22  leâ LÖÏu tieåu thuyeát  23



tải về 2.23 Mb.
trang20/22
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2016
Kích2.23 Mb.
#32030
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22

3
Sở chỉ huy tiền phương của binh trạm ở giữa đồi tranh. Cả một trời cỏ tranh vàng mênh mông nổi lên những vòm xanh um tùm quấn quýt vào nhau của giàn bìm bìm chăng nối những cây dâu tây, cây táo với những bụi tre gai góc, nó giống như những dấu chấm nhoè trên một tờ bìa bằng giấy bổi.

Gọi là sở chỉ huy tiền phương vì các ban tham mưu, chính trị, tác chiến, vận chuyển... đều có mặt, dù mỗi ban mới có một người. Nửa đêm hôm qua đặt ba lô ở "ban mình" giữa đồi cỏ họ đã tiếp nhận hàng chục đại đội, công binh, pháo và xe. Mười chín giờ tối hôm nay các đại đội công binh cầu phà đã bắc xong ba cầu tạm và nối những đoạn đường cũ vào với nhau. Một tiểu đoàn xe đang chờ qua sông giao tận tay bộ binh những cân gạo đầu tiên. Một tiểu đoàn công binh làm đường, mở đường tránh, điểm vượt sông dự bị và hai tiểu đoàn xe trên đường tới địa điểm tập kết.

Máy điện thoại của binh trạm trưởng bắt đầu làm việc với các trạm chỉ huy xe ở mặt đường. Ông không ngờ mọi việc lại có thể nhanh chóng đến thế.

Ngoài ba tiểu đoàn xe đang có mặt, tiểu đoàn 165 mới thành lập do Trường chỉ huy ở tây Trường Sơn đã "lật cánh". Nếu thuận lợi, ba đêm nữa nó sẽ chở chuyến hàng đầu tiên. Binh trạm bộ cơ bản cũng đã đến địa điểm mới. Bộ Tư lệnh chiến dịch điện: "Toàn thể chiến sĩ ở mặt trận cảm ơn các đồng chí!". Chính uỷ cũng điện đến binh trạm trưởng: "Anh triển khai nhanh tới mức tôi không nghĩ ra đâu. Anh gắng giữ sức khoẻ, theo sát các đơn vị phía trên. Tôi sẽ tổ chức "đẩy" hàng, tạo "chân" cho chắc, anh yên tâm!".

Binh trạm trưởng nói chuyện với chính uỷ xong, cứ đứng im. Dù gần nửa tháng nay không hề chợp mắt nhưng không hề thấy mệt, thấy thiếu ngủ. Ông đang nghĩ cách đẩy hàng được nhanh, được nhiều hơn nữa. Lúc này ông chỉ muốn chạy xô đi vớ lấy công việc gì đó, vớ được ai đó để có việc làm, để được bàn bạc, lo lắng, suy nghĩ, nếu không, ông thấy mình nhàn rỗi lười biếng quá.

Một hồi chuông dài vội vã. Ông chộp lấy ống nghe, giọng vẫn như đang cười:

- Tui đây! Ai đó? Nói đi. Ừ, tôi là Lan, Lan quê Hải Lăng đây. Ừ, đúng tui ở làng Cùa, vùng chiến khu Cùa đó. Chui cha, thiệt ư? Tui đây, tui đây. Đây đâu? Tui gặp đây. Tui chờ. Đồng chí cho nói đi. Chui cha.

Ở đầu dây bên kia báo cho ông biết vợ ông và những bà con vùng giải phóng đi theo xe của binh trạm bị bom làm xẹp lốp, hiện đang thay. Người ta cho vợ ông vào trạm điều chỉnh nói chuyện với ông, nhưng ông nín thở, nín thở mãi cũng chỉ nghe thấy tiếng xào xạo vào tai. Dù chỉ có thế ông cũng không dám buông máy, không dám thở mạnh.

Mười phút sau ông mới biết vợ ông cầm lấy ống nói, ống nói rung lên bần bật rồi rơi xuống đất, bà quay ra ôm mặt khóc. Không ai biết bà đã nói được câu gì chưa? Nửa giờ sau xe nổ máy mới lại có tiếng chuông đổ về máy ông. Sau mấy câu của chiến sĩ công binh, ông nghe được một câu: "Răng anh nhớ mạ con tui!".

Nghe được câu đó người ông như đang khát cháy, mà cái ống nói là một vòi nước chảy vào miệng, ông cứ há ra trông như đang hớp hớp vào đấy mà không nói được gì. Đầu kia của chiếc ống nói trùm kín lấy màng tai, cũng không nghe được nữa. Chờ mãi, ông hỏi cuống quýt:

- Đâu rồi! 74, 74 đâu rồi!

Hỏi đến năm sáu lần, ông nghe tiếng cô tổng đài trả lời: "74 đã bỏ máy từ lâu". "74 đã bỏ máy từ lâu". Ông nghe thấy rồi, nghe hai lần cô tổng đài nói rồi mà vẫn giữ nguyên ống trên tay, ông vẫn mân mê ở màng ống nói như đang tìm kiếm cái gì phía trong nó, như đang nhìn thấy đôi mắt rất sáng và khuôn mặt rất lặng của vợ ông ở phía trong đó; ông nắm cái màng ống nói như nắm vào bàn tay đang thu lại trong đó.

Đã bao năm nay vào sống, ra chết, gặp bao nhiêu chuyện buồn vui, chưa bao giờ ông thấy các bắp thịt của mình tê dại như lúc này.

Nhưng ngày hôm sau chính uỷ Quang Văn đi bộ suốt đêm từ bộ phận cơ bản của binh trạm đến thay ông và cho chiếc xe đưa ông đến nơi đồng bào Hải Lăng sơ tán thì ông lại yêu cầu ở lại làm nốt công việc.

Lần chần mãi ông mới đi, đi vào lúc trời nhá nhem tối. Đến bìa rừng cao su ông cho xe quay lại và đi bộ. Lúc ấy chỉ còn thấy trắng mờ mờ những chiếc bát hứng mủ ngang gốc cây. Ông xăm xăm lên khỏi dốc, vừa đứng thở, vừa định hướng đi trước hai lối rẽ. Đột nhiên một bóng người đàn bà từ phía trước mặt đi lại. Ông bước nhanh đến gần hỏi đường. Hai người cách nhau chừng mươi mét, người đàn bà chạy sầm đến ngồi sụp ôm ngang chân ông. Nghe tiếng khóc và kêu thảm thương, ông ngồi xuống nâng cánh tay chỉ còn một nửa. Bà lấy bàn tay còn lại rứt lấy rứt để vào cổ áo, mặt và tóc ông. Ông ngồi im như một đứa trẻ phạm tội không hề nhúc nhích, động đậy. Rứt, cào, đấm mãi, bà nhổm dậy bỏ chạy. Ông nhao theo túm áo giữ lại, giọng ông van vỉ:

- Anh đây, tui đây rồi. Biết mần răng! Tui xin em. Tui xin mạ thằng Hùng ơi đừng khóc nữa.

Người vợ vẫn khóc nức nở muốn choài ra khỏi cánh tay âu yếm của chồng. Lúc này ông mới hỏiôcn và nhận ra thằng bé đứng như một cây cột cách hai vợ chồng chừng vài chục bước chân. Ông hỏi:

- Hùng hở con?

- Dạ.

- Lại đây với ba mạ. Ui chao, mạ con con đi kiếm ba. Lại đây.



Thằng bé đến gần áp khuôn mặt non nớt ngơ ngác của nó gần sát cái miệng cười như mếu của ông. Ui chao, thằng Hùng, thằng Hùng thiệt đây. Con như hệt cái hình ba vẽ mười năm về trước: Một món tóc quăn tự nhiên bật trước trán, một cái miệng xinh xẻo của mạ nó. Cái mắt cau có của ba. Chui cha, thằng Hùng ngày xưa là tờ giấy ba vẽ. Chừ là thằng Hùng thiệt sự. Thằng Hùng thiệt đây. Ông rờ nắn, vuốt vuốt khắp người nó. Những điều tưởng tượng bao năm nay chừ nó là da thịt, đầu tóc, giọt nước mắt và miệng cười ông đều nắm vào tay mình. Chui cha, thằng Hùng của ông. Biết nói răng với mạ nó, người đàn bà đang khóc nức nở ở ngay cạnh này lại chính là ân nhân của ông, người đã đem lại cho ông nguồn hạnh phúc bất diệt, một thằng Hùng thiệt sự, mà ông tưởng khát cháy hàng chục năm nay!

Đêm đó ông nằm bên con, nắn nắn hai ngón tay bị đứt của nó, ông hỏi:

- Con tìm được mạ ở mô?

- Khi má đứng ngoài đồn la, con nhìn thấy. Nhưng sợ như những lần trước, con phải làm bộ không nghe, không nhìn. Có lệnh đi chi viện cho Đông Hà con mừng quá ba à! Ra khỏi đồn nhân một loạt pháo bên miềng nổ, khói trùm kín hết tụi nó, con nằm ép xuống rồi lăn vô một rãnh nước, cỏ trùm kín ở trên. Cứ nằm rứa con không dám nhìn lên. Đã tưởng thoát, không dè, một thằng thiếu uý đến tóm cổ áo lôi con dậy, thúc báng súng vào lưng con đẩy đi, ba à!

Nghe con kể, máu trong người ông chạy nóng rần rật. Ông định hỏi còn nhớ mặt thằng mô không? Nhưng lại nằm im. Lát sau ông hỏi con vẫn giọng nhè nhẹ:

- Rồi con ra bằng cách chi?

- Có quân Giải phóng chứ ba. Quân miềng chặn đường chi viện của nó. Chỉ có ít thằng chống lại, còn chạy toán loạn cả. Con chạy lại phía sau vì biết má con sẽ đi theo như mọi lần ba à. Quả thiệt. Con chạy chừng một kilômét thấy má con. Má con mang sẵn bộ đen ni đưa cho con mặc. Khoác bộ đen vô rồi hai má con chạy. Má túm tay con chạy miết đứt cả hơi, ba à. Không ngờ má con lại tìm được đến chỗ ba nhanh vầy.

Nghe con nói, ông nằm im lặng nhìn sang giường bên. Ánh trăng cuối tháng lổ đổ qua vòm lá cây cao su chao đung đưa trên tấm ni lông che trên gian nhà thùng.

Mạ thằng Hùng nằm nghiêng. Cái dáng gầy choắt ông tưởng ban ngày gặp nhau chưa chắc đã nhận ra, không ngờ, giữa rừng, đêm hôm má nó lại nhận được ông. Ông không thể ngờ mạ nó lại còm cõi đến thế. Lúc ni mạ nó nằm thiêm thiếp như ngủ, nhưng ông biết mạ nó vẫn thức, vẫn nằm im nghe chuyện cha con ông. Giờ phút im lặng này là nỗi sung sướng tràn ngập trong lòng mạ nó. Ông nhổm dậy lặng lẽ vấn điếu thuốc, hút. Đoạn quay mặt nhả khói, hỏi con:

- Mày có bắn Quân giải phóng không?

Thằng Hùng hỏi lại:

- Ba biểu chi ạ?

- Ba hỏi, con trông thấy Quân giải phóng có bắn không?

- Khi mô thằng chỉ huy đứng cạnh thì phải bắn ba ạ.

- Ngộ ba cũng ở đấy bắn tin ba thì răng?

- Con cũng lo rứa. Nhưng biết răng được ba! Ba à, tụi nó biểu cộng sản là xâm lăng. Ba có là cộng sản không ba?

- Có.

- Ủa, rứa là… - Nó định nói gì nữa nhưng cứng lại. Binh trạm trưởng nằm lặng đi, nhìn con. Ông biết nó đang sửng sốt không ngờ ba nó lại là cộng sản, vậy ba nó cũng là “kẻ xâm lăng”, “kẻ tàn nhẫn đẫm máu và ngu si”. Ui chao, cái văn minh của bọn lái súng Mỹ sâu sắc là thế. Nó đem bàn tay vấy máu đến xé đôi từng cơ thể, từng gia đình, xé đôi giọt máu ra và biến nó thành đối địch, hận thù. Nó phát súng cho con, cho hàng mấy chục vạn thanh niên như con đi bắn những người như ba, như mạ con để bảo vệ những tên lính Mỹ và bọn bù nhìn. Những kẻ đó là bạn bè, là chính nghĩa còn ba và đồng đội của ba là kẻ xâm lăng của mạ con, của con, của cô dì chú bác! Còn con, sinh ra ở cái đất “văn minh” của người Mỹ bằng ngần này con không hề biết một chữ. Lớn lên con chỉ nghe quen những tiếng xì ke, hộp đêm, gái điếm, vô lính quốc gia, cộng sản xâm lăng! Mạ con có dạy cho con dăm ba chữ để sau này đọc tờ báo, quyển sách thì lại mắc tội tuyên truyền cộng sản! Những ý nghĩ chua chát, uất hận ấy ông phải nén, chết lặng một lúc lâu ông mới nén lại được. Châm mồi thuốc hút dở, sau hơi cuối cùng vừa nhả khói ông vừa âu yếm hỏi con:



- Con có hiểu gì về ba không?

- Con không có hiểu. Má con chỉ biểu ba thích ăn cháy. Má còn nói hồi đi tập kết ba để quên cái bát sắt, má giữ mãi cho con ăn đó. Má chê ba hay quên ba à.

- Ừ ba hay quên nhưng có lúc mạ con lại chê ba nhớ dai.

Câu nói đó, thằng Hùng biết ba muốn nói sang phía giường bên kia nên nó nằm im không hỏi lại.

Một lúc sau ông lại nói với con:

- Mạ mi chê ba nhớ dai, còn mạ mi lại kể chuyện từ hồi ba mần phụ trách nạt mạ mi. Xa nhau bao nhiêu chỉ nhớ mỗi chuyện nớ.

Thằng Hùng đã ngáy đều đều. Nhưng nói xong ông vẫn tủm tỉm cười và hình như ông cũng nghe được tiếng cười chìm trong những hơi thở nóng bỏng từ giường phía bên kia phả sang. Khắp người ông rạo rực niềm vui thơ trẻ, bồng bột như mười tám năm về trước. Ông không ngờ giữa những ngày này ông lại gặp cả vợ và con dễ dàng như ri. Ngày mai gặp anh Văn, ông phải nói răng để anh ấy thấy hết được lòng ông sung sướng! Ông nhổm dậy gọi khẽ khàng:

- Mạ Hùng! Mạ thằng Hùng!

Im lặng. Những chùm pháo bầy từ biển bắn vào vu vơ phía Cam Lộ, Gio Linh. Những quầng sáng đỏ đọc của đèn dù hắt ánh sáng mờ mờ vào căn nhà hầm. Ông nằm xuống nói lẩm bẩm:

- Mạ Hùng ngủ rồi!

- Ba con ông nói chi tui chả biết.

- Mạ Hùng!

- Đừng gọi nữa. Ba Hùng sang đây với em. Lẹ lẹ thôi, để con ngủ.


4
Ngà gặp đơn vị trên đường hành quân sang đông Trường Sơn. Thú đi tiền trạm, mãi đến ba ngày sau Ngà mới gặp. Chị mừng rỡ reo như một đứa trẻ:

- Anh Thú! Anh Thú ơi, giời ơi!

- Chị Ngà đấy à?

- Những ngày ở viện, không lúc nào là tôi không nhắc đến các anh. Tôi lạy trời có phép nào Thú lại đến đưa tôi về đơn vị khỏi phải một mình bơ vơ, tủi thân quá.

- Vâng, tôi có nghe người nhắn, nhưng lệnh hành quân gấp quá.

- Anh có khoẻ không?

- Cũng thường thôi.

Lúc này Ngà mới để ý đến giọng nói và cử chỉ của Thú có vẻ lạnh, thờ ơ, khác hẳn một cậu Thú trước đây nhiều quá.

Thú quay đi mấy bước rồi mới chợt nhớ ra, chưa chào, vội quay lại:

- Tôi đang bận quá, chị thông cảm.

Ngà thấy người nóng lên, chị trả lời lịch sự như một cái máy:

- Vâng, chào anh.

Thú đi rồi, Ngà vẫn đứng như chôn ở khe đá. Chị không hiểu tại sao lại như thế. Thú cho là mình đã có lúc định chạy trốn nơi này, định lẩn tránh mọi người thân thiết ư? Hay là Thú đã làm chính trị phó đại đội, không thể có tình cảm "chị em" như trước nữa!

Cái sợi dây níu kéo tôi ở lại với chiến trường, với mọi người là sự nhạt nhẽo, quay đi vừa diễn ra trước mặt tôi đấy ư?

Ngà đứng tựa vào gốc cây như thể người đứng ngắm cảnh lạ. Thật ra chị chả nhìn thấy gì, khắp người như có ai dần xé. Suốt một tuần, hết lội suối, leo núi, ngồi trên thùng xe cả ngày đêm, lúc này mới thấm mệt rời rã, hai chân chỉ muốn khuỵu xuống. Nhưng chị đã nói với mọi người rằng: Lúc đùa vui ai có thể bảo tôi là con lợn, con bò, là..., là gì cũng được, còn đã có cử chỉ xem thường, khinh miệt thì bất kể là ai tôi cũng sẽ nghĩ họ là kẻ tầm thường, ít hiểu biết. Nhưng bây giờ người đó lại là Thú, một "đứa em" lúc nào chị cũng nâng niu, trân trọng! Vì sao Thú lại thay đổi nhanh thế? Giữa lúc trống trải của tình cảm này, câu hỏi ấy quay cuồng trong đầu, chị tưởng như mình không thể đứng dậy được nữa.

Hơn hai giờ sau Thú trở lại tìm chị. Lúc ấy chị đang ngồi một mình trong căn nhà hầm lạnh và ẩm xì xì.

Thú bước vào đột ngột làm chị giật mình và tự nhiên cổ chị nghẹn ứ lại, nước mắt muốn trào ra vì giận.

- Chị ngồi đây làm gì tôi tìm mãi.

- Tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ à?

- Không phải thế.

Im lặng. Đã tưởng bao nhiêu điều bực bội gặp chị, Thú có thể nói tung toé ra, đến đây Thú lại thấy chị ấy có vẻ không bằng lòng với mình. Chị ấy bực chuyện gì mới được chứ? Thú ngồi lặng đi. Rồi nhấp nhổm ba bốn lần, cậu cũng chưa thể nói được những điều từ lúc gặp chị đến giờ cứ trồi cộn lên phải kìm nén mãi mới xếp được thứ tự câu nào trước câu nào sau.

Hẵng để xem chị ấy thế nào! Đã định bụng thế. Ngồi mãi, vừa khó chịu vừa ngượng, Thú không thể nào nhẫn nại được, cậu đành lên tiếng trước:

- Chị có biết tôi nghĩ về chị thế nào không?

- Đồng chí nghĩ tôi như thế nào cũng được.

Lại còn thế nữa. Chị giận tôi nỗi gì mới được chứ! Thôi đã vậy cứ nói thẳng tuột ra, muốn thế nào cũng được.

- Tôi lúc nào cũng coi chị như một người chị, thôi chị biết rồi tôi không phải nói dài nữa. Nhưng có phải chị không thèm để ý gì đến chúng tôi không? Có phải thế không đã?

- Đồng chí cứ nói đi.

- Nói thật là tôi rất ức chị. Chiều nay tôi định không gặp nữa.

- Sao đồng chí lại còn đến đây.

- Tôi nghĩ lại, muốn gì thì gì, tôi phải nói hết đã.

- Ừ thì nói hết đi rồi từ mai không phải gặp nữa.

- Không phải thế.

Suýt nữa Ngà bật cười. Cậu ta càng tỏ ra bực bội bao nhiêu thì chị càng thấy nhẹ vợi bấy nhiêu. Vẫn cậu Thú "cau có" chuyên lo việc cho người khác cần mẫn như xưa. Chị giục:

- Thì thế nào Thú nói đi xem.

- Không biết thế nào nữa. Nhưng chị giải quyết "vấn đề", tôi cho là mù quáng.

- Việc tôi trở về "tuyến sau" ấy.

- Còn gì nữa. Nếu không có bom chặn đường, chắc chị đã ở tận đâu rồi.

- Sao? Vì bom chặn đường tôi mới quay lại à?

- Phải. Tôi nghe nói thế.

Ngà cắn chặt môi im lặng. Lúc sau chị mới gật gật đầu cười lạt:

- Thôi được, Thú hiểu như thế cũng được.

Thú ân hận. Nếu không phải như thế thì oan cho chị ấy.

- Nhưng... không phải... như người ta nói à?

- Thú cứ hiểu như thế cũng được. Còn những gì nữa hãy tiếp đi.

- Hãy thế thôi. Nhưng tôi thấy thất vọng.

Lại một lần nữa Ngà phải nén tiếng cười lại. Ăn với nói, có ai người ta nghe thấy, còn hiểu đầu đuôi ra sao nữa. Ngà biết thừa cậu ta thất vọng vì sao rồi nhưng chị vẫn hỏi lại:

- Thú thất vọng vì tôi tồi tệ quá phải không?

- Nếu chị là người tồi, tôi đã chẳng cần thất vọng. Đằng này... Tôi chỉ hỏi tại sao chị lại định giải quyết như thế?

- Tôi yếu sức khoẻ, thủ trưởng binh trạm giải quyết "chính sách" thì tôi chấp hành.

- Tôi muốn nói chuyện... anh ta kia.

- Anh ấy biết hối hận, biết yêu tôi chân thành thì...

Người Thú lạnh toát đi. À thì ra chị ấy quyết định thật, chứ không phải vì lý do gì khác. Thôi nếu vậy Thú chả cần nói gì lúc này nữa. Thú ngồi đờ ra, mồ hôi nhơm nhớp ở chân tóc. Cậu đứng dậy.

- Thôi thế tôi không nói gì nữa đâu.

Cậu định bước đi. Ngà gọi lại, giọng chị âu yếm như nói với em trai mình thực sự:

- Thú, ngồi lại đi. Tôi hiểu Thú định nói gì với tôi, nhưng...

- Chị nói đi xem có đúng không đã.

- Nhưng đừng nói nữa. Thú đừng bắt tôi nói nữa.

- Chị sợ...

- Tôi không biết sợ, nhưng tôi biết tự trọng.

- Chị biết chuyện tôi định nói thật không?

- Biết.

- Chị biết rồi, tôi cứ nói thẳng ra là... Không hiểu tại sao chị có thể quên được anh Trường.



- Đừng nói đến anh ấy nữa Thú. Thành thật là tôi lúc nào cũng coi Thú như em trai tôi. Tôi biết Thú hết sức mong muốn "vun đắp" chuyện này nhưng...

- Nhưng chị không thấy quý anh ấy à?

- Không phải thế.

- Tôi hỏi thật, chị đừng ngại gì với tôi cả. Chị có thấy yêu anh ấy không?

Mặt Ngà đỏ bừng lên, chị hơi cúi xuống. Phải một lúc chị mới trấn tĩnh lại:

- Thú ạ. Tôi rất cảm ơn Thú. Nhưng tình yêu không bao giờ chỉ có ở một phía.

- Chị nói thế nghĩa là thế nào?

- Nếu Thú không hiểu thì để sau này, tôi không biết giải thích thế nào.

- Chị định nói phía anh Trường không yêu chị chứ gì?

- Thú hiểu anh ấy hơn tôi.

- Trời ơi, thế thì suốt ba tháng nay ở phía tây không lần nào viết thư cho tôi anh ấy lại không nhắc đến chị. Nhưng lại sợ chị... Chị không nghĩ gì đến anh ấy.

Thật lòng, từ ngày xa nhau Thú cũng không nhận được thư từ gì của Trường. Nhưng Thú biết anh rất yêu chị Ngà, dù rằng anh chưa hề nói ra. Biết thế Thú phải nói dối trong trường hợp này. Nói dối mà đem lại hạnh phúc cho bạn bè là nói dối nhân đạo chứ lo gì.

Câu chuyện giữa hai người đến đây bị cắt ngang bởi những công việc ập đến. Trước khi ra ngầm anh đứng lại định nói một câu gì nữa. Các chiến sĩ ùa ùa kéo đến mỗi lúc một đông, anh đành im lặng.

Cũng như hai đêm trước, vừa nhá nhem tối, bến Tiến lại vỡ ra tiếng người giao việc cho nhau như quát, tiếng bước chân chạy, tiếng búa đóng cọc chuẩn, tiếng xe ben đổ đá nghe ầm ầm như sạt núi. Những bóng người cong lại hình cánh cung, trên lưng họ ụ lên một bì cát năm mươi ki-lô, bì một tạ. Họ chạy lên, chạy xuống nhấp nhoá dưới ánh pháo tăng tốc dàn hàng ngang từ hạm đội Mỹ ở biển bắn vào. Những viên đạn trắng bợt dùi vào nền trời tím bầm và sau tiếng nổ bùm bụp từ giữa không trung những viên đạn toé ra xèo xèo, lép bép như ta đổ muối vào chảo mỡ đang sôi. Nghe tiếng nổ đầu nòng tám loạt thình thình, quân ta hò nhau vào hầm. Khi mặt đất hai bờ ngầm rung chuyển rào rào, lại thình thình tám loạt khác. Qua vài loạt, biết thằng địch bắn "toạ độ", lính ta kệ xác nó. Tiếng máy, tiếng đá đổ đục ngầu mặt nước. Chốc chốc dòng nước lại chao té lên đến chân núi, những xe đá vừa đổ, những bì cát vừa quăng, trôi dạt đi. Mặc bom, ngầm vẫn tôn lên, tiếng mìn phá đá vẫn nổ.

Đoàn xe từ A7 đã đến. Thú vội vàng ách lại. Còn một mét bốn mươi bảy chưa qua được. Lệnh binh trạm: bắt đầu cho vượt. Xe đầu tời lên trước, mỗi xe cách nhau năm phút chiếc. Tất cả các xe tháo dây cô-roa bám theo đầu tời.

Những chiếc xe đầu tiên vượt an toàn, Thú lệnh cho A7 "thả" tiếp. Càng về đêm, nước càng rút, có thể yên tâm để một mình trung đội trưởng và các chiến sĩ trung đội ba ở lại. Thú lên núi, nơi đánh mìn lấy đá. Khi chuyển hết số đá về vị trí dự trữ, anh cho các chiến sĩ nghỉ rồi trở lại đầu ngầm. Có tiếng xôn xao của các chiến sĩ:

- Có người hỏi thăm anh Thú.

- Ai?


- Thủ trưởng tiểu đoàn xe tên là Trường.

- Lâu chưa?

- Chắc đi xa rồi.

Mặc, Thú vội vã giơ chiếc loa chạy pin sang bờ phía nam:

- Anh Trường, anh Trường còn bên ấy không?

Ba tiếng còi xe báo lại pi pi.

Thú hỏi lại:

- Thú đây, anh Trường còn bên ấy không?

Lại ba tiếng còi khác đáp lại.

Thú lội ào xuống, cứ mặc nguyên quần áo, nước ngập ngang người, anh lội qua ngầm dài hàng mấy trăm mét. Lên gần bờ bên kia, người anh run cầm cập. Trường nhao xuống lợi nước, ướt đến nửa người, anh ôm chầm lấy Thú:

- Nếu không có chiếc xe rệ, mình đã đi rồi, may quá. Thú ơi, lâu quá rồi, khoẻ không?

- Thôi không khách sáo nữa, anh đã phải đi ngay chưa?

- Xe lên được rồi, mình phải bám, tình hình phía trên căng lắm.

- Anh rất tồi tệ.

- Sao?

- Lại sao? Anh có biết mấy tháng qua chị ấy "điên đảo" lên vì anh thế nào không? Anh lại không thèm nói một lời nào. Không viết được cho chị ấy, cũng phải có vài chữ dặn tôi, để tôi còn liệu chứ.



- Thú ơi, chuyện Ngà ấy à?

- Còn ai vào đấy nữa.

- Mình cứ tưởng...

- Không tưởng gì cả. Anh có yêu người ta không?

- Thú. Thú đã nói hộ tôi điều ấy với Ngà chưa?

- Rồi.


Trường ôm chặt lấy Thú. Hai nửa người ướt sũng cùng chảy nước tong tỏng, lúc này họ mới để ý vẫn đứng ở dưới nước.

- Cảm ơn Thú nhiều lắm. Trời ơi, mình chả biết nói thế nào. Thôi pháo nó lại "canh" rồi đây này. Hiện nay Ngà ở ngầm nào?

- A7, trạm đầu tiên của ngầm này.

- Thôi được. Hôm quay ra Thú đưa mình lên A7.

Trường nhảy lên xe, cho nổ máy. Trước khi xe rồ lên, anh ngoái cổ dặn lại:

- Mình sẽ ra, sẽ lên A7, yên trí Thú nhá.

Thú dặn với:

- Vâng. Cẩn thận. Nó "canh" khắp nơi rồi đấy.

Thú quay về. Từng chùm pháo sáng bung ra, mặt nước sáng mênh mang, có thể nhìn rõ từng bọt nước. Anh lội dấn lên. Đột nhiên chớp nhoàng xanh lè trước mặt. Hai mắt tối sầm lại, anh chỉ còn một cảm giác hơi chao đi và nghe gọi thấp thoáng tiếng "Thú" ở hai bờ.

Các chiến sĩ xô xuống nước. Họ gào lên giữa những tiếng nổ. Nhưng gào mãi vẫn chỉ nghe tiếng nước ào ào xô vào hai bờ đá.

- Anh Thú. Anh Thú bị rồi các đồng chí ơi... Anh Thú. Anh Thú bị...

Bao nhiêu tiếng kêu hoảng hốt cùng bật lên, cùng ào ào ra giữa dòng nước. Nhưng không còn nữa rồi! Người chính trị viên của họ, người anh của họ, người bí thư liên chi đoàn của họ, một người thương yêu, lo toan cho họ như cha mẹ lo cho con, đã ngã xuống rồi!

Đáp lại hàng trăm tiếng kêu, gọi, chỉ có màu nước sóng sánh và tiếng ào ào xô lên bờ như bỗng dưng trời vùng ngầm trọng điểm đang nổi gió.

Ch­¬ng XVII
Họ im lặng đi. Từng bước chậm. Con đường cứ ngược lên, ngược mãi như lên cầu thang nhà gác không có bậc. Ánh trăng trải ra lạnh bợt bạt như da người vừa vớt dưới nước lên. Khu đồi sỏi và cát chỉ còn trơ những cây chết đã tuột hết vỏ hoặc những cây than, những cây xơ xướp gãy gục bên những hố bom màu trắng nhợt.

Người chiến sĩ đi trước dừng lại bên một gốc cây cháy dở. Giọng anh nhỏ như ngấm sương đêm:

- Đây ạ! Báo cáo thủ trưởng đây.

Người cán bộ già chống gậy đi từng bước khập khiễng đến bên anh người chiến sĩ rồi đứng lại. Ông bỏ chiếc mũ tai bèo khỏi đầu, kính cẩn cúi xuống nấm mộ màu nâu và những vòng hoa rừng đặt ở phía trên. Người chiến sĩ khác, đứng phía sau và người dẫn đường cùng bỏ mũ, cúi mặt hướng vào nấm mộ. Im lặng. Chỉ có gió và tiếng những con côn trùng mài xiết vào không gian lạnh lẽo. Hai tai người cán bộ già ù đi. Nước mắt ông giàn ra, chảy xuống đọng lại ở những nếp nhăn trên mặt. Ông nuốt những dòng nước mắt chảy ở phía trước, cổ ông nghẹn nấc thành tiếng.

Gió từ bốn phía lặng lẽ lau khô những giọt nước mắt, ông hơi nghiêng người nói với người chiến sĩ đứng cạnh:

- Các anh xuống trước đi.

Hai người chiến sĩ quay lại, vẻ nặng nhọc, chậm.

Còn lại một mình trên đồi, ông ngồi sụp xuống nền sỏi, ngồi hơi nghiêng như những ngày hai người ngồi bên nhau và nó mắng mỏ ông. Dường như khuôn mặt cau có của nó, tiếng nói cau có của nó đang hiện lên trước mặt ông, vang lên bên tai ông. Ông oà khóc:

- Thú ơi! Em ơi! Em bỏ người bạn già này em đi rồi. Thú ơi, từ ngày Thú xuống đơn vị, tôi giữ gìn nghiêm lắm rồi. Tôi mong gặp lại để tôi khoe mọi chuyện, không ngờ Thú đi rồi... - Những tiếng gọi ấy thầm thì như gọi người ngồi bên cạnh. Ông nhớ nó như nhớ một người con, người em, người học trò, người bạn, người đồng chí. Nó lo cho ông từng giấc ngủ, miếng canh, từng bước chân lội suối. Những ngày sống trong mưa rừng, nó có đi đâu, lo việc cho bạn bè, ông ngồi nhà một mình thấy buồn như vắng một người mẹ. Có lần nghe gió rũ nước ở cây xuống, ông tưởng bước chân nó chạy về liền xô ra cửa gọi. Có lúc nó mắng ông vì đi hay ngã hoặc ăn không hết một bát cơm. Giong nó cau có, đe nẹt như đối với một đứa em nó ở nhà. Lúc ấy ông cảm thấy mình bé bỏng, nhận thấy tấm lòng ngây thơ, chân thành của nó. Nó mắng, ông cười tuế toá, ngoan ngoãn làm theo lời nài ép, bắt bẻ của nó. Nhưng nó còn trẻ, phải được rèn luyện, được học hành cũng như những chiến sĩ cần vụ trước đây, ông không thể nào giữ mãi nó ở với mình được. Một tình yêu nào cũng là nguyên nhân của sự ích kỉ. Nếu giữ mãi nó, ông sẽ trở thành kẻ kìm hãm dù ông yêu nó như yêu chính mình. Những ngày nó mới xuống đơn vị, động đến chỗ nào trong căn nhà hầm cũng thấy chột dạ như sờ thấy bàn tay của nó. Bao giờ đi qua đường cạnh đơn vị nó, ông cũng tìm cách rẽ vào để trông thấy nó: Thú đâu, có khoẻ không? Và nó hỏi lại: Thủ trưởng dạo này thế nào? Chỉ có thế, rồi lại đi. Nhưng lần nào nó cũng phải ném cho cậu cần vụ một nắm rau, một khúc măng, bọc nấm, trứng gà hoặc ít rễ sâm rừng. Nếu không có gì, người nó bứt rứt như kẻ phạm tội. Mới tuần trước ông qua đây, nó còn vứt lên xe ông rau má và dặn cần vụ: Rửa sạch, giã vắt lấy nước. Nếu thấy nhợ hòa thêm ít đường, cậu phải chú ý, độ này mình thấy thủ trưởng yếu đấy.

Suốt một tuần theo xe trên mặt đường chưa phút nào được yên ổn, chưa có chỗ kiếm được bát nước sạch để rửa. Nắm rau má héo khô còn nằm trên thùng xe mà nó đã vĩnh viễn xa rời ông rồi. Một dòng nhựa chảy đi rồi, không thể nào trở lại thân cây được nữa. Vẫn biết rằng trong cuộc chiến đấu một mất, một còn này bao đồng đội thân yêu đã ngã xuống, nhưng ngờ đâu nó lại nằm đây đột ngột thế này! "Thú ơi, con ơi, người bạn rất kính trọng của tôi. Sao tôi lại không nói được với anh điều gì những ngày ta sống với nhau để anh hiểu tôi, hiểu tấm lòng của một người cha, người anh, người bạn của anh. Nhưng tôi biết chắc anh sẽ cau mặt lại khi tôi khen anh, tôi nói những lời yêu mến với anh. Bao nhiêu việc anh làm, bao nhiêu điều anh nghĩ tận tuỵ cho tôi, cho bạn bè, có bao giờ anh để cho ai nói lời khen ngợi, cảm ơn anh đâu. Bây giờ thì mày bỏ anh rồi Thú ơi, con ơi!".

Người ông nấc từng chập, mặc cho nước mắt giàn ra hai má, hai bàn tay ông sục xuống, hắt tới tấp những vầng cát lên ngôi mộ người chiến sĩ.

Những đám mây từ phía biển đã rạn đỏ, nức nở từ lúc nào ông không hề để ý. Có tiếng nói lầm rầm lên dốc. Ông vội vàng lau mặt, đứng dậy.

Vẫn người chiến sĩ ở trạm giao thông đưa ông lên đây hồi đêm. Một cô gái đi cạnh anh ta. Giọng anh vẫn chìm như bị phủ sương đêm:

- Báo cáo thủ trưởng, đây là bạn đồng hương của anh ấy.

Cô gái chưa kịp chào ông đã bưng mặt khóc. Tiếng khóc mỗi lúc một oà vỡ không cần giấu giếm. Tiếng khóc thảm thiết làm cho chính uỷ không thể cầm lòng, nhưng ông lại ngẩng mặt tươi tỉnh nhìn ra phía biển như say nhìn cái quầng sáng buổi sớm đang làm lung linh những vầng hoa màu tím ở sườn đồi. Ông hỏi người chiến sĩ:

- Đã cho xe giấu kỹ chưa?

- Báo cáo, rồi ạ.

- Được rồi, ta chuẩn bị đi xuống.

Cử chỉ và lời ông nói ra cốt để cô gái nguôi đi. Tiếng khóc vẫn xói vào ruột ông.

Ông phải đi đi lại lại để giấu những cảm xúc của mình. Ông hiểu giữa lúc này rất cần thiết mọi người lính phải reo lên ồ ạt những tiếng xung phong, tiến công, thì người chỉ huy có đau mấy cũng không thể biểu lộ trước mặt họ, dù chỉ một người. Phải biết giấu kín nỗi đau đớn tàn khốc, những rối rắm uẩn khúc trước mặt người chiến sĩ. Còn ở họ thì phải đòi hỏi tất cả đều được bộc bạch. Ông khoanh tay trước ngực đi khập khiễng vài vòng quanh ngọn đồi. Cô gái phục xuống cạnh vòng hoa. Tiếng cô vẫn gào lên đau đớn. Người chiến sĩ khuyên ngăn cô mãi không được, đợi chính uỷ đến gần, anh ca cẩm:

- Báo cáo thủ trưởng, cô ấy là Mơ ở thanh niên xung phong thuộc binh trạm ta, mới bổ sung đến đêm qua.

- Có. Hồi trước cậu ấy có nói chuyện. Từ lúc cô ấy đến, tôi đoán ra ngay.

- Lúc mới đến cô ấy đã khóc ở dưới chân đồi rồi đấy. Bây giờ lại... Biết thế thì...

- Các anh định không cho cô ấy lên đây chứ gì? Các anh định như thế, tệ quá. Cứ để cô ấy khóc cho nguôi đi. Đừng ngại. Đừng ngại anh ạ. Người ta ai đã biết thương xót, nuối tiếc người bạn tốt thì cũng biết hành động tốt, đừng ngại.

Tưởng nghe thấy câu đó, cô gái sẽ khóc to hơn. Cô lau nước mắt hỏi chính uỷ:

- Chú ơi, anh Thú cháu cùng ở với chú ạ?

- Ừ, nó nói với chú rất nhiều về cháu. Thú quý cháu lắm. Vì mất địa chỉ thành ra tìm nhau mãi.

Cô gái mếu máo:

- Cháu đi tìm bao nhiêu rừng hoa dạ hương và đơn vị công binh. Mãi đến hôm nay...

Vẫn tưởng cô oà khóc to hơn. Ngược lại, giọng cô bình tĩnh:

- Cháu định từ nay viết thư đều đặn cho bố mẹ anh cháu. Chú bảo cháu có nên báo tin này không?

- Cháu nghĩ thế phải lắm. Chú cũng định nói với cháu điều đó. Viết thư đều đặn cho ông bà và các em. Còn chuyện này đừng nói vội cháu ạ. Đợi khi nào biết chắc chắn địa phương đã báo, cháu sẽ biên thư an ủi gia đình. Tổ chức người ta làm chắc chắn hơn. Vì căn cứ tình hình cụ thể, mặt này, mặt khác ở địa phương nên báo lúc nào cho tiện, người ta sẽ cân nhắc. Chú dặn lại: Đừng nói gì trước. Gia đình có hỏi cũng đừng nên nói trước.

- Cháu nhớ rồi ạ.

- Chiều nay chú sẽ đến đơn vị thăm cháu. Có những bức ảnh chú và Thú chụp ở phía tây, chú sẽ đưa cho cháu, có dịp nào cháu gửi về gia đình tặng hộ chú.

Ba người đi xuống mặt đường. Lúc ấy trời đã nắng. Và cái âm thanh nhọn, cứng của pháo bầy, bom toạ độ lại bắt đầu váng lên. Một ngày mới của sức chịu đựng và chống trả của lính ta cũng bắt đầu.


Каталог: UserFiles -> RadEditor
UserFiles -> PHƯƠng pháp viết nghiên cứu khoa họC Ứng dụng sư phạM
UserFiles -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFiles -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFiles -> BỘ XÂy dựNG
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFiles -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFiles -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
UserFiles -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
RadEditor -> BẢn thảO ĐẦu tiêN (để bổ sung/góp ý) thông tin đÓng góp về XÃ HỘi dân sự TẦm nhìn asean 2025

tải về 2.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương