22  leâ LÖÏu tieåu thuyeát  23



tải về 2.23 Mb.
trang18/22
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2016
Kích2.23 Mb.
#32030
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22

1
Chưa bao giờ nhìn qua gương Ngà thấy khuôn mặt mình tiều tuỵ như lúc này. Đám tóc phía trước như những diệc mạ qua một trận lụt và vầng trán trông như cạo nhẵn, trơ trẽn. Còn hai hốc má hóp lại, khuôn mặt đã dài ra. Cô cứ đứng như thế, tay chét mớ tóc như thế, nhìn đăm đăm vào gương muốn tìm một dấu vết gì đấy của khuôn mặt thật, của những đường nét thật. Không thấy, không còn nữa! Đây là một khuôn mặt khác, khác hoàn toàn mất rồi.

Suốt sáu tháng trời ở trên cao điểm rồi xuống hang "bánh rán", nơi thì phải đi một trăm ba mươi bảy bậc mới lấy được nước, nơi khô cháy suốt ngày này qua ngày khác vì bụi đá và khói bom, vì lấp mất dòng sông, giữa mùa mưa vẫn thiếu nước. Lại đói. Lại bom và sốt rét. Suốt sáu tháng trời ấy người cô lúc nào cũng thấy tức anh ách, bực bội. Giữa trọng điểm lúc nào cũng giật người thon thót, Ngà lao vào cuộc chiến đấu, làm việc quên mình. Cho tới lúc không còn gắng gượng được nữa! Ngà lăn đùng ra ốm. Trận ốm sẽ kéo dài đến bao giờ nữa. Bệnh tình mỗi lúc một nặng, liệu quân y có chữa được không? Họ mới chỉ giải thích nguyên nhân do hoàn cảnh thiếu thốn, ác liệt quá tạo ra bệnh và chờ phương pháp của quân y cấp trên.

Chiều qua từ phía Tây Trường Sơn, Bình Nguyên gọi điện thoại về cho chị. Đang mưa, đường dây nhiễu xoèn xoẹt như xé tai mà tiếng con bé cứ gào lên: "Chị ơi, đã gì chưa?" - "Chưa!" - "Hai tháng nay em cũng..., liệu có sao không chị?" - "Bệnh chúng mình nó thế, sinh hoạt bình thường sẽ khỏi, đừng buồn em nhé!". Câu trả lời của mình có thể làm cho nó yên tâm nhưng từ chiều qua đến giờ cô lại thấy nỗi lo lắng hốt hoảng của hai đứa đang dồn lại cho riêng mình. Đột ngột cô quẳng úp cái gương xuống gối. Ngồi dựa lưng vào vách đất căng ni lông, hai chân duỗi thẳng và hai tay thả thõng, cô thấy mình không còn đủ sức để đứng dậy lúc này nữa. Khuôn mặt võ vàng ấy cứ nhìn như xói vào ô cửa sổ phía vách bên kia, nhưng thực ra cô chả để ý đến bất cứ một cái gì quanh cô.

Một tiếng hỏi đột ngột làm cô giật bắn mình. Vừa muốn nhảy chồm lên reo, vừa muốn chạy trốn. Bằng cách nào cũng không thể được, không thể làm được. Cô ngồi chết lặng, mắt vẫn nhìn người đứng một chân xuống bậc nhà thùng. Hai người nhìn nhau. Bốn con mắt đều như tê dại, cả hai người cùng run như cùng một lúc lên cơn sốt, nhiệt độ như nhau.

Ngà đây rồi ư? Nỗi bàng hoàng của người ngoài cửa dồn ứ ra hai cặp môi lập bập và cánh tay bám chặt lấy cây cột nhà.

Anh không thể tin vào mắt mình nữa. Có lẽ nào mới hơn hai năm trời vào rừng đã thành một cô Ngà, mới trông thấy tóc gáy anh đã dựng lên một cảm giác rờn rợn. Cũng may, với hướng Ngà ngồi anh nhận ra nốt ruồi ở dưới đôi tai bên phải, nếu không anh ngỡ cô đang đắp chăn nằm phía giường bên kia. Thật anh không thể nào ngờ được cô gái đang ngồi trước mặt anh với cái dáng hơi còng, gầy rũ xuống lại là Ngà.

Còn cô, cô nhận ngay ra anh. Vẫn cái dáng nhỏ nhắn, uyển chuyển, đôi mắt cười lim dim chìm đắm trong những niềm vui dễ dãi. Cô thấy khắp người run lên. Sao lại có sự xuất hiện như thế này. Cô cặp nhanh mái tóc, hơi quay mặt vào phía trong sửa lại cổ áo. Xong xuôi cô đứng dậy, giọng ghìm lại dịu dàng:

- Anh vào trong này.

Câu nói ấy làm cho người ngoài cửa tươi tỉnh, anh tưởng mình bước hẫng. Vào nhà đặt ba lô, anh hỏi:

- Tôi đến có làm cho Ngà đột ngột lắm không?

- Cũng bình thường thôi.

Anh dè dặt gỡ ba lô lấy các thứ cho Ngà. Chiếc ba lô con cóc căng phùng phìu nặng trình trịch ấy chỉ có một bộ quần áo dài, quần áo lót và chiếc màn "tuyn" là của anh còn tất cả là quà mọi người thân thiết gửi cho Ngà. Bao nhiêu thứ ngổn ngang nửa chiếc giường: Từ bánh xà phòng chanh, hộp díp Ngọc Lan, đôi dép lê, hộp kim chỉ, hộp ruốc thịt đến chiếc khăn tay, những bộ quần áo lót của phụ nữ đều được anh bày ra trân trọng.

Ngà mải mê đọc thư của cậu, mợ, anh trai và hàng chục đứa bạn khác. Lá nào cô cũng chỉ lướt qua, còn thư của cậu mợ viết chung thì cô phải đọc hai lần. Thư cậu chỉ nhắc Ngà giữ gìn sức khoẻ. Dũng cảm là tốt nhưng không được coi thường bom đạn. Còn thư mợ nói toẹt ra là mợ muốn Ngà thu xếp xin cấp trên đi cùng Công về với mợ. Vẫn là nội dung của hai thư trước mợ viết "vận động" Ngà nghĩ lại. Không thể kìm giữ được thêm, cô gập từng lá thư lại hỏi mà không nhìn:

- Anh vào đây để giúp đỡ cho tôi về phải không?

Công nhìn cô, giọng nói bình thản:

- Đấy là ý của mợ, còn tuỳ Ngà.

- Thế ra anh...

- Đừng phải hỏi gì anh ở chỗ này nữa. Anh không dám đòi hỏi gì Ngà. Anh biết anh đã làm khổ Ngà nhiều rồi.

- Anh vẫn nói được nhiều điều hay và cảm động đấy.

- Anh không có hi vọng gì được em tha thứ mọi tội lỗi của anh. Chỉ mong em trong những ngày chưa có chuyến ra, em coi anh như một người quen, đừng xỉ vả anh trước mặt người khác.

Ngà cắn hai hàm răng vào vành môi, hai mắt nhìn ra cửa, không nói được câu gì nữa. Công vẫn ngồi ở thành giường, mắt nhìn xuống đất. Khi anh ngước mắt nhìn lên đã thấy mặt Ngà chín nhừ, hai hàm răng đánh cầm cập, khắp người cô rung lên. Anh hốt hoảng:

- Em lên cơn sốt phải không? Nằm xuống nghỉ đi.

Cô không trả lời, bước ra cửa rút chiếc khăn tay, trở vào ngồi ở thành giường như cũ. Công dồn mọi thứ vào góc giường, thu xếp chỗ cho cô, còn anh lúng túng không biết ngồi chỗ nào, liền bước ra cửa để Ngà khỏi ngại.

Ngà quấn chiếc dù, nằm nghiêng quay vào vách, người cong lại như con tôm. Cô rên thành tiếng. Công trở vào. Nỗi lo lắng hiện rõ lên đôi mắt vốn lim dim cười của anh. Anh khoanh tay trước ngực đứng nhìn cô. Rồi như sực nhớ ra điều gì anh giở lục ba lô lấy ra thỏi sâm vàng xuộm còn tua tủa rễ như những dải cá mực nằm ệp trong bao giấy bóng mỏng dính. Anh xắt ra khúc ngắn, lay gọi Ngà. Cô vùng vằng lấy khuỷu tay đẩy ra:

- Tôi không ngậm gì cả. Anh giữ hộ người tôi một chút.

Anh ngồi ghé xuống thành giường choài người áp vào cánh tay cô. Hai tay anh giữ lấy vai và đầu cô để bớt rung. Cô bắt đầu thở gấp gáp như người chạy đứt hơi. Làn hơi nóng hầm hậm phả ra từ hai nhánh mũi của cô nóng ran ran khắp người anh.

- Anh rót hộ ca nước.

Công cuống quýt lấy ca rót nước sôi để nguội từ vỏ thùng đựng lương khô trao cho cô.

- Anh gọi y tá nhé?

- Không.


- Nhỡ...

- Không nhỡ nhàng gì cả.

Cô uống hết nước, hà ra một hơi thoả mãn:

- Chết thế nào được mà nhỡ. Anh ngồi nghỉ đi. Ở đây sốt thế này thường thôi.

Cô lại cuốn chiếc khăn dù kín khắp người, chỉ một lát tiếng ngáy đã đều đều, cô nằm li bì trong cơn sốt nóng.

Công ngồi quay ra, bàn tay lặng lẽ vê vê miếng sâm vừa cắt. Đã biết vào chiến trường là gian khổ, sẽ ốm yếu gầy mòn đi. Nhưng cơn sốt sùng sục như một nồi nước sôi từ Ngà làm anh thấy nôn nao choáng váng. Đã nghe mấy thằng bạn bác sĩ từ chiến trường ra nói bao nhiêu điều, anh chỉ nghe thoảng qua. Đến lúc này anh mới tin rằng dăm sáu năm sau ra khỏi vùng sốt rét chưa chắc đã cắt cơn. Rồi việc chửa đẻ, trông nom gia đình ra sao nếu cứ đùng đùng kéo đến những cơn sốt dữ tợn như thế này. Đấy là chưa kể các cơ quan họ có nhận cho người ốm yếu hay không? Hai người trông vào hơn bảy mươi đồng tiền lương của mình sống sao nổi. Anh ngồi thuột ra, hai tay buông xuôi như một nhánh lá bứt khỏi cành lúc giữa trưa nắng. Anh trút nhẹ một hơi thở dài. Hơi nhè nhẹ thôi để cô ấy đừng biết rằng anh đang ân hận về chuyến đi của mình.

Hai ống chân thõng xuống, hơi đung đưa như để giữ lấy sự bình thản, nhưng mà hình như trọng lượng của cơ thể đã dồn ngược lên tất cả trên cái đầu nặng trình trịch. Anh điểm lại những trường hợp đã quen, đã ướm thử trong những ngày vừa qua và nhớ đến cô diễn viên kịch nói mới ở chiến trường ra. Cô bé thông minh mà hiền, lại tỏ ra rất quyến luyến. Hôm cô đến nhà tạm biệt anh, đi nhận công tác khác, anh pha một cốc nước cam tươi đưa cho cô. Cô cười trao lại: "Uống chung". Anh hỏi: "Có sợ lây không?". Cô nhìn lắc đầu.

Khi cô ra đi, hai người đứng lặng không ai nói được câu nào. Mãi anh mới thoát ra miệng mấy tiếng: "Viết thư về ngay cho anh!". - Một tiếng "vâng" rất khẽ đáp lại. Từ hôm đó, anh cứ nôn nao khi mỗi buổi chiều bác đưa thư làng sơ tán dựa chiếc xe đạp ở ngoài định bỏ gói thư vào thùng cho cơ quan thì anh đã đứng sẵn mong nhận lấy gói thư từ tay bác. Ba tháng trời, nỗi háo hức lặng chết dần. Phần tự an ủi mình bằng câu cửa miệng buột thốt ra: "Bọn con gái bây giờ yêu đương rất tạm bợ", phần khác, lại nghĩ sẽ có một lý do nào đấy cô chưa thể gửi thư cho anh.

Nhưng những thất bại trước đã để lại cho anh một điều có ích: Bọn con gái đã hững hờ tức là đang có nhiều "đối tượng" "xô". Trường hợp này ở xa chỉ có "mấy lời an ủi" gửi lại là may. Lúc đó đang "chao" thì phải "thứ nhất cự ly, thứ nhì tốc độ". Còn nó đã yêu thì tìm mọi cách xoắn lại như bện thừng chả cần phải ngóng trông, chờ đợi. Như thế là mất. Nó đi mất, đừng hi vọng nữa. Đấy chính là lý do để anh còn đợi quyết định lần cuối, không đi cùng chuyến với Trường vào đây.

Những phút im lặng đã giúp anh nhớ lại tỉ mỉ sự cân nhắc của mình trước khi quyết định ra đi. Tiếng gọi ú ớ của người đang ốm cắt đứt nỗi day dứt trong anh. Anh quay lại:

- Gì đấy em?

- Anh bảo nó cho em ca nước sôi.

- Ai? Cô ở giường bên cạnh ấy à? Ờ, cô ấy đi đâu từ lúc nào anh không để ý.

Anh sốt sắng đi bắc bếp đun nước cho cô với lời an ủi:

- Em gắng chờ, anh đun một tý thôi. Anh đun ít, nhanh lắm.

Rồi một tuần lễ qua đi, Ngà li bì trong những cơn sốt triền miên, anh như một người nội trợ tần tảo và biết chiều chuộng. Suốt ngày anh vất vả với những công việc xách nước đánh răng rửa mặt, nấu nước xông và tắm, giặt giũ quần áo cho cô. Mỗi bữa nhận suất ăn từ nhà bếp về đã nguội lạnh anh bắc bếp xào, nấu lại, có thêm rau, măng và mì chính. Thức ăn bữa nào cũng ngun ngút nóng và ngọt ngào, Ngà ăn khoẻ hẳn lên.

Những nhân viên và bệnh nhân đã quý mến anh. Lúc Ngà tỉnh dậy ngồi chơi với bạn bè, anh lặng lẽ đi câu, đi hái măng, đi nhặt hạt gắm về rang. Ai đến với Ngà cũng tìm cho được một lời khen, một câu khuyên nhủ "vun vào" và mừng cho Ngà, cho hạnh phúc của cô đã trở lại sau những năm "sứt mẻ".

Thực ra, chưa ai được nghe cặn kẽ về mối quan hệ của hai người. Cũng không ai biết phía trong nụ cười dễ thương, giọng nói dễ thương kia là một con người thực sự như thế nào. Người ta chỉ biết, anh ấy đến đây bằng giấy giới thiệu ngoài tổng cục và có điện của binh trạm báo cho đội điều trị biết đó là người chồng cũ của Ngà. Hai người đã ra toà li dị rồi. Bây giờ nghĩ hối hận, được nghỉ phép của hai năm liền và nghỉ một tháng sau chuyến đi biểu diễn, có tất cả hơn hai tháng nghỉ, anh lặn lội vào tận đây chăm sóc cô và mong cô nghĩ lại. Có thư yêu cầu của cơ quan và gia đình, xét hoàn cảnh của Ngà binh trạm đồng ý để Ngà tự quyết định. Khi nào khỏi bệnh có thể đi cùng anh ấy về "tuyến sau" giải quyết chính sách.

Thế là mọi "thủ tục" hành chính và sự "hỗ trợ", anh đã làm xong từ trước khi đến với Ngà. Những thuận lợi mang lại nhiều hơn mong muốn của anh. Còn gần một tháng ở lại đội điều trị, anh không hề đả động đến chuyện khuyên răn, van nài cô. Tất cả tâm trí anh, sức lực anh dồn vào những chậu quần áo, những thùng nước tắm, những bữa ăn nóng và ngon hơn hẳn nhà bếp. Anh đang đau, nỗi đau của bệnh tật dày vò Ngà. Mỗi ngày Ngà khoẻ mạnh lên một chút, hồng hào lên một chút thì anh lại yếu, anh gầy dần đi. Thế này, không cẩn thận lại bị sốt rét thì thật rầy rà. Người nhắc nhở anh giữ gìn, động viên anh đừng lo lắng nhiều lại là Ngà. Và cô quyết định sẽ trở về hậu phương. Hãy trở về cùng với anh rồi mọi chuyện sẽ tính sau.

Hôm hai người ra đi, cả đội điều trị tiễn xuống bờ suối. Ai cũng chúc một vài lời xong, đứng lặng đi. Vừa thương nhớ, vừa lo. Không hiểu Ngà có đi nổi không? Sức khoẻ đã thế, đường đi lại ác liệt. Thôi, chả biết thế nào. Chỉ mong cho Ngà đừng gặp khó khăn trên đường về. Thôi cô đi đi, đã quyết định, cứ dấn lên mà đi.

Nỗi quyến luyến làm cho Ngà không muốn bước đi nữa. Suốt ba cây số lội suối, cô khóc, hai mắt đỏ mọng. Phần nhớ anh chị em cùng nằm một lán, cùng ăn một mâm, bao nhiêu việc làm của y, bác sĩ, y tá thật cảm động, lúc ra đi lại chưa nói được lời nào cho hết tấm lòng mình. Phần khác, nỗi ân hận, cứ mỗi lúc đầy thêm cồm cộm, càng đi càng nhận ra hành động của mình như một kẻ chạy trốn. Bình Nguyên ơi, sao chị lại không kịp báo cho em một tiếng qua máy điện thoại. Trời ơi, tôi ngu đến thế ư? Còn Thú nữa. Cậu đã đi đến đâu rồi. Chắc thế nào cậu cũng tìm cách biết tin về tôi. Biết hết mọi chuyện để bảo cho bạn bè, cho Vũ, cho anh Trường và họ sẽ nghĩ thế nào về sự chia tay của tôi với tuyến đường này? Tôi biết rất rõ anh quý mến tôi rất nhiều, anh muốn cho quan hệ của chúng ta thân thiết hơn nữa. Hôm anh đến thăm, tôi cảm thấy trong đời mình chưa lúc nào có một niềm vui rất ngây thơ, sôi nổi như thế. Tôi cảm ơn anh lắm lắm. Nhưng chỉ có thế, để rồi đến lúc anh trao trả tôi chiếc khăn bọc hạt gắm rồi quay đi ư? Có lẽ khoảng trống mất đi trong anh thì lớn mà cái còn lại trong tôi thì nhỏ nhoi quá, không thể bù đắp, không thể san sẻ.

Tôi đã nói tất cả với Thú như nói với một người bạn gái. Cảm ơn Thú. Thú nghĩ về tình yêu nhân đạo quá. Nhưng thôi, đừng khuyên bảo, đừng rũ rối ra làm gì lúc này nữa. Tôi quyết định thế có đúng không, cậu Thú rất quý trọng của tôi? Bằng cách nào tôi viết được riêng cho Thú mấy dòng tạm biệt? Thú tha lỗi cho tôi đi Thú! Liệu Thú có "linh hoạt" nói hộ với anh Trường là tôi gửi lời chào anh ấy không? Chỉ nói hộ tôi một câu như thế còn nghĩ thế nào về tôi, tuỳ ở anh ấy.

Ngà vẫn khóc. Người chồng cũ của cô chưa quen lội suối, lại khoác nặng, anh dò dẫm, xiêu vẹo mãi phía đằng sau. Cô khóc lộ liễu, có lúc gào to như một đứa trẻ hờn theo mẹ. Nước mắt giàn xuống tận cổ, thấm vào lần áo lót ở ngực, cô vẫn đi dấn lên trong nỗi nuối tiếc và ân hận.

Suốt ba tháng trời đau ốm vật vã, sức lực kiệt đi làm cho cô lo sợ bải hoải. Tất cả sự sung sức của tuổi thanh xuân bây giờ như không còn dấu vết gì nữa, những quyết tâm nung nấu, những khảng khái bướng bỉnh chẳng còn gì nữa. Tất cả như đã sụp đổ trong những ngày ốm yếu trống trải. Anh Công đã đến giữa lúc cần một tình người, một tình thương, một bàn tay săn sóc... Anh ấy đến như một dòng nước chảy vào nỗi khát bỏng của cô. Sự tận tuỵ vất vả của anh làm cô cảm động. Những lời bàn tán, vun đắp của xung quanh làm cô yên tâm. Nhưng đến bây giờ đi bên cạnh anh, sắp sửa sáp nhập lại cuộc sống mình đã bị ruồng bỏ, khinh bạc, tẻ lạnh, mình đã phải đổi một giá khá đặc biệt trong những năm qua để trở lại một hạnh phúc mình đã không thể chấp nhận, không đủ sức chịu đựng! Nếu mai kia nước da mình không hồng hào trở lại, không trắng mịn như ngày xưa, nụ cười và con mắt không còn "xao xuyến" liệu anh ta có khinh rẻ, có bứt ra khỏi sự ràng buộc với một tình cảm chân thành của mình nữa không? Cũng dám lắm! Một con người đã từng rẻ rúng vợ con để háo hức lao theo nhan sắc và những âu yếm rẻ mạt thì đã mấy ai bỏ hẳn được thói quen khi chưa có vấp ngã.

Dù đã nói, đã giao ước rằng chỉ cùng đi trên đường về, rằng mọi chuyện về nhà, dăm bảy tháng sau cô mới quyết định, đến bây giờ cô lại cảm thấy như mình đã bước lỡ, đã vội vàng.

Công gắng sức vượt lên theo kịp Ngà. Hai bàn tay anh xướp xáp những vệt cào rớm máu và hai đầu gối bầm tím. Không hiểu vì ngã đau hay nỗi bực Ngà bỏ xa anh khiến khuôn mặt anh xám hẳn. Anh đi sát lại hỏi:

- Có lẽ em đi không được thoải mái phải không?

- Cũng chẳng vui vẻ gì lắm.

- Em nghĩ lại xem. Nếu thấy khổ sở quá thì...

- Thì quay lại phải không?

- Anh không muốn lặn lội vào đây để hành hạ em. Anh cũng mong...

Anh không nói tiếp, mặt hơi cúi, lầm lẫm dò đi từng bước, Ngà cắn mạnh vào vành môi dưới. Một cái gì nhọn hoắt cắm vào tim cô. Nhưng cô vẫn bình tĩnh và nét mặt lặng lẽ bước đi bên cạnh anh.




2
Ngôi nhà ấy bây giờ lợp bằng lá mây. Những nhánh lá xanh tái như màu lá dong luộc gói bánh, chẹn chặt chàng giữa mảnh nứa phía ngoài mái và hàng mè bằng cây mây tuốt sạch ở phía trong. Cả hai phía đều lân vân như tấm phông chun lại thành nếp ta vẫn thường thấy căng trước sân khấu. Xung quanh cũng nẹp bằng thứ lá nhỏ lăn tăn mỏng và dai. Đây là ngôi nhà xinh nhất của đội phẫu thuật tiền phương phục vụ binh trạm 120, trung đoàn pháo, các trung đoàn công binh và các đơn vị hành quân qua trạm giao liên 74. Một gian nổi kê chiếc bàn và hai chiếc ghế dài ngồi ăn cơm, gian chìm sâu gần ngập đầu người kê hai giường đối diện nhau qua một chiếc bàn căng ni lông vỏ bao gạo. Tất cả bàn, ghế, giường đều kê trên những cọc chôn. Khác tất cả mọi chỗ, gian chìm của ngôi nhà này bao giờ cũng có phích màu đỏ, đựng nước, bộ ấm chén và chiếc điếu cày. Nhìn vào đó ai cũng có thể nhận ra đây là nơi ở của các bệnh nhân cán bộ cao cấp. Từ hôm rời buồng "cấp một" xuống đây ông yêu cầu được tiếp tục làm việc và một tuần sau người ta kéo máy điện thoại đặt cạnh đầu giường ông. Mỗi ngày, độ tám giờ sáng ông nói chuyện với binh trạm trưởng đang theo các tiểu đoàn xe ở phía tây Trường Sơn, sau đó ông nắm tình hình bộ phận cơ bản của binh trạm ở phía đông. Ngoài ra, ông còn làm "liên lạc" cho đội. Mỗi lần có hồi chuông đổ, ông nghe máy xong, vươn người qua cửa sổ báo lại công việc cho các ban. Ngày nào tiếng ông cũng như chăng qua suối sang nhà ở sườn đồi xung quanh. Nghe tiếng ông, các nhân viên tất tả chạy đến. Có khi là công việc, có lúc họ tán tỉnh nhau qua máy, ông ngồi quay ra phía khác đọc sách và cười thầm: "Đây là lúc các cô, các cậu "dãn mình" cho khoẻ "xương cốt" để ở với Trường Sơn lâu dài". Có lúc ông đang đọc chăm chú, tiếng nói của anh y tá ngập ngừng, ông biết anh ta ngại mình, liền quay lại tham gia vào câu chuyện của họ: "Anh cứ mạnh dạn bảo cô ấy đừng chấm bánh cuốn bằng mắm tôm. Thanh niên xung phong làm được bánh cuốn cải thiện, thế tốt lắm. Anh nên dặn: Lấy magi khô hoà với nước sôi. Hoà ít thôi. Sau đó cho mì chính, đường và bột chanh. Nếu còn nhạt cho thêm ít muối. Nhớ nước chấm bánh cuốn là có thể húp được đấy. Cô ấy người ở đâu? Hà Tĩnh à? Thế thì bảo cho ít đường! Không có lại thành "chè", khó ăn lắm! Cái món này cậu Thú của chỗ tôi làm rất tuyệt!".

Có hôm ông lại mách cho cô gái tên là Phong Lan yêu một anh lái xe tên thật ngộ nghĩnh: Cương Lĩnh. "Cô bảo anh Cương Lĩnh cứ tăng cung, tăng chuyến thật hăng, khi chuyển nhiệm vụ mới tôi sẽ đề nghị tiểu đoàn để anh ấy nghỉ ít ngày đánh xe đến đây đón cô đi kiếm thêm phong lan. Nhưng nhất thiết phải hoàn thành nhiệm vụ tôi mới xin cho đấy. Đồng ý không? Được, tôi xin hứa!".

Những lúc ấy lòng ông khấp khởi vui, như thấy mình khoẻ ra.

Nhưng chiều nay, buổi chiều nắng. Ngồi nhìn giọt nắng trong vũng xoáy của suối nó cứ như xoáy động, như khoan trong nước xuống dưới lòng đá. Nhìn mãi, mắt ông nhấp nhoá trông không rõ, ông hơi ngẩng mặt nhìn lên vòm cây rồi cúi xuống đầu gối, chỗ bị thương, lần giở tấm băng nhìn lại vết mổ. Đây là đoạn hồi kháng chiến chống Pháp đã phải đóng đinh vào hai đoạn xương, bây giờ có lẽ nó chạm phải chỗ cũ nên nhức hơn mọi vết mổ ở sau lưng và bắp đùi. Ông mở băng cho vết mổ hả hơi rồi lại lặng lẽ nhìn qua khung cửa xuống những giọt nắng như một trò chơi "đuổi bắt" ở dưới suối, những giọt nắng ấy nghiêng nghiêng, hơi né đi thành ra nước rồ đến, chao đuổi mãi vẫn chưa thể túm vuốt được, nhìn mãi vào đấy, tự nhiên ông thấy nó giống chuyện xảy đến với binh trạm trưởng. Suốt cả ngày nay lúc nào ông cũng dội lên tiếng của anh ấy gọi ông khi mới sáng ra: "Anh ơi!". Giọng anh ấy như có cả nước mắt chảy trong dây đến chỗ ông.

- "Anh ơi, rứa là vợ tui chặt cánh tay rồi! Tự chặt một cánh tay! Bảy lần vợ tui lăn vào đồn, không giựt được thằng Hùng ra khỏi tụi nó. Thằng Hùng bỏ trốn ba lần đều bị bắt trở lại. Nó cũng chặt ba ngón ở bàn tay bấm cò nhưng vẫn phải đi càn, bắn súng cho tụi nó. Anh có nghe tui nói không? Người ta kể rằng, hôm đó vợ tui...".

Buổi trưa nay. Lúc ấy vừa ăn cơm xong. Nghe hết chuyện bạn, chiếc ống nói trong tay chính uỷ rơi xuống bàn. Ông thấy nhức ở hai bả vai, tưởng như cánh tay mình cũng vừa bị đứt. Ông gieo mình, ngồi chết lặng ở cuối giường. Trước mặt ông như có dáng nhỏ bé của thằng Hùng, đứng trong hàng rào kẽm gai tì cằm xuống đầu nòng súng, nhìn ra, nhìn chỗ mẹ nó, nhìn và nấc mà không dám khóc. Còn phía ngoài, chị Lan đang gượng dậy gạt những lưỡi lê chắn ngang mắt. Nhưng không gạt được hơn mười cái lưỡi sắt giết người ấy. Chị rút con dao trong người giơ lên. Những lưỡi lê rụt lại, nhưng máu oà ra từ cánh tay chị. Những tên lính gác nhìn nhau câm lặng, vì chắc hẳn đứa nào cũng chui ra từ những người đàn bà quằn quại đó. Người ta không thể kể cho anh ấy về thằng Hùng đứng trong hàng rào lúc đó. Nhưng ông hình dung ra thằng bé mười sáu tuổi, cái tuổi bằng thằng Trình Nhật năm học lớp tám còn bắt mẹ giặt quần áo và hờn khi mẹ chia quà ít hơn! Ôi, thằng cháu Hùng! Hạnh phúc của thằng Hùng ở đâu! Một cánh tay gầy gụa của chị Lan chưa thể lôi thằng Hùng, qua mười hai ngọn lưỡi lê, chưa lôi nó ra khỏi hàng rào kẽm gai. Còn nó, cái sức lực của nó mới chỉ đủ ngửa mặt, giơ hai bàn tay chới với, chới với mãi chưa thể tới, chưa thể túm bắt được nỗi khao khát nó mong ước.

Còn thằng Trình Nhật, thằng con ông thì lại khác hẳn. Sự đầy đủ, vui thú vây lấy nó, trùm lên người nó. Hạnh phúc đến với nó dễ dàng như và một miếng cơm vào miệng. Vì thế nó xem thường, nó rẻ rúng, nó để tuột đi, tuột dần đi, cứ dần dà chuội ra khỏi tay nó.

Bây giờ nó đang sống như con đười ươi vớ được cái ống, vội vã ngửa cổ nhắm mắt lại thoả thích với của giật được.

Nỗi đau xót thương tâm về hoàn cảnh của một người bạn, một thằng bé mới lớn phải đi cầm súng giặc, ông lại dồn thêm sự bực bội, khinh miệt về thằng con mình. Nó biên thư cho ông nói rằng nó rất say sưa giảng dạy và yêu quý học sinh. Nó làm gì có niềm say sưa thực sự khi nó lẩn tránh nơi đang có tiếng kêu thét mà người ta yêu cầu nó. Nó làm gì có sự yêu thương khi nó coi các chiến sĩ của ông hời hợt, lạnh nhạt, giả dối. Nó bảo là mỗi người một nhiệm vụ, nó đang cống hiến cho nhiệm vụ của nó! Ừ, trong cuộc chiến đấu này, đất nước cùng một lúc phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, lại phải đánh giặc giải phóng nửa nước còn lại, mỗi người đều lập chiến công ngay trong công việc của mình. Nhưng như thế không có nghĩa là cho phép bất cứ ai dựa vào sự phức tạp của cách mạng để lẩn tránh, để che đậy một tâm hồn mục ruỗng, hèn nhát của mình. Làm sao nó có thể khuân mô tô, quạt máy, len dạ và đĩa hát, máy khâu và tủ ướp lạnh từ nước bạn về trong khi cách nó một mảnh cót thưng dán hoạ báo, người mẹ một lúc nhận tin hai con hi sinh ở chiến trường! Cái đó gọi là sự phân công à? Cho là như thế chăng nữa tại sao nó không hiểu một điều đơn giản rằng để có sự phân công cho nó được như thế đã có hàng trăm, hàng nghìn bạn bè nó, đã đổ máu và đang đổ máu! Tại sao nó không tự phân công cho mình phải có nhiệm vụ bù đắp lại. Đã bao nhiêu lần nó lẩn trốn đi chiến trường tham gia tổ nghiên cứu trị bệnh sốt rét và bệnh sinh hoạt thất thường của những đứa con gái như em nó! Chao ơi, con chuột của tôi đang nằm trong bao tải gạo trong khi bom đang nổ ở cánh đồng và những người nông dân ngã xuống! Cách sống chui lủi khôn ngoan ấy, bây giờ nó lại định lừa dối cả ông, kẻ đã đẻ ra nó, bế nó lên từ ruộng bùn giữa ngày mẹ nó đi cấy thuê ư?

Sự phẫn nộ về nó đã trào lên hàng chục trang thư ông viết từ hôm Công ở binh trạm, nhưng ông lại gấp để ở đáy xà cột. Đến hai ngày sau ông thấy quyết định giữ lại lá thư đó là đúng đắn. Cái tính cách xung đột ấy vẫn tồn tại trong người ông. Một sự rung động nhạy bén và mãnh liệt đang trào lên ngùn ngụt. Nhưng khi nó gần bật tung ra thì con người thứ hai trong ông như một bàn tay thần kì miết kín nó lại, kìm nén nó một cách thuần thục.

Đến bây giờ, con người thứ hai, bàn tay thần kì ấy không thể miết kín sự rạn nứt và sâu xa trong tình cảm của ông. Cặp mắt nóng lên bừng bừng, ông đứng dậy định làm việc gì đó, song ông lại chạy về phía đầu giường như vồ lấy chiếc máy điện thoại. Từ đầu dây bên kia, binh trạm trưởng như hiểu được tâm trạng chính uỷ, giọng bình tĩnh hỏi lại:

- Anh Văn nè, anh có tin tui mần công việc tốt không?

- Anh đừng hỏi thế, tôi khổ tâm lắm.

- Tui hiểu. Tui hiểu đó anh. Chừ anh phải lo điều trị cho mau lành. Chuyện tui đừng nghĩ nhiều anh à. Chứ ra chỉ có cách mần tới, không thể nghĩ khác. Anh ngủ đi, tui bắt đầu cho thằng xê ba vượt, chờ tui sáng mai nghe anh!



Buông ống nói, chính uỷ ngả người vào vách đất. Một chân duỗi, chân kia co lên. Cứ ngồi như thế, lặng lẽ như thế đến quá nửa đêm, ông lấy giấy viết thư cho con. Dường như "hai con người" trong ông lúc này đã nhập là một, ông viết mải miết, từng hàng chữ hiện ra vội vã, vẫn tưởng không chứa đựng hết sự suy nghĩ và tình cảm của ông lúc này.

"... Trong lá thư anh nhờ Công chuyển, có hỏi tôi một câu là: "Tôi, em Bình Nguyên và các chiến sĩ của chúng ta sống ở Trường Sơn như thế nào và tình hình sức khoẻ ra sao?". Tôi xin trả lời ngay anh rằng, trong họ có những người khoẻ, có những người sốt rét và bị thương, nhưng khi cần, họ vẫn ra mặt đường cả. Mặt đường ở đây là chiến hào tấn công mà? Còn họ sống như thế nào ư? Thật khó nói với anh về điểm này. Tôi chỉ nói về ý nghĩ của tôi thì có thực tế và dễ nói hơn. Hiện tôi đang bị thương, điều trị ở viện. Ở viện rỗi rãi thành ra nghĩ rất nhiều, nhưng chung quy tôi chỉ nghĩ một điều đơn giản thế này: Mỗi chúng ta dù ở chiến trường hay ở hậu phương cũng đều phải sống như thế nào đó để tự khẳng định mình. Tự mình khẳng định tư thế của mình, đất nước mới tìm được cái thế đứng thẳng, vững chãi. Mỗi phút chúng ta sống phải để chảy vào tim óc ta, chảy vào dòng máu lưu thông của ta một câu hỏi rằng: "Vì lẽ gì máu chúng ta đã đổ và nước mắt chúng ta chảy dọc hàng mấy nghìn cây số suốt ba chục năm qua. Suốt ba chục năm, không có ngày nào lành vết thương, không có ngày nào khô nước mắt, không có ngày nào im tiếng súng vì những ham muốn cuồng vọng vô tận của bọn giặc ngoại xâm. Với sự thông minh của mình, anh hãy nhìn vào trán mẹ anh, anh sẽ nhìn thấy dấu vết sâu hằn của một người đàn bà bình thường đã sống trong sự chịu đựng dai dẳng như thế nào? Nếu anh hỏi mẹ anh có mong đợi không, chắc mẹ anh sẽ oà lên khóc và hỏi lại: Có phải bố con và em Bình Nguyên sắp được về phải không? Và, nếu anh hỏi là tôi có thích ở trong rừng sâu với những cơn sốt rét triền miên và tiếng bom Mỹ nhiều hơn lá rụng không? Tôi sẽ trả lời anh: Tôi không muốn. Các chiến sĩ của ta đều trả lời như thế. Và, phía sau họ là những người đàn bà chờ đợi. Nhưng vì sao họ vẫn đi, đi mải miết, đi quên tháng năm, quên chặng đường dài hay ngắn và họ hành động kiên quyết và bền bỉ.

Với thực tế quanh tôi hôm nay, đêm mưa rừng này tôi có thể nói với anh rằng họ đang sống như bão, hành động như bão táp mà lại vững chắc như cây rừng đấy. Vì sao nhỉ? Tôi không thể giải thích đầy đủ được. Không ai có thể giải thích bằng những lời lẽ trôi chảy, duyên dáng được đâu. Tôi chỉ nghĩ, có lẽ họ cũng như tôi là sống ở đây thấy thương nhau quá. Yêu nhau và yêu lý tưởng cao đẹp những ngày này quá. Tình yêu thương và lý tưởng thật cụ thể, chân thành. Thương bố mẹ, vợ con, đồng đội mình quá. Điều này dễ hiểu thôi. Có thương yêu mạnh mẽ như thế thì mới dám hi sinh một cách nhẹ nhàng, thanh thản. Cũng như tôi, tôi thương mẹ anh, thương những đứa cháu của tôi nên tôi không muốn họ phải nối thêm những dòng nước mắt đang chảy, những dòng máu đang chảy. Tôi muốn mẹ anh, con anh và cả tôi, cả anh, chúng ta được sống trong một dân tộc đã được khẳng định, khẳng định mãi mãi. Ngoài ra, tôi còn có lòng tự trọng của một chiến sĩ, lòng tự trọng của một người dân của đất nước chưa hề khuất phục bất cứ kẻ xâm lăng nào. Vì lẽ đó mà tôi, người cha của anh đã gần sáu mươi tuổi vẫn đi, đi say đắm suốt ba chục năm nay chưa hề có phút nào ân hận, nuối tiếc.

Đáng lý ra đó phải là niềm kiêu hãnh trong tôi, trong gia đình chúng ta. Nhưng anh hiểu không, mấy năm gần đây trong tôi thấy nhói đau, đau buồn một cách thực sự. Vì sao, anh hiểu không? Có hiểu không anh? Vì một nhà trí thức trẻ, thông minh một cách láu cá, khôn ngoan một cách ích kỷ lại chính là thằng con tôi chứ không phải ai khác. Anh đã sống như thế nào trong mấy năm qua? Đừng nói dối tôi. Tôi không thể chịu đựng được những câu trả lời đầy mưu mẹo, ranh mãnh đâu. Chao ơi, cái chân của tôi nó buốt quá rồi, tôi không viết được nữa. Hãy trả lời đi! Trả lời bố đi. Con hãy nói rằng con sẽ sống như thế nào giữa những năm tháng này!...


Каталог: UserFiles -> RadEditor
UserFiles -> PHƯƠng pháp viết nghiên cứu khoa họC Ứng dụng sư phạM
UserFiles -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFiles -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFiles -> BỘ XÂy dựNG
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFiles -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFiles -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
UserFiles -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
RadEditor -> BẢn thảO ĐẦu tiêN (để bổ sung/góp ý) thông tin đÓng góp về XÃ HỘi dân sự TẦm nhìn asean 2025

tải về 2.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương