1. Sự cần thiết lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng Trung du miền núi Bắc Bộ


II. DỰ BÁO TÁC ĐỘNG CỦA BỐI CẢNH TRONG NƯỚC, QUỐC TẾ VÀ KHU VỰC TRONG XU THẾ HỘI NHẬP KINH TẾ CÓ TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA VÙNG TDMN BẮC BỘ



tải về 2.26 Mb.
trang10/27
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích2.26 Mb.
#23833
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   27

II. DỰ BÁO TÁC ĐỘNG CỦA BỐI CẢNH TRONG NƯỚC, QUỐC TẾ VÀ KHU VỰC TRONG XU THẾ HỘI NHẬP KINH TẾ CÓ TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA VÙNG TDMN BẮC BỘ

2.1. Tác động của bối cảnh quốc tế trong xu thế hội nhập kinh tế


1- Thuận lợi:

Hội nhập tạo cho thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của vùng TDMN Bắc Bộ ngày càng mở rộng hơn về quy mô, phong phú hơn về chủng loại, nhạy cảm hơn về giá cả. Ngay từ năm 2006, do tác động của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tham gia đầy đủ vào AFTA và WTO, thị trường sẽ có thay đổi vô cùng to lớn, tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến sự tồn tại và phát triển.

Sự thay đổi của thị trường diễn ra trên các mặt sau: (1) Thị trường trở thành vấn đề toàn cầu, phạm vi thị trường sẽ được mở rộng ra toàn thế giới, không còn bị giới hạn trong phạm vi khu vực hay biên giới quốc gia; (2) Quy mô thị trường sẽ ngày càng phát triển nhanh, mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, nhu cầu sẽ ngày càng lớn hơn về quy mô, phong phú hơn về chủng loại và chất lượng; (3) Giá cả của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường quốc tế ngày càng nhạy cảm hơn, phụ thuộc nhiều hơn vào các quy luật của kinh tế thị trường; (4) Nếu như hiện nay thị trường trong nước có vai trò quyết định và là cơ sở để mở rộng, khai thông thị trường ngoài nước thì trong tương lai thị trường trong nước và ngoài nước sẽ trở thành "một khối", ranh giới giữa hai khu vực thị trường này sẽ ngày càng mờ nhạt, trong đó thị trường bên ngoài sẽ trở nên ngày càng quan trọng hơn...

Các xu hướng trên có tác động rất thuận lợi cho vùng TDMN Bắc Bộ, việc thị trường ngày càng mở rộng cho phép mở rộng thêm quy mô sản xuất, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, tăng thêm xuất khẩu....

-Thị trường nông sản: Triển vọng thị trường xuất khẩu của các loại hàng nông sản là tương đối sáng sủa bởi nhu cầu ngày càng tăng trên thị trường thế giới (tuy tốc độ tăng không lớn). Ngoài thị trường truyền thống, các nước Tây Âu, Bắc Mỹ, các nước công nghiệp mới Châu Á đang có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều các sản phẩm nông sản của Việt Nam, do vậy có thể khẳng định rằng quy mô thị trường các mặt hàng nông sản là lớn. Vấn đề là ở chỗ giá cả các mặt hàng nông sản thường không ổn định, do vậy cần có chính sách để có thể khắc phục các thiệt hại do sự biến động của giá cả quốc tế gây ra. Để tăng sức cạnh tranh của hàng nông sản, cần cải tiến kỹ thuật canh tác, cải tiến giống cây trồng, vật nuôi, hướng tới thị hiếu tiêu dùng, sử dụng công nghệ mới trong chế biến...

-Thị trường hàng công nghiệp: Triển vọng thị trường hàng công nghiệp của vùng sẽ vô cùng lớn về quy mô, vô cùng đa dạng về chủng loại. Nhưng đây cũng là thị trường cạnh tranh rất gay gắt và với trình độ hiện nay rất nhiều sản phẩm công nghiệp của Việt Nam nói chung và của vùng TDMN Bắc Bộ nói riêng khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các mặt hàng truyền thống của vùng lâu nay chủ yếu là nông lâm sản, quặng thô hoặc qua sơ chế với giá trị không cao. Khắc phục hạn chế đó, vùng TDMN Bắc Bộ cần tăng cường liên doanh, liên kết tìm kiếm các đồng minh chiến lược với công nghệ mới hiện đại, tăng cường tinh chế, chế biến tại chỗ để nâng cao giá trị sản phẩm. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất về hàng công nghệ của vùng cũng như cả nước là Trung Quốc.

-Thị trường các sản phẩm dịch vụ: Là khu vực thị trường rất rộng lớn, đa dạng nhưng cũng rất khó cạnh tranh trong tương lai. Vùng TDMN Bắc Bộ chỉ nên lựa chọn một số dịch vụ quan trọng, có lợi thế. Trong những năm trước mắt nên lựa chọn dịch vụ du lịch văn hóa, du lịch bản làng, du lịch sinh thái, thương mại.... và các dịch vụ khác phục vụ các đô thị trong vùng.

Ngoài ra, hội nhập tạo cơ hội cho việc nhập khẩu máy móc, vật tư, thiết bị cho các doanh nghiệp của vùng TDMN Bắc Bộ. Các doanh nghiệp trong vùng nhờ hội nhập được hưởng lợi thế nhập khẩu vật tư nguyên liệu, máy móc, thiết bị với mức thuế nhập khẩu thấp, qua đó góp phần giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, do vậy khả năng cạnh tranh của các sản phẩm sẽ có điều kiện được nâng cao hơn.



2- Khó khăn:

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hàng hóa, dịch vụ của vùng phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh gay gắt hơn, khốc liệt hơn ngay cả trên thị trường nội địa. Hầu hết các mặt hàng trong nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh lớn hơn do một số nguyên nhân sau: (1) Trong khi khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng công nghiệp sản xuất trong nước còn yếu (về giá cả, chất lượng, hình thức mẫu mã) do quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, tổ chức quản lý còn kém, năng suất lao động thấp thì việc giảm thuế nhập khẩu xuống còn 0 - 5% có nghĩa là giá hàng công nghiệp nhập khẩu sẽ giảm và hàng công nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh lớn hơn; (2) Cơ cấu hàng công nghiệp xuất khẩu của vùng TDMN Bắc Bộ chủ yếu là nông sản, quặng thô hoặc qua sơ chế, lâm thổ sản..., tương đối giống các nước ASEAN, nhiều mặt hàng mà công nghiệp trong vùng sản xuất được thì các nước ASEAN cũng sản xuất được nên dẫn đến sự cạnh tranh trực tiếp, gay gắt không những trên thị trường Việt Nam, ASEAN mà ngay cả thị trường ngoài ASEAN; (3) Khả năng tiếp cận thị trường và tạo lập nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp trong vùng còn hạn chế. Hiện còn nhiều doanh nghiệp thiếu một chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn và ổn định, cũng như chưa đề ra một kế hoạch chi tiết dài hạn về phát triển thị trường; (4) Hệ thống luật pháp, chính sách chế độ quản lý còn nhiều bất cập, đặc biệt là các cơ quan quản lý còn chưa quan tâm đúng mức đến việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh.


2.2. Dự báo quan hệ thương mại và nguồn vốn đầu tư thu hút từ bên ngoài


1- Quan hệ kinh tế thương mại với nước ngoài

Các tỉnh phía Bắc, trong đó các tỉnh vùng TDMN Bắc Bộ có một số thuận lợi trong quan hệ kinh tế thương mại với các thị trường nước ngoài thông qua các cửa khẩu, hải cảng và đường sắt liên vận quốc tế Hải Phòng-Hà Nội-Lạng Sơn-Nam Ninh, Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai-Côn Minh... Đến nay cả nước đã có quan hệ buôn bán với gần 100 nước và lãnh thổ trên thế giới.

Đối với thị trường Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan): Vùng có thể xuất khẩu ra thị trường này một số sản phẩm có nhu cầu lớn như rau xanh cao cấp, ớt, tỏi, trái cây, thịt cá, đồ gỗ, hàng mây tre, các loại dược liệu như quế, sa nhân, long nhãn, thiếc, chì, kẽm...

Thị trường ASEAN (Thái Lan, Xingapo, Philipin, Malaisia, Inđônêsia): Các tỉnh trong vùng có ưu thế trong việc xuất khẩu gỗ chế biến, hàng mỹ nghệ, đậu tương, lạc, sắn, đậu xanh, chè, hoa quả tươi, hoa quả hộp, thiếc, da trâu bò.

Thị trường Ôxtrâylia: Các tỉnh trong vùng có thể xuất khẩu rau quả khô và chế biến, gỗ xẻ, gỗ chế biến.

Thị trường châu Âu như Pháp, Anh, CHLB Đức, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Bỉ, Phần Lan: Các tỉnh trong vùng có thể xuất khẩu đậu tương, chè, cà phê, tinh dầu, hoa quả, gỗ chế biến, dầu thực vật, sắn lát, ngô, tinh dầu (dầu sả, dầu hồi), hàng da, mây tre đan, hàng thủ công mỹ nghệ, thủy sản chế biến, thịt thỏ, lợn, lông vịt, thiếc....

Thị trường CHLB Nga, Ba Lan, Hunggari, CH Séc, CH Slôvakia: Vùng có thể xuất khẩu chè đen, rau quả hộp, mây tre đan.

Thị trường Mỹ đang là tiềm năng lớn cho thúc đẩy quan hệ thương mại của các địa phương trong vùng.



2- Dự báo nguồn vốn FDI

a)- Thuận lợi:

- Các tỉnh biên giới phía Bắc được Đảng, Chính phủ quan tâm đặc biệt và có nhiều chính sách đầu tư, chương trình ưu đói nhằm Nâng cao đời sống kinh tế-xã hội cũng như gỡn giữ bảo tồn và phát huy các truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực hiện các chính sách, chương trình và đề án nói trên, kinh tế-xã hội Vùng TDMNBB được phát triển nhằm thực hiện xóa đói giảm nghèo, rút ngắn sự chênh lệch về điều kiện sống và tiến bộ xã hội so với các vùng khác trong cả nước; khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng về đất đai, khí hậu, các loại tài nguyên khoáng sản, lợi thế về cửa khẩu để phát triển các ngành kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng.

- Các tỉnh thuộc Vùng TDMN Bắc Bộ có biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc đó tạo điều kiện phát triển kinh tế cửa khẩu. Cụ thể: tại Lào Cai có cửa khẩu Lào Cai cũng là một trong ba cửa khẩu lớn nhất cả nước, ngoài ra cũng có cửa khẩu Mường Khương và Bát Xát. Tại Cao Bằng có cửa khẩu Tà Lùng, Hùng Quốc, Sóc Giang thông thương với Trung Quốc. Hà Giang có cửa khẩu quốc tế Thanh Thuỷ, Thiên Bảo. Lạng Sơn có 3 cửa khẩu trong đó có cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồng Đăng và 7 cặp chợ ở biên giới Việt Nam và Trung Quốc. Lai Châu có cửa khẩu Ma Thà Lùng với Trung Quốc. Chính vì vậy, các khu kinh tế cửa khẩu phát triển nhanh chóng, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế cho toàn Vùng. Mặt khác, những cửa khẩu nói trên sẽ là động lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa hai bên qua cửa khẩu với chi phí vận chuyển rẻ và ưu đãi đầu tư của Chính phủ hai bên cho các vùng kinh tế cửa khẩu.

- Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đó thoả thuận xây dựng “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt-Trung” bao gồm tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, hành lang Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng và vành đai kinh tế quanh vịnh Bắc Bộ. Việc xây dựng hai hành lang và một vành đai này nhằm thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội giữa các tỉnh của hai nước, trong đó có các tỉnh biên giới phía Bắc sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế đối với các tỉnh trong Vùng. Hành lang kinh tế nói trên bao gồm các yếu tố như các tuyến giao thông huyết mạch kết nối các cực phát triển của các lãnh thổ, các cơ sở kinh tế (các xí nghiệp công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ khác), các điểm dân cư và những khu vực sản xuất nông nghiệp bổ trợ khác sẽ được đầu tư và phát triển nhất là về giao thông và các cơ sở hạ tầng khác. Điều đó, sẽ làm tăng cơ hội giao lưu kinh tế với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và các tỉnh biên giới phía Bắc nói riêng. Ngoài ra, dự án về tuyến hành lang kinh tế cũng đề cập đến phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại, khu dân cư biên giới, và khu du lịch, khu công nghiệp, khu đô thị, …điều đó sẽ tác động tích cực đến môi trường đầu tư của các tỉnh trong hành lang kinh tế này trong đó có các tỉnh biên giới phía Bắc.

- Các tỉnh thuộc Vùng TDMN Bắc Bộ có tiềm năng về du lịch chưa được khai thác, như Lạng Sơn có trên 100 hang động lớn nhỏ, phân bố trên lộ trình lụi cuốn người du lịch tới cội nguồn của nền văn hoá Bắc Sơn nổi tiếng. Các khu nghỉ mát điều dưỡng ở Mẫu Sơn, Thác Trà-Nà Me, Khuổi Sao...và một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc với các ngày lễ hội truyền thống, các ngày chợ phiên, chợ hội và các sản phẩm đặc sản. Điên Biên có khu di tích lịch sử Điện Biên nổi tiếng thế giới. Lào Cai có Sa Pa nổi tiếng. Hồ Ba Bể rộng lớn tại Bắc Kạn, chưa kể tới tiềm năng du lịch sinh thái của các địa phương khác gắn với các di tích văn hóa, lịch sử. Đó là sức hút lớn hấp dẫn dũng vốn FDI trong lĩnh vực dịch vụ (du lịch, khách sạn, nhà hàng v.v.v), tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội dịch vụ của toàn Vùng.

- Các tỉnh thuộc Vùng TDMN Bắc Bộ cũng có tiềm năng lớn về khoáng sản, rừng, cây công nghiệp, cây ăn quả, thủy điện, chế biến nông-lâm-ngư nghiệp. Diện tích rừng của vùng hiện tại là 2,082 triệu ha, diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản là 24.700 ha. Đây là vùng có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn và có giá trị kinh tế cao như mỏ Apatít, đồng, sắt, graphít, nguyên liệu cho gốm sứ, thuỷ tinh, vật liệu xây dựng... Vùng có nhiều sông suối như Sông Đà,... thuận lợi cho việc xây dựng các công trình thuỷ điện lớn nhỏ.

- Lãnh đạo các tỉnh thuộc Vùng TDMN Bắc Bộ quyết tâm thu hút vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có vốn FDI đối với sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, hiện qua công tác vận động xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước và hỗ trợ thiết thực đối với các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn.

b)- Khó khăn:

- Nhìn tổng thể, thực trạng thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI tại các tỉnh thuộc Vùng TDMNBB là một bức tranh không mấy sáng sủa. Ngoài Thái Nguyên, Phú Thọ và Lạng Sơn thu hút được tương đối nguồn vốn này, các tỉnh cũn lại, vốn FDI chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng vốn đầu tư phát triển địa phương. Kết quả thu hút FDI tại các địa phương này cũng thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

- Hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, và viễn thông chưa hoàn thiện và kém phát triển; tích lũy nội bộ nền kinh tế thấp nhất cả nước, do đó, hạn chế nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Điều này khó hấp dẫn các nhà đầu tư.

- Vùng TDMN Bắc Bộ có địa hình phức tạp, bị chia cắt manh mún, khí hậu khắc nghiệt; xa thị trường tiêu thụ nội địa và cước phí vận chuyển cao cộng với sức mua của người dân địa phương rất thấp, do vậy, sẽ khó khăn cho nhà đầu tư trong việc cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm trong thị trường nội tỉnh và các tỉnh lân cận do giá bán của sản phẩm cao.

- Nền kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, lực lượng lao động chất lượng không cao và năng lực cán bộ làm công tác đối ngoại và đầu tư cũng hạn chế về chuyên môn, nhất là về ngoại ngữ. Điều này khiến cho công tác xúc tiến đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn.

c)- Về đối tác nước ngoài:

Các tỉnh thuộc Vùng TDMN Bắc Bộ có đối tác nước ngoài chủ yếu là các nước và vùng lãnh thổ của châu Á (Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan), các nước châu Mỹ và châu Âu có rất ít dự án. Mặt khác, các dự án FDI trên địa bàn có quy mô nhỏ và vừa, chủ yếu thuộc phạm vi phân cấp để địa phương cấp phép và quản lý, do vậy, trong quỏ trình thẩm định các dự án FDI cũng như quản lý sau cấp phép, cần được quan tâm xem xét kỹ nhằm giữ vững an ninh quốc phòng, toàn vẹn lãnh thổ và biên giới làm cho quá trình thẩm định kéo dài, phức tạp, nhất là các dự án có đối tác đến từ Trung Quốc. Điều đó làm hạn chế khả năng thu hút ĐTNN, đặc biệt trong một số lĩnh vực (khai khoáng) vỡ các vỉa quặng hoặc khu mỏ chủ yếu nằm gần biên giới, là khu vực nhạy cảm đối với an ninh quốc gia. Hiện chưa có quy hoạch và khai thác khu vực mỏ trong tổng thể phát triển công nghiệp khai khoáng và luyện kim vùng hoặc khu vực, dẫn đến việc chưa cấp mỏ cho các đối tác để khai thác tiềm năng này



3- Dự báo nguồn vốn ODA

Thời kỳ 1993-1995, ODA cho Vùng TDMN Bắc Bộ (chưa kể liên vùng) chiếm khoảng 2,61% tổng ODA cho toàn quốc. Tới giai đoạn 1996-2000, tỷ lệ này lên tới khoảng 6% và 2001-2008 tăng lên khoảng 7% tổng ODA cho toàn quốc. TDMN Bắc Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế xã hội, quốc phòng và an ninh của cả nước, có tiềm năng lớn về thuỷ năng, khoáng sản, lợi thế về nông, lâm nghiệp… Đồng thời, vùng TDMN Bắc Bộ cũng có ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01 tháng 07 năm 2004 của Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ ưu tiên đầu tư cho vùng TDMNBB bằng mọi nguồn lực, trong đó có ODA. Nghị quyết đề ra yêu cầu "xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút nguồn vốn ODA phát triển cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo để phát triển kinh tế xã hội". Bên cạnh các nguồn vốn đầu tư từ các nguồn khác nhau trong nước, trong giai đoạn tới đây Vùng TDMN Bắc Bộ sẽ là vùng dành được ưu tiên cao về nguồn vốn ODA từ nhiều nhà tài trợ song phương và đa phương như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Nhật Bản, Thuỵ Điển, UNICEF, IFAD, WFP,.... cho chương trình xoá đói giảm nghèo với việc phát triển mạng lưới giao thông và điện nông thôn bao gồm cả phát triển thuỷ điện nhỏ, phát triển hệ thống cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường cho đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Để cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho người dân vùng cao thì vấn đề cơ sở hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục cũng sẽ được chú trọng, bao gồm xây dựng và mở rộng mạng lưới y tế tới tận các huyện, xã vùng cao, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, nhất là các trường học cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đối với vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Trung Quốc là nhà tài trợ ODA quan trọng cần được khai thác trong khuôn khổ hợp tác hai hành lang một vành đai kinh tế và các hợp tác khác. Ngoài ra còn có thể tranh thủ sự hỗ trợ của ADB trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng.

Việt Nam sau năm 2010 sẽ ở vào trình độ nước đang phát triển có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người/năm sẽ đạt khoảng 1.122 USD vào năm 2010 và phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản sẽ trở thành một nước công nghiệp. Theo thông lệ viện trợ quốc tế, vốn ODA cung cấp cho các nước có thu nhập trung bình thường có các điều kiện cung cấp kém ưu đãi hơn. Do vậy, dự kiến thời kỳ sau năm 2010, việc cung cấp ODA sẽ có những thay đổi rất cơ bản về cơ cấu nguồn vốn này cũng như các điều kiện tài chính.

Từ kinh nghiệm quốc tế, có thể dự báo rằng nguồn ODA của Việt Nam trong thời kỳ sau 2010 sẽ vẫn được duy trì, thậm chí có khả năng khối lượng nguồn vốn này còn có thể tăng lên. Tuy nhiên, về cơ cấu vốn chắc sẽ thay đổi theo chiều hướng ODA viện trợ không hoàn lại sẽ giảm dần, ODA vốn vay sẽ tăng lên với những điều kiện tài chính thay đổi theo hướng giảm dần tính ưu đãi (lãi suất cho vay có thể cao hơn, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ sẽ ngắn hơn) so với các điều kiện tài chính ưu đãi của ODA mà Việt Nam được hưởng trong 5 năm 2006-2010.

Do tính chất và điều kiện tài chính của ODA sẽ có những thay đổi như dự báo ở trên, nên định hướng sử dụng nguồn vốn này cũng cần có những thay đổi phù hợp. Trong thời kỳ sau năm 2010 tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam nói chung và Vùng TDMN Bắc Bộ nói riêng chắc sẽ đạt được những tiến bộ quan trọng, ngân sách của Trung ương và địa phương sẽ được cải thiện đáng kể. Do các khoản vay đều phải được bảo lãnh của Nhà nước, không cần thiết phải sử dụng ODA vốn vay kém ưu đãi với quy mô lớn để đầu tư từ ngân sách cho các dự án không có khả năng hoàn vốn cao. Sau 2010, do định hướng sử dụng các nguồn vốn ODA kém ưu đãi hơn cho các lĩnh vực có khả năng hoàn vốn cao như năng lượng, công nghiệp…, vốn ODA ưu đãi sẽ được tập trung chủ yếu cho lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và các khu vực khó khăn, đặc biệt là vùng TDMN Bắc Bộ.

Đối với vùng TDMN Bắc Bộ, vốn ODA sẽ tiếp tục được đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông thôn tổng hợp nhằm tiếp tục nâng cao đời sống của người dân vùng cao, đặc biệt là các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, nguồn vốn ODA cũng sẽ được ưu tiên hỗ trợ cho việc phát triển các ngành dịch vụ (như du lịch) và các ngành nghề địa phương nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng. ODA vẫn tiếp tục được sử dụng hỗ trợ cho lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái tại khu vực TDMN Bắc Bộ vì khu vực này đã và sẽ là lá phổi cho toàn khu vực miền Bắc, nhất là trong công cuộc công nghiệp hóa và trong bối cảnh một số tỉnh trong vùng sẽ phát triển thành các đô thị lớn hơn đi đôi với phát triển công nghiệp.

Nguồn vốn ODA cũng sẽ tiếp tục được sử dụng hỗ trợ phát triển đô thị cho một số tỉnh có tiềm năng thế mạnh trong vùng như Lạng Sơn, Lào Cai với cửa khẩu biên giới và Phú Thọ, Thái Nguyên với công nghiệp để các tỉnh này đóng vai trò đầu tầu thúc đẩy phát triển kinh tế của cả vùng.

Theo tổng hợp nhu cầu của địa phương, giai đoạn 2006-2010, các địa phương trong Vùng kêu gọi huy động khoảng 2,9 tỷ USD vốn ODA cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng nguồn ODA cho toàn quốc cho thời kỳ này còn có hạn (chỉ vào khoảng từ 12,35 tỷ USD tới 15,75 tỷ USD), nếu tiếp tục xu thế trong thời gian qua có tính đến các ưu tiên đặc biệt cho vùng TDMN Bắc Bộ, dự báo tổng vốn ODA ký kết mới cho vùng giai đoạn 2006-2010 cho vùng chỉ khoảng từ 1 tỷ đến 1,3 tỷ USD. Do vậy, các dự án còn lại trong nhu cầu của địa phương với tổng giá trị khoảng 1,7-2 tỷ sẽ được huy động trong thời kỳ sau 2010.

2.3. Tác động của quan hệ buôn bán với Trung Quốc tới nền kinh tế và thị trường của vùng TDMN Bắc Bộ


1- Quan hệ thương mại Việt- Trung.

Quan hệ ngoại giao, kinh tế, văn hoá, thương mại giữa hai nước đã hình thành từ lâu như một tất yếu khách quan giữa hai nước láng giềng "núi liền núi, sông liền sông", sau một thời kỳ sóng gió đã trở lại bình thường hoá vào cuối năm 1991. Trên cơ sở các hiệp định đã ký kết cùng sự nỗ lực của cả đôi bên, trên biên giới bộ giữa hai nước đến năm 2008 đã có 25 cặp cửa khẩu được khai thông, trong đó có 4 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu quốc gia và 14 cặp cửa khẩu tiểu ngạch. Ngoài ra còn 59 cặp đường mòn biên giới và 13 chợ biên giới được hình thành.

Sau một thời gian do thay đổi thiết bị, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, một loạt hàng hóa của ta đủ sức cạnh tranh và chiếm lĩnh được thị trường nội địa, vươn ra thị trường nước ngoài. Nhiều mặt hàng công nghiệp của ta đã xuất khẩu được sang Trung Quốc như xà phòng giặt, đồ mỹ nghệ, hàng may mặc, giày dép...

Về mặt xã hội, quan hệ buôn bán với Trung Quốc góp phần giảm bớt tỷ lệ đói nghèo, nâng cao dân trí, bộ mặt thị xã, thị trấn vùng biên giới thay đổi đáng kể. Nhà cửa, đường xá được xây dựng khang trang, một số trung tâm buôn bán đã được hình thành tại các cửa khẩu, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp.

Tuy nhiên trong quan hệ thương mại giữa hai nước cũng còn những tồn tại, những vấn đề nổi cộm cần giải quyết như: (1) Tuy tốc độ tăng trưởng kim ngạch buôn bán và hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng nhanh (kim ngạch buôn bán từ 32 triệu USD năm 1991 lên mức 2,8 tỷ USD năm 2001 và 15 tỷ USD vào năm 2010, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu (cả chính ngạch và tiểu ngạch) chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của mỗi nước; (2) Cán cân buôn bán giữa hai nước ngày càng bất lợi đối với phía Việt Nam. Việt Nam chủ yếu nhập siêu và mức độ nhập siêu ngày càng tăng lên nhanh chóng, không có lợi cho việc thúc đẩy quan hệ mậu dịch và phát triển cân bằng; (3) Chất lượng sản phẩm hàng hóa trao đổi giữa hai nước chưa phản ánh đúng được trình độ phát triển kinh tế của mỗi nước. Khả năng đáp ứng các yêu cầu chất lượng, mẫu mã…, cũng như năng lực cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam còn hạn chế. Trong buôn bán biên giới, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng chiếm tỷ trọng khá lớn gây ảnh hưởng không tốt đối với tiêu dùng; (4) Vấn đề buôn lậu trên bộ, trên biển giữa hai nước diễn ra ngày càng phức tạp, tập trung vào những mặt hàng như xe đạp, xe máy, hàng điện tử dân dụng đã qua sử dụng,vải các loại...., đã có tác động xấu trong việc phát triển kinh tế của mỗi nước, ảnh hưởng đến tình hình an ninh quản lý biên giới.

Mặc dù còn nhiều bức xúc trong mối quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng hoạt động XNK giữa hai nước có bước chuyển tích cực và đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Nhiều dấu hiệu cho thấy trong thời gian tới, quan hệ ngoại thương giữa hai nước sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực hơn. Dự báo từ nay đến 2010, kim gạch XNK Việt Nam-Trung Quốc sẽ tăng ở mức 8-15%/năm.



2- Hợp tác phát triển hai hành lang kinh tế Việt Nam-Trung Quốc.

Việt Nam và Trung Quốc đang thực hiện chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, mở cửa thị trường, tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế, do vậy giữa 2 nước đã có sự nhất quán rất cao trong các chính sách thương mại, đầu tư, đặc biệt là trong phạm vi các điều ước quốc tế mà hai bên tham gia.

Hai nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của tổ chức hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC); cùng có các quan hệ song phương và đa phương với nhiều quốc gia, tổ chức kinh tế trên thế giới...v.v. Điều này đã tạo ra những thuận lợi rất lớn cho hợp tác giữa hai nước nói chung và giữa các địa phương trong khu vực hai hành lang một vành đai kinh tế nói riêng. Là thành viên của các tổ chức quốc tế, Việt Nam và Trung Quốc đều phải thực hiện những cam kết với các tổ chức này, trong đó có mở cửa thị trường, xoá bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, tạo điều kiện cho hàng hoá của các nước thành viên dễ dàng thâm nhập vào thị trường của nhau. Việt Nam là thành viên chính thức của ASEAN, mà giữa ASEAN và Trung Quốc đã ký kết hiệp định thương mại tự do ASEAN – CHINA (gọi tắt là AC – FTA), do vậy, đây là một thuận lợi quan trọng để mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.

Việt Nam và Trung Quốc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng Sản lãnh đạo. Sự phát triển kinh tế – xã hội của 2 nước trong những năm qua có rất nhiều điểm tương đồng. Nền kinh tế Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt trên 7%/năm trong một thời gian dài; các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ có những bước phát triển vượt bậc; thị trường quốc tế không ngừng được mở rộng; tình hình chính trị ổn định, an ninh được đảm bảo; đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Các địa phương Việt Nam khu vực hai hành lang một vành đai kinh tế đều coi trọng biên mậu như là một trong những động lực tích cực nhất để phát triển quan hệ song phương. Nền kinh tế Trung Quốc cũng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, đạt trên 7,5% trong một thời gian dài; nhiều ngành, sản phẩm công nông nghiệp và dịch vụ được xếp vào hàng đứng đầu trên thế giới, thị trường và các quan hệ quốc tế mở rộng rất nhanh, đời sống vật chất cũng ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị ngày càng ổn định.

Cho đến nay, Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết hơn 30 hiệp định hợp tác trên nhiều lĩnh vực như hiệp định thương mại Việt Nam-Trung Quốc ngày 7/11/1991; Hiệp định thành lập uỷ ban hợp tác kinh tế - thương mại liên chính phủ năm 1994; Hiệp định biên giới trên bộ ngày 30/12/1999; Hiệp định phân định lãnh hải 25/12/2000; hiệp định giao thông và vận tải đường sắt; hiệp định giao thông và vận tải đường bộ; hiệp định vận tải biển; hiệp định vận tải hàng không dân dụng; hiệp định hàng hoá quá cảnh; hiệp định mậu dịch biên giới ; hiệp định hợp tác du lịch...v.v. Các hiệp định này là các cơ sở pháp lý cho hợp tác kinh tế thương mại hai nước nói chung và hợp tác hai hành lang một vành đai kinh tế nói riêng.

Lãnh thổ hai hành lang một vành đai kinh tế nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam và phía Tây Nam của Trung Quốc. Nhìn chung, tài nguyên thiên nhiên của khu vực này là không thực sự phong phú đặc biệt là phía bên Trung Quốc. Các địa phương có biên giới chung của 2 nước đều là vùng rừng núi; chủ yếu là các dân tộc ít người sinh sống, lao động thủ công; năng suất thấp, trình độ dân trí không đồng đều; nền kinh tế còn chậm phát triển so với các khu vực khác của mỗi nước. Đó là những bất lợi đáng kể, cần phải tính đến trong hợp tác hai hành lang một vành đai kinh tế.



Thuận lợi lớn nhất của hợp tác là vị trí địa lý và hệ thống giao thông làm cho con đường ra biển, xâm nhập vào thị trường bên ngoài được rút ngắn. Từ thủ phủ tỉnh Vân Nam (Côn Minh) nếu đi bằng đường sắt qua Lào Cai ra cảng biển Hải Phòng chỉ dài 854 km, trong khi tuyến đường sắt nội địa ngắn nhất đi ra cảng Phòng Thành thuộc tỉnh Quảng Tây cũng dài hơn 1800km. Tuyến đường bộ Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng cũng là tuyến ngắn nhất trong vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu quá cảnh từ Vân Nam đi Việt Nam tới các nước thứ ba. Trong lịch sử, từ thế kỷ XIII-XIV nhiều triều đại Trung Quốc cũng như triều đại Việt Nam đều đã khai thác tối đa các cửa khẩu và tuyến giao thông thuận tiện này. Một thế mạnh nữa của vùng này cần khai thác trong hợp tác là khả năng tạo lập con đường từ Tây Nam ra biển. Khu vực Vịnh Bắc Bộ với chiều dài bờ biển 1595km có thể mở được 21 bến cảng. Vịnh Bắc Bộ là một trong những vịnh lớn nhất Đông Nam Á và thế giới, có diện tích khoảng 26250 km2, được bao bọc bởi bờ biển Đông Bắc Việt Nam và bờ biển Nam Quảng Tây, bán đảo Lôi Châu, Đảo Hải Nam. Do đó, có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc về kinh tế, quốc phòng và an ninh.

Vân Nam: Vân Nam phát huy ưu thế so sánh, ra sức đẩy mạnh phát triển các ngành trụ cột như thuốc lá, sinh vật, du lịch, khoáng sản, điện lực. Côn Minh là tỉnh lỵ của Vân Nam, là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của tỉnh, là thành phố văn hoá lịch sử và du lịch nổi tiếng của Trung Quốc. Thành phố Ngọc Khê là cơ sở thuốc lá lớn nhất Trung Quốc, có Tập đoàn Hồng Tháp với quy mô sản xuất thuốc lá lớn nhất châu Á và lớn thư tư thế giới. Châu Hồng Hà là cơ sở gia công kim loại mầu và khai thác tài nguyên sinh vật lớn nhất tỉnh. Châu Văn Sơn là cơ sở khai thác tài nguyên sinh vật quan trọng của tỉnh, với sản phẩm chính là Tam Thất có ưu thế cạnh tranh mạnh. Vân Nam dự định trong vòng 15 năm, xây dựng cơ sở lớn nhất về khai thác và sản xuất thuốc lá bằng khoa học kỹ thuật, cơ sở khai thác sáng tạo mới tài nguyên sinh vật lớn nhất, cơ sở công nghiệp hoá chất lân lớn nhất, cơ sở công nghiệp kim loại mầu lớn nhất cả nước và khu du lịch nổi tiếng thế giới.

Quảng Tây: Từ khi cải cách mở cửa đến nay, Quảng Tây đã vun đắp và bước đầu hình thành các ngành ưu thế như đường ăn, điện lực, luyện kim, ô-tô, cơ khí, vật liệu xây dựng, công nghiệp hoá dầu, thực phẩm, dược phẩm v.v. Đường ăn có vị trí hết sức quan trọng trong nước, sản lượng đường ăn chiếm hơn 50% tổng sản lượng cả nước. Ngành điện phát triển nhanh chóng, đã xây dựng một loạt thuỷ điện và nhiệt điện như Yan Tan, Tian Sheng Qiao, Lai Bin A, Lai Bin B v.v., đã trở thành một trong những cơ sở quan trọng của chiến lược “ vận chuyển điện từ miền tây sang miền đông”. Ngành công nghiệp nhôm là ngành trụ cột có tiềm năng và ưu thế phát triển nhất. Công ty nhôm Ping Guo có sức sản xuất hàng năm 850 nghìn tấn nhôm oxy và 130 nghìn tấn nhôm điện giải. Nhà máy nhôm oxy Gui Xi đã động thổ, năng suất năm trong kỳ một là 1,6 triệu tấn nhôm oxy. Quảng Tây đang trở thành cơ sở công nghiệp nhôm quan trọng cả nước. TP. Nam Ninh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Quảng Tây. Hội chợ Trung Quốc – ASEAN được tổ chức hàng năm tại đây. TP. Sùng Tả giáp với Việt Nam, có 3 cửa khẩu quốc gia cấp một và 4 cửa khẩu quốc gia cấp hai, đã triển khai hợp tác với phía Việt Nam trong các lĩnh vực điện lực, luyện kim, vật liệu xây dựng, trồng trọt, chế biến nông sản, vận chuyển và lưu thông hàng hoá v.v. TP. Cảng Phòng Thành nằm trong vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ, dự định triển khai hợp tác với phía Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp hoá dầu, sửa chữa tàu thuyền, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản v.v.

Quảng Đông: Quảng Đông là một trong những tỉnh với quy mô kinh tế lớn nhất Trung Quốc. Từ khi cải cách mở cửa đến nay, Quảng Đông không ngừng cải tạo và sáng chế mới khoa học kỹ thuật, đã hình thành sức cạnh tranh hạt nhân sở hữu trí tuệ, từng bước hình thành hệ thống sáng chế kỹ thuật với chủ thể là doanh nghiệp, kết hợp sản xuất với nghiên cứu, đã thúc đẩy quốc tế hoá ngành khoa học kỹ thuật cao. Hiện nay, Quảng Đông đã hình thành các ngành ưu thế như ô-tô, nông nghiệp hướng ngoài, tài chính tiền tệ, bưu chính viễn thông, du lịch, phân tiêu v.v. Công nghiệp ô-tô không ngừng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng quy mô sản xuất, đã trở thành cơ sở sản xuất ô-tô lớn nhất khu vực Hoa Nam. Kết cấu nông nghiệp được cải thiện hơn, các sản phẩm có ưu thế như hoa tươi, rau quả, chè có quy mô lớn. Sau khi gia nhập WTO, ngành tài chính tiền tệ càng chú ý tới việc năng cao chất lượng, tăng cường giám sát, phòng chống rủi ro, cơ cấu tài chính tiền tệ vận hành ổn định. Số lượng cơ cấu tài chính tiền tệ có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng ổn định, thị phần không ngừng mở rộng. Ngành bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu xuất hiện, doanh thu đứng đầu cả tỉnh 10 năm liền. Ngành du lịch lấy việc xây dựng thành phố du lịch xuất sắc làm khâu đột phá, đã hoàn thiện chức năng du lịch của thành phố, có xu thế phát triển tốt đẹp. Ngành phân tiêu phát triển ổn định, quy mô bán lẻ hàng hoá xã hội không ngừng được mở rộng, kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng chiếm 1/10 cả nước, sức mua là 1/11 cả nước.

2.4. Tác động của quan hệ hợp tác với Lào


Để mở rộng thị trường, Việt Nam và Lào đã thỏa thuận xây dựng các siêu thị, các trung tâm giới thiệu hàng hóa tại các địa phương của Lào. Mặt khác, nhằm đẩy mạnh hơn nữa buôn bán tiểu ngạch, hai bên phối hợp khảo sát, đánh giá lại 11 cặp chợ vùng biên, xây dựng một số khu thương mại tự do ở các cửa khẩu biên giới. Hiện nay, ước tính trao đổi hàng hóa hàng năm giữa nhân dân hai nước dọc biên giới ước đạt trên 100 triệu USD.

Để thúc đẩy buôn bán biên giới cần có kế hoạch lâu dài và từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng các tỉnh biên giới và tại các cửa khẩu, mà thiết yếu và đi trước một bước là giao thông, lưới điện quốc gia cùng thông tin liên lạc... Mở mang buôn bán biên giới phải gắn liền với tăng cường quản lý mà một trong những nội dung rất thời sự nhưng phải quan tâm thường xuyên và lâu dài là chống buôn lậu, chống gian lận thương mại tại cửa khẩu và khu vực vành đai bằng sự phối hợp các lực lượng liên ngành cùng những định chế kiểm tra, kiểm soát được cải tiến đồng bộ. Đồng thời tiếp tục hoàn chỉnh các căn cứ pháp lý của nước ta và thương thảo với các nước lân bang để ký thêm các thỏa ước mới hoặc tăng cường hiệu lực đối với các văn bản đã ký, trong đó nóng hổi là việc thiết lập quan hệ chính thức giữa các ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, các đối tác kinh tế được tham gia buôn bán qua biên giới lành mạnh, hữu ích cho cả hai bên.

Thực tế khẳng định việc mở rộng buôn bán qua biên giới là hướng đi đúng, hợp thời và không thể chậm hơn. Vì vậy, hơn lúc nào hết phải có một chính sách toàn diện, đồng bộ và khả thi, trong chừng mực nào đó cần tương thích với chủ trương của mỗi nước, hoặc cơ sự điều chỉnh kịp thời để thu hẹp khoảng cách biệt, tận dụng và khai thác được các lợi thế so sánh đồng thời hạn chế được những bất cập. Chính sách cần phù hợp với đặc thù tự nhiên, kinh tế, xã hội của mỗi vùng biên giới góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế các tỉnh có chung biên giới.

Trên biên giới, tuy tính chất quy mô trao đổi hàng hóa có khác nhau nhưng đều được tiến hành dưới các hình thức như mua bán hàng hóa của cư dân vùng biên, mậu dịch tiểu ngạch, xuất nhập khẩu chính ngạch kể cả dịch vụ quá cảnh, tạm nhập tái xuất. Các hình thức đó cần được tiếp tục làm phong phú, hiệu quả hơn.

Vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Lào có xu hướng tăng. Thời gian tới, khi các dự án sản xuất điện như, các dự án khai thác khoáng sản và trồng rừng nguyên liệu được ký kết, khối lượng đầu tư của Việt Nam vào Lào sẽ gia tăng nhanh chóng.

2.5. Tác động của quan hệ hợp tác với các nước trong khối ASEAN


Về lý thuyết và lâu dài, AFTA có tác động làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường ASEAN nhờ giảm thuế quan, loại bỏ các hàng rào phi thuế quan và có tác động làm thay đổi cơ cấu công nghiệp ở các nước ASEAN, một số ngành sử dụng nhiều lao động hoặc tài nguyên như dệt may, chế biến thực phẩm, nông lâm sản.v.v...., ở một số nước sẽ giảm đi, trong khi đó Việt Nam lại có lợi thế phát triển những ngành này và như vậy tất yếu sẽ dẫn đến khả năng Việt Nam có thể tăng xuất khẩu các sản phẩm thuộc các ngành đó trên thị trường ASEAN.

Xét trong mối quan hệ kinh tế và quan hệ thị trường thì vùng TDMN Bắc Bộ có nhiều mặt hàng phù hợp với thị trường ASEAN dựa vào nguồn tài nguyên phong phú như nguồn thủy điện, khoáng sản, nông lâm sản...

Điện: Chủ yếu là nguồn thủy điện với công suất hiện nay là 1,8 triệu KW và dự kiến năm 2010 là 5,328 triệu KW. Với việc ký kết hiệp định hợp tác năng lượng của các nước ASEAN (1986), các nước trong vùng sẽ hợp tác trao đổi buôn bán nhằm khai thác nguồn năng lượng trong vùng và khu vực. Trong khuôn khổ hợp tác khu vực và tiểu vùng, ngành điện của Việt Nam và Lào đang gấp rút hoàn thành quy hoạch và lập dự án mua bán điện đến năm 2010. Đây là lợi thế mạnh của vùng TDMN Bắc Bộ trong những năm tới.

Phân bón: Hiện nay Việt Nam đang nhập một lượng lớn phân bón chủ yếu là Urê, DAP, Kali, trong đó nhập khẩu với kim ngạch khá lớn từ Inđônêxia (phân bón và hóa chất chiếm tới 34% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Inđônêxia sang Việt Nam). Thuế xuất nhập khẩu của các mặt hàng phân bón hóa học đang ở mức 0%. Dự kiến dưa các mặt hàng phân bón hóa học vào thực hiện CEPT từ năm 2003. Đây là một thuận lợi cho vùng TDMN Bắc Bộ là vùng sản xuất nhiều loại phân bón so với toàn quốc (phân lân chiếm 80%, đạm 100%, NPK 40%).

Chè: Hiện tất cả các nước thành viên của ASEAN đều đưa mặt hàng chè vào cắt giảm thuế quan với mức thuế xuất CEPT rất thấp (0-5%) nên Việt Nam có khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu mặt hàng này sang các nước ASEAN và thế giới. Dự kiến năm 2010 sản lượng chè búp khô của Việt Nam là 170 nghìn tấn, trong đó vùng TDMNBB là 40 nghìn tấn. Đây là thế mạnh cạnh tranh của vùng TDMNBB với các nước ASEAN. Các mặt hàng chè đều đã được thực hiện CEPT/AFTA từ trước năm 2000.

Các mặt hàng gỗ chế biến, gỗ dán, gỗ dán dân dụng: Đối với vùng TDMNBB, sẽ đầu tư xây dựng nhà máy ván nhân tạo ở Lào Cai công suất 30 nghìn m3 sản phẩm/năm; xây dựng ở các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang mỗi tỉnh một cơ sở ván ghép thanh bằng tre, luồng công suất 1.000 m3 sản phẩm/năm.

Với tiềm năng lâm nghiệp của vùng (3,085 triệu ha rừng) sẽ tạo thuận lợi cho phát triển ngành giấy và các sản phẩm từ gỗ của vùng. Dự kiến một số tỉnh vùng TDMNBB sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy bột giấy quy mô khoảng 50 nghìn tấn bột/năm thực hiện chương trình 5,0 triệu tấn bột giấy vào năm 2010 của cả nước.

Xi măng: Việt Nam nhập khẩu clinke chủ yếu từ Thái Lan, Inđônêxia và Malaixia. Mức nhập khẩu clinke từ ASEAN chiếm khoảng 32% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước. Việt Nam xuất khẩu xi măng porland thành phẩm sang Campuchia và Lào.

Khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản đa dạng và chủng loại phong phú như apatit, quặng kim loại, vật liệu xây dựng..., là mặt hàng quan trọng vùng TDMNBB có thể cạnh tranh với các nước ASEAN, đặc biệt các nước có chung biên giới với Việt Nam.

III. NHỮNG LỢI THẾ SO SÁNH, KHÓ KHĂN HẠN CHẾ CHỦ YẾU ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA VÙNG


TDMN Bắc Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Xây dựng vùng TDMN Bắc Bộ vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh lâu dài của đất nước.

Cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước trong gần 20 năm qua, đã tạo ra cho vùng TDMN Bắc Bộ những lợi thế và đặt vùng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ.


3.1. Những lợi thế so sánh


(1)- Là một vùng giàu tài nguyên khoáng sản ở nước ta, trong đó có những loại có trữ lượng lớn như thuỷ điện chiểm 56%, apatit 100%, đồng 70%, đất hiếm chiếm gần 100% của cả nước; ngoài ra còn có nhiều đá vôi để sản xuất xi măng, sắt, chì, kẽm, thiếc v.v... Đây là thế mạnh lớn, là cơ sở rất quan trọng để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản góp phần vào sự khởi động và triển khai công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng và cả nước.

(2)-Vùng có địa hình đa dạng, quỹ đất chưa sử dụng còn lớn cùng với các tiểu vùng khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới để phát triển đa dạng nông nghiệp cho phép phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi rất đa dạng và phong phú, trong đó có những loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như chè (chè Tuyên Quang, chè Thái Nguyên, chè tuyết, chè vàng), hồi, quế, sơn, mận hậu, mơ, hang, nhiều loại dược liệu quí, v.v..., đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản.

(3)- Vùng có tiềm năng du lịch rất phong phú, đa dạng, đặc biệt là tiềm năng du lịch, du ngoạn các hồ nước lớn trên núi (Núi Cốc, Ba Bể, Cấm Sơn, Thác Bà,...), du lịch leo núi và nghỉ dưỡng (Sa Pa, Tam Đảo, Cổng Trời, nhiều hang động, đảo trên hồ, rừng nguyên sinh...), tham quan di tích lịch sử đã được xếp hạng nổi tiếng như (Điện Biên Phủ, nhà tù Sơn La, di tích văn hóa và vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc, các cảnh quan thiên nhiên, văn hóa Đông Sơn, Đền Hùng, hang Pắc Pó, cây đa Tân Trào, An toàn khu...), du lịch lễ hội (Hội Lim, hội Đền hùng ...) là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế.

(4)- Vùng TDMN Bắc Bộ có vị trí địa kinh tế, chính trị quan trọng đối với cả nước, tiếp giáp Trung Quốc và Lào. Giải biên giới có các cửa khẩu quốc tế như Hữu Nghị, Lào Cai,... là các cửa khẩu ra vào quan trọng để giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế hiện tại cũng như trong tương lai. Chủ trương đẩy mạnh hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc” đang được Chính phủ hai nước quan tâm là thuận lới lớn cho phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh nằm trong tuyến hành lang nói riêng và cho cả vùng nói chung. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và quan hệ hợp tác cùng phát triển, các khu vực kinh tế cửa khẩu đang trở thành động lực trực tiếp, vừa là một trong những mũi đột phá thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, buôn bán làm ăn giữa các địa phương, các doanh nghiệp và nhân dân trong vùng với Trung Quốc và Lào.

(5)- Thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã chủ trương giành một khối lượng vốn khá lớn tập trung đầu tư vào vùng, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135, các dự án quốc gia, các dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ, công trái giáo dục, các hỗ trợ có mục tiêu khác và thông qua các dự án, chương trình trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị. Đây là một động lực lớn có tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng. Các nhà máy thủy điện lớn của quốc gia sẽ được xây dựng trong vùng như Sơn La, Na Hang, Lai Châu, cùng với công tác di dân tái định cư sẽ là cơ hội quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng.

3.2. Những khó khăn, hạn chế chủ yếu


(1)- Địa hình của vùng TDMN Bắc Bộ phức tạp, bị chia cắt manh mún tạo nên những tiểu vùng khí hậu khắc nghiệt thường gây lũ lụt, sạt lở núi về mùa mưa, hạn hán và thiếu nước về mùa khô. Giao thông nội vùng và với các vùng khác trong cả nước bị cách trở, gây khó khăn cho việc tổ chức sản xuất, đặc biệt là việc giao lưu hàng hóa, tiêu thụ các sản phẩm, phục vụ đời sống nhân dân. Suất đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lớn hơn nhiều so với các vùng khác.

(2)- Vùng TDMN Bắc Bộ còn nhiều khó khăn, yếu kém, kinh tế phát triển chậm, đến nay vẫn là vùng nghèo nhất trong cả nước, khoảng cách về thu nhập của vùng so với các vùng khác có chiều hướng ngày càng rộng thêm. Các địa phương trong vùng chưa có khả năng tự cân đối ngân sách. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, hiệu quả thấp và thiếu vững chắc, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém.

(3)- Vùng TDMN Bắc Bộ có trình độ dân trí còn thấp, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, cho nên việc tiếp thu kiến thức văn hóa, quản lý kinh tế và tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất bị hạn chế. Trong sản xuất còn nặng về tự cấp tự túc, tư tưởng ỷ lại còn lớn, ý thức vươn lên chưa cao; tỷ lệ đói nghèo cao nhất cả nước; phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan có chiều hướng gia tăng làm ảnh hưởng không tốt đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong vùng. Trình độ cán bộ quản lý nhà nước các cấp trong vùng còn bất cập, còn nặng dấu ấn bao cấp, thiếu tính năng động sáng tạo; chưa tập hợp, liên kết và phát huy được thế mạnh của toàn vùng.

(4)- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng TDMN Bắc Bộ còn quá yếu kém so với các vùng khác trong cả nước: đường giao thông chủ yếu là đường bộ nhưng chất lượng quá xấu; các công trình thủy lợi vừa thiếu nghiêm trọng vừa xuống cấp; việc cung cấp nước sạch, cấp điện, thông tin liên lạc cho vùng sâu, vùng núi cao còn nhiều khó khăn; hệ thống bệnh viện và trạm y tế xã vừa chưa đủ, vừa thiếu điều kiện làm việc, chưa đáp ứng được công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; hệ thống trường học, dạy nghề cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.... Tích lũy nội bộ nền kinh tế thấp nhất cả nước, do đó hạn chế khả năng tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển nền kinh tế - xã hội của vùng.

(5)- Chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo vào loại thấp nhất cả nước.

(6)- Những yếu tố bất ổn định về chính trị còn tiềm ẩn, phải hết sức đề phòng và chủ động giải quyết như: An ninh quốc phòng luôn là vấn đề nóng bỏng trên tuyến biên giới cả phía Bắc và phía Tây; các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gia tăng hoạt động, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, truyền đạo trái phép, lôi kéo người dân đi theo các tà đạo, di cư tự do. Vấn đề xâm lấn biên giới, tình hình xuất nhập cảnh trái phép tạo ra nhiều bất ổn; buôn lậu, mua bán tàng trữ vũ khí, ma túy vẫn còn xảy ra; các tệ nạn xã hội cũng đang là điều phải luôn luôn quan tâm đối với vùng TDMN Bắc Bộ.



Каталог: DocumentLibrary
DocumentLibrary -> HỘI ĐỒng nhân dân tỉnh bắc kạN
DocumentLibrary -> HỘI ĐỒng nhân dân tỉnh bắc kạn cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
DocumentLibrary -> Tính cấp thiết của đề tài
DocumentLibrary -> TỈnh bắc kạn số: 53/QĐ-ubnd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
DocumentLibrary -> UỶ ban nhân dân thị XÃ BẮc kạN
DocumentLibrary -> UỶ ban nhân dân thị XÃ BẮc kạn cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa viêt nam
DocumentLibrary -> UỶ ban nhân dân cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bắc kạN Độc lập Tự do Hạnh phúc
DocumentLibrary -> Ubnd-qlđt v/v: Triển khai công tác tổng vệ sinh trong ngày 21/12/2012 CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
DocumentLibrary -> Nghị định 135/2004/NĐ-cp của Chính phủ về việc quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý VI phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người thành niên
DocumentLibrary -> HỘI ĐỒng nhân dân tỉnh bắc kạN

tải về 2.26 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   27




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương