VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 40.06 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích40.06 Kb.
#20866


BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc





Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2008


ĐIỂM TIN BÁO CHÍ SÁNG NGÀY 02/10/2008

Trong buổi sáng ngày 02/10/2008, một số báo chí đã có bài phản ánh những vấn đề lớn của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh phản ánh: Hôm qua (1-10), Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của nghị quyết Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Để xác định cá nhân là người nước ngoài, đối tượng này phải có hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp. Ngoài điều kiện về hộ chiếu, nếu cá nhân nước ngoài là nhà đầu tư thì phải có tên trong giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ tương ứng với giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Nếu là người có công đóng góp với đất nước thì phải có bằng huân chương hoặc bằng huy chương do Chủ tịch nước trao tặng... Cá nhân nước ngoài phải có thẻ thường trú, thẻ tạm trú hoặc giấy tờ chứng nhận được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên.



2. Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam đưa tin: Chiều 1/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp đoàn đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam do Giám mục Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam dẫn đầu tới chào thăm Thủ tướng, nhân kết thúc Hội nghị thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam lần thứ hai.

Thủ tướng đánh giá cao thái độ của Hội đồng Giám mục Việt Nam là không có chủ trương đối với những hành vi vi phạm pháp xảy ra ở giáo xứ Thái Hà, 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung Hà Nội. Đồng thời yêu cầu Hội đồng Giám mục Việt Nam có những quyết định để chấm dứt cũng như không lặp lại những việc làm sai trái đó.



3. Báo Quân đội nhân dân phản ánh: Tại thành phố Đà Nẵng, Ban chỉ đạo cuộc vận động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" vừa tổ chức hội nghị sơ kết giai đoạn 2006-2008.

Trong những năm qua, phong trào này đã có bước phát triển đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế, xã hội ở các ngành, các cấp, địa phương. Đến tháng 12-2007, cả nước có 80,67% tổng số gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa"; 47,87% tổng số thôn, bản, làng đạt tiêu chuẩn "Làng văn hóa". Để phong trào phát triển sâu rộng và bền vững, hội nghị đã thảo luận, nêu nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng và đẩy mạnh phong trào này lên tầm cao mới. Đặc biệt là làm chuyển biến về chiều sâu, chất lượng tương xứng với số lượng đã đạt được.



II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Sài Gòn giải phóng có bài "Luật Phòng chống mại dâm kém khả thi". Bài báo phản ánh: Sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh phòng chống mại dâm (2003-2008), các văn bản luật về phòng chống mại dâm đã thể hiện sự lạc hậu, chồng chéo, mâu thuẫn. Nhiều khái niệm đưa ra nhưng không giải thích rõ ràng và xác định phạm vi cụ thể, dẫn đến việc áp dụng tùy tiện (ví dụ thế nào là “các hoạt động tình dục khác”, “kích động tình dục”, “lạm dụng tình dục”, “hành động dâm ô”…).

Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống mại dâm hiện nay được quy định rải rác và phân tán trong nhiều văn bản pháp luật.

Cùng một hành vi bán dâm, nhưng nếu vi phạm lần đầu thì xử lý theo Điều 18 Nghị định (NĐ)178/CP; tái phạm thì xử lý theo Điều 24 NĐ 150/CP; còn nếu liên tục tái phạm thì bị quản lý, giáo dục tại địa phương theo NĐ 163/2003 (điều này lại mâu thuẫn tiếp với NĐ 43/CP - “người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh”).

Các quy định hiện hành về xử lý mại dâm còn một số điểm khó triển khai, làm giảm tính khả thi của pháp luật. NĐ 163/CP quy định UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý, giáo dục người bán dâm và người có các hành vi liên quan đến mại dâm. Nhưng trong thực tế, các đơn vị này không thể quản lý vì các đối tượng bán dâm thường vi phạm ở các địa bàn khác.

Về hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân, cơ sở vi phạm, theo NĐ 178/CP là không thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND các cấp. Điều này trái với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính: chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt trong tất cả các hình thức.

Nhiều hành vi liên quan hoạt động mại dâm đã được xác định là vi phạm pháp luật, nhưng lại chưa có quy định xử lý hoặc có nhưng không đầy đủ, dẫn đến lọt người, lọt tội. Hiện vẫn chưa có biện pháp chế tài đối với người trực tiếp thực hiện hành vi “hoạt động tình dục khác”, “khiêu dâm”, “kích động tình dục”…, cũng như hành vi tiếp tay, che giấu, thiếu tinh thần trách nhiệm, dung túng cho các hoạt động này.

Quốc hội, Chính phủ cần sớm nghiên cứu, thống nhất sửa đổi bổ sung để Luật Phòng chống mại dâm đi sát với thực tế, nâng cao tính khả thi.

2. Báo Công an nhân dân có bài "Được kiện thì má sưng". Bài báo phản ánh: Chuyện xảy ra cách đây 11 năm với 5 phiên tòa xét xử vụ kiện dân sự (sơ thẩm 2 lần, phúc thẩm 2 lần, giám đốc thẩm 1 lần). Tính chất vụ việc cứ thay đổi dần theo từng bản án. Cho đến khi bản án phúc thẩm (lần 2) có hiệu lực thì người bị kiện mất hết tài sản, đi đòi lại nhiều năm nay mà không cơ quan nào giải quyết...

Theo nguyên đơn bà Lý Mỹ Hạnh (43 tuổi, ngụ tại phường 3, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cũng như gia đình bị đơn Trần Bảo Lợi (SN 1981, ngụ tại xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), ngày 16/11/1997, bà Hạnh (quen biết Lợi đã lâu) đi chợ Thạnh Quới, thì Lợi đùa bằng cách dùng dây cột vào đuôi áo bà Hạnh.

Khi phát hiện ra, bà Hạnh đã rượt đuổi Lợi và vật xuống đất đè lên người Lợi rồi dùng tay bóp mạnh vào phần mềm của Lợi. Do quá đau, dù đã kêu la nhưng bà Hạnh không buông mà càng bóp chặt hơn khiến Lợi phải vùng vẫy để thoát thân. Do Lợi vùng vẫy mạnh, khiến bà Hạnh ngã xuống. Xong ai về nhà nấy. Nhưng tận 4 tháng sau, bà Hạnh đâm đơn khởi kiện Lợi ra TAND huyện Mỹ Xuyên với lý do, Lợi xô bà ngã bị cụp cột sống(!?).

Nhận đơn của bà Hạnh, ngày 23/2/1998, TAND huyện Mỹ Xuyên đưa ra xét xử, tuyên buộc Lợi và gia đình có trách nhiệm bồi thường cho bà Hạnh số tiền là 8.962.000 đồng, chịu án phí 448.000 đồng. Không đồng ý với phán quyết của tòa, ngày 31/12/1998, bà Giang Mỹ Hía (mẹ Lợi, người giám hộ đương nhiên của Lợi) làm đơn kháng cáo.

Ngày 25/9/1999, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm, tuyên buộc Lợi và gia đình có trách nhiệm bồi thường cho bà Hạnh số tiền là 5.965.000 đồng, chịu án phí 280.000 đồng. Không đồng ý với phán quyết của tòa tỉnh, bà Hía làm đơn khiếu nại nhưng TAND tỉnh không nhận đơn buộc lòng bà Hía phải gửi đơn lên TAND Tối cao.

Ngày 6/6/2001, Phó Chánh án TAND tối cao Hoàng Khang có Quyết định số 103/KNDS đối với 2 bản án nói trên. Ngày 21/9/2001, TAND tối cao xử giám đốc thẩm và quyết định hủy 2 bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Mỹ Xuyên và phúc thẩm của TAND tỉnh Sóc Trăng; giao toàn bộ hồ sơ vụ kiện về TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử lại từ giai đoạn sơ thẩm.

Ngày 27/9/2003, TAND huyện Mỹ Xuyên xét xử sơ thẩm (lần 2) và tuyên buộc Lợi có trách nhiệm bồi thường cho bà Hạnh số tiền 3.080.000 đồng và chịu án phí dân sự 50.000 đồng và 154.000 đồng án phí bồi thường.

Ngày 8/8/2003, bà Lý Mỹ Hạnh làm đơn kháng cáo. Ngày 10/8/2003, Trần Bảo Lợi làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Sóc Trăng. Ngày 30/7/2004, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử và tuyên buộc Lợi có trách nhiệm bồi thường cho bà Hạnh số tiền 1.143.800 đồng và chịu án phí xác minh 193.000 đồng.

Tại sao lại có sự phức tạp như vậy trong vụ kiện dân sự này? Bởi lẽ trước khi có quyết định giám đốc thẩm của TAND tối cao, ngày 30/8/2000, Phòng Thi hành án tỉnh Sóc Trăng và Đội thi hành án huyện Mỹ Xuyên đã tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản của gia đình bà Hía mà không thông báo cho gia đình biết. Tự ý mở cổng vào nhà thu giữ tài sản khi người lớn trong nhà đi vắng.

Tài sản bị thu giữ gồm: 1 tivi Sony 21 inch, trị giá 5,4 triệu đồng; 1 đầu đĩa hiệu JVC 3 khay, trị giá 5,2 triệu đồng; 1 đầu đĩa 4 thớt hiệu AIWA trị giá 7,1 triệu đồng; 1 đầu đọc Minh Quang trị giá 600.000 đồng; 1 bộ điều khiển từ xa của tivi Sony; 1 bộ điều khiển từ xa của đầu máy JVC. Tất cả những tài sản trên đều là hàng mới chính hãng với tổng giá trị trên 18,3 triệu đồng.

Số tài sản đó được Phòng thi hành án tỉnh Sóc Trăng bán với giá 8,46 triệu đồng, bồi thường cho bà Hạnh hết 5.965.000 đồng, và án phí hết 280.000 đồng. Riêng số tiền dư ra không biết nằm ở đâu!? Chính vì vụ thi hành án kỳ cục này mà ông Nguyễn Chí Thơm, chấp hành viên Phòng Thi hành án Sóc Trăng bị xử lý kỷ luật chuyển đi nơi khác.

Lật lại toàn bộ hồ sơ vụ kiện của bà Hạnh lại càng thấy các cấp tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm (lần 1) đã có những sai phạm khi thụ lý hồ sơ do phía bà Hạnh cung cấp. Mọi việc đều do bà Hạnh bịa ra để làm tiền gia đình bà Hía, trong đó có sự "giúp sức" của các cơ quan pháp luật tỉnh Sóc Trăng.

Kể từ ngày phiên tòa phúc thẩm (lần 2) kết thúc đến nay đã gần 3 năm, vậy mà Phòng Thi hành án tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa giải quyết trả lại tài sản cho bà Hía dù bà đã gửi rất nhiều đơn yêu cầu và chỉ nhận được câu trả lời "chờ xin ý kiến lãnh đạo".

Còn người dân ở xã Thạnh Quới bức xúc: "Chỉ là trò đùa của trẻ con (lúc đó Lợi 16 tuổi), thế mà bà Hạnh lại kiện cháu Lợi ra tòa đòi bồi thường. Trong khi lúc bị té bà ta vẫn đứng dậy đi chợ mua đồ ăn, về nhà bình thường…".

Ông Trương Hùng Thanh - Trưởng phòng Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Chúng tôi rất đau đầu vì chuyện này. Bà Hía đòi lại tài sản là hoàn toàn hợp lý, nhưng bây giờ xác định ai là người phải khắc phục hậu quả thì chưa được, chúng tôi đã gửi không dưới ba văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Cục Thi hành án (Bộ Tư pháp) nhưng vẫn chưa thấy trả lời nên chúng tôi càng bí".

Bà Giang Mỹ Hía bức xúc: "Toà xử sai đã xử lại, nhưng thi hành án sai lại không sửa”. Hoàn cảnh của bà Giang Mỹ Hía bây giờ rất bi thảm. Người con trai duy nhất là Trần Bảo Lợi thì chết năm ngoái vì nhổ răng, còn cô con gái bị bệnh tâm thần, con dâu (vợ Lợi) bỏ đi lao động Hàn Quốc không hề liên lạc về, để lại con cho bà Hía nuôi. Không biết Phòng Thi hành án tỉnh Sóc Trăng có biết điều này không?



3. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài "Nên thống nhất cách ghi quê quán". Bài báo phản ánh: - Là một cán bộ tư pháp xã có thời gian tiếp cận và thực hiện các quy định về hộ tịch, tôi cho rằng cách xác định quê quán của UBND phường Bình An (ở đứa con thứ nhất của đương sự), của trưởng Phòng Tư pháp quận 2 và Sở Tư pháp TP.HCM (ở đứa con thứ hai của đương sự) chưa chính xác.

Tuy Nghị định 158 ngày 17-12-2005 của Chính phủ không quy định rõ cách thức xác định quê quán của một người khi đăng ký khai sinh nhưng tại Quyết định 01 ngày 29-3-2006, khi phát hành các tờ khai đăng ký lại việc sinh, cấp lại bản chính giấy khai sinh, Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn việc ghi quê quán. Theo đó, quê quán của một người được ghi theo quê quán của cha đẻ; nếu không rõ cha đẻ là ai thì ghi theo quê quán của mẹ đẻ; trong trường hợp không xác định được cha, mẹ đẻ thì để trống. Sau đó, Thông tư 01 ngày 2-6-2008 của Bộ Tư pháp đã có cách hướng dẫn tương tự như trên về phần quê quán.

Như vậy, đối với trường hợp của đương sự trong bài viết, UBND phường Bình An phải căn cứ vào các giấy tờ có ghi nhận quê quán của cha hoặc mẹ đẻ để xác định quê quán của người con. Nếu quê quán của người cha là Bình Dương thì quê quán của các con phải là Bình Dương, chứ không thể là TP.HCM (nơi sinh của người cha). Trưởng phòng Tư pháp quận 2 và cả Sở Tư pháp TP.HCM không nên để đương sự khai sao cũng được.

Có lẽ Bộ Tư pháp nên xem xét lại trường hợp cụ thể này để có thể chấn chỉnh, hướng dẫn thống nhất, hạn chế tình trạng mỗi người một lý lẽ, gây nên những khác biệt không đáng có.

- Đọc xong bài báo, tôi vội kiểm tra lại chứng minh nhân dân, hộ khẩu của bản thân thì mới thấy mỗi giấy một kiểu. Nếu khai sinh ghi quê quán thì CMND, hộ khẩu lại ghi nguyên quán. Vậy nếu quê quán của một người “là quê quán của cha đẻ; nếu không rõ cha đẻ là ai thì ghi theo quê quán của mẹ đẻ...” thì nguyên quán là đâu? Giữa nguyên quán và quê quán có khác gì khác nhau?

Có lần tôi nghe nói Bộ Tư pháp và Bộ Công an vẫn chưa thể thống nhất về hai khái niệm trên. Nếu cách hiểu của Bộ Tư pháp về quê quán có phần đơn giản thì cách hiểu của Bộ Công an về nguyên quán lại rất phức tạp. Trả lời phỏng vấn của một tờ báo, một quan chức của bộ này cho rằng nguyên quán là nơi sinh ra và lớn lên của người cha. Vậy nếu người cha sinh ra ở nơi này rồi lớn lên, trưởng thành ở nơi khác, nguyên quán của người con được xác định sao mới chính xác? Riêng ở trường hợp của tôi và rất nhiều thân nhân, người quen, nguyên quán ghi trong hộ khẩu, CMND với quê quán ghi trong giấy khai sinh giống nhau. Vậy tại sao không thống nhất một khái niệm cho đỡ rắc rối?



4. Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh phản ánh đơn thư của ông VÕ VĂN CÓ, phường 9, TX Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Nội dung: Theo bản án số 205/DSPT ngày 20-7-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh, bà Phạm Thị Bé Tư và ông Lê Văn Tiền phải trả cho tôi số tiền 117 triệu đồng và lãi suất phát sinh chậm thi hành án. Mặc dù bà Bé Tư và ông Tiền có đầy đủ điều kiện và tài sản để thanh toán nợ nhưng cơ quan thi hành án không giải quyết cho tôi. Trả lời khiếu nại của tôi, cơ quan Thi hành án dân sự huyện Châu Thành cho biết đã cưỡng chế kê biên một số thửa đất của bà Bé Tư và ông Tiền để đảm bảo thi hành cho các bản án xét xử từ năm 2005 - 2006 đã có hiệu lực pháp luật và các khoản nợ thế chấp ngân hàng, quỹ tín dụng.

Do vụ án của tôi phát sinh sau thời điểm cưỡng chế kê biên tài sản nên chưa được giải quyết mà phải chờ thi hành xong các vụ án trước, nếu còn thừa tiền mới trả nợ cho tôi. Xin hỏi chúng tôi đều là người bị hại, đều bị bà Bé Tư và ông Tiền chiếm đoạt tiền bạc, vì sao khi thanh toán nợ lại bị phân biệt kẻ trước người sau như vậy? Nếu thanh toán cho những bản án trước hết tiền thì người kiện sau như tôi còn gì để đòi nợ nữa? Đề nghị cơ quan thi hành án đảm bảo sự công bằng cho mọi người liên quan đến vụ án này.



Trên đây là điểm báo sáng ngày 02/10/2008, Văn phòng xin báo cáo Lãnh đạo Bộ./.

Nơi nhận:

- Bộ trưởng;

- Các thứ trưởng;

- Lưu TH.

VĂN PHÒNG BỘ



Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 40.06 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương