22  leâ LÖÏu tieåu thuyeát  23



tải về 2.23 Mb.
trang16/22
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2016
Kích2.23 Mb.
#32030
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   22

2
Trường về đến phố huyện, rảo bước đi như chạy. Một bóng người mặc áo gụ đi khuất vào con đường bẻ ngoặt sau luỹ tre. Vẫn chiếc áo gụ và mái tóc chảy dài mềm nuột ấy ư? Anh xốc lại ba lô, bước dấn lên. Đến ngã tư, một đoàn xe bò chở bao bột mì dài dặc khiến người đi bộ né dạt vào hai bên, lại vướng chiếc ba lô con cóc phía sau, Trường bước chậm lại, đành để mất hút bóng người mình đang theo. Anh tự nhủ mình: Bình tĩnh. Nếu đúng, chỉ vài ba chục phút nữa sẽ gặp thôi mà. Đừng cuống, mất bình tĩnh người xung quanh người ta biết. Rồi đột ngột, cái bóng áo gụ ấy lại thấp thoáng bên hàng phi lao ngang đầu gối lối vào sân vận động trường cấp ba. Có lẽ nào Lý lại đi học sư phạm và được về ngay trường huyện! Anh quyết định phải vào trường trước khi về nhà. Từ đấy cái dáng thon thả, cao, mái tóc chảy dài nuồn nuột cứ thấp thoáng, thấp thoáng trước mặt anh. Ngày ấy anh đã từng nghịch rắc hàng nắm quả ké đầy gai vào đuôi tóc. Khi đi những quả ké theo tóc đập phật phờ vào gót chân. Trường vẫn đi cạnh giả vờ không để ý gì. Lý đứng sững, hơi nghiêng đầu xoè bàn tay mềm mượt vuốt nhẹ, chét lấy cổ tóc nơi gáy, tay kia quơ rộng, nâng cả cái suốt tóc về trước ngực. Ngạc nhiên nhìn những quả ké kết lại thành bối ở đuôi tóc, đôi mắt như sắp khóc, cô nhìn anh, cái nhìn khiến Trường phải thốt lên: "Anh xin em" rồi quay sang gỡ nhẹ nhàng những quả ké ra khỏi đám tóc rối rắm. Thấy anh có vẻ cuống, cô để yên bàn tay nâng đuôi tóc cho anh gỡ, hai mắt chớp chớp còn cái miệng tròn xoe thì cười thích thú: "Nào, ai bảo nghịch, gỡ mãi không ra, khổ chưa?". "Anh cứ thích đứng gỡ ké thế này mãi!". - "Chả biết ngượng lại còn. Quỷ sứ nó nghịch còn kém anh! Lần sau còn thế, em sang mách bác đấy!".

Ôi chao, mới nghĩ đến thế khắp người anh đã như khát, cháy nôn nao. Hai chân ríu lại, rồi nó như muốn rời ra, anh muốn bỏ quách nó lại để bay cho nhanh, bay ngay vào những khu nhà tranh dài như quán chợ đắp đất ngang ô chấn song cửa sổ. Chẳng biết có phải là Lý không? Nếu đúng, cô ấy vào dãy nhà nào? Từ nãy anh vẫn đứng ngoài hàng cây điền thanh viền quanh sân vận động. Những thầy, cô giáo và học trò nghỉ mười phút chạy toé ra sân cỏ. Anh giả vờ đang mải đứng ngắm những chiếc bia sau đợt bắn dựa ở đầu nhà huyện đội phía bên kia một ao nhỏ. Đợi tiếng trống vào lớp, anh mới hỏi tốp nữ sinh đến sớm làm trực nhật để học buổi tiếp theo. Các cô bé đã bắt đầu học cách làm người lớn rụt rè hỏi lại:

- Xin lỗi chú, có phải chú là chú Trường không ạ? - Rồi các cô nhìn anh từ đầu tới chân. Trường không lấy làm ngạc nhiên. Bọn trẻ mới lớn biết mình, mình chỉ quen bố mẹ nó, là chuyện thường chứ. Anh hỏi lại:

- Sao các em biết chú?

Các cô bé bẽn lẽn, khuôn mặt đỏ bừng rồi đứng ngây ra. Các em không thể nói được. "Chú ơi! Chúng em không trả lời câu hỏi của chú được đâu. Vì sao ư? Giời ơi, chú còn sống đấy ư? Suốt từ năm chúng em học lớp tám đến giờ, có ví dụ nào về An-pha, về sin, cos... về góc, độ mà cô Lý lại không nói về các chú bộ đội ở chiến trường. Vì thế chúng em biết hết mọi chuyện về chú. Chú còn sống thật ư?" Dường như chưa thể tin hẳn, một em hỏi lại:

- Chú có quen ai ở phố huyện này không ạ?

- Chú là người phố này mà. Các em hay chữa xe đạp hiệu anh thọt ở ngã ba không? Anh họ chú đấy. Chú là con bà cụ Thảo mà. Các em sợ chú là gián điệp à?

- Không đâu ạ. Chúng em đã biết chú từ mấy năm nay rồi.

- Ai nói.

- Cô giáo chúng em.

- Trường này có cô giáo Lý không?

- Chính cô kể về chú đấy ạ.

- Các em là học sinh cô Lý à? Chà, may quá. Chú hỏi nhé.

Các cô bé nhìn nhau. Một cô nhanh nhảu cắt ngang sự mừng rỡ đến quấn quýt của Trường:

- Chúng em xin phép chú phải vào văn phòng gặp thày chủ nhiệm.

Các em chỉ gian nhà cô Lý ở và hướng đi vào nơi ấy rồi vội vàng chạy đi như đã quá giờ thầy hẹn.

Trường phải đứng một lúc để trống ngực dịu lại. Hết chiều dọc sân vận động, anh vòng qua dãy ao, đến gian cuối cùng dãy nhà ngang thứ hai. Có chừng ấy đường đất khoảng chưa đầy ba trăm mét anh cảm thấy nó khó đi và lâu hơn hàng cây số đường rừng. Nhưng anh phải bình tĩnh, thật bình tĩnh, có thể hơi "lạnh" đi một chút cũng được. Ừ, phải thế, phải nên thế.

Cái bóng áo gụ ấy là Lý. Về đến nhà, hai bầu sữa đã căng, cô vội vàng bế lấy Trường Minh trong tay đứa em gái. Lấy tay day day và vắt cho những tia sữa chua bắn vọt ra, cô đánh thức bé dậy. Cái miệng bé xíu của nó lầu bầu, hớp hớp vào không khí, nó chưa kịp oà khóc, cô đã ấn bầu vú vào miệng, những tia sữa chảy vội vã giàn trắng hai khoé môi, làm bé ho sặc sụa. Cái miệng tí xíu của bé rời khỏi bầu vú, hớp hớp, không tìn thấy, bé choài thưỡn người hờn giận. Lý lấy khăn mùi xoa nhỏ vừa chấm chấm vào khoé miệng và nước mắt cho bé, vừa nựng: "Thôi, thôi mẹ xin, mẹ xin cậu Trường của mẹ. Ơi! Chao ơi, cậu Trường nóng tính quá. Mẹ xin, mẹ xin cậu Trường bướng bỉnh. Đây đây, mẹ đền, mẹ đền cậu Trường!". Bé ngoạm lấy bầu vú chồm chộp như lợn con sục mõm trong chậu cám. Chỉ chộp choạp dăm miếng, hai mắt cậu đã dim díp như hai cánh cửa tí tẹo khép hờ và cái miệng ngậm hờ hững, hai cánh mũi phập phồng tiếng thở nhè nhẹ.

Trường bước vào cửa, giật bắn người khựng lại, chết lặng một chân ở bậc thềm. Lý chưa hề để ý đến anh, anh từ từ, từ từ đi giật lùi. Từng bàn chân nặng nề nhấc lên. Từng bàn chân nặng nề đặt xuống, từ từ im lặng. Đến khi chiếc xoong quấy bột phía sau ba lô con cóc va cộp vào thân cây phi lao, anh mới hơi ngửa người như gá chiếc ba lô vào cây để thở. Chân tay tê cứng. Chạy đi ư? Chưa đủ bình tĩnh. Bước vào nhà ư? Chưa đủ sự dũng cảm. Anh đành đứng chết lặng ở gốc cây.

Lý vẫn ngoảnh vào, người hơi cúi. Cái suối tóc theo đà người hơi vồng lên vẫn dài quá đầu gối. Cô đặt con vào chiếc võng nhỏ màu "bộ đội" mắc ngang chiếc giường một hình thước thợ với chiếc giường đôi. Đứa bé khóc thét, cô lại bế con lên nựng: "Thôi thôi, mẹ đây, mẹ đây". Chị dâng con lên, ép làn môi mình vào cái trán vuông, hơi dô của con. Con nín, cô lại rung rung hai cánh tay, hạ lẹ làng xuống lừa nó ngủ ở võng.

Cái nhìn phía gốc cây xuyên chéo qua cửa sổ như xói vào gáy, cô giật mình quay lại, bắt gặp hai tia sáng từ gốc cây ấy. Đứa trẻ bị động mạnh, nó khóc thét trong lòng võng. Tiếng nó như lặng, tím dần đi. Trường thấy Lý ngồi xuống đất gục đầu vào thành giường, anh vội vàng khoác nguyên chiếc ba lô chạy vào bế đứa trẻ ở ngực và một tay lay gọi Lý. Mồ hôi cô toá ra, mặt tái nhợt và hai hàm răng cắn chặt. Anh hoảng hốt gọi sang gian bên cạnh.

Các thầy cô giáo từ trên lớp chạy về cấp cứu cho Lý và nhanh chóng đưa cô đi bệnh viện ở cuối phố huyện.

Trường đứng lại giữa phòng như một kẻ đã gây ra tội lỗi.

Đưa Lý đi rồi, những người còn lại xúm quanh hỏi han bằng những lời dịu nhẹ cảm thông, những cái nhìn, những cử chỉ giản dị mà sâu sắc để xoa dịu nỗi đột ngột tê lạnh trong anh. Nhưng Trường vẫn nói là anh hoàn toàn tỉnh táo. Dù thế, nhìn nét mặt tái xám của anh, người ta vừa sợ anh bị choáng váng, vừa lo một cơn sốt rét sắp sửa ập đến.

Người khoác ba lô, người cầm mũ, người đi hai bên dìu anh về nhà. Trường yêu cầu trao tất cả mọi thứ cho anh và anh xin phép chia tay mọi người trở về một mình. Nhìn những bước đi dứt khoát, nhanh bao nhiêu, mọi người càng bùi ngùi đứng lặng bấy nhiêu.

Đến buổi chiều thì anh lên cơn sốt thực sự. Cơn sốt 40 độ mà hiếm có ở vùng đồng bằng này.

Mẹ và chị gái. Họ hàng và người cùng hợp tác. Chính quyền địa phương và một bác sĩ bệnh viện huyện nhốn nháo, lo âu, có người đến để chữa chạy, có người hỏi thăm, có người đến cốt để nhìn mặt anh Trường xem thế nào, làm cách gì lại sống trở về được đây, có người đến chờ xem anh ấy tỉnh chưa để hỏi xem con hoặc cháu, anh hoặc chồng, người yêu ở sư đoàn Quảng Trị, ở Công Tum, ở B2, ở những hòm thư dài dặc, xem anh ấy có biết, có gặp được không?

Nườm nượp kẻ ra, người vào, vẻ mặt ai cũng nghiêm trang, tất bật. Lúc đầu người ta nhìn nhau im lặng hoặc những cái nhìn ấy như một lời than: "Nguy quá, không khéo... phát điên mất!". Sau rồi người ta thì thào ở đầu nhà, ở gốc cây đu đủ, ngoài vườn chuối.

Nhưng chỉ sau nửa giờ Trường tỉnh dậy, anh tung chăn, lau mồ hôi, vừa ra khỏi buồng vừa nói:

- Ở trong kia sốt thế này là cơm bữa. Ấy cứ thành cơn là khoẻ ngay. Mời các bác, các đồng chí vào xơi nước, hút thuốc.

Thế là mọi nỗi lo âu nhẹ bẫng đi. Nhìn vẻ tươi vui, nhanh nhẹn của anh mọi người bắt đầu tíu tít hàng trăm câu hỏi, hàng trăm nỗi khao khát muốn biết, muốn nghe đều bật ra một lúc.

Khi mà Trường đang háo hức kể chuyện và trả lời những câu hỏi liên miên ở trong nhà ở thì ngoài đường nổ ra những cuộc cãi nhau của những người đã ở trong nhà ra hoặc chưa kịp vào.

- Nhất định cái Lý nó về với anh Trường, người ta hứa hẹn với nhau từ bé. Biết thế nên, anh giáo chồng nó trốn đi rồi.

- Việc gì phải trốn tránh. Lấy nhau đăng ký hẳn hoi.

- Đăng ký thế cũng là có tội. Cứ là ra toà.

- Bà cho ra toà à?

- Tôi cho ra toà cũng được. Người ta là bộ đội đi bảo vệ dân, bảo vệ nước, ở nhà anh phải bảo vệ đường hạnh phúc cho người ta.

- Nhưng đằng này mới chỉ hứa hẹn.

- Hứa hẹn mà anh làm thế cũng là tội.

- Chẳng có tội gì sất.

- Bà còn bênh kẻ đi tranh vợ, cướp chồng à?

- Này, đừng có ăn nói "cá mè một lứa" mà không ra gì.

- Tôi sợ kẻ buôn đầu chợ, lậu thuế cuối chợ chắc?

- À à, nhà bà định vu cáo phải không? Tôi hỏi. Tôi hỏi mà không giả nhời được là con này không để yên.

- Tôi thách bà làm gì tôi nào!

Khi hai người sắp sửa xô xát, một người thứ ba can ngăn nhẹ nhàng, mà có tình, có lý:

- Tôi hỏi các bà định ăn cuộc, ăn giải gì chỗ này mà sinh chuyện không đâu. Chị Lý cũng không sao. Anh giáo chồng chị ấy cũng chẳng tội tình gì.Quyền lấy ai là của người phụ nữ. Bây giờ chị ấy còn thấy yêu ai, chị ấy về với người ấy. Tội là tội ở cái anh chàng thọt chữa xe đạp ngã ba kia. Đích thị là anh tuyên truyền cho địch rồi còn gì nữa. Cán bộ người ta nói rồi. Dứt khoát không nghe, tuyên truyền xuyên tạc nhảm nhí. Tôi là tôi cứ trị anh chàng thọt để làm gương.

- Thế có chết không, đi nghe bậy, nghe bạ làm chia đôi, rẽ lứa của người ta.

- Cũng là tại cái thằng Mỹ nó tàn ác gây ra cái tang tóc cho dân mình.

Khốn nỗi, khi mọi người tranh cãi nhau và lên án nặng nề bao nhiêu thì hoặc là con, hoặc cháu anh chàng thọt đều nói lại rõ rành cho anh ta bấy nhiêu. Suốt cả ngày hôm sau anh ta đi thượt thẽo ngược xuôi nghe ngóng tội tình mình và bệnh trạng, tâm tư của chú Trường hiện này ra sao? Dù anh đã bắt vợ và các con phải mang đường, mang cam, mang chuối đến chăm sóc chú ấy và mỗi lần vợ anh trở về đều cười nói hớn hở là chú ấy rất vui vẻ, không để ý gì đến "chuyện kia" nhưng anh vẫn chưa thể yên lòng, chưa thể tin rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra.

Điều lo sợ ấy đã xảy ra thực sự rồi ư? Tiếng gõ cửa phía ngoài dồn dập và tiếng gọi của Trường. Chú ấy vẫn chưa nguôi được ư? Chú ấy vẫn "thẳng tay" như người ta đồn đại ư? Chuyện gì sẽ xảy ra bây giờ?

3
Trường bảo mẹ, chị gái và các cháu thay nhau chăm sóc Lý ở bệnh viện. Còn anh suốt ngày đêm đi thăm hỏi, chuyện trò với bà con, với bạn bè nên chưa thể đến thăm Lý được.

Chiếc ba lô từ hôm anh về đến hôm đi chưa hề cởi ra và không ai thể biết trong đó có những thứ gì.

Để xảy ra nỗi hoảng sợ cho vợ chồng anh thọt và nỗi lo âu của mẹ Thảo đã truyền đến cho vợ chồng anh cảm giác về một điều gì đó sẽ chẳng lành.

Đấy là mỗi lần có bạn bè, bà con đến thăm hỏi, bao giờ bà cũng chỉ thấy nói cười nó ầm ầm như chợ. Nhưng đêm đến, từ hôm về đến nay chưa hôm nào nó ngủ. Của đáng tội, có hai lần nó chợp mắt bằng thời giờ nấu chín ca gạo thì lại kêu ú ớ như bóng đè. Bà chạy vào buồng, thấy con nằm im, bà nắn nắn hai cánh tay gọi: "Trường ơi, con ơi!". Mãi nó mới thưa được, rồi thế là lại thức. Chỉ có hai đêm nó ngủ được như thế còn đêm nào cũng trăn trở mệt nhọc.

Đêm nào bà cũng lắng nghe từ khi nó đặt mình cho đến sáng ngày. Nó sợ bà buồn nên nằm im, chỉ chốc chốc nó lại trút ra từ từ một hơi thở dài. Cái hơi thở ấy nếu không phải là bà thì khó ai nghe được. Bà nằm nghiêng suốt cả đêm để tai áp xuống giường. Mỗi hơi thở dài của nó ở trong buồng thì ở ngoài nhà, bà lại thót bụng như nuốt lấy cái hơi thở ấy vào trong bụng mình. Nước mắt mẹ lại ứa ra chảy ròng xuống mặt, sặc đầy sống mũi. Mẹ chỉ lật vạt áo lên chấm chứ không dám sịt mũi. Những lúc như thế, mẹ chỉ muốn chạy vào quỳ xuống bên cạnh nó mà kêu: "Con ơi, chỉ tại mẹ, tại mẹ làm con dang dở. Đừng tủi hận, đừng trách móc nó. Nó thuỷ chung, trước sau như một. Nhưng tại mẹ, mẹ sợ... Con ơi thôi ngủ đi. Con không ăn, không ngủ mẹ sống làm gì nữa con". Mẹ vẫn chỉ nằm yên lặng. Mẹ vẫn yên lặng để nó biết là mẹ đã ngủ được. Lặng, lặng, nó ngủ được rồi. Mẹ đang sẽ sàng ngồi dậy để áp tai vào cửa nghe hơi thở của con thì Trường lại ú ớ mê. Mẹ vội vàng vặn to ngọn đèn chạy vào. Lần này Trường tỉnh ngay:

- Mẹ ơi, mẹ có ngủ được không?

- Được, mẹ ngủ được.

- Mẹ ngồi xuống đây với con một tý.

Mẹ vén màn ngồi nghiêng xuống thành giường. Quầng sáng đỏ đọc của ngọn đèn con hắt chéo lên nửa khuôn mặt mẹ. Trường nằm nghiêng lặng lẽ nhìn mẹ. Chao ơi lớp da mặt mẹ như đã bị vò nhàu, chỉ thấy những nếp nhăn, nếp gấp. Mẹ già đi nhiều quá! Có phải vì thương nhớ con, vì lo cho con mẹ đã già nhanh chóng thế không? Bao nhiêu nước mắt mẹ đã rơi xuống vì cái tin con chết và chuẩn bị cho Lý đi lấy chồng. Mẹ đã héo hon vì mất con, mất cả Lý. Đến bây giờ con về đây rồi. Mẹ ơi, mẹ vui lên, con về với mẹ đây rồi mà.

Trường cứ nhìn mẹ như thế. Đến quá nửa đêm tự nhiên anh vụt dậy. Như chợt nhớ ra điều gì, anh mặc quần áo:

- Con không ngủ được, đi đằng này một tý mẹ ạ.

- Đi đâu, đêm hôm thế này. Đừng con ạ!

- Không, con có việc cần làm. Mẹ đừng gàn con nữa. - Tự nhiên anh thấy buồn. Mẹ đành không nói gì thêm. Nhưng đêm hôm khuya khoắt thế này đi đâu? Có phải nỗi buồn tủi của con từ hôm về đến nay con giấu mẹ bây giờ con không thể chịu đựng nổi, con ra đi ư? Đi đâu bây giờ. Hay con nghĩ liều thân? Nói đổ xuống sông, xuống ao có thế nào thì mẹ sống làm gì nữa. Con ơi, tội ở mẹ cả. Con để mẹ chết đi rồi hẵng làm thế, không khổ thân mẹ lắm con ơi! Nước mắt mẹ oà toá ra chạy vòng vèo theo các nếp gấp trên mặt nhưng tay mẹ cầm ngọn đèn khuất đi Trường không thể nhìn thấy.

Không thể nào nén lặng được nữa, Trường ra đến sân, mẹ níu lấy tay anh:

- Mẹ lạy con, con ơi, đừng đi. Đêm hôm thế này.

Trường không hiểu sao những suy nghĩ của mẹ đầy dần lên hàng chục ngày nay. Cũng không thể nào nói với mẹ công việc anh đã nghĩ nung nấu suốt những đêm vừa qua:

- Con có tí việc phải đi. Dứt khoát con phải đi. Mẹ vào ngủ, thôi đừng cản con nữa.

Vốn biết tính nó là thế. Nghe giọng nói rứt mực của nó bà đành đứng lại giữa sân.

Đợi Trường đi khỏi, mẹ tất tưởi chạy sang nhà cụ Từ rồi nhà cô Tiến. Nhà ai, mẹ cũng hốt hoảng gọi, hốt hoảng thì thào, hốt hoảng kéo người ấy đi theo. Sự hốt hoảng của mẹ, truyền đến mọi người. Ai cũng lo âu, buồn phiền và cuống quýt. Cái không khí lo sợ được nhanh chóng tạo nên và nó lại nhanh chóng đè nặng trên người mẹ. Trời ơi, sao lại đến nỗi này. Các bà, các anh ơi, nhanh chân lên hộ tôi, hộ tôi nhanh lên các bà ơi!

Lúc này ở ngã ba phố huyện, trước cửa nhà anh thọt chữa xe đạp, Trường đứng ngoài đập cửa và gọi.

Ngay từ tiếng gọi cửa đầu tiên, người chồng đã giật bắn, bấm vào lưng vợ. Chị vợ ra hiệu nằm im lắng nghe. Tiếng gọi ngoài cửa mỗi lúc một to hơn. Đúng rồi, ban ngày nó vẫn cười nói, đêm đến mới vật vã như người đau nhọt. Đêm nào bà Thảo cũng thức "canh" sợ nhỡ ra nó làm sao.

Vẫn tiếng gọi gấp gáp. Chị vợ đẩy chồng xuống gầm giường theo hào giao thông ra phía ngoài. Chị hỏi ra bằng thứ giọng ngái ngủ mới sực tỉnh:

- Ai gọi gì đấy? Nhà cháu không làm đêm đâu, bác chờ đến sáng.

- Chị cả ơi, em đây. Trường đây, chị mở cửa cho em có tí việc.

- Ai như chú Trường hả?

Chị ta thả chân xuống, hai bàn chân cứ lạng đi, quơ mãi mới tìm được guốc; nhưng phải một lúc mới nghe tiếng bước chân lẹp kẹp và giọng đon đả:

- Có việc gì cần thế em?

- Em mượn anh chị chiếc xe đạp đi có chút việc.

- Xe thì có đấy em ạ. Nhưng đợi sáng ra đi đâu hãy đi, em cứ lấy mà đi, khi nào lên đường đưa lại anh chị cũng được.

Quầng ánh sáng đã loang khắp nhà, chị ta yên tâm hơn.

- Em cần đi bây giờ khỏi lỡ việc.

Chị ta dắt xe ra, mở cửa chỉ vừa đủ cho chị và chiếc xe. Khi Trường nhận lấy xe, cám ơn, chị mới hoàn toàn yên dạ:

- Hay chú vào nhà chị pha nước uống đã.

- Thôi để lúc về. Em đi chị nhé.

Chị ta nhìn hút mãi hướng Trường rồi quay vào ra lệnh cho anh chồng mới từ vườn chui vào phải lấy xe theo: "Phải theo xem, nhỡ ra làm sao, mình cũng không thể thoát tội được".

Lần sau chị quay vào vặn nhỏ ngọn đèn đi ngủ, lại tiếng gọi của bà Thảo và hàng chục người khác. Trước sự cuống cuồng của bao người, chị thản nhiên như mọi chuyện đều biết cả rồi. Không đợi ai phải hỏi, chị vặn to ngọn đèn vừa đi ra vừa nói:

- Chú ấy mượn xe đi hướng lên An Chung. Con đã bảo nhà con phải theo sau rồi, bà với các bác vào trong này uống nước, chả có chuyện gì mà lo.

Mặc, mẹ Thảo vẫn hai tay lẩy bẩy đùn mọi người chạy theo. Nhưng mấy ông già bàn nhau rằng qua An Chung đường rẽ năm, rẽ bảy biết đường nào mà lần. Rằng nó có thể hẹn hò ai, sắp đến ngày lên đường phải gặp. Rằng người ta đã ở nơi bom đạn kề với thằng Mỹ hàng chục năm không dễ gì liều lĩnh chết trước chuyện vớ vẩn. Rằng anh ấy rất vững, không ai hề thấy có dấu hiệu gì, bà Thảo cứ hoảng lên nghĩ thế thôi. Rằng là vân vân.

Dù thế, trước sự than thở mếu máo của mẹ thảo hai người trẻ nhất vẫn phải lấy xe đạp cả thọt đạp theo.

Qua An Chung, đến ngã năm "cây đa ba rễ" cả hai người cùng đi theo một hướng ngược lại với đường Trường đã đi.

Chỉ có cả thọt đi đúng và giữ được cự ly vừa đủ nghe được tiếng xọc xạch của xe đạp. Cứ theo, theo mãi, đến lúc trời sáng bạch nhật, anh ta phải chậm lùi lại dần.

Cả thọt nhìn đồng hồ. Lúc ấy là tám giờ sáng, Trường dừng lại rồi rẽ vào một làng đầy chuối tiêu và hỏi thăm một người đàn bà. Cả thọt nép vào sau bụi tre chờ. Khi Trường đi rồi anh ta đón người đàn bà hỏi xem Trường đã nói gì. Người ấy nhìn từ đầu đến bàn chân teo lại của cả thọt rồi mới trả lời:

- Anh ấy hỏi vào nhà chú giáo con bà trẻ lấy vợ dưới Bài.

Thế là nguy rồi. Có chuyện thật rồi. Anh ta quay ngoắt lại cắm đầu đạp, chỉ trong vòng tiếng rưỡi anậit đã đạp trở lại đoạn đường hai mươi lăm kilômét. Ngay lúc ấy phố huyện đã truyền đi khắp nơi: Từ trường cấp ba đến bệnh viện, từ vợ chồng anh lò rèn đến nhà chị chụp ảnh, từ ông Đồng Thanh bốc thuốc bắc đến bà Đệ mù giữ chùa. Cái tin lúc đầu chân thực và đơn giản là Trường đến gặp chồng Lý. Nhưng một giờ sau nó đã thành một vụ án có nguy cơ xảy ra giữa Trường và thày giáo chồng Lý. Hiện giờ thì Trường đã xông vào nhà và bắt quả tang, quát anh ta ngồi im không được nhúc nhích. Người chồng của Lý đạp cửa sau chạy ra nhưng không kịp. Trường khoá trái cửa buồng lại. Hai người lục đục trong nhà, không ai được vào và...

*

* *


Chồng Lý là một thanh niên đẹp trai, cao và gầy, hai mắt to, có quầng thâm. Với nước da trắng và cử chỉ rụt rè, từ tốn, anh chỉ kém Trường có bốn tuổi nhưng trông như hai người thuộc hai giai đoạn khác nhau.

Từ hôm Trường trở về và Lý ngất đến nay, anh xin phép hội đồng nhà trường về nghỉ ở nhà. Hành động đó giống như một kẻ chạy trốn. Đành vậy. Thương vợ, nhớ con không thể nào ăn trọn bữa cơm, ngủ trọn một giấc. Cũng đành vậy. Những ngày này không thể cùng một lúc có mặt hai người đàn ông bên cạnh Lý. Nghĩ kỹ rồi. Dù sao anh ấy cũng là một chiến sĩ, một con người đang dám hi sinh tất cả. "Giả sử anh ấy may mắn sống lại...". Anh đã nói với Lý những lời đó khi cô kể lại những kỉ niệm rất thiêng liêng, rất kính trọng và yêu cầu anh phải chấp nhận cái tình cảm đó. Anh không phải sợ hãi, bỏ chạy như người ta đồn đại. Lương tâm anh không cho phép mình làm điều gì trái với những lời mình đã nói ra, đã thành thật hứa hẹn. Lý không còn là của anh nữa ư? Một nhát dao đột ngột chém vào hạnh phúc của anh. Trong cơn bàng hoàng, đau lặng, anh vẫn còn đủ tỉnh táo quyết định phải xa rời, phải nín lặng để đừng thêm một nhát dao chém vào vết thương vừa lên sẹo của Lý.

Những ngày qua anh nằm đọc sách suốt ngày, suốt đêm. Nhưng hầu như anh chưa đọc được chữ nào. Cầm quyển sách trên tay vẫn chỉ thấy khuôn mặt xám nhợt của Lý. Anh nhắm nghiền mắt lại. Quyển sách rơi xuống bàn. Lúc sau anh giật mình cầm sách lên. Những dòng chữ vẫn nhoè nhoẹt, tiếng ù ù dội lên trong tai.

Đã nghĩ rồi. Nghĩ đến mọi sự sẽ xảy ra rồi đấy. Đã nén lại để không ai biết những gì đang vò xé lòng mình rồi. Sự xuất hiện đột ngột của Trường vẫn làm anh cuống nếu không muốn thú nhận là hoảng hốt. Bề ngoài anh giữ được vẻ im lặng khó hiểu. Trong người anh lại đang run. Không hiểu sự đường đột này sẽ dẫn đến đâu, cái gì sẽ xảy ra? Anh lấy hai tay bê chén nước mời Trường và lướt qua khuôn mặt, thăm dò cử chỉ của Trường. Một khuôn mặt sạm đen, hai gò má nhô xương nhưng vẫn hiện lên vẻ đầy đặn, rất thật, khiến anh không dám có ý nghĩ xấu về anh ta. Trường uống hết chén nước bắt ngay vào chuyện, không hề "rào rỡ":

- Tôi lên đây tìm ông xuống trông nom cô ấy. Không hiểu ông nghĩ thế nào, vợ ốm, con nhỏ lại bỏ đi một nơi.

Cách xưng hô ấy, cách nói năng có phần bực dọc ấy mới thân tình làm sao. Anh chưa dám tin. Anh hơi cười:

- Vâng, chả mấy ngày nay trên nhà có việc bận quá, gia đình nhắn về.

- Ông nói không thành thật rồi. Cứ nói thẳng ra là ông ngại chuyện giữa tôi và ông. Nhưng tôi sẽ không giải quyết như các phương án của ông đã nghĩ đâu. Ông thừa hiểu nếu có một phút ở bên Lý mà phải thêm một năm sốt rét và đội bom đạn, tôi sẵn sàng làm đấy. Nhưng từ hôm về đến nay không một lần đến thăm Lý và hôm nay lên đây tìm ông, tôi đã đau nhói đến tận xương. Nhưng phải thế thôi, không có cách nào khác được đâu. Xuống mà chăm nom cô ấy và cháu đi.

Bao nhiêu sự chuẩn bị sẽ phải đối phó, lúc này như hẫng đi. Anh vội vàng đi lấy thuốc lá mời Trường. Vẫn có một cái gì đấy chưa dám tin, nó còn chơi vơi ở quanh mình. Anh rụt rè chìa bao thuốc. Trường rút điếu thuốc:

- Chiều nay ông xuống ngay đi.

- Dạ... Tôi thu xếp công việc rồi xuống anh ạ.

- Vợ con bỏ đấy, ông có gì đâu mà phải thu xếp.

- Dạ... Cũng có một số thứ cần thiết.

- Hình như ông còn ngại tôi phải không?

- Không hẳn là thế. Tôi định sẽ báo cáo với anh việc này tỉ mỉ...

- Mọi việc đã như vậy rồi, có gì phải tỉ mỉ nữa. Có thể ông chưa tin những lời tôi nói đâu. Hôm nay tôi lên đây ông cũng thấy khó hiểu phải không?

- Không phải thế, anh ạ.

- Không, tôi biết.

Cả hai người cùng im lặng. Người thày giáo lắng nghe sự xáo động trong lòng mình và cố ghìm nén nó lại.

Trường hút hai hơi thuốc liền, ngửa mặt nhìn ra ngoài nhả khói chậm chạp. Vứt nửa điếu thuốc còn lại ra cửa, anh vẫn nói chậm chạp và không nhìn người nghe:

- Ừ, có thể ông vẫn chưa hoàn toàn tin ở tôi. Cái đó tuỳ ông. Nhưng nghĩ cho cùng thì anh chiến sĩ cách mạng nào đi đánh giặc chả vì hạnh phúc của người khác. Bây giờ đã như thế rồi lẽ nào tôi lại bù đắp sự hi sinh mất mát của mình bằng cách xé đôi hạnh phúc của ông đi. Một người lính đi đánh Mỹ mười năm gian nan để lúc này trở về làm một việc mà bất cứ kẻ tầm thường nào cũng có thể làm như thế sao?...

Nói xong anh vẫn nhìn ra phía cửa. Còn người thày giáo thì nhìn anh trân trân, hai giọt nước mắt lặng lẽ lăn xuống. Anh định nói câu gì đó nhưng vẫn đứng lặng nhìn Trường. Đó là buổi sáng cuối cùng Trường ở hậu phương.


Ch­¬ng XIV
1
Thư, quà của gia đình và Công gửi Ngà, Trường nhờ Thú đưa về đội điều trị cho cô. Mười ngày sau anh được lệnh chuyển vào phía trong, tận đầu mút của tuyến phía tây Trường Sơn. Tiện đường, anh ghé lại chia tay Ngà.

Căn nhà thùng ấy lợp mái và thưng xung quanh toàn bằng giấy dầu. Để lẩn trốn cái mùi chua ẩm và tiếng gõ lóc bóc đều đặn của những hạt mưa, sau những lần ăn và tiêm thuốc, khám bệnh, nếu không có sách đọc, cô thường trùm chăn nằm hàng buổi.

Thế là Ngà đã ở đội điều trị này gần ba tháng rồi. Đã bao nhiêu lần thay đổi chỗ ở, bao nhiêu lần cấp cứu, hết chấn động thần kinh, lại sốt rét, sốt ác tính lại chuyển sang sốt cách nhật. Sốt huỷ hoại hàng triệu hồng cầu, sốt rụng hết quá nửa tóc. Bấy nhiêu ngày xa đơn vị chỉ biết tin tức qua những người đến thăm và thỉnh thoảng Thú mang rau cho. Một tuần trước, cậu ấy mang thư và quà đến làm ruột gan Ngà cồn lên như khát nước sau cơn sốt. Muốn hỏi, muốn biết bao nhiêu chuyện. Cậu ấy càu nhàu: "Còn bụng dạ đâu tôi hỏi tình hình Hà Nội!". Độ này đã xưng "tôi" được rồi. Nhưng vẫn chưa thể là người lớn. Mỗi khi có chuyện gì của bạn bè, mặt mũi lại trịnh trọng nghiêm túc và trông lại đần ra. Cái tuổi hai mươi của cậu ấy càng làm ra trịnh trọng càng buồn cười. Cũng như những lần trước, lúc đầu nhìn vẻ mặt "quá đáng" ấy, Ngà cười thầm. Nhưng càng nghe chuyện cậu ta, Ngà càng cảm thấy mình đã lây nỗi buồn mất rồi. Nghe chuyện Thú kể, lại nghĩ đến lá thư của mẹ, của Công, chị hơi rùng mình chua chát. Chị giục Thú: "Thôi Thú về đi. Mình lại lên cơn sốt mất rồi!". Chị trùm kín chăn, chiều đó bỏ cơm.

Rồi mấy ngày sau đó câu chuyện cứ lẩn quẩn, làm cho Ngà thấy nặng nề, chân tay bải hoải. Anh ấy thật là tốt. Ngà nhớ mãi buổi sáng gặp nhau ở đường tránh của "cua bánh rán". Con người thông minh, bướng bỉnh, lại cười rụt rè và hai con mắt nhìn xuống khi Ngà nhận xét và anh tự thú nhận sự đuối lý trong những câu chuyện tranh cãi bâng quơ. Những lúc ấy Ngà mẩm bụng cười thầm. Anh chàng đại đội trưởng có tiếng là bướng và liều nhất binh trạm vẫn thấy ngờ nghệch, dại dột trông đến ngây thơ trước mặt đứa con gái kém mình dăm bảy tuổi. Ờ, nếu mình là chiến sĩ của anh ta xem! Chắc cũng chả đến nỗi nào đâu. Chà, anh xử sự chuyện ở nhà như thế, bình tĩnh thật. Tự nhiên Ngà thấy thương mẹ anh, thương chị Lý và cháu bé. Những ý nghĩ chạy quanh câu chuyện này, suy cho cùng chả có liên quan gì, sao Ngà không thể xua đuổi đi được. Ngay cả khi đang sốt rét, hai hàm răng đánh lập cập vẫn lởn vởn trước mặt câu chuyện của anh. Lạ thật, chuyện người khác mình lại lo, còn chuyện Công sắp sửa vào thăm và những lời lẽ an ủi, mong cầu của mẹ về chuyện mình, lại thấy như xa lạ đâu đâu. Ngay lúc này, Ngà đang chìm đắm trong cơn sốt nóng và những nỗi "buồn hộ" ấy, bỗng người chị bừng tỉnh. Anh đến đấy ư? Có lần Ngà đã phì cười nghe anh nói: "Tiếng tôi thế, nhiều người vẫn khen là ấm và vang đấy. Có phải những âm thanh trầm bao giờ cũng sâu phải không chị Ngà?". Đúng cái giọng nói ồm ồm "ấm và vang" ấy rồi. Tiếng nói đang cất lên hỏi thăm "lán đồng chí Ngà công binh". Sợ nhầm, Ngà lắng nghe. Đúng rồi, anh đang chào mấy cô nuôi quân ở dưới suối. Ngà vội vàng tung mảnh dù đắp, ngồi dậy, cuống cuồng vơ tất mọi thứ ở đầu giường, cuối giường và trên vách nhét vào cái "hòm đất" phía sau hai mảnh giấy dầu đã táp thành cánh cửa. Lấy gương, lược chải đầu, sửa lại quần áo, chị nhảy qua giường cô bạn vừa bỏ đi chơi để xếp dọn và nhét vào "hòm". Hơi tiếc, lọ hoa bằng vỏ đạn, sáng nay chưa kịp kiếm hoa thay.

Gian lán đã tươm tất, vẫn chưa thấy anh. Hay là sang nhà khác. Không, "ông ấy" đi nhầm đường rồi. Tụi nuôi quân trêu anh ấy có khổ không? Chúng nó gọi lại. Tiếng anh: "Rồi đằng nào cũng tới nơi, nhân tiện tôi rèn luyện cho quen!". Người đâu mà lúc nào cũng thích hài hước. Như thế còn phải qua một quả đồi nữa mới đến đây được. Còn đủ thời gian để trấn tĩnh lại. Mà sao anh lại đến đây? Mặt đường đang vào chiến dịch túi bụi thế! Liệu có nên an ủi anh vài lời không? Ai người ta nói chuyện gì với mình mà an ủi. Dơ thật. Từ ngày vào chiến trường tới giờ chưa lúc nào Ngà thấy mình lúng túng thiếu chủ động như lúc này.

Nhưng đến khi Trường đến cười nói ồn ã, chị thấy mình lạnh, sắt lại, lắng im và hơi buồn trong những cử chỉ lịch thiệp.

Trường như cố tình tạo ra không khí ồn ã. Ngà hỏi về Hà Nội. Anh cười:

- Tôi là dân nhà quê, ra tỉnh bỡ ngỡ thành ra cũng không đi đến đâu.

Khuôn mặt Ngà bỗng đỏ bừng vì cơn sốt lại kéo đến. Chị vẫn ngồi nguyên hơi cắn vào vành môi dưới, hai mắt mở to nhìn thẳng vào Trường khiến anh phải bẽn lẽn cúi xuống và nhận ra lời trách móc từ đôi mắt ấy. "Sao anh lại xa lạ, cách biệt thế?". Anh ngẩng lên nói lảng:

- Để tôi ra ngoài này một chút, chị mệt nằm nghỉ đi.

- Anh cứ ngồi chơi, không sao.

Cả hai im lặng, nghe rõ tiếng lóc bóc gõ đều đặn trên mái lán. "Có thể mình đã làm cô ấy tự ái cũng nên". Anh hỏi:

- Hồi chị ở nhà, quán bia chỗ Nguyễn Biểu đã có chưa?

Suýt nữa Ngà bật cười. Cô lại nhìn, làm anh lúng túng:

- Thú thật, qua Hà Nội tôi chỉ "ấn tượng" với những quầy bia.

- Anh về ngoài ấy hàng tháng, chỉ nhớ sâu sắc những quán bia thôi à?

- Tất nhiên, bao nhiêu trận địa của tự vệ Hà Nội bắn rơi máy bay, bao nhiêu chuyến tàu chở người Hà Nội ra mặt trận, bao nhiêu người bốc dỡ hàng suốt ngày đêm để chuyển ra chiến trường, tôi kể sao hết được. Còn bia thì tôi lại không nghiện nhưng những chỗ ấy là dễ xảy ra tai nạn. Họ xếp hàng dài trồi cả ra lòng đường.

- Thế thì anh nhầm rồi. Chỗ anh nói là Phùng Hưng chứ Nguyễn Biểu trồi thế nào ra ngoài đường.

- Đã bảo là tôi không thuộc hết mà lại. Chị tính lái xe trong chiến trường có bằng cấp gì đâu. Lính nhà ta ôm lái cứ lắc lên, lắc xuống, đến chỗ ấy chỉ sợ kẹp chết người. Quy định đường cấm, một chiều, hai chiều nhầm lẫn lung tung. Công an có thổi còi liền thò đầu ra: "Tôi ở đoàn Quang Trung mới ở chiến trường ra đồng chí ạ". Công an đòi phạt. Tiền không có đành nói ngang: "Các đồng chí cho tôi gửi xe lại đây khi nào vay được tiền chúng tôi đến nộp rồi xin các đồng chí cái giấy nhận thực bị chậm". Các ông ấy sợ nghẽn đường phải xua tay: "Thôi đi đi, rút kinh nghiệm nhá".

Ngà nhìn anh gật gật đầu, anh liền dừng lại sau mỗi cái gật như thể đó là một dấu chấm. Chị thú vị nhận thấy trong những câu chuyện ngồ ngộ có cái gì rất chất phác ở con người anh. Chị hiểu anh biết Hà Nội ít thật chứ không phải cách nói làm duyên như chị nghĩ ban đầu.

Qua những chi tiết nhỏ nhặt, những khung cảnh sinh hoạt anh kể Ngà hình dung ra phần nào Hà Nội những ngày này. Rất tiếc, anh chỉ cầm thư quà qua Trình Nhật và Công chứ không gặp mợ và anh trai Ngà. Để khỏi bắt tội anh vắt óc nhớ những nơi chị cần biết mà anh lại không nhớ, chị chuyển câu chuyện bằng một lời cám ơn thành thật về cử chỉ của anh khi cầm chiếc áo của chị. Chị nói rằng bức thư ở áo anh giặt hộ là thư của mợ chị nói về Công. Khi chạm đến chuyện này, chị thấy có cái gì đó không thoát, chị lại chuyển sang chuyện khác một cách hợp lý:

- Thật sự là cám ơn anh Trường nhiều lắm. Tôi không ngờ anh đến tận đây thăm tôi.

- Đáng nhẽ đi hôm qua, chờ lĩnh thực phẩm, nhân tiện đến kho hậu cần, tôi rẽ sang thăm chị. Ngày kia chúng tôi lên đường.

Ngà cười thân mật:

- À thế là "nhân tiện", thật may có khoản thực phẩm tôi mới được may mắn hỏi anh một số chuyện.

Trường vẫn thành thật:

- Nếu đúng như mệnh lệnh, chị bảo cũng đành chịu, làm thế nào được?

Xưng hô gì cứng nhắc làm khó xử thế không biết. Ngà đã định nói đùa "Thế thì chị cũng chịu thật". Chị kìm ngay. Cái kiểu đùa như thế khi đã thành quen, sẽ làm mất vẻ dịu dàng vốn là cái tính rất riêng của con gái. Chị mời anh, nghe như một mệnh lệnh:

- Hôm nay anh ở đây rồi lên thăm mấy anh "đồng hương" của anh ở ban ngoại.

- Không được đâu.

- Ngày kia anh mới đi. Đây sang kho hậu cần có hai tiếng.

- Tôi đi không dặn, sợ anh em lái xe mong.

- Anh làm như chiến sĩ của anh ngờ nghệch đến bữa ăn cứ ngồi nhịn đấy.

- Cũng được, nhưng ở đây cứ "đối thoại" thế này thì buồn lắm - Thấy mình quá lời, Trường chữa - Tính tôi hiếu động, chỉ thích có việc gì làm. Hay ta đi kiếm măng rừng đi.

- Thôi, Ngà sợ những bụi gai lắm. Thế này nhé. Anh biết câu cá không?

- Khoản ấy thì "chúa sừng". Hồi nhỏ ở nhà bao giờ tôi cũng có năm loại lưỡi câu.

- Nhưng ở suối có khác đấy.

- Suối lại càng thạo, Ngà, à chị có biết...

- Anh sợ có lỗi khi gọi tên một người quen à?

Trường đỏ mặt nói tuế toá:

- Không phải thế. Thôi được, ở suối thì cá trông thấy mình, mình thấy cá nên...

Ngà cười gạt đi.

- Thôi thôi hiểu tài của anh rồi. Bây giờ anh ngồi đây để Ngà bới giun rồi ta đi.

- Ngà đang sốt kia mà.

- Khỏi rồi.

- Không phải. Đưa đây kiểm tra - Vừa nói, anh vừa đưa bàn tay đặt lên trán xem đã bớt nóng thật chưa. Ngà hơi nghiêng đầu né tránh và nhìn anh ngạc nhiên. Cái nhìn như một lời can ngăn: "Đừng thế!".

Thấy Trường đỏ bừng mặt vì bị hẫng, sợ anh hiểu lầm, chị cười rất to, giải thích:

- Anh đừng lo. "Lính" Trường Sơn sốt, đi ra mặt đường là thường chứ. Chịu khó ngồi đây, Ngà về ngay.

Quả lúc này Ngà quên là mình đang sốt, quên cả giờ đi tiêm thuốc. Kiếm được mồi, hai người hăng hái chạy xuống suối trèo qua những mỏm đá lởm chởm sang bờ bên kia. Dưới lòng suối, nước vẫn lao sùng sục. Từ khi bước ra khỏi lán, hai chân Ngà đã liêu xiêu chực ngã, chị vẫn bước ào đi. Qua suối không thể nào đi nổi, chị đành chìa tay cho Trường dắt. Nước rào ướt đến ngang người. Thấy ơn ớn lạnh, hai môi đã tím lại, chị vẫn cười và nói chuyện. Lên khỏi suối leo thoăn thoắt, Ngà đưa Trường đến một hốc sâu trông như bể chứa nước. Ở đây nước lạnh. Theo chị, có rất nhiều trê đá và có cả cá chình dài hàng mét. Hai người chỉ có một cần câu, Ngà nhường cho Trường còn chị làm "cố vấn", "tiếp liệu" và "giữ kho". Ngồi một lúc Ngà đứng dậy đi thăm dò các vũng lặng khác. Quay về, lại ngồi xuống chỗ cũ, cạnh Trường. Hai người cùng mải mê theo dõi. Gần mười phút không hề thấy động tĩnh, Trường chán:

- Đi vũng khác. Ở đây sâu lắm.

- Ấy phải kiên trì chứ. "Thủ trưởng" nhanh bi quan thế.

Trường im lặng, ngoan ngoãn và chăm chú như một đứa trẻ. Lâu lắm mới thấy động đậy phao. Anh cố giữ im cần câu. Ngà thì thào:

- Nó đấy.

Trường mải theo, không để ý. Phao chúi. Ngà kêu:

- Giật.

Nhưng Trường vẫn để nguyên. Khi cô bắt đầu nghi ngờ tài câu cá của anh. Trường đã giật mạnh cánh tay "vút". Con cá tuột khỏi lưỡi rơi xuống rãnh nước chảy xuống vũng sâu.



Ngà nhào tới nhoài người vồ. Trường cũng nhanh chóng quẳng cần câu, chộp. Tay Ngà đã chộp đúng nó, anh đang đà lại chộp vào hai bàn tay Ngà, anh vội vã nhắc lên và ngượng. Ngà nhìn anh hơi mỉm cười rồi hai bàn tay búp măng giữ chặt con cá giơ lên. Lúc này mới biết ngạnh đánh vào tay buốt thót, chị nhăn mặt kêu:

- Ái ái. Bỏ mũ của em ra đi.

Trường nhanh chóng ngả mũ sắt của mình, Ngà thả cá vào mũ, những ngón tay nhoè đỏ. Trường lo lắng:

- Việc gì không?

- Khỏi ngay thôi mà. Cái ngạnh này buốt ghê lắm, nhưng chỉ một lát là khỏi.

Rồi chị ngồi chăm chú xem. Chốc chốc cái miệng xinh xẻo ấy lại thì thào: "Đấy, đấy sắp giật. Đấy. Giật đi anh!". Những lần sau Trường văng cần lên sườn đồi, có tuột khỏi lưỡi cũng chắc ăn, Ngà chỉ có việc chạy đi nhặt, luôn miệng khen: "Anh khá lắm". "Rất khá". "Đáng khen ngợi!".

Trở về ngồi vào chỗ cũ một lúc, chị lại bỏ đi.

Cách một tảng đá lớn là nơi chị nhóm lửa luộc hạt gắm. Một chiếc thùng sắt tây bẹp rúm ró làm nồi đun. Luộc chín, lại chính cái thùng đó làm nồi rang. Những việc đó Ngà làm trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ. Chốc chốc chị lại lắng tai nghe tiếng nước bật loõng và cần câu miết vào không khí, biết là anh câu "sát cá". Tự nhiên chị nghĩ ra một cử chỉ rất trẻ con. Rang xong, lấy vải nhựa căng trên bốn que, mái thuôn dốc như hồi nhỏ đi cắm trại. Tìm hai viên đá thật bằng đặt cân cắm hai bên, ở giữa là mũ hạt gắm rang sém cạnh. Chị muốn tất cả thật bất ngờ với anh. Ngắm nghía thấy ưng mắt, chị đi vòng lại phía sau anh, tay cầm mấy cây cải rừng than vãn:

- Em định đi kiếm rau về nấu cá, chả đâu có.

- Món đó phải anh chàng Thú.

- Thôi để đây đã. Anh xem hộ em những cây rau bên kia tảng đá có ăn được không? - Nói xong, chị cầm cần câu trong tay Trường, nhắc lên, chỉ cho anh sang phía bên kia tảng đá lớn. Từ nãy, anh vẫn mải mê câu, bây giờ mới để ý đến tảng đá đồ sộ phẳng nhẵn chỉ cách mười lăm mét. Và quả thật, việc làm bé bỏng của Ngà đã làm anh ngạc nhiên. Anh "ơ" một tiếng, quay lại định hỏi, bắt gặp hai gò má dậy đỏ, nụ cười chúm chím chứa chất niềm sung sướng của Ngà, anh hiểu ra mọi việc. Anh cũng cảm thấy mình hoàn toàn trẻ trung như một cậu thanh niên mới lớn, Ngà vẫn chăm chú theo dõi sự ngạc nhiên thích thú của Trường. Chị giữ nguyên nụ cười kín đáo. Những sợi tóc vương rối trước vầng trán lấm tấm mồ hôi như bớt vẻ bướng bỉnh, nó dịu lại ngây thơ; bất giác Trường thấy cô đẹp lên một cách lạ lùng. Nhưng anh chỉ cảm thấy, không dám nhìn lâu, nó giống như khi ta bắt gặp mùi hoa thơm thấy xao xuyến mà không dám chăm chú sợ nó biến đi. Ngây ngất mà phải hững hờ để khi không còn, đỡ bàng hoàng sụp đổ. Đó là sự "chuẩn bị" thường xảy ra với những con người từng "sóng gió" bắt gặp niềm hạnh phúc mới mẻ.

Từ lúc ngồi xuống viên đá, Trường chỉ chăm chú tách lớp vỏ cứng, cho hạt lộ ra với lần vỏ mềm, mỏng như áo lót màu nâu nhạt. Bóc được lớp mỏng ấy ra ăn hạt gắm đầu tiên, anh nhận ra cái vị bùi, đắng ngăn ngắt dẻo quánh díp dáp ở hai đầu hàm răng. Anh vốn vụng bóc hạt gắm. Có những hạt cứng, chả nhẽ lấy răng như ở đại đội chỉ có lính con giai với nhau. Anh loay hoay bóc một cách khó khăn. Không khí tự nhiên yên ắng hẳn đi. Anh rất muốn phá vỡ sự im lặng chỉ có tí tách của lớp vỏ hạt gắm tách ra. Phải một lúc lâu anh mới cất tiếng khen:

- Ngon. Ngày trước tôi nghe nói một tiểu đoàn bộ binh bị lũ làm tắc đường suốt hai ngày chỉ ăn hạt gắm trừ cơm, tôi cho là bịa. Nhưng... ngon thật. Ăn được.

Ngà cười:

- Ăn gần hết mới nhận ra ngon.

Cô trao cho anh nhân hạt mới bóc.

- Hạt này không đắng.

Trường nhận lấy ngoan ngoãn. Cô lại trao tiếp cho anh những hạt khác với lời dặn: "Hạt này bùi!". "Hạt này bánh tẻ!". Hạt này dẻo". Trường kêu lên:

- Ngà phải ăn đi chứ.

- Em có "giải lao" đâu. Mà bóc chậm như anh, cả ngày không được ăn.

Đây là lần thứ hai cô buột miệng xưng em nhưng không chữa lại. Trường nhận ra tiếng đó, anh lướt nhìn Ngà. Cô hơi ngượng, cúi xuống nhìn chăm chú viên hạt gắm đang bóc.

- Nghe nói đầu mùa khô đơn vị công binh của Ngà cũng chuyển vào trong ấy.

- Có thể như thế.

- Chuyển vào cung trong thì hay. Chúng mình có dịp gặp nhau.

- Đâu chả là nhiệm vụ.

Chữ "chúng mình" của Trường làm Ngà cảm thấy đã có một cái gì đó hơi quá ý nghĩ của chị, chị hơi ngớ người trong một giây rồi tìm ngay được câu nói, đẩy cái tình cảm đó ra xa.

Trường cũng biết mình hơi vô ý. Anh lúng túng.

Cho đến khi hai người chia tay nhau vào buổi chiều hôm ấy, Ngà trao cho anh một gói hạt gắm:

- Cho em gửi mấy đồng chí lái xe cùng đi với anh.

Trường ngả mũ trút hạt gắm vào đấy. Ngà vội kêu lên:

- Anh liều thế, mũ quân nhân, bạ cái gì cũng đựng.

Trường cười gượng:

- Ra ngoài kia khắc có cái bọc, ai lại đem buộc khăn mùi xoa mới, nhọ hết cả.

Trong khi Trường nói, Ngà hơi ngoảnh đi. Trường giơ chiếc khăn trao lại. Chị mải nhìn dòng nước chảy như đang tìm vật gì ở đáy không để ý. Trường phải nhắc lại:

- Cầm về giặt hộ nhá. Chính bạn mới liều đấy.

Ngà miễn cưỡng cầm lấy chiếc khăn, giọng hơi lạnh:

- Anh tưởng con gái chúng tôi làm việc gì cũng liều lĩnh ư? Thôi được rồi! Anh đi trên đường nên cẩn thận đấy.

- Ngà chả phải lo, bọn này thì... - Anh kêu nho nhỏ: - Hình như Ngà lại lên cơn sốt rồi phải không?

- Không sao.

- Để tôi đưa lại lán.

- Cám ơn anh, đừng nên như thế.

Chị vẫn đứng nguyên, giữ nguyên một nụ cười niềm nở, giữ nguyên những lời nói dịu dàng: "Thôi tạm biệt". Và quay đi khi Trường vừa bước xuống suối. Lên khỏi dốc, như đã kiệt sức, hai tay khoanh trước ngực, chị tựa vào gốc cây, mắt nhìn lơ đãng vào giữa im lìm. Từ xa, rừng chiều khép dần vào lòng nó cái vắng lặng âm âm. Chị cắn chặt hàm răng đều đặn vào làn môi, cố nén một hơi thở rất trống trải dâng lên trong lòng mình. Đại đội công binh sẽ chuyển vào trong ấy và chúng ta lại gặp nhau! Anh nói để an ủi tôi đấy ư? Xin cám ơn sự tốt bụng của anh. Anh cứ yên tâm nhẹ nhõm mà đi. Vào hay ra, với chúng tôi đâu chả là nhiệm vụ. Ở đâu chúng tôi cũng chỉ là người đứng cạnh đường suốt ngày đêm hồi hộp mong đợi các anh đến, để rồi các anh lại vô tình lướt qua không hề biết, không thể thông cảm hết những gì đã xảy ra, không biết rằng những người đứng cạnh đường ấy đã thổn thức, đã khao khát nghe tiếng xe qua như nghe nhịp đập của tim mình. Thôi tạm biệt anh, tôi có quyền gì để lo lắng, phấp phỏng đến chặng đường anh đi vào trong ấy đâu. Liệu có phải như thế không?




Каталог: UserFiles -> RadEditor
UserFiles -> PHƯƠng pháp viết nghiên cứu khoa họC Ứng dụng sư phạM
UserFiles -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFiles -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFiles -> BỘ XÂy dựNG
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFiles -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFiles -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
UserFiles -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
RadEditor -> BẢn thảO ĐẦu tiêN (để bổ sung/góp ý) thông tin đÓng góp về XÃ HỘi dân sự TẦm nhìn asean 2025

tải về 2.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương