22  leâ LÖÏu tieåu thuyeát  23



tải về 2.23 Mb.
trang21/22
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2016
Kích2.23 Mb.
#32030
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22

2
Mơ được chính uỷ cho chuyển về đơn vị cùng với Ngà ở trạm giao thông ngã tư "Bền Bỉ" đầu đường mới mở. Con đường này chưa có tên, nưhng chỗ nó gặp đường đi thác Nhài, đi ngã ba Thùng Phuy và ngã ba Hạnh Phúc thì lại có tên: ngã tư "Bền Bỉ". Cái tên bắt đầu từ đâu, chưa ai biết. Ngôi nhà của trạm thụt vào phía đường mới, đi bến Tiến. Nó là trạm đầu tiên mang kí hiệu A7 cách bến Tiến ba kilômét. Khi chưa được lệnh của bến, nó cho các xe sơ tán sang các ngả khác. Xe nào qua được A7 tức là bến Tiến đã thông. Lính lái xe quen gọi trạm này là nhà. "Nhà của các chị". Quen mồm gọi thế, thực ra ở đây chỉ là căn hầm đặt vừa chiếc giường một. Ở trong đó có hai người con gái, một chiếc máy điện thoại, hai chiếc ba lô "con cóc", một khẩu súng, một quyển sổ và ngọn đèn dầu để trong vỏ thùng lương khô khoét hổng. Lính lái xe mới quen chị Ngà. Còn cô kia vừa đến thay cho cô bị thương chưa ai biết tên, chỉ nhìn thoáng qua thấy có vẻ lành và buồn. Có anh lái nào bạo miệng dò hỏi Ngà về "tung tích" của cô ấy thì chị chỉ lắc đầu hoặc cười nói hờ hững: "Anh nào còn qua bến Tiến rồi khắc biết". Nhưng ít lâu sau, chính cô ấy nói ra: "Em là Mơ mới ở thanh niên xung phong sang. Thủ trưởng Văn cho về đây ở với chị em!" - "Có phải cô Mơ "đồng hương" của anh Thú không?" - "Vâng ạ!". Cô gái hơi cúi, hai mắt chớp chớp. Mấy anh lái nhìn nhau. Khi quay đi, một anh dặn: "Từ nay đừng cậu nào nhắc đến chuyện ấy nữa nhé!".

Từ đấy, tất cả những chiến sĩ lái xe đều trở nên thân thiết, họ thương cô như em gái mình. Mỗi lần dừng xe hầu như anh nào cũng hỏi một câu tương tự: "Bến Tiến thế nào em?". Và những anh lái bướng bỉnh nhất cũng trở nên hiền lành. Mỗi lần qua A7 vắng Mơ họ lại tới tấp hỏi: "Mơ nó có khoẻ không chị Ngà? Độ này nó đã đỡ buồn chưa chị?". Rồi những rau, đường, sữa, thịt hộp, bột trứng... họ dành cho hai chị em. Dù cả hai người có giãy lên đành đạch từ chối thì họ cũng cứ quẳng xuống.



Những ngày này lòng thương tiếc, nỗi đau thương hối hận cùng dội lên có lúc làm cho Ngà ngồi chết lặng. Nào ngờ đâu chiều ấy lại là buổi chia tay cuối cùng. Từ buổi sáng qua đò nhận ra Thú cho đến hôm ấy Ngà chưa hề nói một lời nào nặng, tự dưng chiều gặp lại Ngà đã nghĩ, dù chỉ là giây phút nghĩ sai về Thú. Rồi vì thế Ngà đã làm cho Thú buồn. Một con người như thế, bất cứ ai cũng không thể nhẫn tâm nghĩ sai, mà mình lại nhỏ nhen đến thế. Nỗi đau dứt ấy Ngà thấy mình phải làm một việc gì đó, ngay từ hôm nay để chuộc lại. Suốt ba đêm liền, đợi cho Mơ ngủ, chị ngồi viết thư. Những ngày sau ngồi đọc lại lá thư ấy, chị thấy bằng lòng và quyết định gửi đi. Chắc là cậu mợ sẽ làm, làm được như yêu cầu của con. Từ nhỏ đến giờ có bao giờ con vòi vĩnh bắt cậu mợ phải chiều con đâu. Cho đến bây giờ: "Cậu mợ ơi, con chỉ có một nguyện vọng duy nhất, một yêu cầu tha thiết nhất, nhờ cậu mợ giúp con. Có thể việc này cậu mợ sẽ gặp nhiều khó khăn, con vẫn tin chắc cậu mợ thương con, làm được cho con. Việc đó thế này, cậu mợ kính thương ạ! Ở đây con có một người bạn, một người em vô cùng tốt. Ở giữa bom đạn, rừng rú biết bao nhiêu khó khăn thiếu thốn đến với con, nhất là con lại ở xa cậu mợ, xa mọi người ruột thịt. Nhưng những ngày ốm đau, thiếu thốn, ác liệt, con đều được cậu ấy chăm lo, chạy vạy cho con như mợ chăm con. Có thể nói tóm tắt là từ bé đến giờ con chưa gặp được một người bạn nào thành thật và tốt đến thế. Chân thành tận tuỵ với tất cả mọi người. Đặc biệt đối với con, cậu ấy coi con như một người chị gái, cậu ấy phải có nghĩa vụ chăm lo. Con chả biết kể thế nào, viết thế nào để cậu mợ thấy hết được tấm lòng của người bạn, người em đó của con. Cậu ấy tên là Thú, con bác cả Chiếu ở làng Mãn Trù, thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cũ. Ngay chợ Tía sang đấy cậu mợ ạ. Con sẽ vẽ sơ đồ kèm theo để cậu mợ tìm đến cho tiện. Hiện nay cậu ấy đang làm nhiệm vụ rất đặc biệt nên ít có điều kiện biên thư về thăm hỏi gia đình. Ở nhà bác trai bị què và nhiều bệnh khác không lao động được. Bốn đứa trẻ nhỏ trông mong ở một bác gái, gia đình bác gặp nhiều khó khăn. Con đề nghị cậu mợ cụ thể như sau: một là thường xuyên cậu mợ về thăm hai bác, kể chuyện chúng con ở trong này và tìm cách giúp đỡ việc học hành của các em. Những dịp các em nghỉ, nếu Hà Nội yên ổn, cậu mợ đón các em ra Hà Nội, tạo điều kiện cho chúng hiểu biết thêm. Hai là cậu mợ lấy số tiền tiết kiệm của con mang đến đưa hai bác, nói là tiền của Thú gửi về. Cậu mợ làm ngay việc này và phải khéo. Vì địa phương người ta cũng chả để hai bác khó khăn nhiều và người ta sẽ hỏi tại sao Thú gửi tiền mà không biên thư về. Cậu mợ liệu nói sao việc này cốt để hai bác không thắc mắc là được. Con biết cậu mợ đã dạy dỗ con cách cư xử ở đời, bây giờ con phải dặn cậu mợ, điều đó thật khiếm nhã, nhưng đó là những suy nghĩ thành thật cũng như những mong muốn cho mọi sự tốt đẹp. Con hi vọng mãi mãi gia đình ta sẽ trở thành người bạn thân thiết của hai bác và con sẽ là người chị của Thú, của những đứa em trong gia đình hai bác...!"

Trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn dầu, hắt lên vách hầm, Ngà lần tìm phong bì trong túi ba lô rồi gấp lá thư vào trong, dán xong, chị để phong bì vào chỗ cũ, chờ dịp có người về hậu phương gửi theo.

Chị định chợp mắt, tiếng máy bay rẹt qua và tiếng pháo loạch đoạch bắn đuổi. Chưa dứt loạt pháo, cả căn hầm sáng loà. Mơ choàng dậy. Ngà ấn đầu xuống, bắt cô ngủ tiếp, còn mình cầm lấy ống nghe làm việc với các trạm.

- Chị ơi để em trực, chị ngủ đi. Bao nhiêu đêm chị thức rồi.

- Nhiệm vụ của em là việc khác. Bây giờ ngủ đi.

- Nhưng em không buồn ngủ chút nào cả.

Ngà không hỏi gì thêm. Chị đang bận nắm tình hình ở bến, ở mặt đường.

Mơ ngồi nhìn chị làm việc. Biết chị chả để cho thay, cô cầm quyển vở bọc giấy xi măng ra xem. Giấy không có dòng kẻ, những con số cô viết nguệch ngoạc người mới nhìn dễ đọc lẫn. Cô lấy bút và giấy nháp nhí nhoáy viết trong ánh mờ mờ của ngọn đèn dầu. Cặm cụi viết một lúc, sau chỉ ngồi nhìn. Nhìn mãi không biết thế nào cô cho sách vào túi, xách mảnh sắt tây chui ra khỏi hầm.

- Đi đâu đấy?

- Em làm cái này.

- Lại gò thùng múc nước hả. Việc đó mai chị làm. Nếu em không ngủ được, lấy sách đọc đi.

- Em làm bài không ra, khó quá.

- Đem sách ra đây, chị xem. Khó thì phải hỏi, chứ lại cất đi thì bao giờ làm được?

Cô ngần ngại một lúc rồi than vãn:

- Chị ơi, em thấy học thế nào ấy. Chị giảng thì em nhớ, nhưng xong lại quên. Để mai kia yên ổn, em học vậy.

- Thôi đừng bàn lùi nữa. Chị cấm em không được thức khi không cần thiết và phải học. Khó mấy cũng phải học.

- Nhưng em lớn rồi, học nó không vào chị ạ. Để mai kia em học.

- Thế mai kia bé lại à? Em biết cậu Hùng, con binh trạm trưởng không? Một thằng bé đẹp trai, nhanh nhẹn thế, năm nay mười bảy tuổi rồi mới học tập viết. Binh trạm trưởng dạy con, thấy nó dốt quá, ông bỏ nó, đứng dậy: "Thôi, mày đợi khi nào vùng giải phóng có trường đi học với bọn trẻ con, tau đành chịu". Thủ trưởng Văn biết binh trạm trưởng không phải là người nhẫn nại trong chuyện này, ông giữ Hùng ở chỗ ông và nhờ anh em trong binh trạm bộ thay nhau dạy cho nó. Mới hơn một tháng nó đã đọc được báo và viết được rồi. Thế là càng nhớn, học càng nhanh chứ? Chỉ có điều, phải tập trung tư tưởng mới được. Chị nói điều này: bây giờ chị mới nói để em không được nhõng nhẽo đòi thôi học nữa. Thủ trưởng Văn giao cho chị phải hướng dẫn em ôn lại cấp hai cho chắc để tháng sau đưa em về trường văn hoá trên Bộ Tư lệnh, học hết cấp ba rồi chuyển đi học đại học.

- Giời ơi, thế hả chị?

- Em sợ không học được ư?

Cô bé im lặng. Một lúc sau cô mới tâm sự với chị:

- Vâng, em sợ không học được, mới lại sao lạ thế hở chị? Em đi thanh niên xung phong vào chiến trường, sao lại đi học văn hoá rồi vào đại học.

- Em không thích đi học à?

- Thích lắm. Nhưng em không bao giờ nghĩ như thế.

- Từ nay thì nghĩ là phải như trhế. Nhiệm vụ thủ trưởng giao đấy, em phải chấp hành nghiêm, không nói chơi được đâu!

- Vâng, em xin chấp hành. Em chỉ sợ chị vất vả về em quá.

- Chị chỉ mong em học được, đừng lo gì cho chị.

- Chị...


Một hồi chuông đổ gấp. Ngà cầm ống nói. Lệnh binh trạm trưởng: "Khi đoàn xe từ A13 đến phải khẩn trương cho vượt bến Tiến trước bốn giờ sáng".

Ngà bỏ máy, chuẩn bị sổ và bút theo dõi đoàn xe đến. Chỉ năm bảy phút sau có tiếng xe. Chị cầm còi ra cửa chờ.

Mơ ngồi trực máy. Chiếc xe đầu tiên lao đến, phanh vội vàng như lốp xì hơi. Ngà chưa kịp hỏi đã nghe tiếng người lái:

- Chị Ngà hử? Mơ nó đâu?

- Xê bảy phải không? Số xe?

- 3374.


- Ai lái?

- Giời ơi, bà chị lại quên rồi. Nguyễn Văn Cận. Cận "nặng" đây.

- À biết rồi, Hùng cận.

Chiếc đèn pin văng sang trái, một tay bấm đèn trùm ánh sáng bằng hạt ngô xuống quyển sổ, tay kia Ngà ghi. Xong xuôi, chị nhắc:

- Đến bãi B.52 tắt máy, nghe. Tranh thủ vượt ngầm trước bốn giờ.

- Rõ. Cho chúng em gửi lời chào Mơ. À Mơ ngồi trong hầm hả? - Hỏi mà không đợi trả lời, anh ta dấn ga cho xe vượt lên. Chiếc xe khác lao đến và dừng lại nghe những câu hỏi, lời dặn như xe trước. Đến xe thứ năm vừa qua, chợt hai xe từ phía bến Tiến trở lại lao vùn vụt. Một hồi còi ngăn xe, kèm theo câu quát của Ngà:

- Xê nào đấy?

- 165 đây.

- Đi liều. Ai đã cho 165 ra?

Người trả lời vừa rồi đã ra khỏi xe, đến bên Ngà, giọng anh nhỏ lại:

- Xe chúng tôi ở ngang đường ra.

Suýt nữa Ngà kêu: "Ôi, anh Trường!". Nhưng cô chỉ đứng im lặng.

Trường trao cho cô một phong bì và nói nhỏ:

- Tôi gửi Ngà cái này.

Ngà giơ bàn tay run rẩy, lặng lẽ nhận lấy như tất cả mọi điều anh nói trong thư, Ngà đều hiểu cả rồi. Hai người đứng im lặng chừng nửa phút, Trường quay người nói như nghẹn:

- Tôi đi.

- Chừng hôm nào anh vào?

- Tiểu đoàn vào cung trong, tôi sẽ tìm cách gọi điện cho Ngà.

- Anh phải giữ gìn cẩn thận đấy.

Trường muốn đứng lại nói một câu gì và nhìn Ngà một chút.

Có tiếng đoàn xe vào, anh phải trở lại xe mình. Ngồi trên buồng lái, anh nói to xuống:

- Báo cho A1 "thả" 165 đi.

- Vâng.

Không hiểu tại sao Ngà lại "Vâng" theo một ý nghĩ chợt đến, thực ra chị chưa nghe rõ anh nói câu gì. Lá thư từ bàn tay đã truyền hơi nóng đi khắp người và chị nghe thấy tiếng đập thình thình trong lồng ngực.



Đợi cho đoàn xe vào hết, chị chạy vào hầm.

- Em báo cho A1 "thả" 165.

Rồi chị ngồi sát vách và bóc thư, dặn:

- Em giải quyết ở mặt đường. Thật cần thiết sẽ gọi chị. Chị mới nhận thư của cô bạn cũ.

Chị bấm đèn trùm xuống bì thư. Chỉ một chữ "Trường" ở góc và chữ "Em" ở giữa cũng đủ nói tất cả những gì anh định nói với Ngà rồi:

"Hãy tha lỗi cho sự đường đột tôi viết gửi em những dòng đầu tiên. Em có hiểu được không, Ngà ơi! Chắc mọi việc em đã biết hàng nửa tháng nay. Còn tôi, tôi mới được nghe lúc giấu xe buổi sáng. Giời ơi, sao tôi lại không thể ngờ rằng trong đời tôi đã có người bạn ngã xuống vì mình. Hôm tôi qua đây, anh còn hẹn khi trở ra sẽ gặp nhau và anh dẫn tôi đến với em. Anh lội từ bờ bên kia sang chỉ cốt mắng tôi một câu, câu mắng ấy khiến tôi dám viết cho em lá thư đường đột này. Chỉ kịp mắng một câu rồi anh quay về. Lúc chúng nó đến, xe tôi đã ra khỏi vùng trọng điểm. Đến hôm nay mới biết, anh chỉ về đến giữa ngầm, chỉ được đến giữa ngầm thôi. Ngà ơi, người bạn của chúng ta đã vĩnh viễn nằm xuống rồi. Lúc này tôi đang ngồi bên mộ anh, ngồi từ lúc giấu xe buổi sáng đến giờ. Mặt trời sắp lặn rồi! Hai bàn tay tôi bóp hết bao nhiêu nắm đất sỏi mà vẫn không cầm được bàn tay anh. Giời ơi, tôi sẽ sống như thế nào? Phải làm gì đây? Nằm bên anh từ sáng đến giờ, tôi không nói với anh được lời nào. Không thể nói được. Chắc em đã lên đồi vĩnh biệt anh. Trước linh hồn thiêng liêng của anh, tôi viết cho em những dòng này. Tôi không thể nói gì hơn là tôi đã yêu em, tôi yêu tất cả lòng tôi, cũng như anh đã yêu chúng ta, yêu cuộc sống này và vì nó mà ngã xuống...!"

Lá thư như nhoè đi vì nước mắt chảy xuống. Mặc như thế, Ngà ngồi đọc rồi tắt đèn pin, vẫn nhìn trân trân vào đó, nhìn và vẫn đọc rành mạch từng chữ. Ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu đã quay vào hướng Mơ đang làm việc.

Cho đến khi những đoàn xe rầm rập từ phía trong lao ra, Mơ cần hỏi ý chí, chị mới bừng tỉnh.

Lúc ấy ngoài trời hầu như sắp sáng rồi thì phải.




3
Anh nhà báo mà Vũ đã gặp ở nhà Trình Nhật, rất nhiều lần muốn gặp Bình Nguyên theo yêu cầu của anh trai cô. Nhưng bao nhiêu lần dự định, anh vẫn chưa thực hiện được. Từ ngày theo đơn vị xe chuyển sang đông Trường Sơn anh lại càng trách móc sự lười biếng của mình. Hồi ở phía tây có lần đáng lẽ chỉ gắng lên đi bộ nửa ngày là có thể gặp cô. Nấn ná mãi để chờ dịp thuận lợi, đùng một cái chuyển "cánh". Thế là lại xa hàng nghìn kilômét. Đến bây giờ anh chỉ còn lại nỗi ân hận và nỗi khao khát xa vời. Mấy lần đi với Vũ anh đã gợi ý để Vũ nhờ bạn bè tin cho Bình Nguyên nhưng đã bốn tháng rồi cậu ta chưa nhận được thư người yêu. Vũ hứa: "Hết chiến dịch này em xin chở hàng hậu cần sang phía tây. Có gì anh đi với em. À, không cần, nghe tin binh trạm sắp làm lễ tổ chức cho anh Trường và chị Ngà, thế nào Bình Nguyên cũng được báo về dự".

- Có phải cậu Trường ra Hà Nội năm ngoái không?

- Anh ấy đã gặp anh Trình Nhật và nhận thư của anh Công chuyển cho chị Ngà.

- Ừ, mình có biết cậu Trường và chuyện cậu Công nhờ vả anh ta. - Vũ hơi chột dạ, nhìn nhanh sang khuôn mặt đang nghĩ ngợi của anh. Cậu nói để thăm dò nhà báo:

- Chị Ngà không về với anh Công, anh ấy yêu người khác, thiếu gì.

Anh ngồi lặng đi. Vũ toan nói thêm nhưng anh đã nói như với riêng mình:

- Ừ, thế cũng phải. Thực ra nó chả yêu ai.

- Ai ạ?


- Mình nói anh bạn Công ấy. Nó yêu rất nhiều và cũng nhiều người yêu nó. Nhưng có người nào nó yêu đến đầu, đến đũa đâu. Đời công bằng đấy. Anh chả yêu đời làm sao đời lại yêu anh được.

Vũ rời tay khỏi vô lăng vỗ đét xuống đùi:

- Đúng thế anh ạ.

Anh hỏi lại:

- Đúng không? Anh hờ hững, anh dàn trải thì sao lại bắt người ta phải tập trung, phải sâu sắc với mình. Cô Ngà ở lại là phải. Bao giờ chúng nó cưới?

- Có lẽ cuối chiến dịch anh ạ.

- Mình sẽ ở lại dự. Hay. Ý nghĩa lắm.

Xe đang đi, một hồi còi, từ ngang đường chặn. Có bóng người cao lớn xuất hiện. Vũ reo:

- Ôi, anh Trường. Em đang nói chuyện về anh.

- Vũ à. Ai đi cùng đấy?

- Anh nhà báo, đi với binh trạm.

- Biết rồi.

Trường đi vòng qua mũi xe sang phía anh ta. Tự anh mở cửa.

- Chào anh. Nghe tin anh đi với đơn vị mà chưa gặp được. Có khoẻ không anh?

- Chưa gặp lại anh Trường, nhưng qua các chiến sĩ của anh tôi như thấy anh ở rất nhiều nơi.

- Cám ơn anh. Bây giờ xin báo cáo anh tình hình thế này, Vũ nghe luôn. - Anh quay ra phía trạm chỉ huy giao thông gọi: "Đồng chí công binh lại đây nghe một thể".

Người chiến sĩ cầm quyển sổ trên tay, đi lại phía đầu xe. Đêm trăng mờ mờ, trông mặt nhau không rõ, chỉ thấy miệng anh nào cũng hơi cười chứng tỏ họ đang niềm nở với nhau.

Trường nói:

- Hiện nay địch đang lấn ra chiếm "chân hàng" của ta. Trên nhận định: chúng có thể nhảy dù một đơn vị lớn chiếm tại vùng kho MH5. Bộ binh ta đang chiến đấu ở phía nam MH5, chúng ta sẽ đưa hàng đến đấy, cách chúng vài trăm mét. Bây giờ thế này, anh ở lại đây. Đồng chí ở trạm sẽ đưa anh nghỉ tạm, đến sang mai Vũ sẽ quay lại đón anh.

Nhà báo ngập ngừng:

- Nếu không phải giữ bí mật các anh cho tôi theo. Tôi cũng định...

- Không phải vì yêu cầu ấy. Các anh đến đây với anh em chúng tôi cũng coi như người cùng đơn vị. Có điều là vùng ấy rất căng... Vòng ngoài cùng hàng rào bom B.52, vòng thứ hai pháo bầy, vòng thứ ba bọn phản lực "bổ nhào", vòng cuối cùng là tầm đạn bộ binh của chúng. Đi thế không bảo đảm an toàn nên... Thôi anh thông cảm cho. Điện của Bộ Tư lệnh có dặn là xin để dịp khác đưa các anh đi.

Anh nhà báo hiểu rằng mình chưa thể theo họ trong hoàn cảnh này. Anh khoác túi bạt đựng chăn màn, lương khô và các trang bị khác lên vai, ra khỏi buồng lái.

Vũ và Trường siết chặt tay anh và nói những lời an ủi cốt để anh vui lòng ở lại. Ho nhảy lên, đóng cửa. Chiếc xe đi rồi nhà báo mới thấy buồn lẻ loi. Ngồi trong căn hầm chữ A suốt đêm anh không chợp mắt. Đợi mãi, lắng nghe mãi, khoảng gần sáng mới nghe tiếng máy nổ rồi tiếng xóc xách của đoàn xe trở về. Anh ra khỏi miệng hầm ngồi bên người chiến sĩ công binh. Ngay chiếc xe đầu tiên đã cho biết xe của Vũ và anh Trường sẽ giấu tại MH5 trong suốt ngày hôm nay. Nhà báo như hẫng đi. Anh đành miễn cưỡng theo xe của xê ba giấu ở một bên đường 9.

Hầu hết những ngôi nhà hoặc đổ cả, hoặc đổ một nửa. Các chiến sĩ giấu xe ở đây đã quen. Nguỵ trang xong, họ cuốn màn, võng tìm chỗ ngủ. Các cụ già mang tranh, rào gai, rổ, rá, thúng mẹt ra úp thêm lên những chỗ thân xe còn hở. Làng mới giải phòng còn lồng khồng những vòng dây kẽm gai, những hố bom, hố pháo bầy khoét ở mỗi đầu hồi, bờ thềm. Bên những đống gạch, tôn xi măng vỡ đổ là chiếu ni lông, bao tải cát bằng ni lông, rổ rá ni lông, những quả chuối gãy dập cũng bằng ni lông... Đặt chân xuống chỗ nào cũng chạm vào ni lông và kẽm gai.

Nghĩa là lần đầu tiên giữa ban ngày anh sống giữa những ngôi nhà tám mái, thấp tè lợp tôn đã ngả nghiêng, rơi vãi trộn vào lổn nhổn màu đất bom thâm xịt.

Một mẹ già đã rụng hết răng nhường cho anh căn hầm vừa đủ một người nằm cong lại. Phía bên kia là căn hầm rộng hơn. Ánh sáng ban ngày lùa vào từ hai đầu nên trông rõ những người nằm chồng chéo lên nhau. Ở ngoài cùng là người đàn ông chừng bốn mươi lăm, bốn mươi sáu tuổi, mắt đỏ, ụ lên ở hai khoé là dử, đang ngủ. Ông nằm một nửa, còn một nửa ngả vào vách hầm, hai tay chống xuống hai bên. Trông ông ngủ trong tư thế của một người ngã dằn đít xuống, đang chống tay để sửa soạn đứng dậy. Hai ống chân còn ngấn cát hằn đến sát đầu gối. Nhìn cái cuốc còn dính bùn dựa ở cửa hầm anh đoán ông ta vừa đi cuốc đất đêm về. Phía trong đấy, người đàn bà có chửa nằm thoải mái đến nỗi ai nhìn thấy cũng vội vàng quay đi.

Hai đứa trẻ nằm hai bên. Còn một đứa nằm gối đầu vào chân. Đứa khác gác chân lên vai mẹ. Cả bốn đứa đều lóc nhóc chỉ nhỉnh hơn nhau chiếc guốc, chiếc dép. Tất cả đang ngủ say. Dường như tiếng bom, tiếng đại bác suốt đêm quần, xéo, lúc này sự yên tĩnh mới đến, họ vừa thiếp đi. Phía đầu gió, khói đang lùa ùn ùn vào căn hầm, trông những người đang ngủ nằm giữa sương đêm. Đấy là nùn rơm để hun muỗi ban đêm, giờ đang cháy nốt cái đuôi.

Anh cứ ngồi lặng ngắm căn hầm ấy cho đến khi bà cụ già rụng hết răng bắc nồi cơm lên và cái gia đình đông đúc kia được khua dậy.

Lập tức tiếng khóc ỉ eo cất lên, tiếng bàn tay người mẹ phát vào đít đứa nào đó, tiếng khóc thét của đứa bị đồn và tiếng người chồng quát nạt, chửi bới vợ con. Tất cả om sòm bức bối, rồi sự bức bối ấy không bật được ra, nó tắc sặc ấm ức trong căn hầm chưa tan hết khói. Nhưng chỉ mươi phút sau, khi bữa cơm đã gần xong, nét mặt mọi người nở đầy lên, những đứa trẻ tủm tỉm cười quanh mẹ rồi đột nhiên cười như nắc nẻ. Người mẹ vật ngang em bé nhỏ nhất vào lòng mình xoa vỗ lên cái đít nhọ nhem của nó. Con bé giữ bát cơm ở tay, cười lim dim. Nhà báo nuốt một hơi thở dài rồi lững thững bỏ ra ngoài đường. Một câu hỏi dội lên trong anh chưa thể nào giải thích được. "Hạnh phúc là thế ư? Hạnh phúc ở chỗ nào giữa cái đống "Văn minh nước Mỹ" để lại như thế?".

Lững thững đi men theo hết bờ rào gai, anh vào ngôi chùa ngổn ngang đổ vỡ. Những đống sách in làm cho anh vui lên. Có thể hiểu những năm tháng qua ở những quyển sách này chăng? Vốn ham đọc, anh phủ phục xuống đống gạch vỡ lần giở từng mảnh, chắp nối từng tập dày cộm. Đọc lướt qua đầu đề bảy, tám quyển, biết đó toàn là sách kinh Phật và những truyện, những ký về sự thâm nghiêm, từ bi của Phật. Giữa những đống sách Phật anh lại bới được quyển Chúa Zê-su. Hơi ớ người ngỡ ngàng, nhìn quanh một chốc, anh nhận ra cách đó chừng trăm mét là nhà thờ chỉ còn trơ lại cây thập tự đứng cạnh hố bom.

Giữa chiều bom đạn, anh ngồi trên đống gạch đổ vỡ đọc kinh Chúa và kinh Phật. Quyển Chúa Zê-su nói về Đức mẹ Ma-ri-a vợ ông Ju-se nhưng được Đức Chúa Trời "ứng" hộ nên bà có chửa. Bà bị vạ oan phải bỏ làng rồi sinh Đức Thánh ở một chuồng bò trong hang đá. Còn quyển "Vô vi pháp" dạy người ta tu thành Phật. Sách viết rằng: "Muốn thành người trong sạch để sau này thành đức từ bi thánh hiền phải nằm ngửa, hai tay buông xuôi, nín thở, đưa tư tưởng từ từ xuống cách rốn hai mươi phân...".

Đọc đến đâu, nhà báo vứt trả lại đống gạch vụn đến đấy. Ôi chao, sự kính cẩn thiêng liêng đối với Đức Chúa Trời và đức Phật từ bi của bọn "văn minh" là thế ư?

Phủi quần rời khỏi đống giấy má nhàu nát, anh lại lững thững đi. Nhưng chả biết đi đâu, làm gì cho đến đêm. Anh định tìm đến một nhà đồng bào nói chuyện cho vui. Chợt hai cháu bé ngơ ngác nhìn anh. Anh vẫy chúng lại. Chúng nhìn nhau đứng im. Anh đến gần hỏi. Các cháu nhìn anh từ đầu đến chân. Một cháu cất tiếng hỏi

- Nhà cháu trong ni, chụ Việt cộng vô hè!

Mỗi cháu túm một tay dẫn anh đi. Chúng dỗ dành:

- Chú Việt cộng vô đừng bắn bể đầu đồng bào nghe.

- Hôm tê ông quốc gia đi với ông Mỹ biểu Việt cộng xâm lăng đồng bào tề.

- Chú Việt cộng vô xâm lăng nhà cháu nghe!

Một đứa níu tay bắt bế. Cháu kia làm theo. Anh cõng một và bế một cháu. Những câu hỏi non nớt của những cháu bé làm anh thấy nhói đau. Với các cháu lên bốn, năm tuổi này, bọn Mỹ và Thiệu đã đầu độc sự man trá xảo quyệt ấy rồi!

Nhưng suốt cả buổi chiều vui với các cháu rồi từ các cháu niềm vui vẻ gần cận lây đến người lớn. Khi trở về chỗ giấu xe, anh thấy lòng mình nhẹ vợi hẳn đi. Không, chúng không thể đầu độc nổi đâu. Mắt các cháu bé rất trong. Muốn phân biệt cái thiện, cái ác, cứ nhìn vào mắt trẻ con. Nhìn vào đấy không kẻ nào dối trá, gian lận được đâu!

Đó là một ngày chờ xe anh thấy không dài như tất cả những lần chờ đợi khác.

Nhưng vẫn chưa có tin tức gì của Trường và Vũ. Liệu họ thế nào? Đến bao giờ anh mới trở về binh trạm để viết những cảm xúc đầu tiên của mình?

Lại một ngày chờ đợi. Nỗi thấp thỏm lo âu đầy lên cồn cào trong anh... Những gì đã xảy ra. Phải chờ, chờ đến đêm nay. Đằng nào cũng phải kiên nhẫn như thế.




4
Hơn một tháng nay, bom và đại bác treo lủng lẳng suốt ngày đêm trên bầu trời Quảng Trị. Lượt này chưa chạm mặt đất, lượt khác vãi ra, bay tới. Chúng va vào nhau nổ từ lưng trời. Những nền gạch, xi măng vun lại thành từng đống bột ngồn ngộn như cồn cát. Hàng chục quả bom cùng rơi đúng một lỗ, tiếng bom đạn đè lên nhau nghe chỉ thấy ù ù như bão. Bên cạnh nơi Trường và Vũ trú là đàn bò đang gặm cỏ. Bom và pháo nổ tung toé xung quanh, chúng vẫn mặc. Con bò đen đang ngửa cổ "nhai trầu", một con khác liếm vào lưng nó âu yếm. Một quả pháo rơi, tiện đầu con đen quăng đi hàng chục mét. Con kia vẫn điềm nhiên liếm vào lưng con đen. Một bầy đạn pháo lại tới tấp rơi vào giữa đàn bò đang gặm cỏ, tin con nào, con ấy lăn ra, những con khác vẫn gặm cỏ không hề rùng mình, cong đuôi. Bom đạn của kẻ xâm lược đem đến đây dựng bức thành di động, mịt mù suốt ngày đêm. Dưới chân những "bức thành" đó không thể nhìn thấy gì, thậm chí không thể tưởng tượng có một sinh vật nào dù nhỏ bé như kiến cũng không thể sống được, tìm được chỗ chui vào yên ổn.

Nhưng mỗi lần bom dứt, hàng tiểu đoàn địch lốc nhốc kéo nhau xông lên, lập tức dưới những đống bột ấy lại như có một bức thành dựng lên sừng sững, từ đấy vụt ra những đường đạn cuốn lấy chúng, hàng trăm tên lăn ra khiến những kẻ còn lạii hoảng hốt xéo lên mặt thằng nằm xuống, chạy tháo thân. Khi chúng chạy ra vòng ngoài, những loạt bom, đại bác ùn ùn trút xuống "đống bột". Đến khi nào chắc mẩm ở đấy "không còn gì", bọn lính rằn ri mới lóp ngóp dậy. Vẫn như những lần trước, không thể vượt qua, không thể xáp lại. Hàng tháng trời như thế. Bằng thứ khoa học tinh vi của mình, bọn giặc biết rằng trong diện tích nhỏ hẹp của "đống bột" không có nhiều người, nhưng bằng cách nào họ vẫn sống, vẫn đủ lương ăn, đủ đạn bắn, đủ súng... giữa hàng rào bom vây kín xung quanh suốt hai mươi bốn giờ đồng hồ mỗi ngày.

Càng băn khoăn, lòng tự ái của kẻ xâm lược giàu có, càng gắng công đổ bom, đổ mãi, "theo lao" mãi vẫn không vật đổ bức thành bất thần dựng phía "đống bột".

Những ngày như thế đêm đêm tiểu đoàn trưởng Trường dẫn đầu các đoàn xe tắt máy cách "đống bột" hàng cây số, tự tay vác đạn, lương khô, cơm nắm và nước, chè, thuốc, phích nước sôi và điếu cày bò vào đống bột dúi tận tay người chiến sĩ bộ binh. Không đêm nào tiểu đoàn xe chịu "đứng ngoài nhìn vào". Vì thế gặp họ lần nào chiến sĩ bộ binh cũng ôm khóc. Gặp nhau khóc, chia tay nhau cũng khóc. Chỉ một ngày xa nhau, mà bom đạn cách trở tưởng hàng tháng đi xa.

Suốt năm mươi ba ngày đêm "áp hàng" tận tay chiến sĩ, người Trường sạm quắt, toàn khuôn mặt anh chỉ thấy hàm răng hình như phát triển thêm ra. Nhưng anh không chịu thay, không một đêm nào chịu ngồi lại xe.

Mãi khi "chân hàng" cho mặt trận đã đầy, Bộ Tư lệnh quyết định tiểu đoàn rút về rừng cao su, anh mới chịu theo ra.

Sau năm ngày nghỉ để gặp Ngà, anh lên tìm chính uỷ. Nhận nhiệm vụ xong, anh hỏi lại:

- Củng cố xong, hướng hoạt động vẫn như cũ chứ thủ trưởng?

Chính uỷ chau mày:

- Thì ra từ nãy đến giờ anh chả nghe tôi nói câu nào.

Khuôn mặt Trường đỏ lên bẽn lẽn:

- Báo cáo, thật là tôi chưa để ý lắm. Tôi đang nghĩ...

- Gì thế?

- Đằng nào lát nữa tôi cũng phải hỏi thủ trưởng. Tôi xin lỗi đã không tập trung nghe...

- Thôi không sao, tôi nhắc lại: nhiệm vụ tháng tới anh cho tiểu đoàn nghỉ củng cố đơn vị và sửa chữa, thay xe, sau tiếp tục về hướng tây "thọc sâu".

- Còn mặt trận Quảng Trị?

- Bộ Tư lệnh chiến dịch sẽ đảm nhiệm. Ta chỉ đẩy hàng đến bắc bến Tiến.

- Nếu chúng tôi để thiếu đi một xê thì người và xe dồn cho ba xê vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ được. Khi nào có, các thủ trưởng bổ sung cho xê mới.

- Anh không thích nghỉ hả?

- Có. Nhưng tôi tính cứ chạy một mạch rồi xin thủ trưởng nghỉ một thể.

- Xem ra anh vẫn "ăn xổi ở thì" lắm. Phải chuẩn bị đánh lâu dài chứ. Anh định đánh hết mùa mưa này thì thôi à?

- Vâng! Cũng được thủ trưởng ạ.

- Phải được chứ không thể "cũng được!".

- Rõ ạ.


Anh cười. Cái cười hoàn toàn thoải mái. Kể từ ngày gặp lại ông, đây là lần đầu tiên hai người ngồi lâu và nói chuyện vui vẻ.

Tự nhiên anh tủm tỉm cười định nói câu gì, chính uỷ đã hỏi:

- Chúng tôi định bố trí cho chị Ngà đi học, anh thấy thế nào?

- Tôi cũng định xin ý kiến thủ trưởng. Hôm qua cô ấy hỏi, tôi còn "khất".

- Anh còn khó xử điều gì, nói xem.

- Tôi thấy các thủ trưởng rất quan tâm. Nhưng tôi sợ đang lúc ác liệt này cô ấy ra hậu phương, anh em người ta dị nghị.

Như chợt nghĩ ra điều gì, chính uỷ ngồi lặng đi. Người ông hơi ngả ra thành ghế, hai tay thả thõng hai bên. Một lúc sau ông mới nói nhưng nhìn ra phía khác:

- Anh nghĩ thế đúng đấy. Mấy hôm trước tôi hơi đơn giản chỉ nghĩ là cần có người đi học, ta chọn người đủ tiêu chuẩn đưa đi. Có thể có ý nghĩ cho rằng, anh làm cán bộ, lại quen tôi từ trước nên người yêu anh được chiếu cố. Có thể như thế.

Ông đứng dậy đi đi lại lại rồi khẳng định:

- Nhưng ta nghĩ như thế có khi lại coi thường quần chúng. Quần chúng minh bạch lắm. Cung một việc làm, cùng một hiện tượng họ có một cảm giác rất tinh tế để phân biệt. Chị ấy đi học, nếu anh đi hỏi ý kiến quần chúng tôi tin chắc chín mươi phần trăm nói là rất đúng, rất cần thiết.

- Ý các thủ trưởng định cho cô ấy đi ngành gì ạ.

- Chúng tôi đã bàn: Một là âm nhạc, hai là sư phạm, tuỳ cô ấy chọn.

- Sao các thủ trưởng không có ý định cho cô ấy đi giao thông.

- Lái xe bao giờ cũng nghĩ đến đường. Hay đấy.

Trường tán:

- Sau này xây dựng những đại lộ ở Trường Sơn nữa chứ thủ trưởng?

- Nếu anh còn yêu Trường Sơn như thế rất hoan nghênh. Sau này xây dựng những đại lộ, phố xá ở Trường Sơn, không cần âm nhạc và những trường học à?

Ông rút điếu thuốc gõ gõ xuống mặt bàn, ngẫm nghĩ đến khi xoè lửa châm thuốc, vừa nhả khói ông vừa nói, giọng nghiêm lại:

- Vừa rồi ta nói vẫn có vẻ đùa vui. Thực ra tôi chưa nghĩ sau này Trường Sơn phải có đại lộ, có phố xá. Trong thâm tâm tôi cử chị ấy đi học chỉ nghĩ sau này chị ấy biểu diễn hay dạy dỗ con cháu chúng ta, tôi tin lắm. Những người như thế mới biết thương người anh ạ. Tôi rất cảm động những ngày chị ấy dạy cháu Mơ học ở A7, trong một căn hầm chật ních bom đạn ấy chị vẫn dạy cháu Mơ học đều đặn. Vừa rồi về trường của Đoàn, thi vào lớp tám Mơ đỗ vào loại khá anh ạ. Không hiểu chị ấy đã biết tin chưa? Nếu chưa, anh nhớ thông báo hộ tôi. Tôi thèm có được những người con gái biết chiến đấu hi sinh, biết thương yêu như chị ấy. Có được những người nghệ sĩ, người thày dạy dỗ phục vụ con cháu chúng ta sau này hạnh phúc lắm anh ạ. Nhưng đấy là suy nghĩ của tôi, còn tuỳ ý anh chị bàn.

- Thủ trưởng ạ. Tôi định...

- Có phải ý định từ lúc đầu, anh chưa nói được không?

- Vâng ạ. Thủ trưởng biết rồi.

- Chưa. Chỉ biết anh định nói, tôi nói lấp đi.

- Chúng tôi định trong tháng đơn vị củng cố, chúng tôi... tổ chức.

- Ối giời, nhanh thế. Anh chị đã bàn rồi, cần gì phải hỏi ý kiến chúng tôi. Đùa thế cho vui. Bây giờ về, anh chị bàn cụ thể xem ngày giờ nào, nếu các tình huống, nhiệm vụ thay đổi sẽ ra sao. Nơi nào tổ chức an toàn, v.v... Bàn cụ thể ba bốn phương án rồi cho tôi biết. Anh cho biết càng sớm càng tốt anh ạ. Chúng tôi sẽ bàn với nhau và sẽ có ý kiến với hậu cần, với "hai họ". Hà hà, thế thôi, anh nhỉ. Có gì anh gọi điện cho tôi biết sớm kết quả anh chị bàn nhé. Thời chiến ta cứ phải tranh thủ làm đâu gọn đấy. Nhất trí với ý kiến của anh. Nào ta chia tay.


Каталог: UserFiles -> RadEditor
UserFiles -> PHƯƠng pháp viết nghiên cứu khoa họC Ứng dụng sư phạM
UserFiles -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFiles -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFiles -> BỘ XÂy dựNG
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFiles -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFiles -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
UserFiles -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
RadEditor -> BẢn thảO ĐẦu tiêN (để bổ sung/góp ý) thông tin đÓng góp về XÃ HỘi dân sự TẦm nhìn asean 2025

tải về 2.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương