22  leâ LÖÏu tieåu thuyeát  23



tải về 2.23 Mb.
trang13/22
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2016
Kích2.23 Mb.
#32030
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   22

1
Sau những ngày bàn luận, tranh cãi ở cấp binh trạm và xin chỉ thị cấp trên, Trường được chính thức giữ nguyên chức vụ Đảng và chính quyền. Trong thời gian chưa có chính trị viên mới, anh tạm thời thay bí thư chi bộ đại đội.

Từ hôm bị đình chỉ công tác đến giờ, đây là lần đầu tiên chính uỷ Quang Văn lại trực tiếp giao nhiệm vụ cho anh qua điện thoại:

- Tôi chỉ nhắc lại: bằng giá nào anh cũng phải đảm bảo một đêm chuyến. Tất cả có thế thôi. Anh thấy thế nào?

- Báo cáo, tôi lại đến đốt hết xe mất thôi thủ trưởng ạ!

- Cái khó là anh phải giữ nguyên xe và hàng. Bộ Tư lệnh đoàn giao cho binh trạm vạn tấn trong mùa này. Tôi hi vọng anh giữ được chỉ tiêu, có kinh nghiệm giúp các đơn vị khác hoàn thành kế hoạch. Tôi không bàn với anh chuyện được hay không. Chỉ có một phương án là hoàn thành nhiệm vụ. Anh cần gì ở tôi, nói xem nào!

- Tôi sợ nhất là vắng công binh ở mặt đường. Còn pháo, đề nghị cứ bắn mạnh. Thiếu đạn, chúng tôi xin tiếp, cứ bắn mạnh, không trúng, cũng làm nó hoảng và chúng tôi cũng vững dạ.

- Thế thôi à? Sao độ này anh hay có ý nghĩ thụ động thế? Đảng uỷ đã quyết định điều thêm pháo và công binh luôn luôn có mặt ở khu vực trọng điểm, đấy là những người bạn đường làm anh yên tâm. Quyết tâm của người ta là tấn công, chủ động tấn công, pháo đã đánh là tiêu diệt chứ không phải bắn để "xua" địch và có tiếng súng cho vui tai như ý nghĩ thụ động của anh đâu. Tôi cũng nói ngay phương châm của chúng ta là "lấy ít thắng nhiều". Còn phải tùng tiệm, có lúc, có chỗ binh trạm chưa thể thoả mãn yêu cầu của anh. Anh cố gắng đến X. cộng ba cho An Châu, i tờ, em bé, Bắc Kạn(1) qua. Thôi chào anh, tôi chờ.

Đấy là những ngày "trở lại" để cái bào thai của chiến dịch mùa khô sắp sửa bung ra. Những làn gió se lạnh mỗi buổi chiều hầng nắng ở Đông Trường Sơn báo hiệu ở phía tây đã bắt đầu khô ráo. Trung đoàn 60 công binh đang khẩn cấp nối những cung đường hàng trăm kilômét liền lại chuẩn bị cho xe hơi và pháo, tăng và tên lửa vào trận.

Hàng từ hậu phương chảy đến xếp ngổn ngang trong rừng cao su, rừng lim, ở bãi đá cạnh suối và những khu rừng già ba tầng lá. Chỗ nào cũng thấy chen chúc nhấp nhô hòm gỗ sơn màu cỏ, hòm mộc, bao tải, bao ni lông, bao nhiêu là hòm, bao nhiêu là bao, đủ các cỡ, các màu nhấp nhổm vượt qua cửa khẩu dày đặc bom đạn.

Bọn địch rất tinh tường đã ngửi thấy sự chật chội nóng bỏng dưới gầm rừng. Chúng phán đoán chỗ nào chỉ cần đánh "xăm", chỗ nào "canh" thường xuyên ngày đêm và đoạn nào cố sống chết "bốc" đi cả một ngọn núi với những con đường hàng chục kilômét treo trên đó. Những chiếc OV10 hai thân, lính lái xe thường gọi là thằng mù bất lực trước sự biến dạng kỳ lạ của mặt đất. "Cây nhiệt đới" cũng mất khả năng thu phát và cái khoa học ngu xuẩn này đã thu về những âm thanh do đối phương tạo nên, sai khiến bọn cường kích tấn công hùng hổ vào những khu rừng núi đối phương cần mở ra.

Đấy là lý do từ cuối tháng mười từng đàn máy bay trinh sát đủ các kiểu RF4, OV2, F4c lè nhè lải nhải suốt ngày đêm, có cảm giác cái âm thanh đơn điệu dai dẳng ấy mài vẹt các đỉnh núi.

Kể từ hai mươi bảy tháng mười, tức là sau một tuần lễ Trường nhận mệnh lệnh, bọn địch mở chiến dịch ngăn chặn ồ ạt vào liên hoàn trọng điểm ATP, cắt rời hai phía đông và tây Trường Sơn.

Trường quyết định "cướp" lấy từng phút, anh cho đại đội di chuyển lọt vào vòng trọng điểm, ngay cạnh ngầm Ông Thao.

Chiều chiều, sau đợt bom phá, các chiến sĩ công binh kéo những bó gai lù lù trên đường quét bom vướng thì xe cũng nổ máy sang khu rừng đối diện với trục đường "ăn" hàng. Đường dọn đến đâu, xe bám đến đấy.

Chiều nay lấy hàng xong, giấu xe trong rừng, các chiến sĩ lái xe chạy ra mặt đường thập thò nhìn trạm giao thông. Khói bom còn mù mịt và những tiếng nổ lép đép của mìn tai hồng, mìn vướng nghe mau như rang vừng. Chốc chốc ầm ầm tiếng bom nổ chậm. Cơ chừng này lại tắc đến nửa đêm như hôm qua. Hai ngày nay bọn địch dùng một chiến thuật mới mà cả lính lái xe và công binh đều nhanh chóng gọi nó bằng một cái tên nghe thô và bỗ bã nhưng dễ hiểu: chiến thuật "mèo giấu cứt". Nghĩa là sau những đợt bom phá mù mịt, chúng thả bom từ trường, bom bi, bom chậm nổ rồi lại đánh bom phá cầy xới, vùi lấp những quả bom chưa nổ. Cuối cùng thả các loại mìn, làm sát thương người và xẹp lốp xe. Đêm qua còn bỡ ngỡ nhưng đêm nay các chiến sĩ công binh đã có những biện pháp giải quyết nhanh chóng. Từ ba giờ chiều họ đã đội những bó gai ra túc trực ở mặt đường, để đếm bom chưa nổ và xác định vị trí. Còn mìn tai hồng, họ chỉ cần dùng ròng rọc đặt một đầu và người đầu kia cầm dây kéo bó gai đi. Lính lái xe không ngờ hàng mấy chục máy bay ném đủ các loại thủ đoạn hàng nửa giờ xuống vùng trọng điểm này mà chỉ nửa giờ sau đường đã thông. Đúng, chỉ nửa giờ thôi, một hồi chuông điện thoại réo và họ nghe thấy người trực máy hỏi: "Xuất phát hở?", thế là không đợi đại đội trưởng ra lệnh các chiến sĩ lái đã ùa ùa chạy về xe mình vừa kêu ầm ầm ca ngợi công binh, vừa chửi thằng tổng thống nước Mỹ một cách thoải mái.

Trường đang nói chuyện với trạm chỉ huy đường phía trước, không nhìn ra, anh giơ tay ra hiệu cho chiếc xe đầu tiên dừng lại. Nói nốt mấy câu gì đó, anh trao ống nói cho người gác rồi chạy lại phía đầu xe. Như một phản xạ đã thành quen, anh nói như quát: "Nhanh chóng tiếp cận trạm trên! Đi!".

Người lái xe không nói, gài số, và "ga". Xe lao lên sòng sọc. Xe thứ hai lên. Trường vẫn đi chậm và quát, hắt tiếng mình vào buồng lái: "Nay "toạ độ" muộn, tranh thủ đi!". Xe thứ ba lên, anh dặn: "Nay "toạ độ" muộn, vượt 37. Đi".

Vẫn một thói quen như mọi khi, dặn hết lượt, anh nhảy lên xe sau cùng. Lý ra trong đội hình hành quân, anh là người đi đầu, đại đội phó kỹ thuật sau cùng. Nhưng anh biết ở đội hình xe hành quân bao giờ việc "thu quân" mới đòi hỏi phải xử lý táo bạo và kiên quyết. Còn phía đầu đã có trạm chỉ huy giao thông điều chỉnh, chỉ cần một trung đội trưởng đi là được. Riêng những ngày này cán bộ đại đội chưa bổ sung đủ, mỗi tối chỉ một người đi theo xe. Nói đúng ra chỉ có một mình anh đi. Anh yêu cầu đại đội phó ở nhà lo việc ăn uống và chuẩn bị dụng cụ sửa chữa khi xe về bãi.

Xe cuối cùng vượt qua cây số 37, bom toạ độ nổ phía sau. Đội hình đã vượt qua hết, Trường mừng thầm, nhưng ngay lúc ấy trên đỉnh núi lại có tiếng súng báo hiệu B.52. Và ngay tức khắc những thung lũng lửa đã dâng lên. Vừa nhảy ra khỏi xe, sức đẩy của hơi bom đã du anh ngã chúi xuống nền đường. Hết loạt bom thứ nhất anh đứng dậy vừa chạy vừa ném vào các xe những mệnh lệnh ngắn: "Nổ máy!". "Cứ đi!". "Còn cây rưỡi nữa. Đi!". "Nhanh chóng vượt đoạn này!".

Đến xe đi đầu, anh vừa nhảy lên buồng lái, một bóng người chạy lại đứng giữa lòng đường, trước mũi xe. Không giơ tay ra hiệu. Không nói năng gì. Trường hỏi qua cửa kính đã vỡ:

- Gì?

- Dừng lại.



- Tắc rồi à?

Trường bước ra khỏi xe xăm xăm đi lên phía trước. Người chiến sĩ ở trạm điều chỉnh xe lặng lẽ theo sau. Đi gần kịp Trường anh ta nói trống không:

- "Bốc đi gần hai cây số rồi!".

- Đoạn nào?

- Từ 43 đến 45. Trạm trên báo xuống không biết đâu là sông, đâu là đường, là vực, là cây đổ nữa.

Trường lặng lẽ bước những bước dài nặng nhọc, người anh mệt lả. Đi được mươi bước, người chiến sĩ lại nói trống không:

- Nó còn đánh nữa đấy.

Lại im lặng.

Một lúc sau vẫn tiếng anh ta:

- Nó âm mưu "cất vó" mình đêm nay. Hình như xe vừa dừng lại các đồng chí lái xe ngủ cả phải không thủ trưởng?

Không còn bụng dạ nào để nói chuyện, một lúc sau, Trường mới hỏi lại:

- Cậu nói gì đấy?

- Các đồng chí lái xe ngủ hết, nó đánh thì làm thế nào? Tôi thấy thế thiếu cảnh giác.

- Cậu lo thế cũng phải, nhưng nửa tháng nay rồi đêm đi, ngày phải xoay trần ra làm xe không ai chợp mắt, anh em chỉ kiếm được một giấc vào lúc này.

- Thì chúng tôi cũng thế, có hơn gì.

- Ban ngày các cậu làm gì không đánh được một giấc.

- Không quen, với lại ban ngày ồn ã, và chói quá không ngủ được.

- Thế thì các cậu hãy làm quen đi. Quần nhau với tụi nó ở tuyến này còn dài. Không biết tìm lúc hồi sức chịu sao được.

- Nhưng lúc này tôi thấy nguy hiểm quá.

- Cậu yên trí. Bao giờ nó tính toán mình thông đường nó mới đánh đoạn chúng mình đỗ xe. Bây giờ thì nó đoán xe chúng mình còn ở bắc ngầm Ông Thao.

- Sao thủ trưởng biết?

- Thôi đừng hỏi nữa. Tớ cũng đang tranh thủ vừa đi vừa ngủ đây. Sao lâu đến trạm thế!




2
Vừa thấy bóng hai người, chiến sĩ trực ở trạm đã nói:

- Anh Trường phải không? Binh trạm dặn anh cho đơn vị dỡ hàng sơ tán, và giấu xe, sau đó toàn đại đội phối hợp với công binh ngay từ tối nay tập trung khắc phục đường cho tới khi thông.

- Cho mình gặp thủ trưởng binh trạm.

- Thủ trưởng bảo không cần gặp nữa. Thủ trưởng đang làm việc với pháo và các đơn vị khác. Có gì, độ một giờ nữa mới gặp được.

Trường lặng lẽ bỏ đi. Trọng điểm mù mịt như đi trong sương mùa đông. Thấy mùi khét nóng hầm hập phả ra từ phía núi, biết là những hố bom đã xói vào tim đường. Và, từ trước mặt, gió đưa lại mùi bùn thum thủm lạnh, nhào trong mùi chua nhoét của gạo thối anh biết lòng sông đã bị bốc vật lên sườn núi rồi. Ba ngọn đèn dù mù mờ cháy trên đài quan sát Hồng Hà, ánh sáng nhấp nhoá hoặc anh nhìn không hết hoặc không dám tin vào mắt mình nữa. Suốt hai cây số đường lên dốc, trước đây là con sông chảy giữa hai thành núi, con đường dán vào thành núi bên phải. Hết ba cây số cheo leo nó mới qua ngầm sang thành núi bên kia. Bây giờ đường hoăm hoắm những hố bom trông như một con sông mới đào leo ngược lên núi, còn con sông thật, không thấy đâu nữa.

Bọn cường kích lại ào đến. Người Trường chao đi. Hai loạt bom nổ ầm ầm xuống giữa trọng điểm. Đèn dù bung sáng. Bọn F4H thay nhau canh. "Đánh tràn lan không cho sửa đường đây!". Trường nghĩ bụng. Anh cho đơn vị quay lại ngoặt theo suối dỡ hàng, giấu xe, hút hết xăng trong các xe đem giấu trong các hầm ở nơi khác đề phòng trúng xe, không bị lộ. Giao công việc cho các trung đội trưởng thực hiện ý định xong, anh trở lên trạm điều chỉnh giao thông gọi điện về binh trạm.

Tiếng bom át tiếng nói của anh, khiến binh trạm trưởng từ đầu dây bên kia không nghe rõ:

- Anh bảo răng? Nói lại nghe. Tui không hiểu gì cả!

Trường gằn lên và tách ra từng tiếng, cái giọng trầm và rè của anh càng rè thêm:

- Ở phía núi bên trái trước là dốc đứng, bây giờ vẹt đi rồi, tôi sẽ cho nó bom tiếp san đường giúp mình.

- Lý do!

- Mình sẽ tạo thêm một con đường ở bên ấy và phía bên phải yên trí lấp hố bom.

- Mần rứa liệu có được không? Tui nói chỗ đường phía phải đó. Nó đánh bom phía núi trái răng nó lại tha bên phải. Không khéo "cháy thành vạ lây" đó. Anh nói rõ nghe.

- Hai bên cách nhau năm trăm mét, nó bom bên này, bên kia vẫn làm an toàn. Tôi sẽ cho nó tập trung vào hết bên này. Như vậy mình có thể được hai đường cùng một lúc. Tôi xin trình bày cách làm của tôi...

Nghe xong, binh trạm trưởng có vẻ bằng lòng:

- Anh đợi tui nghĩ một chút nghe. Đợi một chút tui coi lại địa hình.

Trường nghe tiếng cây gậy gõ gõ trên bản đồ như tiếng gà mổ thóc. Lúc sau biết binh trạm trưởng vẫn cầm máy anh nói có phần rụt rè. Từ ngày anh biết binh trạm trưởng đã tin mình hơn, anh lại thấy cần thận trọng hơn, sự thận trọng có phần hơi rụt rè:

- Nhưng đấy là sự phát hiện của tôi, còn tuỳ các thủ trưởng quyết định.

- Anh Trường đâu. Ý anh táo bạo đó. Mần rứa là hay. Tui sẽ trao đổi với chính uỷ, chúng tui thay nhau nắm chỗ đó. Anh cho mần nghe. Đơn vị công binh mới bổ sung, đơn vị có cậu Thú đó, đã đến đấy chưa? Rồi à? Anh nói các đơn vị công binh gặp tui ngay. Anh cho tụi địch nó san núi bên trái xuống đi. Tui sẽ cho pháo hỗ trợ khi nào anh yêu cầu. Còn phía phải cho các đơn vị lấp hố bom. Ý anh được đó, cứ yên trí mần tới nghe.

Phải nói, những tên lái máy bay Mỹ khá tinh nhạy và điêu luyện. Chúng rập rình từ đâu, chỉ cần một chấm đỏ điếu thuốc lá là ập đến ngay tức khắc. Với chiếc bóng đèn pin hai von rưỡi, Trường có thể làm cho chúng bâu tới như nhặng và lập tức có bom tấn, bom tạ trút xuống rung chuyển cả rừng núi. Đánh một lần chưa kĩ, dăm phút sau đánh lại. Nhưng đối phương của chúng "vẫn di chuyển trên mặt đất, vẫn bám vào sườn núi mà đi". Còn đường phía núi bên phải quả đã tê liệt, đối phương đã nhanh chóng tạo ra con đường chênh vênh này. Tính đa nghi nhạy bén của chúng có căn cứ. "Đoàn xe" đối phương vẫn di chuyển và bom đạn vẫn bám theo.

Cứ như thế cho đến ba giờ bốn mươi lăm phút đối phương "tê liệt" hoàn toàn, không một "chiếc xe" nào vượt qua trọng điểm. Những tên lính canh trọng điểm đã có thể yên tâm trở về căn cứ. Sự yên tĩnh trở lại. Sự giàu sang của nước Mỹ được chứng tỏ rất hùng hồn: Sườn núi dài ba kilômét trong vòng một đêm đã san ra thành hình một con đường chỉ do bom ở trên trời quẳng xuống.

Cho đến năm giờ kém mười, chiếc máy húc từ ngầm Ông Thao đến, Trường lại hứng thú nhận lái. Binh trạm trưởng bằng lòng về việc làm của anh suốt đêm qua, nhưng đến việc lái máy húc ông ngăn:

- Cậu nghỉ. Còn nhiệm vụ đột xuất của đại đội trong đêm tới đó.

- Vâng, tôi chỉ lái một lúc thay cho anh em thôi thủ trưởng ạ.

- Răng phải thay?

- Họ có ba người, một hi sinh, một bị thương như thủ trưởng biết đấy. Đồng chí còn lại lái suốt bảy đêm rồi.

- Ủa, răng đại đội xe máy lại mần thế? Thôi được, tui đồng ý, nhưng cậu phải cẩn thận, hết sức thận trọng, không được ẩu nghe.

Không biết bao giờ binh trạm mới hết sợ thằng này ẩu. Nghĩ vậy, Trường tiếp:

- Thủ trưởng cứ yên tâm. Tôi có làm sao Vũ sẽ thay. Mọi công việc đã bàn giao cả rồi.

- Mần răng thì cậu cũng không được chủ quan nghe.

- Rõ!

Đã lâu lắm Trường mới lại sống trong tâm trạng trẻ trung, nhộn nhạo pha chút ngang tàng mà cái tuổi học sinh và những năm đầu cầm súng người ta bảo anh là thằng văng mạng, ít ai dám tin cậy gửi điều gì đứng đắn.



Đang lúc sảng khoái, thèm thuốc quá mà không tìm đâu ra một mẩu. Lần đâu trong túi được ít cặn chè từ bao giờ anh liền nhét vào nõ điếu, châm lửa hút đến thót bụng, rồi hai mắt cũng lim dim, nuốt khói ừng ực như người uống nước và ngồi thở.

Có tiếng hỏi như reo ngoài cửa:

- Anh Trường ở trong này hả?

Trường nhổm bật dậy vươn người ra phía cửa:

- Ai? À Thú. Đi đâu?

- Em sang đơn vị công binh mới thành lập, suốt đêm qua làm đường trọng điểm.

- Biết. Mình định hôm nay đi tìm cậu. Ai ngoài ý?

- À quên giới thiệu với anh, chị Ngà ở 3000 cũng chuyển về công binh. Chắc anh còn nhớ. Chí ấy cứ bắt em phải đi tìm anh, à tìm đơn vị xe xê ba đêm qua dừng lại đây có an toàn không?

Ai ngờ độ này Thú lại nói liến thoắng và bóng gió. Trường chỉ còn biết đỏ mặt, nép mình vào vách hầm để Thú và Ngà bước vào. Nhưng Ngà vẫn dựa lưng ở cửa hầm nhìn ra rừng. Thú tỏ ra là người chủ động trong cuộc gặp gỡ này:

- "Bê" em toàn người mới, "năm cha, ba mẹ", "tổng hợp bách hoá" đủ các thanh phần. Bình Nguyên cũng thuộc đại đội nhưng bê khác, vẫn ở trên đài Hồng Hà. Còn chị Ngà bây giờ là tiểu đội trưởng. Chúng em đến đây đột xuất để giữ đường cho các anh đêm nay đấy. Suốt đêm qua bao nhiêu đơn vị vẫn chưa ăn thua gì. Vừa rồi nó lại "toạ độ" nhưng không trúng. Hôm nay chúng em ở trong hang Gió. Không biết rồi sẽ giành giật với nó như thế nào đây. Mới quá! À, từ mấy hôm nay anh có nói chuyện với chính uỷ không? Không biết thủ trưởng ăn uống, ngủ nghê ra sao! Độ này cụ lại đang bị bệnh đường ruột. Nghĩ thương thủ trưởng quá. Nhưng người ta điều mình ra mặt đường chả nhẽ lại từ chối. Mới lại, thủ trưởng không muốn em làm công việc ấy mãi. Biết là phải xa thủ trưởng, em đã giao cho cậu mới hai khu nấm, bốn "nguồn" rau thủ trưởng thích. Còn măng thì lấy ở đâu, câu cá ở chỗ nào... Ối dà, cậu ấy nó còn vô tư lự, đểnh đoảng lắm không biết có được việc gì không? Lại chuyện em mới rắc rối chứ. Xuống đây em chỉ xin chức tiểu đội phó hoặc trung đội phó vì biết mình là cựu binh không ai người ta để làm chiến sĩ trong lúc này. Nhưng làm "trưởng" sợ lắm. Thế mà các ông ấy cứ bắt mình làm trung đội trưởng. Chi bộ thành nghị quyết hẳn hoi rồi có chết không?

- Cứ nói thế chứ đồng chí Thú lãnh đạo tháo vát, chững chạc lắm. Chỉ tội hơi nói ngọng "con gái" một chút thôi.

Ngà nói, vẫn không quay vào. Lúc này Thú mới dứt mạch những câu chuyện không đầu, không cuối của mình, quay ra tán:

- Vào đây đã chị Ngà. Lúc chưa gặp thì mong ước.

Ngà quay vào định phản đối cách ăn nói bỗ bã của Thú. Nhưng cậu ta đã liến láu tiếp, làm cho Ngà không bằng lòng mà vẫn phải tủm tỉm cười.

- Anh biết thế nào không? Tối qua các đơn vị bên phía đường chính sung sướng quá. Bom thằng Mỹ không sờ được đến lông chân. Ai cũng trầm trồ kinh ngạc. Không biết bằng cách tài tình nào bắt thằng địch về cả bên kia mới lạ chứ. Giữa lúc không ai hề biết tí gì, chị Ngà nói nhỏ với em: "Anh Trường xê ba làm nghi binh đấy! Sáng mai tôi với Thú đến chỗ anh Trường chơi đi". Ấy thế mà bây giờ lại cứ đứng ngoài kia.

Cả Trường và Ngà cùng đỏ mặt nhìn Thú rất nhanh và cái nhìn của hai người gặp nhau, phải vội vã quay đi. Nhưng Ngà chủ động hơn, chị nghiêm mặt lại như không có sự xáo động nào trong lòng mình:

- Đồng chí Thú tếu lắm. Xem công việc phối hợp với bên này như thế nào để còn về chứ.

- À vâng! Anh ạ. - Thú quay lại Trường: - Thủ trưởng binh trạm bảo bên này cần người phục vụ san nền đường, chúng em phải cử người sang.

- Không phải phía bên mình mà vẫn là bên các bạn. Các đồng chí máy húc mệt, mình thay thôi. Việc của công binh đấy chứ. Theo mình, các bạn cho người theo máy, san đến đâu, nguỵ trang đến đấy.

- Bằng gì?

- Cành cây khô, cứ vứt ngổn ngang ra là được.

- Ừ, đúng mầu trọng điểm. Còn máy?

- Mình lấy dù trắng trùm lên.

- Ồ! - Thú ngơ ngác. Trường vừa vét cặn chè trong túi vừa giải thích:

- Cậu không để ý dù đèn mắc loạn xạ trên cây, trên đá đấy à?

Thôi ta chuẩn bị đi nhỉ. Chỉ cần vài ba người đi làm nguỵ trang.

Thú chui ra khỏi hầm, phân công ngay:

- Chị Ngà ở đây, tôi về cho hai đồng chí nữa sang.

Nói xong không kịp để Ngà trả lời, Thú đã bỏ đi. Ngà thấy không cần phản đối.

Trường chui ra khỏi lán hầm. Anh đứng ngắm nhìn khung cảnh xung quanh qua lớp sương sớm mờ mịt. Cử chỉ đó cốt để giấu một sự lúng túng ban đầu hai người mới gặp lại nhau.

- Ta đi thôi chị Ngà nhỉ!

Nói xong câu ấy anh rảo bước lên trước. Ngà lặng lẽ theo sau. Khi chỉ còn nghe những bước chân của nhau, Trường cảm thấy khó bắt chuyện, nhất là nói chuyện với một cô gái Hà Nội.

Ngà cũng cảm thấy điều đó, cô đi hơi ngắn bước hơn, khoảng cách hai người giãn ra.

Hai người ra đến trọng điểm. Cây cỏ, đất đá đang hồi lại. Những thân cây cháy dở còn đỏ lửa trên đầu, vương lên những nấm khói như ai thắp hương vào buổi sáng. Những cây lim, cây gụ cháy đen ướt át sương đêm. Đất đá bửa ra ngổn ngang đọng những mảng sương vón lại từng cụm như bông, nó giống những vết thương đã được băng bó. Còn phía đồi cao, bên những thân cây chết trắng là màu xanh tươi của những đợt chuối lá, chuối hột. Dù đèn trắng muốt chăng khắp đó đây, nền trời trọng điểm trong xanh êm đềm, đó là giây phút thanh bình nhất của hàng mấy tháng nay.

Một vạt nắng trong trẻo từ đỉnh núi hắt chéo vào mặt Trường làm anh bỡ ngỡ vội quay mặt lại. Vừa lúc, anh bắt gặp Ngà đang chăm chú nhìn mình. Ngà vẫn nhìn, khiến anh phải hỏi một câu:

- Đồng chí Ngà vào chiến trường lâu chưa?

Ở cái tuổi này và nhất là sự từng trải của Ngà cho chị đủ sức trả lời những câu rất thân mật và thành thật:

- Mới được hơn một năm anh ạ.

- Ở Hà Nội chị ở phố nào?

- Phố Huế. Đã lần nào anh qua phố Huế chưa?

Trường chưa kịp trả lời, chúng nó lại "toạ độ" ở phía núi bên phải, gần hang Gió, chỗ đơn vị Thú và Ngà đang ở. Trường vội vã nhảy lên buồng lái nổ máy. Anh dặn lại:

- Nếu nó bám theo tôi, Ngà phải quay lại nhá.

Ngà kêu như ra lệnh:

- Đứng lại. Nguy hiểm lắm anh Trường!

Trường đã cho xe vọt lên tránh xa trục đường chính.

Bọn địch bổ nhào phía bên kia, bị pháo cao xạ chặn, nó vội vọt sang, cái thân bè ra của chiếc F4H là sát mặt đường. Ngà đứng im không hề nhúc nhích. Hai mắt cô căng nhìn theo chiếc xe dù trắng toát, lù lù đi lên đoạn đường tránh. Không còn cách nào để Ngà chạy đến, nhảy lên buồng lái ẩy chúi anh chàng liều lĩnh ấy xuống nữa. May thay, không thấy nó bay vòng lại. Liều thật. Nghĩ thế, cô lại thấy xấu hổ về sự hốt hoảng của mình. Ngà đứng lại chờ. Mãi không thấy Trường quay lại. Cô chạy dấn lên. Máy vẫn đang nổ. Cô gọi:

- Bắt đầu nguỵ trang từ đâu?

- Bắt đầu từ nơi có đường.

Kể cũng thông minh. Nhưng mình lại chưa hiểu bắt đầu từ chỗ nào. Đã định cứ làm theo ý mình. "Bắt anh ta phải nhảy xuống hướng dẫn". Nghĩ thế, cô vẫn hỏi lại:

- Đường chạy vào đây phải không?

- Đồng chí định cho anh em lái xe xuống vực à?

Lúc này Ngà mới để ý trước mũi xe là thung lũng. Anh ấy lái vào đây để tránh thôi. Cô ngượng. Ông tướng này hóm hỉnh chứ không đến nỗi cục cằn, xô bồ như dáng người và lời nói qua máy điện thoại. Mà cũng chưa biết đâu. Nhất là bọn con trai, cái vỏ bề ngoài của họ dày lắm.

Bỗng nhiên Ngà cắn vào vành môi dưới, mắt nhìn như nhoà đi và kìm hãm một hơi thở dài khỏi buột ra.


3
Từ lúc Trường trao lại cần lái cho người chiến sĩ lái máy húc đến giờ là mười sáu đợt bom rồi. Mười sáu đợt bom dồn cả về phía núi bên phải, phía ấy đường "bánh rán" chạy qua hang Gió, trung đội của Thú và những đơn vị công binh khác đang giành giật với địch từng mét đường. Liệu từ giờ đến tối có giữ được không? Mỗi đợt bom rền, Trường lại trèo lên cây nhìn về phía trọng điểm, nhìn vùng khói mù mịt cuồn cuộn đùn lên mù mịt, anh phấp phỏng tìm những bóng người nơi ấy. Kia rồi! Khói chưa tan hết, họ đã chạy ra, từ hang Gió chạy ra. Những đám người nhập nhoạng chạy tung tăng như một đám lốc, một lúc sau lại cuốn vào hang và khói bộc phá bùng lên. Dứt tiếng nổ, đám người toả từ hang ra bâu bên những hố bom. Mười lăm phút sau khối người trông nhí nhoá ấy như một cái dây rút gấp vào hang. Và, bom lại nổ. Lại thấy họ toá ra. Cứ như thế, như một trò chơi ú tim.

Trường tụt xuống gốc cây, vẫn đứng trông về con đường sẽ cho anh đi thông suốt trong đêm nay. Liệu có được không?

Đến buổi trưa anh đi xem lại từng chiếc xe, từng nơi giấu hàng, giấu xăng. Xong xuôi, anh gọi các trung đội trưởng giao mệnh lệnh:

- Nếu đêm nay thông đường, tất cả cán bộ đại đội, trung đội đều cầm lái, mỗi người một xe, không có phụ.

- Tại sao lại thế?

Ba bốn người cùng hỏi một câu ấy. Lúc này Trường mới nhớ ra, anh vẫn đang mải nghĩ đến những đợt bom bụi mù phía đường "bánh rán" và chợt nghĩ là mình phải làm gì, anh liền gọi các cán bộ lại, phổ biến một mệnh lệnh mà chưa kịp giải thích cho họ.

- Địch giam mình ở đây. Tôi định ta bổ sung người cho công binh. Còn ai hỏi gì nữa không?

Như thế là hiểu cả rồi, đầy đủ rồi. Tất cả đều im lặng. Chỉ nghe những hơi thở dài và chậm của họ là Trường biết mọi người đều lắng nghe, đều phấp phỏng đến những người bạn công binh đang đương đầu quần nhau với địch trên trọng điểm. Nhưng sự sốt sắng của họ không được binh trạm chấp nhận. Đã có một lực lượng công binh đang được chi viện đến giữ đường "bánh rán". Lực lượng lái xe vẫn phải tập trung sẵn sàng xuất kích.

Vẫn đành là thế! Nhiệm vụ chủ yếu vẫn là cho hàng, cho xe tới đích và mình không được phép đi đâu trong lúc này. Đành thế, vẫn có một cái gì đó không yên lòng, không thể ngồi chờ. Suốt hai giờ đồng hồ mọi người ngủ để "lấy sức" Trường vẫn đi đi, lại lại ở lề rừng. Anh rất muốn chạy sang phía đường mù mịt ấy để xem xét con đường, xem xét cách làm ăn của Thú. Nó còn mới mẻ thế, không hiểu sẽ làm ăn ra sao? Liệu nó có việc gì không? Cả cô Ngà nữa. Không ngờ cô gái trông vừa phúc hậu vừa thông minh ấy lại trải qua bao nhiêu nỗi đau phải nén chịu, phải đè dìm xuống.

Buổi gặp sáng nay đã làm cho Trường thấy quý mến sự thuần thục trong cách sống mà nhìn bề ngoài từ nụ cười, nước da tưởng mới mười tám, đôi mươi. Và lạ thay, đứng trước cô ta, cứ có cảm giác mình còn nông nổi hơn, non nớt và mềm yếu hơn nhiều. Dù rằng khi ấy mình vẫn cố chứng tỏ mình là thằng con trai đã hơn cô ta gần chục tuổi và từng sống với bom đạn hàng chục năm, nhưng càng tỏ ra, càng vụng về, đần dại.

Đây là lần thứ hai Trường bắt gặp một người con gái trong chốc lát, chứng kiến một cử chỉ, một lời nói trong chốc lát đã làm anh bồi hồi, ngơ ngẩn thấy mình trở nên vô vị và như có ngọn lửa đốt lên trong người làm mình khô háo, nôn nao dâng lên một ước vọng khao khát, rằng mình phải sống cho tốt đẹp hơn, làm việc cho nghiêm chỉnh và có ý nghĩa hơn, tựa hồ như suốt cả đời đến phút ấy mới giật mình nhận ra một ý nghĩ mới mẻ về phẩm giá con người.

Lần trước, cũng vào độ mùa mưa. Những năm đi chở hàng cho "ông chủ" không hề gặp một người con gái. Suốt bốn năm trời chỉ có rừng thăm thẳm và núi, chỉ có cây và đá, ăn trên đá, ngủ trên cây. Vào một buổi chiều, rừng đã xâm xẩm, trung đội vừa dọn cơm, đột nhiên nghe loáng thoáng một tiếng kêu: "Có bóng quần đen đi qua, anh em ơi, có một bóng quần đen!". Không ai bảo ai, tất cả đều lia đũa bát ào ào chạy đi. Người kêu đó cũng đang theo hút, khi nghe hàng chục tiếng kêu: "Đâu, đâu! Đâu rồi!" anh ta vừa chạy vừa đáp vẳng lại: "Đây, đây!". Những người phía sau lại kêu: "Có thật không? Đừng đánh lừa chúng tôi! Đừng bỏ chúng tôi... ôi... ô...".

Cứ chạy trên đá, trên gai, cứ lội qua suối, leo ào lên núi. Bất kể có đường hay không có đường cứ chiếu theo tiếng kêu phía trước mà vượt. Hàng mấy chục con người chạy trong rừng suốt ba giờ đồng hồ mới gặp cô gái đang ngồi run lập cập trong gian nhà thùng của trạm điều chỉnh giao thông. Thấy mọi người ùa đến mỗi lúc một chật chội, đồng chí cán bộ dẫn cô đó vội vàng ngồi dậy: "Thưa các đồng chí, đây là đồng chí diễn viên hát của chúng tôi, mới ở hậu phương vào thật, nhưng đồng chí ấy đang lên cơn sốt, lúc này là bốn mốt độ, không thể hát phục vụ các đồng chí, mong các đồng chí hết sức thông cảm!". Tất cả đứng lặng đi. Đứng lặng mãi rồi ai cũng lo không được đứng lại đây chút nữa. Lúc bấy giờ cậu Tiên "em gái út" len lên nói với đồng chí đó: "Thủ trưởng ơi, chúng em không dám yêu cầu chị ấy hát đâu. Thủ trưởng cho chúng em đứng đây, em nhìn chị ấy một lúc, nhìn một lúc nữa để đỡ nhớ mẹ, nhớ chị em ở nhà". Tất cả lặng đi nhìn Tiên. Đồng chí đoàn trưởng nhìn Tiên rơm rớm nước mắt. Rồi đột nhiên cô gái vụt dậy hát tặng Tiên và mọi người. Khuôn mặt đang tái, đỏ dậy lên, cô hát nghe ngọt quá, đầm ấm quá, thương yêu quá và không biết thế nào tất cả đều khóc, cô gái đang hát cũng khóc. Khóc vì tình người mênh mông quá, gần nhau quá. Nghe cô hát, Trường lại dội lên nỗi nhớ Lý da diết. Lý cũng hay hát bài "Tiễn anh lên đường". Tốp nữ sinh hát, vịn vào tay nhau du người qua lại làm điệu bộ. Những ngày sắp lên đường nhập ngũ, Trường hát bài đó và bắt chước dáng điệu của các cô làm cho Lý cứ gục đầu dụi dụi vào vai anh còn hai tay thì đấm lấy đấm để. Trường phải nhăn nhó kêu "xin chừa" cô mới thôi.

Lúc ra về không ai bảo ai, người nào cũng để lại vật kỉ niệm quý giá nhất của mình. Nửa đêm lội suối, luồn rừng về đến nhà, trung đội trưởng bắt cả đội phải thức suốt đêm để viết kiểm điểm. May sao lúc ấy chính trị viên nhận được điện của trạm yêu cầu cho người ra nhận lại những vật kỉ niệm anh em đơn vị tặng văn công. Xuống trung đội nghe anh em kể đầu đuôi xong, đồng chí tập hợp cả trung đội lại phê bình về ý thức tổ chức kỷ luật kém, lần sau tuyệt đối không được tự động như thế. Nhưng đồng chí cũng giải thích cho trung đội trưởng không bắt anh em phải làm kiểm điểm. Khi mọi người nhận ra khuyết điểm của mình, đồng chí mới nói: "Những biểu hiện tình cảm của chúng ta là rất chính đáng. Vì bốn năm trời ở đây, mỗi đồng chí đều hiểu rõ vì sao chúng ta phải nén chịu, phải hi sinh những tình cảm thiêng liêng nhất của mình. Chúng ta đã dám hi sinh, dám chịu đựng dai dẳng trong một hoàn cảnh hết sức gian khổ, ác liệt để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc thì sự khao khát tình cảm là tất nhiên. Điều chủ yếu, chúng ta đều tự giác vượt qua, đều sẵn sàng chịu đựng, đều tiếp tục hi sinh. Có phải các đồng chí đều nhất trí thế không? Thôi vỗ tay nho nhỏ xuống. Và, bây giờ thì các đồng chí đi ngủ để sáng mai bước vào nhiệm vụ mới!".

Thế rồi những ngày sau nhảy lên buồng lái, anh nào cũng chạy trên bom, chạy như gió đưa hàng vào mặt trận. Những ngày ấy Trường cứ bần thần hàng tuần lễ vì nuối tiếc khi sống bên mẹ, bên chị gái và người yêu đã không kính trọng, yêu thương hết lòng mình. Và thế là lương tâm con người thôi thúc cấp bách một lối sống, lối suy nghĩ, một sức gắng vượt dấn lên đền bù lại những ngày tháng sống phung phí đã qua.

Suốt ba năm qua, Trường còn nhớ rành rõ một kỉ niệm nhỏ nhặt lần ấy.

Cho đến sáng nay khi anh trao lại máy cho đồng chí công binh, Ngà cũng được lệnh để lại việc nguỵ trang cho hai chiến sĩ mới đến. Cô trở về hang Gió cùng trung đội. Trên đường về khi hỏi quan hệ giữa cô và Thú, cô lại kể những chuyện riêng của mình cho anh nghe.

Trường gạt đi:

- Thôi kể làm gì.

- Anh không thích nghe à?

- Nhưng buồn lắm, tôi sợ.

Quả nhiên, gợi đến chuyện đó Trường buồn thực sự. Mặt anh hơi nặng nề, hai mắt kéo sụp xuống, anh vốn là người không thể che giấu được lòng mình.

Ngà hỏi:

- Xin lỗi, tôi đã làm phiền anh.

- Không phải thế đâu. Tôi sợ Ngà phải buồn thêm.

- Không, tôi hoàn toàn thoải mái. Hoàn cảnh của tôi hồi ấy đã như thế, trước sau sẽ cũng là kết quả ấy. Tôi cho là chỉ khi nào người ta lẩn tránh, giấu giếm một cái gì đó, mới là lúc người ta rất kinh sợ, hãi hùng nó vì thế người ta phải sống trong dằn vặt đau khổ. Khi nào đã dám nhìn thẳng vào nó, gọi ra nó một cách minh bạch đấy là lúc người ta đã xem thường nó, vượt lên trên nó. Xin hỏi anh một điều khiếm nhã thế này nhá: Anh đã bao giờ nói dối chưa? Có rồi à? Không kể là nói dối kẻ thù. Tôi nói những trường hợp nói dối bạn bè, nói dối người thân cơ. Ừ, hẳn trong đời anh cũng có một vài lần rồi.

Trường ngẩng nhìn lướt qua khuôn mặt rất xinh và duyên dáng đang tủm tỉm cười hóm hỉnh và tự gật đầu thú vị bất kể Trường có chấp nhận sự khẳng định ấy không.

Ngà vờ không để ý đến cái nhìn "phản ứng" của anh, cô tiếp:

- Anh Trường đừng tự ái nhé. Ai cũng thế thôi. Chẳng hạn hồi nhỏ anh đánh vỡ bát, mẹ đi chợ về hỏi, anh nói là gà nhảy vỡ. Tại sao lại thế? Vì anh sợ quá mới nói dối phải không? Sợ chứ. Nếu không sợ đã nói thẳng. Khi người ta có nỗi đau buồn, mất mát cứ phải giấu giếm chính là người không có nghị lực. Và như thế thì làm sao? - Tự nhiên cô phá lên cười. Trường cũng cười nhưng cái cười chỉ có một nửa, còn nửa đang phân vân trong một ý nghĩ. "Tôi xin chịu cô rồi đấy!". Anh giục:

- Chị cứ nói tiếp đi.

- Tôi xin nói thẳng một điều này. Cho đến hôm nay tôi mới thấy quý sự chân thành, rất thật và thẳng của anh.

Trường hơi cúi, ngượng như một cô gái được khen.

Ngà tiếp:

- Vì thế tôi mới nói chuyện cho vui. Anh đừng nghĩ là con này hay "bốc" xuông nhé.

Trường lắc đầu thành thật khi anh nhìn thẳng vào mắt cô:

- Không.


Cô hơi đỏ mặt vì cái nhìn mạnh bạo của Trường. Nhưng lại thản nhiên tiếp:

- Ngay việc tôi vào chiến trường, ở cái "túi" bom và nói anh tha lỗi: con gái chúng tôi ở trên đỉnh núi phải xách nước leo một trăm ba mươi bảy bậc thì mọi thứ sinh hoạt khổ lắm chứ! Trước hoàn cảnh ấy bạn bè tôi, cả cha mẹ tôi cho là tôi chạy trốn nỗi đau khổ của mình. Có người lại cho là tôi tự đầy đoạ ở nơi ác liệt, khổ hạnh đến cùng cực để nó xoa dịu, đè lấp lên nỗi đau luôn luôn cứa vào lòng mình. Nhưng hoàn toàn không phải thế. Tôi nói anh có tin không?

- Tin, tin lắm.

- Mới gặp nhau đã có gì để anh tin được?

Trường bị hỏi đột ngột, nhưng anh vẫn thản nhiên:

- Tôi nghe người ta nói:

- Ai thế?

- Bình Nguyên và Vũ, cả cậu Thú nữa.

- Sao anh tin dễ thế. Anh sẽ tin chuyện đó được bao lâu khi chỉ nghe các cô, các cậu ấy nói.

- Tôi cũng có nhận xét của tôi nữa chứ.

- Anh nhận xét như thế nào?

Khiếp thật. Đã thế, cũng phải làm già lên để cô ta khỏi át mình đi:

- Không thể nói những nhận xét rành mạch được. Cũng giống như khi người ta yêu nhau, không thể ai nói rằng: tôi yêu anh hoặc tôi yêu cô vì một là, hai là, điểm này được, điểm kia cần phải nghiên cứu bổ sung vân vân. Như thế thì...

Ngà cười phá lên:

- Thế kể ra anh cũng láu cá đấy. Xin lỗi, tôi hơi khiếm nhã.

- Không sao. Nhưng mới gặp nhau vài lần đã khẳng định thế liệu có vội không?

- Thế anh quyết định nguỵ trang cho máy húc bằng dù trắng cho lẫn với dù đen, không là thông minh và láu cá à?

- Nhưng...

- Nhưng anh còn khiêm tốn. Khiêm tốn chính là một lối đe thiên hạ đấy. "Rồi mọi người sẽ biết tay ta".

- Thôi đừng nói chuyện đó nữa. Chị kể cho tôi nghe chuyện của chị đi nào.

- À, có phải anh nghĩ rằng "con này cũng ghê gớm đấy" nên cứ phải gọi tôi bằng chị, mặc dù theo tôi biết "chị ấy" còn đáng tuổi chị tôi.

Trường hơi đỏ mặt bẽn lẽn. Ngà biết mình hơi quá đà, cô cười xí xoá:

- Đùa thế cho vui. Chỉ có điều anh đừng cho tôi là đứa sành sỏi gì mà phải kiêng nể, dè dặt.

- Được rồi. Tại sao Ngà lại không thích chơi nhạc nữa. Có thể chuyển sang một đoàn khác kia mà.

- Được lắm chứ. Có thể ngồi ở một dàn nhạc khác hoặc chuyển sang một công việc khác mà ngay ở đấy làm lại cuộc đời mình và hạnh phúc sẽ được trả lại. Nhưng tôi không muốn tạo ra một vũng nước trong ngay cạnh dòng nước đục đã té tát lên mình. Làm thế như một sự "trả thù", một sự thách đố, trêu ngươi, phải không anh. Tôi muốn từ một tình cảm, một cuộc sống rối rắm, u buồn với riêng mình ấy tự mình đánh giá lại, tự mình định đoạt lấy. Thực ra, cậu mợ và các anh thương tôi hết mức. Nhưng nghĩ cho cùng, bố mẹ, anh chị có tấm lòng thương yêu đến vô cùng chăng nữa cũng không thể ôm trọn cuộc đời của mình. Anh biết thế nào không? Khi tôi chuẩn bị ra đi, cả cậu mợ tôi đều nhịn ăn ba ngày liền, nằm ủ rũ như người lâm bệnh nặng. Anh trai tôi cứ nhìn tôi trân trân, cho đến lúc tôi lên xe vẫn không nói được câu nào. Còn các bạn tôi cứ giãy lên đành đạch, có đứa cho là tôi quẫn trí làm liều cơ mà. Nhưng ai cũng biết tính tôi từ bé, đã định làm gì khó ai thay đổi. Trong chuyến này, tôi chỉ luôn luôn kiểm tra xem mình có "bốc đồng", có mù quáng hoặc liều lĩnh không? Khi đã xác định được mình suy nghĩ thế là chín chắn, không có lo gì cả. Quyết tâm đến như thế, vẫn có những lúc nhớ mẹ, nhớ Thủ đô ngồi khóc vụng anh ạ. Có hôm buồn quá cũng khóc. Lấy được suất cơm, lên đến gần đỉnh ngã đổ hết cũng ngồi khóc. Người ta xin liên lạc, đường dây bận, người ta quát, mình không cãi lại được cũng khóc.

Trường tủm tỉm cười bẽn lẽn. Ngà nhận ra điều đó, cô cười và nói to lên:

- Nhưng khóc vụng thôi không có lại "lây" sang cô Bình Nguyên ngay lập tức. Tôi như một cái cớ để cô bé ấy buồn, vui anh ạ. Nếu mình không nén lại và cố lên thì còn ra thế nào nữa. Thôi đến lối rẽ rồi. Nhân lúc yên lặng này em về đây. Tạm biệt anh Trường!

Lần đầu tiên cô ta xưng em và rảo bước rẽ về hang Gió.

*

* *


Bây giờ bom vẫn trùm xuống cửa hang. Chao ơi, những người con gái như thế làm sao đất đá, bom đạn có thể vùi lấp được.

Ruột gan anh nhói lên từng chập, và đi tha thẩn nhìn về phía trọng điểm hang Gió.



Каталог: UserFiles -> RadEditor
UserFiles -> PHƯƠng pháp viết nghiên cứu khoa họC Ứng dụng sư phạM
UserFiles -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFiles -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFiles -> BỘ XÂy dựNG
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFiles -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFiles -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
UserFiles -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
RadEditor -> BẢn thảO ĐẦu tiêN (để bổ sung/góp ý) thông tin đÓng góp về XÃ HỘi dân sự TẦm nhìn asean 2025

tải về 2.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương