22  leâ LÖÏu tieåu thuyeát  23



tải về 2.23 Mb.
trang2/22
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2016
Kích2.23 Mb.
#32030
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22

1
Lúc ấy vào khoảng ba giờ chiều, binh trạm trưởng từ chỉ huy tiền phương báo cho chính uỷ Quang Văn biết: "Đài Hà Nội vừa đưa tin sáng nay cơn bão số năm đổ bộ vào đất liền từ Quảng Bình đến Đà Nẵng".

Trưa nay chính uỷ để đài cho cậu Thú nghe và ông cũng chưa nhận được thông báo của Bộ Tư lệnh.

- Theo kinh nghiệm của anh ở đây lâu, thì tác động của bão đối với khu vực binh trạm ta như thế nào?

- Anh Quang Văn đâu? Thế này anh à: Như anh đã biết bão tiến triển trong vùng biển Đông dù tới địa phận nước ta hay không thì cả hai phía Đông và Tây Trường Sơn đều chịu ảnh hưởng lớn. Vùng liên hoàn trọng điểm của chúng ta ở phía tây cách khá xa biển nhưng cũng sẽ mưa lớn, gây ra lụt anh à.

- Tình hình hàng qua trọng điểm đêm mới rồi thế nào anh?

- Mới lập xong chân hàng ở ngầm Ông Thao như kế hoạch. Thằng xê ba vượt qua an toàn, còn thằng xê hai, hai đêm nay bị nó chặn và trơn lầy không co kéo được ì ạch mãi chưa qua, tui ngán lắm rồi.

- Thằng xê ba khá đấy, anh động viên nó phát huy. Tôi cho bên chính trị làm thông báo biểu dương.

- Thông báo chi anh! Thằng Trường rất bậy, nó "phản ứng" tui, nếu không chừ tui có trăm xe qua rồi. Tui hết muốn mần việc với nó.

- Sao? Lại chuyện gì nữa? Cậu ấy làm hỏng kế hoạch à? Anh trao đổi xem nào.

- Để sáng mai tui về. Chừ anh chờ tui xem thằng dê hai có cách nào qua được không?



Chính uỷ đặt ống nói xuống. Những âm thanh ầm ầm vang lên ở tứ phía, nghe dữ dội nhưng phải đến ba bốn phút sau mới thấy mưa, cả khối nước đổ xuống ầm ầm, nhìn ra cửa lán chỉ thấy một màu trắng tưởng không còn cây rừng nữa và trong chốc lát, con suối dưới chân đồi phồng lên sôi sục trông nó như bị cắt ra từng khúc ném đi cuồn cuộn, gân guốc. Chỉ những chỗ mỏm núi đầu thác toé ra những tia nước trắng lởm chởm còn cả con suối sục lên màu đỏ ối của đất sườn đồi. Chính uỷ vẫn nhìn ra cửa lán, hai mắt ông như nhoà đi, tất cả mọi dự định nghiêm túc của binh trạm đều hỏng rồi sao? Hàng mấy ngàn con người đang mở đường khẩn cấp sẽ chết đói hay sao? Bên tai ông chỉ còn nghe tiếng rì rào, ù ù rồi ình ình rung chuyển giống như những tràng bom B.52 vỡ ra từ lòng đất. Đến chập tối, tất cả những nhà thùng của binh trạm bị ngập nước từ một mét trở lên. Võng của chính uỷ và Thú treo cạnh nhau trên xà nhà. Chiếc máy điện thoại trong lòng võng của ông réo chuông liên hồi và ông quát lên, dằn từng tiếng tưởng đến đứt võng mà vẫn có khi phải nhắc bảy tám lần một câu nói. Thú đề nghị chuyển máy sang võng mình để truyền lệnh, nhận báo cáo thay ông nhưng chính uỷ không nghe. Cậu nằm lặng đi, tiếng mưa, tiếng suối ầm ầm chuyển động làm cậu thổn thức. Phần lo chính uỷ vất vả, phần lo bố mẹ xoay sở thế nào trong đêm mưa bão này. Liệu bố có chằng dây xung quanh và buộc liếp lại cho mẹ hay lại dỗi bỏ sang nhà khác. Những năm ở nhà, Thú cùng mẹ chằng néo chống đỡ. Mỗi cơn bão giật xong cậu cởi trần lao xuống bếp, ra chuồng gà, chuồng bò xem có gãy đổ cái gì không. Những tàu chuối trong vườn gãy tướp và những cây có buồng gãy ngang chừng gục xuống ngổn ngang ở lối ra cổng sau, phải dọn hàng ngày mới quang lối. Còn rặng tre ở trước cửa thì xác xơ, lá xanh rụng láp ráp đầy sân và những đọt măng gãy ra từng khúc vàng lổ đổ khắp nơi bọn trẻ nhặt về tha hồ thái kho tép. Ngày mai, ngày kia bão tan, nếu ở nhà nhất định vác nơm ra đồng cùng bọn trẻ choai choai bâu kín lại ở những cống chụp, vồ cá từ trong các ao tràn ra hoặc men theo bờ những ruộng lúa chỉ còn loáng thoáng những ngọn phất phơ để đơm cá đàn. Những ngày bé thấy trò ấy thích, nhớn lên nhìn cảnh ruộng lúa đang ngập lụt đổ gãy quấn quýt vào nhau nghe xót ruột không sao yên được. Mưa bão quê mình lần nào cũng thấy phũ phàng làm đổ gãy dập nát. Còn ở đây khác. Hình như mưa bão là những cái ống tuôn nước ở trên trời xuống chứ cây cối không hề suy suyển gì. Có lẽ, vì mưa bão nhiều quá, cây nào gãy đã gãy rồi. Những cây còn lại phần vì dầy đặc chen chúc tựa vào nhau, phần khác nó quen chịu đập phá, mỗi năm lại chắc thêm ra một ít nên đài báo bão đến cấp mười hai, mười ba, cây cối vẫn đứng y nguyên. Bão qua, vẫn thấy rừng tươi tỉnh, sạch sẽ và lúc nắng trông óng ánh, nắng rừng là thứ nắng xanh, xanh chứ không như nắng vàng ở quê, Thú nghĩ ngợi miên man, ngủ lúc nào cậu không để ý. Lúc tỉnh mắt ra, nghe thủ trưởng gọi tên Trường như quát lên bực bội. Quát mãi cũng vẫn không bắt được liên lạc. Ông ngả mình xuống võng trút một hơi thở dài. Đợi ông nằm một lúc lâu, Thú mới hỏi:

- Có phải anh Trường ngày trước thủ trưởng kể với tôi không thủ trưởng?

- Trường ấy đấy. Nhưng... - Ông định nói gì đó, nhưng lại thôi. Nhổm dậy quay máy và ông lại gào lên trong tiếng mưa vẫn ầm ã đầy rừng.

*

* *



Buổi sáng trời vẫn mưa như dốc nước từ ống ra. Nhà giao ban nước rút nhanh hơn cả nhưng vẫn ngập trên đầu gối. Đó là những ngôi nhà giống như tất cả mọi ngôi nhà khác dọc Trường Sơn trong những năm này. Trên mái và xung quanh lợp tạm bằng giấy dầu hoặc ni lông xé ra ở các bì đã ăn hết gạo. Nhà sang trọng lợp bằng lá cọ, lá mây, xung quanh thưng gỗ và nện đất sỏi dầy hàng nửa thước. Dù công phu hay xuềnh xoàng, các ngôi nhà đều nằm chìm trong lòng đất, phần vách phía trên là những ô cửa sổ và những chiếc "buồng" con khoét vào vách đất buông tấm ni lông phía ngoài. Những "buồng" đó chứa đựng toàn bộ gia tài của mỗi người lính trong gian lán. Nhà nào cũng có cửa ra vào bằng một hào sâu lút đầu người hoặc hai căn hầm kiểu chữ A nối từ lòng nhà ra ngoài. Một kiểu nhà khác nằm chìm vào lòng đất. Phía mái bằng ấy họ gọi là sân thượng, lính ta có thể ngồi hóng mát, pha cà phê vào những buổi chiều yên tĩnh trên "sân thượng" ấy. Ngôi nhà giao ban của binh trạm thuộc kiểu sân thượng nhưng nó ở gần đỉnh núi, nước rút nhanh hơn. Các sĩ quan đến giao ban phần lớn mặc quần đùi, đi ủng và choàng xắc cốt qua người. Vào đến cửa, họ tìm chỗ treo mũ, áo mưa rồi lần lần bước lên những tấm gỗ đóng trên hai đầu cọc mọi khi vẫn làm bàn viết. Tất cả đều đứng và ngồi thu lu ở mặt bàn. Đến khi chính uỷ và binh trạm trưởng vào - cả hai đều lội vào thùng nhà ngập nước chấm thắt lưng tiến sát tấm bản đồ phủ kín một đầu hồi - không ai bảo ai, các trợ lý đều từ từ thả chân xuống nước mặc dù chính uỷ khuyên: "Các cậu cứ ngồi trên ấy, chúng mình đã ướt sẵn. Không tội gì lại đi ngâm mình thế này". Nước trong thùng nhà bị khuấy ngầu lên sủi xèo xèo, dần dần lắng im và rút để lại những ngấn vàng cạch ở ngang người. Với công việc đã thành lệ, không đợi ai nhắc, anh sĩ quan tác chiến dù tuổi dưới ba mươi nhưng nét mặt đã nghiêm chỉnh, có vẻ lạnh lùng, đứng dậy đọc luôn những con số đã ghi chính xác theo thứ tự ở sổ tay, không cần nói mở đầu:

- Về địch: trong ngày hôm qua số vụ đánh phá miền Bắc có giảm. Lý do: trời bão. Tổng số phi vụ tám mươi lăm lần chiếc. Hoạt động chủ yếu ở các nơi: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Thái, Hải Hưng, Lào Cai, Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh. Riêng Hải Phòng chúng đánh vào một chợ sơ tán làm chết bảy người, bị thương hai mươi lăm người.

Chính uỷ dừng bút, bỏ kính hỏi:

- Chợ nào?

- Báo cáo không rõ! - Anh ta băn khoăn vì sực nhớ ra quê chính uỷ ở đấy mà anh quên không hỏi tên chợ bị oanh tạc. Chính uỷ giục:

- Thôi, tiếp đi.

- Về địch ở các "bê", Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan và khu vực Thái Bình Dương nói chung như ngày hôm qua, không có hoạt động gì thay đổi lớn. Riêng ở Lào, chúng đang tập trung quân ở Quân khu ba tại Khăm Muội, Xa-va-na-khẹt khoảng tám mươi tiểu đoàn. Chưa rõ hướng hoạt động. Phán đoán: chúng sẽ nống ra các trục đường ngăn chặn việc tiếp vận của Quân giải phóng Lào. Địch trên tuyến ta như ngày hôm kia. Địch thuộc binh trạm - Anh liếc mắt nhìn. Mọi người vẫn cúi ghi mải miết. Anh trực ban đọc chậm lại - Địch trinh sát khu vực binh trạm: hai mươi bảy lần chiếc gồm có: 5 OV10, 3 F2B, 17RF4. So với ngày hôm kia giảm bớt hai mươi lăm lần chiếc. Lý do: Chúng biết bão lụt, nước các ngầm lên to, ta chưa có biện pháp khắc phục. Riêng B.52 tăng mười hai lần phi vụ tại các điểm: lúc bảy giờ mười lăm phút chín B.52 đánh ngầm Cô Kiều. Chín giờ năm phút đánh ngầm Tào Lao, số lượng hai tốp. Mười một giờ hai lăm phút cũng có hai tốp đánh ngầm Ông Thao. Mười ba giờ mười lăm phút hai tốp đánh cao điểm Cô Hà. Mười bốn giờ bốn mươi lăm phút một tốp đánh xuống ngầm Cà Phê. Đặc biệt là pháo sáng, OV10 và thằng F4 "canh" suốt đêm ở đỉnh Phù Lã.

- Nước. Tình hình nước xem nào? - Hết phần trực ban tác chiến, chính uỷ quay sang phía trực ban công binh. Đó là một sĩ quan to, nặng nề, giọng ồm ồm. Anh ta cho biết đến sáu giờ sáng nay hầu hết các ngầm đều trên tám mét, lưu tốc mạnh, các phà cấp cứu đều bị nước đánh vỡ hoặc trôi đi. Hai ngầm Ông Thao và Lương Khô lên tới trên mười ba mét. Tóm lại, không bằng phương tiện nào qua các ngầm được. Phương hướng khắc phục: trên mới bổ sung cho một tiểu đoàn Thanh niên xung phong chiều nay sẽ đến. Tiểu đoàn này cùng với tiểu đoàn hai công binh trạm củng cố mặt đường chờ nước rút.

- Anh quên mùa mưa ở phía tây đến tháng mười hai kia à? Mà chờ đến bao giờ nước các ngầm mới xuống mét hai trong mùa mưa này? Ảo tưởng. Anh xem có biện pháp gì nữa không?

Anh sĩ quan công binh đứng ngây ra bởi không thể có cách nào khác nữa. Ai ngờ đâu lại cả một trung đoàn mở đường đột xuất mùa mưa như thế này. Không khí trong gian nhà hầm ắng hẳn đi. Ngoài trời mưa vẫn ào ào và những con suối đang vật vã.

- Vận chuyển thôi. Thôi không phải báo cáo nữa anh ạ. - Chính uỷ nói rồi quay sang binh trạm trưởng - Ở "tiền phương" có gì khác không anh?

Từ lúc vào, binh trạm trưởng vẫn nhìn cắm vào tấm bản đồ, lúc này khuôn mặt gầy xám trông màu da rắn như màu cây gụ mới ngẩng lên nói nhưng hình như không ăn nhập câu hỏi của chính uỷ:

- Thằng xê ba hôm qua nằm bên này Phù Lã rồi. Cha, thằng Trường hại tui anh à.

Cả gian hầm lênh láng nước không hề có một gợn sóng. Biết mình than vãn không đúng lúc, anh quay sang phía chính uỷ nói nhỏ giọng đầy vẻ lo lắng và xúc động:

- Trước lúc về đây tui gặp cậu trợ lý trung đoàn 60. Bên ấy ăn uống lạng rưỡi một ngày từ hai hôm nay rồi anh à.


2
Khi chỉ còn lại hai người trong gian nhà giao ban, đáng lẽ chính uỷ sẽ hỏi: Cậu Trường có chuyện gì thế anh? Điều này ông đã nghĩ từ tối hôm qua, khi binh trạm trưởng gọi điện cho ông. Nhưng ông lại hỏi:

- Anh định sử dụng các đơn vị xe như thế nào?

- Gùi hết anh à. Hiện tại cả liên hoàn trọng điểm của ta hai mươi lăm kilômét đều bị thằng địch bám riết. Hơn nữa mưa lầy lội xe đi cả đêm không đầy ba cây số, tôi cho chuẩn bị gùi cả.

- Nếu không bị đánh sạt taluy âm ở đỉnh Phù Lã thì thằng xê ba nó đi được đấy chứ.

- Mấy hôm rồi, chừ thì hết nói giỏi. Nhưng căn bản thằng cha Trường ngang, nó làm mất thời cơ anh à. Chà, hồi mới bổ sung về, tui thấy có triển vọng, hết sức bồi dưỡng không ngờ thằng cha bảo thủ, ngang. Nó làm hỏng cái xê ba của tui mất thôi

- Hiện tại, các kế hoạch cung chuyến của nó vẫn tốt phải không?

- Cũng nhờ có thằng cha Tuy, thằng ni linh hoạt, tổ chức khéo.

- Quốc Tuy, hoạ sĩ phải không?

- Đó, thằng cha hoạ thiệt tài. Kỳ này tui định báo các anh cho thằng cha ni mần chính trị viên, khả năng lắm.

"Ừ, khó hiểu đấy! Vừa mới chiều qua ban cán bộ đề nghị ông cho chuyển cậu Tuy về làm đại đội phó, vì làm chính trị phó không thích hợp, bây giờ anh Lan lại có ý định đưa lên làm chính trị viên trưởng. Còn cậu Trường, con người ông hết sức tôn trọng, thương và khuyến khích những suy nghĩ của cậu ta thì anh ấy lại bực bội nhiều chuyện". Ông sực tỉnh hỏi binh trạm trưởng:

- Hồi ấy anh chưa gặp cậu Trường nhỉ?

- Chưa ạ.

- Cậu ta làm quân khí của tiểu đoàn bộ - ông toan nói thêm chính hôm anh làm lộ bí mật, bọn thám báo quây bắt anh, cậu ta đã nổ súng, sau đó lại nhận kỷ luật vì đã làm lộ đường hành quân ấy. Nhưng ông nhớ là Lan không biết chuyện đó.

- Hồi ấy qua Ho đến cây số ba thì anh bị thương phải về tuyến sau điều trị không nhớ cậu ta. Lính gùi thồ đầu tiên của tiểu đoàn mình đấy.

- Tui có nghe nói, nhưng thằng cha hồi ni biến chất ra răng, khó chịu quá chừng.

- Tôi chưa kịp gặp lại. Tính cậu ấy nó vẫn bướng và thẳng, không biết bây giờ thế nào chứ ngày xưa tôi quý.

- Chừ khác xa rồi anh à. Các ban nó kêu quá.

Chắc rằng cậu ta có chuyện gì làm phật lòng, chứ anh ấy có thù ghét, bực bội ai được lâu bao giờ.

- Anh xem việc bố trí có chi thay đổi không?

- Như anh đã bàn, bằng mọi giá đưa được hàng cấp cứu qua trọng điểm, anh đã bố trí cho đi gùi cả, cứ tiến hành, ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm xem cụ thể ra sao đã anh ạ.

- Tui cũng nghĩ rứa.

*

* *



Buổi ấy, hai người ngồi riêng với nhau lâu nhất kể từ hôm chính uỷ về binh trạm. Sau công việc chất chưởng phải nghĩ, đến những lúc như thế này, cả bốn con mắt đều dại đi mà vẫn chưa thể gọi là vợi nhẹ. "Chà, thằng Trình Nhật nhà anh nó khá quá hè. Học nước ngoài giỏi như thế đâu có phải dễ". Binh trạm trưởng nghĩ thèm khát cái hạnh phúc của cậu con trai chính uỷ, nhưng chính uỷ lại đang tủi hổ vì nó, thất vọng vì khi nó đã vác được cái bằng phó tiến sĩ và máy khâu, đĩa hát về nước. Vì thế, ông càng thương, càng đau nỗi thương đau của binh trạm trưởng. "Chà, hỏi thằng Hùng chi anh, tui có biết mạ con nó sống chết ra răng". Anh ấy nói rồi rơm rớm nước mắt y hệt mười năm trước đây, cái ngày anh trung đội trưởng của đại đội hai bộc toạc hễ gặp chính trị viên tiểu đoàn là than vãn, sụt sùi vì thương vợ nhớ con. Có lẽ vì thế mà ông đã thi hành kỷ luật cậu Trường một cách oan uổng ư? Nhưng cậu Trường nó cũng thương hoàn cảnh anh ấy, nó không thể nào làm khác và vì thế ông đã có phần nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn khi nhận ra không nỡ thay đổi.

*

* *



Giữa vùng cát trắng và những bãi cỏ tranh khô quánh như sắp bốc lửa nổi lên vòm cây cao cổ thụ um tùm xanh, đó là vùng chiến khu Cùa quê anh. Ra đi vào buổi sáng đến, sông Cam Lộ đang mùa nước lũ, anh bó quần áo bơi qua, theo bộ đội hoạt động ở Hướng Hoá, Lao Bảo. Suốt bốn năm trời, anh chỉ biết tin mẹ qua thư của người con gái. Có ai giữ một lá thư hàng chục năm? Nhưng anh, anh cất lá thư đầu tiên ấy ở túi áo ngực. Đã bao nhiêu chiếc áo quân phục bạc rách mà bức thư vẫn còn lành nằm trong tờ giấy bóng màu xanh đã hai mươi năm rồi. Người ta chê anh vụng, ít nói, con gái khó gần. Nhưng anh thì anh bảo: "Tui không biết xắn quả tim tui làm nhiều ngăn để chứa những tình cảm khác nhau". Và trong mối tình ấy cho đến bây giờ, anh vẫn còn run lẩy bẩy khi giở lá thư ra trước mặt người khác. "Răng tui lại ghi thư cho anh. Vì thương mạ. Ui chao tui nói mạ anh đó. Mạ anh bảo thương anh vất vả, hiền. Tui thì tui biết anh nỏ có hiền mô. Anh mần phụ trách nạt tới bọn tui, chừ tui vô du kích rồi, anh về bọn tui thu súng không cho vô làng. Đùa cho vui anh hè. Tụi nó vẫn nhớ anh thương anh nhiều, không kể hết. Nhưng anh răng mà biết. Anh tệ lắm! Hôm anh gói quần áo ra đi nó theo anh ra tận bờ sông Cam Lộ đó. Trông anh bơi giữa dòng nước chảy, nó khóc hoài hết cả hơi, khô cả nước mắt. Nhưng nước mắt chỉ thấm vào cát không chảy qua bờ bên tê nên anh cứ đi miết, đi hoài. Tới bờ cát anh té rồi lại xuống sông rửa mặt, nỏ thèm ngoảnh lại. Chết cha, tui nói bờ hơ chi lạ quá hè: Mạ anh bảo anh biên thư về cho mạ. Có thương ai nói cho mạ vui, mạ đỡ buồn, đỡ nhớ. Khi mô về nhớ đưa chị nớ về anh hè. Hẳn chị ta phải trắng xinh như người trên tỉnh ấy chớ. Thôi chả đùa làm anh ít vui. Chào anh thi đua giết giặc, chờ ngày tổng phản công anh về".

Kháng chiến chín năm kết thúc, anh được nghỉ phép mười ngày. Mười ngày nghỉ để chuẩn bị tập kết và cưới vợ. Ở với nhau được hai ngày, anh chia tay vợ lúc phiên chợ Cùa đang đông. Lòng khao khát ngờ nghệch khiến anh hỏi vợ một câu, bây giờ nghĩ lại còn thấy nóng ran cả mặt: "Đã có chi khác chưa em?" Chị vợ nhìn anh, cái nhìn vừa oán giận, trách móc vừa bừng cháy một tình thương khiến ngọn lửa từ đôi mắt ấy chườm vào mặt anh một sức nóng dữ dội, anh thấy khô cháy ở cổ họng muốn dang hai tay ôm choàng lấy vợ. Nhưng hồi còi tập trung đã réo lên. Cũng như bất cứ người chiến sĩ nào ra đi năm ấy, anh giơ hai ngón tay hẹn hò, hai ngón tay đợi chờ, giơ lên. Và người vợ vẫn nhìn anh, nhìn mãi bằng đôi mắt mở to không hề chớp. Hai năm sau một người chị họ trốn khỏi vòng kìm kẹp ra Bắc. Chị cho biết vợ anh đã đẻ con trai: Thằng Hùng. Trừ cái tai cong cong và cái miệng cười chim chím giống mẹ còn cái chi cũng giống bố. Anh hỏi người chị: "Tóc nó xoăn không?" - "Xoăn tít" - "Mũi cũng to?" - "To" - "Tóc mai dài chớ?" - "Hệt như mi đó" - "Mắt nó nhìn?" - "Cũng cau có đau khổ như mi". Trời, anh có thằng con trai. Được một thằng con trai thiệt rồi. Thằng Hùng, cái tên anh và mạ nó cùng đặt chung cho nó. Chừ là thằng Hùng được một năm hai tháng mười sáu ngày rồi. Rứa là nó đẹp trai, đẹp khoẻ mạnh và thanh tú. Cái miệng cười chim chím giống mẹ, cái mắt nó đừng nhìn cau có như mình mà lành dịu sâu kín như mạ nó thì hoàn hảo hết chỗ nói. Như ri cũng được. Ngày nào nó cũng nhìn mạ nó rồi cũng giống mạ. Và mạ nó nhìn con cũng như nhìn thấy ba nó.

Rồi anh xin nghỉ phép mười lăm ngày đi báo cho tất cả các bạn bè biết anh đã có con. Con trai! Thằng Hùng! Nó giống anh mọi phương diện. Còn cái miệng cười chỉ có mạ hắn mới cho hắn được. Từ đó gặp bất cứ đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, chỉ cần người đó có con là anh sán lại hỏi chuyện. Nào trẻ con đã được năm rưỡi thì biết làm gì? Nào một năm bảy tháng hai mươi sáu ngày đã biết gọi ba, mạ chưa? Một năm chín tháng mọc được mấy răng? Khi ho gà chữa thuốc chi? Răng gọi là đi tướt? Bị sài giật là răng? Liệu thằng Hùng có bị sài giật không? Người ta bảo nghiến răng và đái dầm ăn dái lợn sẽ khỏi, liệu mạ nó có biết đường tìm dái lợn cho con ăn khi nó bị nghiến răng không? Chơi với những đứa trẻ anh lân la chuyện trò và reo lên sung sướng: "A cháu bằng tuổi thằng Hùng nhà chú", hoặc "Rứa là cháu kém anh Hùng ba tháng". Hoặc: "Thằng Hùng cũng bằng ni, cháu được mấy răng rồi? Tám răng à? Thằng Hùng cũng rứa". Nhớ con bao nhiêu anh thương yêu vợ bấy nhiêu. Anh cám ơn chị, người đã đẻ ra niềm hạnh phúc lớn lao trong anh. Nhưng có cách chi, bằng cách chi đây để biết tin tức mạ con nó? Những lúc ngồi thừ ra, anh lại rút ví lấy ảnh hai vợ chồng ngắm ngắm cái miệng, cái tay cong cong của mạ nó, cái tóc xoăn xoăn, cái mắt cau có buồn, của anh. Chắp những nét đó lại, anh hình dung thằng Hùng đang nấp sau tấm ảnh của hai người. Anh bắt đầu vẽ. Vẽ giấu giếm vụng trộm, vẽ mãi không hiện lên cái miệng rụt rè, cái mắt cau có... Anh phải ghi chữ chú thích ở cạnh. Anh đưa cho bạn bè thân thiết xem và bảo đó là tấm hình thằng Hùng.

Ngày mang tấm hình thằng Hùng ra đi đầy khát vọng ấy là cuối năm 1959. Những người mở đường đầu tiên trong tiểu đoàn do Nguyễn Quang Văn làm chính trị viên, kiêm tiểu đoàn trưởng đều đi hàng một, hơi cúi, người nhao về phía trước, súng và đạn, tài liệu tuyệt mật và thuốc cấp cứu gùi sau lưng. Người đi trước cầm chiếc gậy toẽ thành hai nhánh gạt lẹ làng để lá rừng khỏi rách rồi đặt bước chân vào đúng chỗ ấy. Người thứ hai bước theo và người cuối cùng đi giật lùi, cũng cầm gậy gạt lại, san đều lớp lá người đi trước đã lật lên. Đội hình đi một tiểu đội. Mỗi trung đội đi riêng một đường. Lan là trung đội phó thuộc đại đội một. Trung đội anh đi cạnh tiểu đoàn bộ. Những ngày hành quân hàng một ấy, né tránh cả tiếng chim kêu. "Tránh dân, giấu địch đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhiệm vụ". Giữa rừng, anh nhận được tin vợ bị bắt vì cưỡng lại không lấy thằng ác ôn. Còn thằng Hùng không biết ở đâu: sống hay chết? Lúc ấy trời chạng vạng tối, cái tối âm u của rừng. Anh đang ngồi trên một tảng đá xám để thở và giở cơm vắt ra ăn. Một người quen theo "đường dây thống nhất" đi ra cho anh hay tin. Anh lè miếng cơm cắn dở ra khỏi miệng, nhìn chằm chằm vào người đó. Nhìn mà không thấy gì, anh ngồi chết lặng hồi lâu, nắm cơm rơi phịch, anh vụt dậy rút con dao ở cạnh sườn, con dao găm nhưng dài, to bản kiểu dao đi rừng. Vừa chạy chém vào cây hai bên anh vừa la hét: "Ai đi mở ra mà đi, răng mà lén lút. Nó giết hết rồi, giết hết rồi. Việc chi phải lén lút. Đất đây, rừng đây phá ra, mở lấy đường mà đi. Tự mình mở lấy lối mà đi các đồng chí ơi, anh em ơi. Nó giết hết bà con mình rồi, giết hết rồi".

Lúc ấy những loạt súng tiểu liên nổ ầm ầm ở vách đá phía núi bên kia suối. Bọn thám báo đang lùng dấu chân của đoàn người mở rừng đầu tiên liền bâu lại nơi tiếng súng. Đêm đó chúng đốt rừng, "đường dây" đứt. Cậu Trường đã nhận là mình nổ súng trước khi có tiếng la hét và chịu nhận kỷ luật. Hơn một năm sau chuyện mới vỡ ra, cậu ta đề nghị không phải thay đổi gì những kết luận trước đây vì cậu rất thương anh. Từ buổi chiều cậu ấy đã biết chuyện xảy ra với vợ con anh Lan và ngồi thượt nghĩ cách gì an ủi anh dù chưa quen nhau lắm. Khi nghe anh la hét từ tiếng đầu tiên, cậu chắc chắn đã bị lộ, vội vàng xách súng chạy lên núi bắn để kéo bọn địch quây lại phía mình rồi tìm cách thoát khỏi vòng vây của chúng. Sau buổi đó anh Lan đi điều trị ngay rồi chuyển qua đơn vị khác. Hẳn đến bây giờ anh cũng chưa biết chuyện rõ ràng đó.


3
Hồi chuông điện thoại kéo dài, chính uỷ vội rời tay khỏi vầng trán cầm lấy ống nghe "có rồi hả". Hai nhánh lông mày nhíu lên, ông gật đầu, miệng ầm ừ vui vẻ:

- Đồng chí tổng đài đâu? Cho tôi nói chuyện dài chút nhá. Lâu ngày anh em cùng đơn vị mới gặp nhau. Anh Trường này: tôi vẫn nhớ và mong gặp anh. Khoẻ không? Tốt lắm, nhưng anh hay phung phí sức khoẻ lắm đấy... Ừ, ừ, tốt rồi. Này, sau đó anh đi đâu? Làm culi lái xe cho "ông chủ" Đức hoạt động trong vùng địch à? Ừ, ừ, tôi có biết anh Đức rồi. Anh ấy đóng vai “ông chủ” cừ khôi lắm. Thế anh có nhận được thư của bà cụ và cô gì người yêu của anh nhỉ? Cô Lý à? Đúng rồi, cô Lý. Anh có nhận được tin của bà cụ và cô Lý không? Không à? Sao mười năm nay không hề biết tin tức gì à? Ừ, ừ, hoàn cảnh ở trong ấy cũng khó, giữ bí mật mà. Ừ, ừ, anh Trường này, liệu anh… À, à… Tôi định hỏi điều đó. Anh vẫn tin chắc là cô ấy chờ anh à? Ừ, ừ, chao ôi những người phụ nữ của nước mình đáng kính trọng biết bao, đặc biệt không thể tưởng tượng được. Từ ngày anh kể chuyện tôi đã quý cô ấy. - Ông im lặng ngẫm nghĩ, trong giây lát đường dây hết việc, tiếng cô tổng đài hỏi: "Xong chưa?" làm ông như giật mình: "Chưa, chưa". - Anh Trường đâu? Đấy hả, thế này anh Trường ạ, anh gắng chịu, cố hoàn thành công việc, sau mùa mưa này tôi sẽ tìm cách bố trí anh về thăm cụ và có gì thì... lo liệu đi. Được không? Được à? Ừ phải đến cuối mùa mưa anh ạ. Công việc năm nay nó đến đột ngột quá. Hả, anh bảo gì? Tôi cũng định trao đổi với anh đây. Nhưng khoan một chút, tôi muốn anh kể tóm tắt cho tôi nghe việc anh phản ứng anh Lan cho quyết định sang giúp thằng 74?... Đúng, ý kiến của anh có chỗ đúng, anh Lan cũng công nhận như thế. Nhưng tôi muốn biết chuyện xảy ra cụ thể anh ạ.

Từ đầu dây bên kia tiếng Trường nói rành rọt và thẳng thắn:

- Thế này thủ trưởng ạ. Hôm 74 trầy trượt ba bốn đêm không "quay vòng khép kín" trên cung liên hoàn T.Đ.P.

- Biết, tôi biết.

- Binh trạm trưởng lệnh cho tôi đưa một tiểu đội sang đấy chạy cùng họ, có ý làm mẫu cho họ theo. Tôi nói lại: Báo cáo thủ trưởng: nếu là mệnh lệnh không được phép bàn lại tôi xin chấp hành. Nhưng được phép đề đạt một ý kiến thì theo tôi đây là cách làm của một người chỉ huy tồi.

- Không còn cách nào khác thế, anh Trường?

- Thưa thủ trưởng, tôi nghĩ: không ai làm cách mạng thay ai được. Nếu cần, chúng tôi xin sang trao đổi kinh nghiệm cách vượt địch, vượt trơn lầy còn tự họ phải tìm thấy mẫu của chính họ. Một tiểu đoàn mà không tổ chức được một tiểu đội mũi nhọn để phải mượn nơi khác đến, tiểu đoàn đó nên giải tán. Báo cáo thủ trưởng tôi nói có hỗn thật nhưng sự thực là như thế.

- Anh cứ nói đi.

- Phần khác tôi cho một tiểu đội sang đấy làm mẫu, những thằng đại đội trưởng bạn tôi ở bên ấy nó sẽ nghĩ về tôi như thế nào?

- Tôi muốn hỏi anh không có cách nào trình bày ý kiến của mình để người ta có thể chấp nhận được à?

- Báo cáo, trong những trường hợp ấy không thể nào tôi nghĩ được câu chữ hoặc có được giọng nói êm đềm. Ngay quyết định chúng tôi đi gùi thồ, trở lại công việc của hàng chục năm trước tôi thấy...

- Thôi việc này để tôi xuống chỗ các anh rồi ta trao đổi sau. Hiện tại chúng tôi đã thống nhất rồi, anh cứ chấp hành. Chưa cần bàn lại vội, cốt có gạo, rất cần gạo cứu đói cái đã.

- Báo cáo thủ trưởng, tôi biết thủ trưởng mới về đã nghe người ta nói rất nhiều chuyện về tôi.

- Được, hôm tôi xuống sẽ bàn. Nhưng tính anh bướng bướng đấy. Trong ban chỉ huy các anh chú ý thống nhất với nhau, giải quyết các công việc trước mắt cho tốt nhé. Tôi nói chuyện dài quá rồi, để hôm khác anh ạ.

Từ lúc chính uỷ nói chuyện với Trường, Thú đã thập thò ở cửa. Hễ nhìn hai nhánh lông mày của chính uỷ hơi nhíu lại hoặc im lặng như phủ xuống đôi mắt lim dim là nét mặt cậu ta lại cau có. Cậu ước muốn có cách nào đó để nói với anh Trường, nhắc đi nhắc lại nhiều lần với anh ấy là: "Chính uỷ tốt lắm. Thủ trưởng rất đôn hậu đấy, anh đừng nói câu gì không đúng mức làm thủ trưởng buồn bực. Cứ bình tĩnh thôi. Trình bày nhẹ nhàng đầy đủ là thủ trưởng sẽ có biện pháp giải quyết đâu ra đấy, không việc gì phải nóng vội". Nhưng sao anh ấy nói nó mạnh mẽ quá, có lúc làm cho Thú phải nén thở để nghe tiếng anh trong màng nghe. Khi thủ trưởng đặt ống nghe xuống, nét mặt ông vẫn điềm tĩnh, cậu thở phào mẩm bụng chắc là thủ trưởng cũng không bực gì anh ấy nhiều. Cậu pha trà mời chính uỷ rồi nói như thói quen vẫn hay tham gia bàn luận với thủ trưởng trong mọi công việc.

- Anh Trường anh ấy tốt lắm đấy thủ trưởng ạ. Chỉ tội hơi nóng một tí thôi.

- Sao cậu biết? Chưa gặp đã biết tốt, cậu chỉ được ăn ốc nói mò.

- Thì anh Vũ đã kể chuyện hết với tôi rồi. Tại sao thủ trưởng Lan lại có vẻ bực anh ấy thủ trưởng nhỉ?

- Chuyện đó cậu biết đâu mà... - Ông đã định đe: Cậu đừng có lép bép chuyện nội bộ của cán bộ. Nhưng biết cậu ấy không bao giờ tiết lộ điều bí mật nào ra nên ông chỉ giục:

- Thôi cậu, không còn việc gì cậu mang sách ra học bài đi. Mấy cái hằng đẳng thức đáng nhớ chắc lại quên rồi hả?

Ngày hôm sau Thú tìm cách gọi điện thoại làm quen với Trường và dặn dò rằng: Chính uỷ đã nói là làm đấy. Anh chuẩn bị mọi thứ đi, thiếu gì bảo tôi, tôi nhờ người nói với hậu cần. Cuối mùa mưa nhất định anh sẽ về "tổ chức". Phải chuẩn bị chu đáo; không lo xa lúc ấy lại cuống lên, gay lắm.

Ngay chiều hôm ấy ở đại đội ba lái xe, rồi các bạn bè trong binh trạm xôn xao lên chuyện cuối mùa mưa Trường được phép về cưới vợ. Họ gặp nhau mở đầu bằng một cái tin "giật gân" là hai người yêu nhau từ khi cô Lý mới lên ba. Lúc bắt vào chuyện mới giải thích rằng: cô bé lên ba thì cậu Trường lên chín. Đi đâu con bé cũng bấu lấy lưng áo cậu ta để những đứa khác khỏi bắt nạt, còn cậu sẵn sàng uỵch bất cứ đứa nào trêu vào "cái đuôi" của cậu. Đi trẩy trộm táo, nhặt nhãn rụng và cướp hoa dạ hương, cậu ta cũng chỉ đánh chiếc quần đùi thắt bằng dây chuối phía ngoài, lăn xả vào giành nhau với những đứa khác. Được bao nhiêu cho hết "em tao". Những năm học phổ thông, cậu liên tục là học sinh giỏi toán có tiếng ở tỉnh. Cô bé được anh giảng bài lại, thấy dễ hiểu và nhớ hơn lúc ngồi trên lớp. Hết lớp mười, cậu không thi vào đại học mà xin làm "ét" ô-tô với lời tuyên bố hùng hồn: "Tao sẽ đi khắp nơi nghiên cứu những đòi hỏi của đời sống để phát minh ra cái thiết thực nhất cho đời sống". Cô gái ấy cũng hồi hộp nuôi dưỡng ước mơ ấy cùng bạn mình. Hai năm sau anh đi bộ đội, cô học hết lớp mười, hai người yêu nhau.

Chao ôi, tình yêu thật đẹp và theo lời Trường thì mối tình đó thật chung thuỷ bền chặt. Hầu hết các chiến sĩ ở đại đội ba đều biết tình cảm của đại đội trưởng và chị Lý. Họ đang lao vào chiến đấu và chờ đến cuối mùa mưa. Cả đại đội tíu tít làm nhẫn, làm lược, gạt tàn thuốc lá, gò vỏ phích, bình hoa, xoong quấy bột, may gối, chăn dù, rèm che dù... Nghĩa là họ cố tạo ra trong gian buồng tràn đầy hạnh phúc của hai người trăm thứ đồ dùng cần thiết là của chiến trường, do tay các chiến sĩ đại đội ba làm ra, không kém gì mặt hàng ở Thủ đô.



Ch­¬ng III
Nhưng anh, các chiến sĩ và bạn bè anh không biết rằng cô người yêu của anh, cô Lý, đã đi lấy chồng được hơn tám tháng rồi. Trước lễ cưới hai ngày cô xách chiếc vali từ nhà mẹ anh về nói với người chồng sắp cưới sau một hồi im lặng:

- Cả tuổi trẻ, cả tình yêu trong trắng của em, em đã dành cho anh ấy. Trong vali này là những bộ quần áo cưới em đã khâu cho anh ấy từ những ngày ở ký túc xá. Có cả thư, ảnh, nhật ký của chúng em - giọng cô buông thõng nhỏ dần đi - mấy quả ổi, chùm hoa dạ hương, ít hạt nhãn... nghĩa là bao nhiêu thứ vụn vặt, vớ vẩn của chúng em ở trong ấy em nói trước là không bao giờ anh được xem và bắt em giải thích bất cứ một thứ gì.

Người chồng sắp cưới cũng hỏi lại cô bằng cái giọng đang lắng xuống:

- Sao em lại phải dặn anh thế?

Cô im lặng, anh tiếp:

- Anh rất khổ tâm vì em vẫn cho anh là kẻ còn ích kỷ. Bao giờ anh cũng nghĩ rằng một chiến sĩ như anh ấy may mắn được sống lại thì chúng ta có hạnh phúc là mấy cũng không được phép tiếp tục nữa.

Bỗng cô oà khóc và quát anh:

- Thôi im đi, đừng nói nữa.

Đã gần hai năm nay rồi cô sống trong tâm trạng thảng thốt thất thường như thế.

Ngày ấy, chuyện xảy ra từ lúc người anh họ thọt chữa xe đạp ở ngã ba phố huyện xách đôi lốp treo quảng cáo ở trước cửa hiệu quăng vào xó nhà. Cũng như mọi chiều, xếp gọn đồ nghề xong anh ta chùi hai bàn tay nhầy nhụa dầu mỡ vào miếng giẻ đen nhẻm rồi vớ lấy chiếc đài Stan-đan vuông nặng như một hòn gạch vẫn để trong chiếc tủ căng lưới thép đựng đồ nghề. Châm điếu thuốc cắm vào góc miệng rồi bước thập thõm đến dằn mình xuống chiếc ghế tựa đệm bằng tơ đay. Ngả mình ra thành ghế, hai mắt lim dim nhả khói, một tay áp mặt đài vào tai, tay kia lần tìm làn sóng. Chợt tiếng nói của đứa con gái như bị dìm nước ong õng làm cho nét mặt anh ta tái đi, rồi nín thở nuốt lấy những tiếng nói õng ợt đó. Con bé đang nói, xưng là Hoài Hương. "Hoài Hương nhắn tin cho bà Trần Thị Thảo thôn Kim Động, xã Kim Phú, huyện... tỉnh... là thân nhân anh Nguyễn Văn Trường" Tiếng con gái nói xong thằng con trai nhắc lại cũng thờn thợt như thế. "Anh Nguyễn Văn Trường chức vụ tiểu đội trưởng, nhập ngũ ngày 20 tháng 2 năm 1959 đã hy sinh trong cuộc giao tranh đẫm máu với quân lực Việt Nam cộng hoà ngày mồng 3 tháng 7 năm 1967 tại chi khu hai, quân khu ba". Nghe đi nghe lại hai lần biết không thể nhầm lẫn, anh ta ngồi sượt như kẻ bị dìm vừa được vớt dưới sông máng lên.

Đêm ấy tiếng khóc bật thốt ra ở nhà mẹ Thảo. Lúc đầu chỉ có một mình mẹ vật vã, sau rồi tiếng gào thét của chị gái Trường đã lấy chồng có năm con ở làng bên cạnh mới tất tưởi chạy sang; rồi tiếng cô, dì, chú, bác ồn lên o o, sự tang thương ấy mỗi lúc đặc quánh lại. Đến năm ngày sau cô Lý từ trường đại học Sư phạm Hà Nội về. Không ai nghe tiếng cô khóc, chỉ hai ngày sau thấy hai quầng mắt thâm tím lại như vẽ một vòng mực đen mờ mờ và người cô lúc nào cũng héo như cuộng dưa đã phơi nắng. Mặc dầu chính quyền và ban quản trị hợp tác xã đã tức tốc hỏi huyện, hỏi tỉnh, hỏi lên cả quân khu và tất cả đều xác nhận tin đó hoàn toàn không có căn cứ. Nhưng không thể kìm giữ được sự đau xót dội lên nhọn hoắt và xoáy vào trái tim những người thân thiết trong gia đình mẹ Thảo. Uỷ ban xã đã tạm giữ đài, cảnh cáo anh chàng thọt chữa xe đạp và yêu cầu anh ta đến xin lỗi gia đình về cái tin xằng bậy ấy. Việc làm đó cũng không xoa mát được nỗi đau cứ âm thầm hằn lại mỗi lúc một sâu thêm trong lòng người mẹ chiến sĩ. Người ta chỉ cần đặt câu hỏi đơn giản rằng: "Không chết, cớ sao gần một chục năm trời không có tí tin tức nào"! Và, trả lời cho những câu hỏi đó, tiếng khóc lại bật ứa lên trong lòng người mẹ, người chị, người vợ chưa cưới. Bốn tháng sau, Lý được về dạy học ở trường cấp ba của huyện. Cô xin phép bố mẹ để mình đến ở với mẹ Thảo. Sự hiếu thảo trung trinh của cô, sự hy sinh lớn lao của cô nó giống như một bàn tay dù dịu mát đến mấy, êm nhẹ là bao mà luôn luôn xát vào vết thương, chỉ càng làm thêm đau rát, nhức nhối. Những cử chỉ âu yếm của Lý chỉ làm cho mẹ buồn. Sự săn sóc ân cần của cô chỉ làm mẹ giàn giụa nước mắt. Đến một năm sau, mẹ không đủ sức nén chịu được nữa. Vào một đêm trời đã khuya, mẹ chạy vào buồng Lý khi cô đang ngồi trên ngọn đèn con soạn bài. Mẹ ôm lấy chân con khóc nức nở van nài như người mắc lỗi:

- Thôi, mẹ lạy con Lý ơi, mẹ lạy con, con có thương mẹ nữa không?

Lý đột ngột ngồi xuống ngang người mẹ:

- Sao thế hả mẹ? Con có điều gì không phải?

- Không sao, không sao cả, mẹ chỉ hỏi con: Con có thương mẹ nữa không?

- Dạ, con có bao giờ dám trái mẹ điều gì!

- Vẫn biết con thương mẹ lắm lắm. Mẹ chưa thấy khắp bàn dân thiên hạ này ai được như con. Nhưng con cứ sống thế này mẹ khổ lắm con ơi!

Mẹ lại khóc nức nở. Tự nhiên nước mắt Lý cũng dào ứa:

- Có điều gì mẹ nói cho con nghe đi mẹ.

- Mẹ chỉ mong được gây dựng cho con. Anh con thiệt phận đã đành một nhẽ. Nhưng con cứ ở vậy mãi thế này mẹ không sao đành lòng. Trông thấy con đơn chiếc mẹ lại nhớ đến nó...

Mẹ đưa vạt áo thấm nước mắt. Lý cố nén để khỏi bật ra tiếng nấc, cô dìu mẹ ngồi lên ghế, cô ngồi ghé bên cạnh ngả đầu vào vòm xương vai nhô cao của mẹ.

- Mẹ đừng lo nghĩ gì đến chuyện đó, tự con con chưa muốn thế.

- Không, không con ạ. Con gái có thì, mẹ cứ trông thấy chúng bạn con lại nghĩ đến con. Thương con, mẹ không thương nhớ đến nó sao đành. Thôi mẹ lạy con, con thương mẹ phải nghĩ đến đường tương lai sau này, có vậy mẹ mới vui, mới nguôi nỗi nhớ nó được. Con nghe mẹ, Lý ơi!

Đã bao lần mẹ khóc gạn hỏi, nài ép Lý phải làm theo lời mẹ. Không thể nào cưỡng lại, cô đành làm cái công việc nghĩa vụ của người con gái, như lẽ sống thường tình ở đời bao nhiêu người phải làm như thế.



Và bây giờ mỗi buổi chiều ngồi một mình nghe cái bào thai đang lớn dần trong bụng, nước mắt cô lại giàn ứa, cô thầm thì gọi tên anh.
Ch­¬ng IV
Каталог: UserFiles -> RadEditor
UserFiles -> PHƯƠng pháp viết nghiên cứu khoa họC Ứng dụng sư phạM
UserFiles -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFiles -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFiles -> BỘ XÂy dựNG
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFiles -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFiles -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
UserFiles -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
RadEditor -> BẢn thảO ĐẦu tiêN (để bổ sung/góp ý) thông tin đÓng góp về XÃ HỘi dân sự TẦm nhìn asean 2025

tải về 2.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương