VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc



tải về 63.68 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích63.68 Kb.
#1378

BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2015

ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 08/4 ĐẾN SÁNG NGÀY 09/4/2015

Trong ngày 08/4 đến đầu giờ sáng ngày 09/4/2015, một số báo đã có bài phản ánh những thông tin liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Phụ nữ có bài: Vụ 'cha bắt con ruột đem giấu': cơ quan thi hành án Biên Hòa tiếp tục 'bó tay'. Bài báo phản ánh: Sáng 7/4, Chi cục Thi hành án dân sự, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành cưỡng chế thi hành bản án dân sự phúc thẩm số 31/2014/HNGĐ-PT ngày 9/9/2014 tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đối với ông Võ Trọng Nguyên, Phó phòng Truy nã tội phạm Công an tỉnh Đồng Nai: giao cháu V.T.T.L. cho mẹ là chị Đoàn Thị Bích Hợp trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục (Báo Phụ Nữ đã đăng bài “Hành trình tìm con đẫm nước mắt của một người mẹ” ngày 26/9/2014 và bài “Vụ “cha bắt con đem giấu”: xuất hiện công văn “lạ” của tòa tối cao” ngày 1/12/2014). Tuy nhiên, việc cưỡng chế đã không thể tiến hành.

Ngay trước giờ tiến hành cưỡng chế, Chi cục THADS TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nhận được điện thoại của đại diện VKSND TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đề nghị hoãn thi hành bản án. Lý do Chi cục THADS TP. Biên Hòa chưa hỏi ý kiến TAND tối cao về việc có kháng nghị giám đốc thẩm vụ án HNGĐ do ông Võ Trọng Nguyên đề nghị như tinh thần Công văn số 24/TANDTC ngày 7/11/2014 của Chánh án TAND tối cao.

Nhận thấy việc yêu cầu này của VKSND TP. Biên Hòa vô lý, bà Đoàn Thị Bích Hợp đã đề nghị cơ quan THADS TP. Biên Hòa cho xem công văn đề nghị hoặc bút phê của VKSND. Thoạt đầu, Chấp hành viên Đồng Thị Sương - người chịu trách nhiệm thi hành bản án cho biết không có văn bản từ VKS, nên nhân viên của Chi cục THA qua VKSND TP. Biên Hòa lấy bút phê và đề nghị bà Hợp chờ. Nhưng sau đó khoảng hơn một giờ, bà Sương cho biết phía VKSND không ký vào văn bản xin tạm hoãn thi hành. Cuối cùng, với yêu cầu quyết liệt của bà Hợp cùng sự chứng kiến của phóng viên báo Phụ Nữ, Chi cục THADS Biên Hòa quyết định vẫn tiến hành THA, với sự vắng mặt của VKSND TP. Biên Hòa.

11h ngày 7/4, đoàn công tác của cơ quan THA DS TP. Biên Hòa có mặt tại UBND P.Tân Hiệp, TP. Biên Hòa thì nhận được lá thư tay của ông Võ Trọng Nguyên xin dời ngày THA (gửi lúc 9h45 sáng 7/4). Lý do: Thực hiện nhiệm vụ đột xuất và quan trọng do Trưởng phòng Truy nã tội phạm công an tỉnh Đồng Nai phân công từ ngày 6/1, dự kiến chuyến đi kéo dài từ năm đến sáu ngày, với đầy đủ giấy giới thiệu và giấy đi đường bản photo đính kèm!

Việc hoãn cưỡng chế THA một lần nữa đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đứa trẻ, vừa gây bức xúc cho bà Hợp và gia đình. Bà Hợp lo lắng: “Với cương vị phó phòng truy nã tội phạm công an tỉnh, thì ông Nguyên sẽ còn rất nhiều lần phải lên đường công tác “thực hiện nhiệm vụ đột xuất và quan trọng”. Cứ như vậy, biết bao giờ tôi mới được gặp lại con?”.

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Tổng cục Thi hành án dân sự theo dõi, kiểm tra thông tin, chỉ đạo xử lý dứt điểm.

2. Báo Pháp luật Việt Nam có bài: Phí Thi hành án: 300 triệu đồng cho một vụ án lớn?. Bài báo phản ánh: Phí thi hành án là vấn đề đặt ra từ Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và hiện nay đang được thực hiện với mức 3% nhưng không quá 200 triệu đồng/đơn yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện cho thấy mức giới hạn 200 triệu đồng nói trên là không còn phù hợp, nhất là với những vụ án lớn, phức tạp nên cần được xem xét sửa đổi cho phù hợp.

Nếu thực hiện theo mức “cào bằng” 3% sẽ dẫn đến tình trạng không công bằng trong tính phí. Còn nếu để mức tối đa 200 triệu đồng, Nhà nước sẽ thất thu trong bối cảnh các vụ án lớn đang có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng tăng mức phí sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được THA. 

Về vấn đề này,Văn phòng Bộ đề xuất Tổng cục Thi hành án dân sự theo dõi, nghiên cứu đề xuất phương án khắc phục.

3. Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh có bài: Dự thảo BLHS: ‘Nhẹ tay’ với người có chức vụ. Bài báo phản ánh: Sáng 7-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự án BLHS (sửa đổi). Một điểm đáng chú ý theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp là dự thảo “nhẹ tay” hơn với người có chức vụ, quyền hạn phạm tội, trong khi yêu cầu chung là phải nghiêm khắc.

Nghiên cứu dự thảo BLHS (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp nhận thấy trong khi chủ thể các nhóm tội khác đều được sửa đổi theo hướng tăng nặng hình phạt thì nhiều tội danh mà chủ thể phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn lại được sửa đổi, bổ sung theo hướng làm nhẹ hơn tính chất hành vi phạm tội, đồng thời bổ sung hình phạt tiền, còn hình phạt khác giữ nguyên. Dẫn chứng rõ ràng nhất là quy định tại Điều 134 dự thảo về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ. Theo đó, người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên mới bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm...

“Để bảo đảm công bằng trong áp dụng chính sách hình sự, bảo đảm tính răn đe và xử lý nghiêm người phạm tội, Ủy ban Tư pháp đề nghị đối với các tội danh mà chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm yêu cầu xử lý, đấu tranh phòng, chống tội phạm” - ông Hiện nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn sau đó cũng cho rằng việc sửa đổi BLHS cần bảo đảm nguyên tắc là “chức vụ càng cao mà phạm tội thì phải chịu hình phạt càng cao”.

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Vụ Pháp luật hình sự - hành chính theo dõi.

4. Báo Dân Việt có bài: Đề xuất miễn tử hình với người từ 70 tuổi trở lên: Lựa chọn sự nhân đạo hay bình đẳng?. Bài báo phản ánh: Trong dự thảo Bộ luật Hình sự có quy định đang gây nhiều tranh cãi là không thi hành hình phạt tử hình với người phạm tội trên 70 tuổi, chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân. Các nhà làm luật sẽ chọn sự nhân đạo hay bình đẳng? Thời gian qua, trong số các vụ án hình sự có không ít vụ đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng là người cao tuổi (từ 70-80 tuổi).

Ông Trịnh Nhật Diệu - nguyên kiểm sát viên Viện KSND TP.Hà Nội cho biết, qua công tác hoạt động tố tụng hình sự nhiều năm ông thấy nhiều trường hợp người già trên 70 tuổi vẫn phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như hiếp dâm trẻ em, giết người, buôn bán, tàng trữ trái phép ma túy... Đây đều là những tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Tôi cho rằng khi xây dựng luật phải trên tinh thần mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật. Người 70 tuổi vẫn đủ sức khỏe, đủ năng lực để thực hiện hành vi phạm tội sao lại được miễn trừ án tử hình là không ổn.

Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) lại băn khoăn nếu đề xuất như dự luật thì người từ 70 tuổi trở lên phạm bất cứ tội nào cũng được miễn hình phạt tử hình. Cần phải khu biệt lại chỉ một số tội không phạt tử hình người từ 70 tuổi trở lên, còn một số tội như xâm hại an ninh quốc gia, khủng bố, chống loài người, tội phạm chiến tranh... thì không được miễn áp dụng hình phạt tử hình.

Ở một góc nhìn khác, luật sư Ngô Ngọc Thủy - nguyên Trưởng khoa Luật hình sự - Trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng: "Thực tế những người ở độ tuổi từ 70 trở lên phạm tội đến mức phải tuyên phạt án tử hình thời gian qua là không nhiều. Việc đề xuất như vậy vừa phù hợp với thực tế, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế".

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Vụ Pháp luật hình sự - hành chính theo dõi.

5. Báo Phụ nữ Việt Nam có bài: Đề xuất phạt nặng hành vi xâm phạm quyền, lợi ích phụ nữ và trẻ em. Bài báo phản ánh: Trong hai ngày 6-7/4, Hội LHPN Việt Nam phối hợp Hội LHPN TP.HCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, luật sư, hội viên, phụ nữ trí thức về Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Hơn 20 lượt ý kiến và gần 100 phiếu đóng góp chi tiết nhiều điều luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, các đại biểu đã viện dẫn các quy định của những luật có liên quan về bình đẳng giới, hôn nhân - gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em… cùng nhiều câu chuyện thực tế, sống động, kiến nghị điều chỉnh mức phạt cho từng loại tội phạm.

ThS Đinh Thị Thu Trang - Học viện Cán bộ TP.HCM tán đồng hầu hết các đề xuất của Hội LHPN Việt Nam về trách nhiệm hình sự liên quan đến quyền lợi của phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ (ở các điều 128, 130, 146, 147 và 158). Đa số các ý kiến đều đồng tình rằng cần hình sự hóa một số hành vi thường xảy ra và có tính chất, mức độ nguy hiểm: bạo lực tình dục, quấy rối tình dục, hành vi mua bán dâm, hành vi không giao con theo quyết định của tòa án, hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con… Mặt khác, cần tăng nặng khung hình phạt liên quan đến hành vi xâm hại quyền, lợi ích, sức khỏe, tính mạng của phụ nữ có thai.

ThS Phan Thanh Minh - Hội viên CLB Nữ trí thức Q.3 cho rằng với tội buộc người lao động, công chức, viên chức thôi việc trái pháp luật (điều 157), nếu đối tượng là “phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi” thì cần được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Hội LHPN phải đấu tranh đến cùng vì lợi ích giới, phù hợp với các quy định của Luật Lao động, Bình đẳng giới cũng như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Trong khi đại diện tòa án, các thẩm phán Nguyễn Thị Bích Thủy (Q.Bình Thạnh), Lê Huệ Chi (Q.3) băn khoăn, đề xuất bỏ việc hình sự hóa hành vi bạo hành tình dục, hành vi quấy rối, việc cấp dưỡng nuôi con, cưỡng chế giao con, thì bà Lê Thị Thanh Nhã - Phó phòng Gia đình - Sở Văn hóa-Thể thao TP.HCM cho rằng, cần có những hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng, định tội danh để nạn nhân bị xâm hại bởi các hành vi này mạnh dạn tố cáo.

Các đại biểu nhất trí rằng việc ban soạn thảo dự luật bỏ tình tiết “làm nạn nhân có thai” trong điều 138 "tội hiếp dâm" và điều 139 "tội hiếp dâm trẻ em" là không phù hợp thực tế, thậm chí, còn “bỏ lọt tội”. Luật gia Phạm Thị Thu - Hội Luật gia Q.Tân Phú nói: “Theo tôi, không chỉ giữ nguyên mà còn phải xem đây chính là tình tiết cần định khung tăng nặng, vì đó là hậu quả nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng suốt đời người phụ nữ và đứa trẻ bị xâm hại. Có biết bao câu chuyện đau buồn của những nạn nhân phải làm mẹ ở tuổi vị thành niên”.

Chủ trì hội thảo, bà Bùi Thị Hòa - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, toàn bộ ý kiến sẽ được Ban Chính sách - luật pháp Hội LHPN Việt Nam tổng hợp, trình lên Ban soạn thảo luật trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Vụ Pháp luật hình sự - hành chính theo dõi.

6. Báo Hà Nội mới có bài: Lại chuyện văn bản luật gây bức xúc. Bài báo phản ánh: Câu chuyện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 có nhiều bất cập cần phải sửa đổi tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, một luật chưa đến thời điểm có hiệu lực đã phải sửa đổi. Cũng từ chuyện này nhớ về hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật xa rời thực tế đời sống nên không được sự đồng thuận, vừa thi hành đã phải sửa đổi hoặc ngừng lại không thi hành. Ví như người thấp bé nhẹ cân không được điều khiển xe cơ giới, hay việc không cấm sản xuất buôn bán mà chỉ cấm sử dụng mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng chỉ được bán thịt gia súc gia cầm giết mổ chưa quá 8 giờ; cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nếu thi vào đại học và mới đây nhất là dự thảo tịch thu xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu vượt quá quy định.

Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật dù đã được quy định khá chặt chẽ về quy trình nhưng đang tồn tại nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện. Ví dụ, việc soạn thảo được giao cho các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là các công chức, nhưng không phải ai cũng có kiến thức sâu rộng, nhận thức thấu đáo. Trong khi đó, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật không chỉ đòi hỏi trình độ mà còn đòi hỏi kỹ năng, do vậy không ít văn bản ra đời không sát thực tế, thiếu khách quan.

Từ những vấn nêu trên có thể thấy việc chúng ta cần thay đổi cách làm. Có thể giao cho một bộ phận độc lập bao gồm các chuyên gia, có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực cần điều chỉnh trong văn bản quy phạm pháp luật, có trình độ pháp lý kỹ năng soạn thảo văn bản… Như vậy sẽ có được "sản phẩm" khách quan và phù hợp với thực tế có thể vận hành trong đời sống. Thêm nữa, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền để văn bản quy phạm pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống cũng phải có hình thức xử lý trách nhiệm với những bộ phận soạn thảo văn bản gây hiệu ứng tiêu cực trong xã hội.

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật theo dõi.

7. Báo Pháp luật Việt Nam có bài Sức trẻ Tư pháp nơi “đầu sóng ngọn gió”. Bài báo đưa tin: “Năng động, nhiệt huyết, luôn tìm tòi và vận dụng pháp luật linh hoạt, đặc biệt là không ngại khó khăn, gian khổ khi nhận nhiệm vụ” là nhận xét của ông Hồ Quang Thành, Trưởng phòng Tư pháp huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) khi nói về chị Trần Thị Kim Hoàng (SN 1984), công chức tư pháp – hộ tịch xã Vạn Thạnh.

Do nhu cầu công tác, tháng 8/2008 chị được chuyển sang làm cán bộ tư pháp – hộ tịch. Thấy chị có tinh thần ham học hỏi để nâng cao trình độ, lãnh đạo xã đã tạo điều kiện để chị học tiếp Đại học Luật (hệ vừa làm vừa học) do Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh mở tại Nha Trang. Như có duyên nợ với công tác tư pháp cơ sở, khi nghe tin ở Vạn Thạnh còn “trống” chức danh tư pháp – hộ tịch, chị liền mạnh dạn xin về đó công tác. Ở Xuân Sơn tuy có nhiều khó khăn nhưng bên cạnh chị là gia đình, là người thân, là nơi chị sinh ra và lớn lên. Còn Vạn Thạnh là xã đảo, chị phải sống xa nhà (cách Xuân Sơn hơn 40km), lại nhiều khó khăn hơn. Biết vậy, nhưng với niềm đam mê công tác tư pháp, muốn mang kiến thức đã học để phục vụ nhân dân, chị tin tưởng mình sẽ làm tốt công việc được giao. 

Theo Trưởng phòng Tư pháp Hồ Quang Thành, trước chị Hoàng đã có nhiều người làm tư pháp xã nhưng chưa có ai bám trụ lâu dài. Để làm tốt công tác tư pháp ở xã đảo đòi hỏi cán bộ phải tâm huyết, không ngại khó khăn. Người dân ở vùng biển đảo sống nặng về phong tục, tập quán, ít hiểu biết pháp luật nên giải quyết công việc phải biết kết hợp hài hòa, cái nào giải quyết linh động được thì linh động, cái nào cần giữ nguyên tắc thì phải kiên trì giải thích, thuyết phục để người dân hiểu, chấp hành cho đúng. 

“Gần đây em Hoàng làm khá tốt, hài hòa được giữa tập quán và pháp luật. Các kế hoạch của huyện được triển khai rất kịp thời, hồ sơ sổ sách hộ tịch của Tư pháp xã được thực hiện đúng quy định. Trước kia ở Xuân Sơn, em làm cũng rất tốt, giờ công tác tư pháp của Vạn Thạnh đã khá lên rất nhiều, hiện đang nằm trong nhóm dẫn đầu huyện”, ông Thành vui vẻ nói.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Vụ Thi đua - Khen thưởng theo dõi.

II- PHẢN HỒI CHÍNH SÁCH

Báo Điện tử Chính phủ có bài: Luật không còn cấm nhưng DN có được làm?. Bài báo phản ánh: Còn chưa đầy 3 tháng nữa Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ có hiệu lực, song sự thiếu vắng các quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh trong hàng chục ngành nghề đang khiến các doanh nghiệp lúng túng.

Thực hiện quy định của Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ 1/7/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã rà soát, tập hợp và công bố điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thế nhưng theo kết quả được công bố thì vẫn có tới 21 ngành nghề mà doanh nghiệp vẫn chưa biết sẽ phải đáp ứng điều kiện gì để có thể được kinh doanh.

Ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), đặt vấn đề, khi chưa có điều kiện kinh doanh, ai muốn kinh doanh trong lĩnh vực này cũng được hay là cơ quan chức năng tạm dừng, không cấp phép những lĩnh vực này? Điều này đặt các doanh nghiệp trước một tình thế chưa có câu trả lời dứt khoát: Luật không cấm, nhưng có được làm? Trong khi ông Nguyễn Nội thiên về quan điểm cần tạm dừng cấp phép kinh doanh các lĩnh vực trên, thì TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cần áp dụng nguyên tắc “người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”.

Việc quy định các điều kiện kinh doanh là trách nhiệm của cơ quan quản lý, không phải của người dân, doanh nghiệp. Cho nên, khi chưa đưa ra được các điều kiện kinh doanh, người dân, doanh nghiệp vẫn có quyền làm. Tinh thần này của Hiến pháp cũng như của Luật Đầu tư buộc các cơ quan chức năng phải sớm thúc đẩy tiến độ xây dựng các điều kiện kinh doanh để đáp ứng yêu cầu quản lý. Nói cách khác, chỉ khi nào các cơ quan chức năng ban hành được một hệ thống các điều kiện kinh doanh cụ thể, rõ ràng, thì quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp mới được bảo đảm một cách đầy đủ.

III- THÔNG TIN KHÁC

1. Báo Điện tử Chính phủ đưa tin:

- Quý I/2015: Xuất khẩu tăng, khu vực FDI giữ vai trò chủ đạo

Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) quý I/2015 ước đạt 35,67 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,1 tỷ USD, chiếm 70,3%. Đây là con số đưa ra trong báo cáo của Bộ Công Thương về hoạt động thương mại quý I/2015.

Về cán cân thương mại, tháng 3/2015, cả nước nhập siêu khoảng 600 triệu USD, tính chung cả quý I nhập siêu hơn 1,8 tỷ USD. Trong đó, khối các DN trong nước nhập siêu gần 3,8 tỷ USD, khối các DN có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu hơn 1,98 tỷ USD.

- Ra mắt trung tâm tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo

Trung tâm Tư vấn pháp luật và Vận động chính sách (ALAC) có chức năng cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, bảo trợ tư pháp miễn phí cho người nghèo, các nhóm yếu thế trong tất cả các lĩnh vực pháp luật. Ngày 8/4, Trung tâm Tư vấn pháp luật và Vận động chính sách (ALAC), trực thuộc Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam (VIJUSAP) chính thức hoạt động tại số 93 Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội.

ALAC có chức năng cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, bảo trợ tư pháp miễn phí cho người nghèo, các nhóm yếu thế trong tất cả các lĩnh vực pháp luật, đặc biệt là tư vấn pháp luật và hỗ trợ nạn nhân, nhân chứng trong các vụ việc tham nhũng thực hiện quyền khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

2. Báo An ninh Tiền tệ và Truyền thông có bài: 'Buộc chặt' liên kết xuất bản. Bài báo phản ánh: Năm 2014, Cục Xuất bản, In và Phát hành tăng cường kiểm tra thì số vụ vi phạm bị phát hiện lập tức tăng đột biến, với gần 400 xuất bản phẩm vi phạm, gấp 3 - 4 lần so với các năm trước đó. Thậm chí có đơn vị có đến 60 ấn phẩm vi phạm bị xử phạt chỉ trong vòng 1 năm.

Có tới 80 - 90% số đầu sách mỗi năm là sách liên kết. Các đơn vị liên kết là các nhà sách, công ty sách tư nhân thực hiện mọi khâu trong xuất bản, từ mua tác quyền cho đến in ấn, phát hành. Chính vì khâu kiểm duyệt không chặt chẽ của NXB đã dẫn đến việc “lọt” những ấn phẩm rác ra ngoài.

Bộ Thông tin - Truyền thông đã chỉ đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành rà soát lại các hoạt động liên kết xuất bản, các xuất bản phẩm, nhằm làm thế nào đó làm trong sạch môi trường xuất bản hiện nay. Ngoài ra, trong xuất bản hiện nay, nhiều nơi lợi dụng liên kết xuất bản để xuất bản lậu các ấn phẩm khác. Vừa rồi Bộ cũng như Cục đã xử lý nhiều trường hợp, tới đây sẽ xử lý, rà soát tiếp. bản phải có số biên tập viên cơ hữu năm người, qua lớp đào tạo và được cấp chứng chỉ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

3. Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh có bài: TP.HCM: Công chức phường phải có trình độ đại học. Bài báo đưa tin: Sở Nội vụ TP.HCM chiều 8-4 cho biết UBND TP vừa phê chuẩn Quyết định 18/2015 ngày 7-4-2015 về tiêu chuẩn công chức phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP (có hiệu lực sau 10 ngày).

Theo đó, có bảy chức danh công chức phường, thị trấn là trưởng công an xã (bán chính quy); chỉ huy trưởng quân sự; tư pháp - hộ tịch; văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; tài chính - kế toán; văn hóa - xã hội khi tuyển dụng phải tuyển dụng người đạt trình độ đại học. Riêng công chức ở xã, tuy việc tuyển dụng các chức danh tương ứng ở trên không bắt buộc phải có trình độ đại học nhưng người đảm nhận những vị trí này phải từ trung cấp trở lên.

Đối với đội ngũ công chức phường, xã, thị trấn hiện đang làm việc trước ngày quy định này có hiệu lực thi hành mà chưa đạt chuẩn thì trong thời hạn năm năm phải tích cực, chủ động học tập để đạt chuẩn về trình độ chuyên môn. Sau thời hạn trên, nếu công chức đó vẫn chưa đạt thì sẽ bố trí công tác khác.

4. Báo VietnamNet đưa tin:

- Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Nikolai Fedorov cho biết, Chính phủ Nga có thể xem xét việc dỡ bỏ các biện pháp lệnh cấm nhập khẩu lương thực-thực phẩm đối với một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).

- Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mối quan hệ Nga-Trung Quốc đang phát triển ở mức cao chưa từng thấy.

- Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang căng sức giúp đỡ Ukraina trong bối cảnh ngoại tệ nước này hiện tại chỉ đủ thanh toán nhập khẩu trong một tháng.

- Gần 30 khu vực tại hai tỉnh Donetsk và Lugansk đã được chính quyền trung ương Ukraina chính thức cấp quy chế tự quản đặc biệt.

- Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, Hy Lạp không yêu cầu Moscow giúp đỡ tài chính để chi trả các khoản nợ nần trong bối cảnh Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang có chuyến công du tới Nga. “Phía Hy Lạp không hề yêu cầu chúng tôi giúp đỡ” – ông Putin nói.


Trên đây là thông tin báo chí trong ngày 08/4 và đầu giờ sáng ngày 09/4/2015, Văn phòng Bộ xin báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo./.

Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Các Thứ trưởng (để báo cáo);

- Lưu: LTQHCC.



VĂN PHÒNG BỘ






Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 63.68 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương