VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc



tải về 49.65 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích49.65 Kb.
#6728

BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2016

ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 09/7 ĐẾN SÁNG NGÀY 11/7/2016

Trong ngày 09/7 đến đầu giờ sáng ngày 11/7/2016, một số báo đã có bài phản ánh những thông tin liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Đời sống và Pháp luật có bài: Nguyên Phó Chánh thanh tra Hậu Giang được “trả lại” 3 tuổi. Bài báo phản ánh: Ngày 10/7, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký quyết định giải quyết khiếu nại của ông Lê Khả Đoàn - nguyên Phó chánh thanh tra tỉnh Hậu Giang về việc ông “xin trẻ lại” 3 tuổi.

Theo đó, Bộ trưởng Nội vụ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang điều chỉnh ngày tháng năm sinh trong hồ sơ công chức của ông Lê Khả Đoàn từ 30/6/1955 thành 28/5/1958 theo giấy khai sinh bản chính.

Theo quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ Nội vụ, năm sinh 1958 của ông Đoàn ghi trong học bạ cấp 2 có dấu hiệu sửa chữa số 8, song kết quả giám định tại Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) xác định số nguyên thủy là 8. Bên cạnh đó, công văn của Sở Tư pháp Hà Nội (ông Đoàn quê quán xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội) khẳng định, việc đăng ký lại khai sinh của ông Đoàn ghi ngày 28/5/1958 là có cơ sở; đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền.

Năm 2011, ông Đoàn xin đăng ký lại khai sinh từ năm 1955 thành 1958. Sau đó, ông dùng giấy khai sinh mới này để điều chỉnh lại ngày tháng năm sinh trong các loại giấy tờ quan trọng như giấy CMND, hộ khẩu, bằng tốt nghiệp đại học. Tháng 5/2012, ông làm đơn đề nghị chi bộ Thanh tra tỉnh Hậu Giang xin điều chỉnh lại ngày tháng năm sinh trong hồ sơ đảng viên, công chức và bảo hiểm xã hội. Các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang vào cuộc tiến hành xác minh và không đồng ý việc xin điều chỉnh của ông Đoàn, thậm chí đề nghị xem xét kiểm điểm theo quy định. Tuy nhiên, ông Đoàn không đồng ý nên có đơn khiếu nại, đề nghị trả lại cho mình 3 tuổi bị “oan”. Đến ngày 1/7/2015, ông Đoàn được cho nghỉ hưu theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang trong khi các khiếu nại, tố cáo của ông liên quan việc “trẻ lại 3 tuổi” chưa dứt điểm.

Kết quả thẩm tra xác định cho thấy, năm 1992, trong hộ khẩu được Công an TP Cần Thơ cấp, ông Đoàn (chủ hộ) sinh năm 1955. Tuy nhiên, học bạ trường phổ thông cấp 2 và giấy chứng nhận trúng tuyển kỳ thi hết cấp 2 do Giám đốc Sở Giáo dục thành phố Hà Nội (cấp ngày 11/7/1974) thể hiện ông Đoàn sinh năm 1958. Năm 2011, ông Đoàn nhờ mẹ ruột đi đăng ký lại khai sinh, ngày 28/5/1958.

Liên quan đến vụ việc này, 2 lãnh đạo Sở Tư pháp Hậu Giang đã bị kiểm điểm vì được phân công xác minh, nhưng không thực hiện, không báo cáo đúng quy trình, đôn đốc, nhắc nhở để cấp dưới báo cáo không đầy đủ về vụ việc “xin trẻ lại 3 tuổi” của ông Đoàn.



2. Báo Pháp luật TP.HCM có bài: Một người bị oan kháng cáo đòi trả đất, tăng mức bồi thường. Bài báo phản ánh: Ngày 10/7, ông Nguyễn Đình Sơn (ngụ xã Cư Ni, Ea Kar, Đắk Lắk) cho biết đã nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND huyện Ea Kar tuyên buộc chính tòa này phải bồi thường cho ông hơn 46 triệu đồng. Trong đơn kháng cáo, ông Sơn yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng hủy bỏ hồ sơ kê biên, trả lại 5.000 m 2 đất cho gia đình ông phục hồi vườn cây. Ngoài ra, ông Sơn cho rằng mức bồi thường theo bản án sơ thẩm là thiếu công bằng, không hề đề cập đến thiệt hại mà gia đình ông phải gánh chịu vì không thể canh tác trên phần đất trên trong suốt bảy năm (từ 2009 đến 2016).

Đầu năm 2013, ông Sơn thuê người, máy móc san ủi vườn cà phê già cỗi để chuyển đổi cây trồng thì bị cơ quan thi hành án dân sự huyện Ea Kar lập biên bản xác định ông có hành vi hủy hoại tài sản trên đất kê biên. Tháng 7/2013, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar đã khởi tố ông Sơn và cấm đi khỏi nơi cư trú. Tháng 12/2013, TAND huyện Ea Kar phạt ông sáu tháng tù về tội vi phạm việc kê biên tài sản...

Ông Sơn kháng cáo kêu oan. Tháng 6/2014, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì xác định cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Tháng 6/2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar xác định ông Sơn không phạm tội nên đình chỉ điều tra, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với ông. Tháng 9-2015, đại diện CQĐT, VKS, TAND huyện Ea Kar đã tổ chức buổi công khai xin lỗi và khẳng định sẽ bồi thường cho ông Sơn theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Sau nhiều lần thỏa thuận mức bồi thường không thành, tháng 11/2015, ông Sơn đã khởi kiện TAND huyện Ea Kar yêu cầu phải bồi thường cho ông 740 triệu đồng. Tháng 6/2016, TAND huyện Ea Kar xét xử đã tuyên chính mình phải bồi thường cho ông Sơn hơn 46 triệu đồng.



3. Báo Pháp luật Việt Nam có bài: Rắc rối từ một bản kháng nghị. Bài báo phản ánh: Ngày 16/5/2011, Ngân hàng TMCP phát triển TP Hồ Chí Minh, Chi nhánh Hồ Gươm và Công ty Tân Nam ký kết hợp đồng tín dụng số HM11/0012/HB với khoản tiền vay 5 tỷ đồng, thời hạn vay tối đa không quá 6 tháng. Hợp đồng tín dụng này được bảo lãnh bằng tài sản là quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Xuân Tùng. Hết thời hạn vay, Công ty Tân Nam đã trả đủ nợ gốc và lãi cho Ngân hàng.

Ngày 23/11/2011, Công ty Tân Nam tiếp tục vay 5 tỷ đồng và hợp đồng tín dụng mới vẫn sử dụng biện pháp đảm bảo bằng tài sản của ông Nguyễn Xuân Tùng. Tuy nhiên, việc vay tiền này không được thông báo cho bên có tài sản thế chấp biết. Sau khi ký hợp đồng mới, Công ty Tân Nam đã trả được một tháng tiền lãi, sau đó không thanh toán tiếp. Vì vậy, ngày 2/7/2012, Ngân hàng HD Bank đã khởi kiện đề nghị Công ty Tân Nam, yêu cầu thanh toán các khoản nợ, gồm khoản tiền gốc và lãi phát sinh.

Tại Bản án sơ thẩm số 03/2014/KDTM-ST ngày 26/9/2014, TAND quận Tây Hồ, Hà Nội đã buộc Công ty Tân Nam phải trả nợ cho HD Bank số tiền gốc và lãi theo hai giấy nhận nợ số 03-2011-HM11/0012/HB và số 04-2011-HM11/0012/HB. Tòa cũng tuyên, nếu Công ty Tân Nam không trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ, HDBank có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản bảo đảm của ông Nguyễn Xuân Tùng để thu hồi nợ cho Ngân hàng.

Nguyên đơn và bị đơn không có ý kiến gì đối với bản án nhưng ông Nguyễn Xuân Tùng thì không đồng ý. Theo kháng cáo của ông Nguyễn Xuân Tùng, người có quyền và nghĩa vụ trong vụ án, TAND TP Hà Nội đã xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Tại Bản án số 110/2015/KDTM-PT ngày 8/12/2015, TAND TP Hà Nội đã hủy một phần án sơ thẩm. Theo đó, Tòa xác định hợp đồng thế chấp vô hiệu và Ngân hàng HD Bank có trách nhiệm trả lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Nguyễn Xuân Tùng.

Theo ủy thác của Chi cục thi hành án quận Tây Hồ, ngày 09/3/2016, Chi cục Thi hành án quận 1 ra Quyết định số 42/QĐ-CCTHA về việc cưỡng chế trả giấy tờ, buộc HDBank giao trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Nguyễn Xuân Tùng. Tuy nhiên, trong lúc cơ quan thi hành án đang tích cực thi hành bản án thì ngày 21/6/2016, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội ra kháng nghị giám đốc thẩm số 07/2016/KN-KDTM đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 110/2015/KDTM-PT ngày 8/12/2015 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xử lại. Điều mà dư luận hết sức quan tâm là bản kháng nghị được ban hành vào thời điểm mà cơ quan thi hành án chuẩn bị cưỡng chế thi hành án có nhiều nội dung có lợi cho HD Bank, bên bị thi hành án.

4. Báo Tiền phong có bài: Lùm xùm giữa Big C Đà Nẵng và chủ tòa nhà: Chưa có hồi kết. Bài báo phản ánh: Sáng 8/7, tại phòng làm việc của Siêu thị Big C Đà Nẵng, ông Trần Phước Thu, quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng, chủ trì buổi họp giải quyết những lùm xùm giữa siêu thị này và Công ty Cổ phần Đức Mạnh (DMC - chủ đầu tư tòa nhà Vĩnh Trung Plaza). Tuy nhiên, DMC đã không đến dự cuộc họp này.

Cuộc họp được diễn ra sau khi hàng trăm nhân viên siêu thị Big C giăng biểu ngữ, tụ tập trước sảnh tòa nhà Vĩnh Trung Plaza phản đối DMC liên tục gây cản trở hoạt động, kinh doanh của họ. Đỉnh điểm là vào ngày 7/7, công ty này đã chắn lối vào tầng hầm khiến hàng trăm nhân viên và khách hàng không vào để xe để lên siêu thị được.


Ông Thu cho hay, DMC có thông báo không tới dự họp. Tại cuộc họp, bà Nguyễn Nữ Tố Nga (Quản lý vận hành Big C Đà Nẵng) cho hay Big C ký hợp đồng thuê mặt bằng của DMC từ năm 2006, thời hạn 40 năm. Tuy nhiên, cuối năm 2015, DMC đòi chấm dứt hợp đồng và yêu cầu Big C trả lại khu vực cho thuê. Không chấp thuận, Big C nộp đơn khởi kiện lên Trung tâm Trọng tài quốc tế chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, và  gởi đơn đến TAND TP. Đà Nẵng yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với DMC, buộc DMC phải tuân thủ hợp đồng.

Ngày  3/3/2016, TAND TP Đà Nẵng ra  quyết định áp dụng  biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu DMC chấm dứt mọi hành vi gây cản trở đến hoạt động kinh doanh của Big C Đà Nẵng. Sau đó một ngày, Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng cũng ban hành quyết định với nội dung tương tự. Tuy nhiên, DMC lại liên tục thực hiện các hành vi cản trở hoạt động, kinh doanh của Big C như: Khóa cầu thang máy lên văn phòng; Khóa van bể phốt chảy vào khu nước thải làm bốc mùi hôi thối, khiến các gian hàng kinh doanh bên trên phải đóng cửa nhiều ngày; cắt nước sinh hoạt; Bít lối vào nhà xe… Ngoài ra, DMC còn gửi công văn thông báo thu hồi mặt bằng, tài sản ngay trong ngày 7/7 khiến các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong tòa nhà hết sức hoang mang.



Sau khi nắm tình hình, ông Trần Phước Thu yêu cầu trong thời gian chờ đợi phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế, hai bên phải hợp tác với nhau, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật và biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng, không được cản trở hoạt động kinh doanh cũng như tụ tập gây rối. Cục Thi hành án dân sự TP sẽ tiếp tục triệu tập hai bên để làm việc. Phía Big C bày tỏ lo ngại DMC sẽ tiếp tục gây cản trở và đề nghị Cục Thi hành án dân sự có biện pháp xử lý cụ thể, lộ trình rõ ràng.

II- PHẢN HỒI CHÍNH SÁCH

1. Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam có bài: Vì sao doanh nghiệp không mặn mà với biện pháp phòng vệ thương mại?. Bài báo phản ánh: Nếu như ở các nước trên thế giới, phòng vệ thương mại được coi là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ hàng hóa trong nước, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nước ngoài thì ở Việt Nam, doanh nghiệp vẫn còn xa lạ với công cụ này.

Đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ kéo dài thời gian cắt giảm thuế, tạo cơ hội cho các ngành sản xuất trong nước trưởng thành, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa quốc tế. Do vậy, Việt Nam cần nắm bắt và sử dụng tốt hơn nữa công cụ này thông qua việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế.

2. Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam có bài: Cấm xe máy trong nội thành Hà Nội từ năm 2025: Liệu có khả thi?. Bài báo phản ánh: Thành phố Hà Nội xây dựng phương án từ năm 2025 trở đi, tại khu vực nội đô, xe máy cá nhân sẽ không còn lưu hành. Đây không phải là lần đầu tiên việc cấm xe máy trong các đô thị lớn được đặt ra.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, việc đưa ra định hướng dừng lưu thông xe máy khó có thể thực hiện được trong 10 năm tới. Với tốc độ phát triển hạ tầng của Hà Nội như hiện nay, đến 2025, giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu được cầu của người dân


3. Báo Lao động có bài: Bất cập vì quy định không rõ ràng. Bài báo phản ánh: Mới nhen nhóm hình thành chưa lâu nhưng hiện trên 63 tỉnh thành cả nước đã có tới hơn 100 doanh nghiệp cứu hộ giao thông. Dù phát triển nóng nhưng các doanh nghiệp này hiện vẫn hoạt động manh mún, thiếu tính liên kết và gặp khá nhiều vướng mắc với lực lượng chức năng cũng như khách hàng trong quá trình hoạt động.

Đại diện hơn 100 doanh nghiệp cứu hộ giao thông đã đưa ra hàng loạt bất cập trong quá trình hoạt động do chính sách quy định không rõ ràng. Đại diện doanh nghiệp cứu hộ 116 cho biết khi xe cứu hộ kéo xe tai nạn qua các trạm thu phí, có nơi thu 1 vé, có trạm lại thu 2 vé mà không rõ thế nào là đúng hay trong quá trình cứu hộ về đêm trên cao tốc, các xe cứu hộ rất cần trang bị đèn còi và đèn cảnh báo màu vàng để cảnh báo các phương tiện khác. Tuy nhiên, trên thực tế CSGT lại bắt xe cứu hộ tháo đèn cảnh báo màu vàng hoặc tiến hành xử phạt lỗi đấu thêm đèn. Dù một số xe nhập về có sẵn đèn cảnh báo ngay trên cẩu nhưng vẫn bị CSGT bắt lỗi lắp thêm đèn chiếu sau. Cũng theo các doanh nghiệp này, trong trường hợp xe cứu hộ phải đi nhanh để kịp giải phóng hiện trường tránh ách tắc và kịp thời cứu người, nhưng lại bị CSGT chặn lại vì vi phạm tốc độ.


III- THÔNG TIN KHÁC

1. Báo Nghệ An có bài: Dự kiến đầu tư gần 385 tỷ đồng xây dựng mới chợ Đô Lương. Bài báo phản ánh: Sáng 11/7, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Hợp tác xã đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác chợ Hải An đến tìm hiểu khảo sát và nghiên cứu đầu tư các dự án chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn Nghệ An. Diện tích xây dựng 29.074m2 theo hình thức đầu tư BOO (Xây dựng - Sở hữu – Kinh doanh) với tổng mức đầu tư gần 385 tỷ đồng. Chợ bao gồm các khối nhà cao 5 tầng, ở giữa trung tâm - khoảng không lõi của dự án được bố trí khu chợ truyền thống 1 tầng gồm 3 nhà cầu chợ với 1.548 điểm kinh doanh, đạt tiêu chuẩn chợ hạng 1.

Cùng với dự án này, HTX cũng đã lập dự án Hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư liền kề tự xây trên diện tích gần 12.000m2 với tổng mức khái toán đầu tư khoảng 94 tỷ đồng.



2. Báo Đấu thầu có bài: Sắp hoàn thành dự án cấp điện cho 2 xã đảo của Kiên Giang. Bài báo phản ánh: Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, dự kiến trong quý III/2016, EVNSPC sẽ hoàn thành 2 dự án cấp điện cho xã đảo Lại Sơn và xã đảo Hòn Nghệ của tỉnh Kiên Giang.

Cụ thể, Dự án Cáp điện cho xã đảo Lại Sơn được khởi công ngày 4/9/2015, có tổng mức đầu tư là 467 tỷ đồng. Dự án gồm 43km đường dây 110kV An Biên - Lại Sơn với 24km đường dây băng qua biển; một trạm 110kV với quy mô 2x25 MVA, 13 trạm phân phối với dung lượng 2.080 kVA.

Theo EVNSPC, với tiến độ hiện nay, dự kiến Dự án sẽ hoàn thành trong tháng 7/2016, cung cấp điện cho 1.956 hộ dân trên đảo. Còn theo Công ty Điện lực Kiên Giang, đơn vị giám sát thi công, tới thời điểm hiện tại, Dự án đã hoàn thành 96%.

Dự án thứ hai là Dự án Cấp điện cho xã đảo Hòn Nghệ được khởi công vào ngày 10/10/2015 và dự kiến hoàn thành trong quý III/2016. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 140 tỷ đồng, với các hạng mục công trình bao gồm: đường dây trung thế 22kV 3 pha vượt biển dài 16,371km.



3. Báo Điện tử Dân trí có bài: Trung Quốc trắng trợn xây hải đăng thứ 5 ở Trường Sa. Bài báo phản ánh: Trung Quốc hôm qua 10/7 ngang nhiên tuyên bố đã hoàn tất 4 ngọn hải đăng ở Trường Sa và đang xây hải đăng thứ 5 ở đây, tờ China News dẫn lời một quan chức Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc cho biết.

Nguồn tin này cũng cho biết thêm rằng, tất cả 5 ngọn hải đăng này đều có chiều cao từ 50-55m, được trang bị nhiều thiết bị hiện đại và đèn hải đăng có thể chiếu xa 22 hải lý. Ngoài ra, chúng còn được trang bị hệ thống nhận diện tự động và các trạm cao tần.


4. Báo Điện tử VnExpress có bài: Nhiều lãnh đạo quận huyện của Hà Nội bị nhắc nhở vì bỏ họp. Bài báo phản ánh: Lãnh đạo UBND quận, huyện Thường Tín, Đông Anh, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Ba Đình, Tây Hồ vắng mặt không lý do trong Hội nghị về nông nghiệp ngày 5/7 sẽ phải kiểm tra, báo cáo UBND thành phố. UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã rút kinh nghiệm về kỷ cương hành chính, kỷ luật hội họp và chế độ thông tin báo cáo, phối hợp công tác.


5. Báo Điện tử Vietnam.net có bài: Thủ tướng phê chuẩn nhân sự 9 tỉnh. Bài báo phản ánh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký các quyết định phê chuẩn nhân sự 9 tỉnh: Yên Bái, Nghệ An, Nam Định, Hà Giang, Quảng Bình, Bình Định, Trà Vinh, Cà Mau và Long An.

Cụ thể, tại Quyết định số 1347/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy biên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Đối với tỉnh Nghệ An, tại Quyết định số 1349/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Tại Quyết định số 1331/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Đối với tỉnh Hà Giang, tại Quyết định số 1335/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Với tỉnh Quảng Bình, tại Quyết định số 1333/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Đối với tỉnh Bình Định, tại Quyết định số 1328/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Đối với tỉnh Trà Vinh, tại Quyết định số 1337/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Đồng Văn Lâm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Với tỉnh Cà Mau, tại Quyết định số 1339/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Tại Quyết định số1262 /QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với: Ông Lê Tấn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhiệm kỳ 2011 - 2016; ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhiệm kỳ 2011 - 2016; ông Hoàng Văn Liên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhiệm kỳ 2011 - 2016; ông Phạm Văn Cảnh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An.


Trên đây là thông tin báo chí ngày từ ngày 09/7 đến đầu giờ sáng ngày 11/7/2016, Văn phòng Bộ xin báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo./.


Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường;

- Các Thứ trưởng (để báo cáo);



- Lưu: LTQHCC.

VĂN PHÒNG BỘ






Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 49.65 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương