BỘ giáo dục và ĐÀo tạo tài liệu giáo dục về TÀi nguyên và MÔi trưỜng biểN, ĐẢo cho học sinh trung học phổ thôNG



tải về 0.93 Mb.
trang9/11
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.93 Mb.
#30674
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ BIỂN ĐẢO
1. Ngày Đại dương Thế giới

Trong Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro vào năm 1992, Canađa đã đưa ra sáng kiến chọn ngày 8/6 làm ngày Đại dương Thế giới.

Vào Năm quốc tế Đại dương 1998 tổ chức tại Lisbon (Bồ Đào Nha), Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ (IOC) của UNESCO thừa nhận sáng kiến nói trên và các quốc gia có biển trên thế giới đã thông qua lần đầu tiên “Tuyên bố Đại dương Manado” tại Hội nghị Đại dương thế giới tổ chức ở Indonesia ngày 14/5/2009.

Mục tiêu của ngày Đại dương Thế giới là nâng cao nhận thức cho công chúng và các nhà lãnh đạo vai trò của biển và đại dương trong đời sống hàng ngày con người, góp phần cổ vũ các hành vi “vì sự bền vững của biển cả”.

Vào ngày Đại dương Thế giới, các quốc gia trên thế giới thường tổ chức một chuỗi sự kiện và hoạt động như: các cuộc Tuần hành vì đại dương, các Con đường xanh kết nối con người, thuỷ sản và thị trường bền vững, Tọa đàm đại dương hoà bình, Thi nghệ thuật và văn hoá biển, Xây dựng lâu đài cát, Cấp hộ chiếu cho công dân đại dương…

Ngày Đại dương Thế giới tại Việt Nam

Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển trong sự phát triển bền vững đất nước, năm 2008, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về ngày Đại dương Thế giới.

Ngày 04/3/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về Quản lý tổng hợp tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển của Việt Nam có yêu cầu tổ chức thường niên sự kiện Tuần lễ Biển và Hải đảo hưởng ứng ngày Đại dương Thế giới 8/6 và Ngày Môi trường Thế giới 5/6.



2. Tác dụng của đại dương đối với cuộc sống

Các đại dương trên thế giới chiếm 2/3 diện tích trái đất, biển có tác động đến đời sống tất cả các sinh vật. Biển là nơi sản sinh ra phần lớn lượng khí oxy (O2) mà con người cần để hít thở, đồng thời hấp thụ một lượng lớn khí các-bo-níc (CO2) mà con người và thiên nhiên thải ra.

Biển là nơi cung cấp thức ăn và nguồn dinh dưỡng cho con người, biển có tác dụng điều hòa khí hậu. Bên cạnh đó, biển còn đóng vai trò quan trọng về mặt kinh tế đối với các ngành công nghiệp du lịch, đánh cá và khai thác nguồn lợi biển. Biển là nơi dự trữ các nguồn lương thực, thực phẩm, năng lượng và nguyên nhiên liệu cuối cùng của loài người.

Tài nguyên biển và đại dương rất đa dạng được chia ra thành các loại: Nguồn lợi hoá chất và khoáng chất chứa trong khối nước và đáy biển; nguồn lợi nhiên liệu hoá thạch, chủ yếu là dầu và khí tự nhiên, nguồn năng lượng "sạch" khai thác từ gió, nhiệt độ nước biển, các dòng hải lưu và thuỷ triều. Mặt biển và vùng thềm lục địa là đường giao thông thuỷ, biển là nơi chứa đựng tiềm năng cho phát triển du lịch, tham quan, nghỉ ngơi, giải trí, nguồn lợi sinh vật biển.

Sinh vật biển là nguồn lợi quan trọng nhất của con người, gồm hàng loạt nhóm động vật, thực vật và vi sinh vật. Hai nhóm đầu có tới 200.000 loài. Sản lượng sinh học của biển và đại dương như sau: Thực vật nổi 550 tỷ tấn, thực vật đáy 0,2 tỷ tấn, các loài động vật tự bơi (mực, cá, thú...) 0,2 tỷ tấn. Năng suất sơ cấp của biển khoảng 50 - 250g/m2/năm. Sản lượng khai thác thuỷ sản từ biển và đại dương toàn thế giới gia tăng, ví dụ năm 1960: 22 triệu tấn; 1970: 40 triệu tấn; 1980: 65 triệu tấn; 1990: 80 triệu tấn. Theo đánh giá của FAO, lượng thuỷ sản đánh bắt tối đa từ biển là 100 triệu tấn.

Biển và đại dương là kho chứa hoá chất vô tận. Tổng lượng muối tan chứa trong nước biển là 48 triệu km3, trong đó có muối ăn, iốt và 60 nguyên tố hoá học khác. Các loại khoáng sản khai thác chủ yếu từ biển như dầu khí, quặng Fe, Mn, quặng sa khoáng và các loại muối. Năng lượng sạch từ biển và đại dương hiện đang được khai thác phục vụ vận tải biển, chạy máy phát điện và nhiều lợi ích khác của con người.

Biển Đông của Việt nam có diện tích 3.447.000 km2, với độ sâu trung bình 1.140m, nơi sâu nhất 5.416m. Vùng có độ sâu trên 2.000m chiếm 1/4 diện tích thuộc phần phía Đông của biển. Thềm lục địa có độ sâu < 200m chiếm trên 50% diện tích. Tài nguyên của Biển Đông rất đa dạng, gồm dầu khí, tài nguyên sinh vật (thuỷ sản, rong biển). Riêng trữ lượng hải sản ở phần Biển Đông thuộc Việt Nam cho phép khai thác với mức độ trên 1 triệu tấn/năm. Sản lượng dầu khí khai thác ở vùng biển Việt Nam đạt 10 triệu tấn hiện nay và 20 triệu tấn vào năm 2.000.

3. Ô nhiễm môi trường biển

Biển là nơi tiếp nhận phần lớn các chất thải từ lục địa theo các dòng chảy sông suối, các chất thải từ các hoạt động của con người trên biển như khai thác khoáng sản, giao thông vận tải biển. Trong nhiều năm, biển sâu còn là nơi đổ các chất thải độc hại như chất thải phóng xạ của nhiều quốc gia trên thế giới. Các biểu hiện của sự ô nhiễm biển khá đa dạng, có thể chia ra thành một số dạng như sau:

- Gia tăng nồng độ của các chất ô nhiễm trong nước biển như dầu, kim loại nặng, các hoá chất độc hại.

- Gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm tích tụ trong trầm tích biển vùng ven bờ.

- Suy thoái các hệ sinh thái biển như hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển v.v...

- Suy giảm trữ lượng các loài sinh vật biển và giảm tính đa dạng sinh học biển.

- Xuất hiện các hiện tượng như thuỷ triều đỏ, tích tụ các chất ô nhiễm trong các thực phẩm lấy từ biển.

Công ước Luật biển năm 1982 đã chỉ ra 5 nguồn gây ô nhiễm biển: Các hoạt động trên đất liền, thăm dò và khai thác tài nguyên trên thềm lục địa và đáy đại dương, thải các chất độc hại ra biển, vận chuyển hàng hoá trên biển và ô nhiễm không khí.

- Các nguồn ô nhiễm từ lục địa theo sông ngòi mang ra biển như dầu và sản phẩm dầu, nước thải, phân bón nông nghiệp, thuốc trừ sâu, chất thải công nghiệp, chất thải phóng xạ và nhiều chất ô nhiễm khác. Hàng năm, các chất thải rắn đổ ra biển trên thế giới khoảng 50 triệu tấn, gồm đất, cát, rác thải, phế liệu xây dựng, chất phóng xạ. Một số chất thải loại này sẽ lắng tại vùng biển ven bờ. Một số chất khác bị phân huỷ và lan truyền trong toàn khối nước biển.

- Trong tương lai, do khan hiếm nguồn trên lục địa, sản lượng khai thác khoáng sản đáy biển sẽ gia tăng đáng kể. Trong số đó, việc khai thác dầu khí trên biển có tác động mạnh mẽ nhất đến môi trường biển. Hiện tượng rò rỉ dầu từ giàn khoan, các phương tiện vận chuyển và sự cố tràn dầu có xu hướng gia tăng cùng với sản lượng khai thác dầu khí trên biển. Vết dầu loang trên nước ngăn cản quá trình hoà tan oxy từ không khí. Cặn dầu lắng xuống đáy làm ô nhiễm trầm tích đáy biển. Nồng độ dầu cao trong nước có tác động xấu tới hoạt động của các loài sinh vật biển.

- Loài người đã và đang thải ra biển rất nhiều chất thải độc hại một cách có ý thức và không có ý thức. Loại hoá chất bền vững như DDT có mặt ở khắp các đại dương. Theo tính toán, 2/3 lượng DDT (khoảng 1 triệu tấn) do con người sản xuất, hiện đang còn tồn tại trong nước biển. Một lượng lớn các chất thải phóng xạ của các quốc gia trên thế giới được bí mật đổ ra biển. Riêng Mỹ năm 1961 có 4.087 và 1962 có 6.120 thùng phóng xạ được đổ chôn xuống biển. Việc nhấn chìm các loại đạn dược, bom mìn, nhiên liệu tên lửa của Mỹ đã được tiến hành từ hơn 50 năm nay. Riêng năm 1963 có 40.000 tấn thuốc nổ và dụng cụ chiến tranh được hải quân Mỹ đổ ra biển.

- Hoạt động vận tải trên biển là một trong các nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm biển. Rò rỉ dầu, sự cố tràn dầu của các tàu thuyền trên biển thường chiếm 50% nguồn ô nhiễm dầu trên biển. Các tai nạn đắm tàu thuyền đưa vào biển nhiều hàng hoá, phương tiện và hoá chất độc hại. Các khu vực biển gần với đường giao thông trên biển hoặc các cảng là nơi nước biển có nguy cơ dễ bị ô nhiễm.

- Ô nhiễm không khí có tác động mạnh mẽ tới ô nhiễm biển. Nồng độ CO2 cao trong không khí sẽ làm cho lượng CO2 hoà tan trong nước biển tăng. Nhiều chất độc hại và bụi kim loại nặng được không khí mang ra biển. Sự gia tăng nhiệt độ của khí quyển trái đất do hiệu ứng nhà kính sẽ kéo theo sự dâng cao mực nước biển và thay đổi môi trường sinh thái biển.

- Bên cạnh các nguồn ô nhiễm nhân tạo trên, biển có thể bị ô nhiễm bởi các quá trình tự nhiên như núi lửa phun, tai biến bão lụt, sự cố rò rỉ dầu tự nhiên v.v...

Bảo vệ môi trường biển là một trong những nội dung quan trọng của các chương trình bảo vệ môi trường của Liên Hợp Quốc và các quốc gia trên thế giới. Công ước Luật biển năm 1982, Công ước Marpol 73/78 chống ô nhiễm biển, Công ước quốc tế 1990 về việc sẵn sàng đối phó và hợp tác quốc tế chống ô nhiễm dầu đã thể hiện sự quan tâm của quốc tế đối với vấn đề ô nhiễm biển.

4. Khai thác titan đe dọa vịnh Mũi Né (6)

Bình Thuận được đánh giá là nơi có trữ lượng titan nhiều nhất nước, nhưng với việc khai thác tràn lan hiện nay không những gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn gây nguy cơ phóng xạ rất cao.

Theo Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, khu vực từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận đến Ninh Thuận qua thăm dò cho thấy tổng tài nguyên khoáng vật nặng có ích đạt hơn 600 triệu tấn. Riêng Bình Thuận là 558 triệu tấn (chiếm 89,1%). Việc khai thác titan ở Bình Thuận diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp khai thác vượt ra cả diện tích lẫn độ sâu so với giấy phép được cấp.

Khai thác titan ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận.

Khảo sát tại các mỏ khai thác titan ở Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhận định: “Việc khai thác hiện rất thô sơ, nên ảnh hưởng đến môi trường là khó tránh khỏi. Tất cả các điểm mỏ khai thác tại tỉnh này đều với công nghệ khai thác mỏ vít xoắn. Lấy nguyên liệu thô đi bán”. Bình Thuận có 5 nhà máy chế biến titan. Nhưng theo ông Đào Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát khoáng sản (Bộ Tài nguyên – Môi trường): “Gọi là nhà máy chế biến, thật ra chỉ là nhà máy tách quặng để xuất thô”.

Ngoài ra, theo yêu cầu, tất cả các điểm mỏ sau khi khai thác titan phải hoàn thổ. Vì vậy, các doanh nghiệp phải trồng lại cây xanh chống cát bay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trồng cây tái tạo màu xanh cho vùng đất đã bị đào bới cho có lệ. “Việc các doanh nghiệp trồng cây xanh tái tạo môi trường chỉ đạt 30%”, Giám đốc Sở KH-CN Bình Thuận Lê Văn Tiến cho biết. Điều đáng nói là khu vực khai thác titan tập trung lại nằm sát và bao vay vịnh Mũi Né - điểm du lịch lớn nhất tỉnh này. Phần lớn các điểm khai thác titan đều xả thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Thậm chí có doanh nghiệp chưa được cấp phép xả thải vẫn ngang nhiên khai thác.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Bình (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt), để tránh chất thải phóng xạ phát tán ra ngoài thì quá trình tuyển thô quặng titan phải được cất giữ trong kho, không bị thất thoát. Còn để tránh chất phóng xạ, tuyệt đối không được khai thác ven biển vì khi nước thải chảy ra biển sẽ mang phóng xạ theo, nhưng 90% điểm khai thác cát đen tại Bình Thuận đều sát ven biển.

Anh Tuấn (Theo Đất Việt)

5. Ô nhiễm uy hiếp du lịch biển

...GS.TSKH Lê Huy Bá cho biết Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, đã hoàn tất báo cáo đề tài “khảo sát đánh giá ô nhiễm môi trường do các hoạt động du lịch, khách sạn, nhà nghỉ dọc bãi biển Bình Thuận, tìm giải pháp giảm thiểu ô nhiễm và phát triển bền vững du lịch Bình Thuận”.



Gia tăng nguy cơ “thủy triều đỏ”

K


ết quả nghiên cứu cho thấy, tuy mang lại nhiều lợi ích như tăng trưởng kinh tế và giao lưu văn hóa, tạo việc làm cho lao động địa phương... nhưng hoạt động du lịch cũng đóng vai trò khá lớn làm suy thoái môi trường ven biển, một trong những vấn đề môi trường cấp bách mà tỉnh Bình Thuận đang phải đối mặt.

Kết quả khảo sát chất lượng nước biển ven bờ của Bình Thuận đã phát hiện các chỉ tiêu N-NH3, BOD5, Coliform và tổng chất rắn lơ lửng đều cao hơn quy định tại các khu vực có nhiều hoạt động du lịch ven biển như Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, La Gi, TP Phan Thiết và Tuy Phong.

Theo các nhà nghiên cứu, chính sự xả thải của các khu du lịch, nhà hàng và sinh hoạt của ngư dân đã góp phần làm gia tăng nguy cơ xuất hiện thủy triều đỏ hằng năm ở khu vực này.

Điển hình là vào tháng 7/2002, hiện tượng thủy triều đỏ làm 90% thủy sinh vật biển bị tiêu diệt, 82 người bị nhiễm độc tố tảo lam gây ngứa, phồng rộp, vàng da. Nước biển và không khí bị ô nhiễm trầm trọng kéo dài nhiều tháng sau. Đến năm 2004, thủy triều đỏ lại xuất hiện ở vùng biển Tuy Phong trong bán kính 20km, mật độ tảo dày đặc hơn 10cm làm nước biển ô nhiễm, hôi thối khủng khiếp. Năm 2005, khu vực Mũi Né, Phan Thiết lại xuất hiện hiện tượng thủy triều đỏ và đến giữa tháng 8/2009, tại vùng cửa biển Phú Hài, Hòn Rơm, Phan Thiết có hiện tượng thủy triều đỏ làm cá chết hàng loạt.



Bãi biển “chết” vì chất thải

Theo nhóm nghiên cứu trên, điểm chung nhất dọc ven bờ biển hiện nay là đủ các loại chất thải từ chất thải đô thị, chất thải sinh hoạt, chất thải từ hoạt động nông nghiệp, rác bệnh viện, chất thải từ những hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, chất thải từ giao thông vận tải trên biển, khai thác dầu khí... đều được thải trực tiếp ra biển. Trong đó, ngoài các chất thải từ các hoạt động ven biển còn có các chất thải từ trong đất liền.

Riêng tại Bình Thuận, chất thải từ đất liền theo bảy dòng sông lớn đổ ra biển rồi bị sóng đánh tấp vào bờ gây ô nhiễm các bãi tắm, khu du lịch. Nhất là tại vịnh Phan Thiết, chất thải từ sông Cà Ty và sông Cái đổ ra vịnh ứ đọng dài ngày với nhiều loại rác sinh hoạt, sản xuất, chế biến thủy sản.

Trong khi đó, việc quản lý vệ sinh môi trường tại các khu du lịch vẫn còn nhiều bất cập như: thiếu lao động thu gom rác, việc bố trí các thùng chứa rác và bảng hướng dẫn bỏ rác ở các khu du lịch chưa hợp lý hoặc còn quá ít.

Mặt khác, các cơ sở kinh doanh du lịch chưa có hệ thống xử lý nước thải, không ít du khách vứt rác tùy tiện và những người bán hàng rong không thu nhặt thức ăn thừa khách vứt trên bãi cát... đã gây ô nhiễm cục bộ tại một số khu, điểm du lịch.

Đặc biệt, theo GS.TSKH Lê Huy Bá, việc khai thác cát đen (titan) cũng góp phần không nhỏ vào tình trạng ô nhiễm môi trường ven biển của tỉnh này.

...Các nhà nghiên cứu khuyến cáo địa phương bắt buộc phải áp dụng các mô hình thu gom rác thải, xử lý nước thải từ hoạt động du lịch và sinh hoạt của cư dân ven biển để cắt nguồn gây ô nhiễm.

Đó là lời cảnh báo chung cho các địa phương dọc bờ biển Việt Nam.



Nguồn http://laodong.com.vn (22.11.2010)

6. Khai thác hải sản ven bờ và vấn đề đặt ra

Khai thác hải sản đã trở thành một nghề của đa số cư dân ven biển, với việc sử dụng tàu, thuyền cỡ nhỏ, tập trung khai thác ở vùng nước nông, ven bờ. Chính việc gia tăng số lượng tàu, thuyền đánh bắt ven bờ (được coi là nơi sinh sản chủ yếu của nhiều loài hải sản), đã làm cho nguồn lợi, môi trường sinh thái bị đe dọa, gây ảnh hưởng lớn đến tính đa dạng sinh học ở vùng bờ và ven bờ. Nhiều loài sinh vật biển đang có dấu hiệu suy giảm và nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Nhiều loài có giá trị kinh tế cao đang bị giảm dần. Năng suất đánh bắt, chất lượng, kích cỡ hải sản giảm. Chẳng hạn, nếu như năm 1997, số lượng tàu khai thác dưới 90 CV (tàu khai thác ven bờ) có 58.396 chiếc, thì năm 2008 đã tăng lên 88.087 chiếc, chiếm 84,6% tổng số tàu đánh bắt hải sản. Tuy số lượng tàu tăng, nhưng năng suất khai thác giảm rõ rệt. Điều này cho thấy, rõ ràng, nguồn lợi hải sản và vai trò sản xuất của ngành khai thác đang giảm sút nghiêm trọng trong thời gian qua. 

Theo tính toán của Viện nghiên cứu hải sản, sản lượng cho phép khai thác tối ưu ở vùng nước ven bờ ở vào mức 600.000 tấn, nhưng thực tế sản lượng khai thác ở đây đã vượt quá con số hơn 1.000.000 tấn. Điều này chứng tỏ áp lực khai thác ven bờ lên nguồn lợi thủy sản là quá lớn. Một điểm đáng chú ý, khai thác ven bờ mang nhiều nét truyền thống với quy mô tàu nhỏ, công nghệ và phương pháp khai thác lạc hậu, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm với nhiều loại nghề và phương tiện khai thác như lưới rùng, lưới mành, lưới rê, lưới kéo, lưới vây…. Thậm chí, không ít ngư dân sử dụng cả những phương pháp đánh bắt mang tính hủy diệt nguồn lợi như xung điện, chất nổ, chất độc,… đã làm suy giảm rất lớn số lượng sinh vật biển và nguy hại tới môi trường sống của chúng, số lượng loài có nguy cơ tuyệt chủng và cạn kiệt ngày càng gia tăng.

Trong đợt phối hợp kiểm tra liên tỉnh ven biển Nam Bộ năm 2009 của Thanh tra Thủy sản và Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện trên tổng số 900 phương tiện, đã phát hiện có 16 trường hợp vi phạm sử dụng xung điện, 116 trường hợp vi phạm về giấy phép khai thác, 2 trường hợp vi phạm sử dụng ánh sáng, 1 trường hợp sử dụng chất nổ, 9 trường hợp sử dụng lưới mắt nhỏ hơn quy định để khai thác hải sản… Việc sử dụng lưới mắt quá nhỏ, nên tỷ lệ cá nhỏ trong các mẻ lưới cao. Theo Viện Kinh tế quy hoạch thủy sản, đã có trên 70 loài hải sản phải đưa vào danh sách đỏ Việt Nam, khoảng 85 loài hải sản ở trong tình trạng nguy cấp với nhiều mức độ khác nhau, trong đó nhiều loài vẫn đang là đối tượng khai thác…



Nguồn: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; http://paicom.org.vn

7. Khai thác rong mơ được gì, mất gì?

Do chưa nhận thấy được những giá trị to lớn về mặt sinh thái của rong mơ cũng như mong muốn tìm được một nguồn thu cho gia đình vào những lúc biển giả khó khăn, đã có những thời điểm, người dân đảo Cù Lao Chàm khai thác rong mơ một cách rầm rộ để bán cho các thương lái. Nguy hiểm hơn, ngư dân lại khai thác vào thời điểm rong đang độ phát triển mạnh (từ tháng 3 đến tháng 7), đây là thời điểm mà trên các nhánh rong chứa vô số trứng của các loài cá chuồn, cá dìa, mực và rất nhiều loài hải sản khác trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.



Rong mơ mang nhiều trứng các loài thủy sản bị giật cả gốc, mang theo cả san hô (Ảnh: Chu Mạnh Trinh, 7/2011)

Để khai thác rong mơ, người dân lặn xuống và giật mạnh từng bụi rong làm vỡ nát, hư hại nhiều diện tích san hô, các riềm đá, kéo theo sự hủy hoại các hợp phần đáy và các quần xã sinh vật sống cùng. Với phương cách khai thác như vậy, ngư dân đã vô tình làm hủy hoại nghiêm trọng môi trường sống, cắt đứt nhiều mắc xích quan trọng trong chuỗi thức ăn tự nhiên. Việc khai thác rong mơ đồng nghĩa với việc mất đi một số lượng lớn trứng các loài thủy sản do chúng dính vào rong. Một số trứng bị tách khỏi giá thể (cành rong), trôi lơ lửng làm mồi cho địch hại. Cá thể nhỏ không có nơi cư trú, cá trưởng thành không có nơi sinh sản… và toàn bộ ngôi nhà sinh thái của chúng bị đảo lộn hoàn toàn.

Rong mơ phơi khô được các thương lái mua với giá 5.000 đ/kg. Theo các nhà khoa học ước tính trong 1 kg rong mơ đó có hàng ngàn trứng các loài thủy sản mà theo tự nhiên chúng sẽ phát triển cung cấp cho ngư trường hàng tạ sản lượng thủy sản vào năm sau. Qua đó chúng ta có thể thấy được kết quả của một bài toán nhỏ: Khai thác 1 kg rong mơ người dân thu được vài ngàn đồng nhưng đã làm mất đi hàng triệu đồng! Nhìn rong được khai thác chất thành từng đống lớn trên bãi biển, phơi trên các triền đá, một lão ngư với hơn 50 năm gắn bó với nghề biển tại Cù Lao Chàm thở dài: “Khai thác rong mơ kiểu ni thì còn chỗ mô cho con cá, con tôm, con mực nó “rạy” (trú ẩn, sinh sản)? Sang năm chắc chắn sẽ mất mùa cá chuồn, cá dìa, mực!”.


8. Băng trên Trái Đất và mực nước biển

Băng là một thành phần quan trọng của thuỷ quyển, tập trung chủ yếu ở hai cực trái đất. Khối lượng băng trên trái đất chiếm tới 75% tổng lượng nước ngọt và gần 2% khối lượng thuỷ quyển. Băng tập trung nhiều nhất ở châu Nam cực với chiều dày hàng km và tuổi địa chất hàng vạn năm. Ở một số vùng núi cao và các đảo gần hai cực, tồn tại những khối băng có quy mô nhỏ. Khối lượng băng trên trái đất thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào nhiệt độ trung bình của trái đất.

Vào thời kỳ băng hà, lượng băng ở các cực tăng lên, ngược lại với thời kỳ tan băng, khi nhiệt độ trái đất tăng lên. Các nghiên cứu khoa học cho biết, 16 - 18 nghìn năm trước, tồn tại một thời kỳ băng hà lớn, mực nước biển thấp hơn hiện nay 120m. Sau thời kỳ trên là thời kỳ ấm dần, mực nước biển tăng lên do tan băng ở hai cực. Trong bốn nghìn năm gần đây, tốc độ dâng lên của nước biển là 8 cm/ 100 năm. Bề mặt băng ở hai cực có tác động phản xạ ánh sáng mặt trời chiếu xuống trái đất.

Trong những năm gần đây, sự gia tăng của nhiệt độ khí quyển toàn cầu (khoảng 0,3 - 0,6 oC trong 100 năm qua) bởi hiệu ứng nhà kính đang làm cho tốc độ tan băng ở hai cực và mực nước biển tăng lên. Với tốc độ tăng này, vào cuối thế kỷ 21, sự tan băng ở vùng cực và núi cao sẽ làm cho mực nước biển dâng cao từ 65 - 100 cm. Mực nước biển dâng cao do tan băng có thể gây ra các hiện tượng:

- Ngập úng các miền đất thấp, đất trũng, các vùng bờ và đảo thấp. Hiện nay, đây là các vùng tập trung đông dân cư và các kho lương thực của loài người.

- Đường bờ biển lấn sâu vào lục địa, hiện tượng xói mòn bờ biển gia tăng.

- Nước biển với độ mặn đặc trưng sẽ xâm nhập sâu vào các lưu vực sông, các tầng nước ngọt ven bờ.

- Chế độ dòng chảy biển, chế độ thuỷ triều và ảnh hưởng của biển, đại dương tới khí hậu và thời tiết sẽ thay đổi.



Nguồn: Cục bảo vệ Môi trường

PHỤ LỤC 2



NHỮNG YẾU TỐ CẦN THIẾT CHO RỪNG NGẬP MẶN

SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN

Rừng ngập mặn (RNM) sinh trưởng và phát triển tốt ở những nơi có các yếu tố sau đây:



1. Chất đất

Các bãi lầy có phù sa chứa nhiều chất dinh dưỡng do các con sông bồi đắp kết hợp với sóng, thủy triều và dòng biển tạo nên là điều kiện tốt nhất cho RNM sinh trưởng và phát triển. Ở các vùng ven biển nhiều cát, ít phù sa hoặc nơi có nhiều sỏi đá thì một số loài cây ngập mặn vẫn sống được nhưng thấp bé, còi cọc. Ví dụ cây đước ở mũi Cà Mau có tốc độ tăng trưởng 0,8 - 1m/năm về chiều cao, và 0,6 - 0,8 cm/năm về đường kính. Trong khi đó tốc độ tăng trưởng của loài này ở vùng vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) nơi có nhiều cát chỉ đạt 0,4 - 0,6m/năm; cây thấp, phân cành nhiều.



2. Nước triều

Những vùng cửa sông, ven biển có nước triều lên xuống, hàng ngày cung cấp chất dinh dưỡng và độ ẩm cho các bãi lầy, rất thích hợp cho sự phát triển của cây ngập mặn. Ở những bãi ngập sâu hoặc ít khi ngập, cây sinh trưởng kém hoặc thậm chí cây sẽ chết nếu bị ngập liên tục nhiều ngày như các cây sú, mắm, dấng, trang bị quây trong các đầm nuôi tôm.



3. Độ mặn của đất và nước

Nhiều loài cây ngập mặn phát triển tốt ở nơi có độ mặn trung bình 15-25%o. Tuy nhiên, có một số cây thích nghi với vùng nước lợ có độ mặn thấp (5 - 10%o) dọc các cửa như bần, dừa nước. Nhìn chung khi độ mặn cao quá hoặc thấp quá, nhiều loài cây sinh trưởng không bình thường.



4. Dòng nước ngọt

Dòng nước ngọt từ sông cung cấp phù sa và các chất dinh dưỡng khác cho cây. Nước ngọt pha loãng độ mặn của nước biển, tạo điều kiện thuận lợi cho cây phát triển.



5. Lượng mưa

Cũng như các loài cây khác, cây ngập mặn cần nước mưa, đặc biệt là trong thời kỳ ra hoa, kết quả. Khi nảy mầm, cây con cần nước ngọt giảm độ mặn trong đất. Nơi nào mưa nhiều, cây phát triển mạnh, nơi ít mưa cây cằn cồi. Ví dụ ở Inisowphai (Ôxtrâylia) có lượng nước mưa 3500 - 4000mm/năm thì cây ngập mặn phát triển rất tốt, trong rừng có tới 92 loài cây. Còn ở những nơi có lượng mưa ít, nhiệt độ cao, RNM chỉ có loài cây mắm biển và cây cao nhất chỉ từ 3 - 5m.



6. Nhiệt độ

Các loài cây ngập mặn chỉ sinh trưởng tốt ở những vùng có nhiệt độ trung bình năm trên 200C, ít biến đổi. Ở miền Bắc nước ta có mùa đông lạnh, do đó RNM ít cây to, số loài ít, tốc độ tăng trưởng cũng chậm. Còn ở Nam Bộ nhiệt độ trung bình năm 25 -270C, ít dao động, nên rừng có nhiều cây to, tăng trưởng nhanh, thành phần loài cũng phong phú hơn.



Каталог: userfiles -> file
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
file -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
file -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
file -> BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịCH
file -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> Số: 38/2009/QĐ-ttg CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịch cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)
file -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII

tải về 0.93 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương