22  leâ LÖÏu tieåu thuyeát  23



tải về 2.23 Mb.
trang7/22
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2016
Kích2.23 Mb.
#32030
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   22

1
Trong số những người tiếp xúc đầu tiên ở xê ba chính uỷ đặc biệt chú ý đến Tuy, chính trị viên phó đại đội - Đấy là con người có cái dáng bề ngoài hoàn toàn xấu xí. Hai mắt to trắng phồng như hai viên bi nhét vào đấy chưa chặt, chỉ chực rơi. Cái miệng kéo ra hai bên gần hết chiều ngang của khuôn mặt hình thoi mà hai vành môi to thâm gồ lên như mới đắp thêm vào chưa được mài miết cẩn thận. Khuôn mặt ấy gắn với khổ người lùn bì bạch gần như không qua sự nối tiếp vẫn gọi là cổ. Mới trông thấy Tuy, chính uỷ đã hiểu lý do ở binh trạm bộ thường gọi Quốc Tuy thành Quốc rụt, hoặc Quốc loe. Cái hình dáng ấy trái ngược hẳn với những cử chỉ nhẹ nhàng tinh tế, cái cười thoải mái, vồn vã có thể thu hút sự quý mến của tất cả mọi người ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên. Tuy chạy lạch bạch xuống bờ suối đón chính uỷ. Anh tự giới thiệu:

- Báo cáo, tôi là Tuy, Tuy loe hay Tuy rụt là tôi cả thủ trưởng ạ!

- À anh Tuy đấy à. Nào bắt tay anh, ta làm quen với nhau. Tôi nghe nói anh có nhiều tên nhất binh trạm cơ mà!

- Vâng, dạ! Báo cáo thủ trưởng, dạ, đây đây ạ - Anh chỉ tay vào đám chiến sĩ đang làm xe ở bãi: - Này các anh bạn, các anh vẫn bêu xấu tên tuổi của tôi như thế nào báo cáo với chính uỷ đi - Đám chiến sĩ ngơ ngác chưa hiểu. Tuy cười đe nẹt rất thân ái - Ra, các anh chỉ bắt nạt cái thằng già lùn xấu xí này hả? Ha ha. Cũng có thể hôm nay các bạn trông tôi đẹp trai ra rồi. Thủ trưởng ạ, cứ ngắm cho kĩ thì trông tôi đẹp trai hơn cánh thanh niên kia đấy. Đúng không các bạn - Hai mắt anh cười gần như nhắm lại. Một tiếng nói từ trong gầm xe luồn ra:

- Đúng rồi, anh Quốc rụt đẹp trai nhất binh trạm này đấy.

- Giỏi, giỏi, báo cáo thủ trưởng "căng cáp" thế đấy.

Chính uỷ cười rất thoải mái:

- Có, có, nghe Quốc rụt từ hôm mới về binh trạm kia. Nhưng khi tiến công không rụt lại là được chứ gì!

Tuy đỏ mặt, nhưng anh lại cười nói rất vui vẻ:

- Ấy báo cáo thủ trưởng, chiến sĩ hỗn láo thật, nhưng suốt đời chỉ nguyện có tiến công, dù chết cũng phải tâm niệm như thế đấy ạ.

- Tốt, như thế là tốt, cố gắng giữ truyền thống của xê ba.

Tuy đưa chính uỷ lên ngang sườn núi mới thấy Trường với hai bàn tay nhây nhớp dầu mỡ từ bãi xe tiểu tu chạy tới. Dù mấy ngày nay hai người chưa có phút nào chuyện trò với nhau ngoài những công việc cần bàn, lúc này Tuy cười rất cởi mở giới thiệu:

- Anh Trường ra đón thủ trưởng kia ạ. Khổ, suốt đêm qua lên cơn sốt, bảo nghỉ một lúc anh ấy có nghe đâu. Hình như không mó máy, sửa sang được cái gì đó thì chân tay anh ấy thừa ra thế nào ấy.

- Ừ, tính cậu ta ham mê máy móc từ ngày xưa.

Tuy gọi to khi Trường đang chùi tay vào vỏ cây:

- Anh Trường ơi, thôi để anh em họ làm. Anh cứ làm thế đến nằm ệp xuống mất thôi.

Trường cười, cái cười nửa miệng, nửa còn lại như đang phải ghìm nén điều gì đó chưa bật ra được. Tuy rất tinh ý nhận ra điều đó và anh biết rõ mối quan hệ giữa Trường với chính uỷ, anh chủ động đề đạt:

- Xin phép thủ trưởng, chúng tôi mạnh dạn trình bày một việc, xin thủ trưởng cho ý kiến - Liếc thấy chính uỷ cười, gật đầu khuyến khích. Tuy hăng hái tiếp: - Tôi thấy rút gần nửa quân số đơn vị bổ sung cho công binh sợ không hợp lý lắm.

- Công binh họ đang thiếu nhiều anh ạ. Các anh chạy có chín xe đêm, thừa người để làm gì?

- Chạy thế nó ì ạch quá. Chúng tôi định...

- Chính anh đi trên đường hôm nọ báo cáo tốt kia mà?

- Nhưng trong tương lai, nhiệm vụ... - Tuy dừng lại nhìn chính uỷ. Vẫn cái thói quen: khi nói, anh liếc mắt dõi theo thái độ người nghe để hoặc nói hăng lên, dài ra, hoặc chậm lại, ngắn đi. Còn lúc ngồi nghe người khác nói cái miệng anh luôn luôn cử động như hứng lấy để sẵn sàng cười vui tán thưởng, sẵn sàng chau mày, bậm môi hoặc buồn, hoặc đau khổ cùng đồng thời với tâm trạng người đang nói. Đấy là cái tài rất đặc biệt của anh. Anh có thể đang phẫn nộ trước một sự việc nào đó nhưng liếc nhìn thấy thủ trưởng không có cử chỉ đồng tình với mình, lập tức giọng anh trở lại dịu mềm, dịu xuống dần dần, sự êm ái trong chốc lát đã trở nên nhuần nhuyễn. Sở dĩ anh dùng chữ "nhiệm vụ" ngập ngừng trong lúc này vì đã định nói rằng: "Nhiệm vụ rồi sẽ thay đổi!". Thấy chính uỷ có vẻ không đồng tình với cách đặt vấn đề ấy, anh phải dừng lại để hứng đỡ lấy sự uốn nắn của ông.

Trường đứng nghe với một thái độ thờ ơ. Anh cho là ý kiến của Tuy lúc này là để "xã giao", để xoa dịu sự bất đồng ý kiến giữa anh và Tuy, hơn là bàn thiết thực đến công việc.

Chính ủy hỏi:

- Ý kiến anh Trường thế nào?

Đến lúc này giọng anh mới buột ra một cách thành thực:

- Cách làm ăn như thế nó tủn mủn lắm. Tôi đã đề nghị với binh trạm trưởng rồi. Nhưng các thủ trưởng quyết định, chúng tôi cũng phải thi hành thôi.

- Hà hà... anh Trường lúc nào cũng sốt ruột muốn làm xong ngay mọi việc. Ý kiến tôi thế này: - Giọng ông nghiêm lại: - Trước mắt khó khăn quá mà các anh còn thừa người. Anh Lan đã quyết định, tôi đề nghị các anh cứ chấp hành nghiêm chỉnh. Trường hợp này đột xuất, tạm thời thôi. Những ngày tới ở đây tôi sẽ nghiên cứu cụ thể rồi ta bàn. Thế các anh nhỉ?

- Nhưng nhiệm vụ cứ xáo trộn linh tinh vừa mệt lính vừa chả đâu vào đâu.

- Tôi sẽ lưu ý, cả ý kiến hôm trước tôi nói với anh. Nhưng trường hợp này anh cứ cho bộ đội chuẩn bị nhận nhiệm vụ theo mệnh lệnh của binh trạm trưởng.

Trường không phản đối ý kiến chính uỷ. Nỗi nặng nề dồn cả xuống từng bước đi rời rã lên dốc. Tuy nghĩ bụng: "Tôi nói anh không nghe, tưởng cứ "cương" được. Tuy thế, cái miệng trống trếnh của Tuy vẫn cố mím lại. Sự buồn bực của Tuy chứng tỏ trước mặt chính uỷ một nỗi đồng cảm sâu sắc với đại đội trưởng bướng bỉnh của mình.

Dù đã có cảm giác cậu chính trị phó khéo quá, nhưng phải mấy ngày sau và đặc biệt ở hội nghị chi bộ ông mới gật gù như để những ý nghĩ lắng lại. Lắng lại. Lắng xuống, lại xáo trộn lên những ý nghĩ khác nhau về anh chính trị phó có dị dạng khác thường này. Ông biết có những điều binh trạm trưởng nhận xét chưa hoàn toàn chính xác về hai cán bộ ở đại đội ba, nhưng ông lim dim đôi mắt như để lùi ra xa nhìn cho nó khách quan hơn, trọn vẹn hơn.

Sau những phút im lặng giữ kẽ thăm dò nhau, cái không khí im lặng ấy thực sự được mở tung khi kiểm điểm trách nhiệm quanh việc mười lăm chiếc xe cháy trong vòng một tuần qua.

Tuy nói dè dặt:

- Cái này anh Trường nắm tương đối chính xác sẽ trình bày với đồng chí bí thư đảng uỷ và chi bộ.

Khuôn mặt Trường bỗng đỏ lên đột ngột:

- Sao đồng chí không nói thẳng ra rằng: Đồng chí Trường phải chịu trách nhiệm về chuyện này, phải kiểm điểm trước chi bộ và đảng uỷ cấp trên.

Giá như mọi lần khác Tuy có thể rất bình thản, niềm nở nói: "Anh Trường, sao nóng thế, bình tĩnh ta trao đổi với nhau. Anh em "trong nhà" có gì không nên không phải..." Còn lúc này anh đã có cảm giác Trường đang "tấn công" mình, anh đáp lạnh lùng:

- Tôi không có ý định nói thế.

Trường:


- Có lẽ hôm nay ta có dịp cởi cái dây vẫn túm buộc lùng nhùng bao nhiêu thứ lại. Tôi xin phát biểu.

Tuy đưa mắt nhìn chính uỷ, nói chặn lại:

- Theo chỉ thị của đảng uỷ, chủ yếu của cuộc hội nghị này ta kiểm điểm công việc trong mấy tuần qua ở mặt đường. Còn những việc khác ta để đến đại hội chi bộ sắp tới anh ạ.

- Cứ để các đồng chí ấy phát biểu thoải mái. Cũng là dịp tôi hiểu thêm chi bộ ta - Chính uỷ đề nghị.

Tuy vui vẻ quay sang Trường:

- Mời anh Trường phát biểu đi.

Trường ghi nốt những điều định nói vào cuốn lịch con, nhìn lướt qua các gạch ngang đầu dòng rồi đứng dậy. Hai má anh đỏ bừng, giọng anh nhỏ lại. Vẫn cái thói quen khi bị kích động mạnh, anh thường ghìm những ý nghĩ xô bồ khỏi ùa toá ra. Anh nhìn như dán vào quyển lịch, thực ra hai mắt loa loá chả nhìn thấy gì. Dần dần giọng anh hối hả nối những điều vụn vặt, rời rã từ bao giờ thành một mạch. Nghe anh, khuôn mặt Tuy đỏ dần lên, rồi lại lạnh nguội đi, hai môi run run, đường máu ở thái dương nổi phập phồng. Bàn tay ghi ghi rồi xoay xoay nắp bút, rồi nhấp nhổm chỉ chực giơ lên ngắt ngang lời Trường, nhưng hai môi anh vẫn phải mím lại, mím lại chưa kín miệng, trông như cười, cười gượng gạo. Các đảng viên đang ngồi trong căn nhà hầm bắt đầu quay đầu chụm vào nhau thành từng nhóm hoặc thì thầm cau có, hoặc im lặng mỉm cười. Chính uỷ vẫn hơi cúi hút thuốc lá vặt. Đôi lúc ông chau mày khó chịu vì những câu, chữ dùng quá đáng của Trường. Điếu thuốc lá trong tay ông phải châm lại lần thứ ba. Với thói quen trong công tác của mình ông chưa thể nghe ý kiến một chiều. Nhưng suốt mấy ngày sống với chiến sĩ của đại đội và qua những cử chỉ đồng tình của các đảng viên khi nghe Trường phê phán Tuy, rõ ràng là tình cảm của mọi người đã bị nén lại từ lâu. Ông nhìn đăm đăm vào khuôn mặt đầy hiếu động của Trường lúc đang nói. Vẫn thế. Vẫn như mười năm trước đây. Một chiến sĩ sống chân thành thẳng thắn và kiên quyết. Nhưng tại sao họ lại để tụ đọng những chuyện như kết nạp đảng một đoàn viên không có chi đoàn giới thiệu từ cuối mùa trước, chuyện đề bạt trung đội trưởng trung đội ba cách đây ba tháng không có ý kiến tập thể chi uỷ, chuyện Tuy tạm thời thay bí thư không có quyết định v.v...

Nhìn vào những hiện tượng này, chính uỷ nhớ đến cái tính vì nể, "cho qua chuyện" để tránh rắc rối, mất việc, tránh né những việc không động chạm đến mình mà trước đây ông đã phê phán Trường về những biểu hiện tính tiểu tư sản, đến bây giờ vẫn còn là tật cố hữu của cậu ta.

Một vài đảng viên phát biểu tiếp theo, có nói đến tác phong bao biện, sự khéo léo giả dối của chính trị viên phó, nhưng không ai nói thẳng cả. Sự bóng gió, mơn trớn ấy khiến ai cũng phải lập lờ chữ "Mới cảm thấy". Từ lúc nói xong, Trường vẫn cúi, vẻ mặt đăm chiêu. Chính uỷ nhìn lướt trên khuôn mặt anh. Những cái tươi tắn ngày trước bây giờ thay bằng lớp da đen tái, xít sạm lại. Cái đuôi mắt bây giờ cũng sâu xuống đăm đăm, ít thấy ánh lên sự đùa giễu cởi mở và cái miệng không còn bô lô, ba la như trước nữa. Ông thấy một cái gì xáo động như là tình cha con, làm ông ngồi lặng đi. Tại sao anh Lan lại bực bội mỗi lần nhắc đến cậu ta. Cậu ấy "cãi lại" đôi ba lần, làm gì đến nỗi gây cho anh một ấn tượng căng thẳng như thế. Anh em chiến sĩ vẫn quý mến cậu ta với một tình cảm chân thành kia mà. Còn cậu Tuy, đến chỗ nào cũng vồn vã, cũng cười nói, cũng khen ngợi, tán tụng hết lời trước mặt nhau đấy, nhưng thử hỏi sau những lời nói ấy, sau những nét bút nguệch ngoạc vội vàng đầy hấp dẫn cho các tờ báo tường của mỗi trung đội, còn thấy gì đọng lại, lưu luyến nữa không? Anh Lan và một số trợ lý trên binh trạm khen công tác chính trị của đại đội ba rất giỏi là thế nào? Những ý kiến tích tụ từ bao lâu nay bây giờ mới bật tung ra, chứng tỏ là họ đã thiếu dân chủ, đã kém đấu tranh phê bình và tự phê bình. Ý thức đảng của mỗi đảng viên đã thế, thử hỏi quần chúng của họ sẽ ra sao? Rõ ràng họ sống với nhau chưa chân tình, chưa minh bạch. Công tác chính trị của một đại đội giỏi chỉ nhìn vào những lời lẽ báo cáo trôi chảy, nhiều hình ảnh, những tờ báo tường, những khẩu hiệu đẹp và kêu thôi ư? Người làm chính trị giỏi đâu chỉ ở cái hoa tay, cái tài vặt và nói năng có duyên, có văn vẻ bay bổng như anh chàng làm xiếc quảng cáo thuốc hắc lào, hôi nách ở chợ.

Chính uỷ vẫn ngồi lặng đi. Ông lắng nghe tất cả, tất cả biến thành sự yêu thương, bực bội, thành sự suy nghĩ căng thẳng trong ông. Nhưng ông vẫn phải vui vẻ, bình tĩnh giữ một thái độ bình tĩnh. Bao giờ ở trong ông cũng có hai con người: Một là loại người dễ xúc động, yêu thương đằm thắm và sẵn sàng phẫn nộ trước một cử chỉ giả dối, nhỏ nhen thiếu tình người của bất cứ ai đó. Một con người khác, con người với cương vị bí thư một đảng uỷ, chính uỷ một binh trạm ông phải biết bình tĩnh suy xét trước sau để tìm thấy cái mấu quan trọng, tìm trong sự rắc rối ấy cái hướng vươn lên chứ không phải rạch ròi nó để thoả mãn tính tò mò tầm thường và vùi dập nó. Thực ra hai con người đó vẫn là một, nhưng những cử chỉ được bộc lộ ra vẫn là phía cương vị chính uỷ. Hơn nữa trong trường hợp này không phải chỉ là mối quan hệ giữa hai cán bộ đại đội, giữa Tuy và các đảng viên khác. Quan hệ của họ tốt hay xấu, gần lại hay xa nhau còn nhìn vào các sợi dây chằng níu với cán bộ binh trạm. Mỗi người trong họ đều có mối quen thân, một tình cảm riêng, một sự phù hợp tính nết, một sự thông cảm với các thủ trưởng cấp trên. Chẳng hạn, ai cũng biết cậu Trường là chiến sĩ của ông và ông rất mến cậu ta. Tuy lại được binh trạm trưởng gần gũi, tin tưởng. Lẽ đương nhiên, hai người cán bộ cấp dưới ấy sẽ nhìn vào mặt mỗi cán bộ cấp trên mà họ làm chỗ dựa để cư xử với nhau. Đành rằng ông biết chắc chắn cậu Trường nó không quen sống kiểu ấy. Ông cũng chẳng ưa gì loại người dựa dẫm. Nhưng phải hiểu cho tỉ mỉ, cho khách quan, cho rõ thực chất đại đội ba, với từng cán bộ, từng sự việc, từng thái độ cụ thể của nó.

Những đảng viên đã phát biểu mạnh dạn hơn, thẳng thắn hơn. Phần lớn ý kiến của những đảng viên trẻ, trẻ cả tuổi đời, trẻ cả tuổi Đảng, dồn lại phê phán tư cách, tác phong của Tuy. Tuy đứng dậy phát biểu. Cử chỉ của anh từ tốn. Giọng anh nhỏ lại, xúc động:

- Tôi biết, tôi có những việc làm để các đồng chí hiểu khác đi và có một ấn tượng không tốt về tôi. Hôm nay có mặt đồng chí bí thư đảng uỷ cấp trên, tôi cũng xin mạnh dạn nói ra nỗi niềm của mình. Các đồng chí ạ. Có những cử chỉ tôi đã biết là sai rồi đấy, biết trước khi làm đấy nhưng không thể nào nén lại được. Lương tâm và trách nhiệm không cho phép tôi bình tĩnh lại các đồng chí ạ. Chẳng hạn như việc cháy, đổ xe của chúng ta trong thời gian qua. Tôi nghĩ hạt gạo là hạt vàng, là máu của đồng bào, đồng chí. Bao nhiêu đồng đội của chúng ta khao khát, ngóng chờ từng cân gạo của chúng ta. Thế mà gạo vẫn đổ đầy đường. Đành rằng cung đường chúng ta đảm nhiệm rất ác liệt. Nhưng thú thật với các đồng chí, mỗi lần ra mặt đường nhìn thấy hàng tấn gạo tung toé vung vãi trắng rừng, trắng núi, tôi nghĩ đến cái đói của anh em mình phía trong mà không cầm được nước mắt.

Đến lúc này, chính uỷ không thể kìm giữ được nữa. Ông như giật mình nhổm hẳn người dậy, hai mặt mở to ngỡ ngàng nhìn vào Tuy vẫn đang nói. Chỉ một chút nữa ông bật thốt ra câu: "Nói láo, thằng cha này bố láo!". Trong người ông lại dội lên nỗi bực bội về sự dối trá của Tuy. Đến đại đội ba ông đã nghe và kiểm tra kĩ lưỡng về một việc làm thiếu tình nghĩa của Tuy trong chuyến công tác cách đây một tháng. Hôm ấy đoàn xe của xê ba do Tuy chỉ huy vượt qua vòng lửa trở về đến chân cao điểm Phù Lã, trạm chỉ huy giao thông báo cho biết phía đầu kia cao điểm chiếc xe sau cùng của đơn vị bị trúng bom, người lái phụ bị thương, lái chính hi sinh. Tuy nghe máy điện thoại xong đứng chần chừ một lúc rồi hạ lệnh cho hai chiến sĩ đi bộ quay lại. Hai chiến sĩ phải đi bộ sáu cây số lửa và bom. Bọn địch đang "lấn sàng" giành giật cái phút ranh giới giữa đêm và ngày để chặn đầu các đoàn xe không cho vượt cao điểm. Hai chiến sĩ phải vượt qua vùng nguy hiểm đó để ngày hôm ấy vừa chôn cất người ngã xuống, vừa cấp cứu, chữa chạy cho người bị thương. Còn Tuy tiếp tục cho đoàn xe "mở hết ga" để về bãi "chuẩn bị gấp rút" cho đợt công kích đêm sau theo chỉ thị của binh trạm. Mọi việc đã giải quyết xong xuôi và anh đã có một "lý do chính đáng" để trở về. Nhưng thử nghĩ mà xem, chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng: Anh em sống trong đơn vị phải thương yêu nhau như tình máu mủ, ruột thịt. Thử hỏi, nếu người ngã xuống ở đầu kia trọng điểm là con anh, là vợ anh, là cha mẹ anh thì anh có đành lòng giải quyết theo một biện pháp giản đơn và lạnh lùng như thế không? Ở hoàn cảnh cụ thể ấy anh còn có thể giải quyết cách nào tốt hơn không? Với một đồng đội đã nằm xuống, anh còn thờ ơ như thế, làm gì có được giọt nước mắt xót thương nhỏ xuống những bì gạo. Không ổn, không ổn đâu. Sống với nhau như thế còn gì gọi là sâu sắc nữa. Mới cách đây mấy hôm, ông thốt lên sự bực bội ấy, bây giờ ông lại nghe anh ta nói đến sự rung động với những hạt gạo vãi, làm sao ông chịu nổi. Nhưng ông chỉ ghi một vài câu gì đó vào sổ tay rồi lại ngồi im, vẫn phải im lặng, ghìm nén để nghe cho hết. Ông biết những ý kiến đã phê phán, đấu tranh gay gắt với nhau kia còn có một ý muốn giãi bày với ông. Với một cương vị bí thư đảng uỷ cấp trên ông phải nghe bằng cách nào? Xem xét, đánh giá như thế nào để phê phán, uốn nắn, xử lý nghiêm khắc những khuyết điểm và khích lệ những ưu điểm của họ cho đúng đắn, vừa đảm bảo sự nghiêm minh của Đảng vừa có tình nghĩa. Những người mang danh hiệu đảng viên ở chi bộ đại đội ba, cái mũi nhọn trên cao điểm Phù Lã này hầu như đã thấy hết trách nhiệm của mình để cấp trên hiểu rõ sự thật. Họ đã bắt đầu nói với nhau một cách thẳng thắn và chân tình. Chính uỷ xoay hẳn người sang phía trung đội trưởng trung đội ba, một đảng viên dự bị, làm bí thư chi đoàn. Vừa đứng dậy, anh nói ngay:

- Do bận việc của trung đội nên tôi cũng chả để ý trong ban chỉ huy các đồng chí phân công thế nào, nhưng đồng chí Tuy có ít dịp ra mặt đường, nên không thấy hết sự gian khổ, ác liệt mà anh em đang phải chịu đựng. Tất cả những trường hợp mất gạo đều do nó đánh trúng, làm xe đổ, cháy, gạo bung ra. Một tháng, hăm bảy, hăm tám đêm tôi ở mặt đường tôi biết rất rõ rằng anh em chiến sĩ lái xe của đại đội, các đoàn viên thanh niên của các chi đoàn không hề bỏ sót một đống gạo nào chừng một hai cân trở lên mà không vét. Với tính của lái xe, chúng ta còn lạ gì sự nóng nảy, khẩn trương của anh em nữa. Thế mà họ ngồi lại vét từng nắm gạo giữa lúc bom đạn mù mịt quanh người, tôi tưởng ta phải thấy đó là một chuyển biến rất lớn về ý thức trách nhiệm của anh em quần chúng chứ - Càng nói sự rụt rè ban đầu càng biến đi, sự hăng hái của người nói khiến cả gian hầm im phăng phắc lắng tai nghe và ai cũng muốn anh nói nữa dù biết anh phát biểu đã quá dài. Tuy đưa mắt kín đáo nhìn người đang nói. Cái nhìn đó như muốn bảo: "Chính tôi đã bị phê bình về khuyết điểm đề nghị cấp trên đề bạt anh không có ý kiến tập thể chi uỷ đấy". Còn người đang nói bắt gặp cái nhìn của Tuy lại càng hăng, muốn nói một câu gì đó để chứng tỏ rằng anh chẳng phải ơn huệ gì ai. Anh được đề bạt là do yêu cầu của công việc, do tín nhiệm của anh em trong đơn vị. Với Tuy, dù không nói ra nhưng anh biết thừa việc làm của anh ta muốn "tỏ ra" chứ không phải từ một tấm lòng thành thực. Vả lại, với cái tính "Biết gì nói nấy" anh không thể giấu giếm những điều đã ngẫm nghĩ trong người - Tôi xin nói tiếp - Mọi người khuyến khích: "Cứ tiếp đi. Nói hết, đang hay đấy!".

- Tôi xin nói tiếp, có được tác phong ấy trong anh em chiến sĩ, phải nói là kết quả giáo dục của chi bộ và vai trò gương mẫu của đảng viên chúng ta. Người ta bảo "khuôn tròn thì mặt hàng tròn" các đồng chí ạ. Tôi ví dụ những việc làm các đồng chí còn nhớ, tôi cứ xin nhắc lại. Chuyện chúng ta đổ cơm ở dọc đường ấy! Dạo đó mới đầu mùa mưa ở phía tây, anh em lái xe ăn không hết cơm đem đổ là hiện tượng phổ biến ở trung đội tôi. Cơm thừa không phải do nấu nhiều. Thừa là vì đi mệt, nấu hai lạng ăn cũng không được. Đồng chí Trường nhắc rất nhiều, chúng tôi vẫn chưa sửa chữa được triệt để. Một hôm đồng chí lên cơn sốt cao, anh em bàn nhau kiếm ít lá chua nấu canh nóng để đồng chí ấy húp đỡ xót ruột. Nấu xong chờ mãi. Xe đồng chí ấy bị cháy, đồng chí và đồng chí lái phải đi bộ về. Về đến nhà anh em bê cơm canh nóng đến, đồng chí bảo đã ăn nhờ đơn vị bạn rồi. Sau đấy, đồng chí lái xe mới cho biết đại đội trưởng đã lấy cơm thừa buổi sáng của chúng tôi đổ cạnh đường, gần bãi xe ở cây số 73. Ăn xong đồng chí còn bốc được một túi khoác về đưa cho anh nuôi để chiều hấp lại. Chúng tôi nhìn nhau không ai nói gì cả. Từ ngày hôm sau anh em chúng tôi không ai nỡ đổ một lẻ cơm thừa đi nữa. - Gian hầm ắng đi, có thể nghe rất rõ tiếng lá cây rơi trên mái lợp ni lông. Biết mọi người vẫn lắng nghe mình nói, anh ví dụ thêm một việc làm thứ hai của đại đội trưởng: - Một chuyện khác, vừa mới tháng trước thôi. Nhiều đồng chí chúng ta ngồi đây đều thấy cả. Hôm ấy đồng chí đại đội trưởng bị sức ép ngất đi. Lúc tỉnh dậy, máu tai còn đương chảy ròng ròng, đồng chí gắt, ra lệnh cho chúng tôi phải đi vét hết gạo đổ và tự bản thân đồng chí ngồi hàng giờ ở trọng điểm để vét gạo. Như thế thì lính nào lại thờ ơ với những cân gạo mình mang đi. Anh Tuy nói để mà nói thôi. Nhìn thấy gạo tung toé trắng rừng, trắng núi ai chả xót. Nhưng ai đi nhặt được từng hạt gạo ở kẽ đá, ở trong tàn than, trong đất, sỏi ở giữa trọng điểm ấy. Nói thế là không thực tế. Tôi hết ý kiến rồi đấy.

Hội nghị vẫn ngồi im khi người nói đã ngồi xuống. Chính uỷ tựa lưng vào ghế bằng đệm xe, hai tay khoanh trước ngực, khuôn mặt ông vẫn lặng yên không hề thấy một biểu hiện vui hay buồn. Tất cả ông vẫn kìm nén một cách thuần thục. Như thế là ông đã nghe được rất nhiều ý kiến, nhiều cách nói khác nhau, nhiều tâm trạng và cử chỉ khác nhau tuỳ theo cương vị và cách sống của từng người. Và quan trọng hơn, ở phía sau những lời nói đó, ông biết được họ đang nghĩ gì, đòi hỏi những gì, cái gì còn uẩn khúc chưa gỡ ra hết, cần phải tìm hiểu thêm, xem xét kỹ lưỡng hơn. Chợt ông ngồi ngay người mỉm cười gật gật đầu. Được rồi, nó sẽ có biện pháp đẩy đơn vị lên, mọi quyết định của binh trạm cho nó sẽ chính xác hơn. Chà, cái anh chàng bác sĩ khoa dạ dày trên đoàn nói đúng thật: "Ở trên đời này, cái khó nhất để chữa một căn bệnh là lúc tìm nguyên nhân, không tìm thấy nguyên nhân, thuốc tiên cũng chịu!".



2
Thú mặc bao giờ cũng gọn và thẳng nếp quần áo. Dù nóng hay lạnh đêm nào cậu cũng gấp quần áo dài, phủ khăn mặt làm gối. Có nằm đất hay ngủ võng ở giữa rừng cậu cũng giữ được nếp quen đó. Trang bị của cậu có chiếc đài Nhật tám bóng, túi chiến lợi phẩm bằng bạt mỗi lần mở nghe soàn soạt như xé vải và khẩu tiểu liên báng gập vác ở vai hoặc cầm tay. Với cái dáng gầy, cao và cách ăn mặc như thế trông cậu có dáng dấp một học sinh ở thị xã hơn là một thanh niên nông thôn vất vả. Trước ngày nhập ngũ, cậu là lao động chính, chịu nhiều nỗi dằn vặt do mối quan hệ không vui vẻ của bố mẹ luôn luôn xảy ra. Không bao giờ cậu dám kể chuyện về bố mình một cách đầy đủ và đặc biệt không hề đả động đến hình dáng của ông. Bạn bè có gặng hỏi, cậu chỉ trả lời hờ hững: "Thày mình cũng không được khoẻ, mắt lại kém do ông cụ đọc nhiều tiểu thuyết!". Sự thực, cha cậu là một người như thế này: Tai điếc, hai mắt luôn luôn nhấp nhính, một đường đỏ rát viền quanh, bao giờ cũng có chiếc khăn mặt vòng qua cổ chấm nước mắt. Hai hàm răng khời khạc, có cái đã rụng, cái đang đung đưa như cột nhà ải trước cơn bão. Chân phải bị teo vì sài giật hồi nhỏ. Ông đi cứ như quăng cái chân chỗ khác rồi mới kéo lại đặt xuống đất, mỗi bước trông khó khăn vất vả nên bọn trẻ con trong xóm gọi ông là: "ông chấm phẩy". Một ông già đã hơn năm mươi tàn tật lại luôn luôn là nỗi ngạc nhiên, là niềm hứng thú của dân làng mỗi khi có người xa đến. Những người ham mê chuyện hoặc có điều gì buồn phiền thường đến nhà ông ngồi hàng buổi, thức trắng đêm để ông nói đến những số phận, những triết lý và nghe kể hết ngày này tiếp ngày khác về những tiểu thuyết của Ban-zắc, Vích-to Huy-gô, của Sếc-pia, Gô-gôn, của Goóc-ki và Lỗ Tấn v.v... Nghĩa là không một tác phẩm nào dịch ra tiếng nước mình, ông lại không cậy cục mượn bằng được. Người ta gieo vào ông niềm say mê và hết lòng thu thập sách cho ông đọc là ông anh họ dạy học ở trường thị xã. Ông đã làm dăm trăm bài thơ và được bốn bài đăng ở báo tỉnh. Nhưng đặc biệt ông yêu mến các nhà văn của nước ta. Mỗi lần được gặp người tỏ ra am hiểu giới văn nghệ, ông lại hỏi thăm về sức khoẻ và vợ con, về cách ăn mặc, đi đứng, về tác phẩm đang viết và những dự định của Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Tô Hoài... Như thể những người đó là bạn bè thân thiết, đang cần đến sự quan tâm của ông lắm lắm. Có lần nghe tin một nhà văn về thôn bên cạnh, ông mừng luýnh quýnh như trẻ con mừng mẹ đi chợ về. Đang đêm ông đốt đèn dầu, chống gậy đi hai kilômét đến ngắm nghía mặt mũi, cách ăn mặc, nói năng của anh ta và nhắn một tin rất trang trọng: "Anh nói với ông Nguyễn Đình Thi hộ tôi là tôi gửi nhời hỏi thăm cô Xoan(1), vợ chồng anh Côi(2). Nếu ông ấy có thể giúp tôi việc này thì hay quá: Tôi muốn biết rõ xã của anh Khắc(3) bây giờ là gì, tôi sẽ tìm cách đến thăm quê anh ấy. Nói thật với anh lúc anh Khắc chết tôi khóc suốt đêm, thương anh ấy quá. Chắc ông Nguyễn Đình Thi là bạn cùng hoạt động với anh Khắc".

Bà vợ kém ông chín tuổi. Tuy đã có năm mặt con, vẫn gọn gàng, nhẹ nhõm như người ngoài ba mươi. Bà con làng xóm bảo: Thời con gái mẹ Thú đẹp, nết na khiến bao chàng trai điêu xiêu, nhưng bà chỉ mê tài kể chuyện của bố Thú. Mấy chục năm trời ăn ở với nhau bà chưa bao giờ to tiếng với chồng. Còn ông lại hay bỏ nhà ôm bọc sách sang làng khác hoặc chia gạo nấu ăn riêng. Hôm giỗ bố, ông bảo mua hai cân thịt và làm con gà. Bà chỉ mua được mấy con cá và năm bìa đậu. Thế là ông ôm sách bỏ nhà đi. Đêm ngủ, thằng Hải để chân lấm, cái Viện đái dầm. Ông bỏ quyển sách đang đọc, ngồi lặng hết đêm. Ngày hôm sau ông nấu cơm ăn riêng. Ăn cơm, thằng Minh tranh bát của em, bà lấy đũa cả đập vào đầu thằng anh, cả hai đứa cùng khóc. Ông bỏ bát cơm ăn dở đứng dậy. Chiều đó ông nhịn cơm và ngày sau lại nấu ăn riêng. Mỗi lần như thế nước mắt người vợ lại lặng lẽ chảy. Sự tủi hổ với xóm làng làm bà rầu rĩ chả còn thiết gì và nhiều khi đánh mắng các con rất vô cớ. Dường như sự hờn tủi, bực bội của bà dồn cả vào chúng. Khi tiếng khóc oa oa như ong của cả ba, bốn đứa trẻ váng lên, thằng con cả đứng ở một góc nhà. Không ai động chạm gì đến mà nước mắt cậu cứ giàn xuống đầy miệng. Cậu đưa cánh tay áo quệt nước mắt, rồi lặng lẽ thu dọn mâm bát lỏng chỏng, quét sân, nhà ngập ngụa, đi vớt bèo, nấu cám hoặc múc nước tắm rửa cho từng đứa bé đang mếu máo. Nghĩa là, những lần như thế công việc của mẹ, của mấy đứa khác dồn cả đến tay cậu, cậu làm lặng lẽ và ngăn nắp. Không bao giờ mẹ nói một lời nặng với cậu. Lúc nguôi cơn tức bà giãi bày lòng mình với cậu như nói với người bạn gái: "Mẹ cũng khổ lắm con ạ. Biết làm thế nào được. Bố con mê muội những người trong truyện hơn mẹ, hơn gia cảnh nhà mình. Giá không vì các con, mẹ không thể nào chịu được cảnh "đồng bóng" này! Con đừng giận gì mẹ!". Mẹ bật khóc để nỗi ấm ức được trào thoát, được chia sẻ cho con, để nó nhẹ vợi đi. Cậu chả hiểu phải nói với mẹ điều gì để mẹ vui. Lòng thương mẹ, an ủi mẹ, cậu giấu trong công việc, trong sự sai bảo uốn nắn các em đỡ đần mẹ. Cậu cũng nghiêm khắc ngăn cấm chúng nó khi thấy bố mẹ giận nhau không đứa nào được quấy rầy, hờn dỗi để bố phải bực bội.

Mấy năm gần đây, hợp tác xã vận động bố tham gia tổ phổ biến khoa học và giữ thư viện cho xã. Bố hăng hái lao vào công việc bận rộn đầy hào hứng và được bà con xã viên rất mến phục tài kể chuyện của bố. Gia đình ít khi phải chia gạo ăn riêng và bố không bỏ nhà ôm sách ra đi như trước nữa. Hôm Thú nhập ngũ, bố nằm bò suốt đêm làm một bài thơ tặng con. Lúc Thú ra đi, bố cầm lấy tay con khóc mếu máo: "Con tha lỗi cho bố. Do bệnh tật dày vò, những năm trước bố thấy bất lực quá. Mơ ước thì nhiều mà thực tế chỉ là kẻ ăn bám, bố tủi thân, bố ấm ức, muốn phá tung tất cả, bố đã làm các con phải tủi hổ, phải buồn phiền! Đáng nhẽ cái tuổi các con phải được học hành bay bổng. Bố đã làm rạn vỡ cả. Bố đã để một tấm gương xấu. Con ra đi, bố chỉ mong con cố phấn đấu. Coi như mới bắt đầu tất cả, tất cả mới bắt đầu với con. Còn bố, bố xin hứa...".

Từ một hoàn cảnh như thế, Thú mong muốn khát khao một tình người đẹp đẽ. Để có được cái đó cậu sẵn sàng quên mình đi trong tất cả mọi trường hợp, lo toan cho mọi người với sự cần mẫn lặng lẽ phía trong vẻ mặt cau có, âu yếm. Với chính uỷ, cậu thấy kính nể ông như cha mình và còn có cái gì đó cao thượng mà cha mình không có được. Dù thế, cậu vẫn càu nhàu dai dẳng mỗi khi ông không chịu chấp nhận sự chăm sóc của cậu hoặc làm không đúng điều cậu đã dự tính, lo lắng cho ông. Hôm mới đến đại đội ba chính uỷ bảo:

- Chỗ cây số 33 có đơn vị Thanh niên xung phong đấy. Trong những ngày mình ở đây, cậu tranh thủ đến hỏi xem có cái Thanh Mơ hay Thanh Mờ gì không?

- Tôi không đi đâu, thủ trưởng ạ.

- Sao? Hết hi vọng rồi à? Cậu chán bỏ mẹ. Viết thư lại văn hoa bóng gió, không có địa chỉ, nó biết đâu trả lời cậu.

- Không phải sợ không tìm thấy mà ở đây ăn uống kém lắm. Cũng lạng rưỡi cả, nhưng cánh lính lái xe lười cải thiện, thủ trưởng không chịu được.

- Ối dà, anh em sống được, mình cũng sống được, lo gì. Cậu đi tìm nó xem.

- Thủ trưởng cứ chủ quan. Anh em đang tuổi ăn tuổi ngủ, sức khoẻ dồi dào, ăn củ nâu cũng như tằm ăn rỗi, thủ trưởng có nuốt nổi không? Thôi thủ trưởng cứ lo làm việc đi, tôi ở đây thôi.

Ngoài tiêu chuẩn một bát cháo, một bát cơm mỗi ngày, Thú còn nấu cho chính uỷ hai bữa ăn phụ bằng măng, mộc nhĩ hoặc rau. Chỉ có điều là cậu không hài lòng là lính lái xe xô bồ, tự nhiên quá. Có khi chính uỷ mới húp được nửa bát cháo họ đã kết thúc bữa ăn rồi. Lúc Thú nấu canh bữa phụ, thủ trưởng mời nài, đáng nhẽ họ phải từ chối: "Mời thủ trưởng ăn đi, chúng tôi còn no lắm ạ!". Đằng này mỗi anh sà vào vui vẻ gắp một đũa là hết rồi còn gì. Cho đến buổi sáng nay chính uỷ nói chuyện với cán bộ, đảng viên đại đội ba, ông thầm cảm ơn Thú vô cùng. Lúc bấy giờ khoảng chín giờ sáng. Hơn hai tiếng đồng hồ nói liên tục, mồ hôi ông vã ra như tắm, người choáng váng, chân tay tê dại. Nhưng ông vẫn phải cố, cố nói cho hết những điều mình đã nghĩ. Mắt ông bắt đầu hoa lên, tiếng nói cảm thấy run run rồi. Giữa lúc ấy có tiếng xì xào của Thú ở cửa rồi Tuy đề nghị xin nghỉ mười phút. Thú đứng chờ ở phía ngoài, đợi ông ra và đưa ông xuống gian hầm ban chỉ huy. Hai bát canh măng nấu lẫn với rau dớn, rau má đang bốc hơi ngun ngút ở mặt hòm đạn. Nhìn nét mặt chính uỷ tỉnh dần sau mỗi thìa canh húp vào, cậu thấy khoan khoái như chính mình đang húp xì xoạp ngon lành. Húp hết một bát, chính uỷ "hà hà" vẻ khoan khoái vui sướng. Ông đứng dậy bảo Thú:

- Rửa bát, xẻ đôi ra, gọi anh Trường, anh Tuy về mỗi người một tí. Sáng nay các anh ấy cũng nhịn cả. Hà, may quá cậu ạ, mình tưởng không đứng nổi nữa.



Chỉ cần có thế. Chỉ cần mỗi lần nghe cái tiếng thở ra khoan khoái ấy là Thú đứng bần thần, ngây ra hàng phút, rồi sau đó, lúc quay đi cậu lặng lẽ cười. Đợi chính uỷ tiếp tục nói chuyện, cậu đeo đài, túi, súng và dao lần qua suối vào rừng lim phía bên kia sườn núi. Còn nửa hộp thịt Vũ gửi từ đội điều trị về cho, sáng nay cậu nhặt nấm về xào. Mỡ phi hành, cà chua rừng, mộc nhĩ, rồi đổ nấm vào lại chả thơm lừng cả khu rừng, ngửi vào cây lim, cây gụ cũng thấy ngấm mùi hành mỡ ấy chứ. Cậu hăm hở luồn sâu vào những chòm cây đổ, cây mục chưa có bước chân nào tới. Chòm cây ùm tùm như cánh tay co kéo cậu giật lại. Quai dép đã rộng ra, nhây nhúa bùn, bước đi, bàn chân truội lên khỏi mũi dép. Đã thấy mệt, cậu chọn một phiến đá nghỉ chân. Những tầng lá lớp lớp dâng lên chen cuốn vào nhau trông như cái giàn mướp bắc qua nóc của nhà ai. Nắng bỗng bừng lên lấp loá ở ngọn cây. Vòm trời như chiếc ô chật hẹp, rách rưới, nắng rơi lổ đổ và xanh chấp chới ở thân cây, ở sườn đồi và lớp lá mục. Nắng trong rừng, trông đâu cũng xanh. Cả khu rừng già chỉ có vòm trời chỗ suối chảy là rộng. Từng dòng nắng vàng rót chéo xuống lớp lá non ướt óng ả ở hai bên bờ và đọng lại thành vũng sóng sánh ở mặt nước. Suối long lanh thành con mắt của rừng. Tiếng con Btốc ở đâu nghe như sáo, giọng sơn ca thánh thót và tiếng con bìm bịp giống như người thổi cos. Bao nhiêu chim hoà giọng vào nhau thành bản nhạc tươi sáng trộn trong tiếng suối chảy mát êm êm như người mẹ nào đó đang nằm võng ru con. Bao nhiêu âm thanh dường như mới cất lên. Mới đây thôi, lúc trời hầng nắng. Rừng xanh tinh khiết dâng lên trong lòng cậu niềm khao khát như say. Con cuồng cuồng chân dài lêu đêu bám vào vỏ cây rồi cứ quay mình quanh chỗ đứng như kiểu múa của người Thượng. Chim gõ kiến màu nâu mỏ dài, sắc chuyên nằm chổng ngược quặp chân lại vỏ cây nhích đi dần dần và gõ mỏ cộc cộc vào thân cây nhặt kiến. Còn con sóc thì tìm đến đám cứt mối phá ra để ăn sâu bọ ở thân cây mục. Một bông hoa cánh gió màu vàng ươm, từ rất cao bứt khỏi cuộng chao như chong chóng, chậm chạp rơi trên lưng chú sóc làm chú ta giật mình lao vụt đi. Thú ngồi mê man trong những âm thanh của chim muông, trong hoạt động sinh sống của loài thú hoang dã. Cậu đứng dậy nhặt bông hoa cánh gió chú sóc làm rơi lại. Bông hoa trông dầy cứng, cầm đến chỉ thấy mỏng manh. Mê mẩn cánh hoa trong tay cậu vẫn chưa hết cảm giác ngây ngất giữa cảnh nắng rừng, cái nắng hong hanh hào phóng thế này ở giữa mùa mưa có phải là nhiều đâu. Suốt mấy tháng nay, nắng chỉ được chốc lát, độp cái lại mưa, lại gió, lại sầm đen, cả rừng, cả núi âm u mờ mịt chỉ nghe tiếng côn trùng rên, tiếng thú gầm và những con vắt xanh nhoai lên nhâu nhâu như tằm ăn rỗi. Đang đi nhởn nhơ Thú chợt nhìn tổ mối đùn lên to lù lù như nón úp ở cạnh ngôi nhà kho cũ, khiến hai mắt cậu sáng lên, dứt ra khỏi cơn mơ, trở về cái túi chiến lợi phẩm còn lép kẹp. Xách súng, đài, túi dết chỉ hơi liếc mắt, cậu đã nhìn thấy từng cụm nấm ló ra dưới mỗi vầng đất mối đùn lên: Hà, nấm mối hay nấm muốt cũng là mày đây. Những cây nấm hình nón, màu nâu vàng chen lẫn với cây màu đen như phủ tro. Nhặt hết khu nấm, mới lưng túi, cậu thủng thẳng đi và mở đài nghe hát chèo buổi trưa. Một lát sau, cậu nhìn thấy nấm da cam quanh thân cây gỗ mục. Cả một vùng nấm, cây nào mũ cũng tròn, lõm giữa, chân béo mập mạp trông trương lên như một người lực lưỡng đội mũ trẻ con. Hết nấm da cam, nhặt nấm cỏ tranh, nấm hương mọc trên những thân cây sồi, cây xan xan. Rồi nấm dai, nấm cà... bao nhiêu nơi sinh sống của tất cả loại nấm cậu đều "quen thân" như cậu vẫn nói. Khi chiếc túi căng ních dần lên, bên tai cậu nghe như đã có tiếng xèo xèo của những cây nấm nhếnh nháng mỡ, săn dần lại trông trắng như miếng thịt gà nõn. Cậu ngồi bên dòng suối chảy, nghe đài, hai mắt mở lim dim và cái miệng tủm tỉm cười một mình. Chợt có tiếng hú gọi. Cậu như bừng tỉnh nghiêng tai. Từ đâu đại đội trưởng Trường đã xuất hiện ngay trước mặt cậu. Thoạt trông thấy anh, mặt Thú xám xanh kêu hét lên. Trường đứng cười thú vị, mặc cho con rắn cuốn hai vòng quanh cổ anh, đang vươn đầu lên như người uốn dẻo. Thấy Thú chưa hết sợ, tay Trường nắm lấy đầu rắn, giọng nghiêm chỉnh:

- Bẻ hết răng, vuốt xương sống rồi không sợ.

- Anh bắt bằng cách nào thế, tay không à?

- Ừ tay không cũng được. Nhưng phải nhiều phép lắm. Bạn biết bắt rắn chưa? Chưa à? Lính Trường Sơn thế là xoàng. Bỏ phí một nguồn thực phẩm lớn đấy.

- Trông sợ lắm.

- Quen đi chứ. Nhưng nếu cậu sợ thì không thể bắt được đâu.

- Anh cứ nói xem. Lúc bí có khi phải dùng đến anh ta.

- Mình phổ biến cho bạn mấy cách đơn giản thế này thôi. Tay không bắt rắn mà. Thú vị lắm. Thế này nhá. Thấy nó, anh chạy vòng quanh để nó đuổi. Nó đuổi mình, nhưng mình cứ tiến sát đuôi lại thành ra mình đuổi nó. Lựa lúc vừa tầm tay chộp đuôi rồi nhanh như chớp quay tít lên cho anh ta chóng mặt, dùng tay kia tóm lấy đầu, bẻ răng.

- Eo sợ lắm.

- Thế mới phải bình tĩnh. Cách thứ hai là những con trông thấy mình thì chuồn. Trường hợp này anh cứ dùng mũ hoặc khăn mùi xoa, hoặc hoa, cành lá vừa múa uốn éo, vừa tiến gần lại "giáp lá cà". Anh ta sẽ vươn cổ lên xem, lừa lúc anh chàng mải mê mình chộp đầu ngay.

- Vẫn chịu, tôi không làm được anh ạ. Con này to như thế anh cũng dùng cách múa "văn nghệ" hay chạy để nó đuổi?

- Không! Hôm nay mình chuẩn bị bắt rắn to. Rắn to mà làm hai cách trên ít kết quả. Nó lao nhanh lắm. Có chuẩn bị nên mình đã mang sẵn thuốc. Phải có thuốc mới bảo đảm ra đi là ăn chắc. Mình biết thủ trưởng biết ăn thịt rắn, họp xong mình tuyên bố ngay: "Hôm nay chúng tôi xin khao thủ trưởng một bữa!" Mười năm xa, nay mới gặp lại, đang lúc nghèo túng thấy ái ngại quá! Nhưng may, thủ trưởng ủng hộ ý kiến đề xuất của mình. À mình sẽ cho bạn một ít cầm đi, thỉnh thoảng cải thiện một bữa, thoải mái lắm.

- Thuốc gì?

- Đơn giản thôi: Thân cây sắn ta phơi khô, tán nhỏ, cho bột vào lọ đậy lại. Khi thấy hắn chỉ cần xoa một ít vào tay, vào cổ chân, nhẹ nhàng đi đến. Hắn ngửi thấy mùi chỉ còn biết ngậm miệng lại, cúi mặt xuống.

- Tôi cũng xin hàng, anh ạ.

- Được, hôm nào bạn sẽ đi với mình "tham quan" vài bữa cho quen. Bây giờ ta đi kiếm củ chuối đã.

- Nấu như củ chuối nấu ếch à?

- Thế thì có giời ăn. Củ chuối dùng để giã, lột da xong, lột sống chứ đừng luộc, mất máu. Sau đó băm tương đối nhỏ rồi cho vào mũ sắt, lấy củ chuối thúc. Bao nhiêu xương cắm hết vào đấy. Còn lại toàn thịt nạc dẻo bóng như giò lụa, phi hành mỡ rán cánh chả.

- À ngon.

- Có rượu canh-ki-na của bạn nữa mới tuyệt, có mang theo không?

- Có chứ, tôi sẽ làm món nấm.

- Thế là đại tiệc rồi. Chiều nay sẽ nấu một bữa ăn no nê. Độ này chân hàng tương đối chắc, chính uỷ quyết định cho lính lái xe kể từ mai ăn lên ba lạng rưỡi một ngày. Chà, mùa mưa tai ác thật. Sắp qua rồi, trung đoàn 60 mở đường có triển vọng xong trước kế hoạch. Các đoàn quân, đoàn tăng, pháo lớn tiếp cận cả ở Đông Trường Sơn rồi, mùa khô này làm ăn lớn đây. Toàn lực binh trạm dồn lại cho xe vượt qua Phù Lã thôi. Mai anh bạn có lên cao điểm với chính uỷ không?

- Có chứ, lên thăm chị Ngà với cô Bình Nguyên một thể.

- Ừ con bé cứng cỏi đấy. Nhưng vẫn trẻ con lắm. Không hiểu nó có yêu không mà cậu Vũ nhà mình chết mê, chết mệt.

- Anh Vũ khỏi chưa anh? Thủ trưởng tặng ông cụ nhà anh ấy dò đai châu. Có ai ra hậu phương, anh ấy gửi về cho cụ thì hay. Vật kỉ niệm rất quý của thủ trưởng trong chuyến đi công tác vừa rồi đấy.

- Ừ "ông cụ" sống rất tình nghĩa với mọi người. Bạn lên đấy cho mình hỏi thăm cô Ngà nhá.

- Quên tôi chưa nói với anh, chị ấy có vẻ bực anh lắm.

- Ừ, mình biết. Hôm ở trạm giao thông 73 mình xin T.85 không được có nói cô ấy hơi quá lời.

- Với chị ấy phải nói năng lịch sự anh ạ. Chị Ngà tốt lắm. Hôm nọ Bình Nguyên gọi điện thoại nói cho tôi chuyện này. Tôi gọi điện thoại ngay cho anh, xin mãi không được.

- Tính mình khỉ thế. Nhiều khi nói xong thấy ân hận ngay. Không hiểu sao lúc ấy mình không kìm được.

Nghe giọng Trường lắng xuống, sợ anh ấy buồn, Thú vội vàng an ủi anh:

- Mai Thú sẽ nói. Ai chứ, Thú nói là chị ấy thông cảm ngay. Thôi anh cứ để mặc Thú. Chuyện nhỏ thôi mà.

Hai người đã lấy được củ chuối về. Những câu chuyện không đầu không cuối, không có chủ định trước nối tiếp nhau liên miên. Trường hỏi đột ngột:

- Thấy chính uỷ bảo, bạn có người bạn gái ở thanh niên xung phong tìm mãi không thấy hả.

Thú đỏ mặt cười ngập ngừng. Mới biết nhau qua Vũ và mấy lần điện thoại, nhưng Thú đã kể bao nhiêu chuyện về Trường với chính uỷ, với Ngà, với Bình Nguyên và bất cứ người nào cậu thân thiết. Còn Trường nghe Vũ kể, anh cũng thấy yêu mến tính nết của Thú. Đến khi gặp, cảm giác ấy càng tăng lên. Từ hôm đến xê ba, rất nhiều lần Thú muốn ngồi nói chuyện riêng với anh. Anh bận. Thú đành thôi. Hôm nay có dịp đi với nhau và thực tình Thú rất muốn kể chuyện về cô bạn của mình với người khác. Chưa gặp được bạn, chưa nói được cái gì gần như là tình yêu ấy thì người cứ bứt rứt như làm việc gì chưa xong. Sau phút hồi hộp ngượng ngập, trên đoạn đường suối, Thú đã kể và Trường lắng nghe rất chăm chú chuyện riêng của cậu.

Lần ấy đi công tác đến ngầm Long Đại gặp hai chiếc xe con chở thư bị nước lũ cuốn trôi. Những phong bì thư trắng lềnh bềnh dài mấy cây số. Chính uỷ bảo Thú bắn bốn phát súng cấp cứu rồi ông hạ lệnh cho toàn đơn vị công binh xuống cuối ngầm vớt thư. Thú tham gia việc phơi sấy và phong bì nào mủn, rách mất địa chỉ, tìm manh mối trong thư làm phong bì khác. Buổi chiều Thú tìm trong chiếc phong bì đã nhầu mủn lá thư của ông bố viết như sau: Bố là Nguyễn Văn Thuớ, hợp Liên Dương, xã Phù Xà cho gửi con gái Thanh Mơ tức thị là cái Tí Mờ của bố ở đội thanh niên xung phong 978 là con ơi! Bố mẹ cũng như các em con rất lấy làm phấn khởi tự hào nhận thư con được khoẻ, cả gia quyến rất lấy làm vui mừng, nô nức. Hợp ta năm nay đời sống tương đối quân bình ăn mức một phảy là hai ký ba lạng rưỡi nên con ơi mức sống gia đình ta rất là tự hào phấn khởi...!

Bức thư viết kín hai mặt một tờ giấy khổ rộng, chung quy người cha chỉ muốn con gái yêu của mình yên tâm về sức khoẻ, về đời sống gia đình và khuyên con phải nghe lời cấp chỉ huy, phải xông pha nhưng không coi thường bom đạn. Trang giấy trắng nhầu xướp còn lại Thú đã viết thêm vào đó lý do anh đọc thư và tự giới thiệu: Mờ ơi, tôi là Thú con ông cả Thiếu xóm Đông đây mà. Mờ đi "xung phong" bao giờ thế! Cũng là đồng chí ở chiến trường với nhau cả rồi nhỉ? Nhưng chắc là Mờ đã thay đổi rồi chả nhận ra tôi nữa đâu. Tôi cũng ở công binh. Đơn vị đang mở đường qua rừng hoa dạ hương rất thơm nhá. Nói thế, chỗ Mờ thiếu gì hoa thơm đua sắc...

Đó là những lời lẽ văn hoa, thăm dò ý tứ. Cậu cứ nháp đi nháp lại hai lần và chép gần hết một buổi chiều mới xong. Khi gửi đi, cậu đã thấy ân hận vì đã chót nói dối. Cậu ngượng ngùng tự hỏi: Sao mình phải bóng bẩy xa xôi? Khỉ thật! Biết đâu cô ta chả cười thầm mình. Thật vớ vẩn. Nhưng cũng từ hôm ấy hình ảnh cô bé có cái răng khểnh, học cùng lớp và hay gặp ở cây đa đầu xóm Nam mỗi chiều đi lao động về lại cứ chập chờn, chập chờn thế nào ấy. Mỗi lần đi công tác, gặp bất cứ đơn vị thanh niên xung phong nào cậu cũng lần hỏi đội 978 và có ai biết cô Thanh Mơ tức Mờ không? Lúc đầu cậu còn giấu giếm, về sau chính uỷ biết chuyện, cậu đành phải thú thật là có cô bạn gái cùng quê, trước đây mẹ cậu đã định đặt trầu. Chính uỷ giục Thú viết thư báo địa chỉ thực cho Mơ. Cậu ngại. Đã trót nói dối, chưa hiểu gì nhau, không dám nói lại. Mà chắc gì cô ta còn ở đơn vị cũ. Tóm lại, nỗi nhớ mong phấp phỏng vẫn chỉ dội lên thầm kín, ở riêng cậu. Nghe xong, Trường bảo:

- Cậu lo xa quá đáng. Nếu cậu ngại, để mình viết thư tự giới thiệu với cô ta và báo địa chỉ của cậu để cô ấy biết. Mặt khác, mình bảo anh em lái xe đi đâu gặp thanh niên xung phong họ hỏi hộ. Cánh lái bắt chuyện với "ba sẵn sàng" thạo lắm.

Thú vội gạt đi:

- Thôi thôi anh ạ. Đừng nói gì với ai, chuyện chưa đâu vào đâu vỡ lở ra phiền lắm.

Đã định nói để Thú yên tâm việc mình làm, song thấy vẻ lo lắng trịnh trọng hiện rõ lên mặt cậu, anh nói lảng:

- Chả bù với mình. Hồi đặt "vấn đề" mình cứ thẳng tuột ra: "Tớ yêu đằng ấy rồi đấy, đằng ấy có yêu tớ không?"

- Chuyện, anh là bạn bè với chị ấy từ bé.

- Thế mà hắn ta còn nhìn mình. Nhìn rất nghiêm nghị làm phải phát hoảng cậu ạ. Hắn nói: "Đừng có đùa cợt như thế!". Nhiều lúc nghĩ: Cô ta yêu mình trăm phần trăm, không còn trệu vào đâu được, thế mà... Mình xấu hổ quá. Đứng lặng một lúc rồi lặng lẽ bỏ đi, để cô ta đứng lại một mình như chôn chân xuống đất.

- Sau thế nào chị ấy lại yêu.

- Cô ta chủ động biên thư hỏi: "Anh có giận Lý không? Lý không muốn ai đùa cợt chuyện ấy. Nhưng nếu anh đã suy nghĩ kỹ thì... Mà sao bảo sẽ duy trì tình anh em mãi mãi cơ mà!".

- Con gái họ tính toán chi ly thiết thực lắm. Tôi nghe thủ trưởng và anh Vũ nói chị ấy rất tốt. Mai kia anh về tổ chức chắc chị ấy đột ngột lắm đấy.

- Có chuẩn bị, nhưng hàng chục năm bặt tin nhau biết thế nào được.

- Từ hồi ra tuyến ngoài anh chưa biên thư về à?

- Biên hai lá, chưa thấy "tăm hơi" gì.

- Anh có tin chị ấy sẽ chờ không?

- Tin. Nhưng...

- Giả thử - thấy mình lỡ lời Thú vội vàng hỏi lảng: - Nếu giả thử khi anh về chị ấy lại đi bộ đội hoặc thanh niên xung phong vào chiến trường chẳng hạn, anh giải quyết cách nào?

- Đợi. Khi nào có điều kiện sẽ hay. Và cũng có thể trong khi máy bay nó đánh quê mình ác liệt thế, cô ấy đã gặp điều không may hoặc... - Anh không dám tiếp những điều mình đã nghĩ, đã xao xuyến nỗi lo phấp phỏng. Anh nói sau một phút lặng đi: - Trong lúc chiến tranh một ngày đã bao nhiêu chuyện thay đổi huống hồ hàng chục năm bặt tin nhau.

Thú chau mày, nhìn xuống bước đi lặng lẽ. Cảm xúc về hoàn cảnh chịu đựng của Trường dội lên hằn rõ nỗi buồn phiền trên khuôn mặt non trẻ của cậu. Một lúc sau cậu nói như chỉ nói với riêng mình:

- Tôi phục anh kiên trì.

- Nếu không, sao lại gọi là sự hi sinh của một anh lính. Nhưng mà mình tin cậu ạ. Tin lắm. Cô ta rất ít nói. Mình nghiệm ra, những người con gái ít nói mới là người yêu dữ dội. Đúng không? À cậu đã biết gì đâu mà...

Thú gượng cười. Cậu biết đại đội trưởng không muốn gợi đến nỗi nhớ, nỗi mong đợi. Cậu vẫn đi dè dặt từng bước. Những điều Trường nói với bạn cũng là để an ủi mình. Song bao kỉ niệm sâu lắng hàng chục năm lại bùng lên, anh thấy nóng bừng ở mặt. Anh thèm mong sự im lặng. Mải mê trở về mối tình đầu từ xa xôi, mãi khi con rắn cuốn chặt lấy cổ tay làm mạch máu ứ lại tức rần rật mới để ý. Vừa gỡ đầu rắn khỏi cổ tay, anh vừa nhìn trời lúc ấy đã sầm xuống. Anh vội vàng giục Thú đi nhanh cho kịp bữa cơm chiều để đội hình xe còn tiếp cận mặt đường.


Каталог: UserFiles -> RadEditor
UserFiles -> PHƯƠng pháp viết nghiên cứu khoa họC Ứng dụng sư phạM
UserFiles -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFiles -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFiles -> BỘ XÂy dựNG
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFiles -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFiles -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
UserFiles -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
RadEditor -> BẢn thảO ĐẦu tiêN (để bổ sung/góp ý) thông tin đÓng góp về XÃ HỘi dân sự TẦm nhìn asean 2025

tải về 2.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương