22  leâ LÖÏu tieåu thuyeát  23



tải về 2.23 Mb.
trang10/22
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2016
Kích2.23 Mb.
#32030
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   22

3
Đến Hà Nội, Vũ hối hả khoác ba lô cuốc bộ trở lại phố Đặng Dung, trao cho Trình Nhật, con trai chính uỷ lá thư để ngỏ, chỉ vẻn vẹn có mấy dòng: Tôi vẫn khoẻ. Em Bình Nguyên mới chuyển về đơn vị tôi. Em có gầy và xanh nhưng nói chung sức khoẻ vẫn tốt. Anh chị xem có thể gửi các cháu sơ tán về ở với bà được không? Được thế, anh chị đi làm cũng đỡ vất vả và bà cháu nó chắc cũng vui hơn. Văn. Phân vân cầm mảnh giấy trên tay xem chừng người con trai chính uỷ không bằng lòng lắm về lá thư của cha mình. Dù thế khi nghe tiếng líp xe đạp bật tanh tách phía ngoài anh ta đã mủm mỉm cười xoè hai ngón tay day day hai phía gọng kính nói như reo:

- Mình ơi, các đồng chí bộ đội ở chỗ ba về đây này. Em Bình Nguyên cùng ở với ba mình ạ.

Vợ anh đang nghiêng người dìu xe đạp đi vào cái lối hẹp một bên là tường, bên kia thưng cót trông nó sâu hun hút. Chị dừng lại nghe chồng nói, với nét mặt hơi cười nhưng không hiểu đó là cử chỉ buồn hay vui rồi lại nghiêng người dìu xe ra sân sau. Người vợ trở vào gật đầu chào Vũ và người bạn cùng đi đêm nay vừa gặp Vũ ở đầu phố. Trình Nhật nói với vợ và cũng để nhắn tin qua hai anh bộ đội đến với cha mình:

- Ba bảo đưa các con về quê với mẹ mình ạ. Khốn nỗi quê mình đầy những con dĩn, con dãn khỉ gió ấy ai chịu được. Nước nôi lại thiếu thốn, bẩn thỉu, đưa các con về đấy lở loét hết, gay quá!

Chị vợ không nhìn ai, buông thõng câu nói vẻ hơi bực:

- Trẻ con độ này lại về đầy ra kia. Ông Lê Đức Thọ sắp gặp lại Kít-xinh-giơ rồi, không phải đi đâu cả.

Sợ vợ không ý tứ, anh day day cặp kính mỉm cười quay sang phía hai chiến sĩ:

- Các đồng chí đi ngay đêm nay à? Các thứ chuẩn bị đã đầy đủ chưa? Còn thiếu thứ gì cứ bảo tôi, về đây phải tự nhiên như ở nhà mới được.

Người chiến sĩ cùng đi nhanh nhảu thay Vũ nói rằng tất cả mọi thứ cần thiết họ đã chuẩn bị đầy đủ. Đến đây chỉ cốt thăm anh chị và các cháu. Ngoài ra, anh chị có nhắn, gửi gì thì về sẽ báo cáo với thủ trưởng. Trình Nhật hỏi thăm quê quán hai người rồi đưa mắt nhìn Vũ:

- Đồng chí về nhà, ông cụ bà cụ và gia đình vui vẻ cả chứ?

Vũ nhướng nhướng hai hàng mi, cố làm ra tươi tỉnh, nhưng anh vừa đáp lại một tiếng "dạ" lí nhí trong miệng, bạn anh đã đỡ lấy:

- Đồng chí ấy về đến nhà thì ông bố và em trai vừa bị bom, mất cách đây nửa tháng.

Trình Nhật kêu sửng sốt:

- Thật à? Trời ơi! Thảo nào trông đồng chí... Mới gặp tôi biết ngay hẳn là đồng chí có chuyện gì không vui. Mình ơi, đồng chí Vũ đây, cùng ở với ba đấy. Đồng chí ấy về nhà thì ông cụ và cậu em trai bị bom...

Với nét mặt hoảng hốt, chị vợ thốt lên hai tiếng: "Thế à?" và một lúc sau chị buông hơi thở dài: "Thật tội nghiệp!". Vũ định nhấp nhổm rủ bạn đi. Anh thấy mệt và căng thẳng, muốn đi ra ngoài cho đỡ gò bó, bứt rứt. Với vẻ mặt cảm thông thật sâu sắc, Trình Nhật buồn lặng đi. Anh rất tinh ý nhận ra ý định của Vũ, vội nắm lấy tay:

- Đừng đi đâu. Ở đây với vợ chồng tôi. Chúng tôi rất thông cảm. Giá là gánh nặng, tiếc gì không san sẻ cho nhau. Đằng này... Biết làm thế nào được!

Gian nhà bỗng lạnh dần, Trình Nhật nhận ra sự nặng nề không cần thiết ấy, giọng anh vồn vã, to lên đầy sự thân thiết:

- Thôi, không được đi đâu cả. Đêm nay các đồng chí mới đi, ta ở chơi với nhau đến mười giờ. Phải nói chuyện với nhau đã. Tôi muốn hỏi đồng chí Vũ rất nhiều chuyện ở Trường Sơn và cũng nói tình hình Hà Nội để các đồng chí còn nói lại với ba tôi chứ. Mình ơi, nấu thêm cơm hai đồng chí. À, ừ thì đồng chí gì ở gần đây về cũng được. Mình ơi, nấu một suất đồng chí Vũ thôi, nấu thêm mì, ở Trường Sơn các đồng chí ít được ăn mì sợi mà. Nhưng phải ở lại cả đây chơi đã, về làm gì vội.

Hai chiến sĩ chưa kịp từ chối trước tấm lòng nồng nhiệt của chủ, họ đã nghe thấy tiếng gõ bồm bộp vào cánh cửa thủng bằng cót. Trình Nhật đứng dậy mở cửa và tiếng anh reo đột ngột:

- Trời ơi, cơn gió nào đưa anh đến với vợ chồng tôi. Mình ơi, anh Khánh đến, mình ạ. Mà sao "rồng lại đến nhà tôm" thế này nhỉ? Ngồi đây, cho anh ít nước sôi mình nhé. Nào ngồi xuống đây. Anh cần gì tôi phải không? Cần gì cũng mặc, pha trà uống với nhau đã. Có cà phê Pô-lô-ven ba mình gửi ra, uống nhá.

Vừa nói chuyện với khách vừa nói với vợ phía sân sau nên giọng người chủ lúc to xẵng, lúc nhỏ nhẹ cứ lỗm chỗm như đá trộn vào bột. Khách tỏ ra rất sốt ruột, thấp thỏm nhìn đồng hồ và muốn vào thẳng câu chuyện nghiêm chỉnh khiến anh phải vội vã đến đây. Trình Nhật cười gật gù vẻ giễu cợt sự "hốt hoảng" đã thành thói quen của Khánh. Nhưng anh nhượng bộ:

- Nào, nói đi. Anh cần gì ở tôi.

- Không phải "rào đón" gì cả. Tôi xin anh viết cho tập san chúng tôi bài nói về những thành tựu bước đầu trong ngành dược liệu phục vụ chiến đấu. Yêu cầu gấp nhưng phải có chất lượng làm "đinh" cho số báo tới. Ban biên tập phân công tôi, tôi hoảng quá, liền nghĩ đến anh, chỉ có anh mới đáp ứng được cả hai yêu cầu đấy nên tôi phải vác thân đến đây.

- Anh có "xỏ" tôi không? - Trình Nhật âu yếm, hỏi.

- Tôi không phải trả lời anh câu ấy. Xin anh hiểu rằng báo chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ làm mất lòng tin của người đọc, của giới nghiên cứu lý luận. Anh thử giới thiệu cho tôi một phó tiến sĩ ở nước ngoài về hơn anh xem nào!

- Nhưng mình làm công tác giảng dạy kia mà.

- Giảng dạy không cần sự uyên thâm của học thức sao!

- Nói đùa cho vui. Anh cần dài hay ngắn.

- Độ năm nghìn chữ trở lại.

- Khó đấy.

- Thế tôi mới nghĩ đến anh, chỉ có anh mới cứu tôi khỏi cơn lao đao túng bí mà.

- Thôi xin anh. Lần trước các anh cũng bảo cần "đinh" làm anh em phải "bò" ra viết suốt đêm, lại mất nửa ngày đem từ điển tra mà các anh giả được bảy đồng bạc, hà hà...

- Lần ấy mình đi vắng, cậu trưởng ban trị sự nó không biết nên cứ giả ang áng như biên tập định cho các bài khác. Lần này mình sẽ tính khác.

- Tôi đùa với ông cho vui. Anh em vẫn xác định phục vụ là chính, không ông lại lên án quan niệm lệch lạc, gay lắm. Hà hà... Bao giờ lấy.

- Tối ngày kia để sáng thứ ba lên khuôn.

- Chà, anh đột kích tôi ghê quá. Thôi được, chiều ngày kia anh đến tôi xin "nộp mạng" cho anh.

Có lẽ công việc chính của người khách trong ba ngày nữa chỉ theo "món hàng" này nên sau sự mặc cả đó anh ta lại tỏ ra bất cần thời gian. Trình Nhật bằng lòng điều đó và bắt đầu đi pha cà phê. Và, con người tài hoa uyên bác ấy nói với bạn bao nhiêu điều khúc triết, thâm trầm từ chuyện Trung Cận Đông, châu Mỹ Latinh đến việc xếp hàng mua bánh mì cứ lên sát trên cùng, tỉnh bơ như mình đã xếp ở đấy trước nhất, nhưng có việc phải chạy ra ngoài. Hết chuyện những triển vọng tốt đẹp về cách mạng khoa học của những năm hai nghìn đến việc phải bán phần ngô độn ngay khi mới đong ra khỏi cửa hàng, mang tiền về nơi sơ tán đong gạo "chui", tuy đắt một tý nhưng đỡ mất công "lai" và ăn ngon v.v... Chuyện nào anh nói ra, người nghe cũng cảm thấy ở đấy một sức "hiểu rộng" đến "mênh mông" và "sâu" vô cùng. Nhưng cũng không hiểu ở đấy cái nào là thật, cái nào giả và anh ta sống cho cái nào nhiều hơn?

Từ lúc anh nhà báo đến, Vũ và người bạn như bị văng rơi khỏi sự âu yếm của chủ, khiến hai người đều ngượng ngùng, lúng túng trước mọi cử chỉ thừa thãi của mình, cả hai đều không thể chịu đựng sự tù túng vốn không quen với cuộc sống người lính, mà lại là lính lái xe, họ thực sự thừa ra trước những công việc và cả lúc đùa vui của nhà trí thức trẻ. Dù chốc chốc con người lịch lãm kia cũng quay sang các anh san sẻ một tiếng cười, một cái nhìn và những người lính cũng mỉm cười, cũng đỏ rân rân hai gò má nhưng cả hai bên đều nhận thấy sự miễn cưỡng phải chiều theo ý nhau, bất đắc dĩ phải chấp nhận sự có mặt của nhau ở trong căn phòng hẹp này. Đã mấy lần Vũ liếc mắt nhìn bạn để xem có cách nào, có lời lẽ nào lịch sự để từ chối ăn bữa cơm chiều đầy nhiệt tình của chủ. Lâu lắm, người bạn Vũ, dù là "dân" Thủ đô, nhưng phải chuẩn bị đến lần thứ ba mới rụt rè nói:

- Có lẽ xin phép các anh, bọn em còn một số việc phải làm... - Nói xong anh vẫn phấp phỏng sợ như thế chưa đủ lý do để ra đi. Trình Nhật đang mải chuyện với bạn như chợt nhận ra hai người chiến sĩ vẫn ngồi bên cạnh, anh thản nhiên quay ra, đưa hai ngón tay day day cặp kính, vồn vã, vẫn một vẻ lịch thiệp, sôi nổi:

- À, bận hả? Thôi các bạn đi vậy nhá. - Anh nhìn đồng hồ bàn: - Độ khoảng chín giờ bạn nào quay lại đây, mình gửi lá thư cho ông cụ. Thôi đi. Chúc các bạn mạnh khoẻ. Nhớ quay lại giúp mình nhá. - Vừa rời tay khỏi vai Vũ, anh vội nhắc phin cà phê đã cạnh nước ra khỏi tách. Hai chiến sĩ nhìn nhau, họ bước nhanh qua khỏi cái lối đi chật chội, hun hút sâu. Vừa ra thềm đường anh nhà báo bạn Trình Nhật gọi, rồi lặng lẽ đến bên đưa bao thuốc lá cho Vũ. Cử chỉ của anh tự nhiên như trả lại vật Vũ để quên chứ không phải nó là của anh. Vũ từ chối, anh mắng:

- Ông tưởng tôi thích "kiểu cách" đấy à? Thôi cất đi, lính lái xe anh nào chả đốt thuốc như đốt đuốc, lại nói dối. Vài tuần nữa xong giấy tờ mình sẽ đi. Ta gặp nhau trong ấy. Nào bắt tay nhau, đừng nói gì dài dòng nữa.

*

* *



Rời khỏi nhà Trình Nhật, đi được một đoạn đường khá xa qua Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế ra Cửa Nam, Vũ nói với bạn:

- Thôi cậu ghé về qua nhà đi. Nhớ đúng giờ tập hợp phải có mặt đừng trễ.

Họ chia tay nhau. Khi Vũ đặt chiếc ba lô xuống ghế đá cạnh hồ Ha-le thì bà hàng nước chè chén đã xếp những lọ kẹo vừng và ấm chén vào đôi quang thúng, đặt cái bàn con chổng bốn chân lên trên, bà hàng miến dong đổ ào nước rửa bát ra lòng đường, cũng thu dọn gánh. Mưa mỏng như sương chỉ đủ làm cho lá cây và mặt đường sáng lóng lánh. Đường vắng vẻ, chỉ còn lác đác những đôi trai gái đi sát vai vào nhau và chốc chốc có những chiếc xe đạp phóng ào qua. Ngồi đợi bạn bè, mệt quá Vũ gục đầu xuống ba lô. Phải một phút sau, anh mới giật mình nhận ra dò phong lan buộc ở nắp từ mấy ngày nay anh không hề nhớ đến mặc dầu không phút nào anh rời chiếc ba lô. Bây giờ chạm phải nó, như chạm vào một mũi kim làm anh ngồi chết lặng. Phong lan chính uỷ gửi về cho cậu đây. Biết gửi cho ai lúc này! Còn gần một giờ nữa mới đến giờ quy định. Hay mang lại trao cho anh Trình Nhật. Ngẫm nghĩ mãi, Vũ quyết định không trở lại đấy. Xem ra chính uỷ rất buồn về người con, mà mình cũng chẳng ưa gì, không thể trao lại kỉ niệm thiêng liêng này cho anh ta. Nhớ đến lần chính uỷ nói về các loại phong lan, ông có nói đến những người làm ở công viên rất thèm có phong lan đai châu treo ở quán Gió cho khách xem. Vũ xốc ba lô nhổm dậy, quyết định đem dò hoa vào quán Gió. Vẫn những bước đi lặng lẽ, anh đếm từng bước lạo xạo trên nền đường rải sỏi trong công viên. Vũ vượt lên cầu, đi quanh các lùm cây, vòi phun nước, các bể nuôi cá, đứng lại tần ngần, rồi thững thờ đứng bên một vòm cây uốn cong như mui bể. Hai tay anh nâng dò hoa rung rung; lóng ngóng mãi không buộc được, anh lại hạ xuống, tì đoạn gỗ mục ghép hoa vào thân cây. Một tay bấu lấy đoạn gỗ, tay kia vòng qua thân cây, hai chân muốn khuỵ xuống. Một nhành lá áp vào má lành lạnh và nước mắt chảy ra từ lúc nào theo lòng sống lá xuống cổ anh, bàn tay bấm nát một vầng cỏ cây, đã tê dại anh không biết nữa. Rồi cả người anh rung nấc lên, một tiếng gọi: "Phúc ơi! Em ơi, ơi..." dâng lên đến cổ thì nghẹn lại, tan lạc đi, anh cắn chặt hai hàm răng để tiếng khóc khỏi bật ra.

Chợt có tiếng bước chân và những tiếng rì rầm đi đến. Anh vội vã lau nước mắt, xốc lại ba lô trên lưng và buộc nhánh hoa vào thân cây. Những người đi trong vườn hoa đã gần lại. Anh nhìn dò hoa lần cuối, nhìn một lần nữa, thấy làn hơi hăng hăng ở sống mũi, anh vội vã quay đi, lặng lẽ quay đi, lẩn trong những vòm cây.


Ch­¬ng IX

1
Về đến binh trạm, mọi việc đều diễn ra trái hẳn những ngày đi trên đường Vũ đã nghĩ. Mới thế binh trạm bộ đã hai lần bị B.52, hai lần chuyển chỗ ở, chính uỷ ra nằm ở trọng điểm, binh trạm trưởng vừa ốm vừa chỉ huy các đơn vị "công kích tuần trăng" và hơn sáu mươi xe cùng nhập tuyến với Vũ không bổ sung thẳng cho các xê như kế hoạch ban đầu; tất cả lách vào khu rừng cạnh lối vào binh trạm bộ chờ lệnh. Nhưng, chắc sẽ còn kinh ngạc hơn là những điều Thú sắp sửa nói. Đêm qua về đến chỗ trú xe, mờ sáng nay Thú đã gọi điện ra, bằng giá nào anh cũng phải có mặt ở đây trong buổi sáng ngày nay. Tất nhiên, không phải chuyện buồn của gia đình mình. "Anh Vũ ơi, chuyện ấy anh cố nén lại vì đằng nào nó cũng đã xảy ra rồi. Bây giờ anh phải tập trung hết sức vào chuyện này, nguy lắm rồi. Tôi không quan trọng hoá đâu, anh vào ngay đây, bằng giá nào anh cũng phải vào đây, không thể chậm được nữa!". Chuyện gì thế? Thú không thể nói cho anh qua máy điện thoại. Vũ vội vã ra xe mở cốp lấy phong lương khô và chiếc võng cuộn trong tấm vải nhựa để ở sàn xe. Gần hai ngày nhịn, lúc này anh mới cảm thấy đói, vừa đi vừa nhá miếng lương khô. Dù hai hàm răng buồn buồn tưởng sắp rời ra vì lớp bột quánh lại ở chân răng, nhưng lại thấy ngậy bùi như chưa bao giờ anh được ăn một phong bánh ngon như thế. Hai người gặp nhau ở trạm một của binh trạm bộ. Vũ mừng rỡ reo và muốn nhảy chồm vào ôm lấy Thú. Còn Thú, trông người cậu ta mềm lả, và khuôn mặt chìm nghỉm trong nỗi lo âu. Chắc trong số bạn bè lại có anh nào làm sao rồi. Vũ nghĩ bụng, đi theo Thú. Gặp nhau sau bao nhiêu chuyện đã xảy ra, sau bao nhiêu ngày xa nhau, sau khi Vũ vừa ở hậu phương vào, nói cụ thể là vừa ở nhà cậu ta vào, rồi chuyện không may của gia đình Vũ... mà cậu ta chỉ cau có chào một câu rất lạnh: "Ơ anh Vũ đấy à?" xong quay mặt đi, cứ lầm lũi đi và nhiệm vụ của Vũ là phải theo cậu ta về nơi ở. Vũ hiểu cách sống "quan trọng hoá", lo lắng trịnh trọng tất cả cho mọi người nên anh hiểu cử chỉ đó của Thú chứng tỏ một chuyện gì không bình thường vừa xảy ra. Vũ không thể chờ hết hai giờ lội suối để về nhà cậu ta trịnh trọng nói tiếng một như mọi lần anh đã nghe. Anh gọi Thú:

- Mình mệt lắm, ngồi nghỉ đã.

- Đừng, đi về nhà anh ạ.

- Có chuyện gì cậu nói ngay đi, đến trưa về cũng được. - Nói xong Vũ ngồi phịch xuống tảng đá giữa lòng suối. Thú đứng lại ngần ngừ, đi gần lại:

- Cố đi về, nói đây sợ không tiện.

- Việc quái gì. Ở đây không còn đường nào ngoài con suối này. Nước chảy ầm ầm như giã bom ấy sợ ai nghe mà không tiện?

Thú miễn cưỡng phải ngồi xuống bên bạn. Vẫn vẻ mặt chìm nghỉm trong nỗi lo âu, cậu ta hơi cúi, nhìn xuống dòng nước chảy, một lúc lâu mới ngẩng nhìn Vũ:

- Anh biết chuyện gì về anh Trường chưa?

- Chưa?

Thú lại cúi mặt im lặng, rồi nói, hai mắt vẫn nhìn vào một chỗ, không chớp:



- Anh Trường phải ra toà án binh đấy.

- Cậu bảo gì? Anh Trường làm sao lại ra toà? Hiện nay anh ấy đang ở đâu rồi?

- Binh trạm đình chỉ công tác, đang giữ để lấy lời khai ở dưới xê ấy.

- Chuyện gì?

- Làm cháy mười bảy chiếc xe trong một ngày.

- Tự làm cháy à?

- Bom đánh.

- Thiên thối. Bom đánh cháy vài chục xe một ngày ở tuyến này có gì phải gay go thế?

- Đằng này cho chạy ngày không có lệnh của binh trạm. Không phải là không có lệnh, người ta bảo anh ấy tự động cho chạy không báo cáo ai. Chết cái, các xe đại đội ba đi đến đâu, nó đánh đấy. Vào bãi rất kín nó vẫn đánh trúng. Chạy bãi này sang bãi khác trong rừng rất dày nó cũng theo đánh trúng, người ta nghi anh ấy...

- Là gián điệp chứ gì!

- Có tin đồn thế. Cán bộ Bảo vệ, Viện kiểm sát của Bộ Tư lệnh xuống cả xê ba rồi.

- Họ đã kết luận gì chưa?

- Mấy hôm nay tôi đi hết các ban nghe ngóng xem thế nào, nhưng họ kín lắm.

- Họ cho là cậu thân với anh Trường à?

- Có lẽ thế.

- Cậu thế nào người ta biết cả, ngại gì chuyện đó.

- Nói thế thôi, tôi sợ gì. Anh Trường có vào tù tôi cũng đến thăm anh ấy. Anh ấy là người tốt như thế không ai có thể nghi anh ấy chuyện vớ vẩn được.

- Chúng mình đều tin, yêu anh Trường, nhưng phải xem xem thế nào đã. Chính uỷ có ý kiến gì chưa?

- Thủ trưởng đang nằm ở trọng điểm với một trung đội của đại đội ba đấy.

- Sao cậu không đi với thủ trưởng.

- Thủ trưởng bảo với bên cán bộ, có hướng "đào tạo" tôi nên để tôi ở nhà nghỉ, lấy cậu khác thay rồi. Các anh ấy bảo đưa tôi xuống làm B trưởng công binh nhưng tôi bảo cho làm A trưởng hoặc B phó chứ B trưởng nặng lắm chưa chắc đã làm được.

- Chuyện ấy hẵng sau. Thái độ của binh trạm trưởng với việc anh Trường thế nào?

- Cụ ấy vẫn găng cho anh Trường và quý ông Tuy loe, anh còn gì lạ nữa. Hôm xảy ra vụ ấy ông cụ tái người đi, suốt đêm không ngủ.

Thế là gay go rồi. Anh Trường không thể nào là kẻ phản bội được. Một con người lặn lội trong đêm tối, trong bom đạn, suốt mười năm nay giữa con đường rừng hàng nghìn cây số này làm sao có thể phản bội được. Một con người sống hàng mười năm không nhận được mẩu tin của mẹ già, của người yêu, bây giờ gặp lại chính uỷ, niềm hi vọng đến chiến thắng, niềm tin vào những tuyến đường lớn cứ mở mãi, dài mãi ra, niềm háo hức đến cuối mùa mưa sẽ được về với mẹ, sống với người yêu, anh ấy như thế làm sao có thể phản bội được. Nghĩ đến đây nước mắt Vũ muốn trào ra. Liệu anh ấy còn đứng dậy được giữa bao nhiêu chuyện chồng chất cùng dồn đến không? Những ngày qua, Vũ cứ ngỡ cả binh trạm này, cả xã hội này không ai có sự đau khổ, buồn tủi như cảnh ngộ đã xảy đến với Vũ. Lúc này, Vũ đã thấy mình nhỏ bé đi bao nhiêu, tầm thường đi bao nhiêu, sự mềm yếu của mình là vô lý bao nhiêu. Làm thế nào để mọi người nhìn rõ anh Trường hơn, thông cảm và thương anh?

- Mình về đây. Mình xin về xê ba đây - Im lặng. Giọng Vũ lắng lại. - Mình muốn biết rõ việc này.

- Chính vì thế tôi mới phải gọi anh vào đây. Anh phải ở đây đã. Còn ở nhà, tôi đã nhờ chị Ngà ở tổng đài đưa chè, thuốc lào và thuốc bổ của tôi với cả chính uỷ từ trước đến giờ cho anh ấy rồi.

- Sao lại nhờ bà Ngà. Bà ấy biết chuyện này à?

- Chị ấy không biết. Nhưng hôm nọ chị ấy lên đây, tôi bảo nghe tin anh Trường ốm chị về qua đưa hộ. Chị ấy bảo, chị ấy sẽ đưa Bình Nguyên mang đến.

- Cậu cẩn thận đấy. Mọi việc chưa ai hiểu ra sao cứ đồn toáng lên thì thuốc tiên của cậu gửi đến cũng bằng thừa.

- Anh cứ yên trí. Anh thấy tôi đã làm việc gì bừa bãi nào.

- Ừ mình vẫn tin cậu. Nhưng việc này cậu phải rất cẩn thận. Việc gì cứ phải dò xét các cơ quan. Nếu quả thật anh ấy là kẻ xấu, kẻ phản bội thì việc cậu làm là phạm pháp. Nếu không thì kệ người ta kết luận.

- Tôi cho là anh ấy không thể là người xấu.

- Sự thay đổi trong con người ta ai biết đâu được.

- Nhưng anh ấy không thể có thay đổi.

- Ngộ Viện kiểm soát và Bảo vệ người ta có đầy đủ chứng cớ để bắt anh ấy đi tù, cậu cho là sai à?

- Không phải là sai nhưng tôi vẫn thương anh ấy.

- Cậu còn trẻ con lắm. Thôi không bàn đến chuyện này nữa. Cậu bảo mình ở đây để làm gì nói xem nào?

- Thú im lặng. Phải để một lúc cho những ngượng ngùng xen với lòng tự ái, sự bực bội nho nhỏ dịu đi, cậu ta mới nói trống không:

- Anh phải ở đây mới được.

- Ừ, đồng ý, cậu bảo mình phải làm gì?

- Binh trạm trưởng rất quý anh.

- Mình biết.

- Anh phải gặp để nói chuyện này.

- Không ăn thua. Trường hợp này không phải là quan hệ tình cảm giữa hai người nữa.

- Nhưng cụ ấy rất bực anh Trường. Anh nói để cụ ấy hiểu là anh Trường cũng không bụng dạ nào, tính anh ấy thẳng thắn nhưng mà tốt lắm đấy. Anh cứ nói toàn sự thật thôi. Cốt để cụ ấy không nghĩ về anh Trường xấu, thành kiến với anh ấy.

- Thôi được, mình sẽ nói. Làm bất cứ việc gì dù mang lại một tí kết quả mình cũng làm. Nhưng chuyện đúng như cậu nói thì gay lắm Thú ạ.

- Chung quanh họ còn đồn nhiều chuyện ghê hơn kia.

- Nói thì nói, cậu phải xem thế nào, tìm cách nói với các thủ trưởng nghiên cứu thật tỉ mỉ chính xác giúp anh ấy.

- Hôm nay anh về tôi mới nhẹ đi được một nửa. Mấy hôm vừa qua tôi đang ốm mà không ăn được, không ngủ được, cứ lội dưới suối rồi trèo hết quả đồi này đến quả đồi khác để hỏi xem tình hình đến đâu rồi.

- Cậu vẫn cứ phải nắm xem để có thế nào thì cũng đỡ sốt ruột.

- Anh Vũ ơi, nếu không may anh ấy là địch thật thì... Đồng ý là mình phải căm thù rồi. Nhưng... Tôi vẫn thương anh ấy quá.

- Cậu nói gì vớ vẩn thế!

Gắt với bạn xong ngồi một lúc, Vũ mới thấy mình không phải. Chả nên bực bội với nó lúc này. Cái thằng nó thế. Nó rộc rạc đi vì lo cho anh Trường quá. Nghĩ gì, nói thế, nó đã có ý tứ gì với bạn bè đâu. Vũ cảm thấy thương bạn, muốn làm một cái gì đó để cậu ấy đỡ buồn phiền.

- Thôi đi Thú ơi.



Vũ đứng dậy. Thú lặng lẽ làm theo, lội trệu trạo theo suối, nước té tát, ướt hết quần áo. Nhưng không ai để ý, cả hai người vẫn im lặng đi giữa sự ầm ào dữ dội của suối đang mùa mưa lũ.


2
Vừa về đến nhà ở, cơn sốt đã kéo đến. Gần một tuần lễ Vũ chìm đắm trong những cơn mê hoảng hốt. Khi thì thấy cha, với cái dáng gầy, mặc chiếc áo sơ-mi cộc tay, đội chiếc mũ lá ôm chiếc cặp nâu đang đứng bên bờ hồ Hạnh Phúc và gọi: "Vũ về đấy con. Về uống nước, cậu pha rồi đấy!" Có lúc lại thấy mình đang khoác ba lô đứng dưới tán bàng nhìn qua cửa sổ lẳng lặng xem thằng Phúc nằm xoài, miệng mút mút cây bút chì nửa xanh, nửa đỏ, tô loè loẹt vào các đầu bài ở quyển tập đọc lớp một. Ngẩng lên trông thấy anh, nó liền quẳng mọi thứ, phốc ra cửa, nhót lấy chiếc mũ "giải phóng" của anh chạy đi khắp phố "ra oai" với bọn trẻ. Anh đuổi theo, nó hãi, chạy xuống bến phà. Anh đuổi sát, nó nhảy ùm xuống sông, anh vừa lao theo, vừa hét ầm lên... Tỉnh mắt ra đã thấy Thú ngồi cạnh. Nét mặt cậu đầy vẻ lo âu nhìn Vũ: "Anh vừa nằm mê phải không? Cố ngồi dậy húp bát canh đùng đình, có mộc nhĩ ngon lắm. Ăn, anh Vũ nhá. Đang bốc hơi đây này, anh cố húp đi!". Và cho đến bây giờ người anh vẫn luôn hốt hoảng vì cơn mê giữa cơn sốt nóng buổi trưa hôm kia. Lúc ấy hai chiến sĩ của tiểu đội anh trói anh Trường dong về quê. Anh chạy theo họ, hết hò hét lại van lạy họ cởi trói, họ không nghe. Đi đến giữa sân vận động trường cấp ba họ trông thấy chị Lý, anh Trường vung tay tung hết dây chạy vụt đi, vừa chạy vừa gọi: "Lý ơi! Em! Anh về với em đây!" Nhưng chị Lý nhìn anh trừng trừng rồi quát: "Đồ phản bội Tổ quốc! Mày không xứng đáng... Đồ hèn nhát! Mày...". Rồi chị ôm mặt khóc và chạy. Vũ đuổi theo. Chạy rượt mãi, mới đón đầu gặp chị ấy. Chị ấy chạy ngoắt lại. Vũ chạy theo gào: "Chị Lý ơi! Đừng lầm. Anh Trường tốt lắm. Đừng chạy nữa. Chị Lý... !". Mở mắt ra lại thấy Thú đang hai tay ấn vào hai vai anh, người nhổm lên sẵn sàng tư thế đè lên người Vũ. Ngước nhìn khuôn mặt hốc hác của Thú, tự nhiên nước mắt Vũ ứa nhoà hai vòm mắt. Thú hơi quay nhìn đi, nén hơi thở dài: "Anh mệt quá đấy. Đừng buồn nữa anh Vũ à? Buồn lúc này là không được đâu. Anh cố ngồi dậy ăn bát cơm, có cá chình nấu chua me ngon lắm!". Không thể phụ tấm lòng tận tình của Thú, dù miệng đắng ngăn ngắt Vũ cũng vục dậy, sốt sắng: "Thế thì ngon quá. Chúng mình cùng ăn nhá. Xin được cá chình ở đâu thế?" - "Tôi đi câu" - "Bao giờ?" - "Tối qua!" - "Lúc nào?" - "Lúc anh ngủ được, tôi tranh thủ cải thiện. Con cá chình to, dài lắm, tôi chỉ nấu riêu một phần ba. Còn lại tôi kho. Lúc đầu kéo lên tôi tưởng con rắn đã hoảng!" - "Lúc không ăn được, thức ăn ngon mấy cũng chịu. Ngày nào cậu cũng một lần lên cơn sốt, cứ mò mẫm thế là nguy đấy. Từ mai đừng vất vả long đong vẽ chuyện ăn uống của mình nữa nhá!"- "Của ở rừng ấy muốn lấy lúc nào thì lấy, có gì phải long đong!". - "Nhưng cậu đang sốt, yếu lắm!" - "Ôi giời, sốt rét ở Trường Sơn anh còn lạ gì nữa. Coi nó như con tép riu. Anh mới vào thay đổi khí hậu đột ngột nó "quật" anh, chứ mai kia anh lại khinh!".

Lúc ấy Vũ muốn níu lấy hai cánh tay Thú, ghì xiết người nó vào ngực muốn bảo nó: "Thú ơi, tao vừa thương mày như em tao, vừa kính trọng mày như mẹ tao. Bao giờ tao quên được những ngày sống bên mày thế này!".

Hôm nay Vũ thấy trong người khoẻ khoắn có thể đi lại, chơi bời được. Nhưng chả hiểu Thú nó đi đâu. Hết săn hỏi tình hình anh Trường lại xin thuốc uống, thuốc lào cho Vũ, rồi ra rừng hái măng, nhặt nấm, chả lúc nào thấy nó, ngồi nói chuyện cho vui. Vũ quanh quẩn một mình, khi trời đổ mưa, anh chạy về lán hầm nằm ngửa mặt, nghĩ vẩn vơ bao nhiêu chuyện và chỉ mong thằng Thú về trút hết mọi nỗi niềm của nó.

Phải sau hai trận mưa mới thấy cậu ta chạy lao vào nhà. Nhìn nét mặt Thú có vẻ tươi, Vũ mắng:

- Ướt hết rồi, đi thay quần áo đi.

Thấy Thú không để ý đến chuyện đó, Vũ hỏi:

- Có biết tình hình gì thêm không?

- Chưa, mấy nay xê ba chật vật lắm mới hoàn thành kế koạch. Đêm nay chính uỷ về đây.

- Thế hả? "Cụ" ấy về xem ý thế nào thì có thể đoán được tình hình anh Trường. May, chiều nay mình được về rồi, hai mươi xe nữa bổ sung cho xê ba.

- Ai bảo?

- Hồi sáng binh trạm trưởng đến thăm mình, nói.

- Anh có đả động gì đến "chuyện kia" không?

- Mình nói hết mọi ý nghĩ của tụi mình và hỏi thẳng: "Liệu có phải anh Trường có ý định xấu không?", "cụ" ấy bảo: "Hổng ai kết luận, nhưng thằng cha tồi quá đi!". Mình bảo: "Tôi cam đoan với thủ trưởng anh ấy là người tốt!". Cụ ấy vừa đứng dậy vừa nói, không nhìn mình: "Thôi, nghe Thú nói cậu ốm, mình bận quá, bây giờ mới chạy đến thăm. Gắng ăn uống rồi mai xem thế nào. Nếu khoẻ thì về. Còn mệt cứ ở lại đây đã!". Chỉ có thế, không biết thêm gì cậu ạ.

- Thế thì vẫn gay đấy - Nét mặt Thú lại chìm đi.

Vũ:

- Hãy bình tĩnh đợi chính uỷ về xem tình hình thế nào - Và để Thú đỡ lo lắng Vũ hỏi sang chuyện khác: - Mấy hôm nay cậu sang ban Thông tin gọi điện đi đâu hả?



- Sao anh biết?

- Mình nghe loáng thoáng tiếng cậu. Hình như cậu có nói gì đến Bình Nguyên phải không?

Thú hơi đỏ mặt quay đi. Đó là chứng cớ của sự thú nhận vụng về. Vũ dấn thêm:

- Hiện giờ Bình Nguyên ở đâu?

- Anh có muốn gặp không?

Tự nhiên nét mặt Vũ lắng hẳn:

- Gặp làm gì, thêm phiền ra.

- Sao lại phiền?

Cả hai cùng im lặng một lúc, Vũ đành phải thú nhận tình cảm của mình:

- Cậu bảo cô ta có yêu mình không?

- Yêu chứ.

- Sao biết?

- Thì những cử chỉ đối với anh đấy.

- Cử chỉ gì?

- Luôn luôn nhắc nhở đến. Lại lội ba cây số suối đem hoa đồng tiền tặng. Khi anh hỏi hoa đồng tiền có thể có quả được không, cô ấy trả lời: có thể được chứ. Thế lại còn gì?

- Sao cậu biết.

- Chuyện gì anh nói với anh Trường mà tôi chả biết.

- Nhưng sau đó cô ta lại bảo: "Nói thế chứ em không biết có quả hay không đâu".

- Thì con gái bao giờ họ chả ý tứ. Họ dễ dãi, cởi mở quá để chưa chi anh đã chắc chắn là họ yêu mình rồi anh khinh thường họ ấy à?

- Có lý.


- ...

- Nhưng việc đó thông thường, không yêu, họ cũng có thể nói như thế cơ mà - Vũ nói.

- Con gái đến tuổi mười chín đôi mươi là tinh khôn lắm rồi, một cử chỉ rất nhỏ họ cũng tính toán chứ không phải với ai họ cũng đối xử như thế đâu.

- Nhưng sao cô ta lại bỏ chạy.

- Có yêu thì nó mới ngượng, mà ngượng thì phải bỏ chạy chứ ai đứng trơ ra đấy à?

- Ừ, cũng có lý. Lúc ấy hai tay cô ta cứ run lên, mặt đỏ bừng cúi xuống, không dám nhìn mình thật. Thằng nó nói có lý.

- Có một lần thế này nữa nhé: Cùng đi với chị Ngà, đèn mình chưa nguỵ trang, cô ta bảo: "Anh Vũ lấy miếng giấy này che bớt ánh sáng lại". Mình cầm miếng giấy, định xé ra cho vào đèn, cô ta vội vàng thì thào "đọc đi đã". Mình vùa đi xoay ngang, xoay dọc miếng giấy, chỉ vỏn vẹn có mấy chữ: Anh Vũ tếu lắm đấy. Thế là mình giữ miếng giấy đó nửa năm nay rồi ông ạ.

- Đúng là yêu rồi.

- Thôi cậu. Mình nghĩ: Một là tính cô ta hồn nhiên, chưa nghĩ gì nên đối với ai cũng thế. Hai là khi gần nhau, cô ta phát hiện ra sự bỗ bã, luộm thuộm của mình rồi bỏ đi thì khổ lắm.

- Tất nhiên tình yêu nào mà chả có sự tính toán. Nhưng họ tính từ trước lúc bộc lộ cử chỉ với anh. Còn khi đã yêu thì có kể gì.

- Thôi, để xem thế nào đã, yêu "toạ độ" căng cáp lắm.

Nói thế nhưng sự thật Vũ đã thấy yên tâm hơn rất nhiều. Những tháng qua anh sống trong một tâm trạng thất thường: Sự yêu thương đang bùng cháy ầm ầm như dấn ga, thoắt lại thấy giận dữ rất vô cớ, hoài nghi rất vô cớ và dự trù bao nhiêu lời lẽ oán trách, mỉa mai, hờn dỗi, tưởng sự sâu cay cả đời dễ không thể phai mờ. Nhưng chỉ cần vài giờ sau hoặc chỉ cần vài phút sau có một thằng bạn nào đó khen cô ta một lời, nói "vun vào" một câu dù chả quan trọng, mới mẻ gì, nhưng mọi dự định lớn lao trong người con mình tan biến đi hết. Những ngày gần đây cái tình cảm thất thường ấy đã chìm lắng đi. Vũ không muốn có một sự mơn trớn, đùa cợt nào chen vào giữa sự mất mát của riêng mình. Nhưng cũng chính những ngày này, anh thầm mong một niềm cảm thông, chia sẻ của người mình đã dồn bao tình cảm khát vọng ở đó, dù mới là một phía bên mình. Không ngờ cái niềm tin còn mỏng manh ấy, hi vọng còn phấp phỏng Vũ không dám nghĩ đến thì Thú lại có những nhận xét tinh tường, những phỏng đoán vững chãi mà Vũ phải nghe, phải tin, phải bộc bạch lòng mình một cách thơ ngây, vụng về. Từ trước đến nay có bao giờ Vũ lại nghĩ rằng sẽ kể chuyện này một cách nghiêm chỉnh, lại càng không thể hỏi ý kiến cậu ta. Nhưng bây giờ thấy cậu ta nói câu nào cũng hay, cũng đúng, cũng sáng suốt cả. Cũng như mình, khi chưa hề hiểu biết một tí gì yêu đương cũng phân tích, đánh giá răn bảo anh Trường và anh ấy phải nhận là đúng, phải nghe mình. Kể cũng lạ: xem ra thì người lớn tuổi bao nhiêu khi yêu cũng thành trẻ con. Từng trải khôn ngoan bao nhiêu đã yêu là vụng dại. Còn những thằng bạn dù ngốc nghếch đờ đẫn đến mấy, với tình yêu của mình nó cũng trở thành "quân sư" và mình phải làm theo nó ngoan ngoãn như một đứa học trò.

Thú đã bỏ ra ngoài cửa nấu canh từ nãy, lúc này nói vọng vào như ra lệnh:

- Anh Vũ ăn xong đi tắm. Tắm thôi còn để quần áo đấy, chiều nay có khách.

- Ai thế?

- Cứ biết vậy đã.

- Bình Nguyên à?

- Kể cũng nhạy đấy.

- Hiện cô ta đang ở đâu?

- Đi thuyết minh phim. Hôm nay anh thuyết minh chính ra viện rồi. Bình Nguyên xin về tiếp tục ở đài quan sát Phù Lã. Trước khi về sẽ qua đây.

Thế là Vũ đi tắm giặt, chải chuốt. Chưa bao giờ anh cảm thấy mình sạch sẽ gọn gàng như hôm nay. Và, anh mong đợi từng giây, mong từng giây một. Nhưng vẫn không ngờ Bình Nguyên đến đột ngột thế. Lúc ấy Vũ vừa tắm xong đang ngồi ở tảng đá nhìn theo suối chảy. Bình Nguyên đến. Thú đưa cô ta xuống suối. Trông thấy Vũ, Thú dừng lại: "Thông cảm, mình đang có tí việc bận, Bình Nguyên nhé". Nói xong anh bỏ đi, mặc cô bé đứng lại giẫy đành đạch:

- Anh Thú, em không biết đâu. Em về đây!

Thú lặng lẽ đi như không hề để ý đến cô bé, anh ta tủm tỉm cười, còn cô bé thì xịu mặt xuống, hai bàn chân như chẹt giữa hai cây bông tầu ở giữa lối xuống suối.

Vũ vẫn ngồi nguyên chỗ cũ. Trống ngực anh dịu xuống, lại dồn lên chờ đợi. Nhưng cô bé vẫn đứng ở đấy, anh đành phải đi lên. Anh cố hô trong mình rất nhiều khẩu hiệu rằng: "Phải cứng rắn lên, việc quái gì mà sợ". Đến nơi phải mấy lần sửa cổ áo mới hỏi được:

- Bình Nguyên đến bao giờ đấy?

Cô bé chưa ngẩng mặt lên, anh lại tiếp:

- Tôi mới về đây được hơn một tuần. May quá mai tôi lại về đơn vị rồi. Đáng lẽ về ngay hôm mới ở ngoài kia vào, nhưng binh trạm lại thay đổi kế hoạch.

Cô bé hơi mỉm cười ngẩng nhìn anh, khiến anh không nói tiếp được, cũng không dám nhìn lại cô, hai mắt gần như nhoà đi, khắp người gai gai như lúc sắp lên cơn sốt. Cô ấy đến với mình thật ư. Thú ơi, cảm ơn cậu, sao cậu lại đem đến cho mình một sự đột ngột thế này. Một tay anh vịn vào gốc cây, chỉ còn nghe tiếng nước chảy rì rì xiết vào hai tai. Khuôn mặt vốn hiếu động của anh đờ đẫn, cứng lại. Anh vẫn đứng như một chiếc cột ai đem dựa vào gốc cây lúc yên gió vì cái nhìn chằm chằm của cô bé.

- Anh Vũ - Tiếng cô bé gọi thì thầm. Anh hơi ngẩng nhìn cô. Cô cúi xuống hòn đá dưới chân như tìm chỗ truyền lời mình nói xuống đấy: - Em nghe anh Thú nói chuyện anh về nhà rồi. - Giọng cô nghẹn chìm trong tiếng nước chảy. Phải một lúc cô mới như gắng gượng để tiếp: - Em nghĩ lúc đau khổ, có thể san sẻ... Mà em... cũng không phải con người tồi...

Im lặng. Vũ chưa kịp nói gì thì cô đã mạnh dạn hẳn:

- Thôi ngày mai anh yên tâm về đơn vị. Em đi đây.

Nói xong cô bé chạy ù đi. Choáng váng trong một giây Vũ không kịp hiểu những gì đã xảy ra nữa. Anh ngẩng nhìn, cứ nhìn, mà không chạy theo, không gọi với. Cô gái leo lên đỉnh núi rồi đi sang phía đồi bên kia. Đến khi khuất bóng cô, anh mới thấy trong mình dâng lên một cái gì vừa như ân hận, vừa nuối tiếc. Và anh lại cứ đứng như thế. Tiếng cậu Thú gọi máy ở đỉnh đồi vọng xuống. Hình như cậu ta đang nhắc gì về anh Trường. Vũ như tỉnh ra, anh vội chạy lên chỗ Thú.




Каталог: UserFiles -> RadEditor
UserFiles -> PHƯƠng pháp viết nghiên cứu khoa họC Ứng dụng sư phạM
UserFiles -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFiles -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFiles -> BỘ XÂy dựNG
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFiles -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFiles -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
UserFiles -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
RadEditor -> BẢn thảO ĐẦu tiêN (để bổ sung/góp ý) thông tin đÓng góp về XÃ HỘi dân sự TẦm nhìn asean 2025

tải về 2.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương