BỘ giáo dụC ĐÀo tạo bộ y tế viện dinh dưỠng nguyễn thị thanh hưƠng thực trạng và giải pháP


Thực trạng sử dụng một số phụ gia trong chế biến thực phẩm



tải về 1.69 Mb.
trang10/16
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.69 Mb.
#10875
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   16

4.1.3. Thực trạng sử dụng một số phụ gia trong chế biến thực phẩm

4.1.3.1. Thực trạng sử dụng hàn the trong chế biến thực phẩm

Từ kết quả ở bảng 3.12.cho thấy trong số 256 mẫu thực phẩm thu thập tại các cơ sở của nhóm đối tượng nghiên cứu, bao gồm bánh các loại, bún, nem, chả, thịt quay, thịt nướng... thì có 37,1% mẫu có chứa hàn the. Phân tích riêng cho từng loại mẫu thực phẩm thì có đến 78,5% mẫu chả; 65,4% mẫu nem và 18,4% các loại bánh có sử dụng hàn the; Các loại mẫu bún, thịt quay, thịt nướng và một số mẫu phẩm khác không phát hiện có hàn the. Kết quả này tương đương với nghiên cứu của Trương Đình Định [32] năm 2009 là 31,2 - 36,9; Bùi Duy Tường ở Tây Ninh [76] nhưng thấp hơn của Nguyễn Đức Thụ năm 2006 [73] và Nguyễn Thu Ngọc Diệp ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2006 - 2008 [25]. Kết quả trên cho thấy mặc dù hàn the đã bị cấm sử dụng, công tác quản lý ATVSTP đã tập trung vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của hàn the trong thực phẩm đối với sức khỏe con người, tăng cường kiểm tra hàn the trong thực phẩm bằng test kiểm tra nhanh, tăng cường xử phạt vi phạm ATVSTP nhưng tình trạng sử dụng hàn the trong thực phẩm vẫn còn khá phổ biến.

Mức độ nguy hiểm của hàn the đối với sức khỏe con người tăng lên theo liều lượng ăn vào hàng ngày [70]. Nghiên cứu cũng phân tích bán định lượng hàn the trong mẫu thực phẩm có sử dụng hàn the mà kết quả ở bảng 3.13cho thấy rằng: Có 3 mẫu đều là mẫu chả có chứa hàn the với hàm lượng >1mg %; Tỷ lệ mẫu thực phẩm có sử dụng hàn the với hàm lượng từ 0,1mg% đến dưới 0,5mg % chiếm đa số với tỷ lệ là 66,3%. Gần 1/3 mẫu thực phẩm có hàm lượng hàn the từ 0,5mg% đến 1mg. Điều lưu ý là theo tập quán của vùng nông thôn Quảng Bình, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi là hai đối tượng rất được quan tâm, thường có chế độ ăn ưu tiên. Vì thế, trong khẩu phần ăn hằng ngày thường thêm một số thức ăn giàu đạm, thức ăn ngon và bổ dưỡng. Trong số các thức ăn đó, chả hay còn gọi là giò lụa là một thực phẩm thường được sử dụng như là phần bổ sung thêm khẩu phần ăn hàng ngày của nhóm đối tượng ưu tiên trên. Hàn the có độc tính cao, nhất là đối với trẻ em và phụ nữ có thai. Ngoài ra còn có tác dụng ức chế thực bào làm giảm sức chống đỡ của cơ thể với bệnh nhiễm trùng [54], [76], [95]. Việc phát hiện tỷ lệ mẫu chả có chứa hàm lượng hàn the cao là điều cần quan tâm giải quyết.

4.1.3.2. Thực trạng sử dụng phẩm màu trong chế biến thực phẩm.

Bảng 3.14 .cho thấy trong tổng số 93 mẫu thực phẩm lấy xét nghiệm phẩm màu, có 25,8% mẫu thực phẩm đã phát hiện phẩm màu kiềm là chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Mẫu thực phẩm có phẩm màu kiềm là các loại bánh, nem/chả có màu, thịt nướng/thịt quay, tương ớt tự chế và một số mẫu thực phẩm khác gồm nước sốt, nhân bánh... Tỷ lệ phẩm màu kiềm trong nhóm thực phẩm này cao nhất là thịt quay/thịt nướng (chiếm tỷ lệ 50,0%), các nhóm khác chiếm tỷ lệ trên 18,5%. Tỷ lệ này là khá cao so với các kết quả điều tra tại Hà Nội [40]. Qua phỏng vấn sâu đối tượng nghiên cứu cho biết lượng tiêu thụ sản phẩm này hàng ngày tương đương với 7- 12 kg/quán, đến ngày lễ tết hoặc nhận giúp nấu thuê trong đám cưới, đám giỗ, lễ hội, đặc biệt trong mùa đông, mùa mưa, sản lượng thịt nướng - thịt quay bán ra có khi lên đến 30 kg/ngày/quán. Với lượng tiêu thụ khá lớn như vậy, khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là rất cao. Tỷ lệ này tương đương với nghiên cứu của Trương Đình Định năm 2009, tỷ lệ sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép là 29,3% [32] nhưng lại thấp hơn nghiên cứu của Nguyễn Đức Thụ trên địa bàn tỉnh Hà tây năm 2006 [73] và của Nguyễn Thu Ngọc Diệp tại Thành phố Hồ Chí Minh [25]. Trong hoạt động can thiệp phải tập trung tiếp cận sớm và kịp thời đến các chủ cơ sở sản xuất thực phẩm có PMCN để tìm hiểu nguồn nguyên liệu màu; giải thích, giúp đỡ, hỗ trợ để đối tượng thay đổi hành vi sử dụng PMCN, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Sử dụng phẩm màu trong danh mục cũng cần phải đúng liều vì nếu dùng liều cao kéo dài cũng ảnh hưởng cho sức khỏe [118]. Do không có phương tiện kỹ thuật là máy quang phổ hấp thụ phân tử UV-VIS nên không thể định lượng được nồng độ chất màu trong thực phẩm. Đây là một hạn chế trong xác định mẫu thực phẩm đạt yêu cầu về phẩm màu.

Trong số mẫu thực phẩm được xét nghiệm phẩm màu có 30,1% mẫu thực phẩm có màu, không phải là phẩm màu kiềm nhưng không định danh được do không có đủ chất màu chuẩn để xác định. TTYTDP tỉnh có nhiệm vụ công bố kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm phục vụ việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, xét nghiệm kiểm tra, cung cấp bằng chứng khoa học về chất lượng thực phẩm [8], nhưng do thiếu chất màu chuẩn nên không định danh được phẩm màu. Vì vậy, cần phải bổ sung đủ phẩm màu chuẩn có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế và hướng dẫn kỹ thuật định lượng phẩm màu trong thực phẩm cho các đơn vị được giao nhiệm vụ xét nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm ở tuyến Tỉnh để nâng cao hiệu lực quản lý đối với phẩm màu thực phẩm.

4.1.3.3. Thực trạng sử dụng acid benzoic

Mặc dù acid benzoic là chất bảo quản thực phẩm nhưng tỷ lệ sử dụng trong thực phẩm ở nghiên cứu này là không phổ biến và chiếm 23,7%. Trong đó mẫu nem có tỷ lệ sử dụng khá cao đến 61,5%; Các loại khác như nước tương, nước sốt, nhân bánh bèo chiếm tỷ lệ 42,9 %; Không có mẫu bún, mẫu thịt nướng, thịt quay nào có chứa acid benzoic.

Acid benzoic là chất bảo quản thực phẩm nằm trong danh mục quy định của Bộ Y tế, sử dụng trong thực phẩm để hạn chế sự lên men, mốc của thực phẩm, nếu dùng đúng liều quy định thì không có hại cho sức khỏe [54], [70], [97]. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mẫu sử dụng acid benzoic vượt hàm lượng cho phép là 46,4%. Có đến 80% mẫu bánh có hàm lượng acid benzoic vượt mức cho phép. Hàm lượng acid benzoic trong mẫu bánh có giá trị tối đa và trung bình đều cao hơn mức giới hạn cho phép. Kết quả của nghiên cứu cũng cho thấy hàm lượng tối đa và hàm lượng trung bình của acid benzoic sử dụng trong thực phẩm là 2657,80mg/kg và thấp hơn nhiều so với kết quả nghiên cứu của Trương Đình Định năm 2008 ở trên cùng địa bàn [32]. Sự khác biệt đó có thể được lý giải do mẫu thực phẩm được chọn trong nghiên cứu được lấy từ các loại thực phẩm khác về chủng loại và được sản xuất hầu hết từ địa bàn các tỉnh khác. Nếu người tiêu dùng sử dụng thường xuyên nem, chả, bánh có chứa acid benzoic cao thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy mối liên quan giữa việc sử dụng acid benzoic và chất màu tự nhiên trong chế độ ăn làm tăng kích thích thái quá của trẻ em lứa tuổi mầm non đã được đề cập [81], [117]. Chính vì vậy, trong hoạt động can thiệp cần tập trung vào mục tiêu hướng dẫn để các đối tượng sử dụng acid benzoic trong chế biến thực phẩm đúng liều quy định.

4.1.3.4. Thực trạng sử dụng acid sorbic

Bảng 3.18 cho thấy tỷ lệ mẫu có acid sorbic trong thực phẩm cũng không phổ biến và chỉ 17,5%, cao nhất là mẫu nem chiếm 42,3%, mẫu chả chiếm 34,2%. Chỉ có một mẫu bánh và không có mẫu bún, mẫu thịt nướng, thịt quay nào có acid sorbic trong thực phẩm...

Acid sorbic cũng là chất bảo quản thực phẩm nằm trong danh mục quy định của Bộ Y tế. Acid sorbic và kali sobat có tác dụng sát trùng mạnh đối với nấm men và nấm mốc, các vi sinh vật này là nguyên nhân chủ yếu thường gây hư hỏng sản phẩm rau, quả, thịt và các sản phẩm từ thịt. Khi sử dụng acid sorbic với hàm lượng vượt mức cho phép sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ người sử dụng, có thể gây dị ứng, gây hiện tượng đầy bụng, đầy hơi, khó tiêu. Nếu tích tụ lâu ngày sẽ gây hại cho gan, thận, thậm chí có thể gây ung thư [54], [70]. Kiểm tra mẫu thực phẩm có sử dụng acid sorbic làm chất bảo quản trong sản phẩm cho thấy chỉ có một mẫu thực phẩm là bánh sử dụng chất bảo quản này. Tuy nhiên, kết quả cho thấy có đến 50% mẫu thực phẩm sử dụng acid sorbic có hàm lượng vượt giới hạn cho phép, trong đó mẫu chả chiếm tỷ lệ cao đến 77,8%. Đây là vấn đề cần phải được quan tâm trong quản lý ATVSTP. Cần phải lưu tâm vấn đề này ở cả 2 góc độ: Phổ biến sử dụng chất bảo quản tránh ẩm mốc nhưng phải đảm bảo sử dụng đúng quy định về liều lượng và chủng loại sản phẩm.

4.2. HIỆU QUẢ MÔ HÌNH CAN THIỆP NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ VIỆC SỬ DỤNG MỘT SỐ PHỤ GIA TRONG CHẾ BIẾN THỰC PHẨM.

4.2.1. Kết quả các hoạt động đã triển khai.

4.2.1.1. Truyền thông giáo dục ATVSTP

Ngay sau khi điều tra, nhóm nghiên cứu đã tư vấn trực tiếp, phát các tờ rơi có nội dung về (1) Quy định yêu cầu chung về các điều kiện ATVSTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; (2) Những điều cần biết về vệ sinh cá nhân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; (3) Những điều cần biết về phụ gia thực phẩm; (4) Các hành vi bị nghiêm cấm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm. Tờ rơi được phát thông qua cán bộ điều tra khi phỏng vấn bằng phiếu điều tra KAP, nhân viên y tế, nhóm tình nguyện và cán bộ phụ nữ, thành viên trong các đoàn kiểm tra ATVSTP. Họ là người kiểm tra đồng thời cũng là người cung cấp thông tin để các đối tượng biết và làm đúng. Trên 1.400 tờ rơi các loại đã được phát cho tất cả đối tượng nghiên cứu và tổ chức được 9 lớp tập huấn kiến thức về ATVSTP, về điều kiện vệ sinh cơ sở, về hướng dẫn sử dụng phụ gia với trên 550 lượt người tham gia.

Bên cạnh truyền thông trực tiếp, hoạt động truyền thông gián tiếp qua sóng truyền hình của Đài phát thanh truyền hình Quảng Bình đã được thực hiện có hiệu quả. Chương trình đã được xây dựng với nội dung thiết thực, hình ảnh rõ nét, dễ hiểu trong chương trình truyền hình tỉnh với thời lượng phát sóng trên đài truyền hình 4 lần/tuần x 2 tuần/tháng x 3 tháng. Thời điểm phát sóng trước chương trình điện ảnh nên rất được nhiều người quan tâm. Đặc biệt, trước và trong thời gian phát sóng, dư luận và các phương tiện truyền thông liên tục đưa các thông tin về thực phẩm bị ô nhiễm bởi các chất độc hại như Melamine trong sữa, 3-MCPD trong nước tương [22], cháo dinh dưỡng sử dụng Natri Benzoat để bảo quản; hạt dưa dùng phẩm chứa Rhodamin B là chất độc hại để nhuộm màu... [23] nên rất được nhiều người quan tâm và tính lan truyền cao. Chương trình cũng đã xây dựng được phóng sự phát trên sóng truyền hình với thời lượng 12 phút và phát 2 lần/tuần nên đã cung cấp khá đầy đủ và thực tế các thông tin về ATVSTP, PGTP giúp người xem hiểu được rõ hơn các quy định về ATVSTP và quy định sử dụng phụ gia thực phẩm, lợi ích và tác hại của các hành vi sai trái trong chế biến thực phẩm, làm thay đổi nhận thức và hành vi cộng đồng.

4.2.1.2. Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra ATVSTP.

Đào tạo, tập huấn: Hai lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác thanh tra về ATVSTP do Thanh tra Sở Y tế phối hợp với TTYT Dự phòng và Chi Cục ATVSTP tỉnh tổ chức cho 78 cán bộ tham gia đã cung cấp các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và xử lý các tình huống phát sinh trong thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, cán bộ thanh tra chuyên trách, thanh tra kiêm nhiệm còn tham gia các lớp tập huấn do Cục ATVSTP và Viện Pasteur Nha Trang phối hợp tổ chức trên địa bàn Tỉnh đã thực sự nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ cán bộ này.

Tổ chức, sắp xếp lại hệ thống thanh tra kiêm nhiệm ở các tuyến: Tổ chức hệ thống theo địa bàn quản lý kết hợp với phân cấp quản lý. Khi triển khai thực hiện vừa đảm bảo tính nguyên tắc là tuân thủ Quyết định số 12/2006/QĐ-BYT ngày 09/3/2006 về việc ban hành quy định phân cấp nhiệm vụ quản lý và tham gia quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong ngành y tế nhưng đồng thời phù hợp với thực tiễn trong điều kiện nguồn nhân lực và phương tiện trang thiết bị làm việc thiếu nên đã phát huy tốt hiệu quả. Mặc dù chưa có tổ chức hệ thống chuyên ngành riêng nhưng do cơ chế linh hoạt là lồng ghép với các chương trình, các dự án khác nên trách nhiệm phối hợp của các đơn vị trong hệ thống y tế và liên ngành rất cao. Từ những hoạt động đó, năng lực công tác của đội ngủ cán bộ làm công tác ATVSTP tại Quảng Bình đã thực sự được nâng cao, hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng hiệu quả hơn.

4.2.1.3. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra ATVSTP

Hoạt động thanh tra kiểm tra ATVSTP thường tập trung vào các tháng cao điểm như Tết Nguyên đán, lễ hội, trung thu, hoặc khi có các sự kiện quan trọng hay phát hiện các sự cố về ATVSTP mới tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chuyên đề. Nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra cũng chỉ tập trung vào các nhiệm vụ chung chung mà không cụ thể, thường chỉ chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, hạn dùng của sản phẩm ở các cơ sở kinh doanh [14], [15].

Trong hoạt động can thiệp của nghiên cứu này, các cán bộ trước khi thanh tra, kiểm tra đã được tập huấn về nghiệp vụ thanh tra ATVSTP theo chủ đề trọng tâm nên khi thực hiện thanh tra, kiểm tra họ đã có kiến thức và kỹ năng hơn. Công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào chuyên đề tiêu chuẩn vệ sinh cơ sở sản xuất thực phẩm, vệ sinh cá nhân và phụ gia thực phẩm, tần suất kiểm tra thanh tra nhiều hơn, thông qua kiểm tra, thanh tra đã nhắc nhở, hướng dẫn, giải thích cho chủ cơ sở thực hiện các quy định về ATVSTP, giúp họ khắc phục các khó khăn để thực hiện ATVSTP đồng thời cũng đã xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm do thiếu ý thức chấp hành.

Việc làm này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của phần lớn người tiêu dùng. Nhóm nghiên cứu cũng đã gặp các tình huống khá bất ngờ và thú vị, trong khi kiểm tra các cơ sở chế biến thực phẩm. Một số cá thể kinh doanh nem, chả (mua từ nơi khác về bán) đề nghị đoàn kiểm tra lấy mẫu nem, chả là mặt hàng đang kinh doanh của mình để kiểm tra chất lượng thực phẩm với mục đích biết chính xác các thực phẩm kinh doanh có hàn the hay không nhằm đảm bảo uy tín và thương hiệu hàng hóa, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Rõ ràng công tác thanh tra, kiểm tra ATVSTP đã được cộng đồng nhận thức đúng: Vừa bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng nhưng đồng thời cũng giúp phân định rõ những chủ cơ sở chấp hành pháp luật, làm ăn chân chính để bảo vệ thương hiệu cho họ, tránh lẫn lộn trắng đen, khuyến khích việc thực hiện ATVSTP.



4.2.1.4. Nâng cao năng lực kiểm nghiệm phụ gia thực phẩm

Đào tạo, tập huấn cán bộ xét nghiệm: Các hoạt động can thiệp đã chú trọng vào việc nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực kiểm nghiệm cho đội ngũ cán bộ làm việc tại khoa xét nghiệm của TTYTDP tỉnh. Cán bộ xét nghiệm được tham dự 17 lượt tập huấn kỹ thuật xét nghiệm cơ bản đến nâng cao về hóa học thực phẩm, hóa nước, vi sinh thực phẩm, vi sinh nước. Chương trình tập huấn đã trang bị kiến thức cơ bản về các phương pháp phân tích thực phẩm từ phương pháp hóa học, vi sinh thuần túy đến các phương pháp phân tích bằng máy móc, trang thiết bị hiện đại cho học viên. Các lớp tập huấn đã hướng dẫn kỹ thuật định danh phẩm màu hữu cơ tan trong nước, định danh phẩm màu kiềm, kỹ thuật xác định chỉ số peroxit trong dầu mỡ... Các kỹ thuật nâng cao xác định kim loại nặng như chì, kẽm, asen, thủy ngân trong thực phẩm bằng phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử. Kỹ thuật xác định hóa chất bảo vệ thực vật bằng sắc ký khí và sắc ký khí khối phổ. Kỹ thuật xác định phụ gia thực phẩm, aflatoxin bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao. Các lớp quản lý phòng xét nghiệm từ cơ bản đến nâng cao. Các kiến thức về an toàn sinh học, an toàn hóa học, quản lý rác thải y tế, nguyên tắc hoạt động, bảo trì bảo dưỡng thiết bị, thực hành tốt phòng xét nghiệm, đảm bảo chất lượng xét nghiệm, xây dựng hồ sơ quản lý chất lượng xét nghiệm. Trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp của cán bộ xét nghiệm được nâng lên rõ rệt. Cán bộ được tập huấn chuyên sâu về các chuyên đề cụ thể từ trước khi xét nghiệm, trong quá trình xét nghiệm, sau xét nghiệm.

Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị: Trong 2 năm triển khai nghiên cứu, khoa xét nghiệm đã được trang bị thêm một số dụng cụ, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm nghiệm thực phẩm, giúp cho việc xử lý các vụ vi phạm ATVSTP trên địa bàn thành phố được chủ động, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Sau các lớp tập huấn kỹ thuật, cán bộ xét nghiệm đã có điều kiện để triển khai thành thục kỹ thuật phân tích hơn, tạo nên những tiến bộ rõ rệt về năng suất và chất lượng kiểm nghiệm ATVSTP.

Khi điều tra đánh giá thực trạng, vì điều kiện phòng thí nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng chỉ có 8 phẩm màu chuẩn nên không định danh được đầy đủ các phẩm màu cho phép theo quy định của Bộ Y tế, thiếu căn cứ để xử lý vi phạm đối với các cơ sở đã sử dụng phẩm màu tuy không phải là phẩm kiềm độc hại nhưng không nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế. Do vậy, một trong các hoạt động can thiệp cần thiết được ưu tiên là bổ sung thêm 8 loại phẩm màu chuẩn để có 16 loại phẩm màu chuẩn có trong danh mục.

Cơ sở vật chất hạ tầng của Khoa xét nghiệm đã được cải tạo, tu bổ theo quy tắc một chiều để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác phân tích thực phẩm và đảm bảo an toàn sinh học, an toàn hóa học. Hệ thống quản lý phòng thí nghiệm đang được từng bước quản lý theo chuẩn Y tế Dự phòng và tiến đến quản lý theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025: 2005. Hiện nay, một số xét nghiệm được áp dụng các kỹ thuật mới cùng với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại nên kết quả xét nghiệm có tính chính xác cao, hiệu suất lao động nâng lên, vấn đề an toàn lao động cho cán bộ xét nghiệm được đảm bảo hơn. Như vậy, với sự lồng ghép đầu tư từ nhiều nguồn, năng lực khoa xét nghiệm TTYTDP tỉnh đã được nâng cấp có hiệu quả.

4.2.1.5. Xây dựng mô hình điểm sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn

Trong thời gian can thiệp, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được 11 điểm sử dụng phẩm màu trong danh mục; 18 điểm đăng ký sử dụng chất thay thế hàn the trong chế biến nem chả, 1 điểm bán chất thay thế hàn the, tư vấn sử dụng phụ gia thực phẩm và chế phẩm sinh học miễn phí tại địa bàn thành phố Đồng Hới với hoạt động ngày càng hiệu quả.

Phụ gia thay thế hàn the gồm hỗn hợp các chất Pentanatri triphotphat, Tetranatri diphotphat. Cơ sở tư vấn sử dụng phụ gia thực phẩm và điểm bán chất thay thế hàn the đã hoạt động thường xuyên, số lượt tư vấn cho khách hàng ngày càng nhiều hơn, ngày càng được nhiều chủ cơ sở tham gia, lượng phụ gia thay thế hàn the được tiêu thụ ngày càng nhiều Từ khi xây dựng mô hình điểm cung ứng và tư vấn miễn phí sử dụng phụ gia thực phẩm, lượng khách hàng là chủ cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm đến với điểm tư vấn ngày càng tăng dần. Sản phẩm tiêu thụ là chất thay thế hàn the ngày càng nhiều hơn. Sau 6 tháng can thiệp tiêu thụ hết 90kg, sau 18 tháng đã tiêu thụ 350kg PentaNatri triphotphat; Tetranatri diphotphat thay thế hàn the, chủ yếu là các cơ sở sản xuất ở Lệ Thủy, Đồng Hới. Lệ Thủy có 2 cơ sở sử dụng 5kg/tháng; Đồng Hới có 6 cơ sở sử dụng 10kg/tháng. Ngoài các cơ sở tham gia nghiên cứu còn có thêm các cơ sở khác mới mở cũng điện thoại qua tư vấn để sử dụng phụ gia này. Các cơ sở sử dụng chất thay thế hàn the là đối tác thân thiện của nhóm nghiên cứu. Tương ứng với số lượng chất phụ gia thay thế hàn the ngày càng nhiều là tỷ lệ mẫu thực phẩm chứa hàn the giảm có ý nghĩa thống kê.. Một trong các khó khăn chung ở nhiều địa phương là sự thiếu hiểu biết về sử dụng phụ gia thực phẩm, người chế biến - kinh doanh thực phẩm không biết có chất thay thế phụ gia độc hại quen dùng như hàn the hoặc khó tìm mua phụ gia an toàn nên tình trạng vi phạm trong việc sử dụng phụ gia vẫn tồn tại [28], [74]. Do vậy, việc xây dựng mô hình điểm tư vấn kiến thức miễn phí và cung cấp phụ gia an toàn rất có ý nghĩa để nâng cao năng lực quản lý việc sử dụng phụ gia thực phẩm tại Quảng Bình.

Trong 2 năm xây dựng và duy trì mô hình điểm cung ứng và tư vấn miễn phí sử dụng phụ gia thực phẩm, kinh nghiệm cho thấy người làm tư vấn ngoài yêu cầu phải có trình độ, được đào tạo về ATVSTP, về PGTP thì đặc biệt là phải nhiệt tình , phải có trách nhiệm và có lương tâm nghề nghiệp, có thời gian dành cho công tác tư vấn để đáp ứng tính sẵn có khi khách hàng yêu cầu đề nghị. Chính điều đó mới tạo được niềm tin đối với khách hàng và giúp họ khắc phục những khó khăn, những cản trở trong quá trình thay đổi, chấp nhận và duy trì hành vi đúng. Mô hình này nên đặt dưới sự quản lý của cơ quan y tế và có người chuyên trách. Tuy vậy, có 4 cơ sở vẫn sử dụng hàn the trong sản phẩm. Khi phát hiện ra vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã tìm nguyên nhân và vấn đề sẽ được đề cập tới thông qua kết quả đánh giá tình hình sử dụng hàn the trong thực phẩm sau can thiệp.



4.2.2 . Hiệu quả can thiệp về tiếp nhận thông tin.

Các hoạt động truyền thông trực tiếp được hầu hết đối tượng đánh giá là thiết thực và có hiệu quả nhất. Hiệu quả của hoạt động này có tính lan truyền, nhiều người trong cộng đồng cùng sống, sinh hoạt, làm ăn liền kề với đối tượng cũng được tiếp cận với các thông tin qua tư vấn, được nhận các tờ rơi tuyên truyền và cùng trao đổi thảo luận sau khi có được thông tin. Nâng cao kiến thức ATVSTP cho cả người chế biến kinh doanh và người tiêu dùng là biện pháp truyền thông hữu hiệu và có tính duy trì bền vững tại cộng đồng [28].

Truyền thông gián tiếp: Thông qua kênh truyền thông này, các cơ sở đảm bảo ATVSTP đã được biểu dương, giới thiệu thực phẩm sạch như là một hình thức quảng cáo sản phẩm nên rất phấn khởi và có tác dụng vừa tuyên truyền, vừa động viên khích lệ nên hiệu quả đạt được rất cao, cả chủ cơ sở chế biến - kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng đều rất quan tâm, kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của Hà Thị Anh Đào đã triển khai tại Hà Nội [28], Nguyễn Đức Thụ năm 2006 ở Hà Tây [73]. Đây là phương thức truyền thông hỗ trợ quan trọng để các đối tượng củng cố, bổ sung kiến thức về ATVSTP. Cũng thông qua phương thức truyền thông này, cả cộng đồng là người tiêu dùng cùng hiểu, cùng được nâng cao kiến thức về ATVSTP để cùng có hành vi đúng. Ngoài các hoạt động trên, Hội liên hiệp phụ nữ với vai trò phối hợp trong chương trình “Phụ nữ cả nước thực hiện ATVSTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” cũng tham gia nhiều hoạt động tích cực nên đã làm tăng hiệu quả công tác truyền thông.

Bảng 3.27. cho thấy nguồn cung cấp thông tin tăng lên trong thời gian can thiệp đã giúp cho các đối tượng nghiên cứu có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với kiến thức cần thiết phục vụ cho việc chấp hành các quy định về ATVSTP. Tỷ lệ chủ cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm được tiếp cận với các nguồn thông tin về ATVSTP tăng lên có ý nghĩa thống kê. Đặc biệt nhất là thông tin qua tờ rơi với tỷ lệ tăng từ 21,3% lên 83,5%; nhân viên y tế tăng từ 24,4% lên đến 75,6% và từ các đoàn kiểm tra từ 75,6% tăng lên 89,0%.

Việc tiếp cận với các nguồn thông tin ATVSTP được tăng có ý nghĩa thống kê cả về tỷ lệ người được tiếp cận, tần suất tiếp cận,. Bảng 3.28 cho thấy tỷ lệ người được tiếp cận các nguồn thâng tin trên 5 lần/năm sau can thiệp là 87,2% so với trước can thiệp là 26,2 %, mức độ hiểu đầy đủ các nguồn thông tin tăng từ 18,3% lên 65,2% ( bảng 3.29). Điều đó cho thấy tính hiệu quả của các nguồn thông tin cung cấp trong quá trình kiểm tra, thanh tra trong thời gian can thiệp đem lại. Các hoạt động can thiệp truyền thông đã được tiến hành với tần suất nhiều hơn, lựa chọn nội dung phù hợp, dễ hiểu, thiết thực hơn, và kênh truyền thông thích hợp, hiệu quả hơn. Chính vì lẽ đó mức độ hiểu đầy đủ các thông tin đã tăng lên một cách có ý nghĩa. Hiệu quả của công tác truyền thông giáo dục ATVSTP đạt được ngày càng cao khi đã tìm hiểu, đánh giá được đúng nhu cầu của đối tượng, phân tích được lợi hại của thực hành VSTP không đúng, cung cấp các thông tin cơ bản, thiết yếu dễ hiểu, dễ thực hiện [28], [54].

Từ kết quả ở bảng 3.30. cho thấy nguồn thông tin mang lại hiệu quả nhất được đánh giá là thông tin cung cấp từ các đoàn kiểm tra (tỷ lệ 62,8%); nhân viên y tế (43,3%); tờ rơi (37,2%) và đã có sự thay đổi có ý nghĩa thống kê so với trước can thiệp. Trong khi đó, tính hiệu quả từ nguồn thông tin từ T.V lại giảm từ 61% còn 38% và đối với đài giảm từ 17,7% chỉ còn 7,3% (P<0,001). Điều này một lần nữa minh chứng vai trò của các hoạt động truyền thông trực tiếp. Các hoạt động truyền thông trực tiếp trong can thiệp đã được tăng cường, trong đó người truyền thông là nhân viên y tế thực hiện kết hợp sau khi điều tra KAP, phát tờ rơi, kết hợp với tuyên truyền giải thích khi kiểm tra, thanh tra và kết hợp nhiều loại hình, nhiều phương thức một lúc, nội dung thông tin truyền thông được thiết kế phù hợp, thiết thực nên đối tượng dễ tiếp thu [42]. Thêm vào đó các hoạt động truyền thông khác hỗ trợ như tuyên truyền trên đài truyền hình, tổ chức hội thi của Hội phụ nữ, các hoạt động trong tháng hành động ATVSTP, nên có hiệu quả cao hơn; do đó vai trò của nguồn thông tin từ TV trở nên thứ yếu khi so sánh.



Каталог: FileUpload -> Documents
Documents -> BỘ khoa học và CÔng nghệ
Documents -> HÀ NỘI – 2013 BỘ giáo dụC ĐÀo tạo bộ y tế viện dinh dưỠNG
Documents -> Phụ lục về cấp hạng khách quốc tế
Documents -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam qcvn 01 78: 2011/bnnptnt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thứC Ăn chăn nuôi các chỉ tiêu vệ sinh an toàn và MỨc giới hạn tốI Đa cho phép trong thứC Ăn chăn nuôI
Documents -> TỔng cục dạy nghề
Documents -> Bé gi¸o dôc vµ ®µo t¹o bé y tÕ ViÖn dinh d­ìng Ph¹m hoµng h­ng HiÖu qu¶ cña truyÒn th ng tÝch cùc ®Õn ®a d¹ng ho¸ b÷a ¨n vµ
Documents -> TỜ khai xác nhận viện trợ HÀng hóA, DỊch vụ trong nưỚC
Documents -> Phụ lục I mẫU ĐƠN ĐỀ nghị ĐĂng ký LƯu hàNH
Documents -> BỘ giáo dụC ĐÀo tạo bộ y tế viện dinh dưỠng quốc gia tiếp thị XÃ HỘi vớI việc bổ sung sắt cho phụ NỮ CÓ thai dân tộc mưỜng ở HÒa bìNH

tải về 1.69 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương