên tai bão lũ, ngập lụt...

2.6. Các ngành kinh tế chính có liên quan đến việc khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo vùng biển Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ

- Ngành sản xuất công nghiệp và xây dựng

Các cơ sở sản xuất công nghiệp và xây dựng thường tập trung ở các thành phố lớn, các khu nghiên cứu, các khu đô thị ven biển. Đây là nguy cơ lớn nhất xả vào môi trường, đặc biệt là môi trường nước biển, các chất thải mà phần lớn là chưa được xử lý.



- Ngành sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy sản

Ngành sản xuất này có quy mô rộng lớn. Nếu không hạn chế được tình trạng lạm dụng phân bón hóa học và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây ô nhiễm cho môi trường. Việc nuôi trồng, chế biến thủy hải sản nếu làm tràn lan, không tuân thủ các quy trình thì sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường và gây thiệt hại lớn.



- Ngành du lịch

Ngành du lịch đã được nhiều tỉnh, thành trong vùng xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Ngành du lịch sử dụng tài nguyên và môi trường để tạo ra các sản phẩm du lịch. Việc bảo vệ môi trường du lịch biển là lẽ sống còn của ngành du lịch các tỉnh thành ven biển. Ngành du lịch cần kết hợp với các ngành khác và với chính quyền các cấp ở địa phương không chỉ thường xuyên chăm lo việc bảo vệ môi trường mà còn trực tiếp góp phần tôn tạo, mở rộng phát triển để phát huy hết tác dụng của tài nguyên và môi trường du lịch để phát triển du lịch bền vững.



- Ngành giao thông vận tải

Ngành giao thông vận tải là ngành kinh tế có tác động trực tiếp tới sự tồn tại và phát triển bình thường của nhiều ngành và lĩnh vực khác của cuộc sống. Hoạt động của ngành giao thông vận tải với đủ mọi loại phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không ở vùng này cũng có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, với khí thải độc hại, khói bụi và tiếng ồn. Cần có các giải pháp tích cực, phù hợp và hữu hiệu để giảm bớt ảnh hưởng do ngành giao thông vận tải gây ra với môi trường.



3. Biển, đảo vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long

3.1. Giới thiệu chung về biển, đảo của vùng

Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có đường bờ biển dài 916km từ huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho đến thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) thuộc địa bàn của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Đây cũng là vùng biển ở tận cùng của đất nước, có đường bờ biển phía Đông Nam tiếp giáp với Biển Đông và bờ biển Tây Nam giáp với vịnh Thái Lan. Vùng biển Đông Nam có quần đảo Côn Sơn và đảo Hòn Khoai. Ở vùng biển Tây Nam có đảo Phú Quốc có diện tích lớn nhất trong các đảo của cả nước (593km2) và nhiều quần đảo nhỏ ven bờ như quần đảo Hà Tiên, quần đảo Bà Lụa, quần đảo Nam Du, quần đảo An Thới, quần đảo Thổ Chu.

Về điều kiện tự nhiên, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có cấu trúc địa chất là các lớp đất đá có tuổi trẻ nhất so với các vùng khác trên lãnh thổ, toàn bộ là trầm tích Nêôgen - Đệ Tứ với đá cát bột kết, cuội sỏi, cát, sét có gắn kết yếu và bở rời, ở một số nơi còn có trầm tích chứa than (bán đảo Cà Mau) và đá vôi (Hà Tiên). Đặc biệt ở thềm lục địa phía Nam đã xác định được các bể trầm tích Tân sinh có chứa dầu khí, trong đó có tiềm năng lớn nhất là các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay - Thổ Chu. Tiềm năng dầu khí dự báo khoảng 2,5 - 3 tỉ tấn quy đổi (khoảng 1 tỉ tấn dầu và 1500 tỉ m3 khí, trong đó trữ lượng đã xác định được là 1,13 tỉ tấn (429 triệu tấn dầu và 617 tỉ m3 khí).

Địa hình bờ biển chủ yếu là dạng bồi tụ với nhiều cửa sông lớn tạo nên các bãi bồi và bãi triều rộng lớn, phù sa màu mỡ là môi trường thuận lợi cho rừng ngập mặn phát triển nhất ở nước ta, đồng thời cũng là khu vực rừng ngập mặn vào loại hàng đầu thế giới, chỉ sau vùng rừng ngập mặn ở cửa sông Amadôn (Nam Mỹ)

 Trái ngược hẳn với Đông Nam Bộ là vùng đất cao, có địa hình phân bậc và lượn sóng, đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất thấp, bằng phẳng, độ cao trung bình chỉ khoảng 2m trên mực nước biển. Ở đây lại có hệ thống kênh rạch chằng chịt, liên thông giữa các dòng sông lớn và bờ biển Tây Nam với Đông Nam, hàng ngày chịu ảnh hưởng của con nước thủy triều. Vì thế hơn ở đâu hết trên lãnh thổ Việt Nam vùng này đang phải đối mặt với mùa lũ hàng năm trên sông Cửu Long và tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn tăng cường trên hầu hết diện tích.

Về khí hậu, Nam Bộ có những nét đặc trưng của khí hậu gió mùa cận xích đạo, khác hẳn với đặc điểm khí hậu của các vùng khác trên đất nước ta. Ở đây có nền nhiệt độ cao và đồng đều trong năm. Nhiệt độ trung bình hàng năm trên toàn vùng từ 25 - 270C với tổng nhiệt độ trung bình năm từ 9500 - 100000C, biên độ nhiệt độ nhỏ, chỉ khoảng 3-40C. Nam Bộ có lượng mưa trung bình năm 1500 - 2000mm, dao động trong khoảng 1300 - 3000mm và có sự phân hóa rõ rệt theo mùa. Mùa mưa kéo dài 7 tháng, từ tháng 5 đến tháng 11, chiếm tới 90% lượng mưa và số ngày mưa cả năm. Mùa khô kéo dài 5 tháng, từ tháng 11 đến tháng 4, có lượng mưa và số ngày mưa rất thấp. Vì thế tình hình khô hạn, hạn hán ở đây diễn ra rất gay gắt. Những biến động bất thường của thời tiết như xuất hiện bão lớn vào cuối năm (cơn bão số 5 tháng 11 năm 1997), lốc xoáy, mưa lớn, hạn hán do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở đây là khá rõ nét.

Tài nguyên sinh vật của vùng này rất đa dạng và phong phú. Hệ sinh thái nông nghiệp với đồng lúa; miệt vườn; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản là điển hình nhất cho cả nước. Hệ sinh thái rừng ngập mặn (đước, sú, vẹt) và rừng ngập nước (tràm) cũng là tiêu biểu và có diện tích lớn nhất cả nước. Ở đây có 3 vườn quốc gia ở trên biển và ven biển là Vườn quốc gia Côn Đảo, Vườn quốc gia Phú Quốc và vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Khu bảo tồn thiên nhiên Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đáng chú ý trên vùng biển Nam Bộ còn có các hệ sinh thái biển rất đặc thù là hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển với các loại động vật đặc hữu quý hiếm như đồi mồi, rùa biển, bò biển.

Về kinh tế - xã hội, vùng ven biển đồng bằng Nam Bộ là vùng trù phú, đông dân. Số dân vùng ven biển Nam Bộ chiếm gần 1/3 số dân vùng ven biển cả nước (32,69%) trong đó ở ven biển Đông Nam Bộ là 10,51% với mật độ dân số 301 người/km2; ở ven biển đồng bằng sông Cửu Long là 22,18% mật độ dân số thưa hơn và thấp nhất so với các vùng biển khác, 273 người/km2.

Nếu như sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp là thế mạnh nổi trội của vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long thì phát triển công nghiệp và giao thông vận tải đường biển lại là ưu thế của vùng Đông Nam Bộ. Trong đề án Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 2008) thì ở vùng này có 3 khu kinh tế là Phú Quốc (Kiên Giang), Định An (Trà Vinh) và Năm Căn (Cà Mau). Ngoài ra Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt khu kinh tế đặc biệt (đặc thù) của đảo Phú Quốc và quần đảo An Thới và khu kinh tế này được ưu tiên xây dựng trước cùng các khu kinh tế Vân Đồn, Vũng Áng, Vân Phong.

3.2. Tiềm năng và hiện trạng khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; phát triển du lịch; và giao thông vận tải biển

3.2.1. Ngành khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản

Nghề cá là nghề truyền thống vốn có từ lâu đời của nhân dân ven biển Nam Bộ. Trong 10 năm gần đây, sản lượng hải sản khai thác tăng trung bình 5%/năm. Tuy vậy năng suất và sản lượng khai thác ở khu vực gần bờ (có độ sâu dưới 30m nước) và khu vực ven bờ (có độ sâu dưới 20m nước) đã giảm đi rõ rệt. Việc khai thác thủy hải sản xa bờ tới các ngư trường xa trên Biển Đông đã được chú trọng và phát triển trong những năm gần đây.

Việc nuôi trồng, chế biến thủy hải sản được phát triển mạnh và có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực và nổi tiếng của ngành thủy hải sản nước ta như tôm đông lạnh, cá basa. Nghề chế biến hải sản nổi tiếng với thương hiệu nước mắm Phú Quốc, chế tác các sản phẩm mỹ nghệ, trang sức đắt tiền như đồi mồi, ngọc trai.

3.2.2. Ngành du lịch

Bên cạnh các trung tâm du lịch lớn đã được định hình và phát triển từ lâu là thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ đóng vai trò nòng cốt, tập trung và thu hút khách du lịch, ngành du lịch của các tỉnh trong vùng cũng được chú trọng đầu tư phát triển để tạo nên các sản phẩm du lịch đặc sắc, có thương hiệu như du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn, du lịch sông nước đồng bằng sông Cửu Long dựa trên những sắc thái đặc trưng rất riêng biệt, rất hấp dẫn của thiên nhiên và con người Nam Bộ

Trong một tương lai gần đây, đảo Phú Quốc sẽ trở thành khu du lịch biển có tầm cỡ quốc gia và quốc tế, tạo đà cho những bước phát triển mới cho du lịch Nam Bộ nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.

3.2.3. Ngành giao thông vận tải biển

Ngành giao thông vận tải biển của vùng Đông Nam Bộ, tiêu biểu là cảng Sài Gòn, là ngành có truyền thống phát triển nhất ở nước ta từ hơn 100 năm nay. Cảng Sài Gòn hiện nay vẫn đứng đầu trong số các cảng lớn của cả nước. Trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt (năm 2008) ở vùng này có 8 cảng loại II là các cảng Đồng Tháp; Mỹ Thới (An Giang); Vĩnh Long; Mỹ Tho (Tiền Giang); Năm Căn (Cà Mau); Hòn Chông, Bình Trị (Kiên Giang); Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) là cảng tổng hợp quốc gia cửa ngõ quốc tế. Cảng Hiệp Ước, Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh); cảng Đồng Nai và cảng Cần Thơ là các cảng tổng hợp đầu mối khu vực.

Đáng chú ý là ở vùng này bên cạnh việc xây dựng phát triển các cảng mới, việc di dời, chuyển đổi công năng một số cảng hiện có là rất cấp thiết vì phần lớn các cảng này (cảng Sài Gòn, cảng Cần Thơ) nằm sâu trên sông, gần khu đô thị tập trung đông dân, khó có khả năng nâng cấp cải tạo luồng lạch và mạng giao thông nối với cảng. Việc di dời, chuyển đổi công năng các cảng được thực hiện theo hướng tiến ra biển, vừa giảm bớt những khó khăn, trở ngại về luồng lạch, vừa tạo động lực phát triển cho các khu công nghiệp, các khu đô thị ven biển.

3.3. Các nguy cơ làm giảm nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường biển, đảo

Sự suy giảm tài nguyên sinh vật và ô nhiễm môi trường biển ở vùng biển này đã thể hiện rất rõ nét.



3.3.1. Những biểu hiện của sự suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường

Những biểu hiện của sự suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường cụ thể là:

- Diện tích rừng ngập mặn bị giảm đi rõ rệt trong mấy chục năm qua do chiến tranh tàn phá một phần nhưng chủ yếu là do con người khai thác quá mức, sử dụng không hợp lý tài nguyên (lấy gỗ xây dựng, đốt lấy than, lấy đất để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản...).

- Sự mất đi của nhiều loài sinh vật như cá, tôm, nhiều loài thân mềm, san hô; đôi khi xuất hiện tình trạng sinh vật chết hàng loạt; nhiều loài chim di cư không thấy trở lại hoặc số lượng giảm sút.

- Năng suất, sản lượng nghề khai thác thủy hải sản xa bờ có xu hướng giảm.

- Tình trạng lũ lụt trên đồng bằng Sông Cửu Long đã trở nên nghiêm trọng khác hẳn so với mùa nước nổi trước đây. Cường suất lũ nhanh hơn, lượng nước đổ về lớn hơn, diện tích ngập lụt tăng hơn gây thiệt hại và trở ngại đến mọi mặt hoạt động và đời sống của nhân dân.

- Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra mạnh hơn, đặc biệt là đoạn bờ biển ở phía Đông Nam từ Bến Tre đến Cà Mau trong thời kỳ bão, gió mùa Đông Bắc, gió chướng.

- Nước biển dâng cao, thủy triều xâm nhập sâu vào đất liền làm cho tình trạng xâm nhập mặn, nhiễm mặn tăng lên.

- Tình trạng khô hạn, thiếu nước diễn ra trên diện rộng hơn và gây nhiều thiệt hại hơn.

3.3.2. Nguyên nhân chính của sự suy giảm tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường biển, đảo.

Nguyên nhân chính của sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường biển do thiên nhiên gây ra ở vùng này là do sự biến động khí hậu gây ra.

Tác động của sự biến đổi khí hậu rõ nét nhất là mực nước biển dâng cao, làm ngập vùng trũng thấp ven biển và tiến sâu vào đất liền thông qua hệ thống sông lớn và kênh rạch chằng chịt làm cho môi trường nước và đất bị nhiễm mặn, từ đó tiêu diệt một số loài và làm giảm năng suất, chất lượng, sản lượng của nhiều loài sinh vật và gây khó khăn cho đời sống của con người.

Tác động của biến đổi khí hậu còn được biểu hiện thông qua tác động của những diễn biến bất thường của các thiên tai đã diễn ra ở đây như lũ gây ngập lụt lớn, bão xảy ra bất thường, hạn hán khốc liệt hơn, sâu bệnh tăng lên...

Đồng bằng sông Cửu Long đông dân, hoạt động sản xuất chính là nông nghiệp, sông Mê Công là một trong 10 con sông lớn nhất thế giới được đánh giá là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bên cạnh đó nguyên nhân do con người ở đây sinh ra cũng rất lớn:

- Con người đã khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, sử dụng tài nguyên nước, tài nguyên đất không hợp lý, quá mức cho phép (thâm canh 3 vụ lúa, lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật...) gây suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

- Con người đã gia tăng việc xả các chất thải (chất thải rắn, chất thải nước, khí thải) mà hầu hết chưa được xử lý, vào thẳng môi trường gây ô nhiễm.



3.4. Biện pháp sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo

Để sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường biển, đảo nhất thiết phải tiến hành đồng bộ các giải pháp bao gồm các giải pháp phi công trình và giải pháp công trình.

Trong số các giải pháp phi công trình trước hết phải thực hiện tốt các thể chế chính sách được ban hành theo hệ thống luật pháp của Nhà nước, tăng cường quản lý đới bờ thông qua sự lãnh đạo của chính quyền các cấp, sự quản lý của các ngành, sự thực thi và chấp hành của các địa phương và người dân.

Phải tăng cường và thường xuyên tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, tích cực tham gia vào mọi hoạt động nhằm khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nhất là trong bối cảnh vùng này là vùng chịu ảnh hưởng sâu sắc và nặng nề nhất của sự biến đổi khí hậu ở đất nước ta.

Trong số các giải pháp công trình cần chú trọng:

- Xây dựng các công trình xử lý các chất thải, hạn chế tối đa việc xả thải tự nhiên vào môi trường.

- Xây dựng các công trình kiên cố bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; đặc biệt là hệ thống đê kè, cống đập thoát lũ và ngăn mặn, các công trình xây dựng lâu bền đối phó với bão, lũ (nhà ở, trường học, trạm xá, cơ sở sản xuất...).

- Thực hiện trồng rừng trên quy mô lớn (ưu tiên trồng rừng ngập mặn), bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng (đặc biệt là rừng tràm trong thời kỳ mùa khô).



3.5. Hành động của chúng ta

Sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi người dân trong cộng đồng. Thầy và trò trường trung học phổ thông ở mỗi địa phương cần tích cực tham gia vào công việc đó bằng những hành động thiết thực.



3.5.1. Tích cực tham gia vào việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, luật pháp nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ tài nguyên môi trường biển

- Nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như tôn vinh những giá trị của đại dương đối với sự sống của nhân loại và tính cấp thiết của việc bảo vệ đại dương.

- Tổ chức và tham gia các cuộc thi sáng tạo các tác phẩm báo chí, các loại hình văn học, nghệ thuật của Trung ương và địa phương về chủ đề bảo vệ tài nguyên môi trường biển.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền thích hợp như mít tinh, hội thảo, hội nghị, các cuộc thi, triển lãm,…về chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới 8 tháng 6; treo biểu tượng, áp phích, tranh cổ động, in tờ gấp…và các hoạt động tuyên truyền khác về chủ đề này tại đơn vị, cơ quan, trường học;



3.5.2. Tổ chức các hành động thiết thực tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường biển

- Tổ chức chiến dịch ra quân làm sạch bờ biển, các hoạt động thể thao dưới nước hoặc trên bờ biển; thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đang sinh sống tại hải đảo và các khu vực còn nhiều khó khăn v.v…;

- Tổ chức trồng cây, bảo vệ chăm sóc cây để cải thiện môi trường sống, làm đẹp cảnh quan; đặc biệt là rừng ngập mặn ven biển.

- Tích cực tham gia vào các hoạt động khắc phục và làm giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây ra tại trường và địa phương.

- Tổ chức học tập và thực hành các kỹ năng sống thích ứng với những biến động của tự nhiên và môi trường sống của địa phương như biết bơi, biết sách sơ cứu nạn nhân, biết cách khôi phục nguồn nước sạch, phòng chống dịch bệnh sau thiên tai lũ, ngập lụt...

3.6. Các ngành kinh tế chính và khu đô thị liên quan đến khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long

- Ngành khai thác dầu khí

Ngành khai thác dầu khí ở thềm lục địa vùng biển Nam Bộ có tầm quan trọng và quy mô lớn nhất cả nước. Các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác luôn diễn ra và có xu hướng mở rộng, phát triển vì ngành dầu khí đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đồng thời sự phát triển của ngành dầu khí cũng có tác động trực tiếp đến sự phát triển của nhiều ngành sản xuất trong vùng và khu vực, đến môi trường tự nhiên, dễ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.



- Các ngành sản xuất công nghiệp và xây dựng

Đông Nam Bộ là nơi có sự tập trung rất cao các hoạt động sản xuất công nghiệp vào loại đứng đầu cả nước. Gần đây ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đã xuất hiện nhiều khu công nghiệp, khu sản xuất, chế biến tập trung khá lớn. Hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp và xây dựng có ảnh hưởng trực tiếp với môi trường xung quanh và phát tán rộng đến các khu vực khác, thậm chí ra đến biển.



- Các ngành sản xuất nông nghiệp

Đây cũng là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Diện tích canh tác, sản lượng của nhiều sản phẩm nông nghiệp như lúa, cây ăn quả, thủy sản, gia súc gia cầm đều vào loại đứng đầu cả nước. Hoạt động sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên nhưng đồng thời cũng tác động mạnh đến môi trường tự nhiên.



- Ngành giao thông vận tải

Hoạt động giao thông vận tải đường sông và đường biển của vùng này diễn ra nhộn nhịp vào bậc nhất ở nước ta. Các hoạt động này có ảnh hưởng trực tiếp đến việc gây ô nhiễm cho môi trường biển thông qua việc xả thải các chất thải, mà phần lớn chưa qua xử lý xuống sông và xuống biển; những sự cố tai nạn, va chạm, đắm tàu thuyền đôi khi xảy ra cũng có ảnh hưởng lớn tới môi trường, đặc biệt có những sự cố môi trường lớn như đắm tàu, cháy tàu chở dầu, tràn dầu gây nên thiệt hại lớn cho nhiều ngành và mất một thời gian dài để khắc phục.



- Đô thị và các điểm quần cư

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, ở vùng này các đô thị và điểm quần cư cũng phát triển rất nhanh. Sức ép của dân số cũng tạo nên áp lực lớn tới sức chứa, sức chịu tải của môi trường.

Cũng như đối với các vùng biển khác của đất nước, việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo đòi hỏi phải có sự điều hành và quản lý chặt chẽ của Nhà nước thông qua hệ thống chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng với sự tham gia tích cực của toàn dân trên mọi lĩnh vực, ở mọi lúc, mọi nơi.

PHỤ LỤC 1



Каталог: userfiles -> file
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
file -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
file -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
file -> BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịCH
file -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> Số: 38/2009/QĐ-ttg CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịch cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)
file -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII

tải về 0.93 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương