22  leâ LÖÏu tieåu thuyeát  23



tải về 2.23 Mb.
trang9/22
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2016
Kích2.23 Mb.
#32030
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   22

1
Vũ còn sống là do sự may mắn vượt ra ngoài điều tính toán tỉ mỉ. Cùng lúc quả bom nổ, chiếc xe vụn xơ như xác pháo. Riêng cái đầu vẫn nguyên vẹn bay xuống nằm ngay ngắn dưới đáy thung lũng, hét còi inh ỏi. Hai tay anh ghì chặt vòng lái như lúc xe đang chạy. Trường và các chiến sĩ lần theo tiếng còi tìm đến nơi đầu xe một cách dễ dàng. Máu ở mũi và tai chảy ròng ròng, khắp người vẫn nguyên vẹn, mắt vẫn mở. Vũ ngồi lịm như người đã chết. Nhưng anh đã tỉnh dần sau năm ngày cấp cứu ở đội điều trị dưới chân cao điểm. Đấy là những ngày ở phía Tây Trường Sơn đã nắng. Liên hoàn trọng điểm Phù Lã như xắn ra làm hai phần: nửa ướt nhong nhõng, nửa kia hong hanh khô se, mùa khô hiện ra như một lời kêu gọi thiêng liêng lan khắp tuyến đường, khắp tuyến gấp rút truyền đi những mệnh lệnh khẩn cấp tổng công kích mùa khô.

Vũ ra viện trong một tâm trạng bâng khuâng ngơ ngác giống như đêm ngủ vắng mẹ, lúc tỉnh dậy chơ vơ giữa căn nhà rộng trống trếnh. Không hiểu đơn vị đã chuyển đi những đâu, bao nhiêu lần thay đổi nhiệm vụ! Bây giờ anh Trường và anh em còn ở rừng lim mốc hay đã lên rừng săng lẻ, rừng nứa, rừng le rồi! Hơn hai tháng nằm điều trị chỉ được biết tin tức của đơn vị qua điện thoại và mấy lá thư anh Trường gửi kèm với đường, sữa. Vũ biết công việc cuốn hút anh, chả lúc nào anh có thể đến thăm Vũ được, dù thế vẫn mong, vẫn thấy cồn cào nỗi nhớ. Giữa lúc ấy, Trường đến thăm Vũ như một ý nghĩ vừa loé lên. Bước vào cửa lán, anh đã vồn vã:

- Nắm chắc vô lăng được chưa?

- Em định ra viện từ tuần trước kia mà.

- Mình đoán thế nên chuẩn bị sẵn mọi thứ cho cậu rồi - Trường trao cho Vũ những giấy tờ cần thiết đi đường. Nghĩa là Vũ không phải về đơn vị. Công việc của Vũ là đánh xe đến đoàn 700 nhận 30 chiến sĩ lái vừa được bổ túc ở hậu cứ của đoàn về hậu phương nhận xe bổ sung thẳng cho đại đội. Trước khi trở lại chiến trường, Vũ được phép nghỉ một tuần về thăm quê. Cuối cùng anh buộc vào nắp ba lô dò phong lan đai châu, chính uỷ gửi tặng ông giáo, cha cậu. Vũ đứng lặng nhìn hai bàn tay lẹ làng, thận trọng của Trường, một lúc sau cậu mới hỏi giọng gần như thầm thì:

- Không ngờ chính uỷ còn nhớ chuyện ông cụ nhà em thích hoa đai châu?

- Nhớ chứ! Cậu biết dò phong lan này chính uỷ lấy trong trường hợp nào không?

Vũ lắc đầu. Trường không nhìn vẫn biết Vũ không thể đoán ra. Anh sôi nổi giảng giải: "Đêm "ông cụ" và cậu Thú đi bộ từ binh trạm xuống đại đội ta đấy. Qua ngầm Ông Thao hai người lạc đường vì chỗ cây số 33 bây giờ thành trọng điểm rồi. Nó vừa "quần" suốt bảy tiếng đồng hồ xong, hai "cha con cụ" lần mò tới. Cây cối đổ ngổn ngang, con đường vỡ ra vụn nát rồi mất hẳn. Giữa đêm mưa gió "cha con" mò mẫm hơn ba giờ không tìm ra lối đi. Mãi gần sáng chợt anh chàng Thú ngửi thấy mùi hoa dạ hương liền nhận được hướng con đường trước đây cậu ta đã đi tìm cô Mơ. Hai người lội qua hố bom, gạt cành cây ra gần đến đường chính, "ông cụ" chạm vào nhành phong lan ở một thân cây đã chết khô. "Cụ" mừng rỡ:

- Đai châu, đai châu cậu ơi! Ta mang cái này cho cậu Vũ gửi về biếu ông giáo.

- Thủ trưởng có nói gì không anh?

- "Cụ" khen cậu bình tĩnh, dũng cảm, đã đề nghị thưởng huân chương cho cậu.

- Em làm được gì mà huân chương. Em muốn hỏi anh, thủ trưởng có nhận xét gì về em không?

Trường hiểu Vũ muốn biết chính uỷ có nhắc đến chuyện giữa cậu và cô con gái của ông không? Chết nỗi chính uỷ không hề "đả động" gì đến chuyện đó. Không hiểu ông đã biết chuyện chưa? Còn Bình Nguyên thì... Anh hỏi Vũ:

- Hôm cậu Thú đến thăm cậu, có nói gì không?

- Độ ấy em còn yếu. Thấy nét mặt đau khổ của cậu ta, em chả muốn hỏi nó chuyện gì.

- Ừ, thằng cha tốt bụng ấy lúc nào cũng trịnh trọng. Bình Nguyên nó gửi lời hỏi thăm cậu.

- Thật à? Anh gặp cô ấy lâu chưa?

Vũ tiến sát Trường, giọng cậu ríu lại:

- Mấy lần em gọi điện thoại, đều không gặp Bình Nguyên. Cô ấy vẫn đi thuyết minh chưa về. Thấy bảo "hắn" nói hay lắm phải không anh? Anh thấy có khoẻ không? Tính nết chắc vẫn chủng chẳng trẻ con. Thế nhưng cương quyết, nghiêm ra phết đấy anh ạ. Lúc nào anh phải góp ý, chứ cô ấy chủ quan, liều lắm. Bình Nguyên có biết tại sao em đi viện không? Cô ấy hỏi những gì, anh thuật lại nguyên văn cho em xem nào.

Vũ hỏi dồn dập bao nhiêu điều khiến Trường ân hận về sự nói dối của mình. Thực ra, khi gặp Trường, Bình Nguyên không nói gì cả. Chỉ có Thú nói với anh cách đây gần một tháng: "Bình Nguyên có gửi lời hỏi thăm anh Vũ anh ạ!". Dù thế anh vẫn phải trả lời vồn vã về tất cả mọi câu hỏi và an ủi Vũ một câu mà mấy lần trước anh đã từng nói:

- Cứ phải từ từ cậu ạ. Cô ấy mới lớn chưa muốn ràng buộc mình vào một quan hệ nào đâu.

Trường nói xong không nhìn Vũ. Anh có cảm giác Vũ đang chết lặng vì những lời lẽ chung chung của anh. Thực sự trong lòng Vũ lúc này cũng đang diễn ra nỗi thất thường như bao lần trước đây. Lúc gặp cô bé hoặc nghe người khác trao cho lời nhắn gửi của cô, anh sung sướng luống cuống. Nhưng dần dần tìm trong cử chỉ ấy, lời nói ấy không thấy cái gì đặc sắc cho riêng mình anh bắt đầu phỏng đoán, tâm trạng anh rối rắm một sự hoài nghi vô căn cứ. Và, để bào chữa cho lòng tự trọng của mình, cho nỗi đau đang nhói gan ruột mình anh cố làm ra một vẻ mặt tỉnh lạnh, cố nói to lên trong lòng mình rằng: "Cô ta chẳng yêu thì thôi, làm thằng con trai việc quái gì phải quỵ luỵ, van xin, việc gì phải buồn rầu ủ rũ. Hèn! Thế là hèn!" Vũ quay lại nói với Trường vẻ lạnh lùng:

- Kệ cô ta. Hồi này em cũng không nghĩ gì đến chuyện đó nhiều nữa anh ạ.

Nhưng Trường biết lúc này cậu ta rất muốn giãi bày, muốn bàn bạc, rất muốn dò xét ý tứ cô ấy, rất muốn nghe lời bình phẩm, đánh giá và lời khuyên nhủ tốt đẹp của bạn bè, đấy mới là cái thực chất trong trái tim đang bùng nổ dữ dội của anh ta. Chỉ có điều công việc đang gấp rút và Trường không quen nói những lời lẽ không đúng với lòng mình nên anh chỉ im lặng.

Vũ đứng nhìn ra cửa hồi lâu, anh đột ngột ngồi xuống ngả người quài hai tay ra sau xỏ vào quai ba lô, xốc lên vai bước ra khỏi căn nhà hầm:

- Em đi đây. Anh yên tâm. Lần này xa hẳn, em quên được. Lĩnh xe xong em sẽ "chạy thẳng" vào tuyến trong!

"Vũ! Chả đến nỗi phải thế". Trường muốn nói với Vũ lời an ủi ấy. Không! Tôn trọng sự im lặng bực bội của nó, để nó cứ đi đã.

2
Chao ơi đồng bằng! Đồng bằng mở ra trước buồng lái màu vàng mênh mang ướt sương đêm và ánh trăng giữa tháng. Đồng bằng ngọt dịu dàng tràn ngập quanh xe, chảy vào cơ thể chật chội khô háo của người lính quanh năm ở rừng. "Đồng bằng ơi, đêm trăng này đẹp quá"(1). Vũ đọc thơ mà nghe như đang kêu gào um um trong buồng lái. Xe vọt qua vầng cây cao su, Vũ phanh chững đột ngột. Những chiến sĩ trên thùng xe đổ ngả nghiêng chưa kịp ngồi dậy đã hỏi xuống ùa ùa:

- Nghỉ hả?



- Uống trăng! - Vũ nhao ra khỏi buồng lái tuyên bố một câu đầy hào phóng. Anh nằm ngửa giang hai tay, hai chân giữa nền đường nhựa trước mũi xe. Làn ánh trăng vàng ươm xoa mát rời rợi trên lớp da xám tái, sàm sạm bụi đường. Vũ nếm đầu lưỡi vào ánh trăng thấy ngòn ngọt hương lúa đang vào hạt. Anh há mồm hớp hớp bầu không khí rộng lớn của đồng bằng, uống hết ánh trăng mênh mông của đồng bằng vào lồng ngực khát khao của mình. Đã hơn ba tháng nay ở trong mưa rừng triền miên, trời lúc nào cũng âm âm sắp tối, rất thèm một phút rộng rãi, khô ráo như thế này. Bỗng anh vụt dậy cào buồng lái cầm mũ sắt chạy xuống bờ mương. Một tay bê mũ nước đứng trên bậc lên xuống xe, tay kia khum khum múc nước rê rê tưới hoa buộc trên "giàn mướp". Những giọt nước rơi chầm chậm qua kẽ ngón xuống mỗi nhành lá mốc trắng bụi đường xanh đẫm ánh trăng. Quẳng chiếc mũ vào sàn xe, hai tay anh lẹ làng vuốt ve từng nhành lá dày bì, cong như lưỡi con trâu đang vơ cỏ. Nhưng không phải vì thế mà người ta gọi nó là phong lan đai châu. Bất chợt Vũ nhớ đến buổi tối bọn trẻ bắt cha hát, làm ngựa, để chúng cưỡi chán rồi cười khằng khặc hỏi: "Cậu ơi, đái châu! Ôi, cậu lại gọi là phong lan đái châu, châu đái ra phong lan hở cậu, ha ha!". Lúc ấy người cha gọi lại trịnh trọng giảng giải cho chúng nó như nói với những người bạn bè cùng lứa: "Các con không được nói thế. Đái là chuỗi, Châu là ngọc. Đái Châu, chữ Hán là chuỗi ngọc. Nhưng chữ đái nghe không thanh, người ta chuyển thành chữ đới, đới châu. Dần dần sau này gọi luôn là đai châu cho tiện. Cậu nói đái châu là nghĩa chữ Hán!" - Chữ Hán là gì hở cậu?" - "Là chữ Nho!" - "Sao lại gọi là chữ Nho, chúng con có học chữ Nho không cậu" - Ông còn phải giải thích hàng chục câu lục vấn khác. Đến lúc bí không còn chỗ để lý giải đến tận cùng, ông đành lảng sang chuyện sự tích chơi hoa phong lan của nhà ta. Giọng ông nghiêm trang hẳn lại. Bọn trẻ há mồm nuốt lấy câu chuyện ngày xưa, cái gì đã có chữ ngày xưa là chúng mê man đi rồi. "Ngày xưa cậu bé tí như thằng Phúc bây giờ" - thằng Phúc rụt cổ, thè lưỡi nhìn những đứa trẻ khác vẻ hãnh diện. Bọn chúng cười tủm tỉm. Cậu vẫn kể điềm nhiên trịnh trọng: - Ừ, chỉ như thằng Phúc bây giờ. Cậu ở với bà. Còn ông, đi làm phu đồn điền cao su cho chủ Tây mãi tít trong Nam Kỳ. Ông đi biền biệt suốt hai mươi năm. Mãi đến ngày khởi nghĩa tháng Tám, ông mới về. Người ông gầy còng xuống. Gia tài chỉ có cái bị suột miệng, đựng bộ quần áo và một cây buộc vào đoạn gỗ ải. Ông bảo cây ấy là hoa phong lan đai châu. Cây đai châu ông lấy từ trong rừng Trường Sơn. Bao giờ uống nước chè xong, ông cũng dồn bã cho hoa ăn. Đêm đêm, ông thức đến khuya đợi sương xuống cho búp lá ngậm sương mới đem cây cất vào nhà. Ông bảo ở trên rừng có hai ngàn bốn trăm hai mươi ba loại phong lan, chỉ có bảy loại quý như đai châu. Nó quý nên một năm chỉ ra hoa một lần vào độ xuân sang. Lúc ấy mà nhìn hoa thì quên hết mọi sự. Những cánh hoa dày trắng, lốm đốm hồng, trông óng ánh từng chuỗi như ngọc. Chỉ ngắm thôi, đừng để ý thì đột ngột mùi hương sẽ thơm ngào ngạt, thơm mát lạnh đi. Rồi nó sẽ thoảng qua nhưng trong người mình cứ ngây ngất hàng giờ sau. Khi ông mất, cậu phải chăm chút cây hoa như ông đã giữ gìn, chăm bón. Đêm đêm cũng đợi hoa ngậm sương, sáng sớm mang hoa tắm nắng mặt trời. Rồi cậu cũng nghiện chè. Chăm nom cần mẫn theo một thói quen ấy lâu ngày thành mê. Hôm nào vắng nhà không dặn được mợ coi hoa là thấp thỏm không yên. Chạy tản cư mang theo. Xuống tăng xê ẩn đại bác cũng mang hoa xuống. Đến giữa năm năm tư. Hồi ấy là mùng chín tháng năm. Vào giữa lúc trưa. Đột nhiên bọn lê dương bắn Ca nông từ dưới sông lên, năm gian nhà đổ hết và cây hoa bay đâu mất. May mà hôm đó nhà ta đi ăn giỗ ông ngoại cả. Nếu không... Khi cậu kể xong, những đứa em đã ngủ ngoặt ngoẹo, ngáy khò khè tứ phía. Chỉ một mình Vũ ngồi ở giường bên nghe chăm chú. Khi hai cha con bế những đứa trẻ đặt vào từng giường, cậu còn đứng nói thêm: "Phải đến nửa tháng trời cậu ngồi dưới giàn mướp, chỗ vẫn treo phong lan, bây giờ là giàn hoa thiên lý để đợi sương xuống đầy, búp lá ngậm sương rồi mới lững thững vào nhà. Con đã biết tại sao người ta gọi là phong lan chưa? Phong là gió. Tức là một loại hoa lan bay theo gió vương vào các cây rừng, nhờ chất hữu cơ ở trên thân cây nó nẩy rễ nở thành cây sinh trưởng hàng chục năm ở ngang thân như thế".

Vũ kể cho chính uỷ nghe chuyện cha mình mê hoa trong khi chờ phà chuyến đi đón ông từ Bộ Tư lệnh về binh trạm. Vui mồm thì kể chứ bao lần qua rừng chả lần nào Vũ nhớ tìm xem hoa nào gọi là đai châu. Không ngờ ông còn nhớ và lấy hoa gửi cho cha mình. Vì thế mà anh thấy dò hoa đai châu quý giá biết bao nhiêu lần. Anh chăm chút nó, trân trọng đến nỗi anh cảm thấy đời anh chưa có gì quý bằng dò phong lan treo trên "giàn mướp" ở đầu xe trong những ngày đi đường vất vả này.




3
Thị xã của Vũ đấy. Nó bắt đầu từ chỗ lò vôi quanh năm bụi trắng ngay cạnh con sông nước lợ chảy về phía thành phố. Cách lò vôi dăm chục mét mấy ngôi nhà tranh khép nép gần úp mái xuống sát đất. Đó là nơi ở của những người thợ đốt lò. Hàng xóm của họ là nhà chị công nhân thu vé bến phà chung mái với nhà anh bộ đội phục viên làm nghề chữa xe đạp. Phía bên kia đường, một ông già chột ngồi quay mặt ra đường đạp chiếc máy Xanh-de phập phèo như người bị bệnh phổi thở sau mỗi cơn ho. Bà hàng bán ổi, na và chuối, mít, dứa, ớt, mắm tôm và bao thứ hoa quả táp nham khác đầy hai mẹt, thứ nào cũng có quả xanh như đá, quả nẫu mõm phùng phìu tưởng là trong ấy toàn mủ. Đó là một trong những nhân vật lê dần đến sự buôn bán công khai ta vẫn thấy rải rác trong những năm giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Mấy tấm tranh lá mía của bà ta gá một đầu lên mái nhà ông chột máy khâu, đầu kia tựa vào tường người đại lý bán sách báo mở cửa cả hai phía. Đường bờ sông, chạy từ thành phố về, qua trước cửa hiệu ảnh "Nắng Xuân" thì bẻ sang trái, và kéo dài mãi xuống ngã năm, cạnh nghĩa trang liệt sĩ. Đó là đường phố chính. Những ngày mưa trông thị xã dài trơn truội như một con lươn. Nhưng tất cả những cái đó lại là ấn tượng không thể nguôi suốt ba năm trời sống trong rừng.

Từ bến ô tô sơ tán, anh khoác ba lô đi cuống quýt như chạy theo đường tắt cánh đồng vào thị xã. Được bảy ngày nghỉ, đã hết ba ngày tìm đến nhà Thú như anh Trường dặn. Hai ngày nằm chờ ô tô ở vườn hoa Paxtơ, đến chiều nay mới chen được một chỗ. Chỉ còn vài giờ đồng hồ trong đêm nay chuyện trò với cậu mợ và các em rồi lại nhờ cậu "lai" xe đạp lên bến mua vé về Hà Nội tập trung. Thế là vừa vặn hết bảy ngày phép. Anh chả ân hận. Miễn là được gặp cậu mợ, được thấy cái Hạnh, thằng Phúc nó lớn ra như thế nào, tính nết chúng nó đổi khác gì chưa? Thằng Phúc đã nói sõi hay vẫn gọi chị "Hạng", anh "Vú". Ôi chao! Thể nào cậu mợ và chúng nó cũng đứng ngây ra không tin là Vũ đã về! Rồi mợ cười giàn giụa nước mắt. Cậu sẽ luống cuống đi pha nước chè. Cái Hạnh đỡ ba lô, còn thằng Phúc cũng sẽ nhảy lên ngồi chồm chỗm trên cổ cho mà xem! Những ý nghĩ háo hức làm anh chỉ muốn nhảy mỗi bước hàng chục mét. Anh chạy thực sự, chạy như có người đuổi gấp. Dù từ sáng đến giờ chưa hề ăn uống gì, anh cũng không thấy mệt. Ôi, may mắn quá! Anh đến bờ sông, cầu phao vừa bắc xong. Qua cầu phao, lại chạy. Chạy đến lúc vòm trời xám lạnh của mùa đông trùm lên cánh đồng, lên hai hàng cây vắng vẻ một màu tối giá buốt như roi quất. Không có một bóng người qua lại. Chỉ chốc chốc từng đoàn xe cắm đầy lá nguỵ trang qua cầu, gấp gáp chạy vào thị xã. Và, phía con đường mòn giữa cánh đồng rào rạo bước chân của những đơn vị bộ binh đang hành quân. Ở trên đỉnh núi đầu thị xã có tiếng nói léo xéo, tiếng hô của những người con gái rồi tiếng kẻng báo động. Chắc là trận địa của tự vệ. Bắt đầu từ lò vôi đã chi chít hố bom hai bên đường. Nhà bác chột máy khâu, chị bán vé bến phà chỉ còn trơ lại những mảng tường trắng mờ mờ trông nhọn như những cây mác. Một cảm giác lành lạnh chạy dọc xương sống Vũ. Đi đến ngã ba, anh gặp mấy cô tự vệ đội mũ sắt, đeo băng đỏ đứng chỉ huy xe tránh đoạn đường có bom nổ chậm. Tất cả mọi hiện tượng diễn ra, chứng tỏ thị xã vừa bị bắn phá. Nhưng anh không kịp nghĩ gì thêm, chạy thẳng đường bờ sông cách ngã ba chừng trăm mét, nhà anh dưới một cây bàng tán rộng. Anh chạy như lao về đấy. Một cảnh tượng đã xảy ra như một nhát dao chém trước mặt làm anh đứng sững. Cây bàng tướp xơ, ngã gục, một hố bom lấp dở trên nền nhà bác thợ giặt là bên cạnh. Nhà anh chỉ còn là những mảnh vụn nát của gạch, ngói xi măng. Những viên gạch lành, mấy cây cột nhà cháy dở đã được nhặt nhạnh xếp gọn ở một góc. Bàn tay nào đã thu dọn ở đây? Cậu, mợ, thằng Phúc, cái Hạnh có ai việc gì không? Anh lần đến đống gạch. Một mảnh giấy dầu, viết phấn trắng kẹp vào que cắm ở đấy. Anh vội vàng lấy đèn pin, đặt mảnh giấy vào lòng khum khum người che ánh sáng. Chữ cái Hạnh! Đúng chữ "g" nguếch cái đuôi lên là của cái Hạnh rồi! "Bà giáo Dư sơ tán tại nhà bác Xuân gái xóm 2, thôn Trung Thanh Lang, xã Toàn Thắng...!". Cũng những chữ như thế còn ghi đầy xung quanh đống gạch, trên những đoạn kèo, cột nhà. Không biết đấy là sự cố ý để báo tin hay là trò đùa của cái Hạnh. Biết đâu, cậu mợ lại chả nghĩ có thể Vũ được về nên bảo cái Hạnh phải ghi thật nhiều chỗ để anh tìm được dễ dàng. Con được về thật đây cậu, mợ ơi! Con mang cả hoa phong lan cho cậu nữa đây. Hẳn cậu không ngờ con lại mang loại hoa quý này về, hoa của chính uỷ gửi con tặng cậu.

Anh xốc lại ba lô. Sau vài giây phân vân, anh đã hình dung ra làng Trung Thanh Lang trước đây trường cấp ba của anh đã có lần đi gặt lúa giúp dân. Suốt đoạn đường từ thị xã về Thanh Lang, gần mười cây số, anh toàn chạy. Đêm sương muối, mồ hôi vẫn ướt hết chiếc áo bờ-lu-dông cờm cợp phía ngoài hai lần áo lót và bao nhiêu ý nghĩ rộn rạo đốt nóng hầm hập trong đầu anh. Những ý nghĩ xô bồ xem lấn nhau nhoi trồi lên, anh thèm khát nắm bắt một cảnh tượng cụ thể, một câu giải đáp ngay tức khắc về cậu mợ, về các em và những người thân thiết khác sau bao lần bị bắn phá ở thị xã. Những gì đã...! Nhỡ ra... Chạm đến một ý nghĩ về sự rủi ro có thể xảy ra, Vũ vội vàng gạt đi không thể tin, không dám tin, không dám thú nhận một ý nghĩ có thể như thế. Vẫn chạy, chạy mải miết. Chưa bao giờ anh cảm thấy mình đi một con đường dài như thế, chậm chạp như thế. Nhưng không còn cách nào hơn là phải cố, cố lên để thời gian được ở với cậu mợ và các em được lâu hơn. Cuối cùng sự mong mỏi ấy cũng hiện ra trước mắt. Anh đã nhìn thấy cổng làng một nửa là tường, nửa kia là gỗ ngay cạnh cây đa. Anh chạy dấn tới. Anh thở dốc đứng giữa hai lối rẽ. Chưa biết sẽ theo lối nào về nhà bác Xuân gái, vừa lúc có bóng người đi tới. Đã đến gần, Vũ vẫn chưa biết đó là cụ già hay chỉ là bà đang nuôi con mọn. Phân vân một giây, anh đã tìm ra cách xưng hô thích hợp bèn đi dấn theo, hỏi:

- Bác ơi, cháu hỏi thăm nhà bác Xuân gái đi lối nào ạ.

- Chú bộ đội hả? Chú vào nhà bác Xuân xóm mấy.

- Dạ, bác Xuân gái xóm hai.

Người đàn bà mủm mỉm cười hỏi lại:

- Chú vào đấy có việc gì?

- Cháu tìm cậu mợ cháu trên thị xã sơ tán về nhà bác ấy ạ.

- Cậu Vũ phải không?

- Vâng, cháu đây, sao bác biết? - Vũ đã định reo lên nhưng khuôn mặt người đàn bà như méo lệch đi. Bà vội quay mặt. Tiếng nói của bà sặc nấc trong cổ:

- Cháu ơi, bác là bác Xuân gái đây.

- Có chuyện gì thế bác?

- Không, không có chuyện gì cả. Mợ và em Hạnh cháu đang ở nhà. Cháu về nhà đi, bác đưa về.

- Cháu không về đâu. Có chuyện gì bác nói cháu nghe đã.

Người đàn bà khóc nấc, hai vai rung lên từng chập. Vũ biết đã có chuyện không lành, giọng anh ríu lại:

- Còn cậu cháu! Thằng Phúc! Bác ơi, cậu cháu với thằng Phúc!

Người đàn bà khóc càng to. Vũ dồn hỏi luống cuống rồi đành chết lặng đợi bà nén lại.

- Cháu ôi, cậu cháu! Thằng Phúc! Cái trận vừa rồi... ồi...

Nghe đến đấy người Vũ lảo đảo, ba lô "con cóc" phía sau trĩu xuống, co người anh ngã nghiêng xuống nền đường. Chiếc mũ cứng bật lăn xuống rãnh, đầu anh ngửa đè vào đoạn gỗ buộc nhánh phong lan ở nắp ba lô hai tay buông thõng, anh nằm lặng đi.

Bác Xuân gái vội vàng lấy vạt áo lau nước mắt, cúi nhặt chiếc mũ dưới rãnh rồi ngồi thụp bên Vũ lay gọi. Không thấy Vũ động đậy, bác bấu lấy hai đầu ngón tay cái của Vũ, rối rít:

- Vũ ơi, cháu ơi! Vũ! Vũ! Vũ ơi, cháu đi đâu, cháu về với bác, Vũ ơi. Vũ! Vũ! - Nước mắt bác giàn nóng xuống mặt Vũ. Dần dần anh tỉnh lại. Anh nghe tiếng bác kêu:

- Cháu ơi, giời ơi!

Anh vội vàng níu lấy tay bác, cố nói, giọng đứt ra từng tiếng:

- Đừng! Đừng kêu to bác ơi! Làng xóm người ta biết... iết... Cháu, chết, chết mất!

- Bác không kêu nữa. Cháu đã "về" đấy Vũ ơi! Vũ! Vũ ơi, cháu có biết ai ngồi bên cháu đây không?

- Có, cháu biết bác. Bác gái! Bác ơi! - Vũ nắm chặt bàn tay bác trong lòng bàn tay cứng cáp của mình.

- Cháu ơi, cháu làm sao thế?

- Cháu mệt, bác để cho cháu nghỉ một tí.

- Nằm đây lạnh, cảm mất. Về nhà với bác! Về nhà mợ và em Hạnh đang mong. Cháu ơi, tỉnh lại đi. Thời buổi loạn lạc này! Cố chịu cháu ơi, về với bác đi.

- Cháu không về đâu. Bác để cháu nghỉ đây một lát rồi cháu đi.

Bác gái lại chí móng tay vào ngón tay cái anh đau điếng:

- Nói đổ xuống sông, xuống ao, đừng nói dại cháu ơi.

- Bác thả tay cháu ra. Cháu chỉ mệt thôi, không sao đâu.

- Dưng sao lại không về?

- Cháu chỉ được ở nhà mấy giờ nữa, về trông thấy mợ cháu càng khổ thân.

- Đừng nghĩ thế! Mợ cháu đã nguôi rồi. Bà con hợp tác ai cũng thương cảnh ngộ, động viên mọi phương diện, cháu không lo gì cả.

- Cậu con và em Phúc bị trong trường hợp nào hở bác?

- Thôi, đằng nào sự cũng đã rồi! Thằng giặc Mỹ nó tàn ác với cả bàn dân thiên hạ này, chứ riêng gì nhà ai. Đừng nhắc đến nữa cháu ạ.

- Cháu muốn hỏi bác để biết, lát nữa không phải hỏi mẹ cháu.

- Cháu nghĩ cũng phải. Bác nói nhưng đừng buồn nữa cháu nhớ. Lúc ấy cậu cháu và em Phúc đang ăn cơm. Còn mợ cháu với em Hạnh, đã ăn trước, đi xem phim. Hôm ấy chủ nhật, bác tính ra ngày ta là mười bảy. Thế cũng là còn hồng phúc cháu ạ.

- Bác ơi.

- Cháu bảo gì bác?

- Nghỉ lúc nữa rồi cháu về, coi như chưa gặp bác. Mẹ cháu có nói ra, cháu sẽ cố nén để mẹ cháu khỏi buồn thêm. Cháu chả được ở nhà an ủi mẹ cháu. Bác ơi, ở nhà bác giúp cháu.

Ừ thế là phải. Nghĩ được thế là phải. Con mới ở mặt trận về mà buồn phiền, thiểu não thì mẹ ở nhà phải chịu cả cái đau của kẻ đi, người ở, của cả ba bốn người dồn lại cho mẹ. Cậu ấy nghĩ được thế, bà giáo cũng bớt phiền muộn. Bác gái Xuân đứng lặng trong nỗi xúc động về cách xử sự của cậu con trai bà giáo. Nhưng khi bác đưa Vũ về ngõ nhà mình rồi quay đi thì cậu ấy cứ đứng như chôn chân phía ngoài cây tre ngáng qua đường. Tay anh bấm vào cây phi lao, cả cơ thể mềm oằn cơ hồ một tàu chuối dựa vào đấy, chỉ cần rung mạnh là có thể oặt xuống. Những hạt mưa phùn tê lạnh châm vào cổ, vào mặt, khắp người run lên bần bật. Nhưng hai mắt vẫn mở, chỉ nhoà đi vì nước mưa chứ anh không khóc. Không khóc được nữa. Những dòng nước mắt chảy xuống ở phía trong, phía trong cổ làm anh nấc lên từng chập. Cách nơi anh đứng là hai bụi chuối và đám dây khoai lang chừng dăm bước rồi đến bể nước cuốn hình mui cánh cung có giàn trầu leo ở trên. Bà giáo đang lúi húi ở đầu bể bên kia chỉ thấy cái lưng gầy mỏng nhô mập mờ ở thành bể. Con chó con từ phía thềm nhà bỗng chạy ton tón ra cắn nhanh nhách dưới chân Vũ. Anh như bừng tỉnh. Con chó lăn mõm vào chân người lạ. Bà giáo vội bước ra cổng. Vũ nuốt những làn hơi trồi lên cổ, reo:

- Mợ.

- Ai đấy? - Tiếng bà giáo vừa buồn vừa ngỡ ngàng. Vũ nuốt một làn hơi nữa, giọng anh mừng rỡ.



- Mợ, con đây. Vũ đây mà! - Anh đã đến bên mẹ. Bà giáo vội quay ngoắt chạy vào nhà cầm ngọn đèn dầu tất tưởi chạy ra. Bà soi vào mặt anh rồi rê rê ngọn đèn từ đầu đến chân, từ chân lên mặt, từ mặt ra sau gáy, sau lưng, bỗng bà ôm chầm lấy con, cây đèn rơi choang xuống sân vỡ tan từng mảnh. Vũ đứng im như một bức tượng để mẹ nắn vuốt từ mắt, tai, mồm, đến hai vai, hai cánh tay như hồi bé tí vươn vai mẹ thường nắm lấy hai tay, hai chân nắn nắn cho xương cốt khỏi chẹo đi. Rồi mẹ khóc. Nước mắt chảy nóng bàn tay Vũ.

- Sao mợ lại khóc.

- Không! À mợ không ngờ con lại về với mợ, mợ mừng quá. Con có về qua thị xã không?

- Không! Con đi đường núi Vọ tắt về.

- Sao con lại biết cậu mợ về đây?

- Năm ngoái mợ chả biên thư cho con là gì?

- Ừ, mợ quên. Con còn nhớ được giỏi lắm. Cũng may, nếu con về đằng thị xã bây giờ đi sơ tán hết rồi chả còn ai mà hỏi thăm. Con đi công tác hay được nghỉ phép.

- Con được tranh thủ về đêm nay. Sáng sớm con đã ở bến ô tô chợ Hỗ mua vé đi Hà Nội rồi.

- Con nói thật đấy chứ?

- Thưa mợ có bao giờ con dám nói dối mợ đâu ạ - Vũ kể cho mẹ nghe những ngày anh ra hậu phương vừa qua và vì sao anh chỉ còn được ở nhà đêm nay. Người mẹ tin ở lời con mình. Dù nuối tiếc, bà cũng không ân hận đã mất mấy ngày nó không ở với mẹ, với em. Bà hiểu anh bộ đội nào ở chiến trường mà chẳng hăng hái giúp bạn bè. Chỉ có điều là lúc này bà phải nén lại. Mọi ngày bà đã nén chặt nỗi đau trong lòng mình, lúc này bà phải nén gấp năm gấp bảy lần để khỏi tủi thân nó. "Con ơi, mẹ không dám khóc nữa đâu. Con ở nơi hòn tên mũi đạn, chịu đựng bao nhiêu lần ác liệt rồi! Bây giờ con về với mẹ, với em một chốc, nỡ nào mẹ lại làm khổ con. Thôi, mẹ đành chịu tội nói dối con chứ mẹ không thể nào để con "nằm" xuống đây, không đi được nữa. Con còn chúng bạn, còn đồng chí, đồng đội, còn bao nhiêu công việc! Ai chả có cảnh ngộ như con. Bạn bè con người ta chịu được, mẹ lại làm con thua kém chúng bạn ư? Con ơi, mẹ xin hứa với con mọi sự đau đớn ở nhà này mẹ chịu đựng cả, con phải mạnh bước mà đi con ạ".

Bà đứng lặng người, dằn lòng nén chịu bằng những lời tự khuyên nhủ. Vũ biết mẹ đang khổ sở để tìm cách làm cho anh bớt buồn tủi, hoặc mẹ đang tìm cách giấu anh. Anh bấm đèn pin chúc xuống chân soi những mảnh bóng đèn rơi vỡ hồi nãy. Anh ngồi thụp xuống, giục mẹ:

- Thôi mợ vào nhà đi, ướt hết rồi.

Mẹ tất tưởi vào bếp tìm diêm, tìm đèn, châm lửa xong bà hỏi:

- Con chưa ăn gì hở? Mợ quên từ nãy giờ cứ để con đứng ngoài sân có khổ không? - Bà chạy ra bên con: - Nào thôi, bỏ ba lô xuống mợ làm cái gì cho mà ăn.

- Con ăn rồi, con không đói.

- Không đói cũng phải ăn. Con đi rửa mặt mũi, chân tay đi. Khăn đây, chậu đây, à, để mợ lấy nước nóng, có nước sôi trong phích này. - Nói đến đâu bà dúi thứ đó vào tay con rồi ẩy anh ra bên bể nước. Múc nước vào chậu cho con, bà quay vào nhà, đến giường vén màn chui vào trong, trùm hẳn người lên con Hạnh đang ngủ. Một tay bà khum khum để sát miệng con bé như chỉ chực chụp lấy cái miệng bé bỏng ấy, không cho nó phát ra tiếng động. Bà ghé sát tai con thì thầm gọi:

- Hạnh ơi! Hạnh! Hạnh! - Con Hạnh không ú ớ như mọi lần. Nó "dạ" một tiếng khẽ rồi ngồi dậy. Bà giáo hỏi con: - Mày đã tỉnh hẳn chưa, mợ bảo cái này.

- Con có ngủ được mấy đâu mà! Mợ cứ nói đi, con tỉnh lắm ạ.

- Mợ nói xong con phải im lặng không được kêu lên nhá!

- Vâng!


- Con không được khóc nhá.

- Vâng! Sao lại phải khóc hở mợ - Bé Hạnh nhìn mợ dò hỏi. Bà giáo không nhìn nó:

- Anh Vũ con về đấy.

- Anh Vũ con! Ôi mẹ ơi! - Bé Hạnh định nhao ra. Bà giáo giơ một tay bịt mồm nó còn tay kia kéo nó lại. Con bé gục vào vai bà khóc nức nở mà không ra tiếng.

- Mợ đã bảo con không được khóc cơ mà.

- Nhưng con thương anh con quá mợ ơi. Hu hu mợ ơi! Anh Vũ ơi, anh chả về được thấy cậu và em Phúc nữa. Giời ơi!

- Hạnh!

- ...


- Hạnh!

- Dạ! Hờ hợ...

- Im Hạnh! Trời ơi, anh con phải đi ngay đêm nay! Đừng khóc Hạnh. Con làm anh con không đi được nữa, mợ chết mất. Hạnh! Con hứa với mợ thế nào, Hạnh! - Những tiếng nói ấy, bà giáo kìm lại rim rím trong kẽ răng. Hạnh lau nước mắt. Cử chỉ của nó gọn ghẽ như người lớn:

- Con xin lỗi mợ! Anh con đã biết chưa mợ.

- Nó chưa biết mới phải giữ để nó đi.

- Thế... Hợ... ơ... ơi - Hạnh nhao ra khỏi màn. Bà giáo bực bội cầm cánh tay nó lôi lại.

- Giời ơi! Mợ không bảo được con sao? Hạnh? Con định ra kêu khóc chỗ anh con bây giờ à?

- Không! Con xin mợ con ra sau nhà con khóc.

- Không được. Rồi con làm hỏng hết mọi việc mất thôi. Không được khóc nữa Hạnh.

- Vâng!


- Con lau mặt mũi vào buồng lấy gạo nấu cơm.

- Vâng!


- Nhưng con không được buồn, xịu xuống trước mặt anh con nghe không?

- Vâng ạ. Mợ ơi, con lạy mợ. Mợ cho con ra sau nhà con khóc một lúc, mợ ơi.

Tiếng con bé vẫn chìm đi. Bà giáo trách mắng con nhưng nước mắt bà vẫn giàn chảy xuống hai má.

Ở phía ngoài Vũ đứng giữa sân ngửa mặt hứng những hạt mưa phùn lạnh giá để cho đầu anh bớt căng nóng hầm hập. Chao ơi, mợ, gầy và già đi nhiều quá rồi! Không thể nào đi ngay đêm nay được nữa. Phải trông nom, an ủi mợ đã. Mợ ơi, con không ngờ nỗi đau đớn xảy đến như thế này. Chao ơi, đau đầu quá! Liệu đêm nay đã anh em nào đến nơi tập trung đi nhận xe chưa? Anh Trường mong bọn em rồi phải không? Chết chửa, lá thư chính uỷ gửi con trai ông vẫn còn nằm đây chưa đưa được. Đêm nay sẽ đi ư? Vũ cảm thấy ớn lạnh, anh quay vào nhà. Bác gái Xuân đã về từ lúc nào đang nhóm lửa cùng cô con gái chừng lớn hơn cái Hạnh một chút. Bác thì thầm với con bé điều gì rồi tất tưởi chạy ra. Mợ nói câu gì rất nhỏ với bác rồi trở vào nhà. Cái Hạnh ở phía sau chạy về mặt mũi đầu tóc ướt bê bét, sà vào lòng anh. Anh em ríu rít chuyện trò với nhau. Rồi bỗng im bặt. Bà giáo đang lúi húi ở gian bên kia vội vã chen vào để nén cho điều "bí mật" khỏi bật tung lên. Bà hỏi con hết chuyện này đến chuyện khác: "Anh em ra chuyến này có đông không? Đi với anh chỉ huy nào? Cái anh Trường mà con bảo là anh em kết nghĩa với con có cùng ở đơn vị nữa không? Độ con viết thư về nói anh ấy ở chiến trường mười năm chưa có tin tức gì, thì bây giờ anh ấy đã nhận được thư nhà chưa?". Đây còn là cái cớ để cho Vũ nói được nhiều lời vui vẻ. Cái Hạnh cũng đã nhận ra bổn phận của nó mà mợ đã giao cho nó từ lúc mới được đánh thức dậy. Nó kẹp vành môi dưới vào hai hàm răng nhỏ xíu rồi tươi tỉnh hỏi anh:

- Ở chiến trường anh có biết đoàn X. không?

- Đoàn X. nào?

- Em nghe đài ngày nào cũng có nói đoàn X. Em đoán ở chiến trường đoàn X. là giỏi nhất đấy.

Giá lúc khác Vũ có thể cười phì phì như người phun nước nhưng lúc này anh không thể nào cười được trước cái vẻ cố tình làm ra người lớn để an ủi anh. Anh ghì chặt đứa em bé bỏng vào lòng. Tình thương nồng nhiệt của anh trùm lên người nó, khiến giọng nói của nó như nghẹt lại:

- Sao anh chẳng viết thư riêng cho chúng em. Mỗi lần chỉ được vài chữ ở cuối.

- Anh xin lỗi. Từ nay anh sẽ viết riêng cho Hạnh, hẳn một lá.

- Tự vì ở chiến trường anh gian khổ, cô giáo bảo ở hậu phương phải động viên các anh nhiều, em chả đòi anh phải viết cho em một lá riêng đâu.

- Ừ, anh sẽ viết chung, nhưng dành cho em nhiều dòng nhá. Đồng ý không?

- Vâng. Hôm nào anh đi ạ?

- Đêm nay.

- Sao... - con bé xoay người định nhổm dậy hỏi anh, nhưng chợt nghĩ ra điều gì nó lại thôi. Giọng nó trở nên nhẹ, âu yếm:

- Anh đi bằng gì ạ?

- Anh đi bộ, tắt qua núi Vọ, lên bến xe sơ tán ở chợ Hỗ.

Giọng con bé nghiêm chỉnh như một người lớn thực sự:

- Ờ tiếc nhỉ. Anh cứ phải đi đường ấy nhỉ?

- Ừ. Đi đằng thị xã cũng được, nhưng xa mà người ta cũng cấm. Em bảo tiếc gì?

- À không. Nhất thiết anh không đi đường thị xã à?

- Không.


- Lúc về anh cũng không đi qua à?

- Không. Đi đằng ấy nguy hiểm, có gì mà tiếc.

- Anh đã gặp ai ở thị xã chưa? Mà có quen nhà ta ý.

- Chưa gặp ai, kể cả lạ lẫn quen. Anh có đi đường ấy đâu mà gặp.

- Thế ạ. Giá anh đi đằng ấy thì gặp cậu mới lị em Phúc vẫn coi nhà ở trên phố ấy.

Vũ cố nuốt một làn hơi trồi nóng ở cổ.

- Ừ. Không thấy cậu với em Phúc ở đây, anh cũng đoán thế.

- Thằng Phúc nó học giỏi lắm, viết chính tả được những chín điểm đấy anh ạ.

Vũ vội vàng ngẩng mặt nhìn lên mái nhà. Lúc sau anh từ từ đứng dậy, vẫn ngửa mặt nhìn vào chỗ khuất ánh đèn, giả vờ đang tìm kiếm một cái gì đó để nén tiếng khóc khỏi bật lên. "Em ơi, Hạnh ơi em cũng biết nói dối anh như một người lớn rồi ư! Trời ơi, ai đã dạy cho em sự chịu đựng kì lạ ấy". Bà giáo không ngờ con bé Hạnh giữ được với anh nó như thế, khiến bà phải ba lần quay mặt vào tường nuốt nước mắt giàn sặc xuống mũi. Còn bác Xuân gái bấu hai tay vào nhau suốt, dại nhìn, chốc chốc bác lại chạy xuống bếp dụi lửa và lau nước mắt. Thế ra, ba mẹ con vẫn giấu nhau, bác lại nói hết mọi nhẽ với cháu Vũ rồi có tội không? Biết nói lại với cháu nó thế nào bây giờ! Bác vẫn đứng ngoài sân dõi theo từng cử động của hai anh em Vũ và khóc thầm. Ở trong nhà, con Hạnh nhổm dậy gọi: "Anh Vũ ơi, khi nào hoà bình anh lái ô tô đưa em với em Phúc đi Hà Nội xem duyệt binh nhá!". Bác gái Xuân vội vàng chạy đi. Nhưng không thể nào nén lại được nữa, đến giữa sân bác bật lên thành tiếng khóc. Tiếng khóc đầy lên, lạnh và nhọn xuyên vào nhà khiến con bé Hạnh lao bắn ra sân kêu:

- Anh Vũ ơi! Em Phúc ơi, cậu ơi! Con lạy mợ con không giữ được đâu, giời ơi!

Bà giáo đứng dậy hai mắt mở trừng trừng nhìn Vũ. Bác gái Xuân đứng ngoài cửa cũng nhìn vào Vũ. Con Hạnh nén tiếng khóc nhìn qua khe liếp xem anh có sao không. Dường như mọi nỗi lo lắng đều sáp lại khuôn mặt xám xanh đã từng chịu đựng bao nhiêu thử thách ở mặt trận, lúc này có chịu đựng được thêm nữa không, có đủ sức trở về với đồng đội nữa không? Không nhìn ai, Vũ vẫn nhận ra nỗi lòng mẹ, sự sợ hãi của cái Hạnh, cả tấm lòng thương cảm của bác chủ nhà. Mọi người đang nhìn anh, nhìn vào chân dung người lính ở chiến trường đây. Vũ nghĩ thầm. Anh đi lại bên mẹ:

- Mợ ơi, con biết hết mọi chuyện từ trước khi về nhà rồi mợ ạ.

Tiếng mẹ bị dìm nấc trong nước mắt:

- Mợ chỉ sợ... con... on. Vũ ơi!

- Dạ! Con rất hiểu mợ ạ. Mợ đừng khóc làm em Hạnh nó sợ. Mợ gọi nó vào nói chuyện với con. Bác chủ nhà đang chuẩn bị mọi thứ cho con đi hở mợ?

- Ừ, bác quý hoá lắm. Mợ không khóc nữa đâu. Con xuống bếp nói chuyện với bác. "Đêm nằm năm ở" con ạ. Những ngày qua không có bác thì - Tiếng nấc chẹn trong cổ bà giáo song, bà lại luống cuống: - Thôi mợ không khóc nữa đâu, mợ lau nước mắt đây rồi, con có cố ở nhà được vài ngày nữa không?

- Không thể được đâu mợ ạ. Đêm mai anh em tập trung nhận xe cả rồi. Chỉ có người không thì con có thể xin phép về ở nhà thêm với mợ, nhưng mỗi người một xe không có ai lái thay.

- Ừ thôi, việc đi cứ phải đi, mợ hỏi con thế thôi. Cứ mạnh bước mà đi. Mọi sự ở nhà đã có mợ chịu tất, con đừng buồn phiền, lo nghĩ gì con nhá.

Lời mẹ khẩn cầu, những mong con để lại cho mẹ tất cả mọi yếu đuối, lo toan, chỉ mang đi mọi sự vững vàng khoẻ mạnh của con, của mẹ, của em con, của cậu con và em Phúc đã nằm xuống. Tự vì mẹ không chỉ là người mẹ thông thường, mẹ còn là mẹ bộ đội đang còn đi đánh giặc, mẹ là mẹ người chiến sĩ phải lên đường ngay đêm nay cho kịp với bao nhiêu đồng đội đang chờ đợi con ở chỗ tập trung. Có hiểu lòng mẹ không con! Mẹ thèm cái mùi mồ hôi mặn chua ở bộ quần áo ướt xịu của con, mẹ muốn ghì chặt con trong hai cánh tay mẹ. Nhưng việc đánh giặc, cứu nước của con mẹ không cản đâu. Con phải mạnh bước mà đi. Có khóc thì khóc hết với mẹ đi, trút hết cho mẹ đi, đến chỗ chúng bạn không được khóc nữa, không được buồn phiền nữa. Có hiểu lòng mẹ không con. Mẹ không nói ra được điều gì lúc này đâu!


Каталог: UserFiles -> RadEditor
UserFiles -> PHƯƠng pháp viết nghiên cứu khoa họC Ứng dụng sư phạM
UserFiles -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFiles -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFiles -> BỘ XÂy dựNG
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFiles -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFiles -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
UserFiles -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
RadEditor -> BẢn thảO ĐẦu tiêN (để bổ sung/góp ý) thông tin đÓng góp về XÃ HỘi dân sự TẦm nhìn asean 2025

tải về 2.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương