22  leâ LÖÏu tieåu thuyeát  23



tải về 2.23 Mb.
trang11/22
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2016
Kích2.23 Mb.
#32030
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   22

3
Thú đưa Vũ ra bãi xe, lúc lội suối trở về đã mười giờ đêm. Trời đã mưa âm thầm, chốc chốc lại như rùng mình rũ nước lộp bộp xuống mái lán.

Đêm nào cũng vào tầm này trở đi, binh trạm bộ giống một nhà có đám rậm rịch hối hả, tưởng chỗ nào cũng chỉ chực vươn nhoài ra mặt đường, ra trọng điểm. Tiếng quát tháo gào lên, tiếng chuông điện thoại đổ hồi từ trong các vòm cây ướt lạnh đầm đìa vang ra chồng chéo lên nhau. Mỗi trợ lý làm trực ban đêm, sự chuẩn bị trước hết của họ là cái cổ họng cho thật tốt để suốt đêm nằm hoặc ngồi ở võng tiếng quát vào ống nói, cho đến sáng ra anh nào cũng khàn lạc. Một mệnh lệnh ngắn và trầm của chính uỷ: "Chú ý theo thằng xê ba qua cây số 39". Thế là lập tức tiếng quát tháo ầm ĩ, nghe ồn ào nhốn nháo.

Đầu tiên tiếng anh trực ban công binh ở giữa rừng lim: "Z3 đây phải không? Z3! Nước ngầm A1 bao nhiêu? Một mét năm mươi lăm à? Đang xuống hở? Độ mấy giờ nữa xe qua được! Ba giờ nữa vẫn phải tháo dây "cua-roa" mới đi được à? Ngộ mưa to nữa thì sao? Z3 đâu. Nghe tôi nói đây: Lệnh của thủ trưởng binh trạm phải tìm mọi cách cho thằng xê ba qua trước N + 1. Hở? Lấy bao đổ sỏi vào, tôn ngầm lên. Làm sao? Động viên anh em. Binh trạm đề nghị Bộ Tư lệnh rồi, có triển vọng được ăn lên ba, bốn lạng một ngày. Ừ ừ. Chú ý N + 1 cho thằng xê ba qua đấy". Tiếng anh trực ban vận chuyển ở sườn đồi bên kia ồm ồm đổ xuống suối: "T73 đâu? 73! 73 sao nhỏ thế, quay lại đi. Được, nói to lên tí nữa! Alô này. Thằng xê ba qua được bao nhiêu rồi. Mới An Châu, i tờ à? Đọc đi! 4537 do Vĩnh Phúc bê một lái. 56120 do Bá Ngọc bê một lái. Tiếp đi! Ừ, được được. Cứ một đầu tời kèm một gát hả. Đồng chí Tuy đi xe nào? Đi giữa à? Sao lại đi giữa. Ở đầu đội hình ai đi! Không có cán bộ đại đội à? Được, để tôi hỏi lại. Đọc tiếp đi. Được, được rồi, xong! Vì sao Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hà Nội chưa tới? T82 thả chiếc cuối cùng là 4582 do Lê Xuân Hải bê ba lái cách đây một giờ rồi kia mà? Bị lầy ở số 54 à? Được, tôi sẽ báo công binh. Sao? Một chiếc vênh trục chuyển hướng ngay phải thay hử? Cây số bao nhiêu? Được, tôi sẽ báo tiểu tu. Số xe 4721, à. - Thằng này mang "bánh mì" đây. Cho nó xuống, sơ tán ngay, chú ý kẻo va chạm mạnh nhá".

Rồi tiếng the thé như lách trong mũi kim của trực ban quân y, tiếng đai lên gắt xẵng của trực ban hậu cần, tiếng nhẹ và kèm chữ "ạ" vào cuối mỗi câu của anh trực ban chính trị. Tiếng anh trực đường dây thì hốt hoảng. Anh tham mưu mặt đất nói dằn từng tiếng. Anh tham mưu trên trời giọng đanh chắc như đá... Bao nhiêu âm thanh cứ như chòi ra khỏi các bụi gai, lùm cây hợp thành một sự xăng xái um um giữa những vách đá.

Ở rừng kể cũng khoái. Nói năng hò hét thả cửa. Nhưng lửa thì cấm. Khói cũng cấm. Chỉ cần một vòng bánh răng cưa xoẹt vào đá làm toé lửa phía ngoài lán là lập tức bật lên hàng chục tiếng quát: "Muốn chết hả?". "Anh nào liều lĩnh thế?" "Vứt mẹ nó máy lửa đi, đồ vô kỷ luật ạ!".

Thú cứ luồn trong rừng, trèo lên vách đá, lội suối, vòng vèo hết các ban, nghe từng mệnh lệnh, lọc tách ra từng tiếng để xem có ai đả động gì đến anh Trường không? Đội hình xê ba vượt trọng điểm đêm nay chỉ có một mình Tuy là cán bộ đại dội. Anh Trường vẫn bị đình chỉ công tác có khổ không? Hôm qua ông Vũ chợt nhắc đến chị Lý xong lại vội vàng lảng đi, hỏi thế nào cũng không nói thêm. Không biết tình hình ở nhà thế nào! Ông Vũ chán bỏ mẹ. Biết thì nói rõ ra, mà không thì thôi, việc gì phải kín kín, hở hở. Làm như chỉ một mình ông ấy biết lo nghĩ, giữ gìn cho anh Trường, còn mình là trẻ con đấy. Khổ thân anh ấy, sắp được chính uỷ cho về "tổ chức", lại để xảy ra cháy xe hàng loạt. Anh ấy cũng vô ý lắm. Cứ hỏi ý kiến các thủ trưởng một câu, dù cháy gấp hai, gấp ba thế cũng không tội vạ đến mình! Trách anh Trường rồi Thú lại thấy buồn, tự oán trách mình chưa làm nên tích sự gì trong việc này. Chiều nay, lựa mãi mới được lúc chính uỷ vui vẻ, Thú đánh liều hỏi:

- Thủ trưởng ơi, có tin bảo anh Trường là gián điệp phải không?

- Cậu hỏi để làm gì?

- Tôi cũng muốn biết để còn cảnh giác, nhỡ ra...

- Độ này cậu cũng biến báo khá rồi. Nhưng cậu là hay đi nghe những sự bàn tán vớ vẩn ấy lắm rồi đấy.

- Thế tôi mới phải nói để thủ trưởng biết mà uốn nắn cho kịp thời, chứ cả đến chỗ nhà bếp họ cũng đã thì thào chuyện ấy.

- Cậu có tin là đúng không?

- Tôi thì chả bao giờ tin chuyện đó.

- Không tin, việc gì phải hỏi. Rút kinh nghiệm từ lần sau cậu đừng hỏi những chuyện như thế nhé.

Bao ngày ở với thủ trưởng, lúc sắp sửa chia tay Thú mới bị ông phê bình một câu nặng lời. Nhưng nỗi lo lớn hơn của Thú vẫn là nỗi thấp thỏm rồi mọi chuyện sẽ xảy đến với anh Trường ra sao? Ở con người nhiều lo toan này luôn luôn cảm thấy mình là kẻ tội lỗi, kẻ phũ phàng, khi chưa làm được việc gì đem lại kết quả giảm bớt nỗi phiền muộn của bạn bè. Vì thế, rất ít lúc thấy cậu ta cười vui thoải mái. Có lần chính uỷ đã nói đùa ở xê ba: "Các bạn muốn biết anh bạn Thú nhà tôi ngày hôm đó vui hay buồn thì không cần gặp anh ta mà chỉ cần tập hợp tất cả những người anh ta yêu mến lại. Nếu tất cả họ đều hồ hởi vui tươi, thế là biết hôm nay anh chàng Thú ta mủm mỉm cười rồi đấy. Hờ hờ... cứ lo khắp đông, tây, ngược xuôi nhưng có cô bạn gái lại để nó chạy đi đâu không tài nào tìm được!".

Thú bước vào nhà vẫn thấy chính uỷ ngồi nguyên tư thế lúc anh ra đi. Hai tay đặt ở bàn, người hơi ngả, cặp mắt khép hờ, những nếp nhăn trên trán chùng xô lại. Phía mặt bàn cặp kính lão vẫn đặt giữa hai trang sách đã mở và chiếc ống nói ở bên cạnh. Một dải ánh sáng vuông hắt từ chiếc đèn bão chụp vỏ thùng lương khô khoét hổng hắt chéo qua vai trông như một chiếc khăn mỏng vắt ở đấy để lau mồ hôi. Nếu không nghe tiếng trực ban các nơi báo cáo với ông tình hình mặt đường mà Thú nghe từ nãy, ngỡ tưởng từ tối đến giờ ông chưa hề làm gì. Cố tránh khỏi cắt ngang dòng suy nghĩ đang xiết trong đầu ông, Thú rón rén chui vào ngách hầm người cần vụ mới. Chính uỷ ngẩng lên hỏi:

- Thú về đấy à? Cậu Vũ nó đi chưa?

- Lúc tôi về, chưa đến giờ xuất phát.

- Cậu ấy cũng tội nghiệp. Con Bình Nguyên hôm qua đến đây, cậu xem ý hai đứa có động viên được gì nhau không?

- Lúc nào thủ trưởng phải biên thư hoặc gọi điện thoại bảo cô ấy. Hoàn cảnh của anh Vũ như thế, phải yêu cho thực sự, có thế nào cứ nói cụ thể thế ấy. Xem ra còn nhủng nhẳng, trẻ con lắm.

- Hờ hờ... thanh niên bây giờ nó thế. Các cậu chả góp ý được với nhau, bảo cánh già này nói nó nghe sao được.

- Xem ra cũng có thể hòm hòm được đấy. Thủ trưởng có quyết tâm ủng hộ không?

- Cậu định bắt mình hô quyết tâm à? Hờ hờ... Thôi bây giờ làm việc đã. Còn gì ăn không "ủng hộ" mình một ít, đói đấy cậu ạ.

- Chỉ còn lương khô "mù"(1) thôi thủ trưởng ạ.

- Chà, xót ruột lắm chả ăn được.

- Thế thủ trưởng cứ làm việc đi, chờ tôi nhé.

Nói xong Thú lia ánh đèn pin, nhảy vọt lên cửa nhà thùng. Chính uỷ ngẩng lên gọi cậu ta lại, Thú đã biến ra rừng cây. Ông định nhổm dậy ra cửa. Nhưng biết chắc chả gọi lại được nên ông ngồi xuống và hai cánh tay đặt thuỗi ở mặt bàn, hai nhánh lông mày trùm xuống mắt, ông ân hận về sự vô tình của mình. Trưa nay cậu ấy vẫn còn lên cơn sốt, lại lội suối từ tối đến giờ! Cái thằng, chưa chi đã nhót đi. Không mang vải nhựa đến ướt hết mất thôi. Nỗi ân hận lại cồn lên trong ông. Bao nhiêu cử chỉ, bao nhiêu việc làm và những lời nói chân thành, ngây thơ từ những ngày nó đi bên ông lại cồn lên. Nó là bạn, là đồng chí, là con ông, suốt ngày đêm hết lòng quý mến chăm lo cho ông. Thực tình không bao giờ ông muốn xa nó. Nhưng không thể nghĩ đến mình, kìm hãm sự phát triển của nó nên ông quyết định cho nó đi làm trung đội trưởng đơn vị công binh sẽ thành lập nay mai. Nó ra mặt đường sẽ ác liệt, ông lo cho nó còn ngờ nghệch nhưng cũng như mọi cán bộ, chiến sĩ khác, ông tin vào sự vững chãi của nó sẽ nhanh hơn. Một người mẹ có đứa con từng trải thì ném vào đâu cũng bớt đi vô vàn những lo âu phấp phỏng. Thằng Thú cũng thế. Nó đã bù đắp cho ông nỗi trống trải, nỗi day dứt triền miên vì thằng con trai ông đã gây nên do sự mòn mỏi của nó.

Những hồi chuông điện thoại đổ dồn làm những ý nghĩ xao động trong ông lắng lại.

Cũng lúc ấy khuôn mặt non nớt của Thú xịu xuống. Cậu tự trách móc sự đểnh đoảng của mình. Chính uỷ vừa ở trọng điểm về đang mệt, gặp bữa chỉ ăn được có lưng bát cơm. Luống cuống đưa anh Vũ đi, quên không nhắc cậu cần vụ mới kiếm cái gì để thủ trưởng ăn đêm. Ngồi làm việc thế, nhịn không, ai chịu được. Còn cậu "ấy" cũng chán bỏ mẹ. Cần vụ gì ngày nào cũng ngủ chỏng lên để chính uỷ phải gọi. Đi công tác, ngồi trên xe đáng lẽ phải nghe ngóng, cảnh giới, lại ngáy ầm ầm hóa ra chính uỷ lại coi cho cậu ta ngủ. Thôi được, từ mai tôi phải rèn luyện cho anh. Tôi không yêu cầu anh phải ngồi thao thức khi chính uỷ phải ngồi căng thẳng làm việc suốt đêm. Tôi không bắt anh phải thuộc hàng trăm loại rau, măng, nấm, mộc nhĩ. Nhưng nhất thiết phải biết những rau gì chính uỷ thích, nó ở đâu, nấu hay xào, luộc hay ngâm dưa. Chính uỷ làm việc mệt, thức đêm, anh không được để đói. Đi bộ anh không được để thủ trưởng trượt chân ngã... Có bao nhiêu chuyện tôi sẽ "vực" anh, khi nào anh làm được tôi mới đi.

Thú lội ngang suối sang đến lán nhỏ bên kia là có đủ măng, mộc nhĩ, cậu lấy mọi thứ không phải mất công sức gì. Vì đấy là những cái "kho" mới: chỗ nào có mấy cây măng đã lên, ăn vào ngày nào thì vừa! Những đọt măng nào sẽ nhú. Chòm mộc nhĩ ở đâu. Chỗ rau nào cần phải ăn ngay, chỗ nào dự trữ được lâu... Tất cả đã "lên phương án thu nhập" cả rồi. Cần đâu, cậu lấy đấy một cách dễ dàng.

Cứ nghĩ đến cái phút ngào ngạt bốc hơi của xoong canh măng, mộc nhĩ xào mỡ sẽ làm cho chính uỷ hào hứng ăn vài bát cơm nguội và đêm nay ông vẫn làm việc tỉnh táo là cậu chạy thoăn thoắt từ lèn lên vách đá. Từ vách xuống suối, rồi thoắt cái đã ở trước cửa nhà. Cho đến khi bắc xoong măng lên bếp cậu mới để ý là quần áo mình đã ướt hết. Nhưng có hề chi. Cởi ra vắt kiệt nước, ngồi bên ngọn lửa một lúc là khô, người lại ấm ngay đấy mà.


4
Cái phút thoải mái nhất trong ngày hôm nay của hai thủ trưởng binh trạm là lúc hai khuôn mặt nhoà trong làn hơi nghi ngút của nồi canh măng Thú vừa bê lên. Nhưng chỉ được một phút thôi. Sau những lời xuýt xoa khen ngon, tiếng xì xoạp nóng bỏng, hai khuôn mặt lại chìm trong nỗi lo toan, những hi vọng còn thấp thỏm ngoài mặt đường.

- Thằng xê ba chưa qua hết cây số 39 anh hè! - Binh trạm trưởng nói. - Thằng cha Tuy có cố gắng, nhưng thiếu kinh nghiệm. Mai tôi định cho thằng xê ba về bắc ngầm Ông Thao, đưa thằng xê bảy vượt cao điểm.

Chính uỷ cười:

- Thế lại phải có phương án cho thằng nào thay thằng xê bảy nữa.

Sợ mình đùa không đúng lúc, chính uỷ nói lại:

- Kể kinh nghiệm vượt trọng điểm, thằng xê ba có nhiều. Nhưng giá nó là trung bình cộng của anh táo bạo đến liều lĩnh với anh thận trọng đến nhút nhát có khi lại hay. Do cứ chần chừ tính thiệt hơn nhiều quá nên cậu Tuy nó bỏ lỡ mất cơ hội anh ạ.

- Các ban họ phản ảnh thì thấy thằng cha Tuy có vẻ rát.

"Không phải chỉ rát đâu. Cậu ta còn sợ chết, muốn chuyển khỏi xê ba nữa kia". Chính uỷ nghĩ khi binh trạm trưởng nói. Nhưng ông im lặng. Anh ấy sống nhiều bằng cảm tình, trừ những điều đã thuộc nguyên tắc quy định ra, còn chừng nào chưa có điều kiện tạo cho anh tự cảm thấy thì sự tranh cãi sẽ đem lại những ấn tượng không tốt đẹp, dẫn đến những quyết định sai lầm.

- Tôi định, trong lúc chờ xét kỷ luật, có lẽ cứ tạm giao cho cậu Trường nó phụ trách đội hình tấn công, cũng là để thử thách xem anh ạ.

- Mần rứa là mình thương nó. Nhưng nó lại làm liều. Thằng cha ni không có tình nghĩa chi hết. Đã bao lần tôi cho qua chuyện nó làm bậy. Nó tưởng thế là mình sai. Anh em phản ảnh thằng cha ni có khi mô nghe ý cấp trên!

"Không nghe sao mọi việc giao nó vẫn thi hành đầy đủ. Còn tình nghĩa nào cao hơn là khi anh bị vây bốn phía, nó đã tự động nổ súng kéo cái chết về phía mình, khi thoát chết lại im lặng nhận kỉ luật để xẻ vợi nỗi đau khổ cho anh. Ngay việc vừa xảy ra, nghĩ cho cùng nó xử trí cũng có phần hợp lý. Hành động đó không đem lại kết quả còn do sự xảo quyệt ghê gớm của thằng địch, mình chưa tìm ra. Điều quan trọng lúc này là cả binh trạm, cả Bộ Tư lệnh và các cơ quan cấp trên nữa phải nghiên cứu tìm cho ra thủ đoạn tinh vi của kẻ thù, không thể dồn cả tội lỗi lên đầu cán bộ của mình, đồng chí thân yêu của mình. Đành rằng khi hành động gây nên sự thiệt hại ấy, không xin ý kiến cấp trên là sai lầm. Nó đang kiểm điểm sai lầm và nhận kỉ luật. Nhưng bên cạnh việc chỉ ra cho nó thấy được sâu sắc những khuyết điểm, còn phải biết chấp nhận những cái mạnh, sử dụng được những cái hay của nó".

Nghĩ là thế, nói ra để cùng nhau nhìn nhận và sử dụng cán bộ cấp dưới một cách thống nhất đã dễ gì. Đấy không phải là những ý nghĩ mới xuất hiện. Ngay từ hôm về binh trạm này, chính uỷ đã nghĩ đến mối quan hệ giữa ông và binh trạm trưởng. Nếu nhìn bề ngoài, người ta dễ nhìn thấy sự chênh lệch giữa hai người. Chính uỷ với cấp thượng tá, nguyên là chủ nhiệm cục chính trị trên Bộ Tư lệnh xuống. Binh trạm trưởng là đại uý mới phong lên thiếu tá và đề bạt từ binh trạm phó lên. Chính uỷ nguyên là chính trị viên tiểu đoàn. Binh trạm trưởng là trung đội phó từ những ngày vạch rừng, dò lối mòn đầu tiên của tuyến đường này.

Cái đó tạo nên thuận lợi trong sự hiểu biết lẫn nhau, dễ làm việc. Nhưng dễ gì giữ được mối quan hệ đấu tranh phê bình, tự phê bình, thẳng thắn và kiên quyết. Rất nhiều lần chính uỷ tự nhủ: Hai người sống, làm việc với nhau tốt hay xấu không phải từ anh ấy mà là do mình tất cả. Mình có bao giờ lởn vởn trong thâm tâm rằng: Tôi xuống đây là để theo dõi các anh, giúp các anh một chừng mực nào đó, về lâu dài, tôi không phải chính uỷ binh trạm. Cái đó sẽ tạo nên sự thiếu bình đẳng về trách nhiệm. Khi có chiến công xuất sắc hẳn mình khoan khoái: Tôi đã xuống đây mà! Lúc gặp khó khăn trầy trụt thì dù có kiểm điểm trách nhiệm chung nhưng đằng sau đó mình vẫn tự che cái màn tự bào chữa rằng: Ở đây cán bộ mới nhiều quá. Ngay cả binh trạm trưởng cũng là mới mẻ, tuy có cố gắng nhưng kinh nghiệm còn thiếu. Còn mình lúc ấy sẽ là người bất bình khó chịu, rằng: tôi đã cố "vực" nhưng anh "non" quá không bật lên được. Một mối quan hệ khác cũng dễ dàng bùng lên. Đó là sự vị nể, lòng thương yêu "nâng đỡ" với những uẩn khúc, vướng mắc của anh "bê" phó nóng nảy được gỡ ra mỗi khi gặp chính trị viên tiểu đoàn. Bây giờ anh phải đối xử với tôi thế nào cho "phải đạo". Và vân vân. Tránh được những cái đó, nhưng phải giữ được nguyên tắc, phải đấu tranh đi đến nhất trí trong mọi công việc!

Có thể nói với nhau một cách dễ dàng nếu như không có một ấn tượng cho rằng: Chính uỷ yêu cậu Trường, ghét cậu Tuy và binh trạm trưởng yêu, ghét ngược lại. Nhưng gì thì gì, cũng không thể vắng cậu Trường trong đội hình tấn công của xê ba trong dịp gay go này. Cốt nhất là gạo, là đạn cho anh em mình trong kia khỏi chết đói, khỏi bị thằng địch "lấn tới" đã, rồi kỉ luật cậu ta sau khi đã có kết luận chính xác muộn gì.

Chính uỷ vẫn ngồi nguyên tư thế như lúc chập tối. Chốc chốc ông lại nhấc chiếc ống nói làm việc nắm tình hình mặt đường. Vào giờ này các đoàn xe bắt buộc phải qua cao điểm, hoặc không, đã phải tìm nơi trú ẩn, coi như công việc trong một ngày đã tạm thời được đánh giá, tạm thời dừng lại, chuẩn bị kế hoạch bước sang ngày hôm sau.

Như mọi đêm, ông nói câu cuối cùng với đồng chí trực ban: "Chú ý nắm tình hình đột xuất" xong, hai mắt nhắm nghiền chừng một phút. Chỉ một vài phút sau ông xoay người đứng dậy chui vào ngách hầm soi xuống đường diềm các chân màn của hai người cần vụ. Ông chiếu đèn qua mặt họ và dừng lại ở khuôn mặt trẻ trung đầy lo toan của người cần vụ sắp sửa xa ông. Nhìn hai mắt khép chặt, cái miệng mím lại, hai nhánh mũi phập phồng đều đều của cậu ta, ông gật gật đầu thoả mãn về giấc ngủ ấy, rồi lại lên bàn ngồi như tư thế ngồi từ chập tối.

Nhưng cậu cần vụ của ông có ngủ đâu. Đêm nào ông thức, cậu ta cũng ngồi trong màn chờ. Biết không thể can ngăn, cấm đoán được ông, cậu đành lặng lẽ ngồi như để chia lấy nỗi mệt nhọc vất vả của thủ trưởng, để rồi có lúc nào đó ông vui vẻ thoải mái, cậu sẽ cau có phê bình ông không chịu giữ gìn sức khoẻ, phê bình ông làm ăn luộm thuộm thiếu kế hoạch, thiếu tổ chức, không có ý thức làm việc lâu dài. Và thế ông phải cười hờ hờ, ngoan ngoãn nhận tất. Và chính lúc ấy ông mới nhận ra rằng cần vụ của ông, không đêm nào ngủ. Mấy đêm nay làm việc xong ông phải kiểm tra lại. Không ngờ ông quay ra, nó lại nhổm dậy và biết chắc là ông đang xem thư. Thư của anh con trai gửi tay anh Vũ vào. Hẳn ông lại buồn vì anh ta. Đã có lần ông nói với Thú như nói với một người bạn về nỗi buồn phiền của ông trong việc này.

Đêm nào sau công việc ông cũng ngồi hàng giờ để nghĩ ngợi đến gia đình, con cái, và buồn vì anh con trai. Ngày nào, lúc sắp sáng ông cũng có một tâm trạng ấy.

Và, cần vụ của ông lặng lẽ xẻ lấy một nửa nỗi buồn phiền mà ông không thể biết.

*

* *



Lần ấy binh trạm trưởng hỏi:

- Thằng Trình Nhật đã về nước chưa anh?

- Về ba năm rồi.

- Thằng cha vẫn học khá chớ?

- Học thì vẫn khá. Nhưng...

Thấy chính uỷ không vui, binh trạm trưởng ngỡ ngàng nhớ những cử chỉ tràn đầy sung sướng trước kia của ông mỗi khi nói về thằng con có chí, biết tự giác lo toan học hành.

Chính uỷ tiếp với vẻ mặt không buồn nhưng lạnh lùng nói về kết quả học tập, về cương vị công tác, việc nó lấy vợ, đẻ con và những bạn bè kiêng nể, trọng vọng tài năng của nó.

Từ những năm học phổ thông và đi nước ngoài nó đều là học sinh giỏi toàn diện. Về nước, với học vị phó tiến sĩ, nó như một cái cột thu lôi hút lấy sự trân trọng, vồ vập, nương nhẹ của cơ quan và bạn bè. Lẽ ra nó phải tiếp tục dồn tâm lực, trí tuệ phấn đấu cho công việc, cho mong ước nó đang theo đuổi. Ông không cấm nó lấy vợ và đẻ con. Nhưng với ba mươi tuổi đầu nó chưa được phép nghỉ ngơi, chưa được phép sống mòn mỏi trong cái vinh quang quá khứ, không được phép tính toán so đo giữa công sức bỏ ra và kết quả thu lại cho riêng mình. Thử hỏi mười năm sau nó làm được gì nếu hôm nay nó không mất ngủ, không vật vã lo âu, không đau xót trước những người lao động, những chiến sĩ từng đổ máu trên đồng ruộng, trên chiến hào mà khoa học ngành y chưa đáp ứng đầy đủ mọi mong muốn của họ. Những lần ông gặp, chỉ thấy nó chê bai, dè bỉu ngành y học còn non trẻ của ta, tịnh không thấy nó bàn luận, nhắc nhở đến sự lao động, kiên trì tìm tòi trong công việc của nó, trong cái ngành y học non trẻ ấy. Ông còn nhớ lần ta thắng lớn ở Làng Vây, chỉ nửa tiếng sau nó đã nói được suốt ba giờ đồng hồ với bạn bè và trong những cái đầu hào hứng, lười biếng kia ngẩng cả lên nuốt lấy những triển vọng tốt đẹp, những đánh giá lực lượng một cách tinh vi, những nhận định sâu sắc về cuộc chiến đấu ở miền Nam. Từ chuyện chiến tranh, nó chuyển sang nói về tất cả các lĩnh vực đời sống, dân sinh từ Âu sang Á. Ông có cảm giác những người nghe nó đều không muốn rời ra, nếu có thể được thì họ nhẩm cho thuộc cái tri thức "uyên bác" ấy của nó.

Nhưng sáng sớm hôm sau Giôn-xơn tuyên bố "trả đũa" và đến trưa thì máy bay Mỹ ồ ạt đánh bom vào Hà Nội, Hải Phòng. Buổi tối bạn bè nó ngơ ngác xô đến hỏi "nhà hùng biện" về "tình hình", về "triển vọng". Nó buồn phiền buông một lời lơ lửng: "Có lẽ Trung ương mình chưa đánh giá hết tiềm lực của bọn này nên cũng hơi "căng" với nó". Rồi nó lại dẫn ra hàng loại chứng cớ, số liệu đầy hấp dẫn về sự tiềm tàng vô cùng, về nền khoa học hiện đại dùng trong chiến tranh của nước Mỹ. Những buổi ấy, ông vẫn nằm đọc sách ở gian ngoài, người chủ đi sơ tán cho mượn. Qua lần cót thưng ông muốn quát vào mặt nó: "Anh đừng có làm cái hàn thử biểu của thời cuộc như thế!".

Tất nhiên nó vẫn là người biết chừng mực trong mọi chuyện, là một cán bộ trẻ giảng dạy có năng lực, của trường đại học Dược khoa, là người biết lo toan vẹn toàn cho vợ, biết cư xử khôn khéo, lịch thiệp với mọi người. Nghĩ cho cùng, nó vẫn đầy đủ, đứng đắn, một sự thoả mãn cao cho những cô gái đang yêu và những người vợ trẻ ở Hà Nội trong những năm tháng này.

Con người "lý tưởng" ấy chỉ có thiếu một điều, thiếu dần đi tình yêu thương với mọi người, với đất nước. Một đất nước bền bỉ chịu đựng, bền bỉ hi sinh. Hàng chục vạn con người còn lội bùn, còn luồn rừng, còn đổ máu để giật lấy hạnh phúc từ bàn tay nanh ác của kẻ thù cho mọi người, cho tất cả, nhưng hôm nay mới có ít, nó là người đang hưởng đấy rồi. Nó đang sống trong hạnh phúc của người khác, chưa thoả mãn nhưng lại cười cợt muốn xa lánh những con người đã làm nên niềm hạnh phúc còn ít ỏi mà nó đang sống. Cái đó nó cứ ngỡ là tự nhiên lứa tuổi của nó phải thế, xã hội phải đối xử với nó như thế. Còn ông, ông mất dần đi, thất vọng dần đi niềm tự hào của một người cha sáu mươi tuổi vẫn lội suối, luồn rừng, vẫn leo núi, vượt bãi bom, chưa được phép dừng lại, chưa được phép nghỉ ngơi. Người cha ấy bắt buộc phải hỏi thằng con mình: "Anh là ai? Anh đang ở đâu? Nếu lúc này anh không chịu hít vào cái không khí nóng bỏng, gian truân của trời đất này thì ngày mai, ngày kia anh thở ra cái chất gì. Có phải cái hơi thở tê lạnh, độc địa đang bắt đầu trong anh rồi không?"

Với mọi chiến sĩ, ông có thể bàn bạc một cách bình đẳng. Nhưng với nó, ông lại không nói ra được những dằn vặt, phiền muộn trong lòng.

Chao, khó thật! Nó không còn bé bỏng nữa. Rất nhiều lần ông tỏ thái độ bất bình với cách sống của nó, nhưng chưa thể nói được câu gì. Trước sau rồi cũng phải nói thôi. Bằng cách nào nhỉ...?

Bấy lâu nay binh trạm trưởng cứ thầm vụng nhìn vào cậu con trai chính uỷ mà thèm muốn, ước mong, sự khao khát đến nỗi tưởng xoè một que diêm chạm vào ý nghĩ đó là có thể bùng cháy. Chao ơi, thằng Hùng! Giá thằng Hùng được một phần mười của sự học hành ấy thôi, được một phần mười của sự chằm vặp nuôi dưỡng ấy thôi thì đã là nỗi sung sướng khôn cùng của ông rồi. Răng chính uỷ lại buồn khi ông nhắc chuyện thằng Trình Nhật!

Chính uỷ đang ngồi lặng, chợt cười, tựa nụ cười của người mới ngủ dậy:

- Chà, tôi ngớ ngẩn quá nhỉ? Có gì đáng buồn đâu. Nói chung nó vẫn sống không có gì xuất sắc, cũng chẳng ai chê trách. Thế là nó cũng có một cái nghề sinh sống đỡ vất vả hơn nhiều người khác. Lâu nay anh có nhận được tin gì về mạ con cháu Hùng không?

Khuôn mặt binh trạm trưởng bỗng nhợt ra, các tế bào ở lớp da mặt run run, ông hơi quay mặt đi. Lúc sau, ông mới quay lại, giọng nói nghẹt giữa cổ họng:

- Tui viết đi hai mốt lá thư cả thảy, không có tin gì trở lại.

Từ đấy hai người không hề thăm hỏi gì những đứa con trai của họ nữa. Nhưng mỗi đêm khuya, công việc ngoài mặt đường đã lắng vợi như đêm nay, chính uỷ ngồi đọc thư hoặc dằn vặt nghĩ đến thằng con trai mình thì phía sườn đồi bên kia binh trạm trưởng cũng đang ngắm hình thằng Hùng hoặc ngồi thừ ra vì nỗi mong nhớ, khao khát được nhìn mặt con.

Đấy là những phút dồn lại bao nhiêu rối rắm, bao nhiêu nỗi giằng xé đều trồi cộn lên, khiến mỗi con người cứng rắn ấy đều cảm thấy cô đơn. Nhưng đến sáng ra lập tức tan loãng đi mọi thứ khúc mắc, chỉ còn thấy một nét mặt hối hả lao vào mọi công việc khẩn thiết nghiêm trọng của một ngày mới, một cuộc chiến đấu mới hoặc ít nhất là một cuộc chuẩn bị mới được bắt đầu.



Ch­¬ng X
1
Anh trút một hơi thở nặng nề, từ từ ngẩng đầu dậy. Tờ giấy trắng mới viết hai dòng chữ in hằn những sợi tóc rắc rối mà không biết bao lâu rồi, vầng trán anh đã áp xuống đấy. Anh bắt đầu đi vòng quanh chiếc bàn đặt giữa gian nhà hầm. Vẫn hai mắt khép lại như đang ngủ, hai tay buông thõng, chốc chốc đưa lên day day hai bên thái dương giống như cử chỉ của một người đau thần kinh đang cơn giật nhức nhói. Với khuôn mặt nhăn nhó ấy, anh nhìn sang dãy nhà thùng của trung đội một đang buông màn kín hai dãy sạp nứa. Có cậu nào trằn trọc mất ngủ, đang ngồi trong màn viết thư hoặc đang khâu quần áo không? Đêm qua không xe nào cháy là tốt, ít có đêm được trót lọt như thế. Sao xe cậu Thực lại đổ giữa ngầm Lương Khô! Đường ngầm rộng, thẳng, nước nông hơn tất cả các ngầm thác, tự nhiên xe lại lật là nguyên nhân gì?

Đêm nào anh cũng thao thức đợi đoàn xe về bãi, cuống quýt hỏi han mọi chuyện xảy ra trên đường mới an lòng. Nhưng hỏi để biết thôi. Hỏi để nguội vợi nỗi mong đợi nóng nảy thôi, anh có quyền gì tham gia, có quyền gì uốn nắn, bắt bẻ nữa. Anh đã rời khỏi mọi hoạt động căng thẳng, sôi nổi của đơn vị để ngồi tự trình bày lỗi lầm với hàng chục phái viên cấp trên và viết bản kiểm điểm. Gần một tuần lễ anh mới viết được năm trang, và thêm hai dòng ở trang thứ sáu thì tắc. Những điều viết ra cũng như những lời đã nói, anh kể lại toàn bộ diễn biến của sự việc, còn nguyên nhân, bản thân anh chưa hiểu, chưa thể tìm ra, làm sao có thể nói và viết được.

Thực ra, những dòng viết đã không khó khăn gì. Anh viết lại hơn năm trang giấy ba lần vì những dòng chữ ấy đều bị nước mắt anh làm nhoè, người khác không đọc được. Chao ơi, giá được phép anh đã viết thư cho tất cả những người bố, người mẹ, người vợ và những đứa con của bảy chiến sĩ, cán bộ của đại đội anh hi sinh trong đêm ấy. Anh đã hành động liều lĩnh để họ phải chết ư? Các đồng chí ơi, tôi không bao giờ dám có ý nghĩ tàn nhẫn ấy. Trong trường hợp xảy ra với chúng ta, ai cũng phải làm như thế thôi. Chỉ có điều thằng địch xảo quyệt quá, nó đã dùng phép gì để nhìn rõ đơn vị chúng ta cả khi đã lánh vào rừng rất an toàn, đã tắt máy, đã có một vùng trời mưa mù che mắt nó. Vì sao lại có thể thế được? Nếu tôi biết được kẻ địch "bám" mình bằng cái phép thần kì nào đó, tôi cứ cho đội hình vượt như những đêm sau này thì đâu đến nỗi thế!

Anh quay ngoắt lại lấy chiếc mũ sắt trên hòm đạn chụp lên đầu và cầm chiếc xẻng rồi bước dứt khoát ra khỏi nhà.

Tuy xách túm vải nhựa đựng màn võng từ đâu về gọi:

- Anh Trường lại ra trọng điểm à! Thôi anh ạ. Các thủ trưởng binh trạm bắt ta phải thông qua bản kiểm điểm rồi gửi lên ngay. Có lẽ anh tranh thủ viết cho xong, lúc nào ta trao đổi với nhau một tí.

Trường chỉ đi chậm lai:

- Anh báo cáo lại hộ, tôi không viết được như các đồng chí phái viên hướng dẫn đâu. Một là các đồng chí ấy cho mai kia tôi viết. Hai là cứ kết luận và kỉ luật tôi đi. Nếu không, tôi cũng còn được là anh chiến sĩ lái xe. Đằng nào cũng được, cho sơm sớm một chút, "giam" tôi mãi không chịu được đâu. Tôi đã nói với các phái viên trước khi về binh trạm rồi đấy.

Anh đi thẳng xuống suối, lội dấn sang đồi "B.52" đi tắt ra trọng điểm. Không hiểu Tuy có nói gì nữa hay chỉ đứng nhìn anh như mọi lần. Còn anh chỉ biết cắm đầu đi, đi như chạy trên khu đồi cháy trụi, sạm đen ngổn ngang và lạo xạo mảnh bom.

Lúc bấy giờ vào khoảng chín giờ sáng. Anh đến khu rừng cháy ngổn ngang xe của xê ba. Những chiếc xe đổ cong queo vẫn chìm trong mưa mù, vẫn lặng chết như mọi ngày. Anh đến bên chiếc xe bị lật đi, lật lại trong ba ngày liền. Xe của thằng Võ "nhấp nhổm" đây. Nửa vòng tay lái còn lại vẫn ướt bóng màu sơn và mồ hôi tay. Anh cầm vào đó tưởng bàn tay mình đè trùm lên bàn tay ướt lạnh của nó. Cái nỗi lạnh ấy truyền vào sống lưng và khắp người anh tê dại đi.

Rồi đến chiếc xe của thằng Khoa "khịt mũi". Cánh cửa bung đi rồi, khung xe bay tan mát đâu cả, chỉ còn lại cái trục cầu và bộ chế hoả khi cháy đỏ. Chỉ có thế, anh vẫn như nhìn rõ những con số màu trắng và tấm lưng to rộng của nó lúc ấy đang đứng dưới rãnh giữa lòng đường xoay lưng lại tấm biển số 4537. Suốt ba năm giữ chiếc xe, giữa đường Trường Sơn này nó chưa hề để tróc một vệt sơn. Lần xe nó bị rệ tắc đường, công binh định đem bộc phá đánh hất xe xuống suối cho đường thông, nó đã khóc như một đứa trẻ van lạy các đồng chí công binh đừng hất xe nó đi. Nó đứng ở đầu xe chắp tay lạy và mếu máo khóc. Các đồng chí công binh không nỡ đặt bộc phá. Rồi hàng trăm người xúm lại. Ai cũng ráng sức cố lên, nhưng không ai biết bằng cách nào đã cứu được chiếc xe của nó đúng giờ cần phải thông đường. Mỗi lần nhắc đến số xe 4537, Trường phải dừng lại, nói thêm một vài lời về những cử chỉ mới xuất hiện trong việc gìn giữ, yêu quý cái xe của nó. Rồi lúc ngã xuống chính là lúc nó đang tựa lưng vào tấm biển số trước mũi xe.

Anh lần đến chiếc xe của Vương Trí Sông rồi xe cậu Hoà... Nhìn từng chiếc xe cháy, anh nhìn ra khuôn mặt người chiến sĩ. Chạm đến mỗi khung sắt còn lại, anh thấy như nắm vào bàn tay của họ, không muốn rời ra nữa.

Một tuần lễ ngồi viết kiểm điểm, nhưng ngày nào anh cũng ra bãi xe cháy của đại đội. Những ngày đầu anh tháo gỡ phụ tùng còn lại ở xe. Vừa làm, vừa xem xét xung quanh, vừa dằn vặt với một câu hỏi: Tại sao anh cho xe đến đâu nó lại biết đến đấy? Binh trạm đã cho lùng tìm bọn biệt kích. Các mũi trở về đều khẳng định không có dấu hiệu gì chứng cớ có hoạt động "mặt đất". Dù có chăng nữa nó cũng không thể theo sát được. Vậy nguyên do ở đâu? Những băn khoăn ấy cấp trên yêu cầu Trường phải giải thích bằng tất cả sự hiểu biết và ý định của anh một cách thành thật. Mấy ngày đầu, Trường không tài nào hiểu được điều đó. Đến hôm nay, anh quyết định thử một lần nữa xem sao?

Anh rời khỏi đám xe cháy, đi đến vạt rừng cỏ tranh cách vài chục mét. Dừng lại bên gốc lim ngắm nghía một lúc, lấy xẻng phác qua hình thù chiếc hố cá nhân ngay cạnh cây lim rồi anh bắt đầu đào. Chỉ cần đào vừa ngồi ngang đầu, chẳng lâu la gì. Mười lăm phút sau có chỗ ngồi nấp xong xuôi anh đứng dậy nhìn quanh rồi trở về bên một đoạn ống sắt màu cây, có những nhành lá cũng bằng thép mỏng và mềm cắm xuống sườn bên kia cây lim. Ngắm nghía một lúc, anh quay đi hắng giọng, quay trở lại áp mặt gần thân cây miệng anh kề lại nơi lỗ chỗ ở giữa thân đoạn ống trông như cái tổ ong mà anh đoán nó là mi-cờ-rô. Anh nói to như ra mệnh lệnh:

- Chuẩn bị vượt! Các trung đội chú ý, trung đội nọ cách trung đội kia mười phút.

Nói xong, anh cắn hai hàm răng, ghìm hơi, vươn cổ, những đường gân nổi lên. Từ trong cổ họng phát ra tiếng máy rú ga gầm lên rồi tiếng máy êm nhẹ. Xe đi. Rồi xe lên dốc nặng nề. Tiếng xe nhỏ dần. "Chiếc" khác nối theo. Tiếp theo nữa. Trong cái âm thanh phát ra ấy, như có hàng chục chiếc xe đang nối đuôi nhau vượt lên dốc lao vụt đi. Hết "đội hình trung đội một" anh ngồi thở để chuẩn bị cho "trung đội hai vượt". Ba mươi phút sau "tiếng xe của đại đội" đã đi khỏi trọng điểm. Anh ngồi thở và tủm tỉm cười, về cái trò chơi trẻ con này. Hồi đi trại hè của học sinh toàn tỉnh, anh được tặng thưởng về tiết mục khẩu thuật. Anh làm tiếng ô tô, tiếng tàu bay, tàu thuỷ, tiếng lợn, tiếng vịt giống đến nỗi các bạn đổ xô vào nhau, cả sân vận động nghiêng ngả vì cười. Rồi họ túm đến quanh bắt anh há miệng xem có cái gì trong đó không? Mười năm nay những kỉ niệm êm đềm tươi rói về đoàn, về đội hầu như đã quên đi, không ngờ lúc này lại đem nó để đối phó với thằng địch. Năm phút qua đi vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Hay không phải cái này. Vô lý! Ngay sau ngày xe cháy, anh đánh chiếc xe đến đây, giữa cảnh mù mịt, không hề có bọn máy bay trinh sát, mà lập tức ba chiếc F4H đã ào tới ném bom. Ngày hôm sau anh lên đây tháo phụ tùng, một chiếc xe tạt vào xem, cũng bị nó quây lại.

Sự lặp lại nhạy bén đó là do cái gì? Nó ở đâu? Nỗi day dứt của anh đã có mấu chốt để lần gỡ ra. Suốt mấy ngày đêm vừa qua, anh lần mò trong rừng và tìm ra cái ống sắt này. Những cánh sóng ở trên đầu và cái tổ ong như mi-cờ-rô ở thân, chứng tỏ đây là cái máy thu và phát. Nó đã thu âm thanh các xe của đại đội anh khi trú vào bãi này ư? Từ chiều qua đến giờ, tuy rời chiếc ống đó về nhà nhưng trong đầu anh, trước mắt anh lúc nào cũng thấy chiếc ống sắt màu cây cắm xuống nền rừng. Anh quyết định hôm nay lên thử. Nhưng sao không thấy động tĩnh gì? Cái máy này đã hỏng, hết điện, hết nguồn pin hay anh làm tiếng động không giống. Liệu phải dùng một chiếc xe nổ máy ở đây hay nhổ quách nó về nghiên cứu? Hãy kiên trì làm lại lần nữa xem sao! Anh đang nén hơi, áp sát miệng vào mi-cờ-rô chuẩn bị "cho xe đi" thì tiếng máy bay đã ầm ầm từ vách núi phía đường xe vọng lại. Chúng nó đến rồi. Anh vội vàng nhổ ống sắt, nhảy xuống chiếc hố vừa đào lúc mới đến. Những loạt bom "toạ độ" trút ầm ầm xuống khu rừng. Cây đổ và đá bay ném đôm đốp vào mũ sắt. Anh vẫn ôm chặt ống sắt trong lòng, hơi ngẩng mặt nhìn xung quanh để tránh những tảng đá to giáng xuống người. Bom lại trúng vào bãi xe cháy và xung quanh đấy. Từng đụn khói hình nấm đùn lên đổ trùm xuống mù mịt quanh người anh. Một câu chửi thầm vừa bật ra khỏi miệng:

- Tiên sư mày, thủ phạm đây rồi. À thì ra làm cho mày ngu đần đi cũng không khó lắm đâu.

Đã định xách chiếc ống về nhà, nhưng sẵn thói quen muốn phá bung mọi sự bí ẩn của máy móc, tìm cho ra cái mấu chốt của nó. Khi vệt bom kéo ra xa, anh nhảy phốc khỏi hố lấy kìm, đinh ở túi bạt cạnh sườn ra hí hoáy tháo. Không mấy chốc những linh kiện nhỏ xíu đã lộ ra. Không hiểu rõ nó là những tầng nào? Nguyên lý vận hành ra sao? Nhưng mới mở ra, anh đã biết chắc chắn đây là chiếc máy thu và phát. Hẳn là nó đã thu âm thanh của rừng để phát đi. Nếu ông mang mày về đặt vào chỗ cần phá núi, dùng cách làm giả tiếng xe để cung cấp "tài liệu" cho mày thì cũng được chứ gì? Tiên sư mày quỷ quyệt thế là cùng.

Anh đang hí hoáy dò xét từng mạch điện, bỗng thấy động dưới chân. Cúi nhận ra những sợi dây điện thoại đứt rơi xuống từ lúc nào, anh đặt chân lên, không hề biết. Anh nhắc chân, những sợi dây vẫn chưa chạy theo phía người kéo. Một đầu dây nằm chẹt xuống tảng đá. Anh đứng dậy. Một người con gái đang xoay lưng lại anh. Hai đường dây máy và súng suôn xuống hai bên nịt căng lấy người cô. Mái tóc xoã xuống hai vai trông xa như vừa uốn. Cô ta đứng cạnh một hố bom, còn cách vài ba chục mét. Nhìn phía sau, Trường cũng đã nhận ra cô Ngà trên tổng đài Phù Lã đi chữa dây mà anh đã có dịp để ý.

Chắc là nghe mình nói tên, cô ta sẽ nhận ra. Trường có ý muốn "làm lành" vì sự bực bội vô cớ, gắt gỏng với cô trong máy. Nhưng với cô này không thể xô bồ, suồng sã được. Qua các bạn, anh đã nhận ra tính nết của cô. Hẳn cô ta phải lên gỡ hai sợi dây chẹt dưới tảng đá cạnh chỗ mình đây. Nghĩ vậy, Trường ngồi xuống, cắm cúi lắp lại máy thu phát.

Ngà quay lên, bước được dăm bước, chị nhận ra Trường. Giữa trọng điểm vừa dứt tiếng bom gặp được người, dù xa lạ cũng dễ quen thân.

Trường nghe bước chân và những tiếng động do cô gái cố ý tạo nên, nhưng anh vẫn cắm đầu chăm chú vào công việc đang làm.

Bắt buộc cô ta đến gần phải cất tiếng chào:

- Đồng chí làm gì đấy ạ?

Trường nhìn cô cười hơi ngượng nhưng trông lại dễ mến:

- Chào đồng chí Ngà.

Ngà đứng sững người, khuôn mặt ánh lên một giây ngượng ngùng. Chị hơi cúi, hỏi giọng đã nhỏ xuống:

- Anh Trường phải không ạ?

Lại đến Trường ngạc nhiên:

- Sao đồng chí biết tôi.

- Vì đồng chí cũng đã biết tên tôi - Nói xong câu đó, sợ mình nói năng thiếu đứng đắn, cô tiếp, giọng dịu dàng hẳn lại: - Nói thế, tôi biết vì anh chị em trên tổng đài nói hàng tuần lễ nay, ngày nào đi chữa dây cũng gặp đồng chí tháo phụ tùng xe hoặc đi tha thẩn ở đây.

- Vâng! - Tự nhiên nét mặt Trường buồn hẳn. Câu nói của cô làm nhói lên nỗi đau anh vẫn cảm thấy hoàn toàn do mình gây nên sự thiệt hại ở cái bãi này.

Ngà nhận ra điều đó. Trước đây, rất nhiều lần Ngà bực bội vì thái độ của Trường qua máy điện thoại. Từ hôm xê ba bị "đốt" hàng loạt xe và chị nghe đồn do anh Trường gây nên, tự nhiên Ngà lại thấy thương anh. Hẳn anh vẫn đang buồn lắm.

- Anh Thú gửi quà cho anh, tôi gửi lại Bình Nguyên, cô ấy lại gửi cho anh nào ở xê ba, anh đã nhận được chưa ạ?

- Cảm ơn đồng chí, xin lỗi, tôi chưa kịp báo lại để các đồng chí yên tâm.

Kể cô gái trông cũng thông minh, lịch lãm. Nhưng ở giữa trọng điểm mà nói năng với nhau ý tứ, giao du thế này mệt lắm. Anh cúi xuống ống sắt đang vặn dở. Hai mắt nhìn lơ đãng ra phía bãi xe cháy, nỗi buồn bỗng chốc lại dâng lên, anh ngồi lặng. Cả hai người đều tránh không muốn nhắc đến những mất mát nặng nề của đơn vị anh nữa. Chị cũng im lặng, hơi cúi xoay xoay kìm tuốt vỏ cao su để các đầu dây lộ ra những đoạn ruột dây đồng nhỏ xíu. Chốc chốc khuôn mặt chị theo đà tay dựt mạnh, ngẩng lên như một sự tất nhiên phải nhìn vào khuôn mặt sạm đen của anh. Một khuôn mặt dễ xúc động, hai vòm mắt rất sáng, lúc bình thường đôi mắt ấy sẽ như cười rất nhiều, nói được rất nhiều điều trong tâm trạng của mình. Nhưng lúc buồn như lúc này, bao nhiêu đau khổ dằn vặt đều dồn vào đôi mắt ấy. Còn cái miệng anh ta, đặc là miệng con gái, trông dẻo và xinh, ở Trường Sơn bao nhiêu năm rồi, vẫn đỏ và tươi. Cái miệng ấy vẫn cố mủm mỉm cười để chứng tỏ trước mặt Ngà, anh không buồn! Nhưng tất cả mọi cử chỉ đều như dại đi, lớp da mặt đờ đẫn, đôi mắt nhìn cũng dại đi làm Ngà thấy thương mến sự chân thành thẳng băng của anh. Con người này sẽ không giấu giếm được điều gì trong lòng đâu.

Anh đứng dậy giúp, Ngà vui vẻ trao cuộn dây cho anh và vui vẻ nhìn bước chân anh đi vội vã như chạy. Đến chỗ tảng đá đè lên dây, anh dồn sức co hai đầu dây bắt đầu nối. Chị cũng không cần bám sát việc làm ấy, cũng không cần dặn dò về kĩ thuật nối dây. Trước mặt chị lúc này chỉ thấy một con người sống rất giàu tình cảm và hành động mãnh liệt. Anh ấy không thể sống thủ đoạn với bất cứ ai đâu.

Chị hơi rùng mình. Cái danh từ đã cố tránh bao lâu nay, bỗng nhiên lại chạm đến nó. Một thoáng buồn chạy qua khuôn mặt chị. Vốn quen kìm nén, vốn biết xua đuổi những lúc cần thiết nên khi anh quay trở lại, giơ hai mối dây lên hỏi, chị cười rất vui:

- Đẹp lắm, đúng kĩ thuật rồi.

Anh lại hăm hở đi tìm đầu dây phía kia. Ngà vẫn ngồi nguyên. Những ý nghĩ tốt đẹp về anh không hiểu sao cứ ùa tới quấn quýt trong tâm trí của Ngà. Mười năm ở chiến trường rồi anh ấy không gặp mẹ, không có tin tức của người yêu, trông vẫn như mới xa gia đình dăm ba tháng. Ở con người này không vô tâm, vô tính đâu. Có điều nó quen dần đi và nỗi khao khát cho công việc át cái tình người vốn mãnh liệt nên anh sống được như thế. Sắp sửa chính uỷ cho anh ấy về xây dựng gia đình riêng rồi. Nếu tất cả đều diễn ra may mắn như Thú nói, mừng cho anh ấy.

Hẳn là chị Lý nào đó thật tuyệt diệu. Chị ta sẽ được hưởng trọn vẹn một tấm lòng thuỷ chung, trọn vẹn một tình yêu lúc nào cũng trào lên nhưng không hề chao sánh đi đâu một ly.

Đã nghe nhiều người nói về tình cảm anh ấy dành cho người yêu, lần gặp gỡ này Ngà hoàn toàn tin ở những lời nói đó. Ngà hoàn toàn tin vào câu chuyện của Vũ kể rằng: tất cả những đồ dùng của anh ấy không bao giờ giữ được năm ngày nhưng chiếc khăn mùi xoa và cái lược nhựa màu xanh người yêu tặng từ ngày vào chiến trường thì vẫn còn. Và rất đều đặn, dù có nước rửa mặt hay không nhưng sáng nào cũng lấy lược chải vài lần lên mái tóc rậm bù xù. Có hôm đang rửa mặt bị ném bom, vào ngồi trong hầm anh ta vẫn chải đầu như lời người yêu dặn.

Lúc này Trường đã trở lại, giọng anh âu yếm hẳn:

- Hết đoạn này rồi, Ngà còn phải đi nối đâu nữa không?

- Phải đi nối lại nữa chứ.

Quen một "phản ứng" mau chóng, Ngà nói xong câu đó bỗng đỏ bừng mặt.

Sự lịch lãm trong người con gái từng trải này đã nhận ra một dấu hiệu gì đó, không bình thường trong cách nói năng của cả hai người.

Có lẽ trong những giờ phút cô đơn, con người rất khát khao một nơi nương tựa, một sự âu yếm thành thật. Lúc này chỉ cần ngồi với nhau một chút nữa, những lời nói chỉ hơi ngượng ngùng một chút, những cử chỉ hơi lúng túng một chút là có thể tạo nên những kỉ niệm không thể nào quên được.

Như thế để làm gì? Chỉ khổ nhau thôi. Hãy giữ một ấn tượng đẹp về anh ấy. Anh có thể đến với mình như một người bạn tốt, một người anh đáng quý trọng.

Không thể để một tình cảm nào khác chen vào lúc này.

Suốt mấy năm rồi trong cái tình cảm lạnh giá của cô, trong cái ý nghĩ hoài nghi và chua chát của cô lúc này lại thấy nó bùng lên sự trẻ trung, dại dột nhưng cô lại phải vội vã đi xem lại mối nối để kìm nén tình cảm đó lại. Khi trở về nét mặt cô giữ một vẻ vồn vã lạnh lùng:

- Nói thế, chứ xong cả rồi đấy. Cám ơn anh Trường.

Trường còn lúng túng vì lời "cám ơn" khách sáo, cô gái đã tiếp:

- Lần đầu tiên gặp anh Trường cũng là dịp may mắn để chia tay anh trong khu vực trọng điểm này.

- Ngà đi đâu?

- Chưa biết sẽ đi đâu nhưng chuyển sang công binh.

- Thế thì vẫn ở quanh đây thôi. Mà công binh với lái xe ở đâu chả gặp được nhau.

- Có thể lắm. Thôi bây giờ tạm biệt anh Trường nhé.

Nói rồi cô quay đi, bước những bước nhanh xuống sườn núi.

Trường đứng lại ngẩn ngơ trước một người con gái thông minh, khôn ngoan và lịch lãm. Anh càng thấy ân hận về những lời cáu kỉnh của mình trước đây. Muốn nói một lời nào đó để nhận lỗi nhưng cô ta đã như biết tất cả và mọi cử chỉ lời nói đều lái anh "đi" hướng khác. Nhưng buổi sáng nay anh cũng cảm thấy vui lên rất nhiều, yên tâm hơn rất nhiều. Cuộc gặp tình cờ cũng rất đúng lúc anh cần san sẻ nỗi vui của một dằn vặt vừa được gỡ ra. Cô ta biết tất cả chuyện đó rồi, chả nói gì nhiều, vẫn cảm thấy chính mình đã nói tất cả sự khám phá đó với cô ta.

Sao cô ta lại có vẻ kiên quyết, cứng rắn không những phải kiêng nể, anh còn thấy mình có vẻ mềm yếu hơn, vụng về hơn.

Anh vẫn nghĩ lung tung và cầm chiếc ống thu phát trong tay đứng nhìn những bước đi mạch lạc, nhanh của cô gái cho đến khi khuất sau "cua tay áo".

Sự thật, không phải như anh nghĩ đâu. Cô gái ấy không dám thú nhận một tình cảm rất vô lý nhen lên trong lòng mình. Và, nếu tinh ý có thể nhận ra những lời nói dứt khoát kia, những cử chỉ cương quyết và những bước đi mạch lạc kia chính là sự thú nhận những xáo động thất thường trong lòng mình rồi.

Ngay từ cái phút chia tay ấy, bao nhiêu ý nghĩ hiện lên cô đều đè gạt, chồng lấp bằng những kết luận bực bội gay gắt và nên án nó bằng bao nhiêu lý lẽ xác đáng. Song, rốt cuộc những ấn tượng chưa hề có kỉ niệm gì sâu sắc của lần gặp gỡ vô tình này không thể nào xoá mờ trong cái tâm trí vẫn thường trực sự hoài nghi chua chát của cô.


Каталог: UserFiles -> RadEditor
UserFiles -> PHƯƠng pháp viết nghiên cứu khoa họC Ứng dụng sư phạM
UserFiles -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFiles -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFiles -> BỘ XÂy dựNG
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFiles -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFiles -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
UserFiles -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
RadEditor -> BẢn thảO ĐẦu tiêN (để bổ sung/góp ý) thông tin đÓng góp về XÃ HỘi dân sự TẦm nhìn asean 2025

tải về 2.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương