VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 62 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích62 Kb.
#25611


BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc





Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2008


ĐIỂM TIN BÁO CHÍ SÁNG NGÀY 17/10/2008

Trong buổi sáng ngày 17/10/2008, một số báo chí đã có bài phản ánh những vấn đề lớn của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh phản ánh: Bộ Thông tin và Truyền thông vừa hoàn tất phương án điều chỉnh cước điện thoại cố định nội hạt, nội tỉnh để trình Chính phủ xem xét. Theo phương án mới, cước thuê bao tháng dự kiến giảm từ 27.000 đồng xuống còn 20.000 đồng.

Phương thức tính cước sẽ dần tiến tới mục tiêu bỏ cước nội tỉnh để chuyển thành cước nội hạt với mức cước 200 đồng mỗi phút. Cụ thể là các cuộc gọi trong nội tỉnh sẽ được giảm 400-700 đồng xuống 200 đồng/phút. Các cuộc gọi trong phạm vi nội hạt (thuê bao cùng quận, huyện) sẽ nâng từ 120 đồng lên 200 đồng một phút.

Thời gian áp dụng mức cước mới dự kiến từ năm 2009 đến hết 2010. Sau năm 2010, Bộ sẽ chỉ ban hành chỉ số trần, còn mức cước cụ thể do từng doanh nghiệp tự quyết định theo cơ chế thị trường và cạnh tranh.

2. Báo Thanh niên phản ánh: Sáng 16.10, Hội LHPN VN TP.HCM đã tổ chức họp mặt kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Hội LHPN VN (20.10.1930  - 20.10.2008). Dịp này, Hội đã ra mắt giải thưởng Nguyễn Thị Định nhằm khen thưởng các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tập hợp và vận động phụ nữ, có ý tưởng sáng tạo được ứng dụng thành công trong hoạt động phong trào Hội.

Đây là giải thưởng hằng năm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN VN) tặng các tập thể và cá nhân nữ tài năng có những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp phát triển đất nước. Năm nay, với sự tài trợ của Công ty Diana, Ban tổ chức đã xét trao cho 3 tập thể và 8 cá nhân tiêu biểu, gồm các tập thể: tập thể nữ CB-CNV Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế; tập thể nữ giảng viên, cán bộ công chức trường ĐH Kinh tế TP.HCM; tập thể nữ cán bộ, hội viên phụ nữ Tổng cục Cảnh sát.



3. Báo Người lao động phản ánh: Ngày 16-10, Tổng LĐLĐ VN đã có công văn số 1878/TLĐ gửi Bộ LĐ-TB-XH đề nghị sớm lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan và trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhằm ổn định tâm lý người lao động (NLĐ), tránh những tranh chấp có thể xảy ra.

Tổng LĐLĐ VN cho rằng những trả lời của Bộ LĐ-TB-XH tại công văn số 3496/LĐTBXH-VL (ngày 30-9) về chế độ trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm khi thực hiện chính sách BHTN chưa giải thích đầy đủ những băn khoăn, thắc mắc của NLĐ. Một số vấn đề liên quan đến trợ cấp thôi việc khi thực hiện chế độ BHTN như bị thất nghiệp ngay trong năm 2009 hoặc chưa đủ điều kiện để hưởng BHTN... cũng chưa được giải đáp đầy đủ. Chính vì những vướng mắc này nên liên tiếp trong những ngày đầu tháng 10-2008, NLĐ ở nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đã yêu cầu người sử dụng lao động giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc trước ngày 1-1-2009, nếu không sẽ ngừng việc tập thể.

Một vướng mắc khác là theo quy định, NLĐ đóng BHTN từ 1-1-2009 nhưng sớm nhất đến 31-12-2009 mới được hưởng BHTN nếu bị thất nghiệp (đóng đủ 12 tháng). Như vậy, những trường hợp bị thôi việc, mất việc trong năm 2009 phải giải quyết như thế nào? Tổng LĐLĐ VN cũng đề nghị hướng dẫn cụ thể mức lương bình quân để làm căn cứ về sau khi tính trợ cấp mất việc, thôi việc của thời gian NLĐ làm việc cho doanh nghiệp trước ngày 1-1-2009. Nếu không, với tốc độ lạm phát như hiện nay, sau này NLĐ sẽ gánh chịu thiệt thòi.

4. Báo Tiền phong phản ánh: Sau vụ tai tiếng đưa hối lộ của cựu quan chức Cty PCI, các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam sẽ được giám sát bởi cơ quan chống tham nhũng chung của hai nước. Mặt khác, từ tháng 10/2008, JICA bắt đầu đảm đương cả 3 hình thức viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam.

Ngày 15/10, tân Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, ông Tsuno Motonori khẳng định vụ đưa hối lộ của một số cựu quan chức Cty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương của Nhật Bản (PCI) chỉ là trường hợp cá biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới chính Cty đó. Tuy nhiên, ông Motonori cũng cho biết lòng tin của người dân Nhật Bản đối với hoạt động ODA cũng phần nào bị giảm sút. Theo Trưởng Đại diện JICA, để tránh lặp lại những vụ việc kiểu PCI, cả hai nước quyết tâm cải thiện quy trình xem xét và cơ cấu quản lý dự án ODA. Quan chức hai nước sẽ trao đổi các hoạt động cụ thể nhằm tăng cường tính minh bạch, giám sát chặt chẽ các dự án ODA.



II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo điện tử Vietnamnet có bài "Dấu hiệu bất thường trong đấu giá “đất vàng” ở TP.HCM". Bài báo phản ánh: Lần đầu tiên tại TP.HCM tổ chức xét chọn đơn vị uỷ quyền tổ chức bán đấu giá tài sản công, tuy nhiên việc xét chọn này có nhiều dấu hiệu bất thường. Thông thường khi bán tài sản công, TP.HCM thường giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (thuộc Sở Tư pháp TP) tiến hành các thủ tục bán đấu giá, nhưng nay giao cho địa phương lựa chọn đơn vị uỷ quyền.

Với khu đất có vị trí “đắc địa” tại số 100 Hùng Vương, phường 9, quận 5 (TP.HCM) có giá khởi điểm trên 704 tỷ đồng, UBND quận 5, (cụ thể là Phòng Tài chính- Kế hoạch) được giao “quyền” lựa chọn đơn vị để ủy quyền bán đấu giá khu đất này.



Trúng thầu thần tốc

Sau khi UBND TP phê duyệt giá khởi điểm, ngày 11/8, Sở Tài chính có văn bản yêu cầu UBND quận 5 liên hệ với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (gọi tắt là Trung tâm) để ký hợp đồng bán đấu giá khu đất này. Trung tâm đã làm các thủ tục cần thiết theo yêu cầu nhưng không nhận được phản hồi từ quận 5. Bất ngờ, ngày 24/9, Trung tâm nhận được thư của Phòng Tài chính - Kế hoạch quận này. Thư không đề cập đến chuyện ký hợp đồng mà mời Trung tâm tham dự chào giá cạnh tranh phí dịch vụ tổ chức bán đấu giá để quận xem xét, lựa chọn và ký hợp đồng ủy quyền tổ chức bán đấu giá khu đất. Trong thư ấn định rõ thời gian nộp hồ sơ khá gấp gáp, từ ngày 24 đến hết ngày 26/9 (ba ngày); ngày mở hồ sơ tham dự là ngày 29/9.

Ngày mở hồ sơ, cùng với Trung tâm, có hai đơn vị nữa tham gia “đấu thầu”. Đó là Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn nhà đất và Công ty cổ phần tư vấn thẩm định giá và dịch vụ tài chính. Ba ngày sau, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận có thông báo cho biết Công ty cổ phần tư vấn thẩm định giá và dịch vụ tài chính là đơn vị “trúng thầu”. Đơn vị này “bỏ thầu” với giá 450 triệu đồng, giá thấp nhất trong ba đơn vị. So với giá này, mức phí do Trung tâm đưa ra cao hơn 1 tỷ đồng (tức là 1,4 tỷ đồng).

Có cạnh tranh không lành mạnh?

Theo “quy chế” từ phía quận 5, đơn vị được chọn phải đảm bảo các yêu cầu: có chức năng, điều kiện bán đấu giá và thư chào có tổng mức phí thấp nhất. Xét các tiêu chí này, cả ba đơn vị được mời đều có đủ yêu cầu thứ nhất. Tuy nhiên, với yêu cầu thứ hai thì các đơn vị ngoài Nhà nước có thể đáp ứng được, còn Trung tâm thì không.

Cụ thể theo quyết định 105 ngày 31/7/2007 của UBND TP thì Trung tâm không tự ấn định mức phí mà phải tuân theo quy định của Nhà nước. Do vậy mức phí mà Trung tâm đưa ra không thể thấp hơn mức quy định. Chỉ riêng “điểm yếu” này, không cần chờ đến khi công bố kết quả xét chọn, Trung tâm đã biết mình thua chắc! Vì vậy, Trung tâm cho rằng đây là cuộc canh tranh không lành mạnh. Đó là chưa nói, số tiền mà Trung tâm thu được từ mức phí này thực chất là nguồn thu ngân sách nhà nước, phải nộp vào ngân sách. Trong khi đó, các đơn vị tư nhân được bỏ túi số tiền này.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 26 Nghị định 05 về bán đấu giá tài sản, phí đấu giá phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Trường hợp này mức phí áp dụng phải tuân thủ quy định tại Quyết định 105, nghĩa là dù với mục đích tiết kiệm ngân sách, mức phí mà quận 5 trả cho đơn vị được ủy quyền bán đấu giá cũng không được thấp hơn mức mà Quyết định 105 đã quy định (như Trung tâm đã đưa ra). Do vậy, tiêu chí về mức phí thấp nhất khi chọn đơn vị tổ chức đấu thầu khu đất trên không phù hợp quy định hiện hành.



Đấu thầu “thầm kín”

Bất kỳ một cuộc đấu thầu nào cũng cần phải công khai, minh bạch. Thông thường, việc mời thầu sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, với những điều kiện, tiêu chí rõ ràng. Ở đây, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận 5 đã không đăng báo công khai khi tổ chức lựa chọn. Điều này lý giải vì sao không ai biết thông tin về cuộc “đấu thầu”, kể cả Trung tâm, trước khi nhận được thư mời của quận. Giám đốc một công ty có chức năng bán đấu giá cho biết, ông không hề nghe thông tin về cuộc lựa chọn này. “Nếu không công ty tôi sẽ tham gia ngay”- ông nói. Nhiều công ty khác cũng bày tỏ tương tự.

Ông Phạm Văn Sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm, nói: “TP hiện có trên 20 công ty, đơn vị có chức năng bán đấu giá, không hiểu sao quận 5 chỉ mời ba đơn vị”. Theo thông tin mà chúng tôi có được, ngoài ba đơn vị đã đề cập, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận 5 không hề gửi thư mời đến các đơn vị khác. Nên, giám đốc một đơn vị có chức năng bán đấu giá ví von việc làm này giống như một cuộc đấu thầu “thầm kín”.

Trong thư mời, Phòng cũng không đưa ra những tiêu chí, ba-rem điểm để lựa chọn một cách rõ ràng. Nên tại buổi mở thư chào giá, khi được đại diện Trung tâm hỏi, người chủ trì mới trả lời rằng có hai tiêu chí: có kinh nghiệm trong việc tổ chức bán đấu giá và đưa ra mức phí thấp. Việc xét chọn này cũng không được thành lập hội đồng như vốn thường thấy ở các buổi đấu thầu.

Lựa chọn công khai đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản công là xu hướng rất nên làm. Nó vừa tránh sự độc quyền không cần thiết của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, vừa tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Nhưng trong vụ “chọn mặt gửi vàng” nói trên đã vắng bóng tính công khai, minh bạch - tiêu chí cốt lõi của một cuộc đấu thầu. Chưa nói, cách làm có phần vội vàng, cùng nhiều dấu hiệu bất thường khiến không ít người nghĩ đến một khả năng “móc ngoặc”, tiêu cực nào đó.

Công ty sân sau”?

Chúng tôi liên hệ với Phòng Tài chính - Kế hoạch quận 5 để tìm hiểu vụ việc. Bà Huỳnh Thị Thu Cúc, Trưởng phòng, nói phải xin ý kiến của lãnh đạo quận mới trả lời báo chí. Sau đó, bà Cúc cho hay lãnh đạo quận nói có gì thắc mắc cứ liên hệ Sở tài chính. Lại hỏi vì sao không đăng báo công khai, bà Cúc nói do thời gian cập rập, gấp rút nên mới làm vậy. Về việc chỉ mời ba đơn vị chào giá, bà Cúc nói do họ biết thông tin và có liên hệ hỏi phòng. Hỏi vì sao Công ty cổ phần tư vấn thẩm định giá và dịch vụ tài chính biết thông tin, bà Cúc nói có lẽ công ty này biết được từ Sở Tài chính...

Được biết, Công ty cổ phần nói trên được thành lập từ đầu năm 2008. Tiền thân của nó là Trung tâm dịch vụ thẩm định giá và bán đấu giá tài sản, thuộc Sở Tài chính. Sau này Nhà nước quy định mỗi tỉnh thành chỉ thành lập một trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản nên trung tâm của Sở Tài chính phải giải thể. Sau đó, Công ty cổ phần nói trên ra đời, hoạt động theo Luật doanh nghiệp và không còn trực thuộc Sở Tài chính nữa. Tuy nhiên, trụ sở công ty này hiện vẫn đóng tại địa chỉ số 123 Trần Quốc Thảo, quận 3 - nơi trước đây Trung tâm của Sở Tài chính tọa lạc.



2. Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh có bài "TP. Cần Thơ: Bắt khẩn cấp nguyên cán bộ sở tư pháp". Bài báo phản ánh: Ngày 14-10-2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Cần Thơ ký quyết định bắt khẩn cấp đối với Trương Khắc Trung (SN 1972, ngụ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trung nguyên là cán bộ Trung tâm giao dịch bán đấu giá tài sản Sở Tư pháp TP.Cần Thơ.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 26-6 công an nhận được đơn tố cáo của chị Nguyễn Thị Anh Thư (SN 1981, ngụ quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) về việc Trung có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,4 tỷ đồng. Năm 2003, gia đình chị Thư có nhờ Trung mua lô đất tại đường Trần Văn Hoài. Trung dẫn cha của chị Thư đến xem và đồng ý bán lại với giá 1,6 tỷ đồng theo hình thức thanh toán chậm. Tin tưởng Trung là bà con lại là cán bộ nên gia đình chị Thư đồng ý. Từ ngày 17-10-2003 đến 5-12-2005, gia đình chị Thư đưa cho Trung hơn 1,4 tỷ đồng. Tiền đã giao nhưng không thấy đất, chị Thư tìm Trung để hỏi thì phát hiện lô đất Trung bán không thuộc quyền sở hữu của y. Trung khắc phục hậu quả được 20 triệu đồng rồi tìm cách lánh mặt. Chị Thư gởi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Tháng 3-2008, Sở Tư pháp cho Trung thôi việc.

Vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Báo cũng có bài "CHẬM CHỨNG THỰC VÌ “ĐỀ NGHỊ” CỦA VĂN PHÒNG LUẬT SƯ: Đương sự thiệt hại 830 triệu đồng ai chịu?". Bài báo phản ánh: Phòng Công chứng Nhà nước số 1 chậm chứng thực một ngày để “xác minh” theo văn bản “đề nghị ngăn chặn của văn phòng luật sư” dẫn đến việc đương sự chậm trễ thực hiện hợp đồng với đối tác và bị phạt 830 triệu đồng. Thiệt hại này ai chịu?

Đó là trường hợp của Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long (Cty Cửu Long) trụ sở tại 47 Cửu Long, phường 2, Tân Bình, TPHCM. Đại diện cho Cty Cửu Long, bà Nguyễn Thị Nghiệp - Giám đốc công ty - đã gửi văn bản khiếu nại đến Vụ khiếu tố khiếu nại (thuộc Văn phòng Chính phủ), Vụ quản lý luật sư (Bộ Tư pháp), Sở Tư pháp Hà Nội, Đoàn Luật sư Hà Nội... để kêu cứu về trường hợp bị thiệt hại rất oan ức của doanh nghiệp này.

Ngày 19-8-2008, Công ty Cửu Long ký hợp đồng mua tàu biển  với Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Sài Gòn. Để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng này, Cty Cửu Long ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – chi nhánh Phú Mỹ Hưng để vay một số tiền, với tài sản thế chấp là một con tàu khác của công ty. Ngày 11-9-2008, Cty Cửu Long và đại diện ngân hàng đến Phòng công chứng nhà nước (CCNN) số 1 thành phố Hồ Chí Minh nộp hồ sơ yêu cầu chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản là con tàu Hoàng Long của Cty Cửu Long. Các bước như ký tên, đóng dấu, lăn tay giữa hai bên được công chứng viên hướng dẫn thực hiện bình thường, nhưng đến quy trình xác nhận, chứng thực thì công chứng viên Từ Dương Tuấn – Phó trưởng phòng Công chứng Nhà nước số 1 - thông báo cho hai bên biết “chưa thể công chứng hồ sơ này, do trước đó vào ngày 20-5-2008, phòng công chứng nhận được văn bản yêu cầu của Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự (trụ sở tại Hà Nội), đề nghị các phòng công chứng trên địa bàn TPHCM tạm dừng công chứng các hồ sơ liên quan đến việc chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hay cho thuê các tài sản: nhà 47 Cửu Long, tàu Hoàng Long, tàu Long Vân (tài sản của Cty Cửu Long).

Quá bức xúc trước việc này, bởi tàu Hoàng Long cũng như các tài sản trên là tài sản hợp pháp của cá nhân và Cty Cửu Long (khi ký hợp đồng và đến phòng công chứng, bà Nghiệp đương nhiên mang theo các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với con tàu trên), bà Nghiệp đề nghị Phòng CCNN số 1 phải giải thích rõ ràng lý do không chứng thực hợp đồng cho bà. Ngày hôm sau, 12-9-2008, ông Từ Dương Tuấn mới cho mời đại diện Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự đến làm việc. Ông Tuấn yêu cầu phía văn phòng luật sư này cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh nội dung yêu cầu “dừng chứng thực” của mình đối với tài sản của bà Nghiệp và cả văn bản đề nghị ngăn chặn của cơ quan có thẩm quyền thì luật sư Nguyễn Sơn Hải - đại diện văn phòng luật sư này - cho biết, văn phòng luật sư của ông là đại diện theo ủy quyền của phạm nhân Ngô Đức Minh (tức Minh “sứt” - hiện đang thụ án chung thân về tội buôn bán ma túy tại trại giam Xuân Lộc) đang khởi kiện tại tòa tranh chấp căn nhà 47 Cửu Long (hiện do bà Nghiệp đứng tên chủ sở hữu) phường 2, Tân Bình. Còn các tài sản khác chưa khởi kiện vì “văn phòng luật sư đang thu thập chứng cứ”. Luật sư Nguyễn Sơn Hải cho rằng phòng công chứng được quyền chứng thực đối với tài sản trên nhưng “phải thông báo cho bên cho vay (ngân hàng) biết về việc Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự sẽ khởi kiện tranh chấp đối với tàu Hoàng Long theo yêu cầu của ông Ngô Đức Minh”. 

Sau khi tiến hành lập biên bản làm việc với đại diện văn phòng luật sư, với Cty Cửu Long và đại diện ngân hàng, buổi chiều cùng ngày, ông Tuấn mới tiến hành chứng thực cho hợp đồng thế chấp tài sản giữa Cty Cửu Long với ngân hàng trên. Tuy nhiên, việc chứng thực hoàn tất vào cuối giờ chiều ngày thứ sáu, 12-9-2008, nên việc giải ngân của ngân hàng không kịp trong ngày để Cty Cửu Long thanh toán tiền đặt cọc cho phía đối tác bán tàu (hạn chót đóng tiền cọc lần 1 để mua tàu là hết ngày 12-9-2008). Ngày thứ bảy và  chủ nhật, ngân hàng cũng không làm việc. Mãi đến thứ hai, 15-9-2008, Cty Cửu Long mới nhận được tiền từ ngân hàng để thanh toán cho đối tác. Và như vậy, Cty Cửu Long đã vi phạm hợp đồng do thanh toán trễ so với hợp đồng. Ngày 16-9-2008, phía bán tàu đã phát văn bản thông báo về việc Cty Cửu Long thanh toán chậm và bị phạt số tiền 830 triệu đồng.

Bà Nghiệp bức xúc: “Vì kiểu làm ăn tắc trách của những cá nhân và cơ quan có trách nhiệm đã gây thiệt hại nặng nề cho công ty chúng tôi. Tôi không hiểu Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự có quyền gì mà được phép đề nghị ngăn chặn giao dịch đối với tài sản của chúng tôi. Rồi phòng công chứng tại sao lại phải làm theo “đề nghị ngăn chặn” của văn phòng luật sư. Lẽ nào phòng công chứng lại không hiểu rằng văn phòng luật sư không phải là cơ quan có thẩm quyền ra văn bản “đề nghị ngăn chặn”?

Theo quy định, chỉ có 5 cơ quan có thẩm quyền được phép ra văn bản ngăn chặn gồm: cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, ủy ban nhân dân các cấp. Như vậy, văn phòng luật sư không hề có chức năng ra văn bản ngăn chặn. Nếu văn phòng luật sư có các chứng cứ chứng minh thì có thể cung cấp và đề nghị cho cơ quan có thẩm quyền để cơ quan này ra văn bản đề nghị ngăn chặn. Điều này hẳn phòng công chứng nhà nước phải biết, nhưng không hiểu sao trong trường hợp này lại  làm theo “đề nghị” của một văn phòng luật sư thì rất khó hiểu. Mới đây, Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự đã gửi văn bản phúc đáp cho bà Nghiệp, với nội dung “...với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của ông Ngô Đức Minh và để bảo vệ tài sản cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của ông Ngô Đức Minh, Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự có quyền nhân danh ông Ngô Đức Minh phát hành các công văn nêu trên...”. Bà Nghiệp cho biết, đang làm các thủ tục cần thiết để khởi kiện các bên liên quan đã trực tiếp và gián tiếp gây thiệt hại cho công ty của bà.

3. Báo Sài Gòn giải phóng có bài "Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp: Đặt tên lý lịch tư pháp hay lý lịch án tích?". Bài báo phản ánh: Theo thống kê của Bộ Tư pháp, từ năm 1999 đến năm 2007, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố đã cấp phiếu lý lịch tư pháp cho gần 548.000 trường hợp để làm các thủ tục như xin việc làm, thành lập doanh nghiệp, xuất khẩu, xuất khẩu lao động… Do vậy, đây là một nhu cầu rất thiết thực và là quyền của công dân. Thế nhưng trong nội dung dự thảo Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) đang đưa ra lấy ý kiến lại chưa đảm bảo cho công dân những quyền lợi chính đáng ấy.

Theo Bộ Tư pháp, quản lý LLTP có ý nghĩa quan trọng nhằm phục vụ hoạt động tố tụng, thống kê tư pháp, đáp ứng yêu cầu chứng minh nhân thân tư pháp của cá nhân trong những trường hợp cần thiết, tạo điều kiện cho người bị kết án trong việc xóa án tích, phục vụ công tác quản lý nhân sự của các cơ quan tổ chức… Tuy nhiên trong dự thảo của luật, thì LLTP lại được định nghĩa “… lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của tòa án và tình trạng thi hành bản án đó…”.

Bà Phan Thị Việt Thu (Hội Luật gia TP) cho rằng, định nghĩa như vậy có thể hiểu, chỉ người nào bị tòa kết án mới có LLTP và ngược lại những người nào chưa có án tích thì không. Ông Phan Hùng Dũng (Công an TP) nói: “LLTP phải thể hiện tất cả thông tin của công dân, những thông tin này đủ cơ sở để trình với các cơ quan khi có yêu cầu như xin việc, xuất cảnh, lập doanh nghiệp, chứ không phải như hiện nay khai rồi đem ra phường chứng thực”.

Theo ông Dũng, cần phải mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật để cung cấp bản lý lịch cần thiết ấy cho mọi công dân, tránh trường hợp “né” - những cái khó nhất, cần thiết nhất lại không đưa vào.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Du Lịch nói thêm: “Trong bối cảnh hiện nay, rất cần Luật LLTP để người dân thực hiện quyền vốn có của mình. Tuy nhiên nếu luật ra đời chỉ có phần án tích là không bao hàm hết nhu cầu của xã hội. Nếu dự thảo này được thông qua thành luật thì người dân khi dùng tới lý lịch vẫn phải ra phường chứng. Vậy thì thông qua luật để làm gì? Nếu luật ra đời chỉ phục vụ cho đối tượng có tiền án thì quá hạn hẹp, bởi người có tiền án chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cộng đồng.

Đa số các ý kiến góp ý đều cho rằng nếu quy định như trong dự thảo thì nên đổi tên luật thành Luật Lý lịch án tích. Thực tế, tất cả mọi công dân đều cần LLTP, thế nên để đúng nghĩa là Luật LLTP thì cần nghiên cứu soạn thảo, bổ sung các điều khoản để đảm bảo khi có luật, mọi công dân đều được hưởng quyền lợi về LLTP.



Lý lịch tư pháp không phải là tàng thư can phạm!

Hiện nay chưa có cơ sở dữ liệu tư pháp chính thức, nên trong nhiều năm qua, các Sở Tư pháp phải tra cứu thông tin từ hệ thống tàng thư căn cước can phạm của ngành công an và từ hồ sơ án lưu của tòa án để làm căn cứ cấp phiếu LLTP cho công dân.

Theo Bộ Tư pháp, về mặt quản lý nhà nước, trong một thời gian dài từ năm 1957 đến năm 1993, LLTP bị đồng nhất với tàng thư can phạm. Cách làm này chỉ là giải pháp tạm thời, còn nhiều hạn chế, kém hiệu quả và không phù hợp với nguyên tắc cải cách hành chính. Trong khi đó, các thông tin về LLTP đang bị phân tán bởi nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau như Tòa án (các bản án hình sự), Viện Kiểm sát (thống kê tội phạm), Công an (tàng thư căn cước can phạm) và Tư pháp (sổ sách về hộ tịch và thi hành án dân sự).

Hiện nay, việc tra cứu phục vụ công tác cấp phiếu LLTP do ngành công an đảm nhiệm. Tuy nhiên, do đây là một trong những tàng thư nghiệp vụ phục vụ chủ yếu cho công tác điều tra tội phạm của ngành công an nên các thông tin này còn nhiều điểm chưa phù hợp với mục đích, yêu cầu của việc cấp phiếu LLTP. Thông tin mà cơ quan quản lý LLTP quan tâm là việc xác định một người có tiền án hay không có tiền án.

Trong khi đó, không phải trường hợp nào hệ thống tàng thư căn cước can phạm của ngành công an cũng cập nhật và ghi nhận toàn bộ diễn biến việc xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của đương sự (kết quả của quá trình tố tụng). Do vậy, phiếu báo kết quả xác minh chỉ dừng lại ở việc thông báo về vi phạm của đương sự mà không khẳng định được là đương sự có bị kết án hay không, có tiền án hay không. Với những trường hợp như vậy, Sở Tư pháp của các tỉnh,  thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong việc lập và cấp phiếu LLTP. Điều này khiến cho việc cấp phiếu LLTP không đảm bảo thời gian quy định, gây phiền hà, bức xúc cho người dân vì phải chờ đợi lâu, đi lại nhiều lần.

Đối với công dân có thời gian cư trú ở ngoài tỉnh, người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhu cầu cấp phiếu LLTP thì công việc càng nhiêu khê hơn. Cơ quan công an cấp tỉnh phải chuyển hồ sơ ra Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Bộ Công an (C27) để tra cứu. Sau khi có kết quả tra cứu, phòng hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát tỉnh, thành thông báo kết quả xác minh cho Sở Tư pháp của các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, kết quả xác minh mà Sở Tư pháp nhận được từ phòng hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát thường là quá thời gian quy định, dẫn đến việc cấp phiếu LLTP cho công dân bị kéo dài, làm ảnh hưởng đến việc bổ sung hồ sơ cá nhân của các đối tượng nêu trên…



Trên đây là điểm báo sáng ngày 17/10/2008, Văn phòng xin báo cáo Lãnh đạo Bộ./.

Nơi nhận:

- Bộ trưởng;

- Các thứ trưởng;

- Lưu TH.

VĂN PHÒNG BỘ



Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 62 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương