22  leâ LÖÏu tieåu thuyeát  23



tải về 2.23 Mb.
trang17/22
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2016
Kích2.23 Mb.
#32030
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22

2
Từ khi chuyển vào sâu, bãi xe của đại đội ba nằm trong khu rừng săng lẻ. Đấy là những thân cây gân guốc đứng sừng sững trông như cột đá. Ở xa tưởng đó là vườn ổi: Cũng vỏ cây phồng rộp bong lổ đổ, cũng những lá dày úa giòn và trút lá về mùa đông. Đến gần, mới nhận thấy ở quanh thân là những vết sẹo hằn sâu.

Chỉ sau vài ngày nó trở thành bãi xe, những thân cây đã nhoe nhoét mỡ và dầu xe, những vết dao vạc hoắm vào thân nham nhở. Phía trong cái lớp vỏ xanh nhợ là thân cây màu ghi hồng, mềm như thịt ngan luộc chưa chín. Vạc lớp "thịt" cây ra, lính lái xe nhạy bén và tò mò đã nhận thấy lõi cây vô cùng rắn ở thớ ngang, nhưng thớ dọc có thể vạc, bóc đi từng lớp, cháy xèo xèo. Nó là nguồn nhóm lửa hiệu nghiệm trong những ngày mưa, không cần đổ xăng. Vạc cây đem nấu chán rồi, lính bàn chuyện mai kia hoà bình đẵn hết săng lẻ về đóng tàu biển, làm cầu nhảy ở bể bơi, làm đóm hút thuốc lào, thôi thì đủ thứ tác dụng.

Khi ấy, Trường đi suốt năm đêm liền, đi trong mưa mù đặc như sữa. Cuối đêm thứ năm nghe tiếng nước róc rách chảy về phía tây, tự nhiên Trường cảm thấy sự khô ráo đã ùa vào buồng lái. Và, khi trời sáng anh nhảy toé xuống nền đường kêu: "Mày ơi, các cậu ơi, mùa xuân rồi!". Hai chiến sĩ đóng sầm cửa nằm kềnh dưới chân đại đội trưởng, giữa con đường đất đỏ như son. Họ ngửa mặt, há miệng như để đang uống lấy dòng ánh sáng dịu dàng rót qua những tán lá rộng của cây lim mốc xuống, mát rượi ở cổ họng. Phía sườn đồi bên kia dậy lên từng triền lá dong bát ngát xanh, khiến một cậu chồm dậy ôm lấy Trường: "Tết rồi, đại đội trưởng ơi!". Dù biết rất rõ lúc này mới là đầu tháng mười một âm lịch, Trường vẫn cảm thấy quang cảnh chợ phiên tết la liệt lá dong. Trường cũng reo: "Tết thật rồi. Tớ cho cậu hái lá dong đánh xe về quê cho bà cụ gói bánh cậu có đi không?" – "Em "bay" ngay. Nhưng sao đường này nó ít đánh thế thủ trưởng?" - "Đường này mới, chưa phát hiện được, hoặc nó đánh không xuể nữa" - "Đoạn này kín ta xin đi ban ngày thủ trưởng ạ!" - Ý kiến ấy Trường đem đề nghị với trạm điều chỉnh đường, được họ chấp nhận một cách dễ dàng. Cũng không ngờ chỉ qua một rừng le dày như nêm cối, một rừng nứa ngả suồn suột ra mặt đường là đến lối rẽ vào rừng săng lẻ.

Người gặp đầu tiên là binh trạm trưởng Lan. Sáng nay phổ biến mệnh lệnh xong, ông đi dọc suối ra đường chính. Nghe tiếng xe đầu tới nặng ì ì ông chạy bổ lên mặt đường và cứ thế chạy ngược lên đầu dốc. Chờ chiếc xe đi tới, ông ra hiệu dừng lại, ném lên một câu hỏi phẫn nộ:

- Thằng cha nào vô kỉ luật thế hả?

Chiếc xe chưa dừng hẳn, Trường đã nhảy xuống nhao tới ôm ngang người ông.

- Thủ trưởng ơi!

- Ủa, thằng Trường, tau tưởng phải hai đêm nữa mi mới vô tới.

- Tranh thủ trời rợp và đoạn đường kín chúng tôi đi cả ngày.

- Mấy thằng cha công binh liều mạng, giải quyết bừa. Thôi được, mi vô rứa là kịp thời. Bà cụ có khoẻ không?

- Khoẻ lắm thủ trưởng ạ.

- Tổ chức ra răng, kể tau nghe.

Trường vừa bóc điếu thuốc Điện Biên vừa đáp uể oải:

- Chuyện dài lắm thủ trưởng ạ. Thủ trưởng hút thuốc đi, lúc nào tôi sẽ báo cáo chi tiết.

- Dài chi lại không kể được. Tau chỉ hỏi mi mần ra răng, thâu tóm gọn gọn thôi.

Trường ngập ngừng rồi đáp nhanh như thể cái tiếng đó đừng vang lại với mình nữa:

- Cô ấy lấy chồng rồi.

- Nói chi bậy mi.

- Ở nhà, có tin đồn tôi đã chết cách đây năm năm. Bà cụ tôi bắt cô ấy phải đi lấy chồng. Cụ sợ cô ấy "ở vậy" cụ càng khổ sở thêm. Bây giờ đã có cháu được bốn tháng.

- Mi có đùa tau không Trường?

Im lặng. Ông nhìn hai mắt anh, nét mặt anh dại đi như thể vừa phạm một lỗi lầm. Đi một quãng, tự nhiên ông gắt xẵng giục:

- Bảo các cậu ấy cho xe về bãi đi.

- Thủ trưởng lên xe về luôn.

- Mình với cậu đi bộ.

Hai người đi chập chõm con đường dọc suối. Lâu lắm ông mới hỏi một câu rất ngỡ ngàng:

- Chừ mi định ra răng?

Đã biết nhiều khi ông cứ hỏi đột ngột thế này, lúc này Trường vẫn không hiểu ý ông định hỏi điều gì. Trường gặng lại:

- Thủ trưởng bảo gì ạ?

- Tối nay xuất kích. Lần ni "chạy thẳng".

- Tôi xin đi ngay thôi ạ.

- Tau muốn hỏi mi, hoàn cảnh rứa nói với anh em chuyện riêng của mi ra răng? Cả đại đội nó đang mong để mừng cho mi.

- Tôi cứ nói là đã tổ chức rồi, mời anh em hút thuốc.

Ông đứng lặng một lát:

- Láo. Tầm bậy. Mình mần chỉ huy răng lại đánh lừa anh em.

Hai người im lặng, đi. Rồi ông giảng giải:

- Không lãnh đạo, cũng sẽ ảnh hưởng đến khí thế đơn vị - Ông quay lại nói nhỏ như áp tiếng nói vào mặt Trường: - Nhưng tau hỏi, mi còn buồn không đã?

- Còn. Nhưng tôi sẽ nén lại, thủ trưởng không lo. Ngay từ hôm đầu tiên ở nhà thấy tôi về cô ấy ngất đi, cả phố huyện xôn xao, người ta đổ xô đến nhìn mặt mình xem thế nào, tôi cũng không để cho ai biết nữa là... Lát nữa tôi chỉ cần nói là bà cụ cô ấy vừa mất. Mà bà cụ mới mất cách đây một tháng thật. Vì thế phải hoãn lại. Rồi sau sẽ giải thích dần.

- Rứa cũng ổn. Còn mi mệt, có thể hãy nghỉ chuyến này đã Trường.

- Tôi đi thôi. Hôm mới về ngủ dậy, tôi nhìn gian lán cứ tưởng như nhà mình vừa có người chết. Lúc này ở nhà không chịu được đâu.

- Tuỳ mi. Chuyện ni phức tạp đó. Ở phía đông mi chưa gặp thằng AC130. Thằng cha ni gian ngoan lắm. Có máy khuếch đại hình ảnh bốn mươi ngàn lần, máy chiếu sáng mục tiêu, rađa theo dõi mục tiêu, dùng tia la-de và các súng 20 ly 7, 62 ly, 105 ly. Đến mười lăm, mười sáu thằng lái và nhân viên kỹ thuật thay ca nhau bắn phá mục tiêu hàng chục giờ liền. Chuyến vừa rồi thằng xê bảy bị nó đốt quá nửa, xê tám mất một phần ba, nói chung chưa đội hình nào chót lọt. Tâm lý lái xe chờn thằng này lắm. Xe tắt máy rồi chỉ cần ống xả còn nóng nó cũng bắt và dùng tia hồng ngoại bắn trúng. Tình hình rứa, anh Quang Văn phải đi với 702, tau theo xê ba.

Câu chuyện giữa hai người bỗng chốc thành một cuộc giảng giải về tính năng lợi, hại của thằng AC130, một thủ đoạn mới của địch. Khi về đến bãi xe Trường lại nghe tiếng đại đội phó đang nói về AC130, Trường chưa hình dung hết các thủ đoạn của nó, những trang bị tối tân của nó, nhưng lính lái xe đã nghe nghiêm túc thế kia, giở sổ ghi chép chăm chú thế kia chắc là không bình thường. Về lán, anh vừa cởi nắp ba lô lôi hết mọi thứ thư từ của các gia đình gửi, vừa nghe bài giảng của đại đội phó như một cậu học trò ham mê. Đến giờ nghỉ các chiến sĩ chạy toá từ bãi xe dưới gốc săng lẻ vào lán anh ngồi, anh mới giật mình luống cuống bày mọi thứ ra giường. Đầu tiên, người nào chạy đến cũng vồ lấy ngang người anh, hai tay vòng ra sau vỗ bộp bộp vào lưng. Người đến sau không còn chỗ để vồ lấy thì cầm cánh tay, đập đập vào chân, quanh người anh bọc kín bằng những bàn tay. Bàn tay nào cũng chạm vào người Trường rồi mới vồ lấy đống thư đã bị bới tung toé đầy giường ban chỉ huy đại đội. Nắm chắc lá thư vừa đọc qua loa, họ lục vấn anh biết bao nhiêu chuyện, khiến anh không biết sẽ trả lời ai, trả lời câu gì. Nhưng rồi những câu hỏi cấp thiết cũng lần lượt được giải đáp mặc dầu câu giải đáp đó là: Không biết, không qua, không gặp, không có... Còn ở hậu phương thì đại khái là tàu hoả vẫn chạy trên các đường. Kem ở "Bốn mùa" hai hào một cốc ngon hơn kem thường rất nhiều. Nam Định bị bom nặng nhất là khu Ga. Trụ giữa cầu Hàm Rồng vẫn còn nguyên. Hải Phòng cũng bắt đầu có trẻ con bơm xe đạp ở ngoài đường. Tân Phong Thái Bình chăn tằm bằng máy. Ở Hà Tây có cậu học sinh lớp một làm hết bài tập toán lớp mười, v.v... Có chuyện anh được chứng kiến, có chuyện chỉ nghe trên đường, có chuyện giải thích cặn kẽ, có cái chỉ thông báo như một mẩu tin, nhưng gian lán lúc im lặng phăng phắc, lúc reo hò như muốn vỡ tung ra. Vài giờ sau cái khối người chật chội ấy mới tản ra quanh các gốc cây, đầu xe đọc lại những lá thư mới xé ra đọc lần đầu và tán tụng nhau tin tức vừa nghe Trường kể.

Ở dưới gốc cây săng lẻ ba chạc cạnh phuy nước của ban chỉ huy có ba cậu đứng quay mặt vào lưng nhau như một đội hình vòng tròn, nhưng không trông thấy nhau. Người thứ nhất ngửa mặt soi lá thư xem còn chữ nào chưa lộ ra hết, còn chữ nào cậu ta chưa nuốt được vào cái miệng đang cười cười.

Người ở ngách thứ hai nắm chặt lá thư ở tay gục đầu vào thân cây, hai vai rung rung. Anh chàng đứng ngách thứ ba chốc chốc lại đọc, đọc vài chữ xong, buông thõng tay, nét mặt đăm chiêu. Không ai bảo ai cả binh trạm trưởng và Trường đều đứng lặng trên sườn lán nhìn ba chạc của cây săng lẻ. Binh trạm trưởng thở dài: "Trăm người, trăm cảnh, thằng mô cũng có chuyện". Ông nói to lên như một mệnh lệnh:

- Ủa, chúng mi. Có chi vướng mắc phải tự dẹp lại để đêm đi. Suy nghĩ chi buồn phiền cho mệt con người nghe!

Còn Trường vẫn đứng yên. Anh tự hỏi mình: "Liệu như thế có ảnh hưởng gì đến lệnh xuất phát đêm nay không? Chà, mình lại gây rắc rối thêm. Biết làm thế nào! Cái gì đã xảy ra ở phía sau ấy rồi cũng sẽ đến với họ kia mà! Cũng như đã có thằng AC130 xảo quyệt dù không nói với anh em, trên đường đi cũng sẽ gặp nó. Điều quan trọng là mình phải giành giật với nó, phải vượt qua nó bằng cách nào?".

Dù sao, anh đã thấy dội lên một nỗi lo lắng về chuyến đi dài đầu tiên đêm nay của mình kể từ đầu mùa mưa.




3
Quả thật, lính lái xe đã bắt đầu hoang mang. Xe vừa dừng, nghe tiếng nặng ì ì giống tiếng thằng "đầu tời" lên dốc thế là tất cả lao ra, tiếng kêu vang rừng: "Thằng "xin thùng". "Xin thùng" đấy. Chạy xa ra".

Mới có hai chuyến đầu mùa, toàn binh trạm "đốt" gần trăm xe rồi. Những ngày gần đây nó biết tác dụng ngăn chặn của nó, đêm nào cũng "canh" từ chập tối đến sáng.

Đội hình xe xê ba chờ năm đêm nay vẫn chưa đi được. Bộ Tư lệnh đã điều pháo tăng cường các trọng điểm, nhưng phần lớn pháo chưa "với tới" độ cao bốn, năm nghìn mét. Mà có trúng cũng rất khó rơi, thành ra nó vẫn mặc nhiên quần đảo.

Đêm nay quyết tâm của Bộ Tư lệnh cho đi cả hai đường. Binh trạm trưởng vẫn đi với xê này ở đường chính, con đường hai chuyến trước xê ba đã bỏ lại gần nửa số xe của đơn vị.

Cũng may thằng Trường đi chuyến này, dù chưa có kinh nghiệm "trị" thằng AC130 nhưng nó hiểu chiến sĩ và có nó, anh em vững tâm hơn.

Trường đến cạnh binh trạm trưởng đang ngồi dưới gốc cây săng lẻ. Anh xin ông cho lệnh xuất phát. Chưa kịp để ông trả lời, anh tiếp luôn:

- Chúng tôi vừa hội ý ban chỉ huy. Anh Minh chính trị viên đi đầu, đại đội phó kỹ thuật đi cuối, còn tôi đi giữa.

Ông ngửa mặt nhìn Trường. Cái nhìn như cười: "Anh sắp đặt khéo đó. Chắc tui, anh cũng để đi đầu hoặc cuối chứ gì". Trường rất tinh ý nhận ra câu hỏi im lặng đó, anh cũng cười rất vui vẻ:

- Chúng tôi cũng đã bố trí thủ trưởng đi đầu tiên xe của cậu Vũ.

- Nếu tôi lấy danh nghĩa binh trạm trưởng bác bỏ sự phân công như thế có được không?

- Báo cáo, nếu thủ trưởng bác, cho phép tập thể chúng tôi được trình bày lại.

Hừ, thằng cha láu cá. Nó định đem tập thể ra để buộc ông phải chấp nhận ý định của nó đấy. Thực tình, nếu như trước đây chả có gì đáng nói, trong cách sắp đặt đó. Và, ông cũng sẽ làm như nó. Nhưng những ngày này ông muốn nói với nó một câu thật tình cảm: "Tau không thể nào yên lòng để mi đi như rứa". Ông không nói ra được những lời êm ái, ông cứ đành ngồi im nhìn vào quyển sổ công tác trước mặt.

Ông hiểu hơn ai hết trong đội hình xe hành quân, thằng đi giữa như một cái võng, bom đạn chuội dồn vào đấy. Anh muốn vượt lên, vướng những xe trước, anh dừng lại thì ùn ở phía sau.

Thằng đi đầu cần sự táo bạo thông minh. Đi cuối phải giữ rất nghiêm kỷ luật, mệnh lệnh, thằng đi giữa có cả hai đức tính ấy. Nhất là những ngày gần đây dựa vào "cây nhiệt đới", hồng ngoại tuyến và từng bày trinh sát, thằng địch có thể biết rõ ta đang qua suối hay vượt dốc, chúng dùng lối "khoá hai đầu" dồn đội hình xe để chụp thì thằng chỉ huy đi giữa sẽ bị động rất nhiều.

Ngày trước, khi ông biết thằng Trường đi giữa đội hình là ông yên tâm thằng cha còn biến hoá lúc đi đầu, lúc đi cuối, tuỳ thuộc vào thủ đoạn thằng địch và tình hình mặt đường. Dù những ngày hiểu lầm nó, ông cũng vẫn công nhận thằng cha mần được việc.

Nhưng tự nhiên hôm nay ông không muốn chấp nhận yêu cầu của nó. Không hiểu tại sao nữa. Chỉ biết tình cảm của ông lúc này là như thế. Cái tình cảm đó ông vẫn giữ trong người, nó biết hay không, chẳng cần thiết. Nghĩ đi là thế. Nghĩ lại, ông không nỡ bác bỏ nó. Lẽ thứ nhất, nó đi giữa đội hình cũng vững hơn trong khi cái tâm lý ngại thằng AC130 vẫn còn nhiều trong chiến sĩ. Hai nữa, có lẽ nó cũng như ông lúc đau đớn mà mần công việc có vẻ dễ dàng, nhàn rồi thì như lòng tự trọng của mình bị xúc phạm. Thằng cha nghĩ rứa cũng là phải. Ở đời này ăn thua là ở chỗ đó. Thằng cha mô nhát gan thì vừa bị một vết thương đã nhắm nghiền mắt lại để rên la với bao nhiêu câu hỏi luẩn quẩn: "Vì đâu? Tại sao? Trời ơi, giá mà... Chỉ vì..." Trả lời cho những rắc rối ấy là sự rùng mình hoảng sợ, phải chạm đến vết thương thứ hai.

Còn như thằng dám tự lo lấy vết thương, dám nhìn vào sự lở loét của nó, là những kẻ yêu quý, trân trọng ham mê cuộc sống đó. Còn yêu lắm, có say sống lắm mới dám nhìn rõ ràng từ cội nguồn cái chết để cứu chữa, để làm ra sự sống. Vết thương da thịt hay vết thương lòng cũng rứa cả. Thôi được đó. Tau ủng hộ ý kiến mi đó Trường. Mi cũng như tau, như thằng Vũ, như cô Ngà đều có vết đau cả. Nhưng chúng ta đều biết tự làm dịu lành lại, chúng ta nhìn nhau mà sống, mà chiến đấu, nhìn bà con cô bác "trong kia" mà thêm sức gắng chịu, thêm sức vượt lên như đêm nay mi quyết định xin được đi giữa đội hình. Tau hiểu thêm mi rồi đó. Cũng như tau hiểu cái lý do để chúng ta sống với Trường Sơn hàng chục năm mà lúc nào cũng như một sợi dây rất căng, nối giữa hai đầu cuộc kháng chiến của cả nước. Dù búng rất nhẹ ở bất cứ đầu nào thì sợi dây cũng rung. Nhưng cái diệu kỳ là rung càng mạnh thì bật càng cao, chưa hề bao giờ đứt. Đó, mi hiểu ý nghĩa quá chứ Trường. Tau tin các chiến sĩ ở đại đội mi, ở binh trạm, ở cả tuyến đường ni, họ đều hiểu và hành động như rứa.

Binh trạm trưởng để Trường ngồi lại, đi lững thững nghĩ triền miên bao nhiêu chuyện và chờ lệnh hành quân của Tư lệnh 601. Gần năm giờ chiều, chiến sĩ ở trạm chỉ huy giao thông mới chuyển mệnh lệnh tới ông.

Trường tập hợp đơn vị phổ biến lệnh hành quân. Đây là lần thứ ba trong buổi chiều Trường tập hợp đơn vị phổ biến mệnh lệnh. Lần thứ nhất Tư lệnh 72 điện lúc mười ba giờ cho biết: "Đúng mười lăm giờ ba mươi đại đội ba hành quân theo đội hình đại đội đến H3 giao hàng và nhận xăng đến Z4 chờ lệnh". Mười bốn giờ ba mươi Tư lệnh 601 lại truyền lệnh: "Quy luật hoạt động của địch đã thay đổi. Đại đội ba xuất phát lúc mười bảy giờ mười lăm đến H1 giao mười lăm xe gạo, nhận sáu mươi tấn hàng từ H1 đến Q30. Số xe gạo còn lại giao ở N17 rồi quay về". Mười lăm giờ điện tiếp của 601 như sau: "Đại đội ba cho dỡ toàn bộ hàng tại K7, bốc một trăm tấn hàng "H" ở X2. Đúng mười bảy giờ ba mươi xuất phát từ K7. Tiếp tục chờ mệnh lệnh bổ sung".

Phản xạ thần kinh vốn đã quen những mệnh lệnh thay đổi đột ngột trên đường đi. Và nhận rõ sự xảo quyệt nham hiểm của kẻ địch, họ cũng vững tâm về một hệ thống chỉ huy rất chặt và sát sao. Hàng nghìn chiếc xe trên các ngả ra đi đêm nay đều được chỉ huy một cách cụ thể như thế. Trường phổ biến hướng đi, khoảng cách giữa các bê và giờ tới địa điểm, v.v... Xong mọi việc, anh đứng ngẩn người rồi đột nhiên nói có vẻ hăng, nhưng hình như không có chuẩn bị trước:

- Nhiệm vụ của chúng ta rất khẩn trương mà thằng địch lại ngăn chặn rất quyết liệt. Đại đội cho phép đồng chí nào thấy hoảng sợ khi bị địch tấn công vào đội hình thì tránh ra cho xe sau vượt lên.

Các chiến sĩ nhìn nhanh lên đại đội trưởng rồi nhìn nhau. Trường thấy hơi chột dạ về câu nói của mình. Anh định giải thích thêm nhưng binh trạm trưởng, chính trị viên và cán các bộ trung đội ở trong lán bàn phương án về công tác chính trị đã trở lại. Binh trạm trưởng ra lệnh xuất phát.

Trong nháy mắt tiếng máy đã nổ ầm ã, tiếng còi nghe náo nức, cả khu rừng săng lẻ chìm trong tiếng máy và những lòng suối chao dập dềnh. Khi những chiếc xe rú ga lao trệu trạo trên các ngầm đá lổng chổng, mặt suối chao nghiêng.

Đã gần ba tháng trời, hôm nay Trường lại đi trong không khí rầm rộ của toàn đại đội. Nhất là sau hai tháng về hậu phương, chuyến đầu tiên trong đợt tổng công kích mùa khô này anh vừa thấy mới mẻ một sự háo hức, vừa mới mẻ một nỗi lo trên chặng đường lạ với một thủ đoạn mới của địch, chưa quen.

Thằng AC130 sẽ xuất hiện bằng những dấu hiệu cụ thể như thế nào? Cái ưu thế mạnh nhất của nó ở chỗ nào? Nó có cái yếu gì không? Chưa có tài liệu nghiên cứu, cũng chưa giáp "mặt", Trường chưa hình dung ra hết. Nhưng có lẽ vì đối phó với nó quá căng thẳng nên có chiến sĩ đã làm một việc không thể ngờ tới được.

Lúc xe vừa qua ngầm bỗng dưng chững lại. Anh chạy lên phía trên đội hình của trung đội một thấy cô gái chừng mười tám, mười chín vác khúc gỗ khá nặng. Chắc mang về làm cột nhà "sân thượng". Cây gỗ nén trên vai làm khắp người như chùn lại. Cô lội dưới suối xiêu vẹo, vác đi qua đầu xe, rồi lại thấy vác quay lại. Cô nghiêng khuôn mặt ngây thơ sợ sệt nhìn lên xe. Từ trong buồng lái, cậu chiến sĩ giữ vô lăng quát toé lên như hai dây điện chập mạch: "Vác quay lại nữa, đủ chín lần". Cô bé lại sợ sệt làm theo. Người cô chúi đi, tưởng cây gỗ đè xuống đến gãy xương. Trường vội nhao xuống đỡ, nhưng cô đã dậy được.

Trường hỏi ra mới biết khi xe đến đầu ngầm gặp cô vác gỗ đi ngang qua, thế là lái xe quát ầm ĩ: "Đồ giặc cái. Ngu thế. Không nghe tiếng xe hay sao mà đàn bà con gái lại qua đầu xe? Muốn tốt lành vác đi vác lại chín lần trả "vía" đi!".

Hiện tượng đó đáng phê phán nghiêm khắc. Trường định đến chặng nghỉ sẽ cho đơn vị tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm. Nhưng đấy chỉ là hiện tượng đang được bộc lộ. Liệu trong tâm tư mỗi chiến sĩ còn đang bị cái gì ám ảnh nữa không?

Xe vẫn đi trong lúc nhập nhoạng của ánh trăng đầu tháng. Mười lăm phút sau AC130 bắt đầu hoạt động.

Lệnh của binh trạm trưởng truyền xuống:

- Khẩn trương vượt!

Vừa dứt tiếng gào truyền qua xe Trường, đã nghe tiếng "phịt, phịt, ùm ùm" như nhà ai đổ khoai vào hòm ngay trước đầu đoàn xe.

- Bình tĩnh - Trường nhắc chiến sĩ lái xe mình và anh cho tiếp cận để giữ vững đội hình.

Từng tràng súng hai mươi ly "tắc tắc, bùm bùm" nổ chát chúa ngay trước mũi xe, đạn toé sáng như có ai tát đột ngột vào mặt. Một vạt lửa bùng sáng. Xe phía trên cháy rồi. Trường nhìn ra bên đường đã thấy một chiếc dẹp vào rừng. Anh quát: "Vượt!". Nhưng lái xe đã chạy biến đi đằng nào.

Lại chiếc thứ hai, thứ ba vắng lái, xe dạt ra rìa đường. Đám lửa bùng cháy to hơn. Thùng xăng cháy rồi. Tiếng súng cối oành oành điểm nhịp cho tiếng tắc bùm vang lên túi bụi. Chúng nó quần quanh chiếc xe cháy. Nhưng mỗi lần chúng "rẹt" xuống, pháo ta nổ đanh, ráo riết làm chúng bắn vung vãi vội vàng nâng độ cao. Quầng lửa bốc lên, nhìn rõ rừng khôộc trống trải, đám cỏ tranh bạt ngàn dưới gốc bén lửa, đám cháy loang ra, Trường nhìn rõ ba chiếc xe cháy ở phía trước. Anh nhảy qua bên tay lái, đổi chỗ cho người chiến sĩ. Anh rẽ vào bãi cỏ cho xe vượt lên. Những quả đại bác 105 ly vẫn cối quanh chiếc xe cháy. Đạn 7 ly 6, 20 ly, 40 ly vung ra như ném mạ veo véo qua tai và đục toang toang trên nắp máy, ở góc buồng lái. Anh vượt qua đám cháy. Tiếng binh trạm trưởng ở cạnh đường quát:

- Trường à? Đâu cả rồi?

- Nó chặn đường không lên được!

- Chui cha. - Giọng binh trạm trưởng như bị hai hàm răng xiết lại.

- Có lửa cháy, hồng ngoại tuyến mất tác dụng. Cho vượt qua lửa. Không nghe lệnh tui à?

- Có ạ.


- Răng không cho lên.

- Anh em họ sợ, bỏ chạy cả rồi.

- Cha, cha! Chứ mần răng?

Lúc này Trường mới nhớ lời nói của mình khi phổ biến mệnh lệnh. Lại thêm cái ám ảnh "gặp đàn bà". Thế là hai trung đội ở sau chỉ lên được có năm xe thì cháy một. Còn tất cả đã tránh ra cạnh đường như anh nói những câu cuối cùng hồi chiều! Bây giờ cứ dọc đường nó quét, "đốt" hết mất. Mồ hôi anh toá ra ướt đầm người. Vừa giận mình, vừa bực chiến sĩ, người anh run lên.

Binh trạm trưởng đã bình tĩnh lại. Trường đề nghị:

- Tôi sẽ tưới xăng đốt một đường khác trong rừng khôộc.

- Mần chi lạ vậy.

- Làm mất tác dụng hồng ngoại tuyến và cho nó đánh theo con đường mới mở để đường chính anh em bình tĩnh lại, đi tiếp.

- Phiêu lưu đó Trường.

- Không còn cách nào khác. Tôi đi, thủ trưởng bảo anh Minh chuẩn bị cho vượt.

Anh cho xe lao rạch một đường mới rẽ ngang trong rừng khôộc và bảo chiến sĩ nhảy lên thùng lấy "ti-ô" hút xăng ở phuy cho chảy theo xe.

Chạy chừng dăm trăm mét, anh định xoè lửa ném xuống, nhưng chưa kịp móc diêm ngọn lửa đã bùng lên ở nơi anh bắt đầu. Anh dấn ga cho xe chạy. Bom máy bay bám lấy anh. Ngọn lửa xăng lem lém chỉ trong tích tắc sẽ trùm lên xe, cả rừng khôộc cháy, ngọn lửa dâng cao phần phật.



4
Người chiến sĩ chạy dọc đường, gào lên lúc chìm, lúc nổi trong tiếng đạn, tiếng động cơ cả trên trời và dưới đất. Có tiếng hỏi lại mập mờ trong cánh rừng le: "Làm sao...ao...a...". Người chiến sĩ gào như khóc:

- Thủ trưởng Trường! Anh Trường bị rồi! Đâu, đâu cả thế này.

Lập tức bốn năm tiếng hỏi nhao ra khỏi rừng. Anh không biết trả lời ai, tiếng vẫn nhoè đi:

- Anh Trường bị thương nặng, nhanh lên.

- Làm sao?

- Anh Trường bị rồi à?

- Anh Trường bị thương các "bê" ôi!

- Đâu rồi, anh ấy đâu?

Người chiến sĩ cùng đi với Trường chạy quay lại:

- Đằng phía này! Hầm "hộ tống" đằng này. Tôi đưa về hầm. Cạnh đường rồi!

Trong căn hầm chữ A chìm xuống lòng đất, qua ánh đèn pin chiếu loa loá Trường đang nằm nghiêng, máu me ướt đầy mặt và quần áo. Y tá băng những vết thương ở đầu, tay và phía lưng xong, anh hơi nhổm dậy. Các chiến sĩ từ đâu chạy đến ào ào từng đợt như sóng tràn vào cửa hầm. Tiếng hỏi hoảng hốt. Tiếng gọi mếu máo. Những câu hỏi không kịp cho ai trả lời và có cả tiếng khóc oà lên. Trường dằn sức nói, nhưng giọng vẫn đứt quãng:

- Tôi còn tỉnh, khỏi thôi... Ôi... ô... Các bê vượt đi. Binh trạm trưởng với bê một đợi... ơi. Rừng đang cháy... Tại tôi lúc chiều. Tha lỗi cho... Đi đi... i.

Tiếng khóc bỗng ầm lên như sau câu nói, Trường không bao giờ trở lại nữa:

- Thủ trưởng ơi, liệu có sao không?

- Anh Trường ơi, tại chúng em.

- Anh ơi, nhỡ...

Trường nhăn mặt, hơi ngước đầu, cố dằn từng tiếng:

- Không chết đâu. Đi đi. Nguy lắm. Nó...

Vũ chạy đến miệng hầm nghe Trường nói những câu cuối cùng. Biết rằng lúc này ở lại đây chỉ làm anh Trường đau nhức thêm. Anh vừa chạy quay ra, vừa gào át tiếng đạn đang nổ:

- Đi đi. Đừng đứng đây. Các đồng chí đoàn viên thanh niên ơi, vượt đi.

Những tiếng quát lại đua nhau bật lên:

- Đi.


- Đi đi.

- Anh Trường ơi, tin ở chúng em.

- Tỉnh lại anh Trường, chúng em lên đây.

- Đi thôi. Nó bám rừng cháy. Ta bám đường, nhanh lên.

- Chúng em đi đây anh Trường ơi.

- Thủ trưởng ơi!

Họ ùa ùa chạy đi.

Bọn AC130 vẫn bám riết, đạn vung ra tiện cây rào rào như gió. Chúng đang bám vào những đám cháy theo gió tạt ra mặt đường. Họ tranh cướp từng giây, vượt. Đội hình bê hai lên. Xe thứ nhất bén đạn bốc cháy. Rồi xe thứ hai bùng lên. Trường vùng dậy nhao ra khỏi hầm. Người lái cùng xe anh và y tá chạy theo. Trường hỏi chỗ xe đang cháy:

- Có sao không?

Cả hai người lái hai xe cháy đều đáp:

- Sống!

Anh chạy tiếp xuống các xe dưới gào lên:



- Vượt. Vượt đi.

Chiến sĩ ở cùng xe anh chạy theo hốt hoảng:

- Thủ trưởng ơi!

- Đừng gọi tôi nữa. Xuống dưới bảo vượt lên. Lên gấp đi.

Nói xong câu đó người anh lảo đảo ngã khuỵu xuống rìa đường. Y tá chạy đến nâng anh dậy, dìu đi.

- Cậu ơi, giữ cho mình đứng dậy. Nguy lắm rồi.

Y tá làm theo, đứng phía sau lấy hai tay đỡ lấy người anh. Ngọn lửa từ hai xe cháy hắt lên soi rõ khuôn mặt anh băng trắng toát và những vệt máu loang đỏ.

Những chiếc xe phía dưới bắt đầu lao lên. Anh giơ tay "xi nhan" vòng vào rừng khôộc tránh xe đạn đang nổ cách đấy có dăm chục mét. Đám cỏ tranh vàng ối ngã rệp thành con đường mới. Những xe khác lên theo vết bánh xe trước, lao đi. Lái xe quát xuống:

- Thủ trưởng ơi có sao không?

- Không. Tranh thủ vượt lên.

Lại ánh lửa bùng cháy ở phía sau. Trường không đủ sức chạy xuống nữa. Người anh lả thiếp, miễn cưỡng để y tá vác về hầm. Không thể nói được câu nào nữa nhưng vẫn nghe tiếng xe đang lao lên và những tiếng quát: "Lên đi!" - "Tranh thủ ánh sáng lên!".

Lần này nằm trong ngách hầm có vẻ rộng hơn, anh duỗi được thẳng hai chân. Không còn nghe thấy gì, lại càng không nói được dù anh vẫn nhận ra y tá và cậu lái xe đang sửa soạn tiêm trợ lực và băng lại vết thương cho anh. Hình như chiếc xe vẫn lên phải không? Có cả tiếng chính trị viên và binh trạm trưởng nữa thì phải. Không hiểu sao cậu lái xe lại kêu lên như một sự xác nhận những phỏng đoán mập mờ của anh. Xe vẫn lên được. Binh trạm trưởng và chính trị viên đã chạy lại cho xe lên rồi.

Cho đến lúc cả binh trạm trưởng và chính trị viên trở lại hầm "hộ tống" của quân y dọc đường thì anh đã xỉu đi hoàn toàn, không còn nhận biết gì nữa.

*

* *



Khi anh từ từ mở được hai mắt thì không nhìn thấy đám cỏ tranh và những cây khôộc gầy khẳng khiu nứt nẻ nữa. Trên phía đầu giường một lọ huyết thanh dốc ngược xuống ống cao su nối với cánh tay anh. Anh đang nằm ở đội điều trị. Đây là đâu? Thuộc binh trạm nào? Xe đại đội anh đêm qua cháy bao nhiêu, còn bao nhiêu, liệu có hoàn thành nhiệm vụ của 601 giao không? Chao ơi, ruột gan như cào lên, anh định nhổm dậy. Khắp người thấy xót, rát, anh có cảm giác mình đã bị mổ, nhưng không rõ ở những chỗ nào nữa. Anh nghe thấy tiếng lào thào: "Tỉnh rồi!". Thì ra anh đã mê từ bao giờ? Anh nhìn lờ mờ có mấy chiến sĩ chạy vào khóc mếu máo. Anh định ngước nhìn. Không tài nào cựa quậy được, chỉ có hai vành môi khô khốc động đậy. Anh cố gằn sức hỏi:

- Tại sao lại khóc?

Tự nhiên những người đang khóc lại cười toá ra:

- À sống rồi.

- Thủ trưởng sống rồi các cậu ơi.

- Thế mọi người tưởng tôi chết à?

- Chúng em tưởng thủ trưởng không còn... được nữa.

- Những ai đấy? Tối qua thế nào?

- Mất bảy, còn vượt được tất. Trạm chỉ huy đường vừa báo điện của Tư lệnh 601 tuyên dương đại đội trước toàn tuyến và cả thủ trưởng nữa. Tư lệnh yêu cầu đội điều trị thường xuyên báo cáo về vết thương của anh.

Trường nằm lặng đi. Hai mắt anh chớp chớp, nỗi xúc động trào lên, anh phải nhắm nghiền mắt lại như đã ngủ, lâu sau mới hỏi lại:

- Sao các cậu lại ở đây?

- Binh trạm trưởng cho một xe ở lại để thu nhặt phụ tùng xe cháy và xem tình hình của đại đội trưởng tốt xấu thế nào? Rồi...

- Xấu gì! Nói với các anh ấy là tôi khoẻ, chỉ mươi lăm ngày về được thôi.

Một tháng sau, những vết mổ se miệng và anh tập chống nạng khập khiễng đi lại.

Anh nhận thư Vũ, nói cho đúng ra, anh vồ được thư nó. Nghe cô y tá réo từ dưới suối: "Anh Trường có thư của người yêu nhé". Anh giật bắn người. Đang ngồi, vội nằm thẳng ra giường, hai mắt nhắm lại như đang ngủ.

Có thư của con gái thật ư? Lý hay Ngà? Cả hai trường hợp ấy đem lại những xáo động rắc rối trong lòng anh, đều không cho phép anh có một tác động nhỏ nào đến những vết thương đang liền lại ấy. Với Lý, dù cô ấy có nhắc nhở, có tiếc nuối bao nhiêu chăng nữa, cũng phải "dẹp" lại cho yên đi. Còn Ngà, thú thật trong những ngày gần đây, nghĩ đến buổi chia tay với Ngà tự nhiên anh thấy tâm trạng mình không thể bình thường, vô tình được nữa. Nhưng... Cũng không thể được. Người chồng cũ đã biết hối hận, đã quyết định chuộc lại tội lỗi của mình bằng chuyến đi Trường Sơn tìm Ngà nay mai. Mọi người trong gia đình Ngà đã tha thứ và khuyên nhủ Ngà nghĩ lại. Bạn bè Công đã tìm mọi cách giúp anh ta. Trình Nhật sẽ biên thư cho chính uỷ nhờ ông hỗ trợ, Ngà cũng đã gầy yếu lắm rồi. Cô ấy cần phải được chăm lo, âu yếm ở chỗ yên tĩnh của hậu phương, của bố mẹ, anh chị. Thôi, tốt nhất là im lặng, kiên nhẫn yên lặng. Không được phép bộc lộ một khía cạnh nhỏ nào trong tình cảm của mình lúc này.

Tiếng cô y tá ré lên ở cửa:

- Anh Trường có thư người yêu này. Ngủ à? Thôi. Kệ ông ấy chiều sẽ hay.

Sợ cô ta đi mất, Trường vội vàng lên giọng, giọng đầy vẻ ấm ức:

- Thỉnh thoảng các đồng chí lại đánh cho bệnh nhân cú tinh thần như thế, có cho ăn vàng, uống thuốc tiên cũng khó hồi phục.

- Không, anh có thư thật, em không nói đùa đâu.

- Nhưng không thể nào là thư con gái.

- Anh bảo của ai. Đặc là chữ con gái. Em nói dối em chết.

- Không, nếu có thư, chỉ là thư cậu Vũ.

- Vì sao anh tài thế.

Anh vụt dậy, bất chấp cả chiếc nạng gỗ, nhao ra cửa vồ lấy lá thư cô y tá đang giơ lên cao.

Suốt một tháng trời bặt tin đơn vị, bặt tin Vũ và những người thân thiết. Ngày nào có tiếng láo xáo ở đâu đó của chuyến thư đến anh cũng khấp khởi chống nạng đi hỏi xem lán nào có thư? Lán nào nhiều, lán nào ít, thư nói những gì? Tình hình vận chuyển ra sao? Chiến dịch mùa khô đã rục rịch gì chưa?

Anh cầm lá thư chống lạng xuống bờ suối tựa lưng vào tảng đá ngửa mặt hứng lấy từng chữ. Đọc hết một lượt lá thư dài tám trang giấy. Anh trở lại từ đầu, lần này như nhẩm từng chữ.

Thư Vũ cho anh biết từ sau hôm anh bị thương đại đội ba còn cháy thêm mười lăm xe do thằng AC130 "đốt". Nó đánh rát đến nỗi hai cậu lính mới bổ sung, giữa ban ngày nằm ngủ cũng hét rầm: "Xin thùng!", "Xin thùng!". Thằng "Xin thùng"! đấy!" rồi vùng dậy cởi võng chạy. Đến lúc một cậu vấp đá ngã sóng soài ở bờ suối, cậu kia đỡ dậy, lúc đó cả hai mới biết là mình mê ngủ. Tuy thế nhưng toàn đơn vị vẫn "khí thế". Anh em đều thấy ân hận là tại họ nên đại đội trưởng mới bị thương và không ai muốn làm cho anh Trường đang điều trị phải buồn thêm.

Vũ còn kể đến chuyện Tư lệnh trưởng 601 đã xuống đi với đại đội ba giữa những ngày căng thẳng nhất. Ông ngồi xe Vũ. Hôm ấy một chiếc đi trước và hai chiếc đi sau đều bốc cháy. Phía sau binh trạm phó động viên: "Vượt, dũng cảm vượt. Không đồng chí nào được bỏ nhiệm vụ". Tư lệnh trưởng thấy nó đánh trúng và rát quá, ông chạy xuống nói với binh trạm phó cho lệnh tránh vào rừng, càng xa đường càng tốt. Tắt máy chờ lệnh. Địch bám đánh các xe cháy xong, chúng không phát hiện được xe đỗ, quá nửa đêm bỏ đi "canh" nơi khác. Đêm đó đơn vị phải nằm lại. Tư lệnh trưởng đi đi lại lại ở mặt đường, hết nhìn lên trời lại cúi xuống, cứ lầm lẫm đi một mình. Đêm sau nữa đơn vị vẫn nằm chờ lệnh còn Tư lệnh trưởng trở về Bộ Tư lệnh tiền phương. Đến một tuần sau thì có lệnh đột ngột làm lính lái xe nhảy lên nắp máy vừa reo vừa gõ bòng bòng và bỏ hết lương khô ra liên hoan. Đó là mệnh lệnh của 601 cho tất cả các đơn vị chạy phía tây Trường Sơn đều chuyển sang ban ngày đi đường "K". Thằng AC130 hoàn toàn bất lực trước quyết định này. Sự hiện đại tối tân của nó chỉ còn một việc điều khiển bom đạn trút chính xác vào những đống lửa nhóm trên các tuyến đường cũ. Chạy ngày lính lái xe "cho qua" bọn B.52. Còn những thằng mù trinh sát thì "khinh mười lăm phút". Những chuyến "chạy thẳng" thường phải ba mươi đêm hoặc hơn, bây giờ chưa đến một tuần.

Chao ôi, sung sướng quá. Trường muốn được chạy ngay về đơn vị để đi những chuyến ban ngày, được nhìn cho tỏ tường, cho thoả mắt, thoả lòng, cho thấy được hết chỗ thấp, chỗ cao của những vòng xoáy lên cao điểm, cho rõ những cánh rừng, rõ những nông sâu của ngầm, của suối trên những con đường mang kí hiệu "K" mở từ bao giờ dài hàng nghìn kilômét.

Còn bạn bè chung quanh, Vũ viết vắn tắt: "Bình Nguyên và Thú đều chuyển vào cây số 33 đường 510, em có gặp một lần. Cô bé độ này khoẻ hơn và cũng "đanh đá" hơn. Rất lo và mong tin anh đấy. Thú đã là xê viên phó, vẫn ở đơn vị cũ. Cậu ấy rất buồn chuyện anh bị thương. Có năm hộp sữa và gói mì chính bồi dưỡng định gửi cho anh, em gạt đi và đe: Đấy là chế độ, không được vi phạm. Cậu ấy cứ ca cẩm là không ở gần để kiếm cho anh ít măng và nấm cỏ tranh. Chị Ngà vẫn ốm. Thấy Thú bảo tóc chị ấy rụng nhiều và ở đình đầu hình như có tóc bạc hay sao ấy. Nghe đâu chị ấy có thể chuyển về "tuyến sau". À, trước khi vào theo đơn vị anh đến thăm chị ấy rồi hai người đi câu cá và rang hạt gắm ăn phải không? Em thấy chị ấy rất dịu dàng mà nghị lực lại rất ghê gớm. Con người ấy đáng để chúng em mến và trân trọng anh ạ!".

Tại sao cậu ta lại kết thúc lá thư như thế? Chuyện đến thăm cô ấy chắc cậu Thú lại thì thầm trịnh trọng với cậu Vũ rồi! Không khéo cậu ta lại đi sắp xếp, vun đắp cho mọi chuyện cũng nên. Không! Không thể được. Không phải anh không biết gì đến những cử chỉ kín đáo của Ngà. Anh biết Thú đã đến thăm cô ta trước đấy, có nghĩa là cậu ta đã than vãn mọi nỗi niềm của anh làm cho cô ấy cảm động nên từ cái nhìn, lời nói, việc làm đều có một cái gì không bình thường. Hoặc tiếng xưng "em" không cần chữa, một câu nói khi anh trả lại chiếc khăn... Tất cả anh đều biết, dù một thằng đàn ông đần độn đến mấy cũng có thể nhận ra sự khác thường ấy. Anh nhận ra cả. Nhưng nỗi bàng hoàng với một kỉ niệm ăn sâu hàng chục năm trời với người yêu cũ chưa thể nguôi vợi, chưa thể lan tới một tình cảm nào khác. Hơn nữa, trước khi trở lại chiến trường anh đã gặp Công, anh ta đã khẩn khoản van nài nhờ "ra tay góp phần!". Không nỡ phá bỏ nó.

Nghĩ vậy anh lại thấy buồn. Một nỗi buồn không biết vì sao, từ đâu cứ tràn ngập quanh người, anh ngồi thượt, cánh tay cầm thư buông thõng xuống. Gió xoè từng trang thư, muốn giở ra đọc lại. Giữ lá thư trong tay, hai mắt anh nhìn lơ đãng những tảng đá màu xám xếp ngổn ngang ở phía bờ bên kia.

Đã gạt đi tất cả rồi nhưng một câu hỏi lại vang lên. "Giả sử cô ta yêu mình thì sao?".

Ngồi mãi không thể nào lý giải được cái câu hỏi đơn giản và rất dễ dàng xảy ra, anh bực mình chống nạng đứng dậy với một ý nghĩ ấm ức: "Yêu làm quái gì nữa cho nó mệt. Thôi, bảo các cậu ấy đừng nhắc đến chuyện vớ vẩn này nữa".

Tưởng đã là dứt khoát. Nào ngờ trên đường chống nạng về lán, anh vẫn thấy trong đầu mình không thể nào thanh thản với sự dứt khoát ấy. Rốt cuộc, anh cũng không thể hiểu hết mình. Dù thế, cái sức mạnh vẫn còn hiệu nghiệm với anh lúc này và mãi mãi về sau ấy là sự im lặng. Tuyệt đối im lặng!
Ch­¬ng XV


Каталог: UserFiles -> RadEditor
UserFiles -> PHƯƠng pháp viết nghiên cứu khoa họC Ứng dụng sư phạM
UserFiles -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFiles -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFiles -> BỘ XÂy dựNG
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFiles -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFiles -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
UserFiles -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
RadEditor -> BẢn thảO ĐẦu tiêN (để bổ sung/góp ý) thông tin đÓng góp về XÃ HỘi dân sự TẦm nhìn asean 2025

tải về 2.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương