22  leâ LÖÏu tieåu thuyeát  23



tải về 2.23 Mb.
trang15/22
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2016
Kích2.23 Mb.
#32030
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   22

3
Nhưng ngay chiều hôm đó trước khi ra mặt đường, Vũ cứ ngẩn ngơ đã bỏ lỡ một cơ hội có thể giúp bạn. Lúc ấy anh đang ở cạnh suối hì hụi tháo các bộ phận của ống "thu thanh", một cậu chiến sĩ mới ở trung đội chạy đến báo tin:

- Hồi nãy có cô tìm anh Thú ở ngoài đường anh ạ.

- Ai?

- Cô Thanh Mơ ở thanh niên xung phong.



- Cô Mơ à? Người thế nào?

- Bụ bẫm, trông cũng "tà tà".

- Thế đầu đuôi ra sao, cậu lại không gọi tớ ngay!

- Thì em đang vác xẻng đi đào sâm thấy cô ta hỏi: "Đồng hương" ơi, "đồng hương" ở đơn vị nào?" - "Công binh đây "đồng hương" ạ!" - "Đơn vị "đồng hương" có ai tên là Thú không?" - "Thú ở Hải Dương chứ gì?" - "Đúng rồi, "đồng hương" biết à? "Đồng hương" chỉ cho em đi" - "Thế "đồng hương" với anh Thú là thế nào?" - "Đồng hương" muốn cho là thế nào cũng được". Lúc bấy giờ nhìn cô ấy em phải nói thật "Đây không phải đơn vị anh Thú, chỉ thỉnh thoảng nghe các anh ở đây nói, tôi không biết anh ấy ở đâu. "Đồng hương" đứng đây chờ, tôi đi tìm bạn anh ấy cho". Cô ta lặng người đứng chờ. Em đi gọi mãi chả thấy anh đâu. Anh Trường cũng đi đằng nào.

Vũ bỏ hẳn công việc đứng dậy.

- Cậu chán bỏ mẹ! Ít nhất cũng phải gọi tớ. Quanh quẩn đây chứ đi đâu. Cô ấy có nhắn gì không?

- Ối giời, trông mặt em non choẹt thế này làm sao cô ta có thể tin là mình đứng đắn.

- Cô ta đi lâu chưa?

- Độ nửa tiếng rồi.

- Hướng nào?

- Phía ngã ba Thùng Phuy.

- Thế thì biết đường nào mà lần. Thôi được, cậu thu dọn hộ mình.

Vũ bỏ các thứ, vơ quần áo trên dây mặc rồi chạy đi. Hơn một giờ sau không thấy tăm hơi gì, anh đành quay lại để kịp giờ xuất kích. Ngồi trong buồng lái chờ các bê đi trước, anh viết sẵn một lá thư kể chuyện đó, khi qua trọng điểm chữ V. ném cho Thú. Mặc dù đã ba lần viết vào thư câu: "Tiếc quá" mà, suốt dọc đường anh vẫn "tiếc quá". Cậu ta chán bỏ mẹ. Đã yêu cứ nói thẳng thừng ra, việc gì phải úp mở, bóng gió, đến cái địa chỉ cũng không báo cho người ta! Giận rồi lại thấy thương, càng nghĩ Vũ càng thương nó thực sự. Tính nó vẫn trịnh trọng, rụt rè, "hâm" như thế. Đúng là con bé đã yêu nó thật rồi. Không phải người yêu, đến bà con họ mạc nó cũng không cuống quýt đi tìm như thế. Cậu ta lại nói người cùng hợp tác thôi, bạn bè với nhau thôi. Làm quái gì có tình bạn thân thiết giữa đứa con gái chưa chồng và thằng con trai chưa vợ, nếu đấy không phải một mối tình nhen chớm thầm kín. Cô ta còn bảo "muốn cho là thế nào cũng được". Con gái khôn lắm. Họ đùa bỡn bao giờ cũng tính toán thiết thực chứ chả vô tình, tông tênh như thằng con trai đâu. Được, chúng mày cứ yêu nhau đi. Yêu, vui đáo để. Cần gì tao xin hết lòng, hết sức, hết hơi cho hạnh phúc của chúng mày. Nhưng phải khai thật hết với tao nghe chưa? Vũ mỉm cười thú vị, vuốt nhẹ nhàng trên vòng lái. Bao giờ thì thầm với riêng mình có điều gì khoái trá anh đều lướt hai bàn tay vuốt nhẹ những vòng lái như thế.

Bắt đầu vào trọng điểm chữ V. Từ đây, cứ cách mươi mét lại có hai chiến sĩ nấp trong hầm "hộ tống" sẵn sàng lao ra sau tiếng bom nổ. Nếu yên ắng, họ nói mấy câu vắn tắt cho xe đầu tiên của đội hình về những thay đổi ở mặt đường so với đêm trước. Nghe tiếng họ, người lái xe thấy ấm áp hẳn lên. Một tiếng còi "choét" chắn xe Vũ lại:

- B1 hả? Nó vừa đánh cách mười phút. Đường thông. Qua ngầm chú ý bám phải, lên máy 15 anh gặp máy 21.

- Có việc gì đấy biết không?

- Không rõ.

- Thú đâu?

- Ở đường B.

Vũ định gửi lá thư cho Thú, chẳng biết nhét vào đâu không tìm thấy. Nghe tiếng xe sau anh vội vàng nói xuống sườn đường:

- Lên đây nhờ cái này.

Chiến sĩ công binh nhảy tót lên mét bia, bám nghiêng vào cửa lái.

- Sao nay Thú lại sang đấy?

- Nhân tiện có người về đội điều trị, anh ấy gửi cho chị Ngà các thứ.

- Chị ấy thế nào rồi?

- Vẫn sốt cao. Chiều qua tỉnh ra, ăn được mấy thìa cháo. Chị ấy nhắn về cảm ơn anh Trường đã giặt áo và gửi đến cho chị ấy.

- Nói lại với anh Trường chưa?

- Lúc anh ấy đi qua, nó đang "bổ nhào" không kịp nói.

- Có ai lên, bảo anh Trường và Vũ nó hỏi thăm chị nhá.

- Anh Trường sắp về "tổ chức" chưa anh?

- Cũng sắp sửa. Cậu nói với Thú là có cô Thanh Mơ ở "sẵn sàng" tìm suốt chiều nay, không gặp ai, lại đi rồi.

- Tức là cô Mờ chứ gì?

- Cậu cũng biết à?

- Thấy đơn vị "xung phong" nào qua đây anh ấy cũng hỏi thăm. Giời ơi, biết tin này chắc anh Thú lại tiếc lắm đấy.

Và cũng giống như Vũ, khi cậu ta rời thành xe nhảy xuống đất vẫn lẩm bẩm tiếc rẻ.

Thực ra, Thú vẫn giấu mọi người chuyện anh với Thanh Mơ. Từ ngày vớt được lá thư gửi cho cô đến giờ anh cứ phấp phỏng mong. Cũng từ buổi ấy trong lòng anh thấy hao háo khi nghĩ đến cô bé xóm gốc đa. Cô ta học cùng lớp, ngồi ở bàn đầu. Thú ngồi bàn dưới cùng. Mỗi lần lên bảng Thú không dám nhìn vào bàn ấy vì cái mồm "dẻo kẹo" của cô ta sẵn sàng cười châm chọc: "Con giai gì mà dát như cáy, lên bảng, thày chưa hỏi đã run!". Có hôm không thuộc bài, cô ta nhắc, Thú không thèm nghe, cứ đứng im nhận điểm một. Hơn hai năm học cấp hai chưa bao giờ Thú nói chuyện với cô bé ấy. Khi Thú phải bỏ dở lớp bảy vì gia đình neo bấn quá, cô ta gặp Thú: "Chúng tôi rất thương hoàn cảnh nhà bạn. Hay là bạn nghỉ một thời gian chúng tôi chép bài hộ và đến học chung. Ngày chủ nhật cần làm gì chúng tôi giúp. Bạn học khá, không sợ đâu". Thú thấy cô ta tốt bụng thành thật chứ không cười giễu như mọi khi. Nhưng Thú chỉ im lặng. Chưa nói được gì đã có mấy đứa bạn sắp đi qua. Hai người chia tay. Dù mẹ anh có định đặt trầu thì hai người cũng mới chỉ có thế. Cho đến bây giờ nhiều khi anh thấy người nôn nao nỗi mong nhớ. Những buổi chiều đi kiếm rau trong rừng nhìn mặt trời xuống lấp ló ngang đỉnh núi, những tia nắng nhuộm vàng một vùng đồi cháy khô, lác đác mầm chuối xanh trồi lên, những nhánh phong lan đai châu, hoàng điệp và những con suối sáng lấp loáng từng vũng nắng, lòng anh bâng khuâng. Suốt mấy tháng mùa mưa đi với chính uỷ đến đơn vị nào là thanh niên xung phong anh cũng dò hỏi. Khốn nỗi cái địa chỉ mập mờ anh nhớ làm sao, ai có thể giúp anh tìm ra manh mối. Nửa tháng nay sang công binh trọng điểm, có đơn vị nào đi qua anh cũng lần hỏi xem có cô Thanh Mơ tức Mờ lớp 7A của anh không? Vẫn chưa tìm đâu cho thấy.

Còn cô bé có đôi mắt hay cười ấy không phải đến lúc nhận được thư mới nhớ đến anh. Hôm lên đường đi hoả tuyến đã hai lần cô sang xóm Đông. Cả hai lần vào đến ngõ trông thấy thấp thoáng dáng đi nhanh nhẹn của mẹ anh, cô lại quay ra với một câu hỏi: "Ngộ các bác ấy biên thư cho con nói là cái Mờ đi "xung phong" đã sang đây lấy địa chỉ của mày đấy". Nếu như thế thì thật xấu hổ cho mình. Nhưng rồi chuyện đó cũng quên đi. Đã có chút gì gọi là kỉ niệm, là đáng ghi nhớ đâu mà chả quên. Rồi đột nhiên lá thư cô nhận được có thêm chữ anh ấy. Sao tình cờ kì lạ làm cho cô phải nghĩ, rồi nhớ, phải mong, rồi tìm gặp. Có đêm ngồi nhớ nhà, nhớ người làng và những bạn bè cùng đi học, cùng làm hợp tác, cô ngồi nhìn trăng rơi lổ đổ và nghe suối chảy suốt đêm. Sau những ngày ấy cô thấy mình hay quên lãng và tính nết trở nên thất thường: Thoắt vui, thoắt buồn, thoắt bực dọc vô cớ. Có lúc cô lại nghĩ đến những chuyện rất mơ hồ xa vời và tự nhiên thấy ngượng, thấy rất sợ nếu điều mình đang nghĩ đó, lại trở thành sự thật. Có những đêm không ra mặt đường, nằm thổn thức những điều tưởng đến đốt cháy lòng mình, sáng ra lại thấy nó vô lý, thấy mình thật vớ vẩn, vô duyên. Rốt cuộc, với sức lực của mình, những ngày qua cô không đủ để gạt bỏ được hình ảnh một con người rất ngoan nết, hiền lành và tốt bụng, trông hơi đần nhưng rất tháo vát, tần tảo gánh vác việc nhà và lo toan cho bạn bè. Và hay dỗi vặt. Tất cả hình ảnh ấy những ngày qua cô không thể gạt ra khỏi nỗi băn khoăn về tương lai của riêng mình được.

Suốt bốn tháng nay cô đã đi hết bao nhiêu khu rừng! Đến đâu, cảm giác đầu tiên của cô là phải lắng lại để bất chợt nhận ra mùi thoang thoảng của hoa dạ hương. Và, khi nhận ra nó, cô bỏ hết mọi cuộc chơi tiến lên(1), chơi cờ ca-rô để đi lần tìm đơn vị công binh và hỏi "đồng hương" tức là Thú ở Hải Dương.

Bao nhiêu khu rừng ngào ngạt hoa dạ hương đều không thấy "đồng hương". Bao nhiêu con đường đã mở, bao nhiêu trọng điểm đã qua, bao nhiêu đơn vị công binh đã gặp, vẫn bặt tin anh.

Anh vô tình hay cố ý mà không ghi cho em được mấy con số của hòm thư. Ôi những con số khô khan, bây giờ lại thấy khao khát nó, nó thiêng liêng đến thế. Có lẽ nào không gặp được anh ở chiến trường này ư? Không, mùa khô này còn mở nhiều đường trục, đường tránh, đi suốt cả dãy Trường Sơn này có lẽ nào lại không gặp nhau?




4
Vũ để xe ở lại trạm trung tu, đi bộ qua ngọn núi Cao Sơn mất một giờ đến binh trạm bộ. Công việc của anh là nhân việc đi sửa xe và "tranh thủ đến an ủi chú ấy" như lời chính uỷ dặn. Nhưng binh trạm trưởng bận túi bụi trong các cuộc họp đảng uỷ, các hội nghị tổng kết mùa mưa, triển khai chiến dịch mùa khô. Mãi nửa đêm mới về ngồi một mình, ông lại cắm xuống mặt bàn đọc từng tràng dài những bản báo cáo, bản kế hoạch chi chít con số, tấn, tạ, cung, chuyến, kilômét, đầu xe, rồi những chỉ thị, mệnh lệnh, những hồi chuông điện thoại đổ liên miên, dồn dập. Có người đi bảy ngày đường về binh trạm họp hai giờ đồng hồ rồi khoác nguyên túi vải nhựa đựng chăn màn, quần áo chưa kịp giở ra, trở về. Cũng chưa kịp "than vãn" với binh trạm trưởng vài lời cho "hả" nỗi vất vả suốt mùa mưa vừa qua. Phải nhanh chóng trở về cho đơn vị lên đường, phải thông cảm với sự bận rộn, tất bật của binh trạm trưởng. Vì lúc ấy, ở ngoài trạm giao liên đã nghìn nghịt các đơn vị bộ binh hành quân, những cây con ngã dập ngổn ngang dưới mặt đất ứa bùn. Rồi im lìm ở sâu trong những cánh rừng cạnh đường tránh là tăng, pháo mặt đất, pháo phòng không, có đoàn mới đến, có đoàn đã nằm chờ từ hàng năm trước. Những khung cảnh đó hiện cả lên nét mặt háo hức trước hàng đống công việc của các thủ trưởng binh trạm và vẻ quan trọng hối hả của các trợ lý cơ quan. Sự khẩn trương dồn dập là dấu hiệu của mùa khô đầy những dự định lớn lao, mặc dù phần lớn các ngầm nước vẫn trên một mét, xe ba cầu phải tháo đầy cô-roa và địch vẫn bám riết các cung đường. Nhưng rừng như thế, núi như thế, những cung đường chằng chéo như thế, bọn địch đã ngửi thấy sự bất lực, đánh đấm ít ngày nay xem ra có vẻ nản, rời rạc hơn.

Để binh trạm trưởng khỏi phải ái ngại, không "tiếp" mình; hai ngày ở binh trạm bộ, Vũ vác bộ Vỡ bờ(1) anh vừa mượn được sang lán quân y nằm đọc. Chỉ có một buổi trưa anh ngồi nói chuyện với ông được chừng hai mươi phút rồi ông lại phải đi họp. Vũ cũng đã gặp Quốc Tuy một lần ở ban vận chuyển. Đấy là lúc Tuy trông thấy anh liền reo, đến cả binh trạm bộ đều nghe thấy: "A, chú mày lên bao giờ đấy? Sao không qua anh? Phải sang anh, chú mày định lờ anh đi đấy hả? Chà, tao nhớ chú mày ghê lắm! Làm ăn được, phụ trách trung đội thế là khá. Chú mày tưởng anh không biết hả? Đêm nào chú mày ở đâu, làm gì ông anh chú mày đều theo sát hết. Binh trạm chú ý đến chú mày cũng là có ý kiến của ban vận chuyển chúng tớ đấy! Đi, đi qua đây tao sẽ "trị tội" chú mày".

Về đến lán của ban vận chuyển, Tuy gặp trưởng ban ở mặt đường về; thế là anh ta xoắn lấy cười cười, nói nói rất thừa thãi, quên mất Vũ cứ đứng như chôn chân ở phía sau. Chờ hàng chục phút vẫn không thấy nói gì đến mình, Vũ lên tiếng xin về. Tuy quay lại cười, vẫn tiếng cười mỏng như giấy pơ-luya dán ở đầu lưỡi, chỉ hơi thở mạnh nó đã trơn chuội đi: “À, chú mày thông cảm, anh đang bận. Vào nhà ngồi chơi, lát nữa anh em mình nói chuyện có được không?".

Vũ quay về lán quân y và nghĩ bụng: "Anh ta vẫn như xưa". Buổi trưa, nhân chuyện nói với binh trạm trưởng, Vũ có nhắc đến Tuy loe. Đang cởi mở bỗng nét mặt ông trầm lại. Cử chỉ đó thú nhận sự lầm lẫn trước đây và bây giờ ông không muốn nhắc lại. Lúc sau, ông mới nói cốt cho qua chuyện: "Cậu ấy nó cũng cũng chưa thật lắm!". Như thế mọi chuyện ở đại đội ba này từ trước đến giờ chắc binh trạm trưởng biết cả rồi. Nhưng với anh Trường, ông có vẻ vương vướng điều gì nên tuy không "va chạm" như trước, nhưng vẫn chưa thật thoải mái.

Vũ đã định dựa vào sự "lốp bốp" của mình hỏi: Thủ trưởng độ này thấy anh Trường thế nào? Thấy vẻ không vui của binh trạm trưởng và trước bao nhiêu công việc bộn bề ông cần để thì giờ suy nghĩ vào đấy, Vũ im lặng. Dù sao, trên đường về Vũ vẫn đinh ninh sẽ kể cho Trường nghe những nhận xét của binh trạm trưởng về Tuy loe và cuộc gặp gỡ giữa Vũ với anh ta.

Tới đơn vị, Vũ đã nghe nói Trường đang trên đường đi dự hội nghị quân chính của binh trạm. Vũ mừng thầm, dịp này binh trạm trưởng sẽ hiểu thêm Trường và mối quan hệ giữa hai người tốt đẹp lên.

Chính lúc Vũ đang nghĩ điều đó, Trường bước lên bục tham luận chuyên đề: "Tổ chức đội hình tấn công trên một cung ngắn hiểm trở". Trước khi vào báo cáo, anh nói một câu hài hước:

- Trước tiên xin tự giới thiệu với các đồng chí: Tôi là thằng cán bộ đại đội láo nhất binh trạm và liều lĩnh như một con thiêu thân.

Cả hội nghị cười ầm. Binh trạm trưởng đỏ bừng mặt, hơi nhếch mép cười. Chính uỷ nhìn phía Trường, hai nhánh lông mày của ông dày chườm xuống mắt. Ông hơi khó chịu. Ông biết câu nói đó, binh trạm trưởng nói trong một lần Trường cãi bướng. Sao cậu ấy lại đùa cợt ở đây! Chả ra thế nào. Ông vẫn giữ vẻ khó chịu ấy trong suốt bản báo cáo của Trường, mặc dầu vẫn đánh giá đó là bản báo cáo có suy nghĩ, có những biện pháp hành động táo bạo, hay và giờ nghỉ nhiều người xúm lại hỏi thêm về kinh nghiệm. Ông đã định gặp để nhắc cậu ấy nên ý tứ đừng gây thêm sự hiểu lầm không cần thiết. Nghĩ lại, chuyện vặt ấy, gặp làm gì. Đêm đó họp các thủ trưởng binh trạm. Binh trạm trưởng đề nghị bố trí cho Trường về hậu phương nhận xe và nghỉ phép cưới vợ. Chính uỷ im lặng một lúc:

- Việc này tôi cũng đã hứa với cậu ta từ đầu mùa, nhưng bây giờ ta thử cân nhắc kỹ xem nên để cậu ta đi dịp này hay để cậu ấy triển khai cho đơn vị vào nhiệm vụ ổn đã.

- Phải cương quyết "dứt" ra anh à. Nếu không, chẳng lúc nào có thể giải quyết được cho cậu ấy. Tui có khuyết điểm từ trước tới giờ chưa lúc nào hỏi han chuyện vợ con của cậu ta. Sáng nay cậu ấy nhắc lại một câu châm biếm tui thấy ngượng nóng mặt. Nghĩ lại, mình cũng có sai: Không sâu sát, nóng nảy. Gặp cậu Trường giao nhiệm vụ, tui sẽ "thanh toán". Sự việc lặt vặt ấy để ý nhiều đâm mệt, mất việc lắm anh ơi! Ngẫm kĩ mới thấy thằng cha sống thiệt lòng, mình đâm ân hận.

Chính uỷ ngồi lặng im, mắt chớp chớp làm hai nhánh lông mày to, vuông như thỏi mực Tàu giật liên hồi. Những ngày trước ông chỉ thấy thương mến, đến lúc này ông thấy khâm phục thực sự người đồng chí của mình. Những ngày này ông đã định làm một việc gì đó, nói một lời nào đó, những mong nỗi đau của anh nhẹ vơi đôi chút. Chưa làm được, chưa biểu hiện như thế nào cho phải. Nỗi đau buồn vẫn chìm lặn nguyên vẹn trong lòng anh! Lặn lội suốt hai thời đánh giặc, cứu nước, anh nuôi một hi vọng nhỏ bé cho riêng mình: Khi về giải phóng quê hương được gặp lại vợ và con, thằng con trai độc nhất. Bây giờ nó đã trở thành tên lính nguỵ. Liệu nó có thương ba má nó hay nó trở thành tên ác ôn và anh, thành cha của tên phản quốc. Có phải vì thế mà chị ấy đã tự đâm mù mắt không?

Trước một tin độc ác dùi vào tim anh, tôi chỉ thấy anh đứng lặng đi chừng một phút ở góc nhà, chỉ có một phút ấy, còn thì giờ anh phải làm việc. Chính trong lúc đau thương nhất của anh, anh lại sẵn sàng tha thứ cho cấp dưới của mình những thiếu sót, kể cả khi danh dự mình bị xúc phạm, anh vẫn yêu thương thành thật. Nhìn anh, nhìn vào hoàn cảnh của thằng Vũ, của cô Ngà, và bao nhiêu chiến sĩ của chúng ta tôi mới nhận ra một điều: Cái ác nghiệt, nguy hiểm nhất của chúng ta trong những năm tháng này không phải là những quả bom rơi trước mặt, rơi sau lưng, tiếng nổ của bom đạn áp vào người mình. Như thế, sự hi sinh của người chiến sĩ có sá gì, nhẹ nhõm lắm, giản dị lắm. Cái dữ dội, gay cấn, nhiều khi u uẩn là những gì ta để lại phía sau và những gì ở nơi ta sẽ tới. Mệnh lệnh của chúng ta, lời kêu gọi khẩn thiết của chúng ta là điều xảy ra ở những vùng xóm làng, quê hương xa xôi ấy.

*

* *



Tuy không ai phổ biến, tin Trường được trở về cưới vợ trong những ngày giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc vẫn xôn xao cả binh trạm. Điều đó dễ hiểu thôi. Lý do thứ nhất là chiến dịch sắp mở, đại đội trưởng "cưng" của binh trạm lại vắng mặt, tất không phải sự bình thường. Lẽ thứ hai, người sẽ làm vợ anh là một cô gái chưa hề ai gặp nhưng qua anh, mọi người đều hết sức cảm động và khâm phục sự thuỷ chung bền bỉ của cô ta, vì thế sự đồn đại, thêu dệt mỗi lúc một tăng thêm, cô ta trở thành cái cớ để lính lái xe và công binh tán tỉnh nhau trong những ngày ồ ạt bước vào mùa khô.

Còn Trường, tự nhiên anh dại dột, trẻ con hẳn đi. Đang đi trên đường, qua ánh pháo sáng anh nhìn thấy người bạn quen quen đi ngược chiều, anh vội vàng gọi: - "Mày phải không?" - "Mày đấy à? Tao đây!". Cả hai đều không nhớ tên nhau nhưng anh cũng cuống quýt khoe: "Tao sắp về "tổ chức" đấy...ấy...ấ...". Xe vượt qua rồi, chẳng hiểu bạn có nghe thấy không? Anh cứ cười một mình, cười rất sảng khoái. Niềm vui ấy quá đà, có lúc anh thấy giật mình, ngồi tâm sự với chính trị viên dưới gốc cây săng lẻ khi vừa ăn cơm chiều xong: "Tôi vô ý quá, mấy ngày nay đùa rất tếu. Khi mình được đi phép, anh em ở lại lao vào nhiệm vụ mới mà mình lại...". Chính trị viên gạt đi: "Không sao đâu, anh đừng lo xa quá. Anh về tổ chức lần này cả đơn vị phấn khởi, mong mỏi, không việc gì phải lo, nó ảnh hưởng đến những ngày vui anh ạ!". Tiểu đội trưởng sửa chữa bê bát nước vừa đi đến, liền nhổ toẹt nước trong mồm nói chen vào: "Việc gì mà không vui các thủ trưởng? Tôi năm năm không biết tin tức gì đây. Tôi biết tâm trạng đại đội trưởng lắm. Phải vui, vui nữa, cả đại đội ba này phải xin nhận một cung nào thật ác để lập công mừng đại đội trưởng vui duyên mới". Lính đứng đầy xung quanh từ lúc nào, cười hô hố tán thưởng. Anh chàng được dịp bốc đồng hỏi chính trị viên: "Tôi nói thế "sách lược" không thủ trưởng? Chính trị quá đi chứ lại. Ừ, tôi hỏi: Chúng ta chiến đấu cho ai nào? Cho nhân dân, Tổ quốc trong đó có bạn nữa, phải "ga" lên, cứ phía trước mà "vù". Xin thưa, tôi không nói suông, tiểu đội tôi có đủ các loại tặng phẩm có ý nghĩa và sẵn sàng bám xe, bám đường bảo đảm trong mọi tình huống, thế là được chứ gì?.

- "Hỏng đâu thay đấy!" - "Có ngay" - "Rệ đâu, kéo đấy!" - "Sẵn sàng" - "Cháy đâu, thay đấy!" - "Ấy chết, cháy cả xe nhà em đã sản xuất ra được đâu mà!". Tất cả cười ồ vui vẻ. Rồi những ngày sau mỗi người đi ra tìm một thứ tặng phẩm của rừng, của lính lái xe ở chiến trường, nghĩa là có hàng trăm thứ lẩn mẩn mà cái ba lô con cóc không thể chứa hết, Vũ phải "tuyển lựa" hàng buổi mới xong.

Buổi trưa Trường ra đi, cả đại đội đứng dọc bờ suối, ai cũng cầm cho được cả hai tay đại đội trưởng và nhắn gửi những lời tốt đẹp hết sức chân thành. Hàng trăm lá thư gửi mẹ Thảo và Lý lúc này mới được tập trung và anh phải đeo thêm một túi nặng ở cạnh sườn. Trường bùi ngùi không nói được lời nào. Miệng anh chủ ý cười nhưng trông như mếu, khiến các chiến sĩ trẻ bật khóc hu hu như trẻ con.

Cho đến khi đến binh trạm bộ lấy giấy tờ, anh mới thấy nỗi nhớ cồn cào. Chính uỷ trao cho anh những gói chè và thuốc, quà tặng của binh trạm. Ông cười vui vẻ:

- Lính tráng chúng mình cứ thiết thực. Anh cho tôi gửi lời thăm cụ và cô ấy. Nhớ nói hoàn cảnh khó khăn quá, chúng tôi không về được, gia đình thông cảm. Thôi đi đi. Chúc anh chị hạnh phúc.

Anh toan bước đi, chính uỷ như nhớ ra điều gì, ông dặn thêm:

- Trong chiến tranh thì ngày hôm qua với ngày hôm nay đã khác lắm rồi. Có thể có những việc xảy ra ngoài dự kiến. Lúc đó... Anh hiểu ý tôi không?

- Dạ, hiểu.

Ông siết chặt hai bàn tay mình vào tay Trường. Cho đến những ngày sau này ở nhà, Trường vẫn có cảm giác bàn tay mình đang nằm trong đôi bàn tay nắm rất mạnh và thân thiết của chính uỷ.


Ch­¬ng XIII
1
Không có nỗi buồn nào chao đọng lâu trong cái tâm hồn bồng nổi, sôi động của anh ta. Khi một người làm công tác khoa học nhận xét: "Tình cảm của giới diễn viên các cậu là sóng, là gió, là cái chổi" thì anh tím mặt, hỏi lại một câu đầy vẻ nhạy cảm, thông minh: "Thế nghĩa là chúng tôi chỉ chao xúc được những bèo bọt, cuốn hút được những bụi bặm và quét được rác rưởi thôi chứ gì". Từ đấy anh giận, vì bạn chỉ túm vuốt cái vỏ bề ngoài không hiểu hết nghề nghiệp anh, vì anh cũng là một con người sâu lắng, một tâm hồn nhạy cảm, rung động mạnh mẽ. Nhưng anh không giận ai lâu, bởi những xôn xao mới mẻ luôn luôn tạo cho niềm vui thường trực của anh được thoả mãn. Đó cũng là cái lý do để anh hãnh diện với cái dáng trẻ trung, bồng bột, đã ba mươi tuổi vẫn được nhiều người trầm trồ khen anh nhạc trưởng tài hoa ấy còn trẻ.

Công biết rất rõ vị trí của mình. Anh biết nhận lấy sự yêu mến, quý trọng bằng vẻ mặt hơi cúi, sự khiêm tốn rất có duyên ấy, anh trở thành một con người sâu sắc, đường hoàng. Nhờ đấy, anh có thể chiếm đoạt tình yêu ở bất cứ người nào trong đoàn, trong phố, nếu anh muốn. Hiền đến với anh bằng sự dễ dàng ấy.

Nhưng hàng nửa năm nay anh bắt đầu hoang mang, sống trong một tâm trạng thất thường, không hiểu mình là thế nào, đang ở đâu trong những cái nhìn lúng liếng của các cô gái. Tại sao lại có thể thất bại? Anh ngắm mình trong gương vẫn thấy hai con mắt lim dim tình tứ, chiếc răng nanh vẫn lộ ra hóm hỉnh và khuôn mặt vẫn trắng đẹp! Anh không ngờ người thứ hai nói rằng anh nông nổi, nhạt và một tâm hồn chai sẹo lại là Hiền, cô diễn viên hát cùng đoàn. Cô ta từ chối một tình yêu cũng dễ dàng như khi đến với anh vụng trộm từ ba năm nay.

Đêm "chia tay" ấy, anh đứng chết lặng hàng nửa tiếng trước bậc thang nhà cô ta. Trở về, suốt đêm anh trằn trọc, hai tay ôm lấy cái đầu nóng lên bừng bừng như có ai đốt lửa trong đó.

Nhưng đến sáng hôm sau, chỉ sáng hôm sau khi đến đoàn, anh đã nguội vợi và đêm đó sau buổi biểu diễn anh hoàn toàn thanh thản. Sự vồn vã tế nhị của những cô gái khác vẫn ve vuốt, vẫn đùa giỡn xung quanh. Và bất chợt anh bắt gặp cái nhìn như trách móc của cô diễn viên múa trẻ nhất đoàn. Anh hiểu cái nhìn đó như bảo rằng anh kiêu lắm. Anh tưởng chúng em còn bé bỏng không thể trò chuyện được bình đẳng với anh phải không?

Xen kẽ những tiết mục trong đêm diễn, anh nói chuyện với cô bé và cô nhận lời sẽ đến thăm anh vào một ngày nào đó.

Anh đến nhà cô trước, rủ cô đi dạo phố. Cô hỏi nhí nhánh: "Đi với danh nghĩa gì?" - "Danh nghĩa gì tuỳ em!". Hai người đi dạo bách bộ trên đường Thanh niên, cứ đi như thế cho đến khi cửa hàng bánh tôm chỉ còn lác đác dăm ba người và nghe rõ tiếng cá đớp sương tũng, toãng. Càng ngày khoảng cách giữa hai người càng gần lại. Để đỡ lạnh hơn vai cô bé như đã kề sát vào cánh tay anh. Bước đi của họ chậm lại. Đến bên cây liễu, anh sơ ý giẫm chân lên guốc cao gót của cô. Cô đứng im. Anh để nguyên như thế. Hai người im lặng. Cô nhìn anh bằng đôi mắt chan chứa, anh nhìn vào đôi mắt ấy tưởng nó vắng lặng, mênh mang, hơn cả mặt Hồ Tây lúc đang về khuya. Cô nói nhỏ như một hơi thở nhẹ:

- Em bắt đền đấy.

Anh trả lời bằng một nụ cười không thành tiếng. Cô vẫn nhìn anh như cười, cả khuôn mặt non trẻ, ngây thơ ấy đang cười làm cho những cảm xúc của anh trào lên sôi sục, anh thấy cổ họng mình khô háo. Liệu có cần nói gì nữa không? Chao ơi, những ngày qua em vẫn nhìn anh bằng đôi mắt tha thiết như thế. Em vẫn cười với anh bằng cả khuôn mặt âu yếm hồn nhiên và thầm lặng như thế. Sao anh lại vô tình, anh thật có lỗi với em. Anh gọi thì thầm:

- Em!


- Dạ.

- Anh bảo nhá.

Cô bé ngước mắt nhìn anh chờ đợi. Anh quàng tay vòng sau mái tóc và ghì chặt làn tóc mềm mại, như một tia chớp, anh áp khuôn mặt nóng rực vào làn da mát rượi của cô. Nhưng những làn môi chưa kịp tìm nhau thì một cái tát như sét đánh làm hai tai anh ù choáng. Hai tay buông rời ra, anh đứng lặng vì nỗi bàng hoàng. Vừa bực giận vừa xấu hổ, anh phải cúi xuống trước đôi mắt nhìn chằm chằm của cô. Nhưng anh trở lại ngay được tư thế bình thản, đứng đắn, chỉ có giọng nói là cứ đứt ra để chứng tỏ mình chưa kìm nén nổi xúc động chân thành:

- Anh xin lỗi. Có thể là anh đã nhầm lẫn.

Cô bé không trả lời. Anh im lặng. Rồi, giọng đầy nỗi ân hận:

- Anh không ngờ cái tình cảm chân thành của mình không thể nào kìm giữ được. Nếu em không tha thứ cho anh thì...ì..., anh khổ tâm biết chừng nào. - Vẫn lặng thinh. Anh giục: - Nói đi, anh van em, em nói với anh một lời thôi.

Cô gái lấy lược trong túi xách chải lại mái tóc, cô vẫn nói giọng như cười:

- Em bảo nhé.

- Nói đi, em nói đi, anh nghe đây.

- Anh để ý đến em lâu chưa?

- Lâu rồi chứ.

- Từ bao giờ.

- Không thể nói rõ ra được, nhưng từ ngày em múa "rong chiêng", đánh rơi vòng, anh nhặt và trao lại cho em. Ngay từ ngày ấy... Gần hai năm rồi còn gì!

- Thế có yêu không?

- Yêu.

- Yêu thế nào nào?



- Anh yêu em rất say đắm.

Cô gái cười phá lên rất hồn nhiên và thoải mái. Cô quay mặt đi và nói dứt khoát:

- Thôi bây giờ thì chia tay. Như thế là đầy đủ rồi đấy đồng chí nhạc trưởng "say đắm" ạ.

Nói rồi cô bỏ đi, để lại mình Công đứng như một cái cây không cành, không lá giữa đêm khuya lạnh, hơi sương ở mặt hồ phả lên buốt tê khắp người.

Thế này thì không thể hiểu nổi nữa. Những cô gái quấn quýt lấy anh, anh chỉ đùa cợt cho vui miệng, khi anh nói ra cái tiếng "yêu" và những biểu hiện nồng cháy ấy thì họ lại phản đối dữ dội hoặc khéo léo lảng tránh. Cô bé chữa đài ở nhà bên cạnh mắc bệnh thấp khớp và đau tim, người đét lại xanh xao và miệng rộng, mắt lé. Anh thường than thở với bạn bè: "Khổ thân con bé bệnh tật. Giá có lão "goá" nào ngoài bốn mươi yêu nó, cũng tạo được cho nó nguồn vui". Anh vẫn đặt cô ta trong sự thương hại ấy. Bây giờ buồn, rỗi, các bạn gái xa dần, anh sang bên ấy xem cô ta chữa đài cho khuây khoả. Ở cô bé này anh quý đôi tay biết chừng nào. Năm ngón tay thuôn "búp măng" mềm dẻo lần gỡ từng mối hàn rắc rối trông sao mà ngoan làm vậy. Anh thầm nghĩ, những nghệ sĩ đàn pi-a-nô có được đôi tay kia thật tuyệt diệu. Cô bé ấy rất tế nhị, trong sáng và hay thương người. Có thể khóc nức nở trước một câu chuyện cảm động, một cuốn sách có tình tiết éo le. Anh đã bắt gặp những cử chỉ tình nghĩa và vô tư của cô với những khách đến chữa đài. Và, anh rung động. Anh viết mấy dòng chữ ngắn "tỏ tình cảm" với cô ta. Những dòng chữ ấy gửi gắm sự rung động thực sự, quý mến thực sự. Nhưng là để lấp vào chỗ trống trong những ngày cô đơn. Khi gấp lá thư vào bì anh tủm tỉm cười nghĩ đến cái lúc cô ta sẽ ngả vào lòng anh, cũng âu yếm, say sưa, cũng biết nũng nịu, hờn giận "như thật". Và, anh thấy lo. Anh lo làm sao gỡ ra êm thắm khi đã thoả mãn sự đùa bỡn chốc lát. Đấy là phòng xa. Với khả năng của mình, anh sẽ giữ được chừng mực để có thể lảng tránh khi vừa đến giới hạn có thể ràng buộc. Anh gửi lá thư sang nhà cho cô ta vào buổi tối. Sáng hôm sau thấy những cô gái cùng số nhà nhìn anh tủm tỉm cười. Thì ra cô ta đã đem đọc cho hàng chục người cả bà già lẫn trẻ con nghe và tuyên bố: "Lấy ông ý để hầu suốt đời mà vẫn vò võ một mình á?". Chết chửa, rồi giá trị của anh sẽ ra sao khi vỡ lở ra rằng cô bé chữa đài nhà bên cạnh cũng "đá" anh. Những ngày sau anh lại phải nghĩ cách sang van lạy cô ta trả lá thư hoặc không cũng phải im đi. Phải nghĩ cách gì nó tự nhiên và không "mất mặt". Chà, bọn con gái bây giờ không đứa có được tâm hồn trong sáng, chúng nó chỉ vật chất, vật chất hết.

Những ngày ấy dàn nhạc dưới que chỉ huy của anh nhoè đi. Tiếng kèn, tiếng sáo như lùa hơi qua ống rỗng, và tiếng đàn giống tiếng kim loại cứa vào nhau, nghe nó lạnh gai gai. Ít ngày sau nhạc trưởng chính đi học về, anh trở lại vị trí vi-ô-lông một. Đêm đêm anh đi biểu diễn như một người đi làm khoán.

*

* *


Nhưng rồi nỗi buồn của anh cũng nguôi khi đã nói hết mọi lầm lỗi và sự ân hận trước mọi người trong gia đình Ngà. Lúc đầu ai cũng chỉ nghe anh một cách lịch sự. Anh vẫn đến, vẫn gửi đủ cho cậu mợ và các anh chị giấy mời xem biểu diễn. Rồi vẫn ở lại ăn cơm và đi rửa bát, quét nhà và nhanh nhảu bê rổ rác bên cạnh chậu nước gạo khi nghe tiếng leng keng ngoài đường. Bà mẹ Ngà, ngày trước dặn con: "Bọn con trai thằng nào cũng đểu cáng, không có nhẹ dạ tin đứa nào nữa con ạ". Bây giờ lại là người đầu tiên trong nhà mủi lòng thương hại Công. Bà ướm thử ý chồng và con trai. Cả hai người đều trả lời rằng: Không còn pháp lý nào ràng buộc cả. Bảo cậu ấy cứ hỏi cô Ngà, tuỳ ở cô ấy, gia đình chúng tôi không biết đâu mà tham gia nữa. Bà thì thầm xui Công tìm cách lấy được cảm tình của chồng và con trai bà. Mỗi người góp vào một câu may ra con Ngà nó mới nối lại. Anh kiên nhẫn làm theo. Vẫn một câu trả lời: Tuỳ nó. Chỉ có khác, về sau này, những tiếng ấy nói ra với vẻ không ra đồng tình chứ không ngoảnh mặt đi, lạnh như trước. Sự gay go vẫn tuỳ thuộc ở Ngà thực sự. Tính cô ấy khó lòng thay đổi. Người mẹ vẫn là cái dây chằng níu sự nuối tiếc nhẫn nại của anh. Sau lần đi nghỉ mát cùng Công ở Đồ Sơn về, bà đã viết cho Ngà lá thư dài. Chẳng hiểu thư có đến nơi hay không và ý nó thế nào, đã năm tháng rồi không thấy tin gì trở lại.

Những mong mỏi trong Công đang vợi dần đi, Trình Nhật đến tìm anh. Hai người quen nhau ngay sau khi về nước, Trình Nhật xem buổi biểu diễn đầu tiên. Biết Công đang gặp khó khăn, nhân có Trường đưa thư của cha anh, anh phải lợi dụng dịp tốt này giúp bạn.

- Mình sẽ biên thư cho ông cụ tham gia việc này. Ông cụ sống ân nghĩa lắm.

Công nhổm dậy lấy hai tay trịnh trọng nắm lấy bàn tay Trình Nhật:

- Cảm ơn anh. Thật quả anh thông minh. Cách ấy có khả năng. Bộ đội họ nghiêm. Thủ trưởng mà nói một câu, chiến sĩ chỉ có chấp hành răm rắp.

- Đây không phải là chuyện mệnh lệnh.

- Đành thế. Nhưng quan trọng lắm chứ anh.

- Được, việc này mình sẽ... - Như sực nhớ ra điều gì, Trình Nhật ngập ngừng rồi anh ta nghĩ phải nói thật việc mình vừa nhớ ra: - "Cụ" biên thư cho mình có vẻ căng. Hình như cụ giận mình. Cụ cho là mình sống lẩn tránh... Ừ, bây giờ biên thư cho cụ nói chuyện này có khi không ăn. - Hai người im lặng. Khi Công trút ra hơi thở dài thất vọng, Trình Nhật gật gù: - Mình hỏi cậu nhá?

- Anh nói đi.

- Cậu có dám đi vào trong mặt trận không?

- Để đón cô ta.

- Đúng. Đi được thì rất tốt. Mình sẽ biên thư nhận mọi khuyết điểm, tự lên án mình thật nghiêm khắc khi đã thấm thía thư của cụ. Và tất nhiên sẽ trình bày lý do cụ thể và xác đáng của nó. Chủ yếu mình sẽ nói chuyện đó. Còn giới thiệu cậu với cụ chỉ là cái cớ để cậu cầm thư giúp mình. Tức là...

- Tôi hiểu ý anh.

- Hay, hay cậu ạ. Cậu có đội bom, lách đạn mà vào cái nơi ác độc ấy mới chứng tỏ cậu là người biết ăn năn, chứng tỏ cậu còn yêu rất mãnh liệt, tình yêu giúp cậu bất chấp cái chết để tìm đến em. Mà ông ơi, có ở nơi bom đạn ấy, rừng rú ấy, thiếu đói và sốt rét rụng tóc, môi thâm ấy cô ta mới xúc động trước cử chỉ của ông, mới tha thứ cho ông mọi lỗi lầm. Tất nhiên cũng phức tạp, nhưng ở cái nơi rất dễ thấy mình cô đơn, trước hành động hối hận của ông, thế nào cũng có lúc cô ta mủi lòng. Con gái dù lý tưởng cao đến giời cũng có phút cảm thấy mình bé nhỏ, yếu đuối, quan trọng là anh phải chớp được cái phút ấy, biểu hiện một cử chỉ nào đó thật quý báu sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ và ông sẽ "dắt" mũi cô ta quay lại. Hay, cậu đi được, rất hay.

- Nhưng...

- Cậu ngại rồi phải không?

- Tôi thấy phiêu lưu quá. Mất công như thế, liệu có ăn thua gì không? Thà tìm quách đứa khác còn hơn.

- Anh nói khoác. Nếu anh tìm được đứa nào khác thì anh đã không phải đến lau nhà, hót rác cho nhà nó.

- Còn phương tiện, đi lại, gay go chứ anh.

- Cái đó lại hoàn toàn đơn giản. Cậu chuẩn bị xin ý kiến của đoàn, có công văn cho đơn vị và cả thư riêng cho cô ta thì tốt. Cậu chuẩn bị mọi thứ đi. Tay đại đội trưởng ở chỗ ba mình nó về cưới vợ xong sẽ lên gặp mình lấy thư, mình sẽ giao cậu cho nó. Mà nếu cần, hiện nay nó còn ở Hà Nội, cậu đi, mình sẽ đưa ngay đến bây giờ.

- Cám ơn anh, tôi thấy...

- Tóm lại là anh vừa muốn được cô ta, vừa muốn chả phải khó nhọc vất vả quái gì. Tôi xin nói cho anh biết, ở đời này không có hai niềm vinh quang là bạn đồng hành đâu. Đã tự nguyện theo đổi cái này thì cũng phải dám để mất đi cái khác. Nếu còn ngại và sợ, tốt nhất, đừng bao giờ anh nghĩ đến cô ta nữa.

- Thôi được, anh để tôi suy nghĩ ít hôm, có gì tôi lại anh. Ý anh hay, táo bạo, nhưng rất đột ngột với tôi, anh cho tôi nghĩ, dù quyết định cách nào cũng vẫn phải nhờ anh một tay. Hãy thế đã anh Trình Nhật!


Каталог: UserFiles -> RadEditor
UserFiles -> PHƯƠng pháp viết nghiên cứu khoa họC Ứng dụng sư phạM
UserFiles -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFiles -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFiles -> BỘ XÂy dựNG
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFiles -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFiles -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
UserFiles -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
RadEditor -> BẢn thảO ĐẦu tiêN (để bổ sung/góp ý) thông tin đÓng góp về XÃ HỘi dân sự TẦm nhìn asean 2025

tải về 2.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương