22  leâ LÖÏu tieåu thuyeát  23



tải về 2.23 Mb.
trang5/22
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2016
Kích2.23 Mb.
#32030
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22

3
Quá nửa đêm Ngà nhận lệnh trở về tổng đài gấp. Chưa bao giờ chị từ chối nhiệm vụ, nhưng để một mình con bé ở trên này khổ thân nó quá. Thấy chị ngần ngừ, Bình Nguyên giục:

- Chị cứ về, em không sợ gì trời tối cả.

Sự thật, Bình Nguyên rất buồn và run, nhưng day đứt nhiều, đằng nào chị cũng về, phải dứt khoát trước để chị khỏi phải lo. Sợ chị không hiểu hết tính mình, cô nói lại:

- Nói thật là em rất thèm chị ở với em đêm nay. Nhưng chắc chắn là không thể nào được đâu. Chị chuẩn bị về đi. Chị có muốn ở lại em cũng không để chị ở. Thật đấy. Mai kia chị sẽ hiểu tính em. "Đồng bóng" thế mà rất cương quyết mới hay chứ. Em "sắt thép" thật đấy, không thèm ai thương hại chiếu cố một cái gì đâu. - Vẻ cương quyết thật sự của Bình Nguyên làm Ngà yên tâm ra đi.

Rừng cây rũ nước rào rào, làm quần áo đầu tóc chị ẩm ướt càng sũng thêm ra, rất thèm một ngày nắng chói chang. Ngà vừa xuống đến cửa hang thì mưa ầm ầm như đá lở. Ở một ngách hang, bên một bóng đèn pin nối hai dây với hai cực quả pin to, tiểu đội trưởng tíu tít lật những lá báo đổ ra xè xè. Nghe tiếng Ngà chào, anh quay ra bỏ cáp khỏi tai:

- Chị vào trông máy đi.

Ngà hỏi lại:

- À, canh máy chứ không phải chữa dây hả anh?

- Chữa dây đấy nhưng anh em đi hết cả rồi, còn một mình chị. - Tiểu đội trưởng vừa nói vừa trụt đầu cái chăn dù loang lổ đang trùm trên người anh xuống. Ngà nhận ra cử chỉ đó:

- Chắc là anh sợ đêm hôm mưa gió mà tôi là con gái chứ gì?

- Cũng đúng nhưng chưa hẳn thế.

- Còn một lý do nữa là anh đang lên cơn sốt phải để anh ra chỗ mưa gió rét mướt phải không?

Vừa nói chị vừa vào đầu giường với lấy khẩu AK khoác qua vai, xắn quần, khoác máy và áo mưa, cầm dao, kìm, sào và đèn ra đi. Chị làm việc đó như thể câu chị vừa nói đã thành mệnh lệnh không thể nào thay đổi.

Tiểu đội trưởng ngồi ngẩn ra nhìn chị rồi quay cho các cửa làm việc. Không thể nói gì thêm với người con gái ấy. Ở tiểu đội này có năm người thì anh hai mươi bốn tuổi được coi là nhiều tuổi nhất. Những ngày đầu anh vẫn tự xưng anh, gọi: Cô Ngà. Ngà cũng gọi anh, xưng tôi. Nhưng lời nói nào của Ngà cũng chắc chắn kể cả lúc đùa. Dần dần anh không dám suồng sã, phải gọi Ngà là đồng chí, xưng tôi. Một hôm nghe "bà" ấy nói rất thản nhiên:

- Tôi hơn anh những ba tuổi cơ. Thật đấy, tôi chả nói dối làm gì.

Anh "hốt" quá, không biết từ lúc nào đã chuyển sang gọi bằng chị. Bây giờ tiếng ấy trở nên thành thục với anh và mọi việc thu xếp đời sống, nội trợ trong tiểu đội này chị ấy quả như một người chị cả. Nhiều lần còn góp ý với tiểu đội trưởng về biện pháp lãnh đạo, kế hoạch công tác... khiến anh em trong tiểu đội khi nói về chị với người khác thường bông đùa: "Cố vấn đặc biệt của A tôi".

- Báo cáo đồng chí tôi đi nhá.

Nghe tiếng nói của chị, tiểu đội trưởng mới ngẩng nhìn. Anh bỏ cáp khỏi tai:

- Đường dây H1 lắm hố đấy, cẩn thận chị Ngà ạ.

- Tôi biết rồi, đừng ngại gì cả. Tôi đi nhá.

Chị ra khỏi hang, chìm vào trong mưa và cây rừng. Tiểu đội trưởng vẫn nhìn theo, nhìn mãi chưa hết băn khoăn. "Khổ quá, mưa bão thế này không biết chị ấy có leo qua được dốc Cô Mai không?". Anh vẫn nhìn ra ngoài cửa hang, nhìn mãi cũng không trông thấy gì nữa. Chỉ có núi thì vẫn uy nghiêm mà rừng thì hiểm trở. Nào ai ngờ một cô gái nhỏ nhắn ở giữa Hà Nội ấy lại đang đi một mình trong rừng đêm, giữa mưa lũ và thác đổ thế này.

Ngà lần bám vào cây lim đổ qua suối. Sang đến bờ bên này, chị nhảy xuống. Phải đứng lại nhìn vào những ánh chớp của những con đom đóm rừng và những mảng sáng xanh biếc của lá múc để tìm hướng dây đi. Nhận ra đường dây, chị chống sào, hơi ngửa mặt nhìn theo ánh đèn pin loé lên rồi tắt, chiếc mũ cứng trượi xuống úp vào mớ tóc bồng lên phía sau gáy, vòng quai mũ căng hằn khuôn mặt ướt át của chị. Hai đường quai súng và máy suôn chéo từ hai vai xuống nịt căng, lại thêm dây đựng bao kìm, dao, đạn thắt ngang, làm cho người chị như cứng lại, mỗi cử động thấy gò bó rùm roà, nước chạy vào từ đâu lạnh toát trong người. Tay trái cầm đèn pin, tay phải chống sào chốc chốc lại nâng các đường dây tìm chỗ đứt. Cũng có chỗ chị đạp cây sào vào những đoạn dây căng phần phật làm nước rụng xuống rào rào quanh người. Như thế, đoạn này còn, chị lại đi. Chiếc dép đúc bằng bột cao su mềm oặt đã nhầy nhụa bùn làm mỗi bước đi hai bàn chân trơn truội. Lớp lá mục trải ra nền rừng làm thành hàng trăm hình hài lổ đổ xanh biếc, mỗi bước chân chị đi, mảng sáng ấy lún xuống lấp lánh, nhấc chân lên mảng sáng dưới đế dép hiện ra làm cho ánh đèn pin trong tay chị chỉ vẽ vào màn đêm những quầng đỏ xọc. Lách mình qua được đám cây chị phải cúi thấp gần như ngồi mon men trên các tảng đá đầy rêu theo đường dây đi dọc suối. Được vài phút, chị cúi rà bàn tay vấu những con vắt mòng mọng trơn nhầy như đỉa ra khỏi bắp chân. Nước từ các vầng cây um tùm chảy theo cánh tay, theo cổ xuống lạnh thấu người. Chị bắt đầu thấy run. Và đói! Đói, run ở hai đầu gối. Đói rời rã ở hai cánh tay, chống cây sào xuống, đầu sào nghiêng rung rung. Vẫn bấm bụng để đi. Vẫn chưa tìm thấy đoạn dây đứt. Không khéo đến sáng mới tìm thấy nó. Liệu có đi được nữa không? Từ sáng qua đến giờ, chỉ có lưng bát canh lá bỏng vào bụng. Không còn đủ hơi sức để nhắc hai chân nặng chình chịch lên nữa. Chị ngồi phịch xuống một tảng đá, hai tay vươn khỏi đầu, bấu vào những đường gờ lởm chởm nhọn ở các phiến đá để người khỏi tuột xuống. Chị thở dốc như người chạy đứt hơi rồi nằm thiếp đi. Lạnh quá không muốn cử động, ngại cả hơi thở mạnh. Đến khi nước mắt chảy nóng ở mặt rồi lạnh toát ở bên má áp xuống đá chị vẫn không hề động đậy.



Hơn một năm nay sống ở chiến trường, ở nơi bom đạn vùi lấp quanh người, lúc bị thương, bị choáng ngất, bị sốt rét nhưng chưa lần nào chị thấy tủi thân phải khóc. Bao nhiêu lần chị xung phong đi làm những việc mà ai cũng can ngăn, vì lo cho số phận của chị, không làm chị nao núng phải khóc. Đêm nay chị đã hai lần khóc, khóc rất vô cớ. Buổi tối thì Bình Nguyên nó khơi ra cái cảnh buồn nhớ, dỗ nó không được tự nhiên mình cũng thấy trống trải quá. Còn lúc này chị thấy một nỗi thèm khao khát đường phố, nhớ bàn tay vỗ về âu yếm của mẹ những ngày ở nhà. Mẹ thương Ngà vì Ngà là con gái út của mẹ gặp nhiều đận gian nan. Các anh quý Ngà vì cái tính dứt khoát, nói gì, làm nấy, thành thật và kiên quyết. Những năm còn thiếu thốn, cả nhà nhịn quà sáng nhưng Ngà không hôm nào đến trường lại không có gói ngô nếp rắc bột đậu và rưới hành mỡ bọc trong lá sen nhét vào cặp. Quen đến nỗi, bà bán hàng xôi lúa ngồi ở đầu phố Huế sáng sáng trông thấy Ngà là bà tự động khoanh lá như cái phễu cho xôi vào, còn Ngà thì mở cặp ra, đưa trả bác hai hào. Đến chủ nhật, hoặc mẹ, hoặc các anh lại khao một bát phở gà ở Tạ Hiền. Bà hàng trông lùn và vuông, thật khéo chiều khách. Nghĩa là một bát phở ba lần Ngà chìa ra xin hành nhúng, bà vẫn ngọt ngào sốt sắng: "Có ngay đây, nào bát em đâu?" Dù mỗi lần chỉ được hai cái cẳng hành như hai que tăm, Ngà vẫn thấy kính nể sự tốt bụng của bà. Trừ những ngày đầu vào trường học nhạc, mẹ giận Ngà nhưng sau đấy kể cả lúc Ngà có con mẹ vẫn chiều như thế. Cháu mới được ba tháng, mẹ đã bắt Ngà "để nó đấy cho mợ, mày cứ lo việc của mày đi con ạ". Và Ngà vẫn vòi vĩnh mẹ, vẫn nũng nịu hờn dỗi như một đứa trẻ. Thế nhưng chỉ hai năm sau rời khỏi cái gia đình ấm cúng ấy ra đi, vẫn cái dáng thon thả khoẻ mạnh, vẫn tiếng nói ấm dịu và đôi mắt dù hằn lên nhiều nỗi uẩn khúc nhưng lúc nào cũng như cười, cũng như hai vòm sáng rất xao xuyến, chị đã trở thành người con gái khác. Có lần Bình Nguyên ôm chầm lấy chị, giọng đầy tự hào và xúc động: "Anh Trường anh ấy khen chị ghê lắm nhá. Chị chưa hề gặp anh ấy thực ư? Đúng rồi, anh ấy bảo anh ấy biết chị hôm chị chữa dây ở gần cao điểm Phù Lã, lúc nói chuyện với một anh nào ở tổ đường dây thì phải. Nhưng chị không biết anh ấy. Anh ấy nói nguyên văn thế này; em có bịa em cứ chết. Chị có tin không đã? Tin à? Thế thì được. Em nói nguyên văn anh ấy bảo là: "Chị thông minh, dịu dàng mà bướng bỉnh, cương nghị mà khiêm nhường, mạnh dạn mà vẫn ý tứ kín đáo, chan hoà với mọi người mà không hời hợt, chân thành nhưng chẳng sỗ sàng, cô ta là người từng trải, lịch lãm lắm". Đấy anh ấy bảo thế đấy. - "Thôi đi, đừng vớ vẩn. Ông Trường nào đấy chắc cũng dở hơi". - "Chị cứ bán cái dở hơi của anh ấy mà ăn. Tinh lắm. Sống rất tình cảm. Em mới gặp đã quý anh ấy ngay. Em thấy anh ấy nhận xét rất đúng về chị" - "Hẳn anh ta cũng chẳng chín chắn gì" - "Em thấy đúng trăm phần trăm. Chị không gặp nhưng anh ấy bảo anh ấy đi bên cạnh lối chị chữa dây hàng tiếng đồng hồ và cứ lặng lẽ nghe hết chuyện, lặng lẽ xem chị giải quyết những khó khăn. Chị biết không, anh ấy rất thích đi tha thẩn ở trọng điểm để tháo phụ tùng xe cháy và nhặt ốc vít đấy" - "Thế thì tôi cám ơn anh nhà cô" - "Từ nay có gặp ai ở xê ba người ta nói gì về chị, em sẽ không nói lại nữa đâu" - "Như thế thì đã sao?" - "Được, chị hứa sẽ không hỏi em chuyện gì bên ấy nữa nhé" - "Chuyện những người khác vẫn hỏi được chứ sao? Chị chỉ nói anh Trường nào đó cơ mà" - "Được rồi, đừng hỏi gì chuyện anh Trường nữa. Chị hứa phải không?" - "Hứa".

Hôm ấy con bé tức đến phát khóc lên. Ngà cũng thấy anh Trường tò mò, tinh tế thật nhưng không muốn thú nhận cái đó trước mặt con bé.

Ngà thiếp đi không biết bao lâu. Khi các kẽ chân răng dính dáp những hạt ngô nếp dẻo quánh và đầu lưỡi tê tê bới lát ớt chín đỏ trong bát phở nóng bốc lên ngun ngút làm cho nước chân răng tứa ra thì một dòng nước đã chảy vào từ bao giờ làm quần áo phía sát phiến đá ướt sũng. Chị như rời khỏi cơn mê, cố chống hai tay ngồi thẳng dậy. Cũng như những năm trước, khi tỉnh ra, chị thường nhủ mình: khao khát vớ vẩn, đứa hèn nhát mới nuối tiếc quá khứ! Chị hơi lắc đầu chua chát. Một người con gái như chị khi tự răn được mình bằng những điều rất sách vở thông thường này đã phải đổi một giá đắt quá. Đến bây giờ mới nhận ra được rằng: sự đổ vỡ là tất nhiên vì cái tình cảm quá nhạy bén mù quáng của tuổi mười bảy của mình thì cái giá ấy đắt và cay nghiệt quá! Thôi cứ sống như thế này, từ nay không thể tin ai mà trao gửi thân mình cho họ được nữa.

*

* *



Cố tránh những ý nghĩ lẻ loi, buồn bã, chị lần đường dây, đấu máy quay về trạm. Phía đầu bên kia đổ lại hồi chuông mừng rỡ.

- Nối được rồi hả chị Ngà? Khổ, mưa to quá.

- Chưa có dấu hiệu gì để tìm ra chỗ đứt anh ạ.

- Chị đang ở chỗ nào có biết không?

- Cách nhà độ ba giờ.

- Tôi quyết định thế này chị Ngà phải nghe nhá.

- Anh làm như tôi bướng lắm đấy. Việc gì anh cứ nói đi, tôi nghe đây.

- Hai cô đi sửa đường dây lúc tối đã về, tôi bảo lên chỗ chị, phối hợp tìm cho nhanh nhá. Sáng mai mà đường dây ấy không xong là gay đấy.

- Chả cần đâu anh ạ. Anh cho các cô ấy nghỉ, đề phòng các nơi khác đứt.

- Tổ đường dây ở Tây cao điểm cũng đang ở đây, không sợ thiếu người trực dây đâu.

- Thật sự thì tôi đang mệt lắm. Nó đứt chỗ nào, nhiều hay ít tôi cũng chưa biết ra sao, nhưng để tôi đi xem đã. Anh cứ cho các cô ấy nghỉ. Đang tuổi ăn tuổi ngủ chúng nó thiếu ngủ mấy đêm rồi đấy.

- Với lị... Cũng có... chuyện này... Chị Ngà? - Giọng anh ngập ngừng. Ngà sốt ruột giục:

- Có gì anh cứ nói xem nào?

Giọng anh tiểu đội trưởng mạnh dạn hẳn lên:

- Các cô ấy vét được ít gạo bom đánh đổ ngoài trọng điểm. Từ đêm đến giờ hì hục nhặt sạn, đãi đất rồi giã, nấu cháo với cải rừng. Các cô ấy phần chị nhưng tình hình thế này tôi cho các cô ấy đi, mang lên cho chị. Bình Nguyên nó bảo chị đói từ sáng hôm qua đến giờ rồi.

Đang đói mềm, được tin có người mang cháo đến làm gì chả mong. Nhưng nghe tiếng anh tiểu đội trưởng và biết bạn bè đang thương mình đói, chị thấy mình như đã no lên, khoẻ mạnh lên.



- Mang được bát cháo đến đây khổ lắm anh ạ. Đêm hôm mưa bão thế này đừng bắt tội chúng nó. Tôi cũng quá đói rồi. Thôi đừng ai lên nữa, anh nhé. Có khó khăn gì cần "chi viện" tôi sẽ gọi về. Tôi tiếp tục đi đây.


4
Chị khoác máy lên vai, chống sào lần dò tìm đường dây đứt. Bước lên tảng đá rêu, chị trượt hẫng, ngã vật ra, đầu vật vào gốc cây, may có mũ đỡ còn sống lưng trúng vào cạnh đá đau chết lặng, chị không thể nào kêu được. Vừa lúc ấy có tiếng loạt soạt xé lá chạy ngang trước mặt. Ngà hốt hoảng vùng dậy bấm đèn dõi theo tiếng lá. Ánh đèn bắt gặp một vật gì trông màu vàng ải giống màu lá khô đang đứng im cách chị chừng vài chục mét. Chị xoáy ánh đèn pin vào đầu nó, hai mắt bắt ánh đèn xanh long lanh, một màu xanh lè át hẳn ánh sáng chiếc đèn trong tay chị. Chị nhận ra con sói cao lồng ngồng như con bê con. Tim chị bắt đầu đập hỗn loạn. Chị lấy lại bình tĩnh, từ từ đưa đèn sang tay trái và nâng ngọn súng, tỳ vào mỏm đá, người cúi rạp xuống. Con vật vẫn chiếu đôi mắt xanh lè về phía Ngà. Cái miệng nó nhai không mấy cái rồi đưa lưỡi liếm vòng ra trông hàm răng trắng rợn gầm gừ tìm kiếm đối thủ. Tay trái vừa cầm đèn, vừa đỡ súng, tay phải chị lần lần xuống vòng cò. Khoảng cách giữa hai mắt con vật được phân đều ra hai phía khe ngắm. Chị bình tĩnh xiết cò liền hai điểm xạ. Con vật kêu ấc ấc mấy tiếng rồi nhảy chồm chồm về phía Ngà. Máu ở đầu nó phun phì phì toé ra hai bên. Đã bắn được những loạt đạn đầu chính xác, chị bớt run, bám chắc mũi súng và ánh đèn theo nó. Chờ cho nó chỉ còn cách dăm mét chị nổ liền hai loạt ngắn nữa. Máu phun ra từ cổ ồng ộc, con sói kêu é một tiếng rồi lăn vật ra. Chị xách súng đứng dậy, người run bần bật. Không hiểu sao khắp người cứ run bắn như lúc đang lên cơn sốt. Nhưng nếu con người ta ai còn nói được rằng: không quen cái này, chẳng thích cái kia ấy là lúc điều kiện sống còn cho phép họ nói dối. Ngà đã từng xám xanh mặt nhắm nghiền mắt khi nhìn thấy người ta chọc tiết một con lợn, con chó. Đến bây giờ bàn tay ấy vẫn còn run lẩy bẩy, vẫn phải sấn lại tìm dây trói con vật vừa bị bắn chết nhầy nhụa máu me. Chật vật lắm, chị mới trói được nó và treo lên cây để các con thú khác khỏi tha đi ăn thịt. Rồi chị lại đi. Vẫn chưa hết run. Nhưng khắp người lủng củng súng và dao, máy, đèn pin và sào. Những sợi dây chằng níu quanh người làm chị rắn lại, bớt run hơn. Lại theo đường dây vòng xuống suối, chốc chốc dâng cây sào tìm dây kiểm tra như công việc của mấy giờ trước. Có lẽ bốn giờ sáng rồi. Rừng vẫn âm u như lúc nửa đêm. Chị lại trườn qua một cây lim đổ ngang suối. Nếu không nhận ra cái thân đồ sộ chừng hai người nối tay vòng qua chưa hết thì chị tưởng mình gặp đúng cây lim khi đêm. Chợt dưới chân chị chạm phải những sợi dây nằm chẹt dưới thân cây đổ, vòng qua thân cây sang bờ bên kia. Chắc là nó đứt ở chỗ này đây. Chị mẩm bụng rồi chống sào mò độ sâu của suối. Cây sào lạng đi như có người túm rút, chị vội vàng co giật lại. Không khéo phải bò qua cây lim đổ. Chị bấm đèn áp ánh sáng chiếu dọc thân cây rồi thận trọng đặt chân lên. Lớp vỏ mục nhầy nhớp chuồi đi còn trơ lại thân cây nhẵn bóng làm ba bốn lần bước thử chị đều bị trơn nhoài. Không thể trèo qua cây được, chị chuẩn bị lội suối. Đã bước chân xuống nước, không biết nghĩ thế nào lại lên bờ tháo gỡ mọi thứ quanh người gói gọn trong tấm ni lông, chỉ cầm cây sào và đèn pin còn kìm và dao găm vẫn nằm ở dây thắt ngang người. Không thể bám tay vào thân cây gỗ to, trơn, chị áp cây sào vào thân cây dò nhích từng li. Dòng nước đang lao ầm ầm bị cây gỗ cản trở, nó rồ lên, nhảy vòn vọt toé qua thân cây, còn phía dưới cuộn xoáy ùng ục. Nửa người chị dìm dưới nước nhẹ hẫng chỉ chực nổi bềnh lên, cây sào lạng choãi ra chị dồn sức ghìm lại khiến nó lật bật đập vào ống chân tê dại. Càng sâu, điểm tì vào thân cây càng ít, dòng nước chỉ chực rút cả người chìm lạng xuống đáy đang lao băng băng. Nhưng ráng sức rồi cũng qua được. Chị trở lại bờ kiếm dây buộc chằng bó vải nhựa, khoác vào vai lội sang. Ngấm lạnh, người run lập cập, chị vội vã lao xuống dò đi từng li như lần thứ nhất nhưng có phần nhanh hơn. Phải chống đỡ với dòng nước hung hãn, sang được bờ bên này hai chân không đứng vững được, chị ngồi sụp xuống rồi nhoai người nắm lấy những sợi dây co thử. Bắt gặp một sợi dây chùng, rút đi tuồn tuột chị đứng bật dậy như có ai bẩy lên. Giở gói lấy súng, máy điện thoại, vải nhựa, chị bước đi thoăn thoắt. Tìm được đầu dây và nối lại không khó khăn lắm. Nhưng lúc hồi chuông từ đầu kia đổ lại mừng rỡ, bao người mong đợi được dịp oà ra nỗi sung sướng reo lên hỏi chị dồn dập thì chị chỉ nói được một câu: "Vâng. Tôi trở về ngay. Ngay bây giờ...". Rồi mệt thiếp chị gục xuống máy trong khi đang nối hai đầu dây.

Trời vẫn chưa sáng. Rừng ngớt mưa, còn suối thì vẫn gào lên giận dữ và tiếng những con côn trùng rít lên những âm thanh lạnh và nhọn, cái âm thanh ồn ã mà đơn điệu ấy cứ dùi mãi vào đêm chờn vờn quanh người, chốc chốc lại thấy nó àm àm dữ dội như ngoạm lấy núi. Tất cả nó ầm ù hung hãn bao quanh một nỗi rùng rợn khiến chị không thể nhận biết được những gì đã xảy ra, những con thú nanh ác nào đã quần rỡn quanh đây trong cái khoảng đêm tối còn lại.

*

* *


Khi Bình Nguyên nói đến những lời nhận xét của anh Trường về chị, chị chỉ nhìn nó bằng con mắt mở to im lặng và cái miệng hơi cười vẻ giễu cợt. Chị không muốn thú nhận trước mặt nó nhưng chị biết mình cần sống như thế nào cho phải. Là một cô gái Hà Nội, chị phải giữ cái dịu dàng lịch sự vốn đã quen nếp nhưng không thể hời hợt yếu đuối. Là một chiến sĩ, đã tự nguyện vào đây, chị cũng phải rèn luyện cho mình quen với cách sống sôi sục, rắn chắc, đôi lúc cũng ngang tàng như bất cứ người lính nào khác từng sống giữa bom đạn với rừng núi thâm nghiêm, với thú dữ gầm rú. Nhưng không thể để ai có cảm giác mình là một "thằng Ngà", "anh Nga". Cái gì đã xảy ra, rồi cái đó cũng sẽ qua đi. Cái gì đã đem đến mình phải chịu đựng thì cũng chịu đựng được cả. Cái gì cần vượt qua, cũng vượt được hết. Cái khó của một con người là hành động như thế nào để người ta phải kiêng nể, trân trọng mình, còn sự nhẫn lại để nhận lấy những cử chỉ thương hại của xung quanh có khó gì đâu. Không thể để cho ai nhận thấy mình cứng nhắc khô nỏ, chai mòn trong một tâm hồn người con gái, một cô gái Thủ đô. Nghĩa là cô gái hai mươi sáu tuổi này đã có biết bao nhiêu nhận xét, đánh giá và những triết lý bất kể dù sai hay đúng cũng bắt mình phải tuân theo một cách nghiêm túc. Cán bộ chiến sĩ trong đơn vị hoặc còn lông bông hay đã lớn tuổi đều nhìn chị bằng con mắt kiêng nể và trong lòng bối rối vì đã nhen nhóm một cái gì đấy, rất khó nói ra. Sống với chị họ thèm khát những lời nói êm dịu, những cái nhìn trìu mến, những cách sống có nề nếp, những hiểu biết về đường đời sâu sắc, kín đáo và hành động bao giờ cũng ý tứ, chững chạc. Không mấy ai nỡ phản đối những ý kiến chị đề xuất, những việc chị làm. Nhưng bây giờ chị ở đâu? Tại sao lại mất liên lạc với chị hơn hai tiếng đồng hồ rồi? Đã cử hai chiến sĩ lần theo đường dây đi tìm rồi mà vẫn chưa thấy tin tức gì về chị.

Ba hồi chuông điện thoại đổ hồi làm Ngà tỉnh dậy. Trời đã sáng từ lúc nào và mưa đã tạnh hẳn. Tiếng chim ríu vào nhau như tóc rối. Tiếng nói từ hai đầu dây truyền qua lại Ngà nghe thấy ấm hẳn lên. Đợi hai bên làm việc xong chị mới báo về tổng đài. Ở đầu dây bên kia hình như cả trạm ùa vào bên máy, ai cũng nói to để tiếng mình vọng vào ống nói, để Ngà biết rằng ai cũng lo lắng mong đợi và bây giờ thì mừng rỡ cuống quýt khi nghe tiếng chị gọi về. Ngà thấy niềm vui xốn xang khắp người. Nhưng chị nén lại những cảm xúc đang trào lên để nói những lời bình thản như suốt đêm qua chả có chuyện gì xảy ra:

- Có việc gì đâu. Tôi gặp con sói, rình bắn nó nên bây giờ mới chuẩn bị về. Thôi nhé. Tôi bắt đầu đi đây.

Đặt ống nói, chị chống tay đứng dậy, thấy choáng váng muốn lả đi, khắp người bải hoải rã rời. Đôi chân này không thể dẫn cái thân nặng nề qua suối trở về được nữa. Chị nhoài người với bọc ni lông, lấy súng và dao. Gần hai năm trời ở với rừng Trường Sơn chỉ cần một con dao, một chiếc bật lửa là không bao giờ chịu đói, trừ phi công việc đòi hỏi gấp gáp. Chị đã từng ăn hàng chục loại rau, loại nấm, ở bất cứ đâu chị cũng không chị bó tay. Chị quyết định phải đi lấy rau nấu canh ăn mới đủ sức trở về. Xách súng và dao đứng dậy, bỗng người chị ngẩn ra, ruột gan xáo lên thậm thột. Chỉ cách chỗ chị ngất chừng năm sáu mét chi chít vết chân hổ quần xéo, vòng quanh chỗ chị nằm. Những vạt lá non dập nát, dấu chân lấm còn hằn rõ từng khe ngón ở mặt lá, ở thân cây đổ, và các phiến đá. Như thế là sáng ra nó mới đi khỏi đây. Chao ôi, tại sao nó lại đứng yên? Mồ hôi chị toát ra, người hôn hốt nỗi lo sợ. Chị cứ rộn cả người. Sao nó lại để mình nằm yên? Trời ơi may quá, thật hú vía. Nỗi lo phân vân vì sao nó lại không vồ lấy mình làm cho chị nghi hoặc không sao yên. Đứng ngắm mãi vết chân quần xéo của nó, chị đoán nó muốn nhảy vào lắm. Nhưng vì sao nó phải hầm hừ phía ngoài ấy nhỉ? Nghĩ vẩn vơ mãi chị mới nhớ đến chuyện các anh khảo sát của binh trạm kể về những lần hổ quần suốt đêm quanh võng, sáng ra lại chuồn chứ chả làm gì được mình. Các anh ấy bảo ngủ đêm nhớ mắc màn thì hổ chịu chết. Mắc màn, anh ta sợ hai điểm: một là không biết đầu mình nằm đằng nào. Nếu vồ phải chân mà mình thức đang rình thì anh ta không tài nào chạy kịp. Hai là, không biết ở trong đấy là bẫy hay người. Dù có ngửi thấy hơi người thì cũng chỉ rập rờn chứ không dám vồ khi không nhìn thấy hai năm rõ mười. Lần ấy Ngà vẫn cảm thấy các anh khảo sát bịa chuyện. Đến bây giờ... Nhưng mình có màn đâu nhỉ? Mình trùm tấm vải nhựa và bọc ni lông bên cạnh, có lẽ nó sợ là bẫy nên không dám vào. Chao ơi, may quá! May mà có tấm vải nhựa không thì... Cho đến khi kiếm đủ rau nấu được canh ăn no nê rồi, chị vẫn không thoát khỏi sự hoảng hốt và nỗi sung sướng vì đã do một nguyên cớ rất tình cờ mà thoát chết.

*

* *


Đến buổi chiều, hang tổng đài ở cao điểm Phù Lã bỗng hớn hở do hai niềm vui sướng lớn lao cùng đến một lúc. Đó là việc Ngà và một chiến sĩ khiêng con sói trong tấm ni lông trở về với vẻ mặt vẫn niềm nở như mọi ngày. Khi mọi người hăm hở mang con sói xuống làm thịt, một bữa thịt ngon và no nê hiện ngay lên mỗi khuôn mặt từ lúc mới giở tấm ni lông cho con vật hiện ra. Vừa đến bờ suối họ gặp đội điện ảnh lưu động của Bộ Tư lệnh tới mang niềm vui thứ hai cho trạm. Đội điện ảnh có ba người: đồng chí lái chiếc xe Bắc Kinh còn ở dưới chân đồi, bên kia suối. Anh thuyết minh và cô máy chiếu thì đang ngơ ngác tìm lối lên. Những người chủ đầy nỗi khát khao ùa ùa lội qua suối vác theo con vật đầy máu me và dao, xoong, riềng, lá sả đón khách. Khi chìa bàn tay ra định nắm tay khách, những người chủ mới nhận ra bàn tay mình hoặc bết máu, hoặc nhem nhuốc, liền vươn cả cánh để khách nắm lấy cổ tay rung rung và chủ ngượng ngập thanh minh:

- Các anh tha lỗi cho, chả là chúng tôi vừa bắn được con sói.

- Không sao. Không sao. Con nhà lính chúng ta cả mà. Đến được với các đồng chí là niềm sung sướng rất lớn của chúng tôi rồi. - Anh thuyết minh nói, bằng cái giọng vồ vập khách sáo. Trạm trưởng cười, lớp da mặt động đậy xúc động. Anh vừa tiếp chuyện, vừa đưa mắt cho các chiến sĩ của mình rửa chân tay làm nhiệm vụ khác.

- Báo cáo anh, máy móc cần đưa lên những thứ gì? Anh cho biết để anh em chúng tôi thu xếp.

- Các bạn cứ làm món kia đi đã.

- Được ạ. Chuyển lên để anh và các đồng chí nghỉ rồi chúng tôi xuống làm sau cũng được.

- Nó vất vả ra. Mình đề nghị thế này nhá: nếu các bạn tín nhiệm, mình xin phụ trách kĩ thuật và trực tiếp làm, các bạn phụ với mình. Ta làm xong ai nấu thì nấu còn ta đưa máy lên.

- Thế thì hay quá, nhưng sợ anh và các đồng chí vất vả.

Anh thuyết minh giằng lấy dao thớt. Vừa xả con vật, anh vừa sai khiến túi bụi:

- Các ông ở đây còn gian khổ gấp vạn lần bọn mình. Nào ta đi làm thôi. Các ông định ngả những món gì nói xem nào? Có một cái nồi thôi hả? Xoong thì càng tốt. Ừ, cái xoong này được, ta cho bốn món vào đấy. Các ông hiểu không? Xương hầm ở dưới cùng, phủ ni lông lên rồi đến món rựa mận, trên đó là thịt hấp và lòng. Các ông giã riềng đi. Có mắm kem không? Không có đỗ lạc à? Thôi cũng được. Ai đi kiếm lá lốt, lá sả nữa. Có lá sả rồi phải không? Tốt lắm, băm ra chuẩn bị làm dồi là vừa. Ta làm thêm món chả nướng nữa nhá. Các ông định làm trần sì món nấu giấm thôi chứ gì? Giá có vị nào khu Bốn ở đây thì lại có thêm món "chè chó" đấy, hà hà. Chốc nữa các ông sẽ được xem bộ phim đặc biệt quay tại trọng điểm này nhá. Phim chưa xong phải đưa bản nháp tới phục vụ các ông, ưu tiên đặc biệt đấy. Còn riềng không? Để lại một tý thái trộn muối chấm thịt luộc nhá. Hấp cũng như luộc, ta đơn giản hoá. Các ông cứ chuẩn bị đi, xem cái phim này đặc biệt lắm. Mới có Bộ Tư lệnh được xem rồi đến các ông đấy.

Đã lóc thịt ra để trơ bộ xương con vật, anh bắt đầu quai cánh tay chặt côm cốp như chặt củi. Những mẩu thịt dính ở xương bắn lên mặt trông lấm tấm như mụn trứng cá. Vừa tay năm, tay mười, anh vừa hào hứng nói về sự thông thạo mổ một con chó, anh có thể làm thành mười lăm món. Còn ở đây dụng cụ thiếu thốn, gia giảm chả có gì, thời gian lại gấp, ta làm năm món thế này là cũng "chúa" lắm rồi. Dù cách làm của anh không thích hợp với loại thịt chó sói ở rừng nhưng mọi người vẫn trầm trồ khen ngợi tài nghệ mổ chó của anh. Và quan trọng hơn là không biết từ lúc nào cái ranh giới giữa chủ và khách không còn nữa. Họ bắt đầu sai bảo nhau, chê bai và cãi cọ nhau một cách thân ái.

Trong lúc sự ồn ã náo nhiệt dồn cả xuống bờ suối thì Ngà nằm thượt ở giường, chân tay thõng ra không thể động đậy. Nghe từ suối ồn lên cái tin đội điện ảnh đến, lập tức chị ngồi dậy lấy gương lược chải đầu rồi sang sửa, xếp gọn lại những chiếc máy, cuộn dây, chiếc chăn đơn và dao kìm bừa bãi chật chội trên một chiếc giường con ngay cửa ra vào. Và hàng bao nhiêu thứ khác ngập ngụa khó coi mà bấy lâu nay sự cách biệt ấy với xung quanh đã tạo ra cái thói quen không cần thiết phải xét nét.

Đến khi khoác máy loa và phim lên hang chính, những người trong trạm cũng ngạc nhiên về sự thay đổi đột ngột: bao tải gạo, những hộp thịt, cá và sữa, mũ sắt để rang và giã cà phê, túi hạt gắm mới nhặt tối qua và các loại chai lọ ống bơ... vẫn để vật vã, lỏng chỏng đầy cửa hang đều đã được thu dọn. Gian hầm nhỏ bỗng rộng và sáng hẳn ra. Những tấm ni lông mốc đất làm mặt bàn đều được lau chùi cẩn thận. Bốn cái chén nhựa nguyên là nắp hộp phấn của văn công tặng và cái ca bằng mảnh máy bay được đánh rửa sạch bóng. Ở một góc chỗ sát cửa hang ấm nước bằng hộp sữa đang sôi trên bếp dầu tự gò. Ngà ngồi ở một góc giường đọc sách, tựa hồ như sự ngăn nắp nề nếp kia vốn vẫn như thế và hầu như chị không hề biết việc khách đến. "Dù thế nào cũng phải lịch sự chứ". Chị hài lòng với việc mình vừa làm. Anh chàng thuyết minh nói bô bô trong hơi thở đứt quãng ở cửa hang: "Nhân vật hạ thủ chó sói ở trong hang này hử?" Ngà vẫn cắm cúi đọc sách. Qua vạt ánh sánh hắt chéo vào cửa, anh nhìn thấy một cô gái đang ngồi nghiêng không hề để ý đến người mới đến. Giọng anh lại ồm ồm vồn vã:

- Chào cô. Xin lỗi chào đồng chí.

Ngà đứng dậy cười kín đáo, giọng chị vẫn đầm ấm niềm nở:

- Chào anh, mời anh vào trong này. - Chị đỡ lấy chiếc loa từ tay anh ta. Anh xoay người để chị đỡ hòm máy chiếu từ lưng xuống. Trong lúc ấy tiểu đội trưởng đã len vào trong nhìn gian hầm ngỡ ngàng như mới tới lần đầu. Anh thầm cảm ơn Ngà, một chiến sĩ của tiểu đội mà lúc nào anh cũng tôn trọng như một người chị luôn luôn lo toan chăm chút cho mọi người và bao giờ cũng tự giác hoàn thành công việc được giao. Nói đúng hơn là chị ấy tự nhận lấy mà làm. Không biết xin được nửa gói "Thanh Tâm" từ bao giờ, lúc này chị khéo léo đặt vào tay tiểu đội trưởng nói nhỏ.

- Anh pha nước mời các đồng chí ấy uống đi...

Tiểu đội trưởng "vâng" một tiếng còn nghẹn trong cổ nhưng nghe ngoan như một đứa em làm Ngà suýt bật cười.

Quả thật trong cái gia đình ấm cúng này, tiểu đội trưởng giống như một đứa con trai có phận sự "hương khói" còn Ngà là người mẹ, người chị. Hầu như công việc nào trước khi phân công cho mọi người anh cũng hỏi: "Chị xem thế nào? Có được không?". Tất nhiên Ngà hiểu đấy là sự tôn trọng lẫn nhau, chị rất ý tứ với ý kiến của mình và thường kèm theo câu: "Bọn tôi góp ý kiến còn tuỳ tiểu đội trưởng quyết định". Riêng những việc chị nhận thì hầu hết tiểu đội trưởng phải nhượng bộ dù nhiều lúc anh băn khoăn vì chị làm quá nhiều và quá sức.

Anh ra hiệu cho Ngà, hai người lên khỏi hầm. Tiểu đội trưởng thì thầm:

- Hôm nay có "chất tươi" lại nhân tiện có khách, chị xem ta nấu thêm mỗi người một lạng nữa có được không?

- Được chứ. Nấu thêm mấy lạng nữa gọi cả Bình Nguyên và hai anh trên đài quan sát xuống liên hoan. Có thiếu, mai tôi kiếm măng, hạt gắm, không lo.

Anh thuyết minh nghe được vồn vã chen vào:

- Chúng tôi có gạo đấy. Gạo có đủ khối. Hơn một tuần nay chúng tôi đi đến chỗ nào anh em cũng thương không chúng tôi nộp tiêu chuẩn. Thôi được, cứ để đấy, chiều nay nấu gạo của chúng tôi. Nấu hẳn mỗi người năm lạng cho thoải mái. Đừng ngại đồng chí Ngà ạ. - Hình như sự nhạy cảm của các anh đã nhận biết cái trọng lượng quyết định công việc này nghiêng về phía cô gái rất thông minh và lịch lãm kia. Một con người mà qua tiếp xúc lần đầu đã thấy rất hiểu biết nhiều lĩnh vực và mẫu mực trong cách sống. Cảm giác ấy anh vẫn giữ cho đến đêm chiếu buổi đầu tiên phải bỏ dở vì bị thương. Nằm trên cáng đi đến đội phẫu mổ lấy mảnh bom từ trong bụng ra, anh còn dặn:

- Phần thuyết minh đề nghị đồng chí Ngà giúp... Tôi... tôi đi...
Ch­¬ng VI


Каталог: UserFiles -> RadEditor
UserFiles -> PHƯƠng pháp viết nghiên cứu khoa họC Ứng dụng sư phạM
UserFiles -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFiles -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFiles -> BỘ XÂy dựNG
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFiles -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFiles -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
UserFiles -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
RadEditor -> BẢn thảO ĐẦu tiêN (để bổ sung/góp ý) thông tin đÓng góp về XÃ HỘi dân sự TẦm nhìn asean 2025

tải về 2.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương