VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc



tải về 48.65 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích48.65 Kb.
#18098


BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2012


ĐIỂM TIN BÁO CHÍ SÁNG NGÀY 30/8/2012
Trong buổi sáng ngày 30/8/2012, một số báo đã có bài phản ánh những vấn đề nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:

I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

Báo Nhân dân điện tử đưa tin Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng của Ban Thường vụ Ðảng ủy Công an T.Ư. Ngày 29-8, Ban Thường vụ Ðảng ủy Công an T.Ư tổ chức Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể Ban Thường vụ theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng. Ðến dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Ðồng chí Thượng tướng Trần Ðại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ðảng ủy Công an T.Ư, Bộ trưởng Công an chủ trì Hội nghị. Các đồng chí lãnh đạo các ban đảng T.Ư dự và theo dõi Hội nghị.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang và đồng chí Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ban Thường vụ Ðảng ủy Công an T.Ư phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, toàn diện, không nể nang, né tránh, nghiêm túc tiếp thu nội dung gợi ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến đóng góp của tổ chức Ðảng, cá nhân để tự phê bình và phê bình. Tập trung làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân; việc thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm, những điều cán bộ, chiến sĩ công an không được làm; việc thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Ðề ra các giải pháp phải bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp "chống và xây", nói đi đôi với làm, bảo đảm đoàn kết thống nhất, giữ vững nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Ðảng.



II- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Cho chấp hành viên quyền khám người?. Bài báo phản ánh: Ngày 29-8, Tổng cục Thi hành án (Bộ Tư pháp) đã kết hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức buổi tọa đàm tổng hợp những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Thi hành án dân sự.

Ông Lê Anh Tuấn (Vụ phó Vụ Nghiệp vụ 1 Tổng cục Thi hành án dân sự) cho biết số việc và tiền được thi hành án dân sự năm sau luôn tăng hơn năm trước. Chẳng hạn, năm 2011, toàn ngành thi hành xong gần 400.000 việc có điều kiện thi hành (đạt tỉ lệ 88%), tăng gần 29.000 việc so với năm 2010.

Tuy nhiên, ngành thi hành án hiện đang gặp phải không ít khó khăn vì tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn luật còn chậm so với yêu cầu. Một số văn bản triển khai xây dựng từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Chẳng hạn, thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Công an hướng dẫn trại giam, trại tạm giam thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền thi hành án; thông tư giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về hướng dẫn bảo vệ cưỡng chế thi hành án…

Bên cạnh đó cũng có những tình huống thực tế chưa được dự liệu để hướng dẫn. Theo đại diện Cục Thi hành án tỉnh Cà Mau, Nghị định 58 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự) chưa đề cập đến việc tài sản được giao cho người được thi hành án nhưng sau đó người phải thi hành án chiếm lại thì cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết? Cần phải quy định rõ trách nhiệm thuộc cơ quan nào để người dân biết đường liên hệ.

Theo ông Nhâm Đức Giang, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk, qua ba năm áp dụng, Luật Thi hành án dân sự cũng đã bộc lộ nhiều bất cập cần được sửa đổi, bổ sung.

Chẳng hạn, luật quy định đương sự có quyền yêu cầu định giá lại tài sản trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản nhưng lại không nói rõ yêu cầu tối đa mấy lần, vào thời điểm nào. Đây là kẽ hở để đương sự lợi dụng kéo rê việc thi hành án bằng cách yêu cầu nhiều lần. Hay như trong việc bán đấu giá tài sản, luật không quy định giảm giá đến lần thứ mấy mà vẫn không có người mua thì giao tài sản cho người được thi hành án…

Ông Giang đề nghị cần sửa đổi luật về thẩm quyền thi hành án hành chính. Ngoài ra, có ý kiến đặt vấn đề là nên cho chấp hành viên có quyền khám người, thu giữ đồ vật, tài liệu, phương tiện của người phải thi hành án. Bởi vì trách nhiệm chính của chấp hành viên và cơ quan thi hành án là buộc người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, hiện nay luật không quy định chấp hành viên được quyền khám người, đồ vật, tài liệu, phương tiện nên dù biết rõ người phải thi hành án có tiền và nhiều tài sản có giá trị ở trong người, chấp hành viên cũng không thể làm gì được. Nếu luật bổ sung chuyện này thì sẽ thu được kết quả lớn trong quá trình thi hành án.

2. Báo Thanh niên Online có bài Chiếm đoạt tiền tỉ, nhân viên trợ giúp pháp lý lãnh án. Bài báo phản ánh: TAND TP.HCM ngày 29.8 xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Hữu Duy Hiền (50 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, nghề nghiệp tư vấn, trợ giúp pháp lý) 18 năm tù về hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”.








3. Báo Công an nhân dân Online có bài Bi hài chuyện… “phường lấy chồng ngoại”. Bài báo phản ánh: Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh hiện có gần 300 phụ nữ "xuất ngoại" lấy chồng chiếm tỷ lệ cao nhất tỉnh. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt với tần suất trên 40 trường hợp/năm (chủ yếu lấy chồng Hàn Quốc).

Điều hết sức ngạc nhiên là từ một vài vụ kết hôn đơn lẻ mấy năm trước, nay chuyện "lấy chồng Hàn" tại đây đang trở thành "chuyện thường ngày" và thậm chí còn phát triển như một thứ "phong trào" khó cản nổi.

Qua số liệu phân tích của Phòng LĐ-TB&XH thị xã Quảng Yên, 3/4 số cô dâu lấy chồng Hàn của phường Nam Hòa đều rơi vào những gia đình đông con, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, trình độ văn hóa thấp, có trường hợp chưa biết chữ, tan vỡ, éo le trong hôn nhân. Song, đáng lo ngại nhất vẫn là việc nhiều gia đình đã quyết định gả con gái lấy chồng Hàn Quốc với khát vọng đổi đời, mong con mình có cuộc sống vương giả. Chính vì thế, hầu hết các phi vụ kết hôn giữa phụ nữ với người nước ngoài ở đây không hề dựa trên nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ mà chỉ xuất phát từ mục đích kinh tế.

Cũng theo một số người dân phường Nam Hòa, mặc dù bị pháp luật nghiêm cấm, việc "tuyển chọn" cô dâu vẫn lén lút diễn ra một cách biến tướng tại các nhà nghỉ, khách sạn trong khu vực. Không ồn ào, vài ba người đàn ông nước ngoài với vài ba phụ nữ cũng thuê phòng "sống thử" với nhau ít ngày như những cặp tình nhân.

Quá trình đi đến kết hôn thường diễn ra nhanh chóng, vội vàng, đơn giản, hoàn toàn phụ thuộc vào cái gật đầu của người đàn ông nọ. Thậm chí, có nhiều cô dâu qua bên xứ Hàn mới biết vị hôn thê của mình thật sự là ai? Điều kiện ra đình của họ như thế nào?... Thế nhưng, họ vẫn chấp nhận mạo hiểm, đặt cược hạnh phúc cuộc đời mình vào canh bạc rủi may.

Anh Vũ Duy Phong, cán bộ phụ trách về LĐ-TB&XH của phường Nam Hòa còn cho hay, phường hiện có 10 trường hợp lấy chồng ngoại đã phải về quê nhưng chưa hoàn thành thủ tục về pháp luật, chưa có giấy ly hôn. Xuất thân từ các hộ gia đình nghèo, nay trở về với hai bàn tay trắng cùng những đứa trẻ lai, họ còn là gánh nặng cho người thân. Đã nghèo lại càng nghèo. Cuộc sống của những gia đình trên càng lâm vào khó khăn và bi đát hơn.

Qua trực tiếp tìm hiểu, tại phường Nam Hòa các cô dâu khi trở về đều rơi vào hoàn cảnh, nợ nần chồng chất. Không chỉ mất tiền cho các bà "mối", họ còn bị mất hết giấy tờ tùy thân, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý hành chính về TTXH ở địa phương. Đáng buồn hơn, từ những thông tin ít ỏi được chuyển tải về cho cha mẹ, có tới con số trăm các nàng dâu bên đó buộc phải chấp nhận cuộc sống đau khổ, bị đánh đập, chà đạp nhân phẩm nhưng vẫn cam chịu không dám về nước vì mặc cảm với gia đình, xóm làng.

4. Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh có bài Tiếp tục thảo luận về hôn nhân đồng tính. Bài báo phản ánh: Luật có nên công nhận hôn nhân của những người đồng tính hay không, đó là câu hỏi nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu tại hội thảo “Khát vọng được là chính mình - Các vấn đề pháp lý và thực tiễn của người chuyển giới ở Việt Nam” vừa diễn ra ngày 29-8 ở Hà Nội.

Tại hội thảo, những người chuyển giới đã kể lại cuộc đời mình trong nước mắt: Ngọc Ly phải bỏ học khi bị bạn bè kỳ thị, bị đánh hội đồng và bị bố mẹ coi như là một người bệnh hoạn. Cát Thy, một người nam chuyển giới nữ đã chấp nhận một cuộc chuyển đổi về thể xác đầy đau đớn, thậm chí đối mặt với cái chết để được trở về đúng với bản dạng giới của mình. Aki Trần, một người chuyển giới nam kể: “Một lần em đi xe buýt, người thu vé sau khi xem thẻ của em thì quay đầu lẩm bẩm, thời buổi nào rồi mà vẫn có người đi thẻ lậu. Chỉ vì trên thẻ em có tên con gái, còn bề ngoài em lại có hình dáng một người nam”.

Cảm thông với những người chuyển giới, ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính-Tư pháp, Bộ Tư pháp, đề nghị: “Luật Hôn nhân và Gia đình phải đánh giá vấn đề này thật nghiêm túc, cả việc xác định lại giới tính, đây là những vấn đề nhân quyền rất cao”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Cừ, Phó Chủ nhiệm khoa Pháp luật dân sự Trường ĐH Luật Hà Nội, thành viên của tổ biên tập sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, nêu quan điểm nên giữ nguyên quy định hiện hành, chỉ nên thay đổi trong kỹ thuật là sửa từ chữ cấm kết hôn đối với người đồng tính thành không công nhận việc kết hôn. Dự thảo luật cần phải cụ thể hóa một số vấn đề về quan hệ nhân thân và tài sản, con cái của những trường hợp sống chung đồng giới.

5. Báo Pháp luật và Xã hội có bài Hai cựu binh hơn 9 năm chưa được kết hôn: UBND xã Thọ An cần làm đúng quy định pháp luật. Bài báo phản ánh: Một người dân phản ánh đến Đường dây nóng 0988811123 báo PL&XH: "9 năm trước, tôi đã nộp hồ sơ xin đăng ký kết hôn đến UBND xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Đến nay đã gần đất xa trời, ý nguyện của tôi vẫn chưa thể thực hiện".
Theo phản ánh: Ông Nguyễn Bá Dương, cựu chiến binh, quê ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội có 3 người con. Năm 1999, vợ ông Dương mất, còn các con đi lấy chồng. Ông Dương gặp và có tình cảm với bà Nguyễn Thị Năm, cũng là một cựu binh, SN 1959, trú tại xã Thọ An, huyện Đan Phượng. Để có người nương tựa khi tuổi già, ông Dương xin xác nhận của địa phương nơi mình cư trú, rồi cùng bà Năm đến UBND xã Thọ An làm thủ tục đăng ký kết hôn. 
Ngày 22-8-2003, ông Nguyễn Văn Thắng, cán bộ tư pháp xã Thọ An đã hướng dẫn ông Dương và bà Năm làm thủ tục, sau đó hẹn 10 ngày sau đến trụ sở UBND xã lấy giấy đăng ký kết hôn. Nhưng khi ông Dương đến, ông Thắng nói đã đưa hết giấy tờ gồm: Giấy giới thiệu, giấy chứng tử của vợ cũ, sổ hộ khẩu của ông Dương cho con gái của ông là Nguyễn Thị Hiền. Còn giấy đăng ký kết hôn thì ông Thắng không cấp cho ông Dương và bà Năm.

Ông Nguyễn Văn Thắng, cán bộ tư pháp xã Thọ An, cho hay: "Thời điểm ông Dương đến làm thủ tục đăng ký kết hôn thì các con của ông đã có đơn "tố" ông bị bệnh… thần kinh, nên tôi đã yêu cầu xác minh trong vòng 1 tuần. Sau đó, ông Dương bị bệnh phải đi viện gần 1 tháng. Cũng vào thời điểm này, chị Hiền đã đến UBND xã trình bày cần lấy lại sổ hộ khẩu để giải quyết việc riêng. Thấy sổ hộ khẩu có tên ông Dương và chị Hiền, đồng thời chị Hiền cũng hứa sẽ đưa lại hồ sơ cho ông Dương, nên tôi đã trả toàn bộ hồ sơ của ông Dương cho chị Hiền và có giấy biên nhận. Sau khi ông Dương lên kiến nghị, tôi cũng nhiều lần đến đòi lại giấy tờ để trả cho ông Dương, nhưng chị Hiền kiên quyết không trả".

Ông Hoàng Quốc Định, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ An cho biết: "Tôi đã nhiều lần làm việc và trả lời đơn của ông Dương. Qua tiếp xúc với ông Dương, tôi thấy ông ấy hoàn toàn khoẻ mạnh và minh mẫn, không có biểu hiện của bệnh tâm thần. Còn việc các con ông ấy tố ông bị bệnh tâm thần là hoàn toàn không có cơ sở. Theo hồ sơ, ông Dương có đủ điều kiện để đăng ký kết hôn với bà Năm. Còn việc cán bộ tư pháp xã trả lại hồ sơ đăng ký kết hôn là sai so với quy định. Nếu ông Dương làm đơn đề nghị lên các cơ quan chức năng làm lại những giấy tờ cán bộ tư pháp xã đã trả cho cô Hiền mà cô Hiền không trả ông Dương, thì UBND xã Thọ An sẽ hướng dẫn và tạo điều kiện cho ông Dương làm lại những giấy tờ đó".

Về hướng giải quyết, cán bộ tư pháp xã nói: "Chúng tôi sẽ xác nhận ông Dương chưa đăng ký kết hôn ở xã Thọ An; xác nhận lý do bị mất giấy tờ, v.v… Tạo điều kiện cấp giấy giới thiệu sang UBND xã Tân Hội để ông Dương, bà Năm làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật".

Ông Dương, bà Năm cho rằng phía UBND xã khắc phục như trên là chưa thấu tình đạt lý. Vì theo quy định, ông bà có quyền đăng ký kết hôn ở UBND xã Thọ An, không có lý gì cán bộ tư pháp xã từ chối và đẩy trách nhiệm sang địa phương khác. Bên cạnh đó, trách nhiệm của cá nhân cố tình làm trái, làm mất giấy tờ của ông Dương, cũng như khiến ông 9 năm qua sống với bà Năm trong cảnh "vợ chồng hờ", bị làng xóm dị nghị, chưa thấy được đề cập đến.

Hai cựu chiến binh mong muốn UBND xã Thọ An thực hiện đúng quy định pháp luật, làm đầy đủ thủ tục đăng ký kết hôn cho họ, trả lại những giấy tờ trước kia đã gửi UBND xã. "Xã làm sai thì phải khắc phục, không thể "đá bóng" trách nhiệm cho người dân như thế", ông Dương bức xúc.

6. Báo Pháp luật và Xã hội có bài Luật sư có được "bảo vệ" khi quyền lợi bị xâm phạm?. Bài báo phản ánh: Chỉ chưa đầy một tuần, sau sự việc luật sư (LS) Bùi Hồng Lĩnh bị tạt axit trên đường đến văn phòng, thì lại xảy vụ Văn phòng LS Bùi Đình Ứng bị đổ xăng đốt lúc nửa đêm… cho thấy từ lý do hành nghề, các LS có thể gặp nhiều nguy hiểm. Tìm ra phương pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi LS đã được Liên đoàn LS Việt Nam (LĐLS) bàn thảo tại hội thảo diễn ra vào ngày 25-8.

LS Phan Trung Hoài, Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ quyền lợi LS cho biết, sau 3 năm thành lập, LĐLS đã tiếp nhận 125 đơn yêu cầu LĐLS can thiệp, bảo vệ quyền lợi, 70% liên quan đến cản trở quyền hành nghề LS, còn xâm phạm thân thể khoảng 16 trường hợp (qua tổng hợp trên báo chí), và LĐLS trực tiếp can thiệp có 10 trường hợp nhưng mới có một vụ CQĐT khởi tố vụ án.


Thực tiễn cho thấy, nhiều vụ LS bị xâm phạm nhưng chưa vụ nào tìm ra thủ phạm, nhiều văn bản đề nghị cơ quan chức năng giải quyết gửi đi không có hồi âm. Nhiều LS đồng tình cho rằng, sở dĩ các sự việc xâm phạm đến quyền hành nghề hợp pháp và quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của giới LS diễn ra có chiều hướng gia tăng, nguyên nhân một phần từ việc xử lý không nghiêm, không kiên quyết của các cơ quan chức năng.

Ngoại trừ CA tỉnh Quảng Trị đã khởi tố vụ án hình sự, tiến hành điều tra và xử lý việc hành hung LS Phạm Văn Khánh, phần lớn đơn tố cáo, kêu cứu của LS gửi đi nhiều nơi, nhiều cấp nhưng chưa có kết quả điều tra, trả lời kịp thời và thỏa đáng! Như việc LS Bùi Đình Ứng, dù có đơn phản ánh, yêu cầu nhưng đã 2 tuần trôi qua, từ 12-8, đến nay vẫn chưa có bất kỳ cơ quan chức năng nào tiếp xúc, tiếp nhận băng video, tài liệu, cũng như hiện trạng vụ việc! Thế nên, LĐLS đã quyết định sẽ làm việc ngay với LS Ứng, tiếp nhận những tài liệu liên quan đến vụ việc, sau đó sẽ bàn giao trực tiếp cho CQĐT để “thúc đẩy” giải quyết. Vụ việc của LS Lĩnh, ngày 28-8, LĐLS sẽ làm việc với CQĐT của VKSND TC.

Một vấn đề được nhiều LS quan tâm là phạm vi bảo vệ quyền lợi cho LS thế nào là hợp lý, bảo vệ toàn diện hay chỉ những gì liên quan đến việc hành nghề? Chủ nhiệm Đoàn LS Bình Định, LS Trần Công Lập cho rằng, việc bảo vệ LS chỉ nên liên quan đến hành nghề, còn những vấn đề khác đã có các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện. Còn theo LS Nguyễn Hoàng Tiến, Đoàn LS Hà Nội, nếu LS bị xâm phạm vì lý do hành nghề, thì họ cần được bảo vệ toàn diện, bất kể lúc xảy ra vụ việc là họ đang đi làm hay đi chơi. Tại Điều 48 Bộ luật Hình sự có qui định các tình tiết tăng nặng, và nên bổ sung qui định “vì lý do hành nghề của LS” là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để xử lý nghiêm minh việc xâm phạm đến quyền lợi của LS vì lý do nghề nghiệp.

II- CÁC THÔNG TIN KHÁC

Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh đưa tin: Quận 7 thất lạc 173 phôi giấy hồng. Chiều 27-8, ông Trương Văn Thủ - Phó Chủ tịch UBND quận 7 đã xác nhận UBND quận này vừa phát hiện thất lạc 173 phôi giấy hồng (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở).

UBND quận 7 đã thông báo hủy các phôi giấy hồng này và yêu cầu các phòng công chứng, các cơ quan chức năng liên quan không giải quyết các giao dịch bảo đảm, công chứng, chứng thực… đối với những giấy hồng có số series trong danh sách hủy. Trường hợp phát hiện các giấy hồng này thực hiện giao dịch chuyển nhượng, các cơ quan chức năng phải ngăn chặn và báo UBND quận 7 để kịp thời xử lý theo quy định pháp luật. Danh sách số series các phôi giấy hồng bị hủy được công khai trên website Sở TN&MT và website UBND TP.HCM.

Sở TN&MT đang thực hiện đợt tổng rà soát, kiểm tra phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở… trên toàn địa bàn TP.

Trên đây là thông tin báo chí sáng ngày 30/8/2012, Văn phòng Bộ xin báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo.



Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Các Thứ trưởng (để báo cáo);

- Lưu: TH.



VĂN PHÒNG BỘ




Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 48.65 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương