22  leâ LÖÏu tieåu thuyeát  23



tải về 2.23 Mb.
trang8/22
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2016
Kích2.23 Mb.
#32030
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   22

3
Đã mấy tháng qua, chiều nay đại đội ba mới được ăn một bữa cơm no. Món thịt rắn đầy quyến rũ và nấm xào được chia đều cho các bê. Chính uỷ và Tuy xuống ăn với bê ba, theo đề nghị của ông Thú được Trường và tổ anh nuôi co kéo ở lại ăn bếp đại đội bộ. Từ sau buổi nói chuyện sáng nay, chính uỷ yêu cầu cho ông đọc lại toàn bộ nghị quyết của chi bộ từ trước và nói chuyện với Tuy. Trên đường đi ăn cơm ông vẫn nói say sưa và chốc chốc lại dừng. Tuy sốt ruột, mấy lần anh định đề nghị ông đi, khỏi anh em chờ, nhưng anh vẫn im lặng nghe. Trước lúc lội suối sang khu lán bê ba, ông dừng lại:

- Tôi nói hơi gay gắt quá phải không? Ừ, tính tôi cũng hay "bốc". Nhưng tôi không muốn anh tiếp tục sống như những ngày qua đã sống. Liệu anh có buồn không? Tôi hỏi thật.

- Báo cáo thủ trưởng... Không ạ.

- Thế thì tốt! - Giọng ông nhỏ xuống nghiêm chỉnh: - Nhưng anh nói dối tôi. Tôi nói điều đó không phải để xem anh có chấp nhận không? Tôi khẳng định rồi đấy. Sự thật ngày hôm qua anh rất đột ngột về các ý kiến của đảng viên, nhất là các đảng viên trẻ tuổi. Anh không ngờ họ sẽ nói khuyết điểm của anh mạnh mẽ như vậy. Những chuyện như anh run lên bần bật ngồi trong hang đá chỉ huy ra cho các chiến sĩ ở mặt đường đi giấu xe, chuyện anh ngồi nhà báo cáo với binh trạm trưởng ý chí tiến công của anh Trường kém trong khi đó chính anh ấy đang cho đoàn xe vượt qua Phù Lã. Những chuyện đó bình thường là những chuyện đồn thổi hoặc xì xào vắng mặt nhau. Đằng này họ đã nói ra trước mặt anh, trước sự có mặt của tôi. Anh thừa hiểu ở một chừng mực nào đó sự có mặt của tôi đã khích lệ họ, khêu gợi họ nói ra những điều mà toàn bộ nghị quyết của chi bộ gần nửa năm qua chưa hề đả động tới. Vì thế anh rất buồn, rất bực và tránh né sự có mặt của tôi, đúng không? Ta cứ phải nói thẳng với nhau rồi mới có cơ sở gần nhau, giúp đỡ nhau một cách lâu bền được anh ạ.

- Báo cáo thủ trưởng... tôi không dám... Tôi nghĩ khuyết điểm chính của tôi trong thời gian vừa qua là do cách sống không đúng đắn. Xin thủ trưởng cứ chỉ bảo.

Chính uỷ hơi cúi gật đầu tỏ ra hài lòng trước yêu cầu thành thật của Tuy. Ông bắt đầu nói, giọng nhỏ và hai mắt vẫn nhìn xuống chỗ dòng nước đang chảy:



- Thực ra lấy cách sống nào làm mẫu cũng khó. Tôi nghĩ thì không có cách sống nào làm châm ngôn phổ biến hoàn hảo cho tất cả mọi hoàn cảnh, mọi tầng lớp một cách cụ thể cả. Sống như thế nào cũng vẫn có nhược điểm của nó. Anh sống sôi nổi, dễ nóng nảy, không sâu. Anh tính toán chi li, chắc chắn dễ hẹp hòi, bảo thủ. Anh lành, dễ cục và ù lì. Anh thông minh tháo vát dễ láu cá, giả dối. Anh tiếp xúc ít thì sâu nhưng đơn điệu, hiểu biết hẹp. Anh quan hệ nhiều dễ chàng màng, khách sáo, vân vân anh ạ. Sở dĩ tôi nói chữ dễ thế này, dễ thế kia bởi nó còn tuỳ thuộc vào nguồn gốc sinh trưởng và môi trường rèn luyện của mỗi người, ý thức chính trị của mỗi người. Người tốt nhiều là người thấm được nhiều cái tình trong mỗi cách sống. Nhưng nói gì thì nói chủ yếu bậc nhất vẫn là cái tình, cái tình với nhau anh ạ. Chúng ta ở đây núi đá lạnh lắm, rừng cây âm u lắm. Chỉ có những tấm lòng mới sưởi ấm được cho nhau, mới thắp lên cho nhau cái ánh sáng của lý tưởng, của niềm tin vào tương lai, tin vào thắng lợi. Không có tình với nhau làm sao thương được đồng bào đang bị quân xâm lược dày xéo, giết hại. Làm sao chúng ta sống được hàng chục năm! Làm sao vượt qua được vô vàn gian truân, hiểm độc để giành thắng lợi hết nhiệm vụ này đến đến nhiệm vụ khác. Tôi nói như sách ấy có phải không? Thực tình tấm lòng tôi là thế. Nếu anh có nghĩ rằng tôi thương cậu Trường, cũng vì một tấm lòng thành thật như thế. Như thế mà các anh đã thương yêu nhau được bao nhiêu, thương anh em chiến sĩ được bao nhiêu trong mấy tháng ác liệt, gian khổ vừa qua? Tôi muốn nói gọn lại, khuyết điểm chủ yếu của anh là do lòng thương mình thì nhiều, thương đồng chí, đồng bào còn ít. Anh có hiểu ý tôi không? Tại sao anh có thể tổ chức cho xe đi cấp cứu thư ở ngầm Long Đại có một đêm trở về an toàn, trong khi binh trạm tưởng phải đến ba đêm. Binh trạm vô cùng cảm động và khen ngợi anh hết mức. Nhưng về đến đây anh lại có bao nhiêu lý do để thư các chiến trường xếp ở đấy hàng tháng cho mối xông, chuột cắn be bét cả. Anh làm việc cốt để thủ trưởng biết anh hăng hái, có năng lực, sẽ khen ngợi, đề bạt anh chứ có phải anh làm vì quần chúng đâu. Sự việc này từ lâu rồi. Anh đã có biện pháp sửa chữa khi anh em phát hiện ra. Nếu không tôi sẽ kỉ luật anh, kỉ luật với hình thức nặng nề nhất kia. Không được. Không thể được đâu. Nguy hiểm lắm! Tôi hơi thiếu bình đẳng, chỉ biết mình nói, không để anh trình bày, thanh minh. Thanh minh làm gì? Tôi sẽ không nghe đâu. Tôi không hề thành kiến với những chuyện vừa nói với anh. Đã thành kiến tôi nói ít thôi, thổ lộ một nửa tâm sự của mình là nhiều. Đằng này tôi nói hết với anh cốt để anh bình tĩnh lại, tỉnh táo lại, tỉnh lại mà nghe lòng mình, nghe sự phân minh phải trái trong lòng mình rồi sẽ hành động. Tôi nói ngay rằng tôi sẽ không nghe anh hứa hẹn sửa chữa đâu.Tôi cũng không kỷ luật anh đâu. Còn về công tác, anh đề nghị thay đổi, tôi sẽ lưu ý để trao đổi trong lãnh đạo nghiên cứu có thể sẽ đáp ứng nguyện vọng của anh và thích hợp với nhiệm vụ chung. Tôi chỉ yêu cầu anh, những ngày tới anh giải quyết mọi công việc chứng tỏ anh đã thành thật nhận điểm yếu của chính mình. Gặp gỡ, bàn bạc với anh Trường, sống với nhau có tình, có nghĩa đi. Tất nhiên về phía anh ấy cũng có khuyết điểm. Nhưng tôi phải nói với anh, đấy là một cán bộ sống chân thành, có nghị lực chịu đựng. Từ một chiến sĩ vạch lá, luồn rừng gùi từng viên đạn, khẩu súng, suốt mười năm nay anh ấy ở tuyến trong. Do yêu cầu của nhiệm vụ, anh ấy không hề biết một tý tin tức gì của bà mẹ, của cô người yêu mà khi gặp lại tôi không hề tỏ ra một khía cạnh nào của sự ảo não, buồn phiền. Tất nhiên, ai chả có nỗi uẩn khúc, rắc rối. Cái quý ở chỗ đã tự vượt lên, đã nén lại được thuần thục. Tìm thấy ở nhau cái tâm sự ấy, cái hoàn cảnh ấy sẽ thương nhau nhiều lắm. Ở trong một đại đội không thương nhau, bảo thương người ở nơi khác, thương Tổ Quốc, thương dân tộc thì ai tin được, có đúng không, anh Tuy?

Gần một giờ đồng hồ qua đi, Tuy đứng như chết lặng, không hề động đậy, không hề nhúc nhích. Mỗi lần chính uỷ gặng hỏi: "Có đúng không?", anh chỉ hơi đỏ mặt, hai môi động đậy một tiếng "có ạ" rất nhỏ. Chính uỷ nhìn nghiêng xuống một bên má Tuy, khuôn mặt anh trông dài thuồn thuột và mắt mở ra mà không động đậy như một viên bi sắp sửa bong rơi. Ông muốn nói những câu gì nữa, lời lẽ gì nữa để cậu ta vui lên. Ông cũng đứng im lặng, chưa biết sẽ nói câu gì cho đúng với lòng mình xao động lúc này. Cách hai người chừng dăm mét, khuất một gốc cây là Đáng, trung đội trưởng trung đội ba. Gần một giờ rồi, anh cứ quanh quẩn, nhấp nhỏm định tiến sát hai người mời về ăn cơm. Thấy chính uỷ nói rất say sưa, anh đành chờ và quay về cho đơn vị ăn cơm trước để tiếp cận mặt đường. Từ lúc trở lại bên gốc cây vẫn phải chờ chính uỷ nói. Lúc này chớp được phút im lặng, anh hắng giọng, bước xuống lợi nước, gần hai người. Trông thấy anh, chính uỷ ngẩng nhìn trời. Mặt trời đã khuất, rừng tối mờ mờ, ông vội vàng kêu:

- Chết, chúng mình sai hẹn rồi. Thôi hãy nói với nhau thế, đi ăn cơm đã. Để anh em chờ lâu quá. Anh Đáng về trước, chúng tôi theo ngay đây. Nào đi thôi anh Tuy.

Đáng về trước, nét mặt Tuy tươi tỉnh lên. Lội qua suối, chính uỷ nói:

- Anh còn điều gì chưa nhất trí với ý kiến của tôi không?

- Báo cáo, tôi xin tiếp thu tất cả.

- Ngay một lúc chưa chấp nhận tất được đâu. Rồi tôi với anh sẽ phải bàn với nhau nhiều chuyện nữa.

Hai người lên đến đầu núi, các chiến sĩ đã mang áo giáp ra bãi xe. Đáng dừng lại thanh minh:

- Báo cáo, để bữa khác anh em họp mặt đông đủ. Hôm nay anh em xin phép đã ăn cơm trước cùng đồng chí bê phó chuẩn bị xuất phát.

Chính uỷ ngẩn ra tiếc rẻ:

- Ừ, ừ khuyết điểm tại chúng tôi. Hẹn xuống liên hoan với nhau mà để anh em phải chờ mãi. Giải quyết thế là linh hoạt. - Ông tiến đến cạnh đường chiến sĩ đi ra bãi: - Ta hẹn bữa khác ăn với nhau nhá. Nào bắt tay, các anh, các bạn. Chúc nhau hôm nay "quay vòng, khép kín" trăm phần trăm. - Đợi cho chiến sĩ đi khuất, ông mới quay lại mâm cơm. Các món ăn đều được xào lại bốc hơi nghi ngút. Anh y tá tháo vát pha thêm cồn với rượu bổ rót chia đều các bát. Tuy vui vẻ chúc chính uỷ:

- Xin chúc thủ trưởng cạn bát, mạnh khoẻ...

- Nào ta cạn bát rượu này. Nhưng tinh thần chiến đấu thì tràn đầy đấy nhá. Hà hà... - Ông uống một hơi cạn như uống nước. Hà hơi để mùi men cay nồng khỏi sặc lên mũi, cầm lấy đũa hỏi:

- Món nào trước? - Đáng gắp vào bát ông miếng chả rắn. Ông cắn một nửa, nghiêng mặt nhai, gật gật đầu: - Ngon, ngon quá các anh ạ. Giòn, thơm. Các anh kiếm ở đâu được cả ớt, hành, mộc nhĩ giỏi thế?

- Báo cáo, anh Trường "xoay" không thiếu thứ gì. Nhà động vật kiêm gia vị thủ trưởng ạ. Còn các món nấm này thì anh em phục đồng chí Thú cùng đi với thủ trưởng.

- Đúng, đúng. Tôi chịu anh bạn Thú. Đến đâu, bao nhiêu bí mật của rau rừng anh bạn ấy gọi ra như vườn nhà mình ấy. Chỉ mỗi tội, có cô bạn gái ở thanh niên xung phong tìm mãi không ra. Hà hà, anh bạn Thú của tôi kém quá, kém quá. Nhưng phần này tôi lại không có kinh nghiệm để hướng dẫn anh ta.



4
Lúc ấy các anh nuôi, quản lý, thống kê và những anh chàng đang lên cơn sốt của bê một cũng chạy sang ngồi há mồm nghe Thú nói đến sự phong phú vô tận của các loại rau rừng. Bữa cơm của xê bộ cũng có tí "chất cay" khiến cậu ta quên cả sự rụt rè trịnh trọng vốn có.

- Tại sao anh lại biết nhiều loại rau thế?

Thú nhìn chằm chằm vào khuôn mặt người hỏi còn trẻ hơn mình. Ra chiều nghĩ ngợi, cậu gật gù:

- Làm nghề gì cũng phải đạt đến trình độ nghệ thuật của nó. Nghệ thuật là gì? Các đồng chí đã nghe chính uỷ nói chưa? Không cứ gì phải diễn kịch, làm xiếc, công việc nào đạt đến trình độ lão luyện, cao tuyệt đỉnh của nó là nghệ thuật rồi. Như làng tôi có một ông giã giò lụa khéo đến nỗi Trung ương mở đại hội, tiếp khách nước ngoài phải đem xe "đít vịt" đi đón về. Thế là ông giã giò nghệ thuật. Hay là tôi phục vụ thủ trưởng cũng phải có nghệ thuật chứ - Mọi người cười, nhìn Thú chăm chăm. Thú vẫn nói thản nhiên: - Thật sự phải thế. Dù chỉ dăm bảy tháng cũng phải đến nơi đến chốn. Chủ yếu trông nom sức khoẻ cho thủ trưởng. Muốn khoẻ ở rừng chỉ có anh rau, anh nấm. Các anh hỏi về rau, nhân chuyện này tôi xin nói để các anh biết là cứ nhìn loại lá nào có khỉ, vượn, lợn, gà hoặc bất cứ con vật nào đã gậm nhấm là ăn được tuốt. Hoặc không, nếm thử thấy chua, không đắng, không chát. À mà có khi không cần thế, chỉ cần thấy nõn hoa đỏ, lá sặc sỡ, ngửi không thấy lợ, hắc, thối là được. Còn khi đã ăn phải lá độc xin mời nôn ra cho bằng được, uống nước đường, truyền huyết thanh chứ tuyệt đối không được uống rượu, tiêm thuốc giảm đau như Atrôpin chẳng hạn. Đặc biệt, ăn phải nấm độc có thể chết tươi ngay lập tức. Nếu không, nó cũng làm điếc tai, mờ mắt, ỉa ra máu, tay teo, chân thọt.

Những anh chàng vừa ăn nấm xong đưa mắt nhìn nhau. Thú bắt gặp cử chỉ đó, tủm tỉm cười:

- Yên chí. Nấm ăn lúc nãy đảm bảo lắm. Lát nữa tôi sẽ giải thích thêm cách tìm nấm. Bây giờ tôi cứ nói cách kiếm rau để các bạn nuôi quân mới vào rừng rút kinh nghiệm. Làm sao mình phải thuộc rau ở rừng như ở trong vườn nhà mình mới ăn thua. Muốn ăn gì, có nấy. Me rừng, bầu đất dại, dây bìm, chua ngút, xin mời đến đồi dại nắng, chỗ khô nẻ. Ăn rau tầu bay, mào gà, rau rớn, rau mác, vỏ phồng xuống bờ suối, chỗ đất ẩm. Môn thục, tai voi, móng ngựa, chua khan đến gốc cây to trong rừng già. Tôi xin lưu ý các anh ở vùng núi đá vôi quanh đơn vị ta đây rất nhiều loại rau chua như bê gôn, sam đá, đay đá, rau sắng, lá bỏng...

Những người nghe đang háo hức, làm cho cậu nói hăng quá quên cả việc đi đón chính uỷ. Lúc ông trở về gọi ở cửa, cậu mới sực nhớ, vội cắt ngang câu nói đứng dậy rút khăn mặt, bát đũa buộc vào ba lô. Cử toạ đầy nhiệt tình hẫng truột đi, khuôn mặt ai cũng nuối tiếc, ngơ ngác. Chính uỷ vào hẳn lán hầm. Mọi người đều nhận ra sự dừng lại đột ngột của Thú, họ biết rằng đã đến lúc phải chia tay để Thú ra đi với ông.

Chính uỷ đứng ở gian giữa, vạt ánh sáng từ lỗ hổng vuông của thùng lương khô chập chờn trên nửa người ẩm ướt của ông. Nhận thấy mối cảm tình của những người chủ với cần vụ của mình, ông biết chuyện gì vừa xảy ra. Ông mủm mỉm cười hỏi:

- Chắc ông bạn Thú lại giở món rau rừng ra "troẹ" các bạn phải không?

- Mê lắm thủ trưởng ạ.

- Ăn thua gì. Anh bạn chỉ được cái lý thuyết chứ thua bà lão nhà tôi. Ờ hờ, bà cháu cứ cà nén, rau rền canh cua hoặc rau muống luộc dầm sấu, với tôm rang là ăn đứt mọi thứ rau của anh bạn Thú.

- Nhưng ở đây các món của đồng chí Thú cũng mê thủ trưởng ạ.

- Hờ hờ... ở trong rừng anh em mình chịu cậu ấy thật. Các bạn có thích tôi xin để cậu ấy lại với các bạn.

Lập tức ba, bốn người lao xao cùng hỏi:

- Thật không thủ trưởng?

- Ngay bây giờ thủ trưởng nhá.

Tuy cũng chen vào vui vẻ:

- Chúng tôi xin cử người rất thạo đường đưa thủ trưởng lên Phù Lã.

- Hờ hờ... các bạn tinh thật. Thôi, hẵng biết thế đã. Rồi cậu ấy cũng phải xuống đơn vị chứ tôi "kìm hãm" mãi sao được.

Một chiến sĩ nuôi quân rất trẻ đang buộc dò phong lan vào nắp ba lô cho Thú, dừng lại thì thào:

- Mai kia được xuống đơn vị, anh về đây với chúng em nhé.

- Thủ trưởng đùa đấy - Thú định nói thêm: "Đang mùa mưa vất vả này tôi để thủ trưởng cho ai mà đi với các cậu, vớ vẩn". Nhưng anh nói lảng: - Đi đâu, do ý kiến của ban 5, thủ trưởng cũng chả quyết định được.

Cậu nhắc ba lô xóc xóc thử. Chính uỷ kêu:

- Dò phong lan không gửi lại đây, "tha" đi làm gì cậu?

- Trên đường đi, tôi sẽ gửi được đến đội điều trị cho anh ấy.

- Chắc không?

- Tôi tính kỹ rồi thủ trưởng ạ.

- Hờ hờ... Tuỳ cậu. Cốt là cậu đừng vất vả quá. Thôi ta đi chứ nhỉ. Nào chia tay tất cả các bạn.

Tuy đứng ở cửa nắm tay chính uỷ. Giọng anh ái ngại:

- Trời đang mưa. Đêm tối thế này. Hay thủ trưởng để chúng tôi cho cái Hoàng Hà đưa thủ trưởng đi.

- Thôi, đừng lo. Cánh tôi đã quyết định đi bộ. Cũng có dịp để xem đường sá, lán trại của các đơn vị ra sao. Mưa đâu, chúng tôi trú đấy anh đừng ngại. Còn nhiệm vụ của đơn vị, chúng tôi xem đường sá, địch tình thế nào rồi sẽ thống nhất, quyết định đội hình tấn công của đại đội. Anh bàn thêm với anh Trường cứ chuẩn bị hai phương án. Cũng có khả năng chạy nhiều đấy. Trưa nay anh Lan đã cho tôi biết hầu hết các đơn vị gùi được giải phóng, bổ sung cho công binh. Công binh đảm bảo tốt, hàng đẩy được qua các ngầm là chạy đội hình lớn có thuận lợi. Thôi ta chia tay nhé. Anh yên tâm làm tốt mọi việc đã trao đổi với nhau. Nào bắt tay lần nữa. Tôi đi. Anh bạn Thú đợi mình với.


5
Hai người xuống đến bờ suối thì trời đổ mưa. Đấy là thứ mưa không bao giờ có nguyên nhân. Mưa rừng. Lúc mặt trời đang lấp loá hoặc ánh trăng trải mênh mang trên đồi trọng điểm vẫn cứ mưa tự nhiên như một trò đùa. Chiến sĩ ở rừng quen, dù có nắng đổ ra lửa vẫn phải giắt sẵn áo mưa ở thắt lưng, nhét vào túi cóc. Trùm xong vải nhựa lên người, Thú dắt tay chính uỷ dò dẫm lội suối. Tiếng thằng AĐ6 phè phè nặng nhọc ngay trên đỉnh núi. Chỉ những lúc đi đêm, đi ở suối sợ ánh sáng từ mặt nước hắt lên, người ta mới thực sự chú ý đến bọn ăn cướp trên trời. Còn không, lính Trường Sơn quen nghe thứ âm thanh hung hãn đó cũng như tiếng hổ, tiếng lợn lòi hú lên đêm đêm trong hoang vắng của rừng vốn đầy ngập tiếng dã thú. Tiếng máy bay tắt, ánh sáng chiếc đèn pin đã vặn ngược loa chảy ra dòng ánh sáng nhỏ như vòi nước rê đi, rê lại ngoằn ngoèo. Bước đi của hai người dài và nhanh hơn. Họ lại lầm rầm những chuyện không đầu không cuối. Và, bất kể là chuyện gì, bao giờ cũng có sự tranh cãi, bàn bạc bình đẳng. Thú hỏi:

- Xem thế nào bố trí anh Trường nghỉ phép đi thủ trưởng ạ.

- Cũng phải đợi cuối mùa mưa mới giải quyết được.

- Bây giờ còn dễ. Đến lúc bắt vào mùa khô, chiến dịch mở ra túi bụi chưa chắc anh ấy đã nỡ bỏ đi.

- Kể cũng khó thật. Thằng xê ba còn nhiều mặt phải chấn chỉnh, phải củng cố để cho nó chạy đội hình đại đội. Để cậu ấy đi lúc này chưa ổn. Kế hoạch mùa khô đến rồi, không dồn sức cho bên 60 hoàn thành đường thì gay.

- Ai chả biết thế. Nhưng... Ối giời ơi, thủ trưởng lại ngã rồi. Tôi bảo đi tất vào không nghe - Thú bước nhào tới. Chính uỷ đã đứng dậy, bàn tay ông còn xoa xoa bên sườn ướt sũng.

- Thôi thủ trưởng bá vào vai tôi mà đi.

- Chậc, ai lại làm như trẻ con ấy.

Thú ngồi xuống giở ba lô lấy đôi tất ra lặng lẽ đưa cho ông. Biết không cưỡng lại được, ông đành dừng lại làm công việc rất hệ trọng để vừa lòng cậu ta. Rồi hai người lại đi. Nước mưa đã thấm đẫm vào rừng cây. Không nghe thấy tiếng ào ạt đổ từ trên cao. Chỉ thấy tiếng rầm rì va chạm vào cây, vào đá, vào những cành khẳng khiu, chỗ nào cũng thấy toàn những nước. Chính uỷ hăng hái đi phía trước. Ánh sáng chiếc đèn pin rọi cắm xuống đâu, chiếc gậy trong tay ông chọc chọc xuống đấy. Ông đi thập thõm, hai bàn chân đặt xuống đá rung rung. Cái tuổi sáu mươi không còn đủ sức giữ cho cơ thể có phần nặng nề của ông đi đứng dễ dàng nữa. Chốc chốc lại ngã dúi vào bụi cây gai hoặc dằn mình xuống một phiến đá, đau lặng. Lần nào Thú cũng hấp tấp nâng người ông dậy lầu bầu:

- Đã bảo bám vào vai tôi thủ trưởng không nghe.

- Thế nó lùng nhùng khó đi lắm.

- Khó đi cũng còn hơn để chân tay sưng hết lên. Hay thôi nghỉ, không đi nữa.

- Quyết tâm của cậu xoàng bỏ mẹ.

- Một mình tôi đi đến đâu chả được. Nhưng còn thủ trưởng đến nơi còn làm việc hay lại nằm ệp một chỗ?

- Mình còn khoẻ chán. Thôi đừng bàn lùi nữa. Theo cậu, thằng xê ba tổ chức chạy đội hình toàn đại đội qua cao điểm được không?

- Kể ra cũng ác liệt đấy. Căn bản họ có nhất trí với nhau không?

- Tất nhiên, giải quyết tư tưởng là hàng đầu rồi. Cậu Tuy đã phần nào nhận ra cách sống không đúng đắn trong thời gian qua.

- Không cẩn thận, anh em họ cho là thủ trưởng cảm tình với anh Trường, còn thủ trưởng Lan lại bênh anh Tuy.

- Cái đó mình và anh Lan sẽ phải bàn với nhau. Cậu thấy anh em họ xì xầm chuyện đó à?

- Họ nói hết. Lúc thủ trưởng họp với chi bộ, tôi lân la ở các bê, tôi nắm vững cả. Với thủ trưởng đôi khi họ phải e dè chứ tôi thì lính lái xe việc gì họ phải giấu giếm.

- Đúng, đúng. Mình thấy anh em có vẻ "mê tín" cậu. Làm chính trị được đấy.

- Tôi ý à? Nếu cho tôi xuống làm lính đánh nhau vẫn thuận hơn. Không thì cứ để tôi đi với thủ trưởng. Bao giờ hết chiến tranh, thủ trưởng về hưu, tôi cũng về làm chân lao động chính bám sát đồng ruộng. Ngày đi làm, tối đánh mấy ống lươn. Thủ trưởng có ăn được cháo lươn không?

- Rồi xã hội người ta tiến lên chứ. Cậu còn nặng ý nghĩ "thủ phận" lắm. Hình như mấy cái hằng đẳng thức "đáng nhớ" trong tuần trước, cậu vẫn quên hả?

- Thủ trưởng giảng thì hiểu đấy. Nhưng nó cứ lẫn lộn thế nào ấy. Giá cho tôi mấy chục cái đáng nhớ rau, đáng nhớ mộc nhĩ còn hơn.

- Quen với sự lười biếng là tật xấu. Anh không chịu học, chịu suy nghĩ, chứng tỏ ý thức rèn luyện của một đảng viên chưa tốt đâu.

- Khó thì tôi kêu, chứ vẫn học. Mai thủ trưởng giảng lại cho tôi lần nữa. Giời ơi, thủ trưởng lại ngã rồi.

Vẫn gạt cây, bước trầy trụt trên bùn, trên đá, hai người đi lầm rầm. Chốc chốc chính uỷ lại ngã dúi và cần vụ lại càu nhàu. Ra đến đường xe, đi lại chậm hơn. Chính uỷ rọi đèn quanh vùng hố bom, bước chân đo những chỗ "cua". Có lúc ông leo lên cây nhìn độ phát sáng của xe đi trên đường. Quanh quẩn chán, ông bảo Thú ngồi lại, hai "cha con" trùm áo mưa ngồi lại giữa trọng điểm để theo dõi quy luật của sự liên quan giữa các đợt pháo sáng với các trận "toạ độ", "bổ nhào". Hơn hai giờ sau, nghe xong năm trận bom, ông giở sổ ghi chép điều gì đó. Gập sổ lại, ông bảo Thú đến trạm chỉ huy giao thông. Chuyện trò, hỏi han những người ở trạm xong, đứng ra giữa đường vẫy xe dừng lại hỏi xem mỗi giờ vượt được mấy cây số, mỗi chuyến thường bị mấy trận, ở chỗ nào hay "dính" bom vân vân. Gần sáng. Hai người đói và rét run cầm cập, đặt bàn chân xuống chỉ chực ngã khuỵu. Leo lên đến sườn núi toàn những cây bồ kếp và thị rừng đột nhiên ông đứmg lại, lắng tai nghe và ra hiệu cho Thú im lặng. Từ phía trái, không biết ở chỗ nào văng vẳng tiếng con gái, cả cánh rừng thấy ấm lên. Rồi tiếng nói dồn dập, cây bồ kếp, cây bồng bềnh cũng như xao xuyến. Đấy là tiếng nói phát ra từ một chiếc loa phóng thanh. Vẫn nghiêng nghiêng đầu lắng nghe, ông reo như một đứa trẻ, nói với chính mình chứ không phải nói với người cần vụ bên cạnh. "Đúng rồi!". "Đúng rồi!". "Đúng lắm rồi!". Thế là ông xéo lên đám dây leo nhằng nhằng, những cây khô ngáng tua tủa, háo hức và liều lĩnh lao về phía tiếng nói. Thú chưa hiểu đầu đuôi ra sao, cậu vẫn phải tất tưởi chạy theo ông. Ông quay lại gọi:

- Cậu ơi, đâu rồi! Đấy rồi, nó đấy rồi. Không sai, đúng con Bình Nguyên rồi. Cậu ạ. Sao nó lại đi chiếu bóng à? Sắp sáng rồi phải không cậu. - Thú mừng khấp khởi bám sát ông. Hai người lần mò đến bên một ngôi nhà thùng che kín. Những khe sáng như sợi chỉ viền ở các mép mảnh ni lông tiếp giáp nhau không đủ để nhìn vào phía trong lán hầm. Chính uỷ đứng nép vào mái lán, sát cửa và thì thào gọi Thú đứng cạnh ông. Hai người nín thở như hai đứa trẻ rình mò nghe sự bàn luận nghiêm mật của người lớn. Một lúc lâu sau chính uỷ lần lần hé mảnh ni lông nhìn vào phía màn ảnh. Đấy là những đoàn chiến sĩ đang hành quân, những đoàn xe, pháo ùn ùn, những trọng điểm bom nổ và lửa cháy rừng rực. Rồi lại những chiến sĩ nặng trĩu ba lô con cóc, mũ tai bèo nối nhau lớp lớp hối hả như suối chảy. Ông nhận ra bộ phim mới nhất về Trường Sơn do xưởng phim Quân Giải phóng phiên bản gửi đến phục vụ hội nghị chính uỷ toàn chiến trường, chưa kịp in tiếng thuyết minh. Đã ba lần ông xem bộ phim này ở Bộ Tư lệnh. Nhưng bây giờ ông phải nín thở như nuốt lấy tiếng con gái ông thuyết minh ngoài phim. Đã năm năm rồi ông mới được nghe tiếng nó, tiếng nó rồi. Nó vẫn phát âm rất đúng những chữ "S", chữ "R". Tiếng nó đã ấm trầm lại, thành người lớn rồi. Chao ơi, sao nó nói hay đến thế? Ông đứng như mê đi, hai hàng nước mắt giàn xuống má niềm sung sướng. Đã bao lần ông khát khao nghe tiếng nó nói, đọc một dòng chữ của nó. Dù đó là những lời lẽ "lên lớp" rất trẻ con, ông vẫn thấy kiêu hãnh về nó. Hơn một năm trước ông nhận được lá thư của nó như một bài giảng chính trị cho ông. Ông đã làm chính uỷ hàng chục năm nay nhưng dạo ấy đọc thư nó nói về nhiệm vụ "chống Mỹ, cứu nước", ông vẫn thấy hay, vẫn đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm như một sự phát hiện mới mẻ. Nó bảo ông: Bố ơi, trong lúc cả nước ta đang có chiến tranh, đang còn gót giày tàn sát của bè lũ cướp nước và bán nước, nhiệm vụ của thanh niên ta phải làm gì bố có biết không? Con hỏi thế thôi chứ bố thì biết thừa đi, bố đã nói với bao nhiêu chiến sĩ chuyện đó rồi ấy chứ. Tự vì bố là chính uỷ cơ mà. Bố hiểu được điều đó, con tin rằng bố sẽ rất thông cho con ra mặt trận kỳ này. Con dặn thêm bố một điều: Bố có biên thư về, nhớ hỏi mẹ con: "Ở nhà bà đã cho con Bình Nguyên đi bộ đội chưa? Bố phải nhớ hỏi mẹ con câu đó nhá. Tự vì con đã giả làm bố viết cho mẹ con một lá thư đại ý là:... "Bà phải hiểu là thủ tướng Phi-đen Cát-trô đã từng nói: "Tổ quốc hay là chết!" Đất nước ta cũng thế. Bọn xâm lược Mỹ đưa hàng nửa triệu quân đến định bắt dân ta phải cúi đầu làm nô lệ. Nhưng chúng đã lầm. Mỗi người dân Việt Nam, nhất là lứa tuổi thanh niên, như con Bình Nguyên nhà này đều có thể trả lời bọn đế quốc đanh thép rằng: "Không! Thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất độc lập, tự do". Bác Hồ đã dạy thế. Mỗi người đều xác định như thế. Bà ở nhà tuy vất vả nhưng cũng phải xác định như thế để vui vẻ cho con nó đi".



Bố ơi, "giả làm bố" như thế được đấy chứ. Căn bản là bố nắm vững tinh thần rồi biên thư động viên mẹ con. Đừng để mẹ con biết là con đã nói dối, mẹ con buồn thì con khổ tâm đấy bố ạ. Bố nhớ, bố nhá. Chào bố kính yêu, con chuẩn bị lên đường đây. À, tái bút: Bố biên thư cho anh Nhật nhớ đả phá tư tưởng phong kiến bố ạ. Anh ấy khinh con không ra được chiến trường. Được rồi, con sẽ đến chỗ nào ác liệt nhất để xem chịu đựng được không? Mà biết đâu con chả gặp bố, bố nhỉ..."

Ông đứng mê man trong sự nén lặng chờ đợi. Những đoàn người vẫn hành quân trong màn ảnh và tiếng con gái ông vang lên ngọt ngào: "Trường Sơn đấy. Đường ra trận đấy. Trường Sơn như một thiên thần thoại. Trường Sơn như trăm suối đổ về dòng sông chảy xiết cả hai chiều. Những dòng người đi vào, ba lô "con cóc" trên lưng căng phồng sự bỡ ngỡ. Những dòng người đi ra, chật ních kỉ niệm và chiến công...".

Ông quay xuống buồng máy gọi nhỏ: "Nguyên! Bình Nguyên". Nhưng nó không nghe thấy. Những chiến sĩ trẻ măng, với khuôn mặt xám tái anh ánh những lông tơ đầy háo hức đang ngửa cổ lắng nghe. Tiếng ông gọi vào làm cho những nhánh lông mày của mấy chiến sĩ ngồi sát cửa hơi chau lại. Họ không ngoảnh ra nhìn ông. Nhưng ông không dám gọi tiếp, vội vàng khép mảnh vải nhựa che cửa lại. Chưa bao giờ ông cảm thấy sự thất thường trong tâm trạng mình như lúc này. Sự xúc động trào lên trong ông từng đợt sóng, khiến ông vô ý, thò đầu vào gọi con lúc mọi người đang chăm chú xem. Nhưng chỉ tí nữa thôi, một tí tẹo nữa là ông được gặp nó, gặp cái niềm kiêu hãnh và đầy kỉ niệm của ông. Nó là út. Ngày ấy vào cuối năm 1951 ông đang cùng các chiến sĩ thuộc trung đoàn Dũng Cảm thuộc đại đoàn Đồng Bằng luồn sâu phân tán trong lòng địch ở Thái Bình. Vợ ông ở nhà nghe tin ông chết. Bà gửi con, bỏ nhà đi suốt hai tháng trời, vượt qua bao nhiêu đồn địch, qua bao nhiêu vành đai trắng, luồn qua bao trận càn, vây lùng, đi tìm bộ đội. Đến đơn vị nào bà cũng cuống quýt hỏi: "Các anh ơi, các anh làm ơn chỉ cho tôi mộ nhà tôi. Nhà tôi là Văn, Nguyễn Quang Văn lùn, quê Thuỷ Nguyên". Một buổi trưa nắng bà trông thấy ông đang lúi húi bắt cua ở giữa đồng. Thế là bà dấn cả quần áo chạy ùm ùm dưới đầm nước đến bên vừa khóc mếu máo, vừa đấm túi bụi lên người ông. Ông buông thõng hai tay, thả những con cua ra, đứng yên lặng cho bà đấm rồi cười "hờ hờ" làm bà càng khóc và đấm khoẻ. Hai người cùng chạy càn với nhau một tuần. Gần một năm sau con Bình Nguyên ra đời. Con bé đã có sẵn cái tên ngay từ đêm đầu tiên bố mẹ gặp nhau. Suốt mấy chục năm lấy nhau, cộng sự gần gũi lại chưa đầy một tháng trời. Con cái ngoan hay hư, gầy hay béo, học giỏi hay dốt, chăm chỉ hay lười biếng đều ở mẹ nó cả. Thế rồi nó viết cho ông lá thư "lên lớp chính trị" để ông bênh vực việc ra đi của nó. Sung sướng bao nhiêu về việc làm của con, nỗi phấp phỏng mỗi lúc lại giàn ứ thêm lên. Bây giờ chính ông đã đứng bên con thật ư? Thú lay lay tay ông:

- Xong rồi thủ trưởng ơi!

Ông giật mình ngẩng lên. Trong căn nhà hầm tối sập lại, chỉ còn ánh sáng đỏ nhoè của chiếc đèn hoa kỳ. Người xem đã theo đường hào giao thông về hết. Ông và Thú bước lần lần vào giữa nhà. Bình Nguyên đang cuốn những vòng dây quanh thân cây đèn chụp nhỏ xíu để thuyết minh. Chính uỷ đứng sững lại nhìn con chằm chằm. Cô bé vẫn cắm cúi làm việc. Thú gọi nhỏ:

- Bình Nguyên ơi!

Cô bé ngẩng lên ngơ ngác chưa nhận ra ai gọi mình. Cô lại cúi xuống mở hòm máy chiếu. Chính uỷ vẫn đứng lặng nhìn con. Thú lại gọi:

- Bình Nguyên ơi, thủ trưởng, bố Bình Nguyên đến đấy mà!

Cô bé nhìn về phía người gọi. Qua quầng sáng chập chờn cô nhận ra cha mình, vội nhảy hai bước liền, qua hòm máy đến ôm chầm lấy bố mà khóc. Cô dụi dụi đầu vào ngực ông như cố tìm một khoảng sâu của lòng bố để nép kín cái thân hình bé bỏng của mình vào đấy. Tiếng khóc của cô bật lên to hơn khiến những người có mặt trong căn nhà đứng ngẩn ra, dừng cả việc thu dọn lại. Chính uỷ đứng lặng yên vuốt vuốt mái tóc con. Nó càng đấm vào lưng ông khoẻ và khóc nức nở. Ông không biết dỗ con thế nào, cứ phải nhắc đi nhắc lại mãi câu: "Thôi nín đi, đã bảo nín đi con!". Giữa lúc ông đang bần thần về nỗi thương con thì cô bé lại cười khanh khách:

- Giời ơi là giời! Bố biết con ở đây à? Sao bố không báo gì cho con. Tự vì phải chiếu nhiều buổi để anh em ra mặt đường không có con đã đi chỗ khác rồi, bố chả được gặp. Giời ơi may quá bố ơi! Sao lại may thế này hở bố? Cố ở đây với con vài ngày hẵng đi bố nhá. Mẹ con có gửi thư cho bố không? Các anh, các chị ơi, bố em đây này, bố em thật đấy.

Mọi người cười ồ và những tiếng nói vồn vã đè át lên nhau. Thú có dịp kể về cuộc hành trình của cậu và chính uỷ cho mọi người. Bình Nguyên đã được nghe Vũ kể về người cần vụ của cha mình nên cô tỏ ra thân thiết với cậu ngay từ phút đầu tiên. Cô giục Thú: "Bạn Thú ơi, có lương khô đấy, ăn đi!". "Bạn Thú này, bạn ở đây lâu lâu rồi tôi kể chuyện cho mà nghe nhá!". Thú thấy mừng khấp khởi. Chả mấy chốc được dịp tốt như thế này để cậu nói đến Vũ và thăm do ý tứ của cô hoặc làm bất cứ việc gì đó để hai người có thể gần lại với nhau. Nhưng những ngày sau Thú có nhắc đến Vũ bao nhiêu lần thì cô bé cũng chỉ trả lời một câu rất gọn: "Tôi không biết"; hoặc "Thôi đừng nhắc đến chuyện đó bạn Thú".

Mỗi lần như thế, mặt Thú lại ngây ra, nỗi buồn phiền hiện lên như muốn kéo đổ cả con người cậu xuống. Cái ý định mang phong lan theo để nhờ cô ta đưa đến đội điều trị cho Vũ làm cái cớ cho hai người gặp nhau đến bây giờ hỏng mất rồi. Hỏng mất, không khéo hỏng thật. Ông Vũ đã nói năng, xử sự thế nào làm cô ta nguội hết tình cảm rồi, hỏng thật mất rồi! Biết thế chẳng lên đây nữa lại hơn. Biết làm thế nào bây giờ? Có cách gì để anh Vũ khỏi buồn giữa lúc đang gắp mảnh đạn ở trong người ra không?


Ch­¬ng VIII
Каталог: UserFiles -> RadEditor
UserFiles -> PHƯƠng pháp viết nghiên cứu khoa họC Ứng dụng sư phạM
UserFiles -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFiles -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFiles -> BỘ XÂy dựNG
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFiles -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFiles -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
UserFiles -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
RadEditor -> BẢn thảO ĐẦu tiêN (để bổ sung/góp ý) thông tin đÓng góp về XÃ HỘi dân sự TẦm nhìn asean 2025

tải về 2.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương